You are on page 1of 8

[Tài liệu độc quyền] GAC VAN - “Here is a gift for you” #baivanmau1

Lưu ý:

Đây là tài liệu độc quyền của GAC VAN. Tuyệt đối không chia sẻ, reup, repost, lan truyền
khi chưa có sự đồng ý/ cho phép chính thức từ phía GAC VAN.

Nếu cố tình vi phạm, các bạn sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Trân trọng,

GAC VAN.

Chúc các bạn học tốt và đạt kết quả cao trong học tập!

BÀI VĂN MẪU VỀ “NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ”

Đề: (Bám sát cấu trúc đề minh họa 2022 của Bộ Giáo dục & Đào tạo)

“… Vậy là phải xong cái trùng vi thạch trận vòng thứ nhất. Không một phút nghỉ tay
nghỉ mắt, phải luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật. Ông lái đã nắm chắc binh
pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước
hiểm trở này. Vòng đầu vừa rồi, nó mở ra năm cửa trận, có bốn cửa tử một cửa sinh,
cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử để
đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn. Cưỡi lên thác
Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ. Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế
mạnh trên sông đá. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đồ ghì cương
lái, băm chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một
đường chèo về phía cửa đá ấy. Bốn năm bọn thuỷ quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô
ra cảnh níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông
tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến.
Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền. Chỉ còn vẳng reo tiếng hò của sóng thác
luồng sinh. Chúng vẫn không ngớt khiêu khích, mặc dầu cái thằng đá tướng đứng
chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng
vào cửa sinh nó trấn lấy. Còn một trùng vây thứ ba nữa...”

(Trích “Người lái đò Sông Đà”, Nguyễn Tuân, SGK Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD, 2018, tr 189)

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hình tượng nhân vật người lái đò trong đoạn trích
trên. Từ đó, nhận xét về bút pháp xây dựng nhân vật của Nguyễn Tuân.

Lưu ý: Đây là bài văn mẫu viết về một đề bài bất kỳ - cốt là hướng đến việc bám sát cấu
trúc đề thi minh họa để triển khai/.

Bài làm:
Còn nhớ một nhà phê bình nào đó đã từng không thể giấu đi được những bộc
bạch về ký - một thể loại đặc thù: “Mỗi một trang ký được viết ra là mỗi một “trang hoa”
ra đời. Đó kì thực là những trang hoa, trang ngọc của những tâm hồn giàu xúc cảm;
am hiểu sâu sắc, đến độ cuộc sống con người”. Cái thể ký rộng lớn này thường được
1 Bản quyền thuộc về GAC VAN
người ta ví như bức sơn dầu phác thảo lại những tinh hoa của cuộc sống bằng những
nét vẽ tài hoa, phóng túng, mang đậm cái tôi của người cầm bút. Chẳng thế mà
Nguyễn Tuân khi viết “Người lái đò sông Đà” đã tung hoành trên trận địa ngôn ngữ
bằng tất cả tài năng và tâm hồn - và những “trang hoa” của ông cứ thế hấp dẫn người
đọc bao thế hệ. Đó là một áng văn đẹp được thêu dệt nên từ tình yêu đất nước và con
người, cụ thể là cái tình nồng đượm của một đời văn muốn dùng ngôn từ để tốc ký vẻ
đẹp kì vĩ, thơ mộng của đất và người miền Tây Bắc… Với đoạn trích trên, người ta được
chiêm ngưỡng những vẻ đẹp tâm hồn của người lái đò - một vẻ đẹp của “thứ vàng
mười đã qua thử lửa”; đồng thời thấy được nét tài hoa, độc đáo trong bút pháp xây
dựng nhân vật của Nguyễn Tuân.

