You are on page 1of 5

Tự Tình – Hồ Xuân Hương

"Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỉ,


Một đôi người u uất nỗi chơ vơ."
(Phương xa – Vũ Hoàng Phương)

Qua bao kiếp đoạn trường, bao cuộc bể dâu của thời đại, ý thức về nỗi "chơ vơ" ấy đã manh nha
khởi phát trong lòng những kẻ mang trên mình duyên nợ với văn chương. Ta từng biết đến một bà
Huyện Thanh Quan khắc khoải hoài vọng về một thời vàng son quá vãng, từng lắng nghe tiếng thở
than não nề tâm can cho thế cục nhân sinh của Nguyễn Trãi. Và, giờ đây, ta chạnh lòng trước tiếng
thét bi phẫn đầy uất hận của Hồ Xuân Hương khi nếm trải bi kịch: Tình duyên chỉ là trò đùa của con
tạo. Với lẽ đó, Hồ Xuân Hương hơn ai hết thấu hiểu tiếng lòng cùng khổ đau của những số kiếp bé
mọn để rồi cất lên tiếng nói cảm thương sâu sắc đồng thời thể hiện thái độ trân trọng, đề cao khát
vọng của họ. Và bài thơ “Tự tình” (II) đã thể hiện toàn bộ cung bậc cảm xúc ấy một cách chân thật
nhất.
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trang bóng xế khuyết chưa tròn.
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!”

“Tự tình II” nằm trong chum thơ “Tự tình” của Hồ Xuân Hương. Chùm thơ bộc lộ tâm sự của một
người phụ nữ đa đoan luôn khát khao hạnh phúc nhưng luôn gặp những điều bất hạnh. Hiện lên
trong chùm thơ là những người phụ nữ đằm thắm, cá tính mãnh liệt nhưng không thiếu sự dịu dàng,
yếu đuối của nữ tính. “Tự tình II” được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú đường luật. Nhưng điều
đặc biệt ở đây là bài thơ không viết bằng chữ Nôm mà viết bằng chữ Hán. Bà đã “Việt hóa” thể thơ
của người Hoa để bộc lộ suy nghĩ của người Việt, tâm hồn của người Việt. Đúng như giáo sư Lê Trí
Viễn từng nói: “Dưới ngòi bút của Hồ Xuân Hương, Đường luật mất hẳn cốt cách quý tộc mà ngoan
ngoãn cung hiên vần điệu tương xứng của mình cho và sử dụng theo ý muốn.
Hai câu thơ đầu mở ra một không gian của đêm buông tĩnh mịch, và trước cái đêm tĩnh lặng ấy
cái tình của người phụ nữ mới bắt đầu chiếm lấy không gian ấy để mà thổn thức một mình:
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.”
Câu thơ nói đến thời gian nhưng cũng lại gợi được cái không gian rợn ngợp. Thời gian – không
gian đối lập với con người nhỏ bé, cô đơn. Khi màn đêm buông xuống cũng là thời điểm con người
cảm giác rõ nhất sự cô đơn. Một mình đối diện với đêm khuya, khi tất cả mọi âm thanh của cuộc
sống đã lắng lại, đã lùi lại cả phía sau, người phụ nữ đa đoan ấy càng thấm thía nỗi buồn. Cái âm
thanh “văng vẳng” của tiếng trống canh không làm cho đêm bớt tĩnh lặng, mà ngược lại nó làm cho
đêm sâu hơn, vắng hơn và lòng người buồn hơn. Tiếng trống canh dồn là nhắc nhở thời gian đang
bước từng bước lạnh lùng. Nhà thơ đã lấy động để mà tả tĩnh – một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc
của thơ ca trung đại. “Văng vẳng” vừa gợi âm thanh của tiếng trống điểm canh, vừa gợi sự mạnh mẽ
của đêm khuya. Một mình đối diện với đêm khuya vắng lặng đến cô tịch vốn đã dễ gợi nhiều tâm sự.
Ở đây, còn thêm sự cô đơn thì nỗi buồn hẳn càng dễ đến hơn.
Cụm từ “trống canh dồn”, tiếng trống thôi thúc, gấp gáp, liên hồi thể hiện bước đi dồn dập của
thời gian. Tiếng trống của tâm trạng – tâm trạng rối bời vì thời gian trôi qua nhanh có nghĩa tuổi xuân
của nhà thơ cũng trôi qua mau. Cách cảm nhận bước đi của thời gian qua tiếng trống điểm canh là
cách cảm nhận rất đỗi Á Đông. Đó là thời gian tâm lí thấm đẫm chất trữ tình. Mở đầu bài thơ, ta đã
cảm nhận được nỗi buồn man mác len lỏi trong từng câu chữ gợi ra từ sự tĩnh lặng trong đêm khuya.
Tiếng trống gợi sự bước đi của thời gian, gợi sự tàn phá và nó được nghe bởi người phụ nữ mang tâm
thức cô đơn. Không hian và thời gian đã được mở ra như thế, rất khéo léo và tài tình. Giữa cái nền
không gian rợn ngợp ấy hiên lên một hình ảnh thật bẽ bàng:
“Trơ cái hồng nhan với nước non”
Đêm khuya thanh vắng là lúc con người ta trở nên bé nhỏ và lạc lõng vô cùng khi giường đơn gối
chiếc đối diện với chính mình mà cảm thấy “trơ”. “Trơ” ở đây là trơ trọi, là cô độc chỉ có một mình,
được đặt ở đầu câu càng nhấn mạnh nỗi đau, sự bất hạnh của một người phụ nữ có “hồng nhan”. Ấy
là chỉ cái vẻ đẹp nhan sắc bên ngoài của người con gái “Thân em vừa trắng lại vừa tròn” nhưng cũng
là để nói đến cái phẩm hạnh “Tấm lòng son” bên trong. Chữ “cái” nhằm cụ thể hóa đối tượng diễn tả
“cái hồng nhan” cho thấy sự tủi hổ, bẽ bàng khi nhan sắc, đức hạnh của người phụ nữ bị coi rẻ, bị mỉa
mai. “Nước non” chỉ cả thế giới tự nhiên và xã hội bên ngoài. “Trơ” phải chăng cũng là sự thách thức
“nước non” của một con người có cá tính mạnh mẽ, táo bạo. Nó có cùng hàm nghĩa với chữ trơ trong
câu thơ sau của Bà Huyện Thanh Quan: “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”. Vì lắm đau buồn mà nét
mặt con người như trơ ra trước cảnh vật, trước mọi người như hóa đá không còn cảm giác. Nhịp thơ
chắc khỏe như gân lên ở đầu câu nhưng lại chùng xuống ở cuối câu như muốn ngân thêm mãi cảm
giác bẽ bàng. Bằng những từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm cùng biện pháp đảo ngữ và cách ngắt nhịp
đặc biệt, bất thường, hai câu đầu đã gợi lên tâm sự của nhà thơ – nữ sĩ Hồ Xuân Hương cùng nỗi lẻ loi
cô đơn trước nhận thức về số phận hồng nhan bạc phận.

