You are on page 1of 13

LÝ LUẬN VĂN HỌC

Chuyên đề 1
ĐẶC TRƯNG CỦA VĂN HỌC

I. Đặc trưng đối tượng phản ánh của văn học:


- Văn học là một hình thái ý thức xã hội thẩm mỹ.
- Văn học có thể khám phá và phản ánh Thế giới, tuy nhiên nó không trả lời: Thế
giới là gì? mà trả lời cho câu hỏi: Thế giới này có ý nghĩa gì?
- Văn học quan tâm đến con người, đặt trọng tâm vào con người:
+ Con người lịch sử gắn với sự kiện đã thành hình, phẳng dẹt phi chiều sâu
+ Con người trong xã hội học gắn với các tiêu chí hội nhóm phân loại
+ Con người y khoa được nhìn qua những giải phẫu sinh hóa
+ Con người đạo đức được nhìn qua những phẩm hạnh, đức vâng lời, sự trung
dung, lòng nhẫn nại, phép kiêng khen
+ Con người pháp luật được gắn với giám sát và trừng phạt, chính trị và quyền lực
=> Rất kỳ lạ, những gì không thuộc hệ thống phân loại trên thì văn học lại quan
tâm. Con người văn học được nhìn với sự riêng tư, bí ẩn, phức tạp, sâu sắc hơn
những gì chúng ta biết.
- Văn học khám phá hiện thực và ý nghĩa đời sống bằng cách đi đến cùng tâm hồn
của con người cá nhân với ý nghĩa đầy đủ nhất của nó.
- Dostoyevski từng nói:
“Con người rộng lớn lắm, anh muốn thu hẹp nó lại.”
+ Con người dù phải dùng cùng một lúc nhiều ngành khoa học cũng không thể biết
hết được. Những hiểu biết mới về con người mỗi ngày luôn thách thức các truyền
thống nhân văn.
VD: Chuyển đổi số trong thời Covid
Chúng ta sở đắc một nguồn tài nguyên vô hạn nhưng ta vẫn không giàu có lên. 4.0
thách thức năng lực, cảm xúc con người. Con người lạc vào thế giới phẳng, mênh
mông, chứa đầy những bất khả tín, thậm phồn và không thể thâu tóm và hiểu biết
hết về con người.
+ Văn học khám phá sự đa dạng, phong phú của con người, thông qua kinh
nghiệm cá nhân. Đây là những điều chưa bao giờ dễ phân loại, càng không thể kết
luận, phán xét.
+ Kinh nghiệm cá nhân trong văn chương phong phú, đa dạng, tinh diệu. Trong đó,
văn chương nói nhiều đến sự cô độc. Với văn chương, cô độc là dấu hiệu thể hiện
mình còn sống. Ở đó, mọi cung bậc, cảm giác, nội tâm được phô bày một cách độc
đáo, chân thực nhất.
- Văn học quan tâm đến các nếm trải riêng tư. Sự riêng tư luôn vô hạn nên con
người là phạm trù mở, là trạng thái đang trở thành. Văn chương quan tâm đến quá
trình làm người để làm người, luôn phức tạp hóa nó, không bao giờ để con người
là một phạm trù hoàn tất.
- Văn học cũng thách thức những giá trị đạo đức trở thành định kiến. Văn học
muốn chúng ta hãy nhìn mỗi con người như một giá trị đặc thù không chung lẫn.
Văn học đề nghị khả năng thấu cảm của kẻ khác.

VD: Chí Phèo bị cộng đồng làng Vũ Đại quy kết về hạng lưu manh. Hắn chỉ có
thể hiểu một cách duy nhất thông qua những dán nhãn: con quỷ dữ, sinh vật lạ,
cùng hơn dân cùng, không bằng thẳng không cha. Khi nhìn người thông qua dán
nhãn, ta dễ tỉnh lược nhân tính của người khác, vắt kiệt lòng trắc ẩn. Chí Phèo là
một chất liệu để ta tư duy về cơ chế tạo ra hình ảnh một con người trong ý thức
của chúng ta. Chí Phèo làm nảy sinh những luồng suy nghĩ, phản ánh nhiều lựa
chọn sống của những con người trong làng Vũ Đại.

