You are on page 1of 7

ĐỀ VĂN: HÃY VIẾT CẢM NHẬN CỦA EM VỀ MỘT CUỐN

SÁCH HOẶC MỘT TÁC PHẨM MÀ EM YÊU THÍCH


NHẤT

Tuổi thơ - cái tuổi


đong đầy biết bao chuyện
buồn, biết mấy chuyện
vui; cái thời mới lớn đã
bắt đầu biết yêu đương,
biết rung động; cái
khoảng thời gian “sáng
tác”, “phát minh” đủ trò
để chơi đùa cùng lũ bạn
mà chẳng ngại mưa to,
nắng gắt, chẳng lo mệt
nhọc, mặc kệ mồ hôi ướt
đẫm cả người, thấm xuyên qua lớp quần áo,... cứ chơi mải mê, thỏa thích
mà chẳng màng đến thời gian đã trôi qua bao lâu, chỉ tới khi bố mẹ rống
to lên kêu về mới chịu tiếc nuối chia tay tạm biệt. Đấy! Tuổi thơ nó “dữ
dội” là thế! Ấy vậy mà lại chẳng kéo dài được bao lâu... Giờ đây, ai
cũng đã trưởng thành, lo cơm, áo, gạo, tiền, lo bận rộn làm việc, lo chăm
sóc gia đình, lo học lo hành, chẳng còn hơi đâu mà ôn lại những hồi ức
ngày còn thơ trẻ ấy, và rồi chôn vùi nó trong tâm trí, trở thành chuỗi kỉ
niệm nhạt nhòa, đứt đoạn. Cả bạn cũng vậy, cả tôi cũng thế... Cho đến
một ngày tôi đọc cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của nhà văn
Nguyễn Nhật Ánh. Ôi, cuốn sách ấy đã dẫn lối cho biết bao kỉ niệm tuổi
thơ của tôi ồ ạt tràn về một cách tới tấp, khiến tôi vừa nhớ, vừa buồn
cười lại rưng rưng chực khóc. Và rồi nó trở thành cuốn sách yêu thích
nhất của tôi!
Có thể nói, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là một trong những tác
phẩm suất xắc, tiêu biểu nhất của bút danh Nhật Ánh. Đúng như cái
tên, truyện đã thành công khi khơi gợi lại những kí niệm bị lấp sâu
trong hồi ức của bạn đọc về thời còn thơ-khoảng thời gian mà độc giả
đã lãng quên. Sách gồm những mẩu truyện nhỏ xoay quanh nhóm bạn
bốn người gồm thằng cu Mùi-đồng thời là người kể chuyện, con Tí
sún, thằng Hải cò, con hoa khôi Tủn của xóm, bày tỏ suy ngẫm của
những đứa trẻ đối với cuộc sống và những trăn trở, nhận xét của ông
Mùi khi đã trải qua 50 cái mùa xuân.
Bạn thấy đấy ai trong chúng ta mà lại chưa từng trải qua một thời
tuổi thơ hồn nhiên, yên bình. Nhưng có lẽ chúng ta cũng không thể nào
ghi nhớ từng chi tiết một của những khoảng khắc ấy. Và rồi Nhật Ánh
đã sáng chế ra “con tàu” đưa chúng ta đến một thế giới với khung cảnh
tươi đẹp bằng những rung cảm chân thật, nơi mà ở đó luôn ngập tràn kí
ức tuổi thơ, nơi có những lúc ta buồn vui, giận hờn, biểu hiện sự trẻ
con, ngây thơ và hồn nhiên trong suy nghĩ, hành động, và điều đó được
cụ thể hóa qua những nét bút, dòng văn đầy mộc mạc, giản dị của ông.
Những cảm xúc bị vùi lấp ngày xưa nay như trỗi dậy khi tôi bắt đầu
chăm chú quan sát lần lượt từng trang.
Đọc truyện, dõi theo hành trình từng bước trưởng thành, khôn lớn
của những đứa trẻ trong câu chuyện, tôi lờ mờ thấy được những dải kí
ức tuổi thơ xoẹt lướt qua tâm trí. Đầu tiên, ta sẽ bắt gặp những hình
ảnh phản chiếu của chính bản thân của ngày xưa. Còn gì ngoài những
lần giả vờ nhắm chặt hai mí mắt lại như đang ngủ say để được nằm lăn
lộn trên chiếc giường thân yêu lâu hơn một chút trước khi thức dậy
chuẩn bị cho một ngày mới; những lúc ngơ ngác, hớt ha hớt hải chạy
đi dò tìm sách vở như truy lùng những tên đang trộm ẩn náu một cách
kĩ càng vậy vì chẳng biết đã vứt chúng ở xó nào, rồi nhét vào cặp sách
trước khi đến trường; cả những lần mở ra một phiên tòa để kể hết
