You are on page 1of 8

Nào, hãy cùng chúng mình tìm hiểu về

CÁC NGUỒN NĂNG LƯỢNG


Sẽ ra sao nếu thế giới không có điện?

Hãy thử tưởng tượng: Tất cả những hũ kem bạn đang trữ trong tủ lạnh
sẽ tan chảy. Bạn sẽ đổ mồ hôi liên tục vì cả quạt và điều hòa trong gia
đình đều bất động. Và sẽ không có kết nối internet để bạn lên Tiktok
hay đọc những bài viết hay ho như thế này.

Điện là một loại hình năng lượng được con người sử dụng để vận hành
các thiết bị gia dụng, bác Gồ và nhiều, nhiều thứ khác nữa. Nhưng cụ
thể năng lượng là gì, và nó đến từ đâu? Hãy cùng chúng mình tìm hiểu
nhé.

a) Năng lượng là gì?

Năng lượng cực kỳ“muôn hình vạn trạng”và đã có mặt từ khi vũ trụ bắt
đầu hình thành.

Mặt trời là một quả cầu năng lượng khổng lồ tạo ra thứ năng lượng gọi
là quang năng. Sau khi quang năng được chiếu xuống trái đất, cây cối
sẽ hấp thụ năng lượng ấy chuyển hóa thành tinh bột. Con người và
động vật ăn thực vật, tinh bột ấy được cơ thể ta tiếp tục chuyển hóa
thành hóa năng lưu trữ trong cơ thể. Rồi cơ thể lại chuyển hóa nó
thành động năng cho các hoạt động thường ngày của bạn.

Tất nhiên, điều hoà hay tủ lạnh nhà bạn không phải là con người hay
con mèo mà có thể tự biến hoá năng được tích trữ thành năng lượng
để hoạt động.

Những thiết bị này phai dựa vào điện năng, nguồn năng lượng thứ cấp
được chuyển đổi từ các nguồn năng lượng sơ cấp là nhiên liệu hoá
thạch hoặc năng lượng tái tạo. Việc sản xuất và sử dụng điện năng là
một phát minh vĩ đại của loài người.

b) Các nguồn năng lượng hóa thạch và năng lượng tái tạo chính là
gì?

Ắt hẳn bạn đã nghe về khái niệm “năng lượng hoá thạch” và “năng
lượng tái tạo” rồi. Và có thể, những định nghĩa sau không quá xa lạ với
bạn... Cùng chúng mình ôn lại một lượt nhé!
Năng lượng hóa thạch là năng lượng đến từ những nguồn nhiên liệu chất
đốt có trong vỏ trái đất với hàm lượng cacbon cao.

Các nguồn năng lượng hoá thạch chính bao gồm than đá, dầu mỏ, khí đốt.
Năng lượng tái tạo là năng lượng đến từ những nguồn tái tạo lại được
trong tự nhiên và khi sử dụng không trực tiếp phát thải khí cacbon.

Các nguồn năng lượng tái tạo chính bao gồm: Thủy năng (năng lượng
thuỷ điện), Quang năng (năng lượng mặt trời), Phong năng (năng
lượng gió), Địa năng (năng lượng địa nhiệt), Năng lượng thủy triều và
năng lượng sinh khối

Ngoài ra, còn có năng lượng hạt nhân, nhưng trong khuôn khổ nội
dung hôm nay chúng mình tạm thời không nói sâu về người bạn này.

c)Tại sao việc sử dụng năng lượng hóa thạch lại làm trái đất nóng
lên?”

Vì bản chất năng lượng hoá thạch đến từ những người bạn của chúng
ta, đã sống trên Trái Đất từ 500-300 triệu năm trước.

Khi vi khuẩn và cây cổ đại chết đi, chúng phân hủy và cô đặc lại trong
lòng đất. Trãi qua hàng trăm triệu năm, chúng trở thành than, dầu và
khí đốt với hàm lượng cacbon cao. Khi con người đốt nhiên liệu hóa
thạch, ta đã vô tình giải phóng lượng cacbon tích trữ này lên tầng khí
quyển của trái đất dưới dạng CO2, làm gia tăng hiệu ứng nhà kính.