Hai câu thực là lựa chọn của tác giả khi sầu tìm đến rượu, bà muốn mượn chút hương nồng để
quên đi nỗi buồn nhưng càng uống lại càng tỉnh lại càng đau, nỗi buồn không nguôi trong vòng xoáy
luẩn quẩn:
“Chén rượu hương say đưa lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.”
Nhân vật trữ tình mượn rượu để tìm quên nhưng say rồi lại tỉnh. Tỉnh là tỉnh rượu nhưng cũng lại
là tỉnh trước hiện thực bẽ bàng. Cụm từ “say lại tỉnh” gợi cái vòng luẩn quẩn: buồn – mượn rượu để
tìm quên – nhưng tỉnh rượu, nỗi buồn lại nhân lên gấp bội phần. Nỗi niềm chất chứa đã thấm dần và
lan vào cảnh vật, quả thực:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Câu thứ tư mới là câu tả thực, câu thơ gợi ra nguyên nhân của sự bẽ bàng:
“Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”
Xưa nay, vầng trăng tròn đầy vốn tượng trưng cho sự viên mãn của hạnh phúc lứa đôi. Nhưng ở
câu thơ này, nó lại là một sự khao khát. Niềm khát khao của bất kì người phụ nữ nào trên thế gian
này, khát khao hạnh phúc, khát khao thoát khỏi nỗi cô độc, lẻ loi. Không thể nói rằng cả hai lần làm lẽ,
Hồ Xuân Hương đều không hạnh phúc. Nàng chỉ tiếc hạnh phúc lứa đôi đã có những lúc tròn đầy
nhưng sao giờ “xế bóng” mà lại không viên mãn, hạnh phúc sao không trọn vẹn. Câu thơ không đơn
giản thế, không chỉ là nỗi buồn của riêng Xuân Hương vì chuyện hạnh phúc lứa đôi dang dở, nỗi buồn
của nhân vật trữ tình là nỗi buồn chung, đó là nỗi khát khao một hạnh phúc vẹn tròn. Nghệ thuật đối
“say – tỉnh, khuyết – tròn” trong hai câu thơ thật tài tình, đăng đối, hô ứng nhau cùng nhau làm nổi
bật lên thân phận của một khách hồng nhan bạc mệnh tài hoa mà phải chịu cảnh dang dở. Nguyên do
ấy là vì đâu? Phải chăng như Nguyễn Du đã từng nói về “Tài mệnh tương đố”, vì “Trời xanh quen thói
má hồng đánh ghen”.

