You are on page 1of 9

See discussions, stats, and author profiles for this publication at: https://www.researchgate.

net/publication/362013094

Chuẩn bị bản thảo bài báo khoa học trong lĩnh vực giáo dục theo cấu trúc
IMRaD

Article · April 2022

CITATIONS

1 author:

Cuong Huu Nguyen


Van Lang University
46 PUBLICATIONS   187 CITATIONS   

SEE PROFILE

Some of the authors of this publication are also working on these related projects:

Human resource development for higher education quality assurance systems View project

A Palgrave Macmillan Book on Quality Assurance in Vietnamese Higher Education View project

All content following this page was uploaded by Cuong Huu Nguyen on 15 July 2022.

The user has requested enhancement of the downloaded file.


TAÏP CHÍ LÍ LUAÄN - KHOA HOÏC GIAÙO DUÏC * BOÄ GIAÙO DUÏC VAØ ÑAØO TAÏO

Taäp 22, Soá ñaëc bieät 2


Thaùng 4/2022

ISSN 2354-0753
VJE Tạp chí Giáo dục (2022), 22(số đặc biệt 2), 76-80 ISSN: 2354-0753

CHUẨN BỊ BẢN THẢO BÀI BÁO KHOA HỌC TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC
THEO CẤU TRÚC IMRAD
Trường Đại học Văn Lang
Nguyễn Hữu Cương
Email: cuong.nguyenhuu@vlu.edu.vn

Article history ABSTRACT


Received: 04/3/2022 Undertaking scientific research and publishing results in reputable journals is
Accepted: 26/3/2022 one of the significant duties of every lecturer. However, many lecturers in
Published: 05/4/2022 Vietnamese universities have met difficulties in international publication.
One of the main reasons is that they have not been aware of how to prepare a
Keywords manuscript standardly. This study shows that the IMRaD structure is accepted
IMRaD structure, journal by journals in almost every field including education. Articles written
paper, science editing, according to this format eliminate unnecessary details and help them be
scientific publication, writing presented in a way that is easier to understand for readers. This paper is
article expected to help authors, particularly novice ones prepare their manuscripts
approaching international standards, which may increase the chance for their
papers to be published in reputable journals.