Có thể nói rằng, tùy bút - một thể thuộc loại hình ký, là thể đặc thù mà ở đó, tác
giả ghi chép lại những quan sát và suy ngẫm của mình về cảnh vật, con người xung
quanh một cách trung thực, hấp dẫn. Nếu như truyện ngắn từng được ví như “một lát
cắt trên thân cây cổ thụ”, mà qua đó người ta thấy được “cả trăm năm của đời thảo
mộc” (Nguyễn Minh Châu), thì tùy bút lại là một sự tái hiện toàn diện hiện thực khách
quan nhưng gắn kết chặt chẽ với mạch chảy của cái tôi trữ tình độc đáo. Đọc thể này,
người ta có cơ hội được chiêm ngưỡng một lượng tri thức dồi dào và khám phá thế
giới của trí tưởng tượng phong phú. Ở những thiên tùy bút có giá trị, ta dễ dàng bắt
gặp những hình tượng nhân vật chuyên chở quan niệm, tư tưởng của tác giả về cuộc
đời, cụ thể là cái đẹp. Hình tượng nhân vật được hiểu như là “bản dập của những con
người sống” (chữ dùng của Bertolt Brecht), là đứa con của hiện thực được nuôi dưỡng
bằng tình cảm, tư tưởng của nhà văn. “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân cũng là
một thiên tùy bút như vậy. Ở đó, bên cạnh hình tượng con sông Đà với nhiều chất
riêng, độc giả còn bắt gặp hình tượng nhân vật người lái đò với nhiều phẩm chất đáng
quý.

“Đặc Việt Nam” - đó là ba chữ mà nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan đã ưu ái
dành tặng riêng cho Nguyễn Tuân - một nhà văn có thể nói là đã đứng riêng ra một
“phái”. Có một điều đặc biệt ta phải thừa nhận, những tập văn của ông không phải là
tùy bút, cũng ngả về tùy bút không ít thì nhiều. Ông dường như không thể nào bỏ
được cái lối phiếm luận, cái giọng khinh bạc bất cứ về việc gì, nên có nhiều đoạn lê
thê… Tuy vậy, đọc Nguyễn Tuân, bao giờ người ta cũng thấy trào dâng trong mình một
hứng thú đặc biệt: đó là sự thâm trầm trong ý nghĩ, sự lọc lõi trong quan sát, sự hành
văn một cách hoàn toàn “Việt Nam”. Con người ấy, viết văn không chỉ bằng ngòi bút
của một nhà văn; mà còn bằng nhãn quan và nét vẽ của một họa sĩ, một nhà điêu
khắc. Chẳng thế mà văn Nguyễn Tuân rất giàu màu sắc, hình khối, đậm chất điện ảnh.
Điều này thể hiện rõ nét thông qua thiên tùy bút “Người lái đò sông Đà”, rút ra từ tập
Sông Đà (1960) - một đứa con tinh thần được hoài thai từ chuyến đi thực tế lên Tây Bắc.
Ở tùy bút ấy, với lòng tự hào của mình, nhà văn đã khắc họa những nét thơ mộng, khắc
nghiệt của thiên nhiên đất nước qua hình ảnh con sông Đà hung bạo, trữ tình; đồng
thời phát hiện, ngợi ca phẩm chất tài hoa nghệ sĩ, tinh thần trí dũng của con người lao
động mới. Vậy chân dung của người lái đò ấy - con người đại diện cho “chất vàng
mười” của đất nước trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện lên như thế nào?

“Người lái đò sông Đà” - ngay từ nhan đề, người đọc ta đã khựng lại và mường
tượng ra rằng, hình tượng trung tâm của thiên tùy bút này không ai khác chính là một
người lái đò trên sông nước. Cũng không phải ngẫu nhiên mà ngay từ lời đề từ, một
câu nói của nhà thơ cách mạng người Ba Lan đã được dẫn lại: “Đẹp vậy thay, tiếng hát
trên dòng sông”. Tôi tự hỏi, tiếng hát trên dòng sông kia - có phải giản đơn là Nguyễn
Tuân đang muốn nói rằng dòng sông ấy cũng có linh hồn không? Không hẳn. Có lẽ
gần gũi hơn, Nguyễn muốn nhấn mạnh và ngợi ca về tiếng hát của con người trên
dòng “Đà giang độc bắc lưu” ấy. Người lái đò “lọt” vào tầm mắt của nhà văn trong tùy
bút trên, thật đặc biệt, là một ông lão đã bước vào cái tuổi bảy mươi - cái tuổi mà người
ta vẫn hay bảo với nhau rằng: “Thất thập cổ lai hy”. Vậy mà ở đây, ở cái tuổi thất thập ấy,
người lái đò “vẫn đẹp như một pho tượng được tạc bằng đá cẩm thạch”. Chúng ta còn
nhớ những cánh tay “lêu nghêu như cái sào” của lão? Còn nhớ cáo “khuỳnh khuỳnh”
bất cứ lúc nào của đôi chân? Còn nhớ cái tinh anh, vời vợi của nhỡn giới “như mong
một cái bến xa”? Nguyễn Tuân đã có những nét phác thảo giản đơn nhưng cực kỳ tinh
tế về nhân vật như thế. Vậy người lái đò ấy, trong trùng vi thạch trận trên sẽ càng hiện
lên đẹp đẽ đến thế nào?

