You are on page 1of 11

CHUYÊN ĐỀ KỂ CHUYỆN TIN MỪNG

Lm. Giuse LÊ QUANG UY, DCCT

BUỔI GẶP GỠ THỨ NHẤT


BA CÂU HỎI DÀNH CHO NGƯỜI KỂ CHUYỆN TIN MỪNG

Phần 1: Hỏi thăm nhau về Chúa Giêsu


Trong khoa SPGL, Tông Huấn về việc dạy Giáo Lý “Catechesi Tradendae” đưa ra 3
câu hỏi:
- Ai dạy Giáo Lý?
- Dạy Giáo Lý về Ai?
- Dạy Giáo Lý như Ai dạy?
Duy nhất chỉ một câu trả lời: chính Chúa Kitô. Đó là Christocentrism, Tính cách Quy
Kitô, Kitô-Tâm, hay nói cho đầy đủ trọn vẹn ý, là Tính cách Trung Tâm của Chúa Giêsu trong
khoa Sư Phạm Giáo Lý.
Vậy tương tự, chúng ta cũng có thể đặt ra 3 câu hỏi cho người kể chuyện Tin Mừng:
- Ai kể chuyện?
- Kể chuyện về Ai?
- Kể chuyện như Ai kể?
Cũng có thể gọi đây là Tính Cách Giêsu-Tâm, Jesuscentrism của việc kể chuyện Chúa
Giêsu. Thậm chí, thập niên 80 của thế kỷ trước (cách nay hơn 30 năm), người ta hình thành và
phát triển cả một khoa Thần Học về kể chuyện (Narrative Theology – Théologie Narrative)
Dạy Giáo Lý bây giờ không còn được hiểu theo nghĩa đen là dạy cho biết những kiến
thức về Đạo, về Chúa như với các môn học khác (Toán Lý, Hóa, Văn…), nhưng là giúp người
ta những mặt quan trọng sau đây:
- Gặp gỡ và làm quen với Chúa Giêsu,
- Nghe biết về cuộc đời của Chúa Giêsu, những điều Ngài dạy, những việc Ngài làm,
- Trò chuyện, cầu nguyện với Chúa Giêsu, thêm thân, thêm yêu mến, xác tín vào Ngài,
- Tất nhiên sau đó sẽ là đi theo Chúa Giêsu, sống như Chúa Giêsu đã hướng dẫn,
- Rồi tiếp nối, sẽ lại giới thiệu Chúa Giêsu bằng cách kể về Ngài cho người khác.
Vì thế, phương cách tốt nhất và trước hết để đạt được một chiều sâu tâm linh như thế
trong tương quan với Chúa Giêsu, là phải nói chuyện, kể chuyện về Chúa Giêsu cho người ta.
Bản thân Giáo Lý Viên sẽ không còn là người dạy và giảng Giáo Lý, mà bây giờ đã trở
thành người kể chuyện Chúa Giêsu, kể chuyện Tin Mừng.
Và vì thế, các em thiếu nhi hoặc người lớn dự tòng, đương nhiên không còn là những
học viên thụ động ngồi trong một lớp học Giáo Lý, chỉ nghe giảng, trả lời các câu hỏi, ghi chép
bài vào tập vở, về nhà nhớ học thuộc lòng để lần sau đến lớp nếu có khảo bài thì sẽ phải trả
bài cho tốt, cuối học kỳ và cuối năm phải thi, được xét cho lên lớp, lên cấp hoặc được duyệt
cho… nhận Bí Tích!
Một khi họ đã được nghe kể chuyện Chúa Giêsu, họ được mời gọi tìm gặp và làm quen
với Chúa Giêsu, bắt đầu hình thành nên một tương quan thân tình với Chúa Giêsu đến mức
có thể cầu nguyện trò chuyện với Ngài. Các kiến thức về Chúa Giêsu sẽ đến sau một cách
tự nhiên sau khi họ đã say mê và chọn Ngài, đi theo Ngài rồi.
Chú ý, bản thân người kể chuyện Chúa Giêsu trước đó phải tìm đến với Kinh Thánh, đặc
biệt là 4 sách Tin Mừng, để đọc, để suy niệm, để nhập vai bên cạnh các Tông Đồ, giữa đám đông
vây quanh Chúa Giêsu, để sống lại khung cảnh ngày xưa với Chúa Giêsu, để lắng nghe chính
Ngài kể chuyện về Cha của Ngài, về Thần Khí, về Nước Trời, về chính tấm lòng của Ngài đối
với mọi người và từng người chúng ta.
Chúng ta nhớ ở điểm này có một nguyên tắc vàng, đó là: Bạn chưa đích thân gặp
Chúa Giêsu, biết rõ và yêu mến Ngài, bạn sẽ chẳng thể nào giới thiệu người khác đến
gặp Ngài được

Phần 2: Mở Tin Mừng tìm gặp Chúa Giêsu


Hãy cùng nhau nghe kể chuyện Chúa Giêsu và các môn đệ đầu tiên: Tin Mừng Gioan
1, 35 – 51. Câu chuyện có thể chia làm 4 đoạn dây chuyền tiếp nối nhau:
- Đoạn 1: Chúa Giêsu gặp Anrê và Gioan (Ga 1, 35 – 39)
- Đoạn 2: Chúa Giêsu gặp Phêrô do người anh là Anrê dẫn đến (Ga 1, 40 – 42)
- Đoạn 3: Chúa Giêsu gặp Philípphê (Ga 1, 43 – 44)
- Đoạn 4: Chúa Giêsu gặp Nathanaen do Philípphê dẫn đến (Ga 1, 45 – 51)
Hát kể chuyện với bài “Hãy đến mà xem” được gợi ý từ Ga 1, 39:
Anh em hãy đến mà xem, anh em hãy đến mà xem…
Ngôi nhà Thầy ở nơi đâu? Ngôi Nhà Thầy ở ngay đây…
Nơi có ai người đói chờ, nơi có ai người bơ vơ
Nơi có ai người âu lo, nơi có ai người co ro,
Nơi có ai người vất vả, nơi có ai người xót xa…
Nơi mái tranh nghèo cuối đồng, nơi bến sông chợ long đong,
Nơi góc chân cầu hôi tanh, nơi những buôn làng vô danh
Nơi phố qua lại thấp hèn, nơi ngõ sâu về tối đen…
Nơi chiến tranh về bạo loạn, nơi oán căm lòng ly tan,
Nơi bấp bênh đời lang thang, nơi thất thân tìm đi hoang,
Nơi bất công còn lan tràn, Nơi gánh vai nặng trái ngang…
Nơi những tâm hồn ngóng đợi, nơi nh. hy vọng khôn nguôi,
Nơi nh. phong trần tha phương, nơi thắp lên lửa yêu thương,
Nơi vững tin mà ngước đầu, nơi mãi nguyện cầu khát khao.

