You are on page 1of 5

Hình ảnh người phụ nữ luôn là đề tài muôn thuở trong nền thi ca Việt Nam.

Tuy nhiên, thơ văn


viết về người vợ bằng tình cảm của người chồng đã ít, nay lại viết “tế sống” người vợ còn hiếm
hoi hơn. Và Trần Tế Xương là người đàn ông đã đưa hình ảnh người vợ của mình vào những
dòng thơ trữ tình nhưng cũng không kém phần trào phúng. Trần Tế Xương hay còn gọi là Tú
Xương, giống trong buổi giao thời đầy nghèo khổ nửa thực dân nửa phong kiến. Ông là người
thông minh ham học có tài làm thơ nhưng lại lận đận trong thi cử. Ông nổi tiếng trong hai mảng
thơ trữ tình và trào phúng có pha chút giọng cười châm biếm, sắc sảo bắt nguồn từ tâm huyết với
dân với nước với đời. Tú Xương đã từng được mệnh danh là nhà thơ trào phúng xuất sắc nhất
của văn học Việt Nam cuối thể kỷ XIX. Những tác phẩm ông để lại chủ yếu là thơ Nôm và có
nhiều bài rất đặc sắc, có thể nói là tuyệt mỹ cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Minh chứng rõ nhất là
bài thơ Thương vợ. Tú Xương đã bộc lộ tình yêu thương, sự trân trọng và cả nỗi ăn năn trước sự
hi sinh của vợ trong bài thơ này

Thương vợ nằm trong những sáng tác của Tú Xương về bà Tú cũng là một trong những bài thơ
hay, cảm động nhất của ông về vợ mình. Bài thơ được viết bằng chữ Nôm theo thể Thất ngôn bát
cú Đường luật với bố cục bốn phần: đề, thực, luận, kết.  Với những ngôn từ bình dị và hình ảnh
đẹp đẽ, Bài thơ đã vẽ nên bức chân dung bà Tú chịu thương, chịu khó, tần tảo, đảm đang, thương
chồng, thương con và giàu đức hi sinh, đồng thời thể hiện tấm lòng yêu thương trân trọng vợ và
nhân cách cao cả của ông Tú.

Hai câu đề mở đầu bài thơ đã giới thiệu về công việc và công lao của bà Tú:

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Mạch cảm xúc của thi phẩm dần được mở ra với bức tranh toàn cảnh về nỗi khó nhọc lo toan của
bà Tú. Câu vào đề như để giới thiệu hoàn cảnh lam lũ vất vả qua cách nêu thời gian, địa điểm.
Tác giả sử dụng từ “quanh năm”- cụm từ chỉ một khoảng thời gian rất dài, lặp đi lặp lại như một
vòng tuần hoàn khép kín của tự nhiên, nhằm diễn tả được nỗi vất vả triền miên của bà Tú trải hết
ngày này qua tháng khác, dù nắng hay mưa làm đến rã rời mà không lúc nào được ngơi nghỉ.
Chưa dừng lại ở đó, cách cân đo đong đếm thời gian như thế còn góp phần làm bật lên cái không
gian buôn bán của bà thông qua hình ảnh “mom sông”- nơi đầu sông ngọn gió, không gian nhỏ
hẹp chênh vênh chứa đựng biết bao nguy hiểm .Câu thơ đã gợi lên sự vất vả, tất bật, bấp bênh có
nhiều hiểm nguy rình rập đồng thời gợi ra cảm giác không thuận lợi - một địa hình mà ba bốn bề
đều là nước. Quanh năm suốt tháng bà Tú tảo tần buôn bán vất vả ở cái mom sông nhỏ hẹp ấy.
Câu thơ gián tiếp giới thiệu hình ảnh bà Tú – một người phụ nữ đảm đang, tháo vát, tảo tần xoay
xở kiếm sống bằng nghê buôn thúng bán bưng.

Đôi vai của bà Tú đã nặng nay lại càng nhân lên những nỗi gian truân khi phải “bất đắc dĩ” trở
thành trụ cột trong gia đình. 

Nuôi đủ năm con với một chồng.


