You are on page 1of 12

HƯỚNG DẪN SINH VIÊN VIẾT TIỂU LUẬN MÔN HỌC -

MỘT TRONG NHỮNG GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG


HỌC TẬP TRONG ĐIỀU KIỆN ĐÀO TẠO
THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ

ThS. Trần Huy Quang

Đối với mỗi sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường đại học, bên
cạnh việc học tập các môn trên lớp, nghiên cứu khoa học là một trong những
nhiệm vụ và trách nhiệm quan trọng của họ. Trong suốt thời gian học tập tại
trường, sinh viên sẽ phải thực hiện rất nhiều thể loại luận văn khoa học từ
thấp đến cao, trong đó viết tiểu luận môn học có thể coi là bước tập dượt đầu
tiên. Chính vì thế, đây là công việc hết sức cần thiết và quan trọng nhằm trang
bị và chuẩn bị về kiến thức, kĩ năng và phương pháp cho việc nghiên cứu
khoa học sau này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có rất nhiều sinh viên,
đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất, do còn bỡ ngỡ, chưa hiểu rõ về vai trò của
việc viết tiểu luận, cách thức thực hiện một tiểu luận môn học nên còn tỏ ra
lúng túng, kết quả đạt được còn hạn chế. Vậy, tiểu luận là gì? Tại sao cần phải
viết tiểu luận? Các bước thực hiện một tiểu luận như thế nào?.... Bài viết sẽ
góp phần giải đáp các câu hỏi nêu trên nhằm cung cấp những kiến thức cơ
bản, giúp sinh viên thực hiện tốt một tiểu luận môn học.
1. Sự cần thiết của việc viết tiểu luận môn học
a. Tiểu luận là gì?
Tiểu luận là chuyên khảo về một chủ đề khoa học, thường được làm
trong quá trình học tập một môn học nào đó1.
Tiểu luận phải có nội dung liên quan đến môn học, góp phần giải đáp,
mở rộng hoặc nâng cao kiến thức về một vấn đề khoa học thuộc môn học đó.
Trong quá trình viết tiểu luận, ngoài việc tái hiện các kiến thức liên quan đến
môn học thông qua việc tổng hợp các tài liệu và ý kiến có sẵn, người làm tiểu

1
Đoàn Văn Khái, Nguyễn Anh Tuấn, Dư Đình Phúc (Chủ biên), Giáo trình Lôgic học và phương pháp học tập,
nghiên cứu khoa học, NXB Giáo dục, H, 2012, tr195.

