You are on page 1of 149

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM

PGS.TS. ĐẶNG VĂN MINH (chủ biên)


PGS.TS. ĐỖ THỊ LAN, TS. NGUYỄN CHÍ HIỂU,
ThS. DƯƠNG THỊ MINH HÒA
ISBN 978-604-60-1099-9

GIÁO TRÌNH
ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG
(Dùng cho đào tạo bậc đại học)

NHÀ XUẤT BẢN NÔNG NGHIỆP


Hà Nội - 2013

1
2
MỤC LỤC

LỜI NÓI ĐẦU 5

DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT 6

Chương 1. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG 7
1.1. Lịch sử hình thành và sự phát triển đánh giá tác động môi trường 7
1.2. Mục đích, ý nghĩa của đánh giá tác động môi trường 11
1.3. Định nghĩa và nội dung cơ bản của đánh giá tác động môi trường 13
1.4. Mối quan hệ giữa đánh giá tác động môi trường với phát triển kinh tế
và các công cụ quản lý môi trường 14
1.5. Tổ chức và quản lý công tác đánh giá tác động môi trường 22
1.6. Phân cấp dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường
ở Việt Nam 26

Chương 2. LẬP CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 28


2.1. Đối tượng phải lập, đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường 28
2.2. Thời điểm đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường 29
2.3. Nội dung bản cam kết bảo vệ môi trường 29
2.4. Hồ sơ đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường 34
2.5. Tổ chức đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường 34
2.6. Quy trình đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường 35
2.7. Cách viết bản cam kết bảo vệ môi trường 35
2.8. Quản lý thực hiện bản cam kết bảo vệ môi trường sau khi bản cam kết
bảo vệ môi trường được đăng ký 37

Chương 3. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG 39


3.1. Chu trình dự án và trình tự thực hiện đánh giá tác động môi trường 39
3.2. Tổ chức thực hiện đánh giá tác động môi trường 48
3.3. Cấu trúc, yêu cầu về nội dung của báo cáo đánh giá tác động
môi trường 49
3.4. Các bước thực hiện đánh giá tác động môi trường chi tiết 51
3.5. Ví dụ về đánh giá tác động môi trường của một số dự án cụ thể 64

3
Chương 4. ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC 77
4.1. Khái niệm về đánh giá môi trường chiến lược 77
4.2. Vai trò và ý nghĩa của lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược 77
4.3. Các nguyên tắc cho một đánh giá môi trường chiến lược hiệu quả 78
4.4. Các mối liên kết trong quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch,
kế hoạch và quá trình đánh giá môi trường chiến lược 80
4.5. Các điều kiện tiên quyết để thực hiện đánh giá môi trường chiến lược 82
4.6. Cách tiếp cận và phương pháp đánh giá môi trường chiến lược 83
4.7. Quy trình đánh giá môi trường chiến lược 84

Chương 5. PHƯƠNG PHÁP NHẬN DẠNG VÀ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG


MÔI TRƯỜNG 108
5.1. Nhận dạng tác động 108
5.2. Chỉ thị và chỉ số môi trường 113
5.3. Phương pháp đánh giá các tác động môi trường 114

Chương 6. QUẢN LÝ VÀ GIÁM SÁT CÁC TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG 134
6.1. Chương trình quản lý môi trường 134
6.2. Chương trình quan trắc, giám sát môi trường 138

TÀI LIỆU THAM KHẢO 145

4
LỜI NÓI ĐẦU

Trong những năm qua, nội dung môn học Đánh giá tác động môi trường luôn luôn
thay đổi cùng với sự thay đổi của chương trình giảng dạy, đặc biệt là sau khi đổi mới
chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành giáo dục trong giai
đoạn hiện nay. Đây là môn học quan trọng trong chương trình đào tạo đại học ngành
Khoa học Môi trường và một số chuyên ngành khác có liên quan.
Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và tài nguyên thiên
nhiên ngày càng chịu nhiều tác động tiêu cực. Ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường và
sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên là hậu quả trực tiếp của tác động do các dự án,
chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển thiếu sự thân thiện với môi trường. Môn
học Đánh giá tác động môi trường sẽ cung cấp các kiến thức cơ bản và thực tiễn cho
sinh viên về lĩnh vực này.
Giáo trình Đánh giá tác động môi trường được biên soạn bởi tập thể tác giả
Khoa Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên:
PGS.TS. Đặng Văn Minh chủ biên và biên soạn chương 4,5; PGS.TS. Đỗ Thị Lan biên
soạn chương 2, 3; TS. Nguyễn Chí Hiểu biên soạn chương 1; ThS. Dương Minh Hòa
biên soạn chương 6. Giáo trình phục vụ cho việc giảng dạy môn Đánh giá tác động môi
trường thuộc chuyên ngành Khoa học Môi trường và các chuyên ngành khác có liên
quan ở bậc đại học.
Nội dung chính trong giáo trình này bao gồm 6 chương.
Chương 1: Giới thiệu chung về Đánh giá tác động môi trường
Chương 2: Lập cam kết bảo vệ môi trường
Chương 3: Đánh giá tác động môi trường
Chương 4: Đánh giá môi trường chiến lược
Chương 5: Phương pháp nhận dạng và đánh giá các tác động môi trường
Chương 6: Quản lý và giám sát các tác động môi trường
Trong quá trình biên soạn, chúng tôi đã tham khảo nhiều tài liệu khoa học, các báo
cáo và văn bản pháp quy cũng như kết quả nghiên cứu có liên quan tới lĩnh vực đánh
giá tác động môi trường ở trong và ngoài nước. Tuy đã có nhiều cố gắng, song chắc
chắn không tránh khỏi những thiếu sót. Tập thể tác giả mong nhận được sự góp ý của
các nhà chuyên môn, thầy cô giáo, học viên và độc giả trong và ngoài trường để cuốn
giáo trình này ngày càng được hoàn thiện hơn.
Xin chân thành cảm ơn!

Các tác giả

5
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT

Từ viết tắt Viết đầy đủ


AQI Chỉ số chất lượng không khí
BSI Chỉ số động vật đáy
BTNMT Bộ Tài nguyên và Môi trường
BVMT Bảo vệ môi trường
CKBVMT Cam kết bảo vệ môi trường
CP Chính phủ
CQK Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
ĐMC Đánh giá môi trường chiến lược
ĐTM Đánh giá tác động môi trường
ĐDSH Đa dạng sinh học
GDP Chỉ số tăng trưởng kinh tế theo tổng thu nhập quốc nội
GT Giao thông
HDI Chỉ số phát triển nhân lực
KT-XH Kinh tế - xã hội
MT Môi trường
NĐ Nghị định
PSI Chỉ số tiêu chuẩn ô nhiễm
PTBV Phát triển bền vững
QLMT Quản lý môi trường
QCKT Quy chuẩn kỹ thuật
QCVN Quy chuẩn Việt Nam
QHSDĐ Quy hoạch sử dụng đất
QHKTXH Quy hoạch kinh tế xã hội
TCVN Tiêu chuẩn Việt Nam
TNTN Tài nguyên thiên nhiên
UNEP Chương trình Môi trường Liên hợp quốc
UBND Ủy ban nhân dân
VSTP Vệ sinh thực phẩm
WQI Chỉ số chất lượng nước

6
Chương 1. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ ĐÁNH GIÁ
TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

1.1. Lịch sử hình thành và sự phát triển đánh giá tác động môi trường

1.1.1. Trên thế giới


Xét về tính chất công việc thì hoạt động đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã có
từ rất lâu. Song, nếu xét thời gian mà công việc này được gọi tên, được thừa nhận thì
người ta thường lấy năm 1969, năm thông qua Đạo luật chính sách môi trường của Mỹ
làm thời điểm ra đời của ĐTM. Trong Đạo luật này có những điều quy định, yêu cầu
phải tiến hành ĐTM của các hoạt động lớn, quan trọng, có thể gây tác động đáng kể tới
môi trường.
Một số thuật ngữ đã được đưa ra liên quan tới quá trình tuân thủ Đạo luật chính
sách môi trường của Mỹ. Trong đó, ba thuật ngữ quan trọng nhất là:
Kiểm kê hiện trạng môi trường - Environmental Inventory
Đánh giá tác động môi trường - Environmental Impact Assessment (EIA)
Tường trình tác động môi trường - Environmental Impact Statement (EIS)
- Kiểm kê hiện trạng môi trường là hoạt động nhằm mô tả toàn diện về môi trường
đang tồn tại ở vùng dự định đặt dự án hoặc vùng có các hoạt động về môi trường xảy ra.
Việc kiểm kê phải đề cập đến môi trường lý hóa như: thổ nhưỡng, địa chất, địa hình, khí
hậu, nước mặt, nước ngầm, chất lượng không khí, chất lượng nước,...; Môi trường sinh
học như: các loài động vật, thực vật, đa dạng sinh học, khả năng phát triển, suy thoái
của các loài; Môi trường nhân văn như: các điểm khảo cổ, di tích lịch sử, văn hóa, danh
lam thắng cảnh, bảo tàng và thư viện,...; Môi trường kinh tế xã hội như: xu thế tăng dân
số, phân bố dân số, mức sống, hệ thống giáo dục, mạng lưới giao thông, cơ sở hạ tầng,
cấp thoát nước, quản lý rác, dịch vụ công cộng như công an, cứu hoả, bảo hiểm y tế,...
- Đánh giá tác động môi trường được định nghĩa là sự xác định, đánh giá các tác
động (hoặc ảnh hưởng) có thể xảy ra của các dự án, các quy hoạch phát triển hoặc của
các quy định, luật pháp liên quan tới môi trường. Mục đích của ĐTM trước hết là
khuyến khích việc xem xét các khía cạnh môi trường trong việc lập quy hoạch hoặc ra
quyết định đối với các dự án, các hoạt động phát triển để có thể lựa chọn, thực thi dự án
hoạt động có lợi cho môi trường hơn.
- Tường trình tác động môi trường hay báo cáo ĐTM của một dự án là văn bản
chính yếu, tường trình tất cả kết quả của công tác ĐTM.

7
Như vậy, rõ ràng với sự ra đời của Đạo luật chính sách môi trường của Mỹ, mục
tiêu, ý nghĩa, thủ tục thi hành ĐTM đã được xác định bằng văn bản. Hệ thống pháp lý
cùng với các cơ quan quản lý, điều hành được ban hành và thành lập đảm bảo cho việc
thực hiện ĐTM nhanh chóng đi vào nề nếp.
Sau Mỹ, ĐTM đã được áp dụng ở nhiều nước. Nhóm các nước và vùng lãnh thổ
sớm thực hiện công tác này là: Nhật, Singapo và Hồng Kông (1972), tiếp đến là Canađa
(1973), Úc (1974), Đức (1975), Pháp (1976), Philippin (1977), Trung Quốc (1979). Như
vậy, không phải chỉ có các nước lớn có nền công nghiệp phát triển mà ngay cả các nước
nhỏ, đang phát triển cũng đã nhận thức được các vấn đề môi trường và vai trò của ĐTM
trong việc giải quyết các vấn đề này. Chỉ trong vòng 20 năm, ĐTM đã được rất nhiều
nước xem xét, áp dụng. Tuy nhiên, yêu cầu đối với ĐTM, thủ tục thực hiện có khác
nhau giữa các nước và thường thể hiện ở các điểm sau:
- Loại dự án cần phải ĐTM.
- Vai trò của cộng đồng trong ĐTM.
- Thủ tục hành chính.
- Các đặc trưng lược duyệt.
Ngoài các quốc gia, các tổ chức quốc tế cũng rất quan tâm đến công tác ĐTM. Ta
có thể kể ra những tổ chức có nhiều đóng góp cho công tác này:
- Ngân hàng thế giới (WB)
- Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB)
- Chương trình phát triển quốc tế của Mỹ (USAID)
- Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP)
Các ngân hàng lớn đã có những hướng dẫn cụ thể cho công tác ĐTM đối với các dự
án vay vốn của mình. Tiếng nói của các ngân hàng có hiệu lực lớn vì họ nắm trong tay
nguồn tài chính mà các chủ dự án rất cần để triển khai dự án của mình. Một công việc
mà các tổ chức này thực hiện rất có hiệu quả là mở các khóa học về ĐTM ở nhiều nơi
trên thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

1.1.2. Tại Việt Nam


Ở Việt Nam, vào thời điểm hình thành ĐTM, chúng ta chưa có điều kiện tiếp cận
lĩnh vực này. Phải đến đầu những năm 80, các nhà khoa học Việt Nam mới tiếp cận
công tác ĐTM thông qua các hội thảo khoa học và các khóa đào tạo. Chính phủ Việt
Nam cũng sớm nhận thức được vấn đề bảo vệ môi trường và ĐTM nên đã tạo điều kiện
cho các cơ quan, cá nhân tiếp cận các lĩnh vực này. Đầu những năm 80, một nhóm các
nhà khoa học Việt Nam, đứng đầu là Giáo sư Lê Thạc Cán đã đến Trung tâm Đông -
Tây ở Ha - Oai nước Mỹ nhằm nghiên cứu về luật, chính sách môi trường nói chung và
ĐTM nói riêng.

8
Sau năm 1990, Nhà nước ta cho tiến hành chương trình nghiên cứu môi trường
mang mã số kinh tế 02, trong đó có một đề tài trực tiếp nghiên cứu về ĐTM, đề tài
mang mã số KT 02 - 16 do Giáo sư Lê Thạc Cán chủ trì. Trong khuôn khổ đề tài này,
một số báo cáo ĐTM mẫu đã được lập, đáng chú ý là báo cáo ĐTM của nhà máy giấy
Bãi Bằng và ĐTM công trình thuỷ lợi Thạch Nham. Mặc dù chưa có Luật Bảo vệ môi
trường và các điều luật về ĐTM song Nhà nước đã yêu cầu một số dự án phải có báo
cáo ĐTM, chẳng hạn như công trình thuỷ điện Trị An, nhà máy lọc dầu Thành Tuy Hạ.
Việc biên soạn, thông qua và ban hành Luật Bảo vệ môi trường đã mở ra một bước
ngoặt trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và ĐTM nói riêng ở nước ta. Luật đã
được Quốc hội thông qua lần đầu tiên vào ngày 27/12/1993 và Chủ tịch nước ra Quyết
định công bố số 29L/CTN ngày 10/01/1994. Hơn 10 năm sau đó, Luật Bảo vệ môi
trường sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
thông qua ngày 29 tháng 01 năm 2005.
Trong Luật Bảo vệ môi trường đã quy định rõ các dự án đang hoạt động và dự án
muốn hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam phải lập báo cáo ĐTM và trình các cấp có thẩm
quyền xét duyệt.
Sau khi luật ra đời, nhiều báo cáo ĐTM đã được thẩm định góp phần giúp những
người ra quyết định có thêm tài liệu để xem xét toàn diện các dự án phát triển ở Việt
Nam.
Cùng với việc ban hành luật, Nhà nước cũng đã ban hành rất nhiều văn bản pháp
luật dưới dạng các nghị định của Chính phủ, các quyết định, thông tư của Bộ Tài
nguyên và Môi trường, trong đó quy định cụ thể việc thực hiện và hướng dẫn các đơn
vị, tổ chức, cá nhân thực hiện ĐTM trong thực tế. Nhờ đó, ĐTM cho đến nay đã trở
thành một công việc phổ biến, nằm trong khung pháp luật của Nhà nước mà tất cả các
dự án đều thực hiện.
Hiện nay, ở Việt Nam đã có một đội ngũ tương đối đông đảo những người làm
công tác ĐTM, trong đó có nhiều chuyên gia được đào tạo trong và ngoài nước,
bước đầu đã tập hợp được những kinh nghiệm quý báu qua những công trình đã
đánh giá thực tế. Việc thực hiện ĐTM ở Việt Nam cũng còn những vấn đề tồn tại
cần tiếp tục giải quyết, tuy nhiên, có thể nói cho đến nay hệ thống văn bản pháp lý
cho thực hiện ĐTM đã tương đối đầy đủ và tiếp cận được yêu cầu của thực tế. Việc
thực hiện ĐTM đã dần đi vào nề nếp và đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát triển
bền vững của đất nước.
Nội dung và quy trình thực hiện ĐTM tại Việt Nam đã có những thay đổi và phát
triển theo từng thời kỳ. Quy trình thực hiện ĐTM trước đây ở Việt Nam còn đơn giản và
lạc hậu so với quy trình chung của thế giới, nhưng cho đến nay đã được điều chỉnh phù
hợp hơn. Các yêu cầu và chất lượng của các báo cáo ĐTM cũng đã được nâng cao rõ rệt
nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH và yêu cầu bảo vệ môi trường.

9
Tóm lược nội dung thực hiện ĐTM ở Việt Nam qua các thời kỳ:
a) Giai đoạn 1993 đến 2005
Trong thời gian từ sau khi có Luật Bảo vệ môi trường (năm 1993) cho đến trước khi
có Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (năm 2005), thì việc thực hiện ĐTM ở Việt Nam
được quy định chậm hơn một bước so với thế giới, cụ thể là:
- Giai đoạn lập báo cáo đầu tư (Nghiên cứu tiền khả thi): chỉ sàng lọc dự án để xem
dự án loại nào phải thực hiện ĐTM. Sàng lọc dự án dựa theo quy định của Nhà nước
được quy định trong Thông tư số 490/1998/TT-BKHCNMT ngày 29/4/1998 của Bộ
Khoa học và Công nghệ Môi trường hướng dẫn lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác
động môi trường đối với các dự án đầu tư;
- Giai đoạn lập dự án đầu tư (Nghiên cứu khả thi): quy định thực hiện đánh giá tác
động môi trường sơ bộ;
- Giai đoạn thiết kế kỹ thuật: quy định lập báo cáo ĐTM chi tiết và trình thẩm định,
phê duyệt;
Nhận xét: Việc thực hiện lập báo cáo ĐTM ở nước ta trong giai đoạn này đã chậm
hơn các nước trên thế giới một bước. Điều đó đã gây nên một số khó khăn và bất cập,
ảnh hưởng đến kết quả của việc thực hiện ĐTM, cụ thể như sau:
+ Phần lớn các dự án đã thiết kế xong thì mới lập báo cáo ĐTM để trình thẩm định.
Không ít dự án đã thi công một số năm mới lập xong báo cáo ĐTM và trình thẩm định.
Vì thế, nếu trong thẩm định có yêu cầu dự án phải có một số thay đổi hoặc bổ sung biện
pháp giảm thiểu, bổ sung thiết kế cho phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường thì một số
phần trong thiết kế phải làm lại gây chậm trễ thời gian và tốn kém kinh phí. Điều này
khiến cho việc lập báo cáo ĐTM và thẩm định báo cáo nhiều khi trở thành hình thức vì
công trình đã thiết kế xong, rất khó thay đổi;
+ Do không có báo cáo ĐTM tại thời điểm Nhà nước phê duyệt báo cáo nghiên
cứu khả thi và chuẩn bị nguồn vốn cho dự án nên phần lớn các dự án đều không dự trù
được kinh phí cho thực hiện lập báo cáo ĐTM chi tiết cũng như kinh phí cho các biện
pháp giảm thiểu. Vì thế, các kinh phí này phải xin bổ sung sau này rất khó khăn và
chậm chễ, thường phải mượn trong kinh phí của thiết kế kỹ thuật. Khó khăn nhiều cho
thực hiện ĐTM.
b) Giai đoạn từ 2006 đến nay
Để khắc phục sự bất cập trên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã có sự điều
chỉnh để việc thực hiện ĐTM trong chu trình dự án ở nước ta cũng gần phù hợp với
trình tự thực hiện của thế giới cụ thể như sau:
- Giai đoạn quy hoạch và lập báo cáo đầu tư: Trong hai giai đoạn này, hiện nay Nhà
nước không quy định bắt buộc có phải sàng lọc môi trường hay ĐTM sơ bộ hay không.

10
Tuy nhiên, chủ dự án phải dựa vào phân cấp của Nhà nước (quy định trong Nghị định số
29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ về đánh giá môi trường chiến lược,
đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường) để “sàng lọc dự án” xem dự
án của mình có phải lập báo cáo ĐTM và trình thẩm định hay không. Nếu dự án thuộc
diện phải lập báo cáo ĐTM thì phải làm công việc chuẩn bị như lập đề cương ĐTM,
chuẩn bị đội ngũ cho việc lập báo cáo ĐTM ở giai đoạn tiếp sau.
Riêng đối với các dự án lập quy hoạch (như dự án quy hoạch phát triển KT-XH
vùng, dự án quy hoạch lưu vực sông,...) thì Nhà nước đã quy định các dự án này phải
lập báo cáo “Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC)” và trình thẩm định phê duyệt.
- Giai đoạn lập dự án đầu tư: nếu các dự án qua sàng lọc ở trên thuộc diện phải lập
báo cáo ĐTM, thì giai đoạn này phải tiến hành ĐTM chi tiết cho dự án và trình thẩm
định, phê duyệt.
- Sau khi báo cáo ĐTM được phê duyệt thì chủ dự án phải thực hiện đúng các cam
kết như trong báo cáo ĐTM, đặc biệt là thực hiện các biện pháp giảm thiểu các tác động
tiêu cực trong các giai đoạn thi công, quản lý vận hành cũng như thực hiện chương trình
giám sát môi trường dự án.

1.2. Mục đích, ý nghĩa của đánh giá tác động môi trường
Tuy ra đời chính thức chưa lâu, nhưng thuật ngữ ĐTM đã được sử dụng rộng rãi
trên thế giới. Điều đó chứng tỏ khả năng áp dụng công cụ này vào công tác bảo vệ môi
trường ở mỗi quốc gia và trên toàn thế giới. Để thấy rõ hơn điều này, ta xét kỹ tới mục
đích và ý nghĩa của ĐTM.
ĐTM có thể đạt được nhiều mục đích, Alan Gilpin đã chỉ ra vai trò, mục đích của
ĐTM trong phát triển kinh tế - xã hội với 10 điểm chính sau:
(1) ĐTM nhằm cung cấp một quy trình xem xét tất cả các tác động có hại đến môi
trường của các chính sách, chương trình, hoạt động và của các dự án. Nó góp phần loại
trừ cách “đóng cửa ra quyết định” như trước đây vẫn thường làm, không tính đến ảnh
hưởng môi trường trong các khu vực công cộng và tư nhân.
(2) ĐTM tạo ra cơ hội để có thể trình bày với người ra quyết định về tính phù hợp
của chính sách, chương trình, hoạt động, dự án về mặt môi trường, nhằm ra quyết định
có tiếp tục thực hiện hay không.
(3) Đối với các chương trình, chính sách, hoạt động, dự án được chấp nhận thực
hiện thì ĐTM tạo ra cơ hội trình bày sự phối kết hợp các điều kiện có thể giảm nhẹ tác
động có hại tới môi trường.
(4) ĐTM tạo ra phương thức để cộng đồng có thể đóng góp cho quá trình ra quyết
định thông qua các đề nghị bằng văn bản hoặc ý kiến gửi tới người ra quyết định. Công

11
chúng có thể tham gia vào quá trình này trong các cuộc họp công khai hoặc trong việc
hòa giải giữa các bên (thường là bên gây tác động và bên chịu tác động).
(5) Với ĐTM, toàn bộ quá trình phát triển được công khai để xem xét một cách
đồng thời lợi ích của tất cả các bên: bên đề xuất dự án, Chính phủ và cộng đồng. Điều
đó góp phần lựa chọn được dự án tốt hơn để thực hiện.
(6) Những dự án mà về cơ bản không đạt yêu cầu hoặc đặt sai vị trí thì có xu hướng
tự loại trừ, không phải thực hiện ĐTM và tất nhiên là không cần cả đến sự chất vấn của
công chúng.
(7) Thông qua ĐTM, nhiều dự án được chấp nhận nhưng phải thực hiện những điều
kiện nhất định, chẳng hạn chủ dự án phải đảm bảo quá trình đo đạc, giám sát, lập báo
cáo hàng năm, phải có phân tích sau dự án và kiểm toán độc lập.
(8) Trong ĐTM phải xét cả đến các khả năng thay thế, chẳng hạn như công nghệ,
địa điểm đặt dự án phải được xem xét hết sức cẩn thận.
(9) ĐTM được coi là công cụ phục vụ phát triển, khuyến khích phát triển tốt hơn,
trợ giúp cho tăng trưởng kinh tế.
(10) Trong nhiều trường hợp, ĐTM chấp nhận sự phát thải, kể cả phát thải khí nhà
kính cũng như việc sử dụng không hợp lý tài nguyên ở mức độ nào đấy, nghĩa là chấp
nhận vì sự phát triển và tăng trưởng kinh tế.
Qua phân tích mục đích, vai trò của ĐTM ta thấy rõ ý nghĩa to lớn của nó trong sự
phát triển chung của nhân loại, thể hiện ở chỗ ĐTM là công cụ quản lý môi trường quan
trọng. Song nó không nhằm thủ tiêu, loại trừ, gây khó dễ cho phát triển kinh tế - xã hội
như nhiều người lầm tưởng mà hỗ trợ phát triển theo hướng đảm bảo hiệu quả kinh tế,
bảo vệ môi trường. Vì vậy, nó góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững.
Có thể tóm tắt ý nghĩa của ĐTM là: làm công việc này tốt thì quản lý môi trường
tốt, quản lý môi trường tốt thì công việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sẽ tốt, đặc biệt là
trong tương lai. Điều đó thể hiện qua một số điểm cụ thể sau:
- ĐTM khuyến khích công tác quy hoạch tốt hơn. Việc xem xét kỹ lưỡng dự án và
những dự án có khả năng thay thế từ công tác ĐTM sẽ giúp cho dự án hoạt động có hiệu
quả hơn.
- ĐTM có thể tiết kiệm được thời gian và tiền của trong thời hạn phát triển lâu dài.
Qua các nhân tố môi trường tổng hợp, được xem xét đến trong quá trình ra quyết định ở
giai đoạn quy hoạch, mà các cơ sở và Chính phủ tránh được những chi phí không cần
thiết, đôi khi tránh được những hoạt động sai lầm, phải khắc phục trong tương lai.
- ĐTM giúp cho Nhà nước, các cơ sở và cộng đồng có mối liên hệ chặt chẽ hơn.
Các đóng góp của cộng đồng trước khi dự án được đầu tư, hoạt động có thể nâng cao
mối liên hệ cộng đồng và đảm bảo hiệu quả đầu tư. Thực hiện công tác ĐTM tốt có thể
đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng trong tương lai. Thông qua các kiến nghị của

12
ĐTM, việc sử dụng tài nguyên sẽ thận trọng hơn và giảm được sự đe dọa của suy thoái
môi trường đến sức khoẻ con người và hệ sinh thái.

1.3. Định nghĩa và nội dung cơ bản của đánh giá tác động môi trường

1.3.1. Định nghĩa đánh giá tác động môi trường


Có rất nhiều cách hiểu, hay định nghĩa về ĐTM. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có
một định nghĩa chung đầy đủ, vạn năng về ĐTM. Ta có thể nêu ra một vài ví dụ đã
được trích dẫn trong các tài liệu để chứng tỏ tính đa dạng của định nghĩa ĐTM.
“ĐTM hoặc phân tích tác động môi trường là sự xem xét một cách có hệ thống các
hậu quả về môi trường của các đề án, chính sách và chương trình với mục đích chính là
cung cấp cho người ra quyết định một bản liệt kê và tính toán các tác động mà các
phương án hành động khác nhau có thể đem lại” (Clark. Brian D...1980).
“ĐTM được coi là một kỹ thuật, một quá trình thu thập thông tin về ảnh hưởng môi
trường của một dự án từ người chủ dự án và các nguồn khác, được tính đến trong việc
ra quyết định cho dự án tiến hành hay không” (Do E.coli, 1989).
“ĐTM là quá trình thu thập thông tin về ảnh hưởng, tác động của dự án đề xuất,
phân tích các thông tin này và gửi kết quả tới người ra quyết định” (IChemE, 1994).
“ĐTM của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội là xác định, phân tích và dự báo
những tác động lợi và hại, trước mắt và lâu dài mà việc thực hiện hoạt động có thể gây
ra cho tài nguyên thiên nhiên và chất lượng môi trường sống của con người tại nơi có
liên quan tới hoạt động, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp phòng, tránh, khắc phục các
tác động tiêu cực” (Lê Thạc Cán, 1994).
Trong Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam năm 2005, ĐTM được định nghĩa như
sau: “ĐTM là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ
thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó”.
Trong hướng dẫn chung về ĐTM năm 2010 của Cục Thẩm định và Đánh giá Tác
động môi trường, thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ rõ:
“Đánh giá tác động môi trường về bản chất là quá trình dự báo, đánh giá tác động của
một dự án đến môi trường, bao gồm môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội và đưa ra các
biện pháp phòng tránh, giảm thiểu tác động lên môi trường”.
Từ các định nghĩa trên, có thể thấy sự nhất trí về mục đích và bản chất ĐTM. Một
số điểm khác biệt trong chúng thể hiện sự khác biệt trong nhận thức về nghĩa của từ
“môi trường” và bản chất của dự án được đánh giá.
Một số điểm trong cách hiểu về ĐTM có thể thống nhất như sau:
- ĐTM là quá trình xác định khả năng ảnh hưởng đến môi trường xã hội và cụ thể là
đến sức khoẻ của con người.

13
- Đánh giá tác động đến các thành phần môi trường, vật lý, sinh học, kinh tế - xã hội
nhằm giúp cho việc ra quyết định một cách hợp lý và logic.
- ĐTM đưa ra biện pháp, nhằm giảm bớt những tác động có hại, kể cả việc áp dụng
các biện pháp thay thế.

1.3.2. Nội dung cơ bản của báo cáo đánh giá tác động môi trường
Nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định trong Luật Bảo
vệ môi trường năm 2005, bao gồm các nội dung sau:
- Liệt kê, mô tả chi tiết các hạng mục công trình của dự án kèm theo quy mô về
không gian, thời gian và khối lượng thi công; công nghệ vận hành của từng hạng mục
công trình và của cả dự án.
- Đánh giá chung về hiện trạng môi trường nơi thực hiện dự án và vùng kế cận; mức
độ nhạy cảm và sức chịu tải của môi trường.
- Đánh giá chi tiết các tác động môi trường có khả năng xảy ra khi dự án được thực
hiện và các thành phần môi trường, yếu tố kinh tế - xã hội chịu tác động của dự án; dự
báo rủi ro về sự cố môi trường do công trình gây ra.
- Các biện pháp cụ thể giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường; phòng ngừa,
ứng phó sự cố môi trường.
- Cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng và
vận hành công trình.
- Danh mục công trình, chương trình quản lý và giám sát các vấn đề môi trường
trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
- Dự toán kinh phí xây dựng các hạng mục công trình bảo vệ môi trường trong tổng
dự toán kinh phí của dự án.
- Ý kiến của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban
nhân dân cấp xã), đại diện cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án; các ý kiến không tán
thành việc đặt dự án tại địa phương hoặc không tán thành đối với các giải pháp bảo vệ
môi trường phải được nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
- Chỉ dẫn nguồn cung cấp số liệu, dữ liệu và phương pháp đánh giá.

1.4. Mối quan hệ giữa đánh giá tác động môi trường với phát triển kinh tế và các
công cụ quản lý môi trường
ĐTM được coi là công cụ hữu hiệu trong quản lý môi trường và sự phát triển bền
vững. Đây là mối quan hệ hai chiều được minh họa ở hình 1.1.
Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ này ở mỗi nước cũng không giống nhau, có
thể một công cụ được áp dụng hiệu quả ở nước này lại tỏ ra kém hiệu quả hơn ở các
nước khác.

14
Pháp luật
Sách lược Kinh tế

Thông tin
Quy hoạch dữ liệu
ĐTM

Kế toán
Quản lý tai biến
môi trường môi trường

Giáo dục
đào tạo

Hình 1.1. Mối quan hệ giữa đánh giá tác động môi trường
và các công cụ bảo vệ môi trường khác
1.4.1. Công cụ chính sách, chiến lược
Mỗi quốc gia đều có hệ thống các chính sách, chiến lược phát triển riêng của mình.
Đây là công cụ để chỉ đạo toàn bộ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo vệ
môi trường. Rõ ràng, chính sách phát triển có quan hệ mật thiết với chính sách, chiến
lược bảo vệ môi trường. Nếu tách rời chúng thì không thể thực hiện tốt việc phát triển
cũng như bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, chúng ta xét các chính sách, chiến lược này
như một thể thống nhất.
Trong xu thế toàn cầu hóa công tác bảo vệ môi trường, hiện nay đã và đang hình
thành chính sách, chiến lược ở phạm vi liên quốc gia, châu lục và toàn thế giới.
Việt Nam cũng đã có những chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi
trường. Năm 1986, nước ta đã đề xuất chiến lược quốc gia bảo vệ thiên nhiên, môi
trường.
Công cụ chiến lược, chính sách có mối quan hệ hai chiều với ĐTM. Một mặt, ĐTM
các dự án cụ thể phải được thực hiện trong khuôn khổ các chính sách, chiến lược, mặt
khác các chính sách, chiến lược lại là đối tượng của ĐTM chiến lược (ĐMC).

1.4.2. Công cụ pháp chế


Công cụ này bao gồm các luật, quy định, chế định liên quan tới bảo vệ môi trường.
thường thì mỗi quốc gia có một luật chung (Luật cơ bản) về ĐTM và các luật khác liên
quan như các Luật về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ví dụ như: Luật Bảo vệ
rừng, Luật Khoáng sản, Luật Đất đai...
Quy định, nghị định là những văn bản dưới luật nhằm cụ thể hóa hoặc hướng dẫn
thực hiện các nội dung của luật, quy định, nghị định có thể do cơ quan lập pháp hoặc
hành pháp ban hành.

15
Chế định là các quy định về chế độ, thể lệ, tổ chức quản lý bảo vệ môi trường.
Những luật, quy định, chế định nêu trên có mối quan hệ rất khăng khít với ĐTM.
Luật quy định công tác ĐTM giúp công tác này có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Các Luật Đất đai, Luật Bảo vệ rừng, Luật Khoáng sản... cung cấp những cơ sở pháp
lý cho việc thực hiện ĐTM đối với các dự án liên quan đến lĩnh vực sử dụng các tài
nguyên này.
Một văn bản hết sức quan trọng có ở tất cả các quốc gia và một số tổ chức thế giới
đó là tiêu chuẩn môi trường. Tiêu chuẩn môi trường rất đa dạng, bao gồm nhiều yếu tố,
đại lượng đặc trưng cho chất lượng môi trường. Danh mục các tiêu chuẩn là một trong
những căn cứ quan trọng để xác định mức “đáng kể” của tác động.
Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam quy định tiêu chuẩn môi trường là những
chuẩn mực, giới hạn cho phép, được quy định, dùng làm căn cứ để quản lý môi
trường. Do đó, các dự án không được gây tác động tới môi trường vượt các tiêu chuẩn
quy định.
Như vậy, công cụ luật pháp giúp công tác ĐTM trở thành một công việc bắt buộc,
đồng thời nó cung cấp cơ sở để tiến hành công tác này thuận lợi hơn. Khi tiến hành
ĐTM nhất thiết phải thu thập và nghiên cứu tất cả các văn bản luật cũng như các quy
định, nghị định liên quan. Đôi khi công việc này khá vất vả vì số lượng các văn bản này
khá lớn lại hay thay đổi, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

1.4.3. Công cụ kế hoạch hóa


Với nền kinh tế phát triển, kế hoạch hóa là công cụ không thể thiếu được. Ngay
cả việc bảo vệ môi trường trên quy mô lớn cũng cần phải được quy hoạch nhằm đảm
bảo khả năng thực tế cho việc thực thi. Quy hoạch môi trường có mối quan hệ mật
thiết với các quy hoạch phát triển kinh tế, quy hoạch phát triển lãnh thổ, quy hoạch
sử dụng tài nguyên. Trong các quy hoạch tổng thể, tài nguyên môi trường được xem
xét một cách khái quát, dài hạn, còn trong các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn
chúng được đề cập chi tiết hơn, đồng bộ và cân đối hơn giữa mục tiêu và nguồn lực.
Ở các nước phát triển, các kế hoạch được lập và thực thi rất hiệu quả. Song ở các
nước đang phát triển, công tác này còn hạn chế vì thiếu kinh nghiệm và nguồn lực về
kinh tế, kỹ thuật.
ĐTM các dự án cụ thể phải bám sát công tác kế hoạch hóa, trên cơ sở đó mà có các
đánh giá phù hợp. Chẳng hạn, việc đánh giá một tác động ở vùng được quy hoạch để
cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt phải khác vùng không quy hoạch.
Ngược lại, các quy hoạch lãnh thổ lại là đối tượng của ĐTM, nghĩa là phải xem
xét sự phù hợp của nó đối với việc bảo vệ môi trường. Nếu bước quy hoạch đúng,

16
thì các dự án thực thi sẽ không gây tác động đáng kể đến chất lượng tài nguyên và
môi trường sống, khi đó, nó sẽ mang lại lợi ích cho con người. Ngược lại, quy
hoạch bất hợp lý có thể mang lại tổn thất về tài nguyên và môi trường, cần đến chi
phí để khắc phục.
Như vậy, tương ứng với chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, cần có
chính sách, chiến lược bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Hai loại chính
sách, chiến lược này thống nhất, hỗ trợ nhau để đảm bảo các mục tiêu phát triển chung.
Những người lập chính sách hỗ trợ phát triển sẽ phải góp phần điều chỉnh chính sách
kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế hơn.
Hệ thống pháp luật về môi trường cũng phải đưa ra trên cơ sở hiểu biết về các điều
kiện môi trường và phương hướng phát triển kinh tế. Nếu luật pháp không phù hợp có
thể gây cản trở phát triển kinh tế hoặc gây tổn thất cho thiên nhiên và môi trường.

1.4.4. Công cụ thông tin, dữ liệu


Bảo vệ môi trường là công việc đòi hỏi cơ sở khoa học liên ngành, cả khoa học tự
nhiên lẫn khoa học xã hội. Chỉ tính riêng khoa học tự nhiên, ta đã thấy mối liên hệ của
công tác này với các ngành sinh vật học, thuỷ văn học, khí tượng học, lâm nghiệp, hải
dương học,... Nghĩa là, khi xử lý một vấn đề môi trường ta cần tổng hợp kiến thức của
nhiều ngành. Mỗi ngành khoa học lại cần có một hệ thống thông tin, dữ liệu riêng,
chẳng hạn nghiên cứu khí hậu học, ta phải có số liệu đo đạc dài hạn của rất nhiều trạm
với nhiều yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, gió, mưa, áp suất khí quyển... Do vậy, số lượng
các yếu tố cũng như độ dài các dãy số liệu cần cho công tác nghiên cứu bảo vệ môi
trường chưa có trong các phép đo của các ngành này.
Ở các nước phát triển đã hình thành mạng lưới đo đạc các yếu tố môi trường, được
gọi là hệ thống monitoring. Hệ thống này bao gồm nhiều trạm đo đạc, thu thập các yếu
tố như: nồng độ các chất ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm đất, tiếng ồn... Tùy
theo mục đích, quy mô nghiên cứu mà người ta bố trí vị trí đo, soạn thảo quy trình đo và
tần suất đo thích hợp, đảm bảo số liệu thu được có thể trả lời được các câu hỏi, vấn đề
đặt ra.
Số liệu thu được từ các nguồn khác nhau sẽ được tổng hợp, chỉnh lý, xử lý để
nâng cao độ tin cậy và dễ sử dụng, tạo lên cơ sở dữ liệu thống nhất của quốc gia hoặc
khu vực. Ngoài số liệu đo đạc ở mặt đất, chúng ta còn có thể sử dụng các số liệu quan
trắc từ vệ tinh, số liệu viễn thám. Với kỹ thuật khai thác hiện đại, các số liệu viễn
thám trở thành cơ sở tin cậy cho các luận cứ khoa học nói chung và bảo vệ môi trường
nói riêng.
Công cụ thông tin dữ liệu có tính chất quyết định đến sự đúng đắn và độ chính xác
của các nhận định về hiện trạng tài nguyên, dự báo diễn biến các yếu tố môi trường

17
cũng như tác động môi trường của các dự án đã, đang và sẽ hoạt động. Số liệu đã giúp
chúng ta đánh giá hiện trạng môi trường, làm nền cho đánh giá tác động của các dự án
sẽ hoạt động đến môi trường khu vực. Số liệu đo đạc khi dự án đã hoạt động sẽ giúp
điều chỉnh hoạt động đúng hướng hơn, hiệu quả hơn. Đây là công cụ phục vụ nhiều lĩnh
vực khác nhau và không thể thiếu được trong ĐTM.

1.4.5. Kế toán môi trường


Đây là công cụ mới được áp dụng trong quản lý môi trường, có lẽ công cụ này mô
phỏng công tác kế toán, tài chính đã được sử dụng trước đó. Kế toán môi trường là sự
phân tích, tính toán nhằm xác định một cách định lượng với độ chính xác nhất định về
sự gia tăng hoặc suy thoái môi trường, dự trữ tài nguyên thiên nhiên trong một khoảng
thời gian nào đấy do các hoạt động phát triển mang lại.
Kế toán môi trường có khác hơn với thông tin dữ liệu ở chỗ nếu công cụ thông tin
cho biết hiện trạng chất lượng môi trường thông qua số liệu đo đạc đã được chỉnh lý
thì kế toán môi trường còn xác định giá trị tài nguyên môi trường qua đơn vị tiền tệ.
Như vậy, với sự thay đổi giá trị tài nguyên thiên nhiên, môi trường được tính bằng
tiền theo thời gian sẽ giúp ta xác định được “lợi ích”, “mất mát” do hoạt động phát
triển mang lại. Việc xác định các giá trị các tài nguyên môi trường bằng tiền nhiều khi
rất khó bởi vì nhiều loại tài nguyên môi trường rất khó định giá. Một số loại nguyên
vật liệu như: gỗ, khoáng sản, đất,... có thể định giá qua thị trường, song, chất lượng
không khí, chất lượng nước, đa dạng sinh học... lại không thể hoặc rất khó định giá
thông qua thị trường. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn có thể dùng một số phương
pháp khác để ước tính giá trị tài nguyên môi trường bằng tiền. Một số nước đã đưa ra
các phương pháp kế toán cụ thể đối với một số loại tài nguyên trên cơ sở các dữ liệu
quan trắc tài nguyên môi trường. Tất nhiên, các con số đánh giá này chỉ là ước tính,
không thể phản ánh hết giá trị của tài nguyên thiên nhiên, nhưng nếu sử dụng đồng
nhất cách đánh giá sẽ cho phép chúng ta so sánh xu thế thay đổi của tài nguyên môi
trường theo thời gian.

1.4.6. Quản lý tai biến môi trường


Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam đã đưa ra khái niệm về sự cố môi trường “sự
cố môi trường là các tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động hoặc sự biến
đổi thất thường của thiên nhiên, gây suy thoái môi trường nghiêm trọng”. Các nguyên
nhân có thể dẫn đến tai biến, rủi ro môi trường cũng được đề cập trong luật.
Hai đặc trưng cơ bản của tai biến cần chú ý là:
- Xảy ra bất thường, với tần suất thấp.
- Hậu quả nặng nề.

18
Trong lịch sử loài người đã chứng kiến rất nhiều tai biến như: núi lửa, động đất,
cháy rừng (tai biến thiên nhiên) hoặc nổ nhà máy điện nguyên tử, vỡ đập nước, tràn
dầu... (tai biến nhân tạo). Hàng năm, tổn thất về người và của do các tai biến gây ra rất
lớn. Do vậy, việc quản lý tai biến môi trường là rất cần thiết và khi làm tốt công tác này
sẽ tránh được những sự cố đáng tiếc.
Trong quá trình phát triển, con người đã tiến hành nhiều hoạt động sản xuất trong
đó có nhiều hoạt động chứa đựng tiềm năng gây tai biến lớn. Muốn làm giảm tiềm năng
cũng như thiệt hại khi tai biến xảy ra, công tác quản lý tai biến môi trường phải làm tốt
những hoạt động sau:
- Xác định các loại tai biến
- Xác định các đặc trưng tai biến
- Đánh giá xác suất xảy ra tai biến
- Đánh giá thiệt hại do tai biến gây lên.
Trong ĐTM, đánh giá tai biến được đề cập như một phần quan trọng. Báo cáo ĐTM
cũng phải nêu được 4 hoạt động trên, ngoài ra phải đề ra các biện pháp khắc phục. Ví
dụ: Khi xây đập thủy điện, người ta phải nghĩ ngay tới khả năng vỡ đập do động đất
kích thích, do rò rỉ trong địa hình Kaster, do phá hoại hoặc do bảo dưỡng không tốt,...
Để giảm bớt phải đưa ra được các biện pháp như xây đập đủ chắc, có biện pháp theo
dõi, đo đạc động đất, kiểm soát liên tục trên phạm vi đập, có biện pháp thông báo, trợ
giúp khắc phục hậu quả khi đập vỡ,...

1.4.7. Giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức của nhân dân
Môi trường sống là tài sản chung của mọi người, mọi người đều có trách nhiệm giữ
gìn, nâng cao chất lượng môi trường. Thế nhưng, để đông đảo nhân dân tham gia một
cách tự giác vào công tác này phải nâng cao nhận thức cho nhân dân. Khái niệm nhân
dân ở đây bao gồm mọi tầng lớp trong xã hội, mọi người sẽ đóng góp vào sự nghiệp bảo
vệ môi trường theo năng lực, nhận thức, kiến thức của mình. Phần đóng góp của các nhà
khoa học có thể khác với phần đóng góp của công nhân, nông dân hoặc của người lãnh
đạo đất nước nhưng đều vì mục tiêu chung và đều phải dựa trên cơ sở nhận thức được
trách nhiệm của mình.
Các kiến thức về môi trường của nhân dân có thể thu thập được thông qua đào
tạo ở các cấp học hoặc tự đào tạo. Hiện nay, các kiến thức về môi trường và trách
nhiệm bảo vệ môi trường đang được đưa vào chương trình giảng dạy ở tất cả các cấp
học. Ở các cấp học phổ thông, những kiến thức cơ bản, dễ hiểu về môi trường và bảo
vệ môi trường được trình bày nhằm định hướng và từng bước nâng cao ý thức cho
học sinh.

19
Khoa học môi trường là khoa học liên ngành và mới ra đời, vì vậy không thể một
lúc có được ngay đội ngũ khoa học lớn mạnh, được đào tạo chuyên về môi trường mà
phải đào tạo tiếp từ các nguồn khác và mở thêm các khóa học ngắn hạn hơn về môi
trường cho các cán bộ ở các cơ quan quản lý môi trường, ra quyết định về môi trường.
Hướng này đang được các tổ chức quốc tế quan tâm, đặc biệt cho các nước đang phát
triển. Ở Việt Nam, nhiều khóa học đã được mở ra ở nhiều địa phương với sự tài trợ của
nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia. Riêng các khóa huấn luyện về ĐTM, do các viện,
trường mở ra hàng năm đã đào tạo, nâng cao kiến thức cho hàng trăm cán bộ.
Việc nâng cao kiến thức cho đông đảo nhân dân sẽ giúp cho họ đóng góp có hiệu
quả hơn vào công tác ĐTM. Những ý kiến của nhân dân sẽ xác đáng hơn, có cơ sở khoa
học hơn, giúp cho những người thực hiện ĐTM có thể điều chỉnh những sai sót mắc
phải trong quá trình thực thi.
Tuyên truyền, giáo dục môi trường trên các phương tiện phát thanh, truyền hình,
sách báo hoặc từ các nhóm tự nguyện cũng rất quan trọng. Hiện nay, trên các phương
tiện này, thời lượng phát thanh, truyền hình cũng như số lượng trang viết liên quan tới
môi trường nói chung và ĐTM nói riêng không ngừng tăng lên, góp phần nâng cao ý
thức của công chúng đối với công tác này.

