You are on page 1of 11

See discussions, stats, and author profiles for this publication at: https://www.researchgate.

net/publication/325619375

Các yếu tố thuận lợi và khó khăn khi thực hiện Kế hoạch kiểm định chất lượng
giáo dục đại học giai đoạn 2017-2020

Article · February 2018


DOI: 10.18173/2354-1075.2018-0002

CITATIONS READS

0 23,746

1 author:

Cuong Huu Nguyen


Van Lang University
46 PUBLICATIONS   190 CITATIONS   

SEE PROFILE

Some of the authors of this publication are also working on these related projects:

Human resource development for higher education quality assurance systems View project

A Palgrave Macmillan Book on Quality Assurance in Vietnamese Higher Education View project

All content following this page was uploaded by Cuong Huu Nguyen on 28 June 2018.

The user has requested enhancement of the downloaded file.


HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1075.2018-0002
Educational Sciences, 2018, Vol. 63, Iss. 2, pp. 17-26
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn

CÁC YẾU TỐ THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN KHI TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH KIỂM
ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC GIAI ĐOẠN 2017-2020

Nguyễn Hữu Cương


Khoa Giáo dục, Trường Đại học New South Wales, Australia

Tóm tắt. Bài viết này phân tích các yếu tố thuận lợi và khó khăn đối với hệ thống đảm bảo
và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam khi thực hiện Kế hoạch số 118/KH-
BGDĐT ngày 23/02/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về triển khai công tác kiểm định chất
lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư
phạm năm 2017. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp để thực hiện kế hoạch này một
cách hiệu quả.
Từ khóa: Kiểm định chất lượng, giáo dục đại học, kế hoạch, thuận lợi, khó khăn, giải pháp.

1. Mở đầu
Ngày 23/02/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch về triển khai công tác kiểm
định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp
sư phạm năm 2017 (Kế hoạch số 118/KH-BGDĐT ngày 23/02/2017) [4]. Ngay sau khi kế hoạch
này được công bố, đã có nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi, lộ trình và tiến độ thực hiện Kế
hoạch, đặc biệt là mục tiêu cho đến hết năm 2020 sẽ kiểm định xong tất cả các trường đại học đủ
điều kiện (đã có 01 khóa người học tốt nghiệp) và 10% chương trình đào tạo. Đây là một trong ba
mục tiêu cụ thể của Kế hoạch kiểm định. Bài viết này sẽ phân tích các yếu tố thuận lợi và khó
khăn của hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam liên quan đến Kế hoạch kiểm
định chất lượng 2017. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp để thực hiện mục tiêu quan trọng này.

2. Nội dung nghiên cứu


2.1. Khát quát về hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam
Kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam được chính thức triển khai ở cấp hệ thống
vào năm 2003 khi Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (hiện nay là Cục Quản lí chất
lượng), đơn vị thực hiện chức năng quản lí nhà nước về công tác đảm bảo và kiểm định chất
lượng giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo được thành lập. Sau những năm đầu thí điểm, hệ
thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam đã được thiết lập, bao gồm: cơ quan quản
lí nhà nước về kiểm định chất lượng (Cục Quản lí chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo), các
trung tâm kiểm định chất lượng và các cơ sở giáo dục đại học. Theo quy định, kiểm định chất

Ngày nhận bài: 05/10/2017. Ngày chỉnh sửa: 07/11/2017. Ngày nhận đăng: 12/11/2017.
Tác giả liên hệ: Nguyễn Hữu Cương, e-mail: cuongnh29@gmail.com
17
Nguyễn Hữu Cương

