You are on page 1of 13

Bài 1: Các hình thức công bố kết quả nghiên cứu khoa học

Mục tiêu
 Trình bày được vai trò của công bố kết quả nghiên cứu khoa học
 Trình bày được các hình thức công bố kết quả nghiên cứu khoa học
 Phân biệt được đặc điểm và yêu cầu của từng hình thức công bố

1. Tại sao cần công bố kết quả nghiên cứu khoa học?
Nghiên cứu khoa học là hoạt động chủ động, tích cực và có hệ thống của con người nhằm
khám phá, giải thích thế giới xung quanh để từ đó thúc đẩy sự tiến bộ. Trong y học, nghiên cứu
khoa học đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển, trong đó kết quả nghiên cứu khoa học là các
bằng chứng khoa học để phát triển chính sách về sức khoẻ (health policy) và nâng cao chất lượng
các dịch vụ y tế. Những thành tựu nghiên cứu khoa học giúp các bác sĩ, cán bộ y tế và nhà hoạch
định chính sách có bằng chứng đưa ra quyết định lâm sàng, dự phòng và xây dựng chính sách để
đảm bảo và nâng cao sức khỏe toàn dân.
Công bố khoa học hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống. Mọi phương tiện truyền thông
đều đưa ra những câu chuyện liên quan đến tiến bộ trong khoa học hoặc y tế. Nếu không công bố
sẽ không có sự giao tiếp trong cộng đồng khoa học, các dự án cũng không nhận được tài trợ và
công chúng cũng không ủng hộ cho nghiên cứu khoa học.
Công bố kết quả nghiên cứu khoa học giúp:
 Khẳng định giá trị khoa học của công trình nghiên cứu
 Lan tỏa kết quả nghiên cứu đến nhiều người, đóng góp vào y văn
 Thể hiện năng lực học thuật, năng lực nghiên cứu khoa học của nhà nghiên cứu
 Thuận lợi cho quá trình xin học bổng, xin tài trợ, phát triển sự nghiệp của nhà nghiên cứu
2. Quy trình công bố kết quả nghiên cứu khoa học
Công bố khoa học là truyền đạt kiến thức và kết quả nghiên cứu khoa học tới nhiều đối tượng
một cách hiệu quả, rõ ràng, dễ tiếp cận và có ý nghĩa. Nói cách khác, đó là quá trình truyền tải
thông tin chuyên ngành tới nhiều đối tượng hơn, bao gồm cả công chúng.
Nó liên quan đến việc đơn giản hóa các khái niệm khoa học phức tạp thành ngôn ngữ và định
dạng mà những người không phải là chuyên gia cũng có thể hiểu được. Công bố khoa học nhằm
mục đích nâng cao sự hiểu biết của công chúng về khoa học và là cơ sở giúp đưa ra những quyết
định đúng đắn.
Quy trình công bố kết quả nghiên cứu khoa học
Để có thể công bố kết quả nghiên cứu khoa học, việc đầu tiên là phải chọn được một kết quả,
một thông điệp mà người nghiên cứu muốn truyền tải. Thông thường, thông điệp này là những
phát hiện quan trọng từ kết quả nghiên cứu hoặc bất kỳ những cập nhật kiến thức nào đóng góp
về học thuật được chia sẻ cho nhiều người trong cộng đồng.
Việc truyền tải các kết quả nghiên cứu khoa học cần được phổ biến cho đa số người đọc chứ
không chỉ riêng những người trong cùng một lĩnh vực mới có thể hiểu và nắm bắt được nội dung.
Nên chọn thông điệp rõ ràng, cách công bố phù hợp để có thể truyền tải đến người đọc một cách
tốt nhất. Vì dụ việc xuất bản cuốn sách “Hướng dẫn ngoại khoa trong thời kỳ Covid-19” nhằm
cung cấp cho các nhà ngoại khoa hướng dẫn về cách tự bảo vệ mình khỏi lây nhiễm Covid-19.