Có lẽ chúng ta nên thử nhìn ngắm cái hiểm hóc và hung bạo của sông Đà. Đà
giang chảy giữa đại ngàn Tây Bắc ấy, cớ sao lại trở nên hung hiểm đến vậy? Có chăng,
vì chảy giữa đất, giữa rừng; chứng kiến biết bao nhiêu những sự kiện lịch sử khắc
nghiệt, con sông ấy trở nên “hung bạo” hơn? Trong đoạn trích trên, ta thoáng thấy điều
đó thông qua những vòng vây được bày binh bố trận bởi thác đá sông Đà. Đoạn trích
trên mở ra một trận địa mới, một trùng vi thạch trận thứ hai mãnh liệt hơn, nguy hiểm
hơn, với nhiều cửa tử hơn. “Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá”.
Những tảng đá lớn nhỏ khác nhau thì lại “không ngớt khiêu khích”. Tài năng của
Nguyễn Tuân là ở đó. Nhìn về một con sông, nhưng con sông ấy đâu chỉ là dòng lưu
chuyển của mạch nước từ thượng nguồn về hạ lưu? Sông Đà và cả những thứ nằm
trong lòng sông ấy, hiện lên như một linh hồn, một thực thể biết sống, một kiểu “hùm
thiêng” đầy mãnh lực. Nhìn thấy sự hung hãn của thác đá sông Đà bao nhiêu, giờ đây,
người đọc ta sẽ càng ngưỡng mộ những vẻ đẹp tâm hồn của người lái đò bấy nhiêu.

Trước hết, ta nhìn thấy ở người lái đò một sự từng trải, dồi dào kinh nghiệm. Sự
gắn bó của người lái đò với con sông này những tưởng như sự gắn bó của đôi người tri
kỷ, đến nỗi ông hiểu được “tính khí” ngang bướng của nó, hiểu được từng cửa tử, từng
cửa sinh. Xưa, ta thấy cụ Nguyễn Du tâm niệm:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”

(Truyện Kiều)

Nghĩa là cảnh như thế nào phụ thuộc vào tâm trạng của chủ thể nhìn ngắm
nó. Cảnh sẽ tươi vui khi tâm người trong sáng, cảnh sẽ sầu thương khi tâm người tối
mịt. Giờ đây, trên trang viết Nguyễn Tuân, ta lại thấy một mối quan hệ đặc biệt giữa
người và cảnh, chỉ khác là, người đang cố hiểu cảnh, và đã hiểu được cảnh. Hãy cùng
xem cách mà Nguyễn Tuân miêu tả sự thấu hiểu tường tận đó: “Ông lái đã nắm chắc
binh pháp của thần sóng thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải
nước hiểm trở này. Vòng đầu vừa rồi, nó mở ra năm cửa trận, có bốn cửa tử một cửa
sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử
để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn”. Rất dứt
khoát, vẻn vẹn: “đã nắm chắc”, “đã thuộc quy luật” - chữ “đã” cho chúng ta thấy một
chiều kích của quá khứ, một kinh nghiệm dày dặn, một sự từng trải. Đối với một người
dành cả đời để băng sóng, vượt thác như người lái đò lão thành kia, thì thấu suốt “tính
khí” của từng quãng sông cũng không có gì là khó hiểu. Mọi thứ, từ “năm cửa trận”, cụ
thể trong đó “bốn cửa tử một cửa sinh”, rồi vị trí của từng cửa - đều được ông lái thuộc
lòng. Tới đây, tôi chợt nhớ đến một đoạn thơ của nhà thơ Huy Cận:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng


Lướt giữa mây cao với biển bằng,

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng”

(Đoàn thuyền đánh cá)

Cái cách mà những người dân chài biển kia “ra đậu dặm xa dò bụng biển”, rồi
“dàn đan thế trận lưới vây giăng” làm cho tôi hình dung: Họ đã hiểu cái thiên nhiên kỳ
vĩ, rộng lớn ấy biết nhường nào! Họ hiểu cái “bụng biển” bao la nhưng cũng không kém
phần khắc nghiệt. Hơn cả sự hiểu, họ còn tạo ra một thế trận đặc biệt, để khám phá sự
giàu có của đại dương. Cũng giống như người lái đò trong tình huống trên, hiểu một
con sông như hiểu một con người!