1. Mở đầu
Bài báo khoa học được viết theo định dạng IMRaD (phát âm tiếng Anh là /ˈɪmræd/), trong đó I - Introduction:
Đặt vấn đề, M - Methods: Phương pháp, R - Results: Kết quả, a - and: và, D - Discussion: Bàn luận đã trở thành cấu
trúc bài báo được sử dụng phổ biến nhất trong xuất bản khoa học. Lí do quan trọng nhất là cấu trúc IMRaD giúp tác
giả sắp xếp các ý tưởng và ghi nhớ các yếu tố quan trọng trong quá trình chuẩn bị bản thảo bài báo, nó giúp tổng biên
tập và người bình duyệt đánh giá bản thảo dễ dàng hơn, và nó cải thiện hiệu quả của nhà khoa học trong việc xác
định thông tin cụ thể mà không cần xem toàn bộ bài báo (Wu, 2011). Ngoài ra, bài báo được viết theo cấu trúc
IMRaD sẽ giúp độc giả (bao gồm cả Tổng biên tập tạp chí và các phản biện) dễ dàng xác định được các phần của bài
báo để họ quyết định sẽ đọc phần nào đầu tiên và phần nào cuối cùng. Thường thì không nhất thiết họ phải đọc từ
đầu đến hết bài báo theo thứ tự từng phần (Hartley, 1999). Tất nhiên, định dạng IMRaD chỉ áp dụng cho các phần
chính của bài báo. Một bài báo khoa học hoàn chỉnh cần có thêm: Tiêu đề (Title), Tác giả và đơn vị (Author and
affiliation), Tóm tắt (Abstract), Từ khóa (Keywords) (các phần này đứng trước Đặt vấn đề), Lời cảm ơn
(Acknowledgement), Tài liệu tham khảo (References), Phụ lục (Appendice) (các phần này đứng sau Bàn luận).
Trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, việc công bố quốc tế đối với các giảng viên, nghiên cứu
viên ngày càng trở nên quan trọng. Thực tế thì đối với một số dự án, quỹ nghiên cứu khoa học (ví dụ NAFOSTED),
xét học hàm (giáo sư, phó giáo sư), điều kiện hướng dẫn nghiên cứu sinh, điều kiện bảo vệ luận án tiến sĩ (đối với
một số trường đại học) điều này là bắt buộc. Tuy nhiên, việc đăng bài báo trong các tạp chí quốc tế uy tín được chỉ
mục trong cơ sở dữ liệu của Web of Science (WoS) và/hoặc Scopus là một thách thức trong lĩnh vực khoa học xã
hội và nhân văn (trong đó có giáo dục) (Hải Yến, 2020; Minh Châu & Phiên An, 2018). Theo chúng tôi, một trong
những lí do chính là các tác giả, đặc biệt là các tác giả “trẻ” chưa biết cách chuẩn bị bản thảo bài báo theo quy chuẩn
quốc tế. Bài báo này trình bày cấu trúc IMRaD - một định dạng bài báo được hầu hết các tạp chí chấp nhận. Cụ thể,
bài báo trọng tâm hướng dẫn viết các phần Đặt vấn đề (Introduction), Phương pháp (Methods), Kết quả (Results) và
Bàn luận (Discussion). Một điểm cần lưu ý là cấu trúc IMRaD và những hướng dẫn này là cho dạng bài báo nghiên
cứu nguyên thủy (original research article).
2. Kết quả nghiên cứu
2.1. Một số vấn đề cơ bản về cấu trúc IMRaD
Cấu trúc IMRaD lần đầu được Louis Pasteur đề xuất năm 1876 (Day, 1989 được trích dẫn trong Wu, 2011). Tuy
nhiên, phải đến tận thập kỉ thứ 4 của thế kỉ XX thì cấu trúc này mới được các tạp chí khoa học áp dụng. Với những
ưu điểm của mình, IMRaD đã nhanh chóng trở thành định dạng thống trị cho các bài báo nghiên cứu ở phần lớn các
tạp chí khoa học hàng đầu vào cuối những năm 1970 (Sollaci & Pereira, 2004). Đến thời điểm này (thập kỉ thứ 7 của
thế kỉ XX) thì định dạng IMRaD đã trở thành tiêu chuẩn quốc gia Hoa Kỳ đối với các bài báo khoa học cả về hình
thức trình bày viết và nói (Day, 1989 được trích dẫn trong Wu, 2011).

76
VJE Tạp chí Giáo dục (2022), 22(số đặc biệt 2), 76-80 ISSN: 2354-0753

Hầu hết các tổng biên tập và các nhà khoa học đều đồng ý rằng IMRaD cung cấp một cấu trúc nhất quán hướng
dẫn tác giả giải quyết một số câu hỏi cần thiết để hiểu một nghiên cứu khoa học (Wu, 2011). Cụ thể, logic của định
dạng IMRaD có thể được định nghĩa dưới dạng câu hỏi: Câu hỏi (vấn đề) nào đã được nghiên cứu? Câu trả lời là
phần Đặt vấn đề (Introduction). Vấn đề đó đã được nghiên cứu như thế nào? Câu trả lời là các Phương pháp
(Methods). Những phát hiện là gì? Câu trả lời là Kết quả (Results). Những phát hiện này có ý nghĩa gì? Câu trả lời
là phần Bàn luận (Discussion) (Gastel & Day, 2016). Hình 1 cung cấp bức tranh tổng thể về cấu trúc IMRaD.

