You are on page 1of 100

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

HOÀNG THỊ NGÂN

TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI CỦA PLATO VÀ ẢNH


HƯỞNG CỦA NÓ ĐẾN ARISTOTLE

Luận văn Thạc sĩ


chuyên ngành Triết học

Hà Nội - 2016

1
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

HOÀNG THỊ NGÂN

TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI CỦA PLATO VÀ ẢNH


HƯỞNG CỦA NÓ ĐẾN ARISTOTLE

Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Triết học

Mã số: 60 22 03 01

Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Chí Hiếu

Hà Nội - 2016

2
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ··············································································· 5
NỘI DUNG ············································································ 13
Chương 1: BỐI CẢNH VÀ NHỮNG TIỀN ĐỀ RA ĐỜI TƯ TƯỞNG CHÍNH
TRỊ - XÃ HỘI CỦA PLATO ······················································· 13
1.1 Bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội dẫn tới sự hình thành tư tưởng
chính trị - xã hội của Plato ························································ 13
1.2 Những tiền đề lý luận cho sự ra đời tư tưởng chính trị - xã hội của Plato
··························································································· 17
1.3 Khái lược về cuộc đời và sự nghiệp của Plato ····························· 22
Chương 2: NỘI DUNG TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ -XÃ HỘI CỦA PLATO - 26
2.1 Học thuyết về ý niệm và linh hồn- cơ sở lý luận của tư tưởng chính trị -
xã hội của Plato ······································································· 26
2.2 Tư tưởng chính trị cơ bản của Plato ········································ 31
2.2.1 Tư tưởng của Plato về nguồn gốc nhà nước·········································· 31
2.2.2 Tư tưởng của Plato về nguồn gốc nhà nước·········································· 33
2.2.3 Sự phê phán đối với các hình thức nhà nước suy đồi ·························· 34
2.3 Nội dung tư tưởng xã hội của Plato ········································· 40
2.3.1 Cơ cấu tổ chức và các tầng lớp trong xã hội·········································· 40
2.3.2 Tư tưởng của Plato về sở hữu và hôn nhân··········································· 45
2.3.3 Tư tưởng của Plato về giáo dục con người ············································ 51
2.4 Những giá trị và hạn chế ······················································· 60
2.4.1 Những giá trị···························································································· 60
2.4.2 Những hạn chế ························································································ 67
Chương 3: ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ -XÃ HỘI
PLATO ĐẾN ARISTOTLE ······················································· 70
3.1 Sự phê phán của Aristotle đối với tư tưởng chính trị - xã hội của Plato
··························································································· 70

3
3.2 Sự kế thừa, phát triển của Aristotle đối với những tư tưởng chính trị - xã
hội Plato ················································································ 77
KẾT LUẬN············································································ 95
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ········································ 98

4
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Triết học là kết tinh tinh thần của thời đại lịch sử, mà trước hết là kết quả
sự phản tư về lý luận của các vĩ nhân, các triết gia đối với thời đại của họ. Vì lẽ
đó, theo C.Mác, các triết gia không mọc lên như nấm từ trái đất, họ là sản phẩm
của thời đại mình, của dân tộc mình, mà dòng sữa tinh tế nhất, quý giá nhất và vô
hình được tập trung lại trong những tư tưởng triết học. Do vậy, nghiên cứu những
tư tưởng triết học nói chung và tư tưởng chính trị - xã hội nói riêng là việc làm ý
nghĩa, có vai trò như là một mắt xích trong nhận thức dòng chảy tư tưởng của
nhân loại.
Plato là nhà một trong những nhà triết học vĩ đại nhất thời kỳ cổ đại.
Những đóng góp của ông cho nền triết học nhân loại là hết sức to lớn. Tư tưởng
chính trị - xã hội là một bộ phận quan trọng trong hệ thống triết học của ông. Ở
đó, những tư tưởng của Plato không chỉ phản ảnh hiện thực xã hội thời đại ông
đang sống mà trên hết, còn thể hiện quan điểm, lập trường tư tưởng của ông đối
với các vấn đề chính trị- xã hội.
Là một nhà tư tưởng nổi tiếng thời cổ đại, những tư tưởng triết học của
Plato hình thành trong bối cảnh xã hội Hy Lạp lúc đương thời đầy những biến
động, với sự khủng hoảng của nền dân chủ chủ nô, sự gia tăng căng thẳng và
xung đột xã hội, làm con người mất phương hướng trong đời sống tinh thần.
Những tư tưởng của Plato là kết quả của việc nghiên cứu và nhìn nhận hiện thực
đương thời, vì vậy nó mang những giá trị sâu sắc, có đóng góp to lớn vào kho
tàng lịch sử tư tưởng nhân loại.
Những nghiên cứu của Plato về chính trị - xã hội chứa đựng nhiều tư tưởng
sâu sắc, đề cập đến nhiều vấn đề cấp bách trong xã hội như vấn đề công bằng xã
hội, giáo dục, sở hữu và chế độ hôn nhân... ; đồng thời còn thể hiện những quan
điểm về đạo đức, thẩm mỹ, nghệ thuật... Những tư tưởng chính trị - xã hội của

5
Plato mang nhiều giá trị tiến bộ, thể hiện ước muốn cải tổ xã hội Hy Lạp đầy biến
động thành một xã hội tốt đẹp. Xã hội đó sẽ được lãnh đạo bởi những nhà thông
thái- nhà triết học, được bảo vệ bởi lực lượng vệ quốc can đảm và tinh nhuệ, xã
hội mà mỗi người làm tròn vai trò của mình theo đúng khả năng tự nhiên của họ.
Là nhà triết học theo quan điểm duy tâm, cộng thêm lập trường chính trị
của giới quý tộc chủ nô, cùng với những điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội
đương thời chi phối, cho nên tư tưởng Plato không thể tránh khỏi những hạn chế
nhất định. Những tư tưởng của ông còn chứa đựng cả những yếu tố không tưởng,
bảo thủ. Việc nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, chỉ ra những hạn chế trong tư tưởng
chính trị - xã hội của Plato là việc làm cần thiết.
Những tư tưởng chính trị - xã hội của Plato không chỉ là sự tiếp thu, kế
thừa và phát triển các tư tưởng chính trị - xã hội sơ khai của các triết gia đi trước
mà còn góp phần đặt nền móng và có ảnh hưởng rất lớn đến các triết gia đương
thời và cả về sau. Sự ảnh hưởng đó tiêu biểu nhất là ở người học trò của Plato -
Aristotle. Aritstotle có 20 năm gắn bó và học tập dưới sự chỉ dẫn của Plato, vì
vậy những tư tưởng của Plato nói chung và tư tưởng chính trị- xã hội của Plato
nói riêng có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng của Aristotle. Là người đi sau,
Aristotle đã tiếp thu những tư tưởng của người đi trước nhưng sự tiếp thu đó
không phải là thụ động mà là sự tiếp thu có chọn lọc. Ngoài những điểm Aristotle
cho rằng hợp lý, ông còn không ngần ngại phê phán một cách khách quan quan
niệm của thầy mình, với phương châm “Plato là người thầy nhưng chân lý quý
hơn”. Trong lĩnh vực chính trị -xã hội, Aristotle đưa ra những quan điểm gần như
đối lập với quan điểm của Plato và sự phê phán của Aristotle đối với quan điểm
chính trị - xã hội của Plato là rất gay gắt.
Việc nghiên cứu hệ thống những quan niệm chính trị - xã hội của Plato và
ảnh hưởng của nó đến Aristotle, không chỉ nâng cao hiểu biết về một nhà tư
tưởng vĩ đại mà một lần nữa khẳng định vị trí cũng như giá trị của những tư
tưởng chính trị - xã hội của Plato đối với lịch sử tư tưởng nhân loại.

6
Xuất phát từ những suy nghĩ trên đây, học viên mạnh dạn chọn vấn đề: Tư
tưởng chính trị - xã hội của Plato và ảnh hưởng của nó đến Aristotle làm đề tài
nghiên cứu trong luận văn thạc sĩ triết học của mình.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài
Trong quá trình phát triển lịch sử tư tưởng triết học của nhân loại, tư tưởng
triết học của Plato và Aristotle có một vị trí đặc biệt quan trọng. Ở Việt Nam,
ngoài những tác phẩm được dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt, việc nghiên
cứu tư tưởng của Plato và Aristotle nói chung và tư tưởng chính trị - xã hội của
hai ông nói riêng luôn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu.
Hiện nay, những tài liệu nghiên cứu về tư tưởng Plato và Aristotle rất
phong phú, có những nghiên cứu từ rất sớm về vấn đề này như: trước năm 1975,
có thể kể đến những công trình của các tác giả như: Lê Tôn Nghiêm với “Martin
Heidegger và sự thất bại của tư tưởng phương Tây hiện đại” (Tư tưởng, số
5/1969); “Lịch sử triết học Tây phương- thời kỳ khai nguyên triết lý Hy Lạp” (Lá
Bối, Sài Gòn, 1971) và “Triết học thời Thượng cổ và Trung cổ” (Lá Bối, Sài Gòn,
1973); “Lịch sử các học thuyết chánh trị” (Hùng Nguyên, Nguyễn Ngọc Huy;
Cấp tiến sản xuất, Sài Gòn, 1970); hay “Platon - Bữa tiệc” (bản dịch từ tiếng
Pháp của Nguyễn Văn, 1964); “Nietzsche: Triết lý Hy Lạp thời bi kịch” (bản dịch
Trần Xuân Kiêm, Nxb Tân An, Sài Gòn, 1975); “Câu truyện triết học” của Will
Durant (bản dịch của Trí Hải và Bửu Đính, Nha tu thủ và sưu khảo, Viện Đại học
Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1971)... Đây đều là những cuốn sách tập hợp có hệ thống
những tư tưởng triết học và cuộc đời của các nhà triết học trong lịch sử mà trong
đó tư tưởng triết học của Plato và Aristotle được phân tích và khái quát có hệ
thống.
Trong khoảng thời gian sau đó có thể kể đến những công trình nghiên cứu
về tư tưởng Plato và tư tưởng của Aristotle đáng chú ý như: “Lịch sử các học
thuyết chính trị trên thế giới” (Lưu Kiếm Thanh, Phạm Hồng Thái dịch, Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993). “Văn học cổ điển Hy Lạp Homer- Anh hùng

7
ca Iliade” do Hoàng Hữu Đản dịch (tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội, 1997); “Thần
thoại Hy Lạp” của Nguyễn Văn Khỏa (Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1998, 2
tập). “Triết học Hy Lạp Cổ đại” của Đinh Ngọc Thạch (Nxb Chính trị Quốc gia,
Hà Nội, 1999) hay “Lịch sử các học thuyết chính trị” của Doãn Chính và Nguyễn
Thế Nghĩa (Nxb Khoa học xã hội, 1999). “Triết học Hy Lạp, La Mã” của Hà Thúc
Minh (Nxb Mũi Cà Mau, 1998); “Lịch sử triết học” của Nguyễn Hữu Vui (Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1998) là sự hệ thống, khái quát những tư tưởng triết
học của các nhà triết học trong dòng chảy lịch sử tư tưởng triết học từ thời cổ đại
đến hiện đại, bao gồm cả triết học phương Đông và Phương Tây tạo điều kiện cho
việc so sành, đối chiếu quan niệm triết học của Plato và Aristotle đối với các nhà
triết học khác cũng như thấy được vai trò, vị trí của tư tưởng triết học Plato, triết
học Aristotle đặc biệt là tư tưởng chính trị - xã hội. “Triết học Hy Lạp cổ đại” của
Thái Ninh (Nxb. Sách giáo khoa Mác-Lênin, Hà Nội, 1987), trong đó trình bày
khái quát những tư tưởng cơ bản của các nhà triết học cổ đại. Trong chương VI là
sự trình bày những tư tưởng cơ bản của Plato đồng thời nhấn mạnh những giá trị
tư tưởng trong quan niệm về đạo đức và chính trị xã hội... Gần đây, có công trình
đáng chú ý của các tác giả: Đỗ Minh Hợp - Nguyễn Thanh - Nguyễn Anh Tuấn
(2006), “Đại cương lịch sử triết học phương Tây” (Dùng cho sinh viên các ngành
KHXH & NV không chuyên ngành triết học (Nxb. Tổng hợp TP HCM); Đỗ Minh
Hợp (2014), “Lịch sử triết học phương Tây (tập 2) - Triết học phương Tây cận
hiện đại” (Nxb. CTQG, Hà Nội). Các công trình này đều dành thời lượng khá dài
để bàn về những tư tưởng triết học của Plato, Aristotle nói chung và tư tưởng
chính trị - xã hội của hai ông nói riêng.
Ngoài ra còn có những luận văn, luận án nghiên cứu về tư tưởng của Plato
như luận án tiến sĩ của Nguyễn Thị Thanh Thủy trường Khoa học xã hội và nhân
văn ĐHQGTPHCM với đề tài “Tư tưởng chính trị của Plato trong tác phẩm Nền
cộng hòa và ý nghĩa lịch sử của nó” Ở đây, luận văn đã phân tích sâu sắc và hệ
thống tư tưởng chính trị của Plato được thể hiện trong tác phẩm “Cộng hòa” đồng

8
thời phân tích ý nghĩa lịch sử của những tư tưởng đó. “Tư tưởng giáo dục của
Plato qua tác phẩm Cộng hòa” của Phạm Bá Điền, tác giả chỉ giới hạn nghiên
cứu của mình trong tư tưởng giáo dục được thể hiện trong tác phẩm Cộng hòa.
Về nhà triết học cổ đại Aristotle, có luận văn thạc sĩ của Mai Hoài Anh và Lưu
Văn Thắng trường Học viện báo chí và tuyên truyền có tên “Tư tưởng chính trị
Aristotle trong tác phẩm chính trị luận”. Luận văn trình bày điều kiện tự nhiên,
kinh tế - xã hội Hy Lạp cổ đại, các tư tưởng chính trị có ảnh hưởng đến Aristotle,
hoàn cảnh thân thế sự nghiệp và phân tích những tư tưởng chính trị chủ yếu của
Aristotle trong tác phẩm chính trị luận, từ đó đánh giá giá trị, hạn chế của tư
tưởng chính trị Aristotle. Trên Thông tin Khoa học xã hội số 12.1014 có bài viết
của PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền bài viết mang tên “Tư tưởng triết học về
nhà nước của Aristotle trong tác phẩm “Chính trị luận””. Đây là bài viết thể hiện
những tư tưởng cơ bản về nhà nước của Aristotle trong tác phẩm “Chính trị luận”.
Trong đó, tác giả phân tích rõ những vấn đề như về sự ra đời và bản chất của nhà
nước, về chính sách nhà nước, về các hình thức chính quyền và mô hình nhà
nước lý tưởng. Bài viết cũng của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền trên Tạp chí
Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Xã hội và Nhân văn, tập 31, Số 2(1015)21-28,
mang tên “Tư tưởng triết học giáo dục của Plato”. Ở đó, bài viết khẳng định quan
niệm về con người là cơ sở của tư tưởng triết học về giáo dục Plato, chỉ rõ quan
niệm về vai trò, đối tượng và nội dung giáo dục của Plato, đồng thời là sự đánh
giá những giá trị và hạn chế trong quan niệm giáo dục của Plato.
Những công trình nghiên cứu lịch sử triết học mà đặc biệt là công trình
nghiên cứu về triết học Plato và Aristotle ở nước ngoài đã được dịch ra tiếng việt
mà chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận như: Trong phần hai cuốn “Lịch sử triết học
phương Tây” vời tựa đề “Socrates, Platon, Aristoteles” tác giả Bertrand Russel đã
đề cập đến những vấn đề chính trị - xã hội trong những tác phẩm tiêu biểu đặc
biệt là những tác phẩm của Plato và Aristotle. Cuốn sách “Lịch sử triết học và các
luận đề” của tác giả Samuel Enoch Stumpf, được biên dịch bởi Đỗ Văn Thuấn,

9
Lưu Văn Hy, Nxb Lao động, Hà Nội, 2004, ở đó tác giả thể hiện những đánh giá
sâu sắc tư tưởng về Nhà nước của Plato. Tác giả Marcel Brélot và Georges
Lescuyes với công trình “Lịch sử các tư tưởng chính trị” được Bùi Ngọc Chương
dịch, là công trình nghiên cứu lịch sử các tư tưởng chính trị thế giới, trong đó đề
cập đến cuộc đấu tranh giữa tư tưởng chính trị dân chủ và chống dân chủ, đồng
thời tác giả cũng phân tích tư tưởng chính trị không tưởng của Plato.
Những nhà kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin trong quá trình nghiên cứu lịch
sử triết học cũng đặc biệt quan tâm đến tư tưởng triết học Hy Lạp cổ đại, trong đó
dành nhiều sự quan tâm đến hai nhà triết học vĩ đại nhất thời cổ đại là Plato và
Aristotle. Điều này được thể hiện qua những nhận định, phân tích, đánh giá của
các nhà kinh điển cụ thể trong các tác phẩm như: Bản thảo Kinh tế - triết học năm
1844 của C.Mác, Chống Đuyrinh, Biện chứng của tự nhiên của Ph.Ăngghen, Bút
ký triết học của V.I Lênin.
Đồng thời, khi nghiên cứu tư tưởng triết học chính trị - xã hội của Plato và
Aristotle hiện nay đã có những bản dịch từ những tác phẩm chính của hai nhà
triết học này như: tác phẩm “Cộng hòa” của Plato do Đỗ Khánh Hoan dịch, hay
tập hợp những tác phẩm của Plato trong cuốn Benjamin Jowett & M.J. Knight:
Plato chuyên khảo do Lưu Minh Hy và Trí Tri biên dịch. Và tác phẩm tiêu biểu
của Aristotle bàn về vấn đề chính trị - xã hội là tác phẩm “Chính trị luận”, tác
phẩm này được Nông Duy Trường biên dịch.
Ngoài những nghiên cứu kể trên ở Việt Nam, ở nước ngoài có rất nhiều
những công trình nghiên cứu về tư tưởng Plato, trong đó có một số công trình
nghiên cứu đã được dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt. Vì vậy, việc nghiên
cứu về tư tưởng Plato nói chung và tư tưởng chính trị - xã hội của ông nói riêng
hiện nay cũng có những thuận lợi nhất định trong việc tiếp cận tài liệu.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích: Phân tích và làm rõ những nội dung cơ bản tư tưởng chính trị -
xã hội của Plato, và ảnh hưởng của nó đến Aristotle.

10
Nhiệm vụ nghiên cứu:
Để đạt được mục đích trên, tác giả luận văn cần thực hiện các nhiệm vụ
sau:
- Nghiên cứu, luận giải bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội và những tiền
đề lý luận dẫn đến sự hình thành tư tưởng chính trị - xã hội của Plato
- Tập trung trình bày và phân tích những nội dung cơ bản trong tư tưởng
chính trị - xã hội của Plato và đánh giá những giá trị và hạn chế.
- Ảnh hưởng của tư tưởng chính trị - xã hội của Plato đến Aristotle:
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lý luận: luận văn được thực hiện trên cơ sở lý luận và phương pháp
luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Phương pháp nghiên cứu: Thực hiện đề tài này, tác giả vận dụng, kết hợp
nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau: Ngoài phương pháp thống nhất lịch sử
- lôgic, phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể, phương pháp diễn dịch, quy nạp,
tác giả còn sử dụng kết hợp giữa phân tích và tổng hợp, so sánh, khái quát hóa để
nghiên cứu tư tưởng chính trị - xã hội của Plato và thấy được sự ảnh hưởng của
những tư tưởng ấy đến Aristotle
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Tư tưởng chính trị xã - hội của Plato và sự ảnh
hưởng của nó đến Aristotle.
Phạm vi nghiên cứu: tác giả luận văn chỉ tập trung nghiên cứu nội dung cơ
bản của tư tưởng chính trị - xã hội của Plato và ảnh hưởng của nó đến Aristotle.
6. Đóng góp mới của luận văn
Luận văn “Tư tưởng chính trị - xã hội của Plato và ảnh hưởng của nó đến
Aristotle” góp phần tìm hiểu một cách khách quan, có hệ thống những tư tưởng
chính trị - xã hội của Plato, bước đầu đưa ra những đánh giá của người nghiên
cứu về những giá trị và hạn chế của những tư tưởng đó; đồng thời phân tích
những ảnh hưởng của nó đến Aristotle.

11
7. Ý nghĩa lý luận và thưc tiễn
Ý nghĩa lý luận:
Đề tài luận văn góp phần củng cố nhận thức, hiểu biết, sâu sắc hơn về
những tư tưởng chính trị - xã hội của Plato - một trong những nhà tư tưởng vĩ đại
nhất thời cổ đại; khẳng định những giá trị trong tư tưởng chính trị - xã hội của
Plato trong thời đại ngày nay. Đồng thời, tác giả còn chỉ ra sự ảnh hưởng của tư
tưởng chính trị - xã hội của Plato đến Aristotle.
Ý nghĩa thực tiễn:
Luận văn còn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc học tập,
nghiên cứu, giảng dạy về lịch sử triết học phương Tây, giai đoạn Hy La cổ đại.
8. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn bao
gổm 3 chương, 9 tiết.

12
NỘI DUNG
Chương 1
BỐI CẢNH VÀ NHỮNG TIỀN ĐỀ RA ĐỜI TƯ TƯỞNG CHÍNH
TRỊ - XÃ HỘI CỦA PLATO
1.1 Bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội Hy Lạp cổ đại dẫn tới sự hình
thành tư tưởng chính trị - xã hội của Plato
Hy Lạp cổ đại là một vùng lãnh thổ vô cùng rộng lớn, lớn hơn nhiều quốc
gia Hy Lạp ngày nay. Lãnh thổ bao gồm phần lục địa miền Nam bán đảo
Bancăng, vùng ven biển Tiểu Á và các đảo của vùng Êgiê. Hy Lạp là quốc gia có
vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho phát triển đất
nước. Tuy nhiên, mỗi vùng miền trên lãnh thổ rộng lớn của Hy Lạp lại có những
thuận lơi đặc trưng riêng tạo ra sự phát triển các ngành khác nhau cho các vùng
lãnh thổ. Những thuận lợi về điều kiện tự nhiên cũng tác động làm cho tư duy
người Hy Lạp phóng khoáng và tự do bay bổng hơn, sự giao lưu kinh tế, văn hóa
luôn được mở rộng giữa Hy Lạp với các quốc gia, nền văn minh bên ngoài.
Lãnh thổ của Hy Lạp ngày càng được mở rộng, đây là kết quả của các cuộc
di dân thế kỷ VIII-VII TCN và những cuộc viễn chinh dành thắng lợi của
Alêchxanđrơ vào cuối thế kỷ IV TCN.
Những điều kiện tự nhiên cũng quy định nên khuynh hướng phát triển kinh
tế cũng như thể chế chính trị của mỗi vùng miền. Sự khác nhau về xu hướng phát
triển kinh tế, cách quản lý xã hội của các thế chế khác nhau gây nên sự xung đột
mâu thuẫn giữa các thành bang trên đất nước Hy Lạp. Đây là nguyên nhân gây ra
những cuộc chiến tranh thôn tính nhau của các thành bang, tạo nên những biến
đổi sâu sắc trong xã hội Hy Lạp lúc bấy giờ.
Plato được sinh ra trên đất nước Hy Lạp - một cái nôi của văn minh thế
giới, và thời đại diễn ra đầy những biến động trong xã hội. Những yếu tố này tác
động trực tiếp đến những tư tưởng triết học Plato nói chung và tư tưởng chính trị
- xã hội của ông nói riêng. Ở Hy Lạp, chế độ chiếm hữu nô lệ đã hình thành và

13
phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ X đến thế kỷ VIII TCN. Khi xã hội chiếm hữu nô lệ
ra đời, xã hội xuất hiện tình trạng phân chia giai cấp thành giai cấp nô lệ và giai
cấp chủ nô. Đồng thời với đó là sự phân công lao động trí óc và lao động chân
tay cũng diễn ra. Tầng lớp những người lao động trí óc được học hành trong giai
cấp chủ nô là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tư duy con người Hy Lạp, hình
thành và phát triển các ngành khoa học trong đó có triết học. Đây là những điều
kiện tác động trực tiếp đến sự hình thành và phát triển tư tưởng triết học Plato,
khi bối cảnh xã hội tạo điều kiện cho phát triển tư duy và cũng được tiếp thu
những thành quả tư tưởng, nghiên cứu khoa học của những người đi trước.
Từ khoảng thế kỷ VI TCN, trong xã hội chiếm hữu nô lệ hình thành các
nhà nước thành bang. Nhà nước thành bang là các quốc gia thị thành trong đó lấy
một thị thành làm trung tâm. Nhà nước Hy Lạp lúc bấy giờ không phải là một sự
thống nhất từ trên xuống dưới mà là sự tồn tại của các thành bang trong đó có 2
thành bang lớn là Athens và Sparta.
Nhà nước lúc này được hình thành bằng con đường hòa bình, không phải
do sự can thiệp bằng bạo lực từ bên ngoài. Nhà nước ra đời bằng con đường tự
nhiên, do nhu cầu liên kết giữa con người với nhau.
Ở Hy Lạp lúc đó có một kiểu nhà nước nhưng có hai hình thức cơ bản:
Cộng hòa quý tộc (đại diện là thành bang Sparta) và Cộng hòa dân chủ (đại diện
là thành bang Athens). Do tầng lớp chủ nô nắm quyền, trong nhà nước cộng hòa
quý tộc người nắm quyền là giai cấp chủ nô quý tộc - những ông chủ ruộng đất,
còn trong nhà nước cộng hòa dân chủ người nắm quyền lại là giai cấp chủ nô dân
chủ- có xuất thân từ những ông chủ công thương mới nổi.
Khi tìm hiểu về hai thành bang Sparta và Athens có thể thấy rõ sự khác
biệt đặc trưng giữa hai hình thức nhà nước này.
Thành bang Sparta, nằm ở phía Nam đảo Peloponnesus, dân số khoảng 400
nghìn người, công dân là người Dorian. Đây là thành bang lạc hậu về kinh tế
nhưng pháp triển về quân sự, thành bang chẳng khác gì một trại lính tập trung với

14
những chiến binh hết sức tinh nhuệ. Họ sống bằng thanh gươm, bằng cách đi xâm
chiếm và bắt người bản địa phải lao động để đáp ứng nhu cầu kinh tế cho họ.
Những người trong thành bang quen đi xâm chiếm chứ không quen lao động sản
xuất. Chế độ nhà nước ở đây gần như độc tài.
Về văn hóa, dân tộc Dorian là dân tộc trì trệ nhất. Nguyên nhân của sự trì
trệ này là do sự cô lập của thành bang này. Vì vậy, thành bang không có cơ hội
tiếp thu những tiến bộ của thế giới bên ngoài.
Về mặt kinh tế: trong thành bang Sparta chế độ tư hữu không tồn tại theo
cách họ bắt dân bản địa nơi họ xâm chiếm được phải lao động sản xuất và
phương thức sản xuất thuộc về chính quyền. Tất cả nô lệ, ruộng đất đều thuộc về
nhà nước.
Trong thành bang không có giai cấp trung lưu, do vậy không có giai cấp
đứng ra giúp quần chúng trong cuộc đấu tranh cho tự do. Thành bang luôn duy trì
một kỷ luật sắt đối với mỗi công dân, bắt mỗi cá nhân tuân theo một cách nghiêm
ngặt quy định của nhà nước. Có thể gọi là chủ nghĩa tập thể Sparta. Trong xã hội
lúc bấy giờ chỉ tồn tại hai giai cấp cơ bản là: giai cấp những người cai trị và giai
cấp những người nô lệ. Ngoài ra, còn một tầng lớp là “những cư dân xung quanh”.
Các công dân phải cống hiến, hi sinh bản thân mình cho nhà nước.
Đây là thành bang đứng đầu trong một liên minh quân sự. Trong cuộc
chiến giữa liên minh do Sparta đứng đầu và liên minh do Athens đứng đầu, nhờ
sức mạnh quân sự Sparta đã chiến thắng làm cho Athens mất quyền tự chủ.
Thành bang Athens: Nơi Plato sinh ra và lớn lên, nằm trên vùng đồng
bằng Attích, tổ tiên của người Athens là dòng dõi từ người Êôlien. Khác với
thành bang Sparta, thành bang Athens đặc trưng bởi sự phát triển kinh tế, thương
mại và văn hóa đô thị. Vì Athens có nhiều hải cảng thuận tiện cho giao lưu
thương mậu dịch, quan hệ hàng hóa sớm phát triển làm cho giai cấp chủ nô giàu
lên nhanh chóng. Trong xã hội, một bộ phận dân cư tách khỏi lao động chân tay.
Vốn xuất phát từ giai cấp chủ nô nên họ có điều kiện học hành và giao lưu tiếp

15
thu được với những nền văn hóa khác nhau từ các vùng khác, các quốc gia khác.
Điều này góp phần hình thành nên một Athens là trung tâm văn hóa của Hy Lạp
cổ đại, cái nôi của triết học châu Âu. Đây cũng là điều kiện hình thành nên một
thể chế chính trị tiên tiến- chế độ cộng hòa dân chủ.
Chế độ nhà nước Athens theo hình thức nhà nước quân chủ, sau đó cùng
với sự phát triển kinh tế dẫn đến quyền lực của nhà Vua bị dỡ bỏ thay vì quyền
lực của quý tộc. Cũng do sự phát triển kinh tế, rất nhiều nông dân (trồng nho và ô
liu) rơi vào nợ nần. Trong xã hội hình thành tầng lớp trung lưu, tầng lớp này ủng
hộ những người nông dân bị phá sản, vì vậy yêu cầu tự do hóa chính quyền xuất
hiện. Từ yêu cầu đấu tranh của những người nông dân đã dẫn đến hàng loạt các
cuộc cải cách dân chủ diễn ra dần hoàn thiện chế độ dân chủ. Có thể kể đến 3
cuộc cải cách tiêu biểu đó là: cuộc cải cách đầu tiên là của Solon, tiếp theo là
cuộc cải cách của Clerthenes và cuộc cải cách của Pericles. Sau ba cuộc cải cách
thì chế độ dân chủ ngày được hoàn thiện.
Các triết gia ở Athens lúc bấy giờ không ủng hộ hai hình thức nhà nước
này. Vì họ cho rằng không thể chọn được những người ưu tú để lãnh đạo nhà
nước. Từ đây có thể thấy, tuy Athens có sự phát triển về kinh tế, văn hóa nhưng
chế độ dân chủ chỉ cho một bộ phận tầng lớp công dân, chứ không phải cho toàn
bộ công dân. Trong xã hội, nô lệ không được coi là công dân.
Đặc trưng của đấu tranh giai cấp lúc này không phải là cuộc đấu tranh giữa
giai cấp chủ nô và nô lệ mà là cuộc đấu tranh giữa hai phe chủ nô quý tộc và chủ
nô dân chủ mà đại diện là hai liên minh thành bang.
Tóm lại, sự phát triển của thương nghiệp và thủ công nghiệp đã dần hình
thành nên tầng lớp chủ nô dân chủ. Địa vị về kinh tế và chính trị của phái chủ nô
dân chủ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, giai cấp này luôn bị cản trở kìm hãm bởi
phái chủ nô quý tộc. Đây là nguyên nhân diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai
giai cấp này. Đại diện cho hai giai cấp này là hai thành bang Sparta và thành bang

