You are on page 1of 4

Nhắc đến Nguyễn Du, người ta nhớ đến ông là một đại thi hào của dân

tộc, một danh nhân văn hóa thế giới, và hơn cả là một người có quan điểm tư
tưởng tiến bộ bậc nhất trong xã hội phong kiến đương thời. Chính những điều
ấy đã hình thành nên một giọng văn, phong cách sáng tác đặc thù của ông. Và
đúc kết từ những điều ấy chính là tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” tác giả đã
phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi
khổ đau, bất hạnh của con người đặc biệt là người phụ nữ với bao cay đắng tủi
nhục. Đặc biệt đoạn trích “Trao duyên” với mười tám câu đầu đã diễn tả bi kịch
tình yêu đầy xót xa trước cảnh Thúy Kiều phó mặc lại mối duyên với những kỉ
vật cho em mình khiến ta không khỏi tiếc thương.
Ngay từ những vần thơ đầu Nguyễn Du đã khắc họa khung cảnh trao
duyên thấm đẫm nước mắt:
“Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.”
Thúy Kiều đã dùng những lời lẽ chân tình nhất để nói chuyện với Vân.
Chữ “cậy” được sử dụng thay vì “nhờ” mang một âm điệu nặng nề, Kiều như
muốn gửi gắm tất cả lòng tin, lòng hy vọng vào Vân cũng như thể hiện nỗi khó
xử trong lòng mình. Tiếp đến, việc sử dụng từ “chịu” thay vì “nhận” càng thể
hiện rõ sự tinh tế của Kiều, dường như Kiều đã đặt mình vào vị trí của Vân và
thấu hiểu rằng Vân cũng khó lòng chấp nhận mối duyên này. Nó gợi lên sự thiệt
thòi của Thúy Vân khi vốn dĩ Kim Trọng và Thúy Vân không có tình cảm với
nhau, hơn nữa Kim Trọng còn là tình lang cũ của chị gái. Nhà văn Trương Nam
Hương cũng từng viết về những tâm sự của nàng Thúy Vân lúc bấy giờ:
“Lấy người yêu chị làm chồng
Đời em thể thắt một vòng oan khiên”
Không chỉ dừng lời ở lời nói, Kiều còn có những hành động lễ nghi “lạy”
và “thưa”. Trong xã hội phong kiến xưa thì đây là hành động của những người
bề dưới đối với người bề trên nhưng cái “lạy” của Thúy Kiều là hành động giữa
người chịu ơn đối với người ban ơn, là lẽ thường tình. Như vậy, chỉ với hai câu
thơ đầu Nguyễn Du đã thành công trong việc sử dụng ngôn từ cũng như xây
dựng vẻ đẹp phẩm chất của Kiều là một con người thấu lí đạt tình, hiểu cho
người khác dẫu trong hoàn cảnh khó khăn nhất.
Sau lời dạo đầu, Kiều tiếp tục thuyết phục em qua mối duyên tình dang
dở của mình và bày tỏ lí do trao duyên:
“Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai”
Hình ảnh “gánh tương tư” thật giàu hình ảnh gợi cho ta nhiều liên tưởng.
