You are on page 1of 22

1

LỜI MỞ ĐẦU

Từ trước tới nay, rủi ro luôn là một trong những rào cản lớn trong các quyết định
của chúng ta về đầu tư, kinh doanh và nhiều vấn đề khác. Trong khi rủi ro là điều khó
tránh khỏi và không thể kiểm soát được, việc tham gia bảo hiểm để chuyển rủi ro cho
các doanh nghiệp bảo hiểm được xem là một phương án tối ưu nhất.

Hiện nay đã có nhiều người chú ý và tham gia vào các hợp đồng bảo hiểm nói
chung và bảo hiểm tài sản nói riêng. Thị trường hiện tại ghi nhận sự hoạt động của 31
doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu phí bảo
hiểm phi nhân thọ ước đạt 49.792 tỷ đồng, tăng trưởng 19.1% so với cùng kỳ 2021 (chưa
bao gồm Opes) (năm 2021 tăng trưởng 1.8% so với năm 2020), trong đó: Bảo hiểm tài
sản thiệt hại doanh thu đạt 6.075 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 12.2%, giảm 1.7% so với cùng
kỳ; Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển doanh thu đạt 2.372 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4.8%,
tăng trưởng so với cùng kỳ 17.4%; Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu
doanh thu đạt 2.060 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 4.1%, tăng trưởng 11.7%...1 Trong tương
lai, về dài hạn, bảo hiểm tài sản sẽ có nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa bởi lẽ: (1) Sự
phát triển, hội nhập kinh tế là động lực lớn cho đầu tư, kinh doanh – những lĩnh vực
tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất, đô thị hóa làm gia tăng tài sản nên sẽ thúc đẩy nhu cầu bảo
hiểm nói chung gia tăng, đặc biệt là bảo hiểm tài sản; (2) Chính sách của nhà nước trong
việc phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm được quy định cụ thể hơn trong Luật
Kinh doanh bảo hiểm 2022, qua đó cho thấy sự điều chỉnh đang theo hướng tăng tính
chủ động cho các doanh nghiệp trong khi nhà nước sẽ giữ vai trò “khuyến khích, tạo
điều kiện”2. Trên cơ sở này, doanh nghiệp bảo hiểm có thể tự chủ hơn các hoạt động
kinh doanh của mình trong thị trường bảo hiểm, bao gồm việc phát triển đa dạng các
sản phẩm, dịch vụ; (3) Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản rất đa dạng
và tiếp tục được mở rộng khi Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có hiệu lực từ ngày
01/01/2023 ghi nhận đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm là “tài sản theo quy
định của Bộ luật Dân sự”, bao gồm cả những tài sản hình thành trong tương lai; (4) Vấn
đề biến đổi khí hậu, các hiện tường thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng nhiều cũng sẽ
thúc đẩy nhu cầu tham gia bảo hiểm tài sản của người dân, thậm chí là của nhà nước đối
với các tài sản công.

1
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Tổng quan thị trường Bảo hiểm Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022,
https://iav.vn/tieu-diem-thang/194168-tong-quan-thi-truong-bao-hiem-viet-nam-9-thang-dau-nam-2022, truy cập
ngày 02/01/2022.
2
Điều 5 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
1
Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, tiềm năng và cơ hội là như vậy, song để hoạt
động tốt trong thị trường bảo hiểm còn khá “non trẻ” và ngày càng cạnh tranh, các doanh
nghiệp bảo hiểm phải giải quyết được bài toán về doanh thu phí bảo hiểm và việc sử
dụng nguồn tiền để đầu tư một cách hiệu quả. Những vấn đề này chủ yếu xoay quanh
câu chuyện của phí và nghĩa vụ đóng phí trong hợp đồng bảo hiểm nói chung và hợp
đồng bảo hiểm tài sản nói riêng. Bởi lẽ, các doanh nghiệp bảo hiểm phải tính toán mức
phí và nghĩa vụ đóng phí của khách hàng sao cho vừa phải đảm bảo khả năng bồi thường,
chi trả tiền bảo hiểm, vừa đáp ứng nhu cầu duy trì, thậm chí là mở rộng hoạt động của
doanh nghiệp bảo hiểm và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, cần phải nói rõ rằng, hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm nói
chung, về vấn đề phí và nghĩa vụ đóng phí nói riêng đều chịu sự chi phối nhất định của
khung pháp lý, rõ nét nhất là Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022. Hành lang pháp lý trong
lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm cũng đồng thời bảo vệ quyền và quy định các nghĩa vụ
cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm. Do đó, để tìm hiểu cơ sở lý luận và thực
trạng quy định pháp luật về phí bảo hiểm và nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm trong hợp đồng
bảo hiểm tài sản, bài tiểu luận sẽ tập trung vào hai vấn đề chính: (1) Phân tích quy định
pháp luật về phí bảo hiểm và nhận xét tính hợp lý của chúng trong thực tiễn; (2) Phân
tích quy định pháp luật và đánh giá tính đối trọng phù hợp về nghĩa vụ đóng phí (của
bên mua bảo hiểm) và quyền (hay trách nghiệm) của doanh nghiệp bảo hiểm đối với
nghĩa vụ đóng phí của bên mua bảo hiểm so với luật cũ thông qua một số bản án liên
quan.

2
PHẦN 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÍ VÀ NGHĨA VỤ ĐÓNG PHÍ TRONG HỢP
ĐỒNG BẢO HIỂM TÀI SẢN

CHƯƠNG 1: PHÍ BẢO HIỂM TRONG HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM TÀI SẢN

1. Định nghĩa và vai trò phí bảo hiểm


1.1. Định nghĩa

Trước khi tìm hiểm về phí bảo hiểm, chúng ta cần tìm hiểu về hợp đồng bảo hiểm
và nhận biết được hợp đồng bảo hiểm tài sản. Khoản 16 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo
hiểm 2022 định nghĩa: “Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm
và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài,
tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí
bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước
ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm
theo thỏa thuận trong hợp đồng”. Nhìn chung, quy định này mang tính bao quát hơn so
với định nghĩa tại khoản 1 Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000. Dễ thấy nhất đó là,
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định việc “bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa
thuận trong hợp đồng” thay vì “trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường
cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm” như Luật cũ. Vì sao lại nói là
bao quát hơn? Bởi lẽ, bồi thường, trả tiền bảo hiểm không chỉ là việc các doanh nghiệp
bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ
cung cấp bảo hiểm vi mô (tùy trường hợp, sau đây viết tắt là “doanh nghiệp bảo hiểm”)
phải đưa ra một khoản tiền mà cũng tương tự như nghĩa vụ đóng phí, nó còn có các trách
nhiệm liên quan như về thời hạn bồi thường, trả tiền, hình thức bồi thường…

Hợp đồng bảo hiểm tài sản, cùng với hợp đồng bảo hiểm thiệt hại, hợp đồng bảo
hiểm trách nhiệm, là những loại hợp đồng bảo hiểm thuộc loại hình bảo hiểm phi nhân
thọ. Sự khác biệt chủ yếu của hợp đồng bảo hiểm tài sản là đối tượng bảo hiểm. Theo
khoản 1 Điều 43 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài
sản là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, nói cách khác là vật, tiền, giấy tờ có giá
và quyền tài sản, bao gồm bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản
hình thành trong tương lai.3

3
Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015.
3
Phí bảo hiểm được hiểu đơn giản là giá cả của sản phẩm bảo hiểm. Do đó, tổng
tiền phí bảo hiểm theo từng khoảng thời gian cụ thể sẽ phản ánh doanh thu của các doanh
nghiệp bảo hiểm theo từng khoảng thời gian đó.