1
luận còn cần phải đưa ra những nghiên cứu riêng, ý kiến riêng của mình về
vấn đề khoa học được đề cập tới trong tiểu luận.
Tiểu luận không nhất thiết bao quát toàn bộ nội dung môn học mà có
thể chỉ đề cập đến một vấn đề nhất định trong môn học đó. Chẳng hạn, với
một tiểu luận của môn Triết học: “Quan điểm của triết học Mác - Lênin về
con người và vấn đề xây dựng nguồn lực con người trong sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay”. Việc tìm hiểu vấn đề này
của tiểu luận sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn quan điểm của Triết học Mác -
Lênin về con người, đồng thời biết cách vận dụng lý luận vào thực tiễn
trong việc phân tích thực trạng cũng như những giải pháp xây dựng nguồn
lực con người trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam
hiện nay.
b. Vai trò của việc viết tiểu luận môn học
- Qua việc viết tiểu luận, sinh viên sẽ hiểu sâu hơn những vấn đề cơ bản
thuộc về môn học.
- Giúp sinh viên làm quen với nghiên cứu khoa học, hình thành ở họ
thói quen nghiên cứu khoa học.
- Phát huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo của sinh viên, nhất là đối
với với hệ đào tạo tín chỉ.
- Giúp sinh viên bước đầu biết gắn lý luận với thực tiễn.
- Góp phần rèn luyện kĩ năng viết và phương pháp tiếp cận, giải quyết
vấn đề của sinh viên.
- Chuẩn bị và trang bị kiến thức, kĩ năng, phương pháp cho việc viết
các thể loại luận văn khoa học sau này của sinh viên như: báo cáo thực tập
giữa khóa, thu hoạch thực tập tốt nghiệp, khóa luận tốt nghiệp…
c. Trình tự và cấu trúc của tiểu luận
Phần này đã được trình bày trong Giáo trình Lôgic học và phương pháp
học tập, nghiên cứu khoa học do PGS, TS Đoàn Văn Khái, PGS, TS Nguyễn
Anh Tuấn, GVC Dư Đình Phúc đồng chủ biên (2012), NXB Giáo dục, H,
tr195-196. Với một tiểu luận môn học thường có trình tự và cấu trúc như sau:
2
- Trang bìa: gồm bìa chính và bìa phụ (bìa phụ là giấy thường). Bìa
chính và bìa phụ hình thức trình bày giống nhau, được viết theo thứ tự từ trên
xuống như sau: tên trường; khoa/bộ môn nơi hướng dẫn người viết tiểu luận;
tiểu luận... (tên môn học); tên đề tài; họ tên người viết tiểu luận; mã sinh viên;
lớp, khối, ngành, khóa; họ tên người hướng dẫn; địa danh và tháng, năm viết
tiểu luận.
- Mục lục
- Danh mục các chữ, kí hiệu viết tắt, bảng biểu (nếu có)
- Mở đầu (đối với tiểu luận môn học, phần này thường gồm các nội
dung sau: lý do chọn đề tài; mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu; đối tượng
nghiên cứu; kết cấu tiểu luận).
- Nội dung (kết quả nghiên cứu): Dù viết về một vấn đề gì thì bài tiểu
luận phải nêu lên được vấn đề, phân tích và đánh giá vấn đề, trình bày những
kết quả/ý kiến, quan điểm, kết luận của người nghiên cứu về vấn đề đó. Tùy
theo tên đề tài, nhưng nói chung phần nội dung của tiểu luận cần đề cập và
giải quyết các vấn đề theo lôgic: lý luận, lý thuyết mà đề tài cần giải quyết;
thực trạng, thực tiễn vấn đề mà đề tài nghiên cứu; đề xuất giải pháp, kiến nghị
trên cơ sở thực trạng của vấn đề. Phần nội dung có thể chia thành các chương,
song vì độ dài của một tiểu luận không lớn, thường khoảng 15 đến 20 trang,
nên thường không đặt thành các chương mà chỉ kết cấu thành các mục, trong
mỗi mục có nhóm tiểu mục và tiểu mục.
- Kết luận: Phần này nêu ngắn gọn kết quả nghiên cứu và các khuyến
nghị rút ra từ kết quả nghiên cứu; nêu ra những vấn đề chưa giải quyết được
và hướng phát triển của đề tài.
- Tài liệu tham khảo.
2. Các bước để thực hiện một tiểu luận môn học
Sau khi xác định được tiểu luận là gì và các yêu cầu của tiểu luận, sinh
viên cần phải phân chia việc thực hiện tiểu luận thành các công việc nhỏ hơn