16
Athens, cuộc đấu tranh giữa hai thành bang diễn ra gay gắt, phức tạp trên 30 năm
làm cho đất nước Hy Lap trải qua thời kỳ đầy biến động.
Cùng với sự phát triển về kinh tế, sự hình thành, phát triển và biến đổi của
xã hội chiếm hữu nô lệ, Hy Lạp thời kỳ này cũng đã đạt được những thành tựu
đáng kể trong các ngành khoa học, nghệ thuật ...
Bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội Hy Lạp là điều kiện khách quan hình
thành nên những tư tưởng triết học cũng như tư tưởng chính trị - xã hội Plato.
Chứng kiến những biến đổi lịch sử trong xã hội Hy Lạp, Plato nhận ra những
khiếm khuyết hiện hữu trong những thể chế chính trị đương thời. Đây là lý do
thôi thúc khiến Plato cũng như những nhà triết học cùng thời dành nhiều thời
gian công sức, nghiên cứu, kiếm tìm những mô hình nhà nước hoàn thiện, có thể
khắc phục được những hạn chế trong các mô hình trong hiện thực lúc bấy giờ.
Những tư tưởng chính trị - xã hội của Plato là kết quả nghiên cứu, tiếp thu và phê
phán hiện thực xã hội Hy Lạp và những tư duy mang tính dự báo, khai sáng của
Plato về sự phát triển xã hội trong tương lai.
1.2 Những tiền đề lý luận cho sự ra đời tư tưởng chính trị - xã hội của
Plato
Trong tiến trình lịch sử tư tưởng nhân loại, bất kể một triết gia nào khi đưa
ra những quan điểm của mình đều có sự kế thừa, tiếp thu và phát triển những tư
tưởng của người đi trước. Plato cũng vậy, tiền đề lý luận cho sự ra đời tư tưởng
chính trị xã hội của Plato là cuộc đấu tranh tư tưởng giữa một bên là tư tưởng dân
chủ và bên kia là phản dân chủ, và sự ảnh hưởng từ những tư tưởng triết học
chính trị -xã hội trước đó. Đặc biệt đó là sự ảnh hưởng trực tiếp những tư tưởng
từ người thầy của Plato đó là Socrates.
Trước nhà triết học Socrates, đặc điểm nổi bật trong tư tưởng của các triết
gia Hy Lạp cổ đại thường chỉ đề cập đến những vấn đề tự nhiên, nguồn gốc của
vạn vật vũ trụ mà chưa quan tâm đến những vấn đề về cuộc sống xã hội loài
người. Những tư tưởng chính trị - xã hội có chăng cũng chỉ là một vài khái niệm

17
chính trị - xã hội mà chưa đề cập một cách có hệ thống. Tiêu biểu cho những tư
tưởng chính trị - xã hội cổ đại Hy Lạp có thể kể đến như:
Solon (638-559 TCN) là đại diện tiêu biểu của phe dân chủ. Ông là người
khởi xướng cho cuộc cải cách dân chủ trên đất nước Athens. Solon thực hiện
cuộc cải cách mang tên Sêsasơchêia ngay sau khi ông lên nắm chính quyền năm
594 TCN. Với cuộc cải cách này ông đã đưa ra những chủ trương như: cấm cầm
cố tài sản, thậm chí dù con nợ có đồng ý thì chủ nợ cũng không được bắt họ và
gia đình làm nô lệ. Những người bị bán làm nô lệ và những người nô lệ bị bán
cho người ngoại quốc khi trở lại Athens đều được trả tự do. Solon cũng ra lệnh
xóa bỏ những món nợ quá lớn, từ đó xóa bỏ mọi hoạt động cầm cố đất đai.
Solon cho phép người giàu tiếp tục giữ các chức vụ trong chính quyền
nhưng ông cũng muốn người nghèo tham gia vào việc điều hành đất nước. Bởi
vậy ông chia dân chúng thành những đẳng cấp khác nhau căn cứ theo thu nhập
của họ. Lớp thấp nhất là thetes gồm những người bần nông, tá điền và không
được nhận bất kỳ chức vụ nào. Tuy nhiên, đẳng cấp thetes được phép tham dự đại
hội dân chúng và được quyền xử kiện. Ngoài ra ông còn lập nên một tòa án tối
cao với thành viên là những quan chấp chính của Athens đã hết nhiệm kỳ và một
cơ quan quyền lực mới là Hội đồng bốn trăm. Mỗi bộ lạc trong 4 bộ lạc sẽ cử ra
100 đại biều tham gia hội đồng này.
Những cải cách của Solon là những cải cách tiến bộ và có ý nghĩa to lớn
đối vời lịch sử nhân loại. Những chủ trương của Solon đã mở đầu cho một cuộc
cách mạng chính trị trên thành bang Athens lúc bấy giờ. Những cuộc cải cách của
Solon hay những cuộc cải cách sau đó của Pericles làm cho mâu thuẫn trong cuộc
đấu tranh giữa hai phe dân chủ và phản dân chủ càng thêm sâu sắc. Plato là một
trong những nhà triết học tham gia cuộc đấu tranh này. Do đứng trên lập trường
của phái chủ nô quý tộc nên ông gay gắy chống đối lại với những chủ trương của
phe chủ nô dân chủ. Bởi vậy, triết học Plato mà đặc biệt là triết học chính trị xã

18
hội của Plato là sự phán ánh hiện thực cuộc đấu tranh này và qua đó ông đã thể
hiện rõ ràng lập trường tư tưởng chính trị của mình.
Héraclite (530-470 TCN), đứng trên lập trường của phe chủ nô quý tộc
chống đối quyết liệt tư tưởng dân chủ của tầng lớp chủ nô dân chủ. Ông cho rằng:
“Đấu tranh là nguồn gốc của sự hiện hữu và khởi nguyên của sự sống và tồn tại”.
Đấu tranh theo ông là điều kiện để tạo nên sự hài hòa và phân hóa xã hội. Thông
qua đấu tranh, bản chất của sự vật được bộc lộ và từ đó con người mới chấp nhận
được sự vật. Những tư tưởng của Héraclite còn bảo thủ và phiếm diện vì ông
tuyệt đối hóa vai trò của cá nhân ưu tú: đối với ông một cá nhân ưu tú thì hơn cả
vạn người bình thường. Ông cũng tỏ ra khinh miệt tầng lớp quần chúng và chủ
trương đàn áp triệt để bất cứ cuộc khởi nghĩa nào của quần chúng nhân dân.
Những tư tưởng này hầu như đều có trong tư tưởng của Plato, Plato cũng cùng
chiến tuyến với Héraclite trong cuộc đấu tranh chống lại phe chủ nô dân chủ.
Hơn nữa tầng lớp quần chúng, hay ở Plato là tầng lớp những người lao động vẫn
là những tầng lớp người thấp kém trong mắt các triết gia cổ đại này. Và những
người ưu tú luôn được coi trọng và tuyệt đối hóa vai trò của họ nhà nước.
Pythagore (571-497 TCN) cũng là nhà triết học chủ trương chống lại phe
chủ nô dân chủ. Ông kịch liệt chống đối trước tình hình phái chủ nô quý tộc bị
phái chủ nô dân chủ đánh chiếm và cướp chính quyền. Bởi vậy, ông đã thành lập
một tổ chức chính trị và triết học để kêu gọi đấu tranh giành lại chính quyền. Đây
cũng là đường lối mà cả Socrate và Plato đi theo.
Plato sống trong thời kỳ đất nước Hy Lạp chia cắt thành các thành bang
với những thiết chế xã hội khác nhau, mà nổi bật là 2 thiết chế dân chủ và quý tộc,
đại diện cho hai mô hình này là thanh bang Athens và thành bang Sparta. Từ cuộc
đấu tranh về chính trị làm hình thành nên hai khuynh hướng tư tưởng đối lập
nhau. Một bên là tư tưởng ủng hộ, bảo vệ nền dân chủ mà đại diện cho tư tưởng
này là Solon một bên là tư tưởng phản dân chủ, đấu tranh chống lại tư tưởng dân

19
chủ, đi theo khuynh hướng này là Héraclite, Pythagore, Socrates và sau này tiếp
thu là Plato.
Socrates (469-399 TCN) là nhà triết học có ảnh hưởng trực tiếp đến Plato.
Những tư tưởng quan điểm triết học của Socrates đặc biệt là cái chết của Socrates
đã tác động mạnh mẽ đến Plato. Socrates là người ủng hộ cho thể chế quý tộc của
Sparte. Ông không thể chấp nhận được việc số đông dân thường lên nắm chính
quyền. Vì trong suy nghĩ của ông đó là những con người tầm thường và dốt nán,
do đó không thể đặt chính quyền vào tay họ được. Những người có thể lãnh đạo
đất nước phải là những người có năng lực và được chuẩn bị những điều cần thiết
mới có thể lãnh đạo được và đây phải là thiểu số. Yêu cầu dân chúng phải phục
tùng mọi đòi hỏi của chính quyền và đặc biệt là phải tuyệt đối tuân thủ luật pháp
dù luật pháp đó là tốt hay xấu. Tất cả những điều đó là muốn cho dân chúng phải
phục tùng một cách vô điều kiện chính quyền. Ông cho rằng, xã hội không thể
tồn tại nếu như các đạo luật bất lực. Giá trị cao nhất theo ông là việc sống tuân
thủ pháp luật. Tất cả những tinh thần trên của Socrates đều được Plato kế thừa và
phát huy, mặc dù những tư tưởng đó có phần bảo thủ và phiếm diện
Là một trong những học trò sất sắc của Socrates, Plato chịu ảnh hưởng trực
tiếp và sâu sắc những tư tưởng của Socrates cả về thế giới quan và nhân sinh
quan, trong đó có những tư tưởng về chính trị - xã hội. Nhân vật mà Plato thường
sử dụng trong các tác phẩm của mình chính là Socrates. Học thầy của mình cả
trong cách truyền đạt tri thức, Plato trình bày quan điểm của mình hầu hết dưới
dạng những cuộc đối thoại để truy tìm chân lý.
Có thể nhận thấy rằng Plato đã tiếp thu và phát triển quan niệm của
Socrates trên nhiều phương diện: về lập trường chính trị ủng hộ giai cấp quý tộc,
đấu tranh chống lại tư tưởng dân chủ vì cho rằng tư tưởng dân chủ còn bộc lộ
nhiều hạn chế, bất công và vì vậy, cần xóa bỏ. Từ đây, ông đưa ra ý tưởng xây
dựng một nhà nước cộng hòa quý tộc lý tưởng, nhấn mạnh cả về vấn đề đức hạnh
chính trị.

20
Những quan điểm chính trị - xã hội của Plato thể hiện sự thống nhất, chặt
chẽ và nhất quán với những quan niệm thế giới quan, nhân sinh quan của ông.
Trong thế giới quan, Plato cho rẳng tồn tại đích thực là ý niệm, ý niệm của ông
thuộc về thế giới tinh thần. Vì vậy, Plato là một nhà triết học duy tâm khách quan.
Sự phân chia những thang bậc trong thế giới ý niệm như thế nào thì ông cũng thể
hiện sự phân chia ấy trong xã hội hiện thực. Quan điểm chính trị xã hội của Plato
thể hiện rõ nét thế giới quan duy tâm của ông khi ông tuyệt đối hóa tri thức, yếu
tố thuộc về tinh thần mà hạ thấp vật chất, người lãnh đạo trong thành bang lý
tưởng là người có tri thức chứ không phải là người giàu có.
Về nhân sinh quan, theo Plato, con người được tạo thành từ thể xác và linh
hồn nhưng thể xác chỉ là nơi cầm tù linh hồn, ràng buộc linh hồn vào những ham
muốn, dục vọng tầm thường. Linh hồn là do Thượng đế ban cho, cái có trước ở
thế giới ý niệm và trú ngụ trên các vì sao. Và có các loại linh hồn khác nhau, vì
vậy, cũng có những loại người khác nhau. Trong tác phẩm “Cộng hòa”, sự phân
chia các giai cấp trong xã hội dựa trên những khả năng tự nhiên của con người,
khả năng đó bị quy định bởi những linh hồn khác nhau ở thế giới ý niệm. Khi
những linh hồn tốt trú ngụ trong thể xác con người sẽ tạo ra những người có khả
năng tự nhiên vượt trội và người này khi được giáo dục bài bản trong nhà nước lý
tưởng sẽ trở thành những nhà cai trị thành bang. Trong khi những linh hồn không
tốt trú ngụ trong thân xác con người sẽ tạo nên khả năng tự nhiên của con người
ấy không tốt và trở thành tầng lớp lao động.
Từ đây, có thể thấy cách nhìn nhận thế giới và con người của Plato quy
định đến những tư tưởng chính trị - xã hội của ông. Thể hiện tính nhất quán trong
hệ thống quan niệm triết học Plato.
Tóm lại, những tư tưởng chính trị xã hội của Plato có tiền đề lý luận sâu xa
từ cuộc đấu tranh tư tưởng giữa hai luồng tư tưởng dân chủ và phản dân chủ.
Tiền đề lý luận trực tiếp tác động sâu sắc đến Plato là những tư tưởng chính trị -
xã hội của những nhà tư tưởng trước đó đặc biệt là của Socrates. Đồng thời quan

21
điểm chính trị - xã hội của Plato là sự nhất quán trong quan điểm với thế giới
quan và nhân sinh quan của ông.
1.3 Khái lược về cuộc đời và sự nghiệp của Plato
Plato là nhà triết học Hy Lạp cổ đại, tên thực là Aristocles, Plato là biệt
danh lúc trẻ của ông. Tên Aistocles được đặt giống tên ông nội, theo phong tục
xứ sở là con trưởng và cháu đích tôn. Có nhiều tài liệu khác nhau viết về năm
sinh, năm mất và nơi sinh của Plato: có tài liệu cho rằng ông sinh năm 430 TCN
cũng có tài liệu ghi rằng ông sinh năm 428 TCN, hay 427 TCN; nơi sinh ở thành
Athens hoặc đảo Aegina, mất năm 348 TCN hoặc 347 TCN. Cha ông là Ariston,
mẹ ông là Perictione thuộc dòng dõi quý tộc, mà nổi tiếng nhất là Solon (638-558
TCN) pháp quan Athens nhiệm kỳ 594-3TCN. Em họ bà là Critias là thủ lĩnh
nhóm Ba mươi bạo chúa. Ông có 2 em trai và một em gái. Sau khi cha ông qua
đời, lúc Plato còn rất nhỏ, mẹ ông tái giá với ông Pyrilampes, nhân vật giàu có,
thế lực trong nhóm dân chủ ủng hộ lãnh tụ Pericles. Plato có em trai cùng mẹ
khác cha tên Antipphone. Có thể thấy Plato có liên hệ mật thiết với giai cấp quý
tộc Athens, tuy nhiên ông vẫn giữ được thái độ cơ bản của một bậc sĩ phu: ngay
thẳng, khách quan trong lối sống cũng như trong sáng tác.
Thời kỳ mà Plato sống, thành bang Athens diễn ra rất nhiều những biến
động về chính trị - xã hội, vì vậy Plato đã chứng kiến liên tục chính sự phát triển,
suy đồi, sụp đổ của của các hình thức chính thể. Những quan sát trên thực tế cùng
với đầu óc nhanh nhạy trong nhìn nhận những sự kiện lịch sử đã ảnh hưởng trực
tiếp đến tư tưởng và tác phẩm của ông.
Ông là người có nhiều ưu thế hơn các thanh niên cùng thời như: là con nhà
giàu có, gia đình quý tộc, dòng họ quyền thế, thân thể cường tráng và được tiếp
thu đầy đủ giáo dục thời đại. Nhưng ông lại không theo đuổi sự nghiệp chính trị.
Bởi ông nhận thấy, nhóm Ba mươi bạo chúa khi mời ông tham gia điều hành
thành bang vẫn còn duy trì tình trạng bất công, tàn bạo. Và thêm vào đó, sự kiện

22
người thầy của ông là Socrates bị kết án tử hình đã gây chấn động và ông quyết
định vĩnh biệt chính trị.
Sau khi Socrates qua đời năm 339TCN, khi đó Plato mới 28 tuổi, ông lui về
Megara thành phố trong vùng Megaris nằm giữa vịnh Corinth và vịnh Saronic,
gặp gỡ các thân hữu từng là học trò của Socrates. Sau đó, ông đi thăm thú nhiều
nơi như: đến thành phố Cyrene trong vùng Cyrenaica thuộc địa Bắc Phi diện kiến
nhà toán học Eudoxus, tới Ai Cập, rồi đến Ý và đảo Sicile thăm viếng triết phái
Pythagora. Khi đến thành phố Syracuse, ông tiếp xúc với Dion, em vợ Dionysius.
Khi đó Dionysius đang ở cực đỉnh quyền thế, mới 25 tuổi đã được bầu làm
strategos, nguyên soái tướng quân. Ngoài chuyện toàn quyền hành động,
Dionysius giải phóng người Hy Lạp trên đảo Sicile khỏi áp bức, hiếp đáp, đe dọa
của Carthage, đồng thời tạo dựng cho họ sức mạnh chính trị để có thể có chỗ
đứng đáng kể trong thế giới Hy Lạp. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà quan hệ
đôi bên chở nên căng thẳng, bạo chúa trẻ tuổi này lại kiếm cớ đưa ông lên thuyền
đem đến đảo Aegina bán làm nô lệ và tù binh chiến tranh. Nhưng nhờ có người
quen từ Cyrene tên là Anniceris bỏ tiền ra chuộc, ông mới trở về được Athens.
Định cư ở đây ít lâu, năm 387 TCN, ông thành lập Học viện nhằm truyền bá khoa
học và triết học trong khu rừng ven biên thành phố, ông bắt đầu giảng dạy triết
học. Cũng giống như Socrates, ông dạy học không lấy tiền và khi dạy ông thường
sử dụng phương pháp đối thoại, đàm đạo. Ông thu hút nhiều đệ tử theo học, trong
đó có Aristotle.
Ông luôn mong muốn áp dụng học thuyết chính trị tổ chức cơ chế xã hội,
chính thể quốc gia vào thực tiễn xã hội. Khi Dionysius I qua đời, Dionysius II nối
ngôi, nắm quyền cai trị vẫn còn non nớt nên phải trông cậy vào cậu ruột là Dion-
người thân hữu chí tình của Plato. Đây là cơ hội để học thuyết của Plato có thể
được áp dụng. Dionysius sẵn sàng đón nhận và Dion tha thiết yêu cầu Plato đến
cố vấn. Plato đã đến Syracuse nhằm thực hiện hoài bão, nhưng chuyến đi không
thành công. Ông tỏ ra không mặn nồng với việc điều hành quốc sự của Dionysius

23
và Dionysius cũng không còn lắng nghe ý kiến của Plato. Vì vậy, ông trở về
Athens và sau đó, ông một lần nữa đến thăm Dionysius nhưng cũng không có kết
quả gì. Phần đời còn lại ông dành cho việc sáng tác và tiếp tục giảng dạy ở Học
viện. Ông qua đời khoảng năm 348-347TCN và được mai táng tại ven biển gần
Học viện.
Về sự nghiệp sáng tác, ông để lại những tác phẩm có giá trị ảnh hưởng sâu
sắc đối với lịch sử tư tưởng của nhân loại. Sau khi Socrates qua đời, ông viết tác
phẩm “Biện giải” và một số là thư đều dưới hình thức đối thoại. Có khoảng 25
tác phẩm chân thực mang tên ông. Phần lớn đối thoại chia làm 3 nhóm: đối thoại
theo kiểu Socrates thường dùng, luận thuyết chính trị và đối thoại có tính cách
lôgic và phương pháp. Những đối thoại theo kiểu Socrates tiêu biểu và chủ đề nổi
bật như “Euthyphro” (mộ đạo, hiếu thảo), “Charmides” (tiết độ), “Lysis” (tình
bạn), “Meno, Protagoras” (đạo đức), “Laches” (can đảm), “Hippias Lớn” (cái
đẹp), “Hippias Nhỏ” (cái giả), “Philebus” (cái tốt), “Cộng hòa”. Luận thuyết
chính trị gồm “Cộng hòa”, “Chính Khách”, “Luật Pháp”. Nhiều đối thoại tìm
hiểu triết học và phương pháp triết học như: “Phaedo”, “Symposium”, “Sophist”,
“Phaedrus”, “Timaeus”, “Philebus”.
Tiểu kết chương 1
Với bất cứ nhà tư tưởng nào, những tình hình kinh tế, chính trị -xã hội
đương thời cũng có tác động nhất định trong việc hình thành những tư tưởng của
nhà tư tưởng đó. Plato cũng vậy, bối cảnh kinh tế, chính trị - xã hội của Hy Lạp
cổ đại có tác động trực tiếp dẫn đến sự hình thành tư tưởng chính trị -xã hội của
Plato. Cùng với vị trí địa lý thuận lợi lại thêm tài nguyên thiên nhiên phong phú,
đất nước Hy Lạp cổ đại rộng lớn có những điều kiện vô cùng thuận lợi cho sự
phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, là một vùng lãnh thổ rộng lớn nên mỗi
vùng miền của đất nước Hy Lạp lại có những thuận lợi đặc trưng riêng, đây là
đặc điểm quy định nên những xu hướng phát triển kinh tế cũng như thể chế chính
trị riêng.

24
Về tiền đề lý luận cho sự hình thành tư tưởng chính trị xã hội của Plato,
những tư tưởng chính trị - xã hội của Plato có tiền đề sâu xa là sự tác động của
cuộc đấu tranh giữa hai xu hướng chính trị một bên là chủ nô dân chủ và một bên
là chủ nô quý tộc. Trong cuộc đấu tranh gay gắt này Plato đứng trên lập trường
của giai cấp quý tộc bảo vệ quyền lợi và lợi ích cho giai cấp mình. Tiền đề lý
luận trực tiếp đó là sự ảnh hưởng của những tư tưởng chính trị - xã hội của những
nhà tư tưởng trước đó như Solon, Hêraclite, Pythagore, Democrite nhưng người
có ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc nhất là Socrates. Socrates ảnh hưởng tới Plato
trên nhiều phương diện cả thế giới quan lẫn nhân sinh quan. Đồng thời tư tưởng
chính trị - xã hội của Plato là sự thể hiện quan điểm nhất quán giữa thế giới quan
và nhân sinh quan của ông.
Tóm lại, tư tưởng chính trị - xã hội của Plato được hình thành là kết quả
trực tiếp từ sự tác động của bối cảnh kinh tế, chính trị - xã hội của đất nước Hy
Lạp cổ đại đầy biến động. Những tư tưởng chính trị - xã hội là có tiền đề lý luận
sâu xa từ cuộc đấu tranh giữa quý tộc chủ nô và dân chủ chủ nô, nhưng tiền đề lý
luân trực tiếp là từ những nhà tư tưởng đi trước. Những tư tưởng chính trị - xã hội
của Plato thể hiện nhất quán giữa thế giới quan và nhân sinh sinh quan của ông.
Cuộc đời và sự nghiệp của Plato cũng trải qua không ít thăng trầm và những biến
cố, ông cũng đã để lại cho lịch sử nhân loại một kho tàng những tác phẩm có ý
nghĩa lịch sử. Plato xứng danh là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất thời
kỳ Hy Lạp cổ đại.

25
Chương 2
NỘI DUNG TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ -XÃ HỘI CỦA PLATO
2.1 Học thuyết về ý niệm và linh hồn- cơ sở lý luận của tư tưởng chính
trị-xã hội của Plato
Học thuyết ý niệm đóng vai trò là hạt nhân trong bản thể luận của Plato,
đồng thời là cơ sở lý luận cho những tư tưởng chính trị - xã hội của Plato. Ở đây,
thế giới quan duy tâm của Plato được thể hiện sâu sắc. Plato cho rằng, tồn tại
đích thực không phải là thế giới sự vật cảm tính thường xuyên biến đổi mà là thế
giới vô hình, bất biến, vĩnh viễn ở bên ngoài các sự vật vất chất đó chính là thế
giới ý niệm. Trong đó, tồn tại đích thực là ý niệm, còn thế giới các sự vật cảm
tính chỉ là sự mô phỏng, bắt chước, là “cái bóng” của thế giới ý niệm. Ý niệm
được Plato hiểu là mô thức lý tưởng của các sự vật, là bản chất, nguyên mẫu của
sự vật còn các sự vật là sự mô phỏng của ý niệm. Ý niệm tạo nên cấu trúc tối cao
của thế giới và không bị lệ thuộc vào cấu trúc này. Ý niệm là linh hồn của vạn vật
và sự vật chỉ là nó nếu nó nằm trong quan hệ với ý niệm. Vật chất là điều kiện
cho sự tồn tại của sự vật, là bản nguyên thứ hai của sự vật, còn bản nguyên thứ
nhất, cái tạo thành bản chất của sự vật là ý niệm - mô thức về nó.
Trong Timeus, Plato viết: “trước tiên cần phân biệt cái gì luôn luôn tồn tại
và không bao giờ sinh thành và cái gì sinh thành nhưng không bao giờ tồn tại”.
Theo ông tồn tại đích thực phải là tồn tại vĩnh cửu bất biến tự thân đồng nhất, bền
vững, siêu cảm tính, bất khả phân, vĩnh cửu. “Cái bóng” của tồn tại đích thực là
sự sinh thành tính nhất thời khả biến, có khả năng trở thành cái khác, luôn chịu sự
quy định của điều kiện không gian - thời gian, cảm tính, khả phân, khả hủy. Tồn
tại đích thực được Plato quy về thế giới các ý niệm còn “cái bóng của tồn tại” là
thế giới các sự vật. Thế giới ý niệm là thế giới bản chất được lý trí nhận thức, còn
thế giới các sự vật là thế giới hiện tượng, tác động lên giác quan con người. Một
bên là thế giới lý tưởng, cái thiện, bên kia là thế giới pha tạp, phân hủy.

26
Trong thế giới ý niệm, ý niệm thiện được coi là ý niệm cao nhất. “cái thiện
không phải là bản chất, mà xét về đặc tính và phẩm hạnh thì nó đứng cao hơn
những bản chất” [18, quyển VI, 508e]. “Ý niệm Thiện là ngọn nguồn của chân lý
"Trong thế giới tri thức, Mô thể cơ bản của Sự Thiện (Cái Thiện - TG) là điều
được tri giác sau cùng và khó khăn nhất. Một khi nó được tri giác, chúng ta sẽ
phải kết luận rằng nó là nguyên nhân của tất cả những gì đúng và tốt; trong thế
giới hữu hình, nó phát sinh ánh sáng và phát sinh ra chủ nhân của ánh sáng, trong
khi nó là chúa tể của thế giới khả tri và là nguồn gốc của trí thông minh và chân
lý. Nếu không có sự hiểu biết về Mô thể này không ai có thể hành động một cách
khôn ngoan, dù là trong đời sống cá nhân hay trong các hoạt động cộng đồng"”
(Trích theo [15,22].)
Để minh họa cho quan niệm này, Plato đã dùng hình ảnh hang động: Ở cửa
một cái hang tối có một đoàn người đi qua, ánh sáng mặt trời chiếu vào cửa hang
làm cho bóng của đoàn người được in trên vách đá. Nếu nhìn lên vách hang bên
trong, người ta sẽ thấy những bóng người đi qua. Từ đây, Plato cho rằng thế giới
các sự vật cảm tính chỉ như cái bóng của đoàn người chứ không phải là đoàn
người thực. Plato cho rằng các triết gia là người phân biệt đâu là cuộc sống đích
thực, đâu là cái bóng của nó. Chỉ có triết gia mới vượt lên ý thức tầm thường,
vươn lên chân lý, đồng thời chỉ ra sự khác nhau giữa hai thế giới.
Từ những quan niệm trên, Plato đi đến khẳng định tồn tại đích thực là ý
niệm và “cái bóng của tồn tại” là các sự vật cảm tính. Tuy thế giới ý niệm và thế
giới các sự vật cảm tính được Plato đặt ở thế đối lập nhau, nhưng không phải là
không có mối quan hệ nào với nhau. Thế giới ý niệm là khuôn mẫu cho thế giới
các sự vật cảm tính. Các sự vật cảm tính là sự mô phỏng, bắt chước của ý niệm.
Khi các sự vật thông dự vào ý niệm, khi đó các sự vật giống với ý niệm. Xu
hướng phát triển hoàn thiện của các sự vật là giống ý niệm, càng giống ý niệm
bao nhiêu thì càng hoàn thiện bấy nhiêu. Khác với trường phái Êlê, Plato thừa
nhận tính đa dạng, muôn vẻ của tồn tại, làm sáng tỏ mối quan hệ giữa ý niệm và

27
sự vật, từ đó đi đến tiên đoán quá trình vũ trụ nói chung. Theo ông có bao nhiêu ý
niệm thì có bấy nhiêu phức hợp của các sự vật, hiện tượng, quá trình, các quan hệ
đồng nhất căn bản. Plato đề cập đến ba phương án tạo nên mối quan hệ giữa ý
niệm và sự vật. Đầu tiên các sự vật hướng đến ý niệm như khuôn mẫu của mình,
sau đó thông dự vào thế giới ý niệm và cuối cùng là tương đồng với các ý niệm
khi đó sự vật thể hiện đúng với bản chất của mình.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra là nguyên nhân nào làm cho các sự vật cảm tính lại
khả biến, nhất thời, phân tán. Nguyên nhân ấy được ông gán cho Chora 1. Chora
là một không gian giả định, một số tiểu loại không nhìn thấy, không tìm ra,
không có hình hài. Theo cách hiểu ấy chora chẳng khác nào cái không tồn tại,
hay không là gì cả, nhưng theo Plato nó có thực, có vai trò to lớn đối với các sự
vật, nó tồn tại khác, không đồng cấp và đồng lực với thế giới ý niệm như tồn tại
mà nó đi sau ý niệm. Chora khác với vật chất vật lý. Thế giới các sự vật theo ông
là kết quả của thế giới ý niệm và thế giới Chora. Hai thế giới hòa lẫn vào nhau
những tính quy định đối lập tạo nên thế giới các sự vật.
Bên cạnh học thuyết về ý niệm, học thuyết về linh hồn cũng đóng vai trò
quan trọng trong tư tưởng triết học của Plato. Plato cho rằng, con người được cấu
thành từ thể xác và linh hồn. Thể xác con người được cấu thành từ lửa, nước,
không khí, đất, do vậy không thể bất diệt. Còn linh hồn con người là sản phẩm
của linh hồn vũ trụ, vì vậy nó không mất đi khi con người chết. "Người ta không
được mảy may thiếu tin tưởng vào nhà lập pháp. Tương tự như vậy, người ta
cũng phải tin vào sự khẳng định của ông ta rằng linh hồn là một cái gì đó khác
với thể xác. Tự bản thân linh hồn có cuộc đời riêng và nó chính là cái làm cho
mỗi người chúng ta trở nên có ý nghĩa. Trái lại, thể xác là cái thân xác mà mỗi
người phải cưu mang và chỉ là một cái bóng. Cái bóng này sẽ tiêu tan khi ta chết

1
Chora được hiểu là vật chất (nhưng không phải là vật chất vật lý) – bản nguyên thứ 2 của vũ trụ . Đó là một
không gian giả định, nó giống với cái không tồn tại.

