You are on page 1of 52

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT TP.HCM


KHOA IN-TRUYỀN THÔNG

BÀI GIẢNG
THỰC TẬP CHUYÊN NGÀNH TRƯỚC IN 1

3-2015
THIẾT KẾ BROCHURE VÀ CATALOGUE
Sự phân biệt Brochure và catalogue với một số dạng ấn phẩm quảng cáo khác
Trong Hệ thống nhận diện thương hiệu các ấn phẩm giới thiệu quảng cáo của công ty,
doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược PR tiếp cận, phân phát rộng rãi
trực tiếp đến khách hàng. Khi quảng cáo, truyền thông qua bộ nhận dạng thương hiệu,
người ta thường bắt gặp và nhầm lẫn giữa các mẫu thiết kế Brochure, catalogue, Flyer,
Leaflet và voucher. Thực ra, loại ấn phẩm giới thiệu quảng cáo này tùy theo mục tiêu, nội
dung và hình thức đặc trưng được phân ra nhiều dạng rõ rang cụ thể như : Flyer (tờ
rơi),Voucher (phiếu mua hàng, phiếu giảm giá), Leaflet(tờ quảng cáo rời),
Brochure/pamphlet(tờ gấp quảng cáo), Catalogue (cuốn tài liệu ngắn)…trên thực tế, nội
dung và hình thức các dạng ấn phẩm quảng cáo thường bị tham ý pha trộn thêm, nên dễ
gây hiểu lầm về cách gọi đối với khách hàng lẫn giới họa sĩ thiết kế. Do đó, để thiết kế bố
cục cho loại ấn phẩm này, họa sĩ thiết kế cần nắm được và phân biệt các tính đặc trưng,
hình thức của từng dạng :
Flyer (tờ rơi) là tờ quảng cáo rất thông dụng, thường dùng vảo những mục đích quảng cáo
nhỏ, thông thường chứa đựng thông điệp rất đơn giản, nhằm truyền tải một cách nhanh
chóng, được dùng để thu hút sự chú ý của khách hàng đến một sự kiện, dịch vụ, sản phẩm
hoặc ý tưởng nào đó Flyer có tuổi thọ tương đối ngắn, người ta chỉ xem một lần rồi bỏ (ví
dụ như được sử dụng để thông báo những sự kiện chỉ diễn ra một lần như lễ khai trương,
mở lớp học hoặc khuyến mãi giảm giá.. )Thông tin trên tờ flyer rất đơn giản và chúng được
sử dụng để phân phát bằng tay với số lượng lớn ở những nơi có nhiều người, công cộng,
hội chợ thương mại, sự kiện nào đó… với chi phí giảm thiểu tối đa. Cho nên, Flyer thường
được thiết kế đơn giản, có kích cỡ chủ yếu là A6, ít khi sử dụng A4, A5, in trên giấy kém
chất lượng, thiết kế sơ sài, không có gì nổi bật.(hình minh họa)
Voucher (phiếu mua hàng, phiếu giảm giá) là một dạng phiếu mua hàng hoặc mua hàng
giảm giá, được thiết kế thông tin đơn giản, có kích cỡ phổ biến là A5, A6 có giá trị và dùng
một lần trong giao dịch mua hàng hóa hoặc dịch vụ. Có thể nói Voucher đã được sử dụng
từ rất lâu trên thế giới. Người ta ghi nhận Voucher xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử là
trong một chiến dịch quảng cáo của Coca-Cola năm 1888. Khi đó, có một nhân viên của
Coca-Cola đã ký tên mình lên một tờ giấy nhỏ và phân phát cho khách hàng. Những ai có
phiếu đó thì có thể dùng để đổi được một cốc Coca miễn phí. Thời nay, Vocher ngoài giảm
giá còn có giá trị như phiếu mua hàng/dịch vụ, khách hàng mua những Voucher này thì họ
có thể mang đến địa chỉ bán hàng/cung cấp dịch vụ để đổi lấy một hàng hóa/dịch vụ có giá
trị tương đương hoặc để tặng cho người khác tự lựa chọn hàng hóa, dịch vụ .(hình minh
họa)
Leaflet (tờ quảng cáo rời) là một thuật ngữ xa lạ với nhiều người, thường bị nhầm lẫn với
Flyer hoặc Brochure. Thực ra leaflet có những đặc điểm phân biệt, nó là dạng tờ quảng cáo
rời chứa nhiều thông tin về sản phẩm, dịch vụ hoặc hướng dẫn sử dụng nên thường chú
trọng về nội dung thông tin cung cấp hơn phần hình ảnh. Hình thức đơn giản nhất của
leaflet đó là những tờ rời hướng dẫn sử dụng hoặc các thông tin được đính kèm trong các
mẫu Folder, leaflet được sử dụng khá nhiều đối với một số ngành sản xuất, dịch vụ đặc thù
như dược phẩm, điện tử... để cung cấp thông tin chi tiết hoặc ghi chú hướng dẫn cách sử
dụng. với những sản phẩm cao cấp như trang sức, xe hơi hình ảnh trên leaflet được đầu tư
và chèn nhiều hơn để thu hút sự quan tâm của khách hàng tiềm năng. Leaflet thiết kế dàn
trang tương đối trang trọng và thường được in màu với chất lượng tốt hơn tờ rơi (flyer)
nhưng vẫn giữ được tính chất rẻ tiền. Hình thức quảng cáo leaflet có thể phát trực tiếp hoặc
hỗ trợ các đại lý trong việc giới thiệu dịch vụ cụ thể của doanh nghiệp hoặc chi tiết các sản
phẩm,. Hình thức quảng cáo này đặc biệt phát huy tác dụng tại các đợt triển lãm, hội chợ
hoặc tại các showroom trưng bày sản phẩm. Đặc trưng leaflet là tờ rời ở dạng phẳng với
khổ giấy A5, A4 đôi khi được in khổ A6 nên dễ bị nhầm với tờ rơi (flyer), hoặc khi in khổ
giấy A4 và được gấp 2, gấp 3 tùy theo mục đích sử dụng, nên cũng dễ bị lầm tưởng là
Brochure (tờ gấp quảng cáo) (hình minh họa)
Brochure (tờ gấp quảng cáo) còn được biết đến với tên gọi pamphlet, Brochure được ví
như một sứ giả quan trọng và không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của mỗi doanh
nghiệp và sử dụng rất nhiều trong marketing, mục đích để hướng đến những khách hàng
trọng tâm nên thường được phát vào cuối buổi thuyết trình sản phẩm, sự kiện, hoặc những
người lấy là những người thực sự quan tâm đến sản phẩm và doanh nghiệp. Bởi Brochure
được thiết kế không chỉ là chứa các thông tin quan trọng sản phẩm, dịch vụ quảng bá mà
còn có vai trò tiếp cận, gợi mở tạo ấn tượng tốt, về sản phẩm , về giá trị doanh nghiệp đến
với khách hàng mục tiêu. (hình minh họa)
Do vai trò của Brochure chứa thông tin, hình ảnh quan trọng của sản phẩm và dịch vụ nên
Brochure được đầu tư hình thức và thiết kế đậm tính nghệ thuật, các thành phần cấu tạo
của nó như chất lượng giấy, chất lượng in ấn…chất lượng cao. In ấn brochure thì phức tạp
hơn vì mỗi mặt có cách canh lề, headlines và bố trí khác nhau. Một thiết kế Brochure chuẩn
thường sử dụng 4 màu được in trên loại giấy bóng dày, thiết kế đẹp mắt và sáng tạo.
Brochure nhằm phát cho khách hàng lưu giữ nên được in trên giấy chuẩn và đẹp. Brochure
chủ yếu được trình bày trên khổ giấy A4 được gấp lại làm từ 2 đến 4, tức là tạo được từ 4
mặt thông tin đến 8 mặt thông tin. Brochure được xem như là những trang sách nhưng
không đóng gáy (trên thực tế thì đôi khi Brochure cũng có đóng gáy đơn giản để làm thành
một tệp thông tin, còn được gọi là Booklet Brochures; do đặc điểm này nên đôi khi bị nhầm
với Catalogue…)
Catalogue (tập tài liệu ngắn) doanh nghiệp, công ty dù lớn hay nhỏ thì cũng không thể
thiếu Catalogue vì đó là ấn phẩm quảng cáo quan trọng, giúp hình ảnh thương hiệu và sản
phẩm tới tay khách hàng, đối tác một cách hiệu quả, nhanh chóng, chúng có vai trò quan
trọng trong việc thúc đẩy doanh số, lợi nhuận của công ty và xây dựng thương hiệu phát
