You are on page 1of 2

Chương 5:

Tử viết:
1. Thiên địa bất nhân; Dĩ vạn vật vi sô cẩu; Thánh nhơn bất nhân; Dĩ bách tánh vi sô cẩu.
(cực: thịnh – suy)
2. Thiên địa chi gian; Kỳ do thác nhược hồ; Hư nhi bất khuất; Động nhi dũ xuất,
(thịnh – suy đắp đổi, lên – xuống tùy thời; âm - dương giao hòa; những sự tồn tại cứ thế
liên miên bất tuyệt. Một phần nói Đạo là động lực ban cho chúng sinh sinh xuất; “thiên
địa chi gian” là nói về chúng sinh cũng thế, đời sống cứ liên tục)
3. Đa ngôn sổ cùng; Bất như thủ trung.
(nếu chỉ thiên về một cực thì sinh bất an; cần phải giữ mình ở “trung” – mức giữa, không
thiên về cực nào, được cái tâm thế bình an)
Dịch rằng:
1. Trời đất không có lòng nhân, coi bách tính như chó rơm; Thánh nhân không có lòng
nhân, coi bách tính như chó rơm.
2. Khoảng trời đất giống như ống bễ. Trống không mà không hao kiệt, càng động, hơi
càng ra.
3. Nói nhiều cũng chẳng hết, thà giữ lấy Trung.
Bình chú:
1. Trời Đất cao rộng vô cùng, vốn chí công vô tư, không hề thiên vị bất kỳ ai. Vạn vật tồn
tại, sinh sinh diệt diệt giữa khoảng đất trời cũng nương nhờ những quy luật vận động mà
tạo hóa đặt định mới có thể tồn tại. Lòng nhân của người thì phân chia yêu – ghét. Vì có
sự phân chia sai biệt, nên thành ra phải thuận theo một hướng này hay hướng khác. Trong
khi đó, trời đất chở che muôn loài cỏ cây, từ những gì to lớn đến những điều nhỏ bé, từ
thứ sang giàu đến thấp hèn, dơ bẩn. Đó chẳng phải là “lòng nhân” tầm thường của nhân
thế mà đích thị vô vàn cao cả. Đạo là cái luật lạnh lùng, không vì kẻ chết rét mà dẹp cả
mùa đông, chỉ có những cái “lòng nhân to lớn – đại ái” là các quy luật bao quát chứa
đựng muôn loài. Cũng vì quá cao cả, đến nỗi nhân thế không mấy ai cảm được, biết được
nên bị cho là “bất nhân”. Giá như Trời Đất thiên tư thiên vị (có lòng nhân như con
người), thì Trời Đất đã của riêng một thứ nào đó chứ đâu còn là chung, đâu còn là vô
biên vô tận nữa. Suy tưởng sâu rộng ra khỏi chủ thể “Trời và Đất”, ta nhận thấy Đạo
không khinh bên nào, trọng bên nào, mà đều như nhau, tùy thời gian, không gian, tùy nhu
cầu, công dụng mà coi vạn vật như “chó rơm”. Đang lúc cúng tế được thời thì trọng
dụng, sái thời thì bỏ đi chứ không câu nệ níu kéo.
Ta thấy ở câu văn tiếp theo, “dĩ vạn vật vi sô cẩu”, cái gọi “sô cẩu” chính là con chó được
bện bằng rơm trong các dịp cúng tế ngày xưa. Trước khi cúng tế, vật này được trọng
vọng, tôn cao tôn quý, nhưng khi cúng tế xong rồi, vật bị vứt bỏ vô tình. Đạo với muôn
vật là như vậy, cái luật lạnh lùng, trông có vẻ tàn khốc, nhưng đó là cái vô tâm thường
tình. Vật hễ tới thời thịnh thì Đạo cứ để cho nó thịnh, tới thời suy vong thì cứ để nó suy
vong theo lẽ tự nhiên chứ không có níu giữ hay làm chậm cái suy vong đó. Tất cả đều tự
nhiên mà hành, nếu như xen tư tâm tư lợi vào trong vật thì Đạo đã không còn là Đạo.
Trần Trụ nói: “Trời đất sanh vạn vật, như sanh cây cỏ. Xuân thì đâm chồi, thu thì rụng lá.
Đang sanh thì quý, đã rụng thì bỏ đi. Xuân tới sanh lại, nhưng không còn là cây cỏ ngày
xưa. Thánh nhơn đối với trăm họ cũng thế.” Thánh nhơn noi theo trời đất, công bình vô
tư, không thiên vị kẻ nào, chẳng trọng chẳng khinh, chẳng phân chia sai biệt. Những bậc
ấy sống thuận theo thời gian, hoàn cảnh, hòa mình cùng muôn vật, thuận theo tự nhiên,
theo ý trời. Vì chẳng thiên tư thiên vị ai, nên cũng bị xem là bất nhân.
Tuy nói là bất nhân, nhưng lòng nhân vô kể. Đó là cái lòng nhân to lớn của Trời Đất, tạo
hóa mà không phải ai cũng nhận ra được.
2. Đạo tuy là “bất nhân”, nhưng dụng thì vô cùng vô kể. Ta có thể ví dụng của Đạo như
ống bễ thợ rèn. Lòng của ống bễ thì trống không, cũng giống như “Đạo xung nhi dụng
chi hoặc bất doanh”, thì ống bễ công dụng nó một hô hấp mà thành ra vô tận nên mới nói
“càng động càng hơi ra”, tức là trong không mà sanh có, có với không liên miên bất
tuyệt. Một hô một hấp, tựa âm tựa dương, tương sinh tương khắc, cứ như thế vạn vật có
thể sinh sinh hóa hóa khôn cùng khôn tận.
Tại sao “bất nhân” mà vẫn có được cái dụng “Hư nhi bất khuất; Động nhi dũ xuất”. Đó là
bởi “Đại ái vô tình”. Mặc cho những quy luật lạnh lùng đặt định trên muôn sinh, nhưng
chung quy lại, tất cả đều dựa trên lòng từ bi cao cả. Đạo không phải bỏ mặc chúng sinh.
Ngài tựa như một đấng phụ mẫu nghiêm khắc, nhưng cũng ẩn chứa bên trong lòng
thương yêu vô tận. Ngài đã tiên liệu, đã đặt để cho chúng sinh một con đường, dù chúng
sinh có vấp ngã, có chậm bước trên đó, thì rồi với nhiều phương thế và cách thức, ngài sẽ
giúp chúng có thể bước tiếp và đến cùng đích đời mình. Cùng đích này không ai khác,
chính là trở về với ngài.
3. Đạo là “bất nhân”, nhưng cũng là “đại ái”. Sự diệu huyền, lòng từ bi của ngài không
sao có thể nói hết ra được. Nói đến Đạo chẳng cần phải nhiều lời:“Một lời đủ giác ngộ,
nửa câu đủ thấu huyền”. “Trung” chính là trung với Đạo của mình. Mỗi người đều có
Đạo ẩn sâu bên trong, muôn vật cỏ cây cũng có Đạo hiện hữu, gắn bó gần gũi. Có trung
với tâm Đạo của mình thì mới có cái tâm bất biến, tựa như thủ lấy một ngọn đuốc soi
đường đem đen. “Thà rằng ôm ấp đạo mình – Còn hơn vất vả thuyết minh cả đời”. Như
những kẻ lo toan cho việc bao biện, tranh chấp thì chỉ càng thấy bất hạnh và khổ đau mà
thôi.

You might also like