You are on page 1of 16

CHẨN ĐOÁN UNG THƯ

BS.CKII. Ngô Nhất Linh


Trưởng khoa ung bướu
Bệnh viện Đại Học Nam Cần Thơ.

Đối tượng: sinh viên Y5, Y6.


Thời gian: 3 tiết.
Mục tiêu học tập: Sau khi học xong bài này sinh viên có khả năng:
1. Biết được sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư.
2. Trình bày được cách tầm soát một số bệnh ung thư thường gặp.
3. Mô tả được chẩn đoán lâm sàng bệnh ung thư.
4. Mô tả được các cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh ung thư.
5. Nhận thức được tầm quan trọng của chẩn đoán giai đoạn của bệnh ung thư theo
TNM.
I. ĐẠI CƯƠNG.
Thế giới hàng năm có hàng chục triệu người mắc bệnh ung thư và có khoảng
50% người tử vong vì căn bệnh này. Thời gian sống thêm kể từ lúc xác định bệnh đến
khi tử vong của đa số các trường hợp ung thư giai đoạn muộn là không quá 6 tháng.
Do đó trong nhiều năm qua trong chúng ta, bao gồm cả thầy thuốc và bệnh nhân đều
cho rằng việc chẩn đoán xác định bệnh ung thư xem nhự tuyệt vọng và một cái án tử
hình treo trên đầu người bệnh, vô tình chúng ta đã đẩy người bệnh vào tình trạng hết
sức bất lợi đó là sự tuyệt vọng của người bệnh.
Lịch sử phát hiện và chẩn đoán ung thư đã trải qua rất nhiều năm, từ việc khám
lâm sàng: nhìn, sờ, gõ, nghe đến làm xét nghiệm cận lâm sàng: chẩn đoán tế bào học
trên kính hiển vi thường có độ phóng đại lớn, đến kính hiển vi điện tử có độ phóng đại
gấp hàng nghìn lần so với kính hiển vi quang học. Càng ngày, càng có nhiều phương
tiện hỗ trợ cho chẩn đoán nhanh và độ chính xác cao cho phép chúng ta tiếp cận với
hầu hết các ngóc ngách trong cơ thể và các ung thư nằm sâu trong cơ thể như: Siêu
âm, phương pháp chẩn đoán Y học hạt nhân: SPECT (single photon emission
computer tomography), PET (positron Emission Tomography), X quang: qui ước và
CT, MRI, nội soi (bao gồm cả nội soi sinh thiết). Xuyên suốt bề dày lịch sử phát triển
ấy con người ngày càng chủ động trong lĩnh vực chẩn đoán sớm ung thư.
Dựa trên những hiểu biết mới về ung thư: Thời gian nhân đôi của tế bào ung
thư, khả năng miễn dịch chống ung thư, sự diễn tiến tự nhiên của ung thư, đánh giá
xếp giai đoạn lâm sàng dựa vào khối bướu (T) + hạch(N) + di căn(M), mô bệnh học,
phân độ mô bệnh học, xét nghiệm sinh học phân tử giúp cho y học hiện đại nhận thức
rõ rằng: Việc chẩn đoán sớm ung thư có vai trò to lớn quyết định đến phương pháp
điều trị và tiên lượng bệnh.

1
Vì vậy chẩn đoán ung thư đồng nghĩa với việc chẩn đoán sớm tức là chúng ta
tìm ra những tổn thương từ khi chúng chưa có biểu hiện lâm sàng hay còn gọi giai
đoạn tiền lâm sàng của ung thư. Tuy nhiên đây là việc hết sức khó khăn vì: Kích
thước khối u thường quá bé 1 – 2 cm (10 9 – 2.109 tế bào ung thư) và đã có khả năng di
căn xa là rất lớn và hình thành ổ ung thư thứ phát. Chính vì thế có niều trường hợp
ung thư ko có triệu chứng lâm sàng gì, nhưng khi chẩn đoán được đã là giai đoạn
muộn: đã xâm lấm rộng và có di căn xa. Giai đoạn tiền lâm sàng lại có khả năng chữa
khỏi hoàn toàn ít nhất là 50% số trường hợp.
Ngày nay vấn đề chẩn đoán sớm ung thư đã có mục tiêu cụ thể hơn, đó là phát
hiện ung thư tại chỗ, ung thư giai đoạn O, ung thư nội biểu mô, ung thư tiền xâm nhập
(tùy theo cách gọi của từng tác giả). Tức là ung thư chưa có xâm lấn và di căn và khả
năng chữa khỏi đạt sấp xỉ 100%. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là muốn chẩn đoán sớm ung
thư cần phải có nhiều nỗ lực của cả xã hội bao gồm: Y tế, chính phủ và bản thân ý
thức người dân trong việc phát hiện sớm ung thư. ở Mỹ hàng năm chính phủ phải chi
trả 2000 USD cho một trường hợp phát hiện ung thư.
Chẩn đoán bệnh ung thư bao gồm: Chẩn đoán xác định, chẩn đoán giai đoạn và
chẩn đoán sớm ung thư. Để đạt được mục tiêu của chẩn đoán ung thư cần phải tiến
hành 3 bước:
– Chẩn đoán ban đầu: Chẩn đoán sơ bộ hướng đến một bệnh ung thư.
– Chẩn đoán xác định: Dựa vào mô bệnh học là tiêu chuẩn vàng.
– Chẩn đoán giai đoạn bệnh ung thư theo TNM.
II. CHẨN ĐOÁN LÂM SÀNG
Mỗi loại ung thư có triệu chứng lâm sàng riêng và người ta chia thành 2 nhóm
triệu chứng chính sau đây: Chưa có triệu chứng (sàng lọc), có triệu chứng chưa rõ và
triệu chứng lâm sàng rõ rệt.
II.1. CHẨN ĐOÁN SÀNG LỌC
Là những dấu hiệu lâm sàng xuất hiện tương đối sớm, giúp ta có thể chẩn đoán
sớm được một số bệnh ung thư. Các triệu chứng này thường rất nghèo nàn, không đặc
hiệu, và ít ảnh hưởng tới chức năng nên người bệnh và bác sĩ thường dễ bỏ qua.
Ung thư được phát hiện ở giai đoạn càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi càng cao.
Sàng lọc và phát hiện sớm luôn là một trong 4 ưu tiên của chương trình phòng chống
ung thư các nước đặc biệt là các nước phát triển. Sàng lọc là cách đánh giá mỗi cá thể
hay cộng đồng khoẻ mạnh về mặt lâm sàng, nhằm phát hiện ung thư tiềm ẩn hay
thương tổn tiền ung thư để điều trị khỏi. Mục tiêu của sàng lọc nhằm giảm tỷ lệ tử
vong do ung thư.
II.1.1 SÀNG LỌC UNG THƯ VÚ
Có các phương pháp sàng lọc sau (screening test)