Không chỉ là một người từng trải, dồi dào kinh nghiệm; người lái đò còn thực sự
rất dũng cảm, tài ba, mưu trí. Dũng cảm ở đâu? Đó là khoảnh khắc ông “cưỡi đến cùng
như cưỡi hổ” khi vượt thác sông Đà. Cái tư thế cưỡi hổ này thật đặc biệt! Xưa, ta từng
nghe đến chuyện Võ Tòng tay không đả hổ trên đồi Cảnh Dương: “Võ Tòng được thế
lợi, lại ấn mạnh mồm nó xuống rãnh ấy, rồi tay trái vẫn ghì chặt cổ hùm, tay mặt giơ
lên, nắm lại như quả đồng sắt, cứ nhè đầu, nhè tai nó mà giáng xuống như giã giò!
Chàng thoại luôn một hơi sáu bảy chục đấm, thì thấy cọp ứa máu ra mồm, ra mũi, ra
mắt, ra tai… đỏ lòm lòm”. Nay, ta lại thấy cảnh “cưỡi hổ” của một ông lão lái đò kỳ cựu.
Cách Nguyễn Tuân dùng từ thật tài hoa, độc đáo! Cưỡi thác - cưỡi hổ, mà đâu phải cưỡi
một cách nhẹ nhàng như chu du ngắm hoa thưởng ngoạn, mà là tư thế “cưỡi đến
cùng”. Chỉ cần một tư thế vậy thôi, người ta đã hình dung được sự dũng cảm của người
lái đò ấy như thế nào. Tuổi tác không phải là giới hạn cho lòng dũng cảm của con
người. Không phải càng già người ta càng trở nên yếu đuối đi. Trong những hoàn cảnh
cần thiết, dù ở giai đoạn nào trong đời người, dù trai tráng, dù tứ tuần hay thất thập,
dũng cảm vẫn là một khí chất đáng ngưỡng mộ của những con người lao động đặc
thù như lão.

Nhưng để có được tư thế Võ Tòng ấy, đâu chỉ cần sự dũng cảm? Ở đây, Nguyễn
Tuân đã rất tinh tế khi nhận ra, bên cạnh sự dũng cảm đó, người lái đò còn cực kỳ mưu
trí, tài ba. Ngay từ những câu văn đầu khi sắp sửa bước vào thạch trận thứ hai, Nguyễn
đã nhìn thấy sự nhanh nhạy trong từng hành động, cử chỉ của lão: “Không một phút
nghỉ tay nghi mắt, phải luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật”. “Phải luôn” và
“đổi luôn” cho chúng ta nhìn thấy được trạng thái linh hoạt của người làm sông nước
này. Sau này, trong một dịp đọc được một bài báo phỏng vấn về những con người làm
nghề lái đò, chèo thuyền, tôi còn nhớ một ông lão nọ ở Mai Châu từng tâm sự: “Cái
nghề sông nước này, không nhanh, không nhạy thì chết. Không đùa được. Chỉ cần một
chút bất cẩn, lơ là, mất mạng như chơi”. Quay trở lại câu chuyện của người lái đò, dẫu
tại khúc sông này, chúng có tăng thêm bao nhiêu cửa tử đi chăng nữa thì vẫn chẳng
thể nào “đánh lừa” được lão. “Nắm chặt lấy được cái bàn sóng đánh luồng rồi, ông đồ
ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái
miết một đường chèo về phía cửa đá ấy”, mặc cho “bốn năm bọn thủy quân cửa ải
nước bên bờ trải tiền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử”. Từng hành động
đều rất dứt khoát, không hề do dự: “nắm chặt” - “ghì cương lái” - “bám chắc” - “phóng
nhanh” - “lái miết một đường”. Thời khắc ấy, người lái đò chợt hiện lên như một dũng
tướng tài ba. Đã đôi lần khi đọc đến đoạn văn này, tôi chợt hình dung nếu từng câu văn
của Nguyễn Tuân là ý tưởng để một họa sĩ nào đó phác họa, thì bức tranh ấy có lẽ sẽ
hiện lên thật đẹp. Đó có thể là một bức tranh đại ý thế này: giữa cảnh sóng xô bờ đá,
con thuyền hiên ngang tiến về phía trước. Trên con thuyền ấy, một người lái đò tay
nắm chặt mái chèo, mắt nhìn thẳng, làm chủ luồng nước, đánh bật con sóng mà
phóng thật nhanh. Đó là tư thế của những con người làm chủ. Làm chủ mọi hoàn
cảnh, mọi thách thức, mọi khó khăn - như cách mà bao nhiêu năm qua người Việt ta
vẫn vậy. Con người hiện lên thật đẹp giữa bức tranh ấy!

