You are on page 1of 10

1

NHẬN THỨC LUẬN CỦA TRIẾT HỌC RENÉ DESCARTES

NỘI DUNG VÀ Ý NGHĨA

HỒ THANH TIẾN

Tóm tắt: Descartes là một trong những người mở đường cho thời đại khám phá
và phát minh (thế kỷ XVII – XVIII), ông được xem là người cha đỡ đầu của tri thức
khoa học thế kỷ XVII và là cha đẻ của chủ nghĩa duy lý cận đại, cha đẻ của triết học
hiện đại. Trong bài viết này, tác giả sẽ trình bày những nội dung và ý nghĩa về nhận
thức luận – một trong những vấn đề nổi bậc trong tư tưởng triết học của ông.

Từ khóa: Nhận thức luận, Descartes, chủ nghĩa duy lý, triết học Pháp thế kỷ
XVII.

Dẫn nhập

Vấn đề nhận thức luận - bộ phận cấu thành của hệ thống triết học vào thời cận
đại đã trở thành một trong những vấn đề trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu sâu
sắc hơn bản chất của thế giới, giới tự nhiên, khẳng định quyền lực của con người và
góp phần định hướng cho hoạt động thực tiễn, cho quá trình xác lập môi trường lành
mạnh, nhân văn thay thế xã hội phong kiến. Cùng với những thay đổi cơ bản trong quá
trình phát triển của khoa học tự nhiên, sự hình thành các phương pháp nghiên cứu đặt
ra trước triết học nhiệm vụ phân tích mang tính nhận thức luận đối với các kết quả
nghiên cứu khoa học trở nên cấp bách vì các chất liệu do khoa học đem đến cần được
luận chứng và hệ thống hóa, từ đó vạch ra con đường nhận thứ. Đồng thời đặt ra nhiệm
vụ tìm hiểu bản chất của quá trình nhận thức và nguồn gốc tri thức. Descartes đã tạo ra
một thời đại mới và cách mạng trong triết học, với lối tư duy đề cao lý trí, phương
pháp luận khoa học, tinh thần phê phán và khám phá khoa học, đỡ đầu tri thức khoa
học. Ý nghĩa của nhận thức luận trong triết học duy lý của Descartes không chỉ dừng
lại ở nước Pháp thế kỷ XVII, mà còn trở thành giá trị chung của cả nhân loại.

Cơ sở và bản chất của nhận thức trong nhận thức luận của Descartes


. MSSV: 20822900112, Học viên cao học khoa Triết học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại
học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
2

Ngay từ lúc đầu, Descartes đã xác định nhiệm vụ của mình là phải làm sáng tỏ
khái niệm triết học; xác định phạm vi, chức năng của tri thức triết học và vị trí của nó
trong hệ thống các giá trị văn hóa của mỗi dân tộc, quốc gia. Về việc làm sáng tỏ khái
niệm triết học ông viết: “Từ triết học cắt nghĩa quá trình vươn đến sự thông thái, và sự
thông thái được hiểu không chỉ như sự khôn ngoan trong công việc, mà cả tri thức đã
hoàn thiện về tất cả những gì con người có thể biết; đó là thứ tri thức hướng dẫn cuộc
sống chúng ta, phục vụ cho việc bảo vệ sức khỏe, và cả cho những phát minh trong tất
cả các ngành nghệ thuật” (Đinh Ngọc Thạch & Doãn Chính, 2018, tr.691-692). Đối
với việc xác định phạm vi, chức năng của triết học thì Descartes viết: “Mọi triết học
giống như một cái cây, mà rễ của nó là siêu hình học, thân là vật lý học, còn các cành
xuất phát từ thân cây ấy là tất cả những khoa học khác, được quy về ba khoa học cơ
bản: Y học, cơ học và đạo đức. Tôi xem khoa học cuối cùng là khoa học cao nhất và
hoàn thiện nhất, cái giả định tri thức đầy đủ của các khoa học khác và là nấc thang
cuối cùng vươn đến sự thông thái cao nhất. Tương tự như quả không thu hoạch từ gốc
và từ thân, mà chỉ từ đoạn cuối của cành, tính hữu dụng đặc thù của triết học phụ thuộc
vào các bộ phận của nó…” (Đinh Ngọc Thạch & Doãn Chính, 2018, tr.692). Như vậy,
theo Descartes giữa triết học với các khoa học có sự liên minh với nhau, trong đó triết
học đóng vai trò là nền tảng. Từ quan điểm về tính thống nhất của tri thức mà ở đó cho
phép tìm hiểu sâu sắc cả khoa học lịch sử lẫn khoa học tự nhiên, vạch ra mối liên hệ,
sự tác động lẫn nhau.