CO2 là khí nhà kính do nó có khả năng hấp thụ bức xạ phát ra từ bề
mặt Trái đất, khí quyển và mây. Ngoài CO2, hơi nước (H2O), ôxit nitơ
(N2O), khí mê tan (CH4), và ôzôn (O3) là các khí nhà kính chính trong
khí quyển Trái đất.

Hiệu ứng nhà kính là một hiện tượng tự nhiên; bạn có thể tưởng tượng
nó như một chiếc chăn giữ ấm cho Trái Đất trong vũ trụ lạnh giá.
Không có nó, nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái Đất sẽ không phù
hợp cho con người sinh sống!
Tuy nhiên, từ thời kỳ công nghiệp hoá con người đã phát thải các khí
nhà kính nhân tạo, khiến hiệu ứng nhà kính trở nên ngày càng mạnh
hơn. Hay nói cách khác, vấn đề là chúng ta đang đắp quá nhiều chăn
cho Trái Đất, khiến Trái Đất bị "ngộp thở" đấy các bạn.

d) Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất năng
lượng như thế nào?
Mối quan hệ giữa việc sản xuất năng lượng và biến đổi khí hậu là mối
quan hẹ hai chiều. Sự nóng lên toàn cầu và các hiện tượng khí hậu
cực đoan đã và đang tác động mạnh đến ngành năng lượng như sau:

●  Các nhà máy nhiệt điện hoạt động bằng cách đốt nhiên liệu để làm
nóng nước rồi dùng hơi nước để xoay tuabin như một nồi áp suất
khổng lồ. Vì thế, việc có đủ nước lạnh để làm nóng và xoay tuabin là
rất quan trọng. Nhiệt độ không khí tăng kéo theo nhiệt độ nước tăng,
làm giảm hiệu suất tua-bin và lãng phí nhiên liệu.
●  Lượng mưa và dòng chảy bất thường ảnh hưởng đến khả năng
cung ứng và điều tiết kế hoạch sản xuất điện của các nhà máy thủy
điện.
● Các giàn khoan dầu được xây dựng trên biển, hệ thống vận chuyển
dầu và khí, các nhà máy điện chạy khí được xây ven biển cũng bị ảnh
hưởng bởi nước biển dâng và lượng mưa thất thường

e) Chuyển dịch năng lượng là gì?


Đọc đến đây, chắc bạn đã có thể thấy rõ vì sao cần một sự chuyển
dịch trong ngành năng lượng để ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm
bảo phát triển bền vững. Nhưng khái niệm “chuyển dịch năng lượng”
cụ thể ở đây là gì?

Chuyển dịch năng lượng chỉ sự chuyển dịch từ các dạng năng lượng
truyền thống như năng lượng hóa thạch, năng lượng hạt nhân... sang
các dạng năng lượng sạch và giảm các nhà máy sử dụng nhiên liệu
hóa thạch gây ô nhiễm môi trường. Quá trình chuyển dịch này bao gồm
các bước sau:

Phát triển năng lượng tái tạo


Ngay từ phần định nghĩa, ta có thể thấy rằng để quá trình chuyển dịch
năng lượng diễn ra cần có sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn năng
lượng tái tạo. Tại Việt Nam, những loại hình năng lượng tái tạo sau
hiện có tiềm năng phát triển mạnh mẽ:
● Năng lượng mặt trời –
Khi nghe đến “năng lượng mặt trời,” có thể bạn sẽ nghĩ ngay đến
những tấm pin mặt trời mái nhà đã nở rộ tại nhiều khu vực từ thành thị
đến nông thôn khắp toàn quốc. Tuy nhiên, năng lượng mặt trời rất đa
dạng về loại hình cũng như quy mô. Các nhà máy năng lượng mặt trời
quy mô lớn có tiềm năng phát triển chủ yếu ở khu vực miền Trung và
miền Nam, do điều kiện thời tiết phù hợp.

