You are on page 1of 4

Chủ đề: Quan điểm tự do trong triết học Phương Tây: Những giá trị cho ngày nay


Bài viết:
Tự do là một mục tiêu sống của mỗi cá nhân trong xã hội, mục tiêu phát triển của mỗi quốc
gia. Chính vì vậy, nghiên cứu vấn đề tự do đã được bắt đầu từ nhiều năm trước đây, đặc biệt
nhiều nhà triết học trên thế giới cũng đưa ra các quan điểm khác nhau về tự do.
Tự do đã được coi là giá trị lớn nhất của văn hóa. Ngày nay, trong xã hội hiện đại, chúng ta
đang cố gắng khôi phục giá trị của tự do cá nhân, hay vẫn được coi là một trong những quyền
lớn lao của con người. Khái niệm "tự do của cá nhân" ngày càng được sử dụng rộng rãi trên
các phương tiện truyền thông, trong các bài phát biểu của các nhà lãnh đạo chính trị, được
tuyên bố trong Hiến pháp của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ý nghĩa của khái niệm này khác
nhau tùy theo quan điểm của mỗi người. Bên cạnh đó, tự do cũng được coi như một trong
những phạm trù triết học do nó đặc trưng cho bản chất của con người và sự tồn tại của con
người. Tự do là một trạng thái của tâm trí; nó là một khái niệm triết học phản ánh quyền bất
khả xâm phạm của con người, được thực hiện ý chí của con người. Bên ngoài tự do, một
người không thể nhận ra sự giàu có của thế giới nội tâm và khả năng của mình. Vì vậy, tự do
đóng vai trò như một giá trị phổ quát. Mọi người đang phấn đấu cho tự do, vì chỉ thông qua
nó, tiềm năng sáng tạo của con người mới có thể được thực hiện.
Tự do – Một phạm trù của lịch sử
Quay trở lại dòng lịch sử của các nhà triết học phương Tây, nhà triết học Hy Lạp cổ đại
Prôtago (481 - 411 TCN) là người đầu tiên cho rằng “Con người là thước đo của vạn vật”, là
tiêu chuẩn để đối chiếu giải quyết các vấn đề về nhận thức và theo quan điểm này, tự do chính
là sự tự ý thức. Tuy nhiên, Xôcrát (470 – 399 TCN), một nhà triết học Hy Lạp cổ đại khác,
khẳng định rằng sự tự do cũng mang tính tự ý thức, nhưng nó phải được đi đôi với “cái Thiện
phổ quát”, được ông coi là mục đích đạo đức cao nhất của con người. Arixtốt (384 – 322
TCN), một trong những nhà triết học Hy Lạp cổ đại vĩ đại nhất, đã đưa ra khái niệm về năng
lực lựa chọn tự do từ quan điểm của đạo đức và chính trị. Arixtốt coi con người là một “sinh
vật xã hội”, tự do lựa chọn cách sống của mình sao cho phù hợp với lý trí. Êpiquya (341 - 270
TCN), nhà triết học duy vật và vô thần Hi Lạp cổ đại, lại đưa ra một cái nhìn mới về tự do.
Ông đã cho rằng tự do được nhìn nhận là sự giải phóng con người khỏi những ràng buộc của
số phận; “Tự do là tự chủ, tự quyết định hành động vươn tới hạnh phúc, tránh mọi khổ đau và
không bị cám dỗ bởi những thú vui vật chất tầm thường”.
Bước sang thời kỳ cận hiện đại của lịch sử phương Tây, các nhà triết học lại cho rằng tự do
cần được kết nối với mỗi con người cá nhân; chủ nghĩa cá nhân cũng dần được hình thành từ
quan điểm tự do cá nhân và quan hệ tư hữu. Cuối cùng một trong những quan điểm về tự do
nổi tiếng nhất thời kỳ này chính là quan điểm “Tự do là cái tất yếu của nhận thức” được nhà
triết học Hêghen khẳng định trong quá trình nghiên cứu của ông. Theo Hêghen, sự tự do của
con người được đánh giá thông qua quá trình nhận thức của họ về cái tất yếu một cách rõ
ràng, chính xác; theo ông, tất yếu chính là các quy luật tự nhiên.
Như vậy, ngược dòng lịch sử triết học qua các thời kỳ, có thể thấy quan điểm tự do đã được
các nhà triết học nghiên cứu và đưa ra những quan điểm đa dạng, đóng góp vào quá trình phát
triển của nền triết học hiện đại ngày nay.
Tự do – Một phạm trù của xã hội
Tự do là một quyền của con người và con người luôn sống trong một xã hội phức tạp nên có
thể coi tự do như một phạm trù của xã hội. Tuy nhiên, mục đích tự do của con người và mục
đích của xã hội cũng cần được dung hòa. Các quan niệm về tự do ở mỗi xã hội khác nhau sẽ
khác nhau do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như các chuẩn mực, quy tắc, giá trị văn hóa dân tộc,
tập quán, thói quen, ... Ví dụ, nếu ở phương Tây, chủ nghĩa tự do cá nhân được đề cao thì ở
phương Đông chủ nghĩa tự do tập thể được coi trọng.
Tự do trong mối quan hệ với phát triển và dân chủ
Theo quan điểm của một nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, Amartya Sen, ông đã khẳng định
rằng “Phát triển như là tự do”. Theo ông, tự do bao gồm tự do kinh tế, tự do chính trị và tự do
tinh thần; trong đó, tự do kinh tế là nguồn gốc tạo ra sự phát triển kinh tế, tự do chính trị là