28
đi, còn cái con người đích thực với tư cách là bản chất bất tử hay linh hồn, thì trở
về với các thiên thần và phúc trình ở đó"(Trích theo [15,22]).
Linh hồn gồm ba phần là lý tính hay trí tuệ, xúc cảm và cảm tính. Mỗi loại
linh hồn có những tác động riêng, vì vậy cần chú trọng để cả ba phần của linh
hồn cùng được tập luyện tương thích nhau. “Phần cao quý nhất của tâm hồn con
người do Thượng đế ban cho, nó ở trong phần đầu của thân thể và "làm cho
chúng ta lớn mạnh như cây cối, với sự phát triển không phải từ đất nhưng từ
trời" . Vì vậy nếu người nào chỉ chú trọng đến dục vọng và ham muốn thì kẻ đó
làm cho ý nghĩ của mình đi đến chỗ chết và mặc dù anh ta còn tồn tại, mọi cái
thuộc về anh ta đều đã chết. Như vậy, theo Plato, bản chất đích thực của linh hồn
là tri thức và vô hình. Trong con người lý trí làm chủ, vì vậy, người hạnh phúc
tuyệt vời là người chăm chỉ chuyên sâu yêu thích tri thức và sự khôn ngoan đích
thực. Nếu người đó được huấn luyện để suy tư và hiểu rằng đó là những cái bất tử
và linh thiêng của con người, nếu anh ta đạt đến sự bất tử, người ấy hẳn là được
hạnh phúc tuyệt vời.”(Trích theo[15,22] )
Linh hồn bất tử, khi con người chết đi chỉ có thể xác phân hủy, linh hồn
còn lại, vì linh hồn là cái tinh khiết, vô hình, cao cả không phải hợp chất, theo lẽ
tự nhiên cái là hợp tố và hợp chất thế nào cũng tan vỡ thành phần cấu thành. Linh
hồn con người tuân theo kiếp luân hồi mất đi ở kiếp này, tái sinh ở kiếp khác.
Trong Meno Plato viết: “Họ nói linh hồn người ta bất tử: có một lúc nó đi đến kết
thúc – đó là cái chết- và lúc khác nó lại tái sinh, nhưng không bao giờ bị hủy diệt.
Dựa trên cơ sở này người ta phải sống mọi ngày trong đời mình một cách chính
trực hết sức” [10,238-239]. Trong tác phẩm “Phaedo”, cũng giống Socrates, Plato
coi thể xác là nơi giam cầm của linh hồn. Linh hồn bị giam hãm trong thể xác
giống như bị giam hãm trong nhà tù, vì vậy những linh hồn nào gắn nhiều với thể
xác sẽ không được giải thoát, linh hồn đó "lang thang quanh quẩn mộ phần, mồ
mả, nơi vong linh rập rờn, hình bóng mập mờ linh hồn tạo thành xuất hiện, linh
hồn chưa giải thoát, chưa thanh tẩy, song thơ thẩn trong cõi hữu hình, vì thế nên

29
nhìn thấy"(Trích theo, [15,22-23]). Mục đích của cuộc đời con người là giải thoát
linh hồn đưa nó trở về với cội nguồn nơi có sinh ra, tức thế giới vô hình, hoàn
hảo - thế giới của cái chân, thiện, mỹ tuyệt đối. Muốn vậy, con người cần trau dồi
đạo đức, để cư xử tốt ở đời. "Linh hồn sung sướng hơn hết, linh hồn có nơi nhập
tốt đẹp hơn hết là linh hồn đã luyện tập, trau dồi đức tính của công dân bình
thường - gọi là điều độ, chính trực” (Trích theo, [15,23]).
Linh hồn muốn đạt tới bản chất siêu việt, gia nhập hàng ngũ thần linh phải
luyện tập triết học: "Linh hồn chưa tập luyện triết học, khi từ giã cõi đời không
hoàn toàn tinh khiết, không thể đạt tới bản chất siêu việt, không thể gia nhập
hàng ngũ thần linh, bất kể linh hồn nào, trừ triết gia và linh hồn yêu mến sự hiểu
biết" (Trích theo[15,23]); "Thực tập triết học đúng đường lối kìm hãm, lánh xa,
chế ngự, chống trả, cương quyết không đầu hàng đam mê thể xác" (Trích theo
[15,23]). Linh hồn các triết gia chân thực luôn tránh xa lạc thú, thèm muốn, đau
khổ, đam mê vô độ vì họ biết những thứ đó không những gây ra cảnh xấu xa con
người phải gánh chịu mà họ nhìn thấy, mà còn tạo nên cảnh xấu xa khủng khiếp
cực kỳ con người không hay biết. Vì vậy, triết gia chân chính không sợ chết mà
dang tay đón nhận nó, vì như vậy linh hồn sẽ được thoát khỏi nơi giam cầm.
Theo Plato, nhiệm vụ của nhà triết học là giải thoát linh hồn khỏi thân xác. "Khác
hẳn mọi người trong nhân loại, triết gia tìm đủ cách tách linh hồn khỏi thể
xác"(Trích theo, [15,23]). Các nhà triết học khi chết đi linh hồn họ được thanh
tẩy vì linh hồn ấy đã thoát ra khỏi kẻ thù của nó chính là thân xác. Vì vậy, một
triết gia thực sự không buồn phiền mà còn phấn khởi khi đón nhận cái chết. Tuy
rằng khi chết đi triết gia về với thế giới bên kia họ sẽ được gặp những bạn bè và
người thân tốt lành, nhưng không vì vậy mà họ tự tìm đến cái chết để được
hưởng điều đó. Vì Plato cho rằng con người thuộc sự quản lý của Thần do vậy
không nên tự ý tìm đến cái chết khi Thần linh chưa gọi. Và nếu là một triết gia
thực thụ, họ sẽ tin rằng ở thế giới bên kia họ sẽ được hưởng sự khôn ngoan thì họ
sẽ sẵn sàng đón nhận cái chết khi đến thời điểm. Nhưng nhà triết học để đến được

30
thế giới bên kia và được hưởng sự khôn ngoan đó họ phải dấn thân vào đời sống
chính trị để trau dồi và tu dưỡng.
Triết gia chính là người có thể hiểu biết về thế giới ý niệm, đặc biệt là ý
niệm Thiện, vì vậy họ yêu mến nó. Và điều đó khiến họ mong ước thế giới
thường ngày phải giống các ý niệm cao nhất. Cũng như vậy, các nhà triết học biết
thế nào là công bằng, vì vậy họ thấy có nghĩa vụ góp phần thiết lập sự công bằng
trên thế giới, tham gia vào đời sống chính trị và tham dự vào công việc cai trị
trong nhà nước lý tưởng. Muốn có một linh hồn tinh khiết, thoát khỏi sự lệ thuộc
vào đam mê thân xác, điều khiển được thân xác, con người cần phải được đào
luyện. Trong tác phẩm “Cộng hòa” và hội thoại Timaeus, Plato bắt đầu nhấn
mạnh đến sự cân bằng giữa thể xác và linh hồn trong mẫu hình con người toàn
diện. Mặc dù nhấn mạnh vai trò điều khiển của linh hồn trong con người, nhưng
Plato ủng hộ quan niệm về một mẫu hình hài hòa giữa thể lực và trí lực. Bất
tương xứng về thể lực và trí lực là một điều rất không tốt cho con người toàn diện.
"Một tinh thần minh mẫn trong một thân xác khỏe mạnh sẽ là cái đẹp đẽ và đáng
yêu nhất trong những điều đang ngắm nhìn của một kẻ có con mắt để nhìn"
(Trích theo,[15, 24]). Nếu trong một con người mà hồn mạnh hơn xác sẽ làm náo
loạn và gây mất trật tự toàn bộ bản chất bên trong của con người, khi nóng lòng
theo đuổi tri thức, nó gây ra sự tàn phá. Nếu thân xác to lớn mà linh hồn nhỏ bé,
mất nhạy cảm, đần độn và cẩu thả sinh ra ngu dốt, vốn là căn bệnh nặng nề nhất.
Tóm lại, những tư tưởng về ý niệm và linh hồn là cơ sở lý luận cho những
quan niệm về chính trị - xã hội của Plato. Từ đó, tạo nên thể thống nhất trong tư
tưởng triết học Plato. Trong tư tưởng chính trị - xã hội của Plato vẫn thể hiện sâu
sắc thế giới quan duy tâm và những quan niệm về các loại linh hồn khác nhau
quy định nên những giai tầng trong xã hội khác nhau. Plato phân chia các tầng
lớp trong xã hội dựa trên những khả năng tự nhiên của con người và điều này
được quy định từ những linh hồn có trước trong thế giới ý niệm.
2.2 Tư tưởng chính trị cơ bản của Plato

31
2.2.1 Tư tưởng của Plato về nguồn gốc nhà nước
Nguồn gốc của nhà nước là một trong những vấn đề quan trọng trong tư
tưởng chính trị của Plato. Theo Plato nhà nước xuất hiện vì cá nhân con người
không thể sống tách biệt mà phải sống cộng tác, hợp tác, liên kết với nhau để đáp
ứng những nhu cầu khác nhau của con người mà mỗi cá nhân một mình không
thể tự cung ứng.
Nhà nước được hoàn thiện khi trong cộng đồng có đủ người để thỏa mãn
các nhu cầu đa dạng, khác biệt, và những người trong nhà nước giúp đỡ nhau để
định cư ở một nơi nhất định. Plato nhận thấy xã hội cần rất nhiều những nhu cầu
khác nhau, những nhu cầu ấy là rất đa dạng mà bắt đầu là những nhu cầu thiết
yếu về thực phẩm, nhà ở, quần áo... Để đáp ứng được những nhu cầu đó cần có
người sản xuất ra những sản phẩm ấy.
Một cá nhân, theo Plato vì khi sinh ra mỗi người có khả năng riêng chỉ phù
hợp với một ngành nghề nhất định nên không giỏi tất cả mọi việc, không thể tự
mình đáp ứng được tất cả các nhu cầu cá nhân cần. Vì vậy, trong xã hội cần có sự
phân công lao động. Mỗi người chỉ nên đảm trách một công việc nhất định và rèn
luyện tay nghề thành thục, chuyên nghiệp tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của
cộng đồng. Ông cho rằng: “ Quan niệm của tôi là nhà nước ra đời bởi vì không có
một cá nhân nào có thể tự túc được; chúng ta có nhiều nhu cầu” [10, 75], “vì tất
cả các nhu cầu ấy, chúng ta kêu gọi sự giúp đỡ lẫn nhau để thỏa mãn các yêu cầu
khác nhau của chúng ta, và khi chúng ta đã quy tụ được một số người trợ giúp và
cộng tác để sống tại cùng một nơi, chúng ta gọi nơi đó là nhà nước” [26,170].
Nhà nước ra đời bắt nguồn từ yêu cầu cần phải liên kết để thỏa mãn nhu cầu cần
thiết để duy trì cuộc sống. Những nhu cầu của con người càng ngày càng tăng
dần để đáp ứng đủ các thành viên trong nhà nước cũng phải tăng lên và vì mỗi
người không thể cùng lúc làm tốt nhiều việc nên theo Plato mỗi người chỉ nên
làm những việc mà khả năng của họ thực hiện tốt nhất. Có thể thấy trong nhà

32
nước của Plato có sự chuyên môn hóa. Đây cũng là một yếu tố tạo nên tính thống
nhất, trật tự và sự kết hợp nhịp nhàng trong xã hội.
Plato đặt ra vấn đề sản xuất không chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước mà
còn để trao đổi với nước ngoài, bán ra nước ngoài, sản xuất hàng hóa để trao đổi,
buôn bán với nước ngoài. Tuy nhiên, ông không khuyến khích việc sản xuất hàng
hóa.
Ông thừa nhận có chiến tranh giữa các quốc gia. Nguyên nhân của chiến
tranh là do nhu cầu trong nhà nước càng ngày càng tăng đặc biệt là nhu cầu mở
rộng lãnh thổ đất đai để phục vụ cho sản xuất của nhà nước đó dẫn đến phải xâm
lấn đất đai của các nước láng giềng. “ Đất nước của chúng ta rộng, đủ để cung
cấp các nhu cầu cho các dân cư lúc ban đầu, nhưng bây giờ nó trở thành quá nhỏ.
Nếu chúng ta muốn có đủ đồng cỏ để nuôi gia súc và đất đai để trồng trọt, chúng
ta phải cắt bới đất đai của những nước láng giềng, và nếu họ cũng không hài lòng
với nhu cầu hiện có của họ, nhưng muốn có những của cải vô giới hạn, họ cũng
sẽ phải cắt bớt một phần đất đai của chúng ta” [26,179]. Khi nguy cơ có chiến
tranh xảy đến, nhà nước ngoài việc sản xuất phải cần có vệ quân đển bảo vệ tài
sản của nhà nước, chống lại sự xâm lấn của bên ngoài. Vệ quân cũng được coi là
một nghề trong sự phân công lao động.
Quan niệm của Plato về nguồn gốc nhà nước chưa thể hiện được bản chất
của nhà nước. Tư tưởng về nguồn gốc nhà nước cũng thể hiện được Plato chưa
phân biệt được sự khác nhau giữa khái niệm xã hội và khái niệm nhà nước, mà
ông đồng nhất hai khái niệm làm một. Trong khi chủ nghĩa Mác-Lênin cho rằng
nguồn gốc của nhà nước là đấu tranh giai cấp, thì ở đây Plato cho rằng nhà nước
ra đời do nhu cầu liên kết giữa các cá nhân với nhau. Quan niệm của Plato về nhà
nước chưa chỉ ra được nguồn gốc thực sự của nhà nước. Bởi vì, ở thời đại Plato
chưa có cách nhìn đúng về quy luật lịch sử, những tri thức về lịch sử phát triển
của xã hội loài người chưa được tích tụ đủ để nhìn được bản chất của những mối

33
liên hệ khách quan, phức tạp của vận động xã hội. Vì vậy, tư tưởng của Plato về
nguồn gốc nhà nước còn hạn chế, nhưng đó là hạn chế bởi lịch sử.
2.2.2 Tư tưởng về quyền lực nhà nước
Về quyền lực nhà nước, Plato khẳng định phải thuộc về những nhà thông
thái, nhà triết học. Không phải ngẫu nhiên mà Plato đề cao các triết gia, đó là bắt
nguồn từ thế giới quan và nhân sinh quan của ông. Xuất phát từ quan niệm thế
giới các sự vật là cái bóng của thế giới ý niệm, thế giới ý niệm là khuôn mẫu của
các sự vật. Con người khi sinh ra được tạo thành từ thể xác và linh hồn, linh hồn
có nguồn gốc từ thế giới ý niệm. Theo Plato, những người nắm tri thức là những
người nắm quyền cai trị. Người lãnh đạo theo Plato là những người có khả năng
tự nhiên và được giáo dục đúng đắn. Là người đề cao tri thức, Plato khẳng định
một nhà nước lý tưởng phải được lãnh đạo bởi những người hiểu biết, khôn
ngoan. Những nhà triết gia phù hợp nhất cho ngôi vị lãnh đạo. Ông viết: “cái ác
của thế giới sẽ chỉ dừng lại khi các triết gia làm vua hay vua là triết gia”. Người
có năng lực không phải đi cầu xin để được lãnh đạo mà những công dân phải tìm
đến họ và tôn vinh họ lên làm người cai trị. Người lãnh đạo thành bang vừa có tố
chất tự nhiên vượt trội lại vừa được giáo dục đúng đắn nên họ có sự thông thái,
hiểu biết không chỉ có những kiến thức về hình học, số học, thiên văn mà còn cả
triết học, những kiến thức này phục vụ cho việc cai trị và tránh những sai lầm.
Những nhà lãnh đạo vừa có thể chất khỏe mạnh lại có tâm hồn duyên dáng, cân
đối. Hay nói cách khác, đối với Plato trong nhà nước lý tưởng vai trò của những
triết gia cũng giống như những vị thuyền trưởng của con tàu, muốn cho con tàu
đi đúng hướng thì vị thuyền trưởng phải là người được đào tạo bài bản để có thể
thông hiểu được những cấp độ của tiến trình nhận thức, phân biệt được đâu là
chân lý và đâu là sai lầm, đâu là tồn tại thực đâu là cái bóng của tồn tại. Là nhà
duy tâm nên Plato đề cao yếu tố tinh thần mà hạ thấp yếu tố vật chất. Ở đây,
người quyết định về chính trị không phải người nắm kinh tế mà là người nắm sự
hiểu biết. Tuy quan niệm về quyền lực nhà nước còn mang tính chất duy tâm

34
nhưng cũng để lại những giá trị nhất định khi Plato đề cao năng lực của người
lãnh đạo, xóa bỏ chế độ cha truyền con nối.
2.2.3 Sự phê phán đối với những hình thức nhà nước suy đồi
Để xây dựng nên những tư tưởng về một nhà nước lý tưởng, là cả một quá
trình Plato nghiên cứu về các mô hình nhà nước trên thực tế. Việc đưa ra những
tiêu chuẩn cho nhà nước lý tưởng là sự khắc phục những khuyết điểm, những mặt
tiêu cực trong những mô hình nhà nước hiện thời. Theo Plato, những mô hình
nhà nước hiện thời là những mô hình nhà nước suy đồi với đầy dẫy những bất
công, những yếu kém. Plato đã phê phán những hình thức nhà nước khác nhau
thuộc về kiểu nhà nước tiêu cực bằng cách đưa ra bản chất của từng hình thức
nhà nước và mối liên hệ dẫn đến các nhà nước ấy. Trong khi so sánh với hình
thức nhà nước hoàn thiện, Plato thấy rằng mỗi hình thức nhà nước suy đồi là một
nấc thang của sự xuyên tạc nhà nước hoàn thiện. Cụ thể, ông cho rằng có bốn
hình thức nhà nước đáng phải phê phán đó là:
-Thứ nhất là chế độ vị danh (timarchia) còn gọi là chế độ tài bản, phú hào
hay kim quyền (timokratia) hình thức chính quyền của người Crete và Sparta.
Đây là hình thức nhà nước bắt đầu cho sự xuyên tạc nhà nước hoàn thiện, Plato lý
giải có sự thay đổi từ nhà nước hoàn thiện sang nhà nước tiêu cực là do “mọi vật
sinh ra đều có sinh có hóa, ngay cả trật tự xã hội cũng không thể kéo dài mãi mãi,
mà thế nào cũng suy tàn” [26,553]. Sự suy tàn của nhà nước hoàn thiện được
Plato mô tả như sau: sự sinh sản của các sự vật đều theo những thời kỳ nhất định
và con người cũng vậy. Những người cầm quyền tuy đã được đào luyện cho
thành bang đều khôn ngoan, nhưng không phải mọi suy tính của người cầm
quyền đều đúng mà cũng có khi rơi vào sai lầm. Việc tính sai về việc sinh sản sẽ
gây nên những hậu quả nặng nề cho thế hệ sau như thế hệ sau sinh ra không khỏe
mạnh, khôn ngoan, vì vậy khi thế hệ được sinh ra do tính toán sai lầm sẽ không
đảm trách tốt nhiệm vụ được giao và thành bang sẽ sảy ra sự biến đổi. Thế hệ này
sẽ lơ là trong việc rèn luyện cả về tâm trí và thể xác trở nên kém giáo dục và kém

35
văn hóa. Kết quả khi thế hệ này lãnh đạo đất nước sẽ là những người cầm quyền
không có khả năng và bản chất của người lãnh đạo, hay nói cách khác người lãnh
đạo đất nước lúc này không thể thiết lập được một trật tự theo những khả năng tự
nhiên của các công dân. Trong thành bang sẽ diễn ra chiến tranh và thù hận đó là
biểu hiện của mâu thuẫn nội bộ. Khi có mối bất hòa xảy ra trong cùng một chính
quyền. Hệ quả sẽ gây ra sự chia rẽ thành hai hướng khác nhau, họ chiến đấu với
nhau và cuối cùng họ đồng ý phân chia đất đai và nhà cửa cho các chủ sở hữu cá
nhân và họ biến các bạn bè của họ thành những người nô lệ và những người trông
coi nhà cửa đất đai cho họ mặc dù những người này trước đó là những công dân
tự do được bảo vệ và che chở. Vì đây là hình thức trung gian giữa nhà nước hoàn
hảo và chế độ đầu sỏ nên trong thành bang vẫn còn giữ được phần nào những đặc
điểm của nhà nước hoàn hảo như vẫn đề cao người cầm quyền, thành phần chiến
đấu không tham gia nông nghiệp, lao động chân tay, kỹ nghệ, thương mại, mà tập
trung vào rèn luyện thể chất và quân sự để bảo vệ thành bang khỏi những cuộc
chiến tranh từ ngoại bang. Ông viết: “Những người cai trị được hưởng danh dự,
giai cấp chiến binh được miễn công việc đồng áng, thủ công và buôn bán nói
chung, việc tổ chức các bữa ăn chung và sự quan tâm tới luyện tập thể dục và
huấn luyện quân sự về tất cả các phương diện này nhà nước mới sẽ giống với nhà
nước cũ” [10, 190]. Tuy nhiên, người cầm quyền trong thành bang vị danh không
còn là những nhà thông thái, tài trí mà là những người hung hãn, ưa chiến tranh
hơn hòa bình, người yêu chiến thắng và danh dự. Sự cai quản thành bang hà khắc
hơn và lúc này đã xuất hiện tư hữu, tầng lớp cai trị tham lam, ham mê tiền bạc
nhưng vẫn chỉ lén lút, bí mật thỏa mãn lòng tham lam của mình chứ chưa phải là
công khai vơ vét. Trong tác phẩm “Cộng hòa” ông viết: “Và những con người
này sẽ là những con người tham tiền, giống như những người sống trong chế độ
đầu sỏ, họ sẽ có một sự tham lam thầm kín nhưng mãnh liệt về vàng và bạc, mà
họ sẽ giấu ở những nơi kín đáo hoặc ở những nhà kho riêng, và các lâu đài cũng
sẽ chở thành những ổ trứng của họ, ở đó họ phung phí tiền bạc cho các bà vợ, hay

36
cho những người mà họ thích” [10, 190]. Trong chế độ này giáo dục đã bị xuống
cấp, văn hóa suy đồi, nghệ thuật băng hoại. Chế độ vị danh quyền lực được xác
lập dựa trên thói hám danh. Những dấu hiệu đầu tiên của sự suy thoái là khi
những ham muốn tư hữu xuất hiện, những kẻ hám lợi tích lũy tài sản, cuộc sống
khiêm nhường trước đây được thay thế bởi lối sống xa hoa. Từ đó, tạo nên bước
chuyển từ chế độ vị danh sang chế độ quả đầu.
- Bước tiếp theo của sự suy đồi là chế độ quả đầu, còn gọi là chính thể đầu
sỏ, chính thể thiểu số hay chính thể tập đoàn (Ploutokratia). Chế độ này được
Plato định nghĩa “Là chế độ dựa trên việc đánh giá tài sản, trong đó người giàu có
quyền lực và người nghèo không có quyền lực” [10, 191]. Chế độ quả đầu được
đặc trưng bởi người cai trị thành bang là người giàu có, tài sản là thước đo quyết
định người lãnh đạo. Plato lý giải sự chuyển tiếp từ chế độ vị danh sang chế độ
quả đầu như sau: nguyên nhân là do tư hữu mà nên, từ chỗ họ tham lam tích lũy
tài sản bí mật, tham vọng ngày càng gia tăng, tài sản tích lũy ngày càng nhiều.
Khi tài sản đủ để chi phối những người khác trong xã hội họ đi đến công khai tích
lũy tiền của bất chấp quy định của pháp luật, coi nhẹ đạo đức. Trong xã hội,
người giàu được đề cao, đạo đức bị coi nhẹ, người nghèo bị khinh rẻ. Những luật
lệ mà thành bang ban hành cũng dựa trên tài sản, người có tài sản ở mức độ luật
lệ quy định mới được tham chính và dùng bạo lực để thực thi pháp luật. Thành
bang không phải được cai trị bởi những người tài trí, có năng lực thực sự mà là
những người giàu có. Trong thành bang mất đi sự ổn định, trật tự, xã hội chia làm
hai tầng lớp đối đầu nhau. Một bên là thiểu số những người giàu có cai trị và bên
kia là những người số đông những người nghèo khó. Người dân được tầng lớp cai
trị những người giàu có trang bị vũ khí để phòng khi có chiến tranh ngoại bang,
bảo vệ tài sản của ngươi giàu trước sự xâm chiếm của thế lực bên ngoài. Tuy
nhiên, những người cai trị cũng luôn sợ hãi sự nổi dậy của những công dân trong
thành bang. Có thể thấy nếu chế độ vị danh mẫu người ham mê danh vọng, yêu
thích chiến thắng là đặc trưng thì ở chế độ quả đầu là mẫu người ham tiền. Khi

37
tầng lớp cai trị ham muốn của cải quá sức và tạo nên sự phân hóa giàu nghèo quá
lớn, bất công trong xã hội tăng cao. Trong xã hội xuất hiện giai cấp nghèo mạt
rệp, giai cấp này không chịu nổi vùng lên đấu tranh xóa bỏ giai cấp giàu có và
thiết lập bình đẳng giữa mọi người. Từ đây, chế độ quả đầu chuyền sang chế độ
dân chủ.
- Chính thể thứ 3 là chế độ dân chủ. Sự thoái hóa của chế độ quả đầu dẫn
đến hình thức nhà nước tồi tệ hơn- đó là nhà nước dân chủ. Về hình thức quyền
lực trong nhà nước thuộc về công dân tự do. Nhưng trong hình thức nhà nước này,
sự phân hóa giàu nghèo còn sâu sắc hơn các hình thức nhà nước trước. Việc gia
tăng lối sống xa hoa vốn tồn tại trong chế độ quả đầu làm cho những người giàu
phá sản nhanh chóng chở thành người nghèo. Trong nhà nước dân chủ quyền lực
nhà nước thuộc về toàn thể công dân, mọi công dân đều đước bầu cử ứng cử và
bình đẳng trước pháp luật. Nhưng theo Plato, quyền lực đặt vào tay số đông thì sẽ
không tránh khỏi hỗn loạn, vì đám đông dân chúng vừa không có học thức lại rất
dễ kích động. Khi tự do quá trớn thì công dân đòi hỏi thoát khỏi phận vị của mình
làm cho trật tự xã hội bị đảo lộn. Khi người nghèo nắm quyền trong xã hội, tự do
tuyệt đối, dân chủ quá đà làm cho xã hội không giữ được công bằng như lúc đầu
họ đòi hỏi. Mà khi nắm quyền, họ lại trở nên lạm dụng quyền lợi để xây dựng
nhà nước độc tài.
- Chính thể thứ 4 là chính thể độc tài. Đây là chính thể xấu xa, tồi tệ nhất
trong các chính thể. Người nắm chính quyền ban đầu là do dân chúng bầu lên.
Khi có chiến tranh thì nhà độc tài có quan hệ rất tốt với dân chúng. Nhưng sau đó
họ trở thành những nhà độc tài tàn bạo, những kẻ bất công bất chính đem lại đau
khổ cho nhân dân. Để đàn áp nhân dân, khống chế không để nhân dân lật đổ, nhà
độc tài chở thành bạo chúa. Ban đầu là chế độ dân chủ nhưng sau đó chuyển
thành đối lập với cơ chế dân chủ. Khi không còn chiến tranh với ngoại bang,
những nhà độc tài khuấy động chiến tranh để quần chúng tiếp tục cần thủ lĩnh.
Do chiến tranh thuế má sẽ cao, thuế cao sẽ giúp đẩy quần chúng xuống mức

38
nghèo khổ, buộc họ phải siêng năng lao động kiếm miếng cơm manh áo hàng
ngày hơn là tụ họp âm mưu chống lại nhà độc tài. Người lãnh đạo trong nhà nước
độc tài là người bỉ ổi, ghê tởm, xấu xa và đối lập với nhân dân.
Từ sự phê phán những hình thức nhà nước trên, có thể nhận thấy Plato đã
dày công nghiên cứu thực tế để đưa ra được nguồn gốc và bản chất cũng như mối
liên hệ giữa các hình thức nhà nước. Tuy nhiên, sự phê phán của ông có phần cực
đoan, mới thấy được mặt trái của các hình thức nhà nước mà chưa thấy được
những mặt tích cực ở những hình thức nhà nước này. Plato đã chỉ ra mối liên hệ
giữa các hình thức nhà nước, những điểm kế thừa từ hình thức nhà nước trước và
những yếu tố làm cơ sở cho hình thức nhà nước sau. Tuy nhiên, những điểm kế
thừa của hình thức trước và tiền đề cho hình thức mà ông đề cập đến chỉ là những
mặt tiêu cực, khuyết điểm làm cho sự chuyển tiếp giữa các hình thức nhà nước là
sự xấu đi chứ không phải là sự tiến bộ. Trong lịch sử nhân loại, chúng ta thấy
rằng trong quá trình phát triển bao giờ cũng theo xu hướng đi lên, thời đại sau
tiến bộ hơn thời đại trước. Nhưng ở đây, Plato chỉ thấy xu hướng đi xuống của
lịch sử. Mặt khác ý đồ của Plato trong việc phê phán các hình thức nhà nước trên
là đặt trong sự tương phản đối với nhà nước lý tưởng của ông. Vì vậy nên những
đánh giá của ông có phần chủ quan.
Những vấn đề mà Plato phê phán chủ yếu và vấn đề sở hữu và quyền lực
của người đứng đầu. Có thể nhận thấy sự tương phản trong việc đối chiếu những
kiểu nhà nước bị suy thoái và mô hình nhà nước lý tưởng. Nếu ở những kiểu nhà
nước suy thoái nguyên nhân chủ yếu mà ông nhắc đến đó là sự tham lam, lòng
ham muốn chiếm hữu của cải và sự lạm quyền của nhà cầm quyền để vơ vét tài
sản, thỏa mãn lợi ích mình. Tất cả từ những nguyên nhân đó mà gây ra những hệ
lụy cho xã hội nhưng sự phân hóa giàu nghèo, bất công, văn hóa suy đồi và các tệ
nạn xã hội khác.
Từ việc xác định nguyên nhân làm cho những hình thức nhà nước trong
thực tế bị tha hóa, suy đồi Plato đi đến giải quyết khắc phục những điều này trong

39
khi xây dựng mô hình nhà nước lý tưởng của mình. Cụ thể , nếu nguyên nhân sâu
xa của sự tha hóa nhà nước từ tốt đẹp trở thành suy đồi là tư hữu thì để xóa bỏ
điều này ông chủ trương công hữu. Để xóa bỏ tình trạng lạm quyền vì lợi ích cá
nhân của những nhà lãnh đạo ông cho rằng nhà lãnh đạo phải là những con người
khôn ngoan nhất và được sự giáo dục tốt nhất để xứng đáng với cương vị nhà cai
trị mà không bị suy đồi. Có thể thấy quan niệm này của Plato không phải là
không có những hợp lý. Tuy nhiên, nó còn mang tính cực đoan, gay gắt. Trong
thực tế của sự phát triển thời đại, việc công hữu hoàn toàn như Plato là một điều
không tưởng. Hơn nữa Plato lại lấy mô hình cộng sản nguyên thủy để là hình
mẫu cho sự phát triển tương lai đó là điều đi ngược với quy luật tự nhiên. Mặt
khác khi nhà cai trị mà không hề có tài sản thì trong thực tế khó mà cai trị được.
Tuy nhiên, với sự trải nghiệm và là nhân chứng lịch sử cho thời đại mình
những đánh giá cùng sự phê phán của Plato cũng để lại cho chúng ta những bài
học nhất định. Điều đầu tiên là thái độ nghiêm túc cũng như sự say mê nghiên
cứu tình hình thực tế thời đại mình để từ đó tổng hợp, khái quát và rút ra được
những đánh giá khách quan. Khi đánh giá bất cứ một vấn đề nào đó thì việc khảo
cứu tình hình thực tế là điều rất quan trọng.
Thứ hai, với việc phản ánh, phân tích, khái quát tình hình chính trị -xã hội
đương thời bằng những phân tích, mô tả khá cụ thể các thể chế chính trị đương
thời, Plato đã giúp chúng ta phần nào nhận thức được lịch sử một thời đại. Đó là
một điều hết sức có ý nghĩa.
Thứ ba, những nhận định, những đánh giá của Plato để lại nhiều bài học lớn
cho chúng ta. Khi đánh giá, nhận định một vấn đề để tránh tình trạng cực đoan,
duy ý chí, người nghiên cứu cần xem xét vấn đề trên nhiều khía cạnh, nhiều
phương diện để thấy cả mặt tích cực lẫn tiêu cực của nó. Từ đó những đánh giá
mới thể hiện được tính toàn diện, khách quan. Hơn nữa, khi nghiên cứu phải tuân
theo quy luật tự nhiên, trong tự nhiên cũng như trong xã hội đều có quy luật của

40
nó, sự phát triển luôn có chiều hướng từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp
vì vậy không thể dùng một mô hình cũ để làm đích đến cho tương lai được.
2.3 Nội dung tư tưởng xã hội của Plato
2.3.1 Cơ cấu tổ chức và các tầng lớp trong xã hội
Triết học Plato là sự thống nhất cao độ giữa thế giới quan và nhân sinh
quan. Điều này thể hiện trong những tư tưởng chính trị - xã hội của Plato. Học
thuyết ý niệm luôn là cơ sở nền tảng cho những tư tưởng khác của ông. Xuất phát
từ học thuyết ý niệm với quan niệm cho rằng ý niệm là bản chất, là nguyên mẫu
của sự vật và cũng là linh hồn của sự vật. Con người được tạo thành từ thể xác và
linh hồn. Thể xác là sự kết hợp của các yếu tố: đất, nước, lửa, khí. Vì vậy, thể xác
là khả tử, sẽ mất đi khi con người chết, còn linh hồn là cái có trước ở thế giới ý
niệm và trú ngụ trên các vì sao. Tuy nhiên, linh hồn cũng có những loại khác
nhau, mà cụ thể ông phân chia thành ba loại: linh hồn do lý trí kiểm soát, linh hồn
do ý chí kiểm soát và linh hồn do những dục vọng kiểm soát. Sự phân chia linh
hồn là căn cứ để Plato phân chia các tầng lớp xã hội. Tầng lớp nhà lãnh đạo là
những người trong tâm hồn chứa đầy lý trí, vì vậy đây là những người có tố chất
nổi trội là sự khôn ngoan. Tầng lớp thứ hai là những vệ binh, tầng lớp này phần ý
chí chiếm hữu linh hồn họ nên sự dũng cảm là tố chất nổi trội của họ. Cuối cùng
là tầng lớp người lao động những người tạo ra của cải vật chất cho thành bang,
trong họ có những ước muốn hạ đẳng và theo Plato thì phẩm chất mà họ cần có
đó là tiết độ. Sự phân chia các tầng lớp xã hội của Plato là sự điển hình cho tư
tưởng của một nhà triết học duy tâm khách quan.
Sự phân chia các tầng lớp trong xã hội còn được căn cứ trên sự phân công
lao động. Plato nhận thấy để duy trì đời sống của công dân trong thành bang cũng
như đáp ứng những nhu cầu thiết yếu ngày càng gia tăng của xã hội đã đặt ra một
vấn đề cần có sự phân công lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong thành
bang cũng như bảo vệ thành bang.