Phí bảo hiểm được định nghĩa tại khoản 28 Điều 1 Luật Kinh doanh bảo hiểm
2022: “là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm phải đóng cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi
nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thị nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo
hiểm vi mô theo quy định của pháp luật hoặc do các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo
hiểm”. Như vậy, với quy định này, điều khoản định nghĩa về phí bảo hiểm đã có sự thay
đổi. Cụ thể, trong Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, khoản 11 Điều 3 quy định: “Phí bảo
hiểm là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm phải đóng cho doanh nghiệp bảo hiểm theo
thời hạn và phương thức do các bên thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.”. Theo đó,
phí bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ đóng không chỉ dựa trên cơ sở là thỏa
thuận trong hợp đồng, mà còn phải có thể căn cứ theo quy định của pháp luật. Điều này
ngầm mang ý nghĩa rằng vấn đề về phí và nghĩa vụ đóng phí của bên mua bảo hiểm đã
được luật quy định một cách cơ bản.

1.2. Vai trò

Như đã đề cập ở trên, phí bảo hiểm được xem là giá của sản phẩm bảo hiểm ghi
nhận trong hợp đồng bảo hiểm. Do đó:

Đối với bên mua bảo hiểm, đóng phí bảo hiểm là nghĩa vụ trong hợp đồng bảo
hiểm tài sản.4 Việc thực hiển đúng nghĩa vụ trong hợp đồng sẽ đảm bảo được các quyền
lợi, giúp bên mua bảo hiểm đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.

Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, phí bảo hiểm là nguồn thu để doanh nghiệp bảo
hiểm bồi thường, duy trì cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp bảo hiểm chia phí bảo hiểm thành phí thuần và phí phụ. Phí thuần
là số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm dùng để bồi thường khi có sự kiện bảo hiểm xảy
ra, phụ phí là phí để duy trì hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm như: các khoản phí
chi trả cho truyền thông, quảng cáo, phí môi giới, đại lý bảo hiểm, các chi phí cho quản
lý hoạt động và nhiều chi phí khác.5

4
Điểm c khoản 2 Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
5
Generali - Bảo hiểm nhân thọ Italia, Phí bảo hiểm là gì? Hướng dẫn cách tính phí bảo hiểm,
https://generali.vn/kien-thuc-bao-hiem/phi-bao-hiem-la-gi-huong-dan-cach-tinh-phi-bao-hiem, truy cập ngày
02/01/2023.
4
Ngoài ra, phí bảo hiểm còn là động lức thúc đẩy đầu tư và sử dụng hiệu quả
nguồn tiền nhàn rỗi của cá nhân, tổ chức. Bởi lẽ các doanh nghiệp bảo hiểm có thể dùng
nguồn tiền này thực hiện đầu tư theo quy định của pháp luật để tạo ra lợi nhuận.

2. Cơ sở tính phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản
2.1. Đối với bảo hiểm bắt buộc:

Đối với bảo hiểm bắt buộc quy định tại Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022,
mức phí bảo hiểm sẽ được Chính phủ quy định chi tiết. Thật ra, việc mức phí bảo hiểm
sẽ được Chính phủ quy định chi tiết đã được thể hiện trong Luật Kinh doanh bảo hiểm
2000 (sửa đổi, bổ sung 2010, 2019) tại khoản 1 Điều 8. Chẳng hạn như trường hợp bảo
hiểm bắt buộc cháy, nổ, Chính phủ sẽ quy định mức phí bảo hiểm cho từng danh mục
cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (quy định tại Phụ lục I Nghị định 97/2021/NĐ-CP) và
cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cùng bên mua bảo hiểm thỏa thuận tại hợp đồng bảo
hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm cũng như mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng.
Ví dụ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar (có tổng số tiền
bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng), mức phí bảo hiểm được
xác định bằng số tiền bảo hiểm tối thiểu nhân (x) tỷ lệ phí bảo hiểm/năm là 0,05%.
Trong đó, số tiền bảo hiểm tối thiểu theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 23/2018.NĐ-CP là
“giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản quy định tại khoản 1 Điều 4
Nghị định này tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm”; tỷ lệ phí bảo hiểm là tỷ lệ
giữa phí bảo hiểm mà người mua phải đóng trong 1 năm và số tiền bảo hiểm mà doanh
nghiệp chi trả khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Mặc dù không được liệt kê rõ ràng trong
tai khoản 1 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung 2010, 2019), bảo
hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng cũng được Chính phủ quy định cụ thể
trong một số các văn bản pháp luật trên cơ sở khoản 3 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm
2000 (sửa đổi, bổ sung 2010, 2019): “Căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội
từng thời kỳ, Chính phủ trình ủy ban thường vụ Quốc hội quy định loại bảo hiểm bắt
buộc khác”. Do đó, phí bảo hiểm đối với bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây
dựng (thuộc bảo hiểm tài sản) gồm có bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng,
được quy định chi tiết tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư số 329/2016/TT-BTC.
Tuy nhiên, việc không nêu rõ bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng cụ thể
trong Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 là một sự thiếu sót lớn bởi đây là hoạt động có
tính rủi ro rất cao, tài sản thường có giá trị lớn, đối với các công trình công cộng thì sẽ
có tác động đến lợi ích công cộng; nhu cầu bảo hiểm trong hoạt động này ngày càng
tăng; bản thân các hoạt động đầu tư xây dựng cũng vô cùng phức tạp… Chính vì lẽ đó,
5
Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã bổ sung bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư
xây dựng vào quy định về bảo hiểm bắt buộc là hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 vừa có hiệu lực từ ngày 01/01/2023
và hiện tại vẫn chưa có văn bản nào quy định chi tiết về vấn đề này. Trong khi khoản 4
Điều 154 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định: “Văn bản quy phạm
pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản
đó cũng đồng thời hết hiệu lực.”, vấn đề đặt ra là Chính phủ cần kịp thời ban hành văn
bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết cho những nội dung này để hạn chế những khó
khăn khi áp dụng pháp luật.

