You are on page 1of 16

Câu 1: Trong lời kết cuốn sách Bước chậm lại giữa thế gian vội vã, Hae

Min - đại
đức người Hàn Quốc đã viết: Cảm ơn bạn vì đã có mặt trên thế gian này.
(Nguyễn Việt Tú Anh dịch, Bước chậm lại giữa thế gian vội vã, NXB Đại học
Quốc gia Hà Nội, 2019)
Là một người trẻ, anh/chị suy nghĩ gì về ý kiến trên của đại đức Hae Min?

Câu 2: Có ý kiến cho rằng: “Một tác phẩm văn chương đích thực bao giờ cũng ẩn
tàng trong nó cái khả năng khơi dậy chất người trong con người và nâng đỡ con
người vượt lên chính nó.”
Bằng trải nghiệm văn học, hãy nêu ý kiến về nhận định trên.

BÀI LÀM:
Câu 1:
“Khi trò chơi kết thúc, vua và tốt đều quay trở về cùng một chiếc hộp”
Câu ngạn ngữ nổi tiếng của nước Ý ấy khiến tôi đã hơn một lần băn khoăn về cái
lẽ: Chúng ta thực sự đang sống vì điều gì? Trong khi, dù thắng hay thua, dù là vua
hay tốt, rốt cuộc thì cuối con đường kia, nơi chốn chúng ta trở về cũng chỉ là
những chiếc hộp gỗ tựa nhau? Đâu phải con người ta không biết cái lẽ vô thường
ấy. Chỉ là biết nhưng với sự kiêu hãnh của cái tôi, với niềm tin được tượng đài hóa,
và với cả sự cố chấp của mình, con người vẫn ngày ngày dấn thân vào đời sống
theo cách của riêng mình. Song, đôi khi trong những làn sóng tranh đua của cuộc
sống ấy, ta lại quên mất (:) được sống, được tồn tại và hiện diện trên thế giới này
đã là một điều đáng trân quý biết bao. Có lẽ bởi vì thế mà trong lời kết cuốn sách
Bước chậm lại giữa thế gian vội vã, Hae Min - đại đức người Hàn Quốc đã viết vô
cùng cảm động thế này: Cảm ơn bạn vì đã có mặt trên thế gian này.

Lật dở từng trang của cuốn sách Bước chậm lại giữa thế gian vội vã, tôi chợt nhìn
thấy lời đề từ tựa như một lời nhắc nhở, vừa dung dị mà thân thiết, gần gũi vô
cùng: “Khi ta bắt đầu yêu lấy bản thân mình thì thế gian cũng bắt đầu yêu lấy ta".
Cả cuốn sách là những bài thơ ngắn nhẹ nhàng, vừa như sự thủ thỉ tâm tình, lại
giống như những triết lý hết sức bình dị, đơn giản về những điều trong cuộc sống
thường nhật, để rồi khi kết thúc cuốn sách là lời cảm ơn: “Cảm ơn bạn vì đã có mặt
trên thế gian này.” Câu văn ấy gồm hai vế, được nối với nhau bằng quan hệ từ
“vì”. Nhà văn đã trực tiếp bộc lộ sự biết ơn, sự trân trọng và nâng niu “sự có mặt”-
sự hiện diện, sự sống của những con người trên thế gian này. Hơn thế nữa, lời cảm
ơn đầy chân thành ấy lại được đặt ở lời kết của cuốn sách, đó cũng chính là nơi bộc
lộ rõ nhất suy nghĩ cuối cùng của tác giả khi đặt dấu chấm hết cho bản thảo của
mình. Qua lời cảm ơn ấy, tôi không chỉ nhận ra sự trân trọng của đại đức Hae Min
với mỗi tồn tại trên cuộc đời này mà còn nhận ra một bài học cho mình về sự nâng
niu/ nên thêm “khẳng định” giá trị của mỗi con người đang hiện diện trên cuộc đời
này.
=> Đoạn giải thích về cơ bản em viết khá. Tuy nhiên, có lẽ do chưa thực sự thuần
thục kĩ năng nên đôi chỗ viết hơi cứng, hơi thô theo công thức; diễn đạt còn mắc
nhiều lỗi => Nên chậm lại để suy nghĩ, chắt chiu câu từ.