triển bền vững, lâu dài cho doanh nghiệp.
Catalogue có dạng như một tập, một quyển tài liệu quảng cáo ngắn, giới thiệu tới khách
hàng và đối tác về công ty cùng các sản phẩm, dịch vụ công ty cung cấp. Catalogue có số
trang khá lớn, ít nhất 8 trang và có thể tới cả trăm trang, thường thiết kế với số trang chẵn
như 8, 12, 16, 20, 24…và được đóng thành cuốn; trong khi đó Brochure chỉ có từ 4 trang
thông tin đến 8 trang thông tin và được gấp lại, đây là sự khác biệt trong thiết kế catalogue
với brochure. Kích thước phổ biến của catalog là khổ A4 và được in trên giấy Couches.
Catalogue sau khi in xong thường được gia công bằng cách cán bóng, cán mờ, phun UV,
bế khuôn, bế nổi, ép nhũ... Catalogue thường được in bằng công nghệ in Offset với số
lượng hàng nghìn bản để giảm giá thành và có thể quảng bá rộng rãi sản phẩm, dịch vụ của
công ty. (hình minh họa)
4.5.2. Những quy tắc cơ bản cần thiết khi thiết kế Brochure và catalogue
4.5.2.1. Bước chuẩn bị
+ Xác định mục tiêu đối tượng, trước khi bắt tay vào thiết kế họa sĩ cần xác định sẽ thiết
kế dành cho khách hàng mục tiêu là ai, thuộc phân khúc thị trường nào. Tìm hiểu nắm bắt
được tâm lý thẩm mỹ, nhu cầu sinh hoạt của khách hàng là sơ sở để thiết kế hướng đến.
Thiết kế hướng đến đối tượng phù hợp sẽ làm tăng tính tương tác, thông điệp truyền tải sẽ
dễ đến với khách hàng một cách tốt nhất.
Xác định và nghiên cứu tâm lý đối tượng khách hàng mục tiêu: mỗi tầng lớp, giới tính, tuổi
tác có những tâm lý tiếp cận khác nhau, tâm lý thị giác cũng như thị hiếu thẩm mỹ cùng có
những khác biệt đặc trưng. Nghiên cứu tâm lý khách hàng mục tiêu vô cùng quan trọng,
giúp cho họa sĩ phác họa ý tưởng, bố cục màu sắc Brochure đến với khách hàng ấn tượng
thiện cảm hiệu quả nhanh nhất
+ Xác định chức năng, phạm vi giới hạn của loại hình thiết kế, tìm hiểu mục đích sử
dụng thiết kế đó trên loại hình quảng cáo nào. Trên cơ sở đó, xác định được điều kiện cần
và đủ cho một thiết kế. Tìm ra những ưu thế đặc trưng và phạm vi giới hạn của từng yếu
tố trên thiết kế để đảm bảo thành phẩm được an toàn và hiệu quả.
+ Ý tưởng và sáng tạo, Ý tưởng là sự khởi đầu cho mục tiêu sáng tạo, là nền tảng và sản
phẩm của tư duy trong mọi lĩnh vực khoa học và đặc biệt trong nghệ thuật Thiết kế. Trong
lĩnh vực nghệ thuật thiết kế ý tưởng là sự khởi đầu, và là cốt lõi thẩm mỹ của sự sáng tạo.
Ý tưởng như là tiêu chuẩn định hướng thiết kế, là tiến trình tư duy phương thức quảng bá
sản phẩm một cách ấn tượng hiệu quả nhất mang tính thuyết phục khách hàng. Ý tưởng
và sự sáng tạo cần mang tính đồng bộ, hài hòa có tính tượng trưng và ẩn dụ sâu sắc gây ấn
tượng thị giác mạnh mẽ. Bill Gates từng nói: “Ý tưởng cộng với thời gian mới là tài sản
quý giá nhất”.
Để tìm kiếm ý tưởng sáng tạo thích hợp nhất trong quảng cáo họa sĩ thiết kế phải phân tích
và nắm vững những tính đặc trưng và chất lượng sản phẩm, trên cơ sở đó bám sát và thỏa
mãn nội dung, mục đích nhu cầu sáng tạo, nhằm truyền tải thông tin đến khách hàng bằng
những hình ảnh và tín hiệu hấp dẫn, dễ nhận diện, mang lợi ích thẩm mỹ, ứng dụng và kinh
tế cho công chúng và phù hợp với xu thế phát triển thời đại.
Ý tưởng rất quan trọng trong lĩnh vực nghệ thuật thiết kế vì nó vừa là nền móng vừa là linh
hồn trong suốt quá trình sáng tạo thiết kế sản phẩm từ sơ khai cho đến khi sản phẩm được
hoàn thiện. Từ ý tưởng, Designer chuyển biến thành thông điệp, thành ý tưởng hình ảnh,
màu sắc và chữ nghĩa cô đọng nhất cho thiết kế. Ý tưởng từ khi hình thành đến hoàn thiện
sản phẩm là một quá trình chắt lọc, tìm tòi, phác thảo các phương án bố cục thiết kế, không
chỉ ở phần bố cục layout mà kể cả hình ảnh, màu sắc, nội dung của câu chữ (Slogan) và
kiểu chữ… Các yếu tố đó phải có tính nhất quán và liên kết chặt chẽ với nhau. Một ấn
phẩm có sự lôi cuốn và ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội là ấn phẩm có ý tưởng giàu tính
sáng tạo, nội dung và hình thức cô đọng, tính thẩm mỹ cao.
Để có được ý tưởng sáng tạo trong nghệ thuật thiết kế, đòi hỏi họa sĩ thiết kế ngoài kiến
thức chuyên ngành sâu phải có kiến thức rộng của nhiều lĩnh vực như: Văn học, lịch sử,
tâm lý, triết học, mỹ học, lôgíc và xã hội học...Vì trong ý tưởng chứa đựng cả về nội dung
và mục đích ý tưởng sáng tạo nghệ thuật. Không dừng ở đó, ý tưởng còn chứa đựng tính
triết lý, tính thẩm mỹ, tính ứng dụng, tính xã hội, nhân văn, v.v… Ý tưởng xây dựng thông
điệp cần nhiều phương án phác thảo tìm ý tưởng, tận dụng phương pháp sơ đồ tư duy
“Brainstorm” để khai triển và chọn lựa ý tưởng độc đáo mới lạ nhất, chỉnh sửa và nâng lên
thành ý tưởng cụ thể , thích hợp nhất.
+ Phong cách đồng hành xu hướng thiết kế, xu hướng thiết kế tương tự như xu hướng
thời trang, lịch sử phát triển luôn thay đổi với thời gian theo đường xoắn ốc. Còn phong
cách hình thành từ những hình thái mang tính biểu tượng, đặc trưng điển hình từ cá tính
designer và của thương hiệu được trải qua một quá trình lặp lại thường xuyên. Khi có một
xu hướng mới thịnh lên, designer cần tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân hình thành xu hướng
mới, phân tích những nét đặc trưng, điểm mạnh và điểm yếu. Từ đó, vận dụng những nét
đặc trưng, tận dụng những điểm mạnh và hạn chế những điểm yếu để tạo nên xu hướng
riêng phù hợp với phong cách riêng cho thương hiệu. Đồng hành, hòa nhập vào xu hướng
thiết kế mới nhưng không hòa tan là định hướng phát triển tốt nhất cho thương hiệu.
+ Phân cấp nội dung thiết kế, trong lĩnh vực thiết kế, sự phân cấp nội dung rõ ràng sẽ
nhấn mạnh được các nội dung quan trọng và truyền đạt thông tin cần thiết dễ dàng đến
khách hàng. Thiết kế sẽ mang tính thị giác cao hơn giúp mắt và não người đọc dễ dàng tiếp
thu và ghi nhớ hơn. Sự phân cấp giúp họa sĩ thiết kế sử dụng hợp lý vị trí các đối tượng, ấn
định kích thước hình ảnh, màu sắc đậm nhạt, độ nặng nhẹ của font chữ .
+ Chọn chất liệu giấy trong thiết kế, “chất” của bề mặt, độ dày hay mỏng, kích thước,
khổ giấy … góp phần mang đến giá trị hình thức và cảm quan cho ấn phẩm. Chọn lựa hợp
lý loại giấy cao cấp hay phổ thông có thể tôn thiết kế trở nên tuyệt vời hơn, chuyên nghiệp
hơn, cao cấp hơn. Một thiết kế đẹp nhưng in trên chất liệu giấy không tương xứng sẽ làm
giảm giá trị ấn phẩm và ảnh hưởng đến tên tuổi của thương hiệu.
Bước thiết kế
+ Bố cục thiết kế (Layout) là hệ thống sắp xếp nội dung bố cục cân bằng giữa các yếu tố
đồ họa, màu sắc, hình ảnh, tỷ lệ căn lề, khoảng cách giữa các nội dung … trên ấn phẩm