2.2. Đối với bảo hiểm không bắt buộc:

Pháp luật kinh doanh bảo hiểm nói riêng và pháp luật nói chung không quy định
cụ thể nội dung này đối với bảo hiểm không bắt buộc nhưng vẫn có những quy định
chung nhất định. Theo khoản 10 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, tính phí bảo
hiểm thuộc một trong những hoạt động của tính toán bảo hiểm để bảo đảm an toàn tài
chính của doanh nghiệp bảo hiểm. Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định: “Phí bảo
hiểm phải được xây dựng dựa trên số liệu thống kê, tương ứng với điều kiện, trách nhiệm
bảo hiểm và bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh
nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.”. Cơ sở tính phí bảo hiểm của một số các
sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới, theo khoản 3 Điều 87 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022
phải được đăng ký và được Bộ tài chính chấp thuận.

Như vậy, song song với việc tuân thủ các quy định mang tính khái quát trên, việc
tính phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản của doanh nghiệp bảo hiểm trên thực
tế dựa vào những yếu tố chính như:

Thứ nhất, đối tượng bảo hiểm: đối tượng bảo hiểm liên quan chủ yếu đến loại tài
sản, giá trị của tài sản, hình thức bồi thường tài sản bị thiệt hại… Nếu thiệt hại không
may xảy ra, nếu không có thỏa thuận khác, số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo
hiểm phải trả cũng sẽ được tính trên cơ sở giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm
tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất. Bên cạnh đó, loại tài sản sẽ ít nhiều quyết định đến sự
biến động về giá trị. Chẳng hạn như tài sản là nhà ở, công trình hay cổ phiếu… thường
sẽ có sự biến động lớn trên thị trường theo thời gian. Mặt khác, doanh nghiệp bảo hiểm
sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường những tổn thất do hao mòn tự nhiên hoặc do bản
chất vốn có của tài sản nếu không có thỏa thuận khác. Như vậy, trường hợp tài sản có

6
tính hào mòn tự nhiên cao hay thấp cũng hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến việc xác định
phí bảo hiểm.

Thứ hai, mức độ rủi ro của tài sản cụ thể: Nhận bảo hiểm là chấp nhận rủi ro.
Mức độ rủi ro của tài sản có thể nói là yếu tố quan trọng trong việc xác định phí bảo
hiểm. Tăng hay giảm rủi ro còn là cơ sở cho việc giảm phí bảo hiểm hay tính lại phí bảo
hiệm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm nói chung. Bên cạnh đó, độ rủi ro
của tài sản nhiều trường hợp sẽ không tương tự nhau dẫu cho cùng một loại tài sản và
có giá trị tương đương. Ví dụ như nhà ở miền Trung – nơi thường xuyên xảy ra lũ lụt,
bão lớn sẽ có rủi ro thiệt hại hơn rất nhiều so với một căn nhà cùng loại, có giá trị tương
tự ở các tỉnh miền Tây.

Thứ ba, lịch sử thiệt hại, bồi thường: Lịch sử thiệt hại, bồi thường do các doanh
nghiệp bảo hiểm thống kê cũng phần nào phản ánh rủi ro của đối tượng bảo hiểm như
đã nói ở trên hay rủi ro đến từ bên mua bảo hiểm. Vì dụ như bên mua bảo hiểm nhiều
lần yêu cầu bồi thường cho thiệt hại về tài sản của mình (dù có cơ sở hợp lý hay không,
sau đó có được bồi thường hay không) hơn bất kỳ bên mua bảo hiểm nào khác với đối
tượng, mức rủi ro của tài sản tương tự cũng là yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp bảo
hiểm luôn cân nhắc khi thỏa thuận về phí bảo hiểm.

Thứ tư, mức độ cạnh tranh: Đây có lẽ là yếu tố mà các doanh nghiệp bảo hiểm
xem xét sau cùng. Bởi lẽ, các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải đánh giá các yếu tố trên
để đảm bảo một mức phí phù hợp, đáp ứng khả năng bồi thường và nhu cầu về phí để
hoạt động, kinh doanh, sau đó mới cân nhắc đến tính “thị trường” của phí bảo hiểm. Dù
vậy, yếu tố này là không thể bỏ qua và cũng vô cũng quan trọng vì thị trường bảo hiểm
ngày càng cạnh tranh, các doanh nghiệp bảo hiểm muốn đáp ứng được khả năng bồi
thường hay duy trì hoạt động cũng phải bán được một lượng các sản phẩm đủ nhiều, nói
cách khác là phải có thật nhiều khách hàng.

3. Giải quyết vấn đề về phí bảo hiểm trong một số trường hợp cụ thể
3.1. Phí bảo hiểm trong trường hợp thay đổi rủi ro được bảo hiểm

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 23 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, khi có sự
thay đổi những yếu tố làm cơ sở để tính phí bảo hiểm dẫn đến giảm các rủi ro được bảo
hiểm, căn cứ thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền yêu cầu
doanh nghiệp bảo hiểm giảm phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm.
Ngược lại, theo điểm a khoản 3 Điều này, khi có sự thay đổi làm tăng các rủi ro được

7
bảo hiểm, căn cứ thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi
nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền thực hiện tính lại phí
bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm. Một cách hợp lý, khi tính lại phí
trong trường hợp tăng rủi ro, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thường tăng phí bảo hiểm.
Tuy nhiên, quy định về tăng (tính lại) hay giảm phí có sự khác biệt cần phải chú ý. Việc
giảm phí bảo hiểm khi rủi ro giảm chỉ được xét đến khi bên mua bảo hiểm yêu cầu chứ
không mặc nhiên giảm, nếu không yêu cầu, phí sẽ không giảm, hơn nữa, quyền của họ
cũng chỉ dừng ở “yêu cầu”. Như vậy, nếu bên mua bảo hiểm không chú ý nội dung này,
họ có thể chịu thiệt. Mặt khác, việc tăng (tính lại) phí bảo hiểm khi rủi ro tăng hoàn toàn
là thuộc về quyền của doanh nghiệp bảo hiểm. Mặc dù có vẻ nội dung này chưa cân
bằng quyền và nghĩa vụ của các bên, tuy nhiên điều này là hợp lý. Bởi lẽ suy cho cùng,
quan hệ giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm là quan hệ giữa người bán,
cung cấp dịch vụ và người mua, sử dụng dịch vụ trên thị trường - người bán có thể cân
nhắc các đề xuất về giá của khách hàng để xác định mức giá bán cho sản phẩm của mình
và có quyền quyết định tiếp tục bán, cung cấp hoặc không, người mua có thể “trả giá”
và cũng có quyền quyết định tiếp tục mua, sử dụng hoặc không. Do vậy, khoản 2 Điều
23 và khoản 4 Điều 23 và Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định rằng: bên mua bảo
hiểm có quyền đơn phương chất dứt thực hiện hợp đồng nếu doanh nghiệp bảo hiểm
không chấp nhận yêu cầu giảm phí; doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương chấm
dứt thực hiện hợp đồng nếu bên mua bảo hiểm không chấp nhận tăng phí. Tuy nhiên, để
đảm bảo sự hợp lý này, bên mua bảo hiểm phải biết về quyền của mình trong trường
hợp này và vì trên thực tế có nhiều trường hợp bên mua bảo hiểm chưa có đủ kiến thức
về bảo hiểm nên nó cũng đòi hỏi doanh nghiệp bảo hiểm trách nhiệm cung cấp thông
tin đầy đủ và chính xác.