* Cái nhìn về Chí Phèo của những con người làng Vũ Đại:
- Bá Kiến:
+ Không có những thằng lưu manh lấy đâu ra án để mà xử
+ Nhìn Chí Phèo là người để lợi dụng nhưng cũng đồng thời cô lập Chí Phèo
 Một kẻ lưu manh có quyền thế
- Người dân làng Vũ Đại:
+ Lẽ sống của họ: Không biết…chỉ biết…
+ Tò mò, tọc mạch nhưng cũng bưng bít, thượng đội hạ đạp
- Tự Lãng: thực chất là bản sao của Chí Phèo, cũng đánh mất ý nghĩa đời sống
- Thị Nở: đã có một lựa chọn sống đặc thù. Thị dở hơi trong mắt cộng đồng khi
không đối xử với Chí Phèo như họ. Thị bị coi là đần độn, ngu dốt, họ muốn Thị im
lặng để loại trừ Chí ra khỏi cuộc đời. Thị Nở đã nhìn Chí Phèo như một kẻ khác.
Chỉ khi nhìn con người như một kẻ khác, ta mới nhận ra sợi dây kết nối giữa mình
với họ.
 Kẻ khác không phải là kẻ đối nghịch ta về giá trị. Chúng ta tôn trọng, thấu cảm
kẻ khác, hiểu lựa chọn sống của kẻ khác là tất yếu. Với họ, văn học giúp ta hiểu kẻ
khác bằng cách đẩy nhân vật vào những nếm trải.

- Nếu như văn chương quan tâm đến kinh nghiệm cá nhân và thấu cảm, cũng như ý
nghĩa hiện thực. Vậy văn chương khác gì với những cuốn sách self – help?
+ Sách self – help cho ta kỹ năng, mẹo vặt, lối tắt, ẩn chứa nguy cơ biến chùng ta
thành con người cung cụ, dễ đánh lạc hướng nhận thức con người.
+ Văn học:
~ “Ông già và biển cả” (Hemingway) là tác phẩm viết về cuộc sống không tương
xứng giữa con người với thiên nhiên, giữa kỳ vọng với thành quả, giữa ý đồ nghệ
thuật với tác phẩm thành hình.
~ Văn chương bắt ta đối mặt với chênh vênh, ngơ ngác, lầm lạc, khổ đau của con
người.
 Con người văn học là con người bướng bỉnh, liều lĩnh, khờ dại, là con người
bước qua những giới hạn để nếm trải đến cùng lựa chọn cuộc đời mình. Điều này
làm nên chất người không thể phủ nhận, nó cho ta thấy niềm kiêu hãnh của việc
làm người. Chúa tạo ra vạn vật, chỉ con người dám phản địa đàng để cãi lại định
mệnh.

- Văn chương làm cho ta va đập với những trải nghiệm làm người, khó đem đến
cảm giác bằng lòng, thỏa mãn, nuôi cho con người ta biết “đói khát” (đói khát ý
nghĩa của sự sống). Văn chương vừa lấp đầy, vừa nuôi dưỡng nỗi bất an. Văn
chương lớn không bao giờ xoa dịu, vỗ về, nó mở toang thế giới đang vận hành.
Văn chương không chắc làm ta can đảm hơn nhưng khiến ta bớt vô tâm, biết cảm
nghĩ hơn. Sống vô ưu, không suy nghĩ đôi khi không phải là sự lựa chọn đúng đắn.

II. Đặc trưng nội dung, tình cảm, xã hội thẩm mỹ của văn học:

* Nội dung của văn học:


- Đó là đối tượng đã được nhận thức, thông qua tính tích cực, chủ động, chủ quan
của người nghệ sĩ và được truyền hóa vào trong tác phẩm. Nội dung là bình diện
phạm vi biểu hiện của văn học.
- Văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, nội dung tác phẩm văn
học cho ta thấy, bình diện chủ quan của cuộc sống và con người.
- Văn học khác tấm gương. Tấm gương phản ánh thụ động, nguyên si, hình ảnh
trong gương là ảnh ảo, là giả định đồng nhất với đời sống. Trong khi đó, văn học
có góc quan sát chủ quan và không ngừng mở rộng.