Cuốn sách được viết khá dài dòng và không cô đọng, dẫn đến việc truyền tải thông điệp chính bị
bỏ qua. Đó là lí do tại sao điều quan trọng là nhấn mạnh vào thông điệp muốn truyền tải, đảm
bảo ý nghĩa cơ bản của nó để từ đó lựa chọn hình thức công bố phù hợp hiệu quả. Một chuyên
gia khoa học có thể dễ dàng đọc hiểu được một lượng lớn kiến thức chuyên ngành, nhưng điều
đó không dễ với các nhà khoa học ngoài chuyên ngành đó và đối với công chúng nói chung.
Có một số bước chính sau khi lựa chọn những kết quả hoặc kiến thức nào cần được công bố
từ kết quả nghiên cứu khoa học, đó là xác định độc giả là ai và mục đích của việc công bố để xây
dựng chiến lược công bố phù hợp nhất. Hình thức công bố có thể bao gồm các ấn phẩm khoa
học, hội nghị, bài giảng công khai, nền tảng truyền thông xã hội, podcast, video hoặc trang web.
Cũng cần có phương pháp đánh giá và phản hồi về sự phù hợp của hình thức công bố.
Xây dựng chiến lược công bố kết quả nghiên cứu khoa học
Việc công bố các số liệu và kết quả nghiên cứu khoa học một cách hiệu quả là điều không hề
dễ dàng. Nó đòi hỏi kỹ năng chuyên nghiệp của người truyền đạt trong việc truyền tải chính xác
thông điệp cốt lõi từ nghiên cứu ban đầu hoặc tài liệu nguồn.
Các chiến lược công bố truyền thống bao gồm xuất bản các bài báo nghiên cứu trên các tạp
chí được bình duyệt, trình bày các phát hiện tại các hội nghị khoa học và cộng tác với các nhà
nghiên cứu khác trong cộng đồng khoa học. Những chiến lược này tập trung vào việc tiếp cận
đối tượng chuyên biệt. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của các chiến lược kỹ thuật số, hiện đại có thể giúp
mở rộng phạm vi tiếp cận và tác động của việc công bố, chẳng hạn như tận dụng các nền tảng
truyền thông xã hội, tạo nội dung tương tác, tương tác với cộng đồng trực tuyến và hợp tác với
các nhà cung cấp nội dung. Sự kết hợp các hình thức công bố giúp các nhà khoa học tiếp cận
được nhiều đối tượng độc giả và hướng tới nhiều mục tiêu khác nhau.
Ví dụ về sự kết hợp các hình thức công bố:
Một nhóm các nhà nghiên cứu đang thực hiện nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu
đối với hệ sinh thái biển. Sau khi hoàn thành nghiên cứu, họ mong muốn công bố những phát
hiện của mình để nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức môi trường
và công chúng nói chung. Đầu tiên, họ xác định sẽ sử dụng những kết quả nghiên cứu chính để
đăng tải một bài báo khoa học trên một tạp chí được bình duyệt để tiếp cận cộng đồng khoa học,
các nhà lãnh đạo trong các tổ chức môi trường và để tạp chí này trở thành tài liệu nguồn cho các
nhà hoạch định chính sách. Tiếp đó, họ ủy quyền cho một cơ quan truyền thông sản xuất một loạt
sản phẩm kỹ thuật số (đồ họa thông tin, blog và video ngắn) tóm tắt nghiên cứu của họ để chia sẻ
nghiên cứu này trên trang web và các kênh truyền thông xã hội, từ đó có thể tiếp cận rộng hơn
đến công chúng. Ngoài ra, họ cũng tổ chức một buổi thuyết trình công khai tại một trường đại
học, mời sinh viên, giảng viên và các thành viên quan tâm khác như công chúng và các cơ quan
chính phủ. Bài giảng công khai này tạo điều kiện cho sự tham gia trực tiếp và tạo cơ hội giải
quyết các câu hỏi cũng như nhận phản hồi từ các bên liên quan chính.
3. Các hình thức công bố kết quả nghiên cứu khoa học trong y học
3.1. Bài báo khoa học
Bài báo khoa học là một báo cáo được viết và xuất bản trong một tạp chí khoa học (trong
nước hoặc quốc tế) có bình duyệt (peer-review). Tạp chí khoa học được xuất bản hoặc đăng tải
trực tuyến định kỳ theo tuần, tháng, quý.