Sự khác biệt lớn nhất thể hiện bản lĩnh của Hồ Xuân Hương là ở nữ sĩ, phẫn uất bao giờ cũng đi
liên với phản kháng. Hai câu thơ luận chính là hai câu nói lên cái bản lĩnh ấy của Hồ Xuân Hương:
“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.”
Hai câu thơ tả cảnh được cảm nhận qua tâm trạng cũng như mang theo nỗi niềm phẫn uất của
con người. Nghệ thuật đảo ngữ và đối tạo nên sự sinh động và cảnh đầy sức sống. Một sức sống nhờ
tài quan sát của bà như quẫy đạp, cựa mình. Cảnh này chỉ có thể là cảnh của "Bà chúa thơ Nôm" chứ
không phải của ai khác. Rêu vốn là loài cây mềm mại, nhỏ bé nhưng dưới con mắt của tác giả những
đám rêu tưởng nhỏ bé, yếu đuối đó lại “xiên ngang mặt đất” mà trỗi dậy tìm sự sống; hòn đá tưởng
chừng như chỉ đứng bất động trước sự chảy trôi của thời gian lại có thể “đâm toạc chân mây”. Dưới
con mắt của Hồ Xuân Hương tất cả các sự vật tưởng như bất động, không có sự sống lại được tác giả
cấp cho sức sống tràn trề, mạnh mẽ. Nhưng không dừng lại ở đó hình ảnh những sự vật đó kết hợp
với cụm từ “xiên ngang” “đâm toạc” đã cho thấy sự bứt phá, không cam chịu số phận đau khổ, tủi
hèn của nhân vật trữ tình. Đặt trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ khi người phụ nữ luôn được giáo dục
với tinh thần cam chịu, nhẫn nhục, an phận thủ thường thì câu thơ mang nhiều ý nghĩa tích cực, tiến
bộ. Người phụ nữ trong bài thơ không chấp nhận số phận mà bộc lộ niềm khao khát tình yêu, hạnh
phúc, mở ra khả năng đấu tranh để đạt được tình yêu hạnh phúc về cho chính mình. Bà căm ghét cái
kiếp làm lẽ mà thốt lên rằng:
“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”
Phản ứng của bà tuy mạnh mẽ, dữ dội nhưng thực tại vẫn đắng cay, chua chát. Hồ Xuân Hương
sống vào khoảng thời gian cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX. Đây là thời kì mà chế độ phong kiến Việt
Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, mâu thuẫn xã hội ngày càng trở nên sâu sắc. Sống
trong một xã hội “trọng nam khinh nữ” với chế độ đa thê nhà thơ muốn cất lên tiếng nói nhằm đấu
tranh cho nữ giới, đòi quyền bình đẳng, muốn được sống, được yêu thương và có được cuộc đời
hạnh phúc. Nhưng việc ấy không hề dễ dàng bởi chính bản thân bà vẫn đang phải chịu số phận éo le,
ngang trái.

