You are on page 1of 23

I.

Nhân học Triết học

Nhân học triết học, một trào lưu triết học Đức đã xuất hiện từ những năm 20.
Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, bị chủ nghĩa hiện sinh lấn át, nó phát triển chậm
lại. Nhưng trong hai thập kỷ vừa qua, nó biến thành một trào lưu rộng rãi có tham
vọng lý giải bằng lý luận của tri thức hiện đại về con người, hòng đạt tới một quan
niệm mới về bản chất con người.

Nhân học triết học, một trào lưu triết học Đức đã xuất hiện từ những năm 20.
Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, bị chủ nghĩa hiện sinh lấn át, nó phát triển chậm
lại. Nhưng trong hai thập kỷ vừa qua, nó biến thành một trào lưu rộng rãi có tham
vọng lý giải bằng lý luận của tri thức hiện đại về con người, hòng đạt tới một quan
niệm mới về bản chất con người.

Nhân học triết học, một mặt, duy trì một vài phương hướng chủ yếu của triết học
nhân học phi lý chủ nghĩa thuộc nửa đầu thế kỷ XX, trước hết của chủ nghĩa hiện
sinh; mặt khác, ra sức xác định và sử dụng những cách xem xét và lý giải riêng của
mình về con người hòng giải thoát khỏi, hoặc những cực đoan phản khoa học của chủ
nghĩa hiện sinh, hoặc khỏi sự giải thích duy khoa học, duy lý chủ nghĩa về con người,
đồng thời bảo đảm sự thống nhất nào đấy giữa những quan điểm triết học và khoa học
cụ thể về con người.

Xuất phát từ luận điểm cho rằng, bản chất tự nhiên của con người tự mình đã
đưa con người ra ngoài giới hạn của tính xác định thuần túy tự nhiên, các nhà nhân
học triết học đã ra sức khắc phục khuôn khổ chật hẹp của sự phân tích khoa học tự
nhiên và xem xét con người trên một chiều rộng hơn của các khoa học về tinh thần, về
văn hóa (dân tộc học, ngôn ngữ học, xã hội học, lịch sử tôn giáo, nghệ thuật...). Do đó,
phạm vi phân tích nhân học không còn bị hạn chế bởi nhân học tự nhiên và tâm lý học
động vật truyền thống của Đức nữa, mà được mở rộng ra bao gồm cả nhân học xã hội
Anh và nhân học văn hóa Mỹ.

Ngay từ 1928, M.Scheler, người sáng lập nhân học triết học, trong tác phẩm Vị
trí của con người trong vũ trụ đã đề ra việc cần thiết phải lập ra "nhân học triết học"
với tư cách là khoa học chủ yếu về bản chất của con người. Nó thống nhất việc nghiên
cứu khoa học cụ thể, trực quan, những phạm vi khác nhau của sự tồn tại con người với
sự nhận thức toàn vẹn, với triết học của nó.

Trong tác phẩm Những giai đoạn của thế giới hữu sinh và con người (1928), H.
Pletnơ (H. Plessner), một người sáng lập khác của nhân học triết học, đã xét tới một
vài khía cạnh của bản chất con người gắn với mối quan hệ của nó với thế giới động
vật và thực vật.

Tiếp đó, A. Gêlen (A. Gehlen), E. Rôthake (E. Rothaker), A. Pốcman (A.
Portman), H.E. Henstenbéc (H.E. Hengstenberg), H. Lanman (M. Landman) và nhiều
người khác, đã tiếp tục chương trình của M. Sêlơ (M. Scheler). Nhưng trong nửa thế
kỷ qua, nhân học triết học không sao trở thành học thuyết toàn vẹn về con người và
chẳng bao lâu lại biến thành những nhân học khu vực riêng biệt chỉ được lý giải về
mặt triết học - sinh học, tâm lý học, tôn giáo, văn hóa.

II.Con Người giữa các loại trong thế giới sống

Khi đặt vấn đề về con người, Scheler nhận thấy chính từ ngữ “con người” cũng
còn mơ hồ và dễ gây lầm lẫn. Ông đề cập đến hai nhóm quan điểm khác nhau nhìn về
con người trong bối cảnh của Khoa học Tự nhiên. Quan điểm thứ nhất cho rằng con
người, dù là đỉnh cao của tiến hóa, vẫn chỉ là một thành viên của vương quốc động vật
và chiếm một góc nhỏ trong vương quốc ấy Quan điểm thứ hai cho rằng con người có
sự phân biệt rõ ràng với thế giới động vật, ngay cả với tất cả các loài động vật bậc cao,
bao gồm động vật có vú và có xương sống nhờ vào hàng loạt những đặc tính riêng biệt
của mình.

Scheler chấp nhận quan điểm thứ hai. Nhưng đồng thời, ông cũng hỏi liệu quan
điểm này có thể được xác minh, nghĩa là người ta có thể tìm ra những nét xác định
tính độc đáo duy nhất nơi con người mà những loài khác không có chăng?Để tìm câu
trả lời, ông tiến hành khảo sát cấu trúc toàn thể của thế giới tâm sinh lý theo thứ bậc
phát triển về các năng lực và những khả năng tâm thần song song với những phân chia
của Khoa học. Ông tập trung quan sát những hiện tượng của sự sống tâm thần nơi thế
giới thực vật, động vật và con người. Nơi từng bậc sống thấp hơn, ông cũng nhận ra
những đặc tính tiếp tục được phát triển nơi bậc cao hơn. Nơi sự sống tâm thần của con
người, ông nhận ra nhiều đặc nét vốn có nơi đời sống tâm thần của thực vật và động
vật.

Về phương pháp tiến hành, công việc mà Scheler thực hiện ở đây quả thực đậm
chất Hiện tượng học. Trước tiên ông quan sát và miêu tả thế giới của thực vật và động
vật như nó xuất hiện cho ông. Việc quan sát và miêu tả này phải thoát ra khỏi những
thành kiến do cả Khoa học và Triết học mang lại cho người quan sát.  Tiếp theo, ông
tiến hành phân tích hiện tượng và cố gắng giải thích những gì ông đã khám phá được
theo một lý thuyết chung nào đó.

1. Sinh lực của con người

Hình thức thấp nhất của sự sống tâm là sinh lực hay động lực sống, hay cảm giác
sống, hay xung lực sống. Hình thức này được xem là chưa có ý thức, cảm giác và sự
phản hồi. Nó được xem như một dạng khuynh hướng hay xung lực  của Spinoza; một
dạng ý chí mù tối của Schopenhauer; một lực sống  của Bergson; hay như một dạng
vô định sinh lực trong thuật ngữ hiện đại. Đây là thứ năng lực ẩn sau tất cả mọi hoạt
động của sinh thể. Sinh lực luôn có một hướng cụ thể, một định hướng có mục tiêu
hướng về cái gì đó, chẳng hạn như hướng về chất dinh dưỡng, hướng tới ánh sáng,
v.v. Scheler quy gán bậc sống đầu tiên của đời sống tâm thần này cho thực vật. Cảm
giác sống của thực vật được định hướng theo môi trường của nó, theo sự tăng trưởng
thâm nhập vào môi trường với những hướng cụ thể chẳng hạn như “hướng lên” ánh
sáng hoặc “hướng xuống” đất nền. Sự vận động có thể nhận thấy nơi đời sống tâm
thần của thực vật là vận động tăng trưởng, vốn xác định đặc nét của mọi sinh thể.

Tuy nhiên, sinh lực mà thực vật sở hữu lại là nguồn duy nhất của năng lực tâm
thần trải dài suốt tiến trình tiến hóa, và nó vươn tới tận những hình thức cao nhất của
sự sống con người, đến nỗi ngay cả tinh thần con người cũng phải cậy nhờ đến nó để
trở nên “sống động.”  “Không có bất cứ cảm giác, không có bất cứ sự tri nhận, không
có bất cứ ý tưởng nào mà nơi đó, cái xung lực mù tối ấy không đi vào.”  Những sự
“biểu cảm” ở bậc thấp nhất này được phát triển phức tạp hơn lên nơi những sinh thể
bậc cao như động vật và con người.

 Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu Khoa học cho thấy sinh lực có một vị trí xác
định trong cuống não con người, nơi hầu chắc cũng là trung tâm của tuyến nội tiết, nơi
có chức năng cầu nối thể xô-ma với những sự kiện tâm thần. Ngoài ra, người ta còn
xác định hệ thần kinh thực vật của con người với chức năng điều hòa và phân bổ chất
dinh dưỡng cho cơ thể.  Hệ này cũng cho thấy sự tương đồng giữa con người và thực
vật. 

Như thế, thực vật, loại sinh thể sở hữu bậc sống tâm thần thấp nhất, còn hơn cả
động vật, cho thấy tính thống nhất hay xuyên suốt của sự sống ẩn sau tất cả những
biến đổi về mặt hình thái, nghĩa là nó cho thấy sự thống nhất về sự sống ẩn sau mọi
sinh thể, bao gồm cả con người.

2. Bản năng của con người

Scheler cho rằng hình thức thiết yếu thứ hai của đời sống tâm thần là bản năng,
mà động vật bậc thấp đã sở hữu. Tuy nhiên, để giảm đi sự tăm tối của ý niệm này, ông
cố gắng tránh sử dụng bất cứ định nghĩa về bản năng nào theo những thuật ngữ Tâm
lý học, và chỉ giới hạn mình trong những phân tích miêu tả mà thôi. Scheler cũng đề
nghị hiểu về bản năng trong bối cảnh của những hành động. Chính vì thế, ông dùng
cụm từ hành động bản năng cho bậc sống thứ hai này. Với Scheler, một hành động thể
hiện ra nơi sinh thể luôn là một lối diễn tả hay biểu hiện của một trạng thái nội tại nào
đó, vì không một trạng thái nội tại nào mà không trực tiếp hay gián tiếp biểu lộ nó
ngang qua hành động. Còn về hành động bản năng, nó cần hội đủ các đặc nét sau: có
mục đích đối với sinh thể xét như một tổng thể, có chu kỳ, phản ứng với những trạng
thái hay hoàn cảnh lặp đi lặp lại – có tính chất định kỳ rất cần thiết với sự sống sót của
loài, bẩm sinh, có tính kế thừa.

Trước tiên, hành động bản năng phải có mục đích hay ý nghĩa đối với sinh thể
xét như một tổng thể. Nghĩa là nó có mục đích đối với loài đó và với những với hữu
thể sống khác. Nó phải có ý nghĩa đối với nhu cầu dinh dưỡng và truyền sinh của nó,
và của cả những loài sinh thể sống khác. Nói chung, nó phải phục vụ cho đời sống của
nó hoặc đời sống của sinh thể khác.

Thứ hai, nó phải có một chu kỳ xác định, không thay đổi. Nó xác định rõ chu kỳ
có ý nghĩa đối với sinh thể. Hành động có ý nghĩa không nhất thiết ám chỉ tới hoàn
cảnh cụ thể, nhưng hướng đến những mục đích vượt xa cả không gian và thời gian. Ví
dụ, một loài động vật chuẩn bị một cách có ý nghĩa, có mục đích cho mùa đông hoặc
cho thời kỳ đẻ trứng của chúng. Dù xét như một cá thể, chúng chưa bao giờ kinh
nghiệm một hoàn cảnh giống như thế, cũng chưa bao giờ nhận được bất cứ thông tin
nào từ những thành viên của cùng loài, hay việc bắt chước những thành viên này về
hành động chúng thực hiện.

Thứ ba, nó phản ứng đối với những hoàn cảnh xảy ra có tính định kỳ đặc trưng,
có ý nghĩa thiết yếu cho đời sống của cả loài chứ không phải cho một kinh nghiệm cụ
thể của một cá thể thuộc loài đó. Do đó, hành động bản năng không bao giờ là một
phản ứng đối với những yếu tố cụ thể trong môi trường vốn thay đổi khác nhau nơi
từng cá thể. Nó luôn là một phản ứng đối với cấu trúc hoàn toàn đặc trưng của một
kiểu mẫu môi trường điển hình của một loài.

Thứ tư, hành động bản năng là bẩm sinh và có tính di truyền liên quan đến
những phương thức đặc trưng của hành động. Bẩm sinh ở đây không có nghĩa là hành
động ấy phải có ngay lúc sinh thể được sinh ra, nhưng chỉ có nghĩa là nó được điều
hợp với những bậc phát triển và trưởng thành cố định. Những bậc phát triển này có thể
khác nhau đối với những loài động vật khác nhau.

Cuối cùng, nó tiêu biểu cho mẫu hành động độc lập với một số những nỗ lực mà
động vật thực hiện nhằm thích ứng với một hoàn cảnh cụ thể. Bản năng không được
phát triển ngang qua sự tích lũy của những vận động cục bộ. Tuy nhiên, nó bao gồm
khả năng chuyên môn hóa ngang qua kinh nghiệm và học hỏi. Chẳng hạn một con thú
săn mồi, khi sinh ra đã có bản năng săn mồi, nhưng phải qua tập luyện và kinh
nghiệm, nó mới trở thành kỹ năng và mới có thể thực hiện thành công hành động bản
năng của mình. Như thế, việc học tập ở đây không có nghĩa là trau dồi những cái mới,
nhưng là biến đổi những cái cũ, vốn có sẵn trong sinh thể.
Nhìn chung, đối với Scheler, hành động bản năng là mẫu thức đầu tiên của việc
phân biệt và chuyên môn hóa trong đời sống tâm thần. Với những đặc tính miêu tả
trên đây về hành động bản năng vốn được gắn liền với bậc thứ hai của đời sống tâm
thần, không cần nói thêm thì người ta cũng nhận ra những nét thuộc về bậc thứ hai của
đời sống tâm thần, mà chính con người cũng sở hữu.

3. Trí nhớ liên kết của con người

Trí nhớ liên kết được xem là đặc trưng cho đời sống tâm thần ở bậc thứ ba.
Những khả năng của trí nhớ liên kết được biểu hiện qua hiện tượng liên kết, sao chép
hay lặp lại, và phản xạ có điều kiện. Scheler gán trí nhớ liên kết cho những loài sinh
vật sống mà hành động của chúng từ từ và liên tục thay đổi dựa trên cơ sở của những
hành động trước liên hệ đến một mục đích có ý nghĩa và hữu ích. Loại hành động này
được xem là khởi đi từ động vật, và được phát triển ở những bậc sống cao hơn. Hành
động của trí nhớ liên kết lệ thuộc vào số lần thử luyện và lặp đi lặp lại mà động vật
thực hiện. Ban đầu chúng lặp lại những hành động dẫn đến lạc thú và cả hành động
dẫn đến đau đớn vốn chưa có trong trí nhớ của chúng. Nhưng về sau chúng chỉ lặp lại
chỉ những hành động tạo ra những thỏa mãn tích cực.

4. Trí thông minh thực tiễn của con người

Trí thông minh thực tiễn là loại thứ tư trong các thứ bậc của đời sống tâm thần.
Scheler cho rằng hành động của một sinh thể được gọi là “thông minh” khi nó thỏa
mãn hai điều kiện chính yếu sau đây: phải có khả năng phản ứng, mà không có sự thử
luyện đối với một hoàn cảnh mới một cách có ý nghĩa; phải có khả năng giải quyết
ngay lập tức vấn đề được xác định do động lực và trên hết, một cách độc lập đối với
một số những cố gắng trước đó. Chính đặc nét không cần thử luyện và độc lập với
những cố gắng trước nơi hai điều kiện này đã phân biệt trí thông minh thực tiễn với trí
nhớ liên kết. Nơi sinh thể nói chung, hành động của trí khôn thực tiễn phục vụ cho
động lực hay việc thỏa mãn một nhu cầu. Đồng thời cũng nhắm đến hành vi nào đó,
mà qua đó, sinh thể đạt được hoặc không đạt được mục tiêu mà động lực của nó đã
thiết lập. Nơi con người, trí thông minh đó có thể đặt để trong việc phục vụ những
mục tiêu tinh thần thuần túy; và chỉ nhờ đó mà trí thông minh được nâng lên thành sự
khôn ngoan.