Phần 3: Tập kể chuyện Tin Mừng


Hãy kể cho nhau nghe về những phép lạ Chúa Giêsu đã làm. Chọn chuyện kể Chúa
Giêsu chữa lành mười người phong cùi trong Lc 17, 11 – 19.
Có thể cho hiện tại hóa câu chuyện, mọi người nhập vai cùng với người kể, có thể ứng
tác khai triển thêm phần ẩn phía sau và tiếp theo của câu chuyện, nhờ vậy có thể giúp nội tâm
hóa mọi người tham dự mà vẫn không làm biến dạng nội dung và sai lạc ý nghĩa của phép lạ
Chúa Giêsu đã làm (Ví dụ: Ứng tác phần trò chuyện giữa Chúa Giêsu và người Samari vừa
được chữa lành về lý do tại sao 9 người kia không quay trở lại để cám ơn Chúa Giêsu…)
Thực hành riêng:
Hãy tìm trong 4 sách Tin Mừng, lập một danh sách thứ tự các chuyện kể của Chúa
Giêsu bằng dụ ngôn kèm theo địa chỉ chi tiết, như thế, ta bắt đầu góp nhặt cho một Ngân Hàng
Chuyện Kể Chúa Giêsu sử dụng lâu dài sau này.

BUỔI GẶP GỠ THỨ NHÌ


BA PHẦN TRONG LƯỢC ĐỒ MỘT CHUYỆN KỂ TIN MỪNG

Phần 1: Làm lược đồ cho một Chuyện Kể Tin Mừng


Lược đồ một Chuyện Kể (Schéma narratif) gồm 3 phần chính như sau:
Bước thứ nhất: đặt câu hỏi và trả lời
Trong một chuyện kể với các nhân vật phụ xoay quanh nhân vật trung tâm, có 3 bộ câu
hỏi với các đại từ nghi vấn (pronom interrogatif, bên tiếng Pháp thường là những từ có phụ
âm Qu, bên tiếng Anh là những từ có phụ âm Wh), gồm:
- Ai? Người nào? (Qui? Who?): Người chủ động trong câu chuyện. Nếu là chuyện kể về
Chúa Giêsu được các tác giả các Sách Tin Mừng kể lại, thì người chủ động đương nhiên là
chính Chúa Giêsu. Nếu là chuyện kể của Chúa Giêsu do chính Chúa Giêsu kể thì đa phần người
chủ động là các nhân vật biểu trưng cho Chúa Cha, cho chính Chúa Giêsu như: ông chủ nhà,
chủ vườn, chủ tiệc, chủ nợ, ông vua, người nông dân, ngư dân, thợ thủ công, chàng rể, người
cha trong gia đình v.v… Chỉ có một số ít trường hợp người chủ động câu chuyện là người
thương gia đi tìm ngọc quý, người đi tìm kho báu, người xây nhà khôn hay ngu v.v…
- Làm gì? Như thế nào? (Quoi? Comment? What?): Đây là những yếu tố làm nên diễn
tiến quan trọng và các hoàn cảnh liên quan trong câu chuyện như:
Nguyên do vì sao? (Pourquoi? Why?)
Thời gian bao giờ? (Quand? When?)
Địa điểm ở đâu? (Où? Where?)
Điều nào? Cái nào được đề cập? (Lequel? Laquelle? Which?)…
Tất cả các dữ liệu nêu trên làm nên Tình Huống Khởi Đầu (Situation Initiale) và nền
tảng chính yếu cho câu chuyện được trải ra thật trọn vẹn, thu hút người nghe, giúp người nghe
hình dung được bối cảnh xảy ra câu chuyện.
- Tới ai? Cho ai? Với ai? (À qui? Pour qui? Avec qui? For whom, with whom?): Đây là
đối tượng được Chúa Giêsu nhắm đến trong câu chuyện, là người được đón nhận, người được
thụ hưởng.
Ở đây, ẩn đàng sau tất cả các nhân vật ngày xưa trong Tin Mừng như các Môn Đệ, các
Tông Đồ, đám đông dân chúng, Kinh Sư và Pharisêu, bệnh nhân, tội nhân, hối nhân, người bị
quỷ ám, người vừa chết được hồi sinh, người ăn xin, ông nhà giàu, bà góa nghèo, anh thanh
niên, cô trinh nữ, đàn em bé v.v… chính là con người của mọi thời, là chính chúng ta hôm nay!