3.2. Phí bảo hiểm trong trường hợp tái tục

Tái tục là thuật ngữ dùng để chỉ việc một hợp đồng bảo hiểm đã chấm dứt trước
đó có hiệu lực trở lại. Nói cách khác, sau khi hết thời hạn có hiệu lực của hợp đồng bảo
hiểm, bên mua bảo hiểm phải thực hiện tái tục nếu vẫn muốn tham gia gói bảo hiểm
này. Thông thường, các thông tin về tái tục hợp đồng bảo hiểm sẽ được doanh nghiệp
bảo hiểm gửi đến cho bên mua bảo hiểm một khoảng thời gian (khoảng 30 đến 45 ngày)
trước khi hợp đồng bảo hiểm hết thời hạn.6 Như vậy, trong trường hợp tái tục hợp đồng
bảo hiểm tài sản, phí bảo hiểm về cơ bản sẽ dựa vào các điều khoản hợp đồng trước nếu

6Generali – Bảo hiểm nhân thọ Italia, Tái tục hợp đồng bảo hiểm là gì? Điều cần làm khi tái tục bảo
hiểm, https://generali.vn/kien-thuc-bao-hiem/tai-tuc-hop-dong-bao-hiem-la-gi, truy cập ngày 03/01/2023.
8
như không có thay đổi gì về rủi ro được bảo hiểm. Nhưng điều này không là mặc nhiên.
Việc tăng hay giảm phí bảo hiểm cũng sẽ tùy vào tỷ lệ bồi thường (số lần và số tiền yêu
cầu bồi thường) trong hợp đồng trước. Điều cần lưu ý ở đây đó là, mức phí bảo hiểm,
trong mọi trường hợp, đều phải dựa trên sự thống nhất của các bên.

3.3. Phí bảo hiểm trong trường hợp đồng bảo hiểm

Theo quy định tại khoản 29 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm, đồng bảo hiềm là
trường hợp các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ
nước ngoài cùng thống nhất giao kết với bên mua bảo hiểm trên một hợp đồng bảo hiểm.
“Trên một hợp đồng bảo hiểm” trong trường hợp này được hiểu là cùng đối tượng, cùng
một mức phí, cùng một số tiền bảo hiểm. Đồng bảo hiểm được áp dụng trong trường
hợp các doanh nghiệp bảo hiểm gặp phải một số khó khăn trong kinh doanh, không đủ
khả năng bồi thường toàn bộ do giá trị tài sản lớn… và muốn giảm thiểu những rủi ro
hay phân tán rủi ro theo chiều ngang bằng cách cùng các doanh nghiệp bảo hiểm khác
tham gia vào cùng một hợp đồng bảo hiểm để cùng gánh chịu rủi ro. Do đó, các doanh
nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài sẽ nhận
phí bảo hiểm và bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo tỷ lệ đã thỏa thuận trong hợp đồng
bảo hiểm. Phí bảo hiểm trong trường hợp này sẽ được phân chia theo tỷ lệ, tỷ lệ này
cũng tương ứng với nghĩa vụ bồi thường khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Việc phân chia
phí bảo hiểm và trách nhiệm bồi thường khi đồng bảo hiểm sẽ đặt ra những vấn đề liên
quan đến nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm và quyền yêu cầu bồi thường của bên mua bảo
hiểm (nội dung này sẽ được phân tích tại Chương 2).

3.4. Phí bảo hiểm trong trường hợp chuyển giao hợp đồng bảo hiểm

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã sử dụng thuật ngữ “chuyển giao hợp đồng
bảo hiểm” thay cho “chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm”. Vậy chuyển giao hay chuyển
nhượng là phù hợp hơn? Xét riêng trong hợp đồng bảo hiểm tài sản, chuyển giao hợp
đồng bảo hiểm tài sản sẽ phù hợp hơn. Chuyển nhượng thường được sử dụng trong lĩnh
vực bất động sản như chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà ở… và
được hiểu là chuyển quyền sở hữu đối với tài sản. Ở đây, hợp đồng bảo hiểm tài sản
không thể được xem là thuộc sở hữu của bên mua bảo hiểm. Nói cách khác, bên mua
bảo hiểm chỉ có quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm tài sản. Mặt khác,
nếu nói các quyền trong hợp đồng bảo hiểm tài sản là một quyền tài sản – là tài sản,7

7
Khoản 1 Điều 105 Bô luật Dân sự 2015.
9
nên bên mua bảo hiểm có thể có quyền sở hữu cũng không hợp lý. Quyền tài sản là
quyền trị giá được bằng tiền 8 trong khi quyền được yêu cầu bồi thường để nhận một số
tiền bảo hiểm của người được bảo hiểm chỉ phát sinh khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra
(chứ không đương nhiên được bồi thường). Hơn nữa, hợp đồng bảo hiểm tài sản không
chỉ có mỗi quyền này mà còn các quyền và nghĩa vụ khác. Do đó, chuyển giao (bao gồm
chuyển giao quyền sở hữu hoặc, các quyền khác hay chuyển giao quyền và nghĩa vụ)
được sử dụng thay thế là hợp lý.

Vậy phí bảo hiểm trong trường hợp chuyển giao hợp đồng bảo hiểm tài sản được
xác định như thế nào?

Theo khoản 2 Điều 28 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, bên nhận chuyển giao
hợp đồng bảo hiểm sẽ được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên chuyển giao. Như vậy,
phí bảo hiểm trên cở sở được kế thừa quyền và nghĩa vụ sẽ dựa trên hợp đồng bảo hiểm
nhận chuyển giao nếu không có sự thay đổi nào về rủi ro. Sự thay đổi về rủi ro này hoàn
toàn có thể xảy ra và được cân nhắc khi hợp đồng được chuyển giao cho người khác
chẳng hạn như người nhận chuyển giao hợp đồng bảo hiểm vật chất xe ô tô là một tài
xế mới vào nghề và thường xuyên sử dụng xe ở nơi có đường đi nguy hiểm như đèo dốc
thì sẽ dẫn đến tăng rủi ro được bảo hiểm.