Khi khảo sát cấu trúc toàn thể của thế giới tâm sinh lý, người ta thấy những biểu
hiện của đời sống tâm thần: biểu hiện của sinh lực vốn bắt đầu xuất hiện từ đời sống
thực vật; biểu hiện của bản năng, bắt đầu xuất hiện từ động vật bậc thấp; biểu hiện của
trí nhớ liên kết và trí khôn thực tiễn bắt đầu xuất hiện nơi động vật bậc cao. Đồng thời,
nơi những sinh thể bậc cao hơn thì có luôn cả những biểu hiện của đời sống tâm thần
vốn xuất hiện nơi những sinh thể bậc thấp hơn. Bên cạnh đó, nơi động vật sở hữu trí
khôn thực tiễn, chúng sở hữu luôn cả khả năng thực hiện chọn lựa – chọn điều phù
hợp hơn với thôi thúc mãnh liệt nhất do sinh lực trong chúng gây nên. Những biểu
hiện của đời sống tâm thần nơi con người cách nào đó cũng cho thấy họ cùng chia sẻ
đời sống ấy, nghĩa là sở hữu những đặc điểm tương đồng về đời sống tâm thần mà
những loài ở bậc thấp hơn cũng sở hữu. Nếu vậy, liệu rằng giữa con người và con vật
có thể có được một khác biệt thiết yếu nào chăng?

Từ cuối thế kỷ 19 trở đi, khi bàn về câu hỏi đâu là sự phân biệt giữa con người
và con vật, có hai nhóm quan niệm nổi lên như sau:

Nhóm thứ nhất cho rằng có sự khác biệt thiết yếu giữa con người và con vật bởi
lẽ đối với họ, chỉ nơi con người mới có trí thông minh và khả năng thực hiện một chọn
lựa; nhóm thứ hai cho rằng động vật cũng có trí thông minh và khả năng thực hiện
chọn lựa, cho dù đó chỉ là chọn theo động lực mạnh nhất trong số các động lực thúc
đẩy trong sinh thể.

Với nhóm thứ hai, cái khác biệt giữa con người và con vật ở đây chỉ là khác biệt
ở mức độ phức tạp về năng lực và khả năng của trí khôn và khả năng chọn lựa mà
thôi. Đây là quan điểm thuộc về các nhà tiến hóa theo trường phái Darwin-Lamarck.

Với những chứng cứ Khoa học cung cấp, và với những gì Scheler đã khám phá
khi khảo sát và nhận ra những biểu hiện của đời sống tâm thần nơi các loài, thì quan
niệm của nhóm thứ nhất không còn được thuyết phục nữa. Quan điểm của nhóm thứ
hai trở nên thuyết phục hơn. Nhưng nếu thế, phải chăng không có sự phân biệt thiết
yếu nào giữa con vật và con người? Ở khía cạnh này, Scheler phủ nhận luôn cả hai
quan điểm trên. Đối với Scheler, phải có sự khác biệt thiết yếu, nghĩa là khác biệt về
bản chất, giữa con người và con vật. Sự khác biệt ấy được xác định bởi sự hiện hữu
của tinh thần nơi con người, cái làm cho đời sống con người thực sự độc lập với
những động lực, và độc lập với những bó buộc vào môi trường.

III. Tinh thần của con người

Tinh thần không phải là chủ đề mới mẻ trong dòng chảy Triết học. Có thể bằng
những từ ngữ khác nhau, nhưng từ trước Scheler, từ thời đầu của Triết học Hy Lạp cổ
cho đến Hegel, Freud, cho đến Karl Rahner sau này, người ta vẫn bàn tới những điều
liên quan đến tinh thần. Như vậy, để nhìn ra nét độc đáo nơi quan điểm của Scheler về
tinh thần, sẽ là hữu ích khi người ta nhìn lại những biến đổi và tiến triển của ý niệm
tinh thần trong dòng lịch sử các tư tưởng của nhân loại trước khi luận bàn về tinh thần
theo Scheler. Tuy nhiên, đây là chủ đề rất lớn vốn đã “tốn không ít giấy mực” trong
làng Triết học và Thần học. Việc trình bày cặn kẽ lịch sử ý niệm ấy vượt quá phạm vi
của bài viết này. Chính vì thế, cùng với Scheler, bài viết chỉ trở về và xem xét hai
quan niệm về tinh thần vốn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Triết học.

1, Tinh thần nơi lý thuyết cổ điển về con người

Nhóm thứ nhất lý thuyết cổ điển về con người, được khởi đi trong bầu khí Triết
học Hy Lạp cổ. Người Hy Lạp cổ khẳng định sự tồn tại của một nguyên lý mà họ gọi
là lý trí. Ở đây, Scheler sử dụng thuật ngữ “tinh thần,” một thuật ngữ mang tính bao
hàm hơn. Thuật ngữ này bao hàm ý niệm lý trí. Nó cũng bao hàm cả trực giác về bản
chất và hàng loạt các hoạt động tự ý hay chủ động và cả những hoạt động mang tính
xúc cảm như sự tử tế, tình yêu, sự hối hận, kinh ngạc, niềm vui sướng, nỗi thất vọng
và tự do thực hiện quyết định. Người Hy Lạp quy gán cho tinh thần không chỉ bản
tính duy nhất và tự trị, nhưng còn cả năng lực và hoạt động tính. Tinh thần thuộc về
một thế giới quan có tính tổng thể mà theo đó, bản chất vĩnh cửu của vũ trụ, qua suốt
tiến trình lịch sử của nó, vẫn không hề biến đổi. Theo lý thuyết này, tinh thần là hình
thức cao nhất của hiện hữu, cũng là hình thức cao nhất về năng lực trong vũ trụ, và
Thiên Chúa ở đây là “tinh thần” tối cao.
Lý thuyết cổ điển này, thể hiện nơi tư tưởng của Plato và Aristotle, cho rằng
những hình thức là những năng lực sáng tạo vốn chuyển hóa tình trạng không hiện
hữu hay những dạng tiềm thể vốn gắn liền với chất thể đầu tiên thành những đối tượng
của thế giới này. Dường như lý thuyết này cũng xuất hiện nơi phiên bản hữu thần của
truyền thống Do thái Ki-tô. Theo đó, Thiên Chúa không là gì khác ngoài tinh thần
thuần túy, có trách nhiệm hướng dẫn và chỉ huy, và được phú bẩm ý chí tích cực, sáng
tạo, và toàn năng. Nó cũng xuất hiện nơi hình thức phiếm thần, như trong tư tưởng của
Fichte, hay trong hệ thống tư tưởng của Hegel. Đối với Scheler, tất cả những biểu thị
khác nhau của lý thuyết cổ điển này thể hiện một sự ảo tưởng rằng: tinh thần và ý
tưởng được phú cho năng lực sáng tạo, và nó cũng được nhìn nhận là có tất cả mọi
năng lực, đồng thời, không cần đến một xung lực sống. Lý thuyết khởi đi từ Triết học
Hy Lạp này sẽ dẫn đến hai lối nhìn về tinh thần:

Thứ nhất là lý thuyết về thực thể tinh thần của con người. Người ta có thể hiểu
rằng theo lý thuyết này thì tinh thần được xét như một thực thể, tồn tại trong con
người. Điều này cũng mở ra lối áp dụng vô lý phạm trù “sự vật” cho linh hồn – cũng
là một thực thể tinh thần. Lối nhìn này cũng cùng một trật với lối nhìn của Thomas
Aquinas khi ông áp dụng các phạm trù “chất thể” và “mô thể” cho mối tương quan
giữa thân xác và linh hồn.