Tôi tự vấn rằng, điều gì khiến cho tác giả Hae Min dành nhiều sự trân trọng với giá
trị của con người như thế? Nhà thơ người Nga EvansTusko đã từng viết như một
sự sẻ chia:
Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời
Mỗi số phận chứa một phần lịch sử
Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ
Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?
Mỗi con người sinh ra trên đời đều mang trong mình một số phận riêng, ta ôm
trong mình sứ mệnh, một khát khao, một lí tưởng sống thuộc về riêng mình. Dẫu
bộ máy gen có cho ra hai sản phẩm hoàn toàn giống nhau thì cũng sẽ không tồn tại
hai bản thể người với lối tư duy, suy nghĩ, hành động mà không có điểm khác biệt.
Bản thân điều đó đã làm nên giá trị riêng biệt của mỗi cá thể. Mặt khác, con người
ta được sinh ra với một bộ não ưu việt và một trái tim biết yêu thương. Trải qua
hàng ngàn năm tiến tới văn minh, con người ta đã tạo ra xã hội với những phần tử
cá nhân nằm trong đó. Mỗi phần tử ấy vừa liên kết chặt chẽ với cộng đồng của
mình, vừa kiến tạo nên cộng đồng đó mà sợi dây gắn chặt cộng đồng ấy là tình yêu
thương, sự đồng cảm và sẻ chia. Thật vậy. Con người ta đã vượt thoát khỏi xiềng
xích của bản năng để tiến tới tính thiện, ta biết trao đi yêu thương và che chở cho
“giống loài của mình”. Còn nhớ đến mẹ Teresa - vị thánh của những người cùng
khổ. Bà đã dành trọn cuộc đời của mình để chăm sóc cho những người khó khăn,
nghèo khó, cho những số phận bất hạnh. Ngay cả khi giành được giải thưởng
Nobel Hòa bình cho những nỗ lực nhân đạo của mình, bà cũng không ngần ngại
giành toàn bộ tiền thưởng gần 200.000 USD để ủng hộ cho người nghèo tại Ấn Độ.
Lời tuyên thệ “nếu có người nghèo trên Mặt Trăng, tôi cũng sẽ lên tận Mặt Trăng"
của người phụ nữ hồn hậu ấy đã gợi nhắc cho tôi về những giá trị đáng trân trọng
của con người. Dù ở thời đại nào, với sắc tộc hay tôn giáo ra sao, con người vẫn
luôn là một sinh thể mang trong mình tình yêu thương, lòng đồng cảm và nhân ái
sâu sắc. Mặt khác, tư duy duy lý và những sản phẩm trí tuệ vượt trội chính là hai
yếu tố để phân biệt giữa con người và các loài sinh vật khác. Ta sinh ra vẫn tồn tại
trong mình những khiếm khuyết, bất toàn, ta đâu thể chạy nhanh như loài báo với
tốc độ 80 km/h, ta cũng chẳng thể bay nhanh như loài chim tung cánh trên trời.
Nhưng với những nỗ lực và sáng tạo không ngừng, con người ta đã đạt được những
thành tựu khoa học nhất định, khắc phục những khiếm khuyết về mặt sinh học.
Hơn thế nữa, sự hiện diện, sự tồn tại của cá thể trên hành trình dài rộng của cuộc
đời mang tính hữu hạn. Chính vì là ngắn ngủi, là hữu hạn, là vô thường nên sự tồn
tại của mỗi con người lại càng trở nên ý nghĩa và đáng trân trọng hơn bao giờ hết.
Bởi tất thảy những điều ấy mà ta càng phải cần nâng niu giá trị của mỗi con người
đang hiện diện trên thế gian này - nâng niu sự sống của người khác và trân trọng
cuộc sống, giá trị của chính mình.
=> Phần này đáng lý ra là luận điểm chính yếu nhưng em lại viết không đến nơi
đến chốn. Cụ thể, các luận điểm nhỏ em gợi ra để chứng minh cho giá trị của con
người - vốn không sai khi chị ngó qua, nhưng vấn đề gặp phải là viết không tới, lập
luận không hết, viết lửng lơ chưa xong đã sang một ý khác. Thậm chí, giữa các ý
còn thiếu sự liên kết với nhau trong cách sử dụng các từ liên kết + cách lý giải vấn
đề. Ở đây chị thấy được từ 2 - 3 ý, tuy nhiên các ý vì thiếu sự liên hệ với nhau
(không có quan hệ “mặt khác”) nên rất khó để làm rõ các ý muốn nói. Đồng thời,
dẫn chứng đưa ra không bao quát được tất cả các luận điểm => Nên thêm các dẫn
chứng khác cho cả 3 luận điểm nhỏ em đặt ra

Thấu hiểu và trân trọng sự hiện diện của kẻ khác - tưởng chừng như đơn giản mà
lại cần lắm tình yêu thương, bao dung và trắc ẩn. Trong chuyện “con mèo gọi (dạy)
hải âu bay”, tác giả đã từng viết vô cùng thấm thía thế này: “Thật dễ dàng để chấp
nhận và yêu thương kẻ nào giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực
sự rất khó khăn.” Mỗi sinh thể tồn tại trên đời chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố nội
- ngoại khác nhau, từ bộ máy di truyền đến môi trường, thời đại, đất nước mà họ
sinh ra và lớn lên. Bởi lẽ đó mà trong một cộng đồng người với đa sắc tộc, việc
nâng niu, trân trọng sự hiện diện của người khác, thấu hiểu, đồng cảm với cuộc
đời, số phận của những “kẻ khác mình” chưa bao giờ là một câu chuyện dễ dàng.
Chính lời cảm ơn đầy chân thành của đại đức Hae Min ấy đã gợi nhắc trong tôi câu
chuyện về lòng yêu thương và trân trọng giá trị của người khác - trân trọng giá trị,
sự hiện diện và có mặt của mọi cá thể trên đời. Hơn thế nữa, lời kết của cuốn sách
chữa lành đó đã gửi gắm thông điệp an ủi, đưa đến cho những trái tim đang trên bờ
vực tuyệt vọng, hoài nghi về sự tồn tại của chính mình một cái ôm, một cái vỗ vai
động viên. Soi chiếu vào thực tại xã hội nơi cụm từ “hustle and bustle” (ồn ào, vội
vã, xô bồ) dường như đã trở thành một tính từ miêu tả trạng thái cuộc sống xã hội -
hối hả, vội vã, đua tranh, hoài nghi và khốc liệt, lời cảm ơn đầy chân thành của đại
đức Hae Min với sự hiện diện của mỗi con người trên cuộc đời ấy đã trở thành một
động lực, một điểm tựa cho con người ta tiếp tục vững vàng mà bước tiếp trên
hành trình dài rộng của cuộc đời. Mặt khác, “bước chậm lại giữa thế gian vội vã” -
một tựa sách nhẹ nhàng, dung dị mà gợi nhắc cho ta về một sự sống trọn vẹn, tận
hưởng từng phút giây, khoảnh khắc của cuộc đời. Như thế mới thấy, lời cảm ơn
bình dị thế thôi nhưng đã trở thành điểm tựa, thành bài học triết lý quý giá cho con
người ta trong hành trình sống của riêng mình.