+ VD1: Bức kí họa của ông họa sĩ trong “Lặng lẽ Sa Pa”: Vẽ được chân dung
anh thanh niên theo cách thức của tấm gương nhưng không thỏa mãn cái nhìn chủ
quan của người nghệ sĩ.

+ VD2: Tấm ảnh trong “Chiếc thuyền ngoài xa” là cầu nối với hiện thực, được
nhìn ở nhiều điểm. Nó không chỉ cho ta thấy mà còn biết đặt câu hỏi:
Anh đang ở đâu? Anh nhìn đời sống này như thế nào? Tại sao những người đau
khổ như thế, anh chỉ thấy mà không thấu? Hay là họ vô hình trong mắt anh?

- Nội dung tác phẩm văn học luôn mang tính chủ thể, chứa đựng cái nhìn lớn hơn
những gì ta nghĩ.

Bài thơ “Lá diêu bông” một thời kỳ được cho là cái tôi trữ tình mang mặc cảm
Oedipus (Oedip). Nhưng cái nhìn văn học về lá diêu bông lớn hơn kinh nghiệm
trên. Con người luôn có những khắc khoải, tâm linh, có những nỗi buồn mơ hồ,
tiếp nhớ một quá vãng, một vẻ đẹp nào đó chỉ trong tưởng tượng. Đọc văn học là
đọc cái nhìn ấy, tìm hiểu nội dung văn học là đi tìm cái nhìn của nhà văn về thế
giới.
~ Cái nhìn khoa học luôn tiết chế cảm xúc, thuyết phục người đọc bằng tri thức
khách quan.
~ Cái nhìn văn học lưu trữ ký ức, thuyết phục người đọc bằng những ấn tượng chủ
quan về thế giới.

- Trong văn học, hiện thực được khúc xạ qua các góc nhìn rất chủ quan, do nhà
văn lựa chọn, chắt lọc và được tổ chức lại đời sống. Nhà văn cải tạo hiện thực
thành thế giới nghệ thuật, thế giới nghệ thuật chính là sự biến dạng đời sống trong
cái nhìn của nhà văn. Đừng bao giờ đòi hỏi đời sống trong văn học giống hệt đời
thực, dù cho tác phẩm văn học nào cũng có sự đổ bóng của thời đại.
- Cấu trúc của hiện thực luôn bị phá vỡ bởi cấu trúc của ngôn ngữ. Hiện thực, trải
qua cảm xúc và lý giả của tác giả nên nó luôn mang tính quan niệm.
+ VD: Cùng là một hiện thực tăm tối nhưng quan niệm của tác giả khác nhau dẫn
đến cấu trúc biểu đạt ngôn ngữ khác nhau.
~ Truyện ngắn “Nhà mẹ Lê” (Thạch Lam) được nhìn qua lăng kính lãng mạn
(sóng tràn bờ - con người được đặt trong thế giới dạt dào cảm xúc). Do đó, hiện
thực được đào sâu thông qua thế giới nội tâm của mẹ Lê (một người mẹ sắp chết,
lo sợ con mồ côi). Do đó, tác phẩm nhìn từ điểm nhìn nhân vật với cấu trúc ngôn
ngữ đậm đặc cảm xúc.
~ “Tắt đèn” được nhìn qua lăng kính hiện thực phê phán. Hiện thực được phân
tích thông qua những xung đột, mâu thuẫn. Vì vậy, cần một điểm nhìn bao quát
toàn cảnh.
 Cùng một phạm vi đối tượng những mỗi nhà văn có một lăng kính khác nhau.
Ta thấy được gì ở hiện thực mà văn học nắm bắt? (đối thoại với quan niệm; văn
học phản ánh hiện thực, nội dung tác phẩm văn học là hiện thực đời sống)

+ Ngộ nhận: Văn học là tấm gương phản chiếu toàn bộ hiện thực. Do đó, có một
thời, người ta đánh giá cao tác phẩm có khả năng tiên tri, cho rằng hiện thực trong
văn học phải có tính khái quát.
VD: Trước năm 80, chị Dậu được đánh giá cao hơn Chí Phèo vì nhiều người dự
báo rằng, những người như chị Dậu sẽ hòa vào dòng người đi phá kho thóc Nhật
theo quy luật Cách mạng. Thực tế, không cần đến văn học, xã hội học hay báo chí
vẫn có thể phản ánh được thời đại.