Thứ hai là lý thuyết về hồn thế giới phổ quát. Lý thuyết này cho rằng chỉ có một
tinh thần đơn nhất và tất cả các tinh thần khác ở trong tương quan với nó.

Những dữ kiện trên đây dẫn tới việc Scheler phủ nhận lối nhìn của lý thuyết cổ
điển về con người. Với Scheler, những tư tưởng nương theo lý thuyết cổ điển này đều
gặp vấn đề khi cho rằng tinh thần là một thực thể, đồng thời được phú bẩm năng lực.
Thực ra tinh thần không phải là một thực thể nhưng là một hệ thống cấu trúc có thứ
bậc của các hoạt động, mà một trong số những hoạt động đó là chỉ huy và hướng dẫn
theo mục đích của một giá trị hay ý tưởng mà mỗi cá thể thực hiện để nhận ra chính
mình. Tinh thần cũng không được phú bẩm năng lực. Đứng về phía những lý thuyết
thuộc về Khoa học Tự nhiên trong thế giới hiện đại, Scheler cho rằng “sự thúc đẩy của
lực sống và các năng lực, vốn xác định sự tồn tại của con người … không thể hạ cố từ
trên cao xuống thấp, nhưng từ thấp lên cao.” Điều ấy ám chỉ rằng tinh thần chỉ có thể
nhận năng lực từ bậc thấp hơn của đời sống tâm thần, nghĩa là từ sinh lực vốn có trong
con người.

2, Tinh thần nơi lý thuyết phủ định về tinh thần nơi con người

Trái nghịch với cái nhìn về tinh thần của nhóm theo quan điểm thứ nhất, nhóm
thứ hai này, tạm gọi là nhóm lý thuyết phủ định tinh thần, cho rằng tinh thần con
người chẳng qua chỉ là cái lực sống hay sinh lực được thăng hoa mà thôi. Cụ thể, tinh
thần theo nhóm này chỉ là những hoạt động sản sinh văn hóa của con người, bao gồm
những hoạt động mang tính luận lý, đạo đức, thẩm mỹ và sáng tạo – chúng chỉ có thể
là kết quả của khả năng con người kiềm chế những xung lực của mình. Để làm rõ hơn
ý niệm tinh thần của nhóm lý thuyết phủ định, Scheler đưa ra một số ví dụ minh họa
liên quan đến lý thuyết ấy:

Lý thuyết về con đường giải thoát của Đức Phật; lý thuyết về sự tự phủ định Sý
chí sống của Schopenhauer; tác phẩm đáng lưu ý của Paul Alsberg, The Riddle of
Mankind; và cuối cùng là lý thuyết của Freud, đặc biệt trong Beyond the Pleasure
Principle.

Trước tiên, đối với Đức Phật, Ngài thấu hiểu thực tại cuộc đời bao hàm khổ đau
(các Phật tử thường nói “đời là bể khổ”). Đau khổ ấy có nguồn gốc từ kinh nghiệm
của sự kháng cự, giằng co giữa khao khát và thực tại. Như thế, theo Đức Phật, ý nghĩa
của hiện hữu con người là việc tiêu trừ con người xét như chủ thể của lòng dục, bằng
cách tiến vào một thế giới chiêm nghiệm của những yếu tính, tiến vào cõi Không hay
cõi Niết Bàn. Đức Phật không có một lý thuyết tích cực nào về tinh thần, cả liên quan
đến con người cũng như liên quan đến cái Nền của Hữu.

Trong lý thuyết của Đức Phật, chỉ có “con đường giác ngộ,” mà qua đó, người ta
giúp mình giải thoát khỏi khổ đau.

Tiếp đến là lý thuyết của Schopenhauer. Schopenhauer xem sự khác biệt đặc
trưng giữa con vật và con người ở chỗ con vật không có khả năng thực hiện một sự
phủ định thoát khỏi ý chí sống, trong khi con người có thể thực hiện được điều ấy. Đối
với Schopenhauer, sự phủ định này là căn nguyên mọi hình thức cao hơn của ý thức
và tri thức siêu hình, của nghệ thuật và đạo đức và sự đồng cảm – có thể hiểu đây là
hành động thoát ra khỏi thúc đẩy của xung lực và thực hiện hành vi ở hình thức cao
hơn, đó là hành vi thuộc về tinh thần.

Cuối cùng là lý thuyết của Freud. Thuật ngữ “sự đè nén của bản năng và xúc
cảm” đã được Schopenhauer sử dụng nhằm giải thích “những ý tưởng ảo giác” nào
đó. Freud phát triển ý tưởng này để hiểu về nguồn gốc của chứng loạn thần kinh.
Nhưng theo ông, những ức chế bản năng, vốn được đề nghị để giải thích bản chất của
chứng loạn thần kinh, mà được thăng hoa, thì cũng được xem như để tạo ra năng lực
cho tất cả các dạng phát triển về văn hóa, hay nét đặc trưng về khí chất con
người. Như thế, cái đặc trưng về khí chất con người hay cái thuộc về “tinh thần” thì
cùng xuất phát từ những ức chế bản năng. Suy cho cùng, Freud cũng không có một lý
thuyết tích cực về tinh thần.

Scheler không chấp nhận bất kỳ lý thuyết phủ định nào trên đây. Ông cho rằng
những lý thuyết ấy là những hệ thống trình bày phiến diện về con người và chúng mới
chỉ gắn liền với những giá trị của sinh lực mà thôi. Thực ra, người ta có thể đặt vấn đề
với nhóm này về chính sự phủ định, về việc hướng đến phát triển những phương tiện,
ngôn ngữ, và những ý tưởng, về vấn đề của sự kiềm chế xung lực, ức chế bản năng,
thăng hoa và mục đích của nó, v.v. Tất cả những thứ đó dựa vào nguyên lý nào? Yếu
tố nào hướng dẫn những hoạt động như thế nơi cấu trúc tâm-sinh lý con người? Cái gì
làm cho có sự chuyển biến năng lực bị ức chế trong quá trình thăng hoa? Vì không có
một tinh thần tích cực nên nhóm này dường như không thể đưa ra những câu trả lời
xác đáng.

Sau khi khảo sát hai lối nhìn về tinh thần nơi hai lý thuyết cổ điển và phủ định,
Scheler cho thấy những vấn đề hai lý thuyết này gặp phải: vấn đề về năng lực căn
nguyên của tinh thần và vấn đề xem tinh thần là một thực thể trong lý thuyết cổ điển;
vấn đề chỉ huy và hướng dẫn sinh lực trong lý thuyết phủ định. Chính vì những vấn đề
này mà Scheler đã không chấp nhận hai nhóm lý thuyết cổ điển và phủ định. Từ đó,
ông tuyên bố quan điểm riêng của mình về tinh thần.
3, Tinh thần theo Max Scheler

Đâu là cái mới mẻ của Scheler khi bàn về tinh thần? Tinh thần nói đến ở đây vừa
mang một phần nào đó dáng dấp của tinh thần mà nhóm lý thuyết cổ điển miêu tả, vừa
có những nguyên lý vận hành tương tự với kiểu “tinh thần” của nhóm lý thuyết phủ
định. Dù vậy, về cơ bản, Scheler thổi vào đó những đặc nét làm nên tính độc đáo của
nó.

Tinh thần của Scheler không là một bậc trong đời sống tâm thần, cũng không là
thứ sản phẩm của đời sống tâm thần như nhóm lý thuyết phủ định miêu tả. Tinh thần
được xem như một nguyên lý đối chọi với đời sống tâm thần và có thể siêu vượt đời
sống tâm thần nơi con người. Tuy nhiên, nó cũng không phải là thứ có toàn bộ năng
lực và sức mạnh, và nó không phải là nguyên lý chủ động thực hiện các hoạt động nơi
con người.