lượng ở Việt Nam là bắt buộc đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo.
Hiện tại, Quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng trường đại học được thực hiện theo Thông
tư số 62/2012/TT-BGDĐT ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy trình
kiểm định chất lượng gồm 4 bước chính như sau: 1) Cơ sở giáo dục tiến hành tự đánh giá; 2) Cơ
sở giáo dục đăng ký đánh giá ngoài với một tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và đề nghị xem
xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; 3) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục tiến
hành đánh giá ngoài; 4) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định, công nhận hoặc không
công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục [1]. Bộ tiêu chuẩn hiện hành để
kiểm định chất lượng trường đại học gồm 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí được ban hành theo Quyết
định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01/11/2007 và Thông tư số 37/2012/TT-BGDĐT ngày
30/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) [3]. Mỗi tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn này sẽ
được đánh giá là “Đạt” hoặc “Chưa đạt”. Để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng, cơ sở
giáo dục phải có ít nhất 80% số tiêu chí đạt yêu cầu, trong đó mỗi tiêu chuẩn có ít nhất một tiêu
chí đạt yêu cầu. Tuy nhiên, ngày 19/5/2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một
bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học mới với 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí
(Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ban hành Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục
đại học). Việc kiểm định chất lượng các trường đại học Việt Nam từ năm 2018 sẽ được thực hiện
theo quy định này [4,5]. Sự thay đổi này có thể sẽ gây ra một số khó khăn bước đầu cho các
trường và các trung tâm kiểm định chất lượng. Vấn đề này sẽ được thảo luận chi tiết ở phần sau.
Đối với kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, quy trình thực hiện được quy định tại
Thông tư số 38/2013/TT-BGDĐT ngày 29/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và
cũng gồm 4 bước như đối với quy trình kiểm định cơ sở giáo dục đại học. Để được công nhận đạt
tiêu chuẩn chất lượng thì chương trình đào tạo phải có ít nhất 80% số tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn
đánh giá chất lượng chương trình đạt yêu cầu, trong đó mỗi tiêu chuẩn có ít nhất 50% số tiêu chí
đạt yêu cầu [2]. Cho đến tháng 11 năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành được 5 bộ tiêu
chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo. Cụ thể là một bộ tiêu chuẩn dùng chung để đánh
giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, một bộ tiêu chuẩn đánh giá
chất lượng chương trình đào tạo giáo viên tiểu học trình độ cao đẳng, một bộ tiêu chuẩn đánh giá
chất lượng chương trình đào tạo giáo viên THPT trình độ đại học, một bộ tiêu chuẩn để đánh giá
chất lượng chương trình giáo dục sư phạm kĩ thuật công nghiệp trình độ đại học và một bộ tiêu
chuẩn để đánh giá chất lượng chương trình đào tạo điều dưỡng trình độ đại học, cao đẳng [9].
Về kết quả kiểm định chất lượng, cho đến hết tháng 11 năm 2017, đã có 213 trường đại học
hoàn thành báo cáo tự đánh giá, 78 trường đã được đánh giá ngoài (chiếm khoảng 35% trong
tổng số các trường đại học), trong đó 50 trường đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Ngoài ra có 6 trường đại học được đánh giá bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài [7]. Đối với
kiểm định chương trình đào tạo theo các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng do Bộ Giáo dục và
Đào tạo ban hành, ngoài 18 chương trình đào tạo giáo viên (4 chương trình đào tạo giáo viên tiểu
học, 12 chương trình đào tạo giáo viên THPT và 2 chương trình sư phạm kĩ thuật công nghiệp)
được đánh giá ngoài trước năm 2013 theo các dự án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho đến hết
tháng 11 năm 2017 chỉ có 7 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và được công nhận đạt tiêu
chuẩn chất lượng. Ngoài ra, cho đến ngày 30/11/2017 đã có 92 chương trình của 20 cơ sở đào tạo
đã được các tổ chức kiểm định của khu vực và quốc tế đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất
lượng [8,9].
18
Các yếu tố thuận lợi và khó khăn khi triển khai kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục đại học…

2.2. Kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2017-2020
Như đã trình bày ở trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 118/KH-BGDĐT
ngày 23/02/2017 về triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục đại
học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm năm 2017. Kế hoạch này đã nêu ra ba mục
tiêu cụ thể và năm nhóm nhiệm vụ và giải pháp chính. Các mục tiêu cụ thể bao gồm:
Mục tiêu thứ 1: Hoàn thiện hệ thống văn bản để có đủ hành lang pháp lí cho việc triển khai
công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế.
Mục tiêu thứ 2: Phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục, tăng cường năng lực cho
cơ quan quản lí nhà nước về đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục, các tổ chức kiểm định
chất lượng giáo dục, các đơn vị chuyên trách làm công tác đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào
tạo, đội ngũ đánh giá viên, kiểm định viên.
Mục tiêu thứ 3: Đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng giáo dục, bao gồm cả cơ sở giáo dục
và chương trình đào tạo, khuyến khích việc đánh giá theo chuẩn quốc tế. Đến hết năm 2017, có
35% số cơ sở giáo dục đại học và 10% số trường cao đẳng sư phạm được kiểm định. Đến hết năm
2020 đánh giá ngoài xong vòng 1 đối với các cơ sở đào tạo, khoảng 10% số chương trình đào tạo
được đánh giá trong nước và quốc tế… .
Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu bao gồm: (1) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống
văn bản về kiểm định chất lượng giáo dục; (2) Tăng cường năng lực của các tổ chức kiểm định
chất lượng giáo dục, phát triển đội ngũ kiểm định viên; (3) Tăng cường năng lực của các đơn vị
chuyên trách làm công tác đảm bảo chất lượng bên trong cơ sở đào tạo; (4) Đẩy mạnh hoạt động
đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; và (5) Tăng cường truyền thông về
đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục.
Trong các nhóm nhiệm vụ này thì nhóm nhiệm vụ thứ 4 đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể đối với
việc đánh giá và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo. Cụ thể là
đến hết năm 2017, có 35% số trường đại học được kiểm định theo bộ tiêu chuẩn hiện hành (các
trường này phải đăng ký đánh giá ngoài với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục muộn nhất
ngày 30/6/2017), và đến hết năm 2020 tất cả các trường đại học phải được kiểm định chất lượng.
Việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo sẽ được triển khai theo bộ tiêu chuẩn dùng
chung để đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được ban
hành kèm theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến
hết năm 2020, 10% chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định
chất lượng trong nước hoặc quốc tế. Trong đó có 100% các chương trình có yếu tố quốc tế
(chương trình tiên tiến, chương trình POHE, chương trình đào tạo kĩ sư chất lượng cao - PFIEV,
chương trình đào tạo chất lượng cao,…) được kiểm định.
Để thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu nêu trên, Kế hoạch đã đưa ra một bảng phân công
công việc cho các đơn vị liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trung tâm kiểm định chất
lượng và các cơ sở giáo dục đại học [4].
2.3. Các yếu tố thuận lợi để thực hiện kế hoạch kiểm định
Trong phần này, tác giả trình bày một số yếu tố thuận lợi để thực hiện nhiệm vụ kiểm định
chất lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo theo Kế hoạch kiểm định 2017.
2.3.1. Hệ thống văn bản chỉ đạo và hướng dẫn đã tương đối đầy đủ
19
Nguyễn Hữu Cương