Bài báo thường tuân theo cấu trúc IMRAD gồm bốn phần: Đặt vấn đề (Introduction),
Phương pháp (Methods), Kết quả (Results) và Bàn luận (Discussion). Một số tạp chí có thể yêu
cầu Kết luận (Conclusion) và Khuyến nghị (Recommendations)
Bài báo có thể được phân loại dựa trên thiết kế nghiên cứu hoặc theo hình thức xuất bản theo
quy định của tạp chí. Bài này sẽ tập trung vào phân loại theo các hình thức xuất bản, gồm một số
hình thức sau: Nghiên cứu gốc (Original Research), Bài báo tổng quan (Review Articles),
Nghiên cứu truờng hợp (Case Study), Thư gửi ban biên tập (Letters to Editor), Bài bình luận
(Commentary / Correspondence), Phương pháp (Methodologies / Methods), Quan điểm
(Perspective / Opinion), Báo cáo dữ liệu (Data Report), Bài xã luận (Editorial), Quy trình nghiên
cứu (Protocol).
Nghiên cứu gốc (Original Research)
Nghiên cứu gốc (Original Research) là một hình thức công bố quan trọng trong lĩnh vực
nghiên cứu y học và khoa học tự nhiên. Đây là cách để các nhà nghiên cứu chia sẻ kết quả của họ
từ các nghiên cứu ban đầu. Các tên gọi khác của nghiên cứu gốc bao gồm Original Article,
Research Article, Research hoặc Article.
Trong số các hình thức xuất bản trong bài này, nghiên cứu gốc là loại bài báo tuân thủ cấu
trúc IMRAD chặt chẽ nhất. Trong đó, phần Đặt vấn đề giới thiệu vấn đề nghiên cứu và mục tiêu,
phần Phương pháp mô tả cách thức thực hiện nghiên cứu, phần Kết quả trình bày các phát hiện
và thông tin thu thập được, và phần Bàn luận đánh giá kết quả và thảo luận chúng vào bối cảnh
lý thuyết và các hiểu biết hiện có.
Nghiên cứu gốc giúp chia sẻ thông tin mới, đóng góp vào sự phát triển của ngành và khuyến
khích sự thúc đẩy trong nghiên cứu. Đây là phương tiện quan trọng để các nhà nghiên cứu trình
bày và chia sẻ phát hiện mới của họ với cộng đồng khoa học nói chung và y học nói riêng.
Bài báo tổng quan (Review Articles)
Bài báo tổng quan, bao gồm các loại nghiên cứu tổng quan (truyền thống, luận điểm, hệ
thống), là một phần quan trọng trong quá trình nghiên cứu khoa học, nhằm tóm tắt và đánh giá
những nghiên cứu trước đó liên quan đến một chủ đề nghiên cứu. Nó giúp người đọc hiểu rõ hơn
về tình hình nghiên cứu đã có, hạn chế của các nghiên cứu trước đó, và khoảng trống đang có
trong lĩnh vực nghiên cứu.
Cấu trúc nghiên cứu tổng quan có thể tuân theo mô hình IMRAD (Introduction, Methods,
Results, and Discussion) hoặc không, tùy thuộc vào yêu cầu của tạp chí. Một số tạp chí cho phép
bài viết nghiên cứu tổng quan theo cấu trúc riêng, tập trung vào việc liệt kê, tổng hợp và phân
tích các tài liệu liên quan.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không tất cả các tạp chí đều chấp nhận đăng nghiên cứu tổng quan
độc lập. Một số tạp chí có chuyên môn riêng và yêu cầu các bài viết có tính thực tiễn cao hơn, ví
dụ như nghiên cứu gốc, các nghiên cứu thử nghiệm. Vì vậy, trước khi viết bài báo tổng quan, nên
kiểm tra kỹ yêu cầu của tạp chí để đảm bảo phù hợp với quy định và phong cách mà họ yêu cầu.