1.4.8. Nghiên cứu và triển khai khoa học, công nghệ


Nghiên cứu, triển khai khoa học, công nghệ đã thu được những kết quả hết sức to
lớn và được coi là cứu cánh đối với sự phát triển của loài người. Thành tựu ấy đã giúp
giải quyết những vấn đề tưởng như nan giải: tăng năng suất lao động, nâng cao mức
sống cho số lượng người ngày một tăng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, lạm dụng công
nghệ lại có thể dẫn tới tác động đến môi trường, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, phải
xét phát triển công nghệ ở cả hai mặt của nó.
Trước hết, công nghệ tiên tiến giúp chúng ta tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn và tiết
kiệm hơn tài nguyên môi trường. Hàng hóa sản xuất ra ngày một nhiều, đa dạng về
chủng loại. Công nghệ sinh học giúp ta lai tạo được những giống năng suất cao, chống
chịu được sâu bệnh. Công nghệ điện tử giúp con người có thông tin nhanh hơn. Cơ khí
hóa với những máy móc tinh xảo làm giảm nhẹ lao động cho con người. Đó là những ví
dụ dễ thấy về thành tựu triển khai nghiên cứu khoa học công nghệ.
Việc tăng cường sản xuất, áp dụng công nghệ cao, tất yếu dẫn tới khai thác tài
nguyên nhiều hơn và xả thải vào môi trường nhiều chất ô nhiễm hơn. Với chức năng
đồng hóa chất thải, môi trường chỉ chứa được lượng rất nhỏ, phần còn lại phải được xử
lý. Không phải ai khác, mà chính lại là công nghệ sẽ giải quyết vấn đề này. Một mặt cần
áp dụng những công nghệ mới, có lợi cho môi trường (chẳng hạn công nghệ sạch), mặt
khác phải có các công nghệ xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường.

20
Tuy nhiên, hiện nay nhiều người còn nghi ngờ, không biết giải pháp công nghệ có
thể giải quyết hết được các vấn đề đặt ra không, hay chính nó lại gây ra những vấn đề
nan giải khác. Chẳng hạn, vào những năm 60 khi có được thuốc trừ sâu DDT, năng suất
nông nghiệp tăng và ổn định, nhưng chỉ hơn 20 năm sau, các nhà khoa học đã chỉ ra khả
năng tích luỹ chất này trong lương thực, có thể gây bệnh cho người.
Cho dù có những nghi ngờ như vậy, chúng ta vẫn tin vào khả năng phát triển khoa
học, công nghệ và tác động to lớn của nó đối với sự phát triển của loài người.
Kiến thức về phát triển khoa học, công nghệ rất cần thiết cho công tác ĐTM, vì nắm
vững kiến thức về các công nghệ này sẽ có khả năng phân tích các tác động của hoạt
động sản xuất đến môi trường. Cùng sản xuất điện nhưng tác động đến môi trường của
nhà máy thuỷ điện khác rất xa với nhà máy nhiệt điện, cùng sản xuất một loại hàng hóa
như nhau có thể có nhiều công nghệ khác nhau. Vì vậy trong ĐTM phải đánh giá được
công nghệ nào ít gây tác động hoặc gây ra những tác động dễ khắc phục. Điều này rất
quan trọng, có thể giúp người sản xuất thay đổi công nghệ lạc hậu bằng công nghệ tiên
tiến hơn.
Một trong những nội dung cơ bản của ĐTM là đề xuất các giải pháp phòng tránh,
khắc phục, xử lý các tác động tiêu cực. Giải pháp công nghệ sẽ là một trong các giải
pháp chính có thể đảm nhận công việc này. Các công nghệ xử lý chất thải được nghiên
cứu và áp dụng cho phép loại bỏ một số loại chất độc có trong chất thải trước khi thải ra
môi trường. Người thực hiện ĐTM phải chỉ rõ những công nghệ nào là thích hợp với
việc xử lý chất thải của dự án gây ra.

1.4.9. Công cụ kinh tế


Có thể coi công cụ kinh tế là công cụ tổng hợp, nó không chỉ dựa trên cơ sở các
công cụ nêu trên, mà còn chỉ ra khả năng thực thi về mặt tài chính. Kết quả nghiên cứu
trong kinh tế môi trường chỉ ra rằng, hoạt động sản xuất luôn tạo lên ngoại ứng tới môi
trường xung quanh. Chi phí giải quyết các ngoại ứng này chưa được tính trong chi phí
sản xuất. Vì vậy, trong kinh tế môi trường đã đưa ra cách tiếp cận công cụ kinh tế có
tính đến chi phí ngoại ứng để tìm ra được mức sản xuất tối ưu, đó là mức sản xuất cho
tổng lợi nhuận xã hội (bao gồm cả hệ sản xuất và môi trường xung quanh) đạt cực đại.
Để đảm bảo hoạt động sản xuất ở mức tối ưu, nhiều nhà khoa học đã đưa ra các
biện pháp kinh tế, chẳng hạn theo Ronall Coase thì có thể sử dụng thị trường, thông qua
mặc cả đền bù giữa người sản xuất (người gây ô nhiễm) và người chịu ô nhiễm hoặc đặt
ra thứ thuế buộc người sản xuất điều chỉnh mức sản xuất về mức tối ưu.
Nhà nước cũng có thể áp dụng các biện pháp buộc người sản xuất giảm mức thải như
định ra tiêu chuẩn hoặc phát hành quota ô nhiễm. Các quota ô nhiễm dựa trên ý tưởng

21
quota xuất nhập khẩu, nghĩa là người sản xuất muốn thải, phải mua quota và quota này có
thể chuyển nhượng được. Với hệ thống quota như vậy có thể giúp những người sản xuất
tính toán, chuyển nhượng quota cho nhau nhằm tối thiểu hóa toàn bộ chi phí phát thải.
Kinh tế môi trường cũng đã chỉ ra những nguyên lý cơ bản của việc sử dụng tài
nguyên thiên nhiên, cả tài nguyên tái tạo được và không tái tạo được, hướng tới phát
triển bền vững mà vẫn thu được lợi nhuận cao. Những nguyên lý này, cần được tính đến
trong các báo cáo ĐTM.
Như vậy, công cụ kinh tế đã và đang được áp dụng trong quản lý môi trường hiện
nay là: thuế, phí, quota, quỹ môi trường. Trong những trường hợp cụ thể, có thể đề xuất
các giải pháp này như là giải pháp giảm bớt, khắc phục hậu quả và ngăn chặn tác động
có hại. Chẳng hạn trong ĐTM ta có thể đề xuất một biện pháp công nghệ để xử lý, song
vấn đề tài chính lại không cho phép. Khi đó có thể áp dụng giải pháp lập quỹ môi
trường tạo nguồn vốn cho công tác này trong khu vực. Nguồn vốn này vừa giúp, vừa bắt
buộc chủ dự án phải áp dụng các biện pháp xử lý ô nhiễm, khắc phục hậu quả được đề
ra trong báo báo cáo ĐTM.
Ngược lại, chính thông tin thu thập được trong quá trình ĐTM lại có thể giúp thực
hiện các công cụ kinh tế tốt hơn, việc xác định các chỉ tiêu chính xác hơn.
Tóm lại, ĐTM là công cụ quản lý môi trường, có mối quan hệ hai chiều với tất cả
các công cụ khác.

1.5. Tổ chức và quản lý công tác đánh giá tác động môi trường
ĐTM là công cụ trong quản lý môi trường, nó có mối liên hệ hai chiều với các công
cụ khác, cũng có nghĩa là việc tổ chức và quản lý công tác này phải có sự thống nhất
của các cơ quan liên quan. Có thể tách các cơ quan này thành 4 nhóm có 4 chức năng và
sự tham gia khác nhau vào quá trình ĐTM.

1.5.1. Các cơ quan ban hành luật, quy định về bảo vệ môi trường và đánh giá tác
động môi trường
Nhiệm vụ của các cơ quan này là:
- Ban hành luật, quy định, nghị định, thông tư về bảo vệ môi trường.
- Lập, duyệt các chủ trương, đường lối, chính sách bảo vệ môi trường với quy
mô lớn.
- Theo dõi quá trình thực hiện công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Quốc hội hoặc cơ quan tương đương có quyền thông qua và đề nghị Tổng thống,
Chủ tịch nước ban hành các luật cơ bản như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ khai
thác tài nguyên thiên nhiên.

22
Chính phủ, bộ, các chính quyền địa phương có thể ban hành các nghị định, quy định
liên quan tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Rõ ràng luật pháp đã định hướng cho công tác ĐTM, giúp cho công tác này được
tiến hành một cách dễ dàng và hiệu quả.
Các cơ quan này không những ban hành luật, chủ trương, chính sách mà còn theo
dõi việc thực hiện trong thực tế để có thể điều chỉnh cho phù hợp.
Hệ thống các cơ quan này ở các nước phát triển đã hình thành và hoạt động tương
đối đồng bộ và có hiệu quả. Ở các nước đang phát triển, các cơ quan này đã hình thành
nhưng hoạt động vẫn còn bị hạn chế.

1.5.2. Cơ quan quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đánh giá tác động
môi trường
Các cơ quan này bao gồm chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Họ có
trách nhiệm quản lý toàn bộ tài nguyên thiên nhiên, môi trường nói chung và công tác
ĐTM nói riêng. Riêng đối với ĐTM, các cơ quan này có những chức năng:
- Cụ thể hóa và đưa ra các văn bản hướng dẫn việc thi hành các điều luật về ĐTM.
- Duyệt, thẩm định các báo cáo ĐTM hoặc các tài liệu liên quan.

1.5.3. Cơ quan thực thi đánh giá tác động môi trường
Các cơ quan thực thi đánh giá môi trường bao gồm:
- Cơ quan quản lý.
- Chủ dự án hoặc cơ quan chủ trì dự án.
- Cơ quan độc lập khác.
Nếu để cơ quan quản lý môi trường thực hiện ĐTM các dự án thì có thể khách quan
hơn, họ không vì quyền lợi của dự án mà có những kết luận sai về các tác động. Nhưng,
họ lại hiểu biết ít về dự án, kể cả công nghệ, nguyên, nhiên liệu đầu vào lẫn sản phẩm
đầu ra. Vì vậy, họ có thể bỏ sót những tác động đáng kể. Hơn nữa cơ quan quản lý môi
trường là cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM nên không thể để họ thực hiện ĐTM được vì
khi đó chính họ lại thẩm định công việc của mình. Hơn nữa kinh phí cho công tác này
thường lại do chủ dự án cung cấp chứ không thể lấy từ nguồn ngân sách được, nên
người đánh giá sẽ gặp khó khăn về cung cấp kinh phí.
Nếu thành lập các cơ quan độc lập, chuyên thực hiện ĐTM thì họ cũng gặp khó
khăn vì mỗi cơ quan dạng này chỉ có thể đánh giá tốt một vài loại dự án, với loại dự án
khác họ phải tốn thêm chi phí tìm hiểu và rất có thể bỏ qua những tác động đáng kể.
Vấn đề kinh phí thực hiện cũng sẽ gặp khó khăn, bởi vì rất khó xác định mức kinh phí

23
cụ thể cho một dự án vì vậy, đôi lúc do cạnh tranh, họ có thể chấp nhận khoản chi phí ít
nhưng thực hiện ĐTM không được chi tiết hoặc bỏ qua nhiều tác động đáng kể. Đôi khi
để nhận được nhiều tiền, họ có thể liệt kê hoặc tiến hành đánh giá cả tác động không
đáng kể, rất lãng phí.
Nhiều người vẫn cho rằng việc giao cho cơ quan độc lập với chủ dự án tiến hành
ĐTM thì khách quan hơn, nhưng trong thực tế nếu có sự móc ngoặc giữa họ thì tính
khách quan sẽ không còn nữa. Để đảm bảo quyền lợi của mình họ vẫn có thể bỏ qua
những tác động đáng kể mà dự án gây nên đối với môi trường.
Một điểm nữa cần lưu ý là khi thành lập những cơ quan như vậy, hệ thống cơ quan
ĐTM sẽ rất cồng kềnh, khó quản lý.
Hiện nay đa số các ý kiến đồng nhất cho rằng chủ dự án thực hiện ĐTM là hợp lý
hơn cả. Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam cũng xác định trách nhiệm này cho các
chủ dự án và cơ quan chủ trì dự án. Khi đó có thể kể ra một số ưu điểm sau:
- Chủ dự án là người am hiểu các hoạt động dự án và khả năng tác động của dự án
tới môi trường.
- Những kiến thức còn thiếu, họ có thể yêu cầu các tổ chức, cơ quan cụ thể giúp đỡ.
- Họ sẽ là người thực thi các biện pháp giảm thiểu, xử lý tác động môi trường nên
các giải pháp đưa ra sẽ có tính khả thi cao.
- Họ có thể tối thiểu hóa được chi phí cho ĐTM khi ghép các hoạt động đánh giá
cùng với các hoạt động sản xuất của họ.
- Tính khách quan của công tác ĐTM vẫn đảm bảo nếu có cơ chế nhận xét, thẩm
định thích hợp.

1.5.4. Các cơ quan tham gia, hỗ trợ và nhận xét


Trách nhiệm thực hiện ĐTM thuộc về chủ dự án. Song, vẫn cần sự hỗ trợ, tư vấn,
nhận xét, đánh giá của cộng đồng và các cơ quan. Kiến thức sử dụng trong ĐTM rất
rộng, vì vậy, cần có sự tham gia của các viện nghiên cứu, các trường đại học và của
từng chuyên gia. Sau đây là một hệ thống kiến thức cần cho ĐTM để làm ví dụ cho tính
đa dạng, liên ngành của công tác này.
- Khối kiến thức về các hoạt động phát triển
Khối kiến thức này bao gồm kiến thức về loại dự án, công nghệ sản xuất, quy hoạch
phát triển, cơ sở hạ tầng... Khối kiến thức này khai thác chủ yếu từ chủ dự án thông qua
luận chứng kinh tế - kỹ thuật. Tuy nhiên cần phải mở rộng hơn thông qua chuyên gia
quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành hoặc khu vực. Mỗi một dự án cụ thể cần phải nắm
bắt được quy mô, nguyên nhiên liệu đầu vào, quy trình sản xuất và sản phẩm đầu ra.

24
Khối kiến thức này sẽ giúp đánh giá khả năng tác động đến tài nguyên (thông qua phát
thải chất ô nhiễm), đến môi trường kinh tế - xã hội qua lực lượng lao động, sản phẩm
đầu ra.
- Khối kiến thức khoa học kỹ thuật về tài nguyên và môi trường
Đây là khối kiến thức mà chủ đầu tư cần sự hợp tác của các chuyên gia từ nhiều
phía. Dạng tài nguyên mà dự án sử dụng (tái tạo hay không tái tạo), khả năng cung cấp,
khả năng thay thế cần được các chuyên gia địa chất, lâm nghiệp, nông nghiệp cung cấp.
Chúng sẽ giúp chủ dự án điều chỉnh quy mô thích hợp nhằm phát triển lâu dài. Hiện
nay, chúng ta có thể thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa dự án sản xuất và vấn đề quản
lý tài nguyên cung cấp cho dự án. Chủ nhà máy đường phải đầu tư cho việc trồng mía,
chủ nhà máy giấy quản lý luôn công tác trồng rừng cung cấp tre, gỗ, nguyên liệu...
Các kiến thức về sinh thái, về số lượng, chất lượng các loài, về đa dạng động, thực
vật... tại khu vực đất dự án rất cần thiết cho công tác ĐTM. Các loại kiến thức này
thường do các nhà sinh vật cung cấp, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát điều tra.
Các kiến thức về chất lượng môi trường vật lý, đặc biệt là không khí và nước cần
cho việc đánh giá tác động nước thải, khí thải đến môi trường. Với khối kiến thức này
rất cần tới sự hỗ trợ của các nhà khoa học khí tượng, thuỷ văn và môi trường.
- Khối kiến thức về văn hóa, xã hội với các thông số về dân cư, dân số, phân bố dân
cư, về lối sống, mức sống, truyền thống cộng đồng.... cũng rất cần cho công tác ĐTM.
- Khối kiến thức về ĐTM mà nội dung của nó sẽ được đề cập trong giáo trình này.
Việt Nam có nhiều viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, đây là nguồn
cung cấp chuyên gia về các lĩnh vực kể trên. Thực tế cho thấy, sự kết hợp giữa chủ dự
án với các cơ quan này đã giúp cho việc thực hiện ĐTM đi đến kết quả.

1.5.5. Vai trò của cộng đồng


Cộng đồng ở nơi đặt dự án là những người chịu tác động trực tiếp của dự án, vì
vậy, họ có quyền được biết và được tham gia vào công tác ĐTM. Cộng đồng ở đây
bao gồm toàn bộ cư dân sống trong khu vực, nghĩa là họ có kiến thức đa dạng, có
trình độ hiểu biết nhất định. Nhiều người trong họ là bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học,
công nhân, sinh viên... nên họ có những nhận thức nhất định về khả năng tác động
của dự án. Vấn đề là phải tạo cơ chế như thế nào để có thể dẫn tới sự đóng góp của
cộng đồng có hiệu quả.
Hiện nay, ở các nước phát triển, sự tham gia của cộng đồng được ghi nhận như một
thủ tục không thể thiếu trong quá trình ĐTM. Ở các nước đang phát triển, sự đóng góp
của cộng đồng còn bị hạn chế, song trong tương lai sự đóng góp này sẽ phát huy tác
dụng của mình.

25
1.6. Phân cấp dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, tất cả các dự án khi đề xuất đều phải
xem xét đánh giá về mặt môi trường. Tùy theo loại dự án cũng như quy mô lớn nhỏ của
dự án mà mức độ tác động tới môi trường của các dự án có thể khác nhau. Có những dự
án có nhiều tác động tiêu cực đáng kể, tuy nhiên, có những dự án không có tác động tiêu
cực nào là đáng kể. Vì thế, để quản lý việc thực hiện ĐTM, Nhà nước phải đưa ra quy
định phân cấp các dự án về thực hiện ĐTM, trong đó có dự án “phải lập báo cáo ĐTM
và trình thẩm định phê duyệt”, nhưng cũng có dự án “không phải lập báo cáo ĐTM mà
chỉ cần lập bản cam kết bảo vệ môi trường”.
Do số lượng các dự án rất nhiều nên việc phân cấp như trên sẽ giúp cho việc quản lý
ĐTM các dự án thuận lợi hơn.
Kể từ sau khi Quốc hội phê duyệt Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2005, phân
cấp thực hiện ĐTM của Nhà nước được quy định trong Nghị định số 80/2006/NĐ-CP
ngày 09/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Bảo vệ môi trường, và gần đây nhất là trong Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày
18/4/2011 của Chính phủ về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi
trường, cam kết bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 29/2011/NĐ-CP) và
Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường
quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của
Chính phủ về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết
bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT).
Danh mục các dự án phải lập báo cáo ĐTM được quy định cụ thể trong Nghị định
số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ về đánh giá môi trường chiến lược,
đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi. Trong hệ thống ĐTM của Việt Nam
hiện nay phân thành 3 cấp dựa vào quy mô, tầm quan trọng và tính chất đặc thù của các
dự án. Cụ thể như sau:
(1) Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC)
Đánh giá môi trường chiến lược là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi
trường của các chương trình, quy hoạch, kế hoạch có quy mô lớn của nhà nước hoặc của
các tỉnh. Cấp quản lý thực hiện ĐMC chủ yếu là cấp bộ, trung ương và một số dự án lớn
của cấp tỉnh.
(2) Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các dự án
Đây là hoạt động đánh giá tác động môi trường cho các dự án thuộc danh mục các
dự án phải lập và thẩm định báo cáo ĐTM được xác định trong Luật Bảo vệ môi trường
và các văn bản quy định của chính phủ về ĐTM. Cấp quản lý, thực hiện các ĐMT chủ
yếu là cấp tỉnh.

26
(3) Cam kết bảo vệ môi trường (CKBVMT)
Những dự án không thuộc danh mục các dự án phải lập và thẩm định báo cáo ĐMC
hoặc báo cáo ĐTM thì chủ dự án phải lập bản CKBVMT. Bản cam kết này cũng phải
trình cho cơ quan quản lý môi trường xem xét và xác nhận. Phân loại và nội dung bản
CKBVMT được quy định cụ thể trong phụ lục của Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT
ngày 18/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của
Nghị định số 29/2011/NĐ-CP. Cấp quản lý phê duyệt các CKBVMT là cấp huyện hoặc
Chủ tịch UBND xã nếu được sự ủy quyền của Chủ tịch UBND huyện.

27
Chương 2. LẬP CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

2.1. Đối tượng phải lập, đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình và đối tượng không
thuộc quy định phải lập ĐTM phải có bản CKBVMT.
Theo Điều 29 của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ về
đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi
trường và Điều 45 của Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài
nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP
thì đối tượng phải lập, đăng ký bản CKBVMT là:
- Chủ các dự án, tổ chức, cá nhân đề xuất các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch
vụ (sau đây gọi chung là chủ dự án) sau phải lập, đăng ký bản CKBVMT:
+ Dự án có tính chất, quy mô, công suất không thuộc danh mục hoặc dưới mức quy
định của danh mục tại Phụ lục II, Nghị định số 29/2011/NĐ-CP; đề xuất hoạt động sản
xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư nhưng có phát
sinh chất thải sản xuất.
+ Dự án, đề xuất cải tạo, mở rộng, nâng cấp, nâng công suất của cơ sở sản xuất,
kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động đã được đăng ký, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi
trường hoặc xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc phê duyệt, xác nhận
đề án bảo vệ môi trường nhưng chưa tới mức lập báo cáo đánh giá tác động môi trường
quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT.
- Dự án, đề xuất hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã được đăng ký bản
CKBVMT nhưng chưa đi vào vận hành phải lập và đăng ký lại bản CKBVMT trong các
trường hợp sau:
+ Thay đổi địa điểm thực hiện;
+ Không triển khai thực hiện trong thời hạn hai bốn (24) tháng, kể từ ngày bản
CKBVMT được đăng ký;
+ Tăng quy mô, công suất hoặc thay đổi công nghệ làm gia tăng phạm vi gây tác
động hoặc làm gia tăng các tác động tiêu cực đến môi trường không do chất thải gây ra
hoặc làm gia tăng tổng lượng chất thải hoặc phát sinh các loại chất thải mới, chất thải có
thành phần gây ô nhiễm cao hơn so với dự báo trong bản cam kết bảo vệ môi trường đã
được đăng ký nhưng chưa tới mức phải lập báo cáo ĐTM.

28
2.2. Thời điểm đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường
- Đối với dự án thăm dò, khai thác khoáng sản, chủ dự án phải đăng ký bản cam kết
bảo vệ môi trường trước khi đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép
thăm dò, giấy phép khai thác.
- Đối với dự án thăm dò dầu khí, chủ dự án phải đăng ký bản cam kết bảo vệ môi
trường trước khi khoan thăm dò.
- Đối với dự án đầu tư có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải xin
giấy phép xây dựng, chủ dự án phải đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường trước khi
đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng.
- Đối với các dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thì chủ dự án hoặc chủ
cơ sở phải đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường trước khi thực hiện đầu tư, sản xuất,
kinh doanh.

2.3. Nội dung bản cam kết bảo vệ môi trường


Hiện nay, theo Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 và Nghị định số
29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011, bản cam kết bảo vệ môi trường bao gồm 2 loại: Bản
cam kết BVMT đối với dự án có dự án đầu tư và Bản cam kết BVMT đối với dự án
không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư. Mỗi loại dự án có yêu cầu về nội dung
khác nhau, cụ thể như sau:

2.3.1. Nội dung bản cam kết bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư
Nội dung của bản CKBVMT đối với dự án có dự án đầu tư có những nội dung
chính như sau:
* Thông tin chung
Nêu tóm tắt về tên dự án đầu tư; Chủ dự án; Địa chỉ liên hệ của chủ dự án; Người
đại diện theo pháp luật của chủ dự án; Phương tiện liên lạc với chủ dự án; Địa điểm
thực hiện dự án; Quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Nhu cầu nguyên liệu, nhiên liệu
sử dụng.
* Các tác động môi trường
- Liệt kê nguồn phát sinh, tổng lượng phát sinh trên một đơn vị thời gian, thành
phần chất thải và hàm lượng/nồng độ của từng thành phần của các loại chất thải phát
sinh từ hoạt động của dự án: khí thải, nước thải, chất thải rắn, chất thải khác.
- Nêu tóm tắt các tác động (nếu có) do: sự xói mòn, trượt, sụt, lở, lún đất; sự xói
lở bờ sông, bờ suối, bờ hồ, bờ biển; sự bồi lắng lòng sông, lòng suối, lòng hồ; sự thay
đổi mực nước mặt, nước dưới đất; xâm nhập mặn; xâm nhập phèn; sự biến đổi vi khí
hậu; sự suy thoái các thành phần môi trường; sự biến đổi đa dạng sinh học và các yếu
tố khác.

29
* Biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực
- Xử lý chất thải:
+ Mỗi loại chất thải phát sinh đều phải kèm theo biện pháp xử lý tương ứng, thuyết
minh về mức độ khả thi, hiệu suất/hiệu quả xử lý. Trong trường hợp không thể có biện
pháp hoặc có nhưng khó khả thi trong khuôn khổ của dự án phải nêu rõ lý do và có kiến
nghị cụ thể để các cơ quan liên quan có hướng giải quyết, quyết định.
+ Phải có chứng minh rằng, sau khi áp dụng biện pháp thì các chất thải sẽ được xử
lý đến mức nào, có so sánh, đối chiếu với các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện
hành. Trường hợp không đáp ứng được yêu cầu quy định thì phải nêu rõ lý do và có
kiến nghị cụ thể để các cơ quan liên quan có hướng giải quyết, quyết định.
- Giảm thiểu các tác động khác:
Mỗi loại tác động phát sinh đều phải kèm theo biện pháp giảm thiểu tương ứng,
thuyết minh về mức độ khả thi, hiệu suất/hiệu quả xử lý. Đặc biệt cần phải nêu rõ kết
quả của việc áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực, phòng ngừa và ứng
phó sự cố môi trường của cơ sở đang hoạt động và phân tích các nguyên nhân của kết
quả đó. Trong trường hợp không thể có biện pháp hoặc có nhưng khó khả thi trong
khuôn khổ của dự án thì phải nêu rõ lý do và có kiến nghị cụ thể để các cơ quan liên
quan có hướng giải quyết, quyết định.
* Các công trình xử lý môi trường, chương trình giám sát môi trường
- Các công trình xử lý môi trường
+ Liệt kê đầy đủ các công trình xử lý môi trường đối với chất thải rắn, lỏng, khí và
chất thải khác trong khuôn khổ của dự án; kèm theo tiến độ thi công cụ thể cho từng
công trình;
+ Các công trình xử lý môi trường phải được làm rõ về chủng loại, đặc tính kỹ
thuật, số lượng cần thiết. (Cần phải nêu rõ hiện trạng các công trình, biện pháp bảo vệ
môi trường hiện có của cơ sở đang hoạt động và mối liên hệ của các công trình này với
hệ thống công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của dự án cải tạo, nâng cấp, nâng
công suất).
- Chương trình giám sát môi trường
Đòi hỏi phải giám sát lưu lượng/tổng lượng thải và giám sát những thông số ô
nhiễm đặc trưng cho chất thải của dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành của Việt
Nam, với tần suất tối thiểu 01 lần/06 tháng. Các điểm giám sát phải được thể hiện cụ thể
trên sơ đồ với chú giải rõ ràng và tọa độ theo quy chuẩn hiện hành.
* Cam kết thực hiện
Cam kết về việc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải, giảm thiểu tác động khác
nêu trong bản cam kết; cam kết xử lý đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành

30
về môi trường; cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường khác theo quy định
hiện hành của pháp luật Việt Nam.

2.3.2. Nội dung bản cam kết bảo vệ môi trường đối với các hoạt động sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư
* Cam kết của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh
Chủ dự án cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ môi trường của
Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản dưới luật và các quy định riêng tại địa phương;
Cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường được nêu trong bản cam
kết BVMT và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường có liên quan; Cam kết
đảm bảo độ chính xác của các thông tin và nội dung điền trong bản cam kết bảo vệ
môi trường.
* Thông tin cơ bản về hoạt động sản xuất, kinh doanh
Nêu đầy đủ tên cơ sở sản xuất, kinh doanh; Địa điểm dự kiến triển khai hoạt động
sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; sản phẩm và số
lượng; Diện tích mặt bằng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; Nguyên liệu, phụ liệu,
phụ gia, hóa chất, dung môi, chất bảo quản, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và các nguyên
vật liệu khác sẽ được sử dụng trong quá trình sản xuất; nhu cầu sử dụng từng loại; Nhu
cầu sử dụng nhiên liệu: dầu, than, củi, gas, điện...
* Các tác động môi trường và các biện pháp giảm thiểu trong giai đoạn thi công
xây dựng

Bảng 2.1. Tổng hợp các tác động môi trường và các biện pháp giảm thiểu
trong giai đoạn thi công xây dựng
Tình trạng Cam kết
Yếu tố gây tác động Biện pháp giảm thiểu
Có Không Có Không
Sử dụng phương tiện, máy móc thi
Khí thải từ các công đã qua kiểm định
phương tiện vận Sử dụng loại nhiên liệu ít gây ô nhiễm
chuyển, máy móc thi
công Định kỳ bảo dưỡng phương tiện, thiết bị
Biện pháp khác
Cách ly, phun nước để giảm bụi
Bụi
Biện pháp khác
Định kỳ bảo dưỡng thiết bị
Tiếng ồn Bố trí thời gian thi công phù hợp
Biện pháp khác

31
Tình trạng Cam kết
Yếu tố gây tác động Biện pháp giảm thiểu
Có Không Có Không
Có biện pháp thu gom, xử lý sơ bộ
trước khi thải ra môi trường
Nước thải sinh hoạt Có biện pháp thu gom và thuê đơn vị
có chức năng xử lý theo quy định
Biện pháp khác
Có hệ thống rãnh thu nước, hố ga thu
gom, lắng lọc nước mưa chảy tràn
Nước mưa chảy tràn trước khi thoát ra môi trường
Thu gom và tái sử dụng
Thu gom để tái chế hoặc tái sử dụng
Chất thải rắn xây
dựng Đổ thải đúng tại các địa điểm quy định
của địa phương
Thu gom, hợp đồng với đơn vị có chức
Chất thải rắn sinh năng để xử lý
hoạt Đốt
Biện pháp khác
Trang bị các trang thiết bị bảo hộ lao
Các yếu tố gây mất động cần thiết cho người lao động
an toàn lao động
Biện pháp khác
Các yếu tố gây ảnh Lên kế hoạch cho từng hoạt động, báo
hưởng, gián đoạn tới cáo với cộng đồng địa phương để
hoạt động sản xuất được hỗ trợ
và xã hội Biện pháp khác
* Các tác động môi trường và các biện pháp giảm thiểu trong giai đoạn hoạt động.

Bảng 2.2. Các tác động môi trường và các biện pháp giảm thiểu
trong giai đoạn hoạt động
Yếu tố gây Tình trạng Cam kết
Biện pháp giảm thiểu
tác động Có Không Có Không
Lắp đặt ống khói với chiều cao cho phép
Lắp đặt quạt thông gió với bộ lọc không khí ở
Khí thải cuối đường ống
Tiết kiệm nhiên liệu sử dụng
Biện pháp khác
Cách ly, phun nước để giảm bụi
Bụi Lắp đặt hệ thống hút bụi
Biện pháp khác
Lắp đặt quạt thông gió
Mùi
Biện pháp khác

32
Yếu tố gây Tình trạng Cam kết
Biện pháp giảm thiểu
tác động Có Không Có Không
Định kỳ bảo dưỡng thiết bị
Tiếng ồn Cách âm để giảm tiếng ồn
Biện pháp khác
Nhiệt độ cao Lắp đặt quạt thông gió
xung quanh khu
vực sản xuất Biện pháp khác
Xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại trước khi thải vào
Nước thải sinh hệ thống thoát nước chung
hoạt Xử lý đáp ứng QCVN trước khi thải ra môi trường
Biện pháp khác
Nước thải từ hệ Thu gom và tái sử dụng
thống làm mát Biện pháp khác
Thu gom nước thải (bể, ao, hồ, kênh...)
Nước thải từ Xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất
quá trình sản Xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn, quy
xuất chuẩn quy định trước khi thải ra nguồn nước
Biện pháp khác
Chất thải rắn Thu gom chất thải rắn (khu chứa rác)
Thu gom để tái chế hoặc tái sử dụng
Chất thải rắn vô Hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom
cơ Đốt
Biện pháp khác
Làm phân hữu cơ vi sinh, khí sinh học, tái sử
Chất thải rắn dụng
hữu cơ Hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom
Biện pháp khác
Các yếu tố gây Trang bị các trang thiết bị bảo hộ lao động cần
mất an toàn lao thiết cho người lao động
động Biện pháp khác
Các yếu tố gây Lên kế hoạch cho từng hoạt động sản xuất,
ảnh hưởng, báo cáo với cộng đồng địa phương để được
gián đoạn tới hỗ trợ
hoạt động sản
xuất và xã hội Biện pháp khác
Các yếu tố gây Bố trí khu vực sản xuất cách khu vực đông
phiền toái và dân cư xa nhất có thể
nguy cơ đối với
sức khỏe cộng Biện pháp khác
đồng
Các yếu tố gây Trang bị, lắp đặt các thiết bị phòng cháy chữa
nguy cơ cháy, nổ cháy

33
2.4. Hồ sơ đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường
- Hồ sơ đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường đối với dự án thuộc đối tượng phải
lập bản cam kết bảo vệ môi trường gồm:
+ Ba (03) bản cam kết bảo vệ môi trường với hình thức trang bìa, trang phụ bìa và
yêu cầu về cấu trúc và nội dung thực hiện theo mẫu quy định tại các phụ lục 5.1 và 5.2
của Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT.
+ Một (01) dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi) có chữ ký (ghi rõ họ tên, chức
danh) của người đại diện có thẩm quyền và đóng dấu (nếu có) của chủ dự án.
- Hồ sơ đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường đối với đề xuất hoạt động sản xuất,
kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường gồm:
+ Ba (03) bản cam kết bảo vệ môi trường với yêu cầu về cấu trúc và nội dung thực
hiện theo mẫu quy định tại phụ lục 5.3 của Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT.
+ Một (01) bản đề xuất hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được chứng thực
bởi chữ ký của người đại diện có thẩm quyền và đóng dấu (nếu có) của cơ sở sản xuất,
kinh doanh, dịch vụ.
- Đối với đối tượng quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 45, Thông tư số
26/2011/TT-BTNMT, ngoài các văn bản quy định như trên, hồ sơ đăng ký bản cam kết
bảo vệ môi trường phải kèm theo một (01) bản sao văn bản chứng minh bản cam kết
bảo vệ môi trường đã được đăng ký hoặc giấy xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi
trường hoặc giấy xác nhận đề án bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch
vụ đang hoạt động.
- Đối với đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 45, Thông tư số 26/2011/TT-
BTNMT, ngoài các văn bản quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 2, Điều 45, hồ sơ đăng
ký bản cam kết bảo vệ môi trường phải kèm theo một (01) bản sao văn bản chứng minh
việc đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của dự án, đề xuất hoạt động sản xuất, kinh
doanh trước đó.

2.5. Tổ chức đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường


- Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức việc đăng ký bản cam kết bảo
vệ môi trường.
- Trong một số trường hợp, Ủy ban nhân dân cấp huyện có thể ủy quyền cho Ủy
ban nhân dân cấp xã (mẫu ủy quyền được quy định trong phụ lục 5.4 của Thông tư số
26/2011/TT-BTNMT) tổ chức việc đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường:
+ Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm trên địa bàn một (01) xã, không
thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi);

34
+ Dự án đầu tư nằm trên địa bàn một (01) xã, không phát sinh chất thải trong quá
trình triển khai thực hiện.
- Đối với dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện trên địa
bàn từ hai (02) huyện trở lên, chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh được thực hiện
việc đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường tại một trong các Ủy ban nhân dân cấp
huyện, nơi thuận lợi nhất cho chủ dự án, chủ cơ sở.
- Đối với dự án đầu tư thực hiện trên vùng biển chưa xác định được cụ thể trách
nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, chủ dự án thực hiện việc
đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đăng ký xử
lý, thải bỏ chất thải của dự án. Trường hợp dự án không có chất thải phải đưa vào đất
liền để tái chế, tái sử dụng, xử lý, thải bỏ, chủ dự án không phải thực hiện việc đăng ký
bản cam kết bảo vệ môi trường.

2.6. Quy trình đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường
Việc đăng ký cam kết bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy trình sau:
- Chủ dự án, chủ cơ sở gửi hồ sơ đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường đến cơ
quan có thẩm quyền quy định tại Điều 32 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP.
- Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm
quyền quy định tại Điều 32 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP có trách nhiệm thông báo
bằng văn bản cho chủ dự án, chủ cơ sở biết về việc chấp nhận hồ sơ hoặc không chấp
nhận hồ sơ bản cam kết bảo vệ môi trường. Trường hợp không chấp nhận, phải nêu rõ
lý do bằng văn bản.

2.7. Cách viết bản cam kết bảo vệ môi trường


2.7.1. Những quy định chung về bản cam kết bảo vệ môi trường
- Chủ thể của bản CKBVMT là chủ dự án.
- Nội dung và hình thức của bản CKBVMT phải tuân thủ theo các quy định của
Nghị định số 29/2011/NĐ-CP và Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT.
- Các dữ liệu, số liệu và các thông tin quan trọng sử dụng trong bản CKBVMT phải
ghi rõ nguồn gốc, tên tài liệu tham khảo.
- Trong bản cam kết cần sử dụng các biểu đồ, sơ đồ và hình vẽ minh họa ở những
nội dung cần thiết.
- Các chữ viết tắt phải được thống kê trong bảng đặt ở đầu bản cam kết.
- Tài liệu tham khảo được đặt cuối bản cam kết. Các tài liệu được thống kê theo
trình tự: tiếng việt, tiếng nước ngoài.

35
Thu thập thông tin từ dự án

Khảo sát hiện trường nơi xây dựng dự án

Đánh giá chung hiện trạng môi trường nơi thực hiện dự án

Đánh giá tác động của nguồn ô nhiễm

Đề xuất biện pháp giảm thiểu

Xây dựng chương trình quản lý giám sát

Hoàn thành hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường

Trình phòng TNMT địa phương xin thẩm định

Hình 2.1. Quy trình thực hiện bản cam kết bảo vệ môi trường

2.7.2. Các phương pháp đánh giá tác động môi trường sử dụng trong khi lập bản
cam kết bảo vệ môi trường
Trong quá trình lập bản CKBVMT đối với các dự án đầu tư có thể tiến hành đánh
giá tác động môi trường bằng cách kết hợp các phương pháp sau đây:
- Phương pháp liệt kê.
- Phương pháp ma trận.
- Phương pháp danh mục.
- Phương pháp chuyên gia.
- Phương pháp đánh giá nhanh.
- Phương pháp nghiên cứu, khảo sát thực địa
- Phương pháp mô hình hóa.

2.7.3. Mô tả công việc


- Khảo sát điều kiện địa lý, địa chất, khí tượng, thủy văn
- Điều tra, khảo sát, thu thập số liệu về điều kiện tự nhiên, môi trường, KT-XH.

36
- Thu mẫu nước, mẫu không khí, mẫu đất tại khu vực dự án và phân tích tại phòng
thí nghiệm.
- Xác định các yếu tố vi khí hậu trong khu vực dự án.
- Đánh giá hiện trạng môi trường khu vực thực hiện dự án.
- Xác định các nguồn gây ô nhiễm của dự án như: khí thải, nước thải, chất thải rắn,
tiếng ồn; xác định các loại chất thải phát sinh trong quá trình xây dựng và hoạt động của
dự án bằng các phương pháp thống kê, phân tích, thu thập, đánh giá nhanh.
- Đánh giá mức độ tác động, ảnh hưởng của các nguồn ô nhiễm kể trên đến các yếu
tố tài nguyên, môi trường, xã hội, con người xung quanh khu vực thực hiện dự án.
- Xây dựng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho giai đoạn xây dựng
dự án.
- Xây dựng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm, phương án quản lý môi trường quá
trình hoạt động và dự phòng sự cố môi trường.
- Đề xuất phương án xử lý nước thải, khí thải, phương án thu gom và xử lý chất thải
rắn từ hoạt động của dự án.
- Xây dựng chương trình giám sát môi trường.

2.8. Quản lý thực hiện bản cam kết bảo vệ môi trường sau khi bản cam kết bảo vệ
môi trường được đăng ký

2.8.1. Gửi bản cam kết bảo vệ môi trường đã được đăng ký
- Trường hợp bản cam kết bảo vệ môi trường được đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp
huyện: Trong thời hạn hai (02) ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi chủ dự
án, cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi
thực hiện dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mỗi nơi một (01) bản cam kết bảo
vệ môi trường đã đăng ký; trường hợp dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực
hiện trên địa bàn từ hai (02) huyện trở lên, phải gửi cho Ủy ban nhân dân cấp huyện có
liên quan.
- Trường hợp bản cam kết bảo vệ môi trường được đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp
xã: Trong thời hạn hai (02) ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã gửi chủ dự án, cơ
quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp huyện mỗi nơi một (01) bản cam kết
bảo vệ môi trường đã được đăng ký.

2.8.2. Trách nhiệm của chủ dự án sau khi bản cam kết bảo vệ môi trường được
đăng ký
- Tổ chức thực hiện các biện pháp giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường
trong bản cam kết bảo vệ môi trường đã được đăng ký.
- Dừng hoạt động và báo cáo kịp thời cho Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân
dân cấp huyện nơi có dự án để chỉ đạo và phối hợp xử lý trong trường hợp để xảy ra sự

37
cố gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng trong quá
trình thực hiện dự án, sản xuất, kinh doanh.
- Hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp mọi thông tin cần thiết có liên quan để
cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tiến hành các hoạt động giám sát, kiểm
tra, thanh tra trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Lập lại bản cam kết bảo vệ môi trường cho dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ trong các trường hợp sau đây:
+ Thay đổi địa điểm thực hiện;
+ Không triển khai thực hiện trong thời hạn hai mươi bốn (24) tháng, kể từ ngày
bản cam kết bảo vệ môi trường được đăng ký;
+ Thay đổi quy mô, công suất, công nghệ làm gia tăng mức độ tác động xấu đến
môi trường hoặc phạm vi chịu tác động do những thay đổi này gây ra.
- Trường hợp dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thay đổi tính
chất hoặc quy mô đến mức tương đương với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác
động môi trường được quy định tại phụ lục II, Nghị định số 29/2011/NĐ-CP, chủ dự án,
chủ cơ sở phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường gửi cơ quan có thẩm quyền
quy định tại Điều 18, Nghị định số 29/2011/NĐ-CP để được thẩm định, phê duyệt theo
quy định.

2.8.3. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước đăng ký cam kết bảo vệ môi trường
- Kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong bản cam kết bảo vệ
môi trường đã được đăng ký và các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ môi
trường trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Tiếp nhận và xử lý các ý kiến đề xuất, kiến nghị của chủ dự án, chủ cơ sở hoặc các
tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện các nội dung, biện pháp bảo vệ môi
trường trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Phối hợp với chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh xử lý kịp thời các sự cố
xảy ra trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

38
Chương 3. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phải do chính tổ chức (công ty, cá nhân) đề
xuất dự án (chương trình hoặc chính sách) thực hiện, cũng có thể mời đơn vị chuyên
trách (hay chuyên gia tư vấn) thực hiện. Sản phẩm của nghiên cứu ĐTM là một báo cáo
ĐTM ở mức sơ bộ hoặc chi tiết tùy theo quy định đối với từng loại dự án. Báo cáo
ĐTM do cơ quan quản lý môi trường của Nhà nước hoặc tổ chức cho vay vốn xem xét,
thẩm định theo phân cấp.

3.1. Chu trình dự án và trình tự thực hiện đánh giá tác động môi trường
Chu trình dự án và trình tự thực hiện ĐTM được quy định cụ thể trong các văn bản
pháp luật của Việt Nam.

3.1.1. Chu trình dự án


Nói chung, bất kỳ một dự án nào cũng đều thực hiện theo một trình tự từ quy hoạch,
đến nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, thi công xây dựng và
cuối cùng là quản lý vận hành dự án, các giai đoạn đó tạo nên chu trình dự án.
* Giai đoạn quy hoạch
Phần lớn các dự án được đề xuất trong quá trình lập các quy hoạch phát triển của
các lĩnh vực sử dụng tài nguyên. Thí dụ: trong lĩnh vực tài nguyên nước là quy hoạch về
tài nguyên nước để xác định phương án khai thác sử dụng hợp lý nguồn nước lưu vực
hoặc khu vực (như tỉnh), cũng như đề xuất các công trình chủ yếu cần xây dựng để nhà
nước xem xét. Các công trình khai thác sử dụng nguồn nước được đề xuất trong giai
đoạn quy hoạch mới chỉ là những đề xuất ban đầu nhằm hình thành bước đầu khái niệm
về dự án (như hình thức công trình, vị trí xây dựng, quy mô đề nghị...) mà chưa đi sâu
và tính toán về mặt kỹ thuật của công trình.
* Giai đoạn lập báo cáo đầu tư
Giai đoạn này còn gọi là nghiên cứu tiền khả thi, là giai đoạn tiếp sau giai đoạn quy
hoạch khi công trình đề xuất trong quy hoạch được chấp thuận và cho nghiên cứu sâu
hơn. Báo cáo đầu tư cần phải tính toán các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cho các phương án
đề xuất và phương án chọn ở mức sơ bộ nhằm cung cấp các cơ sở để chủ dự án xem xét
có nên đầu tư dự án hay không.
* Giai đoạn lập dự án đầu tư
Giai đoạn này còn gọi là nghiên cứu khả thi, là giai đoạn tiếp theo sau khi báo cáo
nghiên cứu tiền khả thi được chấp nhận. Dự án đầu tư đi sâu vào tính toán chi tiết tất cả
các phương án và đưa ra phương án chọn. Từ đó, xác định được các chỉ tiêu kinh tế kỹ

39
thuật của dự án, đánh giá hiệu quả của dự án và đưa ra kế hoạch thực hiện dự án. Dự án
đầu tư là cơ sở quan trọng để cấp có thẩm quyền ra quyết định cuối cùng về thực hiện
dự án, từ đó có kế hoạch chuẩn bị nguồn vốn cho thực hiện dự án.
* Thiết kế kỹ thuật
Tính toán các thông số kỹ thuật và lập hồ sơ thiết kế cho các công trình của dự án,
xây dựng bản vẽ thi công và kế hoạch thi công công trình.
* Thi công
Xây dựng các hạng mục công trình theo hồ sơ thiết kế và bản vẽ thi công đã
được duyệt.
* Quản lý vận hành
Quản lý vận hành các công trình của dự án để thu được hiệu quả kinh tế cho xã
hội như mục tiêu dự án đề ra. Giai đoạn này kéo dài đến khi hết thời gian làm việc của
công trình.

3.1.2. Trình tự thực hiện đánh giá tác đông môi trường
Đánh giá tác động môi trường phải tiến hành trong tất cả các giai đoạn thực hiện
của chu trình dự án với yêu cầu, mức độ và nội dung khác nhau tuỳ thuộc vào mỗi giai
đoạn thực hiện. Trình tự thực hiện đánh giá tác động môi trường của dự án trong chu
trình dự án phổ biến hiện nay ở nhiều nước trên thế giới như hình 3.1.