Bước thứ hai: xác định điểm thắt nút và gỡ nút


Đây là những yếu tố hết sức quan trọng, chúng ta chú ý tìm cho ra và tìm cho đúng trong
câu chuyện, điểm nào là nút thắt (Noeud – Knot) và lúc nào thì nút thắt ấy được gỡ ra
(Dénouement – Untie a Knot).
Câu chuyện sẽ bày ra trước chúng ta hàng loạt các động thái, diễn biến liên tiếp và nhiều
khi dồn dập, càng lúc càng gay cấn, éo le, căng thẳng v.v…
Tuy nhiên, cần phải bình tĩnh để nhận định, đấy chỉ là những yếu tố “gây rối” trong câu
chuyện (Élément perturbateur, déclencheur), làm thành những diễn tiến (Péripéties) đang
dần dần chuẩn bị các tình huống để sẽ dẫn dắt câu chuyện đến yếu tố quan trọng bậc nhất của
câu chuyện là nút thắt.
Giả như có chú ý tìm mà lại tìm không ra, hoặc tìm không đúng chỗ thắt nút và gỡ nút,
người nghe kể chuyện đâm ra lúng túng, lạc lối, lờ mờ không đón nhận được chính xác bài học
Tin Mừng dành cho bản thân mình, thấy sao mà câu chuyện lại phi lý, lủng củng, hoặc nhạt
nhẽo vô duyên, chẳng ăn nhập gì đến đời mình. Thế là uổng công!

Bước thứ ba: nhận được bài học Tin Mừng


Cuối cùng, quan trọng nhất, chúng ta phải tìm ra được ý nghĩa sâu xa của câu chuyện ấy.
Trong lược đồ, phần này được gọi là Tình Huống Kết Thúc (Situation Finale). Chắc chắn
người nghe kể chuyện sẽ nhận ra đã có xuất hiện một yếu tố, một sự kiện, một đêm gì đó lớn
hơn, rộng hơn, sâu hơn, mới hơn, khác hẳn các yếu tố trước đó, mở ra cả một chân trời mới,
một viễn tượng đổi đời.
Thật vậy, qua câu chuyện vừa được kể, Chúa Giêsu đã muốn dạy chúng ta điều gì, đã
muốn chúng ta đón nhận chân lý nào qua câu chuyện ấy. Có thể gọi đây là Tin Mừng của
Chúa Giêsu muốn gửi cho đích thân mỗi người và cho tất cả mọi người, chẳng trừ ai.
Chính là nhờ điểm quan trọng này, chúng ta mới có thể dẫn buổi kể chuyện Tin Mừng đến
đỉnh cao là phút cầu nguyện với Tin Mừng, gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp với Chúa Giêsu.
Để kết thúc phần này, xin nhắc, chúng ta có một định nghĩa vàng, đó là: Tin Mừng là
Lời Chúa Giêsu kể cho chúng ta. Cầu nguyện là lời chúng ta hồi đáp lại với Chúa.
Chúng ta có một định nghĩa vàng, đó là: Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa nói với con
người. Cầu nguyện là lời con người nói với Thiên Chúa.

Phần 2: Mở Tin Mừng tìm gặp Chúa Giêsu


Thực tập làm lược đồ cho từng chuyện kể Chúa Giêsu gặp được trong các sách Tin
Mừng. Ví dụ: Chuyện kể Chúa Giêsu và người phụ nữ ngoại tình trong Tin Mừng theo Thánh
Gioan (Ga 8, 2 – 11), làm lược đồ với 3 bước như sau:
a. Đặt các câu hỏi:
- Ai là nhân vật chính của câu chuyện?
Chúa Giêsu là nhân vật chính, là nhân vật trung tâm, Ngài hoàn toàn chủ động trong câu
chuyện.
- Làm gì? Như thế nào?
Chúa Giêsu ngồi giảng dạy, vào lúc tảng sáng, bên thềm Đền Thờ Giêrusalem…
Chúa Giêsu không trả lời đám đông đang muốn ném đá người phụ nữ…
Chúa Giêsu chỉ lấy ngón tay viết cái gì đó trên nền đất…
Chúa Giêsu bất ngờ bảo mọi người đang có mặt: “Ai trong các ông sạch tội…”
Chúa Giêsu quay sang hỏi chị phụ nữ…
Chúa Giêsu bảo chị về đi và thay đổi hẳn cuộc đời…
- Cho ai? Với ai?
Các Kinh Sư và người Pharisêu làm thành một nhóm người, và một nhân vật phụ là chị
phụ nữ bị bắt gặp ngoại tình.
b. Nút thắt:
Câu nói của Chúa Giêsu: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”
Nút thắt này được gỡ ra ngay sau đó: Nhóm người vây quanh lẳng lặng rút lui, bắt đầu từ
những người lớn tuổi.
c. Tin Mừng:
Câu chuyện nhắn nhủ cho chúng ta: Chúa Giêsu đến để tìm gặp, tha thứ và chữa lành
người tội lỗi.
Hãy tìm nghe một bài hát của tác giả Song Ngọc, kể “Chuyện người đàn bà 2.000 năm
trước” (Ga 8, 2 – 11)
Chuyện người đàn bà 2.000 năm trước, áo rách tả tơi, xác thân mệt nhoài.
Chuyện người đàn bà nơi thành cổ đó, dấu tích hành thân.
Vì đâu, vì đâu, vì đâu nên tội tình mang nhục hình? Vì yêu, tội yêu, tội tình yêu…
Đoàn người cổ thành vây chặt khu phố, thế giới hiền lương ánh mắt cuồng căm.
Nhìn người đàn bà đang chịu tội chết, đống đá ngổn ngang.
Chờ ai, chờ tay người ném chết một người không hận thù. Người ơi, vì sao đoạ đầy nhau?
Ai người vô tội? Ai người không tội?
Hãy mạnh tay ném đá, ném đá, ném trước đi còn đợi gì?
Ai người vẹn toàn, ai người trong sạch?
Còn đợi chi? Ném chết, ném chết, ném chết tội đồ nhân gian…
Chuyện người đàn bà 2.000 năm trước, sách cổ đã ghi, đống đá còn nguyên.
Vì người vô tội hay đời giả dối, thế giới giả nhân chào thua!
Người ơi, tình ơi! Ai tội đồ, ai tỉnh ngộ! Người ơi, đời ơi, cũng vậy thôi!