và đơn giản hơn; định rõ thứ tự thực hiện các công việc đó, thời gian cần thiết
cho từng công việc. Tức là phải xác định các bước thực hiện tiểu luận. Kết quả
3
của việc làm này là một bản kế hoạch thực hiện tiểu luận được giáo viên hướng
dẫn chấp thuận. Về cơ bản, để thực hiện một tiểu luận bao gồm các bước: xác
định đề tài, lập đề cương nghiên cứu, thu thập và xử lý thông tin, giải quyết từng
mục trong nội dung nghiên cứu (viết nội dung tiểu luận), hoàn thiện tiểu
luận. Tất nhiên, tùy theo từng môn học và từng đề tài mà có thể phải thêm, bớt
các bước hoặc thay đổi thứ tự các bước cho phù hợp. Công việc cụ thể của các
bước như sau:
- Xác định đề tài 
Trước tiên cần tìm kiếm và lựa chọn đề tài nghiên cứu. Đề tài có thể do
giáo viên hướng dẫn nêu ra nhưng cũng có khi sinh viên phải tự tìm kiếm.
Đối với môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin (học phần 1),
do tính đặc thù của môn học và với đối tượng làm tiểu luận là sinh viên năm
thứ nhất, thì các đề tài được giảng viên định hướng và cho trước dưới dạng
các vấn đề. Ngoài ra, sinh viên có thể tìm kiếm và lựa chọn thêm các đề tài
khác mà nội dung nằm trong chương trình môn học hoặc trong thực tiễn liên
quan, nhưng phải được giảng viên thông qua.
Cần phải xác định rõ phạm vi nghiên cứu của đề tài như giới hạn về nội
dung, về mức độ nghiên cứu. Đối với một số đề tài còn phải giới hạn về thời
gian, không gian của sự kiện, điều kiện thực hiện.... Vì thời gian làm tiểu luận
có hạn nên sinh viên cần chọn những đề tài vừa sức và phải đưa ra những giới
hạn phù hợp, không nên chọn những đề tài quá khó hoặc quá rộng. 
Khi trình bày với giáo viên hướng dẫn, cần phải nói rõ nội dung đề tài,
lý do chọn đề tài, phương pháp nghiên cứu đề tài, giới hạn phạm vi nghiên
cứu và cuối cùng là tên đề tài (tên đề tài phải ngắn gọn, phù hợp với nội dung
và giới hạn của đề tài).  
- Lập đề cương
Đề cương là cái khung của tiểu luận, nó đề cập những nét chính của đề
tài. Ở bước này, cần nêu ra được nội dung tiểu luận sẽ gồm bao nhiêu phần,
chương, mục; cách bố trí ra sao, nội dung chủ yếu của mỗi mục là gì. Tất
nhiên đây chỉ là những dự kiến, sau này có thể thay đổi cho phù hợp.
4
Nhìn chung, nội dung tiểu luận gồm các phần chính như: Phần mở đầu,
Phần nội dung, Phần kết luận (cụ thể như đã trình bày trong mục “Trình tự và
cấu trúc của tiểu luận”).
 Cần lưu ý rằng, lập đề cương là một bước rất quan trọng, ảnh hưởng
trực tiếp đến quá trình triển khai nội dung và chất lượng tiểu luận. Vì vậy, đề
cương phải được xây dựng rõ ràng, mạch lạc, lôgic. Trong mỗi mục hoặc tiểu
mục của các chương cần chi tiết hóa nội dung thành các ý mà sau này sẽ phải
triển khai. Đề cương càng chi tiết thì quá trình nghiên cứu và việc viết báo
cáo kết quả nghiên cứu sẽ càng thuận lợi.
- Thu thập và xử lý thông tin
Sau khi đã xác định được đề tài nghiên cứu của tiểu luận và đã xây
dựng được đề cương nghiên cứu, cần phải thu thập các thông tin liên quan
đến đề tài nghiên cứu, ví dụ như:
+ Các nguồn tài liệu như giáo trình, sách, báo, tạp chí, kỷ yếu khoa
học... được lưu trữ trong các thư viện hoặc trên Internet. 
+ Các kết quả có được từ các thí nghiệm, điều tra,v.v.. (nếu có).
Trên cơ sở kết quả thu thập thông tin, sinh viên phải tiến hành xử lý
thông tin theo 2 cách: định tính và định lượng tùy vào kết quả thu thập thông
tin và mục đích nghiên cứu đặt ra.
Kết quả của việc thu thập thông tin là một bản danh mục các tài liệu
tham khảo, trong đó các tài liệu được sắp xếp theo thứ tự ABC theo tên tác giả.
- Giải quyết nội dung nghiên cứu (viết tiểu luận)
Đây là bước chiếm nhiều công sức nhất trong quá trình làm tiểu luận.