2
– Tự khám vú: Là một kỹ thuật ít tốn kém và vô hại đối với tuyến vú. Thực
hiện tự khám vú một tháng một lần và khám sau khi sạch kinh. Thường chẩn đoán ra
bệnh khi u nhỏ, hạch di căn; ít hơn những người không thực hành tự khám vú. Do vậy,
cần phải phổ biến rộng rãi cách tự khám vú qua các phương tiện thông tin đại chúng.
– Khám lâm sàng tuyến vú: Là một phương pháp thông dụng để khám cho tất
cả phụ nữ trên 40 tuổi ít nhất một năm một lần.
– Chụp tuyến vú:
+ Chụp vú không chuẩn bị được sử dụng rộng rãi trong việc xác định
bệnh cũng như cho việc sàng lọc ung thư vú.
+ Với phụ nữ trên 40 tuổi nằm trong diện “nguy cơ cao”, một năm nên
chụp x quang tuyến vú 1 lần.
+ Đối với phụ nữ trên 50 tuổi, việc sàng lọc bằng chụp tuyến vú cũng có
hiệu quả tốt.
II.1.2 SÀNG LỌC UNG THƯ CỔ TỬ CUNG
Ung thư xâm lấn cổ tử cung có thể được phòng ngừa nếu sàng lọc được tiến
hành bởi sự chính xác của HPV test, Pap test (hay tế bào học âm đạo) mỗi năm một
đến hai lần ở phụ nữ trên 30 tuổi đã có gia đình.
Nếu không có chương trình sàng lọc có hiệu quả được tổ chức bởi hệ thống y
tế cộng đồng, các bác sĩ có thể chọn lọc các bệnh nhân để sàng lọc. Bởi ích lợi của
việc sàng lọc ung thư cổ tử cung đã làm giảm 30% các trường hợp ung thư xâm lấn.
Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng các chương trình sàng lọc có tổ chức.
Tại các địa phương không có phương tiện xét nghiệm để làm Pap test, có thể
khám cổ tử cung bằng mắt với mỏ vịt và đủ ánh sáng cho các phụ nữ có gia đình, trên
30 tuổi. Nếu có bất thường sẽ đưa sang bộ phận xác định bệnh và điều trị. Khám bằng
mắt là một phần không tách rời của chương trình sàng lọc với tế bào cổ tử cung:
a) Làm thử nghiệm Lugol.
b) Test acid acetic (VIA)
c) Soi cổ tử cung để phóng đại các tổn thương ở cổ tử cung.
d) Sinh thiết cổ tử cung
e) Khoét chóp cổ tử cung. Vừa chẩn đoán vừa điều trị các ung thư tiền xâm
lấn.
II.1.3 SÀNG LỌC UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG
Ở nhiều nước phát triển, ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 2 sau ung thư
phổi. Chiến lược sàng lọc nhằm vào các đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt tập trung
vào những người có tuổi khoảng 50 đến 70. Các nghiệm pháp sàng lọc:
+ Xét nghiệm máu tiềm ẩn trong phân (FOBT): Các xét nghiệm sàng lọc cho
thấy khoảng 2% FOBT dương tính và giá trị dự đoán của test cho cả u tuyến lành và
ung thư từ 20 – 30%. Chú ý có xét nghiệm dương tính giả.

3
+ Phát hiện hoạt độ Peroxidase của huyết cầu tố.
+ Nội soi đại tràng và trực tràng (Colonoscopy) đã sử dụng như một xét
nghiệm sàng lọc đơn độc hay kết hợp với FOBT. Việc theo dõi các đối tượng có nguy
cơ cao nên dùng test FOBT nếu FOBT dương tính, chỉ định soi đại tràng, trực tràng.
+ Nội soi ảo đại tràng (Virtual colonoscopy) hay chụp cắt lớp đại tràng: chuẩn
bị ruột như nội soi, bơm hơi vào hậu môn và chụp cắt lớp vi tính rồi dựng hình lại
khung đại tràng. Kết quả rõ nét giống soi đại tràng, có thể khảo sát thêm ruột non,
nhược điểm: không chẩn đoán về mô bệnh học, không cắt được các polyp ngay giống
nội soi, nhiễm tia x.
II.1.4 SÀNG LỌC CÁC UNG THƯ KHÁC
II.1.4.1 Ung thư gan nguyên phát.
+ Sàng lọc bằng cách xét nghiệm định lượng:
-Alphafetoprotein (AFP) Là chất chỉ điểm khối u (tumor marker): xét nghiệm
thường quy trong chẩn đoán, tiên lượng bệnh và theo dõi tái phát ung thư gan nguyên
phát. Tuy nhiên chỉ số AFP có thể tăng trong bệnh viêm gan cấp, viêm gan mạn, xơ
gan, hoại tử gan.
-AFP-L3 (Giá trị AFP-L3 ở người khỏe mạnh là < 10%. Ở giá trị cắt (cut-off)
của AFP-L3 là 10-15%, có thể được phát hiện khoảng 1/3 số bệnh nhân có khối u
HCC nhó < 3 cm. Khi sử dụng giá trị cắt của AFP-L3 là 15%, độ nhạy và độ đặc hiệu
để chẩn đoán HCC tương ứng là 75-96,9% và 90-92%).
-Nồng độ PIVKA-II (prothrombin induced by vitamin K absence-II) bình
thường là < 40 mAU/mL. Với giá trị cắt là 240 mAU/mL thì PIVKA-II có độ nhạy là
14-54% và độ đặc hiệu là 95-99% trong chẩn đoán HCC.(AU-Anson Unit: 1 AU là số
lượng enzyme mà giải phóng ra 1µmol(181µg) của Tyrosine từ casein cho mỗi phút ở
37oC, PH là 7,5).
+ Siêu âm được dùng để theo dõi các trường hợp có kết quả bất thường.
II.1.4.2 Ung thư khoang miệng.
+ Sàng lọc bằng cách định lượng lượng kháng thể IgA của virut Epstein – Barr
cho dân ở vùng hay mắc loại ung thư này.
+ Xét nghiệm HPV( Human Papilloma virus)
+ Khám họng hoặc nội soi mũi hạ họng tầm soát tổn thương khoang miệng.
Thăm khám bằng mắt các đối tượng có nguy cơ cao, cần kết hợp với các chương
trình giáo dục cho dân chúng biết (các đối tượng nhai thuốc lá, nhai trầu, hút thuốc,
uống rượu) là làm tăng lợi ích của việc phát hiện ung thư sớm và các tình trạng tiền
ung thư.
II.1.4.3 Ung thư tiền liệt tuyến.