yếu tố quyết định để xây dựng một nhà nước dân chủ (nhà nước tối ưu để con người được
phát triển toàn diện); cuối cùng tự do tinh thần là khía cạnh quan trọng nhất giúp giải phóng
con người, giúp con người thoải mái sáng tạo, phát triển bản thân. Ngoài ra, tự do là yếu tố
quan trọng tạo ra các cuộc cải cách về kinh tế, văn hóa, chính trị và giáo dục. Khi tự do kinh
tế được đề cao, kinh tế phát triển, xã hội cũng được tiến bộ song hành; từ đó con người có thể
có được tự do về mặt chính trị. Bên cạnh đó, con người sống trong một xã hội với nhiều mối
quan hệ phức tạp nên tự do văn hóa, cải cách văn hóa là cần thiết. Để con người được phát
triển toàn diện, cải cách giáo dục là yếu tố quyết định giúp con người được cải thiện mọi mặt.
Tự do cũng có một mối quan hệ đặc biệt với dân chủ; vì tự do đem lại giá trị cao quý cho con
người, đó là quyền sống, quyền được tạo điều kiện phát triển hành vi của chính bản thân
mình.
Và một xã hội dân chủ là một xã hội tiến bộ nhất để đảm bảo quyền tự do của mỗi con người.
Tuy nhiên, để đảm bảo trật tự xã hội, công bằng và cân bằng lợi ích của tất cả mọi người
trong xã hội, con người cần dung hòa giữa quyền tự do của mỗi cá nhân với lợi ích chung
tổng thể.
Tự do trong mối quan hệ xã hội hiện nay
Mỗi con người sống trong xã hội hiện đại đều cần có trách nhiệm với cá nhân và trách nhiệm
với xã hội, hai điều này luôn phải được cân đối và đảm bảo cân bằng; nếu chỉ đảm bảo trách
nhiệm xã hội thì con người thiếu đi quyền tự do của mình; ngược lại nếu chỉ quan tâm trách
nhiệm cá nhân thì tính dân chủ của xã hội đó lại không hoàn chỉnh.
Đầu tiên, mỗi cá nhân cần có trách nhiệm với với chính mình thông qua việc được giáo dục,
đào tạo những kiến thức, kỹ năng để phục vụ cho sự phát triển của xã hội. Thông qua giáo
dục, con người cũng sẽ có những hành động, ứng xử theo chuẩn mực; sống và làm việc có
trách nhiệm với xã hội. Mỗi cá nhân cần có ý thức đóng góp vào sự phát triển của xã hội bằng
những việc làm không chỉ vì bản thân mà còn vì toàn thể cộng đồng. Chính từ đó, trách nhiệm
của xã hội lại trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy con người phát triển bản thân cũng như
phát triển trách nhiệm của mình với tư cách là thành viên của xã hội.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, thế giới phẳng như hiện nay, vấn đề tự do và trách
nhiệm của con người với xã hội càng trở nên quan trọng. Mỗi ngày con người đều đang đối
mặt với nhiều hiểm nguy khó lường như dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, khủng bố hay môi
trường đang bị đe dọa nghiêm trọng, những điều này sẽ tác động không nhỏ đến quyền sống,
quyền tự do của mỗi người. Do đó, quyền tự do mỗi cá nhân và trách nhiệm với cộng đồng,
xã hội đã được nâng lên tầm cao mới và trở thành một vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Con
người cần phải cân bằng giữa lợi ích và tự do của chính mình với chính sự phát triển bền vững
của nhân loại./.
Tài liệu tham khảo
Tiếng Anh
1. Hor Victorsson, “Philosophical concept of freedom”, in Delph Philosophy: Study
Philosophy Simply, January 6, 2018, https://scalar.usc.edu/works/in-delph-
philosophy/philosophical-concept-of-freedom
2. Tim, "Freedom in Philosophy: Quotes, Concepts, Authors, May 27, 2019, " in Philosophy
& Philosophers, May 27, 2019, https://www.the-philosophy.com/freedom-in-philosophy.
Tiếng Việt
1. TS. Đinh Ngọc Thạch (2004), “Về “Tự do” với tư cách phạm trù của triết học xã hội”, Tạp
chí Triết học, số 2 (153), tháng 02/2004, truy cập tại địa chỉ:
http://philosophy.vass.gov.vn/nghien-cuu-theo-chuyen-de/Thuc-tien-xa-hoi/Ve-tu-do-voi-tu-
cach-pham-tru-cua-triet-hoc-xa-hoi-45.html
2. TS. Đỗ Minh Hợp (2004). “Về khái niệm “Tự do” trong triết học Hêghen”, Tạp chí Triết
học, số 1 (152), tháng 01/2004, truy cập tại địa chỉ:
http://philosophy.vass.gov.vn/nghien-cuu-theo-chuyen-de/Phuong-Tay/Ve-khai-niem-tu-do-
trong-triet-hoc-Hegen-37.html
3. Nguyễn Trần Bạt, “Biện chứng của tự do”, truy cập tại địa chỉ:
https://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/Biện_chứng_của_tự_do
4. PGS. TS Nguyễn Văn Phúc (2008), “Tự do và trách nhiệm trong hoạt động của con người”,
Tạp chí Triết học, số 3 (202), tháng 03/2008, truy cập tại địa chỉ:
http://philosophy.vass.gov.vn/nghien-cuu-theo-chuyen-de/Dao-duc-hoc-My-hoc/Tu-do-va-
trach-nhiem-trong-hoat-dong-cua-con-nguoi-497.html

You might also like