Tôi tự vấn rằng, con người ta phải sống như thế nào để sự hiện diện của mình trên
đời trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết? Ta phải sống thế nào đây để khi nhắm mắt
xuôi tay, ta không phải xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí
của chính mình? “Be present” - sống trong thực tại. Có ba thứ con người không thể
tránh khỏi: đó là sinh ra, sống và chết. Ta không thể thay đổi cách mình sinh ra
cũng chẳng thể có những tiên đoán về tương lai hay về cái chết của chính mình,
điều duy nhất con người ta có thể thực thi là sống trong thực tại - sống cho những
giá trị ngay trước mắt, sống hết mình trong từng phút, từng giây, sống bằng chính
niềm hạnh phúc trong thực tại. Trước khi thực sự sống bằng cơ thể khác thường
của mình, Nick Vuijic đã trải qua mấy mươi lần tự tử bất thành cho đến khi ông
chấp nhận quá khứ, thứ tha cho chính cuộc đời và số phận của mình, để sống trọn
vẹn bằng những giá trị trong thực tại. Có phải thế không? Rằng sống trong thực tại
cũng cần nhiều lắm lòng can đảm và nỗ lực của mỗi con người. “Be grateful” -
sống biết ơn. Được hoài thai bởi cái “duyên” với cuộc đời, được sinh ra trong tình
yêu thương của cha mẹ, lớn lên trong sự chở che và bao dung của quê hương, đất
nước. Con người ta ngay từ khi lọt lòng đã liên kết với xã hội, với cộng đồng
những người xung quanh. Từ đó, sự sống có ý nghĩa là một sự sống khi ta biết trân
trọng những gì mình có trong thực tại - sống biết ơn với những giá trị của mình, để
rồi từ đó ta học cách trao gửi yêu thương, lan toả tình yêu đến cộng đồng, biết giúp
đỡ những người khó khăn, để ta biết cảm thông và trân trọng với những số phận
còn bất hạnh nơi cuộc đời. “Be passionate” - sống với những đam mê. Dẫu dài hay
ngắn, cuộc đời này cuối cùng cũng phải chấm hết, con người rồi một ngày cũng trở
về với tro bụi, chính vì điều đó mà ta lại càng phải sống hết mình, sống với những
khát khao, hi vọng và ước mơ của chính mình, như nhà thơ Xuân Diệu từng viết
rằng:
“Thà một phút huy hoàng ròi vụt tắt
Còn hơn nỗi buồn le lói suốt trăm năm”

Christine Hà - từ người phụ nữ không thể nhìn thấy ánh sáng đến vua đầu bếp Mỹ
2013, những khiếm khuyết trên cơ thể không thể dập tắt tình yêu, ngọn lửa đam mê
và khát cháy toả sáng của người phụ nữ ấy. Bà đã mang ngọn cờ Việt Nam ra
trường quốc tế, đã mang đến cho sân chơi nước bạn những văn hoá ẩm thực của tổ
quốc mình. Câu chuyện truyền cảm hứng của Christine Hà không chỉ gợi nhắc cho
tôi về những con người vẫn đang âm thầm bền bỉ đưa quê hương mình vươn ra
quốc tế mà còn truyền cho tôi niềm tin, sự hy vọng vào những nỗ lực và ước mơ
của bản thân mình. Như thế mới thấy, có những sự hiện diện mà nhờ họ, đất nước
ta ngày càng vươn xa, nhờ họ mà những người xung quanh như được tiếp thêm
năng lượng, có thêm niềm tin mà vững vàng đi tiếp trên hành trình sống của chính
mình. Vì sự sống - là để sống bằng trọn vẹn trái tim và khối học, niềm tin và hy
vọng vào cuộc đời; vì sống - là sống, chứ chẳng để phí hoài.

17 tuổi, tôi sống trong thời kỳ bùng nổ của công nghệ số, tôi chật vật, hoài nghi giá
trị của chính mình khi nhìn thấy những thành tựu, bước tiến vượt trội của những
người khác. Tôi liên tục chất vấn bản thân vì chưa thể tỏa sáng như bè bạn, không
có năng khiếu đàn hát, cũng chẳng giỏi thể thao. Những khi đó, tôi hoài nghi về sự
hiện diện của mình trên cuộc đời. Cho đến khi đọc câu chuyện Một lít nước mắt,
tôi đã vô cùng xúc động khi nghe Kito Aya kể về ước mơ của em: “Có những
người mà sự tồn tại của họ giống như không khí, êm dịu, nhẹ nhàng, chỉ khi họ mất
đi người ta mới nhận ra họ quan trọng nhường nào. Mình muốn trở thành một sự
tồn tại như thế.” Có những sự hiện diện rực rỡ, lại có những tồn tại lặng thầm,
nhưng đâu có cái nào là cao quý, là quý giá hơn cái nào? Tạo hoá đã hoài thai mọi
sự trên đời với những cấu trúc, chức năng và sứ mệnh riêng. Vì lẽ đó mà mọi sự
tồn tại đều xứng đáng được tôn trọng, yêu thương và nâng niu. Để từ đó, cô bé 17
tuổi ấy thấu hiểu rằng chỉ cần sống trọn vẹn với những giá trị của riêng mình, thì
đó đã là một sự sống có giá trị và đáng trân trọng xiết bao.

“Cứ sống cho thật tốt


Và hãy ước mơ đi
Cuộc đời này chỉ một
Sinh mệnh có hạn kỳ

Sống làm thân đại thụ


Hay ngọn cỏ ven đường
Vô danh hay thành tựu
Phận nào, cũng phải vươn”.
(Mai Thanh Hạ)
=> Liên hệ bản thân như thế này là khá tốt. Tuy nhiên, để tốt hơn nữa thì, việc chia
sẻ một câu chuyện cụ thể có thực của cá nhân em mới là thứ mà người chấm mong
đợi. Lưu ý về điều này nhé dù có một vài trường hợp bài quá dài sẽ không đủ thời
gian/ dễ rơi vào tình trạng kể lể dài dòng
Dẫu là thân đại thụ hay ngọn cỏ ven đường, dù là vô danh hay thành tựu, tỏa sáng
rực rỡ hay hiện diện lặng thầm, hi vọng cả tôi và bạn đều đi đến hết hành trình dài
rộng của cuộc đời bằng tình yêu thương, sự bền bỉ nỗ lực và những khát khao của
riêng mình. Và, cảm ơn bạn vì đã có mặt trên thế gian này.

Câu 2: Có ý kiến cho rằng: “Một tác phẩm văn chương đích thực bao giờ cũng ẩn
tàng trong nó cái khả năng khơi dậy chất người trong con người và nâng đỡ con
người vượt lên chính nó.”
Bằng trải nghiệm văn học, hãy nêu ý kiến về nhận định trên.