Như vậy, phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản, ngoài mức phí tối thiểu
do luật định đối với bảo hiểm bắt buộc, phí bảo hiểm đối với bảo hiểm không bắt buộc
hoàn toàn do doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm xác định trên cơ sở thỏa
thuận, đảm bảo tính “thị trường”. Điều này là hợp lý nếu việc quy định chi tiết mức phí
bảo hiểm đối với bảo hiểm bắt buộc của Chính phủ dựa trên sự cân nhắc và đảm bảo sự
đối trọng về lợi ích của các bên. Ngoài ra, để hoàn thiện chế định về phí bảo hiểm trong
hợp đồng bảo hiểm tài sản nói riêng, hợp đồng bảo hiểm nói chung, Chính phủ cần kịp
thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết cho nội dung về mức phí
bảo hiểm đối với bảo hiểm bắt buộc như đã nêu ở trên.

8
Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015.
10
CHƯƠNG 2: NGHĨA VỤ ĐÓNG PHÍ TRONG HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
TÀI SẢN

1. Mối quan hệ giữa nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm và thời điểm phát sinh trách
nhiệm của DNBH trong HĐBHTS

Nội dung này được quy định tại Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa
đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2010) nhưng lại không được
quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

Theo Luật cũ, trách nhiệm bảo hiểm phát sinh khi có một trong những trường
hợp sau đây: (1) Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ
phí bảo hiểm; (2) Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, trong đó có thỏa thuận giữa
doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm về việc bên mua bảo hiểm nợ phí bảo
hiểm; (3) Có bằng chứng về việc hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và bên mua bảo
hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm. Dễ thấy, nghĩa vụ đóng phí có vai trò then chốt trong
việc xác định thời điểm phát sinh trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong hợp
đồng bảo hiểm tài sản (trừ trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cho phép nợ phí). Theo
Điều 14, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung 2010) thì giấy chứng nhận
bảo hiểm, đơn bảo hiểm là bằng chứng pháp lý đầy đủ cho việc giao kết hợp đồng bảo
hiểm. Cùng với quy định vừa nêu ở trên về thời điểm phát sinh trách nhiệm của doanh
nghiệp bảo hiểm, có thể hiểu, nếu bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm
cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm, hay thậm chí hợp đồng bảo hiểm đã
giao kết, nếu bên mua bảo hiểm chưa đóng phí bảo hiểm, hai bên cũng không có thỏa
thuận gì khác thì hợp đồng bảo hiểm vẫn chưa phát sinh hiệu lực pháp lý. Bởi lẽ, hợp
đồng bảo hiểm, chứng nhận bảo hiểm và đơn bảo hiểm chỉ là cơ sở cho thấy doanh
nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm còn trách nhiệm bảo hiểm có phát sinh hay
không phụ thuộc vào việc đóng phí bảo hiểm của bên mua bảo hiểm (trừ trường hợp
doanh nghiệp bảo hiểm cho phép bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm). Như vậy, theo
quy định cũ, thời điểm giao kết hợp đồng và thời điểm phát sinh trách nhiệm của doanh
nghiệp bảo hiểm không đồng nhất, ngược lại, nó lại đồng thời với thời điểm nghĩa vụ
đóng phí của bên mua bảo hiểm được thực hiện đầy đủ (trừ trường hợp có thỏa thuận về
nợ phí). Điều này có ý nghĩa xác định nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm của bên mua bảo
hiểm là điều kiện đủ để hợp đồng bảo hiểm tài sản có hiệu lực pháp lý.

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 hoàn toàn không quy định về vấn đề thời điểm
phát sinh trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm. Vậy, thời điểm phát sinh trách nhiệm
11
của doanh nghiệp bảo hiểm theo đó sẽ được xác định như thế nào? Việc loại bỏ nội dung
này ra khỏi khung pháp lý liệu có hợp lý?

Vì lẽ Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 không có quy định về vấn đề này nên căn
cứ vào khoản 4 Điều 15 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (“nội dung liên quan đến hợp
đồng bảo hiểm không được quy định trong Luật này thì thực hiện theo quy định của Bộ
luật Dân sự”) và khoản 1 Điều 401 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng bảo hiểm tài sản
được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận
khác. Trên cơ sở Điều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định về hình thức (hợp
đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản) và bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm
(là hợp đồng, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm hoặc hình thức khác theo quy
định của pháp luật), thì thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản thông thường
(không tính trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng) cũng được Bộ luật Dân sự 2015 xác
định tại khoản 4 Điều 400 là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức
chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.

Qua đó, mặc dù việc dẫn chiếu Bộ luật Dân sự 2015 để giải thích như trên cho
thấy sự tiến bộ trong việc thống nhất (giải quyết mâu thuẫn) các quy định trong các văn
bản quy phạm pháp luật liên quan, nhưng việc loại bỏ quy định về thời điểm phát sinh
trách nhiệm bảo hiểm chưa đủ để đánh giá là hợp lý nếu không xét đến các lập luận sau,
đó là:

Thứ nhất, trên thực tế, không hiếm các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm và bên
mua bảo hiểm thỏa thuận về việc bên mua bảo hiểm được nợ phí bảo hiểm, thậm chí
trường hợp này còn phổ biến hơn hết. Lúc này, thời điểm thực hiện nghĩa vụ đóng phí
và thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm không còn là một nữa, mà trách nhiệm bảo
hiểm được xác định là thời điểm hợp đồng bảo hiểm được giao kết. Điều này lại giống
với hướng xác định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.

Thứ hai, về bản chất, hợp đồng bảo hiểm tài sản cũng là quan hệ hợp đồng chịu
sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự. Việc phân định thời điểm giao kết hợp đồng và thời
điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm đã ít nhiều khiến cho
quan hệ này trở nên phức tạp hơn. Mục đích, ý nghĩa của sự phân định này là nhằm vào
việc thúc đẩy ý thức thực hiện nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm nhằm đảm bảo nguồn
phí của doanh nghiệp bảo hiểm, tức là nếu bên mua bảo hiểm có ý chí muốn xác lập một
quan hệ bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm, họ phải đóng phí. Trong khi thực tế, ý
chí này chỉ cần thể hiển qua việc giao kết hợp đồng là đủ, còn đóng phí là nghĩa vụ
12
đương nhiên phải thực hiện khi hợp đồng đã được giao kết. Do vậy, sự phân định này
vô tình đã phát sinh nhiều tranh chấp liên quan.

Như vậy, tại thời điểm hiện tại, sự thay đổi lớn này của Luật Kinh doanh bảo
hiểm 2022 có thể được xem là phù hợp, có tiến bộ.