Phần 3: Tập kể chuyện Chúa Giêsu


Hãy kể cho nhau nghe về những phép lạ Chúa Giêsu đã làm. Chọn chuyện kể Chúa
Giêsu dẹp yên biển động trong Lc 8, 22 – 25.
Mời một bạn tự nguyện kể chuyện. Dùng phương pháp Động Não (Brain Storming): Chỉ
có 5 phút để bạn chuẩn bị cấp thời, mở sách Tin Mừng, viết lược đồ thật vắn tắt vào phiếu cầm
tay, trong lúc đó mọi người cũng lập một lược đồ về chuyện kể ấy riêng cho mình.
Đến thời điểm đã định, bạn bắt đầu kể chuyện, mọi người lắng nghe, rà lại trên lược đồ
riêng của mình. Khi kết thúc, bạn có thể quảng diễn thêm, nội tâm hóa, hiện tại hóa câu chuyện,
dẫn vào cuộc sống hôm nay, giúp mọi người cùng tìm ra bài học Tin Mừng cho bản thân…
Bạn mời mọi người cùng đứng lên cầu nguyện. Sau mỗi ý cầu nguyện, có thể mời hát
chung một điệp khúc một bài Thánh Ca có tâm tình thích hợp.
Cuối cùng, mọi người dựa vào lược đồ đã soạn riêng của mình, có thể góp ý, bổ túc cho
bạn vừa kể chuyện xong...

Thực hành riêng:


Để tiếp tục đóng góp tư liệu chuyện kể cho Ngân Hàng Chuyện Kể Tin Mừng, các bạn hãy
tìm lần lượt trong 4 sách Tin Mừng, lập một danh sách thứ tự các chuyện kể về các phép lạ của
Chúa Giêsu kèm theo các địa chỉ chi tiết chính xác.

BUỔI GẶP GỠ THỨ BA


BA HIỆU QUẢ TÂM LINH NHỜ CHUYỆN KỂ TIN MỪNG

Phần 1: Chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giêsu


Có thể tạm nhận định có 3 hiệu quả tâm linh nhờ kể hoặc nghe kể chuyện Tin Mừng:
- Làm quen Chúa Giêsu: Nếu ví với một chuyện tình yêu, thì đây là bước khởi đầu, là
“tiếng sét ái tình” (falling in love). Người nghe kể chuyện Tin Mừng như thể được cuốn hút,
được thôi thúc mời gọi mau mau tìm đến làm quen với Chúa Giêsu.
- Say mê Chúa Giêsu: Có thể ví như “cá đã cắn câu”, người nghe kể chuyện về Chúa
Giêsu đã chuyển từ bước “làm quen” sang “đi theo” Chúa Giêsu, muốn được hiểu biết nhiều
hơn về Chúa Giêsu, muốn được nghe chính Ngài kể về Gia Đình Ngài (Chúa Cha, Chúa Thánh
Thần, Hiền Thê…), về Nước Trời của Ngài, về tấm lòng thao thức khao khát của Ngài dành cho
mọi người, lại muốn được đích thân “trò chuyện” với Chúa Giêsu (cầu nguyện).
- Sống với Chúa Giêsu: Đến đây có thể ví như đôi bên đã “kết ước” với nhau, hiểu
nhau, quý mến nhau sâu xa, trở nên bạn thân, là người yêu của nhau, gắn bó với nhau lâu dài.

Phần 2: Mở Tin Mừng tìm gặp Chúa Giêsu


Trong một lần quây quần bên nhau, Chúa Giêsu hỏi các Môn Đệ về dư luận lúc ấy mọi
người nói Ngài là ai. Sau khi các Môn Đệ trả lời rằng người ta nói Thầy là ngôn sứ này tiên tri
nọ, Chúa Giêsu đã hỏi thẳng: “Thế còn anh em, anh em bảo Thầy là Ai?” (x. Lc 9, 18 – 20).
Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã đến gặp mỗi người chúng ta trong một hoàn cảnh
đặc biệt nào đó, có khi là sau một trận đau bệnh thập tử nhất sinh, một tai nạn hiểm nghèo, một
lần đổ vỡ thất bại ngỡ là tuyệt vọng, Ngài cũng đã hỏi và chính chúng ta cũng đã trả lời bằng
hết cả niềm xác tín, kinh nghiệm nội tâm của mình rằng: “Thưa Chúa Giêsu, đối với con,
Chúa chính là…”
Khoảng 15 – 20 bạn ngồi thành vòng tròn. Người đầu tiên, trước khi chia sẻ, cầm một
cuộn dây nylon màu trắng, giữ lại đầu sợi dây, tung cuộn dây ấy đến một bạn khác phía đối
diện, bạn ấy sẽ có được khoảng 5 phút để chuẩn bị đến phiên mình cũng sẽ bộc bạch. Cứ thế,
khi kết thúc, chúng ta sẽ có một “Mạng Lưới Tình Yêu Giêsu” đan xen nhau chằng chịt.
Người giúp kể chuyện Chúa Giêsu sẽ thay mọi người dâng một lời nguyện với Chúa
Giêsu, rồi cầm ngọn nến đi quanh một vòng, dùng lửa cháy cắt đứt các đoạn dây đang căng
ngang, mời gọi mỗi người thu lại đoạn dây của mình làm kỷ niệm ghi nhớ mối dây tương quan
đã có được giữa giữa mình với nhau, và giữa mình với Chúa Giêsu.
Chắc chắn Chúa Giêsu không muốn chúng ta trả lời một cách máy móc và giáo điều, chỉ
dựa trên kiến thức sách vở đã được học thuộc lòng, nhưng Ngài chờ đợi chúng ta trả lời chân
thành bằng một mối tương quan có thật, đã từng trải và nghiệm đúng qua những sự kiện và
biến cố đời mình. Nhiều bạn, kể người đạo gốc, hay tân tòng, hay mới chỉ là dự tòng, đã trả lời
thật xúc động thấm thía rằng:
“Đối với riêng tôi, mồ côi cha từ nhỏ, dượng ghẻ đày đọa mẹ tôi và căm ghét tôi, tôi dần dần
khám phá Chúa Giêsu chính là một Người Cha thật sự, đã lo liệu bù đắp tất cả cho tôi…”
“Đối với riêng tôi, đến khi lên đại học, thì tôi nhận ra Chúa Giêsu chính là Thầy Giáo
chân tình yêu thương, sửa dạy tôi sau biết bao nhiêu lỗi lầm sai trái tôi đã phạm…”
“Đối với riêng tôi, sau cơn hôn mê, tôi phải nằm liệt giường mấy tháng liền, tôi mới cảm
nhận được Chúa Giêsu chính là vị Thầy Thuốc đã cứu sống và chữa lành tôi, cả xác lẫn hồn…”
“Đối với riêng tôi, với kinh nghiệm thương đau bị bạn bè phản bội, tôi đã xin chọn Chúa
Giêsu là một Người Bạn tin cậy nhất, có thể đồng hành với tôi trên mọi nẻo đường đời…”
“Đối với riêng tôi, sau mấy lần đổ vỡ tình cảm, bị dồn ép phạm tội phá thai, tôi đã tuyệt vọng
và định tự tử, Chúa Giêsu đã như một Người Yêu đến kịp thời cưu mang tôi, bao dung tha thứ…”
Xin chép lại thêm một chuyện kể khác về Chúa Giêsu thật xúc động, như một lời làm
chứng trước xã hội duy vật vô thần hôm nay:

