You are on page 1of 18

GIẬN DỮ

Giận dữ là
nhiên liệu. Chúng ta TUẦN 3
cảm nhận nó và Tuần này, có thể bạn sẽ phải giải quyết các cơn bùng
chúng ta muốn làm phát năng lượng không quen thuộc và những đỉnh điểm
cái gì đó: đánh ai đó, giận dữ, vui mừng và đau khổ. Bạn đang lấy lại sức
đập vỡ cái gì đó, đấm mạnh khi cái đế ảo tưởng của “những giới hạn trước
vào tường, nói với đây được chấp nhận” của bạn bị lung lay. Bạn sẽ phải
mấy tên khốn nạn thử nghiệm mở mang đầu óc tâm linh một cách có chủ
đó… Nhưng chúng ta ý.
là người tử tế, và cái
chúng ta làm với sự
giận dữ của mình là nhồi thêm cho nó, phủ nhận nó, chôn vùi nó, ngăn chặn nó,
che giấu nó, nói dối về nó, uống thuốc để trị nó, bịt miệng nó, phớt lờ nó. Chúng ta
làm mọi thứ trừ lắng nghe nó.
Giận dữ cần phải được lắng nghe. Giận dữ là một giọng nói, một tiếng gào,
lời cầu xin, sự đòi hỏi. Giận dữ cần phải được tôn trọng. Tại sao? Vì giận dữ là một
tấm bản đồ. Giận dữ chỉ cho chúng ta thấy đường ranh giới của chúng là ở đâu.
Giận dữ chỉ cho chúng ta biết chúng ta muốn đi đâu. Nó cho chúng ta thấy chúng
ta đã ở đâu và cho chúng ta biết khi nào chúng ta không thích nó. Trong quá trình
phục hồi của một nghệ sĩ bị bế tắc, giận dữ là dấu biệu của sức khỏe.
Giận dữ cần phải được xử lý. Giận dữ không phải để đấy. Giận dữ chỉ ra
phương hướng. Chúng ta phải coi giận dữ như một loại nhiên liệu để làm điều cần
làm, để đi tới nơi cơn giận dữ chỉ đường cho chúng ta tới. Với một chút tư duy,
chúng ta có thể dịch được thông điệp mà cơn giận dữ đang gửi đến.
“Tôi chỉ lấy năng lượng dùng để bĩu môi và viết vài bản nhạc blue thôi.”
-Duke Ellington-
“Đá hắn đi! Tôi có thể làm một bộ phim hay hơn thế!” (Cơn giận dữ này nói:
bạn muốn làm phim. Bạn cần học cách làm phim).
“Không thể tin được! Tôi có ý tưởng này cho một vở kịch ba năm trước, và
giờ cô ta đã viết nó!” (Cơn giận dữ này nói: đừng có trì hoãn. Ý tưởng không mang
lại những đêm diễn mở màn. Chỉ các vở kịch hoàn thiện mới làm thế được. Hãy
bắt đầu viết đi).
“Anh ta đang sử dụng chiến lược của tôi. Thật không thể tin được! Tôi đã bị
lừa! Nhẽ ra tôi phải hoàn thành và đăng ký bản quyền!” (Cơn giận dữ này nói: đã
đến lúc coi trọng ý tưởng của bạn và đối xử tốt với chúng).
Khi cảm thấy giận dữ, chúng ta thường bực tức rằng: mình đang cảm thấy
giận dữ. Cơn giận dữ khốn kiếp! Nó bảo cho chúng ta biết chúng ta không thể chạy
cùng một cuộc sống cũ của chúng ta nữa. Nó bảo với chúng ta rằng cuộc sống cũ
đó đang hấp hối. Nó bảo rằng chúng ta đang được tái sinh, và sinh nở thì đau đớn.
Sự đau đớn đó sẽ làm chúng ta tức giận.
Giận dữ là cơn bão lửa báo hiệu cái chết của cuộc sống cũ của chúng ta.