ĐTM chi tiết


Lập dự án Các vấn đề MT
đầu tư trong thiết kế

Lập báo cáo Thiết kế kỹ thuật


ĐTM sơ bộ đầu tư
Các vấn đề MT
trong thi công

Sàng lọc MT Thi công xây dựng


hoặc ĐGMTCL Quy hoạch

Quản lý Các vấn đề MT


vận hành trong vận hành

Hình 3.1. Chu trình dự án và trình tự thực hiện đánh giá tác động môi trường

40
* Giai đoạn quy hoạch: sàng lọc (hay lược duyệt) môi trường
Trong giai đoạn quy hoạch, tùy thuộc vào quy mô của quy hoạch mà có thể phải
thực hiện đánh giá về mặt môi trường cho các phương án quy hoạch để lựa chọn
phương án tối ưu. Nếu quy hoạch có quy mô lớn cấp quốc gia hoặc liên vùng, liên tỉnh
hoặc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội mang ý nghĩa chiến lược (Mục 1, Luật BVMT
2005) thì giai đoạn này phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC). Nếu quy
mô quy hoạch không thuộc đối tượng phải thực hiện ĐMC thì phải tiến hành sàng lọc
môi trường, hay còn gọi là lược duyệt môi trường để xem xét một cách sơ lược xem khả
năng gây tác động đến môi trường của các hoạt động (hoặc dự án cụ thể) được đề xuất
trong các phương án quy hoạch, đặc biệt là đối với phương án quy hoạch được chọn.
Qua xem xét các phương án khác nhau của quy hoạch, kết hợp với kết quả của sàng
lọc môi trường cho các phương án về công trình, có thể đánh giá được phương án nào
gây ít tác động tiêu cực đến môi trường để đưa ra ý kiến lựa chọn.
Trong sàng lọc môi trường, cần phải phân tích để nhận biết các tác động môi trường
của dự án đề xuất và sau đó tiến hành sàng lọc để thấy được các vấn đề môi trường chủ
yếu có liên quan đến dự án, đặc biệt là quy mô dự án, vị trí xây dựng.
Qua sàng lọc môi trường, người làm quy hoạch có thể loại ra các vấn đề môi trường
không quan trọng và chỉ ra các hoạt động nào của dự án có khả năng gây ra những tác
động đáng kể và những vấn đề môi trường tiềm tàng nào chứa ẩn trong vùng dự án cần
phải quan tâm khi tiến hành dự án. Từ đó, phán đoán những tác động đến môi trường
của dự án đang nghiên cứu nhằm đề xuất ý kiến để điều chỉnh dự án theo hướng tốt hơn.
* Giai đoạn lập báo cáo đầu tư
Ở nước ta, giai đoạn lập báo cáo đầu tư trước đây còn gọi là giai đoạn nghiên cứu
tiền khả thi. Trong giai đoạn này, nhiều nước trên thế giới quy định phải đánh giá tác
động môi trường sơ bộ.
ĐTM sơ bộ có yêu cầu cao hơn sàng lọc môi trường, trong đó yêu cầu là đánh giá
một cách khái quát các tác động môi trường của dự án và chỉ ra được trong các tác động
môi trường thì tác động tiêu cực nào là đáng kể nhất. Cũng như sàng lọc môi trường,
ĐTM sơ bộ cũng cần trợ giúp cho việc hình thành rõ hơn khái niệm về dự án nếu trong
quy hoạch dự án trước đây vẫn còn những vấn đề chưa kết luận rõ ràng. Thí dụ như vấn
đề chọn vị trí tuyến công trình nào trong một số vị trí tuyến có thể được trong dự án xây
dựng hồ chứa nước. Phương án chọn phải là phương án vừa đảm bảo các yêu cầu về
kinh tế, kỹ thuật, lại phải đảm bảo sao cho các tổn hại đối với môi trường là ít nhất.
* Giai đoạn lập dự án đầu tư
Giai đoạn lập dự án đầu tư trước đây còn gọi là giai đoạn nghiên cứu khả thi của dự
án. Lập dự án đầu tư là giai đoạn quan trọng, có ý nghĩa quyết định dự án có được thực
hiện hay không. Hầu hết các nước trên thế giới đều quy định đối với các dự án lớn, phức

41
tạp hoặc dự án có liên quan tới các vùng nhạy cảm về môi trường đều phải thực hiện lập
báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết và trình cho cơ quan quản lý nhà nước về
môi trường có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.
ĐTM chi tiết có yêu cầu đánh giá cao hơn so với ĐTM sơ bộ, thể hiện ở:
- Phải đánh giá một cách chi tiết các tác động môi trường, tập trung vào các tác
động tiêu cực được coi là đáng kể đã xác định được trong ĐTM sơ bộ.
- Ngoài đánh giá định tính còn phải định lượng và dự báo các tác động môi trường
chủ yếu của dự án.
- Phải đề xuất và thiết kế biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực chủ yếu của
dự án.
- Phải đề xuất chương trình giám sát môi trường dự án trong giai đoạn vận hành
dự án.
* Giai đoạn thiết kế
Trong thiết kế kỹ thuật cần xem xét và giải quyết các vấn đề môi trường liên quan
đến thiết kế, như là:
- Chọn các thông số thiết kế công trình của dự án sao cho thật hợp lý và hạn chế tới
mức thấp nhất ảnh hưởng xấu tới môi trường khi dự án bước vào vận hành;
- Tính toán thiết kế các công trình giảm thiểu các tác động tiêu cực của dự án mà
trong giai đoạn đánh giá tác động môi trường chi tiết đã đề xuất;
- Xem xét chọn phương án thi công và lập kế hoạch thi công sao cho việc thi công
thực hiện dự án được thuận lợi và ít ảnh hưởng xấu tới môi trường khu vực thi công xây
dựng công trình (đường thi công, bãi khai thác vật liệu, lán trại công nhân...).
* Giai đoạn thi công xây dựng
Trong giai đoạn này cần xem xét và giải quyết các vấn đề môi trường trong thi công
xây dựng các công trình, bao gồm một số vấn đề sau:
- Tổ chức thi công hợp lý để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng xấu của thi công tới môi
trường khu vực (xói lở đất xuống sông, bụi, khói, tiếng ồn...) và giám sát chặt chẽ ô
nhiễm môi trường trong thi công;
- Tổ chức khu lán trại công nhân hợp lý và giải quyết tốt các vấn đề ăn ở, nước sinh
hoạt, nước thải, rác thải, chăm sóc y tế, sức khoẻ, giữ gìn vệ sinh môi trường không để
dịch bệnh phát sinh và lây lan;
- Thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án trong thi công và
các biện pháp giảm thiểu cần thiết khác. Thí dụ quản lý kiểm soát ô nhiễm môi trường
trong thi công, thực hiện thu dọn lòng hồ, di dân tái định cư, xây dựng các công trình kè
bảo vệ bờ ở hạ lưu, cống xả cát.

42
* Giai đoạn vận hành dự án
Giai đoạn này tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trong quá trình vận hành
dự án, như là:
- Lập quy trình vận hành hợp lý (hoặc tối ưu) để nâng cao hiệu quả vận hành khai
thác các công trình của dự án, đồng thời hạn chế các thiệt hại về môi trường do việc vận
hành không tốt gây nên;
- Thực hiện chương trình giám sát môi trường khu vực dự án trong suốt cả giai đoạn
vận hành công trình đã đề xuất trong đánh giá môi trường chi tiết;
Nói chung, với các dự án lớn có ảnh hưởng nhiều đến môi trường thì đều phải
thực hiện lần lượt các bước như sàng lọc môi trường, ĐTM sơ bộ và ĐTM chi tiết.
Còn đối với một số dự án nhỏ, không quan trọng thì các nước đều quy định có thể
hoặc không phải đánh giá, hoặc chỉ tiến hành sàng lọc hoặc đánh giá tác động môi
trường sơ bộ là đủ.
Muốn xác định một dự án cần thực hiện đến bước nào là đủ cần dựa vào quy định
cụ thể trong các văn bản hướng dẫn về phân cấp thực hiện ĐTM của mỗi nước.

3.1.3. Quy trình thực hiện đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam
Đánh giá tác động môi trường về bản chất là một quá trình dự báo, đánh giá tác
động của một dự án đến môi trường bao gồm môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế -
xã hội và đưa ra các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu tác động xấu lên môi trường. Đã
có nhiều định nghĩa về ĐTM được đưa ra như của Chương trình môi trường Liên hợp
quốc (UNEP-1991), của Ủy ban kinh tế - xã hội Châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP-
1990), của Ngân hàng thế giới (WB)..., tuy nhiên, cho đến nay chưa có một định nghĩa
thống nhất.
Ở Việt Nam, định nghĩa về ĐTM được quy định trong luật BVMT 2005: “Đánh giá
tác động môi trường là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án
đầu tư cụ thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó”.
ĐTM là một việc rất quan trọng có ích, có ý nghĩa thực tế đối với hoạt động kinh tế
- xã hội của một quốc gia, một khu vực. Mặt khác, công tác ĐTM lại là một quá trình
tổng hợp, vừa phân tích vừa nghiên cứu rất phức tạp với nhiều lĩnh vực khoa học kinh tế
và công nghệ khác nhau do đó rất tốn kém về tài chính. Hơn thế nữa, để thực hiện một
ĐTM thường phải sử dụng nhiều chuyên gia có kinh nghiệm, trình độ cao và mất nhiều
thời gian để hoàn tất.
Chính vì vậy, chỉ cần thực hiện ĐTM cho một số dự án quan trọng sau khi đã
tiến hành xem xét đầy đủ nhiều mặt. Một số dự án khác hoặc các hoạt động kinh tế -
xã hội khác khi xem xét thấy các hành động của dự án tác động không nhiều đến
môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên có thể bỏ ĐTM hoặc thực hiện ĐTM
ở mức độ sơ bộ.

43
Theo quan điểm của Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), quy trình
ĐTM thường được thực hiện qua các bước sau: sàng lọc, xác định phạm vi, đánh giá
tác động môi trường, thẩm định ra quyết định, quan trắc và kiểm toán môi trường
(auditing).
Còn theo quy định của nhiều tổ chức quốc tế kết hợp với các quy định mới trong
Nghị định số 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT của
Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy trình thực hiện ĐTM gồm có 4 bước:
- Bước 1: Sàng lọc dự án (lược duyệt). Đây là bước xem dự án có phải thực hiện
ĐTM hay không?
- Bước 2: ĐTM sơ bộ (ĐTM nhanh).
- Bước 3: ĐTM đầy đủ (ĐTM chi tiết).
- Bước 4: Thẩm định.
Chủ dự án cần dựa vào các văn bản pháp lý để xác định dự án có cần thực hiện
ĐTM hay không? Bởi vì ĐTM cần tiêu tốn một nguồn kinh phí, nhân lực và thời gian
khá lớn. Để xác định điều này có thể thực hiện việc sàng lọc và đánh giá sơ bộ.
3.1.3.1. Sàng lọc (Screening)
Sàng lọc (lược duyệt) là bước thực hiện đầu tiên của quy trình ĐTM với mục tiêu
xác định có căn cứ khoa học một dự án được đề xuất có cần phải thực hiện ĐTM hay
không và nếu cần thì thực hiện đến mức nào, ĐTM chi tiết hay chỉ ở mức độ sơ bộ hoặc
không phải làm gì về mặt môi trường. Sàng lọc là bước thực hiện mang lại lợi ích không
chỉ giải đáp những vấn đề nêu trên mà còn giúp tránh được sự lãng phí về thời gian, tiền
bạc của cơ quan nhà nước, của chủ dự án nói riêng và của toàn xã hội nói chung.
Có 2 cách sàng lọc gồm sàng lọc dựa trên việc lập danh mục dự án xác định và sàng
lọc dựa trên bộ tiêu chí và kiến thức chuyên gia:
* Sàng lọc bằng việc lập danh mục dự án
Dựa trên kinh nghiệm quản lý, quy mô tính chất của dự án, cơ quan nhà nước có
thẩm quyền (thường ở mức độ Chính phủ) xây dựng và ban hành danh mục các dự án
phải thực hiện ĐTM ở mức độ khác nhau.
Việt Nam áp dụng cách tiếp cận sàng lọc này ngay từ khi có Luật Bảo vệ môi
trường năm 1993. Hiện nay, trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, danh mục
gồm 162 loại hình dự án phải lập báo cáo ĐTM đã được quy định tại phụ lục II của
Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi
trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường. Như vậy,
các dự án không nằm trong danh mục này sẽ không phải lập báo cáo ĐTM và thay thế
vào đó là lập bản CKBVMT tương đương với một báo cáo ĐTM đơn giản.

44
* Sàng lọc dựa trên bộ tiêu chí
Cách tiếp cận này được dựa trên cơ sở các chỉ tiêu gồm: chỉ tiêu ngưỡng; chỉ tiêu về
các vùng nhạy cảm và chỉ tiêu về các kiểu dự án.
Chỉ tiêu ngưỡng được xây dựng trên các yếu tố như: vị trí, diện tích đất sử dụng,
yêu cầu về cơ sở hạ tầng, chi phí và quy mô dự án.
Chỉ tiêu về vùng nhạy cảm là căn cứ vào mối quan hệ của vị trí dự án với các vùng
nhạy cảm môi trường như các khu vực đông dân cư, các khu vực cần bảo vệ nghiêm
ngặt về lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên hoặc khu vực có điều kiện môi trường
dễ bị suy thoái, phá hủy (vùng đất ngập nước, vùng cửa sông...).
Chỉ tiêu về kiểu dự án được phân thành các nhóm: Dự án nhằm cải thiện môi
trường; Những dự án có tiềm năng gây tác động xấu lên môi trường nhưng dễ xác định
và hạn chế; Những dự án có tác động môi trường lớn phải thực hiện ĐTM chi tiết.
Cách sàng lọc này có độ chính xác, tuy nhiên cũng có những hạn chế cơ bản đó là
thủ tục hành chính và nhiều khi mất thời gian, tốn kém kinh phí do khó đạt được sự
đồng thuận giữa chủ dự án và cơ quan quản lý môi trường có thẩm quyền.
Ðể sàng lọc đến được các nhà quản lý, cần có một văn bản quyết định bước sàng
lọc. Ðây là văn bản quyết định cuối cùng. Văn bản của sàng lọc phải đưa ra được kết
luận: có cần thiết phải tiếp tục thực hiện ÐTM hay không cần? Tiếp theo đó cần có
quyết định tiếp theo để giải quyết những vướng mắc, những khuyến nghị chưa thống
nhất giữa chủ dự án và cơ quan kiểm soát.
Bên cạnh đó, để thực hiện có hiệu quả, một số hoạt động hữu ích đi đến quyết định
bước này là:
- Ðối thoại giữa chủ dự án và cơ quan quản lý
- Lấy tư vấn của cơ quan kiểm soát ô nhiễm, cơ quan BVMT, bảo vệ nguồn tài
nguyên thiên nhiên (Cục BVMT, Vụ Môi trường, Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động
môi trường, Thanh tra môi trường...).
- Lấy tư vấn từ các nhà khoa học, các cơ quan khoa học khác.
- Khảo sát các ÐTM tương tự khác
- Lấy ý kiến cộng đồng
Tóm lại, để có một sàng lọc môi trường, cần theo các bước thể hiện trong hình 3.2.
3.1.3.2. Ðánh giá tác động môi trường sơ bộ (IEE)
Ðánh giá tác động môi trường sơ bộ (Initial Environmental examination - IEE) còn
được gọi là đánh giá tác động môi trường ban đầu hay đánh giá nhanh các tác động môi
trường (Rapid Environment Impacts Assessment - REIA).

45
Dự án phát triển
(Chuẩn bị có dự án)

Bước 1: Kiểm tra danh mục của dự án


- Theo luật
- Theo quy định

Bước 2: Kiểm tra địa điểm của dự án


Có ở vùng phải thực hiện ÐTM không?

Bước 3: Tham khảo sách, tài liệu tư liệu hướng dẫn


đánh giá tác động môi trường

Bước 4: Thu thập thông tin (các loại)

Bước 5: Lập danh mục câu hỏi lược duyệt

Bước 6: Lập văn bản lược duyệt

Hình 3.2. Các bước của sàng lọc môi trường

Nếu việc sàng lọc vẫn không làm rõ các vấn đề môi trường của dự án thì chủ dự án
được yêu cầu đánh giá sơ bộ. Việc này cần có nghiên cứu đầy đủ và ý kiến chuyên gia
để xác định các tác động chính yếu của dự án đến môi trường.
Ðánh giá sơ bộ tác động môi trường gồm các bước sau:
- Xác định các tác động chính của môi trường (từ các hành động quan trọng của dự
án) tại khu vực dự án sẽ xảy ra.
- Mô tả chung các tác động đó, dự báo phạm vi và mức độ của các tác động đó
trong khi đánh giá ÐTM.
- Trình bày và làm rõ được tính chất các tác động, tầm quan trọng của các tác động
đó đối với môi trường. Yêu cầu của bước này là phải rõ và ngắn gọn để cơ quan quản lý
có thể đưa ra các quyết định phù hợp.
ÐTM sơ bộ cần được tiến hành ngay trong giai đoạn luận chứng sơ bộ (nghiên cứu
tiền khả thi). Ðánh giá này giúp cho ta thu hẹp sự tranh cãi về một số vấn đề quan trọng,

46
như về vị trí, quy mô của dự án. Trong một số trường hợp, do làm tốt đánh giá sơ bộ,
kịp thời điều chỉnh khái niệm về dự án, làm cho việc ÐTM đầy đủ trở lên không cần
thiết nữa.
ÐTM sơ bộ do cơ quan chủ trì dự án thực hiện theo các hướng dẫn ÐTM của quốc
gia hoặc của các tổ chức quốc tế. Các phương pháp thường dùng là phương pháp danh
mục và phương pháp ma trận tác động môi trường.
Việc thẩm định báo đánh giá sơ bộ bởi cơ quan quản lý môi trường có thể dẫn tới 2
kết luận:
- Không cần thiết làm ÐTM chi tiết
- Cần thiết làm ÐTM chi tiết.
Việc thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ là một công việc khó và phức
tạp hơn việc thực hiện một lược duyệt. Vì vậy, khi thực hiện đánh giá tác động môi
trường sơ bộ (hay đánh giá nhanh), chúng ta cần lựa chọn một nhóm chuyên gia có trình
độ cao hơn, nhiều kinh nghiệm hơn và đúng, đủ phạm vi chuyên môn mà dự án đang
xem xét có liên quan đến.
Ðể quyết định mức độ tiến hành trong một đánh giá môi trường sơ bộ, cũng có thể
dựa vào các bước trong ÐTM chi tiết sau này và nhóm chuyên gia sẽ quyết định sử
dụng phần bước nào là đủ cho công việc của mình.
3.1.3.3. Đánh giá tác động môi trường chi tiết
Sau các bước “sàng lọc”, “đánh giá sơ bộ”, nghiên cứu ĐTM chi tiết được thực
hiện để trả lời 5 câu hỏi:
- Điều gì sẽ xảy ra do dự án?
- Phạm vi các biến đổi sẽ là gì?
- Các biến đổi có nghiêm trọng không?
- Có thể làm gì để giải quyết chúng?
- Các cơ quan có chức năng quyết định có thể được thông báo như thế nào?
Các bước lập báo cáo ĐTM chi tiết sẽ được thể hiện trong các phần sau của
chương này.
3.1.3.4. Thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết
Bước tiếp theo trong chu trình ĐTM là thẩm định báo cáo ĐTM. Hoạt động thẩm
định nhằm mục tiêu đánh giá, xác định mức độ đầy đủ, tin cậy và chính xác của các
thông tin, kết luận nêu trong báo cáo ĐTM. Thông thường, công tác thẩm định và phê
duyệt báo cáo ĐTM được thực hiện bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Kết quả
thẩm định là ra một quyết định chấp thuận với những điều khoản, điều kiện bắt buộc
chủ dự án phải tuân thủ hoặc không chấp thuận.

47
Ở Việt Nam, hình thức thẩm định và trách nhiệm thẩm định báo cáo ĐTM được quy
định như sau:
- Hình thức thẩm định báo cáo ĐTM: Căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 21, Luật
BVMT 2005, việc thẩm định báo cáo ĐTM được thực hiện thông qua hình thức Hội
đồng thẩm định hoặc tổ chức dịch vụ thẩm định.
- Trách nhiệm thẩm định: Căn cứ quy định tại Khoản 7, Điều 21, Luật BVMT 2005,
trách nhiệm tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM được phân công cho các cơ
quan nhà nước ở Trung ương và địa phương như sau:
+ Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội đồng thẩm định hoặc tuyển chọn tổ
chức dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án do
Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định, phê duyệt; dự án liên ngành,
liên tỉnh;
Danh mục các dự án liên ngành, liên tỉnh thuộc trách nhiệm tổ chức thẩm định của
Bộ Tài nguyên và Môi trường được nêu tại Nghị định số 29/2011/NĐ-CP.
+ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức hội đồng thẩm định hoặc
tuyển chọn tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các
dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của mình, trừ dự án liên ngành, liên tỉnh;
+ Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức hội đồng thẩm định hoặc tuyển chọn tổ chức
dịch vụ thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án trên địa bàn quản lý thuộc thẩm quyền
quyết định, phê duyệt của mình và của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
+ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có
thẩm quyền tuyển chọn Tổ chức dịch vụ thẩm định để thực hiện thẩm định báo cáo
ĐTM thuộc thẩm quyền thẩm định và phê duyệt của mình.

3.2. Tổ chức thực hiện đánh giá tác động môi trường
- Chủ dự án: Theo quy định tại Điều 18, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, chủ dự
án phải lập báo cáo ĐTM để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thẩm định
và phê duyệt. Tuy nhiên, do báo cáo ĐTM đòi hỏi tính khoa học, kỹ thuật và công nghệ
cao, nên chủ dự án thường thuê tổ chức dịch vụ tư vấn phối hợp lập báo cáo ĐTM, song
chủ dự án phải chịu trách nhiệm về các số liệu, kết quả nêu trong báo cáo ĐTM.
- Cơ quan tư vấn hoặc nhóm chuyên gia tư vấn lập báo cáo ĐTM (gọi chung là tư
vấn): có trách nhiệm giúp chủ dự án lập báo cáo ĐTM có chất lượng phù hợp với quy
định pháp luật hiện hành và yêu cầu của các cơ quan tài trợ quốc tế hay cho vay vốn
thực hiện dự án (trong trường hợp có yêu cầu).
Tư vấn ĐTM là các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã
hội, sinh thái, công nghệ và luật pháp, mô hình hóa...
Tư vấn ĐTM có trách nhiệm liên kết các công việc của nhóm liên ngành, xác định
phạm vi ĐTM, cách tiếp cận và phương pháp luận đánh giá. Tư vấn phải có hiểu biết

48
khoa học liên ngành, có khả năng chỉ đạo, điều hoà các quan hệ với các chuyên gia liên
quan và các cơ quan nhà nước, công chúng và chủ dự án nhằm đảm bảo chất lượng của
một báo cáo ĐTM.
- Cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp của dự án (cộng đồng): Cộng đồng có
vai trò quan trọng trong quá trình lập, thẩm định báo cáo ĐTM. Việc tham gia của cộng
đồng vào quá trình ĐTM có thể thực hiện thông qua yêu cầu về tham vấn cộng đồng
quy định tại Điều 20, Luật BVMT và hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 26/2011/TT-
BTNMT.
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM ở
Trung ương và địa phương: Gồm các bộ, cơ quan thuộc chính phủ và ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền tổ chức việc thẩm định và phê
duyệt báo cáo ĐTM quy định tại Khoản 7, Điều 21, Luật BVMT 2005.
- Tổ chức dịch vụ thẩm định: Là cơ quan được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc
UBND tỉnh tuyển chọn tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo ĐTM. Tổ chức dịch vụ thẩm
định được tham gia thẩm định theo quyết định của cơ quan phê duyệt dự án và phải chịu
trách nhiệm về ý kiến, kết luận thẩm định của mình.
- Cơ quan tài trợ dự án: Cơ quan tài trợ trong nước cũng như nước ngoài thông
thường là các tổ chức cho vay vốn như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát
triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư Phát triển Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Ngân hàng
Đức (KFW), Cơ quan hỗ trợ của Pháp (ADF)... Các cơ quan này đều xem việc lập báo
cáo ĐTM và phê duyệt báo cáo này bởi cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam
là một trong những điều kiện bắt buộc để xét cho vay vốn.

3.3. Cấu trúc, yêu cầu về nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường
Hiện nay, cấu trúc và nội dung của báo cáo ĐTM được quy định tại phục lục 2.5
của Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT bao gồm 6 chương, phần mở đầu và phần kết
luận, kiến nghị, cam kết. Yêu cầu về nội dung của từng phần như sau:
* Mở đầu
Trong phần này, ĐTM phải đề cập đến xuất xứ của dự án; các căn cứ pháp luật và
kỹ thuật của việc thực hiện ĐTM; các phương pháp áp dụng trong quá trình thực hiện
ĐTM và tổ chức thực hiện ĐTM.
* Chương 1: Mô tả tóm tắt dự án
Các nội dung chính của chương này bao gồm: tên dự án; chủ dự án; vị trí địa lý của
dự án; nội dung chính của dự án:
- Mô tả mục tiêu của dự án
- Khối lượng và quy mô các hạng mục dự án
- Mô tả biện pháp, khối lượng thi công xây dựng các công trình của dự án

49
- Công nghệ sản xuất, vận hành
- Danh mục máy móc, thiết bị
- Nguyên, nhiên, vật liệu (đầu vào) và các chủng loại sản phẩm (đầu ra) của dự án
- Tiến độ thực hiện dự án
- Vốn đầu tư
- Tổ chức quản lý và thực hiện dự án
* Chương 2: Điều kiện môi trường tự nhiên và kinh tế xã hội khu vực thực hiện dự án
- Điều kiện về môi trường tự nhiên bao gồm: Điều kiện về địa lý, địa chất; Điều
kiện về khí tượng; Điều kiện thủy văn/hải văn; Hiện trạng chất lượng các thành phần
môi trường vật lý; Hiện trạng tài nguyên sinh học.
- Điều kiện về kinh tế - xã hội khu vực thực hiện dự án.
* Chương 3: Đánh giá tác động môi trường
Đánh giá tác động của dự án tới môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội được thực
hiện theo các giai đoạn chuẩn bị, xây dựng, vận hành và giai đoạn khác của dự án (nếu
có): tháo dỡ, đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường và các hoạt động khác có khả năng
gây tác động đến môi trường.
Đánh giá về các tác động do rủi ro, sự cố và nhận xét về mức độ chi tiết, độ tin cậy
của các đánh giá.
* Chương 4: Biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu và phòng ngừa, ứng
phó sự cố môi trường
Đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến các đối tượng tự nhiên và
kinh tế - xã hội tương ứng với các tác động đã được đề cập trong chương 3 và có lý giải
rõ ràng về ưu điểm, nhược điểm, mức độ khả thi, hiệu suất/hiệu quả xử lý của các biện
pháp.
* Chương 5: Chương trình quản lí và giám sát môi trường
Xây dựng một chương trình quản lý và giám sát môi trường cho các giai đoạn hoạt
động của dự án.
* Chương 6: Tham vấn ý kiến cộng đồng
Nêu tóm tắt quá trình tổ chức tham vấn ý kiến cộng đồng của Ủy ban nhân dân cấp
xã; Đại diện cộng đồng dân cư (nếu có); Tổ chức chịu tác động trực tiếp bởi dự án (nếu
có); Cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án xây dựng cơ sở
hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung (nếu có) và ý kiến phản hồi và cam
kết của chủ dự án đối với các đề xuất, kiến nghị, yêu cầu của các cơ quan, tổ chức được
tham vấn.

50
* Kết luận, kiến nghị và cam kết
- Phải có kết luận về các vấn đề, như: đã nhận dạng và đánh giá được hết các tác
động chưa, vấn đề gì còn chưa dự báo được; đánh giá tổng quát về mức độ, quy mô
của các tác động đã xác định; mức độ khả thi của các biện pháp giảm thiểu tác động
tiêu cực và phòng chống, ứng phó các sự cố, rủi ro môi trường; các tác động tiêu cực
nào không thể có biện pháp giảm thiểu vì vượt quá khả năng cho phép của chủ dự án
và nêu rõ lý do.
- Kiến nghị với các cấp, các ngành liên quan giúp giải quyết các vấn đề vượt khả
năng giải quyết của dự án.
- Các cam kết của chủ dự án về việc thực hiện chương trình quản lý môi trường,
chương trình giám sát môi trường như đã nêu trong chương 5 (bao gồm các tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật môi trường mà dự án bắt buộc phải áp dụng); thực hiện các cam kết
với cộng đồng như đã nêu tại chương 6 của báo cáo ĐTM; tuân thủ các quy định chung
về bảo vệ môi trường có liên quan đến các giai đoạn của dự án.

3.4. Các bước thực hiện đánh giá tác động môi trường chi tiết

3.4.1. Công tác chuẩn bị


Công tác chuẩn bị gồm các việc sau:
3.4.1.1. Thành lập nhóm chuyên gia
Tùy thuộc vào đặc điểm của dự án đầu tư (công nghiệp hóa chất, xi măng, dầu khí,
nhiệt điện, thủy điện, thủy lợi, giao thông, du lịch, thủy sản...) và đặc điểm môi trường
vùng dự án, thành phần chuyên gia của đoàn nghiên cứu ĐTM có thể khác nhau. Tuy
nhiên, dù loại dự án nào đoàn chuyên gia cũng có thể tối thiểu các thành phần sau:
Đoàn trưởng là chuyên gia về ĐTM có khả năng tổ chức nghiên cứu, sàng lọc, xác
định phạm vi ĐTM, xây dựng đề cương ĐTM, đồng thời có khả năng phân tích, dự báo
tác động; tổng hợp, lập báo cáo ĐTM. Đối với dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
hoặc dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), ngoài các khả năng trên đoàn trưởng cần
phải là người có khả năng làm việc bằng tiếng Anh (viết, nghe, nói);
- Chuyên gia về sinh thái học.
- Chuyên gia về khoa học môi trường hoặc công nghệ môi trường.
- Chuyên gia về xã hội học.
- Cán bộ tin học.
Đối với các dự án thuộc quy mô lớn thuộc các lĩnh vực: phát triển nguồn nước (hồ
chứa, thủy lợi), các dự án thủy điện, nhiệt điện, công nghiệp, dầu khí, giao thông đường bộ,
đường thủy, sân bay, khu xử lý chất thải và tất cả các dự án thuộc trách nhiệm thẩm định và

51
phê duyệt báo cáo ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các dự án ODA (vay vốn
WB, JBIC, ADB, AFD, v.v...) đoàn nghiên cứu ĐTM cần phải có đủ các thành phần:
Đoàn trưởng (với khả năng như đã trình bày ở trên);
- Chuyên gia sinh thái cạn;
- Chuyên gia sinh thái nước;
- Chuyên gia địa chất, địa lý;
- Chuyên gia thủy văn;
- Chuyên gia công nghệ môi trường;
- Chuyên gia mô hình hóa môi trường;
- Chuyên gia hóa phân tích;
- Chuyên gia xã hội học;
- Cán bộ tin học;
- Lực lượng cán bộ hỗ trợ.
Các chuyên gia nêu trên không nhất thiết có học hàm cao (Giáo sư, Phó giáo sư,
Tiến sĩ) nhưng phải là những người đã qua đào tạo chuyên ngành về ĐTM, các chuyên
ngành có liên quan và có kinh nghiệm trong từng lĩnh vực chuyên môn.
Trong thực tế, không có một đơn vị (khoa, trung tâm, viện chuyên ngành) nào ở
nước ta hiện nay có đủ các thành phần chuyên gia nêu trên. Do vậy, chủ đầu tư có thể
hợp tác với một đơn vị tư vấn (thường là nơi có chuyên gia đảm đương trách nhiệm
Đoàn trưởng). Các đơn vị này cần mời các chuyên gia từ nhiều đơn vị khác nhau tham
gia vào đoàn nghiên cứu ĐTM.

3.4.1.2. Chuẩn bị về phương tiện kỹ thuật


Để đảm bảo công tác khảo sát, phân tích, xác định hiện trạng môi trường vùng dự
án, đoàn nghiên cứu ĐTM cần được đảm bảo cơ sở vật chất cho phù hợp.
- Các phòng thí nghiệm chuyên ngành: phân tích hóa - lý, phân tích vi sinh, phân
tích sinh học với thiết bị và phương pháp phân tích theo TCVN, tiêu chuẩn của các quốc
gia tiên tiến hoặc tiêu chuẩn ngành. Trong trường hợp nghiên cứu ĐTM cho các dự án
vay vốn quốc tế, các phương pháp phân tích theo tiêu chuẩn của hệ thống quan trắc môi
trường toàn cầu (GEMS) hoặc theo ISO, hoặc theo các phương pháp tiêu chuẩn của Hoa
Kì, EU nên được sử dụng để dễ được các tổ chức quốc tế chấp nhận.
- Các thiết bị xử lý, lưu trữ số liệu, làm bản đồ.
- Các thiết bị phục vụ khảo sát, thu mẫu thực địa: dụng cụ GPS, thiết bị thu mẫu
nước, đất, thủy sinh, không khí, thiết bị đo độ ồn, độ rung, thiết bị phân tích chất lượng
nước dã ngoại,...

52
Đoàn nghiên cứu ĐTM có thể sử dụng các trang thiết bị hiện có của đơn vị chủ trì
ĐTM hoặc hợp đồng với các đơn vị có thiết bị chuyên dụng. Các đơn vị phân tích,
nghiên cứu môi trường chịu trách nhiệm với chủ đầu tư về kết quả đo đạc, phân tích.
Đơn vị tư vấn ĐTM thay mặt chủ đầu tư chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng
của đội ngũ chuyên gia và độ chính xác của phương pháp nghiên cứu, số liệu phân tích
phục vụ ĐTM. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm với các cơ quan quản lý nhà nước và địa
phương về số liệu của báo cáo ĐTM.

3.4.1.3. Yêu cầu về tài chính


Để thực hiện nghiên cứu ĐTM với lực lượng cán bộ đa ngành, có chất lượng cao,
thỏa mãn yêu cầu của chủ đầu tư và cơ quan thẩm định, chi phí cho công tác này không
thể quá thấp.
Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia chưa quy định chính thức về tỉ lệ
phần trăm chi phí cho ĐTM trên tổng vốn đầu tư của dự án. Do vậy, mức chi phí cho
ĐTM cho cùng một loại hình, cùng quy mô dự án rất khác nhau, tùy thuộc vào
thương thảo giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn ĐTM hoặc tùy thuộc vào nguồn vốn từ
tổ chức nào.
Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính cần quy định về mức phí
cho nghiên cứu ĐTM. Mức phí này có thể là 0,05% (với dự án đầu tư trên 100 triệu
USD) đến trên 0,2% (với dự án đầu tư dưới 10 triệu USD) tổng vốn đầu tư của dự án.
Cụ thể mức phí ĐTM được quy định như sau:
- Dự án có vốn đầu tư từ 100 triệu USD trở lên mức phí là 0,05%
- Dự án có vốn đầu tư từ 50 triệu USD đến 100 triệu USD mức phí là 0,05 - 0,08%
- Dự án có vốn đầu tư từ 20 triệu USD đến 50 triệu USD mức phí là 0,08 - 0,1%
- Dự án có vốn đầu tư từ 10 triệu USD đến 20 triệu USD mức phí là 0,1 - 0,2%
- Dự án có vốn đầu tư dưới 10 triệu USD mức phí là 0,2%
Một số dự án có vốn đầu tư thấp nhưng có tiềm năng gây tác động môi trường
phức tạp thì mức phí cho nghiên cứu môi trường có thể từ 0,2 - 1% tổng vốn đầu tư
cho dự án.
Kinh phí cho ĐTM do chủ đầu tư đảm bảo, được tính vào vốn đầu tư của dự án.
3.4.1.4. Yêu cầu về thời gian nghiên cứu đánh giá tác động môi trường
Để có một ĐTM có chất lượng cao theo đúng và đủ nội dung, thời gian tối thiểu
để triển khai, thu thập số liệu, khảo sát, phân tích, dự báo môi trường, nghiên cứu,
đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực và lập báo cáo ĐTM chi tiết

53
(không kể thời gian chờ thẩm định) là 60 ngày đối với dự án do các tỉnh, thành phố
thẩm định và 100 ngày đối với dự án do Bộ TNMT thẩm định. Không quy định về
thời gian tối đa cho nghiên cứu ĐTM, tùy thuộc vào bản chất dự án và mức độ phức
tạp của ĐTM.
Cần có quy định rõ về thời gian để chủ đầu tư có kế hoạch triển khai ĐTM ngay từ
khi bắt đầu báo cáo nghiên cứu khả thi.
3.4.1.5. Thu thập dữ liệu cần thiết cho việc biên soạn báo cáo đánh giá tác động môi
trường
Để có cơ sở triển khai nghiên cứu ĐTM cho dự án đầu tư đơn vị tư vấn cần thu thập
và sử dụng các tài liệu sau:
* Các văn bản pháp lý
- Luật BVMT được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày
29/11/2005 có hiệu lực thi hành từ 01/7/2006.
- Luật Đất đai thông qua ngày 26/11/2003.
- Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực ngày 01 tháng 7 năm 2011.
- Các Luật khác liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của dự án lập báo cáo ĐTM.
- Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/04/2011 của Chính phủ về đánh giá môi
trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường.
- Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi
trường quy định chi tiết một số điều Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của
Chính phủ về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết
bảo vệ môi trường.
- Các quy đinh khác liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của dự án phải lập ĐTM và
bảo vệ môi trường.
- Các tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam về môi trường hiện đang áp dụng.
- Đối với các dự án vay vốn ODA, ngoài các văn bản pháp luật của Việt Nam, các
văn bản pháp lý, chính sách an toàn môi trường và xã hội của tổ chức cho vay vốn cần
được áp dụng trong quá trình triển khai ĐTM.
- Ngoài ra, còn có các văn bản hương ước làng xã. Các quy định hướng dẫn của
địa phương.
* Các tài liệu kỹ thuật
Các tài liệu kỹ thuật chính cần sử dụng để nghiên cứu ĐTM được liệt kê dưới đây.
- Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án với đầy đủ số liệu về vị trí; mặt bằng; sơ đồ
công nghệ; các nguồn cung cấp nguyên liệu, các loại hóa chất, vật tư, nhiêu liệu, năng

54
lượng; các phương án xây dựng, vận chuyển, giải phóng mặt bằng, các giải pháp triển
khai dự án; các giải pháp BVMT, tái định cư và các sơ đồ kèm theo.
- Các số liệu về điều kiện môi trường vật lý vùng dự án và xung quanh (vùng có
thể chịu tác động do dự án). Mức độ chi tiết của số liệu phụ thuộc vào yêu cầu ĐTM:
nếu phải áp dụng mô hình hóa môi trường hoặc dự báo tác động về sinh thái thì số liệu
môi trường “nền” cần phải rất chi tiết. Dưới đây là yêu cầu tối thiểu về các thành
phần môi trường.
+ Địa hình (kèm theo bản đồ địa hình có tỉ lệ phù hợp và nêu các vấn đề cần lưu ý
đối với dự án);
+ Địa chất (địa chất công trình, địa chất thủy văn, kèm theo bản đồ có tỉ lệ phù hợp
và nêu các vấn đề cần lưu ý đối với dự án);
+ Thổ nhưỡng (kèm bản đồ phân bố các loại đất);
+ Khí hậu (số liệu về gió, lượng mưa, độ ẩm, nhiệt độ không khí, bức xạ, trung bình
tháng trong 5 - 10 năm gần nhất của trạm khí tượng quốc gia hoặc trạm cấp vùng, cấp
tỉnh gần vùng dự án nhất);
+ Thủy văn/hải văn (số liệu về hệ thống sông ngòi, vận tốc, lưu lượng trung bình
tháng trong 5 - 10 năm gần nhất của các dòng sông, chế độ hải văn có thể ảnh hưởng
đến dự án hoặc bị tác động do dự án). ĐTM đối với một số loại hình dự án cần có số
liệu khảo sát ở thời điểm thực hiện ĐTM (dự án thủy điện, thủy lợi, các dự án cần dự
báo về thay đổi thủy văn, diễn biến chất lượng nước);
+ Chất lượng không khí: Số liệu hiện có và số liệu do đoàn nghiên cứu ĐTM phân
tích về bụi tổng số, bụi PM10, SO2, NOx, CO (có thể bổ sung VOC, chì) tại 5 - 20 điểm
(tùy thuộc quy mô dự án) trong và ven khu vực dự án;
+ Chất lượng nước mặt, nước ngầm: Số liệu hiện có và số liệu do đoàn nghiên cứu
ĐTM phân tích ở 5 -50 điểm (tùy thuộc vào quy mô dự án và vùng bị ảnh hưởng do dự
án) về các thông số chọn lọc (liên quan đến tác động của dự án đến chất lượng nước
mặt, nước ngầm);
Các thông số cơ bản tối thiểu là: pH, độ đục, DO, SS, NH4+, NO3-, NO2-, tổng N,
tổng P, BOD, dầu mỡ, E.coli, tổng coliform. Nhiều thông số khác cần bổ sung (kim loại
nặng, EC, độ mặn, Al, Fe, phenol, hóa chất BVTV,...) tùy theo bản chất tác động của dự
án và địa điểm thực hiện dự án;
+ Chất lượng môi trường đất: Số liệu hiện có và số liệu do đoàn nghiên cứu ĐTM
phân tích ở 5 - 50 điểm (tùy quy mô vùng có thể bị ảnh hưởng) về thành phần đất tự
nhiên và các chất ô nhiễm do chất thải liên quan đến dự án: dầu mỡ, một số kim loại
nặng đặc trưng.

55
- Số liệu về môi trường sinh học
+ Các hệ sinh thái cạn: Số liệu hiện có và số liệu do đoàn nghiên cứu ĐTM khảo sát
lập về danh mục các loại thực vật, mật độ, giá trị, đặc điểm và độ nhạy cảm của hệ sinh
thái cạn;
+ Hệ sinh thái nước: Số liệu hiện có và số liệu do đoàn nghiên cứu ĐTM xác định
về các hệ sinh thái nước ở vùng có thể bị ảnh hưởng do dự án: Danh mục các loài
phiêu sinh thực vật, phiêu sinh động vật, động vật đáy, cá; độ nhạy cảm của hệ sinh
thái nước;
Danh mục các loài thực vật, động vật trong sách đỏ Việt Nam và mức độ bị đe dọa.

3.4.2. Xác định các hành động quan trọng của dự án


Một dự án thường có các hành động quan trọng cần xác định rõ từ giai đoạn tiến
hành xây dựng và giai đoạn dự án đi vào hoạt động. Các hành động của dự án (hay của
hoạt động kinh tế - xã hội) chính là các “nguồn gây tác động” đến môi trường sinh thái
và nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Có thể nêu ra các nguồn tác động chung nhất là:
- San lấp mặt bằng; đào đất, phá núi, lấp ao hồ (nổ mìn).
- Tháo nước làm khô mặt đất, lấy nước vào hồ chứa.
- Ngăn sông, đổi dòng chảy.
- Xây dựng đường giao thông và cơ sở hạ tầng.
- Vận chuyển thiết bị vật tư.
- Lắp đặt thiết bị, vận hành thử.
- Di dân, thành lập khu định canh định cư mới, xây dựng đô thị.
- Chuyển mục đích sử dụng đất.
- Di chuyển tài sản.
- Khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên (đặc biệt quan trọng là nước
ngầm, nhiên liệu hóa thạch, khu bảo tồn quốc gia, khu vực đất ngập nước, rừng).
- Vận chuyển hàng hóa (nhập, xuất).
- Tiêu thụ nguyên liệu, sản phẩm và xử lý chất thải.
- Sử dụng không hợp lý và dư thừa các chất hóa học (bón phân hóa học, thuốc
BVTV, thuốc diệt cỏ, chất thải và thức ăn thừa của chăn nuôi, thức ăn thừa và kháng
sinh trong nuôi trồng thủy sản).
- Các chất thải khí (SO2, CO2, NO2...) của giao thông, khí dò rỉ khi vận hành các thiết
bị lạnh, bức xạ , ,  của các trạm y tế, lò cao máy phát điện, trạm điện, quốc phòng.

56
3.4.3. Xác định các tác động của các hành động đến môi trường và chất lượng
cuộc sống
3.4.3.1. Các tác động của hành động đến môi trường
Ðây là bước quan trọng nhất đòi hỏi trình độ đầy đủ, tổng hợp của các chuyên gia
trong nhóm công tác ÐTM. Mỗi hành động của dự án đều tác động đến môi trường và
tùy theo mức độ sẽ làm thay đổi tính chất của môi trường về vật lý, hóa học, sinh học,
xã hội và kinh tế văn hóa trên địa bàn.
Ví dụ 1: Làm cạn nước một phần diện tích khu vực đất ngập nước sẽ thay đổi hệ sinh
thái, thay đổi hoặc suy giảm nguồn gen sinh vật. Nước cạn, mất áp lực bề mặt sẽ làm khí
metan (CH4) bốc mạnh dẫn đến nguy cơ cháy rừng. Mặt nước mất đi làm mất nguồn dự
trữ nước bổ sung vào túi nước ngầm v.v... Như vậy, thay đổi về nước dẫn đến CH4 bốc
lên mạnh, hệ thực vật thay đổi... là những “thay đổi bậc 1”. Kế tiếp các thay đổi đó là
mực nước ngầm giảm, tính chất nước ngầm thay đổi theo, đó là các “thay đổi bậc 2”.
Ví dụ 2: Hoạt động của nhà máy giấy thường gây ra một số thay đổi bậc 1 là: mùi
hôi khó chịu (mercaptan) - chất lượng không khí biến đổi. Khối lượng chất thải lỏng rất
lớn chứa bột giấy, lignin, kiềm dư thừa... làm chất lượng nước mặt thay đổi. Khai thác
cây nguyên liệu làm chất lượng rừng thay đổi, độ che phủ thực vật giảm xuống.
Tất cả các biến đổi bậc 1 về không khí, nước mặt, độ che phủ của thực vật sẽ dẫn
đến các thay đổi bậc 2 là: sức khoẻ cộng đồng giảm do không khí, đất ruộng bị thái hóa
do lignin và kiềm dư, gia súc bị bệnh, cá chết hoặc nhiễm độc, đất bị rửa trôi mạnh hơn
vì độ che phủ giảm.
Nhìn chung, để xác định được tác động của các hành động từ một dự án đến môi
trường cần phải chú ý:
- Xác định đủ, đúng hành động của dự án.
- Hiểu biết tốt để xác định biến đổi bậc 1 cho từng dự án cụ thể.
- Xác định biến đổi bậc 2 dựa vào mức độ, phạm vi của các biến đổi bậc 1.
- Phải xem xét toàn diện cả biến đổi môi trường tự nhiên đồng thời biến đổi về kinh
tế - văn hóa - xã hội nhằm bảo tồn văn hóa. Mọi công việc thực chất là nhằm xoay
quanh phát triển. Vì vậy, cần luôn luôn so sánh, đối chiếu để có sự hoà hợp giữa phát
triển với khả năng chịu đựng tổn thương của môi trường.
Ðể làm rõ vấn đề, ta cần xác định lựa chọn các hành động của dự án có khả năng dẫn
đến ảnh hưởng cho nguồn tài nguyên thiên nhiên (và ngay cả nguồn tài nguyên văn hóa),
nguồn tài nguyên đó bao gồm: khí tượng, chế độ thuỷ văn, tính chất đất, nước mặt, nước
ngầm và tính chất của chúng. Các nguồn tài nguyên rừng, sinh vật, tài nguyên cá, tài
nguyên khoáng sản, tài nguyên biển v.v... Cần phải thấy rõ, phát hiện được các tác động
bậc 1 và cả tác động bậc 2 (có khi xảy ra rất chậm) để bảo đảm phát triển bền vững.