Hình 1. Sơ đồ cấu trúc IMRaD của bài báo khoa học (Wu, 2011)
2.2. Cấu trúc và một số lưu ý khi viết phần Đặt vấn đề (Introduction)
Đặt vấn đề (Introduction) như đúng tên gọi của nó là phần mở đầu của một bài báo khoa học. Đây là phần tác giả
giải thích với độc giả tại sao bài viết của mình, vấn đề nghiên cứu của mình thực sự thú vị và đáng giá để đọc. Như
vậy khi viết phần Đặt vấn đề, tác giả phải đảm bảo cung cấp những khía cạnh ban đầu độc giả cần biết để từ đó có
thể hiểu được những thông tin chi tiết sẽ được thảo luận đến ở những phần sau - tức là phần Đặt vấn đề đóng vai trò
định hướng cho độc giả khi đọc bài báo. Theo Belcher (2019) thì mục đích chính của phần Đặt vấn đề là cung cấp
đủ thông tin cho độc giả để họ có thể hiểu được tầm quan trọng của nghiên cứu và những lập luận của tác giả.
Có nhiều cách để viết phần Đặt vấn đề. Tuy nhiên, cách tiếp cận triển khai phần Đặt vấn đề theo hình phễu
(funnel-shaped introduction, hình 2) được cho là hợp lí và được nhiều người sử dụng. Theo cách này thì những khía
cạch chung nhất liên quan đến nghiên cứu sẽ được trình bày trước. Tiếp đó, qua từng câu và từng đoạn văn, nội dung
thông tin sẽ được trình bày hẹp dần và chi tiết hơn.

Hình 2. Cấu trúc hình phễu phần Đặt vấn đề trong bài báo khoa học
Theo Trịnh Thị Phương Thảo và cộng sự (2020) thì cấu trúc phần Đặt vấn đề gồm 5 thành tố (component) được
nhiều người áp dụng. Cụ thể:
- Thành tố 1: Trình bày thông tin chung về lĩnh vực hoặc chủ đề nghiên cứu (broad theme or topic of the study)
hoặc trình bày về bối cảnh nghiên cứu (background).
- Thành tố 2: Trích dẫn những thông tin cụ thể hơn của các nghiên cứu trước đây liên quan đến nghiên cứu của
bạn (cite the most important previous studies that are relevant to your research).