Giận dữ là nhiên liệu đẩy chúng ta vào một cuộc sống mới. Giận dữ là công cụ chứ
không phải ông chủ. Giận dữ cần phải được tận dụng và khai thác. Nếu được sử
dụng đúng cách, giận dữ có thể hữu ích.
Sự lười biếng, thờ ơ và tuyệt vọng là kẻ thù. Giận dữ thì không phải. Giận
dữ là bạn chúng ta. Không phải bạn tốt, cũng chẳng phải bạn hiền, nhưng lại là một
người bạn rất, rất trung thành. Nó sẽ luôn nói cho chúng ta biết khi nào chúng ta bị
phản bội. Nó sẽ luôn nói cho chúng ta biết khi nào chúng ta phản bội chính chúng
ta. Nó sẽ luôn bảo chúng ta rằng đến lúc phải hành động vì lợi ích tốt nhất của
chúng ta.
Giận dữ không phải là hành động. Nó là lời mời của hành động.
Trùng hợp
Những lời cầu nguyện được đáp lại thật đáng sợ. Chúng ngụ ý trách nhiệm.
Bạn hỏi xin trách nhiệm. Giờ thì khi có nó, bạn sẽ làm gì? Có lý do nào khác cho
câu cảnh báo “Cẩn thận với những gì bạn cầu xin, vì biết đâu bạn lại được toại
nguyện?” Những lời cầu nguyện được đáp lại trao chúng ta trở lại bàn tay của
chính chúng ta. Điều này thật không thoải mái. Đối với chúng ta, việc chấp nhận
chúng như những ví dụ về sự trùng hợp là việc làm dễ dàng hơn:
 Một phụ nữ thừa nhận giấc mơ bị chôn giấu của cô là trở thành diễn viên.
Bữa tối ngày hôm sau, cô ngồi cạnh một người đàn ông chuyên dạy diễn
viên mới vào nghề.
 Một nhà văn thừa nhận mơ được đi học trường điện ảnh. Một cuộc điện
thoại thăm dò giúp ông liên lạc được với vị giáo sư biết và ngưỡng mộ các
tác phẩm của ông, vị giáo sư đó hứa rằng chỗ cuối cùng trong trường là dành
cho ông.
 Một người phụ nữ đang muốn đi học lại và mở hộp thư ra thì thấy có một
bức thư yêu cầu nộp hồ sơ đến từ chính ngôi trường mà bà đang nghĩ tới.
 Một người phụ nữ phân vân làm thế nào để thuê được một bộ phim hiếm mà
bà ta chưa từng được xem. Hai ngày sau, bà tìm thấy nó tại hiệu sách gần
nơi bà ở.
 Một doanh nhân đã bí mật viết lách trong nhiều năm hứa với chính mình là
sẽ nhờ một nhà văn chuyên nghiệp cho ý kiến về tài năng của ông. Đêm hôm
sau, trên bàn bi-a, ông gặp một nhà văn, người sau này trở thành cố vấn và
cộng tác với ông để cho ra đời vài cuốn sách thành công.
“Khi một người bước một bước về phía Chúa, Chúa bước về phía người đó
bằng số bước nhiều hơn các khoảnh khắc trong thế giới thời gian.”
-Tác phẩm Xe ngựa kéo-
“Vũ trụ sẽ ban thưởng cho bạn vì bạn đã chấp nhận rủi ro thay mặt vũ trụ.”
-Shakti Gawan-
Kinh nghiệm của tôi cho thấy chúng ta sợ việc có thể có Chúa hơn là có thể
không có Chúa. Những sự việc như trên xảy ra với chúng ta, nhưng chúng ta chỉ
coi là sự trùng hợp. Mọi người thường nói rằng thật đáng sợ nếu chúng ta không có
Chúa. Tôi thấy nói như vậy thật là vớ vẩn. Hầu hết chúng ta đều cảm thấy thoải
mái hơn nhiều khi không bị ai đó theo dõi quá sát sao.
