You are on page 1of 7

KHAI THÁC ẢNH VỆ TINH, BẢN ĐỒ SỐ VÀ TÀI LIỆU

ĐỊNH VỊ DÒNG SÔNG CỔ TIÊU TƯƠNG


NGUYỄN QUANG BẮC*, NGUYỄN HỮU TUẤN, HOÀNG ĐỨC VIỆT

Sông Tiêu Tương là dòng sông huyền thoại của vùng đất Kinh Bắc, nay đã bị bồi lấp nhưng
vẫn sống mãi trong tâm thức người dân nơi đây, với những truyền thuyết, chuyện kể và những làn điệu
dân ca say đắm lòng người. Sông Tiêu Tương với chuyện tình Trương Chi - Mỵ Nương là nguồn cảm
hứng sáng tác nghệ thuật bất tận cho bao thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam. Đó là những tác phẩm văn học,
nghệ thuật với nhiều thể loại khác nhau như thơ, truyện, ca khúc, cải lương, kịch, vũ kịch, phim ảnh.

Những phát hiện khảo cổ học dọc hai bờ sông cổ chứng tỏ, buổi đầu thời đại Đồng thau sông
Tiêu Tương đã giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống của cư dân Việt cổ vùng đồng bằng Bắc
Ninh cũ (Trần Quốc Vượng, Trần Quốc Trị 1976).

Ảnh 1. Sông Tiêu Tương trên bản đồ Phủ Từ Sơn (Đồng Khánh địa dư chí 1886-1887)

*
Viện Khoa học Công nghệ Vinasa – VSTI.
Nguyễn Quang Bắc và nnk – Khai thác ảnh vệ tinh…. 65

Tuy nhiên, do bị bồi lấp đã lâu, tài liệu thành văn cụ thể về dòng sông lại rất ít, nên hiện nay
khá nhiều người Việt ở trong và ngoài nước có sự nhầm lẫn giữa sông Tiêu Tương ở Việt Nam và sông
Tiêu Tương ở Trung Quốc. Thậm chí nhiều người còn đặt nghi vấn, liệu đã từng có thực một dòng sông
Tiêu Tương ở Việt Nam hay không (?).

Những tài liệu trước đây viết về sông Tiêu Tương (Bắc Ninh) thường không thống nhất, thậm chí
mâu thuẫn với nhau với một số ý kiến tiêu biểu như: “ ... phát nguyên từ cái đầm lớn xã Phù Lưu huyện
Đông Ngàn, chảy từ phía tây sang đông bắc qua xã Tiêu Sơn huyện Yên Phong, chuyển sang địa phận hai
huyện Tiên Du và Quế Dương vào sông Thiên Đức” (Đại Nam nhất thống chí 1865-1882); “Từ đầm lớn Phù
Lưu, sông Tiêu Tương men theo làng Đình Bảng, chảy qua Phủ lỵ Từ Sơn cũ, vòng quanh chân núi Tiêu, vắt
qua “Cung Nội Duệ” xã Vân Tương, chảy chéo qua xã Võ Cường, qua đường xe lửa, chảy vòng quanh thôn
Dương Ổ, qua làng Hạ Giang (cuối sông), đổ vào sông Ngũ Huyện” (Trần Quốc Vượng, Trần Quốc Trị
1976); “ ...phát nguyên từ hồ Lãng Bạc chảy từ phía tây sang đông bắc qua xã Tương Giang, Vân Tương,
qua các làng quan họ nổi tiếng như Lim, Bưởi, Ó, Se, Bò… rồi chảy vào sông Cầu” (Ty Văn hóa và Thông
tin – Thư viện tỉnh Hà Bắc 1982); “... từ Hoa Lâm, Mai Lâm chảy qua Đình Bảng - đầm Phù Lưu – và có hai
nhánh: một nhánh chảy qua các làng Tiêu, Ó Chợ (Dương Ổ) rồi chảy vào sông Thiếp ở vùng Đồng Bạch...
một nhánh chảy xuống Đại Đồng rồi hòa với nước sông Tào Khê, chảy Tây - Đông dưới chân Phật Tích”
(Trần Quốc Vượng 1996); “Sông Tiêu Tương là đoạn cuối của sông Hoàng (Hoàng Giang) trước khi nhập
vào sông Cầu rồi theo Lục Đầu ra biển” (Phạm Thị Thủy Chung 2001).
Có hai tài liệu (gốc Hán Nôm) viết khá rõ về sông Tiêu Tương mà cho đến nay chưa thấy được
đề cập đến:
(1) “Tỉnh Bắc Ninh: Khe Tiêu Tương chảy qua các huyện Đông Ngàn, Tiên Du, Quế Dương”;
“Huyện Đông Ngạn: Khe Tiêu Tương từ ao đầm xã Đông Ngạn chảy về phía tây rồi chuyển lên phía
đông bắc, qua xã Tiêu Sơn huyện Yên Phong, chảy vào các huyện Tiên Du, Quế Dương, rồi đổ vào sông
Triêm Đức. Ngày nay phần thượng lưu khe Tiêu Tương này đã bị bồi lấp, chỉ còn một đoạn mà thôi”;
“Tiên Du: Một dòng khe cũ, gọi là Tào Khê, lại có tên là khe Tiêu Tương, thượng nguồn từ chỗ giáp
huyện Đông Ngạn, chảy qua các xã Dương Húc, Đại Vi, Dũng Vi, Đại Sơn, Vĩnh Phú, Phật Tích, Nội
Viên, Chi Nê Nội; hạ nguồn đến xã An Động giáp xã La Miệt huyện Quế Dương”; “Huyện Quế Dương:
Một dòng khe nhỏ gọi là khe Tiêu Tương chảy từ Đông Ngạn, Tiên Du chảy qua các xã Quảng Lãm, La
Miệt đến cửa cống ở xã Mộ Đạo đổ vào sông Chiêm Đức”; “Bản đồ tỉnh Bắc Ninh, Bản đồ Phủ lỵ Từ
Sơn, Bản đồ huyện Quế Dương và Võ Giàng” (Đồng Khánh địa dư chí 1886-1887) (ảnh 1).