Nghiên cứu truờng hợp (Case Study)
Nghiên cứu trường hợp (Case Study) là một báo cáo về một trường hợp cụ thể hoặc một tập
hợp các trường hợp liên quan, nhằm tìm hiểu sâu về tình huống, hiện tượng hoặc vấn đề nghiên
cứu. Nghiên cứu trường hợp có thể chia thành hai loại chính: Lâm sàng (Case report) và Cộng
đồng.
Báo cáo lâm sàng hay báo cáo ca bệnh, thường tập trung vào việc mô tả một trường hợp
bệnh cụ thể, thường là hiếm gặp hoặc có đặc điểm đặc biệt, để cung cấp thông tin chi tiết về triệu
chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị để có thể làm bài học kinh nghiệm y khoa. Một
nghiên cứu trường hợp cộng đồng là một tài liệu ghi lại kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ
để đáp ứng một nhu cầu đã được xác định hoặc một chương trình nhằm cải thiện sức khỏe và
hoạt động của một nhóm dân số cụ thể, khác biệt với các nghiên cứu do người điều tra thực hiện
thường dựa trên bằng chứng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nghiên cứu trường hợp thường hạn chế
về tính khái quát và không thể tổng quát hóa kết quả cho toàn bộ dân số.
Thư gửi ban biên tập (Letters to Editor)
Thư gửi ban biên tập (Letters to Editor) hoặc còn được gọi là Brief communications là một
loại bài viết ngắn thảo luận về một nghiên cứu gốc hoặc một chủ đề nghiên cứu có tiềm năng
mang lại giá trị cho nhiều nhà nghiên cứu và khả năng thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực. Mục
tiêu chính của loại bài báo này là trình bày các ý kiến, quan điểm hoặc phân tích của tác giả về
một chủ đề cụ thể liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu.
Những bài báo này thường có độ dài hạn chế dưới 1000 từ, tập trung vào điểm chính và trình
bày ý kiến của tác giả một cách súc tích. Điều này cũng tạo cơ hội cho tác giả trình bày ý kiến và
góp ý ngắn gọn về một nghiên cứu hoặc chủ đề đang được quan tâm trong cộng đồng nghiên
cứu.
Thư gửi ban biên tập là một hình thức quan trọng để thúc đẩy trao đổi ý kiến và tạo cơ hội
cho các nhà nghiên cứu chia sẻ quan điểm và đóng góp của họ đối với các vấn đề nghiên cứu
đang được thảo luận trong lĩnh vực.
Bình luận (Commentary / Correspondence)
Có nhiều điểm tương đồng với thư gửi ban biên tập, bình luận
(Commentary/Correspondence) là một loại bài viết mà tác giả sẽ trình bày ý kiến, phân tích hoặc
bình luận về các bài báo đã được xuất bản trong tạp chí hoặc trong một tạp chí khác. Bài viết loại
này thường giúp mở rộng thảo luận về các chủ đề, ý tưởng hoặc kết quả đã được trình bày trong
các bài báo gốc.
Một điểm đặc biệt của bình luận là tác giả của bài báo được thảo luận có thể phản hồi lại bài
viết bình luận. Điều này tạo ra một cuộc trao đổi ý kiến và thảo luận sâu hơn giữa các tác giả và
cộng đồng khoa học.
Bình luận có thể tập trung vào việc chứng minh hoặc bổ sung cho các điểm trong bài báo
gốc, hoặc có thể đưa ra các quan điểm khác biệt, đặt câu hỏi hoặc mở rộng ý kiến để đóng góp
vào sự phát triển của lĩnh vực. Loại bài viết này giúp củng cố mối liên hệ giữa các tác giả và làm
tăng tính tương tác trong cộng đồng khoa học.
Phương pháp (Methodologies/Methods)
Phương pháp (Methodologies/Methods) là loại bài báo trình bày một quy trình nghiên cứu,
kỹ thuật hoặc một cách tiếp cận mới trong lĩnh vực nghiên cứu. Loại bài báo này giúp chia sẻ
kiến thức về các phương pháp mới và cách thức thực hiện chúng, tạo điều kiện cho các nhà
nghiên cứu khác áp dụng và đánh giá phương pháp trong công việc của họ.