Nên Chúa (ý tôi không nhất thiết phải là một khái niệm đơn thuần Thiên
Chúa giáo, mà là một thế lực có quyền lực tuyệt đối và thông thái vô biên) không
tồn tại, thế thì tất cả chúng ta đều được giải thoát, có phải vậy không? Không có sự
trừng phạt từ Chúa, không có sự an ủi từ Chúa. Và nếu toàn bộ trải nghiệm diễn ra
rất tệ, bạn đã kỳ vọng điều gì?
Câu hỏi về kỳ vọng đó thu hút sự chú ý của tôi. Nếu không có Chúa, hoặc
nếu vị Chúa đó không quan tâm đến những chuyện vặt vãnh của chúng ta, thì mọi
thứ có thể diễn ra êm ái như thường lệ và chúng ta có thể cảm thấy khá có lý khi
tuyên bố một số điều là không thể, những thứ khác không công bằng. Nếu Chúa
(hoặc không có Chúa) chịu trách nhiệm cho tình trạng thế giới, thì chúng ta có thể
dễ dàng trở nên hoài nghi và nộp mình cho sự vô cảm. Tác dụng là gì? Tại sao phải
cố gắng thay đổi mọi thứ?
Tác dụng là đây. Nếu có một thế lực sáng tạo sẵn sàng đáp lại chúng ta và
hành động thay mặt chúng ta, thì chúng ta có thể làm được một số việc. Tóm lại,
trò chơi đã kết thúc. Chúa biết rằng không có giới hạn nào cả. Bất cứ ai trung thực
sẽ nói với bạn rằng khả năng xảy ra đáng sợ hơn nhiều khả năng không xảy ra,
rằng tự do đáng sợ hơn nhiều so với bất kỳ nhà tù nào. Trên thực tế, nếu chúng ta
phải đương đầu với một thế lực nằm ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta và tham
gia vào cuộc sống của chúng ta, thì chúng ta có thể phải bắt tay thực hiện những
giấc mơ trước kia là không thể.
“Khám phá được cho là cuộc gặp gỡ giữa một sự tình cờ với một bộ óc đã
được chuẩn bị.”
-Albert Szent-Gyorgyi-
“Có bao giờ bạn quan sát sự tình cờ xảy ra với ai không? Sự tình cờ chỉ
giúp đỡ bộ óc đã được chuẩn bị.”
-Louis Pasteur-
Cuộc sống là những gì chúng ta hiểu về nó. Cho dù chúng ta hình dung ra
một vị Chúa ở bên trong hoặc một vị Chúa khác ở bên ngoài thì điều đó cũng
không quan trọng. Tìm cách dựa vào thế lực đó mới quan trọng.
“Hỏi và bạn sẽ nhận được. Gõ và nó sẽ mở ra cho bạn…” Đây là một trong
số những câu nói khó chịu được gán cho Chúa Jesus. Những câu này gợi ý khả
năng áp dụng phương pháp khoa học: hỏi (thí nghiệm) và xem điều gì xảy ra (ghi
lại kết quả).
Có gì ngạc nhiên không khi chúng ta coi nhẹ những lời cầu nguyện được đáp
lại? Chúng ta gọi nó là sự trùng hợp. Chúng ta gọi nó là may mắn. Chúng ta gọi nó
là bất cứ thứ gì trừ bản chất của nó – bàn tay của Chúa, hoặc cái thiện được kích
hoạt bởi chính bàn tay của chúng ta khi chúng ta hành động để nâng đỡ những giấc
mơ đích thực của mình, khi chúng ta nguyện trung thành với tâm hồn mình.
Kể cả một người nhút nhát cũng có những khoảnh khắc cam kết như thế này:
“Trước sau gì tôi cũng sẽ mua được một chiếc ghế đôi!” Và rồi, “Tôi đã tìm được
chiếc ghế đôi hoàn hảo. Đó là điều kỳ lạ. Tôi sang nhà dì Bernice và hàng xóm của
dì đang bán đồ cũ ở ga ra, cô ấy có cái ghế đôi tuyệt vời này nhưng chồng cô lại bị
dị ứng với nó!”