Một trong những điểm thuận lợi để thực hiện Kế hoạch kiểm định 2017 nói chung và mục tiêu
kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo nói riêng là hệ thống văn
bản quy phạm pháp luật và tài liệu hướng dẫn về đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đã
tương đối đầy đủ. Những quy định về kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã được đưa vào
Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và hướng
dẫn của Cục Quản lí chất lượng. Như đã trình bày ở trên, việc kiểm định chất lượng trường đại
học được thực hiện theo Thông tư số 62/2012/TT-BGDĐT ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục
trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày
01/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá
chất lượng giáo dục trường đại học (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 37/2012/TT-
BGDĐT). Việc kiểm định chương trình đào tạo được thực hiện theo Thông tư số 38/2013/TT-
BGDĐT ngày 29/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về quy
trình và chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng và
trung cấp chuyên nghiệp và Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo
các trình độ của giáo dục đại học. Ngoài ra, còn có các văn bản quy định về kiểm định viên và tổ
chức kiểm định chất lượng. Những văn bản này là cơ sở pháp lí quan trọng để các cơ sở giáo dục
đại học, các trung tâm kiểm định chất lượng, các tổ chức và cá nhân thực hiện các hoạt động
kiểm định chất lượng.
2.3.2. Các trung tâm kiểm định chất lượng đã được thành lập và đi vào hoạt động
Các trung tâm kiểm định chất lượng đóng vai trò quan trọng trong quy trình kiểm định chất
lượng. Ở đây cần lưu ý rằng trong khoảng thời gian 10 năm (từ 2004 đến năm 2015) đã không có
cơ sở giáo dục đại học nào được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng do chưa thành lập được tổ
chức kiểm định. Theo quy định thì trung tâm kiểm định chất lượng sẽ thực hiện đánh giá ngoài và
công nhận cơ sở giáo dục đại học hoặc chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng [13]. Cho
đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 5 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, bao gồm: Trung
tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học quốc gia Hà Nội, Trung tâm kiểm định chất lượng
giáo dục - Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục -
Đại học Đà Nẵng, Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường đại học, cao
đẳng Việt Nam và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh. Có 4 trung
tâm kiểm định (trừ Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh) đã được
cấp phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục với đối tượng là các cơ sở giáo dục đại học,
các trường trung cấp chuyên nghiệp; các chương trình đào tạo giáo dục đại học trình độ cao đẳng,
đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và các chương trình trung cấp chuyên nghiệp [6,11,13].
2.3.3. Hoạt động đảm bảo và kiểm định chất lượng đã được nhiều trường đại học quan tâm
Một số trường đại học của Việt Nam đã quan tâm đến công tác đảm bảo và kiểm định chất
lượng từ khá sớm, và đặc biệt trong những năm gần đây nhiều trường đã chú trọng đầu tư cả nhân
lực và vật lực cho các hoạt động này. Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường đại học đều
thành lập một đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng. Những đơn vị này là đầu mối để thực
hiện các hoạt động tự đánh giá cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo, cũng như chuẩn bị các
điều kiện để đón đoàn chuyên gia đánh giá ngoài. Ngoài ra, nhiều trường đại học đã cử cán bộ đi
học thạc sĩ, tiến sĩ với các chuyên ngành gần với đảm bảo và kiểm định chất lượng (ví dụ như
20
Các yếu tố thuận lợi và khó khăn khi triển khai kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục đại học…