(2) “Sông TiêuTương: Phát nguyên từ rừng Cổ Pháp chảy qua Đại Đình, Phù Chẩn, đổ vào Loa Hồ
của Phù Lưu, chảy qua thôn Lã phân thành hai nhánh. Một nhánh đến Dương Lôi, Dương Húc, chảy qua Đại
Vi đến thẳng địa phận xã Thịnh Liên. Một nhánh đến Xuân Thụ, Cẩm Giàng thì uốn khúc qua Tam Lư, Vịnh
Kiều, Tiêu Sơn rồi qua Nội Duệ, Lũng Sơn, Lũng Giang, vắt qua Ngô Khê, Loan Bảo ở đằng sau tỉnh thành cho
đến Thị Cầu thì chuyển chảy qua hai huyện Tiên Du, Quế Dương vào sông Triêm Đức (Nay hoặc nhập vào
đường quan, hoặc cạn, đôi chỗ còn một hai đoạn)” (Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí - Quyển Thượng 1891).

1. Sử dụng ảnh vệ tinh, bản đồ số, so sánh tư liệu địa chí và điền dã định vị vệ tinh GPS để xác
định dòng chảy sông cổ
Trong khảo cổ học, việc sử dụng ảnh vệ tinh, không ảnh (quang, radar, laser) và Hệ thống
Thông tin địa lý (GIS) có tác dụng rất lớn trong việc tìm kiếm các di chỉ, xây dựng các cơ sở dữ liệu
66 Kh¶o cæ häc, sè 6/2014

không gian về di tích, theo dõi trạng thái biến đổi theo thời gian của địa hình, địa mạo, hệ thống đường
sá, sông ngòi, địa danh.
Để định vị dòng sông cổ Tiêu Tương, chúng tôi đã sử dụng ảnh vệ tinh của Google (Mỹ),
Spot (Pháp) cũng như bản đồ của Pháp in năm 1926 và các bản đồ số hiện có; dùng phần mềm để nắn
tọa độ sao cho mỗi loại bản đồ thành một lớp, có thể chồng khít lên nhau, hiển thị độc lập, hiển thị
kết hợp, tắt bật các lớp và so sánh với tài liệu địa chí. Trên cơ sở kỹ thuật trắc địa bản đồ, tiến hành
nội suy độ cao theo bình độ để xác định dòng chảy sông cổ Tiêu Tương và thẩm định lại qua điền dã
thực địa với định vị vệ tinh (GPS).
Các bước thực hiện như sau:
(1) Xác định phạm vi (không gian) nghiên cứu.
(2) Sưu tầm các bản đồ có liên quan.
(3) So sánh thông tin trên các lớp bản đồ và tài liệu địa chí.
(4) Phục dựng sơ bộ dòng chảy sông cổ Tiêu Tương.
(5) Sử dụng cơ sở dữ liệu bản đồ số hiện có, số hóa các bản đồ giấy và chuyển về cùng hệ quy chiếu.
(6) Phân tích chồng xếp, tương thích dữ liệu cũ và mới.
(7) Dùng mô hình số độ cao và GPS để kiểm chứng, hiệu chỉnh địa hình, nội suy dòng chảy trước đây.
(8) Phục dựng dòng sông gần đúng nhất có thể.
2. Dựng lại dòng chảy sông cổ Tiêu Tương