57
Mục tiêu: Phát triển kinh tế - xã hội

Dự án phát triển, hoạt động phát triển

Hành động để thực hiện dự án phát triển


Thông tin phản hồi

Các biến đổi môi trường do hành động phát triển gây ra

Đối chiếu
Tạo ra tác động làm biến đổi nguồn TNMT

Cần các đáp ứng: biện pháp phòng tránh và giảm thiểu

Hình 3.3. Phân tích để xác định các tác động môi trường của dự án phát triển
(Nguồn R. Carpenter - 1993)
3.4.3.2. Các tác động của hành động đến chất lượng cuộc sống
Chất lượng cuộc sống, về cơ bản là chất lượng cuộc sống của con người không chỉ
về mặt vật chất mà phải đầy đủ, toàn diện cả về văn hóa, khoa học, dân trí, truyền thống
trong phát triển bền vững. Một lần nữa nhắc lại: mục tiêu của chúng ta là phát triển song
song nguyên tắc là phải bền vững.
Sau khi xác định các tác động ảnh hưởng đến nguồn TNTN và chất lượng cuộc
sống của con người, cần thiết phải xác định rõ nguồn gốc tác động đó. Tiếp theo để
đánh giá mức độ tác động, ta phải sử dụng các phương pháp phân tích và xếp hạng (sẽ
trình bày ở chương 5).

3.4.3.3. Các vấn đề môi trường nhân văn trong đánh giá tác động môi trường
* Tầm quan trọng của đánh giá tác động tới môi trường nhân văn
Mục tiêu của các dự án ở Việt Nam là nhằm phát triển KT-XH để đáp ứng nhu
cầu ngày càng tăng của nhân dân theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của
đất nước.
Tuy nhiên, trong thực tế mục tiêu của một số dự án không đạt được là do không tiên
liệu hết các tác động đến môi trường nhân văn. Sự thay đổi về KT-XH do dự án đưa lại
có thể là tích cực cho phần lớn dân chúng nhưng có thể là tiêu cực đối với một số bộ
phận của cộng đồng. Ví dụ: Dự án xây dựng công trình thủy điện góp phần phát triển
KT-XH toàn vùng nhưng lại gây khó khăn cho đời sống của các hộ phải di dời; Dự án
phát triển cảng biển rất quan trọng đối với ngành giao thông, công nghiệp, thương mại
nhưng có thể gây thiệt hại cho ngành thủy sản và du lịch của địa phương,...

58
Các tác động tiêu cực có tính cục bộ nêu trên có thể được giảm thiểu đến mức thấp
nhất nếu nghiên cứu ĐTM tiên liệu trước các vấn đề này và đề ra giải pháp khắc phục
trước khi tiến hành dự án. Nhiều ví dụ ở Việt Nam và ở nhiều quốc gia trên thế giới đã
chứng minh điều này.
* Các điểm trọng tâm về phân tích kinh tế - xã hội trong ĐTM
Đánh giá về mặt KT-XH trong ĐTM nhằm dự báo dự án gây ảnh hưởng như thế
nào đối với các nhóm dân cư sống nhờ vào nguồn tài nguyên trong vùng dự án. Đánh
giá KT-XH càng quan trọng trong các dự án có liên quan tới người dân địa phương (dân
tộc ít người) hoặc người dân sống trong vùng sinh thái nhạy cảm do mối quan hệ chặt
chẽ giữa lối sống, nguồn lợi kinh tế, văn hóa, tập quán của họ đối với nguồn tài nguyên
thiên nhiên trong vùng. Các dự án dẫn tới tái định cư bắt buộc lập các khu dân cư mới
cũng đưa đến các thay đổi trong quan hệ giữa cộng đồng địa phương và việc sử dụng tài
nguyên môi trường.
Nhằm xác định và đánh giá tác động về KT-XH cần phân tích các lĩnh vực cần ưu
tiên dưới đây.
 Sự khác nhau trong cộng đồng
Các cộng đồng bao gồm nhiều thành phần dân chúng có thể có cùng quyền lợi hoặc
khác nhau về quyền lợi đối với một dự án. Do vậy, đánh giá về KT-XH trong ĐTM cần
phân chia dân cư bị tác động do dự án thành các nhóm theo cách thức khác nhau về khía
cạnh chịu tác động, theo mức độ bị tác động và theo địa giới. Các nhóm dân chúng khác
nhau về mặt xã hội (ví dụ: ngành nghề, giới tính, tuổi tác, tình trạng kinh tế, dân tộc,...)
có thể chịu tác động khác nhau.
 Các nhóm ngành nghề
Vùng dự án có thể gồm dân chúng làm việc trong nhiều ngành nghề, mỗi ngành
nghề có cách thức sử dụng tài nguyên môi trường khác nhau, thậm chí có khi trái ngược
nhau (ví dụ: Ngành giao thông thủy và nuôi trồng thủy sản ở vùng cửa sông; ngành cấp
nước và ngành sản xuất bột giấy trên cùng một dòng sông). Ngành nuôi trồng thủy sản
và ngành cấp nước cần chất lượng nước cao, sông không bị ô nhiễm, trong khi đó ngành
công nghiệp bột giấy và giao thông thủy cần xả chất thải vào sông, để giảm chi phí xử
lý. Như vậy, một dự án có thể tạo ra lợi nhuận cho ngành này nhưng lại tác động tiêu
cực đến ngành khác. Do đó, việc phân tích lợi ích và tác hại về KT-XH của dự án đối
với từng nhóm ngành nghề là cần thiết.
 Sự phân tầng về KT-XH
Các nhóm dân cư trong vùng dự án có thể khác nhau về thu nhập, về diện tích canh
tác,... Do vậy, khả năng hưởng thụ lợi ích từ dự án cũng khác nhau. Vì thế, việc xác
định các nhóm dân cư theo thu nhập cũng cần được thực hiện trong nghiên cứu ĐTM.

59
 Các dân tộc bản địa, dân tộc ít người
Trong vùng dự án có thể có dân tộc đa số và các dân tộc thiểu số. Các nhóm dân
chúng này có thể khác nhau về trình độ sản xuất, phương thức sản xuất, văn hóa, tập
quán, ngôn ngữ và mục đích sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Do vậy, trong ĐTM cho
các dự án vùng này cần phải nghiên cứu về đặc điểm KT-XH và văn hóa của các dân
tộc. Cần hết sức lưu ý nghiên cứu về các dân tộc ít người, bởi vì họ thường có điều kiện
kinh tế, văn hóa kém phát triển hơn người đa số và thường khó thích nghi với việc thay
đổi môi trường sống và phương thức sản xuất.
 Lứa tuổi và giới tính
Đánh giá về KT-XH cần xác định tác động của dự án đến các cá nhân trong cùng hộ
gia đình. Người già có thể bị tác động nặng hơn so với người trẻ trong quá trình tái định
cư hoặc thay đổi theo phương thức sản xuất. Đàn ông, phụ nữ, trẻ em có vai trò kinh tế
khác nhau nên dự án có thể gây tác động khác nhau đối với từng nhóm người.
 Sự khác nhau trong các hệ thống sản xuất
Các hệ thống sản xuất có thể chịu tác động của dự án nhưng mỗi thành phần trong
hệ thống có thể chịu tác động khác nhau về quy mô và cách thức. Ví dụ: Hệ thống sản
xuất về cá bao gồm các thành phần như: nuôi thủy sản nước ngọt, nuôi thủy sản nước
mặn, đánh bắt cá biển,... Tác động môi trường do ô nhiễm từ dự án công nghiệp có thể
gây tác hại nặng đến ngành nuôi trồng thủy sản nhưng có thể gây tác động nhẹ hơn đối
với ngành đánh bắt.
Hệ thống sản xuất nông nghiệp bao gồm các thành phần như: trồng trọt (với các
phương tiện hình thức chuyên canh hoặc xen canh), lâm nghiệp, chăn nuôi,... Mỗi thành
phần này chịu sự tác động khác nhau dự án. Vì vậy việc xác định khác nhau trong hệ
thống sản xuất là cần thiết trong quá trình phân tích KT-XH của nghiên cứu ĐTM.
 Sự khác nhau về phương thức sử dụng tài nguyên
Các cộng đồng trong cùng một vùng dự án đều có chủ quyền sử dụng các thành
phần môi trường ở mức độ khác nhau. Thí dụ, về mặt pháp lý vùng đất rừng do nhà
nước quản lý nhưng thực sự vùng đó lại là nơi cư trú làm ăn của người dân địa phương.
Một số hộ được nhà nước giao đất, giao rừng cho quyền sử dụng và bảo vệ rừng; một số
khác lại không có quyền này. Cho nên, khi có dự án ảnh hưởng đến vùng rừng (thí dụ
dự án xây dựng công trình thủy điện) thì mức độ tác động của dự án sẽ khác nhau đối
với các nhóm người có quyền sử dụng đất khác nhau.
Trên đây là các điểm cốt lõi trong phân tích xã hội đối với nghiên cứu ĐTM do
ngân hàng thế giới khuyến cáo. Các điểm này về cơ bản là phù hợp với yêu cầu về
ĐTM của Việt Nam. Trong dự báo tác động KT-XH của dự án, các vấn đề dự án nhạy
cảm sau đây cần được lưu ý đặc biệt:
- Các vấn đề sinh thái KT- XH trong vùng nhạy cảm (các vùng nội địa, rừng ngập
mặn, vùng đới bờ, khu vực bảo tồn đa dạng sinh vật, vùng bảo tồn văn hóa dân tộc,...);

60
- Các vấn đề KT- XH của các dân tộc ít người;
- Các vấn đề tái định cư bắt buộc;
- Các vấn đề lấp các khu định cư mới;
- Các vấn đề phát triển kèm theo (hậu quả hoặc thành quả gián tiếp của dự án): tăng
dân số, tăng di dân, tăng tốc độ đô thị hóa, gia tăng ô nhiễm...
Sau khi phân tích các tác động như trên, báo cáo ĐTM cần đưa đến các giải pháp về
quy hoạch, công nghệ hành động tái định cư (chính sách đền bù, giải tỏa, hỗ trợ tái định
cư) và chương trình quan trắc ngoại vi về kế hoạch hành động, tái định cư nhằm giảm
thiểu tác động về KT-XH đối với bộ phận dân cư chịu thiệt thòi do dự án.
Trong tất cả các quá trình phân tích, đánh giá tác động về KT- XH và xây dựng các
biện pháp giảm thiểu thì sự tham gia của cộng đồng dân cư, đặc biệt là các hộ có khả
năng bị tác động tiêu cực ngay khi thực hiện nghiên cứu ĐTM và thực hiện dự án là rất
cần thiết.

3.4.4. Dự báo diễn biến của các tác động


Ðây là quá trình dự đoán theo thời gian (5 năm, 10 năm, 20 năm) theo không gian
(tác động có bị mở rộng phạm vi địa giới không) và theo cường độ (tác động diễn biến
theo chiều hướng tăng hay giảm). Quá trình dự báo diễn biến của tác động đến MT và
tài nguyên có thể thực hiện được bằng phương pháp cơ bản là phương pháp chuyên gia
dựa trên các kết quả monitoring MT để đánh giá. Công cụ để thực hiện thường là: mô
hình hóa, ma trận hoặc kỹ thuật bản đồ, kỹ thuật GIS.
Trong quá trình đánh giá tác động MT, dự báo diễn biến của các tác động tới MT,
chúng ta cần xác định rõ các tác động, mức độ và mức độ quan trọng của loại tác động
đến MT tự nhiên, đến tài nguyên môi trường và đến chất lượng MT sống. Ðể làm tốt
việc này cần phải dựa vào luật, nghị định, quy định, công ước quốc tế, thỏa thuận quốc
tế, các loại tiêu chuẩn, quy định đặc biệt (khu bảo tồn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển,
khu vực nhạy cảm của MT tự nhiên cũng như kinh tế - xã hội, v...). Cuối cùng phải xác
định được sự phù hợp và thỏa thuận tốt của cộng đồng.

3.4.5. Xác định các biện pháp giảm thiểu và quản lý tác động
3.4.5.1. Mục tiêu của biện pháp giảm thiểu tác động
- Tránh cho MT chịu nhiều tác động nhưng dự án vẫn phải có hiệu quả.
- Xác lập sự phù hợp giữa tác động và mức độ chịu đựng của MT
- Làm cho chi phí khắc phục ở mức đủ mà cộng đồng, chủ dự án có thể chấp nhận
được so với lợi nhuận.
Ðể làm tốt việc đó, phải có các thông tin đầy đủ sau đây:
+ Kết quả nghiên cứu tương đồng về phương thức, công nghệ, quản lý có thể giảm
thiểu tác động (vấn đề này có thể tham khảo các dự án tương tự - với các công nghệ
phát triển hơn còn các chất thải có thể sử dụng các tuyển tập sổ tay hướng dẫn).

61
+ Tiếp nhận các tư liệu, tài liệu, kinh nghiệm từ nhiều cơ sở khác.
+ Các nguồn thông tin khác từ cộng đồng.
Trên cơ sở đó tiến đến việc lựa chọn một số hướng cơ bản để giảm thiểu, xử lý và
khắc phục các tác động đó đến MT và TNTN.
+ Chọn phương thức mới, công nghệ mới để thay thế.
+ Thay đổi một số chi tiết trong quy hoạch, thiết kế.
+ Thay đổi vị trí, phạm vi, quy mô dự án.
+ Bổ sung các chi tiết của dự án.
+ Tăng cường công tác quản lý và phương thức phù hợp.
Cần làm tốt các việc trên đây kèm theo phương tiện để thực hiện, có như vậy thì các
phương án giảm thiểu và khắc phục mới có thể khả thi.
3.4.5.2. Đề xuất nội dung và các yêu cầu quản lý, giám sát chất lượng môi trường
Mặc dù, dự án đã thực hiện lập báo cáo ĐTM song trong thực tế, các dự báo, các
phép đo đạc, các phương pháp so sánh và đánh giá không bao giờ không gặp các sai số.
Mặt khác, môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội luôn luôn có biến động do chịu ảnh
hưởng từ nhiều tác nhân bên trong cũng như bên ngoài. Vì nguyên nhân đó, để đảm bảo
cho nhiệm vụ kiểm soát MT ngày càng tốt, cần thiết phải có một kế hoạch monitoring
tiếp tục. Nhiệm vụ của moniring là phát hiện các sai sót mà ÐTM gặp phải do nguyên
nhân bên trong và bên ngoài.
Yêu cầu của monitoring là:
- Xác định địa điểm, vị trí để thực hiện monitoring.
- Xác định các phương pháp, công cụ thực hiện theo tiêu trí định trước.
- Xác định thời gian monitoring và các bước monitoring.
- So sánh, đối chiếu kết quả monitoring với ÐTM đã làm.
Cuối cùng là sử dụng các kết quả của monitoring để điều chỉnh, để giúp cho dự án
được thực hiện đầy đủ với kết quả tốt nhất.

3.4.6. Biên soạn báo cáo đánh giá tác động môi trường chi tiết và báo cáo tóm tắt
3.4.6.1. Yêu cầu về văn phong trong báo cáo đánh giá tác động môi trường
Cấu trúc báo cáo ĐTM tuân thủ phụ lục 2.5 kèm theo Thông tư số 26/2011/TT-
BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy cấu trúc này có nhiều điểm không thật
hợp lý, trong tương lai có thể sẽ được điều chỉnh theo hướng sao cho cấu trúc một báo
cáo ĐTM vẫn thể hiện đúng, đầy đủ các quy định của Luật BVMT và Nghị định số
29/2011/NĐ-CP của Chính phủ và hài hòa với cấu trúc và nội dung báo cáo ĐTM của
một số tổ chức quốc tế có uy tín.

62
Báo cáo ĐTM là văn bản để chủ đầu tư sử dụng trong dự báo các tác động môi
trường, phòng ngừa, ứng phó các tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên, kinh tế - xã
hội, đồng thời cũng là văn bản để cơ quan quản lý nhà nước thẩm định và giám sát sau
thẩm định. Do vậy, việc trình bày báo cáo ĐTM cần phải đạt các yêu cầu:
- Hành văn theo văn phong của tài liệu khoa học, rõ ràng, logic;
- Tránh lối diễn đạt nước đôi “có thể thế này hoặc thế kia”. Cần diễn đạt, nhận định
rõ ràng để mọi cơ quan, cá nhân liên quan đều hiểu đúng ý;
- Tập trung trình bày sâu, ở mức độ định lượng càng cao càng tốt các tác động quan
trọng của dự án, tránh dàn trải. Không đi vào các vấn đề thứ yếu (thí dụ: ĐTM dự án
nhà máy thủy điện phải tập trung nghiên cứu dự báo thay đổi về thủy văn, dòng chảy,
xói mòn ở hạ lưu, chất lượng nước hồ, các vấn đề di dân, tái định cư,... chứ không cần
đi sâu vào việc tính toán dự báo phát thải bụi, nước thải sinh hoạt...);
- Số liệu, danh pháp khoa học, kỹ thuật trong báo cáo phải được thể hiện theo quy
định của Việt Nam. Thí dụ: pH = 7,52 chứ không phải = 7.52; natri clorua chứ không
phải là sodium chloride, v.v....;
- Hình ảnh, bản đồ phải có chú thích rõ ràng, khuyến khích in màu;
- Các báo cáo ĐTM đều phải có các đề mục xếp theo thứ tự sau:
+ Danh sách những người thực hiện ĐTM (có thể nêu chi tiết trách nhiệm trong ĐTM).
+ Bảng giải thích các từ, cụm từ viết tắt;
+ Mục lục;
+ Danh mục các bảng;
+ Danh mục các hình;
+ Tóm tắt báo cáo ĐTM;
+ Nội dung báo cáo ĐTM chi tiết (các chương, các phần, mục);
+ Tài liệu tham khảo;
+ Phụ lục (nếu phụ lục có dung lượng lớn có thể tách thành tập riêng).
- Các bộ số liệu chi tiết về khí hậu, thủy văn, chất lượng môi trường, đa dạng sinh
học; số liệu, sơ đồ chi tiết về dự án; phương pháp đo đạc, phân tích, tính toán, kết quả
mô hình dự báo,... được tóm tắt trong phần báo cáo chính và được đưa vào phụ lục để
phần báo cáo chính được gọn và rõ ràng.
3.4.6.2. Báo cáo tóm tắt của báo cáo đánh giá tác động môi trường
Báo cáo tóm tắt (Executive Summary) cần tóm tắt rõ ràng các nội dung chính của
báo cáo ĐTM chi tiết. Báo cáo tóm tắt là văn bản để các cơ quan, người ra quyết định
đọc và hiểu rõ về các vấn đề môi trường của dự án và giải pháp giảm thiểu các tác động
tiêu cực do vậy cần được tóm tắt các nội dung cơ bản của báo cáo chính ở mức khá chi
tiết với dung lượng bằng khoảng 10% dung lượng của báo cáo chính.

63
3.5. Ví dụ về đánh giá tác động môi trường của một số dự án cụ thể
3.5.1. Các dự án giao thông đường bộ
3.5.1.1. Các vấn đề chung
Ý nghĩa KT-XH, an ninh quốc phòng của các dự án giao thông ở cấp độ quốc tế,
quốc gia là rất cao. Tuy nhiên, các dự án này có thể tạo ra nhiều tác động tiêu cực có
tính cục bộ về môi trường và kinh tế, xã hội đối với nhân dân bị di dời do dự án và các
hệ sinh thái tự nhiên ven đường.
Các tác động trực tiếp của dự án đến môi trường được sinh ra do hoạt động giải tỏa
nhà cửa, công trình kiến trúc, công trình lịch sử, văn hóa, tôn giáo và chuyển phương
thức sử dụng đất. Các tác động này phát sinh trong quá trình thi công đường, cầu: phá
bỏ thảm thực vật, cây trồng, đắp nền đường gây thay đổi tầng nước ngầm, tăng xói mòn,
bồi lắng, cản trở dòng chảy, tăng ngập úng cục bộ; ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn,
độ rung do hoạt động xây dựng... Các tác động trực tiếp còn sinh ra do tuyến đường mới
hoạt động, do sự gia tăng xe cộ, lượng nhiên liệu sử dụng dẫn tới gia tăng ô nhiễm môi
trường và tai nạn giao thông...
Các tác động gián tiếp của dự án giao thông đường bộ được tạo ra do các phát triển
kèm theo (induced development) sau khi tuyến đường hoạt động (gia tăng đô thị hóa,
công nghiệp hóa, thương mại, dân số...) dọc tuyến đường. Các tác động gián tiếp là vấn
đề cần quan tâm đặc biệt vì sự gia tăng việc chuyển đổi quyền sử dụng đất, suy giảm tài
nguyên và ô nhiễm môi trường.
Việc quản lý dự án và đào tạo đối với cơ quan quản lý và công ty xây dựng là cần
thiết. Các biện pháp quản lý nhằm hạn chế việc xâm phạm vào rừng, thảm thực vật,
động vật hoang dã và tránh vi phạm các công trình, di tích lịch sử, tôn giáo, văn hóa
trong quá trình chọn tuyến, thiết kế và xây dựng đường, cầu trong quá trình thiết kế và
thi công.
Quan trắc môi trường cần được thực hiện trong quá trình thi công và hoạt động của
dự án cầu, đường. Đối tượng quan trắc bao gồm cả 3 thành phần:
* Môi trường vật lý
- Vi khí hậu (gió, độ ẩm, nhiệt độ...)
- Độ ồn.
- Độ rung.
- Ô nhiễm không khí (bụi, SO2, NOx, CO, VOC, chì)
- Ô nhiễm nước mặt, nước ngầm (các thông số chọn lọc tùy từng vùng)
- Tầng nước ngầm.
- Bồi lắng
- Xói mòn
- Ngập úng
- Thay đổi thủy văn

64
* Môi trường sinh học
- Thảm thực vật, rừng (diện tích, chất lượng)
- Các loài thực vật
- Các loài động vật hoang dã
- Thủy sinh
* Kinh tế - xã hội
- Giám sát chương trình tái định cư, giải phóng mặt bằng (RAP)
- Diễn biến KT-XH các hộ bị ảnh hưởng do dự án.
3.5.1.2. Các phương pháp phân tích, dự báo tác động cho dự án giao thông đường bộ
Các phương pháp chính cần sử dụng để phân tích, dự báo tác động môi trường được
tóm tắt trong bảng sau.

Bảng 3.1. Các phương pháp phân tích dự báo tác động môi trường
do dự án giao thông
Tác động Phương pháp dự báo
1. Di dời, tái định cư. 1. Nghiên cứu, điều tra KT-XH vùng bị ảnh hưởng.
2. Xâm phạm các công trình văn hóa, lịch 2. Nghiên cứu đặc điểm lịch sử, văn hóa, tôn
sử, tôn giáo. giáo trong vùng.
3. Xâm phạm hệ sinh thái tự nhiên. 3. Nghiên cứu đặc điểm hệ sinh thái tự nhiên.
4. Ô nhiễm không khí do bụi, SO2, NOx,
4. Mô hình phát tán dự báo ô nhiễm không khí.
VOC , Pb...
5. Ô nhiễm do ồn 5. Mô hình lan truyền độ ồn theo tuyến.
6. Ô nhiễm do rung 6. Mô hình lan truyền độ rung.
7. Ô nhiễm sông, biển do sự cố tràn dầu. 7. Mô hình lan truyền dầu.
8. Mô hình thủy lực cho các phương án nạo vét
8. Thay đổi dòng chảy do nạo vét luồng.
khác nhau.
9. Mô hình dự báo xâm nhập mặn cho các
9. Thay đổi xâm nhập mặn do nạo vét luồng.
phương án khác nhau.
10. Bồi lắng, xói lở do nạo vét. 10. Mô hình dự báo bồi lắng, xói lở.
11. Các phương pháp chồng ghép bản đồ, bản
11. Các tác động khác. kiểm tra, ma trận, đánh giá nhanh, phân tích kinh
tế môi trường.

3.5.1.3. Tóm tắt về các tác động tiêu cực và biện pháp giảm thiểu
Theo tài liệu WB, các vấn đề môi trường của dự án xây dựng và hoạt động đường
bộ được tóm tắt trong bảng 3.2. Chúng ta có thể tham khảo thêm hướng dẫn về đánh giá

65
tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường (dự thảo năm 2011) và hướng
dẫn của Bộ Giao thông vận tải quy định (1998).

Bảng 3.2. Tóm tắt các tác động tiêu cực và biện pháp giảm thiểu tác động môi
trường do dự án giao thông đường bộ
Tác động tiêu cực Biện pháp giảm thiểu
(1) (2)
Tác động trực tiếp
1. Tăng bồi lắng sông suối cạnh đường do 1. Bảo vệ sông, suối bằng các lớp rơm, rạ,
xói mòn đất ở công trường xây dựng và cành lá, hoặc vải nilon để ngăn bùn cát từ
do đào đắp. công trường.
2. Ô nhiễm đất và nước do dầu mỡ, nhiên liệu từ 2. Thu hồi, tái chế dầu mỡ, xăng nhớt. Ngăn
thiết bị xây dựng và trạm trộn nhựa đường. ngừa tràn dầu.
3. Ô nhiễm không khí do trạm trộn nhựa đường. 3. Lắp đặt và vận hành hệ thống xử lý.
4. Ô nhiễm do bụi, ồn 4. Định kỳ phun nước ở nơi xây dựng.
- Che phủ thùng xe chở vật liệu.
5. Ô nhiễm không khí, ồn do hoạt động xe cộ, 5. Xây dựng tường chống ồn.
thiết bị xây dựng. Yêu cầu các xe và thiết bị giảm độ ồn và khí
thải. Quản lý hệ thống giao thông công
cộng.
6. Thay đổi cảnh quan do đào đắp đường. 6. Thiết kế tuyến đường phù hợp với cảnh quan.
Tái tạo lại những nơi bị đào đắp
7. Xói mòn đất dưới nền đường do nước mương 7. Tăng số cống thoát nước.
Thiết kế cống để tránh hiệu ứng chảy xối nước.
Gia cố bề mặt bằng đá, bê tông.
8. Xả rác trên đường. 8. Lắp đặt các thùng rác.
Thực hiện quản lý môi trường.
9. Phá hủy thảm thực vật và đời sống hoang 9. Thiết kế, chọn tuyến để tránh vùng cần bảo
dã dọc đường. vệ đời sống hoang dã.
10. Thay đổi chế độ thủy văn ở vùng đất 10. Điều chỉnh tuyến đường tránh vùng đất
ngập nước do tuyến đường, phá hỏng ngập nước cần bảo vệ.
hệ sinh thái nước. Xây dựng mương, cống, cầu để duy trì chế
độ thủy văn.
11. Cản trở đường di trú của động vật hoang dã. 11. Điều chỉnh tuyến đường tránh các đường di
trú quan trọng
Xây dựng các tuyến đường vượt ngầm cho
động vật hoang dã.
12. Tình trạng kém vệ sinh trong lán trại công 12. Xây dựng các nhà vệ sinh, nơi chứa rác
nhân. phù hợp.
13. Khả năng lây bệnh truyền nhiễm từ công 13. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe.
nhân đến dân chúng địa phương và Đề phòng bệnh truyền nhiễm.
ngược lại.
14. Tạo nơi cư trú, sinh đẻ cho muỗi ở các vùng 14. Hạn chế vùng nước tù.
nước tù. Diệt trừ bọ gậy và muỗi.

66
Tác động tiêu cực Biện pháp giảm thiểu
15. Xâm phạm khu dân cư, đất sản xuất. 15. Thực hiện chương trình giải phóng mặt
bằng, tái định cư (RAP) phù hợp.
16. Tai nạn giao thông tăng do gia tăng xe cộ. 16. Thiết kế cầu, đường và hệ thống bảng tín
hiệu phù hợp.
Tuyên truyền giáo dục luật lệ giao thông cho
lái xe và nhân dân.
Tác động gián tiếp
17. Phát triển sau khi có đường: gia tăng 17. Quy hoạch sử dụng đất phù hợp, quy
thương mại, công nghiệp, định cư. hoạch phát triển có kiểm soát.
18. Gia tăng phương tiện giao thông cơ giới, 18. Vận động hạn chế sử dụng xe cơ giới.
có thể dẫn tới phụ thuộc nhập khẩu và gia
tăng ô nhiễm môi trường

3.5.2. Đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư xây dựng
Quá trình xây dựng các công trình thường gây ra những tác động xấu đến môi
trường và có thể là nguyên nhân gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với thiên nhiên và con
người. Quá trình xây dựng công trình có thể thực hiện trong thời gian một vài tháng đến
nhiều năm, trong phạm vi hẹp đến cả một vùng rộng lớn. Các loại công trình xây dựng
cũng có thể khác nhau: công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông vận tải,... Vì thế
tác động cũng mang tính tạm thời. Quá trình xây dựng các công trình cũng tập trung
nhiều lực lượng lao động khác nhau nên sự hiểu biết và ý thức bảo vệ môi trường của
họ cũng khác nhau. Vì vậy cần thiết phải nhận biết, phân tích và đánh giá các tác động
đến môi trường của quá trình xây dựng để từ đấy đề ra các biện pháp hữu hiệu giảm
thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho sự hoạt động lâu bền của công trình xây dựng.
Quá trình thi công xây dựng công trình bao gồm các hạng mục sau đây:

Chuẩn bị san lấp mặt bằng

Thi công hệ thống đường giao thông trên công trường

Xử lý, gia cố nền móng

Thi công các công trình chính và phụ trợ

Thi công lắp đặt đường ống và công trình cấp thoát nước

Lấp đất, hoàn thiện mặt bằng, trồng cây xanh

Lắp đặt thiết bị

Vận hành thử, hiệu chỉnh, đưa hệ thống công trình vào hoạt động

Hình 3.4. Quá trình thi công xây dựng công trình

67
Các mục tiêu chính của báo cáo ĐTM cho một dự án đầu tư xây dựng như sau:
- Phân tích một cách có căn cứ khoa học và dự báo những tác động có lợi và có hại,
trực tiếp và gián tiếp, trước mắt và lâu dài của dự án tới môi trường tự nhiên và kinh tế
xã hội.
- Xây dựng và đề xuất các biện pháp tổng hợp để hạn chế đến mức thấp nhất những
ảnh hưởng bất lợi nhằm tìm ra những phương án tối ưu và hạn chế các tác động có hại,
phát huy các lợi ích cao nhất của dự án.
Báo cáo ĐTM dự án đầu tư xây dựng thiết lập các cơ sở khoa học trong việc
nghiên cứu môi trường tự nhiên và môi trường kinh tế - xã hội, trên cơ sở đó đánh giá
các tác động tích cực cũng như tiêu cực có thể xảy ra, từ đó có thể đưa ra các biện pháp
nhằm giảm nhẹ các tác động tiêu cực đó.
3.5.2.1. Các tác động đến môi trường trong quá trình xây dựng các công trình
Những ảnh hưởng chính của hoạt động xây dựng đến môi trường là:
- Ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế xã hội: tái định cư, thay đổi hoàn cảnh và điều
kiện sống của con người, xâm phạm di tích lịch sử, văn hóa...
- Ảnh hưởng đến hệ sinh thái: chặt phá rừng, di cư động vật hoang dã, tắc nghẽn
dòng chảy, thay đổi mặt phủ thấm nước, úng ngập, sụt lở đất...
- Ảnh hưởng đến môi trường vật lý: thay đổi chất lượng nước, không khí, gây chất
thải rắn, bụi, ồn, rung động...
Các tác động của quá trình xây dựng thường mang tính tạm thời còn sự khai thác
công trình sẽ ảnh hưởng lâu dài đến môi trường. Các tác động trong quá trình xây dựng
nêu trong bảng sau:

Bảng 3.3. Các tác động đến môi trường trong quá trình xây dựng các công trình
Các tác động Địa điểm và phạm vi tác động
1. Tác động đến môi trường vật lý
1.1. Môi trường không khí
- Hình thành bụi do phá dỡ, đào, san lấp, vận - Công trường xây dựng và khu vực xung
chuyển vật tư. quanh.
- Tăng nồng độ một số khí độc hại như SO2, - Khu vực kho chứa và máy trộn khô, đường
NOx, CO... do tập trung nhiều thiết bị thi công, chuyên chở vật liệu, công trường xây dựng,
phục vụ thi công và sử dụng động cơ diezen thiết bị tĩnh (máy phát điện, trạm trộn...).
công suất cao.
1.2. Môi trường nước
- Giảm sút chất lượng nước do nước thải và - Lán trại công nhân và thiết bị thi công.
chất thải sinh hoạt của công nhân thi công.
- Thay đổi cấu trúc bề mặt đất, gây xói mòn và - Công trường thi công và các vùng trọc do dọn
cuốn trôi các chất bẩn vào sông hồ khi mưa... sạch thảm thực vật, vùng lân cận công trường...
- Các loại dầu và chất thải xây dựng đổ vào - Công trường khai thác vật liệu xây dựng.
nguồn nước mặt.

68
Các tác động Địa điểm và phạm vi tác động
1.3. Đất đai
- Đất bị thoái hóa bởi chất thải rắn từ các mỏ - Nơi đổ chất thải;
khai thác vật liệu xây dựng và công trường
xây dựng;
- Xáo trộn bề mặt tại công trường xây dựng - Bề mặt đất trọc tại công trường xây dựng.
1.4. Tiếng ồn và rung động
Độ ồn cao do hoạt động thi công và phục vụ thi Công trường thi công, đường vận chuyển vật
công: nổ mìn, đóng ép cọc, san lấp, vận liệu.
chuyển vật liệu xây dựng.
1.5. Úng ngập hoặc đọng nước
Hệ thống thoát nước bị ngăn chặn hoặc thay đổi. Công trường thi công và nơi khai thác vật liệu.
2. Hệ sinh thái

2.1. Hệ sinh thái vực nước


Suy giảm chất lượng nước do hoạt động xây Công trường xây dựng gần nguồn nước mặt.
dựng và phục vụ xây dựng.

2.2. Hệ sinh thái rừng Các công trình xây dựng khu vực rừng núi.
Tàn phá rừng.
3. Các giá trị sử dụng cho con người và chất
lượng cuộc sống

3.1. Sử dụng đường giao thông Đường giao thông cắt qua công trường xây
dựng
3.2. Sử dụng nguồn nước
Cản trở quá trình cung cấp nước. Công trường xây dựng và thủy vực hạ lưu
công trường.

3.3. Sự định cư
Di dời dân khỏi chỗ sinh sống. Công trường thi công

3.4. Các giá trị văn hóa lịch sử


Phá hoại cảnh quan các công trình văn hóa, Các công trình văn hóa, lịch sử gần và trong
lịch sử. khu vực công trường xây dựng.
3.5. Y tế và sức khỏe
Sự ô nhiễm nước, không khí, tiếng động, ồn, Công trường thi công.
rung, chất thải rắn... tác động xấu đến sức
khỏe con người.
3.6. Cảnh quan
Các tác động bất lợi về cảnh quan. Các vùng đất trọc gần đường.

69
3.5.2.2. Bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng
Hoạt động xây dựng tạo nên những tác động tiêu cực đối với môi trường như đã
nêu. Quá trình xây dựng tuy diễn ra trong một thời gian nhất định nhưng nó gây nên ô
nhiễm môi trường với cường độ lớn. Điều 40 của Luật BVMT năm 2005 quy định về
BVMT trong hoạt động xây dựng đó là:
- Quy hoạch xây dựng phải tuân thủ tiêu chuẩn và yêu cầu về bảo vệ môi trường.
- Việc thi công công trình xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường
sau đây:
+ Công trình xây dựng trong khu dân cư phải có biện pháp bảo đảm không phát tán
bụi, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt quá tiêu chuẩn cho phép;
+ Việc vận chuyển vật liệu xây dựng phải được thực hiện bằng các phương tiện bảo
đảm yêu cầu kỹ thuật không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường;
+ Nước thải, chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, xử lý đạt
tiêu chuẩn môi trường.
- Uỷ ban nhân dân các cấp, đơn vị quản lý trật tự công cộng được áp dụng biện
pháp xử lý đối với chủ công trình, phương tiện vận tải vi phạm quy định về bảo vệ
môi trường.
Một số biện pháp trực tiếp triển khai trên công trường xây dựng để giảm thiểu ô
nhiễm môi trường như sau:
* Tổ chức thi công xây dựng
Trong quá trình thi công xây dựng, các đơn vị thi công xây dựng phải thực hiện đầy
đủ các quy định về an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Các biện pháp sau đây sẽ
được thực hiện để hạn chế các tác động có hại tới môi trường xung quanh:
- Bố trí hợp lý đường vận chuyển và đi lại. Lập hàng rào cách ly các khu vực nguy
hiểm, vật liệu dễ cháy nổ... Thiết kế chiếu sáng cho những nơi cần làm việc ban đêm và
bảo vệ công trình. Che chắn những khu vực phát sinh bụi và dùng xe tưới nước để tưới
đường giao thông vào mùa khô. Các phương tiện vận chuyển đều có bạt phủ kín.
- Lập kế hoạch xây dựng và nguồn nhân lực chính xác để tránh chồng chéo giữa các
quy trình thực hiện, áp dụng phương pháp xây dựng hiện đại, các hoạt động cơ giới hóa
và tối ưu hóa quy trình xây dựng.
- Các tài liệu hướng dẫn về máy móc và thiết bị xây dựng được cung cấp đầy đủ.
Lắp đặt các đèn báo hiệu cần thiết.
- Công nhân cần phải được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động trong quá trình thi công
xây dựng.
* Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước
Trong quá trình thi công không xả nước trực tiếp xuống các thủy vực xung quanh
khu vực dự án, không gây ô nhiễm nước sông hồ,... do nước thải xây dựng. Vì vậy dự

70
án cần bố trí các hố thu gom nước, xử lý cặn và bùn lắng để không gây hiện tượng bồi
lắng vùng nước sông khu vực này.
Xây dựng các công trình xử lý nước thải tạm thời (ví dụ: bể tự hoại kiểu thấm), quy
định bãi rác trung chuyển tạm thời tránh phóng uế, vứt rác sinh hoạt bừa bãi gây ô
nhiễm môi trường do công nhân xây dựng gây ra.
Lựa chọn thời điểm thi công xây dựng chính vào các tháng mùa khô trong năm để
hạn chế lượng chất bẩn sinh ra do nước mưa chảy tràn qua khu vực thi công xuống nước
sông hồ.
Hệ thống thoát nước đảm bảo có lắng cặn và giữ lại các chất thải trong quá trình
xây dựng như rác, vật liệu xây dựng trước khi chảy ra ngoài.
* Khống chế ô nhiễm do khí thải từ các phương tiện thi công
- Không sử dụng các loại xe, máy quá cũ để thi công xây dựng và vận chuyển
vật liệu.
- Không chuyên chở vật liệu quá trọng tải quy định.
- Giảm tốc độ thi công, lưu lượng vận tải từ 22h đến 6h sáng để không làm ảnh
hưởng đến các khu vực xung quanh.
- Lắp đặt thiết bị giảm tiếng ồn cho các máy móc có mức ồn cao như: máy phát
điện, máy nén khí.
- Kiểm tra mức độ ồn, rung trong quá trình xây dựng từ đó đặt ra lịch thi công phù
hợp để đạt mức ồn cho phép theo QCVN 26:2010/BTNMT.
- Không sử dụng cùng một lúc trên công trường nhiều máy móc, thiết bị thi công có
khả năng gây độ ồn lớn trên công trường. Các loại chất thải rắn được thu gom, vận
chuyển đúng nơi quy định.
* Biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực khác
Các đơn vị thi công, nhà thầu xây dựng có quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường
bên trong công trường xây dựng và khu vực xung quanh. Tập kết vật liệu xây dựng
đúng nơi quy định, không làm bay bụi, không gây ảnh hưởng đến giao thông, không ảnh
hưởng đến sinh hoạt cũng như: lao động sản xuất của nhân dân trong vùng.
Đối với sức khỏe người lao động: dự án tổ chức cuộc sống cho công nhân, đảm bảo
các điều kiện sinh hoạt như lán trại, nước sạch, ăn, ở. Công nhân thi công cần được
trang bị bảo hộ đầy đủ.
3.5.3. Đánh giá tác động môi trường dự án xây dựng công trình thủy điện
3.5.3.1. Mục tiêu, đối tượng của đánh giá tác động môi trường dự án xây dựng công
trình thủy điện
* Mục tiêu
- Hướng dẫn cho chủ dự án thực hiện công tác bảo vệ môi trường một cách chủ
động và hệ thống ngay từ giai đoạn lập kế hoạch dự án, xây dựng luận chứng kinh tế kỹ

71
thuật tiền khả thi, khả thi (hay báo cáo đầu tư và lập dự án đầu tư), chuẩn bị đầu tư, thi
công công trình cho đến giai đoạn đưa công trình vào vận hành, hoạt động.
- Hướng dẫn cho chủ dự án, các cơ quan tư vấn các kiến thức về phương pháp luận,
kỹ thuật để tiến hành ĐTM và lập báo cáo ĐTM có chất lượng.
- Trợ giúp các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nắm vững đặc thù
của quá trình ĐTM đối với các dự án xây dựng công trình thủy điện, rút ngắn thời gian
xem xét, chuẩn bị thẩm định các báo cáo ĐTM và tư vấn cho quá trình ra quyết định
một cách kịp thời và chuẩn xác.
* Đối tượng: Đối tượng của hướng dẫn là các dự án đầu tư mới, cải tạo nâng cấp
công trình thủy điện bao gồm: xây dựng đập, hồ chứa, các kênh dẫn nước, nhà máy,
tuyến đường dây tải điện.
Các đối tượng trực tiếp tham gia vào quá trình ĐTM bao gồm:
- Chủ dự án
- Chuyên gia trong nhóm ĐTM
Thành viên của nhóm ĐTM là các chuyên gia về ĐTM và các nhà khoa học thuộc
nhiều chuyên ngành khoa học tự nhiên, sinh thái, công nghệ, kinh tế và xã hội.
3.5.3.2. Đánh giá, dự báo tác động môi trường của dự án xây dựng công trình thủy điện
* Các hoạt động của dự án thuỷ điện tác động đến môi trường
Dự án thuỷ điện thường rất phức tạp bởi không chỉ được thực hiện trên một quy mô
không gian rộng lớn với địa hình có mức độ phân dị lớn mà quá trình thực hiện dự án
phải trải qua nhiều giai đoạn với rất nhiều các hạng mục công trình có quy mô, tính chất
ảnh hưởng đến môi trường rất khác nhau.

Bảng 3.4. Các hoạt động tiêu biểu trong dự án xây dựng thuỷ điện
Hoạt động Thông tin cần thiết
Trước giai đoạn thi công
Các việc làm để bảo vệ môi trường - Các biện pháp thiết kế cụ thể
Lấy mẫu đá/đất - Vị trí lấy mẫu, số lượng mẫu
Dọn mặt bằng và chuẩn bị công trường - Quy hoạch mặt bằng công trường
- Diện tích phát quang
Khảo sát - Khối lượng
- Phương pháp cất giữ
Giai đoạn thi công
Các cách xây dựng tốt để bảo vệ môi trường - Các biện pháp cụ thể
- Quy hoạch đường
- Tiêu chuẩn
Xây dựng đường vào công trường
- Phương pháp
- Thiết bị xây dựng
- Địa điểm/tần số/thời gian
Nổ mìn/đục đá/khoan
- Phương pháp, thiết bị sử dụng

72
Hoạt động Thông tin cần thiết
- Địa điểm/quy mô, loại
Đào đất, khai thác vật liệu - Thiết bị, lực lượng lao động, tiến độ
của các công việc
- Vị trí
Vận hành máy phát
- Công suất, loại, thời gian
Chuyển đất/đào đất - Khối lượng, thời gian biểu
- Nơi trữ đất đã đào lên/nơi lấp
Trữ đất/đào đất
- Khối lượng, quy mô/nơi lấp
- Khối lượng
San ủi
- Phương pháp
- Loại, tần số
Vận hành thiết bị nặng
- Thời gian bảo dưỡng
Di chuyển thiết bị nặng và vật liệu - Loại, số lượng
- Mặt bằng và các mặt cắt đào
Đào móng đập chính và xử lý - Khối lượng công việc chính
- Đường đi
- Xác định tuyến
Lắp đường tải điện - Độ cao cột điện
- Đường đi
- Mặt bằng hồ
Hình thành hồ - Cao trình các mặt nước (mức nước
dâng trung bình, mức lũ)
- Diện tích
Dọn lòng hồ - Phương pháp
- Trữ lượng thải
- Địa điểm
Tái định cư - Số lượng dân tái định cư tại từng địa điểm
- Chương trình chi tiết
- Loại
- Vận chuyển
Chất thải độc hại
- Cất giữ
- Địa điểm/thời gian sử dụng
- Mặt bằng địa điểm
- Số công nhân
Vận hành lán trại công nhân - Phương tiện phục vụ
- Thời hạn
- Thời điểm
Giai đoạn tích nước hồ chứa
Các công tác được thiết kế để bảo vệ môi trường - Chi tiết cụ thể về công tác
Tích nước vào hồ - Chi tiết về tích nước vào hồ
Giai đoạn vận hành công trình thủy điện
Vận hành hồ và điều tiết dòng chảy - Chi tiết về vận hành hồ và điều tiết
dòng chảy

73
Với đặc thù nêu trên và để đảm bảo tính xác thực của quá trình ĐTM, việc dự báo
tác động và đánh giá tác động của dự án công trình thủy điện lên môi trường về mặt thời
gian phải được thực hiện một cách tách bạch cho 3 giai đoạn gồm giai đoạn thi công,
giai đoạn tích nước vào hồ chứa và giai đoạn vận hành. Việc dự báo tác động và đánh
giá tác động cần phải được tiến hành riêng cho từng khu vực như: khu vực đập và vùng
bị ngập, khu vực thượng lưu (trên đập) và khu vực hạ lưu (sau đập).
* Dự báo tác động

Bảng 3.5. Các phương pháp dự báo hệ quả môi trường


Biến đổi thành phần
Phương pháp dự báo Mô tả
môi trường
Vật lý
Chất lượng không khí Giả thiết khoa học về tác động. Dự báo trên cơ sở các nguyên
Biến đổi chất lượng không khí So sánh tương tự với các dự tắc khoa học được công nhận
bao quanh tại địa điểm dự án: án thủy năng đã thực hiện ở rộng rãi.
công trường xây dựng đập và Việt Nam và các nước khác. Dự báo trên cơ sở chấp nhận
các công trình chính, khai thác Mô hình toán học. tương tự giữa dự án đang xét
vật liệu xây dựng, vận chuyển với các dự án đã thực hiện.
Mô hình vật lý.
tàng trữ các vật liệu này. Mô hình toán học để dự báo
định lượng sự lan tỏa, phân
bố, nồng độ các chất ô nhiễm.
Thủy văn Giả thuyết khoa học về tác động. Dự báo trên cơ sở như trên.
Biến đổi đặc điểm và chế độ So sánh tương tự với các dự Mô hình toán học và chương
thủy văn tại địa điểm dự án, án thủy năng đã thực hiện ở trình để tính toán điều tiết
trên khu vực thượng và hạ lưu Việt Nam và các nước khác. nước, cấp nước, phát điện,
và ở các khu vực lân cận. Mô hình toán học. chống lũ, cấp nước về hạ lưu,
dự báo, tính toán truyền triều,
Mô hình vật lý.
xâm nhập mặn, về dòng chảy,
về biến đổi lòng sông.
Chất lượng nước mặt Giả thuyết khoa học về tác động. Mô hình toán học và chương
Biến đổi chất lượng nước hồ, So sánh tương tự với các dự trình để tính toán và dự báo
chất lượng nước cấp về hạ án thủy năng đã thực hiện ở biến đổi chất lượng nước, lan
lưu cho sinh hoạt, công Việt Nam và các nước khác. truyền chất ô nhiễm trong
nghiệp, nông nghiệp. nước, xâm nhập mặn vào cửa
Mô hình toán học.
sông và châu thổ, quá trình phú
Mô hình vật lý. dưỡng hồ và kênh mương, lan
truyền chất ô nhiễm.
Nước ngầm Như trên Như trên
Tài nguyên đất Nghiên cứu địa lý, trắc địa. Dự báo sử dụng các bản đồ
Hệ thông tin địa lý. với các tỷ lệ khác nhau.
Đất bị ngập, thay đổi phương Nghiên cứu kinh tế - xã hội. Dự báo thay đổi có thể có về sử
thức sử dụng đất, mất đất Dự báo dựa trên tính tương tự dụng đất dựa trên các kế hoạch
nông nghiệp, đất rừng, thổ cư, giữa dự án đang xét với các phát triển kinh tế - xã hội.
đất công trình. dự án đã được thực hiện ở Dự báo dựa trên so sánh với
Việt Nam và ở nước ngoài. các dự án tương tự.