2. Thực hiện nghĩa vụ đóng phí trong hợp đồng bảo hiểm tài sản
2.1. Quy định chung về nghĩa vụ đóng phí

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, bên
mua bảo hiểm có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận trong
hợp đồng bảo hiểm. Quy định này về bản chất không có thay đổi gì so với Luật Kinh
doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung 2010, 2019), bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ
đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng
bảo hiểm. Tức là, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm bao gồm việc đóng đủ và đúng phí
bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 không có quy định về việc bên mua bảo hiểm
trong hợp đồng bảo hiểm tài sản phải đóng phí bảo hiểm trong một lần hay có được phép
đóng theo nhiều lần hay không. Do vậy, nội dung này sẽ do các bên thỏa thuận. Nói
cách khác, phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản có thể đóng một lần hoặc theo
định kỳ. Thông thường đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản, bên mua bảo hiểm sẽ đóng
phí một lần cho thời hạn bảo hiểm là một năm.

2.2. Thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản
đối với một số trường hợp đặc biệt
2.2.1. Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm

Một trong các quyền của bên mua bảo hiểm tài sản là chuyển giao hợp đồng bảo
hiểm tài sản theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.9

Bên nhận chuyển giao hợp đồng bảo hiểm tài sản phải có quyền lợi có thể quyền
lợi có thể được bảo hiểm, được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên chuyển giao.10 Quyền
lợi có thể được bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều
44 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 là: có quyền sở hữu; quyền khác đối với tài sản;
quyền chiếm hữu, quyền sử dụng của người không phải là chủ sở hữu. Quy định này có
thể nói là một sự cập nhật, chỉ bởi nội dung “được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên

9
Điểm g khoản 1 Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
10
Khoản 2 Điều 28 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
13
chuyển giao”. Ở Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung 2010, 2019) vì không
có nội dung này nên đã có nhiều luồng quan điểm xoay quanh việc liệu sau khi chuyển
nhượng và nhận chuyển nhượng, nghĩa vụ đóng phí (bao gồm mức phí, thời hạn bảo
hiểm, thời hạn đóng phí, số tiền bảo hiểm…) sẽ giải quyết như thế nào, các bên sẽ thỏa
thuận lại trên cơ sở là hợp đồng bảo hiểm mới hay tiếp tục ké thừa quyền và nghĩa vụ từ
hợp đồng bảo hiểm nhận chuyển giao. Như vậy, với quy định bên nhận chuyển giao sẽ
“được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên chuyển giao” có thể hiểu, khi nhận chuyển
giao, quyền và nghĩa vụ của bên chuyển giao sẽ được chuyển cho bên nhận chuyển giao,
nên về cơ bản, nghĩa vụ đóng phí vẫn được duy trì nếu không có thay đồi gì về rủi ro.

Tuy nhiên, cần lưu ý là việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực khi
bên mua bảo hiểm thông báo bằng văn bản và được doanh nghiệp bảo hiểm đồng ý bằng
văn bản (trừ trường hợp việc chuyển giao được thực hiện theo tập quán quốc tế hoặc
theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm). Điều này cũng phần nào phản ánh thuật ngữ
“chuyển giao” là phù hợp hơn “chuyển nhượng” khi nó chỉ có hiệu lực nếu được bên
doanh nghiệp bảo hiểm đồng ý bằng văn bản.

2.2.2. Đồng bảo hiểm

Như đã đề cập ở Chương 1, trường hợp đồng bảo hiểm sẽ dẫn đến việc phân chia
phí bảo hiểm và trách nhiệm bồi thường khi đồng bảo hiểm sẽ đặt ra những vấn đề liên
quan đến nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm. Chẳng hạn như: bên mua bảo hiểm sẽ đóng phí
cho doanh nghiệp nào? Có phải đóng theo tỷ tệ tương ứng với từng doanh nghiệp không?

Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 tại Điều 89 cũng chỉ quy định liên quan đến
đồng bảo hiểm về việc “doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi
nhân thọ nước ngoài tham gia đồng bảo hiểm phải là doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh
doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đã được cấp giấy phép thành lập và
hoạt động theo quy định của Luật này” chứ không quy định cụ thể để làm cơ sở giải đáp
cho những câu hỏi đặt ra trên. Thực tế, nội dung này đang còn khuyết, cụ thể tại khoản
5 Điều này quy định: Bộ trưởng Bộ tài chính quy định chi tiết về đồng bảo hiểm, song
văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được ban hành.

3. Vi phạm nghĩa vụ đóng phí

Các trường hợp vi phạm về nghĩa vụ đóng phí đó là không đóng phí bảo hiểm
hoặc đóng phí bảo hiểm không đủ, không đúng hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo
hiểm hoặc đóng sau thời gian gia hạn đóng phí. Các trường hợp này đều có thể là căn
14
cứ đề doanh nghiệp bảo hiểm hoặc bên mua bảo hiểm đơn phương chấm dứt hợp đồng
bảo hiểm theo khoản 1 Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thay vì là những trường
hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo Điều 23 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa
đổi, bổ sung 2010, 2019).

Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm tài sản như
trên được được quy tại khoản 1 Điều 27 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:

Thứ nhất, bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm đơn
phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Thứ hai, đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm
bồi thường cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trước thời điểm đơn
phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm và có quyền khấu trừ phí bảo hiểm theo
thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Có thể nói, hậu quả pháp lý theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022
là thống nhất cho các trường hợp vi phạm nghĩa vụ đóng phí của bên mua bảo hiểm.
Điều này giúp cho việc giải quyết vấn đề về phí khi hợp đồng bảo hiểm tài sản bị đơn
phương chấm dứt đơn giản hơn và cũng phù hợp hơn so với Luật trước đó, bởi vì việc
vi phạm nghĩa vụ đóng phí đều dẫn đến đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm (Luật
Kinh doanh bảo hiểm 2022) hoặc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm (Luật Kinh doanh bảo
hiểm 2000) thì thì lý do gì hậu quả pháp lý lại khác nhau. Hơn nữa, nếu có sự khác nhau
như Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung 2010, 2019): trường hợp chấm
dứt hợp đồng bảo hiểm do bên mua bảo hiểm không đóng đủ hoặc đúng thì bên mua bảo
hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, thì lại
mâu thuẫn với Điều khoản về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm. Bởi vì, nếu
Điều khoản về thời điểm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm quy định doanh nghiệp chỉ
phát sinh nghĩa vụ khi bên mua bảo hiểm đóng đủ phí thì tại sao bên mua bảo hiểm trong
quy định về hậu quả pháp lý này, phải trả phí bảo hiểm cho khoản thời gian mà mình
không có quyền được bảo hiểm?

Qua đó có thể thấy, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 được ban hành đã quy định
một cách hợp lý hơn các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ đóng phí của bên mua bảo hiểm.