● Năng lượng gió –


So với năng lượng mặt trời, một dự án điện gió cần nhiều thời gian
nghiên cứu và đo đạc hơn. Có rất nhiều mô hình năng lượng gió khác
nhau, nhưng thường rơi vào một trong hai nhóm:

o Trên bờ và gần bờ – loại hình này đã được quan tâm phát triển tại
Việt Nam trong một thời gian dài, tuy vẫn gặp nhiều cản trở hơn so với
điện mặt trời. Với đường bờ biển dài và nhiều điểm gió mạnh, Việt
Nam có tiềm năng phát triển điện gió trên bờ và gần bờ cao, cần được
phát huy trong thời gian tới.

o Ngoài khơi – hiện chưa có dự án điện gió ngoài khơi được triển khai
tại Việt Nam. Tuy nhiên, các tỉnh Nam Trung Bộ, đặc biệt là Ninh
Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Định, với tiềm năng
điện gió ngoài khơi cao, đã bắt đầu nghiên cứu phát triển mô hình này.
So với điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi thường có công suất lớn
hơn và không gây ra thay đổi sử dụng đất

●  Năng lượng sinh khối – là mô hình áp dụng thực tiễn kinh tế tuần
hoàn, với các chất thải nông nghiệp như vỏ trấu, bã mía, rơm rạ được
dùng để phát điện thay vì đốt đi gây ô nhiễm môi trường.
Các dạng năng lượng tái tạo khác như hydrogen, địa nhiệt, năng lượng
thuỷ triều vẫn đang được tăng cường nghiên cứu để có thể triển khai
trong tương lai

Giảm hàm lượng carbon


Với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, việc phát triển năng lượng tái
tạo cần đi đôi với việc giảm thiểu tối đa phát thải khí nhà kính từ các
nguồn năng lượng hoá thạch sẵn có. Những biện pháp chính để làm
được điều này là sử dụng công nghệ để:
· hạn chế các cậu khí thải“chạy trốn” trong quá trình khai thác nhiên
liệu (nhất là khí mê-tan thoát ra từ quá trình khai thác dầu, khí tự
nhiên)
· “bắt” lại các cậu khí thải từ quá trình đốt nhiên liệu (công nghệ
Carbon Capture & Storage – CCS)
· và sử dụng các loại nhiêu liệu với hàm lượng cacbon thấp hơn

Điện hóa nền kinh tế và xã hội


Vì phần lớn năng lượng tái tạo sẽ sản xuất ra điện năng—ta có thể
dùng tuabin gió để tạo ra điện, nhưng không ai đốt nó lên trong động
cơ để cho xe chạy cả—sự chuyển dịch năng lượng cần đi đôi với việc
“điện hoá” hệ thống giao thông-vận tải. Nếu như 10 năm trước ô tô
điện vẫn còn là một khái niệm xa xỉ, thì hiện nay các hãng ô tô lớn—
bao gồm Vinfast tại Việt Nam—đều muốn tham gia thị trường xe điện.
Xe máy điện và xe đạp điện là những sản phẩm đã có mặt rộng rãi trên
thị trường Việt Nam. Hãy đọc tài liệu về hệ thống giao thông-vận tải
(GTVT) để tìm hiểu thêm nhé!

Chuyển dịch năng lượng công bằng


Tất nhiên, với bất cứ sự chuyển dịch nào, sẽ có những nhóm người và
cộng đồng đứng trước nguy cơ chịu tác động tiêu cực. Ví dụ, một nhà
máy điện than có thể gây ra ô nhiễm môi trường, nhưng cũng tạo ra
công ăn việc làm cho nhiều thanh niên trong khu vực. Vì thế, cần có
những giải pháp để chuyển dịch năng lượng không bỏ lại ai ở phía sau,
đảm bảo quyền lợi cho những nhóm người và cộng đồng đang phụ
thuộc nhiều vào năng lượng hoá thạch. Đó là vì sao chúng ta có khái
niệm “chuyển dịch năng lượng công bằng,” cần được đảm bảo tại Việt
Nam.
Tham khảo thêm: Bộ học thuật
(Phòng chứa kiến thức, rất nghiêm túc và hơi nhiều chữ. Các bạn chịu khó đọc...)