Tinh thần, theo Scheler, “có bản chất của nó và tự trị, nhưng thiếu đi năng lực
nguồn cội của chính nó.” Vì bất lực, nghĩa là không có năng lực tự thân, nó chỉ là một
dạng ý chí thuần túy; và với ý chí này, nó thực hiện chức năng “chỉ huy”) qua hoạt
động kiềm chế và “hướng dẫn” qua việc chuyển đổi năng lực sinh lực.

Như đã nói, người ta không tìm được trong tác phẩm VỊ TRÍ CON NGƯỜI
TRONG TỰ NHIÊN của Scheler một định nghĩa đầy đủ và cụ thể về tinh thần, vì
chính Scheler không nhắm đến công việc định nghĩa tinh thần là gì. Ông chỉ cố gắng
quan sát, để rồi miêu tả những hoạt động và những đặc nét của tinh thần vốn làm nên
sự khác biệt giữa con người với động vật và thực vật, và làm nên tính độc đáo, duy
nhất của con người trong thiên nhiên. Đó là cách ông dẫn người ta đến thái độ mở ra
và chiêm nghiệm hơn là nắm bắt và “chụp lấy” tinh thần như một đối tượng cụ thể.

A, Tinh thần xác định thứ bậc duy nhất của con người trong thiên nhiên

Trong chương thứ hai của VỊ TRÍ CON NGƯỜI TRONG TỰ NHIÊN, khi bàn về
bản chất của tinh thần, Scheler có mô tả bốn nét chính yếu.
+ Thứ nhất, tinh thần có khả năng “mở ra với thế giới” và sở hữu một “thế giới
mở ra”;

+ Thứ hai, nó có khả năng tự ý thức

+ Thứ ba, nó không có khả năng trở thành một đối tượng, nhưng chỉ là thực tại
thuần túy

+ Cuối cùng, nó có khả năng phân biệt giữa bản chất và hiện hữu

Bên cạnh việc miêu tả những hoạt động và đặc nét thuộc về tinh thần vốn có nơi
con người, Scheler còn đặt cạnh đó những nét khác biệt của sinh thể bậc thấp hơn để
làm nổi bật nét độc đáo của con người xét như những hữu thể tinh thần.

B, Mở ra với thế giới

Đặc nét thiết yếu đầu tiên này của hữu thể tinh thần là sự giải phóng mình khỏi
thế giới sinh thể, dẫn đến sự tự do và thoát khỏi sự lệ thuộc và sức ép của sự sống,
thoát khỏi sự lệ thuộc vào tất cả những gì thuộc về sự sống, bao gồm cả trí thông minh
vốn do động lực thúc đẩy. Hữu thể tinh thần có thể biến những trung tâm đầu tiên của
sự phản kháng và phản ứng thành “những đối tượng,” và qua đó, nắm bắt được những
phẩm chất của “những đối tượng” ấy, mà việc nắm bắt này không bị gò bó trong
những giới hạn vốn sinh ra do bởi sự gắn bó với hay lệ thuộc vào thế giới sự vật – vì
hiệu lực của các động lực . Cũng nhờ hiệu lực của tinh thần, hữu thể ấy vượt thoát
khỏi và siêu vượt môi trường của nó thành một thế giới hay một biểu tượng của thế
giới, đồng thời biến nó thành một đối tượng để chiêm nghiệm. Scheler gọi đây là khả
năng hữu thể tinh thần “mở ra với thế giới,” và có một “thế giới mở ra.”

Xét về khả năng vượt thoát khỏi, khách quan hóa các động lực của sự sống tâm
thần (trong tương quan của chủ thể với chính nó) và môi trường (trong tương quan của
chủ thể với thực tại ngoại tại), thì giữa hữu thể tinh thần và động vật, Scheler nhận
thấy một sự đảo ngược. Cụ thể là nếu động vật tương quan với thực tại ngoại tại và
với chính nó thế nào, thì nơi con người, sẽ có một sự đảo ngược – nhờ khả năng khách
quan hóa, là khả năng gắn với hay theo sau những khả năng khác như tách khỏi và tự
do với môi trường và với chính mình.

Trường hợp của hữu thể tinh thần thì hoàn toàn khác biệt. Hữu thể tinh thần có
khả năng thực hiện một tiến trình hành động hoàn toàn trái nghịch với động vật. Hành
động đầu tiên trong mô hình hành động của con người là hành động bị “thúc đẩy” bởi
một phức hợp những cảm giác và những ý tưởng về sự vật vốn đã được nâng lên tới
trạng thái của một đối tượng – nhờ khả năng tách biệt và khách quan hóa sự vật và
biến nó thành đối tượng cho việc tri nhận của mình.

Hành động này độc lập với những động lực và những bề mặt cảm giác trong môi
trường, thứ bề mặt vốn bị điều kiện hóa bởi hệ thống những động lực thuộc về phạm
vi thính giác và thị giác. Hành động thứ hai trong mô hình này là sự kiềm chế chủ
động hoặc thoát khỏi sự chi phối của động lực và thoát khỏi phản ứng đáp trả. Thực ra
đây là dấu ấn hoạt động của tinh thần khi nó thực hiện chức năng “chỉ huy” bằng sự
kiềm chế của nó.

Hành động thứ ba bao hàm một sự thay đổi cuối cùng và bên trong đối với bản
chất khách quan của một vật. Nghĩa là sự vật đã trở thành một đối tượng trừu tượng
đối với tri nhận của con người. Hành động nơi hữu thể tinh thần như thế là hành động
“mở ra với thế giới.” Hành động ấy, một khi xuất hiện, sẽ có khả năng mở ra đến vô
tận – bao lâu “thế giới” của những sự vật đang hiện hữu còn mở ra cho con người.

Đối với Scheler, chỉ con người mới được xác định là một hữu thể có thể bày tỏ,
đến mức độ vô hạn, hành động “mở ra với thế giới.” Như thế, ông kết luận rằng “là
con người thì phải có khả năng đạt được sự mở ra đối với thế giới nhờ năng lực của
tinh thần”.

Tóm lại khả năng khách quan hóa, khả năng làm cho hữu thể tinh thần mở ra với
thế giới, và có một thế giới mở ra, chỉ có nơi con người. Trái nghich với con người,
động vật dính chặt vào những thực tại sống, vẫn lệ thuộc vào những xung lực sống, và
chưa hề có khả năng tự ý thức về mình, bởi vì nó chưa thể thoát ra hay tách khỏi môi
trường để thực hiện hành vi phản thân – nhìn lại mình. Đây cũng là một điểm khác
biệt căn bản giữa con người và động vật, và điều ấy góp phần làm nên nét độc đáo nơi
con người, xét như một hữu thể tinh thần.

C, Tự ý thức về mình

Đặc tính thiết yếu thứ hai của hữu thể tinh thần là khả năng tự ý thức về mình
hay khả năng thực hiện hành động xoay quanh sự hiện hữu của mình – liên quan tới
hành động tự phản tỉnh. Nhờ hiệu lực của tinh thần, con người có thể khách quan hóa
môi trường và biến nó thành “thế giới” của mình. Cũng nhờ tinh thần, con người có
thể khách quan hóa cả những trạng thái tâm sinh lý của mình, đồng thời khách quan
hóa mọi kinh nghiệm thuộc về đời sống tâm thần. Điều ấy có nghĩa là con người có
thể vượt ra khỏi chính mình, vượt ra khỏi những kinh nghiệm thuộc về đời sống tâm
thần, vượt ra khỏi thế giới, để thực hiện hành vi nhìn trở lại – hành vi này cũng được
gọi là tự phản tỉnh. Đây cũng là lý do để con người có thể “tung ném” đời sống (thuộc
về bậc sống tâm thần) của mình một cách tự do.