Ta thấy đó, cách mô tả của Nguyễn Tuân quả là khác biệt. Khác biệt bởi con
người mê “xê dịch”, vốn đã rất “ngông”, rất tài hoa nghệ sĩ ấy đâu dễ dãi chấp nhận lối
miêu tả giản đơn, tầm phào? Từng lời được viết ra đúng thật như những lời hoa, trang
hoa. Cái câu mà cổ nhân thường nói “thi trung hữu họa” - nếu được đối thoại, tôi muốn
nói thêm, “ký trung hữu họa”. Không chỉ trong thơ, mà cả trong ký, chất họa là hồn.
Nguyễn Tuân có lẽ phải hiểu lắm mới có thể hình dung kỹ càng và chân thật đến vậy!
Phải tài ba lắm mới viết được những câu văn khiến người đọc được “phiêu cùng” như
thế! Đến đây, tôi hiểu rằng câu chuyện của sáng tạo nghệ thuật có lẽ chẳng hề dễ
dàng. Viết, phải vừa đem đến cho người đọc một điều gì đó mới mẻ trong văn phong;
phải vừa cho ta người thấy cái phông hiện thực, phông văn hóa sâu rộng của người
mang danh phận nghệ sĩ. Và Nguyễn Tuân đã làm được điều đó! Quay trở lại đoạn trích
này, ta càng ngưỡng mộ vẻ đẹp của người lái đò hơn khi “đứa thì ông tránh mà rảo bơi
chèo lên, đứa thì ông đè sẩn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”. Cho đến khi,
“những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền, chỉ còn vắng reo tiếng hò của sóng thác
luồng sinh”. Không chỉ là một người lái đò kỳ cựu, từng trải; không chỉ là sự dũng cảm,
mưu trí đơn thuần; ở con người ấy, chúng ta còn thấy toát lên cái chất “tài hoa nghệ sĩ”.
Có phải vì chính Nguyễn Tuân tài hoa nghệ sĩ như thế, nên nhân vật của Nguyễn tự
bao giờ cũng phảng phất lấy cái “hơi”, cái “điệu”, cái “khí chất” trời phú ấy? Người lái đò
có tự biết mình tựa như một nghệ sĩ hay không? Hay chỉ đến khi qua đôi mắt của một
nhà văn như Nguyễn, chính lão ta hay những người đọc như chúng ta mới bắt đầu tự
ngẫm về công việc này. Với mỗi hòn đá, kiểu đá khác nhau; chẳng nề hà khó nhọc, lại
càng không khinh suất, ông “ứng xử” khác nhau - một kiểu ứng xử rất khéo mà dường
như chỉ có những người làm nghệ thuật mới “nhạy” đến vậy. Tôi chợt nghĩ đến cách
mà Dượng Hương Thư đã “vượt thác” trong một tác phẩm của nhà văn Võ Quảng:
“Dượng Hương Thư đánh trần đứng sau lái co người phóng chiếc sào xuống lòng sông
nghe một tiếng “xoạc”! Thép đã cắm vào sỏi! Dượng Hương Thư ghì chặt lên đầu sào,
lấy thế trụ lại, giúp cho chú Hai và thằng Cù Lao phóng sào xuống nước…” Dù là “trạc
ngoại tứ tuần” như Dượng Hương Thư, hay ở cái độ tuổi “thất thập” như người lái đò,
thì ta vẫn thấy một điểm chung giữa những con người lao động thời kỳ mới: Dũng
cảm, tài ba, mưu trí đến độ! Sẽ là một sự ngạc nhiên đối với tất cả chúng ta, khi ta được
chiêm ngưỡng cái cách một ông lão đã tầm 70 “tránh mà rảo bơi chèo”, “đè sẩn lên mà
chặt đôi ra”. Tôi gọi đó là “sức trẻ”, là năng lượng dồi dào của những con người mang
trong mình “chất vàng mười đã qua thử lửa”. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tuân
lại “giấu đi” cái tên của nhân vật. Ông không định danh nhân vật của mình bằng tên
gọi, mà định danh nhân vật bằng tính cách, bằng phẩm chất chung như một đại diện
cho cả thế hệ người. Sau này, nghiên cứu - phê bình văn học hiện đại gọi đó là thủ
pháp “mờ hóa”. Vậy dụng ý của sự mờ hóa này là gì? Phải chăng, Nguyễn Tuân không
chỉ dành riêng sự ưu ái để ngợi ca một người lái đò đơn độc giữa sông nước; mà cái cốt
yếu sâu xa hơn, nhà văn đang muốn ngợi ca bức tranh toàn cảnh về con người Việt
Nam thuở ấy - con người Việt Nam thời kỳ lao động mới?