thạc sĩ đo lường và đánh giá trong giáo dục) ở trong nước hoặc nước ngoài, hoặc tham gia
chương trình đào tạo kiểm định viên [11]. Công tác tự đánh giá cơ sở giáo dục đã được hầu hết
các trường đại học thực hiện. Như đã thảo luận ở phần trên, cho đến ngày 30/11/2017, đã có trên
95% số trường đại học hoàn thành báo cáo tự đánh giá, đánh dấu bước đầu trong quy trình kiểm
định chất lượng. Có thể nói sự nhận thức và quan tâm của các trường đại học là điều kiện tiên
quyết để thực hiện kế hoạch kiểm định chất lượng.
2.3.4. Sự hỗ trợ và tham gia của các tổ chức kiểm định quốc tế và khu vực
Trong những năm gần đây, hoạt động đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam đã
nhận được sự hỗ trợ và tham gia của nhiều tổ chức kiểm định quốc tế và khu vực. Cho đến hết
tháng 11 năm 2017 đã có 92 chương trình của 20 cơ sở đào tạo đã được đánh giá bởi các tổ chức
có uy tín như Hội đồng Kiểm định kĩ thuật và công nghệ (ABET), Hội đồng Kiểm định các
trường và chương trình đào tạo về kinh doanh (ACBSP), Ủy ban Văn bằng kĩ sư Pháp (CTI) và
Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA) [7]. Ngoài ra, có 4 trường
đại học được đánh giá ngoài và được công nhận kết quả kiểm định theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở
giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và 2
trường được đánh giá ngoài bởi AUN-QA. Đặc biệt, bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương
trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học và bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo
dục đại học cũng được xây dựng dựa trên các bộ tiêu chuẩn của AUN-QA. Trong thời gian tới
chắc chắn sẽ càng có nhiều chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo giáo dục đại học Việt Nam
được các tổ chức kiểm định khu vực và quốc tế đánh giá.
2.4. Những khó khăn ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch kiểm định
Mặc dù có những thuận lợi như vừa nêu trên, có nhiều thách thức khó khăn ảnh hưởng đến
việc hoàn thành mục tiêu kiểm định như Kế hoạch số 118/KH-BGDĐT đã đề ra. Những khó
khăn đó đến từ cả phía cơ quan quản lí nhà nước, các trung tâm kiểm định chất lượng và các
trường đại học.
2.4.1. Cơ chế, chính sách về kiểm định chất lượng chưa thực sự hoàn thiện
Như đã thảo luận ở phần trên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm định chất lượng
đã được ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một số quy định quan trọng. Hiện
nay nhiều tổ chức và cá nhân quan tâm tới cơ chế thưởng - phạt liên quan đến việc thực hiện
kiểm định chất lượng của các trường. Những quy định đều nêu rõ kiểm định ở Việt Nam là bắt
buộc và kiểm định là nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và giải trình với các bên liên quan
về thực trạng chất lượng giáo dục của chương trình đào tạo hoặc cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, cụ
thể các trường sẽ nhận được gì nếu thực hiện tốt kiểm định trường và chương trình ngoài giấy
chứng nhận kiểm định. Ngược lại, nếu một trường không thực hiện việc kiểm định chất lượng
theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền hoặc qua kiểm định nhưng không đạt chất lượng thì sẽ
bị xử phạt thế nào [9,14]. Đây là những câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ và đó cũng là một trong những
nguyên nhân làm chậm tiến độ triển khai kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở nước ta trong
hơn một thập kỷ vừa qua.
2.4.2. Nguồn nhân lực để triển khai hoạt động kiểm định còn quá mỏng
Một trong những thách thức lớn để triển khai kế hoạch kiểm định chất lượng là nguồn nhân
lực. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì đội ngũ cán bộ tham gia công tác đảm bảo và kiểm
21
Nguyễn Hữu Cương