D, Không thể trở thành một đối tượng

Đặc nét thiết yếu thứ ba của tinh thần là không thể trở thành một đối tượng. Tinh
thần chỉ là thực tại thuần túy. Nó chỉ hiện hữu trong và ngang qua việc thực hiện
những hành động của chính nó. Nói là tinh thần hiện hữu trong và ngang qua việc
thực hiện hành đồng của chính nó, nhưng để hiểu về tinh thần, Scheler đề nghị độc giả
hiểu nó ngang qua chính trung tâm của nó, đó là nhân vị, bởi lẽ với Scheler, nhân vị là
“kẻ thực thi tất cả mọi hành động của tinh thần.” Nhân vị không phải là một đối tượng
hay một thực thể, nhưng là sự tự thể hiện liên tục qua hành động của nó. Nhân vị hiện
hữu trong và ngang qua những hành động của mình.

Tinh thần cũng như trung tâm của nó hiện hữu trong và ngang qua hành động
của chính nó. Vì thế, nơi con người, về chiều kích tinh thần, anh ta không thể kinh
nghiệm về mình như một sự vật hay một đối tượng, nhưng chỉ ngang qua việc anh
sống trong những hành động [tinh thần] của anh và kinh nghiệm chúng qua những
hành động ấy. Nhưng để kinh nghiệm được hành động tinh thần nơi con người,
Scheler lại thực hiện một phân biệt nho nhỏ giữa hành động thuộc về đời sống tâm
thần và hành động thuộc về tinh thần như sau: Hành động thuộc về tâm thần là hành
động người ta có thể khách quan hóa được nhờ việc xem xét nội tâm. Nó như một sự
kiện trong thời gian mà “đứng” từ trung tâm của tinh thần, người ta có thể “quan sát”
được. Trong khi đó hành động của tinh thần không thể bị khách quan hóa, nghĩa là
không thể trở thành những đối tượng để “quan sát” được. Đây là điều Scheler nhấn
mạnh: “chúng ta có thể tập trung vào nó, nhưng không thể khách quan hóa nó.” Và rồi
người ta chỉ có thể ý thức được tinh thần qua hành động của nó mà thôi.

Đặc nét tinh thần không thể trở thành một đối tượng sẽ dẫn tới hệ quả kèm theo
liên quan đến tính liên vị của con người. Không chỉ không khách quan hóa nhân vị
của mình, người ta cũng không thể khách quan hóa các nhân vị khác, nghĩa là không
thể biến các nhân vị khác thành đối tượng để tri nhận hay kinh nghiệm. Như thế, để
“biết” những nhân vị khác, người ta chỉ có một cách là tham dự vào những hành động
tự do của các nhân vị, ngang qua hình thức “hiểu” khả dĩ trong một thái độ của tình
yêu thấu, một thái độ đối ngược hoàn toàn với việc khách quan hóa. Nói cách khác,
người ta phải đi vào thái độ của tình yêu thấu cảm bằng việc “đồng nhất hóa” với ý
chí, với tình yêu của nhân vị khác và qua đó đồng nhất hóa với người khác.

E, Khả năng phân biệt giữa bản chất và hiện hữu

Khả năng phân biệt giữa bản chất và hiện hữu cũng là một đặc tính căn bản của
tinh thần nơi con người.

Ở đây, Scheler đang muốn phân biệt giữa hiện hữu, xét như cái thuộc về thế giới
hiện tượng, và cái được gọi là bản chất hay yếu tính của nó, xét như cái có tính vững
chắc, phổ biến và khách quan ẩn sau thế giới hiện tượng. Tuy nhiên, khi nói đến hai ý
niệm này, người ta không hiểu chúng như hai thực thể tách biệt. Scheler trở lại với
thánh Augustino, rằng “những ý tưởng là tiền nghiệm đối với sự vật,” và ông cho rằng
những ý tưởng không tồn tại “trước,” “trong,” nhưng “với” chúng (những sự vật). Tất
cả chúng được tạo dựng bởi tinh thần vĩnh cửu trong hành động tiếp tục nhận ra thế
giới.
Việc phân biệt bản chất và hiện hữu nơi tinh thần được xem như tiến trình con
người cắt đứt hay thoát khỏi những thúc đẩy và cuốn hút từ những động lực và môi
trường. Hay nói cách khác, đó là khả năng “nói không” không chỉ với những động lực
cụ thể nhưng cả với kinh nghiệm toàn thể của họ về chính thực tại, để rồi trở nên khả
dĩ cho việc “tưởng tượng” trừu tượng, từ đó, làm cho con người có được sự hiểu biết
bên trong sự vật. Nói theo Manfred Frings thì sự vắng mặt của những dấu ấn gây nên
do bởi thế giới sinh thể trên những sự vật, phơi bày ra cho con người bản chất thuần
túy của các sự vật, cũng là tri thức tiền nghiệm của nó. Chính khả năng tách biệt
những động lực và môi trường, để rồi nhận ra cái bản chất thuần túy của sự vật cũng
xác định nét độc đáo của con người. Vì thế, Scheler nhấn mạnh, “kẻ phủ nhận tri thức
tiền nghiệm nơi con người, khi không biết về tri thức ấy, biến anh ta thành con vật.”

Đối với Scheler, việc tưởng tượng trừu tượng là việc thuộc về tinh thần, nó là
phẩm chất đặc biệt và độc đáo của tinh thần. Hành động tưởng tượng trừu tượng thoát
khỏi những gì là hiện tại, cụ thể, đặc thù (mà cái thuộc về những động lực và môi
trường thì là hiện tại, cụ thể, và đặc thù), để hướng đến cái trừu tượng, phổ quát và
tuyệt đối (thuộc về tri thức tiền nghiệm). Như thế, nếu còn gắn bó với cái hiện tại, cụ
thể, và đặc thù, nghĩa là còn gắn với môi trường và các động lực, người ta không thể
thực hiện được hành động tưởng tượng trừu tượng này được.

Về hành động tưởng tượng trừu tượng, nó hoàn toàn khác biệt với tất cả những
hành động thuộc về trí thông minh mà người ta thấy đã có nơi thế giới động vật. Để
làm sáng hơn hành động tưởng tượng trừu tượng, Scheler tiến hành phân tích sự đau
đớn như sau: Trong trường hợp người ta kinh nghiệm về sự đau đớn ở cánh tay ngay
lúc đó, hành động của trí thông minh thực tiễn – vốn thuộc về đời sống tâm thần, là
cái mà con người cùng chia sẻ với thế giới động vật – sẽ đặt những câu hỏi như “Đâu
là nguyên nhân?” hay “Làm sao có thể tiêu trừ nó?” Nhưng với một thái độ tách biệt
(tách biệt với các động lực và môi trường) và đậm chất chiêm nghiệm, người ta cũng
có thể đi vào cùng một kinh nghiệm như thế (kinh nghiệm đau đớn), nhưng thấy nó
như một “trường hợp” làm phô bày ra môt điều kiện thiết yếu, rằng thế giới này bị
“nhiễm bẩn” bởi sự đau khổ, ác tâm và phiền muộn. Khi ấy, người ta có thể đặt ra câu
hỏi khác rằng, “Tách khỏi thực tế rằng tôi kinh nghiệm về nó sự đau đớn tại đây và
vào lúc này, ‘chính sự đau đớn,’ nó là gì?” Câu hỏi về “chính sự đau đớn” là câu hỏi
cho bản chất hay yếu tính của sự đau đớn. Câu hỏi ấy khởi sự cho hành động tưởng
tượng trừu tượng, và nó dẫn đến sự hiểu biết bên trong “chính sự đau đớn.” Cũng từ
đó, người ta có được cái tri thức về bản chất hay tri thức tiền nghiệm của “chính sự
đau đớn.” Tri thức về sự đau đớn ở đây không còn là trường hợp cụ thể, đặc thù và
hiện tại, nhưng thuộc về cái trừu tượng, phổ quát, tuyệt đối, và là tri thức tiền nghiệm.