thiết kế để tạo sự nhất quán cho toàn bộ ấn phẩm. Mục đích chính của việc thiết kế là truyền
tải thông điệp đến người xem một cách thật hấp dẫn, thu hút, dễ đọc và dễ nhớ nhất. Nên
vấn đề ưu tiên của bố cục thiết kế là làm sao phối hợp sáng tạo giữa màu sắc, hình, khoảng
trắng, hình ảnh và chữ thành một cấu trúc cân bằng thông thoáng, rõ nét, dễ đọc và được
khách hàng ghi nhớ nhiều nhất.
Để dẫn dắt khách hàng “đọc” dễ dàng thông điệp truyền tải của một ấn phẩm, một bố cục
thiết kế cần vận hành theo một nhịp điệu chung. Nhịp điệu là sự lặp lại các số yếu tố thiết
kế được chọn làm motip đặc trưng chủ đạo được lặp đi lặp lại theo một trật tự hay phong
cách nhất định tạo nên sự nhất quán trong thiết kế. Để có năng lực thiết kế bố cục giỏi,
designer cần nắm vững vận dụng linh hoạt những nguyên lý thị giác và các quy tắc bố cục
vào bố cục thiết kế.
+ Thiết lập hệ thống lưới trong thiết kế, Lưới (grid) là hệ thống căn bản tối ưu trong việc
định hướng khách hàng thông qua nội dung. Lưới là một cấu trúc 2 chiều được tạo thành
từ các đường giao cắt của trục dọc và ngang được sử dụng để bố cục nội dung. Lưới giúp
các nhà thiết kế tổ chức hình ảnh và văn bản một cách hợp lý, dễ nhìn. Cách chia các đường
lưới cho phù hợp và hài hòa là quan trọng nhất. Điều này hoàn toàn tùy vào sự tính toán và
tỷ lệ do designer lựa chọn. Các tỉ lệ thường được các designer sử dụng là 1/2, 2/3, 3/4, hay
những tỉ lệ bất quy tắc như 1/1,414 (tỉ lệ của giấy A4) hay tỉ lệ vàng 1/1,681. Sử dụng lưới
giúp cho các trang có sự thống nhất về cách tổ chức, bố trí. Tuy nhiên, cũng cần phá cách
đôi chút nhưng hợp lý để tạo điểm nhấn hấp dẫn khách hàng đọc nội dung chính, phụ một
cách thú vị, hiệu quả. Hệ thống lưới gồm nhiều thành phần.
- Margin (Đường biên) là yếu tố quan trọng trong thiết kế, thường được nhấn mạnh trong
lĩnh vực in ấn, nó đóng vai trò như bộ khung chứa toàn bộ nội dung và khiến cho chúng
trở nên gắn kết hơn. Họa sĩ thiết kế sử dụng đường biên để có được sự an toàn và người
thiết kế web sử dụng nó để ghim nội dung ở vị trí thích hợp. Để chọn loại đường biên định
sử dụng, cần nắm rõ phần nội dung được cung cấp là gì và vị trí bố trí của chúng. Tỉ lệ hợp
lý sẽ giúp nhấn mạnh phần nội dung. Khi in ấn, có thể xác định kích thước, nhưng trong
thiết kế công nghệ số đều không có hình dạng xác định và luôn thay đổi, do đó margin
thường được định hình dựa trên tỉ lệ hay ems/rems.(hình minh họa)
- Column (Cột) và gutter, Sử dụng cột để phân chia nội dung là một ý tưởng tuyệt vời.
Nội dung thiết kế càng phức tạp thì hệ thống lưới gồm nhiều cột càng cần thiết để truyền
tải ý tưởng rõ ràng và đa dạng hơn. Cột giúp tạo nhóm, phân chia và cân bằng nội dung,
đồng thời đảm bảo tính nhất quán xuyên suốt đối với các văn bản. Nội dung mỗi phần sẽ
được phân chia vào các cột khác nhau theo sự phân cấp chính phụ để khách hàng có thể
phân biệt ý chính và phụ. giúp người đọc tìm ra những thông tin cần được chú ý (ví dụ như
sử dụng cột bên trái dành cho hình ảnh và cột bên phải dành cho văn bản). Khoảng cách
giữa các cột gọi là gutter. Chúng là những khoảng không màu trắng giúp cho nội dung rõ
ràng và dễ thở, không cần đường kẻ giữa các phần nội dung.
Một vài bộ lưới hay được các họa sĩ thiết kế web sử dụng nhất là Bootstrap grid và 960
Grid, subtraction.com, designbygrid.com… Một bộ lưới khác cũng được yêu thích khác
là Guide-Guide. Hệ thống lưới 12 cột với độ rộng của gutter là 2% thường hay được sử
dụng để làm tài liệu in ấn, nó cho phép nội dung được căn chỉnh thoải mái hơn, do bố cục
phân chia kiểu này có thể phân chia thành 2, 3, 4 và 6 phần linh hoạt trong nhiều trường
hợp. (hình minh họa)
- Lưới mô hình với Hanglines và Baselines, là những đường giúp phân chia và căn chỉnh
nội dung theo chiều ngang. Lưới mô hình được ứng dụng hiệu quả nhất khi được phân chia
theo chiều ngang và chiều dọc tỉ lệ bằng nhau. đây là cách phân chia nội dung thành nhiều
phần nhỏ, nội dung trôi nổi ... Những đường ngang này tựa như những nơi đính nội dung
để phân biệt nội dung quan trọng và phần bổ trợ (tương tự như phần nội dung header và
footer).
- Lưới baseline, giúp tạo ra một khung phân chia nội dung theo chiều ngang. Chúng rất
hữu ích khi thiết kế bố cục in ấn và tạo ra lưới baseline cho content công nghệ số.
Khi sử dụng lưới mô hình để căn chỉnh nội dung, lưới baseline sẽ tác động đến sự xuyên
suốt của nội dung hình ảnh. Kỹ năng căn chỉnh lưới baseline liên quan đến việc ứng dụng
những khung mẫu nhất định (Ví dụ căn chỉnh biên lưới baseline từ 1 đến 2.5 lần phần nội
dung. Con số lí tưởng là tỉ lệ vàng tương đương 1.618 lần kích thước chuẩn). (hình minh
họa)
- Rhythm là hệ thống phân tỉ lệ giúp xác định kích thước và khoảng cách của các yếu tố
trên. trong thiết kế cơ bản, trong quá trình tạo typography hoặc xếp đặt bố cục, designer sẽ
tiếp xúc rất nhiều với những yếu tố này.
Trên đây gần như đầy đủ các thành phần, công cụ cần thiết để tạo ra một bố cục lưới, hệ
thống lưới xác định vị trí nội dung, nhưng để dẫn dắt thị giác khách hàng lướt qua các nội
dung một cách hấp dẫn thú vị thì cần sáng tạo trong việc tạo nhịp điệu xuyên suốt trang và
tạo ra hanglines, baselines và module để phân chia theo chiều dọc từ trên xuống dưới với
sự nhịp nhàng nhất quán thống nhất. Hệ thống lưới là một công cụ thiết kế và cần được
phối hợp nhịp nhàng với kĩ năng của người dùng.
+ Hình và khoảng trắng (white space) Bố cục Mảng hình và khoảng trắng (khoảng trống)
là sự phân chia tổng thể bề mặt giấy thành những mảng hình học có màu chủ đạo có nhịp
điệu và những hình của các mảng trắng được để nền giấy trắng (hoặc có màu trung gian).
Bố cục phân chia mảng Hình và khoảng trắng là bước tạo lược đồ lớp nền, tạo nhịp điệu
phân bố sự cân bằng cho bố cục, ấn định vị trí cho Hình ảnh và Chữ theo trật tự, hài hòa
chung của thiết kế. Khoảng trắng là điều cần thiết trong mọi thiết kế đồ hoạ chứ không chỉ
ở thiết kế Brochure hay Catalogue. Đó là một trong những yếu tố bí ẩn khẳng định tài năng
của họa sĩ thiết kế và góp phần tạo hiệu ứng giúp gout thẩm mỹ của thiết kế được nâng lên
tinh tế, sang trọng hay bị hạ xuống phổ cập, tầm thường. Khâu này, họa sĩ nên vẽ phác thảo
bằng tay các phương án bố cục lược đồ Hình và khoảng trống. Chọn lọc và chỉnh sửa, sau
đó mới tiến hành vẽ trên máy.
Để mắt của người xem không bị quá tải vì dồn dập hình ảnh và chữ, các khoảng trống là