+ Thực chất, giá trị hiện thực của văn học:


~ Văn học không chỉ mô tả cái đã và đang có mà ưu tiên nhận thức về các khả thể
(khả năng có thể) của đời sống. Tư duy hiện thực của văn học là tư duy về cái khả
nhiên.
VD: Cảnh cho chữ trong “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân) là một khả thể, bởi
nó là cảnh tượng xưa nay chưa từng có, cái đẹp được tạo sinh trong nhà tù, sự tự
do, bay bổng vượt thoát từ từ nhà tù. Người tù lại khiến cho cai tù ý thức mình
phải là con người tự do.
Tư duy khả nhiên của văn học có tác dụng gì? Khi ta nhận ra cuộc sống chỉ là
những khả năng, con người sẽ biết nghĩ đến chuyện thay đổi thực tại, thay vì phục
tùng quy luật của nó. Văn học mang đến sự cổ vũ con người, dũng cảm sống nhiều
cuộc đời phong phú hơn, ít nhất là sống với các nhân vật trong tác phẩm văn học.
~ Thứ hiện thực mà văn học khám phá nhiều nhất là hiện thực tinh thần của con
người. Không phải lúc nào lời nói vang lên cũng được thừa nhận về giá trị.
VD: Bài báo năm 2020: Những phận người đặc biệt còn sót lại ở rừng Cần
Giờ
Tiếng nói của những kẻ nhỏ bé trong xã hội chỉ có thể tìm thấy trong văn chương

“Phải định nghĩa về vai trò nhà văn, ngày nay anh ta không thể là kẻ phục vụ
những con người làm nên lịch sử mà anh ta phải phục vụ những con người tuân
thủ lịch sử. Nếu không, anh ta sẽ bị cô độc và bị tước mất nghệ thuật. Toàn bộ các
đạo quân triệu triệu người của nền chuyên chế cũng không dứt nổi anh ta khỏi nỗi
cô đơn, thậm chí ngay cả khi nhà văn thuận tình nhập vào theo bước chân những
đạo quân ấy. Trong khi đó, sự lặng câm của một tù nhân vô danh bị bỏ rơi trong
nhục mạ ở tít chân trời lại đủ kéo nhà văn ra khỏi chốn lưu đày, mỗi khi đang
sống giữa những đặc quyền tự do nhưng nếu như ít ra anh ta đủ sức không quên đi
sự lặng câm kia và bằng phương tiện nghệ thuật. Nhà văn tiếp sức cho kẻ tù nhân
nọ để cái lặng câm của anh ta thành ra tiếng vang xa.”
(Albert Camus)
Giải thích nhận định:
~ Con người làm nên lịch sử: những vĩ nhân, con người ở trung tâm quyền lực
~ Con người tuân thủ lịch sử: con người nhỏ bé, dưới đáy, chìm khuất, dư ra
~ Ngay cả khi nhà văn thuận tình nhập vào theo bước chân những đạo quân
ấy: Con người của nhà văn trùng khít với con người của nhân dân, anh ta xuôi
chiều viết những gì theo lịch sử.
VD: Tố Hữu, được coi là người viết Biên niên sử Đảng bằng thơ, bám sát vào các
sự kiện của lịch sử Đảng.

 Như vậy, văn chương mạnh khi nó đứng về phía kẻ yếu. Văn chương lớn khi nó
cúi xuống những kiếp người nhỏ bé.