định chất lượng giáo dục đại học trong toàn hệ thống còn quá mỏng. Ở cấp quản lí nhà nước, hiện
tại chỉ có 5 cán bộ của Cục Quản lí chất lượng làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ quản lí nhà nước
về đảm bảo và kiểm định chất lượng đối với các trung tâm kiểm định, các trường đại học, trường
cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm. Các trung tâm kiểm định chất lượng cũng thiếu cán bộ.
Hiện tại mỗi trung tâm chỉ có trên dưới 10 cán bộ làm nhiệm vụ chuẩn bị cho các đoàn đánh giá
ngoài cũng như những phần việc ‘hậu cần’ khác. Đặc biệt hầu hết các trường đều thiếu cán bộ
chuyên trách về đảm bảo chất lượng. Trung bình mỗi đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng
chỉ có 5 cán bộ, nhưng chỉ có 1 hoặc 2 cán bộ phụ trách đảm bảo chất lượng; những cán bộ còn
lại thực hiện các nhiệm vụ khác như khảo thí hoặc thanh ra. Với chỉ 1 hoặc 2 cán bộ ở mỗi trường
thì rất khó để làm đầu mối cho các hoạt động kiểm định như triển khai tự đánh giá cơ sở giáo dục
hoặc chuẩn bị đón đoàn đánh giá ngoài. Với các trường triển khai kiểm định chương trình đào tạo
thì phần việc còn nhiều hơn gấp bội, đòi hỏi sự hỗ trợ rất nhiều từ những cán bộ này.
2.4.3. Năng lực của nhiều kiểm định viên chưa đáp ứng được yêu cầu
Theo số liệu của Cục Quản lí chất lượng thì cho đến thời điểm hiện tại cả nước đã có 965
người được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo kiểm định viên, trong đó có 346
người được cấp thẻ kiểm định viên. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia và những người
trực tiếp giảng dạy tại các khóa đào tạo kiểm định viên thì chỉ có khoảng 1/3 số người hoàn
chương trình có đủ năng lực chuyên môn để tham gia các đoàn đánh giá ngoài. Trong thực tế,
theo thông tin từ một trung tâm kiểm định thì hiện tại trung tâm này mới ‘sử dụng’ chưa đến 1/4
số người được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo kiểm định viên cho các đoàn
chuyên gia đánh giá ngoài. Nguyên nhân chủ yếu được cho là năng lực chuyên môn hoặc kinh
nghiệm về đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học của nhiều người chưa đáp ứng
được yêu cầu để tham gia vào các đoàn đánh giá ngoài. Theo tính toán thì nếu 1 trung tâm kiểm
định có 50 kiểm định viên làm việc toàn thời gian thì trong 1 năm chỉ có thể kiểm định được 50
cơ sở giáo dục hoặc 60 chương trình đào tạo [11].
2.4.4. Chất lượng báo cáo tự đánh giá chưa đạt yêu cầu
Tự đánh giá cơ sở giáo dục hoặc chương trình đào tạo là khâu đầu tiên và được coi là quan
trọng nhất trong quy trình kiểm định chất lượng. Để tổ chức kiểm định chất lượng có thể triển
khai thực hiện đánh giá ngoài thì báo cáo tự đánh giá phải được xây dựng theo đúng hướng dẫn
của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Báo cáo tự đánh giá phải mô tả đúng hiện trạng của trường hoặc
chương trình đào tạo. Theo yêu cầu của mỗi tiêu chí, sau phần mô tả, nhà trường cần rút ra những
điểm mạnh, điểm tồn tại (điểm yếu) để từ đó có kế hoạch để duy trì, phát huy điểm mạnh và khắc
phục những điểm tồn tại. Theo thông tin từ Cục Quản lí chất lượng và các trung tâm kiểm định
thì báo cáo tự đánh giá của rất nhiều trường chưa đạt yêu cầu. Lí do chủ yếu là báo cáo tự đánh
giá chưa viết theo đúng hướng dẫn, phần mô tả của nhiều tiêu chí còn thiếu nội hàm, chưa đánh
giá đúng điểm mạnh và tồn tại, và kế hoạch hành động còn quá chung chung. Thường các báo
cáo tự đánh giá phải chỉnh sửa nhiều lần mới có thể được sử dụng để đoàn chuyên gia đánh giá
ngoài khảo sát chính thức. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch kiểm định chất lượng.
2.4.5. Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học mới còn quá mới với các
trường và các kiểm định viên
Theo Kế hoạch số 118/KH-BGDĐT ngày 23/02/2017 thì bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng
cơ sở giáo dục đại học mới ban hành kèm theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017
22
Các yếu tố thuận lợi và khó khăn khi triển khai kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục đại học…