Phương pháp được miêu tả trong bài báo có thể hoàn toàn mới (chưa từng được sử dụng
hoặc công bố trước đây) hoặc có thể là phiên bản cải tiến của một phương pháp đã tồn tại, với sự
điều chỉnh, cải tiến hoặc tối ưu hóa để đạt được hiệu suất tốt hơn hoặc áp dụng rộng rãi hơn.
Bài báo phương pháp thường đòi hỏi mô tả chi tiết các bước thực hiện, các công cụ hoặc kỹ
thuật được sử dụng, và lý do tại sao phương pháp này có thể mang lại kết quả tốt. Điều này giúp
người đọc hiểu rõ cách thức thực hiện và cơ sở lý thuyết của phương pháp, từ đó có thể áp dụng
vào nghiên cứu hoặc thực hiện kỹ thuật này trong tương lai.
Quan điểm (Perspective / Opinion)
Quan điểm (Perspective/Opinion) là một loại bài báo mà tác giả chia sẻ quan điểm hoặc ý
kiến cá nhân về một chủ đề cụ thể. Loại bài báo này không chứa dữ liệu gốc hoặc thông tin chưa
được công bố mà tập trung vào việc thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Tác giả sử dụng bài báo quan điểm để đưa ra ý kiến, phân tích, hoặc đặt câu hỏi liên quan
đến các vấn đề trong lĩnh vực nghiên cứu. Bài viết loại này thường được viết dưới dạng quan
điểm hoặc hiểu biết của cá nhân tác giả, nhưng vẫn cần phải có căn cứ lý luận và thông tin hợp lý
để hỗ trợ quan điểm được đưa ra.
Một yếu điểm của loại bài báo này là tính khách quan thấp, vì nó phản ánh quan điểm riêng
của tác giả. Tuy nhiên, bài báo quan điểm vẫn đóng góp vào sự đa dạng và chiều sâu của việc
thảo luận về các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu. Bài viết quan điểm thường có số
từ ít hơn so với bài báo nghiên cứu gốc để tập trung vào ý chính và tạo sự tập trung cho quan
điểm được trình bày.
Báo cáo dữ liệu (Data Report)
Báo cáo dữ liệu (Data Report) là một loại bài báo mô tả chi tiết về một bộ dữ liệu nghiên
cứu. Loại bài báo này tập trung vào việc trình bày các thông tin về bộ dữ liệu, bao gồm mô tả về
cách thu thập, xử lý, đặc điểm chính và ý nghĩa của dữ liệu.
Để đảm bảo tính minh bạch và xác thực, bộ dữ liệu phải được đăng tải trên một nền tảng lưu
trữ dữ liệu, không thay đổi sau khi báo cáo được xuất bản. Hơn nữa, nếu bài báo được xuất bản,
bộ dữ liệu cần được công khai để mọi người có thể truy cập.
Loại bài báo này không chứa phân tích chi tiết hoặc kết quả khoa học mới liên quan đến bộ
dữ liệu. Các phân tích hoặc kết quả liên quan đến dữ liệu có thể được gửi dưới dạng bài báo
nghiên cứu gốc, tập trung vào kết quả phân tích và các bằng chứng mới thu được từ việc khai
thác bộ dữ liệu. Báo cáo dữ liệu tạo điều kiện cho việc kiểm tra, tái sử dụng và cho phép những
phân tích và nghiên cứu mới dựa trên dữ liệu đã được thu thập.
Bài xã luận (Editorial)
Bài xã luận có thể được viết bởi biên tập viên (editor) hoặc chuyên gia do ban biên tập mời.
Mục đích chính của loại bài viết này là phê bình các bài báo gốc đã được xuất bản, cung cấp
những bình luận ngắn gọn về các chủ đề nghiên cứu và những hiểu biết gần đây được coi là quan
trọng đối với độc giả của tạp chí và cộng đồng nghiên cứu.
Bài viết xã luận thường tập trung vào việc đánh giá, phân tích và đưa ra ý kiến về các chủ đề
nghiên cứu đã được xuất bản trong tạp chí hoặc các chủ đề liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu.