Như thế, hành động tưởng tượng trừu tượng có thể hiểu là hành động nắm bắt
những hình mẫu, những cấu trúc thiết yếu của thế giới ngang qua một trường hợp đơn
nhất, nhưng lại cho một tri thức vững chắc phổ quát, vượt khỏi những giới hạn của
kinh nghiệm cảm giác. 

F, Tinh thần trong mối liên hệ với thăng hoa và sự sống

Trong lời mào đầu giới thiệu tinh thần theo Max Scheler, bài viết đã mô tả tinh
thần như một nguyên lý đối chọi với đời sống tâm thần, có thể siêu vượt đời sống tâm
thần nơi con người. Tuy nhiên, nó không phải là nguyên lý chủ động thực hiện các
hoạt động nơi con người. Tinh thần có bản chất của nó và tự trị, nhưng bất lực và chỉ
là một dạng ý chí thuần túy. Với ý chí này nó thực hiện chức năng của mình là chỉ huy
và hướng dẫn.

Sau khi trình bày bốn đặc nét chính yếu của tinh thần, người ta có thể thấy rõ
một nguyên lý đối chọi của tinh thần với sự sống tâm thần. Tuy nhiên, đối chiếu với
lời mào đầu, người ta có thể đặt ra hai câu hỏi như sau: thứ nhất, tinh thần bất lực, thì
làm sao nó thực hiện được chức năng của nó, và làm sao hiểu được nguyên lý vận
hành của nó – thể hiện qua bốn đặc nét chính yếu được trình bày trên đây? Tinh thần
thực hiện chức năng chỉ huy và hướng dẫn thì mục đích hay hướng đi của những chỉ
huy và hướng dẫn đó là gì?

Đối với câu hỏi thứ nhất, người ta sẽ tìm ra câu trả lời từ cách Scheler trình bày
“quá trình thăng hoa.” Quá trình này bao gồm hai hành động thiết yếu của tinh thần:
thứ nhất, nó thực hiện hành động kiềm chế và thoát khỏi những xung lực sống ngang
qua ý chí tinh thần. Hành động này thể hiện chức năng “chỉ huy” của tinh thần. Thứ
hai, nó trình bày những ý tưởng và những giá trị, cái mà về sau được thực hiện bởi
xung lực. Hành động này thể hiện chức năng “hướng dẫn” của tinh thần. Với quá trình
này, sự sống tâm thần có thể đi vào cấu trúc tự trị và ý nghĩa của tinh thần, qua đó, nó
trao năng lực cho tinh thần nơi cá nhân đó. Scheler gọi quá trình này là quá trình “tinh
thần trở thành sự sống.”

Với câu hỏi thứ hai, khi tinh thần thực hiện chức năng hướng dẫn, chỉ huy, nó
nhắm đến mục tiêu nào? Trước tiên, Scheler vẫn thường miêu tả rằng xung lực hay
động lực luôn “mù tối” đối với những ý tưởng và giá trị. Và tinh thần, với chức năng
của mình là hướng dẫn và chỉ huy, sẽ trình bày những ý tưởng và những giá trị tinh
thần cho những động lực, và ý chí tinh thần sẽ cung cấp cho động lực những hình ảnh
và những biểu trưng để động lực có thể hoàn thành việc thực hiện những ý tưởng của
tinh thần. Nói chung, tinh thần vốn bất lực, còn động lực, từ khởi nguyên đã mù tối về
tất cả những ý tưởng, những giá trị tinh thần, có thể xuyên thấm vào nhau qua quá tinh
thần hóa các động lực (trong quá trình thăng hoa của những động lực), và sinh lực hóa
tinh thần, (trong quá trình thăng hoa của tinh thần). Từ đây, con người, một hữu thể có
trong mình sự thấm nhập xuyên thấu giữa tinh thần và động lực, có thể thiết lập và
thực hiện những mục tiêu thuộc về ý tưởng, giá trị của mình.

Đến đây, người ta cũng nhận ra mối tương quan mới lạ giữa tinh thần và sự sống
mà qua quá trình thăng hoa, Scheler đã vén mở cho độc giả của mình. Mối tương quan
ấy phải được gọi là mối tương quan phản kháng hỗ tương. Thực vậy, sự sống và tinh
thần vốn là hai “thế lực” đối kháng trong con người. Nhưng qua quá trình thăng hoa,
sự sống được tinh thần hóa để thực hiện những mục đích tinh thần, và tinh thần vốn
bất lực, được hóa thành sự sống nhờ nhận năng lực từ sự sống hầu thực hiện chức
năng tinh thần của mình. Nhờ thấm nhập vào nhau, hai “thế lực” ấy quyện làm một,
khiến người ta khả dĩ thực hiện những mục đích tinh thần của mình.

Khép lại công việc khảo sát toàn bộ cấu trúc toàn thể của thế giới tâm-sinh-học
và tinh thần vốn trải dài từ đời sống các loài thực vật, động vật, và cả con người,
Scheler dường như đã đụng chạm đến mức thành toàn trong công việc đi tìm và nhận
ra thứ bậc duy nhất của con người trong thiên nhiên. Đối với Scheler, tinh thần là yếu
tố làm nên sự khác biệt giữa con người và thế giới những sinh thể bậc thấp hơn, thực
vật và động vật. Do đó, tinh thần xác định thứ bậc duy nhất và tính độc đáo của con
người giữa muôn loài trong thiên nhiên. Tuy nhiên, Scheler vẫn chưa muốn kết thúc
công việc của mình ở đó. Tinh thần nơi con người còn chỉ cho ông thấy những điều
sâu xa hơn. Qua tinh thần, Scheler biết rằng con người còn sở hữu một thứ bậc đặc
biệt trong thế giới siêu hình. Thứ bậc này mở ra một lối nhìn về con người trong tương
quan với Tuyệt Đối. Thực vậy, Scheler cho rằng con người mọi thời được “móc neo”
nơi một thực tai tối cao, tuyệt đối thánh thiện, nhưng vô hình.

G, Tinh thần xác định thứ bậc siêu hình độc đáo của con người

Scheler nhấn mạnh tính thiết yếu của việc con người nhận ra mình trong thế giới
siêu hình. Ông viết, “nguồn gốc của tôn giáo hay siêu hình học – nghĩa là một sự nhận
ra điều vượt lên và ở trên thế giới tự nhiên – là một biểu thị quan trọng ngang bằng
với việc đánh giá về chính con người [hay việc xác định thứ bậc độc đáo của con
người].” 

Trước hết, con người xét như một hữu thể tinh thần, có nguồn gốc siêu hình.
Trở lại với đặc nét của tinh thần nơi con người, từ khả năng khách quan hóa nhờ hiệu
lực của tinh thần, Scheler xác định được nguồn gốc uyên nguyên của con người, xét
như một hữu thể tinh thần:

Chỉ nơi con người – trong mức độ anh ta là một nhân vị – mới có khả năng vượt
lên chính mình, xét như một sinh thể, và từ trung tâm của tinh thần vốn vượt xa thế
giới của thời gian và không gian, siêu vượt mọi sự (bao gồm cả chính anh ta) thành
một đối tượng của tri thức. Do đó, con người, xét như một hữu thể tinh thần, là một
hữu thể vượt lên chính mình trong thế giới … Trung tâm mà từ đó con người thực
hiện những hành động mà nhờ đó, khách quan hóa thân xác, tâm thần, và thế giới
trong sự vượt ra khỏi thời gian và không gian, thì không thể là một phần của thế giới
này. Trung tâm của tinh thần không thể bắt nguồn trong không gian hay trong thời
gian: nó chỉ có thể bắt nguồn từ chính cái Nền tối cao của Hữu [xét như cái Tuyệt Đối,
thuộc về thế giới siêu hình].
Từ hành động khách quan hóa của tinh thần, Scheler nhận ra tinh thần không
thuộc về, nhưng vượt khỏi thế giới của không gian và thời gian. Cụ thể, tinh thần con
người có nguồn gốc từ cái Nền của Hữu. Mà Thiên Chúa, xét như Hữu Thể tối cao,
Đấng cũng được nhiệm xuất từ cái Nền của Hữu đó. Như thế, suy cho cùng, con người
vì là hữu thể tinh thần, nên có chung nguồn gốc siêu hình với Thiên Chúa.