NHỮNG GÌ TÔI BIẾT VỀ CHÚA GIÊSU


Sau đây là một cuộc đối thoại độc đáo giữa một người Tân Tòng Công Giáo và một
người vô thần:
- Anh đã xin theo đạo Công Giáo rồi sao?
- Vâng, nói đúng và rõ hơn, tôi đã xin theo Chúa Giêsu.
- Thế thì chắc anh biết rất nhiều về ông Giêsu ấy, vậy anh hãy nói cho tôi biết ông ta
sinh ra trong quốc gia nào?
- Rất tiếc là tôi đã có học những chi tiết này trong một khóa Giáo Lý, nhưng tôi lại quên mất!
- Thế khi chết thì ông Giêsu của anh được bao nhiêu tuổi rồi?
- Tôi không nhớ rõ lắm nên cũng không dám nói.
- Vậy, anh có biết ông Giêsu của anh đã thuyết giảng bao nhiêu bài, có bao nhiêu tác
phẩm ông ta để lại, nói chung, về cuộc đời sự nghiệp của ông ta?
- Về chuyện này thì… tôi xin chịu thua!
- Như vậy, anh biết quá ít, quá mơ hồ để có thể quả quyết là anh đã thật sự đi theo một
ông Giêsu nào đó!
- Anh nói đúng một phần. Tôi rất hổ thẹn vì mình đã biết quá ít về Chúa Giêsu. Thế
nhưng, điều mà tôi biết rất rõ là thế này: 3 năm trước, tôi là một tên nghiện rượu, sáng say
chiều xỉn, nợ lút đầu lút cổ. Gia đình tôi xuống dốc một cách kinh khủng. Mỗi tối, khi tôi trở về
nhà, vợ và các con tôi đều tức giận và buồn tủi. Thế mà, bây giờ thì tôi đã dứt khoát bỏ rượu và
đã cố gắng trả được hết nợ nần, gia đình tôi đã tìm lại được hạnh phúc, các con tôi ngông
ngóng chờ tôi về nhà mỗi tối sau giờ làm ca. Tất cả những điều này, không ai khác hơn, chính
Chúa Giêsu đã làm cho tôi. Và đó là tất cả những gì tôi biết về Người...