Chúng có thể cung cấp cái nhìn phân tích, nhận định điểm mạnh và yếu, hoặc mở rộng thảo luận
về các vấn đề nghiên cứu đang được quan tâm.
Bài xã luận có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thảo luận và trao đổi quan điểm trong
cộng đồng nghiên cứu. Chúng giúp độc giả có cái nhìn đa dạng và tổng quan hơn về các vấn đề
nghiên cứu, từ đó đóng góp vào sự phát triển và thúc đẩy sự tiến bộ trong lĩnh vực.
Quy trình nghiên cứu (Protocol)
Bài báo về quy trình nghiên cứu (Protocol) trình bày thiết kế và quy trình thực hiện của một
nghiên cứu, tạo điều kiện để phổ biến thông tin về các nghiên cứu đang diễn ra và thúc đẩy tính
minh bạch trong quá trình nghiên cứu. Loại bài báo này mô tả cụ thể kế hoạch nghiên cứu, bao
gồm các mục tiêu, phương pháp, quy trình thu thập dữ liệu và xử lý dữ liệu dự kiến.
Bài báo protocol đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ thông tin về quy trình nghiên
cứu, giúp đảm bảo tính minh bạch và giám sát từ cộng đồng nghiên cứu. Điều này có thể giúp
tránh tình trạng nghiên cứu chọn lọc dữ liệu hoặc tránh công bố kết quả không tốt. Bài báo
protocol cũng cung cấp cho các nhà nghiên cứu khác cái nhìn sâu hơn về cách thức thực hiện
nghiên cứu, tạo điều kiện cho các hợp tác và tham khảo phương pháp thực hiện nghiên cứu.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bài báo protocol không được xem xét nếu có các bài báo khác liên
quan đến nghiên cứu đã được xuất bản hoặc đang được bình duyệt, báo cáo bất kỳ dữ liệu nào từ
nghiên cứu, hoặc là quy trình dành cho các nghiên cứu thử nghiệm / nghiên cứu tính khả thi.
3.2. Báo cáo tốt nghiệp: khóa luận, luận văn, luận án
3.2.1. Định nghĩa
Báo cáo tốt nghiệp là một công trình nghiên cứu khoa học được thực hiện bởi sinh viên/học
viên sắp tốt nghiệp chương trình học đại học hoặc sau đại học. Báo cáo tốt nghiệp có thể dưới
dạng chuyên đề, tiểu luận hoặc khoá luận của sinh viên, luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ.
Thường báo cáo tốt nghiệp sẽ làm vào thời điểm kết thúc khoá học và tốt nghiệp, để trình bày
những kết quả nghiên cứu theo một chủ đề đã chọn. Đó là công trình nghiên cứu khoa học, là
thành quả lao động khoa học của sinh viên đại học hay học viên sau đại học dựa trên sự độc lập,
tự chủ, tìm tòi và phát huy tính sáng tạo của chính mình. Những sản phẩm khoa học này sẽ giúp
giảng viên đánh giá trình độ và khả năng của sinh viên/học viên một cách khách quan.
3.2.2. Yêu cầu
 Thể hiện tính cần thiết, ý nghĩa khoa học, sáng tạo
 Đảm bảo độ tin cậy và sát với thực tế
 Phù hợp với chuyên ngành
 Không trùng lặp, đạo đức nghiên cứu
 Kết quả nghiên cứu có đóng góp khoa học và/hoặc thực tiễn
3.2.3. Đặc điểm:
 Nội dung của báo cáo tốt nghiệp cần phải được viết chi tiết và đầy đủ
 Trình bày mạch lạc, đáng tin cậy, chuẩn xác, minh bạch, khách quan
 Bố cục, định dạng theo yêu cầu của cơ sở đào tạo
3.2.4. Cấu trúc (chi tiết theo yêu cầu của cơ sở đào tạo)
Nội dung cơ bản bao gồm:
 Tóm tắt nghiên cứu
 Chương 1: Tổng quan
 Chương 2: Phương pháp nghiên cứu
 Chương 3: Kết quả
 Chương 4: Bàn luận
 Kết luận
 Khuyến nghị
 Tài liệu tham khảo

3.3. Báo cáo hội nghị khoa học


Hội thảo/hội nghị khoa học là diễn đàn cho các nhà khoa học học tập, trao đổi kinh nghiệm.