giải pháp giúp mắt người xem được nghỉ ngơi, thoải mái và dễ tập trung hơn tại các hình
ảnh trọng tâm nổi bật. Nếu hệ thống cân bằng giữa mảng Hình, Chữ với khoảng trống
không tốt, thiết kế dễ tạo nên sự bức bối, mệt mỏi cho thị giác người xem. Do đó, khi bắt
tay vào thiết kế, cần xác định các Hình ảnh, câu chữ trọng tâm cần tập trung trong thiết kế,
và điều hướng mắt của người xem dựa trên cấu trúc bố cục của hệ thống phân bố Hình ảnh,
chữ và khoảng trắng.
+ Màu sắc và Hình ảnh
Màu sắc là điểm nhấn quan trọng trong thiết kế đồ hoạ, đặc biệt với thiết kế Brochure và
Catalogue, màu sắc ngoài yếu tố thẩm mỹ còn bao gồm tính chất truyền tải, tinh thần
thương hiệu của doanh nghiệp. Do đó, gam màu chính của hệ thống nhận diện thương hiệu
vẫn là gam màu chủ đạo của các ấn phẩm, họa sĩ thiết kế cần phải thông minh khi phối
màu biến tấu linh hoạt, tinh tế từ gam màu chủ đạo của thương hiệu.
Tâm lý màu sắc cũng là điều vô cùng quan trọng trong ứng dụng phối màu cho các ấn phẩm
quảng cáo (ví dụ, một thiết kế Brochure hay catalogue, cho các cửa hàng thời trang cao
cấp, cần chọn các gam màu gợi tính sang trọng, thanh lịch. Ngược lại, thiết kế cho các ấn
phẩm về thiếu nhi thì cần những gam màu tươi sáng, vui vẻ.
“Hình ảnh là tất cả” đối với các thể loại ấn phẩm quảng cáo, một hình ảnh “nói” được
nhiều hơn rất nhiều so với những câu chữ dài dòng. Truyền tải thông tin bằng hình ảnh là
phương cách hữu hiệu giúp người xem đỡ nhàm chán. Hình ảnh đẹp và hấp dẫn luôn làm
cho khách hàng cảm thấy thích thú, quan tâm. Tuy nhiên, hình ảnh chỉ mang lại hiệu quả
thực sự khi chúng hướng tới người tiêu dùng. Các hình ảnh được chọn lựa cần có ý nghĩa,
tiêu biểu có tính biểu đạt cao. Lưu ý, trong thiết kế các ấn phẩm quảng cáo như Brochure
hay Catalogue, hình ảnh cần sử dụng nhiều nhưng không có nghĩa cố gắng nhét toàn bộ
hình ảnh có được mà cần sử dụng có chọn lọc đúng mức, vừa đủ không quá thiếu hoặc quá
thừa để khách hàng cảm thấy đủ thông tin và thuyết phục.
Sử dụng hình ảnh nên có nhiều hình ảnh thực tế, độc đáo, khác biệt chứ không nên lạm
dụng những hình ảnh sẵn có phổ biến tràn lan trên mạng. Cần tập hợp tất cả các hình ảnh
đẹp, chất lượng liên quan đến thông tin hoặc các biểu tượng icon cần thiết để chọn lựa.
Hình ảnh sử dụng đều qua chọn lựa kỹ càng, chất lượng tốt, mang tính biểu đạt cao và có
chú thích cho mỗi bức ảnh. Muốn chất lượng ấn phẩn in ra thật sắc nét và đẹp, hình ảnh
phải có chất lượng cao (300 dpi) để khi in, hình ảnh được sắc nét; tất cả các biểu đồ, sơ đồ,
bảng biểu cần được chuyển sang dạng vector chứ không nên để dạng hình ảnh bitmap (trừ
ảnh icon có thể giữ nguyên). Các hình ảnh chụp rất cần xử lý Photoshop nhưng không nên
quá lạm dụng, khiến khách hàng cảm thấy thiếu tin cậy, nghi ngờ tính chân thực của sản
phẩm.
+ Nghệ thuật trình bày chữ (Typographic) trong thiết kế
Nắm vững quy tắc về ngữ pháp, Khi làm việc với khối lượng chữ lớn, điều này giúp cho
văn bản giữ được tính thẩm mỹ và chuyên nghiệp; giúp câu văn không bị rời rạc, mất tính
liên tục và sai ngữ pháp. Một văn bản cần được chia nhỏ ra nhiều đoạn văn để bài viết
không bị dày đặc quá. Một trường hợp khác trong một đoạn văn chỉ được sử dụng chữ,
không được dùng số hay các ký tự đặc biệt. Dấu chấm câu phải nằm sát vào ký tự cuối
cùng của câu, phía sau dấu chấm là một khoảng cách, rồi mới tới từ của câu tiếp theo, và
ký tự đầu tiên kế dấu chấm đó phải được viết hoa .v.v… Designer phải chú ý kiểm tra từ
những quy tắc ngữ pháp, lỗi chính tả nhỏ nhặt cơ bản để ấn phẩm không vì những lỗi nhỏ
mà bị đánh mất tính chuyên nghiệp.
Sử dụng font chữ phù hợp, Mỗi font chữ trong một Hệ chữ (Type Family category) đều
có ý nghĩa lịch sử và phong cách riêng của nó, tùy vào nội dung, phong cách thiết kế để
lựa chọn font chữ cho phù hợp. Tránh trộn lẫn các typeface, chỉ nên sử dụng từ 1 cho tới 2
font chữ ưng ý nhất, tạo ra sự nhấn nhá trong cách thể hiện khác biệt bằng cách làm đậm,
nhạt, nghiêng… trong hệ thống Họ chữ (Type Family).
Header (tiêu đề) nên sử dụng những title, headline ngắn, ít chữ mang tính nhấn mạnh, dễ
nhớ. Khuyến khích sử dụng chữ trang trí có tính thẩm mỹ bằng những font viết tay hay
font đặc biệt, khích thước có thể chọn font 16pt – 22pt tùy theo độ dài tiêu đề và nên để
chữ hoa, in đậm.
Body text (Phần nội dung chính) thường chứa một khối lượng chữ rất lớn để truyền tải nội
dung. Để bảo đảm cho khách hàng luôn luôn dễ đọc nên cần sử dụng những font chữ serif
(có chân) hoặc sans serif (không chân) thông thường để mang lại tính dễ đọc. Không nên
sử dụng font chữ quá đặc biệt cho body text.Tránh sử dụng những font chữ viết tay hay
những font quá đặc biệt, sẽ gây cảm giác khó đọc. Kích thước Font dung cho Body text
thường chọn 12pt để dễ đọc. Với những catalog nhiều chữ thì có thể giảm size font xuống
còn 10pt, hoặc nhỏ nhất là 8pt. Chữ chú thích trong hình vẽ có thể chọn từ 6pt đến 12pt.
Không bao giờ co giãn chữ, mỗi font chữ đều đã được các họa sĩ thiết kế chữ tính toán rất
tỉ mỉ, kỹ lưỡng cho từng nét, từng khoảng cách, kích thước. Do đó, tuyệt đối không co giãn
chữ bằng bất cứ hình thức nào để phá đi những gì vốn có của nó. Nếu phá vỡ quy tắc này
thì không những thiết kế sẽ bị mất đi tính thẩm mỹ, mà còn thiếu tôn trọng bản quyền của
các Typographic Artist. Cần phải cài đặt trọn bộ typeface đầy đủ các style của nó, ngoài
những font bình thường, chúng thường đi kèm với những font như extended, condensed,
thin, light, medium, bold, italic, extra bold, extra thin, v.v… đủ để họa sĩ thiết kế sử dụng
trong nhiều trường hợp.
So hàng, canh lề văn bản phù hợp, có bốn loại canh lề chính : lề trái, lề phải, canh giữa,
và canh đều hai bên.
Canh lề trái thả lỏng lề phải, là loại phổ biến, thông dụng nhất, giúp văn bản trông tự nhiên,
thoải mái, dễ dàng tiếp thu, do nguyên lý thị giác mặc định mắt khách hàng sẽ được giao
tiếp với sự ngay ngắn, gọn gàng, dễ đọc.
Canh lề phải thường được sử dụng với mục đích trang trí trong những thiết kế về thương
hiệu, hoặc chỉ sử dụng với một đoạn văn bản ngắn. khuyến cáo không nên sử dụng canh lề
phải cho một khối văn bản lớn, vì khi lề trái thả lỏng, rất khó định vị cho thị giác mỗi khi
xuống hàng, khiến mắt dễ bị nhầm hàng.
Canh giữa thường được sử dụng trong thiết kế vì nó mang lại sự cân bằng, mang tính thẩm
mỹ rất cao. Tuy nhiên, cũng không nên sử dụng canh giữa cho một khối văn bản quá lớn,
vì nó rất khó để tìm một hàng mới mỗi khi xuống hàng.