Phần 3: Tập kể chuyện về Chúa Giêsu


Chia lớp thành 28 tổ, mỗi tổ khoảng 10 bạn, tự chọn một Điều Hòa Viên (moderator).
Các Điều Hòa Viên sẽ nhận được một phiếu ghi lại một cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và
một nhân vật Kinh Thánh nổi tiếng hoặc vô danh. Ví dụ:
28 NHÂN VẬT KINH THÁNH ĐÃ GẶP GỠ CHÚA GIÊSU VÀ ĐÃ ĐƯỢC…
01. Mẹ Maria hôm lên dâng Hài Nhi Giêsu trên Đền Thờ (x. Lc 2, 22 – 38)
02. Người bệnh nằm trên giường thả từ mái nhà xuống (x. Lc 5, 17 – 26)
03. Cô Maria ở làng Bêtania, em của cô Mácta (x. Lc 10, 38 – 42)
04. Cô Mácta ở làng Bêtania, chị của cô Maria (x. Lc 10, 38 – 42)
05. Người đàn bà bị băng huyết đã 12 năm (x. Mc 5, 25 – 34)
06. Ông Dakêu, trưởng đoàn thuế vụ (x. Mc 19, 1 – 10)
07. Người phụ nữ bị bắt gặp ngoại tình (x. Ga 8, 1 – 11)
08. Người được chữa lành chứng mù từ thuở mới sinh (x. Ga 9, 1 – 37)
09. Người cùi Samari được chữa lành, trở lại cám ơn (x. Lc 17, 11 – 18)
10. Chị Samari bên bờ giếng Giacóp (x. Ga 4, 1 – 26)
11. Viên đại đội trưởng người Rôma (x. Lc 7, 1 – 10)
12. Người phụ nữ tội lỗi được tha thứ (x. Lc 7, 36 – 50)
13. Người đàn bà Canaan có con gái được chữa lành (x. Mt 15, 21 – 28)
14. Anh thanh niên giàu có đến xin theo Chúa Giêsu (x. Mt 19, 16 – 22)
15. Bà vợ ông Dêbêđê, mẹ của Gioan và Giacôbê (x. Mt 20, 20 – 23)
16. Ông Phêrô khi được Chúa Giêsu quỳ xuống rửa chân (x. Ga 13, 4 – 20)
17. Ông Phêrô sau khi nghe gà gáy sáng (x. Mt 26, 69 – 75)
18. Người tử tội được tha thứ trên thập giá (x. Lc 23, 39 – 43)
19. Cô Maria thành Mácđala, ra thăm mộ Chúa Giêsu (x. Ga 20, 11 – 18)
20. Hai môn đệ trên đường về làng Emmau (x. Lc 24, 13 – 35)
21. Ông Phaolô sau khi bị ngã ngựa trên đường Đamát (x. Lc 24, 13 – 35)
22. Người mù ở Giêrikhô được Chúa Giêsu chữa lành (x. Lc 19, 35 – 43)
23. Ba môn đệ sau khi thấy Chúa Giêsu hiển dung (x. Mc 9, 2 – 8)
24. Ông trưởng Hội Đường được Chúa cứu sống con gái (x. Lc 8, 49 – 56)
25. Các môn đệ sau vụ vận động của Gioan và Giacôbê (x. Mc 10, 41 – 45)
26. Các môn đệ sau khi làm Chúa Giêsu bực mình (x. Mc 10, 13 – 16)
27. Hai người mù Giêrikhô được Chúa Giêsu chữa lành (x. Lc 8, 49 – 56)
28. Các môn đệ được Chúa Giêsu dạy về lòng tin (x. Mt 17, 19 – 21)
Như vậy có 28 tổ, mỗi tổ nhận được một phiếu ghi lại một cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu
và một nhân vật Kinh Thánh nổi tiếng hoặc vô danh nêu trên. Mỗi tổ sẽ chọn một chỗ để họp
chung trong 30 phút.
Cả tổ cùng nhau đọc thật kỹ nội dung cuộc gặp gỡ của nhân vật ấy trong các sách Tin
Mừng, cùng nhau làm lược đồ chuyện kể ấy, rồi cầu nguyện xin soi sáng.
Sẽ có một bạn nào đó được ơn thúc đẩy để nhận lấy vai nhân vật này. Có thể nhập vai,
hóa thân vào thân phận của nhân vật ấy, cảm nghiệm sâu hơn chuyển biến kỳ diệu trong đời
sau khi gặp gỡ Chúa. Lưu ý, tránh không tưởng tượng phóng tác quá đáng, làm nội dung bị sai
lạc, nhân vật Kinh Thánh ra tầm thường.
Người bạn tình nguyện nhập vai, sống lại lần gặp gỡ Chúa Giêsu, sẽ cảm nghiệm và
chia sẻ điều gì sâu xa từ đáy lòng, sẽ kể lại như thế nào về Chúa Giêsu cho mọi người. Ghi vắn
tắt vào tờ phiếu. Mỗi tổ chỉ có 30 phút để mỗi người chia sẻ lại cảm nhận ấy, đóng góp thêm
chất liệu cho người bạn đại diện nhập vai của mình.
Sau 30 phút, nghe hát bài “Thắp sáng lên…”, các tổ ở các nơi sẽ về lại họp chung.
28 bạn đại diện 28 tổ giờ đây là 28 nhân vật Kinh Thánh, ngồi thành 2 vòng tròn đồng
tâm: vòng trong 12 bạn, vòng ngoài 16 bạn, không cần theo đúng thứ tự.
Nhân vật số 01 sẽ bắt đầu chia sẻ (mỗi người chỉ được khoảng 2 – 3 phút tùy quỹ thời
gian chung):
“Thưa các bạn, tôi là Maria người làng Nadarét, tôi đã được diễm phúc Thiên Chúa
chọn làm Mẹ của Chúa Giêsu, và từ đó…”
Cứ thế tiếp tục chia sẻ đến các nhân vật số 02, số 03… cho đến số cuối cùng.
Khi gần kết thúc, sẽ có các tình nguyện viên thắp nến và trao cho từng nhân vật. Đèn
trong hội trường tắt dần, chỉ để lại đèn màu vàng ở các cột.
Kết thúc, người chủ sự sẽ mời các nhân vật Kinh Thánh đứng lên, rời khỏi vòng tròn và
đứng thành hàng ngang trên cung thánh, tay cầm nến sáng, hướng xuống mọi người trong hội
trường. Người chủ sự dâng một lời nguyện đúc kết, sau đó mời mọi người hát chung bài hát
Kinh Hòa Bình:
“Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người… Lạy
Chúa xin hãy dùng còn như khí cụ bình an của Chúa…
Xin chép lại làm tư liệu nội dung 3 tờ phiếu ghi lại từ một buổi Kể Chuyện Tin Mừng
được tổ chức tại một khóa bồi dưỡng Giáo Lý Viên miền Bắc. Cả 3 tờ phiếu đều là của 3 người
thuộc tổ chia sẻ về nhân vật cô Maria ở làng Bêtania:
Phiếu 1: “Tôi là Maria, người làng Bêtania. Tôi muốn chia sẻ với các bạn hôm nay về
những lần tôi được ngồi dưới chân Chúa Giêsu để nghe Người dạy dỗ. Vì tôi chẳng chịu phụ
bà chị Mácta khó tính của tôi nấu nướng chuẩn bị bữa ăn, nên tôi đã bị chị ấy càu nhàu so bì...”
Phiếu 2: “Thú thật, những lúc Chúa Giêsu ghé vào thăm, lần nào tôi cũng như bị hút
vào Người, lắng nghe như nuốt từng lời của Người. Tôi quên cả bổn phận lo bếp núc, quên
cả đói. Mà hình như Người cũng thế, Người chỉ muốn tận dụng mọi dịp để nói về Nước Trời, về
tình yêu của Thiên Chúa, về lòng mến đối với tha nhân...”
Phiếu 3: “Tôi hiểu, tôi thông cảm với bà chị Mácta của tôi lắm chứ. Chị ấy quan tâm tiếp
đãi Chúa bằng một bữa ăn ngon, đâu có phải là một điều xấu. Chị ấy thật lòng quý mến Người,
thế nhưng, Chúa vẫn bảo chị ấy: Mácta ơi, em của con đã chiếm lấy phần tốt nhất...”