Số phận của thi sĩ cũng chính là số phận của biết bao những người phụ nữ trong xã hội xưa.
Chính điều đó đã khiến cho Nguyễn Du phải khóc than cho thân phận của nàng Tiểu Thanh, nàng Kiều
và những người phụ nữ như Hồ Xuân Hương:
“Đau đớn thay thân phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

Hai câu kết nói về tận cùng của sự đau khổ, chán chường, buồn tủi tác giả thương cho thân cho
phận của chính mình:
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con!”
Đến hai câu kết, Hồ Xuân Hương đã bộc bạch hết nỗi cay đắng của đời người. “Ngán” là ngán
ngẩm với nỗi đời éo le, với vòng xoáy của số phận. Từ “xuân” nay mang hai nghĩa, vừa là mùa xuân,
vừa là tuổi xuân. Mùa xuân qua đi rồi lại trở lại với thiên nhiên, với muôn nghìn cây cỏ, hoa lá. Nhưng,
với con người thì tuổi xuân qua là không bao giờ quay trở lại. Hai từ “lại” trong cụm từ “xuân đi xuân
lại lại” cũng mang hai ý nghĩa khác nhau. Từ “lại” thứ nhất nghĩa là thêm lần nữa, từ “lại” thứ hai
nghĩa là trở lại. Sự trở lại của mùa xuân đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi xuân. Thủ pháp nghệ thuật
tăng tiến, nhấn mạnh vào sự nhỏ bé dần, làm cho nghịch cảnh càng éo le hơn. “Mảnh tình” đã bé lại
phải “san sẻ” thành ra ít ỏi, chỉ còn “tí con con” nên càng xót xa, tội nghiệp. Câu thơ kết thúc trong
nỗi xót xa, mỉa mai đến tội nghiệp của “cái hồng nhan” trong xã hội phong kiến xua. Câu thơ là nỗi
lòng của người phụ nữ vừa đau buồn vừa thách thức duyên phận, gắng gượng nhưng vẫn rơi vào bi
kịch. Vì vậy, ý nghĩa nhân văn của bài thơ càng sâu sắc, thấm thía hơn.
Trái tim Xuân Hương đã thức giấc để đập nhịp cùng những tâm hồn của người phụ nữ. Hồ Xuân
Hương đối với văn học là quá khứ, nhưng bài học và những cảm xúc mà bà mang lại cho thế hệ ngày
nay vẫn tồn tại, hiện hữu. Đó là bài học về sự vượt qua khó khăn, chiến thắng đau khổ. Cuộc đời nữ sĩ
Xuân Hương đã hai lần chồng và đều thất bại, nhưng trong tim bà vẫn giữ nguyên nhịp đập hy vọng
về hạnh phúc và tình yêu.
“Tự tình II” là bài thơ tự than thân, tự bộc lộ, tự bày tỏ nỗi lòng của người phụ nữ lận đận tình
duyên nhưng luôn khao khát có được một tình yêu trọn vẹn, xứng đáng với tấm chân tình của mình.
Đặc sắc trong bút pháp của nữ sĩ cho thấy tài năng thi ca của tâm hồn, với việc sử dụng nghệ thuật lấy
động tả tĩnh, thủ pháp tả cảnh ngụ tình, dùng động từ mạnh kết hợp với đảo ngữ và các từ láy càng
làng cho bài thơ trở nên sâu sắc, thấm đẫm cái ý cái tình của người phụ nữ.
Những hình ảnh giản dị với tâm trạng uất ức, xót xa cho số phận hẩm hiu và cũng là bi kịch, khát
vọng hạnh phúc của Xuân Hương nói riêng hay chính người phụ nữ phong kiến nói chung. Bài thơ đã
truyền tải ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Dù sống trong hoàn cảnh cay nghiệt nhưng con người vẫn cố
gắng vươn lên, thay đổi số phận, mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tự tình II mà Hồ Xuân
Hương để lại sẽ vẫn có giá trị đến muôn đời. Quả thật, Xuân Hương rất xứng đáng với danh xưng “Bà
chúa thơ Nôm” khi đã để lại cho đời những áng văn bất hủ. Như nhà thơ Tế Hanh đã bình luận khi
đọc thơ Hồ Xuân Hương:
“Kính chào chị Hồ Xuân Hương,
Ôi một tài thơ cỡ khác thường.
“Xiên ngang mặt đất” câu thơ nhọn,
“Dê cỏn buồn sừng” chữ hóc xương.
Không chịu cam tâm làm phận gái,
Chế giễu nam nhi cả một phường.
“Bà chúa thơ Nom” ai sánh kịp,
Ra ngoài lề lối của văn chương”

You might also like