những tội lỗi bố mẹ, chơi đóng vai bố mẹ trong trò gia đình, lập một
căn cứ bí hiểm cho bản thân và nhóm bạn và còn vô vàn chiêu trò lém
lỉnh mà ta không thể nào liệt kê hết ra được… Cứ thấy đâu đó thấp
thoáng hình bóng của mình các bạn nhỉ? Hồi đó chỉ có bày trò nghịch
ngợm là chính, bởi đang trong cái tuổi ham ăn, ham chơi thế mà, việc
học hành cứ như là một điều gì đó vô cùng nặng nề, cực nhọc. Đó là
cái thời mà tôi được sống một cuộc sống tự tung tự tác, được thỏa sức
vui chơi, bày đủ trò quậy phá, được mơ mộng và yêu thích.
Xuyên suốt câu chuyện, có lẽ tôi sẽ chẳng thể nào quên được
những lần than vãn của cu cậu Mùi trước cái “cũ kỹ” và nhàm chán
trước cuộc sống của cậu: “Vẫn ánh mặt trời đó chiếu rọi mỗi ngày.
Vẫn bức màn đen đó buông xuống mỗi đêm. Trên mái nhà và trên các
cành lá sau vườn, gió vẫn than thở giọng của gió. Chim vẫn hót giọng
của chim. Dế ri ri giọng dế, gà quang quác giọng gà”, hay trước những
sự ngăn cản đôi khi vô lí của bậc sinh thành, cấm con làm những điều
bố mẹ không thích, buộc con làm theo những thứ bố mẹ thích, giám sát
một cách quá chặt chẽ và ngột ngạt: “Khi tôi thức dậy thì đường đời
của tôi đã được vạch sẵn rồi. Tôi đi từ giường ngủ đến phòng tắm để
rửa mặt rồi từ phòng tắm đi thẳng tới bàn học để làm một công việc
chán ngắt là học bài hoặc làm bài tập.Thỉnh thoảng tôi cũng được phép
chạy ra đằng trước nhà chơi với lũ trẻ hàng xóm nhưng trước ánh mắt
giám sát của mẹ tôi”... Đó là trường hợp quá đỗi bình thường và xảy ra
khá nhiều trong các hộ gia đình, bao gồm cả gia đình tôi. Nhiều lúc bố
mẹ vì quá yêu thương con, mong muốn được bảo bọc con đến khi nhìn
thấy con lớn khôn mà lại có những hành động thái quá, những lời cấm
cản vô nghĩa, có lúc lại vô cùng lố bịch, ép con cái vào khuôn mẫu
dưới sự kiểm soát, quan điểm của bố mẹ, và nghiêm trọng hơn hết đó
là chưa từng thử một lần lắng nghe ý muốn của con hay thấu hiểu cho
con mà vẫn cứ khăng khăng bắt buộc con thực hiện theo định hướng
của mình. Cũng giống như khi ta bước trên con đường chỉ rải đầy
những thảm hoa mềm mại như nhung, chỉ cần đi một cách nhẹ nhàng,
thoải mái, chông gai, thử thách đều bị gạt bỏ, dẹp gọn sang một bên,
vậy thì đường dẫn tới thành công chẳng phải là vô cùng dễ dàng sao,
nói đúng hơn là nó chán ngắt! Dần dà những đứa trẻ cứ như một con
rô-bốt đã được lập trình sẵn chỉ biết làm theo lệnh, không còn sự quyết
đoán cho tương lai, cuộc sống cũng trở nên ảm đạm, vô vị, cảm xúc
của bản thân cũng phai nhạt bớt, và khi bất ngờ bị một tác động gì đó
của xã hội, những đứa trẻ ấy sẽ không có sự nhanh nhạy để ứng biến,
xoay sở, bởi chúng làm gì có kinh nghiệm được rút ra từ những lần
thất bại, vấp ngã để vượt qua những thử thách ấy. Vậy nên, qua tác
phẩm của mình, Nguyễn Nhật Ánh không chỉ gợi nhắc lại những kí ức
tuổi trẻ mà ông còn muốn gửi thông điệp đến với các bậc phụ huynh
rằng hãy để cho con cái của mình được phát triển một cách tự nhiên
nhất, không gò bó, không khuôn đúc, chỉ nên khuyên răn, chia sẻ
những kinh nghiệm của bản thân khi vượt qua thử thách trên đường
đời chứ đừng ngăn cấm chúng khám phá những cái mới, những cái hay
của cuộc sống dù trước đó có vô vàn những sóng gió, gian nan, hãy để
con tự mình vươn tới thành công, vươn tới một tương lai tốt đẹp bằng