* Hạt nhân nội dung của văn học là tình cảm:


- Đặt trên nền tảng tình cảm tự nhiên của con người.
VD: Bà Hiền trong “Một người Hà Nội” : “Tao đau đớn mà bằng lòng”
- Văn học không giải phóng tình cảm con người bằng sự bộc trực, bản năng. Tình
cảm trong văn học phải được thanh lọc, tinh luyện, bộc lộ thành thực. Nó vừa là
tình cảm cá thể, vừa là tình cảm phổ quát.
VD: Thơ mới: vừa nói lên những cảm xúc riêng tây, đến từ những nguyên ủy,
kín khuất, vừa hướng tới một cảm xúc chung của thời đại, là khát vọng thành thực,
được giải phóng cảm xúc.
- Để chân thành, tình cảm trong văn học gắn liền với trạng thái tự ý thức. Văn
chương đặt con người ta đối diện với chính mình. Sáng tác là một cách để giãi bày.
Nếu anh không chân thành với chính mình thì khó chân thành với người khác.
- Đối diện với chính mình, con người sẽ có nhu cầu thanh lọc tâm hồn để tốt hơn.
Trong văn chương, con người thường có nhu cầu tự thú. Sáng tác văn học khởi
phát từ nhu cầu biểu đạt những gì không nói được trong đời thực. Bao giờ văn
chương cũng đi từ những kinh nghiệm riêng tư, đi sâu vào trong sự bí ẩn, phức tạp.
Mỗi cá nhân sẽ nhân ra một mạng lưới liên kết giữa con người ấy với nhân loại,
với một trạng thái nhân sinh nào đó. Do đó, văn học luôn khai thác tận cùng những
kẻ khác.
- Tình cảm riêng tư trong văn học lại có khả năng lan tỏa, tạo ra đồng điệu thành
tình cảm xã hội.
VD: “Muốn làm thẳng cuội” (Tản Đà): Nỗi ngao ngán cuộc đời trần thế buồn tẻ,
nhợt nhạt của một kẻ tự nhận mình là khách giang hồ, rong chơi tang bồng hồ
thủy. Nỗi chán đời thực ra là một tâm trạng thường thấy trong xã hội. Tình cảm
riêng tư của Tản Đà lại lan tỏa đồng điệu với cảm thức chán đời của xã hội. Từ
cảm thức ấy, bài thơ lại nuôi dưỡng một khát khao tìm thấy ý nghĩa đời sống. thoát
khỏi thực tại nhạt tẻ.
- Tình cảm văn học xuất phát từ sự chân thành với chính mình, nên nó khiến ta xúc
động với sự nỗ lực là mình của nhân vật văn học. Đây chính là nền tảng tạo ra sự
đồng điệu.
VD: Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử)
Tác giả tìm đến thơ để tự thú, giãi bày. Bài thơ cần nhận được sự cảm thông, thấu
cảm từ người đời. Nhưng mấy ai lắng nghe hiểu? Không phải điều gì cũng có thể
nói được với Chúa, có những điều chỉ có thể tự giãi bày & phải giãi bày bằng nghệ
thuật, gắn với những rung cảm thẩm mỹ.
- Tình cảm văn học nuôi dưỡng khát vọng: Tôi tìm ra tôi. Người đọc chỉ tìm ra
chính mình trong văn học khi thực hiện đối thoại tư tưởng với kẻ khác/nhân vật,
đối thoại với trạng thái nhân sinh, với những tư tưởng nghệ thuật, với kinh nghiệm
cá nhân của mình.
VD: Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng)
CHÍ PHÈO
Nam Cao
A. Nam Cao: (1915 – 1951)
I. Cuộc đời – Con người:
- Bần cố nông
- Là người duy nhất trong các anh chị em gia đình được đi học
- Giáo khổ trường tư (Trường Chu Văn An)
- Làm Đề cương Văn hóa Cứu quốc
- Là một người Công giáo (Theo Đạo Thiên Chúa)
+ Thói quen xưng tội, hối lỗi
 Mô típ tự thú trong các sáng tác của Nam Cao
+ Trong sáng, trung thực đến vô ngần
- Nhận thức về nỗi sợ, đặc biệt là sợ chết
 Sự méo mó và biến dạng tinh thần của con người
 Đề nghị lối đọc thấu cảm