4
Cả 3 xét nghiệm có khả năng phát hiện bệnh khi chưa có triệu chứng lâm sàng:
thăm khám trực tràng bằng tay, siêu âm qua trực tràng, kháng nguyên đặc hiệu của
tuyến tiền liệt – PSA (prostate specific antigen), PSA free.
II.1.4.4 Ung thư tuyến giáp
Các đối tượng đã chiếu xạ vào vùng đầu cổ khi còn thơ ấu sẽ có nguy cơ cao
cần phải được khám lâm sàng định kỳ, xét nghiệm Calcitonin và Thyroglobulin, Anti-
Tg, siêu âm tuyến giáp.
II.1.4.5 Ung thư phế quản phổi
Nên chụp X quang phổi định kỳ hàng năm cho những người hút thuốc trên 45
tuổi để phát hiện sớm tổn thương khi các khối u còn nhỏ.
Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực (CTSCAN)
II.1.4.6 Ung thư dạ dày
Cần làm nội soi dạ dày trên những bệnh nhân có nguy cơ cao (tuổi, tiền sử của
bệnh viêm loét dạ dày mãn tính).
II.1.4.7 Ung thư da
Biện pháp quan trọng là quan sát bằng mắt với những cán bộ y tế được huấn
luyện tốt, có kinh nghiệm, khám tỷ mỉ.
II.2. MỘT SỐ TRIỆU CHỨNG SỚM CỦA UNG THƯ
Là những dấu hiệu lâm sàng xuất hiện tương đối sớm có thể giúp chẩn đoán
sớm được một số bệnh ung thư. Các dấu hiệu này thường nghèo nàn, ít đặc hiệu, ít
ảnh hưởng tới người bệnh nên dễ bị bỏ qua:
+ Ho kéo dài (trên 3 tuần) là triệu chứng sớm của ung thư phế quản, phổi.
+ Xuất huyết, tiết dịch bất thường (khí hư) báo hiệu nhiều bệnh ung thư như:
chảy máu bất thường âm đạo do tác động (giao hợp) hoặc ra huyết âm đạo sau mãn
kinh, kinh kéo dài báo hiệu ung thư cổ tử cung; Đại tiện có máu, nhầy báo hiệu ung
thư đại trực tràng; chảy dịch bất thường đầu núm vú nhất là dịch lẫn máu thì báo động
ung thư vú.
+ Thay đổi thói quen đại, tiểu tiện báo động ung thư đại trực tràng, ung thư tiết
niệu sinh dục.
+ Rối lọan tiêu hóa kéo dài có thể là triệu chứng sớm của ung thư đường tiêu
hóa: đau bụng âm ỉ kéo dài, đại tiện phân nhầy máu.
+ Đau đầu, ù tai 1 bên là dấu hiệu sớm của ung thư vòm mũi họng.
+ Nói khàn, nói khó báo động ung thư thanh quản, nuốt vương, nuốt nghẹn báo
động ung thư thực quản.
+ Nổi u, cục cứng, phát triển nhanh báo động ung thư vú, ung thư phần mềm.
+ Vét loét dai dẳng khó liền báo động ung thư môi, lưỡi, da, dạ dày.

5
+ Thay đổi tính chất, kích thước nốt ruồi báo hiệu ung thư hắc tố (Melanoma).
+ Nổi hạch bất thường, cứng, ít đau báo động bệnh lý hạch ác tính(lymphoma).
II.3. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG RÕ RỆT
II.3.1 SỤT CÂN
Sụt trên 5% trọng lượng cơ thể trong sáu tháng đến một năm nhưng không do
ăn kiêng, tập luyện, căng thẳng… là một trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư. Đây
là dấu hiệu lâm sàng khi bệnh ở giai đoạn muộn thường bệnh nhân gầy sút nhanh 5 –
10 kg/tháng
II.3.2 ĐAU
Bệnh nhân mắc bệnh ung thư ở giai đoạn muộn đau là triệu chứng phổ biến,
hay găp ở hầu hết bệnh nhân ung thư. Đau là do tổ chức ung thư xâm lấn, phá hủy tổ
chức xung quanh, chèn ép dây, rễ thần kinh, do bít tắc (ung thư đường tiêu hóa, gan,
mật, tiết niệu…), bệnh nhân có thể chết vì đau, vì suy kiệt do đau gây ra, đây cũng là
vấn đề khó giải quyết trong điều trị bệnh ung thư.
II.3.3 HỘI CHỨNG BÍT TẮC
Thường là do ung thư các tạng rỗng phát triển trở nên bít tắc đường ống tiêu hóa, bít
tắc đường tiểu và bít tắc đường hô hấp…vv
+ Ung thư đại trực tràng biến chứng tắc ruột, ung thư dạ dày vùng hang vị gây
hẹp môn vị (gây đau, nôn, bí, chướng).
+ Ung thư tiền liệt tuyến, ung thư bàng quang gây bí tiểu.
+ Ung thư hạ họng thanh quản gây bít tắc đường hô hấp trên (mở khí quả chủ
động, hoặc cấp cứu nhằm làm lưu thông đường hô hấp).
II.3.4 CHÈN ÉP VÀ XÂM LẤN
Do tổ chức ung thư xâm lấn và chèn ép vào tổ chức cơ quan lân cận.
+ Ung thư phế quản gây hội chứng phù áo khoác do chèn ép tĩnh mạch chủ trên
+ Ung thư cổ tử cung gây chèn ép niệu quản gây đau quặn thận, phù, vô niệu,
tăng urê huyết.
+ Ung thư vòm họng gây chèn ép các dây thần kinh sọ não gây liệt các dây
thần kinh sọ não, gây đau đớn cho bệnh nhân.
+ Các khối u trung thất chèn ép thực quản, khí quản gây ra nuốt vướng, nuốt
nghẹn, nuốt sặc, gây khó thở.
II.3.5 CÁC TRIỆU CHỨNG DI CĂN
Di căn ung thư thường phổ biến theo hai con đường: Mạch bạch huyết và đường
máu