77
VJE Tạp chí Giáo dục (2022), 22(số đặc biệt 2), 76-80 ISSN: 2354-0753

- Thành tố 3: Chỉ ra những khoảng trống (gap) hay những điểm, những vấn đề mà các nghiên cứu trước đây chưa
đề cập đến hoặc những điều cần nghiên cứu thêm. Từ đó, trình bày đóng góp chính (main contribution) mà nghiên
cứu của bạn hướng đến.
- Thành tố 4: Trình bày rõ ràng những điểm sau: (1) vấn đề hoặc câu hỏi nghiên cứu trọng tâm (core research
problem/question); (2) những mục tiêu nghiên cứu cụ thể (specific research objectives); và (3) bối cảnh (context) mà
trong đó nghiên cứu được triển khai.
- Thành tố 5 (có thể không cần ở một số bài báo): Trình bày phác thảo những nội dung chính các phần tiếp theo
của bài báo (outline the structure of the rest of the paper).
Tất nhiên không phải phần Đặt vấn đề nào cũng thể hiện rõ và tách biệt được 5 nội dung trên. Các nội dung này
có thể nằm đan xen nhau hoặc hai nội dung có thể được tích hợp với nhau.
2.3. Cấu trúc và một số lưu ý khi viết phần Phương pháp (Methods)
Trong cấu trúc IMRaD thì phần Phương pháp nghiên cứu được được nhiều tác giả cho là dễ viết nhất. Trong thực
tế thì nhiều tác giả thường viết phần Phương pháp nghiên cứu đầu tiên, đơn giản bởi vì họ chỉ mô tả lại những gì đã
làm trong quá trình lựa chọn phương pháp nghiên cứu, thiết kế công cụ thu thập dữ liệu, thu thập dữ liệu và xử lí dữ
liệu. Tuy nhiên, để có một phần Phương pháp nghiên cứu tốt, chúng ta cần lưu ý là thông tin viết trong phần này phải
đủ chi tiết để độc giả đánh giá được sự phù hợp của các phương pháp nghiên cứu đã sử dụng, đánh giá được độ giá
trị (validity) và độ tin cậy (reliability) của kết quả nghiên cứu (Belcher, 2019).
Thông thường những thông tin cần viết trong phần Phương pháp nghiên cứu bao gồm:
- Các phương pháp thu thập dữ liệu đã sử dụng (data collection methods): định lượng (quantitative), định tính
(qualitative) hay hỗn hợp (mixed method).
- Các công cụ thu thập dữ liệu tương ứng với phương pháp thu thập dữ liệu: bảng hỏi (survey questionnaires), dữ
liệu phân tích thống kê (statistical analysis) đối với phương pháp định lượng; phỏng vấn sâu (in-depth interview),
quan sát (observation), phân tích văn bản (document analysis), thảo luận nhóm (focus group)… đối với phương pháp
định tính.
- Đối tượng tham gia cung cấp dữ liệu (participants) và chọn mẫu (sampling): mô tả quần thể nghiên cứu (target
population), phương pháp chọn mẫu, tổng số mẫu thu được.
- Quá trình thu thập dữ liệu (data collection procedure).
- Phân tích dữ liệu (data analysis): dùng công cụ, phần mềm gì để phân tích dữ liệu, ví dụ SPSS đối với phân tích
dữ liệu định lượng hay Nvivo, MAXQDA đối với phân tích dữ liệu định tính.
- Những vấn đề cần lưu ý về đạo đức nghiên cứu (ethical considerations), đặc biệt đối với những nghiên cứu liên
quan đến trẻ em, người bệnh, người tàn tật, người già (Azevedo et al., 2011; Belcher, 2019).
Một phần lưu ý nữa là chúng ta nên trình bày phần Phương pháp nghiên cứu theo từng đầu mục (sub-heading)
một cách chi tiết để một người không trực tiếp tham gia vào nghiên cứu vẫn hiểu chính xác bạn đã làm gì và tại sao.
2.4. Cấu trúc và một số lưu ý khi viết phần Kết quả (Results)
Tiếp theo phần Phương pháp nghiên cứu (Methods) thì phần Kết quả nghiên cứu (Results) cũng được coi là tương
đối dễ viết. Trong phần này, tác giả trọng tâm vào trình bày những số liệu, thông tin đã tìm hiểu, khám phá và thu
thập được từ quá trình phân tích dữ liệu.
Thông tin trình bày trong phần Kết quả nghiên cứu gồm:
- Đối với nghiên cứu định lượng (quantitative research): Số liệu được trình bày dưới dạng biểu bảng, đồ thị. Mỗi
biểu bảng hoặc đồ thị phải có tiêu đề ngắn gọn và rõ ràng. Cần lưu ý là không lặp lại các thông tin đã có trong các
biểu bảng, đồ thị vào các đoạn văn trình bày kết quả trừ khi chúng ta muốn nhấn mạnh hoặc làm nổi bật một số kết
quả quan trọng.
- Đối với nghiên cứu định tính (qualitative research): Thông tin được trình bày theo cụm từ, câu, đoạn. Trong dữ
liệu định tính cần cả những trích dẫn trực tiếp từ phỏng vấn, thảo luận nhóm (Belcher, 2019).
- Đối với nghiên cứu hỗn hợp (mixed methods): Cần trình bày cả dữ liệu định lượng và dữ liệu định tính. Chúng
ta có thể trình bày tất cả các dữ liệu định lượng trước rồi sau đó mới tới dữ liệu định tính hoặc người lại. Ngoài ra,
cũng có thể trình bày cả hai loại dữ liệu này theo từng nhóm kết quả nghiên cứu.
Khi viết phần Kết quả nghiên cứu, chúng ta cần lưu ý những điểm sau: - Trình bày kết quả nghiên cứu một cách
logic, không có sự suy diễn, can thiệp của người nghiên cứu; - Trình bày những kết quả nghiên cứu liên quan đến
câu hỏi nghiên cứu; - Trình bày những kết quả nghiên cứu lần lượt theo phương pháp nghiên cứu, câu hỏi nghiên