74
Biến đổi thành phần
Phương pháp dự báo Mô tả
môi trường
Xói mòn lưu vực, bồi lắng hồ. Như các mục trên. Như trên.
Khoáng sản và trầm tích Khảo sát địa chất và mỏ, thu Xác định sự tồn tại và ước
phóng xạ thập mẫu và phân tích trong đoán quy mô khoáng sản trong
phòng thí nghiệm. vùng ngập dựa trên dữ liệu
Giả thuyết khoa học về tác khảo sát địa chất và thăm dò
động. mỏ, lượng khoáng sản có khả
năng bị mất, biện pháp có thể
So sánh tương tự với các dự
thu hồi khoáng sản sẽ bị ngập.
án thủy năng đã thực hiện ở
Việt Nam và các nước khác. Dự báo các biến đổi có thể xảy
ra, khả năng ô nhiễm nước do
ngập các khoáng sản độc hại
(As, Pb, Hg...).
Tiếp cận của dân địa phương Thu thập dữ liệu, khảo sát Dự báo các biến đổi về khai
với các tài nguyên thiên nhiên thực địa. thác tài nguyên thiên nhiên đối
khác: Giả thuyết khoa học về tác động. với dân bản địa mà cuộc sống
Săn bắn, câu bắt cá, hái lượm, phụ thuộc nhiều vào sự khai
So sánh tương tự với các dự
cây dược liệu, dịch vụ du lịch. thác các tài nguyên này.
án thủy năng đã thực hiện ở
Việt Nam và các nước khác.
Động đất kích thích. Thu thập dữ liệu. Tổng quan về động đất tại khu
Khảo sát về động đất tại khu vực dự án, giả thiết về các khả
vực dự án. năng động đất kích thích sau
lúc hồ chứa nước và quan hệ
Giả thuyết khoa học về các tác
với tình hình động đất hiện tại.
động.
So sánh kết quả nghiên cứu
So sánh tương tự với các dự
với tài liệu quan trắc động đất.
án thủy năng đã thực hiện ở
Việt Nam và các nước khác.
Sinh vật hay đa dạng sinh học
Hệ thực vật Khảo sát thực địa. Mô tả dựa trên tổng quan các
Hệ thông tin địa lý. tài liệu nghiên cứu phối hợp
với khảo sát thực địa.
Tài nguyên thực vật, rừng, các Tổng quan tài liệu nghiên cứu
loài thực vật đang bị đe dọa, Các phương pháp kỹ thuật Kết quả phát hiện do chồng
các loài cây trồng có giá trị ghép bản đồ về hồ và thảm
đánh giá tài nguyên rừng.
thực vật. Tính số liệu về trồng
So sánh tương tự với các dự rừng. Xác định các giống loài
án thủy năng đã thực hiện ở cây đặc hữu và quý hiếm. So
Việt Nam và các nước khác. sánh với tác động của các dự
án thủy điện tương tự.
Hệ động vật Như trên. Như trên.
Tài nguyên động vật hoang dã
và chăn nuôi, các giống loài
động vật đặc hữu, quý hiếm,
các loài nuôi có giá trị
Thủy sinh vật Như trên. Như trên.
Thực vật và động vật thủy sinh

75
Biến đổi thành phần
Phương pháp dự báo Mô tả
môi trường
Môi trường kinh tế - xã hội
Dân số và định cư Hệ thông tin địa lý. Xác định số lượng người bị tác
Khảo sát địa lý. động, mô tả về những nơi và
người bị tác động, phân tích
Điều tra dã ngoại.
nguồn gốc và đặc trưng kinh tế
Nghiên cứu kinh tế - xã hội. - xã hội, dân tộc, tôn giáo của
Nghiên cứu nhân chủng học. họ. Dự báo số người phải tái
Giả thiết khoa học về tác động. định cư, kinh phí tái định cư,
chi phí sử dụng đất bị ngập. Dự
So sánh tương tự với các dự
báo các tác động không thể
án thủy năng đã thực hiện ở tránh. So sánh với các dự án
Việt Nam và các nước khác.
thủy năng đã thực hiện.
Môi trường nhân tạo Như trên. Như trên.
Biến đổi về hoạt động kinh tế Nghiên cứu kinh tế. Thay đổi hoạt động kinh tế
Hoạt động sản xuất và lưu Khảo sát. theo lĩnh vực do thay đổi về sử
thông về nông, lâm, ngư, công dụng đất, định cư và điều kiện
Phân tích cụ thể về từng lĩnh
nghiệp, dịch vụ cơ sở hạ tầng.
vực: kinh tế và dự báo kinh tế.
Thay đổi về thu nhập và phân
So sánh tương tự với các dự
phối thu nhập, tác động của
án thủy năng đã thực hiện ở
các thay đổi này.
Việt Nam và các nước khác.
Như trên.
Thay đổi điều kiện cơ bản về Khảo sát. Thay đổi hoạt động kinh tế
đời sống, nhà ở, cấp nước, đi Phân tích và dự báo các vấn theo lĩnh vực do thay đổi về sử
lại, thông tin đề cụ thể. dụng đất, định cư và điều kiện
cơ sở hạ tầng
Dự báo thay đổi theo từng mặt
cụ thể. Thu nhập và phân phối thu
nhập, tác động của các thay
So sánh tương tự với các dự
đổi này.
án thủy năng đã thực hiện ở
Việt Nam và các nước khác. Như trên.

Giáo dục và đào tạo Khảo sát. Dự báo biến đổi về điều kiện
Ước đoán kinh tế - xã hội. giáo dục và đào tạo với những
người liên quan: xóa mù, phổ
Xóa mù chữ, phát triển giáo So sánh tương tự với các dự
cập giáo dục tiểu học và trung
dục phổ thông, dạy nghề, án thủy năng đã thực hiện ở
học, phát triển giáo dục đại
chuyên nghiệp và đại học Việt Nam và các nước khác.
học và chuyên nghiệp.
Như trên.
Văn hóa, lịch sử, khảo cổ, giải Nghiên cứu kinh tế - xã hội và Nghiên cứu sách, tư liệu để
trí văn hóa. thu thập thông tin về các đặc
Các phương pháp nghiên cứu điểm văn hóa và xác định các
cụ thể phù hợp với vấn đề địa điểm cần khảo sát.
xem xét. Tham vấn chuyên gia của chính
Khảo sát thực địa. quyền tỉnh và địa phương.
So sánh tương tự với các dự Khảo sát thực địa.
án thủy năng đã thực hiện ở Như trên.
Việt Nam và các nước khác.

76
Chương 4. ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC

4.1. Khái niệm về đánh giá môi trường chiến lược


Kể từ khi ra đời những năm 1970 tại Mỹ, quá trình đánh giá tác động môi trường
chủ yếu áp dụng cho các dự án phát triển tại những địa điểm cụ thể. Tuy nhiên, việc
đánh giá này không đủ để đưa ra các quyết định có quy mô rộng lớn. Nói cách khác,
ĐTM không cho đủ thông tin để ra quyết định môi trường ở quy mô vùng, toàn quốc
hay rộng lớn hơn. Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) ra đời trên cơ sở nâng cấp
ĐTM và đánh giá tác động môi trường tích luỹ nhằm đáp ứng được những yêu cầu trên.
Từ những năm 1990, nhiều quốc gia bắt đầu áp dụng ĐMC vào các chính sách, kế
hoạch và chương trình. Tại các quốc gia này, ĐMC dựa vào một quá trình có hệ thống
đánh giá các hậu quả của các chính sách, kế hoạch và chương trình đối với môi trường
(Ban thư ký Uỷ hội sông Mê Kông, 2001).
Đối với Việt Nam, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, đánh giá môi trường
chiến lược là “việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án chiến lược,
quy hoạch, kế hoạch phát triển trước khi phê duyệt nhằm đảm bảo phát triển bền vững”.
Như vậy, trọng tâm ĐMC của Việt Nam là cho các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
(CQK). Mục tiêu ĐMC của Việt Nam là lồng ghép việc cân nhắc các tác động môi
trường vào quá trình lập CQK, đồng thời thúc đẩy sự minh bạch và đồng thuận của quá
trình ra quyết định.

4.2. Vai trò và ý nghĩa của lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược
Nhiều nước trên thế giới coi việc đánh giá tác động môi trường chiến lược là đảm
bảo những vấn đề về môi trường không xảy ra trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Các vấn đề này cần được xem xét một cách cặn kẽ và giải quyết thích đáng ở giai đoạn
đầu của các các chính sách, kế hoạch và chương trình. Chính sách đề cập đến một
đường lối chung hoặc phương hướng chung. Kế hoạch được định nghĩa là một chiến
lược hay một đề án có mục đích hướng về tương lai, có những thứ tự ưu tiên, phương án
và biện pháp kết hợp nhằm tạo dựng chính sách và thực hiện chính sách. Chương trình
biểu thị một lịch trình hay một tiến độ thực hiện nhất quán, có tổ chức chặt chẽ các cam
kết đề nghị, phương tiện và hoạt động tạo dựng lên chính sách và thực hiện chính sách
đó (Ban thư ký Uỷ hội sông Mê Kông, 2001).
Bản chất của ĐMC là đánh giá, xác định hiệu quả của các chính sách, kế hoạch và
chương trình trên cơ sở lợi ích lâu dài. Các chính sách môi trường viết hay nhất, hoặc
các chương trình môi trường diễn tả hay nhất sẽ trở lên vô nghĩa nếu không từng bước
đạt được những thành công trong việc bảo tồn tài nguyên hay nguồn nhân lực của một

77
quốc gia hay vùng lãnh thổ. Chính sách và chương trình môi trường cần được đánh giá
đầy đủ về hiệu quả và thông qua cảnh báo sớm gắn với quá trình ĐMC, chúng có thể
được điều chỉnh để phục vụ tốt hơn các ưu tiên về bảo vệ môi trường.
Đối với Việt Nam, ĐMC được coi là một công cụ lồng ghép phát triển bền vững
vào quá trình lập kế hoạch, quy hoạch và chiến lược. Quan điểm phát triển bền vững
được xác định là phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững thông qua tăng trưởng kinh tế
đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.
Đặt ĐMC trong bối cảnh phát triển bền vững thì việc thực hiện ĐMC cho các chiến
lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam cần quan tâm tới thuật
ngữ “môi trường” theo nghĩa rộng, có nghĩa là ngoài việc tập trung chủ yếu vào các vấn
đề môi trường, ĐMC cũng nên xem xét các mối liên hệ giữa các vấn đề môi trường và
kinh tế - xã hội.

4.3. Các nguyên tắc cho một đánh giá môi trường chiến lược hiệu quả
Để thực hiện một ĐMC có hiệu quả, có 3 nguyên tắc chính được xác định cho ĐMC
của Việt Nam (Cục Thẩm định và Đánh giá Tác động môi trường, 2009) như sau:
Nguyên tắc 1: ĐMC phải cung cấp được các thông tin đầu vào một cách sớm
nhất và có hiệu quả nhất phục vụ cho việc xây dựng CQK
Quá trình thực hiện ĐMC được coi là có hiệu quả nhất khi nó được bắt đầu một
cách sớm nhất có thể và được tiến hành đồng thời với việc xây dựng CQK. Quá trình
tiến hành ĐMC thường là một quá trình mang tính lặp đi lặp lại của việc thu thập thông
tin, xác định các phương án, xác định các tác động môi trường, xây dựng các biện pháp
giảm nhẹ/tăng cường, và chỉnh sửa lại các đề xuất cho phù hợp trên cơ sở các tác động
môi trường đã được dự báo. Quá trình ĐMC được bắt đầu sớm và được lặp đi lặp lại thì
sẽ củng cố và nâng cao được chất lượng chung của việc xây dựng CQK.
Nguyên tắc 2: ĐMC phải đánh giá được tính bền vững về môi trường của các
phương án được đề xuất trong CQK
Quá trình ĐMC tạo ra được khả năng để xem xét các lựa chọn chiến lược khác
nhau về:
- Quản lý nhu cầu phát triển các hoạt động thành phần;
- Công nghệ và các quy trình được sử dụng cho các hoạt động phát triển được đề
xuất: ví dụ việc lựa chọn phát triển công nghiệp công nghệ cao hay phát triển các loại
hình phát triển công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao;
- Địa điểm triển khai các hoạt động phát triển được đề xuất: ví dụ việc xây dựng các
khu công nghiệp trên các vùng chuyên canh cây nông nghiệp có thể tác động đến an
ninh lương thực;
- Thời gian biểu hoặc trình tự của các hoạt động phát triển được đề xuất.

78
Không phải lúc nào các lựa chọn này cũng có thể thực hiện được. Có nhiều phương
án chỉ phù hợp với cấp tỉnh hoặc cấp khu vực và vì thế khi ra các quyết định ở cấp “cao
hơn” thường phải loại bỏ bớt một số phương án.
Thứ bậc của các phương án có thể được xem xét trong quá trình ĐMC như sau:

Các hoạt động phát triển được đề xuất liệu có cần thiết không? (các lựa chọn về
quản lý nhu cầu)
Có thể đáp ứng được nhu cầu mà không cần phải có những hoạt động phát triển
hoặc kết cấu hạ tầng mới hay không? Liệu có những cơ hội hiện thực nào để quản lý
nhu cầu phát triển (ví dụ, thông qua các công cụ về pháp luật, kinh tế hoặc hành chính
hoặc các biện pháp khác để thúc đẩy các thay đổi về hành vi) hay không ?

Việc đó được tiến hành như thế nào? (Các lựa chọn về phương pháp hoặc về
quy trình)
Liệu có những phương pháp, công nghệ hoặc quy trình để có thể đáp ứng được
nhu cầu phát triển mà gây tổn hại tới môi trường ít hơn so với những phương pháp
truyền thống hay không ?

Ở đâu? (Lựa chọn địa điểm)
Những đề xuất về hoạt động phát triển nên được thực hiện ở đâu?

Khi nào? (Lựa chọn thời gian biểu hoặc trình tự)
Các hoạt động phát triển sẽ phải được thực hiện khi nào, thực hiện theo hình thức và
trình tự nào ?

Các bên liên quan có thể được huy động tham gia một cách hữu ích trong quá trình
đề xuất và đánh giá cả các phương án mang tính chiến lược và các phương án cụ thể
hơn thông qua việc tổ chức tham vấn với các cơ quan có trách nhiệm liên quan. Các
phương án cân nhắc thông qua quá trình này phải được thể hiện dưới hình thức văn bản
và phải đưa ra được những lý do tại sao được lựa chọn và/hoặc tại sao lại không được
lựa chọn.
Nguyên tắc 3: ĐMC phải tạo ra được những thuận lợi cho việc tham vấn hiệu
quả với các bên liên quan
Việc tham vấn với các cơ quan có trách nhiệm liên quan và với các bên bị ảnh
hưởng hoặc các bên có sự quan tâm đến CQK được đề xuất là một yếu tố cốt lõi trong
thực tế thực hiện ĐMC hiệu quả. Việc này có mục đích là để làm tăng tính minh bạch

79
và tính trách nhiệm của quá trình ĐMC và giảm thiểu được rủi ro bị bỏ sót thông tin
quan trọng của nhóm ĐMC. Việc tham vấn với các bên liên quan còn có thể giúp thu
được những thông tin bổ ích trong quá trình ĐMC, góp phần huy động sự hỗ trợ cho
việc thực hiện các khuyến nghị đề xuất về ĐMC. Do đó, các chuyên gia ĐMC luôn
được khuyến khích để tiến hành việc tham vấn với các cơ quan có trách nhiệm và các
bên có liên quan chính.

4.4. Các mối liên kết trong quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và
quá trình đánh giá môi trường chiến lược

4.4.1. Mối quan hệ giữa đánh giá môi trường chiến lược với các dạng đánh giá khác
Đánh giá môi trường chiến lược không nên được coi là sự thay thế của ĐTM, một
công cụ vẫn được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và được áp dụng
cho các dự án đầu tư và xây dựng được nêu trong Nghị định số 29/2011/NĐ-CP. Thay
vào đó, ĐMC cần bổ sung cho ĐTM thông qua hướng dẫn việc thực hiện các dự án
được xác định trong CQK (như loại bỏ những lựa chọn không phù hợp, đưa ra những
tiêu chí lựa chọn địa điểm, hoặc đề ra những yêu cầu cụ thể cho việc sử dụng những
công nghệ cụ thể). Bằng cách này, ĐMC có thể giúp cho quá trình thực hiện ĐTM được
thuận lợi và tiết kiệm hơn.

Hình 4.1.Vai trò của đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường
trong các cấp lập kế hoạch
(Nguồn: Cục Thẩm định và Đánh giá Tác động môi trường, 2010)

Các loại đánh giá khác (như đánh giá tác động xã hội, đánh giá tác động tích
lũy, đánh giá/thẩm định tính bền vững) có thể được sử dụng, lồng ghép hoặc kết hợp

80
với quá trình ĐMC. Trên thực tế, khi sử dụng phương pháp tiếp cận phát triển bền vững
trong ĐMC thì đã lồng ghép các mối quan tâm về môi trường, xã hội và kinh tế, và tất
cả các phương pháp tiếp cận nêu trên đều được tối ưu hóa ở những cấp độ khác nhau
trong quá trình ĐMC.

4.4.2. Các mối liên kết trong quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
Mối liên hệ giữa quá trình ĐMC và quá trình lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
(CQK) nói chung có thể biểu diễn như sơ đồ sau:

Hình 4.2. Mối quan hệ giữa các bước đánh giá môi trường chiến lược với các bước lập
chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
(Nguồn: Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, 2010)

Hình 4.2 cho thấy quá trình ĐMC và quá trình xây dựng CQK có thể được thực
hiện cùng nhau và có thể củng cố cho nhau trong khuôn khổ một hệ thống lập kế hoạch
vì sự phát triển bền vững. Đồng thời, quá trình ĐMC có thể thực hiện một cách linh
hoạt nhằm đáp ứng các yêu cầu khác nhau của CQK.
Chẳng hạn ĐMC áp dụng cho quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) sẽ cung cấp cơ hội
lồng ghép tiếp cận phát triển bền vững với quá trình ra quyết định. Đồng thời, ĐMC hỗ
trợ thu hút sự tham vấn các bên liên quan trong quá trình xây dựng và thẩm định quy

81
hoạch và đảm bảo mọi hậu quả môi trường do thực hiện quy hoạch sẽ được xác định và
đánh giá trong quá trình lập quy hoạch trước khi được phê duyệt. Sự lồng ghép các nội
dung môi trường vào tất cả các giai đoạn của quá trình thẩm định và thực hiện quy
hoạch cho phép các nhà quản lý điều chỉnh quy hoạch ở những thời điểm thích hợp.
Quá trình thực hiện ĐMC sẽ nghiên cứu các phương án thực hiện quy hoạch bằng cách
cân nhắc các tác động môi trường và kinh tế - xã hội của từng phương án.

4.5. Các điều kiện tiên quyết để thực hiện đánh giá môi trường chiến lược

4.5.1. Thời gian thực hiện


Có 2 phương án thực hiện ĐMC đồng thời là:
- Thực hiện song song với quá trình lập CQK. Quá trình này thường mang lại
nhiều thuận lợi về tổ chức và phát huy được tính độc lập sáng tạo của từng nhóm tư
vấn, tuy nhiên dễ nảy sinh bất đồng khó giải quyết giữa nhóm tư vấn ĐMC và nhóm
tư vấn lập CQK.
- Lồng ghép hoàn toàn quá trình ĐMC vào quá trình lập CQK: đây là phương án tốt
nhất, đảm bảo mọi quyết định sẽ được cân nhắc trên cơ sở đánh giá toàn diện các vấn đề
liên quan đến quy hoạch.

4.5.2. Cơ sở pháp lý và khoa học cho đánh giá môi trường chiến lược
Để thực hiện thành công ĐMC đối với lập CQK, cần phải nắm chắc các cơ sở pháp
lý liên quan tới CQK và ĐMC. Cần nắm chắc cơ sở pháp luật thông qua hệ thống chính
sách liên quan đến lập và xét duyệt CQK, lập và xét duyệt báo cáo ĐMC.
Lập CQK trên cơ sở có mục tiêu chính sách môi trường rõ ràng, có thông tin và dữ
liệu hiện trạng môi trường đầy đủ, đảm bảo sự liên kết đa ngành trong quá trình thực
hiện và thu hút sự tham gia của quần chúng và các tổ chức phi chính phủ. Đảm bảo sự
cam kết và trách nhiệm của chủ đầu tư về việc gắn kết ĐMC trong quá trình lập và trình
duyệt quy hoạch.

4.5.3. Tổ chức nhóm tư vấn đánh giá môi trường chiến lược
Theo quy định tại Điều 15, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, cơ quan được giao
nhiệm vụ lập CQK có trách nhiệm lập báo cáo ĐMC. Cơ quan này sẽ thành lập nhóm tư
vấn ĐMC, bao gồm các chuyên gia quản lý và các nhà khoa học có kiến thức và kinh
nghiệm về các vấn đề môi trường liên quan đến CQK. Cơ quan lập CQK cần thiết ra
quyết định về cơ cấu tổ chức và trách nhiệm của nhóm tư vấn ĐMC, trong đó nêu rõ các
vấn đề liên quan sau đây:
- Cơ cấu tổ chức: Nhóm tư vấn ĐMC có thể là một bộ phận của nhóm tư vấn lập
quy hoạch hoặc cũng có thể độc lập về mặt tổ chức với nhóm tư vấn lập quy hoạch.

82
- Vai trò và trách nhiệm:
+ Thực hiện ĐMC và lập báo cáo ĐMC theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi
trường và Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT.
+ Tham gia tất cả các cuộc thảo luận và các hoạt động có liên quan của nhóm tư vấn
lập CQK.
- Quyền hạn: được tạo mọi điều kiện để tiếp cận và khai thác các tài liệu, thông tin
liên quan tới quá trình lập CQK.

4.6. Cách tiếp cận và phương pháp đánh giá môi trường chiến lược
Các nghiên cứu về ĐMC đã chỉ ra rằng, nói chung tất cả các phương pháp ĐTM
truyền thống đều được áp dụng trong quá trình thực hiện ĐMC. Tuy nhiên, các dự án
thông thường (không phải là CQK) đều cung cấp các số liệu cụ thể về nguyên liệu, sản
phẩm, công nghệ và dòng thải, vì vậy áp dụng các phương pháp truyền thống thường
cho kết quả dự báo định lượng và có độ tin cậy tương đối cao. Trong khi đó, do tính
chất của các CQK ở tầm vĩ mô, các số liệu đưa ra không đủ cụ thể và chi tiết, việc áp
dụng các phương pháp truyền thống thường chỉ cho kết quả định tính. Vì vậy, một số
nghiên cứu đã đưa thêm các phương pháp đặc thù (gọi là các phương pháp phân tích
chính sách) có thể áp dụng trong ĐMC.
Partidario, IAIA (2001) đưa ra một số phương pháp/công cụ thường được sử dụng
trong ĐMC như sau:.
- Kịch bản và mô phỏng
- Phân tích khả năng chịu tải và xu hướng biến đổi các yếu tố môi trường
- Phân tích mạng lưới và tiếp cận hệ thống
- Chồng ghép bản đồ và hệ thống thông tin địa lý (GIS)
- Hệ thống mô hình hóa
- Phân tích đa tiêu chí
- Phân tích chi phí lợi ích
- Ý kiến chuyên gia và tham vấn cộng đồng
Ngoài ra nhiều phương pháp có thể sử dụng trong ĐMC, từ tổ hợp một số phương
pháp riêng biệt đến sử dụng tư vấn chuyên gia trong các nghiên cứu chi tiết, tham vấn
cộng đồng, sử dụng GIS và mô hình máy tính, xây dựng các kịch bản... Các phương
pháp này được chọn lọc thực hiện phù hợp với yêu cầu của mỗi bước/nội dung ĐMC
như nêu trong bảng sau.

83
Bảng 4.1. Một số phương pháp sử dụng trong đánh giá môi trường chiến lược
Nội dung ĐMC Phương pháp sử dụng
- Thu thập báo cáo hiện trạng môi trường và các tài liệu tương
Nghiên cứu cơ sở tự
- Liệt kê, lập khung logic các vấn đề môi trường

Sàng lọc/xác định phạm vi, - Khảo sát, so sánh


quy mô và đặc điểm liên - Xây dựng mạng lưới hệ quả
quan đến môi trường - Tham vấn chuyên gia và cộng đồng
- Đối chiếu với các chính sách, chiến lược, tiêu chuẩn môi
Xác định các mục tiêu môi trường
trường - Hồi cứu các cam kết đã có
- Các quy hoạch vùng/địa phương
- Xây dựng kịch bản
- Xác định các chỉ thị và tiêu chí môi trường
- Ma trận tác động
- Các mô hình dự báo và tiên đoán
- Chồng ghép bản đồ và GIS
Phân tích tác động
- Phân tích chi phí/lợi ích và các kỹ thuật đánh giá kinh tế khác
- Phân tích đa tiêu chí
- Phân tích khả năng chịu tải và xu hướng biến đổi các yếu tố
môi trường
- Đánh giá rủi ro
- Phân tích mạng lưới
Đề xuất các giải pháp điều - Phân tích tính nhất quán
chỉnh quy hoạch - Phân tích tính nhạy cảm
- Xây dựng mạng lưới tác động (“cây” ra quyết định)
(Nguồn: Sadler and Verheem, 1996)

Trong nhiều hướng dẫn thực hiện ĐMC hiện nay ở Việt Nam, phương pháp phân
tích xu hướng và phương pháp phân tích đa tiêu chí là phương pháp được khuyến nghị
sử dụng trước tiên.

4.7. Quy trình đánh giá môi trường chiến lược

4.7.1. Sơ đồ quá trình đánh giá môi trường chiến lược


Theo hướng dẫn kỹ thuật chung về ĐMC do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban
hành năm 2009, trình tự thực hiện một ĐMC như sau:
- Xác định phạm vi ĐMC;
- Xác định các vấn đề môi trường cốt lõi và các mục tiêu về môi trường có liên quan
đến quy hoạch phát triển KT-XH;

84
- Xác định các bên liên quan chính và chuẩn bị kế hoạch huy động sự tham gia của
các bên liên quan;
- Phân tích các xu hướng môi trường khi không có CQK (phương án 0);
- Đánh giá các mục tiêu và phương án phát triển được đề xuất;
- Đánh giá các xu hướng môi trường trong tương lai khi thực hiện CQK;
- Đề xuất tổng hợp các biện pháp giảm nhẹ/tăng cường và kế hoạch giám sát môi trường;
- Biên soạn báo cáo ĐMC và đệ trình cơ quan có thẩm quyền liên quan để thẩm định.

Xác định phạm vi ĐMC và xây dựng kế hoạch ĐMC

Xác định các vấn đề môi trường cốt lõi


và mục tiêu có liên quan đến môi trường

Xác định các bên liên quan chủ yếu


và chuẩn bị kế hoạch tham vấn

Phân tích diễn biến môi trường


khi không thực hiện CQK

Đánh giá về các mục tiêu và phương án Tham vấn


phát triển được đề xuất các bên
liên quan
Chỉnh sửa Dự báo và đánh giá xu thế
CQK diễn biến môi trường khi thực hiện CQK

Đề xuất các giải pháp bảo vệ, cải thiện


môi trường và kế hoạch giám sát thị trường

Soạn thảo và trình thẩm định báo cáo ĐMC

Thực hiện CQK và tiếp tục đánh giá

Hình 4.3. Các bước thực hiện đánh giá môi trường chiến lược
(Nguồn: Cục Thẩm định và Đánh giá Tác động môi trường, 2010)

4.7.2. Mô tả các bước của đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy
hoạch, kế hoạch
4.7.2.1. Xác định phạm vi đánh giá môi trường chiến lược
Xác định phạm vi ĐMC của một CQK bao gồm phạm vi về không gian và thời
gian để tạo lập những căn cứ xác đáng cho việc thu thập và biên soạn các thông tin cơ
sở phù hợp và cần thiết cho công tác ĐMC. Để có thể lồng ghép một cách có hiệu quả
ĐMC vào quá trình xây dựng CQK, bước này phải được tiến hành khi bối cảnh tổng
thể của CQK đang được xác định và khi các phương án lựa chọn chung nhất đang
được xây dựng.

85
Việc xác định phạm vi ĐMC đối với một CQK cụ thể có tầm quan trọng đặc biệt để
đặt ra các yêu cầu thiết thực trong việc thu thập các thông tin cơ sở liên quan. Nếu được
thực hiện tốt, việc xác định phạm vi ĐMC có thể nâng cao đáng kể chất lượng công tác
ĐMC, mặt khác, tiết kiệm đáng kể thời gian và các nguồn lực cần thiết để hoàn thành
công tác ĐMC.
* Cách tiếp cận và thực hiện
Các tham vấn trong quá trình xác định phạm vi ĐMC có tầm quan trọng đặc biệt
bởi vì chúng làm rõ được bản chất tổng thể của ĐMC bằng cách đặt ra những câu hỏi
quan trọng. Nhiều câu hỏi có thể không được trả lời khi bắt đầu quá trình ĐMC bởi
thông tin về những nét đặc thù riêng của CQK sẽ được phát sinh dần dần trong quá trình
tiến hành. Về phương diện này, điều quan trọng là phải xác nhận được việc xác định
phạm vi ĐMC không cần phải được xử lý như một bước thủ tục riêng biệt - việc xác
định phạm vi có thể được thực hiện thông qua các cuộc tham vấn lặp đi lặp lại với các
cơ quan có trách nhiệm về môi trường liên quan trong một số giai đoạn tiếp theo của
quá trình xây dựng CQK.
Nên phân tích kỹ những bước xây dựng CQK là đối tượng của ĐMC và thu thập
các thông tin về:
- Cấu trúc và trình tự của quá trình xây dựng CQK;
- Những vấn đề cốt lõi đang được xem xét;
- Khung thời gian và việc tổ chức cho các bên liên quan tham gia vào việc xây
dựng CQK.
Những câu hỏi cơ bản để xác định phạm vi chung cho ĐMC:
- Những vấn đề phát triển cốt lõi và những vùng nghiên cứu nào sẽ phải được xem
xét trong quá trình ĐMC? Ví dụ: cần xác định các vùng có liên quan như sử dụng nước
của một dòng sông thì cần xem xét đến các vùng phụ cận thuộc lưu vực.
- Những khoảng thời gian nào mà ĐMC cần phải bao quát trong quá trình đánh giá?
Có phải kiểm tra hay không các tác động mang tính trung hạn có thể xảy ra, ví dụ trong
vòng 5 - 10 năm tới, hoặc liệu có phải tập trung hay không vào những tác động mang
tính dài hạn hơn, ví dụ trong vòng 10 - 20 năm tới hoặc dài hơn nữa?
- Những đơn vị và chuyên gia nào cần phải được huy động tham gia trong quá trình
soạn thảo báo cáo ĐMC?
4.7.2.2. Xác định các vấn đề môi trường cốt lõi và các mục tiêu môi trường có liên quan
đến chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
Đây là bước xác định các vấn đề môi trường cốt lõi và các mục tiêu môi trường có
liên quan cần phải được xem xét trong quá trình ĐMC. Các vấn đề và mục tiêu này sẽ
giúp cho việc xác định các chỉ số môi trường thích hợp hoặc đưa ra các câu hỏi định
hướng tập trung vào các phân tích đặt ra trong quá trình ĐMC. Danh mục các vấn đề và

86
mục tiêu này phải bao quát được những vấn đề chủ yếu và nó cần phải được thể hiện
một cách ngắn gọn và rõ ràng. Các nội dung chính trong bước này như sau:
* Các vấn đề cốt lõi về môi trường
Với sự hợp tác của các cơ quan có trách nhiệm về môi trường, các chuyên gia ĐMC
phải bắt đầu bằng việc xác định các vấn đề môi trường cốt lõi có liên quan đến vùng lập
CQK. Đầu tiên là thiết lập một danh mục tổng quát của tất cả các vấn đề môi trường có
thể xảy ra liên quan đến các hoạt động phát triển đã và đang diễn biến trong vùng lập
CQK. Danh mục này phải được rà soát một cách kỹ lưỡng theo hướng giảm bớt để tạo
ra một danh sách rút ngắn về các vấn đề cần phải được xem xét trong quá trình ĐMC.

Bảng 4.2. Ví dụ về những vấn đề môi trường cốt lõi và mục tiêu môi trường có liên
quan đến quy hoạch kinh tế xã hội

Các vấn đề Các hoạt động phát triển


Các mục tiêu Văn bản pháp Các chỉ thị
môi trường liên quan đến vấn đề môi
môi trường lý có liên quan đánh giá
cốt lõi trường cốt lõi

Đa dạng - Chuyển đổi mục đích sử - Tăng diện tích Kế hoạch hành - Mức độ phá huỷ
sinh học dụng đất từ lâm nghiệp, rừng trồng động quốc gia thảm thực vật
nông nghiệp, thủy sản cho - Duy trì diện về Đa dạng sinh - Chỉ tiêu rừng
các hoạt động phát triển tích đất ngập học; về bảo tồn trồng mới
khác. nước và phát triển bền
- Diện tích đất
- Các tác động bất lợi có vững các vùng
ngập nước bị
thể xảy ra do các hoạt đất ngập nước
xâm phạm
động phát triển tác động
đến đa dạng sinh học

Chế độ thuỷ - Sự thay đổi chế độ thủy Đảm bảo nhu cầu Chiến lược - Chế độ hạn
văn văn do tác động của các sử dụng nước quốc gia về bảo hán, ngập lụt
hoạt động phát triển trong vệ môi trường - Mức độ nhiễm
vùng quy hoạch mặn
- Các tác động chủ quan,
khách quan từ các vùng
phụ cận có liên quan

Biến đổi khí - Sự suy giảm thảm thực - Tăng tỷ lệ- Chiến lược - Chỉ tiêu rừng
hậu vật thảm thực vật
quốc gia về bảo trồng mới, tỷ lệ
- Sự biến đổi do tác động - Ứng phó với vệ môi trường cây xanh, diện
của hiệu ứng nhà kính do nước biển dâng - Chương trình tích rừng bảo vệ,
các hoạt động phát thải khí mục tiêu quốc khoanh nuôi
thải gia về biến đổi - Nhiệt độ không
khí hậu khí, mức dâng
nước biển

Chất lượng Tác động từ khí thải, khói Cải thiện chất Chiến lược Bụi, CO, CO2,
không khí bụi của các hoạt động phát lượng không khí quốc gia về bảo NOx, SO2
triển vệ môi trường Tỷ lệ cây xanh

87
Các vấn đề Các hoạt động phát triển
Các mục tiêu Văn bản pháp Các chỉ thị
môi trường liên quan đến vấn đề môi
môi trường lý có liên quan đánh giá
cốt lõi trường cốt lõi

Chất lượng Gia tăng nước thải không Bảo vệ tài Chiến lược - pH, SS, BOD,
nước (nước qua xử lý từ các hoạt động nguyên nước quốc gia về bảo COD, dầu mỡ,
mặt, nước dân sinh, kinh tế - xã hội vệ môi trường kim loại nặng,
ngầm) coliform
- Nhiễm mặn,
nhiễm phèn

Gia tăng Từ các hoạt động phát - Quy hoạch bãi Chiến lược Số lượng các bãi
chất thải triển trong vùng quy hoạch chôn lấp. quốc gia về bảo chôn lấp hợp vệ
rắn; - Thu gom xử lý vệ môi trường sinh
nước thải

Sức khỏe - Sức khỏe cộng đồng suy Nâng cao sức - Chiến lược - Chỉ số cơ cấu
cộng đồng giảm do gia tăng ô nhiễm khỏe cộng đồng quốc gia về bảo bệnh tật
khí thải, nước thải... vệ môi trường - Tần suất bùng
- Bị đe dọa bởi các hoạt - Định hướng phát dịch bệnh
động phát triển và các yếu chiến lược phát - Tỷ lệ sinh sản,
tố liên quan khác... triển bền vững tai nạn giao
thông

Môi trường - Chịu tác động của quá Nâng cao mức - Chiến lược - Chỉ số phát
xã hội trình phát triển liên quan sống văn hóa, quốc gia về bảo triển giáo dục
đến di dân, chuyển đổi giáo dục vệ môi trường; - Chỉ số phát
mục đích sử dụng đất, đào chiến lược bảo triển con người
tạo và tái đào tạo... vệ môi trường (nhà ở, sinh kế,
- Môi trường giáo dục và cấp tỉnh chất lượng cuộc
hệ thống giáo dục, các - Định hướng sống)
dịch vụ công cộng... chiến lược phát - Chỉ số rủi ro (an
triển bền vững toàn vệ sinh thực
phẩm, an toàn
giao thông, an
ninh xã hội)

(Nguồn: Cục Thẩm định và Đánh giá Tác động môi trường, 2010)

* Các mục tiêu về môi trường


Khi các vấn đề cốt lõi về môi trường đã được xác định, các chuyên gia ĐMC phải
xác định xem liệu đã có những mục tiêu bảo vệ môi trường nào được đặt ra có liên quan
đến những vấn đề môi trường cốt lõi này. Các mục tiêu bảo vệ môi trường có thể được
tìm thấy ở các văn bản chính thống đã ban hành hoặc sắp ban hành, như:
- Các Luật, quy định hoặc tiêu chuẩn về môi trường (tiêu chuẩn không khí xung quanh)
- Các chiến lược, chính sách, kế hoạch hành động về môi trường hoặc về phát triển
bền vững (như chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, cấp tỉnh);

88
- Các chiến lược hoặc chính sách về phát triển ngành/lĩnh vực (nếu trong đó có xác
định các mục tiêu, các ưu tiên liên quan đến phát triển bền vững hoặc liên quan đến bảo
vệ môi trường (chương trình tiết kiệm năng lượng).
Những mục tiêu này có thể được coi như là những dấu mốc tổng thể về môi trường
của CQK. Chúng có thể được sử dụng để phân tích xem liệu CQK đó có lợi gì cho kế
hoạch bảo vệ môi trường và liệu có thể được sử dụng để đề xuất các phương án phát
triển hay không. Các mục tiêu bảo vệ môi trường này có thể được chia ra theo 2 nhóm
mục tiêu:
- Các mục tiêu “đánh giá”: đó là những mục tiêu hoặc tiêu chuẩn ở mức tối
thiểu/cơ bản mà CQK nhất thiết phải coi trọng;
- Các mục tiêu “mong muốn”: đó là những mục tiêu môi trường mang tính lâu dài
mà CQK cần xem xét.
* Các câu hỏi định hướng cho việc đánh giá
Có nhiều ĐMC có thể bổ trợ được cho việc xác định các vấn đề và mục tiêu môi
trường liên quan bằng việc xác định những chỉ số hoặc câu hỏi định hướng thích hợp
giúp cho việc mô tả xu hướng hiện tại và xu hướng tương lai khi có hay không có CQK
(ví dụ, các vấn đề về điều kiện và quy mô của các vùng thiên nhiên có giá trị). Tuy
nhiên, khi lựa chọn các chỉ số hoặc câu hỏi định hướng có liên quan, các chuyên gia
ĐMC phải tính đến mức độ sẵn có của dữ liệu. Điều đó không có nghĩa rằng, sự thiếu
hụt về dữ liệu để xác định những chỉ số cụ thể nào đó là nhất định sẽ ngăn cản được
việc sử dụng chúng trong tương lai khi tiến hành ĐMC. Điều cần làm trong thực tế là,
nếu không có sẵn dữ liệu thì phải nói rõ và đưa ra những nhận định, phán xét xem liệu
có thể sử dụng được những chỉ số đó hay không, hoặc liệu có cần lựa chọn các chỉ số
khác với mức độ dữ liệu sẵn có nhiều hơn hay không.

Bảng 4.3. Ví dụ về những vấn đề, mục tiêu môi trường và những câu hỏi định hướng
đối với một chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
Các vấn đề Các chỉ thị/câu hỏi
Ví dụ cụ thể liên Mục tiêu liên
môi trường định hướng cho việc
quan đến CQK quan trong CQK Nguồn dữ liệu
cốt lõi đánh giá
Đa dạng Tất cả các hành Tăng tổng diện Điều kiện và quy mô Báo cáo tình
sinh học lang ĐDSH địa tích các khu bảo của các vùng thiên trạng môi
bao gồm cả phương ngày càng tồn lên 8% so với nhiên có giá trị. trường; Báo cáo
hệ động vật bị phá vỡ năm 2000 (Kế Tính liên thông giữa đánh giá về
và hệ thực hoạch hành động các sinh cảnh tự nhiên ĐDSH; Báo cáo
vật bảo tồn ĐDSH, thiên nhiên 2000
2001)
Chất lượng Chất lượng không Đảm bảo có dưới Số người sinh sống tại Báo cáo hiện
không khí khí kém tại các khu 5% dân số sống các khu vực có mức trạng
vực tại các khu vực bị độ ô nhiễm không khí
ảnh hưởng do quá cao.

89
không khí ô nhiễm Số ngày có mức độ ô
(Chiến lược môi nhiễm không khí trung
trường quốc gia, bình và cao so với
2003) mức trung bình của cả
nước
Đất Tình trạng mở Ưu tiên phát triển Điều kiện và quy mô Không có dữ
rộng đô thị thiếu ở những vùng đất của các vùng đất kém liệu
kiểm soát lấn kém màu mỡ màu mỡ;
chiếm đất nông (Chiến lược môi Mức độ mở rộng của
nghiệp có giá trị trường quốc gia, đô thị;
cao tại các khu 2003)
Chất lượng và số
vực
lượng của đất nông
nghiệp
Biến đổi khí Yếu tố địa hình địa Đảm bảo tất cả Mức độ xảy ra hạn Không có dữ
hậu phương và sự phụ các mục tiêu phát hán và sa mạc hóa liệu
thuộc vào sản xuất triển lồng ghép Quy mô lũ lụt
nông nghiệp làm được những biện
Mức độ tổn thương
cho vùng nghiên pháp nhằm thích
của các vùng đô thị và
cứu rất dễ bị tổn ứng với sự biến
của các hoạt động
thương do các đổi khí hậu xảy ra
giao thông khi có lũ lụt
điều kiện khí hậu (Chương trình mục
bất thường xảy ra
bất thường (lũ lụt tiêu quốc gia về
hoặc hạn hán) biến đổi khí hậu,
2008)
(Nguồn: Cục Thẩm định và Đánh giá Tác động môi trường, 2010).

4.7.2.3. Xác định các bên liên quan và xây dựng kế hoạch huy động sự tham gia của các
bên liên quan
Nhiệm vụ này là xác định các bên liên quan chủ chốt có sự quan tâm đến quá trình
ĐMC tương ứng và để lựa chọn các cách tiếp cận hiệu quả để họ đóng góp các ý kiến,
nhận xét và gợi ý của mình cho quá trình ĐMC. Nhiệm vụ này có thể được tiến hành
song song với nhiệm vụ 1 bởi vì việc xác định các bên liên quan chủ chốt sẽ phải sử
dụng những thông tin về các vấn đề cốt lõi được đề cập trong quá trình ĐMC. Sự cần
thiết của nội dung này thể hiện ở các điểm sau:
- Sự tham gia của các bên liên quan bị tác động hoặc có mối quan tâm trong quá trình
ĐMC sẽ giúp nâng cao được chất lượng của việc đánh giá, sẽ cung cấp các thông tin đầu
vào cho ĐMC và có thể tạo thuận lợi cho việc thực hiện CQK khi đã được phê duyệt.
- Tham vấn trong ĐMC (đặc biệt là đối với các CQK mang tính tổng thể hoặc mang
tính chiến lược) chủ yếu là để tìm ra những ý tưởng và những thông tin đầu vào từ các
bên liên quan bị ảnh hưởng hoặc có mối quan tâm, bao gồm các cơ quan khác nhau,
chuyên gia có sự quan tâm đến các hoạt động và tầm nhìn phát triển lâu dài đặt ra trong
các CQK khác nhau.

90
Cách tiếp cận
* Xác định các bên liên quan chủ chốt có sự quan tâm trong quá trình đánh giá môi
trường chiến lược
CQK có liên quan đến tất cả các ngành, lĩnh vực phát triển trong vùng lập đề án, vì
vậy, các bên liên quan là rất rộng, từ các cơ quan công quyền, các doanh nghiệp tư
nhân, các cơ quan khoa học, các tổ chức phi chính phủ hoặc những công dân bình
thường. Những đối tượng này có thể bị tác động bởi CQK hoặc có quan tâm đến các
hoạt động phát triển được đề xuất. Tuy nhiên, việc xác định các bên liên quan cần tập
trung vào các đối tượng liên quan chủ yếu đến các vấn đề môi trường cốt lõi. Các bên
liên quan chủ yếu này có thể được xác định ngay từ giai đoạn đầu của quá trình ĐMC
để có thể tiến hành các cuộc tham vấn cần thiết.
Để xác định các liên quan chủ yếu cần thiết lập một bảng ma trận. Việc này nên
được tiến hành cùng với nhóm xây dựng CQK để có thể cho phép việc tham vấn được
điều phối hoặc thậm chí được tiến hành cùng với nhóm xây dựng CQK.

Bảng 4.4. Ví dụ về ma trận xác định các bên liên quan trong chiến lược, quy hoạch,
kế hoạch cấp tỉnh (cấp vùng thì bổ sung thêm các tỉnh có liên quan của quy hoạch
và các bộ ngành liên quan đến quy hoạch)
Bên liên quan Các vấn đề quan tâm Phương pháp tham vấn
Sở Tài nguyên và Môi Quản lý đất đai Các cuộc họp chính thức với các công
trường Quản lý môi trường chức có liên quan
Các cuộc hội thảo và hội nghị bàn tròn
Sở Kế hoạch và Đầu Quản lý đầu tư Các cuộc họp chính thức với các công
tư Thẩm định quy hoạch, dự án chức có liên quan
Các cuộc hội thảo và hội nghị bàn tròn
Sở Công thương Quy hoạch các KCN Các cuộc họp chính thức với các công
Sử dụng nước chức có liên quan
Các cuộc hội thảo và hội nghị bàn tròn
Sở Nông nghiệp và Quy hoạch nông nghiệp và Các cuộc họp chính thức với các công
PTNT thuỷ sản chức có liên quan
Sử dụng nước Các cuộc hội thảo và hội nghị bàn tròn
Sở Xây dựng Quy hoạch đô thị Các cuộc họp chính thức với các công
Quy hoạch bãi chôn lấp chức có liên quan
Các cuộc hội thảo và hội nghị bàn tròn
Sở Giao thông vận tải Quy hoạch hệ thống giao Các cuộc họp chính thức với các công
thông chức có liên quan
Các cuộc hội thảo và hội nghị bàn tròn
Sở Lao động - Xu hướng dân số, hình thái di Các cuộc họp chính thức với các công
Thương binh - Xã hội cư, vấn đề tái định cư chức có liên quan
Các chương trình giảm nghèo Các cuộc hội thảo và hội nghị bàn tròn
Phát triển du lịch, số lượng Các cuộc họp chính thức với các công
Sở Văn hóa, Thể thao khách đến thăm quan du lịch,
chức có liên quan
và Du lịch quy hoạch các khu du lịch, du
Các cuộc hội thảo và hội nghị bàn tròn
lịch sinh thái

91
Bên liên quan Các vấn đề quan tâm Phương pháp tham vấn
Chính quyền địa Các cuộc họp chính thức với các công
Các vấn đề đặc thù địa phương
phương các cấp chức có liên quan
Các vấn đề về cộng đồng
(UBND cấp huyện, xã) Các cuộc hội thảo và hội nghị bàn tròn
Các vấn đề đặc thù liên quan Các cuộc họp chính thức với các công
Các tổ chức phi chính
đến các tổ chức phi chính phủ chức có liên quan
phủ
Các vấn đề về cộng đồng Các cuộc hội thảo và hội nghị bàn tròn
Các tổ chức nghiên
Nghiên cứu các vấn đề liên Các cuộc họp chính thức với các công
cứu khoa học (tự
quan chức có liên quan
nhiên, xã hội - nhân
Đề xuất các giải pháp thực hiện Các cuộc hội thảo và hội nghị bàn tròn
văn) và công nghệ

* Mời các bên liên quan đóng góp ý kiến về đánh giá môi trường chiến lược
Việc tham vấn trong quá trình ĐMC sẽ là lý tưởng nhất khi nó được tiến hành cùng
với việc tham vấn trong quá trình xây dựng CQK. Các kênh truyền thông hiện có cũng
thường là những phương tiện có hiệu quả để tiến hành tham vấn trong quá trình ĐMC.
Tuy nhiên, vào những thời điểm khác nhau có thể sẽ đòi hỏi phải có những phương tiện
bổ sung khác nữa.
Các công cụ và biện pháp để tham vấn cộng đồng phụ thuộc vào bản chất của CQK,
vào sự sắp xếp tối ưu để thu nhận các ý kiến đóng góp của các bên liên quan chủ chốt,
và tất nhiên, còn phụ thuộc vào quỹ thời gian và các nguồn lực sẵn có.