Lewis và Clark tiến về phía tây, Isak Dinesen cất cánh đi châu Phi. Chúng ta
ai cũng có châu Phi của riêng mình, những ý niệm bí hiểm và lãng mạn đã thu hút
sự chú ý của cái tôi sâu thẩm nhất trong chúng ta. Khi đáp lại tiếng gọi đó, khi
nguyện trung thành với nó, chúng ta khởi động nguyên tắc mà C. G. Jung gọi là
“sự trùng hợp”, được định nghĩa chung chung là sự ăn khớp tình cờ của các sự
kiện. Hồi thập kỷ 60 của thế kỷ XX, chúng ta gọi nó là “sự ngẫu nhiên”. Cho dù
bạn gọi nó là gì, một khi bắt đầu quá trình hồi phục, bạn có thể giật mình khi thấy
nó xuất hiện bất chợt ở khắp mọi nơi.
Đừng ngạc nhiên nếu bạn tìm cách coi thường nó. Nó có thể là một khái
niệm rất đáng sợ. Tuy bài báo của Jung nói rằng sự trùng hợp là hòn đá tảng trong
tư duy của ông, song rất nhiều người lại muốn tin rằng đó là một dạng vấn đề ngoài
lề hơn.
“Tình cờ luôn có sức mạnh. Hãy luôn thả câu; trong cái ao nơi bạn ít ngờ
nhất, sẽ luôn có một con cá.”
-Ovid-
Jung có thể khác họ. Làm theo chỉ dẫn ở bên trong mang lại cho ông kinh
nghiệm và giúp ông mô tả một hiện tượng mà một số người trong chúng ta thích bỏ
qua: khả năng tồn tại một vũ trụ thông minh và đáp ứng nhanh, hành động và phản
ứng vì lợi ích của chúng ta.
Theo kinh nghiệm của tôi thì điều này là đúng. Tôi đã học cách không bao
giờ hỏi liệu mình có thể làm điều đó không. Thay vào đó, hãy nói rằng mình đang
làm điều đó, rồi thắt dây an toàn vào. Những điều đáng chú ý nhất sẽ xảy ra theo.
“Chúa thật hiệu quả”, nữ diễn viên Julianna McCarthy luôn nhắc tôi như
vậy. Đã nhiều lần tôi trầm trồ trước bàn tay khéo léo mà vũ tru dùng để phát quà.
Khoảng sáu năm trước, một vở kịch của tôi được chọn trình diễn trên sân
khấu lớn ở Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn Denver. Tôi đã viết vở kịch này với
suy nghĩ trong đầu là bạn tôi, Julianna, sẽ đóng vai chính. Nhưng khi tôi đến
Denver, việc chọn vai đã hoàn tất. Ngay khi gặp nữ diễn viên chính, tôi có cảm
giác kỳ lạ là đang có một quả bom đang kêu tích tắc. Tôi nói điều này với đạo diễn,
nhưng đạo diễn đảm bảo với tôi rằng cô ấy là một diễn viên hoàn hảo. Tuy vậy,
cảm giác kỳ lạ vẫn đeo bám tôi. Quả đúng như vậy, một tuần trước đêm diễn mở
màn, cô diễn viên chính đột ngột xin rút khỏi vở kịch của tôi và Painting Churches
(tạm dịch: Sơn Nhà thờ), một vở kích đang chạy dở khác.
Trung tâm Denver rất sốc và hối hận. Họ cảm thấy vô cùng tồi tệ về thiệt hại
mà vở kịch của tôi phải gánh chịu do sự cố này. “Vậy tiếp theo đây, cô sẽ chọn
ai?” họ hỏi tôi. Tôi bảo họ: “Julianna McCarthy”.