Năm con một chồng song đôi gợi hình ảnh đòn gánh cả hai bên đều trĩu nặng . Ở giữa là đôi vai
gầy của bà Tú phải oằn mình vì lo toan, vất vả. Cách đếm 5 con 1 chồng tách bạch, rạch ròi. Tú
Xương tự tách mình ra đặt ngang hàng với các con, thậm chí sau các con, tự hạ thấp mình, coi
mình là đứa con đặc biệt của vợ mà việc nuôi nấng cũng khó nhọc không kém gì việc nuôi đàn
con nheo nhóc ngầm nâng cao vị thế của người vợ lên một thứ bậc thiêng liêng

Nuôi đủ: Bà Tú nuôi hết cả mọi người trong gia đình một cách chu tất, đầy đủ mọi nhu cầu

=> Cách nói thể hiện sự biết ơn đối với vợ và pha chút hổ thẹn, ăn năn. Tú Xương thấy và nói
lên được công lao của vợ: bà đã gánh vác việc gia đình, nuôi một đàn con thơ. người lẽ ra phải
gánh trách nhiệm gia đình thì bà Tú cũng phải nuôi nốt, chẳng khác gì lũ con bé dại, làm gia tăng
gánh nặng chồng chất cho bà Tú. Cho nên ông xếp ngang hàng mình với năm con nhằm thể hiện
sự biết ơn sâu sắc với vợ.

Nỗi vất vả, cơ cực của bà Tú trong cuộc mưu sinh được nhà thơ tiếp tục khắc sâu một cách
cụ thể:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Tú Xương vận dụng sáng tạo thành ngữ dân gian, mượn hình ảnh “con cò” trong ca dao để nói
về bà Tú.”Con cò“ là ẩn dụ quen thuộc để nói về số phận bất hạnh của người nông dân, đặc biệt
là người phụ nữ trong ca dao:

„Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao“

Thân cò: cách dùng từ của Tú Xương vừa khái quát hơn vừa xoáy sâu vào nỗi đau thân phận con
người - thân phận của người lao động trong xã hội cũ, thân phận người phụ nữ - thấp cổ bé họng,
chịu nhiều cay đắng, chuân chuyên.

+ Nhà thơ lại khéo léo đảo động từ “lặn lội” lên trước “thân cò” nhằm khắc sâu, nhấn mạnh nỗi
gian lao, cơ cực của bà Tú.

“Khi quãng vắng” là một cụm từ rất đặc biệt, nó không chỉ gợi lên cái không gian rợn ngợp, cảm
giác đầy nguy hiểm rình rập nơi mom sông heo hút mà còn diễn tả nỗi khắc khoải của thời gian
nhưng bà Tú vẫn ph xông pha chỉ vì miếng cơm manh áo.

Một lần nữa Tú Xương lại dùng biện pháp đảo ngữ với từ láy tượng thanh “eo sèo” gợi ra lời qua
tiếng lại, cãi vã, phàn nàn của những người buôn bán nhỏ. Buổi đò đông gợi cảnh xô bồ, chen
lấn, xô đẩy, tranh nhau lên đò, chứa đầy sự bất trắc, nguy hiểm trong công việc làm ăn hàng
ngày của bà Tú. Gặp buổi đò đông, bà Tú cũng phải dân thân bồng bềnh, chen chúc nơi nguy
hiểm để buôn bán.Nghệ thuật đối rất chỉnh nhằm làm nổi bật sự vất vả, gian truân của bà Tú.
Với những từ ngữ, hình ảnh gợi tả, tác giả đã gợi lên cảnh bươn trải đẩy gian nan vất vả, hiểm
nguy trong công việc làm ăn của bà Tú, nói lên sự hi sinh cao cả và sự tần tảo của bà Tú trong
cuộc sống mưu sinh hàng ngày .Hai câu thơ Bộc lộ tấm lòng thương cảm, xót xa trước sự tảo
tần của người vợ đảm đang.

Vì thương vợ nên nhà thơ đã nhập thân vào nhân vật bà Tú để than thở dùm vợ:

Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công.

“Duyên” và “nợ” là hai định nghĩa hết sức thiêng liêng về mối quan hệ vợ chồng do ông trời
định sẵn,  Thế nhưng khi đưa vào lời thơ Tú Xương, hai thứ đó trở nên nặng nề như một lời than
thở khi duyên chỉ có một mà nợ lại tới hai. việc sử dụng hai thành ngữ song song với nhau “một
duyên hai nợ” – “năm nắng mười mưa” khiến cho câu thơ trầm lắng trước nỗi khổ tâm của bà
Tú. Đức hi sinh cao cả của bà Tú còn được nhắc đến qua hai cụm từ “âu đành phận” và “dám
quản công”. thái độ chấp nhận, cam chịu mà không oán trách, giận hờn. Bà coi đó là do số phận
an bài, không kêu ca phàn nàn, chỉ lặng lẽ chấp nhận. Câu thơ đã làm nổi bật vẻ đẹp phẩm chất
của bà Tú.