Văn học đã đi vào cuộc sống với sứ mệnh chữa lành và cảm hoá nhân loại. Nó đưa
rước những linh hồn lạc lõng tìm được nơi an trú, nó phả vào thời đại những hơi
thở ấm nồng, và đôi khi, những trái tim ngoài kia còn nguyên nhịp đập, là bởi vì họ
còn văn chương để bám víu. Có phải chăng vì chính lẽ ấy mà có người đã từng tâm
niệm thế này: “Một tác phẩm văn chương đích thực bao giờ cũng ẩn tàng trong nó
cái khả năng khơi dậy chất người trong con người và nâng đỡ con người vượt lên
chính nó.”

Mỗi người nghệ sĩ khi bước vào “trường văn chiến bút" hẳn sẽ luôn ôm ấp một
chiêm mộng rằng đứa con tinh thần của anh ta sẽ trở thành điểm tựa quý giá cho
những tâm hồn không nơi nương tựa ngoài kia. Song để làm được điều ấy, tác
phẩm mà anh hoài thai ra ấy phải là một “tác phẩm văn chương đích thực"- là một
sáng tạo nghệ thuật được ủ đầy trong men say của cuộc đời để rồi cất lên những giá
trị nhân văn, nhân bản sâu sắc, hướng về con người và vì con người mà tồn tại.
Mặt khác, tác phẩm đó tự nó phải “ẩn tàng khả năng khơi dậy chất người trong con
người”, chất người ở đây phải chăng là lương tri, là tính thiện, là “hạt ngọc ẩn giấu
trong bề sâu tâm hồn con người”? Không chỉ mang thiên chức hướng thiện mà một
sáng tạo nghệ thuật chân chính còn phải “nâng đỡ con người vượt lên chính nó”.
Bản thân con người vốn là một sinh thể đầy phức tạp, nó là một hỗn thể của những
mặt đối lập, hơn nữa, sự tồn tại của con người là một sự tồn tại giới hạn, không
vượt thoát được khỏi quy luật của cuộc đời, cũng chẳng thể tránh nổi những khổ ải,
đớn đau của cuộc sống. Bởi lẽ ấy mà sự “nâng đỡ” của văn học có thể được nhìn
nhận như sự chắp cánh cho con người vượt lên trên những khiếm khuyết, những
bất toàn, những gì là xấu xa trong nhân cách, là sự cứu rỗi cho những tâm hồn
đang bị đày đọa bởi những đớn đau, khổ ải, đang bị cầm tù trong chính số phận của
mình. Như thế mới thấy, nhận định trên vừa tái định nghĩa cho sự chân chính của
một tác phẩm văn học, đồng thời xác lập yêu cầu của văn chương dành cho một
sáng tạo nghệ thuật đích thực “gắn liền với chức năng nhân đạo hóa của nó”: Nó
không chỉ khơi dậy phần lương tri trong mỗi cá thể mà còn phải chắp cánh, phải
nâng đỡ con người vượt lên trên chính mình- vượt ra khỏi những khổ đau, những
giới hạn, những xấu xa và bất toàn, để rồi hướng con người đến “những vùng trời
đẹp hơn, nhân tính hơn”. (Nguyễn Đình Thi).
=> Phần giải thích khá tốt. Tuy nhiên, chú ý thêm việc giải thích từ “ẩn tàng” gắn
với cách thức mà tác phẩm văn học thực hiện chức năng giáo dục, nhân đạo hóa
của nó với con người

Nhớ khi xưa, thi sĩ Phùng Quán đã từng viết như một sự sẻ chia:
Có những phút ngã lòng
Tôi vịn vào câu thơ mà đứng dậy
Tôi tự vấn rằng điều gì đã khiến cho văn học trở thành một điểm tựa vững chắc
như thế? Phải chăng bởi lẽ văn chương nghệ thuật tự cổ chí kim luôn “ẩn tàng
trong nó cái khả năng khơi dậy chất người”? Thật vậy, văn học xưa nay bao giờ
cũng đặt vị thế của con người ở trung tâm, nó quan tâm đến đời sống cá nhân, đến
những suy tư trăn trở, đến những khổ đau cơ cực hay hạnh phúc vẹn tròn của con
người. Mặt khác, không chỉ đặt cái nhìn vào số phận con người, văn chương còn
đồng hành, đồng cảm với số phận của mỗi cá nhân, để thấy cái lý trong những
nghịch lý, để thương những người không ai thương. Để rồi từ chỗ chưa hiểu hết,
hiểu lầm về con người, ta tiến dần hơn đến thấu hiểu và cảm thông. Đồng hành và
hóa thân vào nhân vật, độc giả được trải nghiệm cuộc sống của một kẻ khác mình,
bản thân điều đó đã khẳng định rõ ràng “khả năng khơi dậy chất người”, khơi
nguồn lòng đồng cảm, sự trắc ẩn và tình yêu cho con người ở văn học.
=> Ở phần này, có lẽ em đang đưa ra lý giải cho luận điểm: văn chương “ẩn tàng
trong nó cái khả năng khơi dậy chất người”. Phần lập luận có điểm đúng, nhưng
chưa thật sự đủ. Để làm rõ được “chất người”, em phải chỉ ra được và so sánh với
phần “không người” trong các tác phẩm mà nhà văn đề cập tới. Giống như việc:
văn học dù viết về cái đẹp đẽ, thiên lương khiến người ta nao lòng xúc động, hay
về cái xấu xa, bần hèn, thấp kém, những số phận côi cút bé nhỏ chẳng ai để tâm,
cũng vẫn luôn “ẩn tàng trong nó cái khả năng khơi dậy chất người”. Em phải chỉ ra
được, bên cạnh việc gây xúc động - tác động về mặt cảm xúc (đồng cảm, sẻ chia,
cảm thông…), cần chia được ra khả năng khơi dậy “chất người” này thể hiện ở
những đâu, qua những dẫn chứng nào trong thế tương quan với phần “không
người”, sự chống lại phần “con” trong mình.
VD:
/ “Đây mùa thu tới” – Xuân Diệu: ngay cả khi khiến con người xúc động trước cái
đẹp, yêu cái đẹp cũng là lúc văn chương trở nên “đích thực”

/ Chất người trong “Chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ” - Svetlana
Alexievich ở phân cảnh cô gái phải tự tay bắn chết một con ngựa con - nỗi dằn vặt,
giằng xé tâm hồn
/ Chất người trong “Chúa ruồi” - William Golding trong việc đưa ra chất vấn về
việc: “Nhân chi sơ tính bản thiện hay Nhân chi sơ tính bản ác”?
/ Chất người trong “Những ngọn gió Hua tát” - Nguyễn Huy Thiệp….