chính đôi chân của con.
Với giọng văn dí dỏm, tinh nghịch lại nhẹ nhàng, lôi cuốn, cách
dẫn chuyện tự nhiên, sử dụng những từ ngữ bình dị, gần gũi, mang
đậm chất trẻ thơ đã khiến cho câu chuyện cứ như là cuốn nhật kí ghi
chép lại những hồi ức tươi đẹp, những nhận xét về cuộc sống lúc buồn,
vui, lúc mừng, giận của một đứa trẻ vậy. Nguyễn Nhật Ánh quả thật
không hổ danh là người dẫn lối cho những năm tháng tuổi thơ! Nói
tóm lại, tác phẩm đã cho ta thấy rằng tuổi thơ là cái khoảng thời gian ai
cũng khao khát được trở về, chẳng có những nỗi âu lo muộn phiền của
người lớn, cũng là những năm tháng mà mỗi chúng ta chỉ được trải qua
một lần duy nhất trong đời, chính vì thế mà ta cần phải biết trân trọng
từng phút giây ấy, bởi tác giả cũng đã nói rằng “để sống tốt hơn đôi khi
chúng ta phải học làm trẻ con trước khi học làm người lớn”, đừng bao
giờ lãng quên nó vì biết đâu mỗi khi chán nản, nhớ lại những kỉ niệm
đầy màu nắng ấy ta lại vui vẻ lên thì sao, các bạn nhỉ? Không những
thế, “Cho tôi một vé đi tuổi thơ” còn là một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở các
bậc phụ huynh đang có hành động ngăn cấm con trẻ tự do làm điều
mình yêu thích, luôn vạch sẵn khuôn mẫu, buộc con phải làm theo ý
mình. Thay vì thế hãy trở thành một nơi luôn dang rộng vòng tay chào
đón chúng trở về mỗi khi vấp ngã trước những khó khăn, thử thách.
Yêu thương con cái không chỉ là sự chăm sóc, bảo bọc mà còn là sự
thấu hiểu, biết lắng nghe con nữa đấy!
Bạn biết không, cuốn sách này đã thay đổi nhận thức của tôi rất
nhiều đấy. Nó giúp tôi biết giữ gìn hơn, nâng niu hơn những kí ức đẹp
của tuổi ấu thơ, cẩn thận cất giấu chúng vào một vị trí vô cùng quan
trọng trong miền kí ức của bản thân. Bởi tôi biết rằng chúng sẽ là
những bài học, hành trang tỏa sáng theo chân tôi trên đoạn đường đời
sau này. Tôi càng thêm hiểu hơn về sự yêu thương vô điều kiện nhưng
hơi thái quá của bố mẹ cũng là vì lo lắng cho tương lai, hạnh phúc của
tôi mà thôi. Chính vì thế, dẫu có đôi khi mẹ hay nặng lời một tí, bố hay
quát một tí, tôi cũng không còn càu nhàu, khó chịu nữa, nếu có thì chỉ
một chút chừng vài ba phút là cùng. Chà! Đọc xong tác phẩm, tôi thật
muốn ghé tới gian hàng của Nguyễn Nhật Ánh mua ngay một vé tàu
trở về tuổi thơ quá đi mất, chẳng là vì tôi cứ bứt rứt nhớ cái thời còn
chơi thân theo bè bạn, cùng nhau quậy phá, nghịch ngợm ấy lắm. Giờ
đây thì chia xa cả rồi, chẳng ai nhớ mặt ai, chẳng còn ai thân thiết, khi
đi ra ngoài nếu gặp thì cùng lắm cũng cười cười cho có lệ hoặc lướt
nhanh qua vậy thôi chứ chả buồn nén lại thật lâu để nhìn nhau một cái,
trò chuyện đôi chút về quá khứ đã từng chứa đựng những hồi ức đẹp
đẽ kia... Vậy nên nếu có ai muốn “đào” lại rương kho báu chứa đựng
những hồi ức tươi đẹp của ngày xưa thì hãy tìm đọc quyển sách này để
cùng tác giả và tôi quay về tuổi thơ một chuyến nhé!
Hãy cho con trẻ phát triển một cách tự nhiên, khám phá những điều thú vị, đẹp đẽ,
mới mẻ trong cuộc sống để chúng có thể tự tìm được niềm vui và hạnh phúc chân
chính của bản thân bằng sức lực của mình.
Hãy trân trọng những người bạn, những tình cảm hay những thứ ta từng có và
đang có, hãy lưu trữ những kỉ niệm trong tiềm thức của mình, đừng để nó bị chôn
vùi theo dòng chảy thời gian vô tận.

You might also like