II. Quan niệm nghệ thuật:


1. Hiện thực: Sống đã rồi hãy viết
2. Nhân đạo:
- Cố tìm mà hiểu
- Nâng đỡ con người
 “Đôi mắt”
+ “Tư duy hiện thực nghiêm ngặt” (Thầy Chu Văn Sơn)
+ Trừu xuất bản chất nhân sinh

“Nhân đạo trước tiên là giúp con người hiểu rõ mình, trạng thái nhân thế mà
mình đang lâm vào, cũng tức là chỉ rõ cái tình cảnh biến dạng, cả mày mặt lẫn
tâm linh và sự khốn cùng đã để lại trên con người mình. Không thiên về vuốt ve an
ủi nhằm đánh vào tình thương nơi người đọc, chủ nghĩa nhân đạo ở đây tìm cách
hướng vào toàn bộ đời sống tinh thần của những người đọc ấy, thức tỉnh suy nghĩ,
để rồi mỗi người xác định lấy thái độ, tình cảm của mình. […]. Đến Nam Cao,
cuộc đời như được nhận chân, vạch vôi đánh dấu lại nó quá nghịch dị nên nó
không giống ai khác. Nhưng nếu sau khi đọc kỹ Nam Cao, một lúc nào đó người
đọc chợt nhận ra, cuộc đời xung quanh họ không bằng bằng nhạt nhạt như họ vẫn
thấy mà bỗng nhiên rất giống như cuộc đời trong văn Nam Cao.”
(Vương Chí Nhàn)
3. Sáng tạo:
- Làm mới, làm sâu thêm những vấn đề tưởng như đã cũ
- Được tưởng tượng, tạo ra những thế giới mới (Người câm biết nói, 2021)
- Nhu cầu đối thoại với các quan niệm khác

III. Phong cách:


1. Đề tài:
- Bần cố nông
- Trí thức tiểu tư sản nghèo
2. Nghịch dị:
3. Yếu tố đa thanh (polyphone)

B. Chí Phèo:
I. Khái quát:
- Cái lò gạch cũ (1941)
+ Không gian ra đời của Chí Phèo
+ Mở đầu – Kết thúc  thủ vĩ ngâm lò gạch
+ Vòng luẩn, bế tắc
- Đôi lứa xứng đôi: mỉa mai, giễu cợt  Không phù hợp với ý đồ sáng tác của
Nam Cao
- Chí Phèo
+ Lấy nhân vật trung tâm làm nhan đề (Lão Hạc, Lang Rận, Dì Hảo, Ở Hiền,…)
+ Truyện ngắn mang tư duy tiểu thuyết
+ Chí: tên người, Phèo: phần bỏ đi
 Ngoại vi hóa số phận con người
* Kết cấu văn bản:
Quá trình lưu manh hóa  Quá trình thức tỉnh
Con người  Sinh vật lạ (đánh mất lương thiện)  Tỉnh rượu  Tỉnh ngộ (thèm
lương thiện)  Không thể lương thiện
 Quá trình lặp lại mở rộng hiện tượng Chí Phèo

II. Phân tích:


1. Làng Vũ Đại: Hoàn cảnh điển hình
- Một nơi xa phủ, xa tỉnh, 2000 suất đinh, ở vào thế quần ngư tranh thực
- Phân tầng sâu sắc:
+ Địa chủ, cường hào (Bá Kiến, Đội Tảo, Lý Cường,…)
+ Chia vây xẻ cánh nhưng sẵn sàng bắt tay để hà hiếp con em
+ Bần cố nông (Cả làng Vũ Đại)
 Đầy thói hư tật xấu, ích kỷ, cầu am, hay ghen ghét, đố kỵ, nhưng lại ghét
sự lôi thôi (Cam chịu, mua danh, lưu manh hóa)
+ Lưu manh (Chí Phèo, Binh Chức, Năm Thọ,…)
 Được sản sinh để đối kháng với cường hào, vì mù quáng, u tối, định kiến
nên biến thành tay sai và hiếp đáp dân lành.