6
+ Di căn theo đường mạch bạch huyết đến các hạch bạch huyết lân cận (hạch
vùng)
+ Di căn theo đường máu đến các cơ quan như gan, phổi, xương, não, mô
mềm: Di căn màng phổi gây tràn dịch màng phổi, di căn màng bụng gây cổ trướng, di
căn màng tim gây tràn dịch màng ngoài tim…. Di căn xương gây gãy xương bệnh lý.
II.3.6 HỘI CHỨNG CẬN U
Bao gồm các triệu chứng lâm sàng, hóa sinh gây nên bởi hoạt động của các khối u
tiết ra các chất sinh học mang tính chất nội tiết của một số khối u như:
+Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân là hội chứng cận ung thư gặp trong bệnh lý
hạch ác tính: Hogdkin’s Lymphoma, None Hogdkin’s Lymphoma, ung thư huyết học.
+Ung thư phế quản loại tế bào nhỏ tiết ra các chất nội tiết giống như TSH gây
ra phì đại đầu chi, tiết ra chất dạng hormon estrogen gây ra vú to ở nam giới.
+Một số ung thư tiế ra chất giống ACTH gây hội chứng Cushing.
+Hội chứng tăng: Thyroxin, canxi máu là do một số ung thư biểu mô dạng biểu
bì, ung thư thận, ung thư phụ khoa, ung thư đường tiêu hóa.
III. CÁC PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN CẬN LÂM SÀNG
III.1. CHỤP XQUANG
Năm 1895 K.V Roentgent phát hiện ra tia X, từ đó tia X được ứng dụng vào y học
đặc biệt trong chẩn đoán bệnh. Đến nay các kỹ thuật chụp Xquang từ cổ điển cho đến
các kỹ thuật hiện đại đã được áp dụng trong chẩn đoán bệnh nói chung và chẩn đoán
ung thư nói riêng. Nguyên lý chung của chẩn đoán hình ảnh Xquang qui ước là:
+ Tính chất đâm xuyên của tia X
+ Sự hấp thu tia X của các mô là khác nhau trong cùng một cơ thể
Một số kỹ thuật chụp Xquang chẩn đoán bệnh ung thư hay được áp dụng đó là:
III.1.1 CHỤP XQUANG PHỔI, XƯƠNG
Đây là kỹ thuật đơn giản nhất nhưng có giá trị rất lớn trong chẩn đoán ung thư
phổi – phế quản và ung thư xương, với biểu hiện tổn thương khư trú ở phân thùy phổi,
hoặc lan tràn là đám mờ không thuần nhất, hay hình ảnh “bóng bay” do ung thư di căn
phổi, trong ung thư xương hình ảnh tổn thương là các đám mờ thể hiện tổn thương
phá hủy hay tân tạo xương.
III.1.2 CHỤP XQUANG TUYẾN VÚ
Đây là kỹ thuật chụp Xquang để phát hiện sàng lọc ung thư vú, cho phép phát
hiện khối ung thư ở giai đoạn sớm với dấu hiệu nốt vôi hóa rất nhỏ
(Microcalcification)
III.1.3 CHỤP XQUANG CÓ THUỐC CẢN QUANG

7
Chụp xquang dạ dày, hành tá tràng hàng loạt. Chụp khung đại tràng khi không
có nội soi hoặc nội soi thất bại.
III.1.4 CHỤP ĐỐI QUANG KÉP
Để phát hiện những tổn thương nhỏ của dạ dày, đại trực tràng. Ngày nay với
tiến bộ của nội soi tiêu hóa kỹ thuật này ít được sử dụng.
III.1.5 KỸ THUẬT CHỤP MẠCH MÁU (Angiography)
Chụp mạch được bơm chất cản quang qua đó phát hiện khối u là các hình khuyết,
ứ đọng hoặc rối loạn hệ mạch máu bao gồm:
+ Chụp động mạch và tĩnh mạch: Được chỉ định trong một số bệnh ung thư
nằm sâu trong các cơ quan như: Ung thư thận, gan, tụy, não.
+ Chụp bạch mạch thường để chẩn đoán các bệnh u lympho ác tính (Hodgkin,
non Hodgkin), đặc biệt trong chẩn đoán giai đoạn bệnh hạch ác tính. Tuy nhiên các kỹ
thuật chụp Xquang thường ít có khả năng phát hiện các khối u có đường kính dưới 2
cm, tỷ lệ âm tính giả và dương tính giả cao (20 – 30%): hay nhầm với các nang (cyst),
các tổn thương viêm.
III.1.6 CHỤP CẮT LỚP ĐIỆN TOÁN (Computed Tomography Scan).
Đây là thành tựu hiện khoa học hiện đại (1971 – G.M Hounsfiled) của phương
pháp vật lý đưa đến một tiến bộ lớn về chất lượng hình ảnh chụp xquang: Cho phép
chụp hàng loạt hình có độ chính xác và độ phân giải cao các khối u nằm sâu trong ở
các cơ quan như: Gan, thận, tụy tạng, não…, kể cả các hạch lymphô (nông hoặc sâu).
Hiện nay có nhiều thế hệ máy chụp CT scaner từ thế hệ 1 – 5.
Phương pháp này chẳng những làm nổi bật các khối u nguyên phát mà cả các ổ
di căn với khả năng phát hiện các khối u (nguyên phát và thứ phát) có đường kính xấp
xỉ 1 cm.
Ngày nay chụp cắt lớp điện toán còn được dùng trong cả việc dẫn đường cho
sinh thiết chẩn đoán mô bệnh học (Sinh thiết u phổi dưới định vị của CTSCAN) và
dẫn đường cho xạ trị (lập kế hoạch điều trị). Tuy nhiên giá thành còn đắt nên phần nào
hạn chế trong việc áp dụng trong chẩn đoán sớm ung thư.
III.2. NỘI SOI(Endoscopy)
Là phương pháp khám qua máy nội soi. Nhờ có các máy nội soi mà người thầy
thuốc có thể quan sát được các hốc tự nhiên, các nội tạng trong cơ thể một cách trực
tiếp, đồng thời làm một số thủ thuật sinh thiết chẩn đoán. Ngày nay các kỹ thuật nội
soi ngày càng phát triển (bao gồm nội soi chẩn đoán và nội soi can thiệp) do các tiến
bộ của khoa học vật lý quang học và vi mạch điện tử. Nội soi đóng một vai trò to lớn
trong chẩn đoán các ung thư: Đầu; mặt; cổ, ung thư đường tiêu hóa: thực quản, dạ
dày, đại trực tràng và ung thư phổi – phế quản.
III.3. SIÊU ÂM (Ultrasound)