Canh đều thường áp dụng cho trường hợp khối lượng văn bản cực kỳ lớn, cực kỳ nhiều
chữ, bởi văn bản sẽ được thẳng thớm cả lề trái lẫn lề phải, giúp cho văn bản trở nên gọn
gàng trong khung hình bố cục. Không nên sử dụng canh đều khi khối lượng văn bản không
đủ lớn, khoảng cách giữa các từ, các chữ bị kéo giãn, gây ra tình trạng khoảng cách từ
không đều, tạo nhiều lỗ hổng trong văn bản thiết kế.
Độ dài của một dòng chữ phải vừa đủ, tránh mắc lỗi về độ dài của một hàng do không
phù hợp. Nếu hàng chữ quá dài, mắt của người đọc phải điều tiết từ trái qua phải nhiều, khi
xuống hàng thì sẽ dễ bị đọc nhầm thứ tự hàng. Nếu hàng chữ quá ngắn, mắt điều tiết xuống
hàng nhiều, sẽ khiến cho nội dung đang đọc bị ngắt quãng, không liền mạch. Do đó, yho6ng
thường độ dài tối thiểu của một dòng trung bình phải có khoảng 6 từ, tương đương khoảng
30 đến 40 ký tự. Điều này sẽ giúp cho nội dung cũng liền mạch và mắt điều tiết dễ dàng
hơn.
Tránh lỗi chữ “Mồ Côi” và hàng chữ “Góa Phụ”, Một designer chuyên nghiệp cần tránh
trường hợp để một chữ nằm lẻ loi trong một hàng, hay được gọi là chữ “mồ côi” hoặc
trường hợp hàng cuối cùng của một đoạn văn bản bị rớt sang một cột khác hoặc một trang
khác, thường được ví von là “góa phụ”. Những lỗi nhỏ này người thiết kế nghiệp dư rất
hay thường xuyên bị vấp phải. Cách khắc phục những lỗi này là sử dụng kern ký tự, tăng
hoặc giảm khoảng cách giữa các từ, hoặc cân chỉnh độ rộng của khung văn bản, tăng hoặc
giảm khoảng cách giữa hai dòng .v.v…
Khoảng cách giữa các từ phải phù hợp, Bên cạnh việc giữ khoảng cách giữa các ký tự
đều nhau, thì chúng ta cũng cần giữ khoảng cách giữa các từ phù hợp, tránh trường hợp
khoảng cách quá rộng hoặc quá hẹp, gây nhiều lỗ hổng trong văn bản. Quy tắc cơ bản để
giải quyết vấn đề này là tưởng tượng có một ký tự “i” nằm giữa các từ, khoảng cách giữa
các từ sẽ bằng độ rộng ký tự i đó. Sự cân chỉnh này có thể làm bằng tay. Tuy nhiên, tùy
từng trường hợp và tùy vào font chữ để cân chỉnh sao cho phù hợp, không phải tất cả các
font chữ đều xử lý giống nhau.
Kerning ký tự, Kerning là việc cân chỉnh khoảng cách giữa các ký tự. Mục đích của việc
kerning này là giúp cho các ký tự được sắp xếp một cách trực quan, gọn gàng, dễ đọc, nếu
làm tốt kern chỉnh các ký tự, sẽ tạo sự khác biệt rõ rệt về sự chuyên nghiệp trong thiết kế.
Một thiết kế với kerning kém chất lượng là một trong những lỗi trầm trọng của thiết kế, vì
vậy kerning cũng là một kỹ năng rất quan trọng để trở thành một designer.
+ Sử dụng đúng chức năng các phần mềm thiết kế đồ họa, Có nhiều phần mềm thiết kế
đồ họa ứng dụng cho thể loại ấn phẩm quảng cáo Brochure và Catalogue như photoshop,
AI, Corel Draw, InDesign. mỗi phần mềm đều có điểm mạnh, các tính năng chuyên biệt
của nó.Do đó, họa sĩ thiết kế cần tìm hiểu, nắm rõ và kết hợp các tính năng mạnh của mỗi
phần mềm sẽ giúp bạn thiết kế ấn phẩm dễ dàng và hiệu quả hơn. Ví dụ, để gia công, chỉnh
sửa ảnh nên sử dụng phần mềm photoshop. Để tạo nền, tạo hiệu ứng đặc biệt, trang trí đồ
họa graphic nên sử dụng phần mềm với ill hay CR. Để xây dựng bố cục, láp ráp, kết hợp
các dữ liệu nên sử dụng phần mềm dàn trang bằng InDesign.
4.5.2.3. Bước hoàn thiện ấn phẩm
+ In thử kiểm tra, chỉnh sửa lỗi, đây là bước vô cùng quan trọng, thành phẩm sai sót sau
khi in và phát hành làm hỏng mọi công sức thiết kế thiết kế, làm giảm giá trị nghệ thuật
của ấn phẩm và làm mất danh tiếng thương hiệu. Cần in thử 2-3 lần để kiểm tra chỉnh sửa
lại tất cả các lỗi chính tả, font chữ, chất lượng hình ảnh, màu sắc… của thiết kế, nhằm mẫu
ấn phẩm đạt tới độ hoàn chỉnh, ưng ý nhất cho họa sĩ thiết kế và doanh nghiệp.
+ Gia công sau in, sử dụng gia công các kỹ thuật tạo hiệu ứng như ép kim, in nổi, in nhũ
… giúp sự hấp dẫn của thiết kế được tăng thêm. Tuy nhiên các hiệu ứng kỹ thuật này cần
được cân nhắc và sử dụng hợp lý, tránh lạm dụng quá đôi khi gây phản tác dụng đến phong
cách (style) thiết kế.
Brochure
Phân Loại Brochure: Brochure khá đa dạng phong phú về mặt hình thức, định dạng cũng
như mục đích sử dụng. Thường được phân loại theo hình thức hoặc theo mục đích sử dụng
- Phân loại theo hình thức: gồm 03 hình thức phổ biến
Bi-fold Brochure là loại Brochure mỗi tờ in được gấp lại làm hai và nội dung được thiết kế
4 mặt.
Tri-fold Brochure là loại Brochure mỗi tờ in được gấp lại làm ba và nội dung được thiết kế
6 mặt.
Four-Fold Brochure là loại Brochure mỗi tờ in được gấp lại làm bốn và nội dung được thiết
kế 8 mặt.
Ngoài 03 hình thức phổ biến trên còn có Booklet Brochures là loại Brochure mỗi tờ in được
gấp lại ít nhất là làm bốn (hoặc nhiều hơn) và nội dung được thiết kế 8 mặt (hoặc nhiều
hơn), được đóng tệp như một tập sách tài liệu nhỏ.
(hình minh họa)
- Phân loại Brochure theo mục đích sử dụng rất đa dạng, một số tiêu biểu như :
Brochure Du Lịch (Travel / Tour Brochure), Brochure Khách Sạn (Hotel Brochure),
Brochure Cho Các Công Ty Thương Mại (Business / Marketing Brochure), Brochure Về
Lĩnh Vực Chăm Sóc Sức Khỏe (Health Brochure), Brochure Cho Lĩnh Vực Giải Trí, Sáng
Tạo Nghệ Thuật (Entertainment/Art Brochure), Brochure Cho Các Doanh Nghiệp Ô Tô/
Xe Máy (Automobile Brochure), Brochure Cho Các Hãng Truyền Thông (Communication
Brochure), Brochure Giáo Dục, Trường Học (Education / University Brochure), Brochure
Dành Cho Công Ty Kỹ Thuật (Engineering Brochure),Brochure Cho Lĩnh Vực Công Nghệ
(Technology Brochure), Brochure Cho Các Công Ty Tài Chính (Finance Brochure),
Brochure Dành Cho Các Spa, Thẩm Mỹ Viện (Spa / Health-Beauty Brochure), Brochure
Cho Các Tổ Chức Phi Lợi Nhuận (Non Profit Brochure), Brochure Lĩnh Vực Bất Động
Sản (Real Estate Brochure), Brochure Dành Cho Doanh Nghiệp Vừa Và Nhỏ (Small-
Business / Corporate Brochure), Brochure Cho Các Công Ty Chuyên Phần Mềm (Software
Brochure), Brochure Lĩnh Vực Thể Thao (Sports Brochure), Brochure Dành Cho Cửa
Hàng Văn Phòng Phẩm (Stationary Brochure), Brochure Dịch Vụ Chăm Sóc Vật Nuôi,
Thú Cưng (Pet Care Brochure), Brochure Quảng Bá Sản Phẩm, Dịch Vụ Chuyên Biệt
(Product Brochure), Brochure Điện Tử (Ebrochure), Brochure Dành Cho Nhà Hàng
(Restaurant Brochure), Brochure Về Công Trình, Xây Dựng (Construction Brochure),
Brochure Về Bưu Thiếp (Card Brochure)
Thiết kế Brochure
+ Bước chuẩn bị : chuẩn bị thiết kế Brochure gồm 06 bước (theo hướng dẫn mục 4.5.2.1)
- Xác định mục tiêu, đối tượng
- Xác định chức năng, phạm vi giới hạn của thể loại thiết kế
- Tìm Ý tưởng thiết kế