78
VJE Tạp chí Giáo dục (2022), 22(số đặc biệt 2), 76-80 ISSN: 2354-0753

cứu hoặc mức độ quan trọng của kết quả nghiên cứu; - Kết quả nghiên cứu nên được trình bày theo các đầu mục
(sub-heading); - Sử dụng thời quá khứ trong tiếng Anh (past tense) (Yalcin, 2019).
2.5. Cấu trúc và một số lưu ý khi viết phần Bàn luận (Discussion)
Thảo luận hay Bàn luận (Discussion) là phần quan trọng nhất của một bài báo khoa học và cũng được coi là phần
khó viết nhất. Thông tin quan trọng nhất không phải là kết quả nghiên cứu chỉ ra điều gì mà là kết quả nghiên cứu có
ý nghĩa như thế nào.
Mục đích của Bàn luận là để diễn giải và mô tả tầm quan trọng của kết quả nghiên cứu trong sự tương quan với
những gì đã biết về vấn đề nghiên cứu và để giải thích những phát hiện mới từ nghiên cứu của bạn (Belcher, 2019;
Omori, 2017).
Những nội dung chính được trình bày trong phần Bàn luận bao gồm:
- Trình bày những kết quả nghiên cứu chính.
- Giải thích ý nghĩa và tầm quan trọng của những kết quả nghiên cứu vừa nêu.
- So sánh những kết quả nghiên cứu này với những nghiên cứu trước đây (thông thường mỗi nhóm kết quả nghiên
cứu chính và việc so sánh/kết nối với các nghiên cứu trước đây nên được trình bày trong một đoạn văn).
- Xem xét những cách giải thích khác kết quả nghiên cứu (có thể qua việc đưa ra mô hình mới, giả thuyết mới)
hoặc ở đây trình bày kết quả nghiên cứu mà các nghiên cứu trước chưa có hoặc chưa phát hiện ra.
Ngoài ra, những nội dung dưới đây cũng được trình bày trong phần Bàn luận. Cũng lưu ý là những nội dung này
có thể đưa vào phần Kết luận - Conclusion khi phần này được tách làm một phần riêng biệt, độc lập với phần Bàn
luận (Belcher, 2019; Omori, 2017).
- Trình bày các khả năng áp dụng kết quả nghiên cứu (implications).
- Bàn qua những hạn chế của nghiên cứu (limitations).
- Đề xuất một số hướng nghiên cứu trong tương lai liên quan (future research).
Điều quan trọng nhất trong Bàn luận là chúng ta phải kết nối được kết quả nghiên cứu của mình với những nghiên
cứu trước đây (bao gồm cả việc chỉ ra những khám phá mới trong nghiên cứu của mình mà các nghiên cứu trước
chưa có) (Belcher, 2019). Nói cách khác, trong phần Bàn luận chúng ta cần làm rõ những kết quả từ nghiên cứu của
mình và sự diễn giải những kết quả này được hỗ trợ thế nào, phù hợp thế nào hoặc liên quan thế nào với những kết
quả của các nghiên cứu khác (Annesley, 2010).
Một điều chúng ta cần lưu ý là tránh viết phần Bàn luận như một phần Kết quả nghiên cứu mở rộng - tức là chỉ
trình bày lại kết quả nghiên cứu hoặc diễn giải kết quả nghiên cứu mà không có sự kết nối nào với các nghiên cứu
trước đây. Thay vì đó, chúng ta cần tập trung vào việc giải thích các kết quả nghiên cứu và ý nghĩa của chúng trong
mối quan hệ với vấn đề nghiên cứu, với kết quả của các nghiên cứu khác chứ không phải bản thân dữ liệu.
2.6. Quy định về định dạng bài báo trong lĩnh vực giáo dục của một số tạp chí quốc tế và trong nước
Trong phần này, chúng tôi trình bày về yêu cầu định dạng bài báo theo cấu trúc IMRaD hoặc IMRaD mở rộng
của một số tạp chí thuộc lĩnh vực giáo dục ở trong nước và quốc tế. Trước hết là tạp chí Science Education
(https://onlinelibrary.wiley.com/journal/1098237X) thuộc nhà xuất bản Wiley, Hoa Kỳ. Đây là tạp chí uy tín được
chỉ mục trong WoS-SSCI (IF: 4.593) và Scopus (CiteScore: 6.8), H-index: 115 và thuộc nhóm Q1 (Scimago). Trong
mục Hướng dẫn dành cho tác giả (Author Guides), mặc dù tạp chí công bố áp dụng chính sách nhận bản thảo theo
định dạng tự do (free format submission) nhưng lại quy định “tất cả các phần bắt buộc phải có trong bản thảo, bao
gồm Tóm tắt, Đặt vấn đề, Phương pháp, Kết quả và kết luận”. Một tạp chí khác là Educational Studies
(https://www.tandfonline.com/journals/ceds20) thuộc nhà xuất bản Routledge. Đây là tạp chí uy tín được chỉ mục
trong WoS-SSCI (IF: 1.674) và Scopus (CiteScore: 2.3), H-index: 44 và thuộc nhóm Q2 (Scimago). Trong mục
Hướng dẫn chuẩn bị bản thảo, đối với bài báo nghiên cứu, tạp chí yêu cầu nội dung chính bao gồm: Đặt vấn đề, Vật
liệu và phương pháp, Kết quả, Bàn luận. Một tạp chí nữa là IAFOR Journal of Education
(https://iafor.org/journal/iafor-journal-of-education) thuộc The International Academic Forum (IAFOR), Đại học
Osaka, Nhật Bản. Tạp chí này mới vào Scopus năm 2018 (CiteScore: 0.5), H-index: 3 và thuộc nhóm Q4 (Scimago).
Cấu trúc bài báo được yêu cầu chặt chẽ, bao gồm: Tiêu đề, Tóm tắt, Đặt vấn đề, Tổng quan nghiên cứu, Vật liệu và
phương pháp, Kết quả, Bàn luận (có thể kết hợp kết quả và bàn luận vào một mục), Khuyến nghị, Kết luận.
Tại Việt Nam, Trịnh Thị Phương Thảo và cộng sự (2020) đã thực hiện đo tần suất các bài báo về khoa học giáo
dục của các tạp chí trong nước sử dụng cấu trúc IMRaD. Nhóm nghiên cứu đã thống kê trong tháng 8, 9, 10 năm
2019 được 322 bài báo từ 05 tạp chí được điểm cao nhất (1 hoặc 0,75) theo quy định tính điểm của Hội đồng Giáo
sư Nhà nước (Tạp chí Khoa học Giáo dục - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Tạp chí Khoa học - Trường Đại học