“Tương tư” để diễn tả tình yêu trai gái tha thiết, mặn nồng với nỗi nhớ da diết,
khắc khoải không thôi. Dẫu vậy Nguyễn Du đã dùng thành ngữ “Đứt gánh
tương tư” để bộc tả một mối tình tan vỡ vô cùng đột ngột. Trước mối tình tan vỡ
bất ngờ, Thúy Kiều chỉ đành nhờ em hãy làm “keo loan”, một thứ máu của loài
chim, để chắp lại “mối tơ thừa”. Hai từ “tơ thừa” có nghĩa là “tơ duyên”, một tơ
duyên đã đứt. Cụm từ “mặc em” đã cho thấy sử ủy thác hoàn toàn của Kiều vào
em để níu mối duyên này. Mặc dầu đau đớn xót xa vì bi kịch tình yêu , Kiều ý
thức được tâm trạng của Vân nên không kể lể nhiều mà chỉ tóm gọn câu chuyện
của mình qua hình ảnh “quạt ước”, “chén thề” với phép tiểu đối ngày-đêm để
điểm mạnh lời thể nguyện giữa nàng với Kim Trọng. Hơn vậy, việc kết hợp
phép điệp từ “khi” càng làm tăng thêm sự lưu luyến của nàng về mối tình. Ta
cũng có thể bắt gặp được chữ “khi” diễn tả sự tan vỡ ấy trong Truyện Kiều của
Nguyễn Du:
“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa”
Vì vậy đối với Thúy Kiều đây là việc hệ trọng khiến nàng day dứt và
trắng đêm suy nghĩ không thôi. Kiều càng đặt tình cảm của mình cho mối tình
này thì tâm tư, nguyện vọng dành cho Vân càng nhiều. Rồi nàng kể về lí do bắt
đắc dĩ phải chia lìa tơ duyên. Cụm từ “sóng gió” gợi cho ta về những tai ương
sẽ ngập đến với một con người tài sắc vẹn toàn như Thúy Kiều. Mối tơ duyên
đứt mới chỉ là khởi đầu trong cơn tai ương mà nàng sắp phải đi qua. Sống trong
một xã hội đồng tiền, Thúy Kiều muốn cứu cha khỏi bọn sai nha chỉ có thể đau
đớn bán thân mình đi nhưng nàng đã thề ước nguyện chung sống với Kim
Trọng. Thúy Kiều đứng giữa chữ “hiếu” và “tình” để rồi cuối cùng nàng chọn
chữ “hiếu” làm đầu vì nàng không cho phép bản thân vô ơn trước bậc sinh
thành. ,còn chữ “tình” nàng đành cậy lại vào Vân. Cụm từ hiếu tình – vẹn hai đã
diễn tả sự bế tắc, kh1o xử của Kiều khi phải đưa ra lựa chọn. Qua đó, Kiều hiện
lên với phẩm chất của một người con vừa hiếu thảo, vừa có trách nhiệm sâu sắc.
Kiều không chỉ dùng câu chuyện tình yêu để lay động em gái, Kiều còn
dùng tình và lý để thuyết phục Vân đồng ý:
Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ, thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”
Kiều lấy “Ngày xuân” là phép ẩn dụ tượng trưng cho tuổi trẻ cũng có thể
coi là sự trong trắng tinh khôi. Với Vân ngày tháng tuổi trẻ vẫn còn rộng, còn
dài nhưng với Kiều nàng đã phải bán mình chuộc cha chẳng khác nào bán đi
chính tuổi xuân, hạnh phúc của đời mình. Hơn nữa, nàng dựa vào chữ “xót”
mang đậm sắc thái tình máu mủ mong em hãy giúp mình. Sau cùng nàng còn
viện cả cái chết của mình để nói lên sự toại nguyện nếu Vân nhận lời. Qua đó, ta
cảm nhận được lời trao duyên như đã hóa thành lời trăng trối, là ước nguyện
cuối cùng của người trao. Kiều đã thuyết phục Vân bằng cả Lý Sự Tình, từng
lời nói của nàng điềm tĩnh, rạch ròi song cũng chất chứa bao đau đớn giằng xé
chua xót. Qua hình ảnh Thúy Kiều, Nguyễn Du cũng muốn tố cáo xã hội vì
đồng tiền có sức mạnh vạn năng chi phối và đày ảo con người đến đường cùng.
Nói xong lời thỏa nguyện bình sinh và hàm ơn đối với em, Kiều trao lại
kỷ vật cho em:
“Chiếc vành với bức tờ mây
Duyên này thì giữ vật này của chung.
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”
Hoài Thanh viết: “Của chung là của ai? Bao nhiêu đau đớn trong hai
tiếng đơn sơ!” Biết bao giằng xé, đau đớn, chua chát trong hai chữ “của chung”
đầy phi lí ấy”. “Tờ mây”, “chiếc vành”, “phím đàn”, “mảnh hương nguyền” là
những hình ảnh ước lệ tượng trưng mang một ý nghĩa sâu nặng và thiêng liêng.