[1] IPCC, 2014: Energy Systems. In: Climate Change 2014: Mitigation of Climate Change.
Contribution of Working Group III to the Fifth Assessment Report of the Intergovernmental Panel on
Climate Change https://www.ipcc.ch/site/assets/uploads/2018/02/ipcc_wg3_ar5_chapter7.pdf

[2] IPCC, 2013: Carbon and Other Biogeochemical Cycles. In: Climate Change 2013: The Physical
Science Basis. Contribution of Working Group I to the Fifth Assessment Report of the
Intergovernmental Panel on Climate Change
https://www.ipcc.ch/site/assets/uploads/2018/02/WG1AR5_Chapter06_FINAL.pdf

[3] IMHEN và UNDP, 2015: Trần Thục et al, “Báo cáo đặc biệt của Việt Nam về Quản lý rủi ro thiên
tai và hiện tượng cực đoan nhằm thúc đẩy thích ứng với BĐKH”; “Luật Bảo Vệ Môi Trường 2020,
Luật Số 72/2020/QH14,” luatvietnam.vn, January 6, 2021,https://luatvietnam.vn/tai-nguyen/luat-
bao-ve-moi-truong-2020-195564-d1.html, Khoản 29-30 điều 3, Khoản 1 điều 91

[3] Tài liệu tham khảo, 2019: Tác động của biến đổi khí hậu trong NDC

[4] Bộ Khoa học Công nghệ, 2018: CHUYỂN DỊCH HỆ THỐNG NĂNG LƯỢNG -
KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ NƯỚC CHÂU Á https://vista.gov.vn/vn-uploads/tong-
luan/2018/tl11_2018.pdf

[5] IPCC, 2014: Energy Systems; Viện Năng lượng, Bộ Công thương, 2020: Dự thảo Đề án Quy
hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII)
.
[6] Viện Năng lượng, Bộ Công thương, 2020: Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc
gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

[7] IPCC, 2014: Energy Systems;


Tham khảo thêm: Bộ pháp thuật
(Những câu chuyện kỳ bí, sẽ làm bạn muốn hành động ngay!)

1. Từ kiến trúc sư đến khởi nghiệp điện gió: Câu chuyện 1516
https://7n4gs.draftium.site/khoa-hoc-khi-hau-101-1-1/bai-viet-goc-nhin-1-1-1
Đọc xong tài liệu này, bạn có đang thắc mắc - Chuyên ngành của tớ không phải là kỹ sư
điện! Nhưng tớ cảm thấy việc ứng phó với biến đổi khí hậu qua quá trình chuyển dịch năng
lượng là rất cần thiết. Vậy làm sao tớ có thể góp phần thúc đẩy quá trình này đây?
Các bạn biết không, có rất nhiều founder và leader của những dự án hay ho như startup
điện gió 1516 không hề có xuất phát điểm từ ngành kỹ sư điện! Cho dù chuyên môn của bạn
là gì, bạn cũng có thể đóng góp vào quá trình chuyển dịch năng lượng. Hãy cùng thảo luận
với chúng tớ tại bàn tròn cuối tuần này nhé.
2. Nãỹ giờ đọc nhiều chữ quá tớ chóng mặt hoa mắt rồi... các cậu có video nào tóm gọn
thông tin vừa rồi không?
https://www.youtube.com/watch?v=38Lqm7TnPL8 - Ngay đây nhé, các bạn có thể tham
khảo!
Video được thực hiện từ 2 năm trước nên có thể một vài số liệu không được cập nhật nhất,
nhưng nó cũng sẽ cho bạn hiểu dược phần nào về câu chuyện năng lượng tại Việt Nam và
trên thế giới!
3. Thanh niên có thể đóng góp như thế nào cho quá trình sáng tạo khoa học-kỹ thuật?
https://drive.google.com/file/d/1M_rAGD8HqNmmyvHBeQl9AV5MttVM8lMf/view?usp=sharing
9 3/4. Sân ga ý tưởng
https://drive.google.com/drive/folders/1Uc0_73c0hjCFOyZh2fgXmZzHNdnwmFAE?
usp=sharing
Các bạn có thấy đường link đến Sân ga 9 3/4 của những ý tưởng không? Suỵt! Sân ga này
không phải ai cũng vào được đâu nhé...
Nếu bạn thật sự là một thanh niên quan tâm đến biến đổi khí hậu, sân ga này sẽ dẫn bạn
dến một tệp Google tổng hợp những ý tưởng sáng tạo, những câu thần chú hóc búa mà các
bạn thanh niên khác đang cố gắng giải đáp.
Hãy truy cập và đóng góp ý tưởng pháp thuật của mình nhé! Và biết đâu, bạn sẽ găp được
đồng bọn "tâm đầu ý hợp" để biến ý tưởng này thành hiện thực...

You might also like