41
Từ những căn cứ trên, trong cơ cấu tổ chức nhà nước lý tưởng, Plato chia
xã hội làm 3 thành phần, tương ứng với những phẩm chất và khả năng tự nhiên
của từng người. Sự phân chia đó cụ thể như sau:
 Thứ nhất là tầng lớp người lãnh đạo: là những người có phẩm chất
sáng suốt – nhà triết học. Sáng suốt là phẩm chất tạo nên sự khôn ngoan cho thành
bang. Sáng suốt được Plato hiểu là vì có được nhận thức chín chắn nên con người
có hiểu biết. Sáng suốt là hiểu biết tiềm ẩn trong nhóm hoặc thành phần nhỏ trong
vệ quốc. Những người có được phẩm chất sáng suốt sẽ là những người cai trị
thành bang.
Những người lãnh đạo theo Plato là những người sáng suốt, thông thái, có sự
hiểu biết sâu rộng. Dứt khoát đó là các triết gia – những người đại diện cho trí tuệ
cộng đồng. Đây là những người có tố chất, khả năng tự nhiên vượt trội và được
nhận sự giáo dục đúng đắn, những người lành mạnh về thể chất, khỏe mạnh về
tinh thần. Người lãnh đạo thành bang phải có khả năng bảo vệ luật pháp và phong
tục xã hội. Để đảm nhiệm được trọng trách lãnh đạo thành bang, người đó phải có
được sự hiểu biết và kinh nghiệm. Để có được nhà triết học xứng đáng ở vị trí cai
trị ngoài bản tính tự nhiên khi sinh ra họ đã có linh hồn khôn ngoan. Thì họ còn
phải có một nền giáo dục đúng đắn, nếu không được giáo dục đúng đắn người triết
gia có thể bị suy đồi.
Những người được Plato chọn cho vị trí nhà cai trị chỉ có thể là triết gia,
những nhà tri thức, có sự hiểu biết, thông thái. Vì vậy, có thể thấy không phải là
giai cấp nắm quyền về kinh tế sẽ nắm quyền về chính trị như quan niệm của Mác
mà ở đây người nắm quyền về chính trị là những người sở hữu tri thức. Quan niệm
này là rất đặc trưng của Plato. Plato đề cao tri thức, người lãnh đạo phải là người
có tri thức, những người tài năng luôn được trọng dụng. Vị trí nhà lãnh đạo không
phải do triết gia đi cầu xin để được làm lãnh đạo mà để có được một xã hội tốt đẹp
những công dân phải tìm đến những nhà triết gia, tôn vinh họ là người cai trị.

42
 Tầng lớp vệ quân: Đây là tầng lớp đảm nhiệm vai trò bảo vệ thành
bang chống lại nội thù cũng như ngoại thù, là trợ thủ của tầng lớp lãnh đạo. Vệ
quân là những người có phẩm chất tự nhiên đặc trưng là can đảm, có khuynh
hướng triết lý, tinh thần kiên cường, tác phong nhanh nhẹn, cơ thể cường tráng.
Những vệ quân phải được giáo dục rèn luyện từ nhỏ. Phần giáo dục huấn luyện
thể dục dành cho thân thể cường tráng khỏe mạnh và phần giáo dục đào luyện về
văn hóa cho trí tuệ và tâm hồn. vệ quân có những phẩm chất cam đảm, dũng cảm,
nhanh nhẹn, tiết độ và cả sự khôn ngoan nhưng sự khôn ngoan không đòi hỏi cao
như ở nhà cai trị.
Vệ quân sống tập trung trong các doanh trại, tách biệt với phụ nữ và trẻ em.
Vệ quân cũng không có gia đình riêng mà chỉ kết hợp với nữ vệ binh nhất thời để
sinh ra những đứa trẻ cho thành bang. Họ có vợ chung, con chung và tài sản chung.
Plato chủ trương xóa bỏ mọi tư hữu. Những người vệ quân nhận trợ cấp từ nhân
dân đóng góp và họ chỉ sử dụng những thứ thiết yếu trong cuộc sống chứ không
hơn và phải hoàn thành tốt vai trò bảo vệ thành bang. Plato lập luận, nếu vệ binh
có tư hữu tài sản, ruộng đất, nhà cửa riêng thì những vệ binh sẽ bị lôi cuốn theo
thói tham lam, xa hoa, tư lợi, suy đồi mà không còn là vệ binh nữa, không hoàn
thành nhiệm vụ theo bản năng tự nhiên của mình nữa. Hậu quả là thành bang sẽ bị
xâm lấn bởi ngoại bang. Có thể nhận thấy, tầng lớp vệ quân mà Plato xây dựng
trong thành bang không chỉ là đội quân tinh nhuệ trong chiến đấu, có cơ thể cường
tráng, khỏe mạnh mà còn là tầng lớp có một trình độ tri thức nhất định. Tuy yêu
cầu tri thức không cao bằng tầng lớp nhà lãnh đạo nhưng vệ quân cũng phải đạt
được trình độ giáo dục khá nghiêm ngặt. Khi còn nhỏ, ngoài được học về thể dục
và âm nhạc còn được trải nghiệm tình huống dàn trận ở chiến trường. Khi lớp lên
được học các môn học để củng cố hiểu biết, phục vụ cho mục đích quân sự như số
học, hình học và thiên văn.
Cụ thể trong tác phẩm “Cộng hòa”, Plato miêu tả khá kỹ cuộc sống của tầng
lớp vệ binh: “Thứ nhất, không ai trong họ có tài sản riêng ngoại trừ những nhu cầu

43
tối thiểu. Thứ hai, không ai được có những nơi ở mà mọi người khác không thể tự
tiện vào được. Về lương thực, theo số lượng cần thiết bởi những người điều độ và
can đảm trong thời kỳ đào tạo cho chiến tranh, họ sẽ nhận từ những công dân khác
như là tiền công cho việc bảo vệ của họ, được ấn định thế nào để chỉ vừa đủ cho
đến hết năm, và họ sẽ ăn chung và sống chung với nhau như một trại lính. Chúng
ta sẽ nói cho họ rằng họ sẽ không cần tiền bạc, vì họ đã có các vị thần trong tâm
hồn họ như là tài sản trời cho họ và sự thanh khiết của tâm hồn không thể bị vẩn
đục bởi các gỉ sét của những hành vi vô đạo thường thấy nơi người thường” [10,
112]. Plato cho rằng: “Nếu có khi nào họ chiếm hữu đất đai và nhà cửa cũng như
tiền bạc, họ sẽ từ bỏ tư cách bảo vệ của họ để quản lý nông trại hay gia đình của
họ và trở thành những kẻ độc tài thù địch với đồng bào, thay vì là những đồng
minh. Và như thế họ sẽ trải qua cuộc đời họ trong thù ghét, âm mưu và bị âm mưu,
trong sự sợ hãi địch thù trong nước hơn là kẻ thù ngoại bang và đi thằng tới chỗ bị
hủy diệt cả đối với họ lẫn đất nước của họ” [10, 112-113].
Với yêu cầu nghiêm khắc trong huấn luyện vệ quân, tầng lớp này sẽ đảm
nhận tốt vai trò giữ gìn an ninh cho thành bang và phòng vệ khi có sự xâm lấn của
các nước ngoại bang. Đây là một thành phần quan trọng không thể thiếu trong cơ
cấu tổ chức của nhà nước lý tưởng Plato.
 Tầng lớp những người lao động: đây là tầng lớp lao động tạo nên của cải
vật chất đáp ứng các nhu cầu vật chất của thành bang. Tầng lớp những người lao
động rất đa dạng, nhiều ngành nghề đáp ứng những nhu cầu khác nhau của cả
thành bang. Để cung ứng đủ nhu cầu về thực phẩm phải có người lao động nông
nghiệp, làm ruộng, chăn nuôi. Hay phải có người làm nhà để có chỗ ở cho toàn thể
công dân trong thành bang. Rồi cần nhiều thợ thủ công để làm gốm, đóng giày, dệt
vải và làm những công cụ sản xuất. Khi đáp ứng nhu cầu trao đổi buôn bán phải
có tiểu thương và thương nhân rồi cả người đóng thuyền. Có rất nhiều những nhu
cầu trong nhà nước, ngoài nhu cầu thiết yếu là đáp ứng về thực phẩm, nhà ở, quần
áo, buôn bán thì còn có những nhu cầu xa hoa khác. Nên mỗi người theo khả năng

44
tự nhiên của mình chỉ phụ trách những công việc phù hợp, cả cuộc đời chỉ làm
duy nhất việc đó và trở thành những người thợ thành thạo, lành nghề và rất chuyên
nghiệp. Những người lao động làm tốt vai trò theo khả năng của mình và tuân thủ
mọi quy định của nhà nước.
Tất cả các tầng lớp trong xã hội đều có phẩm chất tiết độ. Tiết độ được Plato
diễn tả đó chính là sự kiểm soát những thú vui, ước muốn của bản thân mỗi người,
nói cách khác là làm chủ bản thân và còn là sự đồng thuận trong xã hội về vị trí
của người lãnh đạo, sự quy phục trước người cai trị. Khi có sự đồng thuận giữa
người cai trị và thứ dân về quyền cai trị sẽ tạo nên sự thống nhất, trật tự, ổn định
của xã hội. Đây là điều vô cùng quan trọng trong thành bang.
Khi có được ba phẩm chất: sáng suốt, cam đảm, tiết độ thì hệ quả tất nhiên
là xã hội sẽ có sự công bằng. Công bằng là mục tiêu mà xã hội cần đạt được.
Công bằng theo cách hiểu của Plato không phải là sự cào bằng mà là con người
trong thành bang tuân thủ trật tự tự nhiên vốn có theo khả năng của con người.
Nghĩa là mỗi người phải thực hiện đúng vai trò trong thành bang theo đúng khả
năng tự nhiên của mình mà không xâm lấm vào vị trí của người khác. Công bằng
là nguyên tắc tất yếu khi thành lập thành bang, công bằng vừa là hệ quả nhưng
cũng vừa là điều kiện để có 3 phẩm chất trên.
Tóm lại, là nhà duy tâm khách quan, Plato thiết lập nhà nước lý tưởng theo
trật tự tự nhiên, phân chia tầng lớp xã hội theo bản tính tự nhiên, vốn có từ khi
sinh ra của con người. Tất cả công dân trong xã hội phải phục tùng nhà nước, con
người vì nhà nước chứ không phải nhà nước vì cá nhân con người, hạnh phúc
trong cộng đồng chứ không phải hạnh phúc cá nhân. Đứng trên lập trường của
giai cấp chủ nô quý tộc nên Plato đề cao tri thức yếu tố thuộc về ý thức, hạ thấp
vai trò của kinh tế, vật chất; dành phần ưu ái cho tầng lớp trên những người vệ
quân và nhà cầm quyền. Giáo dục cũng chỉ hướng tới tầng lớp lãnh đạo chứ
không phải cho toàn dân. Tuy đòi hỏi công bằng trong xã hội nhưng công bằng
chỉ áp dụng cho những công dân tự do, nô lệ vẫn không được ông coi là con

45
người. Vì vậy, khi thiết lập cơ cấu tổ chức xã hội và các tầng lớp trong xã hội
tưởng như Plato hợp lý, nhưng khi xem xét kỹ nó lại bộc là rất nhiều những hạn
chế.
2.3.2 Tư tưởng của Plato về sở hữu và hôn nhân
Một trong những quan niệm tạo nên sự khác biệt của Plato là quan niệm về
sở hữu và chế độ hôn nhân trong thành bang. Xuất phát từ mong muốn xây dựng
một thành bang trật tự, thống nhất mà Plato đi đến quan niệm thống nhất cả về sở
hữu cũng như trong hôn nhân.
Xuất phát từ quan niệm cho rằng, con người luôn bị chi phối bởi lòng tham
lam và ích kỷ, do vậy họ không hài lòng với những gì mà mình có mà luôn tìm
cách sở hữu những gì mà họ chưa có, kể cả những thứ của người khác. Nhưng
vấn đề là ở chỗ, lòng tham của con người là vô bờ bến, họ không bao giờ thỏa
mãn, được cái này họ lại muốn thêm cái khác. Đây là nguồn gốc gây ra những tệ
nạn cướp giật, chiếm tranh, xâm lấn đất đai, chiếm hữu tài nguyên... Ngoài ra,
Plato cũng nhận thức được sự tác động của kinh tế đối với thể chế chính trị. Khi
kinh tế phát triển hay suy sụp sẽ kéo theo sự thay đổi về chính trị, kèm theo sự ra
đời của những tầng lớp mới trong xã hội. Vì nhận thấy sự tác động của kinh tế
mà cụ thể là tư hữu đối với đời sống chính trị xã hội và những điều này gây nguy
hại cho sự ổn định trật tự của nhà nước, nên Plato đi đến xóa bỏ tư hữu, chủ
trương công hữu. Tư tưởng này của Plato đi ngược lại với quy luật phát triển
chung của xã hội loài người. Sự biến đổi, phát triển là quy luật phổ biến, không
thể thủ tiêu sự phát triển được. Ông chưa phân biệt được chế độ tư hữu với sở
hữu tư nhân, chưa thấy được sở hữu tư nhân là động lực cho sự phát triển kinh tế-
xã hội.
Quan niệm về chế độ hôn nhân: Hôn nhân mà Plato đặt ra là vì mục đích
xây dựng cộng đồng chung chứ không phải từ tình cảm yêu thương giữa đàn ông
và đàn bà khao khát xây dựng gia đình hạnh phúc riêng. Hạnh phúc là hạnh phúc
chung của cả cộng đồng.

46
Quan niệm của Plato về vị trí người phụ nữ trong thành bang lý tưởng: Theo
ông, “khả năng tự nhiên phân phát tương tự cho mỗi giới và theo lẽ tự nhiên đàn
bà dự phần làm việc như đàn ông, mặc dù trong mọi việc đàn bà thường yếu kém
hơn đàn ông” [26,359]. Vì vậy, trong yêu cầu nghề nghiệp không phân biệt là đàn
ông hay đàn bà. Trong giai cấp vệ binh, đàn bà cũng có thể chia sẻ, gánh vác
nhiệm vụ vệ binh với đàn ông miễn sao người đàn bà đó có đủ những khả năng tự
nhiên và sẽ được giáo dục cả về văn hóa và thể chất như đàn ông. Người nữ vệ
binh tốt sẽ được đào tạo như nam vệ binh, được giáo dục văn hóa, tham gia huấn
luyện quân sự, sẽ phải thoát y khi tập dượt như đàn ông, khi đó “họ sẽ được che
chở bởi tuyệt hảo chứ không phải quần áo”[26,362]. Nữ vệ binh được dự phần
trong chiến tranh, chia sẻ mọi nhiệm vụ của vệ binh, tuy nhiên phần việc mà họ
được giao sẽ nhẹ hơn nam giới. Ông chủ trương mặc dù nam giới khỏe mạnh, mẫn
cán hơn so với nữ giới , song khác biệt giữa hai giới không đáng kể đối với sinh
hoạt chính trị, vì vậy nữ giới có quyền chia sẻ nhiệm vụ vệ binh, kể cả tham chiến,
và cũng có quyền chia sẻ giáo dục. Trong tác phẩm “Cộng hòa”, Plato viết: “Bởi
thế, quý hữu ơi, không có phần việc hành chính đặc biệt cho đàn bà vì là đàn bà
hay đàn ông vì là đàn ông, khả năng tự nhiên phân phát tương tự cho mỗi giới, và
theo lẽ tự nhiên đàn bà dự phần làm việc như đàn ông, mặc dù trong mọi việc đàn
bà thường yếu kém hơn” [26, 359]. Hay, “Bởi vậy đàn ông và đàn bà có khả năng
tự nhiên tương tự để làm vệ quốc, trừ điều đàn bà yếu đuối hơn đàn ông”[26,360],
cho nên phải chọn đàn bà thích hợp để chia sẻ cuộc đời, gánh vác nhiệm vụ vệ
quốc với đàn ông, vì họ có khả năng làm việc đó và bản chất đàn ông, đàn bà
giống nhau. Còn trong vấn đề giáo dục phụ nữ, ông viết: “Ừ, muốn đàn bà giỏi
giang trong vệ quốc, ngô bối cần giáo dục tương tự như đàn ông, nhất là vì giáo
dục sẽ nhào nặn cả hai cùng bản chất”[26, 360].
Quan niệm của Plato về vị trí của người phụ nữ có mặt tiến bộ nhưng cũng
còn nhiều hạn chế. Có thể thấy, vai trò của người phụ nữ được sánh ngang với
nam giới, về khả năng tự nhiên thì không có phân biệt giữa nam và nữ, điều này

47
tạo nên sự bình đẳng nam nữ. Trong một số lĩnh vực như dệt vải, nấu nướng, làm
bánh... người phụ nữ còn có thể giỏi giang hơn. Plato là một triết gia thời Cổ đại
mà những tư tưởng về giới như vậy đã có những tiến bộ vượt bậc. Trong khi ở các
nước Phương Đông từ thời phong kiến trở về trước thân phận người phụ nữ luôn
bị hạ thấp, thì ở đây người phụ nữ còn được tham gia cả vào giai cấp binh lính,
chia sẻ những công việc mà dường như chỉ dành cho nam giới. Tuy nhiên, quan
niệm của Plato cũng còn những điều chưa hợp lý khi yêu cầu người phụ nữ phải
nhận sự giáo dục và đào tạo như nam giới. Việc huấn luyện vệ quân theo yêu cầu
của Plato là rất khắt khe, nghiêm ngặt và nặng nhọc. Với sức lực của người phụ nữ
mà phải thoát y tập luyện như nam giới thì là khó có thể chấp nhận là tư tưởng tiến
bộ được. Mặc dù cho phép nữ giới tham gia vào vệ quân nhưng yêu cầu đặt ra lại
rất khắt nghiệt. Có thể về những phẩm chất tinh thần người phụ nữ có thể sánh
ngang nam giới nhưng về thể chất, người phụ nữ khỏe mạnh nhất cũng không thể
so sánh với người đàn ông được.
Một mặt, quan niệm của Plato mang lại sự bình đẳng cho giới nữ nhưng ở
những mặt khác, người phụ nữ lại mất đi nhiều những quyền cơ bản của mình.
Mặc dù hạn chế này của Plato là do thời đại ông quy định, tuy nhiên có điểm ông
còn thụt lùi hơn cả thời đại của mình. Ở Plato quyền tự do hôn nhân của phụ nữ bị
tước đoạt, hôn nhân là do nhà lãnh đạo sắp xếp. Bởi vậy, chúng ta không thể thấy
người phụ nữ có thể tìm ở đâu cái gọi là hạnh phúc hôn nhân trong chế độ hôn
nhân của Plato. Còn một quyền vô cùng thiêng liêng của phụ nữ mà ở đây cũng bị
xóa bỏ đó là tình mẫu tử. Khi Plato chủ trương vợ chung, con chung thì khi đó
những người mẹ bị tách ra khỏi con mình, không nhận biết được đâu là con mình.
Điều đó làm mất đi tình yêu thương thiêng liêng của người mẹ cho những đứa con
và đứa con cũng không được đón nhận tình thương sự chăm sóc của chính người
mẹ mình. Đây là những khiếm khuyết không thể chấp nhận được ở chế độ hôn
nhân mà Plato đưa ra. Trong quan niệm về vị trí của người phụ nữ ở góc độ nào
đó quyền cơ bản của phụ nữ được thực thi một nửa, một nửa kia bị đánh mất.

48
Quan niệm của Plato về hôn nhân đi liền với quan niệm về sở hữu chung.
Đề đạt được sự hài hòa trong trật tự xã hội cũng như sự thống nhất trong thành
bang, Plato yêu cầu mọi thứ phải là của chung, của cải chung, vợ chung, con
chung. Những nam vệ binh và nữ vệ binh là những người đàn ông và đàn bà tốt
nhất cho việc kết hợp để sinh con cho cộng đồng. Khi những người đàn ông và
đàn bà có khả năng tương tự nhau phù hợp được chọn làm vệ binh, những nam vệ
binh và nữ vệ binh sẽ sống tập thể, ăn tập thể, không có nhà riêng không có tư
hữu. “Hai người trao đổi tự do trong thời gian luyện tập thể dục, suốt thời gian
thụ huấn, do cần thiết bẩm sinh, bản năng tự nhiên sẽ dẫn hai người tới chỗ liên
kết giao hợp” [26,365]. Tuy nhiên, việc kết đôi không phải được tự do, bừa bãi
mà là nhà nước quy định nghiêm ngặt buộc công dân phải tuân thủ.
Hôn nhân giữa các cặp đôi không phải xuất phát từ tình yêu nam nữ mà là
một sự áp đặt của người cầm quyền. Tự do hôn nhân trong thành bang dường như
không tồn tại mà chỉ có sự áp đặt phải tuân theo. Cô dâu, chú rể sẽ được kết đôi
bởi người cầm quyền tại lễ hội kết hôn. Sự ghép đôi giữa các cặp đôi được thực
hiện trên hình thức bốc thăm, nhưng thực chất đã có sự sắp đặt giữa những đàn
ông tốt với đàn bà tốt và đàn ông kém cỏi với đàn bà kém cỏi. Để gây dựng nên
những thế hệ sau tốt, nhà nước kết hợp càng nhiều đàn ông tốt với đàn bà tốt
càng tốt và hạn chế kết hợp đàn ông kém kỏi với đàn bà kém cỏi. Số lượng kết
hợp các cặp đôi do vệ quốc cầm quyền quyết định.
Những thanh niên xuất sắc trong chiến tranh, hoàn thành nhiệm vụ, can
trường sẽ có nhiều cơ hội giao hợp với thiếu nữ, đó được coi như là vinh dự và
phần thưởng. Và đa số con trẻ được sinh ra từ cha mẹ như vậy. “Mỗi thế hệ trẻ
nhỏ sẽ do viên chức chỉ định đảm nhận để thực hiện mục đích, bất kể đàn ông
hay đàn bà hoặc cả hai, vì đàn ông và đàn bà đều có tư cách ngang nhau tham gia
việc cộng đồng” [26,370].
Những đứa trẻ được sinh ra sẽ được đem đến cho người cầm quyền xem
xét, nếu là những đứa trẻ tốt sẽ được đưa đến nhà nuôi hoặc vườn trẻ giao cho vú

49
em sống ở khu biệt lập trong thành bang. Còn những đứa trẻ kém cỏi, èo uột hay
bị tật nguyền sẽ bí mật loại bỏ. Những đứa trẻ tốt sẽ được bú sữa bằng cách đem
mẹ các bé đến nhà nuôi khi bầu sữa căng và những đứa trẻ sẽ được bú đánh tráo
giữa các mẹ để không ai nhận ra con mình.
Nhà nước cũng quy định cả lứa tuổi sinh đẻ, đàn bà đẻ con cho thành bang
từ tuổi 20 đến tuổi 40. Những đứa trẻ sinh ra không phải do nhà cầm quyền cho
phép sẽ được coi là con hoang và không được chấp nhận.Để tránh tình trạng loạn
luân khi thực hiện chế độ hôn nhân chung nhà nước cũng có những quy định cụ
thể về cách xưng hô giữa các thế hệ.
Để biện hộ cho tư tưởng sở hữu chung, Plato cho rằng từ sở hữu chung
mới tạo nên sự đoàn kết thống nhất trong thành bang. Để có được thành bang
hoàn mỹ những công dân trong thành bang phải cùng vui, cùng buồn, cùng sướng,
cùng khổ. Đoàn kết sẽ xóa bỏ sự chia rẽ, không còn rối loạn, loại bỏ sự khác biệt
giữa các cá nhân. Tư tưởng về vợ chung, con chung trong đẳng cấp chiến binh là
điểm bắt đầu của chung tài sản, chung lợi ích
Trong quan niệm về sở hữu và hôn nhân, Plato đã mạnh dạn vượt qua
những quy tắc truyền thống để xây dựng một mô hình sở hữu và hôn nhân hoàn
toàn mới. Tuy nhiên, những tư tưởng của Plato chứa đựng đầy những yếu tố
không tưởng, bảo thủ và áp đặt. Plato chưa phân biệt được chế độ tư hữu và sở
hữu tư nhân, ông mới nhận thức được những tác động tiêu cực của tư hữu mà vội
vàng phủ nhận những điểm tích cực của chế độ này. Plato không thấy được rằng
chính kinh tế là động lực phát triển của xã hội. Kiểu mô hình cộng sản tập trung
trại lính của Plato hoàn toàn không khả thi trong thực tế. Vì khi con người hi sinh
quá nhiều vì quốc gia mà bản thân họ không được hưởng thành quả thỏa đáng
cho công sức họ bỏ ra thì khó lòng họ có thể tích cực cống hiến vì quốc gia được.
Khi quốc gia chỉ chú ý đến lợi ích chung thì cá nhân con người sẽ bị nhấn chìm.
Plato chủ trương công hữu không chỉ tài sản mà công hữu cả hôn nhân và con cái.
Đó là một sai lầm nghiêm trọng, trong bất cứ xã hội nào nếu như những quyền cơ

50
bản của con người bị xâm phạm thì xã hội đó không thể là một xã hội tiến bộ
được. Plato đã xây dựng một mô hình nhà nước mà ở đó những quyền cơ bản của
con người đã bị xóa bỏ như quyền tư hữu, quyền tự do đặc biệt là tự do hôn nhân
và có khi cả quyền sống cũng bị xâm phạm.
Nếu trong xã hội ngày nay, chúng ta luôn cho rằng “gia đình là tế bào của
xã hội” thì ở đây Plato lại yêu cầu xóa bỏ gia đình và rõ ràng, đây là quan niệm
hết sức sai lầm của ông. Khi xóa bỏ mô hình gia đình truyền thống, Plato đã xóa
bỏ đi nền tảng của xã hội. Chúng ta biết rằng môi trường giáo dục gia đình có vai
trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển nhân cách cũng như tâm lý của một
con người. Nhưng vì muốn đạt đến sự thống nhất, tập trung tuyệt đối mà Plato đã
bỏ qua đi yếu tố quan trọng này. Plato cho rằng hôn nhân phải được nhà nước
quy định và can thiệp thì đó là hôn nhân hoàn toàn mang tính áp đặt, những giá
trị nhân văn trong chế độ hôn nhân hầu như không còn, yếu tố tình cảm con
người bị bỏ qua, hôn nhân chỉ còn là mục đích sinh sản, duy trì nòi giống cho
cộng đồng, chỉ mang tính sinh học. Tự do hôn nhân bị xóa bỏ hoàn toàn, trong
thành bang lý tưởng của Plato chỉ còn là sự áp đặt, hà khắc. Con người trong
thành bang chỉ là công cụ, sống vì thành bang, chứ không phải thành bang vì
công dân. Một mặt, việc sắp đặt, lựa chọn kết hợp các cặp đôi tốt để sinh sản ra
những đứa trẻ khỏe mạnh nhằm duy trì giống nòi cho thành bang là một mục tiêu
hoàn toàn hợp lý. Nhưng mặt khác, việc loại bỏ những đứa trẻ yếu đuối, dị tật
hay những đứa trẻ được sinh ra bất hợp pháp đã làm cho tư tưởng của Plato thiếu
tính nhân văn, nhân đạo.
2.3.3 Tư tưởng của Plato về giáo dục con người
Giáo dục là một trong những lĩnh vực mà Plato đặc biệt quan tâm. Tư
tưởng giáo dục của Plato gắn liền với tư tưởng triết học chính trị, với việc đào tạo
các công dân trong nhà nước lý tưởng. Tư tưởng triết học giáo dục của Plato
không được trình bày một cách hệ thống mà được trình bày xen kẽ với các tư