79
VJE Tạp chí Giáo dục (2022), 22(số đặc biệt 2), 76-80 ISSN: 2354-0753

Sư phạm Hà Nội, Tạp chí khoa học: Nghiên cứu giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, Tạp chí Giáo dục số tiếng Anh
và số tiếng Việt, Tạp chí Khoa học - Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh). Kết quả của nhóm nghiên
cứu đã chỉ ra rằng hầu hết các bài báo này đều chưa theo cấu trúc IMRaD. Thực tế thì chỉ có 45 bài trong Tạp chí
Giáo dục số tiếng Anh được cho là có cấu trúc “gần nhất” với IMRaD. Hiện nay, một số tạp chí thuộc lĩnh vực giáo
dục trong nước, đặc biệt là các tạp chí tiếng Anh đã có những quy định về định dạng “gần với” IMRaD. Ví dụ,
Vietnam Journal of Education (https://vje.vn/index.php/journal) của Tạp chí Giáo dục yêu cầu cấu trúc của bài báo
nghiên cứu nguyên thủy gồm 05 phần chính: Đặt vấn đề, Tổng quan nghiên cứu, Vật liệu và phương pháp, Kết quả
và bàn luận, Kết luận. Tạp chí Vietnam Journal of Educational Sciences (http://vjes.edu.vn) của Viện Khoa học Giáo
dục Việt Nam đưa ra mẫu bài báo (template) với các đầu mục: Đặt vấn đề, Phương pháp luận, Kết quả, Kết luận.
Tạp chí VNU Journal of Science: Education Research (https://js.vnu.edu.vn/ER) của Đại học Quốc gia Hà Nội quy
định cấu trúc bài báo gồm các phần: Đặt vấn đề, Vật liệu và phương pháp, Lí thuyết, Kết quả, Bàn luận, Kết luận.
3. Kết luận
Như vậy, có thể thấy rằng các nội dung được yêu cầu trong định dạng IMRaD giúp tác giả sắp xếp và viết bản
thảo một cách chuẩn mực. Hơn thế nữa, cấu trúc IMRaD cung cấp một lộ trình dễ dàng cho các tổng biên tập tạp chí,
người phản biện và cuối cùng là độc giả theo dõi khi đọc bài báo. Ngoài ra, trong tiến trình phát triển của xuất bản
khoa học thì cấu trúc IMRaD cũng có một số thay đổi nhỏ và hình thành các phiên bản mở rộng. Cụ thể thì trong các
bài báo thuộc lĩnh vực khoa học xã hội thường có phần Tổng quan nghiên cứu (Literature review) ngay sau phần Đặt
vấn đề, và đây là cấu trúc ILMRaD; hoặc có một số bài báo tách phần Kết luận (Conclusion) ra khỏi phần Bàn luận
(Discussion), và đây là cấu trúc IMRaDC; hoặc có nhiều bài báo, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội có cả 06
phần: Introduction, Literature review, Methods, Results, Discussion, Conclusion) để tạo thành cấu trúc ILMRaDC.
Điều quan trọng là khi nắm vững định dạng IMRaD, các tác giả có thể chuẩn bị bản thảo hoặc điều chỉnh bài viết
của mình theo bất cứ cấu trúc nào mà tạp chí yêu cầu.