Ở đây em nên thêm các dẫn chứng diện/điểm để chứng minh cho ý tứ của mình
(Gợi ý: 4 khúc đàn của Kiều, “Tự tình” - Hồ Xuân Hương, “Khuê oán” - Vương
Xương Linh, “Nguyệt dạ” - Lý Bạch...). Sau mỗi luận điểm cần minh chứng để
làm sáng tỏ hơn.

Hơn thế nữa, văn học là thứ “khí giới thanh cao và đắc lực", nó là thanh giao liên
dẫn lối đưa đường, nó giúp “con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin
vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lý”
(M.Gorki). Con người là phức hợp của những mặt đối lập, của tốt-xấu, trắng-đen,
rồng phượng-rắn rết, là một sinh thể bị giới hạn trong không gian và thời gian, chịu
sự chi phối nhất định của môi trường. Đối mặt với những khổ đau, bất toàn, những
khiếm khuyết và giới hạn, văn chương mang thiên chức “nâng đỡ con người vượt
lên chính mình”. Nhà văn ôm lấy sứ mệnh bênh vực những con người cùng đường,
tuyệt lộ, dành sự quan tâm đến những số phận bị quẳng bên rìa của sự sống, anh ta
phải làm sao để những sáng tạo của mình có khả năng khích lệ, gieo vào trong tâm
tưởng độc giả những hạt mầm của những cơn mơ, của những hi vọng trên đời, phải
làm sao để đứa con tinh thần của anh ta trở thành điểm tựa, thành động lực vững
vàng để rồi bạn đọc bám víu vào đó mà vượt lên trên chính mình, để vững vàng mà
bước tiếp bằng niềm tin tốt đẹp và văn học đã gửi gắm.
=> Em cần thêm dẫn chứng cho luận điểm đặt ra. Đồng thời nêu thêm ý chị vừa
thêm để tạo nên tính liên kết với phần lập luận ở phần “ẩn tàng trong đó khả năng
khơi dậy chất người”. Cụ thể, văn chương “nâng đỡ con người vượt lên chính
mình” không chỉ là sự vượt lên bằng niềm tin sống, mà còn là sự vượt lên những
mặt tăm tối, chiến thắng phần “con” trong mình để hướng tới cái thiện, cái hoàn
thiện của con người - dẫu cho tác giả có phơi bày những xấu xa trong mỗi cá thể,
vốn không phải để người ta thêm tuyệt vọng vào sự sống, vào sự hiện diện của ta
trên cuộc đời này.
VD:
/ Niềm tin vào con người đặt để nơi những người phụ nữ dịu dàng, kiên nhẫn và
lương thiện các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp (VD: “Không có vua”)
/ Cuộc tranh đấu nội tâm và sự vượt lên phần con ích kỉ, tham lam của con người
trong “Sợi tóc” (Thạch Lam), trong “Bức tranh” (Nguyễn Minh Châu)

Mặt khác, văn học “ẩn tàng" trong đó “khả năng khơi dậy tính người” và “nâng đỡ
con người vượt lên trên chính mình” bởi lẽ văn chương không rao giảng, không
thuyết giáo bằng những con chữ xơ xác vô hồn như báo chí; cũng không thiết lập
những mệnh đề nghiên cứu cứng nhắc, khô khan như tôn giáo hay triết học. Văn
chương đem đến cho con người những trải nghiệm, thâm nhập vào sâu bên trong
những ý nghĩ, cả những tình cảm thoáng qua của nhân vật để trăn trở, để nghĩ suy,
tự rút ra những bài học, lẽ sống cho bản thân một cách tự nhiên và thấm thía.Văn
học neo đậu nơi lòng người bằng những xúc cảm chân thành nhất, bằng những tâm
tư sâu kín mà xúc động nhất, để lại trong tâm tưởng bạn đọc ấn tượng sâu sắc bằng
những con chữ đầy sống động, những hình ảnh, hình tượng mang nặng tính ám
ảnh, gợi ra muôn vàn những tầng sâu liên tưởng thú vị và đặc sắc.