Kiều trao kỉ vật cho em mà tim thắt lại, lý trí muốn trao gửi mà con tim giằng
xé, tiếc nuối. Chỉ đến khi cầm kỷ vật trao đi cho kẻ khác, người ta mới thật sự
rơi vào hụt hẫng. Nỗi mất mát ấy mới thật sự khiến cho con người thấy trống
hoang cả cõi lòng. Một tình yêu êm đềm dịu ngọt xưa kia, giờ chỉ còn là nỗi đau
chia lìa đôi ngả. Bắt đầu từ giây phút này, cùng với kỷ vật này, chàng Kim sẽ
vĩnh viễn thuộc về người khác. Ngẫm lại quãng thời gian đã qua Kiều thương
thay thân mình, cho rằng mình là người “mệnh bạc”, cái chết vẫn luôn thường
trực đau đáu trong suy nghĩ của nàng. Kiều đã thuyết phục Vân bằng cả Lý Sự
Tình, từng lời nói của nàng điềm tĩnh, rạch ròi song cũng chất chứa bao đau đớn
giằng xé chua xót. Qua hình ảnh Thúy Kiều, Nguyễn Du cũng muốn tố cáo xã
hội vì đồng tiền có sức mạnh vạn năng chi phối và đày ảo con người.
Ngày nay phụ nữ Việt Nam vẫn giữ những vẻ đẹp phẩm chất như nàng
Thúy Kiều. Họ đóng góp một phần không nhỏ vào việc bảo tồn, gìn giữ, phát
huy những giá trị bản sắc của dân tộc ta từ thế hệ này qua thế hệ khác. Sự đóng
góp thầm lặng ấy đã dần kết tinh thành những phẩm chất đạo đức tuyệt vời của
người phụ nữ Việt Nam. Đó là hình ảnh người phụ “nữ giỏi việc nước, đảm việc
nhà”. Gác lại những bộn bề, bận rộn trong công việc cơ quan, trở về gia đình là
người vợ đảm đang, hiền thảo, tháo vát, người mẹ mẫu mực luôn chăm lo vun
đắp cho hạnh phúc gia đình. Qua đó ta thấy vẻ đẹp phẩm chất người phụ nữ qua
thời gian ngày càng hoàn thiện, khẳng định vai trò không chỉ trong đời sống mà
còn trong mọi lĩnh vực của xã hội.
Nguyễn Du đã kết hợp tài tình thể thơ lúc bát của dân tộc rất giàu nhạc
tính cùng với cách ngắt nhịp đầy dụng ý đã tạo nên nhịp điệu của tâm trạng, của
những nỗi đau đớn trong suy nghĩ của Kiều khi trao duyên. Bên cạnh đó, các
biện pháp ẩn dụ, điệp từ, vận dụng nhuần nhuyễn các thành ngữ, điển tích đã
khắc họa thành công vẻ đẹp phẩm chất cũng như tâm lí phức tạp, giằng xé, đau
khổ của Kiều.
Tản Đà từng nhận xét: “Trong cả quyển Kiều, văn tả tình không mấy
đoạn dài hơn như đây. Đoạn này thật lâm ly mà như thế mới hết tình sự”. Qủa
vậy với mười tám câu đầu đoạn trích “Trao duyên”, Nguyễn Du đã khắc họa
được bi kịch tình yêu đầy đau xót nơi Thúy Kiều. Bằng cái nhìn sâu sắc cùng
khả năng sử dụng từ, các phép nghệ thuật điêu luyện của Nguyễn Du đã khiến
cho vẻ đẹp cũng như nỗi đau của Kiều khắc họa rõ nét nhất. Qua đó cũng thể
hiện tiếng nói nhân đạo của nhà thơ khi lên tiếng tố cáo chế độ xã hội vì đồng
tiền nên đã đẩy người phụ nữ rơi vào những bi kịch. Đoạn thơ trên đã góp một
phần không nhỏ vào sự thành công của đoạn trích “Trao duyên” nói riêng và tác
phẩm “Truyện Kiều” nói chung, đồng thời nó cũng tạo nên được những dư âm
khó phai mờ trong lòng bạn đọc.

You might also like