Vòng tham vấn lần 1


Các vấn đề môi trường và kinh tế - xã hội
được phát hiện và các ưu tiên được xác định

Vòng tham vấn lần 2


Phân tích các xu hướng thuộc các chủ đề liên
quan khi không có và khi có quy hoạch

Vòng tham vấn lần 3


Toàn bộ các tác động của quy hoạch tới các
mối quan tâm đặc biệt mang tính chiến lược
Các giải pháp giảm thiểu được xác định

Hình 4.4. Sơ đồ quá trình tham vấn đánh giá môi trường chiến lược
(Nguồn: Cục Thẩm định và Đánh giá Tác động môi trường, 2010)

92
Nhóm ĐMC phải xác định được những đánh giá và phân tích có khả năng thu được
nhiều lợi ích nhất từ các bên liên quan. Vấn đề quan trọng là phải tránh được những
tham vấn không cần thiết. Thông thường, những phân tích sau đây sẽ thu được lợi ích từ
các bên liên quan:
- Việc xác định những vấn đề cốt lõi có liên quan đến CQK;
- Việc phân tích các xu hướng môi trường khi không có CQK, việc đánh giá các
mục tiêu và phương án phát triển được đề xuất và việc đưa ra khuyến nghị nhằm làm tối
ưu hóa các mục tiêu và phương án này;
- Việc đánh giá các xu hướng môi trường trong tương lai khi thực hiện các hoạt
động phát triển được đề xuất trong CQK, việc đưa ra các khuyến nghị nhằm tối ưu hóa
chúng, và tổng quan về các biện pháp giảm thiểu và tăng cường được đề xuất.
- Thông tin đầu vào từ các bên liên quan trong từng giai đoạn này có thể dễ dàng
được thu thập bằng cách đưa ra những câu hỏi rõ ràng để họ trả lời.

4.7.2.4. Phân tích các xu hướng môi trường khi không có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
Mục đích của bước này là để mô tả “phương án 0” - tức là, mô tả sự tiến triển có
thể xảy ra của tình trạng môi trường trong trường hợp CQK không được triển khai. Các
phân tích ở bước này có thể gợi mở ra nhiều sự hiểu biết sâu sắc hơn và có thể trở nên
hữu ích không chỉ riêng đối với quá trình ĐMC mà còn hữu ích đối với cả việc xây
dựng CQK nữa.
Việc hiểu biết đúng đắn về tình trạng và các xu hướng môi trường ở thời điểm hiện
tại cũng như sự tiến triển có thể xảy ra của chúng trong trường hợp CQK không được
triển khai sẽ tạo cơ sở cho việc dự báo các tác động môi trường trong ĐMC cũng như so
sánh giữa các lựa chọn và phương án phát triển thay thế trong quá trình ĐMC. Các xu
hướng môi trường này có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, như:
- Các động lực của thị trường;
- Các dự án phát triển lớn đã được phê duyệt nhưng chưa được triển khai thực hiện;
- Các quy hoạch phát triển khác;
- Sự biến đổi khí hậu (vấn đề biến đổi khí hậu được dự đoán là đặc biệt nghiêm
trọng ở Việt Nam).
Tác động của những hoạt động phát triển này là chưa thể nhìn thấy được ngay. Các
phân tích hướng về tương lai của ĐMC sẽ mô tả được các xu hướng biến đổi về môi
trường có thể xảy ra. Nhiều vấn đề về môi trường có thể có những tác động tốt hoặc
ngược lại có tác động xấu đến CQK được đề xuất (ví dụ, một số hệ sinh thái nhất định
sẽ bị mất đi; nhiều đặc tính môi trường sẽ trở nên ngày càng quan trọng). Một số xu
hướng môi trường trong một tương lai gần có thể bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi khí hậu
(ví dụ: biến đổi nhiệt độ, hạn hán, lũ lụt hoặc mực nước biển dâng... xảy ra một cách bất
thường) được dự báo là sẽ rất nghiêm trọng ở Việt Nam.

93
Cách tiếp cận
ĐMC đòi hỏi phải xem xét đến những xu hướng biến đổi lâu dài và nhóm ĐMC
phải diễn giải được các biến đổi môi trường đang xảy ra có liên quan đến CQK. Đối với
CQK quy mô lớn, đòi hỏi phải hướng trọng tâm vào cách tư duy phân tích, phương
pháp tiếp cận chiến lược trong thu thập dữ liệu, các phán xét của chuyên gia có trình độ
cao. Cả hai loại thông tin định tính và định lượng đều có thể được sử dụng cho mục đích
này. Việc mô tả các xu hướng trong quá khứ và hiện tại có thể dựa trên cơ sở những dữ
liệu sẵn có được thu thập từ các nguồn thông tin hiện tại hoặc thông qua các ý kiến phán
xét, đánh giá của chuyên gia (trong trường hợp thiếu dữ liệu).
Các chuyên gia ĐMC phải tập hợp đủ thông tin để trả lời cho các câu hỏi sau:
- Tình trạng hiện tại tốt hay xấu như thế nào? Tình trạng hiện tại còn cách bao nhiêu
so với các ngưỡng hoặc các mục tiêu đã xác định?
- Các yếu tố đặc biệt nhạy cảm hoặc quan trọng của môi trường tiếp nhận, ví dụ: các
nhóm xã hội dễ bị tổn thương, các nguồn tài nguyên không có khả năng tái tạo, các loài
bị đe dọa nguy hiểm, các sinh cảnh quý hiếm... có bị ảnh hưởng không? Các vấn đề này
có thể đảo ngược hay không thể đảo ngược, lâu dài hay tạm thời?
- Động lực của các xu hướng này là gì?
- Sự tiếp diễn trong tương lai của các xu hướng này sẽ như thế nào?
- Nên xem xét đến tác động của sự biến đổi khí hậu có thể xảy ra đến các xu
hướng môi trường trong tương lai vì chúng có thể bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng khí
hậu bất thường;
- Nếu có thể, nên thể hiện kết quả phân tích này trên bản đồ để minh họa về quy mô
không gian và sự liên kết giữa các vấn đề về kinh tế, xã hội và môi trường;
- Nên chia sẻ và kiểm tra chéo các thông tin này với nhóm xây dựng CQK.

4.7.2.5. Đánh giá các mục tiêu và phương án phát triển được đề xuất
Mục đích của bước này là để đánh giá tác động tổng thể của các phương án, các
mục tiêu hay các ưu tiên phát triển được đề xuất đến các xu hướng biến đổi các vấn đề
môi trường cốt lõi và xem xét tính nhất quán của các mục tiêu phát triển kinh tế với
những mục tiêu về môi trường và xã hội đã được xác định ở Việt Nam.
Sự cần thiết của nội dung này thể hiện ở các điểm sau:
- Một thực tế là phải xem xét các phương án phát triển khác nhau trong tương lai,
phải đề xuất được các mục tiêu hoặc ưu tiên phát triển thay thế khi xây dựng CQK. Việc
đánh giá các đề xuất này có thể chỉ ra các cơ hội để thực hiện các phương án nhằm tiến
tới sự phát triển bền vững.
- Việc đánh giá như vậy đòi hỏi phải có các cuộc thảo luận lặp đi lặp lại giữa các
chuyên gia ĐMC và chuyên gia xây dựng CQK. Thông qua những cuộc thảo luận có thể

94
xác định được các rủi ro hoặc lợi ích lớn về môi trường của các phương án phát triển
khác nhau. Thông tin này có thể giúp xây dựng các phương án trong quá trình xây dựng
CQK, hoặc đề xuất những thay đổi về mục tiêu của bản thân CQK.
Cách tiếp cận
Việc đánh giá các đề xuất chiến lược rõ ràng là một việc khó. Tuy nhiên, nó có thể
trở nên dễ dàng hơn bằng cách sử dụng thông tin về các xu hướng môi trường trong
tương lai khi không có CQK (xem các bước ĐMC trước). Thông tin về các xu hướng
môi trường trong tương lai này sẽ cho phép các chuyên gia ĐMC xem xét xem các
phương án phát triển, mục tiêu phát triển và các ưu tiên phát triển được đề xuất liệu:
- Có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến các động lực chủ yếu (nguyên nhân gốc
rễ) của các vấn đề về môi trường liên quan;
- Có thể dẫn đến những nguy cơ mới về môi trường; hoặc
- Có tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải thiện môi trường.
- Mối quan hệ giữa các mục tiêu phát triển được đề xuất và các mục tiêu môi trường
có liên quan có thể dễ dàng được trình bày bằng các ma trận đơn giản mô tả về những
tác động cơ bản. Những vấn đề xung đột và tương hợp khác nhau cũng có thể dễ nhìn
thấy bằng cách sử dụng các biểu tượng đơn giản hoặc các màu khác nhau để chỉ dẫn, ví
dụ như sau:
+ Những vấn đề xung đột/hạn chế tuyệt đối (màu đỏ);
+ Những vấn đề xung đột/hạn chế đáng kể (màu da cam);
+ Những tác động tích cực hoặc những tương hợp đáng kể (màu xanh lá cây nhạt);
+ Những sự tương hợp hoàn toàn - các mục tiêu đề xuất giải quyết được những vấn
đề về môi trường hiện tại hoặc bảo đảm tính bền vững (màu xanh lá cây đậm);
+ Những tác động còn chưa chắc chắn (màu xanh nước biển);
+ Những tác động không đáng kể (không màu).
Đánh giá những đề xuất chiến lược có thể được thực hiện thông qua việc sử dụng
những thông tin về các xu hướng môi trường và kinh tế - xã hội trong tương lai khi
không triển khai quy hoạch được đề xuất (theo các vấn đề môi trường cốt lõi và các mục
tiêu môi trường có liên quan) đã được xác định trong bước trước.
Bước đánh giá này có thể trợ giúp một cách có hiệu quả cho việc xem xét những
phương án sau đây của CQK thông qua việc đặt ra những câu hỏi, cụ thể như sau:
- Các lựa chọn về quản lý nhu cầu:
+ Hoạt động phát triển đề xuất có cần thiết không?
+ Nhu cầu liệu có được đáp ứng hay không nếu như không có bất cứ hoạt động phát
triển hoặc kết cấu hạ tầng mới nào?

95
+ Liệu có những cơ hội hiện thực nào để quản lý nhu cầu phát triển (ví dụ, thông
qua các công cụ về luật pháp, kinh tế hoặc hành chính hoặc các biện pháp khác để thúc
đẩy việc thay đổi hành vi)?
- Các lựa chọn về công nghệ hoặc quá trình:
+ Công việc phải được thực hiện như thế nào?
+ Có hay không các biện pháp, công nghệ hoặc quá trình mà có thể đáp ứng được
các nhu cầu phát triển nhưng lại ít gây ra những tác động xấu về môi trường so với
những biện pháp truyền thống?
Các phương pháp chuyên gia, ma trận có thể được sử dụng trong các thảo luận cụ
thể sau đây:
- Trong việc đánh giá các mục tiêu và phương án phát triển được đề xuất có thể sử
dụng những thông tin đầu vào từ các chuyên gia thuộc các cơ quan có thẩm quyền, các
cơ quan khoa học, các nhóm kinh doanh hoặc các tổ chức phi chính phủ có liên quan.
Những cuộc hội thảo, hội nghị bàn tròn và các cuộc họp không chính thức, v.v.. đều có
thể được sử dụng phục vụ cho mục đích này.
- Xem xét phạm vi ảnh hưởng (tích cực/tiêu cực) của các định hướng, mục tiêu và
phương án phát triển tới các vấn đề môi trường cốt lõi;
- Xác định phạm vi của những lợi ích/cơ hội/rủi ro về môi trường mà những đề xuất
phát triển có thể tạo ra;
- Đánh giá sự phù hợp của các mục tiêu và định hướng phát triển được đề xuất với
các mục tiêu và định hướng về môi trường hay phát triển bền vững đã được xác định
trong các văn bản chính thống, tốt nhất sử dụng ma trận thể hiện mối quan hệ giữa mục
tiêu phát triển và mục tiêu môi trường.

Bảng 4.5. Ví dụ về ma trận thể hiện các rủi ro, lợi ích và cơ hội liên quan tới các
mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Các mục tiêu
Các lợi ích
phát triển Các rủi ro môi trường Các cơ hội môi trường
môi trường
KT-XH
Tăng lượng gạo - Tăng cường lượng phân bón, Các loại gạo cho - Áp dụng thực hành nông
chất lượng cao thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ sử năng suất thấp nghiệp tốt, đặc biệt ở vùng
cho xuất khẩu dụng khi mở rộng sản xuất hiện sử dụng đất dốc
nhưng không - Đất sản xuất bị mất hoặc nhiều phân bón - Giới thiệu các giống lúa
tăng khu vực xuống cấp từng bước bị mới cho năng suất cao,
trồng trọt loại bỏ kháng sâu bệnh
- Ô nhiễm đất và nước
- Tăng nhu cầu về nước - Các khu vực lúa cho năng
suất thấp sẽ chuyển sang
trồng cây lương thực khác
hoặc chăn nuôi
- Các khu vực bị suy thoái
hệ sinh thái được phục hồi

96
Các mục tiêu
Các lợi ích
phát triển Các rủi ro môi trường Các cơ hội môi trường
môi trường
KT-XH
Đảm bảo sự - Đánh bắt quá mức các loài Xây dựng và - Xây dựng các kế hoạch
tăng trưởng có giá trị kinh tế cao tăng cường năng quản lý đánh bắt ven biển
nhanh và bền - Thực hành các hoạt động lực trong việc và xa bờ
vững của đánh đánh bắt không bền vững như hạn chế đánh bắt - Mở rộng các khu bảo tồn
bắt thủy sản đánh bắt bằng mìn nhằm đảm bảo biển và cải tiến kế hoạch
cùng với phát các loài cá không quản lý với sự tham gia của
- Ảnh hưởng tới các hệ sinh
triển các sản bị suy giảm về số các cộng đồng địa phương
thái biển nhạy cảm
phẩm từ thủy lượng
- Đe dọa sinh kế của các ngư - Tăng cường các nguồn
sản
dân đánh bắt quy mô nhỏ do lực và đào tạo nhằm bắt
gia tăng đánh bắt công nghiệp buộc tuân thủ quy định
trong khu bảo tồn biển
- Ô nhiễm nước và đất do quản
lý chất thải kém đối với các
hoạt động chế biến thủy sản
Chuyển đổi cơ - Rủi ro về sự cố tràn dầu - Giảm lượng khí
- Lồng ghép các chương
cấu ngành giao hoặc hóa chất ở các cảng biển gây hiệu ứng trình tái cấu trúc cơ sở hạ
thông theo định - Tác động tới các hệ sinh thái nhà kính do xe
tầng với việc nâng cao nhận
hướng tăng và sinh vật nhạy cảm ở các tải trên đường bộ
thức của cộng đồng đối với
khối lượng vận cảng và dọc các tuyến đường - Giảm ùn tắc và các lựa chọn về giao thông
chuyển hàng biển tai nạn giao công cộng
hóa bằng thông - Nâng cao lợi ích của
- Ảnh hưởng của biến đổi khí
đường biển và người nghèo bằng việc đảm
hậu đối với hạ tầng cảng
đường sắt, bảo có đủ xe buýt để kết nối
giảm lưu lượng - Các tuyến đường sắt có thể
với hệ thống đường sắt
giao thông gây đứt đoạn các hành lang
đường bộ sinh học
- Tiếng ồn và độ rung liên
quan tới vận tải đường sắt
siêu trường, siêu trọng

(Nguồn: Cục Thẩm định và Đánh giá Tác động môi trường, 2010).

4.7.2.6. Đánh giá các xu hướng môi trường trong tương lai khi triển khai các hoạt động
đề xuất trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
* Mục đích
- Đánh giá các tác động tích cực và/hoặc tiêu cực của những đề xuất cụ thể trong
CQK đến xu hướng biến đổi các vấn đề môi trường cốt lõi;
- Cân nhắc các phương án lựa chọn theo các hoạt động được đề xuất;
- Đề xuất các biện pháp phòng ngừa, giảm nhẹ và khắc phục tối đa các tác động xấu
của việc thực hiện CQK đến môi trường và phát triển bền vững.

97
* Sự cần thiết
Một trong những lợi ích chính của ĐMC là nó tạo ra khả năng để xác định các tác
động môi trường của nhiều hoạt động được đề xuất và tạo thuận lợi cho việc đánh giá
các tác động tích luỹ. Các tác động tích luỹ này có thể là kết quả của những hoạt động
nhỏ lẻ nhưng lại cùng được tiến hành trong một khoảng thời gian nhất định nên trở
thành những tác động rất đáng kể.
* Cách tiếp cận
Đánh giá này trước tiên phải nhằm vào việc xác định những thành tố của CQK có
khả năng gây ra những tác động lớn đến những xu hướng môi trường cụ thể. Đánh giá
này có thể tập trung vào toàn bộ CQK, vào từng cụm các dự án được đề xuất hoặc thậm
chí tập trung vào những đề xuất riêng lẻ có thể gây ra những tác động đáng kể đến các
xu hướng môi trường có liên quan. Các chuyên gia ĐMC sau đó phải lý giải được về
những vấn đề sau đây:
- Đặc tính của rủi ro/tác động (nguyên nhân chính xác nào gây ra rủi ro/tác động
hoặc chỉ là những giả định để dự báo);
- Xác suất xảy ra và những điều còn chưa chắc chắn chủ yếu;
- Quy mô địa lý - những vùng địa lý bị tác động trực tiếp và gián tiếp cần được quan
tâm cụ thể;
- Độ dài thời gian và khả năng có thể đảo ngược;
- Những mối quan tâm cơ bản liên quan đến tác động này.
4.7.2.7. Đề xuất các biện pháp giảm nhẹ/tăng cường và chương trình quản lý, giám sát
môi trường
Mục đích của bước này là để cung cấp những thông tin tổng thể về tất cả các cơ hội
hoặc biện pháp nổi bật để phòng ngừa, giảm nhẹ hoặc bù đắp đối với những tác động
tiêu cực và tăng cường những tác động tích cực. Bước này còn là để đề xuất việc tổ
chức giám sát môi trường trong thực tế để đảm bảo rằng:
- Thông tin về những tác động lớn của các hoạt động và dự án đến các mục tiêu và
chỉ số môi trường có liên quan đến CQK phải được ghi nhận một cách đầy đủ;
- Mọi tác động xấu chưa nhìn thấy trước đều phải được xác định để có thể đưa ra
được những biện pháp tương ứng để giải quyết.
* Sự cần thiết
Bước này tạo cho các chuyên gia ĐMC có những cơ hội cuối cùng để đưa ra bất kỳ
khuyến nghị nào mà các cơ quan có trách nhiệm về việc ra quyết định cần phải cân nhắc
và đó cũng là cơ hội để họ nêu ra các vấn đề còn tồn tại mà chưa được đưa vào CQK.
Trong việc bố trí giám sát môi trường phải chỉ rõ tất cả các vấn đề môi trường lớn
có thể xảy ra trong quá trình thực hiện CQK bất kể là chúng đã được nhìn thấy trước

98
hay chưa. Việc bố trí giám sát này cũng còn tạo ra cơ chế để phản hồi và cung cấp
những thông tin môi trường có liên quan cho bước tiếp theo của quá trình xây dựng
CQK. Cuối cùng là nó sẽ làm cho các quyết định đưa ra trong quá trình thực hiện
CQK có nhiều thông tin hơn và cũng có lợi ích cho việc bổ sung và sửa đổi CQK
trong tương lai.
* Cách tiếp cận
- Đề xuất các biện pháp giảm nhẹ hoặc tăng cường về môi trường
Không thể có một khuôn mẫu duy nhất nào cho nhiệm vụ này. Các chuyên gia
ĐMC có thể sử dụng bất kỳ hình thức phù hợp nào để đưa ra nhận xét, đánh giá và lý
giải của mình về các vấn đề sau:
+ Các cơ hội để làm tối ưu hóa các mục tiêu hoặc các ưu tiên về phát triển được đề
ra trong CQK;
+ Các cơ hội để làm tối ưu hóa các đề xuất cụ thể trong CQK (ví dụ, các phương án
phát triển thay thế; địa điểm, quy mô và tần suất/trình tự thời gian của các hoạt động
phát triển được đề xuất);
+ Các cơ hội làm tối ưu hóa việc thực hiện CQK (ví dụ, các vấn đề cần giải quyết
trong các ĐTM, vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu...);
+ Đề xuất các biện pháp giảm nhẹ đối với những tác động tiêu cực không thể tránh
được của CQK thông qua việc thay đổi các mục tiêu, các ưu tiên hoặc các hành động
phát triển được đề xuất; và
+ Đề xuất các thay đổi trong các CQK khác có liên quan (thường được gọi là những
biện pháp bổ sung).
- Đề xuất hệ thống giám sát môi trường
ĐMC phải sử dụng các sắp xếp về giám sát được đề xuất cho CQK để tránh sự nhầm
lẫn và trùng lặp. Các chuyên gia ĐMC phải phân tích hệ thống giám sát môi trường được
đề xuất cho CQK và có thể đề xuất thêm những chỉ số mới dựa vào các vấn đề, các mục
tiêu và các chỉ số về môi trường liên quan được sử dụng trong quá trình ĐMC.
Những yêu cầu đối với giám sát và quản lý môi trường quy định tại Thông tư số
26/2011/TT-BTNMT bao gồm:
+ Nội dung của chương trình quản lý môi trường (chương trình quản lý chất thải, đa
dạng sinh học...);
+ Nội dung giám sát, các thông số/chỉ thị giám sát, địa điểm, trách nhiệm giám sát,
cách thức thực hiện, nguồn lực cần thiết;
+ Cách thức phối hợp giữa các đơn vị trong quá trình thực hiện;

99
4.7.2.8. Soạn thảo báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và đệ trình cơ quan có thẩm
quyền để thẩm định
* Soạn thảo báo cáo đánh giá môi trường chiến lược
Báo cáo ĐMC là một nội dung quan trọng của CQK và phải được chuẩn bị đồng thời
với quá trình xây dựng CQK. Các bước ĐMC nêu ra trong bản hướng dẫn này sẽ tạo khả
năng cho nhóm ĐMC xử lý tất cả các thông tin cần thiết để đưa vào báo cáo ĐMC.
Nội dung chính của báo cáo ĐMC chi tiết dưới hình thức báo cáo riêng bao gồm:
mô tả tóm tắt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; quá trình tổ chức thực hiện đánh giá môi
trường chiến lược; mô tả phạm vi nghiên cứu của đánh giá môi trường chiến lược và các
vấn đề môi trường chính liên quan đến chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;
Mô tả diễn biến trong quá khứ và dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường chính
trong trường hợp không thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; đánh giá sự phù hợp
của các quan điểm, mục tiêu của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch với các quan điểm,
mục tiêu về bảo vệ môi trường; đánh giá, so sánh các phương án phát triển của chiến
lược, quy hoạch, kế hoạch;
Đánh giá tác động đến các vấn đề môi trường chính trong trường hợp thực hiện
chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; tham vấn các bên liên quan trong quá trình thực hiện
đánh giá môi trường chiến lược; đề xuất điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và
các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; chỉ dẫn nguồn cung
cấp số liệu, dữ liệu và phương pháp đánh giá; kết luận và kiến nghị.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về cấu trúc và nội dung của báo cáo ĐMC
được trình bày ở phụ lục 1.3, phụ lục 1.5 và phụ lục 1.7 của Thông tư số 26/2011/TT-
BTNMT. Cấu trúc và nội dung của báo cáo ĐMC chi tiết dưới hình thức báo cáo riêng
như sau:
Mở đầu
1. Xuất xứ của CQK
2. Căn cứ pháp luật và kỹ thuật của việc thực hiện ĐMC
3. Phương pháp sử dụng để thực hiện ĐMC
4. Tổ chức thực hiện ĐMC
- Mối liên kết giữa quá trình lập CQK và quá trình thực hiện ĐMC, trong đó nêu rõ
các bước thực hiện ĐMC được gắn kết như thế nào với quá trình lập CQK.
- Việc tổ chức, cách thức hoạt động của nhóm chuyên gia về ĐMC do cơ quan lập
CQK thành lập hoặc đơn vị tư vấn thực hiện.
- Danh sách những người trực tiếp tham gia trong quá trình ĐMC;
- Quá trình làm việc của nhóm ĐMC với nhóm CQK.

100
Chương 1: Mô tả tóm tắt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
1.1. Tên của CQK
1.2. Cơ quan được giao nhiệm vụ lập CQK
1.3. Mô tả tóm tắt CQK
- Phạm vi không gian và thời kỳ của CQK.
- Các mục tiêu, quan điểm và phương hướng phát triển; cơ cấu tổ chức kinh tế.
- Luận chứng các phương án phát triển của CQK và phương án chọn.
- Phương án tổng hợp về tổ chức kinh tế, xã hội trên lãnh thổ, quy hoạch phát triển
kết cấu hạ tầng, định hướng quy hoạch sử dụng đất (nếu có).
- Luận chứng danh mục dự án ưu tiên đầu tư.
- Các định hướng, giải pháp chính về bảo vệ môi trường của CQK.
- Các giải pháp về cơ chế, chính sách.
- Các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm.
- Phương án tổ chức thực hiện CQK.
- Các bản đồ, sơ đồ liên quan (nếu có).
Chương 2: Xác định phạm vi ĐMC và mô tả diễn biễn môi trường tự nhiên, kinh
tế - xã hội
2.1. Xác định phạm vi của ĐMC và các vấn đề môi trường chính liên quan đến CQK
2.1.1. Phạm vi thực hiện ĐMC
- Phạm vi không gian, trong đó chỉ rõ những vùng lãnh thổ đã xác định để thực hiện
ĐMC.
- Phạm vi thời gian thực hiện ĐMC.
2.1.2. Các vấn đề môi trường chính liên quan đến CQK
- Nêu rõ các vấn đề môi trường chính liên quan đến CQK cần xem xét trong ĐMC.
- Nêu rõ các mục tiêu môi trường trong các văn bản pháp luật, chiến lược, chính
sách, kế hoạch hành động về bảo vệ môi trường có liên quan đến các vấn đề môi
trường đã xác định ở trên.
2.2. Mô tả tóm tắt điều kiện tự nhiên, môi trường và kinh tế - xã hội vùng có khả năng
bị tác động
- Điều kiện về địa lý, địa chất
- Điều kiện về khí tượng - thủy văn
- Hiện trạng các thành phần môi trường tự nhiên
- Điều kiện về kinh tế
- Điều kiện về xã hội

101
2.3. Mô tả diễn biến trong quá khứ của các vấn đề môi trường chính liên quan đến CQK
- Dựa trên các thông tin, dữ liệu đã có cần mô tả diễn biến trong quá khứ của các
vấn đề môi trường chính liên quan đến CQK, so sánh với các mục tiêu, tiêu chuẩn,
quy chuẩn về môi trường liên quan.
- Xác định các nguyên nhân chính gây ra sự biến đổi của các vấn đề môi trường
chính này.
2.4. Dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường chính trong trường hợp không thực
hiện CQK (Phương án 0)
- Dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường chính liên quan đến CQK trong
trường hợp không thực hiện CQK theo phạm vi thời gian bắt đầu từ thời điểm xây
dựng CQK.
- Xác định các nguyên nhân chính có thể tác động đến các vấn đề môi trường chính
(như các quy hoạch, dự án đầu tư khác đang triển khai; các quy hoạch, dự án đầu tư
đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, các động lực thị trường, biến đổi khí
hậu...).

Chương 3: Đánh giá tác động của CQK đến môi trường
3.1. Đánh giá sự phù hợp giữa các quan điểm, mục tiêu của chiến lược, quy hoạch, kế
hoạch với các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường
- Đánh giá sự phù hợp hoặc mâu thuẫn giữa các quan điểm, mục tiêu của CQK với
các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường đã được các cấp, các ngành xác lập
trong các văn bản chính thống có liên quan, như: nghị quyết, chỉ thị của Đảng, văn
bản quy phạm pháp luật của Nhà nước; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ
môi trường; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về khai thác, sử dụng các nguồn tài
nguyên thiên nhiên; các văn bản chính thống có liên quan khác.
- Dự báo tác động, ảnh hưởng của các quan điểm, mục tiêu của CQK đến các quan
điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường liên quan trong các văn bản nêu trên.
3.2. Đánh giá, so sánh các phương án phát triển đề xuất và luận chứng phương án chọn
Đánh giá tác động đến môi trường của các phương án phát triển đề xuất (trong
trường hợp có từ 2 phương án trở lên) và đưa ra khuyến nghị về lựa chọn, điều
chỉnh phương án phát triển dựa trên quan điểm về bảo vệ môi trường.
3.3. Dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường chính trong trường hợp thực hiện CQK
3.3.1. Đánh giá tác động của CQK đến môi trường
3.3.1.1. Đánh giá tác động của từng thành phần CQK đến môi trường
- Xác định các thành phần của CQK (các quy hoạch thành phần, các chương trình,
dự án, các hoạt động đầu tư và các hoạt động khác) có khả năng gây ra tác động
môi trường.

102
- Đánh giá tác động của từng thành phần CQK đến môi trường: xác định rõ đối
tượng chịu tác động, phạm vi không gian và thời gian của tác động, đặc tính tác
động, xác suất, khả năng đảo ngược của tác động (cần đánh giá cả các tác động tích
cực và tiêu cực, tác động trực tiếp và gián tiếp).
- Đánh giá sự phù hợp về quy mô, công nghệ, phân bố không gian, thời gian thực
hiện của từng thành phần CQK, các dự án, các hoạt động của CQK.
3.3.1.2. Đánh giá tác động của toàn bộ CQK đến môi trường
Đánh giá tác động của toàn bộ CQK đến môi trường trên cơ sở tổng hợp các tác
động của từng thành phần CQK.
3.3.2. Dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường chính
Dự báo xu hướng của từng vấn đề môi trường chính đã được xác định theo không
gian và thời gian cụ thể.
3.4. Nhận xét về mức độ chi tiết, độ tin cậy và các vấn đề còn chưa chắc chắn của các
dự báo
- Việc nhận xét, đánh giá về mức độ chi tiết, độ tin cậy của các dự báo, các nhận
định đã đưa ra được thực hiện trên cơ sở các nhận xét, đánh giá về nguồn thông tin
và các phương pháp (phương pháp ĐMC và phương pháp khác) đã được sử dụng
trong ĐMC này.
- Trường hợp có các vấn đề còn thiếu độ tin cậy hoặc chưa chắc chắn trong các
đánh giá, dự báo thì phải nêu cụ thể từng vấn đề và kèm theo sự giải thích rõ lý do
(thiếu thông tin, dữ liệu; số liệu, dữ liệu hiện có đã bị lạc hậu; thiếu phương pháp;
độ tin cậy của phương pháp có hạn; trình độ chuyên môn của các chuyên gia thực
hiện ĐMC; các nguyên nhân khác).

Chương 4: Tham vấn các bên liên quan trong quá trình ĐMC
4.1. Tổ chức việc tham vấn
Mô tả quá trình tổ chức tham vấn các bên liên quan, trong đó nêu rõ việc tham vấn
các bên liên quan đã được thực hiện ở các bước nào trong quá trình ĐMC, mục đích
tiến hành tham vấn, đối tượng tiến hành tham vấn, phương pháp tham vấn.
4.2. Nội dung và kết quả tham vấn
Nêu từng nội dung đã tham vấn kèm theo chỉ dẫn cụ thể về: đối tượng tham vấn,
phương pháp tham vấn và tóm tắt kết quả tham vấn của quá trình tham vấn trong
từng bước thực hiện ĐMC, trong đó cần làm rõ:
- Các thông tin thu thập được từ các bên liên quan thông qua quá trình tham vấn.
- Các ý kiến đóng góp (bao gồm cả các ý kiến nhất trí và phản đối), các kiến nghị
về điều chỉnh, bổ sung CQK của các bên liên quan.

103
Chương 5: Các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường
5.1. Các nội dung của CQK đã được điều chỉnh trên cơ sở kết quả thực hiện ĐMC
- Các đề xuất, kiến nghị điều chỉnh CQK của nhóm chuyên gia/đơn vị tư vấn thực
hiện ĐMC và của các bên liên quan thông qua quá trình tham vấn
- Các nội dung của CQK đã được điều chỉnh trên cơ sở kết quả thực hiện ĐMC
- Các đề xuất, kiến nghị chưa được tiếp thu
+ Các đề xuất, kiến nghị của nhóm chuyên gia/đơn vị tư vấn thực hiện ĐMC chưa
được cơ quan lập CQK tiếp thu, giải thích rõ lý do.
+ Các đề xuất, kiến nghị của của các bên liên quan thông qua quá trình tham vấn
chưa được cơ quan lập CQK tiếp thu, giải thích rõ lý do.
5.2. Các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong quá
trình thực hiện CQK
5.2.1. Giải pháp về công nghệ, kỹ thuật
Đề ra các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật nhằm phòng ngừa, giảm thiểu và khắc
phục các tác động tiêu cực đến môi trường do việc thực hiện các hoạt động, dự án
của CQK; nhận xét, đánh giá về tính khả thi; dự kiến cách thức thực hiện, cơ quan
thực hiện, cơ quan phối hợp thực hiện đối với từng giải pháp.
5.2.2. Giải pháp về quản lý
Đề ra các giải pháp về quản lý nhằm phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các tác
động tiêu cực đến môi trường do việc thực hiện các hoạt động, dự án của CQK;
nhận xét, đánh giá về tính khả thi; dự kiến cách thức thực hiện, cơ quan thực hiện,
cơ quan phối hợp thực hiện đối với từng giải pháp.
5.2.3. Định hướng về đánh giá tác động môi trường (ĐTM)
Định hướng, yêu cầu về ĐTM đối với các dự án thành phần trong CQK, trong đó chỉ
ra các vấn đề môi trường cần chú trọng, các vùng, ngành/lĩnh vực nào cần phải được
quan tâm về ĐTM trong quá trình xây dựng các dự án thành phần; lý do chủ yếu.
5.2.4. Các giải pháp khác
5.2.5. Các đề xuất, kiến nghị về điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khác có
liên quan
5.3. Chương trình quản lý môi trường
Đề xuất chương trình quản lý và giám sát môi trường trong quá trình triển khai thực
hiện CQK, trong đó chỉ rõ:
- Nội dung giám sát, các thông số/chỉ thị giám sát, địa điểm, trách nhiệm giám sát,
cách thức thực hiện, nguồn lực cần thiết.
- Cách thức phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình thực hiện.
- Chế độ báo cáo trong quá trình thực hiện.

104
Kết luận và kiến nghị
1. Về mức độ tác động tiêu cực đến môi trường của CQK
- Kết luận chung về sự phù hợp/mâu thuẫn của các mục tiêu của CQK và các mục
tiêu về bảo vệ môi trường.
- Mức độ tác động tiêu cực đến môi trường nói chung trong quá trình triển khai CQK.
- Các tác động môi trường tiêu cực không thể khắc phục được kèm theo nguyên nhân.
2. Về hiệu quả của ĐMC
Cần nêu tóm tắt:
- Các nội dung chủ yếu của CQK đã được điều chỉnh.
- Các vấn đề còn chưa có sự thống nhất giữa các nội dung, yêu cầu về phát triển và
về bảo vệ môi trường.
- Các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình thực
hiện CQK.
3. Về việc phê duyệt CQK
Dựa trên các kết quả của ĐMC, kiến nghị về việc thẩm định, phê duyệt CQK.
4. Kết luận và kiến nghị khác

* Các tiêu chí để thẩm định không chính thức đối với báo cáo ĐMC
Dưới đây là các tiêu chí mà các cơ quan đề xuất CQK có thể sử dụng để thẩm định
nội bộ/không chính thức đối với các báo cáo ĐMC của CQK được đề xuất. Theo đó, họ
có thể kiểm tra xem liệu ĐMC đã được tiến hành một cách đúng đắn hay không và
những thông tin cần thiết theo yêu cầu đặt ra đã có trong báo cáo ĐMC hay chưa.
- Đối với các vấn đề cốt lõi:
+ Mục đích và mục tiêu của CQK được xác định là rõ ràng;
+ Mối liên kết với các quy hoạch phát triển khác có liên quan được xác định và giải
thích rõ;
+ Các vấn đề môi trường liên quan đến CQK được xác định;
+ Việc đánh giá tập trung vào những vấn đề quan trọng;
+ Có lý do để loại bỏ bớt những vấn đề cần xem xét tiếp theo.
- Đối với các phương án:
+ Các phương án thực tế của CQK được xem xét và lý do lựa chọn các phương án
được thuyết minh;
+ Trong các phương án có các kịch bản “làm ở mức tối thiểu” và/hoặc “làm ở mức
bình thường” đối với mỗi hoạt động có liên quan;

105
+ Các tác động môi trường (có lợi và có hại) của từng phương án được xác định và
so sánh;
+ Sự mâu thuẫn giữa các phương án và các CQK liên quan khác được xác định và
giải thích;
+ Đưa ra được lý do để chọn lựa hoặc loại bỏ các phương án.
- Đối với các thông tin cơ sở:
+ Các khía cạnh liên quan của tình trạng môi trường hiện tại và sự tiến triển có thể
xảy ra khi không có CQK được mô tả;
+ Các đặc điểm môi trường của các vùng có thể bị tác động được mô tả, bao gồm cả
khu vực ngoài phạm vi địa lý của vùng CQK có khả năng bị tác động bởi CQK.
- Đối với việc dự báo và đánh giá các tác động môi trường lớn có khả năng xảy ra:
+ Các tác động tích cực và tiêu cực được xem xét, độ dài thời gian xảy ra (ngắn,
trung hoặc dài hạn) được đề cập.
+ Các tác động thứ cấp, tích luỹ và tương hỗ có thể xảy ra được xác định ở những
nơi thích hợp.
+ Các mối quan hệ đa chiều giữa các tác động được xem xét ở những nơi thích hợp.
+ Việc dự báo và đánh giá các tác động là phù hợp với các tiêu chuẩn, quy định và
ngưỡng đặt ra.
- Đối với những điểm còn chưa chắc chắn:
+ Các phương pháp sử dụng trong ĐMC được mô tả, trong đó có giải thích về
những điểm còn chưa chắc chắn (nếu có).
+ Sự thiếu hụt về thông tin cơ sở hoặc về phương pháp được giải thích.
- Đối với các biện pháp giảm nhẹ:
+ Các biện pháp phòng ngừa, giảm nhẹ hoặc bù đắp các tác động tiêu cực quan
trọng trong quá trình triển khai CQK được chỉ dẫn.
+ Các vấn đề cần lưu ý xem xét trong quá trình phê duyệt CQK được chỉ dẫn.
- Đối với báo cáo ĐMC:
+ Rõ ràng và xúc tích về mặt biên tập và trình bày;
+ Sử dụng cách hành văn đơn giản, rõ ràng và tránh được hoặc giải thích được các
thuật ngữ kỹ thuật;
+ Có sử dụng các bản đồ và các hình thức minh họa khác ở những chỗ thích hợp;
+ Có giải thích về phương pháp luận sử dụng;
+ Có giải thích về đối tượng đã tham vấn và các phương pháp tham vấn đã sử dụng;
+ Xác định được các nguồn thông tin, bao gồm cả các ý kiến phán xét của chuyên
gia và các ý kiến khác;

106
+ Có phần tóm tắt phi tính kỹ thuật về cách tiếp cận tổng thể đối với ĐMC, các mục
tiêu của CQK, các phương án lựa chọn chính cần xem xét và các khuyến nghị về việc
thay đổi đối với CQK do kết quả của ĐMC;
+ Các khó khăn về kỹ thuật, thủ tục và các khó khăn khác được đề cập và giải thích;
các giả định và những điều còn chưa chắc chắn được thẳng thắn đưa ra.
- Đối với việc quản lý quá trình ĐMC
+ ĐMC được tiến hành như một phần hữu cơ (không tách rời) của quá trình xây
dựng CQK.
+ Các cơ quan có thẩm quyền liên quan và công chúng quan tâm được tham vấn
theo đúng cách và đúng thời điểm để họ có những ý kiến đóng góp sớm và hiệu quả cho
dự thảo CQK và báo cáo ĐMC.

107
Chương 5. PHƯƠNG PHÁP NHẬN DẠNG VÀ
ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

Đánh giá tác động môi trường được coi là môn khoa học đa ngành, do vậy, muốn
dự báo và đánh giá đúng các tác động chính của dự án đến môi trường tự nhiên và KT-
XH cần phải có các phương pháp khoa học có tính tổng hợp. Dựa vào đặc điểm của dự
án và dựa vào đặc điểm của môi trường, các nhà khoa học đã sử dụng nhiều phương
pháp để nhận dạng và dự báo với mức độ định tính hoặc định lượng khác nhau. Mỗi
phương pháp đều có điểm mạnh và điểm yếu. Việc lựa chọn phương pháp cần dựa vào
yêu cầu về mức độ chi tiết của ĐTM, kiến thức, kinh nghiệm của người thực hiện ĐTM.
Trong nhiều trường hợp phải kết hợp tất cả các phương pháp trong nghiên cứu ĐTM
cho một dự án, đặc biệt các dự án có quy mô lớn và có khả năng tạo nhiều tác động thứ
cấp (Hoàng Xuân Cơ và Phạm Ngọc Hồ, 1998; Lê Thạc Cán và Lê Trình, 2007).
Các phương pháp nhận dạng và đánh giá các tác động có thể áp dụng chung cho cả
ĐMC, ĐTM cấp dự án, cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc lựa chọn các
phương pháp cho mỗi loại hình đánh giá là rất quan trọng, quyết định tính chính xác và
hiệu quả của công tác đánh giá.

5.1. Nhận dạng tác động


5.1.1. Các kiểu tác động
Theo Lê Thạc Cán và Lê Trình (2007), nhận dạng các tác động môi trường là xác
định các đối tượng môi trường có thể bị dự án tác động một cách đáng kể. Tác động môi
trường của một dự án được hiểu là sự thay đổi các điều kiện môi trường hiện tại tạo ra
các hậu quả môi trường có lợi cũng như có hại. Nhận dạng các tác động môi trường
được thực hiện từ bước xác định phạm vi (khi đã có đầy đủ các thông tin về hoạt động
của dự án) đến giai đoạn đầu của bước ĐTM chi tiết (khi đã thu thập đầy đủ các thông
tin hiện trạng môi trường của vùng dự án).
* Tác động môi trường vật lý
Các tác động đến môi trường vật lý là sự ảnh hưởng qua lại của dự án đến các yếu
tố và thành phần môi trường như:
- Ảnh hưởng đến địa hình
- Ảnh hưởng đến địa chất công trình, địa chất thủy văn
- Ảnh hưởng đến chế độ thủy văn, dòng chảy
- Ảnh hưởng đến khí hậu

108
- Ảnh hưởng đến thành phần và chất lượng nước mặt
- Ảnh hưởng đến thành phần chất lượng nước ngầm
- Ảnh hưởng đến thành phần chất lượng không khí
- Ảnh hưởng đến thành phần, tính chất đất
- Ảnh hưởng đến quá trình xói mòn, bồi tụ và trượt lở đất
- Các vấn đề về thiên tai như động đất kích thích, lũ lụt
* Các tác động đến môi trường sinh học
Các tác động sinh học là sự ảnh hưởng do hoạt động của dự án đến các hệ sinh thái
tự nhiên và tài nguyên sinh vật. Ảnh hưởng đến các hệ sinh thái nhạy cảm về môi
trường, đặc biệt là hệ sinh thái đất ngập nước:
- Ảnh hưởng đến tài nguyên thực vật
- Ảnh hưởng đến động vật hoang dã
- Ảnh hưởng đến động thực vật thủy sinh
- Ảnh hưởng đến cây trồng vật nuôi
* Tác động về xã hội
Tác động xã hội của một dự án đầu tư là các hoạt động có lợi và bất lợi do dự án
trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cho các điều kiện và hoạt động xã hội trong vùng bị ảnh
hưởng do dự án. Các hoạt động chính là:
- Ảnh hưởng do di dân và tái định cư
- Ảnh hưởng do thay đổi trong cơ cấu sử dụng đất
- Ảnh hưởng do thay đổi cơ cấu ngành nghề và việc làm
- Ảnh hưởng đến phong tục tập quán
- Ảnh hưởng đến cộng đồng dân tộc thiểu số
- Ảnh hưởng đến các di tích lịch sử, văn hóa, các công trình kiến trúc
- Ảnh hưởng đến quan hệ xã hội, tâm lý cộng đồng
- Ảnh hưởng đến văn hóa
- Ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng
- Mâu thuẫn xã hội (nếu có)

* Tác động về kinh tế


Tác động kinh tế của một dự án đầu tư là các hoạt động có lợi và bất lợi do dự án
trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cho các điều kiện và hoạt động về kinh tế trong vùng bị
ảnh hưởng do dự án. Các tác động chính là:
- Ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển kinh tế vùng, địa phương
- Ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển kinh tế ngành

109
- Ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ bị mất đất hoặc cơ sở hạ tầng
- Ảnh hưởng đến các ngành kinh tế địa phương
- Ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng
5.1.2. Nguồn gốc và hậu quả của tác động
- Các tác động trực tiếp: Là sự thay đổi các yếu tố và các quá trình môi trường do
các hoạt động của dự án gây lên một cách trực tiếp. Chẳng hạn, việc xây dựng các đập
nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ dòng chảy hay việc phát thải của các nhà máy
nhiệt điện trực tiếp gây ô nhiễm môi trường.
- Các tác động gián tiếp: Là sự thay đổi của các yếu tố và các quá trình môi trường
thông qua (hoặc bị gây ra do) các tác động trực tiếp. Ví dụ như tác động trực tiếp của
việc xây dựng đập nước là thay đổi chế độ dòng chảy gây nên những tác động gián tiếp
như thay đổi hệ sinh thái ngập nước ở hạ lưu, thay đổi mực nước ngầm xung quanh vị
trí đắp đập, thay đổi việc sử dụng đất. Các tác động trực tiếp của khí thải nhà máy nhiệt
điện gây ô nhiễm không khí, dẫn tới tác động gián tiếp là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe
con người, đời sống sinh vật, độ bền vật liệu...
Nếu các tác động trực tiếp là những tác động gây ra một cách tức thì bởi các hoạt
động của dự án, thì các tác động gián tiếp thường được tạo ra sau một thời gian từ mối
tương tác của các tác động trực tiếp với các hợp phần môi trường (tự nhiên, kinh tế, xã
hội), các quá trình môi trường mà bản thân chúng có liên quan đến các tác động trực tiếp.
- Các tác động tích lũy: Mỗi một dự án riêng biệt đều gây ra những tác động môi
trường gián tiếp và trực tiếp. Tác động môi trường tích lũy là tập hợp các tác động môi
trường của nhiều dự án trên cùng một vùng.