Thượng đế có ảnh hưởng và chiếm vị trí đặc biệt trong siêu hình học của ông.
Descartes cho rằng, tri thức về Thượng đế đóng vai trò quan trọng trong đời sống con
người. Khi nói về Thượng đế ông quan niệm như sau: “Tri thức về Thượng đế là tri
thức chân lý, không có gì phải hoài nghi cả; Thượng đế là thực thể hoàn thiện tối cao,
biểu tượng của tri thức tuyệt đối; Thượng đế là một hiện hữu phi vật thể, vĩnh viễn;
nguyên nhân của những sai lầm trong nhận thức của con người không nằm ở Thượng
đế” (Đinh Ngọc Thạch & Doãn Chính, 2018, tr.693). Theo Descartes, tin vào Thượng
đế không hoàn toàn hạ thấp tri thức và khát vọng nhận thức của con người. Ngược lại,
trong nhiều trường hợp niềm tin này lại kích thích quá trình khám phá tự nhiên. Ông
quan niệm, Thượng đế mang ý nghĩa là cái tuyệt đối, cái mà con người từ thế hệ này
sang thế hệ khác xem như mục đích cao nhất của nhận thức. Vì Thượng đế là biểu
3

tượng của sự hoàn thiện và của sáng tạo. Descartes đã phê phán những người chỉ biết
nghiên cứu theo một con đường đã có sẵn mà không tạo ra con đường riêng mới cho
mình. Với tính cách là một nhà khoa học, ông kêu gọi con người cống hiến trí tuệ và
sức lực của mình cho việc khám phá giới tự nhiên, phụng sự lợi ích chung.

Đối với Descartes, mọi triết học giống như một cái cây, mà rễ của nó là siêu
hình học vì thế cho nên ông xem siêu hình học chính là đối tượng của triết học, là nền
tảng của tri thức con người và là cơ sở phương pháp luận của các khoa học khác. Tìm
hiểu cơ sở của nhận thức, ông đi từ việc giải thích các thuộc tính của Thượng đế, tính
phi vật thể của linh hồn, đến giải thích các khái niệm phân minh, rõ ràng, đơn giản
khác. Trong vật lý học, với việc xác định cơ sở chân lý của các vật thể vật chất, xem
xét sự hình thành, phát triển và các hiện tượng cụ thể của nó. Các khoa học khác thì đi
sâu vào bản tính của thực vật, động vật, con người như: y học, cơ học, đạo đức học.
Theo Descartes, để nhận được tri thức vững chắc và bất biến trong quá trình nhận thức
cần phải tiến hành cải tạo triệt để ở bên trong triết học và cần phải thiết lập các nguyên
lý đáng tin cậy. Muốn vậy, con người cần phải từ bỏ mọi ý kiến đã được mọi người tin
tưởng và bắt đầu lại tất cả ngay từ đầu, chỉ có thể tin tưởng những tri thức thức hoàn
toàn xác thực và phủ nhận mọi nhận thức nếu trong đó còn sự hoài nghi – một trong
những phương pháp nhận thức của ông đó chính là hoài nghi toàn diện và khắc phục
hoài nghi. Descartes đã tìm thấy cơ sở đáng tin cậy duy nhất ở hành vi tư duy của con
người và ông đã diễn đạt nó bằng một mệnh đề khá nổi tiếng mà ông lấy đó làm cơ sở
cho tư duy, làm nguyên tắc chủ đạo: “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”. “Tôi tư duy, vậy tôi
tồn tại” là trước hết và chắc chắn nhất. Ở đây, có một cái tôi đang tồn tại, cái tôi ấy là
một vật biết tư duy và tư duy là một hành vi của lý trí. Descartes cho rằng, trong một
mệnh đề cần có yếu tố để cho nó là đúng và chắc chắn thì phải bắt nguồn từ tính chất
rõ ràng và phân minh thì luôn luôn đúng. “Tôi gọi một tri thức rõ ràng khi nó hiển hiện
và tỏ bày trước tâm trí chăm chú, cũng như chúng ta nói xem rõ ràng những sự vật khi
chúng hiện diện và hành động mạnh mẽ và mắt ta thì hướng về nhìn chúng; còn tôi gọi
là phân minh khi tri thức vừa gọn gang vừa phân biệt với những tri thức khác đến nỗi
nó chỉ gồm những gì ta biết tỏ tường là thuộc về nó” (Trần Thái Đỉnh, 2018, tr.47).
4