15
PHẦN 2: THỰC TRẠNG

Về vấn đề phí, ngoại trừ đối với bảo hiểm bắt buộc thì phí trong hợp đồng bảo
hiểm tài sản là vấn đề chủ yếu của doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Doanh
nghiệp bảo hiểm là những người “bán” sản phẩm bảo hiểm nên theo cơ chế thị trường,
việc xác định mức phí bảo hiểm sẽ được thực hiện theo tỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo
hiểm và bên mua bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đưa ra mức giá cho sản
phẩm của mình trên cơ sở hợp lý để chi trả các chi phí và đảm bảo tính cạnh tranh trong
khi bên mua bảo hiểm có quyền thương lượng, có quyền quyết định “mua” hay không
cũng như lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm theo ý chí của mình. Do vậy, vấn đề đối với
phí trong quy định pháp luật đó là Chính phù cần quy định hợp lý mức phí bảo hiểm đối
với bảo hiểm bắt buộc phù hợp với từng giai đoạn, diễn biến của thị trường và bảo đảm
cân bằng lợi ích giữa các bên. Nhìn chung, quy định pháp luật về mức phí bảo hiểm
không phát sinh các tranh chấp đáng chú ý.

Ngược lại, về nghĩa vụ đóng phí, liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm
ở giai đoạn áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung 2010, 2019) lại
phát sinh nhiều tranh chấp và có nhiều quan điểm khác nhau liên quan. Liệu rằng Luật
mới có rõ ràng hơn để việc áp dụng pháp luật chính xác và thống nhất hơn? Dưới đây là
một bản án điển hình cho vấn đề này.

BẢN ÁN SỐ 26/2019/DS-PT

của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”
(chỉ nêu và phân tích những nội dung liên quan đến nghĩa vụ đóng phí)

1. Tóm tắt và nhận định của Tòa

Ông Phạm Ngọc H - chủ tàu cá số QB-93192-TS có ký Hợp đồng bảo hiểm tàu
cá ngày 22/06/2017 với Công ty B Quảng Bình, trong đó hiệu lực hợp đồng là 01 năm
từ 22/6/2017 đến 22/6/2018, bao gồm bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên. Phí
bảo hiểm thân tàu chia làm 2 kỳ thanh toán, mỗi kỳ 50%, tại ngày ký Hợp đồng bảo
hiểm; kỳ 02 thanh toán 50% phí bảo hiểm thân tàu còn lại sau 06 tháng (không quá 180
ngày) kể từ ngày có hiệu lực bảo hiểm với số tiền 50% phí (đã đóng kỳ 1) nên ngày
22/12/2017 là ngày cuối cùng thời hạn thanh toán phí bảo hiểm kỳ 2. Anh H đã thanh
toán toàn bộ phí bảo hiểm thuyền viên và phí bảo hiểm thân tàu kỳ 1. Do đó, anh H được

16
Công ty B Quảng Bình cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá (thân tàu) số 363. Ngày
22/12/2017 là ngày cuối cùng anh H đã không thanh toán phí bảo hiểm kỳ 2.

Ngày 05/09/2017, anh H chuyển nhượng tàu cá cho em trai là Phạm Ng nhưng
không có thông báo gì cho Công ty B Quảng Bình. Ngày 20/9/2017 anh Ng được B
Quảng Bình cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số 363, có hiệu lực từ 8 giờ ngày
21/6/2017 đến 8 giờ ngày 21/6/2018. Giấy chứng nhận này là do ông H dùng Giấy chứng
nhận khống chỉ để cấp cho anh Ng.

Vào lúc 9 giờ ngày 08/01/2018, tàu cá của anh Ng bị một tàu hàng đâm chìm, bị
mất hoàn toàn. Sau đó, anh Ng có gửi thông báo rằng sự kiện bảo hiểm đã xảy ra và yêu
cầu Tổng công ty B bồi thường số tiền bảo hiểm theo Giấy chứng nhận bảo hiểm mà
công ty đã cấp cho anh Ng, nhưng B không chấp nhận bồi thường cho thân tàu, trong
đó có lý do: anh H không đóng phí bảo hiểm kỳ 2 (ngày 22/12/2017 là ngày cuối) nên
từ 23/12/2017, hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực theo khoản 2 Điều 23 Luật Kinh
doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung 2010, 2019).

Về lý do này, Tòa Phúc thẩm cho rằng, tại khoản 2 Điều 23 Luật Kinh doanh bảo
hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung 2010, 2019) có quy định “trừ trường hợp các bên có thỏa
thuận khác”. Trong trường hợp này Giấy chứng nhận bảo hiểm số 363 ngày 20/9/2017
cấp cho anh Ng không ghi về kỳ hạn, thời hạn nộp phí bảo hiểm, nên được coi là trường
hợp "các bên có thoả thuận khác", đó là trường hợp bên bán bảo hiểm chấp nhận cho
phía mua bảo hiểm được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm trước và nộp phí bảo hiểm sau
khi có thông báo thu phí bảo hiểm nên thời hạn đóng phí sẽ căn cứ vào thông báo thu
phí bảo hiểm. Đồng thời Tòa cho rằng hợp đồng bảo hiểm đã được chuyển nhượng,
thông qua Đại lý là người cùng thôn với anh H và anh Ng, Tổng Công ty B phải biết
điều này. Tổng Công ty B không gửi thông báo đóng phí cho anh Ng, thay vào đó gửi
cho anh H là gửi sai đối tượng. Do đó, không thể kể luận là do anh H chậm đóng phí
bảo hiểm kỳ 2 nên Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt.

2. Nhận xét

Trong vụ việc này, Tòa Phúc thẩm cũng đồng thời thừa nhận tồn tại việc chuyển
nhượng hợp đồng bảo hiểm từ anh H sang anh Ng, và từ đó, anh H kế thừa quyền và
nghĩa vụ của anh H đối với hợp đồng bảo hiểm, mặc dù điều này trái với quy định tại
khoản 2 Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (tuy nhiên sẽ không xét đến nội dung
này mà chỉ xét đến nội dung về nghĩa vụ đóng phí). Điều này cũng hoàn toàn mâu thuẫn

17
với nhận định của Tòa về lý do mà Tổng công ty B đã đưa ra. Bởi vì, nếu đã có chuyển
nhượng – kế thừa quyền và nghĩa vụ, nếu trên Giấy chứng nhận bảo hiểm cấp cho anh
Ng không có quy định rõ về thời hạn đóng phí, nghĩa vụ đóng phí và các bên cũng không
có thỏa thuận thì một cách hợp lý sẽ thực hiện theo hợp đồng bảo hiểm mà Tổng công
ty B đã ký với anh H, tức là chậm nhất ngày 27/12/2017, anh Ng phải thanh toán phí
bảo hiểm kỳ 2. Do đó, nếu thừa nhận việc chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm, dù bên
mua bảo hiểm trong vụ việc này là anh H hay anh Ng, nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm cũng
đã bị vi phạm. Hơn nữa, các bên cũng không có thỏa thuận nào liên quan đến việc không
đóng đủ phí hay không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo
hiểm. Vì vậy, căn cứ theo khoản 2 Điều 23 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi,
bổ sung 2010, 2019) thì hợp đồng bảo hiểm chấm dứt.