của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được sử dụng để đánh giá ít nhất 65% số cơ sở giáo
dục đại học trong khoảng thời gian từ 2018 đến 2020 (vì đến hết năm 2017 sẽ kiểm định xong
35% số cơ sở giáo dục đại học theo bộ tiêu chuẩn hiện hành) [4]. Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất
lượng cơ sở giáo dục đại học mới thực sự còn quá mới mẻ đối với các trường đại học. Cho đến
thời điểm hiện tại có rất ít trường đại học tiếp cận với bộ tiêu chuẩn này để thực hiện tự đánh giá.
Như vậy phải mất nhiều thời gian để các trường làm quen với bộ tiêu chuẩn mới. Điều này dẫn
tới quá trình chuẩn bị báo cáo tự đánh giá sẽ lâu hơn. Ngoài ra, các kiểm định viên cũng sẽ cần có
thời gian để làm quen với bộ tiêu chuẩn mới với số lượng tiêu chuẩn và tiêu chí gấp đôi bộ tiêu
chuẩn hiện hành và thực hiện đánh giá mỗi tiêu chí theo thang 7 mức thay cho thang 2 mức như
hiện tại.
2.5. Đề xuất một số giải pháp
Trên cơ sở phân tích những thuận lợi và khó khăn của hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục
đại học Việt Nam hiện nay, một số giải pháp dưới đây được tác giả đề xuất để góp phần thực hiện
kế hoạch kiểm định được hiệu quả.
2.5.1. Hoàn thiện cơ chế chính sách về kiểm định chất lượng giáo dục
Để thúc đẩy hệ thống kiểm định chất lượng phát triển và ổn định thì một trong những điều
quan trọng nhất là phải hoàn thiện cơ chế chính sách. Đối với Việt Nam, việc ưu tiên hiện nay là
hoàn thiện cơ chế thưởng - phạt trong lĩnh vực đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục. Cơ
quan quản lí nhà nước cần đưa ra những chính sách hợp lí để khuyến khích những cơ sở giáo dục
làm tốt công tác kiểm định chất lượng hoặc xử lí những cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo
không đạt chất lượng. Ví dụ như tăng chỉ tiêu tuyển sinh hoặc cơ chế tự chủ cho những cơ sở
giáo dục hoặc chương trình đào tạo được kiểm định (theo mức độ số tiêu chí đạt chất lượng).
Hoặc chỉ những sinh viên học tại các trường hoặc chương trình đã được kiểm định mới được tiếp
cận các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ. Ngược lại, những trường hoặc chương trình qua kiểm
định không đạt tiêu chuẩn chất lượng có thể bị giảm chỉ tiêu tuyển sinh, hoặc tạm ngừng tuyển
sinh trong một khoảng thời gian nhất định để thực hiện các biện pháp cải tiến chất lượng.
2.5.2. Tăng cường nguồn nhân lực về đảm bảo và kiểm định chất lượng ở các cấp
Việc bổ sung cán bộ làm việc tại cơ quan quản lí nhà nước về đảm bảo và kiểm định chất
lượng, các trung tâm kiểm định và các cơ sở giáo dục đại học đã được nêu ra tại nhiều hội nghị, hội
thảo [12]. Tuy nhiên đây là một giải pháp không dễ thực hiện vì những đơn vị trên phải phụ thuộc
vào cơ quan chủ quản về biên chế cán bộ. Điều quan trọng ở đây là trưởng đơn vị và lãnh đạo cơ
quan chủ quản phải nhận thức được rằng đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục là một lĩnh
vực mới. Nếu không được bố trí đủ nguồn nhân lực có năng lực chuyên môn thì hệ thống này
không thể phát triển được. Trong thời gian qua cơ quan quốc gia về đảm bảo chất lượng và nhiều
trường đại học đã thực hiện điều chuyển cán bộ từ các đơn vị khác sang làm việc tại bộ phận đảm
bảo và kiểm định chất lượng. Đây là một trong những biện pháp để tăng cường nhân lực. Tuy
nhiên để có thể thực hiện tốt công việc thì những cán bộ được điều chuyển cần được đào tạo, bồi
dưỡng chuyên môn về lĩnh vực này. Tăng cường nguồn nhân lực và nâng cao năng lực chuyên
môn về đảm bảo và kiểm định chất lượng cần được quan tâm ở cả ba cấp: cơ quan quản lí nhà
nước, tổ chức kiểm định và cơ sở giáo dục đại học.
23
Nguyễn Hữu Cương