Vậy, lý luận của Descartes được tóm tắt bằng mệnh đề: “Tôi tư duy, vậy tôi tồn
tại”. Tư duy mà ông muốn đề cập ở đây không chỉ là vấn đề lý luận mà là tất cả mọi
hoạt động tinh thần. Nếu chúng ta tưởng tượng, ước muốn, vui mừng, cảm thấy hay
thậm chí hoài nghi về tồn tại, thì phải có chủ thể làm những điều đó. Như vậy, nền
móng mà ông xây dựng hệ thống triết học của ông là sự tồn tại của chính chủ thể nhận
thức. Một chủ thể tư duy thì sự tồn tại của nó không thể nào hoài nghi và là cơ sở của
mọi nhận thức. Ông cho rằng, tôi chỉ là một sự vật tư duy, nghĩa là tôi là một sự vật có
thật và hiện hữu thật sự. Từ cái tôi tư duy tồn tại, ông suy diễn và chứng minh sự tồn
tại của Thượng đế và thế giới thực tại. Thượng đế tồn tại, Thượng đế tốt lành và không
đánh lừa ai. Các sự vật vật lý có tồn tại thật sự và ông tin tưởng các ý tưởng của mình
về các sự vật vật lý là do các sự vật đang tồn tại thật sự tạo ra. Sở dĩ ông phải đặt một
nền tảng mới cho triết học là vì: “Thứ nhất, muốn xây dựng một cái gì đẹp và vững
chắc thì đừng xây trên những nền cũ và những mảnh tường còn sót lại của những công
trình xây dựng đã đổ nát, nhưng phải, - thứ hai vì kinh nghiệm của ông, ở học đường
cũng như ở trường đời, đã làm ông hoài nghi về tất cả những gì người ta thường cho là
chắc chắn và hiển nhiên gì hết” (Trần Thái Đỉnh, 2018, tr. 45). Quyết định từ bỏ lối tư
duy truyền thống để vạch ra một hướng đi mới cho bản thân điều này đòi hỏi ông phải
tìm ra chân lý số một, rồi chân lý đó sẽ suy diễn ra các chân lý khác. Descartes đưa ra
những quy luật của phương pháp ồn sử dụng từ chân lý “tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” là
chân lý vững vàng và chắc chắn, không hoài nghi nào lay chuyển được. Do đó mà ông
chấp nhận chân lý này làm nguyên lý số một, chân lý hiển nhiên của nền triết học mà
ông đang tìm kiếm.