51
tưởng chính trị - xã hội khác, không được trình bày trong một tác phẩm mà thể
hiện qua các tác phẩm chủ yếu như Cộng hòa, Pháp luật, Phaedo, Meno.
Quan niệm triết học giáo dục có cơ sở từ quan niệm về con người. Có thể
thấy, triết học Plato có sự thống nhất chặt chẽ, xuất phát từ học thuyết ý niệm cho
rằng thế giới bao gồm hai phần thế giới ý niệm và thế giới các sự vật cảm tính.
Thế giới ý niệm là thế giới vô hình bất biến tồn tại bên ngoài các sự vật vận chất:
“Ý niệm tạo nên cấu trúc tối cao của thế giới và không bị lệ thuộc vào cấu trúc
này. Ý niệm là mô thức lý tưởng của các sự vật, là bản chất, nguyên mẫu của sự
vật, còn các sự vật chỉ là cái bóng, là sự mô phỏng lại ý niệm. Ý niệm là linh hồn
của vạn vật. Sự vật chỉ có thể là nó khi nằm trong quan hệ với ý niệm. Vật chất là
điều kiện cho sự tồn tại của sự vật, là bản nguyên thứ hai của sự vật, còn bản
nguyên thứ nhất, cái tạo thành bản chất của sự vật là ý niệm - mô thức về
nó”(Trích theo [15, 21-22]). Và trong thế giới ý niệm, ý niệm thiện là cao nhất.
Con người thuộc về thế giới các sự vật cảm tính. Con người được tạo nên
bởi thể xác và linh hồn mà linh hồn là cái chi phối, điều khiển thể xác. Plato cho
rằng quá trình nhận thức của con người là quá trình con người hồi tưởng lại
những tri thức mà linh hồn đã có ở thế giới ý niệm. Những tri thức ấy bị quên đi
khi linh hồn từ các vì sao nhập vào thân xác đứa trẻ khi sinh ra. Trong Meno
Plato viết: “Vì linh hồn là bất tử và có thể tái sinh nhiều lần và vì linh hồn đã thấy
mọi sự cả ở thế giới này lẫn thế giới khác, nên nó đã học được mọi sự. Vì vậy
chúng ta không phải ngạc nhiên nếu linh hồn có thể nhớ lại sự hiểu biết về nhân
đức hay bất cứ điều gì khác mà nó đã có lần chiếm hữu” [10, 239]. Vì vậy, giáo
dục đối với Plato đó là quá trình đánh thức những tri thức đã bị lãng quên.
Khi con người sinh ra, linh hồn được nhập vào thể xác và điều khác biệt
giữa con người với nhau bởi tính quy định của các loại linh hồn khác nhau. Theo
Plato, con người bị điều khiển bởi linh hồn với ba phần: Lý tính, xúc cảm và dục
vọng. Vì vậy, những bản năng tự nhiên của con người là do những phần trội hơn
của linh hồn quy định, và tạo nên tính cách cá nhân của từng người. Phần lý trí là

52
phần cao quý nhất trong linh hồn con người và nó hội tụ ở đầu. Để trở thành
người hạnh phúc con người phải chăm chỉ học tập đển có được tri thức. Chỉ khi
có được tri thức con người mới đạt được hạnh phúc cao nhất.
Con người được tạo thành từ thể xác và linh hồn. Thể xác được tạo nên từ
các yếu tố đất, nước, lửa, khí và sẽ mất đi khi con người chết đi. Còn linh hồn là
bất tử, nó tồn tại trước thể xác, ở thế giới ý niệm. Thể xác chỉ là nơi giam cầm
của linh hồn. Vậy nên mục đích của con người là giải thoát linh hồn về với thế
giới tồn tại đích thực nơi hiện hữu của cái chân- thiệt- mỹ. Để thực hiện được sứ
mệnh đó, con người cần phải trau dồi đạo đức cũng như tri thức. Muốn trở thành
linh hồn cao quý phải tham gia vào học tập, suy tư triết học (biện chứng pháp).
Nhiệm vụ của nhà triết học là giải thoát linh hồn khỏi nơi giam cầm là thể xác,
nhưng không phải như những tu sĩ mà nhiệm vụ của triết gia phải dấn thân vào
chính trị và phải được giáo dục đúng đắn. Giống như hình ảnh về hang động mà
Plato mô tả những người giác ngộ sau khi thoát khỏi hang động họ sẽ quay trở lại
giải thoát những con người đang chìm trong ngu tối. Những triết gia là những
người đã thức tỉnh, vì vậy họ đã nhận thức được thế giới ý niệm, nhận ra công
bằng cũng như ý niệm thiện – ý niệm cao cả nhất. Chỉ những con người nhận
thức được điều này mới xứng đáng lãnh đạo nhà nước lý tưởng. Tuy đề cao linh
hồn nhưng Plato cũng cho rằng, để phát triển con người toàn diện cần có sự cân
đối hài hòa giữa thể xác và linh hồn. Do vậy, rèn luyện tri thức phải đi đôi với
đào luyện thân thể khỏe mạnh.
Trong tác phẩm Phaedo, khi lý giải vai trò quan trọng của giáo dục Plato cho
rằng: "Vì đi xuống âm phủ linh hồn không mang theo cái gì trừ giáo dục và cung
cách đã sống, hai phạm trù cực kỳ quan trọng... nghe người ta nói đem lại lợi ích
lớn lao hoặc tai ương ghê gớm" [trích theo 15,23]. Còn trong tác phẩm “Cộng
hòa”, ông cũng phát biểu: "Muốn có được nhà nước lý tưởng cần giáo dục các
công dân ngay từ khi còn trẻ, giáo dục đóng vai trò quyết định hình thành nhân
phẩm công dân tương lai... Mọi người được giáo dục theo hướng nào thì sẽ quyết

53
định đời sống tương lai của họ theo hướng đó" (Trích theo[15,24]). Giáo dục mà
Plato nhắc đến là giáo dục hướng đến các công dân tương lai của thành bang.
Những đứa trẻ được giáo dục ngay từ nhỏ và được lựa chọn để đào tạo theo khả
năng tự nhiên. Thông qua giáo dục những công dân tương lai này sẽ phát huy
được tài năng cũng như phẩm hạnh của mình để có thể đảm trách tốt nhiệm vụ và
trọng trách trong tương lai. Ông mong muốn xây dựng được một nền giáo dục
đúng đắn, nền giáo dục ấy phải phát huy được năng khiếu tự nhiên của con người.
Điều này về sau được John Dewey tiếp tục phát triển trong triết thuyết giáo dục
của mình. Plato nhận thấy những sai lầm trong đường hướng giáo dục của các
nhà ngụy biện đương thời. Vì vậy, trong khi xây dựng thành bang lý tưởng của
mình ông cho rằng cần phải xóa bỏ những sai lầm trong giáo dục đương thời xây
dựng một hệ thống giáo dục mới. Nền giáo dục mà Plato xây dựng là nền giáo
dục công lập và mang tính dân chủ. Điều này thể hiện ở việc tôn trọng năng
khiểu tự nhiên của công dân và giáo dục không phải là sự áp đặt từ bên ngoài, mà
có sự phù hợp nhất định giữa giáo dục với khả năng tự nhiên. Như trong tác
phẩm “Cộng hòa”, Plato đã phát biểu: "Giáo dục không phải là cái được định
nghĩa bởi một số người chủ trương đưa tri thức vào một linh hồn không có nó,
như thể họ có thể đưa ánh sáng vào những con mắt mù lòa"(Trích theo, [15,24]).
Giáo dục theo Plato có vai trò quyết định trong việc một con người có thể trở
thành một người xấu hay một người tốt. Những công dân trong thành có năng
khiếu tự nhiên khác nhau, vì vậy khi nhận được sự giáo dục đúng đắn, phù hợp sẽ
phát huy được tài năng của mình, xác định được con đường trong tương lai và
đảm trách tốt nhiệm vụ trong thành bang. Tuy nhiên, nếu không có giáo dục hoặc
giáo dục sai lầm sẽ biến họ trở thành những con người xấu tột độ.
Có thể thấy rằng, Plato không chỉ coi trọng giáo dục, mà ông còn nhận thức
rõ vai trò quan trọng và có tính quyết định của giáo dục trong xây dựng đất nước.
Trong tác phẩm “Pháp Luật”, ông đã viết: "Không được xem thường giáo dục,
vốn là điều đầu tiên và đúng đắn nhất mà một người tốt luôn phải có và là cái, dù

54
có bị trệch hướng, vẫn có thể sửa đổi được. Công việc sửa đổi này là việc lớn lao
trong đời mỗi người khi còn sống"[10,805].
Một điều quan trọng nữa của trong mô hình giáo dục của Plato đó là việc ông
xác định đối tượng giáo dục. Theo ông, đối tượng giáo dục mà ông hướng tới là
những công dân tương lai trong thành bang lý tưởng của ông. Ông xác định đó
phải là những người lành mạnh về cả thể chất và tinh thần. Ông chia quá trình
giáo dục thành các giai đoạn khác nhau.
Giai đoạn đầu tiên: hai môn học đầu tiên mà những đứa trẻ được học là thể
dục và âm nhạc. Cả hai môn này không chỉ rèn luyện thể chất mà hơn hết là giúp
cho tâm hồn cân đối. Điểm tiến bộ trong tư tưởng của Plato về giáo dục là giáo
dục công bằng giữa nam và nữ. “Giáo dục là sự đào luyện tính cách nhờ đó học
sinh biết tự chủ về tâm hồn và thể xác để trang bị cho họ chống lại những cám dỗ
của giác quan và sự a dua theo các ý kiến thời thượng. Để thực hiện điều đó hai
môn học đầu tiên phải dạy cho trẻ là môn âm nhạc và thể dục” (Trích theo
[15,25]).
Môn âm nhạc được Plato hiểu theo nghĩa rất rộng, bài học âm nhạc đầu tiên
là kể cho trẻ nghe những câu chuyện thần thoại, chuyện hư cấu để rèn luyện và
nuôi dưỡng những phẩm chất dũng cảm cho trẻ. Sau đó, mới dạy đến các nhac cụ
rồi âm điệu. Mục đích của âm nhạc là hướng đến yêu cái đẹp, cái đẹp là cái hài
hòa, cân đối của tâm hồn.
Trong tác phẩm “Cộng hòa” có nêu: "Huấn luyện âm nhạc là một dụng cụ
mạnh hơn mọi thứ khác, bởi vì tiết tấu và âm điệu tìm được lối đi vào nơi sâu
thẳm của tâm hồn, chúng gắn chặt vào tâm hồn với đầy sức mạnh, tạo sự diễm lệ
cho tâm hồn và làm cho tâm hồn của người được giáo dục đúng trở thành diễm lệ,
hay làm cho người không được giáo dục đúng trở thành xấu xa"(Trích theo,
[15,25]). Điều này lý giải vì sao âm nhạc được chọn là môn đầu tiên cho quá
trình giáo dục của ông.

55
Nhưng Plato cũng lưu ý với việc lựa chọn những câu chuyện, thơ ca hay âm
nhạc. Tuyệt đối không nên kể những câu truyện hay thơ ca ảm đạm, không dạy
trẻ âm nhạc ẻo lả, sướt mướt. Mà phải kể những câu chuyện chuyền tải sự thật,
dũng cảm và tiết độ. Thi ca có thể thuần túy mô phỏng như trong kịch phẩm,
thuần túy thuật sự như trong tụng thi, hoặc phối hợp cả hai như trong anh hùng ca.
Còn về nhạc cụ không sử dụng tất cả ngoài đàn Lyra, đàn kithar và ống tiêu. Tiết
điệu phức tạp cũng loại bỏ, chỉ giữ lại tiết điệu đơn giản. Yêu cầu đối với âm điệu:
“Tôi chỉ xin anh giữ lại hai âm điệu này, âm điệu của nhu cầu và tự do, âm điệu
của sự hung kỵ và âm điệu của của sự cát tường, âm điệu của lòng dũng cảm và
âm điệu của sự tiết độ” [10, 102]. Những âm điệu này giúp cho vệ binh trong
chiến đấu thêm hào hùng, dũng cảm với những bước đi kiên quyết và quyết tâm
chịu đựng khi đối diện với những cơn đau do bị thương hay cả khi đối diện với
cái chết. Trong thời bình “nhạc điệu biểu thị con người họ, khi họ đã đạt mục
đích bằng sự cư xử khôn ngoan, không kiêu ngạo khi thành công, nhưng điều độ
và khôn ngoan trong mọi hoàn cảnh, biết khoan dung khi cần thiết” [10, 102].
Tất cả những yêu cầu trên đối với môn âm nhạc chỉ nhằm hướng tới nuôi
dưỡng, cổ vũ, phát triển trong tâm trí trẻ em ý thức về cái đẹp, cái hài hòa, cân
đối. Đây là những điều ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tính tình, phẩm hạnh
của từ trẻ em cũng như cách cư xử của chúng đối với những người xung quanh.
Đề cao âm nhạc, giáo dục từ những điều đơn giản nhất, dễ tiếp thu nhất, đó là
điều chúng ta thấy cách xuất phát của con đường giáo dục của Plato có thể đánh
giá đây là một sự tổ chức có tính khoa học.
Tiếp theo đó là thể dục. Môn thể dục là môn học rất quan trọng vì Plato
cho rằng một tâm hồn khỏe mạnh không thể trú ngụ trong một thế xác èo uột, ủy
mị, yết ớt được. Để có sự nhanh nhẹn, nhạy bén, khỏe mạnh, việc dạy thể dục là
điều thiết yếu và là điều kiện để có sự cân đối tâm hồn. Trong tác phẩm “Luật
pháp”, Plato đề cập đến phương pháp giáo dục trẻ trong những năm đầu đời
thông qua nhận thức về thú vui và hình phạt, vui thú chủ yếu là nhờ múa hát.

56
Trong ba năm đầu tiên, trẻ em chỉ cần được quan tâm về sự phát triển thể xác. Từ
ba đến sáu tuổi, chúng có thể chơi thể thao và các trò chơi. Khi lên sáu tuổi, nếu
muốn, trẻ có thể luyện võ công.
Tư tưởng giáo dục của Plato là bài học sâu sắc cho cả nền giáo dục ngày
nay khi giáo dục không chỉ để phát triển cơ bắp cho con người mà còn là phát
triển tâm hồn cân đối, duyên dáng. Phương pháp giáo dục vừa học vừa chơi, vừa
học lý thuyết vừa được trải nghiệm thực hành.
Nhưng thể dục và âm nhạc hai môn này chỉ giúp hài hòa nội tâm, quân bình
tính tình mà không sản sinh hiểu biết, không dẫn dắt người học đến mục đích
cuối cùng là tìm hiểu bản chất sự vật là gì. Vì vậy, quá trình học phải được tiếp
tục bằng những môn học tiếp theo.
Giai đoạn thứ hai của giáo dục là đưa vào các môn học tri thức trừu tượng
như: Thiên văn học, số học, hình học, biện chứng. Những môn học này cũng
được truyền dạy theo cấp độ từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó. Và trong
quá trình truyền dạy có sự chọn lọc người học tùy thuộc vào khả năng của người
học có thể tiếp thu được đến những môn nào.
Thứ nhất, là số học để biết nghệ thuật đếm và tính. Quân nhân phải nghiên
cứu để có thể tổ chức hàng quân, triết gia về phần mình vì bổn phận phải học hỏi
để có thể rời bỏ thế giới biến dịch đi vào tiếp xúc với thực tại, nếu không sẽ
chẳng bao giờ có khả năng lý luận và tính toán. Ông đòi hỏi vệ quân phải vừa là
chiến binh vừa là triết gia. Người học đòi hỏi họ đừng tiếp cận môn học một cách
tài tử, mà phải miệt mài theo đuổi, chừng nào thấu hiểu mới thôi, bẳng tư duy
thuần túy, con mắt của tâm trí, chiêm nghiệm bản chất con số thực sự là gì. Họ
không được theo đuổi môn này nhằm sử dụng vào dịch vụ thương mại, như thể
họ là thương gia, mà sử dụng vào mục đích chiến tranh và vươn tới thoải mái
nhằm chuyển đổi tâm trí từ thế giới biến dịch sang thế giới thực tại và sự thật.
Thứ hai, là hình học, đối tượng hiểu biết hình học là cái tồn tại vĩnh viễn.
cái đó sẽ lôi kéo tâm trí về với sự thật, hướng dẫn lý luận của triết gia nhìn lên,

57
thay vì nhìn xuống. Hình học ở đây được ông hiểu là môn học bàn tới mặt phẳng.
Tiếp sau hình học mặt phẳng ông chọn hình học hình khối chuyển động sau đó là
hình học không gian.
Thứ ba, là thiên văn môn học giúp người học có khả năng nắm vững lịch
trình mùa, tháng, năm, mức độ nhận thức ích dụng không những với nông nghiệp,
hàng hải mà cả nghệ thuật quân sự. “Thiên văn là môn học thúc đẩy tâm trí nhìn
lên, dẫn đưa tâm trí từ sự vật ở đây đến sự vật đằng ấy, từ thế giới này tới thế giới
đó” [26,516]. Môn học thiên văn như là phương tiện giải quyết vấn đề chuyển
nhận thức tự nhiên của tâm trí từ tình trạng vô dụng thành mục đích hữu dụng.
Ngoài ra, còn có môn học bổ túc cho các môn trước: hòa âm, hòa âm giúp tìm ra
mối liên hệ giữa các con số.
Những người theo học các môn học đó phải học tới nơi tới chốn, tới khi
thấy được tình trạng liên hợp và tương quan, tìm ra liên hệ mật thiết giữa chúng
với nhau và như vậy, mới tới được mục đích cuối cùng là tìm kiếm cái toàn mỹ
cái chân thiện được. Người am tường những môn học đó là người thành thạo
trong đối thoại, có thể giải thích hợp lý phát biểu của họ và phải tiếp nhận được
giải thích của người khác.
Ông bàn đến chủ đề biện chứng pháp hay triết học: theo ông những người
có ham hiểu về những môn học trên sẽ có khả năng lý luận, bằng lý luận và tư
duy thuần túy nắm bắt nhận thức được cái chân thiện. Tiến trình nhận thức đó gọi
là biện chứng pháp. Theo ông phép biện chứng là phương pháp duy nhất để nhận
thức được bản chất thực sự của sự vật trong chính nó. Nhà biện chứng là người
có thể giải thích bản chất cốt yếu của sự vật một cách hợp lý.
Đối tượng học, và yêu cầu đối với người học cũng được Plato bàn cụ thể
trong tác phẩm “Cộng hòa”. Bất kể những đứa trẻ nào khi được sinh ra khỏe
mạnh đều được hưởng sự giáo dục ban đầu là thể dục và âm nhạc, rồi sau đó tùy
theo khả năng, tố chất tự nhiên của từng đứa trẻ mà sẽ được lựa chọn để học các
môn học tiếp theo. Quá trình chọn lọc sẽ được những nhà cai trị quan sát và lựa

58
chọn trong quá trình đào tạo. Mục đích của giáo dục là hướng đến tầng lớp những
người lãnh đạo đất nước. Vì vậy, để nhận được sự giáo dục hoàn thiện, Plato yêu
cầu những người đó phải là những người có các phẩm chất tự nhiên: kiên quyết,
can đảm, tuấn tú hơn hết, có đạo đức phong cách cương trực, đĩnh đạc và có thái
độ hồn nhiên với giáo dục. Họ cần nhiệt tình trí thức, phải học hỏi mau lẹ, học
hỏi dễ dàng không khó khăn và họ phải có trí nhớ minh mẫn và quyết tâm ham
thích việc khó bất kể thế nào, trong mọi hoàn cảnh. Yêu cầu của ông đối với
người học phải lành lặn về thể xác, lành mạnh về tâm trí .
Thời gian học cũng là một vấn đề cần quan tâm, trẻ em khi sinh ra sẽ bị
tách ra khỏi bố mẹ, những đứa trẻ dưới 10 tuổi đều được đưa về vùng nông thôn,
tránh sự ảnh hưởng xấu từ cha mẹ. Khi trẻ em còn nhỏ phải cho cưỡi ngựa quan
sát chiến trận, nếu tình trạng an toàn không nguy hiểm tới tính mạng, có thể đem
tới gần cho nếm máu như chó săn.Và chọn ra những trẻ tự nhiên như ở nhà, trước
hoàn cảnh gây nên sợ hãi, trong thử thách, tìm hiểu, nguy hiểm như thế vẫn tỏ ra
bình tĩnh, khôn khéo.
Tiếp đó, sau khi kết thúc thời gian huấn luyện thể dục cơ bản, 2 hoặc 3
năm chúng sẽ không làm gì. Thời gian huấn luyện thể dục cũng là thời gian thử
nghiệm quan trọng. sau thời gian đó đến tuổi hai mươi, một số sẽ được chọn đề
bạt lên cấp trên. Lúc này họ được thử nghiệm khả năng đối với biện chứng pháp
để tìm ra những người biết nhìn bao quát sự vật.
Khi họ 30 tuổi thì chọn ra những người kiên nhẫn trong học hỏi, cương
quyết trong chiến trận, kiên định trong nhiệm vụ luật pháp quy định, số này sẽ
được nâng lên hàng cao hơn, có khả năng theo đuổi sự thật trong thế giới thực tại
thuần túy, không sử dụng thị giác hay bất kỳ giác quan nào, trắc nghiệm qua khả
năng biện chứng.
Sau năm năm học biện chứng pháp, tới tuổi ba mươi lăm, triết gia phải trở
về hang động, nghĩa là tham dự chính trị thực sự, mười lăm năm thu lượm kinh
nghiệm cần thiết cho người cầm quyền. Sau năm mươi tuổi khi giáo dục đã hoàn

59
tất, triết gia trở lại nắm quyền cai trị thành bang. Theo ông, không nên để triết gia
tham gia học biện chứng pháp quá sớm lúc còn quá trẻ kẻo họ sẽ sử dụng như
ngón nghề cãi vã bừa bãi khiến nhiều người mất cảm tình.
Mô hình giáo dục của Plato có nhiều tư tưởng tiến bộ, có giá trị thời đại
như tính công bằng, bình đẳng giữa nam và nữ, giáo dục hoàn thiện cả thể xác và
tâm hồn, học đi đôi với thực hành; đã thấy được vai trò quan trọng của tri thức,
người lãnh đạo phải là người có tri thức đặc biệt là tri thức triết học. Plato coi
trọng giáo dục, nhưng không phải là nền giáo dục cưỡng chế, áp đặt từ bên ngoài
mà phải là một nền giáo dục phù hợp với năng khiếu tự nhiên của con người .
Trong mô hình giáo dục của Plato, chúng ta thấy được tính định hướng
nghiêm túc, tính sàng lọc, toàn diện và liên tục, hướng con người đến lẽ công
bằng và cái thiện tối cao. Tuy nhiên, công bằng theo cách hiểu của Plato là sự
phù hợp với trật tự tự nhiên.
Nhưng phương thức giáo dục của Plato cũng bộ lộ không ít những hạn chế.
Mục đích của giáo dục là hướng đến đào tạo người lãnh đạo chứ không phải nâng
cao hiểu biết cho toàn dân. Đối tượng giáo dục là những công dân tự do của
thành bang còn nô lệ không được coi là người và chỉ là công cụ do đó không
được nhắc đến trong đối tượng được giáo dục. Do xuất thân từ tầng lớp quý tộc
nên tư tưởng giáo dục của Plato chỉ hướng đến một bộ phận tầng lớp trên của xã
hội.
Có thể thấy tuy rằng chủ trương xây dựng mô hình giáo dục còn có những
hạn chế nhưng cũng phải khẳng định rằng cho đến ngày nay những vấn đề về
giáo dục mà Plato đặt ra vẫn mang những ý nghĩa vô cùng to lớn. Trong bất kỳ
thời đại nào cũng cần nhận thức được vai trò và vị trí của giáo dục trong sự phát
triển của đất nước.
2.4 Những giá trị và hạn chế của tư tưởng chính trị - xã hội Plato
2.4.1 Những giá trị

60
Tư tưởng chính trị - xã hội là một bộ phận trong công trình nghiên nghiên
cứu có giá trị lịch sử to lớn của Plato, có vị trí quan trọng trong lịch sử triết học
phương Tây để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử tư tưởng nhân loại và tác động
mạnh mẽ đến những nhà triết học cùng thời và sau này. Những tư tưởng chính trị
- xã hội của Plato không chỉ là thuần lý luận mà đó là kết quả của việc nghiên cứu
đánh giá thực tiễn.
Những tư tưởng chính trị - xã hội của Plato để lại nhiều bài học có giá trị
lớn lao. Trong bất kỳ nhà nước nào, việc hướng đến một cuộc sống sung sướng,
hạnh phúc cho toàn thể công dân là mục đích tối thượng. Là nhà triết học chân
chính, Plato dành hầu hết thời gian công sức để nghiên cứu và xây dựng ý tưởng
về một mô hình nhà nước hoàn thiện với mong muốn khắc phục được những
khuyết điểm hạn chế mà những nhà nước trong hiện thực mắc phải.
Mặc dù trong quan niệm về nguồn gốc nhà nước, Plato chưa nhận thức đúng
được nguồn gốc thực sự hình thành nhà nước nhưng những tư tưởng sơ khai này
cũng tạo tiền đề cho những tư tưởng về nhà nước sau này.
Việc xác định đường hướng cho sự phát triển đất nước là một điều vô cùng
quan trọng. Những người lãnh đạo đất nước cần có những hoạch định cho sự phát
triển đất nước, để làm được điều đó người lãnh đạo phải là người có tố chất và
được giáo dục đúng đắn. Đây là yêu cầu mà Plato đề ra, điều này là rất xác đáng.
Mặc dù mang màu sắc duy tâm nhưng không phải không có những điểm hợp lý.
Từ quan niệm về thế giới quan và nhân sinh quan, Plato cho rằng chỉ những nhà
triết học mới là những người nhận thức đúng đắn được đâu là sự tồn tại thực sự
và những người đó là những người lãnh đạo đất nước. Khi chúng ta vén đi bức
màn duy tâm thì quan điểm này trở nên có rất ý nghĩa xác thực. Để một đất nước
phát triển vững mạnh, yêu cầu đặt ra đối với nhà lãnh đạo cũng phải là người có
tri thức, nhận thức được những quy luật khách quan của sự phát triển từ đó mới
có thể đưa ra những định hướng cho sự phát triển đất nước. Những nhà lãnh đạo
kém cỏi, thiếu sáng suốt không thể nào chèo lái đất nước đi đến phồn vinh được.

61
Đây là tư tưởng hoàn toàn hợp lý và có giá trị to lớn cho mọi thời đại. Trong bất
kể thời đại nào người tài cũng cần phải được trọng dụng và tạo môi trường thuận
lợi để phát huy tài năng.
Để có được nhà nước hoàn thiện phải có sự thống nhất, trật tự, ổn định.
Đây hoàn toàn là bài học ý nghĩa cho những nhà lãnh đạo. Vì không một xã hội
rối loạn nào có thể là xã hội tốt đẹp được. Những phẩm chất mà Plato yêu cầu
cần có trong nhà nước lý tưởng thực sự là mang ý nghĩa to lớn. Công bằng là yếu
tố hàng đầu mà xã hội nào cũng cần phải đạt được, điều đó đúng cho bất kể nhà
nước nào. Sáng suốt là yêu cầu đối với nhà lãnh đạo bài học này có giá trị đến
ngày nay. Để lãnh đạo quốc gia người lãnh đạo phải là người có tri thức, hiểu biết,
trong bất kể xã hội nào những người có năng lực cũng cần được trọng dụng.
Trong công cuộc bảo vệ đất nước, hàng ngũ vệ binh luôn phải được rèn luyện tố
chất can đảm, đây là điều đảm bảo giữ vững được an ninh quốc gia và tránh được
sự xâm lược của nước ngoài. Phẩm chất rất quan trọng mà Plato nhắc đến là tiết
độ, trong xã hội nếu con người không làm chủ được bản thân, không có sự đồng
thuận thì xã hội sẽ rối loạn. Vì vậy, đây là một yêu cầu quan trọng khi xây dựng
đất nước.
Những phân tích của Plato về các mô hình nhà nước trên thực tiễn cũng cho
chúng ta một bài học sâu sắc. Muốn nghiên cứu một vấn đề nào đó chúng ta phải
xuất phát từ thực tiễn. Những đánh giá, phân tích của Plato tuy rằng còn có
những yếu tố chủ quan, phiếm diện; tuy nhiên, đó cũng là kết quả của việc phân
tích, tổng kết và khái quát thức tiễn. Do vậy, những đánh giá của Plato phần nào
phản ánh được hiện thực đời sống chính trị- xã hội của Hy Lạp đương thời.
Trong quan niệm về sở hữu và hôn nhân, với chủ trương công hữu cả về tài
sản và hôn nhân với chế độ vợ chung con chung; quan niệm này không nhận
được sự đồng tình của nhiều nhà tư tưởng. Tuy nhiên, xét về một khía cạnh nào
đó chế độ cộng sản có thể là một ý tưởng hợp lý trong những hoàn cảnh cụ thể, ví
như trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh việc công hữu giúp tập chung được

62
sức lực và tài sản giúp đất nước vượt qua tình trạng khó khăn. Hay về mặt sinh
học, việc lựa chọn thế hệ tương lai khỏe mạnh và kiểm soát dân số là một việc
làm hữu ích. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng những quan điểm về sở hữu và
hôn nhân của Plato còn mang tính chất bảo thủ, cực đoan và phiếm diện.
Khi xây dựng một đất nước tốt đẹp phải đảm bảo được sự hài hòa và ổn
định là điều thiết yếu. Plato là nhà tư tưởng rất sâu sắc khi nhìn nhận cần phải
kiểm soát ổn định về dân số, diện tích đất đai cũng như phát huy những lợi thế về
vị trí lãnh thổ. Không thể phủ nhận những tư tưởng hết sức tiến bộ khi Plato cho
rằng cần phải chọn lọc những giống tốt cho sự phát triển tương lai và để đảm bảo
sự hài hòa, cân đối nhà nước cần kiểm soát soát việc sinh đẻ. Ngày nay chúng ta
đều biết về hệ quả của việc bùng nổ dân số sẽ gây rất nhiều hệ lụy cho xã hội.
Nguồn gốc nhà nước ra đời là do nhu cầu của con người, mà nhu cầu con người
ngày càng tăng làm cho xã hội ngày càng đông đúc dẫn đến nhu cầu về đất đai
cũng gia tăng. Đây là nguyên nhân của các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia. Vì
vậy, cần kiểm soát nhu cầu tránh tình trạng xa hoa, vô độ, kiểm soát diện tích đất
đai vừa phải để đảm bảo sự ổn định cân bằng cho sự phát triển nhà nước. Plato
thấy được để phát triển tốt nhất khả năng của đất nước cũng như con ngươi cần
phát huy tối đa lợi thế có được nên ông chủ trương mỗi người chỉ làm tốt một
ngành nghề nhất định và cả đời sẽ theo đuổi công việc đó. Ý tưởng này thể hiện
sự chuyên môn hóa mà ngày nay vẫn đang được áp dụng trong sản xuất công
nghiệp. Những tư tưởng đó đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Plato.
Lĩnh vực giáo dục là lĩnh vực mà quan điểm của Plato được ghi nhận là có
những giá trị vô cùng to lớn. Plato đánh giá đúng vai trò, vị trí của giáo dục trong
sự phát triển nhà nước khi lấy giáo dục là nền tảng của sự phát triển. Để đảm bảo
cho một hệ thống giáo dục hoàn thiện phải là một nền giáo dục do nhà nước quản
lý- giáo dục công. Những tư tưởng giáo dục của Plato giúp con người phát triển
toàn diện về cả thể chất và tinh thần. Những người có tri thức, năng lực luôn
được coi trọng. Để có nhà lãnh đạo tài giỏi ngoài có tố chất tự nhiên ưu tú phải