2.5.3. Đẩy mạnh đào tạo kiểm định viên


Kiểm định viên kiểm định chất lượng giáo dục đóng vai trò quan trọng trong kiểm định chất
lượng, đặc biệt là ở bước hai trong quy trình kiểm định khi đoàn chuyên gia đánh giá ngoài thực
hiện khảo sát tại trường. Hiện tại cả nước mới có 965 người hoàn thành chương trình đào tạo
kiểm định viên, trong đó có 346 người được cấp thẻ kiểm định viên. Để có thể kiểm định được
300 cơ sở giáo dục (các trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm) và 500 chương
trình đào tạo (10% số chương trình đào tạo) cho đến hết năm 2020 theo Kế hoạch thì cần phải
đào tạo thêm nhiều kiểm định viên nữa. Ngoài ra, điều quan trọng cũng cần quan tâm là năng lực
và kinh nghiệm chuyên môn của những kiểm định viên. Có nhiều người đã hoàn thành chương
trình đào tạo kiểm định viên hoặc được cấp thẻ kiểm định viên nhưng chưa tham gia một đoàn
đánh giá ngoài nào. Các cơ sở đào tạo kiểm định viên cần có kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng
thêm cho số lượng kiểm định viên này, giúp họ có đủ năng lực chuyên môn để tham gia vào các
đoàn đánh giá ngoài.
2.5.4. Tập huấn sử dụng bộ tiêu chuẩn mới
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức các lớp tập huấn về sử dụng bộ tiêu chuẩn mới đánh giá
chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Tất cả các đối tượng liên quan đến chất lượng giáo dục đại học
cần phải biết và hiểu về bộ tiêu chuẩn mới này. Trước hết đó là lãnh đạo, cán bộ quản lí, giảng
viên, cán bộ, nhân viên và sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học. Cán bộ chuyên trách về đảm
bảo chất lượng của các trường, lãnh đạo và nhân viên của các tổ chức kiểm định chất lượng và
các kiểm định viên phải là những người am hiểu và nắm vững từng tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn
này. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên có kế hoạch lựa chọn và hướng dẫn một số
trường thực hiện tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài thí điểm với bộ tiêu chuẩn mới trong
năm 2017 để từ đó có những điều chỉnh thích hợp cho việc triền khai đồng bộ trên toàn quốc từ
năm 2018.
2.5.5. Đẩy mạnh đánh giá và kiểm định theo chuẩn khu vực và quốc tế
Song song với việc thực hiện kiểm định chất lượng theo chuẩn trong nước, các cơ sở giáo dục
đại học cũng cần chủ động, tích cực đăng ký đánh giá và kiểm định theo chuẩn khu vực hoặc thế
giới. Hiện tại nhiều trường đại học đã có kinh nghiệm và quen với kiểm định khu vực và quốc tế.
Đây là điều kiện rất thuận lợi để những trường này đẩy mạnh thực hiện kiểm định bởi các tổ chức
có uy tín trong khu vực và quốc tế như AUN-QA, ABET và ACBSP. Ngoài ra, những cơ sở giáo
dục đại học khác có thể học hỏi kinh nghiệm từ những trường này. Việc được đánh giá và công
nhận bởi một tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho trường hoặc
chương trình đào tạo như khẳng định chất lượng đào tạo và nghiên cứu của trường ở tầm quốc tế,
nâng cao vị thế của trường và giúp trường dễ dàng hơn khi tìm kiếm đối tác nước ngoài để hợp
tác [10].

3. Kết luận
Kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2017-2020 đặt ra nhiều nhiệm vụ
và mục tiêu lớn. Trong đó phải kiểm định xong tất cả các trường đại học và 10% số chương trình
đào tạo cho đến hết năm 2020 được cho là quan trọng nhất. Bối cảnh hệ thống đảm bảo và kiểm
định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam hiện tại có một số thuận lợi cho kế hoạch này như hệ