8
Đây là phương pháp chẩn đoán hiện đại, có độ nhậy và độ đặc hiệu cao được
ứng dụng rất rộng rãi trong lâm sàng nói chung và lĩnh vực ung thư nói riêng
Trong chẩn đoán ung thư, siêu âm được ứng dụng nhiều trong chẩn đoán ung
thư nguyên phát, sự xâm lấn của khối bướu nguyên phát sang các cơ quan lân cận và
phát hiện di căn xa như: ung thư gan, ung thư thận, ung thư buồng trứng, ung thư
tuyến giáp, ung thư vú, thân tử cung. Kết hợp giữa nội soi và siêu âm để đánh giá mức
độ xâm lấn của các khối bướu(T) trong ung thư dạ dày, ung thư thực quản, ung thư đại
tràng, hoặc sinh thiết hay FNA u phổi để chẩn đoán.
Tuy nhiên đây là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh nên kết
quả còn phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của người thầy thuốc chuyên khoa. Ưu
điểm nổi trội là phương pháp chẩn đoán không can thiệp, không độc hại, giá thành
không cao nên có thể tiến hành ở nhiều cơ sở y tế.
III.4. CHỤP CỘNG HƯỞNG TỪ (Magnetic Resonance Imaging)
Nguyên lý của chụp cộng hưởng từ: Nguyên tử hydro có rất nhiều trong các mô
ở cơ thể con người, hạt nhân của nguyên tử này chỉ có một proton. Khi những nguyên
tử hydro của các mô được đặt trong một từ trường có cường độ lớn và được cung cấp
năng lượng dưới dạng những sóng có tần số radio thì khi ngừng cung cấp những sóng
đó, hệ thống sẽ hồi trả lại năng lượng và các proton sẽ phát ra các tín hiệu. Các tín
hiệu này sẽ được các bộ phận thu nhận của máy và máy vi tính xử lý để biến thành
hình ảnh
Chụp cộng hưởng từ còn cho chúng ta nghiên cứu về cả hình ảnh và một phần
chức năng sinh học và hóa học của khối u. Hiện nay cũng là phương pháp chẩn đoán
ung thư rất có giá trị nhưng giá thành còn khá cao nên chưa áp dụng rộng rãi trong các
cơ sơ y tế, các bệnh viện.
III.5. CHẨN ĐOÁN Y HỌC HẠT NHÂN
III.5.1 GHI HÌNH PHÓNG XẠ (Scanning):
Các máy ghi hình phóng xạ đều có chung một nguyên lý: Có một bộ phận đầu dò
nối với một bộ phận ghi hình, trong khi bộ phận đầu dò “quét” trên bề mặt cơ quan có
tập trung đồng vị phóng xạ thì bộ phận ghi hình cũng chuyển động đồng dạng, và vạch
hình với số vạch càng dầy đặc khi hoạt tính phóng xạ nhận được càng lớn. Để ghi
được hình ảnh có giá trị cần đảm bảo những điều kiện sau đây:
+ Chất đồng vị phóng xạ phải được tập trung ở cơ quan nghiên cứu nhiều hơn
hẳn các tổ chức xung quanh.
+ Bộ phận ghi hình phải ghi được một hình càng gần với sự phân bố hoạt tính
phóng xạ trong cơ quan càng tốt, với một độ tương phản cao càng tốt.
III.5.2 CHỤP XẠ HÌNH
Máy chụp xạ hình (Gamma – camera viết tắt: GC) cho ta hình ảnh tức thì của
cơ quan có tập trng đồng vị phóng xạ. Nguyên lý hoạt động như sau: Bức xạ gamma

9
được thu nhận bởi một đầu dò có tinh thể mỏng, nhưng đường kính rộng (290 –
400mm), các photon phát ra được thu nhận bởi nhiều ống nhân quang (19 – 37 ống)
bố trí thành hình 6 cạnh bảo đảm việc truyền tín hiệu sáng đến dao động ký, dao động
ký biến các photon thành 1 chấm sáng, chấm này càng sáng khi số photon trước ống
nhân quang tương ứng càng nhiều đây là phương pháp ghi lại hình ảnh sự phân bố.
III.5.3 PHƯƠNG PHÁP CHỤP XẠ HÌNH CẮT LỚP ĐIỆN TOÁN (SPECT –
Single photon emission computed tomography, và PET – Positron Emission
Tomography)
Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh có nhiều giá trị cao trong chẩn đoán bệnh
nói chung và bệnh ung thư nói riêng. Kỹ thuật chụp hình với máy PET và PET/CT
đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trên thế giới. Hiện nay toàn thế giới có
khoảng 2900 máy PET và PET/CT (riêng ở Mỹ có 1800 máy – 2008). Việt Nam năm
2009 có 3 máy PET/CT đặT tại bệnh viện Việt Đức và bệnh viện Chợ rẫy, Bạch Mai,
gần đây trang bị tại bệnh viện Vinmec, Kiên Giang. Những năm đầu khi ứng dụng
máy PET và PET/CT trong chẩn đoán thì phục vụ chủ yếu trong lĩnh vực tim mạch,
thần kinh, về sau người ta thấy việc ứng dụng PET và PET/CT trong lĩnh vực ung thư
ngày càng nhiều. Trong chuyên ngành ung thư PET và PET/CT được chỉ định để:
+ Chẩn đoán ung thư nhất là xác định giai đoạn bệnh.
+ Đánh giá đáp ứng của các phương pháp điều trị, đặc biệt là hóa trị và xạ trị.
Để chụp hình bằng PET và PET/CT cần phải có các đồng vị phóng xạ phát
positron có thời gian bán hủy vật lý rất ngắn (T 1/2) nên đòi hỏi phải có máy gia tốc
vòng (cyclotron) cần đồng vị phóng xạ dùng cho máy PET và PET/CT.
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại như CT, MRI, siêu âm chỉ phát
hiện và đánh giá các tổn thương đã có những thay đổi về cấu trúc giải phẫu, mật độ
của tổ chức vì vậy các phương pháp này thường gặp khó khăn và dễ bỏ xót tổn thương
có đường kính < 1,0 cm. PET va PET/CT được ứng dụng đặc biệt trong chuyên
ngành ung thư. Chụp hình toàn thân bằng PET và PET/CT có thể phát hiện bất thường
về chuyển hóa, chụp được hình ảnh tổn thương mức độ sinh hóa, còn nhỏ khi chưa có
thay đổi cấu trúc.
Những bệnh nhân ung thư sau khi được điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị, xạ trị làm
cho các tổn thương nguyên phát thay đổi làm cho các phương pháp CT, MRI, siêu âm
có rất nhiều hạn chế trong việc xác định:
+ Tổ chức khối u nguyên phát còn sót lại
+ Không phân biệt được tổ chức xơ hóa với tái phát và di căn.
Kỹ thuật chụp PET và PET/CT cho phép khắc phục những nhược điểm của CT scan
và MRI. Cho ta khảo sát hình ảnh giải phẫu và cả hình ảnh chức năng chuyển hóa
(mức độ tế bào và mức độ phân tử). Nguyên lý chụp xạ hình PET:
+ Khối u ác tính, các tế bào phát triển rất nhanh so với tế bào của tổ chức bình
thường, do vậy cần sử dụng các tiền chất để tổng hợp DNA như: thymidine, guatinine