- Tìm tiếng nói chung giữa Phong cách với xu hướng thiết kế mới
- Phân cấp nội dung thiết kế
- Chọn Chất liệu giấy trong thiết kế
Brochure là một nhân tố quảng bá trong hệ thống nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp,
luôn kết nối thống nhất với tầm nhìn hoạt động chủ đạo và nét đặc trưng của hệ thống nhận
diện để tạo diện mạo quảng cáo ấn tượng với khách hàng. Xác định và nghiên cứu tâm lý
đối tượng khách hàng mục tiêu làm cơ sở để thiết kế nội dung thông điệp, phác họa ý tưởng,
bố cục màu sắc mang tính ấn tượng, nhiều thiện cảm đến với khách hang. Riêng về chọn
lựa giấy thì loại giấy bóng và dày như giấy couche thường được các họa sĩ thiết kế chọn để
thiết kế brochure, phổ biến và thuận lợi hay được sử dụng là khổ giấy A4
Đặc thù cần chọn định dạng hình thức Brochure: Tùy theo nội dung thông điệp truyền tải,
loại sản phẩm cũng như tâm lý khách hàng để chọn loại hình thức Brochure nào, cũng như
tạo định dạng dài, vuông hoặc cắt xén tạo hình …để mang đến hiệu quả ấn tượng nhất và
dễ dàng cầm tay(minh họa một số hình thức định dạng cắt xén, tạo hình của Brochure)
+ Bước thiết kế và hoàn thiện
- Thiết kế Brochure cần lựa chọn phong cách ấn tượng phù hợp ý tưởng thiết kế, đồng thời
tương thích với Hệ thống nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp đồng thời không bị lạc
hậu với xu hướng thiết kế đương đại.
- Chọn lọc xác định nội dung thông điệp cho Brochure: do Brochure là tờ gấp từ 4 đến 8
mặt nên nội dung thông điệp cần soạn thảo, lược chọn câu văn, từ ngữ thật ngắn gọn và
xúc tích, tối kỵ là để khách hàng phải đọc quá nhiều. Tùy theo đối tượng khách hàng mục
tiêu khác nhau nội dung, văn phong thông điệp phải cân nhắc truyền tải một cách phù hợp
nhất.
- Nghệ thuật bố cục dàn trang:
Cần lưu ý Brochure là thể loại thiết kế quảng cáo “gấp và mở đa diện” nên họa sĩ thiết kế
không chỉ tư duy thiết kế đơn thuần cục bộ cho từng mặt gấp mà cần tư duy thiết kế tổng
thể mặt trước và mặt sau trang giấy khi mở trải ra. Cần tư duy thiết kế bố cục tổng thể toàn
mặt của hai trang giấy (chưa gấp) sau đó mới bố cục thông minh hợp lý cấu trúc thứ tự
mức quan trọng của từng nội dung hình ảnh thông tin theo hình thức gấp định dạng của
Brochure để dẫn dắt người xem đọc từng mặt gấp theo một cách ấn tượng và dễ hiểu nhất.
Để thu hút hiệu quả khách hàng mục tiêu và khách hàng tiềm năng, năng lực bố cục phối
hợp màu sắc và hình ảnh sáng tạo ấn tượng là yếu tố quyết định đầu tiên. Tiêu đề chính
thông minh, gợi mở cũng góp phần tạo hiệu ứng tò mò muốn tìm hiểu thêm của khách
hàng. Các mảng chữ cần thiết kế gọn gang, tiết giảm tối thiểu nội dung câu chữ, càng ít
chữ càng tốt. Văn phong thông điệp cần rõ rang, ngắn gọn, xúc tích nhắm vào những lợi
ích và mối quan tâm của khác hàng. Cần lưu ý, Brochure là nghệ thuật gợi mở, mời gọi
chứ không phải nghệ thuật trình bày tất cả như catalogue nên cần tránh dàn trải quá nhiều
thông tin chuyên sâu, dùng quá nhiều font chữ.
- Bố cục phân chia Hình, khoảng trắng, Màu sắc, hình ảnh và Chữ theo nhịp điệu chung
Bố cục Brochure cần phân chia Hình và khoảng trắng nền thành những mảng hình học với
gam màu chủ đạo theo một nhịp điệu có chủ đích của họa sĩ từ tổng thể bề mặt hai trang
lớn đến từng mặt gấp trên cơ sở hình thức dịnh dạng của Brochure. Bố cục phân chia mảng
Hình và khoảng trắng là bước tạo lược đồ lớp nền, tạo nhịp điệu phân bố sự cân bằng cho
bố cục, ấn định vị trí cho Hình ảnh và Chữ theo trật tự, hài hòa chung trong Brochure .
Bước này họa sĩ nên vẽ phác thảo bằng tay các phương án bố cục lược đồ Hình và khoảng
trắng. Chọn lọc và chỉnh sửa, sau đó mới tiến hành vẽ trên máy.
Thiết kế Brochure, màu sắc ngoài yếu tố thẩm mỹ còn bao gồm tính chất truyền tải, tinh
thần thương hiệu của doanh nghiệp nên gam màu của hệ thống nhận diện thương hiệu vẫn
là gam màu chủ đạo của Brochure. Do đó, cần phải thông minh khi phối màu biến tấu linh
hoạt, tinh tế từ gam màu chủ đạo tạo thành điểm nhấn ấn tượng cho Brochure.
Brochure là tờ gấp quảng cáo mang tính khơi gợi, thu hút khách hàng mục tiêu nên không
cần quá dày đặc thông tin mà chủ yếu chú trọng đến sự thu hút của các hình ảnh trọng tâm,
Hình ảnh mang hiệu ứng gây ấn tượng mạnh nhất trong thiết kế Brochure, thông tin bằng
hình ảnh sẽ dễ thuyết phục thị giác và giúp người xem đỡ nhàm chán. Do đó, hình ảnh,
hình chụp cần đẹp, chất lượng để ấn phẩn in ra thật sắc nét hấp dẫn, giúp người xem cảm
thấy thích ngắm nhìn.
Font chữ và văn phong truyền tải thông tin trên Brochure cực kỳ quan trọng. Văn phong
quyết định tâm lý cảm xúc của người đọc, nên cần soạn thảo, lược bỏ, chọn lọc câu văn, từ
ngữ thật ngắn gọn và xúc tích, văn phong cần mạch lạc, rõ ý. Tối kỵ là giọng văn khoa
trương thái quá và chữ quá nhiều. Để khách hàng tiếp nhận thông tin nhanh chóng và ghi
nhận dễ dàng, thì việc sắp xếp các font chữ, khoảng cách, căn dòng, tương phản màu nền
và chữ luôn phải được cân nhắc cẩn trọng một cách khoa học và tinh tế. Cần sự phối hợp
sáng tạo và hài hòa khi kết hợp các mảng chữ với các mảng hình, khoảng trắng, hình ảnh
để nội dung thông điệp được truyền đạt một cách ấn tượng, dễ đọc, dễ hiểu.
- Sử dụng và định dạng File thiết kế, các những phần mềm thiết kế đồ hoạ 2d như: Ilustrator,
Indesign, Photoshop, Corel, Quaks...mỗi phần mềm thiết kế đồ họa đều có điểm mạnh, các
tính năng chuyên biệt của nó. Do đó, việc tìm hiểu, nắm rõ và kết hợp các tính năng mạnh
của mỗi phần mềm sẽ giúp họa sĩ thiết kế xử lý một cách tốt nhất các kỹ năng bố cục dàn
trang, xử lý hình ảnh trong thiết kế.
Các hiệu ứng in ấn giúp nâng cao sự hấp dẫn của thiết kế như ép kim, in nổi, in nhũ … cần
được cân nhắc và sử dụng hợp lý, tránh lạm dụng quá đôi khi phản tác dụng làm mất phong
cách (style) thiết kế.
Hoàn thiện thiết kế, kiểm tra chất lượng giấy và in thử, Khâu này không nằm trong bước
thiết kế nhưng là khâu vô cùng quan trọng. Mọi sự sai sót làm giảm giá trị nghệ thuật của
Brochure sau khi in ra thành phẩm phát hành đều quy lỗi về họa sĩ thiết kế và làm mất danh
tiếng thương hiệu. Do đó, sau khi hoàn thiện thiết kế, cần in thử để kiểm tra lại thật kỹ
lưỡng các lỗi chính tả, font chữ, chất lượng hình ảnh, màu sắc của thiết kế. In thử 2-3 lần
giúp giảm thiểu các sai sót đồng thời có được mẫu Brochure in hoàn chỉnh, ưng ý nhất cho
họa sĩ thiết kế và doanh nghiệp.
Một số bài tập thiết kế Brochure của sinh viên (hình minh họa)
- Sinh viên: Chung Tiểu Băng- Trang Việt Nga- k15CLC