63
được giáo dục đúng đắn. Mặc dù là nhà triết học cổ đại, nhưng Plato có tư tưởng
rất công bằng, bình đẳng khi cho cả nam và nữ đều được tham gia vào hệ thống
giáo dục. Đó là những tư tưởng rất tiến bộ có ý nghĩa cho cả thời đại ngày nay.
Đối với Plato giáo dục đã mang một ý nghĩa xã hội đặc biệt. Theo như John
Dewey trong tác phẩm “Dân chủ và giáo dục” đã nhận định: “Không ai diễn đạt
tốt hơn ông điều cho rằng một tổ chức xã hội ổn định khi mỗi cá nhân làm công
việc phù hợp với năng khiếu tự nhiên theo cách anh ta có ích cho người khác
(hoặc đóng góp cái toàn thể mà anh ta thuộc về); và nhiệm vụ của giáo dục là
phát hiện những năng khiếu tự nhiên này và huấn luyện chúng dần dần cho mục
đích xã hội” [7, 114-115]. Những tư tưởng này được John Dewey tiếp thu và phát
triển trong triết lý giáo dục của mình. John Dewey đặc biệt chú trọng đến phát
hiện ra những năng khiếu bẩm sinh của từng cá nhân, từ đó đề ra mục đích của
giáo dục là phát huy tận độ những tài năng trí tuệ trong từng cá nhân hướng đến
xây dựng một nền giáo dục dân chủ vì sự tiến bộ của con người vì một cộng đồng
xã hội tốt đẹp.
Phát triển quốc phòng là điều thiết yếu để đảm bảo sự ổn định quốc gia,
bảo vệ nền độc lập chủ quyền của quốc gia đó đối với các quốc gia khác. Vì vậy,
Plato chủ trương phải xây dựng một đội quân vệ binh hùng hậu, tinh nhuệ.
Những vệ binh không những là những người khỏe mạnh về thể lực mà còn phải
là những người hiểu biết. Vệ binh để hoàn thành tốt nhiệm vụ phải được huấn
luyện và học tập rất nghiêm khắc. Đó là những đòi hỏi cần thiết cho các quốc gia,
đặc biệt trong thời đại ngày nay khi mà tình hình an ninh thế giới đang diễn biến
rất phức tạp.
Chúng tôi đồng tình với đánh giá của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền
trong Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tập 31, Số 2
(2015) 21-28 21 về Tư tưởng triết học giáo dục của Plato: tư tưởng giáo dục của
Plato đặt ra một vấn đề mà giáo dục cần quan tâm là làm thế nào để con người có
thể tiếp nhận sự giáo dục một cách tự nhiên, phù hợp với năng lực tự nhiên của

64
mỗi người. Đồng thời Plato cũng đặc biệt nhấn mạnh đến giáo dục nhân cách, đạo
đức cho con người trước khi truyền thụ những tri thức khoa học trừu tượng, như
vậy dưới dạng sơ khai có thể hiểu mục đích của giáo dục là dạy làm người, điều
mà mọi nền giáo dục hướng đến. Gắn liền với tư tưởng giáo dục, quan niệm của
Plato về lựa chọn những người cầm quyền đủ tài và đức để nắm quyền là biện
pháp để loại bỏ những kẻ bất tài, bịp bợm ra khỏi chính quyền. Những người có
đủ các phẩm chất trên đây để lãnh đạo quốc gia theo Plato chính là các triết gia.
Chỉ khi nào các quốc vương là các triết gia và các triết gia trở thành các quốc
vương, khi đó sẽ không còn mọi bất công và tệ nạn xã hội. Điều này phù hợp với
thực trạng xã hội Hy Lạp lúc đó, khi những người thực sự hiểu biết chỉ có thể là
các nhà thông thái- các triết gia. Tuy nhiên Plato cũng chuyển tải cho chúng ta
một thông điệp đầy ý nghĩa: người lãnh đạo quốc gia nhất thiết phải là những
người có tri thức, hiểu biết đến độ có thể thâm nhập tới bình diện thực tại nền tảng
ẩn dưới những hiện tượng bề mặt. Có như vậy mới có thể xây dựng được các
quyết sách phát triển đất nước phù hợp với thực tại xã hội. Plato chủ trương,
những người cầm quyền phải là những người ưu tú nhất và phải được huấn luyện
chu đáo nhất, chỉ những người được hoàn thiện nhờ thời gian và giáo dục mới
được giao trọng trách của nhà nước. Nhà nước là một thể chế giáo dục nhằm mục
đích thực hiện sự công bằng và cái thiện trên trần gian. Đó là những thông điệp
vẫn còn giữ nguyên giá trị trong xã hội hiện nay.
Những tư tưởng về công hữu của Plato mặc dù có rất nhiều điểm hạn chế,
tuy nhiên trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, những yêu cầu của hoàn cảnh cụ
thể của đất đước như trong khi đất nước có chiến tranh để đạt được sự đồng thuận,
thống nhất, đoàn kết để vượt qua khó khăn thì chủ trương công hữu cũng có thể là
một đường lối đúng đắn giúp cho đất nước thoát khỏi tình trạng lâm nguy.
2.4.2 Những hạn chế
Tư tưởng chính trị - xã hội của Plato được đánh giá có vị trí vô cùng quan
trọng trong lịch sử triết học phương Tây cổ đại, nhưng không phải vì vậy mà nó

65
hoàn hảo, không có những hạn chế. Có rất nhiều quan điểm khác nhau trong cách
nhìn nhận về những tư tưởng chính trị - xã hội của Plato. Trong đó, cũng không ít
những ý kiến trái chiều không ủng hộ quan điểm này.
Về mặt khách quan, không thể phủ nhận những hạn chế về mặt thời đại
trong quan niệm của Plato. Thời đại Plato sinh sống là thời cổ đại, khi đó khoa
học chưa phát triển nên còn có những quan niệm chất phác, ngây thơ trong quan
niệm về con người và tự nhiên; chưa hiểu được nguồn gốc, bản chất của ý thức
con người và điều này có thể lý giải cho quan niệm của Plato về linh hồn con
người như là sản phẩm của thế giới ý niệm. Từ những quan niệm ngây thơ, chất
phác như vậy mà khi lý giải về những vấn đề xã hội, Plato hoàn toàn đứng trên
lập trường duy tâm khách quan.
Plato được sinh ra và lớn lên trong gia đình quý tộc, ông chịu sự ảnh
hưởng sâu sắc tư tưởng giai cấp mình. Thêm vào đó, bối cảnh chính trị - xã hội
Plato sống đang diễn ra những biến động rất lớn, tiêu biểu là cuộc đấu tranh của
giai cấp dân chủ chủ nô mới lên với giai cấp quý tộc chủ nô đã đi vào suy thoái.
Trên lập trường của giai cấp quý tộc, lại chịu sự ảnh hưởng trực tiếp tư tưởng của
người thầy Sôcrates nên những tư tưởng của Plato là tư tưởng bảo vệ giai cấp quý
tộc chống lại giai cấp dân chủ chủ nô đang lên. Muốn bảo vệ một mô hình đã lỗi
thời là sự đi ngược lại với tiến trình phát triển khách quan của lịch sử. Đây có thể
coi là bước thụt lùi của Plato.
Những tư tưởng chính trị - xã hội của Plato ngoài những giá trị mang tính
thời đại, còn bộc lộ rất nhiều những hạn chế. Những quan điểm mang tính không
tưởng, bảo thủ chính trị.
Khi xây dựng mô hình nhà nước lý tưởng Plato chú trọng xây dựng trên
nguyên tắc công bằng nhưng là công bằng được hiểu là tuân theo trật tự tự nhiên.
Vì quá đề cao trật tự, thống nhất mà Plato xóa bỏ đi tự do của con người. Trong
nhà nước, những phẩm chất căn bản không được ông nhắc đến như Aristotle đã
phê phán đó là sự kính trọng và tình thương. Plato cố gắng xây dựng một cộng

66
đồng người có chồng chung, vợ chung, tài sản chung – một chế độ cộng sản. Tư
tưởng này xóa bỏ hoàn toàn cái nền móng của xã hội là gia đình, mọi tình cảm
thiêng liêng bản năng của con người là tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái,
giữa vợ chồng, anh em. Trong vấn đề sở hữu cũng mới chỉ nhắc đến 2 giai cấp
người cai trị và vệ quốc là hai giai cấp không có tài sản riêng, gia đình riêng, còn
những người lao động chưa được nhắc đến nên chưa biết những người lao động
có tài sản riêng và gia đình riêng hay không. Mối quan hệ giữa công dân và nhà
nước là mối quan hệ một chiều. Yêu cầu của Plato đối với công dân là sự tuân thủ
trật tự, hi sinh vì nhà nước, quan niệm con người vì nhà nước chứ không phải nhà
nước vì con người. Trong nhà nước lý tưởng cá nhân của con người bị nhấn chìm
vào cộng đồng. Nhà nước lý tưởng của Plato là một nhà nước cộng sản quân
phiệt và không tưởng, kiểu nhà nước “cộng sản trại lính”.
Quan niệm duy tâm về nhà nước thể hiện rất rõ trong cách phân chia các
tầng lớp trong xã hội dựa trên bản tính tự nhiên. Giáo dục được Plato coi là nền
tảng để phát triển đất nước. Ông đề cao tri thức lên hàng đầu mà hạ thấp vai trò
của kinh tế. Những người giữ vị trí cai trị là những người hiểu biết, thông thái,
những nhà tri thức - triết gia, còn tầng lớp nắm quyền về kinh tế lại là những
người thuộc tầng lớp dưới. Tư tưởng này hoàn toàn ngược lại với quan niệm của
chủ nghĩa Mác.
Trong quan niệm về giáo dục Plato có những tư tưởng mang tính thời đại,
thấy được vai trò ý nghĩa quan trọng của giáo dục trong xây dựng và tổ chức xã
hội. Tuy nhiên đi vào cụ thể, chúng ta thấy được thực chất quan niệm của Plato
vẫn còn nhiều hạn chế:
Thứ nhất quan niệm giáo dục của ông còn mang nặng tính giai cấp khi cho
rằng giáo dục nhằm mục đích cuối cùng là đào tạo tầng lớp cai trị chứ không phải
hướng đến nâng cao nhận thức của người dân, không vì sự tiến bộ của toàn thể
công dân trong xã hội.

67
Thứ hai, tính chất duy tâm là đặc trưng cho tư tưởng của Plato, khi C.Mác
thấy kinh tế đóng vai trò quyết định thì Plato lại thấy tri thức mới là yếu tố quyết
định. Người cai trị, lãnh đạo đất nước chắc chắn phải thuộc về những nhà thông
thái, nhà triết học, những người chiếm lĩnh tri thức điều này cho thấy vai trò
quyết định của tinh thần trong quan niệm của Plato. Trong khi C.Mác thấy rằng
tầng lớp cai trị là tầng lớp nắm về kinh tế, kinh tế quyết định chính trị. Tuy nhiên,
không thể phủ nhận những yếu tố hợp lý trong quan niệm này của cả hai triết gia
thuộc hai thời đại khác nhau này. Chúng ta không thể phủ nhận rằng người lãnh
đạo chắc chắn phải là người có tri thức, người khôn ngoan, nhưng mặt khác cũng
không thể chối bỏ được rằng giai cấp thống trị phải có được tiềm lực kinh tế nhất
định để duy trì đời sống vật chất, lãnh đạo quốc gia đó.
Thứ ba, mô hình giáo dục tập trung kiểu trại lính của Plato còn chứa đựng
những yếu tố chưa hợp lý, phương thức giáo dục còn nặng nề, khắt khe và có
phần thô bạo. Như trong tác phẩm “Cộng hòa” phụ nữ cũng phải cởi trần tập
luyện như đàn ông, hay những đứa trẻ để thử thách lòng gan dạ, dũng cảm ông
cho chúng trải nghiệm môi trường chiến trận. Về mặt nào đó phương pháp này
hữu dụng giúp cho học sinh có trải nghiệm đời sống hiện thực nhưng nó vẫn là
những bài học khắt khe và nặng nề, những bài học ấy dễ gây nên xu hướng bạo
lực.
Trong tác phẩm “Dân chủ và giáo dục”, John Dewey đánh giá quan niệm của
Plato về giáo dục: “Chúng ta có thể giữ nguyên niềm tin của Plato cho rằng một
cá nhân sẽ thấy hạnh phúc và xã hội có trật tự khi mỗi cá nhân tham gia vào các
hoạt động phù hợp với năng khiếu tự nhiên, chúng ta cũng có thể giữ nguyên
niềm tin của ông cho rằng nhiệm vụ đầu tiên của giáo dục là phát hiện ra năng
khiếu tự nhiên ở mỗi cá nhân và huấn luyện để anh ta sử dụng hiệu quả năng
khiếu ấy. Nhưng tiến bộ về nhận thức đã giúp chúng ta nhận ra tính hời hợt của
việc Plato gom các cá nhân và năng lực bẩm sinh của họ vào trong một vài giai
cấp được phân biệt rạch ròi; tiến bộ về nhận thức đã dạy chúng ta rằng, các năng

68
lực bẩm sinh là nhiều và khả biến một cách vô hạn” [7, 117]. Từ nhận xét của
John Dewey, chúng ta nhận thấy Plato đã không nhận thức được rằng khả năng
bẩm sinh của mỗi cá nhân là vô cùng đa dạng và khác biệt, không cá nhân nào
giống cá nhân nào, chứ không chỉ là sự khác nhau đơn thuần ở những người
thuộc ba tầng lớp trong xã hội như Plato quan niệm.
Quan niệm chính trị - xã hội của Plato thể hiện tính giai cấp sâu sắc. Là
người thuộc tầng lớp trên trong xã hội nên những tư tưởng của Plato hoàn toàn
bảo vệ quyền lợi của giai cấp chủ nô quý tộc. Nền giáo dục mà ông cho là nền
tảng của đất nước chỉ dành cho giai cấp người cai trị và vệ quốc không phải là
toàn bộ công dân. Những người nô lệ vẫn không được ông coi là công dân và
không được hưởng chế độ giáo dục mà Plato xây dựng.
Trong những tư tưởng của Plato, những quyền cơ bản của con người chưa
được đáp ứng. Quyền căn bản nhất của con người đó là quyền tự do cá nhân
trong nhà nước lý tưởng của Plato hoàn toàn không còn. Công dân không có
quyền quyết định ngành nghề, hạnh phúc, hôn nhân, tư hữu mà thậm chí cả
quyền sống cũng do nhà nước quyết định. Đây là một chế độ hà khắc và thiếu
tính nhân đạo.
Tiểu kết chương 2
Những tư tưởng chính trị của Plato có cơ sở lý luận từ những học thuyết về
ý niệm và linh hồn. Từ quan niệm phân chia hai thế giới thế giới ý niệm và thế
giới sự vật cảm tính, ông tuyệt đối hóa vai trò của ý niệm đối với thế giới hiện
thực. Tư tưởng này quy định thế giới quan của Plato là thế giới quan duy tâm, đó
là yếu tố chi phối trực tiếp đến những tư tưởng chính trị - xã hội của ông.
Nội dung tư tưởng chính trị cơ bản của Plato thể hiện ở quan niệm của ông
về nguồn gốc nhà nước, quyền lực nhà nước và những hình thức nhà nước suy
đồi. Trong nhà nước lý tưởng Plato yêu cầu nhà lãnh đạo phải là những nhà triết
học, những người thông thái. Đó là những người có cả tinh thần khỏe mạnh và
thể chất lành mạnh lại nhận được sự giáo dục đúng đắn cho nên đất nước lý

69
tưởng chỉ có thể là do triết gia lãnh đạo. Xã hội được phân chia thành ba giai cấp:
giai cấp lãnh đạo, giai cấp vệ binh và giai cấp những người lao động, ở đây nô lệ
không được coi là người nên không được coi là công dân trong xã hội vì vậy họ
không thuộc giai cấp nào.
Tư tưởng về sở hữu và hôn nhân của Plato nhận được khá nhiều những
đánh giá trái chiều. Plato chủ trương công hữu đặc biệt đối với tầng lớp người cai
trị, họ chỉ được sử dụng tài sải ở mức độ chỉ đủ đáp ứng những nhu cầu thiết yếu
nhất. Tuy nhiên không chỉ dừng lại ở việc công hữu tài sản mà Plato còn thiết lập
chế độ vợ chung, con chung. Những quan niệm cực đoan này làm cho nhà nước
lý tưởng của ông trở thành không tưởng.
Bù lại những tư tưởng về giáo dục của Plato lại được những nhà tư tưởng
về sau đánh giá là đem lại những giá trị to lớn. Tuy nhiên, nền giáo dục của Plato
vẫn còn rất nặng nề, với những yêu cầu hết sức khắt khe. Giáo dục chỉ hướng đến
những người cai trị chứ không phải cho toàn thể công dân.

Chương 3
ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI PLATO ĐẾN
ARISTOTLE
3.1 Sự phê phán của Aristotle đối với tư tưởng chính trị - xã hội của
Plato
Aristotle2 là người học trò thông minh và thân cận nhất của Plato. Ông có
20 năm học tập và gắn bó với người thầy của mình, vì vậy những tư tưởng của
Aristotle ảnh hưởng sâu sắc từ những tư tưởng của Plato. Từ góc nhìn của thế
giới quan duy tâm và cùng chiến tuyến phê phán nền dân chủ chủ nô nên những
tư tưởng về chính trị - xã hội của Plato và Aristotle có nhiều điểm tương đồng.

2
Arisotle(384-322TCN) - Triết gia Hy Lạp cổ đại, xuất thân từ gia đình trí thức. Ông là học trò của Plato. Aristotle
được xem là triết gia sáng lập ra trường phái Duy Thực (Realism).

70
Tuy nhiên, là người đi sau, nhận thức được những hạn chế của thầy mình,
Aristotle đã kế thừa trên tinh thần phê phán những quan điểm của Plato. Tư
tưởng chính trị - xã hội của Aristotle như là sự bổ sung, hoàn thiện hơn tư tưởng
mà Plato đã đặt ra. Những tư tưởng của Plato mang tính siêu nghiệm thì ở
Aristotle lại rất thực tế. Sự phê phán của Aristotle thể hiện cụ thể là trong tác
phẩm “Chính trị luận” với những khía cạnh sau:
Thứ nhất, trong khi Plato mong muốn xây dựng một mô hình nhà nước đạt
đến sự thống nhất tuyệt đối, thì Aristotle lại phê phán điều này. Ông cho rằng,
nhà nước mà đồng nhất thì không còn là nhà nước nữa. Aristotle chủ trương nhà
nước càng đa nguyên chừng nào thì càng tốt chừng ấy. Vì bản chất của quốc gia
là đa nguyên, được kết hợp bởi nhiều thành phần khác nhau.
Aristotle chứng minh rằng trong nhà nước không bao giờ có thể đạt được
mức động đồng nhất tuyệt đối như Plato đề ra. Sở dĩ như vậy vì bản chất của một
quốc gia là sự kết hợp của nhiều phần tử khác nhau. Quốc gia theo Aristotle
không phải là sự tập hợp của nhiều người mà là sự tập hợp của nhiều người khác
nhau. Sự đồng dạng không tạo ra thành bang. Trong tác phẩm “Đạo đức học”,
Aristotle cho rằng: “sự thịnh vượng của một quốc gia nhờ ở sự đóng góp của mỗi
phần tử cho quốc gia tương đương với những gì mà mỗi phần tử nhận được từ
quốc gia” [1, 86]. Trong quốc gia mỗi phần tử tạo thành bang gia là những phần
tử khác nhau. Hơn nữa xét theo khía cạnh vai trò, vị trí của các công dân trong
thành bang cũng không thể có sự đồng nhất, mà phải là sự đa dạng bởi mỗi người
đều đảm nhiệm những chức vụ riêng. Do đó, từ bản chất quốc gia không thể nào
đồng nhất được. Aristotle nhận thấy biến tất cả mọi người thành đồng nhất thay
vì đem lại phúc lợi cao nhất cho quốc gia lại hóa thành tiêu diệt quốc gia.
Aristotle cũng cho rằng chính sách đồng nhất tuyệt đối trong thành bang không
phải là một chính sách hay. Bởi vì theo ông, gia đình đạt được mức độ tự túc cao
hơn cá nhân, và quốc gia đạt được mức độ tự túc cao hơn gia đình, nhưng quốc

71
gia chỉ có thể hiện hữu nếu cộng đồng đủ rộng lớn và đa dạng để đạt tới trình độ
tự túc. Từ đó, yêu cầu đặt ra cho sự tồn tại của quốc gia là phải đa nguyên.
Thứ hai, về nguồn gốc của nhà nước: cũng giống như Plato, Aristotle cho
rằng, nhà nước ra đời xuất phát từ con đường tự nhiên, nhưng khác với Plato ở
chỗ, Plato thì cho rằng nguồn gốc của nhà nước là do nhu cầu liên kết giữa các cá
nhân, còn ở Aristotle thì nhà nước ra đời là do bản chất con người khi sinh ra đã
thuộc về cộng đồng, con người là động vật chính trị. Xét về mặt nào đó, con
người không thể sống lành mạnh bên ngoài xã hội. Thành tố đầu tiên của nhà
nước là gia đình và trong khi Plato lại chủ trương xóa bỏ gia đình thì Aristotle lại
thấy rằng gia đình là nền tảng của nhà nước. Xét theo thứ tự thời gian thì cá nhân
và gia đình là cái có trước nhà nước. Vì vậy, khi cá nhân sinh ra đã thuộc về cộng
đồng gia đình, nhiều gia đình họp thành làng xã, nhiều làng xã hợp thành nhà
nước. Nhưng xét về mặt bản thể luận, Aristotle cho rằng nhà nước là cái hiện hữu
có trước cá nhân và gia đình. Ông lý giải có sự mâu thuẫn này là vì nhà nước là
cái tổng thể, cái phổ quát nên phải là cái có trước cái cá thể là cá nhân, gia đình.
Mục đích tự nhiên của con người là hướng đến cái tốt nhất, hoàn thiện nhất và
cuộc sống hoàn thiện nhất chỉ có thể là cuộc sống trong cộng đồng. Mặc dù mục
đích cao nhất của bản chất con người tự nhiên là hướng đến sống trong cộng
đồng, nhưng theo ông, sống trong nhà nước chưa phải là điểm kết thúc mà là
điểm khởi đầu cho hạnh phúc mới, cuộc sống mới... Trong quan niệm của
Aristotle thấm đẫm tính hiện thực, xuất phát từ học thuyết về đạo đức cho rằng
cái thiện, hạnh phúc có trong cuộc sống hiện thực, chứ không phải ý niệm thiện ở
một thế giới bên ngoài, thế giới ý niệm như của Plato. Đây là điểm mà Aristotle
đã khắc phục được phần nào tính chất không tưởng, mơ hồ ở Plato. Ông đã đưa
mục đích cuộc sống con người từ vươn tới một thế giới hư ảo bên ngoài, thế giới
các ý niệm của Plato về với thế giới hiện thực. Không phải con người lấy thế giới
ý niệm làm khuôn mẫu để bắt trước và thông dự vào cho giống với ý niệm mà
con người tìm kiếm hạnh phúc trong đời sống cộng đồng của chính mình.

72
Nhưng trong tư tưởng về nguồn gốc của nhà nước, chúng ta có thể nhận
thấy cả Plato lẫn Aristotle đều chưa phân biệt được khái niệm nhà nước và xã hội.
Hai khái niệm này được các ông hiểu là một. Do đó chưa đưa đến được một quan
niệm đúng đắn về nguồn gốc thực sự hình thành nhà nước. Theo quan niệm của
chủ nghĩa Mác-Lênin, nhà nước ra đời là do sự phân chia xã hội thành các giai
cấp, là sản phẩm của đấu tranh giai cấp, nhà nước là nhà nước của giai cấp mạnh
nhất, thống trị về kinh tế và giai cấp này với sự trợ giúp của nhà nước mà trở
thành giai cấp thống trị về chính trị, nghĩa là nó có được những phương tiện mới
để bảo vệ trật tự hiện hành và đàn áp sự phản kháng của các giai cấp khác. “Nhà
nước chẳng qua chỉ là một bộ máy của một giai cấp này dùng để trấn áp một giai
cấp khác”. Còn theo Aristotle, “nhà nước là một sự hội tụ và hợp tác của công
dân theo một hiến pháp và một cơ cấu chính trị nào đó, cho nên khi hình thức
chính quyền thay đổi và trở nên khác đi với hình thức cũ, thì ta có thể nói là nhà
nước đó không còn giống như cũ nữa” [1, 153].
Thứ ba, Aristotle xem xét mối quan hệ biện chững giữa cá nhân và cộng
đồng trong chỉnh thể thống nhất. Ông cho rằng, cá nhân cần được đảm bảo hạnh
phúc hoàn chỉnh trong cộng đồng, chứ không phải cá nhân hi sinh cho cộng đồng
như quan niệm của Plato. Theo Aristotle, mô hình nhà nước của Plato là không
thực tế vì mô hình nhà nước mà đồng nhất sự thịnh vượng của quốc gia vào sự
đóng góp của các thành viên thì như vậy cá nhân sẽ hoàn toàn bị nhấn chìm.
Thứ tư, khía cạnh mà Aristotle phê phán gay gắt nhất là quan niệm của
Plato về sở hữu và hôn nhân. Những phê phán của Aristotle được nhiều triết gia
hưởng ứng. Theo ông, nhà nước dựa trên sở hữu cộng đồng về tài sản là rất bất
cập. Aristotle lý giải điều đó như sau: Nếu sở hữu chung sẽ dẫn đến bất cập nếu
không chia đều công việc và tài sản cho mọi người và những gì thuộc về của
chung thì mọi người sẽ lơ là, không quan tâm đến nó. Trong tác phẩm “Chính trị
luận”, ông viết: “...cái gì mà thuộc của chung của nhiều người, thì cái đó lại càng
có ít người quan tâm bảo quản. Mọi người đều chỉ quan tâm đến lợi ích chung,

73
còn nếu họ quan tâm đến lợi chung thì cũng chỉ vì đụng chạm đến quyền lợi riêng
của họ. Thêm vào đó, con người có khuynh hướng xao lãng nhiệm vụ mà họ nghĩ
là sẽ có người khác chu toàn” [1, 89]. Hay ông viết: “càng nhiều người thì càng ít
hiệu quả hơn ít người”. Cũng như vậy khi những đứa trẻ là con chung của cả
cộng đồng mà không phải của riêng cá nhân nào khi đó chúng sẽ bị tất cả bỏ bê.
Trong nhà nước của Plato, con cái là của chung. Nhưng Aristotle thấy rằng,
như vậy khi sinh ra con cái giống cha mẹ tất sẽ tìm đến nhau khi đó không còn là
tài sản chung của quốc gia nữa. Một khi tất cả là của chung, tất cả đều bình đẳng
theo cách của Plato thì mối quan hệ gia đình, thân nhân sẽ đổ vỡ tạo điều kiện
cho cái ác và bạo lực hoành hành. Một người sẽ không dám làm điều ác với
người thân của mình, nhưng sẽ dễ dàng hơn nếu nạn nhân là người dưng. Do đó,
một quốc gia không nên là một tập hợp đồng nhất với ý tưởng rằng đó là của
chung.
Aristotle cũng phân tích những hệ lụy trong tư tưởng về công hữu trong
hôn nhân. Như trong cộng đồng có thể xảy ra những tệ nạn, tội ác như bạo hành,
cưỡng hiếp, sát nhân, hay cãi cọ, vu cáo nhau. Khi trong xã hội cha con không
biết nhau rất có thể sẽ xảy ra những tội ác này giữa cha và con, khi đó những tập
tục dùng là những thiết chế xã hội cũng khó khăn trong việc xét xử vì khi gây tội
ác người đó không biết đó là bố, con mình.
Do tất cả tài sản, vợ, con là của chung nên theo Aristotle, người ta sẽ mất
đi cái phẩm chất tốt đẹp của con người, mất đi tình yêu được ban tặng, sự hào
phóng và sự tốt lành. Về phương diện đạo đức, nhà nước Plato xây dựng thiếu đi
hai phẩm chất tốt đẹp của con người là sự kính trọng và mến thương. Aristotle
nhận định tư tưởng của Plato coi thường sức mạnh của tập tục đã được xây dựng
lâu đời. Plato không tiên liệu được tính ghen tuông tự nhiên của người đàn ông,
tình mẫu tử của người phụ nữ. Khi Plato xóa bỏ cuộc sống gia đình, vô hình
chung cũng xóa bỏ đi cuộc đời sống đạo đức thiêng liêng. Plato chủ trương xóa

74
bỏ gia đình truyền thống, khi đó ông không ý thức được rằng đồng thời cũng đã
phá vỡ nền móng của xã hội.
Aristotle gay gắt chống lại tư tưởng công hữu của Plato, bởi vì theo ông,
con người sẽ dễ xảy ra tranh chấp khi có những khó khăn hay mâu thuẫn trong
khi làm việc chung. Và ông nhận định, trong nhà nước cần phải có tư hữu ở một
mức độ vừa phải vì khi có tư hữu con người mới quan tâm đến bảo toàn của cải,
chia sẻ với bạn bè và những người xung quanh và khi đó mới tạo nên một cái
chung theo cách tự nguyện chứ không phải là một sự áp đặt như ở Plato. Cách
hay nhất là có những cái riêng để sử dụng chung, nguồn gốc của hạnh phúc và cơ
sở để thực tập tính tiết chế và rộng lượng. Chỉ khi có tài sản riêng người ta mới
có của cải để thể hiện được sự hào phóng, chia sẻ, quan tâm, giúp đỡ với những
người xung quanh.
Thứ năm, về cơ cấu tổ chức các tầng lớp trong xã hội, sự phê phán Plato
dựa trên yếu tố kinh tế. Plato đã quá chú trọng đến việc phân chia giai cấp.
Nguyên nhân của sự phân chia giai cấp trên thực tế là do những mâu thuẫn kinh
tế trong xã hội. Ở giai cấp lãnh đạo, Plato cho giai cấp này từ bỏ sự cạnh tranh để
vơ vét tài sản. Giai cấp này có quyền lực về mặt chính trị, quyền cai trị và điều
khiển nhưng Plato lại tước đi quyền lực về kinh tế của họ. Luận điểm này trái
ngược với quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin. Chủ nghĩa Mác cho rằng,
quyền lực chính trị chỉ là hình ảnh, biểu hiện tập trung của kinh tế và nó không
còn là gì, một khi quyền lực kinh tế rơi vào tay một nhóm khác.
Khi Plato đưa ra những quan điểm chính trị - xã hội, sự phát triển của lịch
sử chưa làm cho Plato nhận thức được sự thay đổi, thăng trầm của các chế độ
kinh tế, văn hóa cũng như chính trị. Do vậy, “sự phân loại dân chúng thành
những giai cấp không khác gì nhà côn trùng học phân loại các côn trùng”.
Aristotle nhận thấy, trong nhà nước lý tưởng của Plato chưa có sự rõ ràng thành
phần nào đóng vai trò chủ chốt. Những công dân không thuộc giai cấp lãnh đạo
chiếm đa số, đó là những người thuộc tầng lớp những người lao động, tầng lớp

75
này chưa được Plato nhắc đến. Do đó, Aristotle cho rằng những vấn đề quan
trọng về tầng lớp này trong nhà nước của Plato còn chưa xác định được: “liệu
nông dân cũng phải có tài sản chung hay là mỗi người có tài sản riêng của mình?
Liệu vợ và con họ là của chung hay của riêng. Nếu giống như giới lãnh đạo, họ
cùng có chung mọi tài sản, thì họ có khác gì giới lãnh đạo đâu và sẽ được lợi gì
khi chịu sự lãnh đạo này? Hay dựa trên nguyên tắc nào mà họ phải chịu sự cai trị
của giới lãnh đạo,...” [1, 99]. Aristotle nhận thấy trong nhà nước của Plato chẳng
khác nào biến giai cấp cai trị thành quân đội chiếm đóng, còn người nông dân,
người thợ và các thành phần còn lại mới là công dân thật sự. Trong nhà nước như
vậy, Aristotle cho rằng, vẫn có thể xảy ra những kiện cáo, tranh cãi và những
điều xấu xa mà Plato cho rằng sẽ không hiện hữu trong nhà nước lý tưởng của
ông. Aristotle tìm ra khe hở trong tư tưởng của Plato: Plato cho rằng khi người
dân được giáo dục tốt, thì nhà nước sẽ chẳng cần nhiều điều lệ, nhưng ông lại
giới hạn giáo dục chỉ dành cho giai cấp lãnh đạo. Nhưng vấn đề đặt ra là giai cấp
nông dân sẽ được tổ chức như thế nào, giáo dục, mô hình chính quyền, luật lệ
dành cho họ sẽ ra sao? Nếu muốn giữ nguyên đời sống cộng sản của giai cấp cai
trị.
Thứ sáu, quan niệm của Plato về người cai trị thành bang cũng là một khía
cạnh mà Aristotle phê phán. Vì ông cho rằng, nhà nước đó chứa đựng nhiều điều
nguy hiểm khi để nhiều người cùng cai trị thành bang. Sự nguy hiểm trong việc
chọn người lãnh đạo của Plato, theo Aristotle, là ở chỗ người lãnh đạo sẽ luôn
luôn là người lãnh đạo, đó là nguồn gốc gây ra tranh giành và họ cũng không tìm
thấy hạnh phúc. Plato nhìn vào sự thông thái hoàn hảo của cá nhân, nhưng xã hội
lại cần sự hòa hợp giữa con người, gia đình và quốc gia, cho nên ông cho rằng
cách nhìn của Plato là phi chính trị. Người lãnh đạo trong thành bang của Plato là
người vô sản còn Aristotle lại ủng hộ những người lãnh đạo phải là người có tài
sản.