Một người lái đò từng trải, tài hoa, tài ba, mưu trí, dũng cảm! Bao nhiêu năm
qua, cũng đã từng có biết bao người lái đò xuất hiện trong văn học. Nhưng đến
Nguyễn Tuân, vẻ đẹp ấy không chỉ là những phẩm chất thường gặp, mà cái cốt là sự
phóng chiếu phẩm chất tài hoa nghệ sĩ vào trong đời sống lao động của con người. Lao
động không chỉ là khó nhọc, là vất vả; hóa ra, lao động là một hành trình kiến tạo, là
một “cuộc chơi” nghệ thuật, một phần trình diễn độc đáo. Người lái đò - con người ấy
hiện lên giữa bức tranh sông nước, giữa lối chơi “độc tấu” của một con người phải lòng
với tùy bút như Nguyễn quả là một may mắn. Nếu như dòng tùy bút trước Cách mạng
Tháng Tám của Nguyễn Tuân thấm đẫm sự kiêu bạc của cái “tôi” tác giả - một con
người tài hoa, muốn “nổi loạn” chống lại xã hội phàm tục; thì sau Cách mạng, ông đã
hòa mình vào cuộc sống của nhân dân, rũ bỏ cái “tôi”, vươn lên thành người chiến sĩ
trên mặt trận văn hóa văn nghệ. Cách mạng đã mang đến một hơi thở mới và cuộc “lột
xác” ngoạn mục trong văn Nguyễn Tuân. Thuở ấy, chính ông cũng đã tự thừa nhận
rằng: “Chưa có thu nào mà mây mùa khói mùa đẹp được như mây khói mùa này. Sớm
cũng như hôm, bốn chiều tám hướng chân giời Việt Nam nổi bồng lên những hình
mây khỏe mạnh và những sắc mây lộng lẫy” (Ngày đầy tuổi tôi cách mạng). Nguyễn
quyết tâm “tự đào thải hết mọi cố nhân trong lòng mình”. Gạt qua những kiểu người
“tài hoa”, những kiểu sống “tài tử” từng được xem như là “đạo sống”, để mọi thứ trở
thành “vang bóng một thời”, Nguyễn Tuân giờ đây đã hướng ngòi bút của mình đến
việc khám phá đời sống, vẻ đẹp thiên nhiên - đất nước - con người. Đặc biệt là những
người lao động bình thường, giản dị mà rất mực tài hoa, dũng cảm. Không còn cảm
giác “thiếu quê hương” như trước kia nữa, nhà văn giờ đây coi quê hương gói lại trong
từng con nước nhỏ, từng dòng thác, từng con người lao động vô danh như một ông lái.
Có thể nói, tùy bút Nguyễn Tuân thấm đượm thứ văn hóa Đông Tây đã được ông tiếp
nhận - không chỉ hiểu triết lý mà còn thấm cả đạo lý, dù hấp thụ sâu sắc chủ nghĩa tự
do cá nhân vẫn thấy mình nặng nợ với đất nước, với làng xóm, phố phường, thấy mình
có gốc rễ từ lịch sử.