Sông Thiên Đức, đầu nguồn của sông Tiêu Tương, là nhánh của sông Đuống, từ Yên Viên chảy
vòng theo đường (đê cũ) Yên Thường, cắt ngang quốc lộ 1A cũ, cạnh Nghĩa trang liệt sĩ Yên Viên, qua
sát đình Trùng Quán. Tại Trùng Quán sông Thiên Đức chia làm hai nhánh, một nhánh trở thành sông
Tiêu Tương, một nhánh chảy qua xã Dương Hà, đổ ra sông Đuống. Đoạn sông Thiên Đức, từ cửa sông
ở Yên Viên tới chỗ phân nhánh ở Trùng Quán dài 6km.

Sông Tiêu Tương từ Trùng Quán chảy sang Đình Bảng (Lăng Phát Tích, Lăng Lý Huệ Tông,
Đền Rồng, Trường Đại học Thủy sản, rìa phía nam Đình Bảng, Đền Đô); theo rìa Phù Chẩn (xóm Đợi,
xóm Sóc, xóm Gạo, Chùa Keo, Đình Keo, xóm Dưa, xóm Miếu, xóm Sông, Thôn Nội), qua Tân Hồng
(Yên Láng, đầm Phù Lưu, Dương Lôi). Tại thôn Lã (Tân Hồng) sông chia thành hai nhánh: hướng đông
bắc đổ ra sông Ngũ Huyện Khê rồi vào sông Cầu, hướng đông nam đổ ra sông Đuống. Đoạn sông từ
Trùng Quán đến Lã dài khoảng 13km.

Nhánh hướng đông bắc ra sông Ngũ Huyện Khê qua đường Quốc lộ 1 cũ vòng quanh Cẩm
Giang, cắt Quốc lộ về Tam Lư, vòng Vĩnh Kiều, sang Xóm Viếng, Lễ Xuyên, Tiêu Thượng, Tiêu Long,
Tiêu Sơn, Tạ Xá (Từ Sơn); Nộ Khánh (TT. Lim), Duệ Đông, TT. Lim, Lũng Giang, Thanh Lê (Tiên
Du); Xuân Ổ A, Xuân Ổ B, Dương Ổ (TP. Bắc Ninh); hòa với nước sông Ngũ Huyện Khê ở khoảng
giữa Dương Ổ và Hạ Giang (Tiên Du). Độ dài nhánh sông này đo được 19km.

Nhánh hướng đông nam ra sông Đuống (Thiên Đức): từ Dương Lôi (Từ Sơn) qua huyện Tiên
Du tại Đại Đồng (Đại Thượng, Đại Trung, Đại Vi), Tri Phương (thôn Đình, Xóm Sen, Cao Đường, Cao
Định), Phật Tích (Ngô Xá), Minh Đạo (Liên Ấp), Tân Chi (Tư Chi); qua huyện Quế Võ tại, Hán Quảng,
Chi Lăng, Mộ Đạo (La Miệt, Trạc Nhiệt, Mai Ổ). Độ dài nhánh sông này đo được 33 km.
Nguyễn Quang Bắc và nnk – Khai thác ảnh vệ tinh…. 67

Như vậy dòng sông cổ Tiêu Tương khi xưa dài khoảng 65 km; nếu tính cả đoạn sông Thiên
Đức từ sông Đuống tới Trùng Quán thì dòng sông dài khoảng 71 km (ảnh 2).