76
Thứ bảy, về mô hình giáo dục: trái với mô hình giáo dục của Plato,
Aristotle không hướng đến chiến tranh mà hướng đến hòa bình và sự thư nhàn.
Đời sống thư nhàn không chỉ là giải trí, nghỉ ngơi mà còn là nền giáo dục cao nhã
và tự do. Nền giáo dục ấy tạo ra con người với tinh thần quảng đại, sở hữu không
chỉ tiền tài mà còn cả khiếu thẩm mỹ và quan trọng nhất là óc thực tiễn. Con
người này có thể không có óc tư biện như Socrates nhưng sở hữu năng lực phán
đoán cần thiết cho việc quản trị đất nước. Aristotle gọi đó là sự “khôn ngoan
chính trị”
Tất cả những sai lầm trong quan niệm chính trị- xã hội mà Plato mắc phải
theo Aristotle đều bắt nguồn từ chủ trương thống nhất. Trong “Chính trị luận”
ông khẳng định: “Sự sai lầm của Socrates, ta có thể thấy được, nằm ở khái niệm
thống nhất, mà ông đã dùng làm tiền đề lý luận. Thống nhất dĩ nhiên cần phải có
trong cả gia đình và quốc gia, nhưng ở một vài lĩnh vực nào đó thôi, vì đến một
lúc khi đạt được thống nhất cao độ, lúc đó sẽ chẳng còn quốc gia nữa, hay là nếu
còn cái gọi là quốc gia, thì cũng chỉ là một quốc gia yếu kém” [1, 97]. Theo
Aristotle, nhà nước là một thực thể đa dạng, và chỉ nên được thống nhất thành
một cộng đồng bằng giáo dục.
Tuy là học trò của Plato, nhưng Aristotle vẫn thẳng thắn phê phán những
quan niệm của thầy. Sự phê phán ấy không phải là những phê phán cảm tính, mà
là sự phê phán khách quan, xác đáng dựa trên những nghiên cứu, xem xét tính
hiện thực trong từng tư tưởng cụ thể. Trên tinh thần tiếp thu có phê phán,
Aristotle đã phát triển những tư tưởng của Plato lên một tầng bậc mới, vừa khẳng
định được những giá trị tư tưởng trong tư tưởng của Plato đồng thời bổ sung,
hoàn thiện hơn những điểm chưa hợp lý. Aristotle đã hoàn thành xuất sắc nhiệm
vụ của người đi sau đối với bậc tiền bối.
3.2 Sự kế thừa, phát triển của Aristotle đối với những tư tưởng chính
trị - xã hội của Plato

77
Là người học trò xuất sắc của Plato, Aristotle không chỉ tiếp thu, kế thừa
những thành quả nghiên cứu của thầy mình, mà ông còn phát triển những quan
điểm của Plato và mong muốn đưa ra những quan điểm mới khắc phục những
hạn chế trong tư tưởng của Plato. Sự kế thừa và phát triển tư tưởng Plato của
Aristotle không chỉ dừng lại ở quan niệm về bản thể luận, nhận thức luận mà còn
thể hiện rõ nét ở quan niệm về chính trị - xã hội.
Cũng như Plato, Aristotle cũng đứng trên lập trường thế giới quan duy tâm
để xem xét những vấn đề chính trị xã hội và cả hai ông cùng quan điểm phê phán
nền dân chủ chủ nô. Nhưng Aristotle không kế thừa nguyên xi những tư tưởng
chính trị - xã hội của Plato mà có sự phát triển khắc phục được phần nào những
hạn chế của Plato.
Thứ nhất, về quan niệm về nguồn gốc nhà nước và quyền lực nhà nước.
Aristotle đồng tình với Plato khi cho rằng nhà nước được hình thành bằng con
đường tự nhiên. Nhưng ở Plato, nhà nước ra đời do nhu cầu liên kết của con
người để nhằm đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu mà bản thân mỗi người
không thể tự cung ứng. Còn ở Aristotle, nhà nước ra đời bởi bản chất mỗi con
người khi sinh ra là động vật chính trị. Vì vậy, con người cần sống trong cộng
đồng, xuất phát từ bản chất tự nhiên của con người như vậy nên con người khi
sinh ra phải thuộc về cộng đồng đầu tiên là gia đình. Gia đình là thành tố đầu tiên
của nhà nước, những cá nhân sinh ra thuộc về gia đình, nhiều gia đình hợp thành
làng xã, nhiều làng xã hợp thành nhà nước. Đó là cấu trúc tự nhiên của nhà nước
theo quan niệm của Aristotle.
Plato cho rằng, con người phải tham gia vào cộng đồng bằng cách làm tròn
chức trách đóng góp cho cộng đồng theo đúng khả năng tự nhiên của mình. Ở
đây, Plato yêu cầu mỗi công dân phải có trách nhiệm xây dựng nhà nước, hi sinh
vì nhà nước, xóa bỏ cái riêng tư, cá nhân để xây dựng nên sự thống nhất cho cộng
đồng chung, hạnh phúc là hạnh phúc chung. Nhà nước lý tưởng của Plato là một
nhà nước có sự ổn định, trật tự và thống nhất cao độ.

78
Tiếp thu những quan niệm của Plato, Aristotle cũng cho rằng con người
phải sống trong cộng đồng, không thể có con người sống ngoài cộng đồng được.
Mong muốn của Aristotle cũng giống như Plato là đem lại hạnh phúc cho công
dân. Tuy nhiên, quan niệm của Aristotle có bước phát triển rõ rệt so với Plato.
Nếu ở Plato, con người sinh ra để phục vụ nhà nước, hi sinh cho nhà nước thì ở
Aristotle, phương thức tồn tại của nhà nước là đảm bảo cuộc sống hạnh phúc
hoàn chỉnh cho cá nhân trong cộng đồng chứ không phải hi sinh vì cộng đồng.
Theo ông, mục đích cao nhất của bản chất tự nhiên của con người là hướng đến
cuộc sống cộng đồng, nhưng sống trong nhà nước không phải là điểm kết thúc
mà là điểm khởi đầu cho hạnh phúc mới, cuộc sống mới. Tiếp nối đạo đức học,
triết học chính trị của Aristotle là sự tiếp tục hoàn thiện cuộc sống hạnh phúc cho
con người. Đối với Aristotle nhà nước ra đời để nhằm đạt được một cuộc sống tốt
đẹp nhất cho con người. Xây dựng cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc nhất là mục
tiêu của nhà nước.
Ông cho rằng, con người là một sinh vật xã hội, là động vật chính trị. Tức
là con người khi sinh ra là công dân của một nhà nước và được đặc trưng ở khả
năng lập luận có lý lẽ và hành động có hợp tác. Khả năng lập luận hợp lý cho
phép con người thể hiện được những điều mà không một con vật nào có thể làm
được, nhờ khả năng này con người có thể phân biệt được đúng - sai, thiện - ác.
Đó chính là cơ sở để con người có thể hợp tác và liên kết với nhau để xây dựng
nên các thể chế chính trị.
Vì bản chất con người là tạo vật có tính xã hội và chính trị, nên cá nhân
không thể sống ẩn dật cuộc sống như vậy sẽ làm biến dạng tính cách con người.
Đời sống cô độc đi ngược lại với bản chất và lợi ích của con người. Ông nhận
định mục đích cuộc sống của con người là được thỏa mãn bản chất của mình để
được trưởng thành, thăng hoa và hưởng thụ cuộc sống hạnh phúc nhất. Con người
chỉ tìm thấy những những gì tốt đẹp nhất, hạnh phúc nhất trong đời sống cộng

79
đồng. Con người chỉ là một động vật tốt đẹp nhất khi sống trong cộng đồng, nếu
bị cách ly khỏi luật pháp và công chính thì sẽ trở thành một động vật xấu xa nhất.
Cuộc sống xã hội là nhu cầu thiết yếu của cá nhân con người, xã hội có ý
nghĩa sống còn đối với nhân loại là nhu cầu không thế thiếu của cuộc sống con
người. Chính vì vậy, đạo đức xã hội thể hiện qua đời sống chính trị phải được đặt
lên trên đạo đức cá nhân. Về mặt này cũng giống như Plato, khi cần thiết, mỗi cá
nhân phải tự nguyện hi sinh cho lợi ích quốc gia. Thực chất, không phải xã hội
cần đến con người mà ngược lại con người phải cần đến xã hội, bởi lẽ xã hội là
một thực tại có giá trị đạo đức, phát sinh từ những nhu cầu thiết yếu của nhân loại.
Nhà nước theo cách hiểu của Aristotle là cộng đồng dân cư và công dân
tham dự vào là những con người tự do. Phương thức tồn tại của nhà nước là đảm
bảo cuộc sống của các thành viên và cộng đồng về cả không gian và thời gian.
Trong nhà nước mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng là mối quan hệ giữa cái
chung với cái riêng. Cá nhân phải sống gắn kết với cộng đồng không thể sống mà
không có cộng đồng tựa như sự gắn kết giữa cái cả thể với cái tổng thể.
Con người muốn thỏa mãn những yêu cầu trong cuộc sống thì phải sống
trong khuôn khổ xã hội. Xuất phát từ ý tưởng tốt đẹp, hướng đến mục đích đạo
đức và xã hội nền tảng luân lý, nhà nước chính là chỗ dựa cần thiết cho mỗi cá
nhân. Nhà nước của Aristotle muốn xây dựng là nhà nước ở đó mỗi công dân
được hưởng cuộc sống thư nhàn, con người trong nhà nước có thể nhận thức
được những giá trị tốt đẹp tối thượng của con người.
Với Aristotle nhà nước được hình thành từ những cá thể, những gia đình,
những cụm dân cư. Nhà nước như phương thức tồn tại tự nhiên và tất yếu của
con người mà khả năng tham gia của công dân vào công việc nhà nước quy định
thế chế chính trị của nhà nước. Thể chế chính trị là một trật tự làm cơ sở cho sự
phân chia quyền lực nhà nước và đảm bảo sức mạnh của luật pháp. Aristotle là
người đầu tiên chỉ ra sự phân quyền trong bộ máy nhà nước bao gồm lập pháp,
hành pháp và tư pháp.

80
Tóm lại, theo Aristotle xã hội được tổ chức thành nhà nước có căn nguyên
định sẵn trong chính bản chất của con người, vì để tồn tại con người phải sống
trong xã hội, phải liên kết với nhau trong cộng đồng được tổ chức dưới hình thức
nhất định phù hợp với quá trình phát triển khác nhau của chúng. Hình thức tổ
chức cộng đồng sơ khai ban đầu là gia đình, sau đó là làng xã và khi xã hội trở
nên phức tạp hơn với những mâu thuẫn mới các thiết chế tổ chức quản lý, điều
tiết cộng đồng của gia đình và làng xã không còn tác dụng điều tiết như trước nữa
thì khi đó nhà nước ra đời. Sự ra đời của nhà nước dưới cái nhìn của Aristotle là
sản phẩm tự nhiên của những thay đổi trong đời sống cộng đồng của con người.
Nhà nước ra đời để thực hiện chức năng làm cho công dân phải tuân thủ pháp
luật và hướng dẫn công dân thực hiện nghĩa vụ của mình, công dân được tự do
trong khuôn khổ của pháp luật.
Thứ hai, trong quan niệm về quyền lực nhà nước, Aristotle và Plato không
có sự đồng nhất. Plato cho rằng vị trí người lãnh đạo trong thành bang phải là
những người hiểu biết, thông thái – nhà triết học. Do Plato đứng trên lập trường
của giai cấp quý tộc nên có xu hướng bảo vệ quyền lợi cho giai cấp mình. Còn
đến Aristotle, ông thấy rằng dù là thành phần ưu tú hay thành phần đa số trong xã
hội nắm chính quyền thì đều bất cập vì thành phần nào cũng có xu hướng bảo vệ
quyền lợi cho mình. Vì vậy, Aristotle đưa ra một đề nghị là pháp trị, tức là hãy để
luật pháp chứ không phải con người có quyền tối thượng. Không một ai có thể
đứng trên pháp luật cả. Ông nhận thấy rằng, nếu cho toàn thể công dân tham gia
chính trị thì không thể được vì nếu đám đông là những người dốt nát thì sẽ gây ra
những sai lầm làm sụp để nhà nước. Nhưng nếu không cho toàn thể công dân
tham gia chính trị thì cũng là một sự nguy hiểm vì có thể những công dân này có
thể trở thành kẻ thù của quốc gia. Phương thức duy nhất để tránh tình trạng nguy
hiểm này là trao cho họ một số quyền lập pháp và tư pháp. Aristotle đi đến kết
luận cho vấn đề này: chỉ có luật pháp đúng mới là tối thượng, và quan chức chỉ
đưa ra những pháp quyết và những vấn đề mà pháp luật không thể nêu lên một

81
cách chính xác vì các nguyên tắc tổng quát bao gồm quá nhiều trường hợp cá biệt.
Tuy nhiên, luật pháp cũng có khi thiên vị một giai cấp nào đó. Do vậy, để khắc
phúc tình trạng này luật pháp phải thích hợp với hiến pháp và pháp luật phải là
luật pháp công chính.
Trong tác phẩm “Chính trị luận”, Aristotle đưa ra tiêu chuẩn đầu tiên cho
những người giữ chức vụ trong chính quyền phải là những người tự do và là
người đóng thuế - tức là những người có của cải, lý do là một nước không thể nào
được hình thành gồm toàn những người nghèo khổ hay nô lệ. Nhưng nếu của cải
và tự do là những điều kiện cần cho sự hiện hữu của một nước, thì công lý và
lòng dũng cảm cũng là những điều cần thiết. Hai điều kiện đầu cần thiết cho sự
hiện hữu của một nước, hai điều kiện sau tạo nên đời sống tốt đẹp của đất nước.
Mặt khác từ phương diện cấu trúc xã hội, Aristotle lại xem xét 3 mối quan
hệ giữa chủ - tớ, cha - con và chồng - vợ trong gia đình. Trong ba mối quan hệ ấy
quyền lực thuộc về người chủ, cha và chồng. Quyền lực của nhà nước là sự tiếp
nối và triển khai ở phạm vi rộng hơn của quyền lực người chủ gia đình.
Ban đầu ông cho rằng, mọi công dân có đạo đức đều có quyền cai trị. Tuy
nhiên, con người chính trị lý tưởng chỉ giới hạn ở những pháp quan và những ông
vua thông thái, đó là những người có phẩm chất đạo đức ưu việt, vượt lên trên tất
cả những người khác, có trí tuệ và kỹ năng lãnh đạo dẫn dắt đám đông quần
chúng.
Xét trên góc độ cơ cấu xã hội, do xuất thân ở tầng lớp quý tộc cũng giống
với Plato, các ông luôn bảo vệ cho lợi ích của giai cấp mình. Trong xã hội quyền
công dân chỉ dành cho các tầng lớp thượng đẳng, tầng lớp nông dân và nô lệ, do
bản chất tự nhiên, nên bị buộc phải lao động. Chỉ có tầng lớp thượng đẳng được
hưởng cuộc sống thư nhàn và đắm mình trong các hoạt động nghiên cứu chính trị,
khoa học, triết học... Vì vậy, chỉ họ mới có cơ hội đuợc hưởng hạnh phúc – điều
tốt đẹp nhất của cuộc sống.

82
Thứ ba, khi đánh giá những mô hình nhà nước hiện thời, Plato và Aristotle
có những quan điểm đồng nhất nhưng cũng có những quan điểm khác biệt. Cả hai
ông đều thấy được những bất cập trong các mô hình nhà nước hiện thời và cả
trong những mô hình nhà nước trên lý thuyết của các bậc tiền bối. Do vậy, cả hai
nhà triết học này đã phê phán và chỉ ra những hạn chế đặc trưng trong những mô
hình nhà nước hiện thời. Theo Plato, chỉ có nhà nước lý tưởng là nhà nước hoàn
hảo còn các hình thức nhà nước trong hiện thực đều là những mô hình nhà nước
chứa đựng đầy dẫy những khiếm khuyết, các hình thức nhà nước ấy chỉ là sự tha
hóa của hình thức nhà nước lý tưởng. Sự khác nhau giữa các hình thức nhà nước
trong hiện thực chỉ khác nhau ở mức độ và đặc trưng của sự tha hóa, suy đồi mà
thôi. Plato liệt kê 4 hình thức nhà nước trong hiện thực là chế độ vị danh, chế độ
quả đầu, chế độ dân chủ và chế độ độc tài, và phân tích những nguyên nhân, mối
liên hệ giữa dẫn đến sự chuyển hóa của các hình thức nhà nước này, đồng thời
nêu lên những đặc trưng của nó. Từ đó, ông đi đến kết luận đó là những hình thức
suy đồi của nhà nước lý tưởng và mức độ suy đồi càng gia tăng. Còn Aristotle lại
cho rằng, không có một hình thức nhà nước nào là hoàn hảo để áp dụng cho tất cả
các quốc gia, mà tùy vào những hoàn cảnh thực tiễn của quốc gia đó thì xây dựng
mô hình nhà nước phù hợp. Trên thực tế, theo ông, tồn tại cả những hình thức
nhà nước tốt và hình thức nhà nước hủ bại. Tiêu chuẩn của việc xác định đâu là
nhà nước tốt và nhà nước hủ bại dựa trên việc chính quyền nhà nước ấy có phục
vụ cho lợi ích chung hay không. Theo Aristotle, có ba chính quyền tốt, đúng đắn
là chính quyền quân chủ, chính quyền quý tộc và chính quyền hiến định. Và khi
ba chính quyền đúng đắn ấy khi bị tha hóa sẽ trở thành ba chính quyền hủ bại là :
chính quyền bạo chúa ở đó nhà Vua chỉ chăm lo cho quyền lợi của vương thất,
chính quyền quả đầu chỉ chăm lo cho quyền lợi của kẻ giàu và chính quyền dân
chủ mà chỉ mang lại lợi ích cho người nghèo. Sự phân loại chính quyền dựa trên
số lượng người lãnh đạo và tài sản. Aristotle không cổ súy cho một mô hình nhà

83
nước nào. Vì theo ông, mỗi mô hình đều có những điểm tích cực và hạn chế, do
vậy mà tùy từng điều kiện cụ thể để xây dựng mô hình nhà nước hợp lý.
Theo Aristotle, chính thể lý tưởng là một vấn đề mang tính tương đối,
không thể có thể chế tối hảo cho mọi dân tộc, cho mọi thời đại. Một chính thể
được xem là tốt đẹp khi nhà cầm quyền quan tâm đến vấn đề an sinh của dân
chúng. Mô hình chính quyền tốt nhất là chính quyền mà trong đó, mọi người đều
có thể sinh hoạt theo đúng khả năng cao nhất và có một đời sống hạnh phúc. Còn
một thể chế được coi là xấu xa, thối nát khi nhà cầm quyền chỉ nhằm mục đích tư
lợi, không quan tâm đến an sinh cho cộng đồng. Vì vậy, mỗi thể chế nhà nước tốt
đẹp đều có thể suy đồi thành những kiểu nhà nước xấu xa, thối nát tương ứng.
Đầu tiên là chính quyền quân chủ khả dĩ là một chính quyền tốt đẹp khi
quyền điều hành tối thượng thuộc về một nhà lãnh đạo đức độ thông minh, quan
tâm chăm sóc đời sống của công dân trong nhà nước. Nhưng biến thể tương ứng
của chính quyền này là chế độ độc tài hay chính quyền bạo chúa khi người đảm
nhận cương vị lãnh đạo nhà nước không nghĩ đến lợi ích của dân chúng mà chỉ
tập trung thâu tóm quyền lực, vơ vét tài sản mục đích tư lợi.
Tiếp đó là chế độ quý tộc khi quyền lãnh đạo đất nước thuộc về một nhóm
quý tộc có phẩm chất và năng lực ưu tú. Nhưng chính quyền quý tộc cũng có thể
bị biến thể thành chính quyền quả đầu, khi quyền hành rơi vào tay một nhóm
người chỉ quan tâm đến việc lạm dụng chức quyền để mưu cầu tư lợi, chế độ quý
tộc bị thao túng bởi các nhà tài phiệt, trở nên thối nát và thoái hóa thành chế độ
quả đầu.
Cuối cùng là chính quyền hiến định được điều hành bởi một số người dân
có phẩm chất xứng đáng. Chính quyền này khi thoái hóa sẽ trở thành chế độ dân
chủ khi đó đa số giới cầm quyền phớt lờ lợi ích của nhà nước và quần chúng, lạm
dụng chức quyền để mưu cầu tư lợi. Trong chính thể dân chủ, quần chúng quyết
định các chính sách quốc gia vì lợi ích cục bộ hơn là vì lợi ích của đất nước.

84
Cũng như Plato, Aristotle cho rằng mục đích của nhà nước là hướng đến
cuộc sống tốt đẹp. Nhưng ông đã khắc phục được hạn chế của Plato, khi Plato
cho rằng công dân sống vì nhà nước, thì Aristotle lại coi chính quyền chỉ là công
cụ để con người đạt được cuộc sống tốt đẹp nhất. Một đời sống tốt đẹp nhất phải
đảm bảo được điều về vật chất, thể chất và tinh thần. Nếu Plato chủ đích xây
dựng một nhà nước lý tưởng trong đó mỗi người làm tròn chức trách của mình
theo khả năng tự nhiên của họ thì nhà nước lý tướng mà Aristotle xây dựng lại là
một chính quyền mà ở đó mọi người đều có quyền sinh hoạt theo đúng khả năng
cao nhất và sống một đời sống hạnh phúc. Như vậy, có thể thấy quan niệm của
Aristotle có những điểm tích cực khắc phục được hạn chế trong tư tưởng của
Plato.
Thứ tư, về cơ cấu tổ chức và các tầng lớp trong xã hội: giống như Plato
Aristotle cũng cho rằng cần có sự phân chia các giai cấp khác nhau. Những giai
cấp mà Plato cho rằng cần có trong nhà nước lý tưởng thì ở Aristotle những tầng
lớp đó cũng là những thành phần không thể thiếu trong xã hội. Nhưng cơ cấu tổ
chức nhà nước ở Aristotle không chỉ có 3 tầng lớp là những người lao động, vệ
binh và người lãnh đạo thành bang, mà cơ cấu tổ chức xã hội theo ông phải có
những giai cấp như: nông dân, công vệ binh, người giàu có, tu sĩ và quan tòa.
Trong cơ cấu tổ chức và các tầng lớp trong xã hội, cả Plato và Aristotle
đều coi những người nô lệ không phải là công dân, hay nói cách khác là không
được coi là con người, không phải là công dân của thành bang. Ở Plato, nô lệ
không được nhắc đến trong cơ cấu xã hội. Còn ở Aristotle, ông nhắc đến vai trò
của nô lệ nhưng với thái độ miệt thị. Chẳng hạn như trong quá trình giáo dục trẻ
em, Aristotle cho rằng: “Quan Chưởng Giáo cũng phải để ý cách thức trẻ em nuôi
dưỡng, đặc biệt chú ý không để cho chúng có nhiều quan hệ với kẻ nô lệ hầu hạ
trong nhà... chúng sẽ dễ bị ảnh hưởng và nhiễm những việc xấu xa mà chúng
nghe hay thấy được” [1, 407]. Theo ông, có hai loại nô lệ, một là những người

85
sinh ra đã là nô lệ là những người kém thông minh chỉ hợp với công việc chân tay
và những kẻ chiến bại bị buộc làm nô lệ.
Ông cho rằng, những người sinh ra đã là nô lệ đấy là do bản chất của họ
quyết định. Bản chất của nô lệ là những kẻ ngu dốt không có khả năng suy luận,
có sức khỏe thể chất và chỉ thích hợp cho những công việc hạ tiện nhọc nhằn.
“Những kẻ mà khả năng chỉ là làm những việc chân tay thì những kẻ ở đẳng cấp
thấp tự nhiên phải là nô lệ. Có chủ nhân cai trị là lợi ích cho chúng cũng như cho
những loài hạ đẳng khác. Vì thế một kẻ mang bản chất nô lệ nếu y có thể biến
thành (và đó cũng là nguyên do tại sao thực sự trở thành) tài sản của kẻ khác,
cũng tương tự như kẻ cố gắng suy luận để hiểu kẻ khác nhưng tự mình lại không
có khả năng [suy luận] này, thì bản chất cũng là nô lệ mà thôi” [1,55].
Aristole quan niệm thể chất của kẻ nô lệ và người cai trị cũng được tự
nhiên ban phát từ trước. “Thiên nhiên cũng tạo nên sự khác biệt giữa thể chất của
người tự do và nô lệ, những kẻ thể chất khỏe mạnh thích hợp cho những việc lao
động hạ tiện và những người cao quý dù thể chất không đủ mạnh mẽ để làm
những công việc nặng nhọc, nhưng lại hữu dụng cho đời sống chính trị trong
nghệ thuật điều hành quốc gia trong chiến tranh cũng như khi hòa bình” [1, 55].
Không chỉ ở thể chất mà bản chất của nô lệ còn thể hiện ở cả tinh thần, tuy nhiên
sự khác biệt về tinh thần giữa người tự do và nô lệ khó thấy hơn. Ông đi đến kết
luận rằng, có người bẩm sinh là người tự do thì cũng có người bẩm sinh là nô lệ
và đối với những kẻ này thì việc trở thành nô lệ vừa tốt vừa có lợi hơn cho chính
họ.
Đối tượng thứ hai mà theo ông cũng xứng đáng là nô lệ đó là những kẻ bại
trận. Vì có những luật lệ mang tính chất quy ước rằng “người chiến thắng có
quyền chiếm hữu của cải và cả con người của phe chiến bại làm tài sản” [1, 56].
Những người bị buộc phải làm nô lệ này có xuất thân từ những người tự do hoặc
những người có địa vị cao quý ở đất nước họ, nhưng do thua trận mà bị bắt làm
nô lệ. Aristotle cho rằng, những người thắng trận là những người có sức mạnh mà

86
sức mạnh ấy đi liền với đức hạnh, vì vậy nên họ xứng đáng với vị trí cai trị. Còn
kẻ bại trận phải thừa nhận họ là những người yếu hơn do đó họ cũng xứng đáng
với vị trí người bị cai trị - bị làm nô lệ.
Mối quan hệ giưa chủ nhân và nô lệ được Aristotle phân tích khá kỹ càng.
Đối với chủ nhân, nô lệ là một tài sản sống, được coi như là những dụng cụ sống
hiện hữu trước những dụng cụ vô tri. Kẻ nô lệ không những là nô lệ của người
chủ mà còn là vật sở hữu hoàn toàn của người chủ, trong khi người chủ chỉ là chủ
của nô lệ đó chứ không phụ thuộc vào nô lệ. Như vậy, bản chất cũng như trách vụ
của kẻ nô lệ, là kẻ thuộc quyền sở hữu của người khác. Và người chủ trong mối
quan hệ với nô lệ cũng phải làm đúng chức năng của mình. Nếu người chủ không
làm đúng chức năng của mình sẽ gây ra thiệt hại cho cả chủ lẫn tớ. “Vì quyền lợi
của bộ phận và toàn thể cũng giống như quyền lợi của thể xác và tinh thần, và nô
lệ, được xem như một bộ phận sống ngoài thân thể của người chủ, cho nên, giữa
hai người có một quyền lợi chung. Khi mối quan hệ giữa chủ nhân và nô lệ là
quan hệ tự nhiên, thì họ có quan hệ thân thiết và cùng quyền lợi, ngược lại, nếu
mối quan hệ này đặt sức mạnh và luật lệ thì đó là mối quan hệ thù nghịch và mâu
thuẫn quyền lợi” [1, 59].
Từ những quan niệm của Aristotle về nô lệ, chúng ta nhận thấy rằng cả
Plato và Aristotle đều cho rằng nô lệ không được đặt ở vị trí là công dân trong
thành bang mà họ chỉ là những công cụ được những người tự do, những người
chủ sử dụng như là một công cụ và là tài sản sống của họ. Cả hai ông dường như
muốn cổ vũ cho chế độ chiếm hữu nô lệ. Mặc dù cả hai ông đều bàn rất nhiều đến
công bằng và đức hạnh nhưng dường như những phạm trù này không có sự lan
tỏa đến tầng lớp những người nô lệ. Những người nô lệ vì không được coi là
người mà chỉ là công cụ nên họ không có vai trò, vị trí cũng như quyền lợi gì
trong mô hình nhà nước lý tưởng mà Plato và Aristotle đang cố gắng xây dựng.
Những hạn chế của tư tưởng này là hệ quả của thời đại mà Aristotle và Plato
đang sống đã hun đúc nên. Do vậy, dù trong tư tưởng triết học của các ông có