Đến đây, ta thật sự khâm phục “bút pháp xây dựng nhân vật” của Nguyễn
Tuân. Sáng tạo nghệ thuật, một khi đã lấy nhân vật như một sự phản ánh cho tư tưởng,
tình cảm của mình; nghệ sĩ phải thật sự để tâm để bút pháp để khắc họa những con
người ấy. Trong văn học, bút pháp nghệ thuật chính là cách thức nhà văn sử dụng
ngôn từ, kết cấu và các phương tiện nghệ thuật khác để xây dựng nên thế giới nghệ
thuật. Trong tiếng Latin, bút pháp còn gần nghĩa với từ “phong cách”, “văn phong”, và
dưới góc độ lý luận, ta có thể hiểu bút pháp là một khía cạnh, một yếu tố của phong
cách nghệ thuật. Bút pháp xây dựng nhân vật chính là cách mà người viết vận dụng
các phương tiện nghệ thuật cần thiết để kiến tạo bức chân dung nhân vật, từ cách mô
tả nhân dạng đến nhân tính, ngoại hình đến suy nghĩ, hành động và tính cách. Ở tùy
bút “Người lái đò sông Đà”, ta thấy Nguyễn Tuân đã vận dụng rất linh hoạt bút pháp,
kết hợp giữa việc mô tả ngoại hình, hành động và tích cách của con người. Ở đó, nhà
văn không chỉ mô tả một cách bình thường như một nhà ký họa, mà còn gửi gắm vào
đó cái tôi trữ tình độc đáo, đậm chất tài hoa, lãng mạn; thông qua hệ thống ngôn từ
mới mẻ. Lắm khi, nhà văn cũng không thể nào giấu đi được cái khinh bạc, cái “ngông”
vốn đã là bản chất xưa nay của mình. Bút pháp linh hoạt đó giúp cho nhân vật hiện lên
một cách rõ nét, mang một linh hồn, một nét đẹp dù có vẻ chung đấy, nhưng cũng
cực kỳ riêng biệt. Bút pháp trên có thể xem là một chiếc chìa khóa để Nguyễn Tuân dễ
dàng khai mở thế giới tính cách của nhân vật, từ đó, ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con
người lao động thời kỳ mới. Mỗi nhà văn có một bút pháp riêng, một chiếc chìa khóa
riêng như vậy! Không chỉ thế, chính bút pháp khác biệt này cũng giúp cho văn Nguyễn
Tuân mang đậm dấu ấn nghệ thuật riêng, một nét phong cách riêng, để người đọc chỉ
cần đọc qua đôi ba dòng đã thốt lên rằng: “Đấy là Nguyễn! Chỉ có thể là Nguyễn!”
Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Anh Đức đã dành hết lời ngợi khen cây bút này:
“Không biết chừng nào mới lại có một nhà văn như thế... Tuôn ra đầu ngọn bút đều
như có đóng một dấu triện riêng”. Dù trước hay sau Cách mạng, Nguyễn Tuân vẫn giữ
được nét riêng trong bút pháp của mình: trữ tình, lãng mạn, độc đáo, tài hoa. Nhờ
những nhà văn với những bút pháp riêng biệt, mà văn chương không chỉ Việt Nam nói
riêng mà thế giới nói chung trở nên phong phú hơn bao giờ hết!
Tóm lại, đọc “Người lái đò sông Đà”, ta được chứng kiến vẻ đẹp của những con
người trong khung cảnh đời sống lao động mới, với những phẩm cách cao quý, đáng
tôn vinh. Họ là những đại diện tiêu biểu cho cuộc sống mới của dân tộc.

“Ôi những dòng sông bắt nước từ lâu

Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi…”

(Đất nước)

Có lẽ người lái đò kia, hay bất kỳ một con người vô danh nào khác - vẫn lặng lẽ
ngày đêm lao động, duy trì các tuyến đò chở hàng lên vùng cao, làm nên cái “trăm
màu” trên con sông lịch sử. Ở “Người lái đò sông Đà”, ta còn thấy được cái phóng túng
của Nguyễn Tuân khi chơi lối chơi “độc tấu” của tùy bút: ngôn từ điêu luyện, được gọt
giũa công phu; cách sử dụng những hình ảnh so sánh, liên tưởng độc đáo; kết hợp cảm
quan nghệ thuật - hội họa - điện ảnh thật tài tình. Nguyễn Tuân đúng thực hợp với tùy
bút. Tùy bút và Nguyễn Tuân như một cuộc gặp gỡ của đôi tri kỷ, rất hợp để hiểu nhau,
rất hợp để nhà văn này thỏa sức tung hoành câu chữ: những nét chữ tự do, phóng
túng nhưng cũng rất tài hoa, uyên bác và gần gũi. Ta biết không, Nguyễn Tuân từng tự
nhận mình là một người lao động, như bất cứ nghề lao động nào khác. Trong các bản
khai về nghề nghiệp, thay vì viết “Nhà văn”, hoặc “Người viết văn”, ông ghi: “Chuyên
viên tiếng Việt!”