Nó được xem là cuộc hội họp giữa những nhà quản lý, những nhà khoa học có kiến thức, có trình
độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, đề cập về một chủ đề nào đó, đưa ra ý kiến chuyên sâu,
chia sẻ, thảo luận, khẳng định giá trị với đời sống xã hội, hoặc tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn
vướng mắc, hoặc để áp dụng những tiến bộ mới của khoa học – công nghệ nhằm đáp ứng yêu
cầu thực tiễn đang đặt ra.
Các sản phẩm cần chuẩn bị cho Hội nghị khoa học có thể là bài tóm tắt báo cáo (Abstract),
bài trình bày nói hoặc poster (Oral/poster presentation) và bài báo toàn văn (fulltext).
Bài báo cáo toàn văn
Một số hội nghị khoa học có yêu cầu nộp bài báo toàn văn, là bản báo cáo kết quả nghiên cứu
khoa học đầy đủ, chi tiết, với đầy đủ các nội dung giống bài báo khoa học (được trình bày trong
phần 3.1). Tuy nhiên mỗi hội nghị, hội thảo sẽ có những yêu cầu, qui định riêng về hình thức
trình bày.
Bài báo cáo tóm tắt
Tóm tắt được coi là phiên bản thu nhỏ bài báo của bạn, do đó nó cần phải cung cấp những
thông tin quan trọng như mục đích nghiên cứu, phương pháp nhiên cứu, kết quả chính và kết
luận của nghiên cứu. (https://doi.org/10.51474/jer.v11i2.561). Một bài tóm tắt “Tốt” sẽ cung cấp
được ý tương nghiên cứu và thể hiện sự đóng góp của bài vào nội dung Hội nghị.
Đặc điểm:
 Ngắn gọn, đủ ý, tránh dài dòng lặp ý (độ dài khoảng 200-300 từ)
 Viết cụ thể, không viết đại ý hoặc ý tưởng khái quát
 Kiểm tra tính phù hợp của chủ đề nghiên cứu với chủ đề của Hội nghị
 Làm theo quy định về cấu trúc, format của Ban tổ chức
Cấu trúc thông thường của 1 bài tóm tắt:
 Tên bài báo cáo tóm tắt
 Giới thiệu bối cảnh, lý do nghiên cứu (Background/Reasonel)
 Mục tiêu nghiên cứu (Objectives)
 Tóm tắt phương pháp nghiên cứu (Methods)
 Tóm tắt kết quả nghiên cứu (Results)
 Kết luận (conclusion)
 Đề xuất hoặc ứng dụng nếu có (Recommendation and Implications)

Bài thuyết trình (slide)


Một bài thuyết trình trong Hội nghị khoa học cần phải được trình bày theo một cấu trúc chặt
chẽ, đảm bảo được những nội dung chính bao gồm phần mở đầu, nội dung và kết luận. Các
cách để thực hiện và cách trình bày bài nghiên cứu khoa học thu hút bao gồm:
 Thiết kế và định dạng phù hợp với đối tượng khán giả và hoàn cảnh chung quanh.
 Tập trung chính vào chủ đề báo cáo, loại bỏ đi các phần không liên quan.
 Sử dụng các kiểu mẫu của PowerPoint cung cấp sẵn một cách phù hợp, chú ý về màu
sắc, kiểu font chữ nhằm giúp nhấn mạnh nội dung báo cáo.
 Mỗi slide nên chứa đựng một lượng thông tin vừa phải, không nên có các đoạn văn
bản quá dài.
 Sử dụng các ảnh và đồ thị minh họa để truyền tải thông tin tốt hơn và tạo nên ấn
tượng cho người xem một cách trực quan.