Ảnh 2. Dựng lại dòng sông cổ Tiêu Tương trên nền bản đồ tỷ lệ 1/50.000

3. Đoán định nguyên nhân và thời gian sông Tiêu Tương bị bồi lấp

Thủy Kinh Chú (q.37) chép, sông Diệp Du (sông Nhị Hà - Hồng) qua phía bắc huyện Mê Linh
thuộc Giao Chỉ, chia làm năm (nhánh), đến địa giới phía nam lại hợp làm ba sông chảy về phía biển.
Trong các nhánh, Trung Thủy(sông Giữa) tương đương với sông Đuống (Thiên Đức - Triêm Đức) ngày
nay, trước đây là dòng chảy chính sau bị bồi lấp và Trường Giang (sông Dài) tức sông Hồng ngày nay
trở thành dòng chính (Đào Duy Anh 1964). Vậy đâu là nguyên nhân chủ yếu làm sông Nhị Hà đổi dòng chính?

Sông Đuống, sông Hồng nằm trên miền trũng tam giác châu sông Nhị Hà – Hồng. Về mặt kiến
tạo địa chất, vỏ trái đất ở nơi đây chẳng những mỏng hơn các nơi khác mà còn bị đứt gãy sâu chia cắt
suốt bề dày của nó. Không phải chỉ có các đứt gãy dọc mà còn nhiều đứt gãy ngang, chia cắt, nó có
dạng bậc thang: các bậc cao nằm ở phía tây bắc, các bậc thấp nằm ở phía đông nam. Khu vực này là
vùng có cường độ chuyển động lớn của vỏ trái đất. Tại đây các hoạt động kiến tạo lớn đã từng diễn ra
mạnh mẽ trong suốt cả quá khứ địa chất trăm triệu năm về trước và vẫn còn đang tiếp diễn mạnh trong
kỷ địa chất hiện nay.
Thống kê các trận động đất và lũ lụt trong 400 năm (1010 - 1410), thời Lý - Trần ở khu vực
Thăng long - Hà Nội có 47 trận động đất lớn nhỏ và 44 trận lũ lụt (Đại Việt Sử lược 1877-1888, Đại
Việt Sử ký toàn thư 1697 và Khâm định Việt sử Thông giám cương mục 1856 - 1884). Mật độ lớn nhất
động đất nằm trong khoảng thời gian 80 năm (1141-1220) là 27/47 trận. Mật độ lớn nhất lũ lụt, nước
lớn, to nằm trong hai khoảng 60 năm: (1221-1280) là 14/44 trận và (1301-1360) là 15/44. Chúng tôi cho
rằng chính những trận động đất thời kỳ (1141-1220) đã làm thay đổi dòng chảy chính của sông Nhị Hà -
Hồng và cũng dẫn đến sông Thiên Đức - Đuống bị bồi đắp. Vì vậy, năm 1390 nhà Trần đã phải cho
khơi đào sông Thiên Đức. Đây là lần đầu tiên biên niên sử ghi nhận việc khơi đào sông Thiên Đức -
68 Kh¶o cæ häc, sè 6/2014

Đuống. Việc giảm lưu lượng nước và bị bồi lấp của sông Thiên Đức dẫn đến sông Tiêu Tương cũng cạn
dần. Đây chính là nguyên nhân sâu xa, chủ yếu làm sông Tiêu Tương bị bồi lấp (ảnh 3).

Theo lịch sử làng Xuân Ổ, nhánh sông ra Ngũ Huyện Khê bị bồi lấp vào thế kỷ XV, còn lịch sử
kết chạ giữa Lũng Giang và Tam Sơn cho thấy tới thế kỷ XVI, XVII sông vẫn còn. Căn cứ vào tài liệu
và kết quả khảo sát thực tế, chúng tôi cho rằng, nhánh Tiêu Tương hướng đông bắc đổ ra Ngũ Huyện
Khê còn tồn tại tới thế kỷ XVIII, nhánh hướng đông nam chảy vào sông Đuống còn tồn tại tới cuối thế kỷ XIX.

Việc xây dựng đường xá, đê điều, nhà cửa nhất là vào thế kỷ XX đã góp phần quan trọng
“băm” dòng sông thành những đoạn ao hồ. Vào những năm cuối thế kỷ XX, đầu XXI làn sóng “đô thị
hóa”, “xây dựng các khu công nghiệp” lan tới nhiều làng xóm ở Bắc Ninh đã “lấp tiếp” phần còn lại, trừ
một vài đoạn nhánh hướng đông nam (đã thành một phần của kênh Tào Khê).