24
Các yếu tố thuận lợi và khó khăn khi triển khai kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục đại học…

thống văn bản về đảm bảo và kiểm định chất lượng đã tương đối hoàn chỉnh, bốn trong số năm
trung tâm kiểm định chất lượng đã thực hiện việc đánh giá và công nhận các cơ sở giáo dục hoặc
chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng, nhiều trường đại học đã quan tâm đến đảm bảo
và kiểm định chất lượng, và một số chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục đã được các tổ chức
khu vực hoặc quốc tế đánh giá. Tuy nhiên, cũng có nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc thực hiện
Kế hoạch kiểm định này, cụ thể như cơ chế chính sách về kiểm định chất lượng ở nước ta chưa
thực sự hoàn thiện, nguồn nhân lực thực hiện các hoạt động kiểm định chất lượng còn quá mỏng,
năng lực của nhiều kiểm định viên chưa đáp ứng được yêu cầu, báo cáo tự đánh giá của nhiều
trường chưa đạt, và bộ tiêu chuẩn mới để đánh giá cơ sở giáo dục đại học còn quá mới.
Để có thể thực hiện Kế hoạch kiểm định một cách hiệu quả, một số giải pháp cần được thực
hiện đồng bộ ở tất cả các cấp. Cụ thể là cơ quan quản lí nhà nước cần hoàn thiện cơ chế chính
sách về kiểm định chất lượng giáo dục, đặc biệt là cơ chế thưởng - phạt, và có kế hoạch cụ thể tập
huấn sử dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học mới cho các đối tượng
liên quan. Các cơ sở đào tạo kiểm định viên cần tăng cường đào tạo kiểm định viên cả về số
lượng và chất lượng, thực hiện bồi dưỡng thêm cho những kiểm định viên chưa đủ năng lực
chuyên môn để tham gia vào các đoàn đánh giá ngoài. Các cơ sở giáo dục đại học nên đẩy mạnh
đăng ký đánh giá và kiểm định bởi các tổ chức khu vực hoặc quốc tế có uy tín. Một điều quan
trọng cũng cần quan tâm là cả cơ quan quốc gia về đảm bảo chất lượng, các tổ chức kiểm định
chất lượng và các cơ sở giáo dục nên trú trọng tăng cường nguồn nhân lực về đảm bảo bảo và
kiểm định chất lượng, có kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên và định kỳ để nâng cao năng lực
chuyên môn cho những cán bộ làm việc trong lĩnh vực này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2012. Thông tư số 62/2012/TT-BGDĐT ngày 28/12/2012 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng
trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Hà Nội.
[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2013. Thông tư số 38/2013/TT-BGDĐT ngày 29/11/2013 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng
chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Hà Nội.
[3] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2014. Văn bản số 06 /VBHN-BGDĐT ngày 04/3/2014 xác nhận văn
bản hợp nhất Quyết định ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học. Hà
Nội.
[4] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2017. Kế hoạch số 118/KH-BGDĐT ngày 23/02/2017 về triển khai
công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm
và trung cấp sư phạm năm 2017. Hà Nội.
[5] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2017. Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 của Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Hà Nội.
[6] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2017. Quyết định số 4589/QĐ-BGDĐT ngày 01/11/2017 của Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục – Trường
Đại học Vinh. Hà Nội.

25
Nguyễn Hữu Cương

[7] Cục Quản lí chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2017. Danh sách các cơ sở giáo dục đại
học, các trường cao đẳng, trung cấp sư phạm đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, được kiểm định
(dữ liệu cập nhật đến ngày 30/11/2017). Hà Nội.
[8] Cục Quản lí chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2017. Danh sách các chương trình đào tạo
được đánh giá/công nhận (dữ liệu cập nhật đến ngày 30/11/2017). Hà Nội.
[9] Nguyễn Hữu Cương, 2017. Chính sách và thực tiễn triển khai kiểm định chất lượng chương
trình giáo dục đại học ở Việt Nam. Tạp chí Giáo dục, (401), tr. 11-15, 32.
[10] Nguyen, H. C. 2017. Impact of international accreditation on the emerging quality
assurance system: The Vietnamese experience. Change Management: An International Journal,
Vol. 17 No. 3, pp. 1-9.
[11] Tạ Thị Thu Hiền, 2016. Ảnh hưởng của chính sách kiểm định chất lượng giáo dục đại học
đến công tác quản lí đào tạo trong hai đại học quốc gia. Luận án tiến sĩ Đo lường và Đánh giá
trong Giáo dục. Đại học Quốc gia Hà Nội.
[12] Nguyen, H. C., Evers, C. & Marshall, S. 2017. Accreditation of Viet Nam’s higher
education: Achievements and challenges after a dozen years of development. Quality Assurance
in Education, Vol. 25 No. 4, pp. 475-488.
[13] Nguyen, H. C., Ta, T. T. H. & Nguyen, T. T. H., 2017. Achievements and lessons learned
from Vietnam’s higher education quality assurance system after a decade of establishment.
International Journal of Higher Education, Vol. 6 No. 2, pp. 153-161.
[14] Nguyen, T. P. L., 2015. Quality assurance and accreditation in upper secondary schools in
Hatinh province in Vietnam (Unpublished doctoral dissertation), The University of Newcastle,
Newcastle, Australia.

ABSTRACT

Advantages and Disadvantages When Implementing


the Higher Education Accreditation Plan in the Period of 2017-2020

Nguyen Huu Cuong


School of Education, The University of New South Wales, Australia

This paper analyses the advantages and disadvantages regarding Vietnam’s higher education
quality assurance and accreditation system when implementing the Plan No. 118/KH-BGDĐT
dated on Feb/23/2017 of the Ministry of Education and Training on accreditation for higher
education institutions, teacher training colleges and teacher training professional secondary
schools. Based on this analysis, the paper proposes several solutions to implement this plan
effectively.
Keywords: Accreditation, higher education, plan, advantages, disadvantages, solutions.

26

View publication stats

You might also like