Con người làm cho Thiên Chúa, Đấng thuộc về thế giới siêu hình trở thành hữu,
và con người trở nên đồng hiện hữu với Thiên Chúa.

Con người vĩnh viễn dệt nên một tấm áo khoác cho Thiên Chúa và với Thiên
Chúa. Con người là kẻ đồng sáng tạo, đồng suy nghĩ, đồng lao tác và “đồng biểu diễn”
của thế giới, cùng viết nên những quy luật liên quan đến Thiên Nhiên, họ không đơn
thuần là một người ghi chép lại những giải thích nào đó về những quy luật ấy.

Lý do con người dấn thân vào những hoạt động cộng tác có tính thần thiêng như
thế là vì nơi cấu trúc con người, tồn tại một sự đòi hỏi lý tưởng – cũng hiểu là sự đòi
hỏi nhận ra chính mình, giống như việc Thiên Chúa tiếp tục và không ngừng “trong
quá trình” nhận ra chính mình khi hiện hữu ngang qua hiện hữu con người trong lịch
sử– của bản chất thần thiêng. Cũng vì lẽ đó, anh ta luôn có sự dấn thân chủ động và nỗ
lực hầu lấp đầy những đòi hỏi lý tưởng ấy nơi mình. Trong và ngang qua việc lấp đầy
đòi hỏi lý tưởng này, con người hợp tác trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa,
Đấng nhiệm xuất từ cái Nền của Hữu trong một quá trình mà nhờ đó, tinh thần và
động lực thêm phần len thấm vào nhau, dẫn đến việc Ngài hiện hữu hay nhận ra chính
mình trong thế giới, ngang qua con người.

Trong cùng một quá trình ấy, con người tự thần hóa chính mình nhờ dấn thân
chủ động vào việc lấp đầy đòi hỏi lý tưởng của mình. Quá trình này, theo Scheler, xảy
ra tại vị trí là chính con người, với bản ngã và trái tim anh ta.

Nhìn vào các bước trong tiến trình xác định thứ bậc của con người trong thiên
nhiên, Scheler có thể cho ta thấy rằng ông đã không dừng lại ở những quan sát, những
phân tích về các loài trong thế giới tự nhiên, bao hàm cả con người, để rồi nhận ra tinh
thần, yếu tố tồn tại nơi con người, xác định thứ bậc duy nhất của con người giữa muôn
loài. Từ những những hiểu biết căn bản về tinh thần, Scheler tiếp tục dấn thân cho
những suy tưởng trừu tượng và siêu vượt về tinh thần, để rồi cuối cùng, ông nhận ra
nơi con người, một hữu thể tinh thần, đã được phú ban đặc tính thần linh, bởi nó có
nguồn gốc thần linh – từ cái Nền của Hữu, cũng hiểu là Tuyệt Đối. Đặc tính thần linh
ấy không chỉ xác định thứ bậc siêu hình của con người, nhưng còn giúp con người
nhận ra vai trò và chức năng của mình trong thế giới ấy, một thế giới vẫn đang trở
thành, và hướng đến những ý tưởng và các giá trị – như mục tiêu mà tinh thần hướng
dẫn và chỉ huy cho sự sống thực hiện.

V. Kết luận

Lần theo những phân tích tỉ mỉ của Scheler trong VỊ TRÍ CỦA CON NGƯỜI
TRONG TỰ NHIÊN, người ta dễ có cảm tưởng rằng con người trong ánh mắt của
Scheler là một dạng “thượng nhân.” Thượng nhân ở đây không hiểu như thượng nhân
mà Friedrich Nietzsche (1844-1900) đã trình bày trong hệ thống Triết học của ông.
Nói “con người” của Scheler là “thượng nhân” là vì anh ta là một hữu thể đặc biệt
nhất. Con người sở hữu siêu hình tính, thần hóa tính, có chung Nền với Hữu Tuyệt
Đối, và như thế, anh ta là “quán quân” giữa muôn loài trong thiên nhiên.

Dường như Scheler còn muốn nói một điều khác nữa về con người. Mặc dù
chiếm hữu vị trí cao quý, nhưng tinh thần con người bất lực và xem chừng nó hoàn
toàn cậy dựa vào sự sống để thực hiện hành vi của mình. Ở điểm này, người ta có thể
phê bình tính mâu thuẫn nội tại trong quan niệm của Scheler. Tinh thần bất lực thì làm
sao nó thực hiện được chức năng chỉ huy và hướng dẫn? Làm sao có thể kiềm chế
hoặc “quyến rũ” động lực hầu điều chỉnh hay “nắn dòng” thôi thúc của xung lực
sống? Và nếu thế, làm sao quá trình thăng hoa có thể xảy ra?

Tiếp tục lần theo lối suy tư Triết học của Scheler, người ta cũng nhận thấy nơi đó
một suy tưởng vươn lên thế giới siêu hình.

Trong tác phẩm VỊ TRÍ CỦA CON NGƯỜI TRONG TỰ NHIÊN, Scheler cho
rằng Tri thức của Khoa học có khi làm mờ đi cái tổng thể, cái chân thực đối với hiểu
biết về thế giới và con người, có khi làm cho “con người trở thành vấn đề cho chính
mình hơn bao giờ hết.” Tuy nhiên, những tri thức của Khoa học lại góp phần thiết yếu
cho công việc suy tưởng vươn lên thế giới siêu hình của nhà tư tưởng.

Nói tóm lại, khi nhìn vào tổng thể mạch suy tư của Scheler, người ta có thể cảm
nghiệm lời mời gọi dành cho hữu thể tinh thần: dù bất lực nhưng can đảm nhận lãnh
cuộc hiện sinh trong thái độ không ngừng mở ra và tiếp tục tạo nên ý nghĩa và giá trị
cuộc đời. Đồng thời, người ta có thể nhận thấy những đóng góp đáng kể của ông trong
lối tiếp cận mới mẻ nơi suy tưởng về con người, đặc biệt nơi bộ môn Triết học Nhân
học. Bối cảnh hình thành tư tưởng của ông cũng gợi mở những bài học đáng lưu tâm.
Suy tư Triết học Nhân học của Scheler nảy sinh trong bối cảnh Châu Âu phải đối diện
với những khủng hoảng cả về văn hóa, chính trị, xã hội, và phẩm giá con người, đến
nỗi ông phải thốt lên “chưa bao giờ trong lịch sử loài người, con người lại trở thành
vấn đề cho chính mình như con người ngày hôm nay.” Tuy nhiên bối cảnh ấy đã
“khiêu khích” con người phản tỉnh, nghĩ suy. Thái độ này đã nhấn chìm con người vào
tâm thế chiêm nghiệm. Cuộc chiêm nghiệm mở ra cho họ chân trời mới cao sâu và
siêu vượt. Khi ấy, khủng hoảng dù đè nặng trên con người, nó cũng là cơ hội để người
ta khám phá những giá trị sâu xa hơn nơi thế giới và trong cuộc hiện hữu của mình.
Suy cho cùng, bài học ấy cũng dành cho con người trong thế giới hôm nay, thế giới
cũng đang phải đối diện với biết bao biến động, bao khủng hoảng làm lộ ra những
“căn bệnh” liên quan đến căn tính và giá trị con

You might also like