- Sinh viên: Nguyễn Châu Việt Tài- Nguyễn Mai Trâm- k16 CLC
- Sinh viên: Huỳnh Anh Tài k13
- Sinh viên: Nguyễn Thị Kim Ngoan
- Sinh viên: mai- ngân CLC K16
- Sinh viên: Nguyễn Đình Minh Thu k13
- Sinh viên: Nguyễn Như Ngọc k15
- Sinh viên: Ngô Tấn Đạt k15
- Sinh viên: Nguyễn Hoàng Lê Tuấn k13 clc
- Sinh viên: Đỗ Hiệp Xuân Hảo k15 clc
Catalogue :
Theo định nghĩa của Wikipedia, catalogue (Catalog) là một quyển tài liệu, ấn phẩm quảng
cáo được phát hành và phân phối qua các hệ thống cửa hàng hoặc qua email của công ty.
Thiết kế Catalogue bao gồm hình ảnh và các đoạn miêu tả thông tin chi tiết về sản phẩm
và dịch vụ đang được cung cấp bởi công ty đó.Catalogue là đóng vai trò giới thiệu tất cả
các sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu dưới hình thức in trên giấy đóng quyển và dạng
catalogue điện tử giới thiệu trên trang web điện tử, ghi vào DVD hoặc chạy trên tivi, máy
tính hay trình chiếu.
Catalogue rất quan trọng cho doanh nghiệp trong chức năng hỗ trợ đắc lực, tạo sự tự tin
cho nhân viên giới thiệu sản phẩm hoặc sẽ là đại diện thương hiệu khi không có sự hiện
diện của nhân viên. Catalogue dạng in ấn thông thường được thiết kế trên giấy A4 dọc đôi
khi cũng sử dụng giấy A5. Số lượng trang cho 1 cuốn Catalogue không giới hạn, song chủ
yếu vẫn là từ 16 trang đến 100 trang (số trang in luôn chia hết cho 4). Giấy Couche là loại
giấy được sử dụng phổ biến nhất trong in Catalogue, trang bìa được in dày hơn, cán mặt
ngoài mờ hay bóng, trang ruột in dày hay mỏng tùy thuộc số lượng ít hay nhiều.
Định dạng của Catalogue
Catalogue có 02 định dạng cần phải lưu ý để khi thiết kế catalogue phù hợp với mục đích
sử dụng của khách hàng
- Catalogue in ấn: các thiết kế catalogue in ấn nói chung đạt hiệu quả vượt trội so với các
ấn phẩm quảng bá khác nhờ tăng hiệu quả Nhận diện thương hiệu, thân thiện với người sử
dụng và dễ đọc dễ xem.
- Catalogue online: thiết kế catalogue online thường được xuất bản dưới định dạng PDF,
để nhanh chóng và dễ dàng gửi tới khách hàng. Lợi thế của catalogue online là không giới
hạn về số trang, chi phí phân phối thấp. Hơn thế nữa, việc chia sẻ và quảng bá catalogue
cũng rất dễ dàng. Nhược điểm của catalogue online là khả năng tương tác trực tiếp với
người xem giảm so với catalogue in ấn.
Thiết kế Catalogue
+ Bước chuẩn bị : cũng tương tự như thiết kế Brochure, Catalogue cũng cần các bước như
sau:
- Thấu hiểu tầm nhìn, đặc tính doanh nghiệp và luôn kết nối thống nhất với tầm nhìn hoạt
động chủ đạo và không bị tách rời khỏi hệ thống nhận diện chung
- Xác định và nghiên cứu tâm lý đối tượng khách hàng mục tiêu và khách hàng tiềm năng
- Ý tưởng xây dựng thông điệp và chọn lựa ý tưởng độc đáo mới lạ nhất
- Xác định định dạng catalogue online hoặc in ấn, nếu là Catalogue in ấn cần chọn lựa chất
liệu giấy và kích thước giấy in tối ưu
- Chọn lọc xác định nội dung thông điệp catalogue truyền tải giới thiệu sản phẩm hay dịch
vụ để chọn loại hình thức thể hiện hiệu quả phù hợp với tâm lý khách hàng mục tiêu và
khách hàng tiềm năng. Thiết kế catalogue cần phải đáp ứng đủ hai yếu tố:
Tính thiết thực: catalogue cần sự mạch lạc, rõ ràng và dễ hiểu
Tính hấp dẫn, thu hút: hình ảnh đẹp, nội dung ngắn gọn xúc tích, giấy in chất lượng cao,
bố cục ấn tượng, sang trọng, rõ ràng và sạch
- Lựa chọn phong cách (style) phù hợp ý tưởng thiết kế, đồng thời tương thích với Hệ thống
nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp.
+ Bước thiết kế
- Bố cục thiết kế:
Catalogue là thể loại thiết kế nhằm giới thiệu quảng cáo cho gần như tất cả các sản phẩm,
dịch vụ của doanh nghiệp. Với một cuốn Catalogue, hình ảnh mang hiệu ứng gây ấn tượng,
là yếu tố rất quan trọng. số lượng trang của Catalogue thường nhiều, số lượng hình ảnh của
Catalogue vì thế cũng rất nhiều, nên cần phân cấp hình ảnh theo thứ tự tầm quan trọng, ưu
tiên các hình ảnh trọng tâm. Áp dụng bố cục “Quy tắc 1/3” Để giúp phân định vị trí thứ tự
các hình ảnh trọng tâm, chính, phụ một cách hợp lý, vừa khoa học vừa mang tính nghệ
thuật. Lựa chọn những màu sắc nền, làm nổi bật hình ảnh cũng là một nghệ thuật phối hợp
màu và hình ảnh trở nên ấn tượng hơn. Để giúp ấn phẩn Catalogue in ra thật sắc nét hấp
dẫn, các hình ảnh chụp ngoài bố cục đẹp, để in ấn, hình ảnh cần chất lượng cao (300 dpi),
các biểu tượng icon để tạo điểm nhấn cũng cần độ sắc nét cao; đôi khi cần được xử lý chỉnh
lý nâng lên bằng hiệu ứng của các phần mềm xử lý ảnh, nhưng vẫn phải giữ được độ trung
thực của Hình ảnh.
Catalogue là tập sách có nhiều trang, nhiều sản phẩm, nhiều thông tin. Cần lưu ý, Catalogue
là nghệ thuật trình bày tất cả sản phẩm nên cần nhiều thông tin chuyên sâu. Các bước soạn
thảo văn bản là bước vô cùng quan trọng. Các Font chữ và văn phong truyền tải thông tin
trên Catalogue quan trọng. Về Font chữ chỉ nên sử dụng từ 1 đến 2 font chữ, nhưng vận
dụng thay đổi linh hoạt bằng nhiểu biến thể trong Type family của Font. Tiêu đề chính
thông minh, gợi mở cũng góp phần tạo hiệu ứng tò mò muốn tìm hiểu thêm nội dung bên
dưới. Tránh dùng văn phong dài dòng, sáo rỗng nhàm chán. Để khách hàng tiếp nhận thông
tin nhanh chóng và ghi nhận dễ dàng, thì việc sắp xếp các font chữ, khoảng cách, căn dòng,
tương phản màu nền và chữ luôn phải được cân nhắc cẩn trọng một cách khoa học và tinh
tế. Sự phối hợp hình ảnh với nội dung Chữ mang thông điệp cần được sáng tạo và hài hòa
một cách ấn tượng, dễ đọc, dễ hiểu. Phần mô tả của sản phẩm cần thật thu hút ngắn gọn
nhưng xúc tích, văn phong mạch lạc, rõ ý. Vì đó không chỉ là nơi bạn đưa ra những thông
tin thật chi tiết về thứ bạn đang giới thiệu, đó còn là chỗ mà bạn cần khuyến khích khách
hàng đưa ra hành động cụ thể. Các thông tin chính như giá cả, chất liệu, chất lượng cần
được trau chuốt. Ngoài ra bạn cũng có thể viết một đoạn tips nhỏ hướng dẫn cho khách
hàng cách sử dụng sản phẩm của bạn một cách hiệu quả.
Catalogue đóng quyển có nhiều thành phần, mỗi thành phần có nội dung khác nhau, vì thế
yếu tố bố cục dàn trang cũng có sự khác biệt giữa các trang. Catalogue luôn được bố cục