Ảnh 3. Biểu đồ mật độ và bảng số liệu về Động đất và Lũ lụt trong 400 năm (1010 – 1410) thời Lý - Trần
ở khu vực Thăng Long - Hà Nội

4. Di tồn văn hóa – lịch sử bên bờ sông Tiêu Tương

4.1. Di chỉ khảo cổ học thời đại Kim khí

Theo Nguyễn Giang Hải và Trịnh Sinh (2001), trên đôi bờ sông Tiêu Tương đã phát hiện được
các di tích khảo cổ học thời đại Kim khí như sau:

- Đoạn từ Trùng Khánh tới Lã (Tân Hồng) có các di chỉ Đồng Gio và Ao Sen ở Đình Bảng-Từ Sơn.
Nguyễn Quang Bắc và nnk – Khai thác ảnh vệ tinh…. 69

- Nhánh đổ ra sông Ngũ Huyện Khê có các di chỉ Phù Lưu, Núi Viềng, Bãi Tự, Đồng Phố, Bãi
Miễu, Chùa Lái, Thùng Lò (Từ Sơn). Đồng Bạch, Vườn Mao (Yên Phong).
- Nhánh đổ ra sông Đuống có các di chỉ Đường Chim – Nương Dâu, Chùa Hoa, Bãi Tháp,
Đồng Dâm, Đồng Nội, Vườn Dinh (Từ Sơn).
4.2. Danh thắng và di tích khảo cổ học thời Lý
- Đền (miếu) - Lăng Lý Bát Đế - Rừng Báng ở Đình Bảng (Cổ Pháp - Từ Sơn).
- Chùa - Núi Phật Tích (Tiên Du - Lạn Kha) - Rừng Thông (Tiên Du).
- Chùa - Núi Dạm - Rừng Thông (Quế Võ).
4.3. Các văn bia thời Lê
Theo Phạm Thị Thùy Vinh (2003), có những bia ký tại các làng ven đôi bờ Tiêu Tương như sau:
- Đoạn từ Trùng Quán đến Phù Lưu (52): Quy Mông (2), Xung Quán (4), Phù Ninh (30), Ninh
Giang (3), Đình Bảng (2), Phù Chẩn (1), Phù Lưu (10).
- Đoạn từ Phù Lưu tới Ngũ Huyện Khê (29): Tam Sơn (1), Tam Lư (1), Nội Duệ (5), Nội Duệ
Đông (1), Xuân Ổ (7), Bồ Sơn (11), Dương Ổ (3).
- Đoạn từ Phù Lưu tới sông Đuống (19): Phật Tích (10), Hán Đà (2), La Miệt (1), Quế Ổ (3),
Mộ Đạo (3).
Tổng cộng có 100 văn bia thời Lê ở khu vực này trong số1.063 ở Bắc Ninh và 5.694 văn bia
thời Lê trong cả nước.
4.4. Những làng Quan họ
Căn cứ vào bản đồ dựng lại dòng chảy sông cổ Tiêu Tương, có thể thấy trong số 49 làng Quan
họ gốc có những làng Quan họ nằm ở khu vực này như sau:
- Các làng nằm bên bờ sông Tiêu Tương gồm Tam Sơn, Tiêu, Duệ Đông, Lũng
- Giang (Lim), Lũng Sơn, Xuân Ổ (Ó), Dương Ổ (Đống Cao), Hạ Giang (8 làng).
- Các làng nằm bên bờ sông Ngũ Huyện Khê (đoạn có nước sông Tiêu Tương) gồm Đào Xá
(Điều Thôn), Châm Khê, Chà Xuyên (Bùi), Khúc Toại (Chọi) (4 làng).
- Các làng nằm bên bờ sông Cầu (đoạn có nước sông Ngũ Huyện Khê và nước sông Tiêu
Tương) gồm Thượng Đồng, Xuân Viên, Xuân Đồng, Viêm Xá (Diềm), Hữu Chấp (Chắp), Đẩu Hàn, Cổ
Mễ, Đáp Cầu và hai làng Hữu Nghị, Giá Sơn của Việt Yên (Bắc Giang) (10 làng).
5. Nhận xét
Qua nghiên cứu dòng sông cổ Tiêu Tương, chúng tôi thấy rất cần tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và
phát huy di sản văn hóa dân tộc ở vùng đất này, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng phát triển du lịch lịch sử -
du lịch xanh và cải tạo môi trường, cụ thể là:
- Quy hoạch, phục hồi lại một phần sông Tiêu Tương, kênh Tào Khê.
- Khôi phục các danh thắng, đại danh lam thời Lý: cải tạo, nâng cấp các khu rừng Thông núi
Phật Tích (Tiên Du) và núi Lãm Sơn (Quế Võ), phục dựng khu chùa Dạm, khôi phục khu rừng Báng ở
Đình Bảng (Từ Sơn).
- Tiếp tục nghiên cứu trầm tích văn hóa lưu vực sông cổ Tiêu Tương.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin và các công nghệ mới khác
trong nghiên cứu khảo cổ học.
70 Kh¶o cæ häc, sè 6/2014