Thực hành riêng:


Tiếp tục góp tư liệu chuyện kể cho Ngân Hàng Chuyện Kể Chúa Giêsu, hãy tìm lần lượt
trong 4 sách Tin Mừng, các cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu đã thay đổi số phận của từng người.

BUỔI GẶP GỠ THỨ TƯ


BA PHƯƠNG CÁCH CHÍNH ĐỂ KỂ CHUYỆN CHÚA GIÊSU

Phần 1: Tìm hiểu các phương cách để kể chuyện


Có thể nhận ra có 3 phương cách kể chuyện chính yếu:
- Chuyện kể được kể bằng cách… kể chuyện! (có thể đọc diễn, có thể kể đơn, kể kép)
- Chuyện kể được kể bằng cách hát (có thể có cử điệu kèm theo lời hát)
- Chuyện kể được kể bằng cách diễn kịch (có thể là hoạt cảnh, thoại kịch, hay kịch nhập vai)

1. “Chuyện kể… kể”


Phương cách này phụ thuộc vào bản thân người Giáo Lý Viên kể chuyện rất nhiều. Nó
mang tính độc diễn, đơn phương, một chiều. Dù sao, đây vẫn là phương cách truyền thống xưa
nay, quen làm, người kể chuyện được chủ động hoàn toàn từ bước chuẩn bị, trong suốt lúc kể
chuyện, cho tới khi kết thúc, giúp mọi người đón nhận được sứ điệp Tin Mừng của câu chuyện.
Để đạt hiệu quả tâm linh tốt nhất, người kể chuyện cần biết vận dụng 2 mặt:
- Mọi khả năng thiên phú, thường gọi là khiếu kể chuyện như: diễn cảm bằng giọng kể,
nét mặt, dáng vẻ, cử điệu, thêm tiết tấu câu chuyện nhanh chậm, nhặt khoan, độ nhấn mạnh ở
chỗ thắt nút và gỡ nút…
- Vận dụng thêm các kỹ thuật phụ giúp cho câu chuyện thêm sinh động lôi cuốn như: diễn
đạt bằng tài liệu hình ảnh và âm thanh (slide show bằng power point, video clip), lại thêm các vật
dụng cụ thể để minh họa, dẫn chứng, gây bầu khí cầu nguyện… Chú ý vận dụng vừa phải, có
chừng mực và hài hòa, thích hợp với từng lứa tuổi, từng môi trường và hoàn cảnh…

2. “Chuyện kể… hát”


Phương cách này mở ra cho mọi người cùng tham dự, cùng nhập vai, tuy nhiên lại vẫn
phụ thuộc khá nhiều vào người Giáo Lý Viên kể chuyện, nên không thể dùng thường xuyên và
tùy tiện, không dễ tìm được bài hát kể chuyện thích hợp.
Chuyện kể được thể hiện bằng bài hát, bằng cách hát. Ở đây, khả năng thiên phú sẽ
phải được vận dụng tối đa như: biết đàn, biết hát, biết nói, biết diễn, biết lôi cuốn mọi người
cùng tham gia, cùng nhập vai với câu chuyện kể.
Nếu được, người kể chuyện lại có thể tự sáng tác các bài hát kể chuyện thì quá tốt,
bằng không có thể sưu tầm một số các bài hát kể chuyện đã có.

3. “Chuyện kể… diễn”