Tuy nhiên, vụ việc phức tạp khi anh Ng và Tổng công ty B chỉ có Giấy chứng
nhận bảo hiểm là bằng chứng cho việc giao kết hợp đồng. Nếu căn cứ vào Quy tắc bảo
hiểm tàu cá của Tổng công ty B, vụ việc sẽ bất lợi cho phía Tổng công ty B. Bởi, Điều
17 Quy tắc bảo hiểm tàu cá quy định: “Đối với những tàu bảo hiểm theo thời hạn 01
năm, phí bảo hiểm được thanh toán làm một kỳ hoặc nhiều kỳ theo thoả thuận giữa
người được bảo hiểm và B nhưng nhiều nhất không quá 4 kỳ (3 tháng một kỳ) và được
thanh toán theo quy định cụ thể ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm
hoặc thông báo thu phí bảo hiểm". Mặc dù Tòa xác định có sự chuyển nhượng hợp đồng
bảo hiểm nhưng do khi anh H chuyển nhượng tài sản, quyền đối với tài sản cũng không
còn nên hợp đồng bảo hiểm đương nhiên chấm dứt theo khoản 1 Điều 23 Luật Kinh
doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung 2019), do đó cũng không thể căn cứ vào hợp
đồng bảo hiểm này để xác định thời hạn thanh toán được. Đồng thời, Điều 21 Luật kinh
doanh bảo hiểm quy định: "...Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không
rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm...".
Do đó, Tòa dựa trên những căn cứ này để bác bỏ lập luận của phía Tổng công ty B là
hoàn toàn có thể hiểu được.

Trong trường hợp áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 vào vụ việc, nếu xác
định có sự chuyển giao hợp đồng bảo hiểm, thì bên nhận chuyển giao theo khoản 2 Điều
28 sẽ được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên chuyển giao. Như vậy, nghĩa vụ đóng phí
bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm (bao gồm thời hạn đóng phí) cũng sẽ được bên nhận
chuyển giao kế thừa thực hiện. Lúc này, rõ ràng giữa anh Ng và tổng Công ty B có tồn
tại hợp đồng bảo hiểm bên cạnh Giấy chứng nhận bảo hiểm vì Luật Kinh doanh bảo
hiểm 2022 đã bỏ đi quy định rằng: hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt trong trường hợp
18
bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm. Vì vậy, dù cho căn cứ
vào Điều 17 Quy tắc bảo hiểm tàu cá của Tổng công ty B, hay các quy định nào khác,
nghĩa vụ đóng phí của anh Ng sẽ phải tuân theo hợp đồng bảo hiểm đã nhận chuyển
giao.

Qua đó có thể thấy, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 ít nhiều đã có sự cập nhật,
tiến bộ bằng việc quy định rõ hơn, hợp lý hơn các nội dung về nghĩa vụ đóng phí.

19
KẾT LUẬN

Phí bảo hiểm và nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm là những nội dung quan trọng không
thể thiếu trong các hợp đồng bảo hiểm nói chung và bảo hiểm tài sản nói riêng. Qua quá
trình đánh giá và không ngừng hoàn thiện, các quy định pháp luật liên quan đến phí và
nghĩa vụ đóng phí trong hợp đồng bảo hiểm tài sản nhìn chung đã phù hợp hơn so với
các quy định trước đó.

Về phí, ngoài đối với bảo hiểm bắt buộc sẽ tuân thủ theo mức phí tối thiểu do
pháp luật quy định thì hầu như không có giới hạn nào đặt ra cho doanh nghiệp bảo hiểm
và bên mua bảo hiểm thỏa thuận về mức phí bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm tài sản
mà hai bên giao kết. Thậm chí, ngay cả đối với bảo hiểm bắt buộc, doanh nghiệp bảo
hiểm và người mua bảo hiểm cũng có thể thỏa thuận về mức phí bởi pháp luật cũng chỉ
quy định mức tối thiểu. Điều này vừa cho phép doanh nghiệp bảo hiểm tự chủ trong hoạt
động động kinh doanh bảo hiểm của mình vừa tăng tính cạnh tranh trên thị trường bảo
hiểm, từ đó đảm bảo được lợi ích của người dân.

Về nghĩa vụ đóng phí, nghĩa vụ đóng phí vấn được quy định là đóng đủ và đúng.
Tuy nhiên, những quy định liên quan đến nghĩa vụ đóng phí đã có nhiều thay đổi, một
số được lược bỏ và các quy định pháp luật hiện tại tỏ ra phù hợp hơn trong thực tiễn.

Từ những vấn đề đã phân tích trong bài cho thấy, trong điều kiện kinh tế ngày
càng phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng, của cải càng nhiều, biến đổi khí hậu,
những thời tiết cực đoan… sẽ là động lực lớn thúc đẩy sự phát triển của bảo hiểm, đặc
biệt là bảo hiểm tài sản. Những cập nhật, tiến bộ thể hiện trong Luật Kinh doanh bảo
hiểm 2020 (về phí và nghĩa vụ đóng phí) cũng là đòn bẩy cho sự phát triển mạnh mẽ
hơn của thị trường bảo hiểm nói chung, các doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng.

20
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung 2010, 2019);
2. Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022;
3. Bộ luật Dân sự 2015;
4. Thông tư số 329/2016/TT-BTC, Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều chỉnh
của Nghị định số 119/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy
định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;
5. Nghị định 23/2018.NĐ-CP, Nghị định quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;
6. Nghị định 97/2021/NĐ-CP, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị
định số 23/2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;
7. Generali - Bảo hiểm nhân thọ Italia, Phí bảo hiểm là gì? Hướng dẫn cách tính phí
bảo hiểm, https://generali.vn/kien-thuc-bao-hiem/phi-bao-hiem-la-gi-huong-dan-
cach-tinh-phi-bao-hiem, truy cập ngày 02/01/2023;
8. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Tổng quan thị trường Bảo hiểm Việt Nam 9 tháng
đầu năm 2022, https://iav.vn/tieu-diem-thang/194168-tong-quan-thi-truong-bao-hiem-
viet-nam-9-thang-dau-nam-2022, truy cập ngày 02/01/2022;
9. Investopedia, JULIA KAGAN, “Insurance Premium Defined, How It's
Calculated, and Types”, truy cập ngày 02/01/2023.
10. Quy tắc bảo hiểm mọi rủi ro cho tài sản, Tổng Công Ty Cổ Phần Bảo Minh.

21

You might also like