TÀI LIỆU DẪN


BẮC NINH TOÀN TỈNH ĐỊA DƯ CHÍ 1881. Quyển Thượng: Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu
Hán Nôm. Nxb. Khoa học Xã hội, 2009: 105.
ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ 1865 - 1882. Tập IV. Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 1971: 79.
ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ 1697. Bản in Nội các Quan bản (mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18), Tập
I, II. Nxb. Khoa học Xã hội 2004.
ĐẠI VIỆT SỬ LƯỢC 1377 - 1388. Soạn giả: khuyết danh, Dịch giả: Nguyễn Gia Tường. Nxb. TP. Hồ
Chí Minh 1994.
ĐÀO DUY ANH 1964 . Đất nước Việt Nam qua các đời. Nxb. Văn học 2006: 259 - 261.
ĐỒNG KHÁNH ĐỊA DƯ CHÍ 1886 - 1887. Tập I: Tỉnh Bắc Ninh. Nxb. Thế giới 2003: 487 - 502.
ĐỒNG KHÁNH ĐỊA DƯ CHÍ 1886 - 1887. Tập III: Bản đồ tỉnh Bắc Ninh. Nxb. Thế giới 2003: 91 - 98.
KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC 1856 - 1884. Viện Sử học dịch. Nxb. Giáo dục 1998.
NGUYỄN GIANG HẢI, TRỊNH SINH 2001. Thư mục Khảo cổ học Việt Nam, Tập 2: Thời đại Kim khí.
Nxb. Thế giới 2001: 168.
PHẠM THỊ THỦY CHUNG 2001. Sông Tiêu Tương với văn hóa Kinh Bắc. Viện Nghiên cứu Văn hóa –
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam 2011 (website).
PHẠM THỊ THÙY VINH 2003. Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc và sự phản ánh văn hóa làng xã. Viện Cao học
Thực hành, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Viễn Đông Bác cổ. Nxb. Văn hóa Thông tin,: 391 - 457.
TRẦN QUỐC VƯỢNG, TRẦN QUỐC TRỊ 1976. Đôi bờ Tiêu Tương buổi đầu thời đại Đồng thau (Hà
Bắc). Những phát hiện mới khảo cổ học năm 1976: 241 - 245.
TRẦN QUỐC VƯỢNG 1996. Sông núi Tiêu Tương hương Cổ Pháp. Một con đường tiếp cận di sản văn
hóa, Tập VI. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hà Nội 2012: 123 - 129.
TY VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN – THƯ VIỆN TỈNH HÀ BẮC 1982. Địa chí Hà Bắc. Hà Bắc.

MAKE FULL USE OF SATELLITE PHOTOS, DIGITAL MAPS


AND DOCUMENTS FOR THE ANCIENT TIEU TUONG RIVER’S
LOCATION

NGUYEN QUANG BAC, NGUYEN HUU TUAN, HOANG QUOC VIET

Tieu Tuong is the name of a legendary river in Kinh Bac region. Even sedimented and
filled up over years, ít is still alive in the memoir of local people. Archaeological excavations along
the riversides revealed that during early Bronze Age, the river played a major role in the ancient
Viet life of the the region. The exact repositioning of the river flow has a significant meaning,
would clarify a mystery and help in preserving the thousand years old cultural heritage of the
Kinh Bac region.
To reposition this ancient river, we used satellite photos, digital maps, geographical
descriptive documents, field surveys coupled with satellite GPS.
As a result, we could then successfully locate the ancient Tieu Tuong River, and in the
same time discover reasons and date of the sedimentation and fill up process.

You might also like