5.1.3. Mức độ tác động


Mức độ tác động của dự án đến môi trường được phân thành 4 mức như sau:
- Tác động mạnh (tác động nghiêm trọng): Là loại tác động có thể gây phá hoại một
thành phần nào đó của môi trường hoặc tạo ra sự biến đổi môi trường rõ rệt ở phạm vi
rộng. Tác động này có thể ảnh hưởng xấu đến giá trị môi trường tự nhiên, KT-XH của
toàn bộ vùng dự án nếu không có biện pháp giảm thiểu thích hợp.
- Tác động vừa (tác động trung bình): Là loại tác động có thể gây suy giảm một
phần giá trị của thành phần môi trường hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến KT-XH của một bộ
phận dân chúng ở vùng dự án.
- Tác động nhẹ: Là loại tác động chỉ gây suy giảm nhẹ giá trị một thành phần môi
trường tự nhiên nào đó hoặc chỉ ảnh hưởng đến KT-XH của một bộ phận nhỏ dân chúng
trong vùng dự án.
- Không tác động: Là loại tác động hầu như không gây thay đổi giá trị một thành phần
môi trường tự nhiên và không ảnh hưởng đến KT-XH ở vùng dự án và xung quanh.

110
Ngoài ra còn tác động chưa được rõ. Đó là loại tác động chưa thể dự báo ở thời
điểm nghiên cứu ĐTM do thiếu các thông tin liên quan. Loại tác động này cần được tiếp
tục xác định trong quá trình thiết kế và xây dựng dự án.
Việc phân loại cường độ tác động là theo lý luận và kinh nghiệm của tập thể chuyên
gia nghiên cứu ĐTM và được kiểm chứng qua định lượng tác động.
Về mức độ ảnh hưởng của tác động có thể chia thành: tác động hồi phục và tác
động không hồi phục.
- Tác động hồi phục: Là tác động tới môi trường nhưng sau khoảng thời gian nào đó
thành phần và đặc tính của môi trường bị tác động có thể được phục hồi về trạng thái
ban đầu.
- Tác động không hồi phục: Là tác động làm cho thành phần và đặc tính của môi
trường vĩnh viễn chuyển sang trạng thái mới.

5.1.4. Các khía cạnh cần dự báo về tác động môi trường
Khi phân tích, đánh giá tác động môi trường cần thiết phải xem xét đến các khía
cạnh khác nhau của mỗi tác động, như:
- Cường độ (độ lớn) của tác động: Các tác động có thể xảy ra với cường độ khác
nhau và được chia theo 3 mức độ: mạnh, trung bình, nhỏ. Ước tính cường độ của một
tác động là rất quan trọng. Tuy nhiên, có những tác động với cường độ rất nhỏ nhưng
nếu không quản lý tốt có thể trở thành tác động ở mức cao hơn.
- Phạm vi về lãnh thổ của tác động: Việc xác định phạm vi lãnh thổ chịu tác động
trực tiếp của dự án có thể dễ dàng hơn việc xác định lãnh thổ của tác động gián tiếp.
- Thời gian tác động: Thời gian xảy ra các tác động rất khác nhau. Có những tác
động chỉ xảy ra trong một thời gian nhất định, có những tác động xảy ra trong suốt giai
đoạn của dự án, từ khi bắt đầu xây dựng đến khi kết thúc dự án. Một số tác động xảy ra
tức thì khi có dự án, một số tác động khác xảy ra muộn hơn sau khoảng thời gian nhất
định, trong nhiều trường hợp tác động xảy ra sau nhiều năm kể từ khi dự án đi vào hoạt
động. Những đặc tính về thời gian này của tác động cần phải được phân tích, đánh giá
để phục vụ cho công tác ra quyết định sau này.
- Thời đoạn tác động: Các tác động có thể xảy ra trong khoảng thời gian dài, ngắn
rất khác nhau. Có tác động xảy ra rất ngắn chỉ trong giai đoạn thi công như tiếng ồn của
hoạt động cơ giới khi tiến hành xây dựng hoặc độ rung khi nổ mìn phá đá. Có tác động
kéo dài nhiều năm như việc hình thành lại trạng thái cân bằng của hình thái dòng sông
sau khi xây dựng thủy điện.
- Tác động có thể phục hồi hay không thể phục hồi: Một tác động có thể làm biến
dạng tình trạng ban đầu của môi trường, sau một thời gian nhất định, do cơ chế tự điều
chỉnh hoặc với sự giúp đỡ của con người có thể trở lại với trạng thái gần với trạng thái
ban đầu, thì được gọi là tác động có thể hồi phục, thí dụ: tác động đến thủy sinh do nạo

111
vét luồng tàu... Tuy nhiên, có rất nhiều tác động môi trường của dự án không thể hồi
phục, ví dụ: tác động do khai thác khoáng sản, tác động do thu hồi đất cho dự án....
- Xác suất xảy ra tác động: Có thể dự báo khá chính xác một số tác động, trong khi
đó có những tác động chỉ đánh giá được xác suất xảy ra. Chẳng hạn, khó có thể dự báo
được khả năng rò rỉ phóng xạ của một nhà máy điện hạt nhân, tuy nhiên, với mức xác
suất rất nhỏ, việc rò rỉ phóng xạ hạt nhân vẫn xảy ra. Về mặt kỹ thuật, việc tính toán các
mô hình xác suất thống kê đánh giá rủi ro môi trường có thể được thực hiện không quá
khó khăn, nhưng khó đạt độ chính xác cao do bị ảnh hưởng từ nhiều yếu tố.
- Đối với các tác động xảy ra ngẫu nhiên: Việc đánh giá đúng các tác động có xác
suất rất nhỏ gây ra hậu quả trầm trọng đối với môi trường là rất quan trọng, như việc
đánh giá độ rủi ro vỡ đập thủy điện hoặc rò rỉ của các nhà máy điện hạt nhân, của các
nhà máy hóa chất độc hại, của các giếng dầu.
Ý nghĩa của tác động (Tác động có ý nghĩa đối với địa phương, khu vực hay toàn
cầu): Để xác định được ý nghĩa của các tác động, trong giai đoạn này cần sử dụng đến
các tiêu chuẩn môi trường của quốc gia, của khu vực và quốc tế; các quy hoạch, các
chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

5.1.5. Đánh giá ý nghĩa của tác động


Theo hướng dẫn của Hiệp hội bảo vệ thiên nhiên Quốc tế (IUCN), ý nghĩa của tác
động môi trường là vai trò tương đối của tác động được đánh giá thông qua các tiêu
chuẩn môi trường, các quy định pháp lý, các giá trị của cộng đồng. Nói cách khác, ý
nghĩa của một tác động được đánh giá bằng cách xem xét các đặc trưng của tác động
(cường độ, quy mô, thời lượng) cùng với tầm quan trọng (importance) của tác động đó.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), cách đánh giá ý nghĩa của
một tác động có thể minh họa bằng hình vẽ sau:

Các đặc trưng của Tầm quan trọng


Ý nghĩa của
tác động (cường độ,  của tác động 
tác động
quy mô, thời lượng) (giá trị)

Để xác định ý nghĩa của một tác động có thể áp dụng phương pháp sau:
* Dựa vào các tiêu chuẩn môi trường
- Nếu một dự án, kể cả khi áp dụng các biện pháp giảm thiểu mà mức độ ô nhiễm
môi trường vẫn cao hơn mức cho phép trong tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường (tiêu
chuẩn thải và tiêu chuẩn chất lượng môi trường), việc cân nhắc triển khai dự án phải
được tính toán kỹ càng và thận trọng hơn.
- Đối với các dự án có dự báo môi trường thấp hơn mức cho phép trong tiêu chuẩn
Việt Nam thì việc tiếp tục cân nhắc về mặt môi trường là không cần thiết.

112
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào tiêu chuẩn môi trường để đánh giá ý nghĩa của một tác
động sẽ gặp khó khăn:
+ Thứ nhất: Không phải trong mọi lĩnh vực đều có tiêu chuẩn môi trường để so
sánh, đánh giá ý nghĩa của tác động, chẳng hạn, hiện chưa có các tiêu chuẩn về tác động
xã hội để so sánh đánh giá.
+ Thứ hai: Không phải tất cả các tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường đã công bố
đều được thừa nhận rộng rãi (chúng ta có thể phát hiện khá nhiều sai sót về giá trị cho
phép trong nhiều TCVN về chất lượng không khí xung quanh, khí thải, chất lượng
nước, nước thải... nhiều quy định đã quá ngặt nghèo nhưng không ít quy định quá lỏng).
+ Thứ ba: Trong nhiều trường hợp, một dự án riêng lẻ có thể đạt TCVN về môi
trường nhưng nếu có vài dự án trong cùng một khu vực thì có thể TCVN về môi trường
không được áp dụng. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu ĐTM cho dự án riêng rẽ
không thể xem xét tác động tích hợp đối với quy hoạch phát triển vùng.
* Dựa vào các chỉ tiêu phát triển bền vững
Dựa vào các bộ chỉ tiêu (chỉ thị - Indicators) phát triển bền vững, tổng hợp các chỉ
thị về môi trường, kinh tế, xã hội và thể chế. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp một dự
báo khó có đủ số liệu để phân tích các chỉ tiêu phát triển bền vững.

5.2. Chỉ thị và chỉ số môi trường

5.2.1. Chỉ thị môi trường


“Chỉ thị môi trường là một hoặc tập hợp các thông số môi trường (tác nhân hóa
học, vật lý, sinh vật) thể hiện đặc trưng nào đó của môi trường”. Việc phân tích, tính
toán thay đổi nồng độ, hàm lượng, tải lượng các thông số chỉ thị cho phép dự báo, đánh
giá tác động của dự án đến môi trường. Sau đây là ví dụ các chỉ thị đánh giá môi trường
nước và không khí:
- Các chỉ thị môi trường đánh giá chất lượng nước:
+ Ô nhiễm hữu cơ: DO, BOD, COD
+ Ô nhiễm dinh dưỡng: NH4+, NO2-, NO3-, tổng N, PO43-, tổng P, chlorophill
+ Nhiễm mặn: EC, độ mặn, Cl-
+ Axit hóa: pH
- Các chỉ thị môi trường đánh giá ô nhiễm không khí
+ Do đốt nhiên liệu hóa thạch: Bụi, SO2, CO,...
+ Do bãi rác: CH4, H2S, mùi
5.2.2. Chỉ số môi trường
“Chỉ số môi trường là sự phân cấp hóa (categorization) theo số học hoặc theo khả
năng mô tả lượng lớn các số liệu, thông tin về môi trường nhằm đơn giản hóa các thông

113
tin này”. Các chỉ số môi trường thường được sử dụng hoặc đánh giá hiện trạng môi
trường và ĐTM được nêu dưới đây.
- Các chỉ số môi trường vật lý
+ Chỉ số chất lượng không khí (AQI).
+ Chỉ số chất lượng nước (WQI)
+ Chỉ số tiêu chuẩn ô nhiễm (PSI)
- Các chỉ số sinh học
+ Chỉ số ô nhiễm về nước sinh học (saprobicindex)
+ Chỉ số đa dạng sinh học (diversity index)
+ Chỉ số tương đồng (similarity index)
+ Chỉ số động vật đáy (BSI)
- Các chỉ số về kinh tế, xã hội
+ Chỉ số phát triển nhân lực (HDI)
+ Chỉ số tăng trưởng kinh tế theo tổng thu nhập quốc nội (GDP)
+ Chỉ số thu nhập quốc dân theo đầu người (GDP/capita)
- Các chỉ thị (chỉ số) phát triển bền vững (Sustainable Development Indicators)
“Phát triển bền vững (PTBV) là phát triển sao cho các thế hệ hiện tại đáp ứng được
các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không hại đến khả năng đáp ứng các yêu cầu của
các thế hệ tương lai”. Để đánh giá mức độ phát triển bền vững, Liên hợp quốc đã
nghiên cứu đề xuất bộ các chỉ thị PTBV (Set of Indicators Sustainable Development).
Nhiều quốc gia đã lập bộ chỉ thị đối với 3 lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, sao cho
thành tố này được đảm bảo hài hòa trong quá trình phát triển. Các bộ tiêu chí (chỉ thị)
PTBV cần được xem xét trong qua trình dự báo các tác động của quá trình dự án đến
môi trường. Việc xác định và phân tích các chỉ số về môi trường vật lý, môi trường sinh
học, kinh tế, xã hội nêu trên sẽ giúp dự báo, đánh giá các tác động của dự án đến các
thành phần của môi trường.

5.3. Phương pháp đánh giá các tác động môi trường
Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều phương pháp khác nhau áp dụng trong đánh giá
tác động môi trường. Sau đây là một số phương pháp chính thường được sử dụng tại
Việt Nam.

5.3.1. Phương pháp liệt kê số liệu


Đây là phương pháp đơn giản, dễ hiễu, dễ sử dụng nhưng thông tin không đầy đủ và
không trực tiếp liên quan nhiều tới quá trình ĐTM. Theo phương pháp này, người ĐTM
phân tích hoạt động phát triển, chọn ra một số thông số liên quan đến môi trường, liệt kê
ra và cho các số liệu liên quan đến các thông số đó, chuyển tới người ra quyết định xem

114
xét. Bản thân người ĐTM không đi sâu, phân tích phê phán gì thêm mà dành cho người
ra quyết định lựa chọn phương án theo cảm tính sau khi đã được đọc các số liệu liệt kê
(Hoàng Xuân Cơ và Phạm Ngọc Hồ, 1998).
Phương pháp liệt kê số liệu về thông số môi trường đơn giản, sơ lược, tuy nhiên, rất
cần thiết và có ích trong bước đánh giá sơ bộ về tác động đến môi trường, hoặc trong
hoàn cảnh không có đủ điều kiện về chuyên gia, số liệu hoặc kinh phí để thực hiện về
ĐTM một cách đầy đủ.
Ví dụ minh họa phương pháp liệt kê về số liệu thông số môi trường được trình bày
trong bảng 5.1. Hệ thống công trình khai thác tài nguyên nước trên một khu vực sông có
thể được thực hiện theo những phương thức khác nhau A, B, C trong đó C là phương án
không hoạt động. Theo kinh nghiệm và cảm tính, người ĐTM cho ra 11 thông số mà
người đó cho là thực sự có liên quan đến tài nguyên và môi trường của lưu vực. Theo
các phương án đã dự tính cho biết các số liệu về các thông số đó.

Bảng 5.1. Liệt kê số liệu về thông số môi trường của hệ thống thuỷ lợi
Phương án
TT Thông số
A B C
1 Số hồ chứa nước trong hệ thống 4 1 0
2 Diện tích đường mặt nước (km) 850 130 0
3 Đường ven hồ (km) 190 65 0
4 Diện tích tưới (ha) 40000 12000 0
5 Diện tích đất thu hẹp 10000 2000 0
6 Diện tích khảo cổ bị ngập 11 13 0
7 Hạ mức xói mòn 4 cấp 1 cấp 0
8 Nâng mức khai thác thuỷ sản 4 cấp 1 cấp 0
9 Chống lũ tốt vừa 0
10 Tạo nên ổ dịch bệnh cấp 4 cấp 1 0
11 Biên chế quản lý cần thiết (người) 1000 200 0

5.3.2. Phương pháp danh mục các điều kiện môi trường
Một số tài liệu còn gọi phương pháp này là phương pháp lập bảng kiểm tra (check
list), thể hiện mối quan hệ giữa các hoạt động của dự án với các thông số môi trường có
khả năng chịu tác động do dự án. Đây là một trong những phương pháp cơ bản để nhận
dạng tác động môi trường (Lê Trình, 2000). Nguyên tắc thực hiện là: liệt kê một danh
mục tất cả mọi yếu tố môi trường liên quan đến hoạt động phát triển (đến dự án) cần
đánh giá. Gửi danh mục đến các chuyên gia hoặc tổ chức lấy ý kiến đánh giá. Phương
pháp danh mục bao gồm:

115
5.3.2.1. Danh mục đơn giản
Danh mục đơn giản trình bày bảng liệt kê các nhân tố môi trường cần phải đề cập,
tuy nhiên chưa cung cấp được thông tin về nhu cầu số liệu riêng, phương pháp đo hoặc
đánh giá và dự báo tác động. Về bản chất danh mục này được coi là ghi nhận, nó chưa
nêu được những tác động nào sẽ xuất hiện đối với các nhân tố này.
Ví dụ: Khi xét một đơn xin phát triển liên quan tới việc thải ra chất thải, cuốn trôi,
xói mòn đất làm ảnh hưởng tới chất lượng các nguồn nước, cơ quan cấp phép cần xem
xét các vấn đề ứng với sự phát triển được đề xuất như sau:
- Đặc trưng của các nguồn nước đang bị đe dọa: sông, nhánh sông, khu vực nạp
nước của vùng nước ngầm, các đặc điểm địa hình và sinh thái, dòng chảy theo mùa và
theo năm, lượng mưa và rửa trôi, các công trình trữ nước và các đặc điểm khác.
- Sự sử dụng các nguồn nước hiện tại: sinh hoạt, thương mại và công nghiệp, nông
nghiệp hay nghỉ ngơi giải trí.
- Xả thải và rửa trôi chất thải hiện thời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất
lượng nước, các biện pháp xử lý đã được áp dụng hay dự kiến.
- Các đề án phát triển nguồn nước đang chờ giải quyết, có thể sẽ ảnh hưởng tới môi
trường hiện nay và tương lai.
- Lịch sử ô nhiễm hay lạm dụng các nguồn nước, phạm vi ảnh hưởng của hiện
tượng phú dưỡng, tảo lam hay axit hóa, bằng chứng về các sự kiện nguy hiểm tới sức
khỏe con người, có hại đối với hệ động thực vật.
- Các nguồn xả chất thải đã được xác định sau khi đã có các biện pháp giảm thiểu,
tái chế, xử lý, pha loãng, cho vào ao chứa, lọc hoặc các biện pháp khác.
- Ảnh hưởng có thể do xáo trộn đất trong giai đoạn xây dựng và các biện pháp
phòng tránh cần có.
- Ảnh hưởng có thể của việc rửa trôi từ bề mặt có che kín hay không che, các biện
pháp phòng tránh cần có.
- Ảnh hưởng có thể trong điều kiện hạn hán và lụt lội.
- Mức độ xả, thải và rửa trôi, đặc biệt là đối với các quy định, tiêu chuẩn và phân
loại của Nhà nước và các mục tiêu môi trường, tổng các hiệu ứng sinh thái, hóa học, vật
lý và sự mặn hóa. Các chất gây ô nhiễm môi trường như: các chất độc, khoáng, kim
loại, bùn, dầu, thuốc trừ sâu, các chất phóng xạ, axít, kiềm, các chất thải của hệ thống
tưới tiêu thoát nước, phốt pho và nitơ, các chất rắn lơ lửng và hoà tan: nhu cầu ôxy sinh
hóa (BOD) và nhu cầu ôxy hóa học (COD).
- Các ảnh hưởng có thể đối với cá, động vật hoang dại, cộng đồng và thực vật.
- Các ảnh hưởng có thể đối với sự phát triển các dòng nước chiều sâu và độ rộng
của các kênh, xói mòn bờ, tốc độ lắng (thượng nguồn và hạ lưu) và dòng chảy.

116
- Kết quả của việc thảo luận tại các cuộc họp định biên với các nhóm riêng rẽ và với
các cơ quan chính quyền về các ảnh hưởng chung và riêng của đề án phát triển, dự kiến
đối với khối lượng nước.
5.3.2.2. Danh mục mô tả
Danh mục mô tả cũng được sử dụng nhiều trong nghiên cứu tác động môi trường.
Trong danh mục này, ngoài liệt kê các nhân tố môi trường còn có thể cung cấp thêm
thông tin và hướng dẫn đánh giá tác động môi trường, nhưng chưa đưa được tầm quan
trọng của các tác động. Loại danh mục này đã được áp dụng cho các dự án nguồn nước,
dự án giao thông, dự án phát triển lãnh thổ...

Bảng 5.2. Danh mục mô tả đánh giá chất lượng khí và nước
Số liệu yêu cầu (nhân tố) Nguồn thông tin/kỹ thuật dự báo
Chất lượng khí
- Sức khoẻ - Nồng độ ở vùng xung quanh, phát thải
- Thay đổi nồng độ ô nhiễm theo tần suất xuất hiện hiện tại, tương lai mô hình khuếch tán, bản
và số người chịu rủi ro đồ ô nhiễm.
- Sự khó chịu... - Khảo sát cư dân cơ sở, lưu lượng giao
thông, quá trình công nghiệp
- Gây khó chịu cho thị giác (do khói) hoặc khứu
giác (do mùi) và số người bị ảnh hưởng.
Chất lượng nước
- Thay đổi chất lượng nước dùng, số người bị tác - Phát thải hiện tại, tương lai; nồng độ hiện
động đối với mỗi thuỷ vực tương ứng tại vùng xung quanh, mô hình chất lượng
- Thay đổi mức ổn định tần suất xuất hiện cùng số nước.
người bị tác động.
(Nguồn: Hoàng Xuân Cơ và Phạm Đình Hồ, 1998)

5.3.2.3. Phương pháp danh mục các câu hỏi


Phương pháp này được sử dụng bằng cách xây dựng câu hỏi, phiếu trả lời sẽ nhận
được từ chuyên gia và cả ở cộng đồng. Từ đó tổng hợp, đánh giá. Bảng kiểm tra loại
này chỉ cần nêu tất cả các vấn đề môi trường có thể bị tác động do dự án mà chưa cần
xem xét mức độ tác động. Đôi khi bảng kiểm tra được trình bày ở dạng bảng các câu
hỏi. Các chuyên gia nghiên cứu ĐTM cho dự án cần trả lời hoặc tham vấn cộng đồng
về các câu hỏi này. Các câu trả lời chỉ cần ở mức nêu vấn đề, chưa cần chi tiết ở mức
định lượng.
Thí dụ: Lập bảng câu hỏi cho một dự án xây dựng hồ chứa phục vụ thủy điện.
- Các câu hỏi về tác động do vị trí dự án:
+ Các thành phần cơ bản của hệ sinh thái tự nhiên và khả năng tác động của dự án
đến hệ sinh thái như thế nào?
+ Các hậu quả nào sẽ xảy ra nếu hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái?

117
+ Các hậu quả có thể có do việc di dân ra khỏi khu vực hồ chứa và tái định cư?
+ Ảnh hưởng về xã hội, kinh tế địa phương do chuyển vùng đất hiện nay thành hồ chứa?
- Các câu hỏi về tác động của việc thiết kế và xây dựng hồ chứa:
+ Việc xây dựng hồ chứa có tính tới các yếu tố sinh thái hay không?
+ Biện pháp đào, đắp, xây dựng công trình như thế nào để hạn chế tác động môi trường?
+ Các tác động về mặt sức khỏe do việc tập trung công nhân và biện pháp hạn chế
tác động?
- Các câu hỏi về mặt tác động trong quá trình hoạt động của hồ chứa:
+ Các biện pháp nào có thể áp dụng để bảo vệ và phát triển tài nguyên thủy văn
trong lưu vực?
+ Liệu hồ có bị ô nhiễm do nước mưa cuốn trôi phân bón, hóa chất BVTV, chất
thải không?
+ Quá trình bồi lắng, xói mòn ở mức độ nào?
+ Diễn biến chất lượng nước và ô nhiễm trong hồ và ở hạ lưu như thế nào?
+ Sự hoạt động của hồ có ảnh hưởng gì đến việc xâm nhập mặn và chế độ thủy văn
ở hạ lưu?
+ Diễn biến xâm nhập mặn và sự thay đổi chế độ thủy văn ảnh hưởng thế nào đến
hệ sinh thái ở hạ lưu?
+ Các tác động tích cực và tiêu cực của hồ chứa đến KT-XH vùng ven hồ và hạ lưu.
Bảng kiểm tra dạng câu hỏi cũng là công cụ tốt để sàng lọc các loại tác động môi
trường của dự án từ đó định hướng nghiên cứu dự báo các tác động chính. Một số tổ chức
quốc tế (ADB, JBIC...) đã đưa ra các bảng kiểm tra mẫu đối với từng loại hình dự án.

Bảng 5.3. Bảng kiểm tra, đánh giá nhanh về môi trường
của Ngân hàng Phát triển châu Á đối với dự án đầu tư nhà máy hóa chất
Ghi chú
Câu hỏi sàng lọc Có Không
(Giải thích sơ bộ)
A.Tác động do vị trí dự án
Dự án nằm trong hoặc nằm gần các vùng
nhạy cảm môi trường không?
- Khu di sản văn hóa
- Khu bảo tồn thiên nhiên
- Vùng đất ngập nước
- Vùng rừng ngập mặn
- Vùng cửa sông
- Vùng có giá trị đa dạng sinh học đặc biệt

118
Ghi chú
Câu hỏi sàng lọc Có Không
(Giải thích sơ bộ)
B. Các tác động môi trường tiềm tàng dự án
sẽ gây các tác động sau đây hay không?
- Xâm phạm vào khu di tích lịch sử, văn hóa
- Xâm phạm với các công trình khác trong vùng
- Di rời, tái định cư
- Ô nhiễm không khí do phát tán hydrocacbon từ
thiết bị sản xuất
- Mâu thuẫn các công nhân xây dựng và nhân
dân địa phương
- Ô nhiễm tiếng ồn do hoạt động xây dựng
- Ô nhiễm nước do nước thải sản xuất
- Ô nhiễm đất, nước ngầm do chất thải rắn, chất
thải nguy hại
- Sự cố môi trường
(Nguồn: ADB - EIA guidelines, 2002)

5.3.2.4. Phương pháp danh mục có ghi trọng số (Hệ thống đánh giá môi trường Battelle
của Mỹ - EES)
Dựa vào việc đánh giá từng thông số môi trường, sau đó cho điểm để định lượng
tác động đối với từng thông số. Phương pháp này thường được sử dụng trong ĐTM
đối với các dự án phát triển vùng hoặc dự án phát triển tài nguyên. Đây cũng là
phương pháp có hiệu quả cao trong đánh giá tổng hợp các tác động của dự án đến môi
trường tự nhiên, KT-XH.
EES được sử dụng để báo cáo chất lượng môi trường trong các phương án “có” và
“không có” dự án. Giá trị tác động môi trường thể hiện các tác động môi trường tích
cực (nếu EI > 0) hoặc tiêu cực (EI < 0) khi so sánh phương án “có dự án” và phương án
“không có dự án”. Chỉ số (hay đơn vị đánh giá) tác động môi trường được tính theo
công thức sau:
m m
EI   (Vi )1  Wi   (Vi ) 2  Wi
i 1 i 1

Trong đó: EI - Tác động môi trường


(Vi)1 - Giá trị chất lượng thông số môi trường thứ i khi có dự án
(Vi)2 - Giá trị chất lượng thông số môi trường thứ i khi chưa có dự án
Wi - Trọng số - hệ số định lượng mức độ quan trọng (giá trị tương đối) của
yếu tố i
m - tổng các thông số môi trường được xem xét.

119
* Các bước thực hiện hệ thống đánh giá môi trường Battelle
Bước 1: Xác định tác động có thể xảy ra, cho điểm thể hiện tầm quan trọng của
từng thông số trong vùng dự án, nếu quy định tổng số điểm là 1000 (hoặc có thể là 100,
200,... tùy theo mức độ chi tiết).
Bước 2: Xác định các hệ số thể hiện mức độ thay đổi từng thông số môi trường
trong các phương án “có” và “không có” dự án. Giá trị các hệ số này nằm trong các
khoảng 0 đến 1: giá trị bằng 0 và 0,1 thể hiện tác động môi trường rất mạnh; 0,2 và 0,3 -
tác động mạnh; 0,4 và 0,5 - tác động không lớn; 0,6 và 0,7 - tác động nhẹ; 0,8 và 0,9 -
tác động rất nhẹ và 1,0 - không tác động.
Bước 3: Xác định các đơn vị tác động môi trường (EIU) đối với mỗi thông số trong
2 phương án “có” và “không có” dự án.
Bước 4: Xác định giá trị EI và đưa ra kết quả kết luận tổng hợp
EI < 0: Dự án có tác động tiêu cực
EI > 0: Dự án có tác động tích cực
Giá trị tuyệt đối EI càng lớn, tác động càng rõ rệt.

Bảng 5.4. Áp dụng hệ thống đánh giá môi trường Battelle đối với một số dự án
thủy lợi trên sông A (có tính chất minh họa)
Thông số Không có dự án EIU Có dự án EIU Thay đổi về EIU (E1)
Rừng 553,3 481,6 -71,7
Đời sống hoang dã 348,6 269,5 -79,1
Thủy sản trong hồ 0 137,7 137,7
Thủy sản ở hạ lưu 264,2 212,7 -51,5
Phú dưỡng hóa 155,3 87,1 -68,2
Xói mòn đất 180,4 30,3 -150,1
Ổn định bờ sông 85,1 48,7 -36,4
Độ đục 0,5 61,4 60,9
Độ pH 53,6 53,6 0
Kim loại nặng 42,6 42,6 0
Vệ sinh 167,1 385,4 218,3
Nông nghiệp 56,4 111,5 55,1
Kiểm soát lũ 12,2 98,7 86,5
Cấp điện 74,6 277,7 200,1
Thủy lợi 6,9 238,7 231,8
Tái định cư 424,8 12,5 -412,3
Giải trí 103,4 167,3 30,3
Tổng cộng 2529,0 2713,4 184,4
(Nguồn: Lê Trình, 2007).

5.3.3. Phương pháp ma trận môi trường


Ma trận (matrix) môi trường là sự phát triển ứng dụng của bảng kiểm tra. Một bảng
ma trận cũng là sự đối chiếu từng hoạt động của dự án với từng thông số hoặc thành
phần môi trường để đánh giá mối quan hệ nguyên nhân - hậu quả nhưng ở mức độ định
lượng cao hơn.

120
5.3.3.1. Phương pháp ma trận đơn giản (định tính và bán định lượng)
Trong ma trận này cột đứng là các hành động (hoạt động) của dự án, hàng ngang là
các yếu tố môi trường. Người đánh giá thường sử dụng dấu (+) / (-), hoặc có thể sử
dụng các ký hiệu (ví dụ: kr - tác động không rõ, 0 - không có tác động) để biểu thị hành
động có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến yếu tố môi trường.
Phương pháp này đơn giản nhưng cho phép đồng thời thấy tác động của một hành
động của dự án đến nhiều yếu tố môi trường, mặt khác phản ánh được bức tranh đầy đủ
trong tương tác của nhiều yếu tố.

Bảng 5.5. Ví dụ về đánh giá tác động môi trường theo ma trận
cho một đề án cải tạo thành phố
(Theo Westman, Walter E.1985)
Các hành động có tác động đến môi trường
Chuyển
Thi công Sau khi đã hoàn thành đem vào sử dụng
Các nhân tố tiếp
môi trường Phá
Chuyển Nhà Cơ sở Cửa Công Ðối với
Chuyển sửa Nhà ở Bãi Công
chỗ làm dùng dịch vụ hàng trình đường
chỗ ở làm mới đỗ xe viên
việc tạm mới mới văn hóa phố
mới
Yếu tố vật lý
Ðịa chất thổ nhưỡng kr kr Kr kr kr kr kr kr ++ kr kr
Cống rãnh vệ sinh kr kr - - + + + kr kr kr +
Cấp nước kr kr - - ++ + + kr kr kr +
Cây xanh kr kr - - kr ++ + kr ++ kr kr
Ðộng vật kr kr Kr kr kr kr kr kr - kr kr
Chất lượng không khí kr kr - kr kr - - - + + kr
Sử dụng đất lân cận kr kr - - kr ++ kr kr ++ ++ 0
Thoát nước mưa kr kr - - ++ + + kr + kr +
Ðường phố kr - - - + + + ++ kr kr +
Giao thông công cộng kr kr - - kr 0 0 kr 0 0
Bộ hành - - - - kr ++ ++ + ++ 0 0
Khoảng trống kr kr kr kr ++ - - ++ 0 0
Yếu tố xã hội
Cư trú - - - - + ++ + + ++ ++ 0
Trường học kr kr - - kr + kr kr + + 0
....
Mỹ quan
Cảnh đẹp kr kr - - kr + + - ++ - kr
Di tích lịch sử kr kr - - + kr kr 0 + ++ r
....
Chú thích: kr = không rõ tác động 0 = không tác động
+ = tác động tích cực ++ = tác động rất tích cực
- = tác động tiêu cực -- = tác động rất tiêu cực

121
5.3.3.2. Phương pháp ma trận định lượng
Phương pháp này là cách định lượng hóa phương pháp ma trận đơn giản, còn gọi
là phương pháp Leopold. Cột đứng cũng ghi các hành động của dự án hoặc hoạt
động kinh tế - xã hội đang được xem xét. Hàng ngang ghi các yếu tố môi trường có
thể chịu tác động của hành động gây ra. Mỗi ô đánh giá không chỉ ghi có hoặc
không tác động mà được định lượng theo điểm. Như vậy, ma trận này không những
cho phép tìm ra được tác động có hay không mà còn cho thấy mức độ của tác động
do hành động nào của hoạt động kinh tế - xã hội đến yếu tố môi trường nào đó. Dựa
trên cơ sở này, nhóm thực hiện nhiệm vụ ÐTM có thể mở rộng thêm “hành động”
theo thời gian, không gian để xác định các tác động bậc 2, dự báo tác động có thể
diễn ra sau này.
Có thể phân chia mức độ tác động từ 1 đến 5 điểm (hoặc chọn khoảng nào đó phù
hợp yêu cầu), thông thường người ta dùng thang 10 điểm (quy tắc Leopold đề xuất).
Trong thang đó, tác động thấp là 1 điểm, tác động cao nhất là 10 điểm.
Trong mỗi ô của ma trận, người ta trình bày cả 2 đại lượng là mức độ của tác động
và tầm quan trọng của tác động đó
+ Tầm quan trọng của tác động được ghi phía dưới bên phải ô ma trận
+ Mức tác động ghi ở bên trái góc cao trong ô ma trận
Tầm quan trọng của tác động đánh giá vai trò, vị trí của tác động đó đến yếu tố
môi trường ở trạng thái nào đó của dự án. Thông thường là trạng thái thực hiện dự
án và trạng thái dự án đang vận hành (tại thời điểm 5 năm, 10 năm hay 20 năm).
Việc xác định tầm quan trọng của tác động ảnh hưởng rất lớn đến kết quả ÐTM.
Mức của tác động (quy chiếu tương đối) cho thấy khả năng định lượng của tác động
đó đến môi trường.
Việc xác định một tác động có tầm quan trọng đến đâu trong các tác động ở dự án
và xác minh mức độ của tác động đó đến một yếu tố môi trường trong dự án là nhiều
hay ít, là mạnh hay yếu là vấn đề rất khó. Làm việc này thường là các chuyên gia có
trình độ và kinh nghiệm cao.

5.3.4. Phương pháp chồng ghép bản đồ


Ðây là một phương pháp tốt có sự kết hợp với công cụ hiện đại (GIS) viễn thám,
các phần mềm đặc trưng. Mặt khác, vẫn có thể thực hiện được ÐTM theo phương pháp
này bằng công cụ đơn giản.
Xây dựng các bản đồ môi trường đơn tính (yếu tố môi trường riêng) như bản đồ ô
nhiễm kim loại nặng trong đất, bản đồ phân bố rừng, bản đồ độ dốc,... Sau đó chồng
ghép các bản đồ và xác định các tác động do các hành động gây ra.

122
Bảng 5.6. Ma trận tác động môi trường định lượng
của dự án Nhà máy Bột giấy Phượng Hoàng, Thái Lan
Các hoạt động

Trang trại trồng Kenif


dự án

Sử dụng thuốc sâu,

nguyên liệu thô


phân hóa học

Tạo việc làm


Vận chuyển

Cấp nước

Nước thải
Xây dựng

Rác thải

Khí thải

Tổng
Thành phần
môi trường
Chất lượng nước 6 4 2 5 17
mặt 7 4 8 5 24
1 1
Thủy văn nước mặt
7 7
Chất lượng không 3 2 4 9
khí 6 6 5 17
2 2 4
Thủy sản
5 7 12
Môi trường sống 2 2 4
của sinh vật nước 8 5 11
Môi trường sống 3 3
sinh vật cạn 4 4
2 2
Sinh vật cạn
5 5
Mô hình sử dụng 5 8 13
đất 6 7 13
Ðường cao 6 6
tốc/đường sắt 5 5
3 2 5
Cung cấp nước
6 7 13
7 7
Nông nghiệp
7 7
7 7
Cung cấp nhà ở
6 6
3 2 2 7
Sức khoẻ
5 8 6 19
Ðiều kiện kinh tế - 10 8 18
xã hội 8 8 16
13 25 13 8 1 7 10 6 20
Tổng
21 22 24 11 7 9 35 11 19
(Nguồn: Asit K.Biswas; Qu.Geping (editors), 1987).

123
Phương pháp chồng ghép bản đồ hiện nay thường được thực hiện với kỹ thuật cao
(computer, máy định vị, máy đo điện tử). Vì vậy, có thể đạt chất lượng cao. Bên cạnh
độ chính xác tốt, phương pháp này cho phép quan sát hình ảnh, do đó có thể đánh giá
tác động một cách cụ thể, một cách nhìn bao quát. Phương pháp này thường được áp
dụng khi đánh giá tác động môi trường cho dự án quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng
đất, nông lâm nghiệp, đất đô thị và giao thông.
Hình ảnh minh họa kết quả trong việc lựa chọn để thực hiện dự án sử dụng bền vững.

Hình 5.1. Kết quả đánh giá tác động môi trường sử dụng đất
bằng phương pháp chồng ghép bản đồ
5.3.5. Phương pháp phân tích chi phí - lợi ích mở rộng
Các phương pháp trình bày trước đây được sử dụng tuỳ theo yêu cầu của ÐTM và
tuỳ theo các yếu tố môi trường chọn lọc để xem xét tác động đến nó. Tuy vậy, các
phương pháp đó thường thực hiện tốt với yếu tố tài nguyên, môi trường tự nhiên. Khi
cần đánh giá tác động của các hành động dự án đến môi trường kinh tế, xã hội thì rất
khó. Trường hợp này người ta sử dụng phương pháp phân tích chi phí - lợi ích mở rộng.
Phương pháp này giúp cho cân đối sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên trong phát
triển bền vững.
Trình tự tiến hành:
- Liệt kê tất cả các tài nguyên được chi dùng trong mọi hoạt động kể cả tài nguyên
nhân lực. Liệt kê tất cả các sản phẩm thu được kể cả phế thải có giá trị hoàn nguyên.

124
- Xác định tất cả mọi hành động tiêu thụ, hành động làm suy giảm tài nguyên, kể cả
hoạt động sản xuất gây ô nhiễm.
- Liệt kê các khía cạnh có lợi cho tài nguyên nhưng chưa được xét đến trong đề án
hoạt động, các khả năng nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.
- Liệt kê vào dự án hoạt động những vấn đề cần bổ sung cho dự án để sử dụng hợp
lý và phát huy tối đa nguồn tài nguyên.
- Diễn đạt kết quả phân tích nêu trên vào báo cáo đánh giá ÐTM. Sử dụng phương
pháp trình bày kiểu bảng so sánh chi phí - lợi ích (thường dùng trong tính toán kinh tế).
Tất cả mọi phân tích chi phí - lợi ích phải được tính toán sẵn trước khi thực hiện dự
án. Những kết quả tính toán đó sẽ giúp cho nhà quản lý hiểu rõ, hình dung ra hoạt động
để quyết định cho phép hay không. Ðây là phương pháp ÐTM cho thấy tính khả thi có
hay không.
Cần lưu ý rằng: Sử dụng phương pháp phân tích chi phí - lợi ích mở rộng phải tính
toán thực hiện cho toàn bộ dự án sau này sẽ hoạt động (ví dụ 30 năm). Tốt nhất là tính
toán theo từng giai đoạn trong đó rồi tiến hành tổng hợp cho toàn bộ.
Các đại lượng thường được sử dụng trong phân tích chi phí - lợi ích là:
5.3.5.1. Giá trị lợi nhuận hiện tại (gọi tắt là lợi nhuận)
Có thể gọi là lãi ròng. Ðại lượng này ký hiệu là NPV (Net Present value)

n
Bt C
NPV   2
[Co   t t ]
t 1 (1 r) (1 r)

Trong đó: Ct - là chi phí của năm thứ t


Bt - lợi nhuận ở năm thứ t
C0 - là chi phí ban đầu của dự án
r - là hệ số chiết khấu
t - là thời gian tính toán (năm thứ t)
n - là tuổi thọ thiết kế của công trình

Giá trị NPV chính là giá trị lợi nhuận tích luỹ, nó phụ thuộc nhiều yếu tố biến động,
đặc biệt là hệ số chiết khấu (r) và thời gian (năm). Thông thường, NPV tăng dần từ âm
→ không → một giá trị nào đó.
Khi tiến hành so sánh, thực hiện ÐTM của một số dự án cùng loại, sử dụng NPV
của dự án để so sánh. Nếu NPV như nhau, ta chọn phương án có đầu tư ban đầu (C0) bé
- như vậy chỉ hoàn toàn dựa vào kinh tế. Trong trường hợp như vậy, ta phải tiếp tục
tham khảo ma trận môi trường để xem xét đầy đủ các khía cạnh khác.
Cũng có thể chúng ta đi thêm yếu tố kinh tế khác để đạt kết quả hơn.

125
5.3.5.2. Suất lợi nhuận hoặc tỷ suất lợi ích chi phí (B/C)
Ðại lượng NPV trình bày trên cho thấy được lãi ròng tức là lượng lãi (tính theo tiền)
trong khoảng thời gian hoạt động nào đó. Giá trị này có thể cao, thấp, song chưa phản
ánh được hiệu quả của dự án so với đồng vốn đầu tư. Ðể vấn đề này rõ, chúng ta sử
dụng đại lượng “suất lợi nhuận” (B/C)
n n
Bt  Ct 
B/ C   t
/ Co   t 
t 1 (1  r )  t 1 (1  r ) 

Ý nghĩa các đại lượng B, C, C0, r... ở đây giống biểu thức đã trình bày ở mục trên.
Theo thời gian hoạt động, theo yêu cầu tiếp cận thị trường, trình độ sản xuất và các
yếu tố khác, giá trị B/C tăng dần. Lúc đầu có thể chỉ đạt B/C < 1 sau đó bằng 1. Sau đó
tỷ số B/C sẽ lớn hơn 1 rồi đạt đến giá trị giới hạn của dự án hoặc hoạt động kinh tế - xã
hội nào đó.
Ngoài hai đại lượng phổ dụng nhất đã trình bày, ta còn sử dụng đại lượng “hệ số
hoàn vốn nội tại” K (Internal Return rate), hoặc “tỷ số vốn đầu tư ban đầu so với tổng
lợi nhuận sau khoảng thời gian”.
5.3.5.3. Hệ số hoàn vốn nội tại (K)
Hệ số hoàn vốn nội tại được tính theo công thức
n n
Bt  Ct 

t 1 (1  K )
t
  Co   t 
t 1 (1  K ) 
0

Một dự án nếu K lớn thì thường được lựa chọn

5.3.5.4. Tỷ số vốn đầu tư ban đầu so với tổng số lợi nhuận


Ðại lượng này cho thấy tỷ lệ vốn đầu tư so với lợi nhuận của toàn bộ dự án
hoặc so với giai đoạn của dự án. Bức tranh đó cho phép nhà quản lý thực thi các
nhiệm vụ thu hồi vốn, quyết định thời gian dự án phải hoàn thành giai đoạn thi
công, thời gian được phép hoạt động dự án. Nó cũng cho phép các nhà quản lý xây
dựng quy hoạch sản xuất hợp lý hoặc giảm hoặc tăng thời gian sản xuất của dự án
và nhiều khía cạnh khác.

Co
Tỷ số vốn đầu tư/lợi nhuận = n

 ((B t  C t ) / (1  r )t
t 1

Giá trị Bt và Ct được hiểu là chi phí và lợi nhuận từ khi dự án vận hành cho đến
năm thứ t.

126
Phương pháp phân tích chi phí - lợi ích chủ yếu xem xét trên khía cạnh kinh tế và
kinh tế tài nguyên môi trường. Trong rất nhiều trường hợp, các dự án quan trọng cần
được thực hiện ÐTM theo một vài phương pháp kết hợp.
Ðể có thể phân tích đầy đủ và đúng về chi phí - lợi nhuận của một dự án phát
triển hoặc một hoạt động kinh tế - xã hội cần có hiểu biết đầy đủ hơn nữa về các
vấn đề:
- Phân tích chi phí - lợi ích
- Phân tích kinh tế ứng dụng
- Phân tích kinh tế môi trường
- Phân tích môi trường
- Tiêu chí môi trường và phương pháp tiếp cận
- Phân tích biến động theo thời gian
- Sự giảm thu nhập theo thời gian
- Rủi ro
- Tính toán chi phí phòng ngừa
- Phân tích đánh giá rủi ro
- Phân tích tác động xã hội của dự án phát triển
Ngoài những vấn đề trên, chúng ta cũng luôn luôn phải cập nhật các thông tin sau đây:
- Luật, quy định, nghị định, công ước mới
- Các tiêu chuẩn mới (TCVN, TCN)
- Các công nghệ mới sử dụng trong monitoring, đo đạc môi trường
- Phương thức quản lý chất lượng hệ thống (QA/QC) và các tiêu chí để tiến hành
các dự án, các hoạt động kinh tế - xã hội.

5.3.6. Phương pháp sơ đồ mạng lưới


Phương pháp mạng lưới nhằm kết hợp các nguyên nhân và hậu quả của tác động
bằng cách xác định mối quan hệ tương hỗ giữa nguồn tác động và các yếu tố môi trường
bị tác động ở mức sơ cấp (tác động trực tiếp) và thứ cấp (tác động gián tiếp). Phương
pháp này thường được thể hiện qua sơ đồ chuỗi nối tiếp (hình 5.2).

5.3.7. Phương pháp đánh giá nhanh


Phương pháp đánh giá nhanh có hiệu quả cao trong xác định tải lượng, nồng độ ô
nhiễm đối với các dự án công nghiệp, đô thị, giao thông, thông qua tham khảo các mức
độ trung bình của thông số đó mà không cần đo đạc, phân tích. Từ đó có thể dự báo khả
năng tác động môi trường của các nguồn gây ô nhiễm.