Lời cảm ơn: Bài báo này được xuất bản với sự hỗ trợ kinh phí của Trường Đại học Văn Lang. Một số nội dung
trong bài báo này đã được công bố trong: Nguyễn Hữu Cương (2021). Nghiên cứu và công bố khoa học: Tuyển
tập những bài viết trên Tạp chí Giáo dục (https://tapchigiaoduc.edu.vn).

Tài liệu tham khảo


Annesley, T. M. (2010). The discussion section: Your closing argument. Clinical Chemistry, 56(11), 1671-1674.
Azevedo, L. F., Canário-Almeida, F., Fonseca, A. J., Costa-Pereira, A., Winck, J. C., & Hespanhol, V. (2011). How
to write a scientific paper-writing the methods section. Rev Port Pneumol, 17(5), 232-238.
Belcher, W. L. (2019). Writing your article in 12 weeks: a guide to academic publishing success (2nd ed.). Chicago
University Press.
Gastel, B., & Day, R. A. (2016). How to write and publish a scientific paper? (8th ed.). Greenwood.
Hải Yến (2020). Công bố bài báo khoa học quốc tế: Còn lắm chông gai. http://www.baodongnai.com.vn/tieu-
diem/202012/cong-bo-bai-bao-khoa-hoc-quoc-te-con-lam-chong-gai-3035661
Hartley, J. (1999). From structured abstracts to structured articles: A modest proposal. Journal of Technical Writing
and Communication, 29(3), 255-270. https://doi.org/10.2190/3RWW-A579-HC8W-6866
Minh Châu, Phiên An (2018). Công bố quốc tế lĩnh vực KHXH&NV: Nan đề của học giới? https://vnuhcm.edu.vn/su-
kien_33356864/cong-bo-quoc-te-linh-vuc-khxh-nv-nan-de-cua-hoc-gioi-/313631376864.html
Omori, K. (2017). Writing a discussion section. In M. Allen (Eds.), The SAGE encyclopedia of communication
research methods (pp. 1884-1886). https://dx.doi.org/10.4135/9781483381411
Sollaci, L. B., & Pereira, M. G. (2004). The introduction, methods, results, and discussion (IMRAD) structure: A
fifty-year survey. Journal of the Medical Library Association, 92(3), 364-367.
Trịnh Thị Phương Thảo, Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Nguyễn Hữu Cương và Nguyễn Chí Thành (2020). Cấu trúc phổ quát
của bài báo khoa học quốc tế. Trong Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Trần Trung và Nguyễn Tiến Trung (chủ biên), Công
bố khoa học giáo dục theo hướng tiếp cận quốc tế (tr 187-202). NXB Giáo dục Việt Nam.
Wu, J. (2011). Improving the writing of research papers: IMRAD and beyond. Landscape Ecology, 26(10), 1345-
1349. https://doi.org/10.1007/s10980-011-9674-3
Yalcin, B. (2019). Writing the results section. In M. Shoja et al. (Eds), A guide to the scientific career: Virtues,
communication, research and academic writing (pp. 513-522). Wiley.

80

View publication stats

You might also like