Văn chương nghệ thuật “khơi dậy tính người" ngay trong chính bản thể con người
bằng con đường tự trải nghiệm. Nó dẫn dắt con người lần bước theo hành trình của
những nhân vật, cùng nhân vật trải nghiệm, bởi nhân vật tự chính nó đã là một
“con người tưởng tượng", “một cái tôi thử nghiệm” (Milan Kundera). Qua những
tình huống, số phận, sự lựa chọn, chứng kiến kết quả, hậu quả của nhân vật, độc
giả được hoá thân, được sống lại một cuộc đời khác để rồi từ đó, độc giả tự phản tư
và đúc rút ra những ý nghĩa cho riêng mình, bản thân quá trình này đã khơi dậy
trong con người ý thức về nhân tính, bảo trì tính thiện trong bản thể con người. Ta
còn nhớ đến ông Diểu và cuộc đi săn bất thường trong Muối của rừng của nhà văn
Nguyễn Huy Thiệp. Ông Diểu bước vào rừng với khẩu súng - một sản phẩm đại
diện cho sự văn minh tân tiến của loài người, cùng với vỏ bọc văn hoá - là lớp
quần áo, là thứ đạo đức nghi kỵ thù hằn đang khống chế sự diễn giải của ông về
mối quan hệ trong tự nhiên (Bổ sung thêm cho rõ sự cắt nghĩa thế giới tự nhiên
đang bị đanhs tráo với những trải nghiệm cá nhân của nhân vật trong đời sống xã
hội + cho thêm thêm dẫn chứng là các cụm từ mà ông Diểu dùng để đánh giá tự
nhiên). Đi săn dường như đã trở thành một “thú vui say máu”, nó khơi dậy bản
năng chinh phục, cái ham muốn thống trị, đứng từ phía trên cao nhìn xuống sự đau
đớn của những con thú đang quằn quại dưới vũng máu của chính mình. Hình ảnh
ông Diểu với quyết tâm phải bắn cho được “một con khỉ hoặc chú sơn dương”, ông
cho rằng việc con khỉ cái hi sinh thân mình bảo vệ con khỉ đực chỉ là một tấn kịch
không hơn không kém “Đồ gian dối! Mày chứng minh tấm lòng cao thượng hệt
như một bà trưởng giả” đã nhấn mạnh bản năng nguyên thuỷ của con người. Ở
đây, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã đưa ra tình huống chấn thương của con khỉ đực
một “phép thử” cho nhân tính của nhân vật. Khi chứng kiến con khỉ đực “run bắn",
“đưa đôi mắt đờ dại", “quằn quại”, “co rúm người", “nghiêng đôi mắt ươn ướt",
ông Diểu đã chợt dấy lên niềm thương hại và mủi lòng. Nhân vật đi từ chỗ bản
năng khát máu, từ cái tức cười khi chứng kiến sự hi sinh của động vật, từ tâm trạng
hài lòng khi làm điều ác đến trạng thái hoảng loạn, bối rối- ông tìm cách “hái lá
đắp cho con khỉ", loay hoay “cởi chiếc quần lót" - mảnh giáp cuối cùng trên cơ thể
để băng bó cho nó. Bước vào khu rừng với với vũ khí như một điểm tựa văn minh,
với lớp quần áo như một vỏ bọc của văn hoá, với bản năng khát máu và chinh
phục, trải qua một hành trình dài, ông Diểu tự ý thức bản thân đang làm điều ác,
đang bị chính bản năng, tính thú của mình chiếm đoạt, để rồi ông từ bỏ tất cả, trở
về cùng hai bàn tay trắng và con người trần truồng với phần người, với lương tri
đang dần trỗi dậy và thắng thế. Thiết lập một phép thử, một tình huống bất thường
trong văn học cùng với hình ảnh hoa tử huyền ở cuối câu chuyện, nhà văn Nguyễn
Huy Thiệp đã tô đậm ý nghĩa về giá trị khởi nguyên, giá trị khởi nguồn và ý niệm
về con người hướng thiện. Cho phép độc giả được hoá thân, được đồng hành cùng
nhân vật, từ đó, bạn đọc có cơ hội tự soi lại mình, tự nhìn nhận lại chính bản thân
trong hành động, suy nghĩ, lựa chọn của nhân vật. Maxim Gorky tâm niệm rằng:
“Mỗi tác phẩm chân chính như một bậc thang mà khi bước lên, tôi tách ra khỏi con
thú để lên gần hơn với con người", đối với tôi, “muối của rừng” là một tác phẩm
như thế.
Mặt khác, văn học còn “khơi dậy chất người” qua khả năng vạch rõ cái xấu xa, cái
“rắn rết” ở trên đời. Trong truyện ngắn Lão Goriot của Balzac, nhà văn đã xây
dựng nên hình ảnh một người cha đã sinh ra và nuôi dưỡng hai đứa con gái khôn
lớn, trưởng thành, chiều chuộng đến không mức lão Goriot chưa một lần buông lời
trách móc con. Vậy mà hai chiếc xe hạng sang không người ngồi đã thay cho sự có
mặt của hai đứa con gái trong đám tang của lão, chưa bàn đến tình phụ tử, nhưng
câu hỏi đặt ra ở đây là tình người ở đâu? Lòng biết ơn của những kẻ “ăn lộc đền ơn
cấy cày” ở đâu? Bằng cái nhìn đầy xót xa hướng về số phận của lão Goriot, nhà
văn đã lên án, phản ánh sự vô cảm, sự đánh mất nhân tính, khiếm khuyết tình
thương trong bối cảnh xã hội Pháp đương thời. Như thế mới thấy, văn học không
chỉ khơi dậy tính người bằng tình yêu, bằng sự đồng cảm mà văn chương nghệ
thuật còn vạch rõ đường biên với cái ác, phân lập, đối đầu với cái xấu xa, những
người cầm bút còn tỏ rõ thái độ phê phán hay ngợi ca, phủ định hay khẳng định, đề
xuất giải pháp thay đổi hay tiếp tục duy trì, phát huy. Để từ đó mà thức tỉnh lương
tri đang ngủ, để “giúp con người bảo trì ý thức làm người" (Cao Hành Kiện).