thiết kế từng trang đôi. Các thành phần của Catalogue gồm có:
- Trang Bìa trước: Trang bìa trước là bộ mặt của catalogue, nó thể hiện bao quát toàn bộ
nội dung của cuốn catalog. Một trang bìa chuẩn cần cho khách hàng khi nhìn vào nhận biết
ngay tên công ty và lĩnh vực hoạt động. Thành phần nội dung thể hiện trên trang bìa thường
gồm: hình ảnh tiêu biểu, đặc trưng thể hiện lĩnh vực hoạt động, thông điệp trọng tâm của
sản phẩm, logo, tên công ty, địa chỉ website. Thiết kế trang bìa cần thể hiện thật ấn tượng,
thật đơn giản và tinh tế. Catalogue chủ yếu thu hút khách hàng bởi những hình ảnh sắc nét,
chân thực. Tối kỵ quá tham ý cắt ghép quá nhiều ảnh, quá nhiều chữ gây rối mắt cho người
xem. Thiết kế trang bìa Catalogue thường dựa trên 4 nguyên tắc cơ bản :
Nguyên tắc 1: Chọn màu chủ đạo cho trang bìa
Nguyên tắc 2: Trình bày bố cục ấn tượng, chuyên nghiệp
Nguyên tắc 3: Hình ảnh mang dấu ấn riêng biệt
Nguyên tắc 4: Thông điệp slogan
- Trang bìa sau: Trên thực tế thì khi thiết kế trang bìa trước, họa sĩ phải thiết kế cùng lúc
với trang bìa sau. Mặc dù khi gấp tập Cataloge thì trang bìa trước và trang bìa sau (trang
bìa 1+4) trở thành riêng biệt nhưng trong thiết kế sự đồng nhất trong thiết kế là điều vô
cùng quan trọng. Do đó, trang bìa trước và trang bìa sau cần tiến hành thiết kế đi liền với
nhau cùng lúc.
Các bước tiến hành thiết kế 02 trang bìa như sau:
- Thiết lập màu background cho trang bìa 1 + 4
- Thiết lập hình đồ họa, khoảng trắng và layout cơ bản cho trang bìa 1 + 4
- Tạo gam màu sắc chủ đạo cho hình đồ họa và layout cơ bản, Gam màu chủ đạo của trang
bìa cũng là gam màu xuyên suốt toàn bộ cuốn catalogue
- Định vị hình ảnh, thông điệp slogan, logo, thông tin tên công ty, địa chỉ website cần thể
hiện vào trong thiết kế catalog
Ví dụ: logo, slogan, tên cty, địa chỉ cty, ảnh sản phẩm tiêu biểu.... tùy theo yêu cầu đưa vào
cho phù hợp.
- Trang giới thiệu: Giới thiệu đôi nét về lịch sử thương hiệu, sản phẩm; những ưu điểm
đặc trưng của các sản phẩm và những tiện ích cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm. nội
dung Chữ mang thông điệp cần được sáng tạo và hài hòa một cách ấn tượng, dễ đọc, dễ
hiểu. Văn phong thật thu hút mạch lạc, ngắn gọn và xúc tích, rõ ý.
- Trang Mục lục: Catalogue như một cuốn sách, nên cũng cần có trang mục lục nhằm bao
quát toàn bộ nội dung ấn phẩm, đề mục, các danh mục chính, số trang giúp khách hàng dễ
dàng thấy những nội dung cần tìm một cách nhanh chóng. Các catalogue ngắn dưới 12
trang có thể không cần mục lục.
- Trang cuối: chủ yếu quảng cáo và ghi chú. Nội dung trang cuối thường là các thông tin
quan trọng liên hệ phục vụ quá trình bán hàng thường được bố cục ở phía dưới trang. Trong
trang này có thể thêm logo hoặc một vài hình ảnh nhỏ về lĩnh vực hoạt động. Phía trên chủ
yếu để khoảng trắng và them một vài hình ảnh nghệ thuật thể hiện một cách nhẹ nhàng như
một sự khép lại quá trình xem nội dung của người đọc.
- Các trang đôi nội dung : bên trong Catalogue với hình thức là mỗi mặt là một trang giấy
đôi, thiết kế layout cần phác họa, phân chia trang giấy đôi thành những mảng cấu trúc hình
học (vuông, chữ nhật…) chứa đựng hình ảnh và chữ sao cho hợp lý cân bằng theo cấu trúc
trục tung, trục hoành của trang giấy bằng ứng dụng hệ thống lưới và các quy tắc tỉ lệ vàng.
Sự thiết kế phân chia mảng bố cục này tạo thành mô típ, nhịp điệu chuyển động chung của
toàn bộ cuốn catalogue, tạo nên sự nhất quán trong thiết kế cùng với Hệ thống nhận diện
thương hiệu sẽ giúp khách hàng dễ dàng nhận ra brand (nhãn hiệu) từ hình ảnh của sản
phẩm, bố cục thiết kế, màu sắc... do nhiều trang có chung một motip nên đôi khi họa sĩ
cũng có thể tạo thêm một số điểm nhấn mới lạ cho các trang bằng các biểu tượng icon độc
đáo hoặc hoa văn đặc sắc giúp người xem không bị quen thuộc, nhàm chán. Kích thước
Chữ chuẩn thiết kế cho Catalogue là 12pt, nếu catalog nhiều chữ, cần số trang lớn có thể
giảm xuống 10pt hoặc 8pt là nhỏ nhất. Chữ chú thích ảnh có thể sử dụng kích thước 6pt
đến 12pt.
+ Bước hoàn thiện sản phẩm
Họa sĩ thiết kế thường xử lý một cách tốt nhất các kỹ năng bố cục dàn trang, xử lý hình
ảnh trong thiết kế bằng tận dụng các tính năng mạnh của những phần mềm thiết kế đồ hoạ
2d như: Ilustrator, Indesign, Photoshop, Corel... hoàn thiện File thiết kế có các đuôi như
.ai, .indd, .psd, .tiff, .cdr, .pdf…
Các hiệu ứng in ấn giúp nâng cao sự hấp dẫn của thiết kế như ép kim, in nổi, in nhũ … cần
được cân nhắc và sử dụng hợp lý, tránh lạm dụng quá đôi khi phản tác dụng làm mất phong
cách (style) thiết kế.
Hoàn thiện thiết kế, kiểm tra chất lượng giấy và in thử, Khâu này không nằm trong bước
thiết kế nhưng là khâu vô cùng quan trọng. Mọi sự sai sót làm giảm giá trị nghệ thuật của
Brochure sau khi in ra thành phẩm phát hành đều quy lỗi về họa sĩ thiết kế và làm mất
danh tiếng thương hiệu. Do đó, sau khi hoàn thiện thiết kế, cần in thử để kiểm tra lại thật
kỹ lưỡng các lỗi chính tả, font chữ, chất lượng hình ảnh, màu sắc của thiết kế. In thử 2-3
lần giúp giảm thiểu các sai sót đồng thời có được mẫu Brochure in hoàn chỉnh, ưng ý nhất
cho họa sĩ thiết kế và doanh nghiệp
4.5.4.3. Một số thiết kế Catalogue đẹp của các công ty nổi tiếng (hình minh họa)
4.5.4.4. Một số bài tập thiết kế Catalogue của sinh viên (hình minh họa)
- Sinh viên: Lam- Xuân – Nhân- Diện k13
+ Bìa 1- Bìa 4:

+ Trang nội dung:


- Sinh viên: Nguyễn Hải Đăng
+ Bìa 1- Bìa 4:

+Trang nội dung:


+ Trang mục lục và bìa 3:

- Sinh viên: Nguyễn Thị Huế Tường


+ Bìa 1- Bìa 4:
+ Trang nội dung:
- Sinh viên: Chung Tiểu Băng- Trang Việt Nga k15 clc
+ Bìa 1- Bìa 4:

+ Trang nội dung:


- Sinh viên: kfc
+ Bìa 1- Bìa 4:
+ Trang nội dung:
- Sinh viên: Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Hoàng Lê Tuấn k13 clc
+ Bìa 1- Bìa 4:
+ Trang nội dung:
- Sinh viên: Nguyễn Nghiêm Quỳnh Anh k15
+ Bìa 1- Bìa 4:

+ Trang nội dung:


- Sinh viên: mon
+ Bìa 1- Bìa 4:
+ Trang nội dung:
_ Sinh viên: Ngọc k13
+ Bìa 1- Bìa 4:

+ Trang nội dung:


-Sinh viên: Phạm Đình Minh Thu, Bùi Sỹ Khiêm k13
+ Bìa 1- Bìa 4:
+ Trang nội dung:

You might also like