Sinh viên cần phải tiến hành nghiên cứu, tra cứu tài liệu, tổng hợp và phân
tích dữ liệu, suy nghĩ và đưa ra những nhận xét, đánh giá,... cho từng mục
trong tiểu luận. Sau đó viết những kết quả nghiên cứu của mình để hoàn thành
từng phần của tiểu luận. 
Trước hết nên viết dưới dạng bản thảo tất cả những thông tin, những kết
quả có được, những ý tưởng đã có cho đề tài cho dù còn lộn xộn, chưa chắc
chắn. Trong các bước tiếp theo sẽ sửa chữa, sàng lọc, sắp xếp, hoàn chỉnh lại.
5
- Hoàn thiện tiểu luận
Sau khi đã viết được hầu hết nội dung tiểu luận, cần phải đọc lại và
hoàn thiện tiểu luận. Chính trong phần này, việc soạn thảo tiểu luận bằng máy
tính sẽ phát huy tác dụng rất tốt. Với máy tính, ta có thể thêm, bớt, xóa, sửa
văn bản, có thể chèn các hình ảnh, biểu bảng, sơ đồ, công thức,… một cách
tiện lợi.
Trong bước này, cần phải : 
+ Điều chỉnh bố cục và nội dung tiểu luận cho phù hợp với quá trình và
kết quả nghiên cứu, đồng thời khiến các phần được liên kết với nhau một cách
mạch lạc, rõ ràng. Lược bỏ những phần, những ý chưa thật chắc chắn hoặc
quá lan man.
+ Sửa chữa lỗi chính tả, câu văn và ý tứ sao cho tiểu luận được trình
bày một cách chính xác, dễ hiểu và trong sáng. 
+ Chỉnh sửa nội dung và hình thức các bảng, biểu, hình ảnh.... Nhập
Danh mục tài liệu tham khảo. 
+ Điều chỉnh định dạng các phần của văn bản tiểu luận như các tiêu đề,
chú thích, tham chiếu,... Tạo các phần cần thiết cho văn bản tiểu luận như:
Trang bìa, Mục lục, Header...
3. Một số lưu ý trong quá trình hướng dẫn (đối với giảng viên) và viết
tiểu luận môn học (đối với sinh viên)
Tiểu luận là một công trình nghiên cứu khoa học nho nhỏ của sinh viên.
Tuy vậy, để có thể có được một bài tiểu luận có chất lượng đảm bảo thì luôn
cần có sự định hướng, dẫn dắt của giảng viên. Từ kinh nghiệm bản thân trong
quá trình hướng dẫn sinh viên viết tiểu luận, theo tác giả, cần lưu ý một số
vấn đề sau:
a. Đối với giảng viên
- Đối tượng viết tiểu luận môn Triết học Mác - Lênin là những sinh
viên năm thứ nhất nên còn khá bỡ ngỡ với việc học tập ở bậc đại học, trong
đó có việc viết tiểu luận môn học. Hầu hết sinh viên chưa biết thế nào là tiểu
luận, cách thức thực hiện nó như thế nào… nên tỏ ra lúng túng, thậm chí lo
6
lắng khi nghe giảng viên đề cập đến công việc này. Vì thế, ngay trong buổi
đầu tiên lên lớp, bên cạnh những công việc quan trọng khác, cũng nên phổ
biến ngay rằng trong quá trình học môn Triết học thì việc viết tiểu luận là một
yêu cầu bắt buộc. Việc thông báo này sẽ giúp sinh viên có sự chuẩn bị về tâm
lý và không quá bị động khi bắt tay vào thực hiện viết tiểu luận.
- Sau khi sinh viên học được từ 2 đến 3 buổi học đầu tiên, giảng viên
phải dành ra ít nhất 30 phút của buổi học tiếp theo đó để hướng dẫn cụ thể
cho sinh viên về những vấn đề liên quan đến việc viết tiểu luận như: tiểu
luận là gì?, tại sao phải viết tiểu luận?, những yêu cầu cơ bản về hình thức
và nội dung của tiểu luận?, trình tự và cấu trúc của tiểu luận…, đồng thời
lưu ý sinh viên một số điểm khi trình bày kết quả nghiên cứu như: ngôn ngữ,
văn phong trình bày; cách sắp xếp danh mục tài liệu tham khảo; cách ghi
trích dẫn số liệu, tài liệu; cách đánh số chương, mục; cách ghi mục mục,
đánh số trang… (Thực ra, tất cả những lưu ý này đã được trình bày đầy đủ
và chi tiết trong giáo trình Lôgic học và phương pháp học tập, nghiên cứu
khoa học. Tuy nhiên, có một đặc điểm là môn Triết học và môn Lôgic học và
phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học được giảng dạy trong cùng một
thời điểm, do đó khi sinh viên làm tiểu luận thì họ chưa được học đến phần
này).
- Giảng viên nên định hướng trước cho sinh viên về tên đề tài. Muốn