Mặc dù kiếm sống vất vả, gian nan, dãi dầu mưa nắng, nhưng vì chồng con, bà không không
quản ngại, không than phiền, không trách móc, không kể công xá. Tư tưởng đó thấm đẫm tình
thương và lòng vị tha của bà Tú.

-> Bà là người phụ nữ nhân hậu, giàu đức hi sinh, hết lòng vì chồng con. Đây là vẻ đẹp truyền
thống của người phụ nữ Việt Nam. Bà Tú chính là hiện thân đầy đủ của phẩm chất cao đẹp ấy.

- Tình cảm của tác giả: Tấm lòng thương vợ không chỉ là thương xót, mà còn là sự tri ân, biết
công, biết ơn, ngưỡng mộ, kính trọng của ông Tú với những phẩm hạnh cao quý của người vợ
hiền, tần tảo nắng mưa.

- Giọng thơ nặng trĩu mang âm hưởng dằn vặt xót xa, giống như tiếng thở dài nặng nhọc, chua
chát, thể hiện sự thấu hiểu tâm tư của bà Tú, mà càng cảm thương vợ sâu sắc hơn

Hai câu kết là hình ảnh của ông Tú với tiếng chửi đời chua cay:

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không.

- Là tiếng chửi của ông Tú. Vì thương bà Tú, cảm thông với thân phận những người phụ nữ
trong xã hội, ông đã thay bà, thay những người phụ nữ cất lên tiếng chửi „cha mẹ thói đời“

- Ông chửi thói đời ăn ở bạc với những thói quen xấu, đáng chê trách , lên án, phê phán mà lại
mặc nhiên được công nhận và chấp nhận → những người phụ nữ chăm chỉ, tần tảo, nhân hậu,
giàu đức hi sinh dù có dãi dầu mưa nắng thì cũng chỉ nhận về những tủi cực, đắng cay → Đó
chính là chế độ nam quyền, bất công đã không cho ông Tú thương vợ một cách thiết thực, ông
không thể lam lũ chân tay, lặn lội cùng bà mà chỉ có thể ăn bám vợ.

- Ông còn tự chửi mình: ăn ở bạc, hờ hững

-> Ông chửi thói đời chung, rồi tự nhận lỗi vào mình, nhận mình chỉ là con số không tròn trĩnh
giữa cuộc đời, trong cuộc sống gia đình ( có chồng → như không)

→ Câu thơ tự trào, tự mỉa mai về sự vô trách nhiệm, vô tích sự của chính mình, thế nhưng ẩn
sau đó là sự chua xót, tủi thẹn và thương cảm giành cho vợ.

→ Câu thơ chính là lời tự xỉ vả mình, tự chửi, tự mắng bản thân mình, cũng là cách tự chuộc lỗi
với vợ, thật ân tình và hóm hỉnh qua đó toát lên nhân cách cao đẹp của nhà thơ: dám bộc lộ, nói
ra khuyết điểm, và nhận lỗi với vợ, bày tỏ sự biết ơn với công lao người vợ đã thay mình gánh
vác việc gia đình. Cho thấy bản lĩnh của Tú Xương.

- Thực tế, Tú Xương không hề hờ hững, không hề ăn ở bạc với vợ của mình bởi lẽ nếu ông hờ
hững, ăn ở bạc chúng ta sẽ không có được những vần thơ chan chứa, sâu lắng, xúc động như vậy.

- Đằng sau tiếng chửi là sự phẫn uất, những giọt nước mắt, bi kịch của nhà thơ. Đó là nỗi cay
đắng của một con người không thành công trong cuộc sống, trở thành kẻ bất tài vô dụng, chua
chát chấp nhận mình là món “nợ” của vợ, là gánh nặng cho vợ.

Tấm lòng thương vợ của Tú Xương đối với cả thời quá khứ và hiện tại vẫn là tấm gương sáng
cho bao người. Bài thơ giữ nguyên giá trị cùng với ý nghĩa nhân văn sâu sắc về sự yêu thương,
trân trọng và thấu hiểu những nỗi đau, sự hi sinh của người phụ nữ cho gia đình. Đồng thời đó
cũng là tiếng nói phê phán sự bất công của xã hội phong kiến thối nát, mục ruỗng.

Như vậy, bài thơ Thương vợ là một thi phẩm mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Với chất thơ bình
dị mà trữ tình mang chút trào phúng, Tú Xương đã thành công trong việc khắc họa một bức chân
dung về người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ, vừa mộc mạc chất phác, vừa cứng rắn mạnh mẽ. Vì
vậy quả thật Tú Xương chính là thi nhân viết thơ về vợ hay và cảm động nhất. Ông đã để lại cho
đời những áng văn chân thành xúc động và đầy giá trị.

You might also like