Phương pháp nhận thức trong nhận thức luận của Descartes

Descartes nỗ lực đạt được mục đích là đề ra kế hoạch và xây dựng một cấu trúc
tuyệt đối vững chắc cho triết học. Hệ thống dành cho triết học cần được phát triển một
cách rõ ràng và có tính logic tương tự như các chân lý toán học và hình học. Ông đã bỏ
ra nhiều năm để hình thành những quy tắc, mà có thể áp dụng để đảm bảo lý trí dung
trực giác và diễn dịch nhằm thực hành suy luận một cách rõ ràng và thứ tự. Descartes
nhấn mạnh sự cần thiết giải phóng lý trí ra khỏi nhận thức mơ hồ. Phương pháp luận
của ông đề cao tri thức xác thực và dựa vào toán học phổ quát để nêu ra những quy tắc
5

quan trọng nhất của tư duy. Trong phần II của Phương pháp luận, Descartes đã nêu ra
bốn quy tắc cơ bản của nghiên cứu khoa học còn gọi là các quy tắc vàng:

“Quy tắc thứ nhất – tính rõ ràng và phân minh của đối tượng”. (Đinh Ngọc
Thạch & Doãn Chính, 2018, tr.698). Nghĩa là không bao giờ thừa nhận cái mà ta cho
là không phân minh, rõ ràng là cái chân lý, hay nói dễ hiểu hơn là phải tránh sự vội
vàng và hấp tấp, chỉ xem là đối tượng nghiên cứu những gì rõ ràng và phân minh đối
với trí tuệ của tôi, làm sao để không còn bất kỳ nghi ngờ nào.

“Quy tắc thứ hai – phân tích đối tượng ra các yếu tố để làm rõ những nan giải
cần vượt qua, những nhiệm vụ cần giải quyết, mục tiêu cần đạt tới” (Đinh Ngọc Thạch
& Doãn Chính, 2018, tr.699). Đây chính là sự vận dụng của phép diễn dịch, nhờ vậy
mà từng vấn đề được sáng tỏ trong sự tách biệt hóa cần thiết từ nội dung lớn.

“Quy tắc thứ ba – tính trình tự của tự duy. Theo Descartes, cần phải bắt đầu
việc nghiên cứu từ những sự vật đơn giản nhất, dễ nhận biết nhất, dần dần đi đến
nghiên cứu những sự vật và hiện tượng phức tạp hơn. Descartes bổ sung thêm: Toàn
bộ phương pháp là ở trình tự và vị trí các sự vật mà lý trí cần hướng đến để tìm ra một
chân lý nào đó. “Chúng ta kiên trì sử dụng nó, nếu dần dần đưa đƣợc những cái rối
rắm và mơ hồ về những cái đơn giản, rồi sau đó, xuất phát từ sự lý giải những cái đơn
giản nhất, cố gắng đi tới sự nhận thức những cái khác”” (Đinh Ngọc Thạch & Doãn
Chính, 2018, tr.699).

“Quy tắc thứ tư – lập bảng liệt kê đầy đủ, đánh giá tổng quan các sự kiện, các
phát minh, giải thiết, hệ thống, để chắc chắn rằng không có điều gì chúng ta bỏ qua”
(Đinh Ngọc Thạch & Doãn Chính, 2018, tr.699).

Như vậy, quy tắc số một được xem là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong sự tìm kiếm
chân lý, còn các quy tắc sau liên quan đến phương pháp làm việc khi tìm kiếm chân lý.
Chúng chỉ ra cách bắt đầu một công việc bằng phân tích cái khó khan, rắc rối và phức
tạp thành những yếu tố đơn giản và dễ nhận định hơn, lược qua các thành phần, các
yếu tố, luôn phải đi từ những điều đơn giản và dễ biết hơn, rồi dần dần đến những yếu
tố cao hơn và sâu hơn sẽ đạt những chân lý khó nhất và phức tạp nhất. Tuy nhiên, sau
khi đã phân tích trong công việc tìm kiếm chân lý, chúng ta phải luôn có cái nhìn tổng
6

quan, toàn diện để không bỏ sót dù là một thành phần hay một yếu tố nhỏ nào của đối
tượng nghiên cứu.