vậy cần phải có một danh mục những vấn đề gợi ý để sinh viên có thể lựa
chọn. Tất nhiên, sinh viên vẫn có thể lựa chọn các đề tài khác ngoài danh mục
mà giảng viên gợi ý. Tuy vậy, để tránh trường hợp sinh viên lựa chọn những
vấn đề mà nội dung không nằm trong chương trình môn học, hoặc đề tài quá
khó hoặc quá rộng thì giảng viên cần thông báo rằng những trường hợp nào
lựa chọn những đề tài ngoài danh mục thì cần phải có tên đề tài và đề cương
để giảng viên thông qua.
- Sau khi đã phổ biến công việc viết tiểu luận, giảng viên cần phải có
các kênh thông tin để sinh viên có thể liên hệ nhằm giải đáp kịp thời các thắc
mắc liên quan đến quá trình làm tiểu luận.
7
b. Đối với sinh viên
- Đầu tiên, sinh viên cần phải có thái độ đúng đắn đối với việc viết tiểu
luận. Để bài tiểu luận có chất lượng tốt thì ngay từ trong tư tưởng, sinh viên
cũng phải nhìn nhận vấn đề một cách tương xứng – nghiên cứu không phải là
để đối phó với những yêu cầu của giảng viên, mà là để hiểu đầy đủ, cặn kẽ
hơn các nội dung kiến thức đã được học trong môn học; từ đó vận dụng liên
hệ những kiến thức đó vào trong thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội. Điều này
một mặt làm tăng cường tính thực tiễn của môn học, mặt khác tạo cơ hội phát
huy tính tự chủ, năng động, sáng tạo của sinh viên, rèn luyện thói quen nghiên
cứu khoa học.
- Sau khi lựa chọn được đề tài nghiên cứu, sinh viên cần phải xây dựng
đề cương chi tiết (với những yêu cầu đã đề cập ở trên) để giảng viên góp ý,
thông qua. Đây là một bước hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện bất cứ
một thể loại luận văn khoa học nào, nhưng do chưa hiểu được vai trò của việc
xây dựng đề cương nên hầu hết sinh viên thường bỏ qua bước này. Có thể nói
rằng khi xây dựng được một đề cương chi tiết là sinh viên đã hoàn thành được
hơn 50% khối lượng công việc. Đồng thời, khi triển khai viết đề tài, đề cương
sẽ giúp cho bài tiểu luận đảm bảo được tính khoa học, nhờ vậy, sinh viên có thể
định hình và làm chủ được độ dài của mỗi phần, từ đó điều chỉnh sao cho hợp
lý, để không quá dài dòng hay lan man, cũng không bị thiếu.
- Sinh viên cần giữ mối liên hệ với giảng viên hướng dẫn trong suốt
quá trình thực hiện tiểu luận. Nhờ việc trao đổi với giảng viên, sinh viên có
thể nắm bắt được những yêu cầu cụ thể mà giảng viên muốn họ nghiên cứu,
biết được những tiêu chí mà giảng viên đưa ra là như thế nào, để từ đó xác
định phương hướng cho mình. Đồng thời, việc trao đổi với giảng viên sẽ giúp
sinh viên lĩnh hội được nhiều kinh nghiệm, để được định hướng và tư vấn kịp
thời trước những vấn đề nảy sinh, tránh những sai sót có thể xảy ra cũng như
rút ngắn quá trình nghiên cứu.
- Cuối cùng, ngoài nội dung, sinh viên cũng nên để ý đến hình thức của
tiểu luận. Từ cách trình bày một trang bìa, cách trích dẫn, cách ghi danh mục
8
tài liệu tham khảo, đến phông chữ, cỡ chữ, dãn dòng, canh lề… Những lưu ý
này không chỉ làm cho bài tiểu luận nhìn đẹp hơn, mà còn thể hiện sự cẩn
thận, thái độ nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học.
Như vậy, viết tiểu luận môn học có thể coi là bước tập dượt đầu tiên
của sinh viên trong quá trình đến với công việc nghiên cứu khoa học - một
nhiệm vụ không thể thiếu trong môi trường đại học. Tuy nhiên, cũng giống
như bất cứ một công việc nào khác, để thành công, bao giờ cũng phải có một
quy trình, tức phải có một phương pháp nhất định. Trên cơ sở làm rõ những
vấn đề cơ bản của tiểu luận, các bước để thực hiện một tiểu luận môn học, bài
viết mong muốn cung cấp cho sinh viên những nét cơ bản nhất của một
nghiên cứu khoa học, mà trước hết là sinh viên có thể thực hiện tốt một tiểu
luận môn học.