Văn chương nghệ thuật không chỉ “khơi dậy chất người" ở phương diện lương tri,
tình yêu thương, sự trắc ẩn,... mà còn ở khía cạnh thẩm mỹ. Điểm phân biệt giữa
CON và NGƯỜI có phải chăng là nằm ở khát vọng tìm đến cái đẹp? Tự thuở hồng
hoang đến lúc đương đại, con người luôn khẳng định khát khao tìm về “cái mỹ”
dưới nhiều dạng thức. Như thế có thể nói, văn chương là phương cách, là cứu cánh
cho con người vươn tới vùng trời của cái đẹp, đánh thức những giá trị đang ngủ
quên của con người. Văn học đẹp ở chỗ nó không rao giảng, không thuyết giáo
bằng những con chữ xơ xác vô hồn như báo chí; cũng không thiết lập những mệnh
đề nghiên cứu cứng nhắc, khô khan như tôn giáo hay triết học. Văn học neo đậu
nơi lòng người bằng những con chữ đầy sống động, những hình ảnh, hình tượng
mang nặng tính ám ảnh, gợi ra muôn vàn những tầng sâu liên tưởng thú vị. Thi
nhân với cảm quan nghệ thuật đầy tinh tế của mình đã nắm bắt những khoảnh khắc
đẹp đẽ của cuộc sống để rồi gửi gắm lên trang những vần thơ trong trắng, tinh
khiết vô ngần:
Ôi hoa triêu nhan
Dây gàu vương hoa bên giếng
Đành xin nước nhà bên
(Chiyo)
Nhà thơ nhìn thấy sự sống, nhìn thấy cái đẹp trinh trắng, huyền diệu trong đóa triêu
nhan. Trước cái đẹp ấy, nhà thơ nâng niu, trân trọng, không nỡ làm tổn thương, bà
chọn giải pháp “xin nước nhà bên” để sự sống và cái đẹp được hiện hữu. Cái đẹp
của thiên nhiên, của những khoảnh khắc trong cuộc sống, cái đẹp của sự tinh tế, sự
nâng niu và trân quý của con người, cái đẹp của hình ảnh thơ dung dị mà đằm thắm
đã hội tụ vào trong ba câu thơ ấy, lưu lại nơi tâm tưởng bạn đọc dư vị ấm áp của
tình yêu, sự lưu giữ những giá trị đẹp đẽ trong cuộc sống.
=> Đoạn này nếu viết thì nên gắn với các đặc trưng của thơ Haiku và tâm hồn Nhật
Bản, viết thế này chưa ra được chất của thơ Haiku
Văn học- bằng nhiều những phương cách đã “khơi dậy chất người” trong con
người, đã làm trọn vẹn thiên chức “níu giữ mãi mãi tính người cho con người”
(Nguyên Ngọc). Hơn thế nữa, văn chương nghệ thuật xưa nay còn “nâng đỡ con
người vượt lên chính nó”, vượt thoát ra khỏi những xấu xa, khiếm khuyết, những
hữu hạn và bất toàn. Con người luôn bị giới hạn trong thời gian và không gian nhất
định. Song, con người ta lại khát khao muốn biết, muốn nhìn thấy, nghe thấy tất cả,
muốn được trải qua tất cả những sự trên đời. Văn học đã ra đời để phá vỡ hữu hạn
của con người, đưa con người chu du khắp vũ trụ, đến chốn trăm năm, ngàn năm
trước, đến chốn trăm năm, ngàn năm sau. Mặt khác, mỗi văn nhân là một bản thể
riêng biệt, hơn thế nữa, anh ta bị chi phối, ảnh hưởng bởi môi trường, thời kỳ, quê
hương của chính mình. Vì vậy mỗi người nghệ sĩ lại mang đến những kiến giải,
góc nhìn khác nhau về cuộc sống, những trải nghiệm riêng của anh ta được gửi
gắm lên trang giấy, từ đó làm đầy nhận thức, suy nghĩ, tư duy của bạn đọc về cuộc
đời đa sự, đa đoan. Trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa, NMC đã để cho
Phùng và Đẩu tự nhận thức, nhìn nhận về nhân vật người vợ, để thấy đằng sau một
người phụ nữ lam lũ, bất hạnh, khắc khổ ấy là một tâm hồn sâu sắc, thấu hiểu, vị
tha và đầy yêu thương, để thấy cuộc đời đa sự, con người đa đoan, vì thế nên cái
nhìn hời hợt sẽ khiến ta mất đi khả năng nhìn thấy vẻ đẹp khuất lấp, những sự thật
ẩn mình trong cuộc sống. Như thế mới thấy, văn học “nâng đỡ cho con người”
vượt ra khỏi những giới hạn về tư duy, góc nhìn, thời gian và không gian, vượt
thoát ra khỏi cái chật hẹp, phù phiếm trong con mắt nhìn đời của chính mình.

Hơn thế nữa, văn học “nâng đỡ con người” bằng niềm tin. Nhà văn gửi gắm lên
trang giấy “hạt mầm của những cơn mơ”, cài cắm lên đứa con tinh thần của mình
hi vọng về những khả thể tốt đẹp trong đời sống. Trong bài thơ thiền Cáo tật thị
chúng (Có bệnh bảo mọi người), nhà thơ Mãn Giác thiền sư đã viết thế này:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Xuân qua trăm hoa rụng


Xuân tới trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai
(Ngô Tất Tố dịch)
Thiền sư Mãn Giác đã nhận ra cuộc đời vô thường, cứ đến rồi đi. Từ cây cỏ, thiên
nhiên đến con người, không gì vượt thoát ra khỏi sự mất đi, sự tan biến. Song, nhà
thơ lại cài cắm ở đó niềm hy vọng, sự tin tưởng vào vào cái thường hằng bất biến -
không đến, không đi và không mất: “Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/Đêm qua
sân trước một nhành mai”. Từ “trăm hoa rụng” đến cái khởi sinh của “nhất chi
mai", thiền sư tin tưởng vào tính tồn tại thường hằng của mọi sinh thể, rằng những
thứ tưởng chừng là tan biến lại chẳng hề mất đi mà tồn tại dưới một dạng khác, vẫn
nung nấu và ôm ấp một sức sống căng tràn. Từ bài thơ thiền ấy, Mãn Giác thiền sư
đã gửi gắm cho thế hệ mai hậu niềm hy vọng, sự tin tưởng vào sự sống. Để rồi độc
giả chẳng còn e ngại cái chết mà sống với trọn vẹn niềm tin, để sống mà không sợ
hãi lưỡi hái của tử thần, để sống - bằng cả trái tim và sinh mạng.