Ở phương pháp luận của Descartes, khái niệm trực giác chiến vị trí đặc biệt.
Descartes hiểu trực giác “không phải là bằng chứng phù du của các giác quan, cũng
không phải phán đoán sai lạc bắt nguồn từ cấu trúc sai lầm của trí tưởng tượng, mà
chính là sự quan niệm do một tinh thần minh mẫn và chăm chú mang lại cho ta một
cách sẵn sàng và phân minh đến mức ta hoàn toàn thoát khỏi sự hoài nghi về điều ta
nhận thức, hay, cũng đồng nghĩa như thế, trực giác chính là sự quan niệm không chút
hoài nghi của một tinh thần minh mẫn và chăm chú, bắt nguồn từ ánh sáng của riêng
mình lý tính mà thôi”1. “Khái niệm bền vững của trí tuệ rõ ràng, nghiêm túc, phân
minh, chỉ được tạo ra bởi ánh sáng tự nhiên của lý trí và nhờ tính chân thực của mình
mà tỏ ra chính xác hơn cả suy diễn” (Đinh Ngọc Thạch & Doãn Chính, 2018, tr.700).

Suy diễn – deduction khác với trực giác bởi tính gián tiếp khi nêu ra chân lý.
Điều cơ bản làm cho trực giác trở thành trực giác trí tuệ, là do nó đóng vai trò là điểm
xuất phát đối với chuỗi suy diễn, đối với việc rút ra một khái niệm từ khái niệm khác.
Do chỗ hiện thực là chuỗi các quan hệ của các sự vật, hiện tượng, các quan hệ tuân thủ
các quy tắc của “toán học phổ quát”, nên sự nhận thức các quan hệ đó được thể hiện ở
chuỗi suy diễn của các phán đoán. Mỗi trực giác nhất định tạo nên điểm bắt đầu của
một trong những chuỗi ấy. Một đặc tính quan trọng của suy diễn là tính liên tục. Để
thành công trong lập luận suy diễn cần có một trí nhớ mà nhờ đó ta liệt kê được các
khâu của suy diễn. Ưu thế của trực giác so với suy diễn là tính trực tiếp, không đòi hỏi
một cường độ ghi nhớ nào, tuy nhiên sau đó phải có suy diễn tiếp theo thì mới nêu bật
được nội dung cốt lõi của nó. Trực giác và suy diễn thống nhất với nhau theo nghĩa
này.

Phương pháp đặc thù và điển hình để chống lại chủ nghĩa giáo điều đó chính là
phương pháp hoài nghi và đây cũng chính là chỗ dựa cho phương pháp duy lý của ông
nhầm nhấn mạnh tính phân minh và xác thực của tri thức. Trong nhận thức, con người
phải xuất phát từ sự nghi ngờ, nghi ngờ tất cả những gì đã được coi là chân lí. Nghi
ngờ, trong quan niệm của Descartes, chỉ là một phương tiện, một biện pháp có khả
1
. Cái Tôi tư duy (Cogito) trong triết học Descartes. Truy xuất từ: http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-
hoc/nhan-thuc-luan-khoa-hoc-luan/cai-toi-tu-duy-cogito-trong-triet-hoc-descartes_891.html
7