Cấu trúc 1 bài trình bày:
 Tiêu đề (1 slide):
 Tên đề tài nghiên cứu
 Tên tác giả
 Tên và logo đơn vị công tác
 Bối cảnh, giới thiệu:
 Tóm tắt bối cảnh
 Lý do thực hiện nghiên cứu
 Khoảng trống nghiên cứu
 Mục tiêu (1 slide)
 Phương pháp nghiên cứu:
 Sắp xếp logic, có tổ chức.
 Nêu rõ thông tin về phương pháp thu thập, phân tích, xử lý số liệu.
 Kết quả:
 Ưu tiên sử dụng bảng, biểu đồ, hình ảnh sinh động, bắt mắt.
 Trình bày ý chính, tránh trình bày rườm rà.
 Kết luận:
 Đưa ra các kết luận chính.
 Hạn chế NC.
 Hướng NC tiếp theo
 Đề xuất và ứng dụng (nếu có)
 Hỏi đáp (nếu có)

Poster khoa học


Poster nghiên cứu khoa học là một dạng báo cáo khoa học trình bày thông tin và kết quả
nghiên cứu trên một khổ giấy hoặc tấm bảng lớn. Poster khoa học thường được sử dụng để trình
bày các kết quả của một nghiên cứu tại một hội nghị khoa học hoặc chia sẻ thông tin với cộng
đồng khoa học. Để tạo ra một poster khoa học hiệu quả, cần xác định đối tượng chính, tránh sử
dụng quá nhiều văn bản, sử dụng hình ảnh, đồ họa và màu sắc hợp lý. Đồng thời, cần tập trung
vào thông điệp cốt lõi và gây ấn tượng với người xem trong vòng 10 giây đầu tiên. Nếu thiết kế
đúng cách, poster khoa học có thể giúp nhà nghiên cứu thu hút sự chú ý và gây ấn tượng mạnh
mẽ với người xem.
Đặc điểm:
 Nội dung truyền tải ngắn gọn, xúc tích, ưu tiên bảng, biểu đồ, hình vẽ.
 Bố cục mạch lạc, rõ ràng
 Thiết kế màu sắc bắt mắt, phù hợp với nội dung và đối tượng xem.
Thiết kế poster khoa học

Các bước cơ bản để thiết kế poster khoa học:


 Xác định đối tượng chính trên poster
 Chuẩn bị hình ảnh và số liệu thống kê: Khi đã xác định được đối tượng chính, hãy chuẩn
bị các hình ảnh, biểu đồ, bảng số liệu và các thông tin khác liên quan đến nghiên cứu.
 Thiết kế bố cục poster: đảm bảo hài hòa, bố trí rõ ràng và tính logic cho tổng thể. Hãy
chọn một bố cục đơn giản để poster dễ dàng quan sát và đọc.
 Sử dụng màu sắc và font chữ phù hợp: Màu sắc và font chữ là cách tốt nhất để tạo nên
điểm nhấn cho poster. Chọn màu sắc phù hợp với thông điệp và font chữ rõ ràng, dễ đọc.
 Đánh giá và chỉnh sửa: Sau khi thiết kế xong poster, hãy nhìn tổng quát, đánh giá lại để
tìm ra còn vấn đề gì không và chỉnh sửa sao cho đạt được chất lượng cao nhất. Chú ý đến
tính thẩm mỹ, thông tin chính xác và độc đáo của poster.
Chính những bước cơ bản này sẽ giúp bạn thiết kế một poster khoa học đẹp và ấn tượng để
truyền tải thông tin đến người xem.

Kết luận
Công bố kết quả nghiên cứu khoa học là rất quan trọng giúp chia sẻ kết quả nghiên cứu với cộng
đồng khoa học rộng lớn hơn, giúp thúc đẩy hiểu biết khoa học. Công bố khoa học giúp cho việc
ra quyết định dựa trên bằng chứng, giúp thu hút nhiều hơn các nhà khoa học thực hiện và chia sẻ
kết quả nghiên cứu của họ. Lựa chọn hình thức công bố phù hợp sẽ giúp tăng hiệu quả truyền tải
các bằng chứng khoa học.

You might also like