10
nhiều hơn bình thường. Người ta gắn đồng vị phóng xạ 11C với thymidine để tiêm
vào bệnh nhân để chụp hình, thì những nơi có tổ chức ác tính sẽ tập trung nhiều
thymidine – 11C, do đó máy PET sẽ dễ dàng phát hiện những ổ tổn thương có hoạt
tính phóng xạ cao hơn tổ chức lành xung quanh mà trên hình ảnh xạ hình chúng ta dễ
dàng quan sát được
+ Khối u ác tính có tốc độ tổng hợp protein cao hơn tổ chức lành xung quanh,
do đó nó đòi hỏi nhiều nguyên liệu acid amin để tổng hợp protein như: methionine,
tyrosine…. Nếu người ta gắn 11C với các acid amin này và tiêm vào bệnh và chụp xạ
hình PET sẽ dẽ dàng phát hiện ra những tổn thương (khối u) có hoạt tính phóng xạ cao
hơn vùng lành xung quanh.
+ Khối u ác tính có nhu cầu sử dụng glucose cao hơn tổ chức lành xung quanh.
Người ta gắn glucose với đồng vị phóng xạ 18F (18F- FDG – Fluoro Deoxy Glucose)
tiêm cho bệnh nhân rồi tiến hành chụp xạ hình PET sẽ dễ dàng quan sát thấy trên hình
ảnh xạ hình những vùng tổn thương có hoạt tính phóng xạ cao hơn vùng lành xung
quanh.
+ Mỗi loại u ác tính có đặc tính sinh học, và hóa học khác nhau. Nên người ta
phải sử dụng nhiều loại dược chất phóng xạ khác nhau để chụp xạ hình PET.
– Vai trò của chụp xạ hình PET trong điều trị bệnh ung thư:
+ PET có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn phương pháp điều trị: Khoảng
90% bệnh nhân có phương pháp điều trị đúng sau khi chụp xạ hình PET.
+ PET có vai trò lớn trong việc làm thay đổi phương pháp điều trị theo hướng
tối ưu: Khoảng 50% bệnh nhân được thay đổi phương pháp điều trị sau khi chụp xạ
hình PET.
+ PET giúp tiên lượng sớm kết quả điều trị với phương pháp điều trị.
III.6. CHẤT CHỈ ĐIỂM UNG THƯ
– Chỉ điểm ung thư (Tumor macker) là những phân tử mà sự biến đổi nồng độ
hoặc sự xuất hiện phản ánh những rối loạn chuyển hóa tế bào, liên quan đến bệnh sinh
và sự phát triển của ung thư
– Danh pháp: Có nhiều tên gọi khác nhau tùy từng tác giả đó là: Chất chỉ điểm
sinh học, dấu ấn ung thư, chỉ số ung thư, chất chỉ điểm ung thư…vv
– Chất chỉ điểm ung thư lý tưởng đáp ứng các yêu cầu sau đây:
+ Có độ nhạy và độ đặc hiệu cao
+ Có giá trị chẩn đoán sớm
+ Đánh giá được hiệu quả điều trị
+ Có giá trị tiên lượng bệnh
Trong thực tế không có một chất chỉ điểm ung thư nào đáp ứng được các yêu
cầu này. Chưa có một chất chỉ điểm ung thư nào có giá trị chẩn đoán sớm, ngoại trừ