Ngành sư phạm tiên tiến trên thế giới đã áp dụng rất nhiều và rất mạnh phương cách
này từ mấy chục năm trước. Ở Việt Nam cũng đã bắt đầu đi theo khuynh hướng này, trễ còn
hơn không. Tuy nhiên phải nói riêng ngành Sư Phạm Huấn Giáo của chúng ta thì xem ra còn
nặng về phương cách ”Chuyện kể… kể”.
“Chuyện kể… diễn” mời gọi tất cả mọi người cùng tham gia kể chuyện Tin Mừng, cả thầy
lẫn trò, cả hướng dẫn viên lẫn học viên. Nó tránh được hạn chế độc diễn, nhưng tạo ra sự đa
phương, nhiều chiều. Có thể vì thế mà kết quả thành công không đạt như mong muốn về mặt
chiều sâu nội dung gây xúc cảm như loại chuyện kể được một người kể, nhưng nó lại đạt được
tính năng động tập thể rất cao, tạo cơ hội để nhiều người cùng kể chuyện Tin Mừng cho nhau,
cùng cảm nhận chung, cùng giúp nhau tìm gặp được Chúa Giêsu cũng chính là đón nhận được
sứ điệp Tin Mừng, lại giúp nhau đạt đến đỉnh cao cầu nguyện ở cuối vở diễn!
Thể loại này đòi hỏi người Giáo Lý Viên kể chuyện chuẩn bị trước phần của mình thật
kỹ, áp dụng các phương pháp Năng Động Nhóm như: Lập Phiếu (Faire une fiche – Fichier),
Nhóm Ong (Groupe de Travail – Buzz-group), Động Não (Rémue méninges – Brain Storming),
Hoạt Động Xưởng (Système d’Atelier).
Giáo Lý Viên cũng có thể ứng dụng thêm một số Kỹ Thuật Năng Động Nhóm (Technique
de Dynamisme) như: Tòa Án Vườn (Tranh Luận – Jeu de Débat), Báo Chạy (Press Express),
Panô Chạy (Panneaux Express), Kịch nhập vai (Jeu de rôles – Role playing), Thuyết trình
(Exposé – Presentation)...
Giáo Lý Viên tổ chức lớp của mình thành các nhóm, từ 6 đến 12 người (Chú ý bội số của
3, của 6 là lý tưởng nhất). Mỗi nhóm sẽ nhận được một tờ Phiếu Điều Động đã được chuẩn bị
trước với các dữ liệu, các thông tin và yêu cầu cần thiết đối với cả nhóm. Họp nhóm lại cùng
nhau xem tờ phiếu, biết rõ nhóm mình cần phải chuẩn bị và làm những gì.
Sau đó nhóm cùng nhau đọc thật kỹ bản văn Tin Mừng, cùng nhau lập một lược đồ
chuyện kể, trao đổi chia sẻ với nhau trong nhóm về chủ đề diễn, về nhân vật trung tâm là Chúa
Giêsu cùng các nhân vật chính và phụ khác trong đoạn Tin Mừng ấy, nhờ vậy khám phá ra tính
cách riêng cần được diễn đạt và thể hiện của từng nhân vật.
Phần 2: Minh họa một số chuyện kể Chúa Giêsu
Dưới đây là một chuyện kể mang tên “Chuyện Con Người” được kể bằng cách hát, có
nhiều đoạn trong bài hát có nét nhạc đơn giản dễ hát, người kể xướng hát lên trước, mọi người
hát lập lại ngay.
Ngày xa xưa ấy, ở vườn địa đàng,
có một cặp vợ chồng sống cuộc đời màu hồng,
Một người đàn ông và một người đàn bà (lập lại).
Người đàn ông tên là Adong, người đàn bà tên là Evà,
Sống với nhau thật đằm thắm chan hòa (lập lại).
Ở khu vườn ấy có đủ mọi loài:
Sư tử, ngựa vằn, chiên, bò, gà, vịt,
Cả một đàn voi và một bầy lợn lòi (lập lại).
Này họa mi, se sẻ, kên kên,
này thằn lằn, con rùa, con nhặng,
Và một con là con rắn xanh lè! (lập lại).
Ở trên cao hết, Chúa thật hiền từ,
Chúa nhìn mọi sự, Chúa mỉm cười hài lòng,
Ngày lại ngày qua hằng yêu thương đậm đà (lập lại).
Ngài trao ban tất cả không gian,
cả bầu trời muôn loài muôn vật,
Trừ một cây là cây cấm giữa vườn (lập lại).
Một hôm, con rắn nó mới leo lên cây táo,
nó quấn quanh và nó nằm im lìm,
Nó đợi Evà đi qua đó, nó liền thủ thỉ mà nói rằng:
“Này đây, này đây trái cấm, ăn vào, ăn vào rất ngon,
Ăn vào mắt liền sáng tỏ, ăn vào biết đâu là thiện ác,
ăn vào sẽ biết hết mọi sự!”
Nghe bùi tai, Evà liền hái một trái cho mình,
lại hái một trái nữa cho chồng.
Adong do dự ngần ngừ, e ngại,
nhưng khổ nỗi đàn ông lại hay nghe lời vợ,
Cắn vào mới thấy nó kỳ khôi,
nuốt rối vẫn thấy nó nghẹn hơi!
Evà liền ăn một miếng, tin rằng mắt mình sẽ sáng,
Sẽ biết hết mọi sự, sẽ thấy mình rất đẹp,
Đâu ngờ, đâu ngờ, cuộc đời hai chữ đâu ngờ (lập lại)…
Và từ khi ấy chẳng còn địa đàng,
tất cả chộn rộn, tất cả đảo lộn,
Vì người đàn ông và do người đàn bà (lập lại).
Người đàn ông thấy mình vô duyên,
người đàn bà thấy mình trần truồng,
Trốn tránh nhau và tìm lá che thân (lập lại).
Và từ khi ấy sinh sản loài người,
khắp mặt địa cầu, đông đảo đầy nghẹt,
Từ người đàn ông và qua người đàn bà (lập lại).
Người đàn ông phải lao lực phong sương,
người đàn bà thì hao gầy mau già,
Sống với nhau mà chí chóe cãi nhau hoài (lập lại).
Sống với nhau mà cứ đánh nhau hoài (lập lại).
Sống với nhau mà ghen ghét nhau hoài (lập lại).
Sống với nhau mà gây chiến tranh hoài (lập lại).
Sống với nhau mà khủng bố nhau dài dài (lập lại).
Rồi Giêsu đến, mang phận loài người:
khốn khổ nghèo hèn, chết vì tội đời,
Để rồi Tình Yêu thành Tin Mừng rạng ngời (lập lại).
Ngài tặng ban cả Nước Trời yêu thương,
Ngài mời gọi một con đường tốt lành,
Sống với nhau bằng Tình Chúa chân thành
(lập lại ít là 3 lần để kết nhỏ dần vang xa).

Phần 3: Tập kể chuyện về Chúa Giêsu


Cùng kể chuyện cho nhau bằng một hoạt cảnh Tin Mừng, cung La thứ – La Trưởng, dụ
ngôn “Người cha nhân hậu” (Lc 15, 11 – 32)
Một người cha có hai con trai, người con thứ xin chia gia tài,
Rồi bỏ đi, phung phí ăn chơi. Rồi ngày kia, tay trắng tả tơi,
Lòng ăn năn đau đớn xót xa, về cùng cha, lê bước về nhà…
Từ ngoài xa, thấy con tang thương, chạy ra đón, cha vui khôn lường.
Người con khóc, nước mắt nghẹn ngào: Tội của con phạm đến Trời cao,
Tội của con phạm đến chính cha, kể từ nay không đáng con cha…
Và người cha đã sai gia nhân: Nào mau đem áo mới cho cậu,
Giầy xỏ chân và nhẫn đeo tay, dọn tiệc ngon để đón mừng ngay,
Vì con ta đã ngỡ mất đi, mà giờ đây đã biết trở về…
Phần người anh biết tin em trai, ngoảnh mặt đi, giận dỗi so bì.
Để rồi cha phải nói với anh: Mọi ngày qua con sống cùng cha,
Còn em con đã ngỡ chết đi, mà giờ đây đã sống lại rồi.
Tình cha bao la chan hòa, tình cha vòng tay thứ tha,
Tình cha khoan dung hải hà, tình cha còn mãi không nhòa…

You might also like