2. Chí Phèo: Nhân vật điển hình


(thuộc hệ đề tài văn học hiện thực phê phán: Bước đường cùng, Giông tố, Tắt
đèn, Chí Phèo,…)
2.1. Sự bần cùng hóa:
- Là một đứa trẻ vô thừa nhận, lớn lên do truyền tay nhau, đi ở đợ
 Tước đi vị thế cơ bản của con người: Nguồn gốc
- Bị bà Ba làm nhục. Chí Phèo thấy khinh, xấu hổ, nhục nhã vì bị ép làm một thứ
không đàng hoàng.
“Xót xa ở chỗ, một thuộc tính được xem là nguyên thủy, bản năng dường ấy với
Chí Phèo đã bị đè nén, gạt bỏ bởi vị trí xã hội của một kẻ đi ở, không có khả năng
tự bảo vệ mình trước dục vọng của kẻ khác và không có khả năng để sống với
những dục năng sinh lý đơn giản nhất của con người.”
 Mặc cảm về thẻ căn cước
 Chí Phèo như con gà bị bôi phẩm

2.2. Quá trình lưu manh hóa:


* Mất đi giọng nói người: Chỉ có thể chửi
- Chửi là phương thức đối thoại tiêu cực nhưng đã bị độc thoại hóa vì các đối
tượng nghe chửi không trả lời.
- Nguời chửi: Chí Phèo (ý thức “lưỡng hóa”, tỉnh say bất phân – theo PGS
Nguyễn Hoành Khung)
- Chửi trời: Chửi sự an bài, oan nghiệt cho số phận của Chí Phèo, trời là cái vô
hình
Bất kính
- Chửi đời: Những gì xô đẩy hắn, cuộc đời cũng vô nghĩa
 Bất tôn
- Chửi cả làng Vũ Đại: những người sinh ra, nuôi nấng nhưng cũng chính là những
người cự tuyệt Chí Phèo, những người vô tình, vô cảm
 Bất nghĩa
- Chửi cha mẹ: nhưng không biết cha mẹ mình là ai, vô tri
 Bất hiếu
=> Bất mãn, bất nhân hóa
Chí Phèo tồn tại giữa làng như một cái cây

- Tiếng chửi là một động thái ăn vạ, gây sự. Bởi hắn muốn tìm một ai đó chịu trách
nhiệm cho hắn đổ lỗi và để lý giải cuộc đời này của hắn.
- Chí Phèo là một kẻ trần trụi, một thân phận đơn độc bị gạt ra bên lề. Hắn ngật
ngưỡng ở giữa làng nhưng khồn ai chấp nhận hắn là người làng, không ai coi hắn
là con người.
- Tâm lý của người dân làng Vũ Đại – những người nghe chửi mà vờ như không
nghe thấy.
+ Không chấp một thằng say, tự AQ, tự cho mình quyền đứng ngoài để phán xét.
+ Vì họ quen thuộc, không xa lạ tiếng chửi của cụ Bá, những thằng lưu manh.
+ Vì co cụm hiếu kỳ, muốn xem điều gì xảy ra tiếp theo.
+ Vì bất lực và vì họ hoàn toàn hiểu hoàn cảnh của Chí Phèo, hiểu hắn cần cái gì
đó để chửi.
 Sự im lặng cho thấy họ cam chịu, chẳng biết làm gì nên đành không làm gì
khi chứng kiến con đường lưu manh hóa của Chí Phèo. Hoặc cũng vì tâm lý
thờ ơ giữ mình, họ đáng thương mà cũng đáng chửi vì bị xúc phạm như thế
cũng chẳng làm gì.