11
PSA (prostate specific antigen) được coi là chất chỉ điểm ung thư có giá trị chẩn đoán
sớm ung thư tiền liệt tuyến. Hầu hết các chất chỉ điểm ung thư là không đặc hiệu, trừ
PSA trong ung thư tiền liệt tuyến, Thyroglobulin đặc hiệu với ung thư tuyến giáp.
Một số chất chỉ điểm ung thư giúp cho việc chẩn đoán sàng lọc như: AFP
(Alphafetoprotein), AFP-L3, PIVKA II sàng lọc ung thư gan nguyên phát ở những
người mang kháng nguyên HbsAg, hoặc xơ gan. Calcitonin sàng lọc carcinoma tế bào
C tuyến giáp ở những người có tiền sử gia đình bị bệnh này.
Đa số chất chỉ điểm ung thư có nồng độ liên quan tới giai đoạn ung thư: Chất
chỉ điểm ung thư tăng cao khi ung thư giai đoạn muộn hoặc là có di căn. Nhưng nồng
độ các chất này biến động rất lớn, do đó không thể chỉ lấy nồng độ chất chỉ điểm ung
thư mà xác định giai đoạn bệnh. Ngoài ra cũng cần chú ý những yếu tố ảnh hưởng đến
nồng độ của chất chỉ điểm ung thư trong máu: sự sản xuất và bài tiết chất chỉ điểm
ung thư vào máu, sự cấp máu cho khối u và độ thanh thải của chất chỉ điểm ung thư.
Nhiều chất chỉ điểm ung thư có giá trị tiên lượng: nồng độ cao hoặc tăng nhanh
một cách bất thường là tiên lượng xấu, ngược lại nếu nồng độ chất chỉ điểm ung thư
đang cao mà hạ thấp sau khi điều trị là tiên lượng tốt. Chú ý một số yếu tố ảnh hưởng
đến nồng độ chất chỉ điểm ung thư, ví dụ như hiện tượng hoại tử hoặc viêm sau phẫu
thuật có thể làm tăng nồng độ tạm thời. Một số chất chỉ điểm ung thư có giá trị liên
lượng như CEA (Carcino embryonic antigen – Kháng nguyên ung thư phôi thai) trong
ung thư đại trực tràng, AFP trong ung thư gan nguyên phát, CA-12.5 (Carbohydrate
antigen) trong ung thư buồng trứng.
Có hai loại chỉ điểm ung thư tế bào và dịch thể
III.6.1 CHỈ ĐIỂM TẾ BÀO
– Các gen ung thư như gen BRCA1, BRCA2 đột biến trong ung thư vú, gen
IgH và TCRy trong Lymphô không Hodgkin, gen H19 trong ung thư mũi họng
– Thụ thể hormone: Thụ thể oestrogen (ER), Thụ thể progesteron (PR) trong
ung thư vú.
– Thụ thể của yếu tố phát triển biểu bì (Epidermal growth factor receptor –
EGFR) trong ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi.
III.6.2 CHỈ ĐIỂM DỊCH THỂ
Đó là các chất do tổ chức ung thư tổng hợp và bài xuất ra, do sự biến đổi của tế
bào u giải phóng ra, hoặc do phản ứng của cơ thể với khối u tạo ra. Các chất này xuất
hiện với nồng độ bất thường trong các dịch của cơ thể như máu, nước tiểu, dịch não
tủy, dịch chọc thăm dò….Chất chỉ điểm sinh học dich thể lại chia thành 2 nhóm:
+ Chất do tổ chức ung thư sản xuất ra
+ Chất xuất hiện do ung thư
III.6.2.1 CHẤT CHỈ ĐIỂM DO TỔ CHỨC UNG THƯ SẢN XUẤT RA:
– Các kháng nguyên liên kết ung thư do khối u sản xuất ra
12
+ Kháng nguyên phôi thai: AFP (alphafotoprotein), CEA (Carcino embryonic
Antigen). Đó là những protein được sản xuất ra trong thời kỳ phôi thai, khi trưởng
thành sự sản xuất sẽ ngừng lại hoặc chỉ còn rất ít.
+ Kháng nguyên hydrat carbon: Đó là các glycoprotein hoặc glycolipid, được
sản xuất bởi các kháng thể đơn dòng đặc hiệu. Công nghệ u lai (hybridom) đã thành
công lớn trong trong việc sản xuất ra các kháng thể đơn dòng (KTĐD) đặc hiệu kháng
một dòng tế bào ung thư hoặc kháng nguyên mô ung thư. Nhờ chúng mà người ta xác
định được nhiều kháng nguyên liên kết ung thư, thí dụ các glycolipid ở màng tế bào
ung thư. Sự xác định này rất đặc hiệu nhờ KTĐD nhận biết đặc hiệu chỉ một epitop
của kháng nguyên. Các kháng nguyên hydrat carbon thường được gọi tên kèm theo
những con số, đó là những số clon tế bào được lựa chọn để tạo kháng thể. Có nhiều
kháng nguyên loại này như: CA 15-3, CA 19-9, CA 72-4, CA 125, ….
+ Cytokin, cytokeratin:
Cytokin là các protein điều hòa của hệ thống miễn dịch, do các týp tế bào
khác nhau sản xuất ra. Chúng làm nhiệm vụ thông tin và phối hợp hoạt động giữa các
tế bào của hệ thống miễn dịch, khởi phát, hoạt hóa hoặc loại bỏ các phản ứng miễn
dịch. Có nhiều loại cytokin: IL-6, TNF (yếu tố hoại tử)
Cytokeratin chứa nhiều polypeptit, cấu thành các sợi trung gian, tạo ra
khung của tế bào. Cytokeratin đặc hiệu cho ung thư biểu mô bao gồm, liên quan đến
ung thư có các CK 18, CK 19. Mà sợi hòa tan của CK19 chính là kháng nguyên liên
kết ung thư CYFRA 21 – 1, kháng nguyên ung thư tế bào gai.
+ Hormon: Một vài loại ung thư sản xuất ra nhiều hormon như: Ung thư tế bào
mầm của tinh hoàn sản xuất nhiều HCG, ung thư tuyến giáp sản xuất ra nhiều hormon
thyroglobulin, ung thư thuyên cận giáp sản xất ra nhiều calcitonin.
– Chất chỉ điểm ung thư xuất hiện do ung thư: Nhóm này gồm nhiều loại: enzym,
protein, các yếu tố miễn dịch, các sản phẩm chuyển hóa như: LDH (lactat
dehydrogenase), PSA (prostad specific antigen – là một protease), IgA của vi rut
Epstein-Bar (EBV – VCA IgA)…vv
III. 7. CHẨN ĐOÁN VI THỂ
III.7.1 XÉT NGHIỆM TÌM TẾ BÀO BONG CỦA CƠ THỂ
Là những xét nghiệm mang tính chất quyết định chẩn đoán ung thư, bao gồm
nhiều xét nghiệm tế bào. Đây là những xét nghiệm đơn giản, nhanh, kinh tế nhưng có
một nhược điểm là tỷ lệ âm tính giả còn cao.
– Xét nghiệm phiến đồ âm đạo: Là xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung
– Xét nghiệm tìm tế bào ác tính từ chọc hút dịch màng phổi, dịch màng bụng,
dịch rửa phế quản, dạ dày.
– Xét nghiệm chọc hút tế bào để tìm tế bào ác tính từ khối u, hạch: ung thư
tuyến giáp, ung thư vú, ung thư di căn hạch.