năng ngăn ngừa những kết luận vội vàng, không có cơ sở khoa học chứ không phải là
thay thế những kết luận ấy. Nghi ngờ là khả năng của tư duy, của tự ý thức, là nguồn
gốc chân thực của tri thức, là phương thức con người phát triển nhận thức. Nghi ngờ
để tránh giả định một cách dứt khoát về cái gì đó khi chỉ mới có thí dụ, thói quen về nó
đã tin nó là chân lí. Nghi ngờ để nhận thức, tự ý thức con người “được giải thoát khỏi
những sai lầm” mà vì sai lầm đó “làm lu mờ cái ánh sáng tự nhiên” của con người, làm
cho con người ít có khả năng chú ý đến tiếng nói của trí tuệ. Điểm xuất phát của khoa
học chân chính phải là sự nghi ngờ phổ biến, nghi ngờ để không mắc phải sai lầm
trong quá trình nhận thức. Hoài nghi là một sức mạnh phổ biến và to lớn mà không
một cái gì có thể tránh được. Trong nỗi sợ hãi khi đối diện với nó thì bất kỳ người nào
làm công việc tìm kiếm tri thức cũng cố gắng bảo vệ tri thức. Chính vì vậy, đa số học
thuyết đều tìm kiếm sự bảo vệ dưới bóng của uy quyền hay của các hình thức tổ chức
khác nằm ngoài khoa học. Nhưng Descartes lại không muốn cam chịu tình hình như
vậy, vì nó sẽ làm cho người có tư duy độc lập phải sợ hãi. Theo ông, các chân lý toán
học không cần đến chỗ dựa ở bên ngoài, chúng đã được bao hàm trong năng lực chung
của mọi người là năng lực nhận biết, hiểu, lĩnh hội. Chân lý mọi người tiếp cận tới sẽ
được sáng tỏ dưới những tia chiếu của nó. Tức là về nguyên tắc có thể tri thức không
cần ẩn náu phía sau các thế lực bảo vệ. Nếu thực có thì nó phải có những đặc điểm
sau: không phụ thuộc vào thói tùy tiện của con người, mang tính khách quan, dễ tiếp
cận với bất kỳ người nào có trí tuệ thông thường. Ông cho rằng, con người có thể hoài
nghi mọi thứ, trong thế giới hoài nghi vẫn có một ốc đảo nhỏ đó là niềm tin của mỗi
người vào sự tồn tại của bản thân mình. Nếu thiếu niềm tin này thì không những không
thể làm một việc gì đó mà còn không thể sống. Bản thân sự hoài nghi cũng trở nên
không thể. Mặt khác, nếu tôi đang hoài nghi thì dẫu sau cũng là tôi đang tồn tại. Tôi
hoài nghi nghĩa là tôi đang tư duy, đang suy nghĩ. Nó hình thành cơ sở tối hậu cho tính
xác thực của tri thức nhờ chỉ ra rằng, có thể chứng minh hay bác bỏ sự tồn tại của một
cái gì đó bằng cách dựa vào sự kiện tư duy. Nói chính xác hơn, sự kiện tư duy chính là
cái mà ta không thể đi xa hơn trong ý định tìm kiếm một cái gì đó đáng tin cậy xác
thực. Sự hoài nghi của ông không phải là sự phủ định siêu hình mà là sự phủ định để
khẳng định có lựa chọn. phục hồi chân lý không phải đơn giản là quay về với cái cũ
mà phải vươn lên một bậc thang nhận thức mới, được trung gian hóa một cách hợp lý.
8

Ý nghĩa nhận thức luận của Descartes

Descartes mô tả con đường dẫn đến khám phá từ hệ thống đã hình thành, mô tả
bằng phương pháp đã phát triển nhờ đó đạt đến một số kết quả. Descartes đã nỗ lực
giải quyết vấn đề cuối cùng bằng lý luận. Ông chấm dứt những quan niểm của các triết
gia trước đó, ông không tin rằng những quan niệm về triết học của các triết gia trước
đây là những gia bảo. Ông phá đổ những gì của nền triết học cổ đại, ông đã xây dựng
cái mới trên một cái nền mới hoàn toàn. Ông mở đầu cuộc cách mạng triết học mới và
Immanuel Kant là người kết thúc tư tưởng triết học của ông. Kant đã đi theo Chủ
nghĩa lý tưởng, chủ nghĩa ấy là một học thuyết cho rằng hiện thực là hoàn toàn giới
hạn bởi đầu óc của chúng ta. Mặc dù nó phụ thuộc vào quan điểm của Réne Descartes
rằng những gì có trong đầu chúng ta được biết trước những điều được biết thông qua
các giác quan.