- Đối thoại trở thành độc thoại tức tưởi, không gian chắc chắn phải có ai lên tiếng
nhưng không ai lên tiếng cả. Thế thì rốt cuộc Chí Phèo là ai? Hắn đã không là ai
cả, nỗi đau của hắn không được để ý, không ai thương xót, không ai nhận ra rằng,
hắn đang hát một tiếng hát đầy méo mó, tiếng hát cầu xin được làm người. Bài
chửi ấy Nam Cao đã thể hiện sự va đập nhiều giai điệu đa thanh, lúc thì ông trần
thuật dưới góc độ của Chí Phèo, lúc thì đứng từ phía dân làng Vũ Đại, lúc thì như
nhà quan sát độc lập, tò mò, tinh quái, sắc sảo. Âm thanh chung đúc nên một giai
điệu, vừa hài hước, vừa lạnh lùng, đau đớn, xót xa. Việc tráo vai liên tục ấy khiến
ta giật mình vì Nam Cao bắt chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của Chí, không
đứng ngoài cuộc, phải đối diện với định kiến của chính mình khi ta ứng xử với
những người dưới đáy cùng xã hội. Chí Phèo vừa đáng cười, vừa đáng thương
trong chính bộ dạng thê thảm, mạt hạng. Thực chất, tiếng chửi là tiếng nói của
những kẻ lạc loài, là tiếng nói của một kẻ bị vật hóa.

* Lưu manh – mất đi năng lực người:


- Ngoại hình: đầu trọc lốc, răng cạo trắng hớn, đặc thằng săng đá, cái mặt cơng
cơng, gườm gườm, giọng nói hống hách  đặc sệt lưu manh.
- Hắn đến nhà Bá Kiến, trong vô thức, hắn mong muốn trả thù. Nỗi đau thẳm sâu
đã dẫn đường cho hắn nhưng men rượu và sự giận dữ mù quáng đã che mắt hắn.
- Gặp Lý Cường trước khi gặp Bá Kiến, cuộc trả thù chỉ có chó sửa, chửi đổng,
rạch mặt ăn vạ  Thất bạt
- Ta nhận ra cả làng Vũ Đại không ai dám làm gì bố con Bá Kiến, để nói chuyện
được người ta phải dám liều, dán điên khùng, dám làm tổn thương phần quý giá
nhất của mình là hình hài, dám chà đạp lên danh dự của mình trong một xã hội
định kiến, con người ta không thể đương đầu, đối diện, đấu tranh, chỉ có thể cam
chịu hoặc tự hủy  Thành quỷ dữ
- Bá Kiến đã thao túng tâm lý người dân làng Vũ Đại và Chí Phèo bằng cách nào?
Đầu tiên dẩy Lý Cường ra trước để quan sát bình tĩnh, đo tâm lý của đối phương.
Thứ 2, quát để thử thần kinh của người khác, sau đó nở một nụ cười Tào Tháo để
trấn áp đám đông với tâm lý nhược tiểu. Tiếp theo, Bá Kiến lại quát người nhà, xử
nhũn và nhận họ với Chí  Tôn vinh thể diện Chí Phèo, đánh vào thói háo danh,
bù đắp mặc cảm về nguồn cội của Chí. Bá Kiến biến chuyện ngoài đường thành
chuyện trong nhà để giải tán đám đông, đồng thời nắm bắt được trạng thái giả rượu
của Chí. Chí Phèo từ ăn vạ đã méo mó về nhân hình còn dị dạng về nhân tính. Bản
thân Chí Phèo trong men rượu cũng tự dấn thân vào lưu manh hóa, đó là trạng thái
con người bị đẩy vào trạng thái vật hóa, bất thành nhân dạng. Người nông dân như
Chí Phèo khốn cùng là ở chỗ đó, muốn hiền lành không được hiền lành, bắt buộc
bị tha hóa, bị vùi dập. Làm lưu manh những tưởng đọ được với đời thì bị rơi luôn
vào vòng xoáy của đời lưu manh và một lần đến nhà Bá Kiến, Chí phèo đã thực sự
trở thành tay sai. Bá Kiến dùng rượu và những lời phỉnh phờ ve vuốt để điều khiển
Chí Phèo. Hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say, không
còn cảm giác người, trở thành một con vật lạ bị khai trừ khỏi cộng đồng. Chí Phèo
là thứ quái dị, thừa ra, mất hết cả lương tri, lương năng, hành động như một con
quỷ khát máu. Làng Vũ Đại ai cũng ghê tởm hắn, đời không cho hắn cái gì lại còn
tước đi của hắn quyền được làm người để hắn sống với trái tim và diện mạo của
con quỷ dữ.

You might also like