9
Phụ lục 1: Mẫu trang bìa tiểu luận

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG


KHOA LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
=====000=====

TIỂU LUẬN TRIẾT HỌC

PHÉP BIỆN CHỨNG VỀ MỐI LIÊN HỆ PHỔ BIẾN


VÀ VẬN DỤNG PHÂN TÍCH MỐI LIÊN HỆ GIỮA XÂY DỰNG
NỀN KINH TẾ ĐỘC LẬP TỰ CHỦ VỚI TÍCH CỰC, CHỦ ĐỘNG
HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Sinh viên thực hiện: Nguyễn Hồng Nhung


Mã SV: 1513456789
Lớp A6, Khối 2 Kinh tế, Khóa 59
Lớp tín chỉ: TRI114.7
Giảng viên hướng dẫn: TS Trần Văn A

Hà Nội - 6/2021

10
Phụ lục 2: Danh mục đề tài tiểu luận môn Triết học
1. Quan điểm duy vật biện chứng về mối quan hệ giữa vật chất với ý
thức và vận dụng vào công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay.
2. Quy luật khách quan và vai trò của nhân tố chủ quan trong hoạt động
thực tiễn và vận dụng vào sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay.
3. Phép biện chứng về mối liên hệ phổ biến và vận dụng phân tích mối
liên hệ giữa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với chủ động hội nhập kinh
tế quốc tế.
4. Phép biện chứng về mối liên hệ phổ biến và vận dụng phân tích mối
liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội.
5. Phép biện chứng về mối liên hệ phổ biến và vận dụng phân tích mối
liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái.
6. Phép biện chứng về mâu thuẫn và vận dụng phân tích mâu thuẫn
biện chứng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam hiện nay.
7. Phép biện chứng về phủ định và vận dụng phân tích việc kế thừa và
phát triển sáng tạo các giá trị truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
8. Biện chứng giữa cái chung và cái riêng và vận dụng vào việc xây
dựng nền kinh tế thị trường ở nước ta.
9. Mối liên hệ giữa lý luận và thực tiễn và vận dụng phân tích mối liên
hệ giữa đổi mới tư duy với đổi mới kinh tế ở nước ta.
10. Quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực
lượng sản xuất và vận dụng vào sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay.
11. Quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng và vận dụng
phân tích quan hệ giữa kinh tế với chính trị trong công cuộc đổi mới ở nước ta.
12. Lý luận hình thái kinh tế - xã hội với con đường đi lên chủ nghĩa xã
hội ở nước ta.
13. Quan điểm của triết học Mác – Lênin về con người và vấn đề xây
dựng nguồn lực con người trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở
nước ta hiện nay.
11
14. Quan hệ giữa xã hội với tự nhiên và vấn đề bảo vệ môi trường ở
Việt Nam hiện nay.
15. Quan điểm duy vật biện chứng về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và
ý thức xã hội và vận dụng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.
16. Vận dụng nguyên tắc toàn diện của phép biện chứng duy vật trong
hoạt động kinh tế đối ngoại.
17. Vận dụng nguyên tắc lịch sử - cụ thể của phép biện chứng duy vật
trong hoạt động kinh tế đối ngoại.
18. Vận dụng phép biện chứng duy vật trong hoạt động kinh tế đối ngoại.
19. Nhà nước và vấn đề nâng cao vai trò của nhà nước trong điều kiện
hiện nay ở nước ta.

12

You might also like