Descartes đã bắt đầu bằng một nguyên lý mà ông nghĩ là không thể bắt bẻ hiệu
quả được: “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”. Từ tính chất chắc chắn do sự hiện hữu của hữu
thể tư duy, ông tiến hành xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh về kiến thức, ông đã lần
bước tới sự hiện hữu của Thượng đế. Ông biện hộ cho sự hiện hữu ấy bằng cách đưa ra
bằng chứng dựa trên luận cứ mang tính bản thể luận của Anselm và bằng chứng dựa
trên nguyên nhân đệ nhất, cái chắc chắn tạo ra trong người tư duy ý tưởng về Thượng
đế. Như thế, trong khi đạt tới sự hiện hữu của Thượng đế, Descartes cũng với tới thực
tại của thế giới vật lý thông qua Thượng đế. Do đó, thế giới ngoại tại mà chúng ta đang
tri giác phải hiện hữu. Như thế, Descartes rơi trở lại sự chấp nhận là thật những cái
được chúng ta tri giác một cách rõ rệt và riêng biệt. Và ông nghiên cứu thế giới vật
chất bằng cách tri giác các nối kết của nó. Ông nhìn thế giới vật chất như có tính máy
móc chủ nghĩa, hoàn toàn cách ly với tâm trí, cái độc nhất nối kết giữa hai hữu thể
bằng sự can thiệp của Thượng đế. Tới ngang đây, quan điểm của Descartes gần như
hoàn toàn mang tính nhị nguyên luận. Tuy nhiên, triết học Descartes đánh dấu một
bước ngoặc của tư tưởng con người đối với vũ trụ, đối với trời đất và chính mình.
Descartes đã thay đổi quan điểm triết lý về thiên nhiên bằng triết lý về tinh thần.
Những gì về thiên nhiên, về hoạt động khoa học như toán học, vậy lý là phạm trù của
khoa học, chỉ có tinh thần là thuộc về triết học mà thôi. Các triết gia xưa đã đưa toán
9

học, vật lý học và tinh thần là phạm trù của triết học nhưng đến thời của Descartes thì
triết học chỉ là tinh thần chứ không có toán học và vật lý học nữa và nó không còn là
phạm trù của triết học. Descartes đã gặt bỏ những điều trước đây và bắt đầu hình thành
triết học con người hay triết học tinh thần. “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”, quan điểm của
ông đã thu hút được những triết gia như Baruch Spinoza, Gottfried Leibniz và
Christian Wolff.

Kết luận

Chủ nghĩa duy lý trong học thuyết Descartes được sử dụng để nêu đặc trưng
cho định hướng nhận thức luận và phương pháp luận. Chủ nghĩa duy lý trong lịch sử
triết học còn có cách hiểu là một trào lưu tư tưởng lý luận rộng lớn, thể hiện các quan
điểm, các nhu cầu, tâm trạng xã hội của các giai cấp, các tầng lớp và các nhóm xã hội
xác định ở một giai đoạn phát triển xã hội cụ thể. Từ đó, người ta đã xây dựng phương
pháp luận để định hướng con người trong hoạt động thực tiễn và trong hoạt động nhận
thức. Chủ nghĩa duy lý thường được gắn liền với nguyện vọng về tư tưởng của các lực
lượng tiến bộ trong xã hội. Đặc trưng của nó là ca ngợi cá nhân con người như một
thực thể tích cực, tự do và bình đẳng, là niềm tin vào các khả năng vô tận của con
người trong nhận thức và cải tạo giới tự nhiên. Đề cao tư duy tự do lựa chọn biểu hiện
đặc trưng cho triết học thời đại Khai sáng. Những chuyển biến trong quan hệ xã hội và
trong ý thức xã hội đã trở thành điều kiện để giải phóng trí tuệ, giải phóng tư duy con
người khỏi hệ tư tưởng tôn giáo, phong kiến, để hình thành một thế giới quan mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Đinh Ngọc Thạch & Doãn Chính (Chủ biên). (2018). Lịch sử triết học
phương Tây. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.

2. Trần Thái Đỉnh. (2018). Triết học Descartes. Hà Nội: NXB Văn học.

3. Nguyễn Trọng Nghĩa. (2021). Slide bài giảng Lịch sử triết học phương Tây
từ slide 83 đến slide 96.

4. Cái Tôi tư duy (Cogito) trong triết học Descartes.


10

Truy xuất từ:http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/nhan-thuc-


luan-khoa-hoc-luan/cai-toi-tu-duy-cogito-trong-triet-hoc-
descartes_891.html. Truy cập ngày: 27/10/2021.

You might also like