13
III.7.2. CHẨN ĐOÁN MÔ BỆNH HỌC
Đây là phương pháp chẩn đoán quyết định nhất bệnh lý ung thư. Chẩn đoán
mô bệnh học nhằm xác định phân loại ung thư, từ đó tiên lượng và đề ra phương pháp
điều trị phù hợp: Ví dụ ung thư phổi người ta phân chia thành hai loại để điều trị là:
ung thư tế bào nhỏ và ung thư không phải tế bào nhỏ. Với ung thư phổi không phải tế
bào nhỏ thì phẫu thuật và tia xạ là 2 phương pháp điều trị chính. Nhưng ung thư phổi
tế bào nhỏ thì hóa trị liệu là phương pháp điều trị cơ bản.
Ngoài ra người ta còn lấy mẫu bệnh phẩm đó làm xét nghiệm hóa mô miễn
dịch chẩn đoán xác định nguồn gốc ung thư (nhất là những di căn ung thư chưa rõ
nguyên phát)
Xác định thụ thể trong ung thư vú: ER, PR, Her-2/neu, Ki67.
Làm sinh thiết tức thì giúp cho các nhà ngoại khoa quyết định phương pháp mổ
trong một số ung thư: Ung thư vú, ung thư tuyến giáp, ung thư cổ tử cung, ung thư đại
trực tràng.
Có các cách sinh thiết: Phẫu thuật nội soi sinh thiết; nội soi phế quản, nội soi dạ
dày, nội soi bàng quang để sinh thiết; sinh thiết mở (1 phần hay trọn khối u); sinh thiết
bằng lõi kim( Core biopsy).
III.7.3 CHẨN ĐOÁN SINH HỌC PHÂN TỬ.
Đột biến gen: BRCA1, BRCA2, EGFR, ALK, ROS1, KRAS, NRAS,
BRAFV600E, MMR.
Biểu lộ thụ thể để đánh giá tiên lượng đáp ứng với điều trị bằng miễn dịch liệu
pháp: PD-L1, CTLA4, MSI, TMB.
IV. CHẨN ĐOÁN GIAI ĐOẠN CỦA UNG THƯ
Đây là chẩn đoán hết sức quan trọng giúp cho người thầy thuốc lựa chọn
phương pháp điều trị thích hợp nhất, khoa học nhất. Chẩn đoán giai đoạn là chẩn đoán
sự xâm lấm của khối ung thư nguyên phát: Xâm lấn tai chỗ, tại vùng và lan tràn tức là
di căn xa nhằm mục đích:
+ Giúp đánh giá tiên lượng bệnh và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
+ Giúp cho việc thống kê nghiên cứu thuận lợi và thống nhất cho các cơ sở
điều trị từ đó đánh giá kết quả của các phác đồ điều trị.
IV1. CHẨN ĐOÁN GIAI ĐOẠN THEO TNM (AJCC hoặc UICC)
T (Tumor): U nguyên phát
– To: Không có dấu hiệu nguyên phát
– Tis: Ung thư tại chỗ, chưa phá vỡ màng đáy
–T1–4
+ T1: U nhỏ, có thể phát hiện được, không xâm lấn

14
+ T2: U nhỏ hơn hạn của cơ quan, ít âm lấn
+ T3: U to, đạt tới giới hạn cơ quan nhưng chưa vượt quá, có xâm
lấn
+ T4: U vượt quá giới hạn cơ quan
+ Tx: Không thể đánh giá được u nguyên phát
N (Node): Hạch vùng
– No: Chưa có dấu hiệu xâm lấn hạch vùng
– N1: Một hạch di động, ở một bên
– N2 Hạch đối bên
– N3: Hạch cố định
– N (-) : Làm giải phẫu bệnh lý chưa có di căn hạch
– N (+) : Làm giải phẫu bệnh lý có di căn hạch
– Nx : Chưa đánh giá được hạch vùng
M (Metastasis): di căn xa
– Mo: Chưa có di căn xa
– M1: Có di căn xa
– Mx: Chưa đánh giá được di căn
Ví dụ phân loại TNM theo UICC 1995 (Hiệp hội quốc tế chống ung thư) về ung thư
vòm họng
Tumor (T): U nguyên phát
+ T1: U ở một vị trí giải phẫu của vòm
+ T2: U ở hai vị trí giải phẫu của vòm
+ T3: U lan vào hốc mũi, hoặc họng miệng
+ T4: U xâm lấn vào đáy sọ hoặc các dây thần kinh sọ não
N (Node): Hạch vùng
+ No: Không có hạch di căn
+ N1: Di căn nột hạch cùng bên
+ N2: Di căn hạch kích thước > 3 cm nhưng < 6 cm
. N2a: Di căn một hạch cùng bên.
. N2b: Di căn nhiều hạch cùng bên
. N2c: Di căn hạch hai bên hay hạch đối diện
N3: Di căn hạch kích thước > 6 cm

15
M (Metastasis): Di căn xa
+ Mx: Không phát hiện được di căn xa
+ Mo: Không có di căn xa
+ M1: Có di căn xa
IV.1.2 ĐÁNH GIÁ THEO GIAI ĐOẠN
Phân loại giai đoạn theo kinh điển
+ Giai đoan O : Ung thư tại chỗ, không xâm lấn, không di căn
+ Giai đoạn I : Xâm lấn tại chỗ nhưng chưa có di căn
+ Giai đoạn II : U lan tới vùng và/hoặc di căn hạch kế cận
+ Giai đoạn III : U lan rộng và/hoặc di căn nhiều chặng hạch vùng
+ Giai đoạn IV : U lan rộng nhiều nơi, hoặc có di căn xa
CÂU HỎI ÔN TẬP

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1- Đoàn Hữu Nghị (1999), Hướng dẫn chẩn đoán điều trị ung thư, NXB Y học.
2- Bộ môn Y học hạt nhân, Học viện Quân Y (2000), Ung thư học đại cương,
NXB QĐND.
3- Nguyễn Chấn Hùng (2021), Cẩm nang phòng trị ung thư, NXB tổng hợp TPHCM.
4- Nguyễn Chấn Hùng (2004), Ung bướu học nội khoa, NXB y học.
5- Nguyễn Bá Đức (2007), Chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư, NXB Y học.
6- Vincent T. Devita Jr (2012), Principles and Practice oncology, 7th Edition.
7-https://nccn.org.
8- https://esmo.org.

16

You might also like