87
những tư tưởng tiến bộ có giá trị trường tồn, nhưng cũng không thể tránh khỏi
những tư tưởng bị chi phối bới ý thức hệ thời đại. Mặc dù tư tưởng về nô lệ của
Plato và Aristotle không còn phù hợp với thời đại ngày nay, nhưng đây cũng là
một tư tưởng phản ánh hiện thực xã hội lúc bấy giờ.
Thứ năm, trong quan niệm về sở hữu và hôn nhân: dường như Aristotle đối
lập hoàn toàn với Plato. Aristotle nhận thấy những bất cập trong chế độ sở hữu
chung mà Plato đưa ra. Vì vậy, ông cho rằng cần phải duy trì sở hữu tư nhân ở
mức độ vừa phải. Là nhà triết học mang tư tưởng trung dung nên Aristotle hướng
đến tầng lớp trung lưu trong xã hội, giàu có quá hay nghèo khó quá cũng là điều
không tốt, chỉ nên duy trì tình trạng tài sản vừa đủ là tốt nhất. Trong nhà nước lý
tưởng của ông phải có đa số dân thuộc tầng lớp trung lưu. Vì giai cấp trung lưu ít
tham vọng trong cả hai lĩnh vực quân sự và dân sự, khi giai cấp trung lưu lớn
mạnh khó lòng xảy ra bè phái, chia rẽ. Tầng lớp nghèo khổ chiếm đa số sẽ là
gánh nặng đối với vấn đề an ninh quốc gia, vì khi quá nghèo, hà tiện thì dễ trở
thành kẻ lưu manh và phạm các tội ác lặt vặt. Đồng thời, nếu người giàu chiếm
ưu thế cũng tạo nên tình trạng mất cân đối về mặt phân phối phúc lợi cũng như
quyền lực trong nhà nước. Những người vượt trội người khác về sắc đẹp, sức
mạnh, gia thế, tài sản thường có khuynh hướng dùng bạo lực và trở thành những
kẻ đại tội. Vì vậy, ông đi đến kết luận giới trung lưu chiếm đa số và quyền hành
thuộc về tầng lớp trung lưu là điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của một quốc
gia.
Aristotle nhận định, xét từ bản tính con người, khi mọi người có quyền lợi
của mình thì sẽ không còn phàn nàn người khác, sở hữu tư nhân có thể thúc đẩy
cá nhân tích cực làm việc, vì con người thường chăm lo cho quyền lợi của bản
thân mình hơn là chăm lo cho lợi ích chung. Còn xét từ góc độ đạo đức, nếu duy
trì chế độ công hữu thì con người sẽ mất đi những phẩm hạnh của con người đó
là tình yêu được ban tặng, sự hào phóng, và sự tốt lành. Con người sẽ cảm thấy
hạnh phúc và vui sướng khi giúp đỡ được bạn bè, những người họ yêu mến. Để

88
có thể giúp đỡ bạn bè hay những người mà mình yêu thương thì bản thân người
đó phải có tài sản riêng ở mức độ vừa đủ để có thể làm được điều đó.
Trong xã hội xuất hiện những mâu thuẫn, bất công, theo Plato, đó đều có
nguyên nhân từ lòng tham của con người đối với tài sản. Bởi vậy, nếu muốn xã
hội ổn định, có trật tự cần phải xóa bỏ tư nhân để ngăn chặn những ham muốn vô
độ của cải vật chất của công dân. Nhưng Aristotle cho rằng, mọi bất công trong
xã hội không phải do sở hữu tư nhân gây ra mà có nguyên nhân từ bản chất xấu
xa của con người. Aristotle chủ trương duy trì sở hữu ở mức độ vừa phải. Công
dân cần có tài sản đủ dùng để tránh tình trạng cực đoan.
Mục tiêu cao nhất của nhà nước theo Aristotle là hướng đến thiết lập hòa
bình và đời sống thư nhàn cho dân chúng. Để làm được điều này, theo ông, trước
hết phải cung cấp cho những công dân trong nhà nước những nhu yếu phẩm cần
thiết. Vì vậy, nhà nước phải có “nghệ thuật tích lũy tài sản”
Có thể thấy, Plato đã nhận thức được sự tác động của kinh tế đối với đời
sống xã hội. Tuy nhiên, sự nhận thức này lại phiếm diện, ông chỉ thấy được
những tác động tiêu cực mà không thấy được rằng, kinh tế chính là động lực cho
sự phát triển đất nước. Ông cho rằng, sở hữu tư nhân là nguồn gốc sinh ra điều ác,
do vậy cần phải xóa bỏ. Chính nó phá hoại tính chỉnh thế và thống nhất của nhà
nước, làm cho mọi người bất hòa với nhau, vì vậy cần phải loại trừ khỏi xã hội.
Quan niệm này của ông tuy có điểm hợp lý nhưng nó vẫn mang tính cực đoan,
phiến diện. Ông chưa phân biệt được sự khác nhau giữa sở hữu tư nhân và chế độ
tư hữu. Trên thực tế, lợi ích cá nhân đóng vai trò vô cũng quan trọng trong hoạt
động của con người. Từ đó, Plato xây dựng chế độ công hữu vợ chung, con
chung, xóa bỏ gia đình. Nhận thấy những điểm cực đoan trong tư tưởng của Plato,
Aristotle xem xét lại và phê phán quan điểm của thầy mình. Aristotle thấy rằng
kinh tế là điều thiết yếu trong xã hội, vì vậy cần duy trì một mức độ tư hữu vừa
đủ.

89
Còn về vấn đề công hữu trong hôn nhân, ông phản bác gay gắt thầy mình.
Theo ông, không thể tồn tại chế chộ mà ở đó vợ chung, con chung được. Ông
nhận thức được vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển của cá nhân
cũng như của xã hội. Aristotle xem gia đình là thành tố quan trọng đầu tiên của
nhà nước. Trong gia đình, mối quan hệ giữa chủ và nô lệ, giữa chồng và vợ, giữa
cha mẹ và còn cái được Aristotle bàn một cách cụ thể. Trong đó, đặc biệt vai trò
của người phụ nữ bị hạ thấp hơn quan niệm của Plato, ông cho rằng chồng với vợ
cũng giống như nhà lãnh đạo chính trị với các công dân, phụ nữ chỉ phù hợp với
công việc nhà. Tuy rằng Aristotle có mặt kế thừa và phát huy được những tư
tưởng tiến bộ của Plato, phê phán được phần nào những khiếm khuyết trong tư
tưởng Plato, nhưng ở tư tưởng về vai trò của người phụ nữ cũng như của nô lệ lại
là một bước thụi lùi của ông so với Plato. Trong khi xem xét vai trò của người
phụ nữ, Aristotle có những quan điểm tương đồng với quan điểm của Nho gia
phương Đông, đề cao vai trò của nam giới, hạ thấp vai trò của phụ nữ. Phụ nữ chỉ
được giới hạn trong những công việc nhà, lo nội chợ quản trị gia đình.
Aristotle một mặt khắc phục được những hạn chế trong tư tưởng của Plato
nhưng mặt khác, ông không kế thừa được những tiến bộ trong tư tưởng của Plato.
Cụ thể ở chế độ hôn nhân, mặt tiến bộ hơn của ông so với Plato là ở chỗ ông đã
phê phán chế động công hữu trong hôn nhân, ông nhận thức được vai trò quan
trọng của gia đình đối với sự phát triển của cá nhân con người. Ở nhà nước lý
tưởng của Aristotle, con người được sống trong tình yêu thương của gia đình.
Aristotle không đề cập đến việc kết hôn của nam và nữ là sự bình đẳng hay áp đặt
nhưng ít nhất người phụ nữ trong nhà nước của ông có được quyền yêu thương
chăm sóc cho chồng con họ và đây là điều ở Plato không có. Tuy nhiên, khiếm
khuyết của Aristotle ở chỗ: vị trí của người phụ nữ lại bị hạ thấp hơn. Ở Plato,
người phụ nữ được tham gia vào đời sống chính trị, nhưng ở Aristotle người phụ
nữ lại bị lệ thuộc vào nam giới và chỉ giới hạn đời sống của mình trong phạm vi
những công việc nội trợ, quản lý gia đình.

90
Thứ sáu, kế thừa quan niệm của Plato, Aristotle cũng đề cao vai trò của
giáo dục trong đời sống xã hội. Cả hai ông đều yêu cầu phải xây dựng nền giáo
dục công, giáo dục phải do nhà nước quản lý. Giáo dục là giáo dục hướng đến
phát triển con người về cả thể chất và tinh thần. Nhưng điểm phát triển hơn ở
quan niệm của Aristotle là giáo dục không chỉ giành cho tầng lớp cai trị mà giáo
dục cho tất cả công dân, để cho công dân vừa có đức hạnh lại vừa có tri thức khi
đó nhà nước sẽ tốt đẹp hơn. Nhà nước phải xây dựng một hệ thống giáo dục đồng
nhất cho mọi công dân. Nền giáo dục quốc gia phải là nền giáo dục toàn diện về
thể chất cũng như tinh thần. Aristotle cho rằng bốn môn học cần thiết trong quá
trình giáo dục là đọc – viết, thể dục, âm nhạc và hội họa. Trong đó, môn đọc viết
và hội họa được xem là hữu ích cho mục đích của cuộc sống trên nhiều phương
diện. Môn thể dục là môn quan trọng vì giúp rèn luyện lòng can đảm, âm nhạc là
môn học trong lúc thư nhàn. Khác biệt giữa Plato và Aristotle trong việc sắp xếp
trình tự những môn học ở chỗ, Plato bàn đến âm nhạc là môn được học trước tiên
nhưng âm nhạc được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả việc đọc cho trẻ nghe
những câu truyện thần thoại để rèn luyện một tâm hồn hài hòa, cân đối. Nhưng ở
Aristotle: trẻ em nên được học thể dục trước, vì môn học này sẽ giúp học sinh
sớm hình thành tác phong kỷ luật và tính tự giác rồi đến âm nhạc sau đó mới là
những môn học tri thức.
Sự khác nhau giữa hai mô hình nhà nước của Plato và Aristotle xuất phát
từ ý tưởng về mục đích tạo lập đời sống xã hội khác nhau ở hai ông. Ở Plato, mục
đích là tạo lập nên một nhà nước ổn định, thống nhất và trật tự một cách tuyệt đối.
Mục đích này chi phối tất cả những chính sách của ông đặt ra đối với mô hình
nhà nước mà ông xây dựng. Vì vậy, vị trí của người lãnh đạo phải là người khôn
ngoan, có tri thức và đặc biệt là nhận được sự giáo dục đúng đắn. Những kiến
thức nhà cầm quyền cần có mà ông hướng đến chủ yếu là những kiến thức phục
vụ cho mục đích quân sự như môn toán học, hình học được chọn là môn học cần
thiết vì nó “...ích dụng trong chiến tranh. Dựng trại, chiếm lĩnh vị trí, tập trung

91
quân lính, dàn trận trên phạm vi lớn nhỏ hay trong mọi điều động quân sự trên
chiến trường, lúc di hành, sự thể sẽ khác hẳn đối với người nếu hiểu hình học”
[26, 510]. Hay môn thiên văn được Plato cũng cho là một lĩnh vực không thể
không có đối với người cai trị vì nó không chỉ giúp nắm vững lịch trình mùa,
tháng, năm, mức độ nhận thức ích dụng không chỉ với nông nghiệp, hàng hải mà
còn cả nghệ thuật quân sự. Và quan trọng nhất là triết học, đòi hỏi nhà lãnh đạo
nhất định phải có tư duy triết học để thấu hiểu được mọi việc từ đó mới giải
quyết được mọi việc. Tất cả mô hình giáo dục đều nhằm mục đích thiết lập được
sự thống nhất, trật tự trong thành bang.
Nếu như nhà lãnh đạo của Plato phải tích lũy đầy đủ tri thức vì mục đích
quân sự thì ở Aristotle, những kiến thức cần có đối với người lãnh đạo lại là
những kiến thức về nghề nông, về chăn nuôi gia súc, về nghệ thuật tích lũy tài
sản và nghệ thuật làm giàu. Có sự khác biệt này là vì mục đích xây dựng đời sống
trong thành bang của Aristotle khác với Plato. Ông chủ trương xây dựng cuộc
sống tốt đẹp nhất cho công dân trong thành bang đặc biệt ông hướng đến đời
sống hòa bình và thư nhàn cho người dân. Để có đời sống thư nhàn người dân
cần phải được cung cấp những nhu cầu thiết yếu nhất mà theo Aristotle nghề
nông và chăn nuôi gia súc sẽ đáp ứng những nhu cầu này cho họ. Vì vậy, kiến
thức đầu tiên mà nhà lãnh đạo phải có là kiến thức về nghề nông và chăn nuôi.
Sự khác biệt tiếp theo đó là ở Plato để có sự thống nhất trong thành bang,
ông yêu cầu đòi hỏi phải thống thất cả về tài sản. Vì vậy, ông chủ trương công
hữu tài sản được tập trung, xóa bỏ tư hữu, công dân được sử dụng tài sản chung
đó theo kiểu điều hòa. Nhưng ở Aristotle, để đảm bảo đời sống thư nhàn trong
nhà nước, người công dân phải đảm bảo một mức độ tài sản vừa phải để phục vụ
cho đời sống sinh hoạt trong thành bang. Do vậy, Aristotle đặt ra yêu cầu đối với
nhà lãnh đạo là phải biết tích lũy tài sản. Hơn nữa là phải biết nghệ thuật làm giàu,
tuy rằng ông không khuyến khích nghề buôn bán, nhưng theo ông người lãnh đạo
cũng cần biết điều này để phục vụ cho việc tích lũy tài sản khi cần thiết. Từ đây,

92
có thể thấy, những tư tưởng của Aristotle có nhiều điểm hiện thực hơn so với
Plato.
Một sự khác biệt quan trọng hơn nữa đó là chế độ hôn nhân thể hiện ở tư
tưởng của hai ông. Đây là điểm mà trong tư tưởng của Aristotle thể hiện rõ ràng
sự phát triển về nhận thức hơn so với Plato. Nếu như ở Plato, sự đồng nhất được
thực hiện đối với cả vấn đề hôn nhân khi yêu cầu mô hình vợ chung, con chung.
Điều này vô hình chung đã biến nhà nước của Plato thành mô hình bầy đàn, ở đó
tính nhân văn, nhân đạo bị mất đi, con người bị xóa bỏ cả quyền tự do tối thiểu
nhất và hơn nữa phạm trù hạnh phúc cũng tiêu tan. Nhận thức được sự thụt lùi
cùng với những khiếm khuyết trong tư tưởng của thầy mình, Aristotle đã tìm
cách khắc phục nó. Ông khẳng định, gia đình là thành tố quan trọng, là cơ sở để
hình thành nên cộng đồng, nhà nước. Giáo dục gia đình vẫn là nền tảng trong quá
trình giáo dục công dân. Tạo lập gia đình hạnh phúc là cơ sở để xây dựng nhà
nước tốt đẹp. Vì mục tiêu lớn nhất của ông là hướng đến một đời sống tốt đẹp
nhất cho công dân.

Tiểu kết chương 3


Plato là một trong những nhà tư tưởng tiêu biểu cho thời kỳ Hy Lạp – La
Mã cổ đại. Những tư tưởng triết học nói chung và tư tưởng chính trị - xã hội của
Plato nói riêng có những giá trị to lớn không chỉ đối với thời đại đương thời mà
còn có ý nghĩa to lớn, là tiền đề cho những tư tưởng chính trị - xã hội về sau.
Những tư tưởng chính trị - xã hội của Plato để lại nhiều bài học sâu sắc, bài
học về cách tổ chức và quản lý nhà nước. Nhà nước cần phải đảm bảo được sự
công bằng, đem lại sự thịnh vượng, thống nhất trong nhà nước. Nhà lãnh đạo
phải là những người ưu tú, có tri thức và được giáo dục đúng đắn. Plato là nhà
triết học theo chủ nghĩa duy tâm khách quan, nên những tư tưởng chính trị - xã
hội của ông cũng bị hạn chế bởi thế giới quan của ông. Ngoài ra, lập trường chính

93
trị của Plato – khi ông bảo vệ quyền lợi cho giai cấp quý tộc chủ nô, điều đó cũng
làm cho tư tưởng của ông trở thành bảo thủ, phiếm diện.
Là người đi sau, là học trò của Plato, Aristotle là người tiếp cận, hiểu sâu
sắc tư tưởng của Plato. Ông thấu hiểu từng khuyết điểm trong tư tưởng của thầy
mình và thẳng thắn phê phán những khiếm khuyết trong tư tưởng Plato. Aristotle
nghiên cứu tư tưởng chính trị - xã hội của Plato để từ đó chỉ ra những hạn chế và
xây dựng một mô hình nhà nước của riêng mình nhằm khắc phục những hạn chế
trong những mô hình nhà nước trên thực tế cũng như mô hình nhà nước của Plato.
Mô hình nhà nước mà Aristotle xây dựng có những điểm tương đồng với quan
điểm của Plato, tuy nhiên có những tư tưởng tiến bộ hơn, khắc phục được tính
bảo thủ, không tưởng, cực đoan của Plato. Mặc dù vậy, cũng có những bước thụt
lùi hơn Plato, ví dụ như trong quan niệm về vai trò và vị trí của phụ nữ.
Do sự chi phối của thời đại, của thế giới quan và lập trường chính trị, cả
Plato và Aristotle đêu mắc phải những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, không thể
phủ nhận những tư tưởng chính trị- xã hội của Plato và Aristotle có những giá trị
to lớn và có ý nghĩa đối với lịch sử tư tưởng nhân loại. Những vấn đề đặt ra trong
tư tưởng của hai ông còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Vì vậy, việc nghiên
cứu một cách nghiêm túc, khách quan và có hệ thống và rút ra những đánh giá
xác đáng, những giá trị quý báu luôn là điều cần thiết trong nghiên cứu tư tưởng
chính trị - xã hội của Plato và Aristotle.

94
KẾT LUẬN
Với những đóng góp to lớn về tư tưởng, Plato xứng đáng là một trong
những nhà triết học vĩ đại nhất của Hy Lạp thời kỳ cổ đại. Sinh ra và lớn lên giữa
những biến cố, thăng trầm của nền chính trị - xã hội Hy Lạp cổ đại mà đặc biệt là
những biến cố khủng hoảng của nền dân chủ chủ nô Hy Lạp; cùng sự kế thừa bề
dày văn hóa, tư tưởng của nền văn minh Hy Lạp cổ đại cũng như những tư tưởng
chính trị - xã hội của những bậc tiền bối đi trước là điều kiện tiền đề cho sự hình
thành những tư tưởng chính trị - xã hội của Plato.
Tư tưởng triết học của Plato có sự thống nhất chặc chẽ giữa thế giới quan
và nhân sinh quan. Trong những quan niệm về chính trị xã hội có sự tác động chi
phối trực tiếp bới học thuyết ý niệm và học thuyết về linh hồn. Học thuyết ý niệm
được xem như hạt nhân của triết học Plato và đây cũng là cơ sở lý luận cho
những tư tưởng chính trị - xã hội của ông.
Những tư tưởng chính trị xã hội của Plato được trình bày ở nhiều tác phẩm,
tuy nhiên cũng không có sự khác biệt nhiều, mà qua các tác phẩm chúng ta vẫn
nhận thấy sự nhất quán trong tư tưởng của ông. Điểm xuyên suốt trong tư tưởng
chính trị - xã hội của Plato vẫn là khảo cứu những mô hình chính trị hiện thời, từ
đó phê phán những yếu kém trong những mô hình đó. Và mục đích cuối cùng là
đi đến xây dựng một mô hình nhà nước lý tưởng.
Thông qua việc xây dựng mô hình nhà nước lý tưởng, Plato đã thể hiện
những tư tưởng chính trị - xã hội sâu sắc. Ông đề cập đến mọi mặt đời sống chính
trị - xã hội như nguồn gốc và quyền lực nhà nước, tổ chức xã hội và các tầng lớp
trong xã hội, tư tưởng về sở hữu và hôn nhân, giáo dục con người... tất cả được
Plato thể hiện rất chi tiết. Mô hình nhà nước lý tưởng là một công trình nghiên cứu
công phu của Plato. Tuy nhiên, công trình đó vẫn còn rất nhiều những thiếu sót và
sai lệch. Chúng ta đều có thể khẳng định được rằng một nhà nước hoàn thiện, toàn
mỹ phải đảm bảo được cuộc sống hạnh phúc cho toàn dân chứ không phải cho một
nhóm người nhất định. Nhà nước phải là nhà nước vì dân chứ không thể là nhà

95
nước mà nhân dân phải vì nhà nước. Một nhà nước lý tưởng phải là nhà nước đảm
bảo được những quyền cơ bản của con người như quyền sống, quyền tự do, quyền
mưu cầu hạnh phúc... Nếu một nhà nước không đáp ứng được đầy đủ những điều
trên thì sớm muộn cũng bị diệt vong.
Mô hình nhà nước lý tưởng của Plato là một mô hình chỉ tồn tại trên lý
thuyết, vì rất nhiều những yếu tố không tưởng, bảo thủ, cực đoan. Trên thực tế,
không thể tồn tại một mô hình như thế. Nhà nước nào trong quá trình phát triển
cũng phải tuân thủ quy luật khách quan, dần xóa bỏ cái lạc hậu tiến lên cái tiến bộ
hơn. Nhưng ở Plato, mô hình nhà nước của ông là một sự thụt lùi về quan điểm
chính trị khi ông lấy cái quá khứ làm hình mẫu cho tư tưởng chính trị của mình.
Không thể phủ nhận được rằng, mặc dù đứng trên lập trường duy tâm và
những tư tưởng chính trị - xã hội còn nhiều hạn chế, nhưng những tư tưởng của
Plato cũng khẳng định được giá trị lịch sử và tầm vóc vĩ đại của nhà tư tưởng cổ
đại này. Những khát vọng hướng đến một nhà nước tốt đẹp là giấc mơ rất nhân
văn, nhân bản của con người. Plato thể hiện giấc mơ một thành bang hoàn mỹ
bằng một ý tưởng về một mô hình nhà nước cụ thể. Nhà nước ấy hướng đến
những giá trị tốt đẹp là sự công bằng, hạnh phúc và hòa bình. Từ những tư tưởng
chính trị - xã hội, có thể thấy tầm nhìn chiến lược của Plato trong định hướng phát
triển nhà nước lý tưởng. Điều đó thể hiện ở việc ông chú trọng phát triển nội lực
của đất nước, phát triển toàn diện cả kinh tế, giáo dục, quân sự và đặc biệt đó là sự
đề cao tri thức và phát triển tối đa tiềm năng của con người. Đây là những tư
tưởng có giá trị trong mọi thời đại, đặc biệt có ý nghĩa trong thời đại ngày nay-
thời đại của phát triển kinh tế tri thức.
Tư tưởng triết học của Plato nói chung và tư tưởng chính trị - xã hội của
Plato nói chung đã để lại dấu ấn cho lịch sử tư tưởng nhân loại. Tư tưởng chính trị
- xã hôi Plato có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà tư tưởng đi sau. Trong đó,
người chịu ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc nhất là người học trò xuất sắc nhầt của
ông – Aristotle. Là nhà tư tưởng tiếp bước Plato, Aristotle đã có những kế thừa

96
những tư tưởng tiến bộ của Plato và hơn hết, đã có những bước phát triển để đi
đến hoàn thiện hơn những tư tưởng của Plato. Tuy nhiên, không phải vì Plato là
thầy mà Aristotle lại không có những phê phán. Với tinh thần đề cao tri thức là
trên hết, Aristotle đã tìm thấy nơi những tư tưởng người thầy của mình bộc lộ
những điểm hạn chế, thiếu sót để từ đó, như một sự bổ sung và hoàn thiện, xây
dựng nên những triết lý mang dấu ấn của mình. Sự phê phán và phát triển của
Aristotle đối với Plato không chỉ thể hiện ở những quan điểm về bản thể luận mà
nó còn thể hiện sâu sắc trong quan niệm về chính trị - xã hội. Trong lĩnh vực chính
trị - xã hội, khi mới xem xét, dường như chúng ta thấy có sự đối ngược giữa hai
ông. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ vấn đề, chúng ta không thể không thấy những
điểm tương đồng.
Cả Plato và Aristotle đều là những nhà tư tưởng vì đại của Hy Lạp cổ đại.
Hai ông đã để lại cho lịch sử tư tưởng nhân loại những tư tưởng mang tầm vóc
thời đại. Nhiều vấn đề mà ở hai nhà triết học này đặt ra vẫn còn là những vấn đề
mà xã hội hiện nay cần phải quan tâm. Những tư tưởng của hai ông là sự phản ánh
hiện thực xã hội Hy Lạp cổ đại đầy biến động. Vì là sản phẩm của thời đại nên ở
tư tưởng của hai ông không thể tránh khỏi những hạn chế mang tính khách quan
do thời đại mang lại. Và cũng không thể phủ nhận rằng có những hạn chế mang
tính chủ quan trong tư tưởng của từng triết gia.
Cả Plato và Aristotle đều là những nhà triết học vì đại thời kỳ Hy Lạp cổ đại,
những đóng góp về mặt tư tưởng cho lịch sử tư tưởng nhân loại của hai ông là vô
cùng lớn lao. Do đó, để nghiên cứu lịch sử triết học nhân loại nói chung và lịch sử
các tư tưởng chính trị -xã hội nói riêng, chúng ta không thể bỏ qua những tư tưởng
triết học ban đầu, sơ khai, đặt nền móng cho những tư tưởng triết học về sau. Vì
vậy, những công trình nghiên cứu về tư tưởng triết học thời cổ đại tuy rằng không
mới, nhưng vẫn là điều cần thiết để bổ sung thêm tư liệu cho những thế hệ sau khi
tìm hiểu về những tư tưởng này.

97
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Aristotle (2014), Chính trị Luận, (dịch bởi Nông Duy Trường), Nxb Thế
giới.
2. Aristotle (1973), Đạo Đức của Nicomaque, Sài Gòn.
3. Báo tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, (21/4/1998)
4. Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các môn
khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (1999), Giáo trình triết học
Mác- Lênin, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
5. Doãn Chính và Nguyễn Thế Nghĩa (1999), Lịch sử các học thuyết chính
trị, Nxb. Khoa học xã hội.
6. Doãn Chính – Đinh Ngọc Thạch (chủ biên) (2003), Vấn đề triết học
trong tác phẩm của C.Mác - Ph.Ăngghen - V.I.Lênin, Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội.
7. John. Dewey, Phạm Anh Tuấn dịch, Dân chủ và giáo dục, Nxb Tri thức
8. Nguyễn Tiến Dũng (2005), Lịch sử triết học phương Tây, TP HCM, Nxb.
HCM.
9. Hoàng Hữu Đản, (bản dịch) Văn hóa cổ điển Hy Lạp Homor – Anh hùng
ca Iliade, (1997), Tập 1, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
10. Benjamin Jowett & M.J.Kinght, Plato chuyên khảo, Nxb Văn hóa Thông
tin, 2008.
11. Nguyễn Văn Khoa dịch, chú giải và dẫn nhập (2011) Plato đối thoại
Socratis 1, Tri Thức.
12. Nguyễn Văn Khỏa (1998), Thần thoại Hy Lạp, tập 2, Nxb. Văn hóa dân
tộc, Hà Nội.
13. Will Durant (1971), Trí Hải và Bửu Đính dịch, Câu truyện triết học,
Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn.

98
14. Đỗ Minh Hợp và nhiều tác giả (2006), Đại cương lịch sử triết học
phương Tây, Nxb. Tổng hợp, TP HCM.
15. Nguyễn Thị Thanh Huyền, “Tư tưởng triết học giáo dục của Plato”, Tạp
chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học xã hội và nhân văn, Tập 31, số 2
(2015) 21-28.
16. Nguyễn Thị Thanh Huyền, “Tư tưởng triết học về nhà nước của Aristotle
trong tác phẩm “Chính trị luận””, Thông tin Khoa học xã hội, số 12/2014.
17. Hà Thúc Minh (1998), Triết học cổ đại Hy Lạp, La Mã. Nxb. Mũi Cà
Mau.
18. Nietzsche: Triết lý Hy Lạp thời bi kịch, (1975), do Trần Xuân Kiêm dịch,
Nxb Tân An, Sài Gòn.
19. Vũ Dương Ninh (2001), Lịch sử văn minh thế giới, Nxb Giáo dục, Hà
Nội.
20. Thái Ninh (1987), Triết học Hy Lạp cổ đại, Hà Nội 1987, Nxb. Sách
giáo khoa Mác-Lênin, Hà Nội.
21. Lê Tôn Nghiêm, “Martin Heidegger và sự thất bại của tư tưởng Tây
Phương hiện nay”, Tư tưởng số5/1969.
22. Lê Tôn Nghiêm (2000), Lịch sử triết học Tây phương, Tập II, Nxb.
HCM.
23. Lê Tôn Nghiêm (1971), Lịch sử triết học Tây phương – Thời kỳ khai
nguyên triết lý Hy Lạp, Lá Bối, Sài Gòn.
24. Lê Tôn Nghiêm (1975), Lịch sử triết học Tây Phương, quyển 2, thời
Thượng cổ và Trung cổ, Trung tâm sản xuất học liệu – Bộ Văn hóa Giáo
dục và Thanh niên, Sài Gòn
25. Hùng Nguyên – Nguyễn Ngọc Huy (1970), Lịch sử các học thuyến
chánh trị, Cấp tiến xuất bản, Sài Gòn.
26. Plato, Cộng hòa(2014), (bản dịch của Đỗ Khánh Hoan), Nxb. Thế giới,
Hà Nội.

99
27. Plato, “Pháp luật”, trong Bejamin Jowett & M.J Knight, Plato chuyên
khảo, Nxb Văn hóa thông tin, 2008.
28. Plato, Phaedo, trong bản dịch của Đỗ Khánh Hoan, Ngày cuối trong đời
Socrates, Nxb Thế giới 2013.
29. S.E.Stumpf và D.Abe (2000), Nhập môn triết học phương Tây, Nxb
Thành phố Hồ Chí Minh.
30. Chiêm Tế (1980), Lịch sử thế giới cổ đại, Tập II, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
31. Lưu Kiếm Thanh, Phạm Hồng Thái (1993), Lịch sử các học thuyết chính
trị trên thế giới (sách dịch), Chính trị quốc gia, Hà Nội.
32. Đinh Ngọc Thạch (1999), Triết học Hy Lạp cổ đại, Nxb. Chính trị quốc
gia, Hà Nội.
33. Nguyễn Thị Thanh Thủy, “Tư tưởng chính trị của Platon”, Tạp chí Khoa
học Xã hội, số 10/2008.
34. Nguyễn Thanh Thủy, “Một số đặc điểm về hình thức dân chủ đầu tiên
trong xã hội Hy Lạp cổ đại”, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 1/2009
35. Nguyễn Thanh Thủy, “Sự thống nhất quan điểm chính trị với thế giới
quan trong triết học Plato”, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 3/2011.
36. Nguyễn Thị Thanh Thủy, “Tiền đề lý luận dẫn đến sự hình thành tư
tưởng chính trị của Platon”, Tạp chí Khoa học Xã hội, số 10/2011.
37. Nguyễn Thị Thanh Thủy, “Dấu ấn Plato trong tư tưởng chính trị trung –
cận đại Tây Âu”, Tạp chí Triết học số 3(250), Tháng3-2012.
38. Nguyễn Thị Thanh Thủy, Tư tưởng chính trị Platon qua tác phẩm Nền
cộng hòa và ý nghĩa lịch sử của nó, Luận án tiến sĩ chuyên ngành Lịch
sử triết học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn –
ĐHQGTPHCM, 2012.
39. Bùi Thanh Quất (1999), Lịch sử triết học, Nxb. Giáo dục.
40. Nguyễn Hữu Vui (chủ biên, 2002), Lịch sử triết học, Nxb, Chính Trị
quốc gia, Hà Nội.

100

You might also like