Không chỉ nâng đỡ con người vượt lên chính mình bằng niềm tin, nhận thức và suy
nghĩ. Văn chương xưa nay là thứ “khí giới thanh cao và đắc lực”, nó đứng về phía
những người yếu thế, quan tâm đến đời sống của họ, nhà văn tồn tại ở trên đời vì
thiên chức “nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số
phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường để bênh vực cho những con người
không còn ai để bênh vực.” Văn học đứng về phía con người, viết về những nỗi
đau, cơ cực, những mất mát và bất hạnh của họ, để rồi dành cho những số phận ấy
sự đồng cảm, san sẻ. Những chia sẻ, thương yêu gửi gắm lên trang vừa là sự bênh
vực, lại vừa là tiếng nói phản ánh thực tại xã hội để “cải biến” hiện thực, để yêu
thương, để nâng bước cho những con người bị quẳng bên rìa của sự sống ấy. Đọc
“Hiu hiu gió bấc” - Nguyễn Ngọc Tư, tôi không thể quên chi tiết giọt nước mắt của
anh Hết rơi trên bàn cờ, thương cho con tốt qua sông. Anh Hết là người chơi con
cờ ấy, tưởng như anh là con tướng, nhưng trong cuộc đời thực, anh cũng chỉ là một
con tốt mà thôi. Thế giới nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư là thế giới của những con
tốt trong bàn cờ cuộc đời. Đó là những con người bé nhỏ, vô danh ở xóm nghèo
Nam Bộ. Cuộc đời của họ có thể bị lãng quên, hay cũng chính là “những tồn tại
vắng mặt”. Văn học phải đi sâu vào những tồn tại vắng mặt đó, để trình diện những
cuộc đời khác nhau lên trang viết, để người ta không rơi vào vực thẳm của lãng
quên và vô hình, để những số phận ấy được quan tâm, được thương yêu, trân quý,
để không chỉ “nâng bước” những cuộc đời bất hạnh ấy mà để còn cho người đọc
hậu thế tìm thấy niềm an ủi, sự đồng cảm, để có niềm tin và động lực mà vượt lên
trên những khó khăn, khổ ải trong cuộc đời của chính mình.

Như thế mới thấy, văn chương đích thực là thứ văn chương hoàn toàn đứng về phía
của con người, của lương tri, của cái đẹp, cái thiện, phải mang chở trong đó khả
năng “khơi dậy chất người trong con người và nâng đỡ con người vượt lên chính
nó”. Mặt khác, tôi tự vấn rằng liệu có phải lúc nào văn học cũng chuyên chở giá trị
“khơi dậy chất người" và “nâng đỡ con người” hay chăng? Có những thi nhân, thi
sĩ, đối với họ, viết là “ném ra một tiếng gọi”, là gửi gắm những tâm tư, là bộc phát
những xúc cảm đang cuộn trào nơi trái tim. Lúc ấy, viết là để sẻ chia, để tri nhận,
là để đợi chờ những tâm hồn đồng điệu. Bởi lẽ đó, văn đàn muôn hình muôn vẻ,
mỗi người nghệ sĩ lại ôm trong mình những mộng ước riêng, vì thế mà những sáng
tạo tinh thần của họ đều đáng được tôn trọng, tri nhận và dành nhiều sự quan tâm.

“Một tác phẩm văn chương đích thực bao giờ cũng ẩn tàng trong nó cái khả năng
khơi dậy chất người trong con người và nâng đỡ con người vượt lên chính nó” là
một nhận định xác đáng. Nó đã tái định nghĩa sự đích thực của một tác phẩm văn
học. Đồng thời đặt ra yêu cầu của văn chương đối với sáng tạo tinh thần của người
nghệ sĩ. Để làm được điều ấy, mỗi văn nhân trước khi bước vào “trường văn chiến
bút” phải sống, thấu hiểu và nghiền ngẫm hiện thực của thời đại mình, quan tâm
đến những vấn đề nhức nhối nhất cũng như những tâm tư thoáng qua nhất của con
người, đề từ đó anh cải biến cuộc đời, khơi dậy lương tri và nâng đỡ con người
vượt qua bản thân bằng chính tác phẩm nghệ thuật của riêng anh.

Mặt khác, sáng tạo văn chương không chỉ là công việc của riêng người nghệ sĩ, mà
đó còn là hành trình độc giả đối thoại, đồng sáng tạo với nhà văn, tựa như lúc sinh
thời, nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết thế này:
Mình là ta đấy thôi, ta vẫn gửi cho mình
Sâu thẳm mình ư, lại là ta đấy
Ta gửi tro mình nhen thành lửa cháy
Gửi viên đá con mình lại dựng nên thành
Nếu đã trích dẫn thơ ra thì không thể để người đọc tự hiểu được. Bài học đặt ra cho
người đọc em cần chỉ rõ hơn; đồng thời nhấn mạnh được: Vh chỉ đạt được mực
đích thức khi và chỉ khi ng đọc thành công thức tỉnh và biến những thức nhận
thành hành động trong cuộc sống, cải tạo đời sống nhân sinh...
Dẫu sự đời thương hải tang điền, nhiều đổi thay khó đoán, nhưng chừng nào “khi
pháp luật và phong hóa còn đày đọa con người, khi ba vấn đề lớn của thời đại là sự
sa đọa của đàn ông vì bán sức lao động, sự trụy lạc của đàn bà vì đói khát, sự cằn
cỗi của trẻ nhỏ vì tăm tối chưa được giải quyết, khi trên mặt đất dốt nát và đói khổ
còn tồn tại” thì khi ấy văn chương vẫn sẽ còn đồng hành cùng con người cho đến
ngày tận thế với “khả năng khơi dậy chất người trong con người và nâng đỡ con
người vượt lên chính nó” của mình.
=> Nhận xét chung cả bài:
/ Bài NLXH viết khá hơn NLVH
/ Có kiến thức về lí luận và tác phẩm khá ổn, nhưng gặp vấn đề lớn ở phần sắp xếp
ý sao cho hợp logic
/ Chú ý phải viết hết ý nếu đã gợi ra rồi mới được chuyển sang ý khác, tránh tình
trạng viết nửa chừng, gợi rôì để lửng lơ. Lưu ý cả độ liên kết giữa các ý vì bài viết
của em các ý liên tiếp nhiều chỗ không liên quan đến nhau
/ Bình tĩnh và xem xét kĩ hơn trong việc diễn đạt

Điểm (nên tham khảo thôi)


/ NLXH: 6/8
NLVH: 6/12

You might also like