Song, văn của Nguyễn Tuân không phải ai cũng đọc được. Nhớ lại lời kể của Tô
Hoài trong hồi ký “Cát bụi chân ai”: “Văn của Nguyễn Tuân là thứ văn kén người đọc, có
người không thể chịu nổi cái giọng khệnh khạng của Nguyễn Tuân, nhưng nếu đã mê
thì mê như điếu đổ”. Có người đọc Nguyễn Tuân thấy khó chịu. Khó chịu vì lão này mê
chữ nghĩa quá chăng? Khó chịu vì lão này tham kiến thức quá chăng? Cũng phải thú
thật, Nguyễn Tuân không phải là nhà văn “được lòng” mọi độc giả của mình, kể cả
những nhà văn khác. Nguyễn khệnh khạng vậy, nhưng bước vào văn đàn là rẽ riêng
một “phái”, chọn riêng một “chỗ đứng” để không trùng lẫn với bất cứ ai. Ăn một bát
phở mà thấy cả phố phường ăn theo, người đã tỏ ra khó chịu. Viết một bản thảo, người
còn phải viết bằng giấy hoa, được ủ hương bưởi. Cái chất ngông ấy là chất keo kết dính
ông với nghệ thuật, để dẫu đi đâu, viết gì, hễ cứ nhìn thấy những câu từ kiêu bạc hay
tài hoa, người ta lại nhớ ngay đến con người ấy. Dù sao đến cuối cùng, dù yêu hay ghét,
ta vẫn nên dành một thái độ tôn trọng đối với một nghệ sĩ đã làm cho văn đàn Việt
Nam đỡ nhàm chán hơn rất nhiều!

Nguyễn Tuân - một người với quan niệm rất chặt chẽ, nghiêm chỉnh, cẩn trọng
về nghề, luôn tận tụy hết mình, dốc cạn mình - để đến với cái đẹp. Trong cuộc đời cầm
bút, ông tâm niệm phải viết cho ra được những con chữ có gân, có mắt, những con
chữ phải nói lên được khí phách “tung hoành của một đời người”. Có lẽ câu chuyện của
Nguyễn Tuân trở thành một định hướng cho rất nhiều người làm nghề sáng tạo. Đã
viết văn, phải sợ con chữ mình bị thấp khớp. Đã viết văn, phải sợ văn mình bị cứng đơ. Ý
thức được như vậy thì người viết mới chỉn chu hơn trong công việc sáng tạo. Hãy nhớ
đến cảm giác của Nguyễn Tuân: “Hằng đêm, ngồi trước trang giấy đến sáng; đến sáng
mà vẫn không đưa được con thuyền chữ nghĩa vượt ra cái bờ sông quạnh vắng thê
lương thì thấy mình như một kẻ tầm thường, một kẻ bất lực”. Hơn nữa, mỗi người viết
cần phải cần mẫn như đời ong, nếu muốn “biến trăm hoa thành mật ngọt” thì phải “đòi
vạn chuyến ong bay” (từ dùng của Chế Lan Viên). Làm sao có thể khép cửa phòng văn
mà hì hục viết? Về phía người đọc, chúng ta cần thiết phải trân trọng những tác phẩm
của những nhà văn như vậy, bởi đó là tinh túy được chắt lọc kỹ càng, và là những câu
chuyện giúp ta tự khai phóng chính mình ra khỏi sự nhàm tẻ của thực tại, vươn đến
chân trời lý tưởng của thẩm mỹ và nhân văn.

60 năm trước, ta nhìn thấy một người lái đò thật đẹp như vậy trên trang viết
Nguyễn Tuân. 60 năm sau - ngay lúc này đây, khi đời sống đã khoác lên mình bộ áo
mới: bộ áo của cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta còn giữ cho mình nguyên vẹn
những phẩm cách tốt đẹp ấy? Chúng ta hiếm thấy hơn những người lái đò. Chúng ta
hiếm thấy hơn những cuộc chiến trên trận địa sinh tử với thác ghềnh, với nước non.
Ngày nay, lao động của chúng ta có vẻ đa dạng hơn, và cuộc sống của con người cũng
có vẻ “hưởng thụ” hơn:

“Em có chạnh lòng chăng

giữa thành phố huy hoàng bạt ngàn quán nhậu…”

(Nguyễn Duy)

Vậy giữa thành phố huy hoàng bạt ngàn quán nhậu này, ta đã thử bao giờ cảm
thấy chạnh lòng thay? Rằng ở một nơi nào đó trên dải đất chữ S này, có những người
lao động thầm lặng, vô danh vẫn ngày đêm miệt mài kiến tạo…

Copyright: Đặng Văn Quang - founder GAC VAN

——— Hết ———

You might also like