127
* Tải lượng ô nhiễm do nước thải
Lưu lượng và thành phần nước thải đô thị và công nghiệp phụ thuộc vào nhiều
thông số. Đối với nước thải, tải lượng L của chất ô nhiễm j có thể được thể hiện ở dạng
toán học sau:
Lj = f
f: dạng nguồn thải, quy mô nguồn, quy trình công nghệ và đặc điểm thiết kế, tuổi
nguồn, trình độ công nghệ, dạng và chất lượng nguyên liệu, lượng nguyên liệu, đặc điểm
sản phẩm, loại hình, hiệu quả hệ thống xử lý, điều kiện môi trường xung quanh = Lj.
Các thông số trên đều có vai trò trong việc tạo ra nước thải và các thành phần ô
nhiễm j qua phương trình:

Lj (kg/năm)
ej =
Sản lượng (đơn vị sản phẩm/năm)

Như vậy ej được thể hiện qua kg/đơn vị và không phục thuộc vào quy mô nguồn và
hoạt động của nguồn (hoạt động sản xuất). ej chỉ là hàm số của các thông số sau:
Lj = f' (dạng nguồn, quy trình công nghệ và đặc điểm thiết kế nguồn, trình độ công
nghệ, dạng và chất lượng nguyên liệu, lượng nguyên liệu, loại hình và hiệu quả của hệ
thống xử lý, điều kiện môi trường xung quanh...)
Bằng cách thống kê tải lượng và thành phần nước thải của nhiều nhà máy trong
từng ngành công nghiệp trên khắp thế giới, các chuyên gia WTO đã xây dựng bảng
hướng dẫn đánh giá, xác định ej (kg chất ô nhiễm/ đơn vị sản phẩm), từ đó xác định
được tải lượng từng tác nhân ô nhiễm (Lj) trong ngành công nghiệp.
Bảng 5.7 dưới đây minh họa cho phương pháp đánh giá nhanh tải lượng ô nhiễm
của WTO. Từ đó ta có thể tính dễ dàng lưu lượng nước thải và tải lượng chất ô nhiễm
hàng ngày đưa vào môi trường của từng cơ sở công nghiệp.

128
Ô nhiễm không khí, tiếng ồn, rung: tiêu Vấn đề về sức khỏe: tiêu cực, nhỏ, có thể
cực, đáng kể, có thể giảm thiểu giảm thiểu

Ô nhiễm đất, nước: tiêu cự, nhỏ, có - Nông nghiệp/thủy sản: nhỏ, có thể giảm thiểu
thể giảm thiểu - Vấn đề sức khỏe: nhỏ, có thể giảm thiểu
- Hệ sinh thái thủy sinh: đáng kể, có thể giảm thiểu
GIAI ĐOẠN Ảnh hưởng tới giao thông, quốc lộ:
tiêu cực, nhỏ, có thể giảm thiểu Ảnh hưởng tới giao thông của khu vực: nhỏ, có
XÂY DỰNG thể giảm thiểu
Các vấn đề về kinh tế
Gây hư hại quốc lộ đoạn chạy qua khu xã hội của địa phương
vực nhà máy: nhỏ, có thể giảm thiểu Cản trở giao thông tại khu vực: nhỏ, có thể
giảm thiểu

Quan hệ giữa công nhân và dân địa


phương: tích cực hoặc tiêu cực, nhỏ - Mâu thuẫn xã hội: không tác động
- Lây lan bệnh tật: nhỏ, có thể giảm thiểu
Tai nạn lao động: tiêu cực, nhỏ, có thể
Dự án giảm thiểu Vấn đề sức khỏe: tiêu cực, nhỏ, có thể giảm thiểu
Nhà
máy Thay đổi địa hình và cảnh quan: tiêu - Các vấn đề mỹ quan: tiêu cực, nhỏ, có thể
xi cực, nhỏ giảm thiểu
măng A
Phát triển kéo theo: tạo ra sự tăng Tăng tốc độ phát
Phát triển kéo theo: tạo ra sự tăng - Thúc đẩy KT - XH: tích cực, lớn triển kinh tế và
trưởng của các thành phần kinh tế:
trưởng của các thành phần kinh tế: - Thay đổi về sử dụng đất: tích cực, lớn các tác động sinh
tích cực lớn
tích cực lớn - Tăng ô nhiễm: tiêu cực, đáng kể có thể giảm thiểu thái cho khu vực
Ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, rung:
lớn, có thể giảm thiểu Vấn đề sức khỏe: tiêu cực, nhỏ, có thể giảm thiểu
GIAI ĐOẠN
HOẠT ĐỘNG Ô nhiễm môi trường do khí thải: lớn
(nếu không xử lý đạt TCVN) Vấn đề sức khỏe, tài nguyên sinh học: đánh kể

Các vấn đề môi trường do sự gia tăng Tắc nghẽn, tai nạn giao thông: nhỏ, có thể
giao thông: nhỏ, có thể giảm thiểu giảm nhiều

Sự cố môi trường (cháy, nổ): tiêu cực Đe dọa tới đời sống và kinh tế: tiêu cực, có thể
có thể giảm thiểu giảm thiểu

Hình 5.2. Sơ đồ mạng lưới các nguồn tác động tiềm tàng và hậu quả tác động môi trường nếu không có biện pháp giảm thiểu của
dự án sản xuất xi măng

129
Bảng 5.7. Tải lượng ô nhiễm trong nước thải một số ngành công nghiệp
Thể tích Tổng Các tác nhân
BOD5 TSS Tổng N
Công nghiệp nước thải P khác
3
(m /đơn vị) Kg/đơn vị sản phẩm
(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7)
Công nghiệp rượu bia
- Sản xuất rượu vang 2 1,6 0,3
(tấn/nho)
- Sản xuất bia (m3/bia) 5 5,4 3,9
Công nghiệp dệt
- Dệt vải bông
Nhuộm (tấn bông) 50 60 25
In hoa (tấn bông) 14 54 12
- Dệt vải sợi tổng hợp 42 30 35
(tấn sợi)
Dầu: 57,8
Công nghiệp thuộc da
57 635 104 12 Sulphua: 3,35
(tấn da)
Phenol: 0,11
Công nghiệp hóa chất
- Sản xuất etylen (tấn sản 3,2 1,8
phẩm)
- Sản xuất propylen 4,4 2,4 0,1 Dầu: 11
(tấn sản phẩm)
- Sản xuất amoniac (tấn sản 6,9 0,4
phẩm)
Công nghiệp phân bón
- Phân urê (tấn sản phẩm) 0,24 10
- Phân super lân (tấn P2O5) 1,25 0,65 Flo: 17,5
- Phân NPK (tấn sản phẩm 0,4 0,4 Flo: 0,06
Công nghiệp lọc dầu Dầu: 8,3
- Lọc dầu toping (1000 m3 484 3,4 11,7 1,2 Phenol: 0,034
dầu thô) Sulphua: 0,054
- Lọc dầu crackinh (1000 m3 605 72,9 18,2 28,3 Cr: 0,007
dầu thô) Dầu: 31,2
Phenol: 4,0
Sulphua: 0,94
Cr: 0,2
Dầu: 52,9
- Lọc hóa dầu Phenol: 7,7
3 726 172 48,6 34,3
(1000 m dầu thô) Sulphua: 0,86
Cr: 0,234
Phenol: 0,01
Công nghiệp luyện kim
Flo: 0,023
- Luyện thép (tấn sản phẩm) 12,3 29,3 0,27
CN: 0,039
Zn: 0,405
Xi mạ (tấn sản phẩm) 9,4 Fe: 0,007
Cr: 0,004
(Nguồn: trích từ tài liệu của A.P. Economopoulos, WTO, 1993).

130
* Tải lượng ô nhiễm trong khí thải
Tải lượng ô nhiễm do khí thải từ các loại hình sản xuất khác nhau đưa vào môi
trường được tính theo bảng 5.8.

Bảng 5.8. Tải lượng ô nhiễm trong khí thải một số ngành
Đơn vị Bụi SO2 NOx CO VOC Chất khác
Hoạt động
(U) (kg/U) (kg/U) (kg/U) (kg/U) (kg/U) (kg/U)
1. Đốt rơm rạ trên
1000m2 5,0 26,0 9,0
ruộng
2. Sản xuất than củi Tấn 133 12 1722 157
(*)
3. Sản xuất H2SO4 Tấn 7(100-e) SO3: 0,29
4. Sản xuất HNO3 Tấn 22,0
5. Sản xuất phân
Tấn 0,0105 NH3: 9,12
urê
6. Lọc dầu
m3 của
(cracking xúc tác 0,695 1,413 0,204 39,2 0,63
FCC
lỏng)
7. Sản xuất gang
- Không xử lý Tấn 6,9 0,65 73 Pb: 0,32
- Có xử lý:
+ Tháp tưới Tấn 1,6 0,35 73 Pb: 0,17
+ Lọc bụi tay áo Tấn 0,3 0,65 73 Pb: 0,01
8. Xe tải > 2000 cc
(1981-1984)
1000km 0,07 2,13S 2,57 23,40 2,48 Pb: 0,11P
- Đi trong thành phố
1000km 0,05 1,35S 2,48 13,54 1,37 Pb: 0,09P
- Đi ở ngoại ô
Ghi chú: e: hệ số chuyển hóa SO2 thành SO3
(Nguồn: trích từ tài liệu của A.P., Economopoulos, WTO, 1993).

5.3.8. Mô hình hóa môi trường


Trong nhiều trường hợp sự chuyển hóa, phân tách hoặc pha loãng chất ô nhiễm
theo thời gian và không gian có thể được dự báo bằng phương pháp mô hình hóa môi
trường. Mô hình hóa môi trường trong trường hợp này là cách tiếp cận toán học mô
phỏng diễn biến chất lượng môi trường dưới ảnh hưởng của một hoặc tập hợp các tác
nhân có khả năng tác động đến môi trường. Đây là phương pháp có ý nghĩa lớn trong
quản lý môi trường. Dự báo tác động môi trường và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm.
Mô hình hóa môi trường còn được thực hiện cho các hoạt động quản lý môi trường
(mô hình quản lý).
Trong thực tế, để dự báo quy mô, cường độ của tác động (nhất là tác động do các
nguồn ô nhiễm) người ta thường dùng các mô hình quản lý. Loại mô hình này nhằm mô

131
phỏng các quá trình vật lý, hóa học, sinh học trong môi trường. Các mô hình thường
được sử dụng là:
- Các mô hình vận chuyển dòng chảy áp lực
- Các mô hình chất lượng không khí (phát tán bụi,...)
- Các mô hình chất lượng nước (lan truyền chất hữu cơ, dinh dưỡng...)
Ở Việt Nam, nhiều đơn vị, cá nhân đã xây dựng và áp dụng các mô hình dự báo lan
truyền ô nhiễm trong môi trường nước, không khí. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có mô
hình nào được cơ quan quản lý môi trường công nhận là mô hình chuẩn để khuyến cáo
áp dụng. Ở nhiều quốc gia (Úc, Hoa Kỳ...) cơ quan môi trường đã công nhận các mô
hình tiêu chuẩn trong dự báo phát tán ô nhiễm theo các điều kiện khác nhau.
* Các mô hình định lượng toán học
Các mô hình định lượng thường được xây dựng bằng các phương trình toán học
dùng để mô phỏng hành vi của hệ thống môi trường. Sự thay đổi một cách dễ dàng dữ
liệu ban đầu của các mô hình toán học cho phép xem xét, cân nhắc và so sánh nhiều kết
quả tương ứng với nhiều dữ liệu giả định ban đầu khác nhau. Chẳng hạn, có thể xem xét
tác động đến môi trường không khí của một nhà máy bằng việc thay đổi độ cao của ống
khói, hay thay đổi vận tốc phát thải của nhà máy.
Mô hình định lượng toán học cần được áp dụng trong dự báo cường độ tác động của
các loại dự án có nguồn gây ô nhiễm (nguồn phát thải) có quy mô lớn và trung bình.
Hiện nay, nhiều quốc gia đã xây dựng các mô hình tiêu chuẩn cho dự báo lan truyền ô
nhiễm. Ở các nước này, sử dụng các mô hình tiêu chuẩn mới được chấp nhận trong dự
báo định lượng. Ở Việt Nam, nhiều đơn vị, cá nhân đã phát triển hoặc qua các mô hình
toán học thu được qua nhiều nguồn (tự nghiên cứu, qua đào tạo hoặc qua internet). Tuy
nhiên, chưa có cơ quan chức năng quyết định mô hình nào là phù hợp cho từng mục
đích, điều kiện cụ thể. Do vậy, việc áp dụng các mô hình tiêu chuẩn do các nước tiên
tiến công bố (Hoa Kỳ, EU, Úc, Nhật Bản) đối với từng tác động cụ thể có thể được chấp
nhận trong khi chờ đợi việc “Tiêu chuẩn hóa các mô hình dự báo tác động môi trường ở
Việt Nam”.
Các vấn đề hết sức lưu ý trong triển khai mô hình dự báo tác động môi trường là:
- Lựa chọn đúng mô hình có thể mô phỏng gần đúng điều kiện môi trường tự nhiên
ở vùng nghiên cứu (địa hình, thủy văn...). Một mô hình chất lượng nước có thể áp dụng
ở đồng bằng sông Hồng nhưng không thể áp dụng ở đồng bằng sông Cửu Long và
ngược lại vì chế độ triều ở 2 vùng rất khác nhau.
- Số liệu đầu vào cho mô hình cần đầy đủ và chính xác
- Cần kiểm chứng kết quả dự báo với thực tế (đối với các dự án tương tự đã có).

132
* Mô hình thực nghiệm
Thực nghiệm có thể sử dụng để kiểm tra và phân tích hậu quả của các hoạt động
của dự án cũng như hiệu quả của các biện pháp giảm thiểu. Kết quả nghiên cứu thực
nghiệm là cơ sở để xây dựng các công thức tính toán thực nghiệm.
Công tác thực nghiệm có thể tiến hành trong phòng thí nghiệm và cũng có thể tiến
hành ngoài thực địa. Ví dụ thực nghiệm tiến hành trong phòng thí nghiệm như các phân
tích kiểm tra các độc tố trong cơ thể sinh vật do hấp thụ không khí, nước và thức ăn bị ô
nhiễm. Có thể lấy một ví dụ về tiến hành thực nghiệm ngoài thực địa như kiểm tra các
thông số bơm của nước ngầm, quan trắc các thông số thủy văn, đo độ ồn, kiểm tra
nhanh mức độ ô nhiễm do chất thải.
* Mô hình vật lý
Mô hình vật lý là việc mô phỏng các hệ thống môi trường bằng cách thu nhỏ quy
mô tiến hành nghiên cứu, dự báo các tác động môi trường.
Mô hình trực quan sử dụng để dự báo tác động môi trường là mô hình được xây
dựng bằng việc sử dụng các phác họa, phóng sự ảnh chụp ngoài thực địa, ảnh máy bay,
mô hình số địa hình, hệ xử lý ảnh.
Mô hình làm việc là mô phỏng và thu nhỏ các hệ thống môi trường trong thực tế,
nên có thể quan trắc và xác định được sự thay đổi của môi trường trên mô hình. Tuy
nhiên, kiểu mô hình này không thể mô phỏng được tất cả các điều kiện tồn tại trong
thực tế và sai sót của mô hình có thể tăng do sự thu nhỏ tỷ lệ mô hình so với thực tế.

133
Chương 6. QUẢN LÝ VÀ GIÁM SÁT
CÁC TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

Chương trình quản lý và giám sát môi trường nhằm thực hiện có hiệu quả các biện
pháp bảo vệ môi trường và phát hiện những khiếm khuyết trong quá trình thực hiện
cũng như biểu hiện suy thoái, ô nhiễm môi trường do dự án gây ra để điều chỉnh, ngăn
ngừa. Do vậy, chương trình quản lý và giám sát môi trường phải đảm bảo các nguyên
tắc sau:
- Chương trình quản lý và giám sát môi trường phải được lập cho các giai đoạn phát
triển của dự án (giai đoạn giải phóng mặt bằng, giai đoạn thi công xây dựng và giai
đoạn vận hành).
- Những đề xuất dưới góc độ quản lý môi trường phải hết sức cụ thể và phù hợp với
trình độ tổ chức, quản lý của dự án;
- Những đề xuất về giám sát môi trường chỉ tập trung vào những thành phần môi
trường, những chỉ tiêu môi trường chịu tác động trực tiếp của dự án;
- Phương pháp lấy mẫu và phân tích mẫu phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
và tiêu chuẩn cho phép;
- Các điểm giám sát môi trường phải được mã hóa và thể hiện rõ trên sơ đồ hoặc
bản đồ ở tỷ lệ thích hợp (Cục Thẩm định và Đánh giá Tác động môi trường, 2010).

6.1. Chương trình quản lý môi trường


Chương trình quản lý môi trường đề ra một chương trình nhằm quản lý các vấn đề
về bảo vệ môi trường trong quá trình chuẩn bị, xây dựng các công trình của dự án, vận
hành dự án và giai đoạn khác (nếu có). Do vậy, nội dung chính của chương trình quản lý
môi trường chủ yếu sẽ gồm:
- Tổ chức và nhân sự cho quản lý môi trường; quản lý chất thải, chất thải nguy hại;
phòng chống sự cố môi trường, sự cố cháy nổ...
- Lập kế hoạch quản lý, triển khai các công tác bảo vệ môi trường tương ứng cho
các giai đoạn phát triển của dự án;
- Kế hoạch đào tạo, nâng cao nhận thức môi trường cho cán bộ, công nhân;
- Chương trình giảm thiểu phát sinh chất thải (sản xuất sạch hơn, công nghệ thân
thiện môi trường, thay thế nguyên liệu, tái sử dụng...);
- Khống chế và giảm lượng tiêu hao nguyên liệu, hóa chất, năng lượng bằng việc áp
dụng các biện pháp quản lý và kỹ thuật phù hợp;

134
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy ước, cam kết về vệ sinh công nghiệp và bảo
vệ môi trường (Cục Thẩm định và Đánh giá Tác động môi trường, 2010).
Theo quy định tại Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài
nguyên và Môi trường quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP
ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá
tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, chương trình quản lý môi trường được
xây dựng trên cơ sở tổng hợp từ các chương 1, 3, 4 của báo cáo đánh giá tác động môi
trường dưới dạng bảng như sau:
Kinh phí
Các công thực hiện
Giai đoạn Thời gian Trách Trách
Các hoạt Các tác trình, biện các công
hoạt thực hiện nhiệm tổ nhiệm
động của động môi pháp bảo trình, biện
động của và hoàn chức thực giám
dự án trường vệ môi pháp bảo
Dự án thành hiện sát
trường vệ môi
trường

1 2 3 4 5 6 7 8

Chuẩn bị

Xây dựng

Vận hành

Giai đoạn
khác (nếu
có)

Sau đây là 1 ví dụ về chương trình quản lý môi trường đối với dự án đầu tư xây
dựng công trình khai thác quặng sắt:

135
Các giai Các hoạt Các tác động Biện pháp giảm thiểu Thời gian Kinh phí dự Cơ quan Cơ quan
đoạn động chính thực hiện kiến (đồng) thực hiện giám sát
Giai đoạn - San gạt mặt - Bụi, khí thải, - Tưới nước 2 lần/ngày hạn chế Trong suốt thời Chủ dự án Chi cục
thi công bằng ồn bụi. gian thi công BVMT
xây dựng - Vận chuyển - Che chắn khi vận chuyển. xây dựng
đất đá, - Bảo dưỡng máy móc định kỳ
nguyên vật
liệu.
- Xây dựng 20.000.000
các hạng mục
- Làm đường
nội bộ khu
vực mỏ

- Nước thải - Không thay dầu trên khu vực


công trường.
- Định hướng và thu gom dòng 20.000.000
chảy do mưa
- Xây dựng bể tự hoại
- Chất thải rắn - Thu gom và tái sử dụng 5.000.000
- Sự cố trong - Thực hiện nghiêm ngặt các quy
quá trình thi định trong thi công xây dựng.
công
- Khí, bụi, - Tưới nước thường xuyên 4
tiếng ồn lần/ngày.
- Phủ bạt che chắn khi vận chuyển
trên đường.
- Định kỳ kiểm tra bảo dưỡng máy
- Bốc xúc Trong suốt quá
móc, phương tiện.
- Vận chuyển trình sản xuất
- Trồng cây xanh trên tuyến đường
đất đá thải, 50.000.000
về xưởng tuyển.

136
quặng - Nước thải - Nước thải đọng đáy moong Chi cục
nguyên sản xuất BVMT
Lắng trong trước khi bơm ra ngoài Trong suốt quá
- Sinh hoạt 50.000.000
Giai đoạn môi trường bằng bể điều hoà - trình sản xuất
sản xuất của công lắng ở phía Nam khai trường
nhân
- Nước thải - Xây dựng bể tự hoại 13,3 m3 Thực hiện và Chủ dự án
sinh hoạt hoàn thành
trước khi 30.000.000
xưởng đi vào
hoạt động
- Nước mưa - Đào hệ thống mương rãnh xung Trước khi bắt
chảy tràn quanh moong khai thác và khu nhà đầu khai thác 50.000.000
điều hành sản xuất (0,5m x 0,7m) quặng
- Đất đá thải: được đổ tại 2 bãi thải Trong suốt quá
+ Bãi thải ngoài: 420.000m3 trình sản xuất 100.000.000
3
+ Bãi thải trong:1.220.000m
- Chất thải rắn - Chất thải rắn sinh hoạt: Đào hố 30.000.000
để thu gom và xử lý.
- Chất thải rắn nguy hại: Có thùng 100.000.000
chứa và thuê cơ sở có đủ điều
kiện xử lý chất thải nguy hại.
Chi cục
- Sự cố môi - An toàn trong bốc xúc, vận Trong suốt quá BVMT
Giai đoạn trường chuyển trình sản xuất
sản xuất 50.000.000
- Phòng chống cháy, nổ
- Phòng chống bão lụt, chống sét
Giai đoạn - San ủi mặt - Bụi, khí thải - Phun nước chống bụi Khi hoạt động 30.000.000 Chủ dự án Chi cục
kết thúc bằng khai thác mỏ BVMT
khai thác - Nước mưa - Đào hệ thống mương rãnh dẫn kết thúc
- Nạo vét chảy tràn nước vào bể lắng
mương rãnh 5.000.000

137
6.2. Chương trình quan trắc, giám sát môi trường

6.2.1. Quan trắc, giám sát môi trường trong lập báo cáo đánh giá tác động môi trường
6.2.1.1. Mục đích
Quan trắc môi trường là quá trình theo dõi có hệ thống về môi trường, các yếu tố tác
động lên môi trường nhằm cung cấp thông tin phục vụ đánh giá hiện trạng, diễn biến
chất lượng môi trường và các tác động xấu đối với môi trường.
Đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi
trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai
dự án đó. Chính vì vậy, ĐTM cần đạt các yêu cầu sau:
- Dự báo các tác động có thể có của dự án đến môi trường.
- Xác định biện pháp giảm thiểu (phòng ngừa và khắc phục) các tác động xấu của
dự án.
- Đề xuất các biện pháp thay thế và chương trình quản lý, giám sát môi trường.
Trong quá trình lập báo cáo ĐTM, việc tiến hành quan trắc “môi trường nền” là
một hoạt động quan trọng và hết sức cần thiết.
- Kết quả quan trắc “môi trường nền” là một căn cứ để chủ dự án, cơ quan quản lý,
phê duyệt báo cáo ĐTM xem xét vị trí đặt dự án có đạt yêu cầu về chất lượng môi trường,
có phù hợp với quy mô, công nghệ của dự án và là căn cứ để phê duyệt báo cáo ĐTM.
Theo hướng dẫn tại Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài
nguyên và Môi trường, trong báo cáo ĐTM, kết quả quan trắc “môi trường nền” này
được thể hiện trong chương II của báo cáo (điều kiện môi trường tự nhiên, điều kiện
kinh tế - xã hội khu vực thực hiện dự án)
- Trong lập báo cáo ĐTM, các kỹ thuật sau đây thường được sử dụng (xem
chương V):
+ Liệt kê số liệu
+ Lập danh mục các điều kiện môi trường
+ Lập sơ đồ mạng lưới
+ Lập ma trận môi trường
+ Phương pháp chồng ghép bản đồ
+ Lập sơ đồ mạng lưới
+ Phương pháp mô hình hóa
+ Phương pháp phân tích chi phí - lợi ích mở rộng.
+ Phương pháp đánh giá nhanh
Các kỹ thuật này chỉ có thể được thực hiện khi chúng có đủ cơ sở dữ liệu tin cậy về
đặc điểm môi trường của vùng dự án, vùng lân cận và tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng
môi trường để bảo tồn tài nguyên, bảo vệ sức khoẻ và phát triển xã hội. Muốn có cơ sở
dữ liệu này nhất thiết phải có quan trắc môi trường (đặc biệt là quan trắc “môi trường

138
nền”). Như vậy, quan trắc môi trường là công tác cần thiết ban đầu cho xây dựng dự án
và đánh giá tác động môi trường.
6.2.1.2. Nội dung của quan trắc, giám sát trong lập báo cáo đánh giá tác động môi trường
Theo hướng dẫn tại Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài
nguyên và Môi trường, quan trắc, giám sát môi trường trong khi lập báo cáo ĐTM cần
đạt được các nội dung sau:
* Điều kiện về địa lý, địa chất
Đề cập và mô tả các đối tượng, hiện tượng, quá trình có thể bị tác động bởi dự án
(đối với dự án có làm thay đổi các yếu tố địa lý, cảnh quan; dự án khai thác khoáng sản
và dự án liên quan đến các công trình ngầm thì phải mô tả một cách chi tiết); chỉ dẫn
nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo, sử dụng.
* Điều kiện về khí tượng
Trình bày các đặc trưng khí tượng có liên quan đến dự án và/hoặc làm căn cứ cho
các tính toán có liên quan đến ĐTM (nhiệt độ không khí, độ ẩm, vận tốc gió, hướng
gió, tần suất gió, nắng và bức xạ, lượng mưa, bão và các điều kiện về khí tượng dị
thường khác); chỉ rõ độ dài chuỗi số liệu; nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo, sử dụng.
* Điều kiện thủy văn/hải văn
Chỉ trình bày các đặc trưng thủy văn/hải văn có liên quan đến dự án và/hoặc làm
căn cứ cho các tính toán có liên quan đến ĐTM (mực nước, lưu lượng, tốc độ dòng chảy
và các điều kiện về thủy văn/hải văn khác); chỉ rõ độ dài chuỗi số liệu; nguồn tài liệu,
dữ liệu tham khảo, sử dụng.
* Hiện trạng chất lượng các thành phần môi trường vật lý
Đề cập và mô tả các thành phần môi trường có khả năng chịu tác động trực tiếp bởi
dự án như: môi trường không khí tiếp nhận trực tiếp nguồn khí thải của dự án (lưu ý hơn
đến các vùng bị ảnh hưởng ở cuối các hướng gió chủ đạo), nguồn nước tiếp nhận trực tiếp
nước thải của dự án, đất, trầm tích và hệ sinh vật chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi chất thải và
các yếu tố khác của dự án.
Đối với môi trường không khí, nước, đất và trầm tích đòi hỏi như sau:
- Chỉ dẫn rõ ràng các số liệu đo đạc, phân tích tại thời điểm tiến hành ĐTM về chất
lượng môi trường khu vực dự án (lưu ý: các điểm đo đạc, lấy mẫu phải có mã số, có chỉ
dẫn về thời gian, địa điểm, đồng thời, phải được thể hiện bằng các biểu, bảng rõ ràng và
được minh họa bằng sơ đồ bố trí các điểm trên nền bản đồ khu vực. Việc đo đạc, lấy
mẫu, phân tích phải tuân thủ quy trình, quy phạm về quan trắc, phân tích môi trường;
kết quả đo đạc, lấy mẫu, phân tích phải được hoàn thiện và được xác nhận của các đơn
vị có chức năng theo quy định của pháp luật);
- Nhận xét về mức độ ô nhiễm không khí, nước, đất và trầm tích được đánh giá
so với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Nhận định về nguyên nhân,
nguồn gốc ô nhiễm. Trong trường hợp có đủ cơ sở dữ liệu về môi trường, đánh giá
sơ bộ về sức chịu tải của môi trường ở khu vực dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn
kỹ thuật môi trường.

139
* Hiện trạng tài nguyên sinh học
Cần có số liệu mới nhất về các hệ sinh thái trên cơ sở khảo sát thực tế do chủ dự án
hoặc chủ dự án ủy nhiệm đơn vị tư vấn thực hiện, hoặc tham khảo từ các nguồn khác.
- Nêu số liệu, thông tin về các hệ sinh thái cạn có thể bị tác động bởi dự án, bao
gồm: các nơi cư trú, các vùng sinh thái nhạy cảm (đất ngập nước, các vườn quốc gia,
khu bảo vệ thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển trong và lân cận khu vực dự án), khoảng
cách từ dự án đến các vùng sinh thái nhạy cảm gần nhất. Diện tích các loại rừng (nếu
có); danh mục các loài thực vật, động vật hoang dã, các loài sinh vật được ưu tiên bảo
vệ, các loài đặc hữu có trong vùng có thể bị tác động do dự án.
- Nêu số liệu, thông tin về các hệ sinh thái nước có thể bị tác động bởi dự án, bao
gồm các đặc điểm hệ sinh thái nước, danh mục các loài phiêu sinh, động vật đáy, cá và
tài nguyên thủy sản khác.
Ngoài những nội dung về mặt điều kiện môi trường tự nhiên, lập báo cáo ĐTM cần
quan trắc các điều kiện về kinh tế - xã hội tại khu vực triển khai dự án.
Việc xác định các số liệu cụ thể trong từng nội dung quan trắc tùy thuộc vào quy
mô, công nghệ sản xuất, hoạt động của từng dự án cụ thể, tùy thuộc vào điều kiện tự
nhiên, kinh tế - xã hội của khu vực dự án, tùy thuộc vào tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt
Nam và tùy thuộc vào nguồn kinh phí.
Các loại số liệu cần khảo sát để thực hiện ĐTM của một số dự án được nêu trong
bảng 6.1.

Bảng 6.1. Danh mục số liệu cần khảo sát để thực hiện đánh giá tác động môi trường
(Lê Trình, 2000)
Loại dự án Số liệu về môi trường cần khảo sát
Thuỷ văn, khí hậu, địa hình, chất lượng nước,
Các dự án phát triển nguồn nước (xây dựng
chất lượng đất, hiện trạng sử dụng đất, vùng
hệ thống thuỷ lợi, xây hồ chứa, xây đê điều,
sinh thái nhạy cảm, đa dạng sinh học, vùng bảo
ngăn mặn, ngọt hóa, v.v..)
tồn tự nhiên, dân cư, dân tộc, kinh tế, văn hóa.
Thuỷ văn, khí hậu, địa hình, chất lượng nước,
Các dự án phát triển khu công nghiệp, khu
chất lượng đất, chất lượng không khí, độ ồn,
chế xuất, khu liên hợp, lọc dầu, nhà máy hóa
độ rung, hiện trạng sử dụng đất, vùng sinh thái
chất, phân bón, luyện kim, dệt, giấy, cao su,
nhạy cảm, đa dạng sinh học, vùng bảo tồn tự
v.v...
nhiên, dân cư, dân tộc, kinh tế, văn hóa.
Khí hậu, địa hình, vùng bảo tồn tự nhiên, chất
Các dự án phát triển khu du lịch, sân golf, khu lượng nước, không khí, độ ồn, rung, phóng xạ,
dân cư mới. côn trùng gây dịch bệnh, thống kê dịch tễ, dân
cư, dân tộc, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Khí hậu, địa hình, địa chất, thuỷ văn, vùng ngập
lũ, vùng bảo tồn tự nhiên, chất lượng không
Các dự án phát triển giao thông đường bộ
khí, ồn, rung, côn trùng gây bệnh, đa dạng sinh
học, kinh tế, văn hóa, xã hội.

140
6.2.1.3. Tổ chức thực hiện
Việc tiến hành quan trắc “môi trường nền” do chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn thực
hiện. Yêu cầu: Cần có số liệu mới nhất về điều kiện môi trường tự nhiên trên cơ sở khảo
sát thực tế. Đối với số liệu mà có thể lấy của các đơn vị khác cần ghi rõ nguồn, thời gian
khảo sát.

6.2.2. Quan trắc, giám sát môi trường sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi
trường
Giám sát và quan trắc môi trường sau thẩm định báo cáo ĐTM là nhiệm vụ quan
trọng đã được quy định ở điểm b, khoản 2, Điều 23, Luật Bảo vệ môi trường 2005 “cơ
quan phê duyệt báo cáo ĐTM có nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức kiểm tra việc thực hiện các
nội dung trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt”. Giám sát, quan trắc môi trường cũng
được quy định ở Điều 94, Luật Bảo vệ môi trường 2005, theo đó trách nhiệm quan trắc
môi trường không chỉ là Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, Ngành, UBND tỉnh mà
người quản lý, vận hành cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc khu sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ tập trung có trách nhiệm quan trắc các tác động đối với môi trường từ
các cơ sở môi trường của mình.
6.2.2.1. Mục đích
Công tác này cần đạt các mục đính sau:
- Xem xét độ chính xác của những dự đoán tác động đã nêu trong đánh giá tác động
môi trường, những biện pháp giảm thiểu có hiệu quả trong việc giải quyết các tác động
môi trường dự đoán và để đánh giá xem có cần thiết phải có những biện pháp giảm
thiểu bổ xung không. Từ đó, làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước xác nhận chủ dự
án đã hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đúng theo quyết định phê
duyệt báo cáo ĐTM.
- Cung cấp cơ sở dữ liệu cho cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư về chất lượng
môi trường, bằng chứng về tác động của dự án đến môi trường tự nhiên và KT-XH
trong vùng.
- Cung cấp số liệu để dự báo khả năng mở rộng phạm vi tác động, khả năng gây sự
cố môi trường (nếu có)
- Đánh giá sự tuân thủ của tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường của chủ dự án.
Đồng thời, kết quả quan trắc môi trường cũng có thể cung cấp những cái nhìn bên
trong quan trọng về các phản ứng của hệ sinh thái đối với các sức ép liên quan tới dự án
và chúng rất có giá trị trong việc thực hiện những đánh giá trong tương lai cho các dự án
tương tự (Ban thư ký Uỷ hội sông Mê kông, 2001).
6.2.2.2. Nội dung về quan trắc, giám sát môi trường sau thẩm định báo cáo đánh giá
tác động môi trường
Theo hướng dẫn tại Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài
nguyên và Môi trường, hoạt động quan trắc, giám sát được thực hiện trong suốt quá

141
trình chuẩn bị, xây dựng, vận hành và giai đoạn khác (nếu có), như: tháo dỡ, đóng cửa,
cải tạo phục hồi môi trường và các hoạt động khác có khả năng gây tác động đến môi
trường của dự án.
Chương trình giám sát môi trường cần xác định rõ: Đối tượng và các thông số ô
nhiễm đặc trưng của dự án cần được giám sát; Vị trí, thời gian và tần suất giám sát; Nhu
cầu thiết bị giám sát; Nhu cầu nhân lực; Dự trù kinh phí cho hoạt động giám sát.
* Đối tượng quan trắc, giám sát: bao gồm các nguồn thải của dự án thực chất là
giám sát chất thải và môi trường xung quanh (trong trường hợp khu vực không có các
trạm, điểm giám sát chung của cơ quan nhà nước).
- Giám sát chất thải: sau khi báo cáo ĐTM được phê duyệt, chủ dự án tiến hành
quan trắc, giám sát lưu lượng/tổng lượng thải và các thông số đặc trưng cho chất thải
của dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành của Việt Nam với tần suất tối thiểu 01
lần/03 tháng. Các điểm giám sát phải được thể hiện cụ thể trên sơ đồ với chú giải rõ
ràng và tọa độ theo quy chuẩn hiện hành (không bắt buộc đối với chất thải rắn).
Việc giám sát liên tục, tự động chất thải phát sinh từ quá trình hoạt động của
dự án đối với từng dự án cụ thể phải thực hiện theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy
định có liên quan của pháp luật hiện hành. Trường hợp pháp luật chưa có quy định
cụ thể về việc này, cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường xem
xét, quyết định.
- Giám sát môi trường xung quanh: tiến hành quan trắc, giám sát các thông số ô
nhiễm đặc trưng cho dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành của Việt
Nam trong trường hợp tại khu vực thực hiện dự án không có các trạm, điểm giám sát
chung của cơ quan nhà nước, với tần suất tối thiểu 01 lần/06 tháng. Các điểm giám
sát phải được thể hiện cụ thể trên sơ đồ với chú giải rõ ràng và tọa độ theo quy
chuẩn hiện hành.
- Giám sát khác (nếu có, tùy thuộc từng dự án cụ thể):
+ Giám sát các yếu tố: xói mòn, trượt, sụt, lở, lún đất; xói lở bờ sông, bờ suối, bờ
hồ, bờ biển; bồi lắng lòng sông, lòng suối, lòng hồ, đáy biển; thay đổi mực nước mặt,
nước ngầm; xâm nhập mặn; xâm nhập phèn; các tác động tới các đối tượng tự nhiên và
kinh tế - xã hội khác với tần suất phù hợp nhằm theo dõi được sự biến đổi theo không
gian và thời gian của các yếu tố này. Các điểm giám sát (nếu có) phải được thể hiện cụ
thể trên sơ đồ với chú giải rõ ràng và tọa độ theo quy chuẩn hiện hành.
+ Giám sát sự thay đổi của các loài động vật, thực vật quý hiếm trong khu vực thực
hiện dự án và chịu tác động tiêu cực do dự án gây ra với tần suất tối thiểu 01 lần/năm.
* Các thông số chọn lọc cần quan trắc, giám sát
Tập hợp các thông số cần giám sát đối với môi trường vật lý, môi trường sinh học là
khác nhau giữa các loại dự án. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn các thông số chỉ thị

142
(indicators) phản ánh đúng đặc trưng tác động do dự án chứ không phải tất cả hoặc phần
lớn các thông số có trong QCVN hoặc TCVN về môi trường.
Việc lựa chọn đúng thông số chỉ thị không chỉ giúp đánh giá đúng thực chất tác
động của dự án, mà còn giảm chi phí cho công tác quan trắc (Cục Thẩm định và Đánh
giá Tác động môi trường, 2010).
Thí dụ:
- Các thông số chọn lọc để quan trắc tác động môi trường do nước thải dự án sản
xuất bột giấy.
Các thông số hóa lý: BOD, COD, tổng SS, phenol, độ đục, pH.
Các thông số sinh học: phiêu sinh thực vật, phiêu sinh động vật, động vật đáy.
- Các thông số để chọn lọc quan trắc tác động môi trường do khí thải nhà máy nhiệt
điện sử dụng nhiên liệu than
Các thông số bụi vật lý: bụi tổng số, bụi PM10, SO2, NO2, CO.
Các thông số sinh học không cần thiết trong quan trắc khí thải nhà máy này.
- Các thông số để chọn lọc quan trắc tác động môi trường nước do dự án vét luống
tàu.
Các thông số hóa lý: pH, độ đục, độ mặn, tổng SS, DO, BOD, Al, Fe, kim loại nặng
(đặc trưng cho khu vực, thí dụ : Cr, Zn, As...), dầu mỡ.
Các thông số sinh học: động vật đáy.
Danh sách các thông số chỉ thị cần lựa chọn được nêu trong một số tài liệu chuyên
đề về quan trắc môi trường.
* Vị trí các điểm quan trắc, giám sát
Số lượng và vị trí giám sát càng nhiều càng phản ánh đúng vùng bị ảnh hưởng do
dự án. Tuy nhiên, việc lựa chọn các điểm giám sát cần đảm bảo phản ánh đúng phạm vi
tác động của dự án về mặt không gian. Do vậy, trên thực tế, các điểm giám sát không
chỉ nằm trong mà còn có thể gồm cả những điểm nằm ở bên ngoài vùng dự án (Cục
Thẩm định và Đánh giá Tác động môi trường, 2010).
* Phương pháp quan trắc, giám sát
Để đảm bảo số liệu giám sát là chính xác, việc giám sát cần tuân thủ các quy định
(Cục Thẩm định và Đánh giá Tác động môi trường, 2010):
- Phải sử dụng các thiết bị tiêu chuẩn (về thu mẫu, bảo quản mẫu, phân tích thực
địa, phân tích trong phòng thí nghiệm);
- Phải thực hiện đo đạc, phân tích theo các phương pháp tiêu chuẩn;
Thiết bị và phương pháp tiêu chuẩn nêu trên được hiểu là các tiêu chuẩn được công
nhận rộng rãi, được sử dụng ở nhiều quốc gia (theo ISO, tiêu chuẩn Hoa Kỳ, theo
GEMS hoặc TCVN, QCVN).

143
- Việc phân tích phải được tiến hành lặp lại (tối thiểu 3 lần/1 thông số/1 mẫu) để có
tính thống kê;
- Phải có kiểm tra về chất lượng phân tích (QA/QC) giữa các phòng thí nghiệm, đặc
biệt khi có kết quả phân tích đáng ngờ.
6.2.2.3. Tổ chức quan trắc môi trường sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường
Theo Luật Bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư (chủ dự
án/cơ sở, công trình) đều có trách nhiệm quan trắc môi trường. Như vậy, trách nhiệm
của các bên như sau:
- Cơ quan quản lý nhà nước: thực hiện quan trắc ngoại vi về các thành phần môi
trường liên quan đến dự án.
- Chủ dự án, cơ sở, công trình: thực hiện quan trắc nội vi - tự quan trắc về các thành
phần môi trường liên quan đến dự án.
Tuy nhiên, khi cần thiết cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể quan trắc một số yếu
tố môi trường bên trong công trình và chủ dự án cũng cần quan trắc một số yếu tố môi
trường ở vùng bị ảnh hưởng do dự án để thực hiện công tác quan trắc môi trường.
Tổ chức quan trắc môi trường sau khi thẩm định báo cáo ĐTM hiện đã được áp
dụng tốt ở một số dự án FDI và ODA (ví dụ: dự án JBIC; dự án trung tâm điện lực Phú
Mỹ; dự bán phát triển giao thông thủy phía Nam - vay vốn WB; dự án xa lộ Đông - Tây
thành phố Hồ chí Minh - vay vốn JBJC).

144
TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. Tiếng Việt
1. Ban thư ký Uỷ hội sông Mê Kông (2001), “Thủ tục đánh giá tác động môi trường và ra
quyết định”, Phnom Penh.
2. Ban thư ký Uỷ hội sông Mê Kông (MRC) (2001), “Đánh giá môi trường chiến lược”,
Chương trình Đào tạo Môi trường, Phnom Penh 10/2001.
3. Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (1999), “Hướng dẫn lập báo cáo ĐTM dự án phát
triển đô thị”.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2007), “Đánh giá tác động môi trường”, Hà Nội 2/2007.
5. Lê Thạc Cán và cs (1993), “Đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam: Phương pháp luận
và thực tiễn”, Hà Nội.
6. Lê Thạc Cán (1997), “Sự phát triển của đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam”, Hà
Nội, 6/1997.
7. Lê Thạc Cán và Lê Trình (2007), “Hướng dẫn quy trình chung đánh giá tác động môi
trường đối với các dự án đầu tư”, Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường.
8. Nguyễn Huy Côn (1993), “Môi trường xây dựng”, NXB Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội.
9. Cục Môi trường (1999), “Hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường”, Hà Nội.
10. Cục Môi trường (1996), “Sách hướng dẫn môi trường và phát triển đô thị”, Hà Nội,
8/1996.
11. Cục Thẩm định và Đánh giá Tác động môi trường (2010), “Hướng dẫn chung về thực hiện
đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư”, Hà Nội.
12. Cục Thẩm định và Đánh giá Tác động môi trường (2009), “Hướng dẫn kỹ thuật đánh giá
môi trường chiến lược”, Hà Nội.
13. Cục Thẩm định và Đánh giá Tác động môi trường (2010), “Hướng dẫn kỹ thuật thực hiện
đánh giá tác động môi trường chiến lược đối với quy hoạch kinh tế xã hội”, Hà Nội.
14. Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (2010), “Hướng dẫn kỹ thuật thực
hiện đánh giá tác động môi trường chiến lược đối với quy hoạch phát triển công
nghiệp”, Hà Nội.
15. Phạm Ngọc Hồ và cs (1996), “Đánh giá các khía cạnh môi trường dự án quy hoạch tổng
thể thành phố Hà Nội 2010 - 2020”, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội, Hà Nội,12/1996.
16. Phạm Ngọc Hồ, Hoàng Xuân Cơ (2001), “Đánh giá tác động môi trường”, Nxb Đại học
Quốc Gia Hà Nội.
17. Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
18. Nguyễn Đình Mạnh (2005), “Giáo trình Đánh giá tác động môi trường”, Trường Đại học
Nông nghiệp I, Hà Nội.
19. Chu Thị Sàng (1997), “Đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam: Các vấn đề luật pháp và
thực tiễn”, Hà Nội, 6/1997.
20. Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy
định chi tiết một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của

145
Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam
kết bảo vệ môi trường, Hà Nội.
21. Lê Trình (1999), “Quan trắc và kiểm soát ô nhiễm môi trường nước”, Nxb Khoa học Kỹ
thuật, Hà Nội.
22. Lê Trình (2000), “Đánh giá tác động môi trường: Phương pháp và ứng dụng”, Nxb Khoa
học và Kỹ thuật, Hà Nội.
23. Trần Tý (1997), “Những vấn đề liên quan đến nghiên cứu đánh giá tác động môi trường tại
Việt Nam”, Viện Địa lý - Hà Nội, 6/1997.
24. Trung tâm Kỹ thuật Môi trường đô thị và khu công nghiệp (1996), “Đánh giá tác động môi
trường của dự án quy hoạch phát triển thành phố Hải Dương đến năm 2010”, Hà Nội,
12/1996.

II. Tiếng Anh


25. Alan Gilpin (1995), “Environmental Impact Assessment (EIA). Cutting edge for the twenty -
first centery”, Cambridge Univesity Press.
26. Asit K.Biswas, Qu Geping (editors) (1987), “Environmental Impact Assessment for
Developing Countries”, The United nation University.
27. Duggin, J. D. (1999), “Impact Assessment in Natural Resources Management: Book
A- Introdcution: Concepts and Principles”, University of New England, Armidale, NSW.
28. Duggin, J. D. (1999), “Impact Assessment in Natural Resources Management: Book
B- Legislation and Procedures”, University of New England, Armidale, NSW.
29. Duggin, J. D. (1999), “Impact Assessment in Natural Resources Management: Book
C- Techniques and Methods”, University of New England, Armidale, NSW.
30. Duggin, J. D. (1999), “Impact Assessment in Natural Resources Management: Book D - EIA by
Resourse Sector”, University of New England, Armidale, NSW.
31. Brian D. Clark, Ronald Bisset, and Peter Wathern (1980), “Environmental impact assessment : a
bibliography with abstracts”.
32. Glasson, J. Therivel, R. & Chadwick (1999), “Introduction to Environmental Impact
Assessment”, 2nd edn, UCL Press, London.
33. Lee, N & George, C. (eds) (2000), “Environmental Assessment in Developing and
Transitional Countries: Principles, Methods and Practice”, University of Manchester, UK.
34. Partidario M (2001), “Strategic Environmental Assessment (SEA)”, Training Manual.
35. Sadler and Verheem (1996), “Stratergic Enviromental Assessment Status”, Challeges and
Future Directions. Ministry of Housing, Spatial Planing and Environment. Publication 54,
The Hague Netherlands.

146
NHÀ XUẤT BẢN NÔNG NGHIỆP
167/6 Phương Mai - Đống Đa - Hà Nội
ĐT: (04) 38523887 (04) 38521940 - Fax: 04.35760748
Website: http://www.nxbnongnghiep.com
E-mail: nxbnn@yahoo.com.vn
CHI NHÁNH NHÀ XUẤT BẢN NÔNG NGHIỆP
58 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Q.I - Tp. Hồ Chí Minh
ĐT: (08) 38299521, 38297157 - Fax: (08) 39101036

147
GIÁO TRÌNH ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

Chịu trách nhiệm xuất bản


Giám đốc - Tổng Biên tập
TS. LÊ QUANG KHÔI
Biên tập và sửa bản in
LÊ LÂN - ĐINH THÀNH - MINH THU
Trình bày, bìa
ÁNH TUYẾT

63  630
 1099 / 07  2013
NN  2013

In 215 bản khổ 1927cm tại Xưởng in NXB Nông nghiệp. Đăng ký KHXB số
236-2013/CXB/1099-07/NN ngày 23/2/2013. Quyết định XB số 126/QĐ-NN ngày
22/11/2013. In xong và nộp lưu chiểu quý IV/2013.

148

You might also like