Julianna được mời và bay từ Los Angeles đến. Ngay khi để mắt tới diễn xuất
của cô thì các đạo diễn đã không chỉ mời cô đóng trong vở kịch của tôi mà còn
đảm nhiệm luôn cả vai diễn trong vở Painting Churches.
“Chúa đang khoe đấy”, tôi cười với Julianna, rất vui khi cuối cùng cô cũng
đã có cơ hội làm vở kịch của cô ấy.
Theo kinh nghiệm của tôi, vũ trụ đồng ý với các kế hoạch xứng đáng, và
nhất là với các kế hoạch vui vẻ, to lớn. Tôi hiếm khi đề ra một kế hoạch ngon lành
mà không có các phương tiện để hoàn thành nó. Hãy hiểu rằng câu hỏi “cái gì”
phải đến trước “như thế nào”. Đầu tiên, hãy chọn cái bạn muốn làm. “Như thế nào”
rồi sẽ dần hiện ra trong đầu bạn.
“Khao khát, hỏi, tin tưởng và đón nhận.”
-Stelle Terrill Mann-
Khi nói về công việc sáng tạo, mọi người rất hay nhấn mạnh đến chiến lược.
Người mới vào nghề được khuyên là phải sử dụng thủ đoạn để xâm nhập vào lĩnh
vực. Tôi nghĩ đó là chuyện rất vớ vẩn. Nếu bạn hỏi một nghệ sĩ làm thế nào anh ta
có được vị trí hiện tại, anh ta sẽ không mô tả về việc xâm nhập mà sẽ nói về hàng
loạt những cơ hội may mắn. “Một ngàn bàn tay giúp đỡ vô hình”, Joseph Campbell
gọi những cơ hội đó như vậy. Tôi gọi chúng là sự trùng hợp. Quan điểm của tôi là
bạn có thể tin vào chúng.
Nên nhớ sáng tạo là một “trải nghiệm bộ tộc”, và “tộc trưởng” sẽ kết nạp
những người trẻ tài năng đi ngang qua họ. Điều này có thể nghe giống với kiểu tư
duy “cứ muốn là được”, nhưng thực tế không phải như vậy. Đôi khi một người
nghệ sĩ lớn tuổi cảm thấy cần phải giúp đỡ người khác, kể cả nếu điều đó đi ngược
lại với mong muốn của họ. “Không biết tại sao tôi lại làm việc này cho bạn,
nhưng…” Một lần nữa, tôi cho rằng một số bàn tay giúp đỡ có thể là cái gì đó còn
hơn cả con người.
Vũ trụ luôn hào phóng giúp đỡ. Nhưng chúng ta luôn tằn tiện đón nhận. Bất
cứ món quà nào cũng đều bị nghi ngờ và thường bị trả lại cho người gửi. Chúng ta
nói chúng ta sợ thất bại, nhưng cái làm chúng ta sợ hơn là khả năng thành công.
Hãy bước một bước nhỏ về phía giấc mơ và nhìn các cánh cửa đồng thời mở
ra. Vì nhìn thấy nghĩa là tin tưởng. Và nếu nhìn thấy kết quả của các cuộc thí
nghiệm của mình, thì bạn sẽ không cần tin tôi. Hãy nhớ câu châm ngôn “Cứ nhảy,
và cái lưới sẽ hiện ra”. Trong cuốn The Scottist Himalayan Expedition (Chuyến
thám hiểm Himalayan của người Scotland) của mình, W. H. Murray đã kể cho
chúng ta nghe về trải nghiệm thám hiểm của ông:
“Có một sự thật căn bản liên quan đến tất cả các hành vi sáng kiến (hoặc
sáng tạo) mà nếu phớt lờ nó thì chúng ta sẽ giết chết vô số ý tưởng và kế hoạch
tuyệt mỹ: trong thời khắc một người nguyện cam kết, Chúa cũng sẽ hành động.
Mọi thứ xảy ra là để giúp đỡ một người mà nếu không vì thế thì chúng sẽ
không bao giờ xảy ra. Một chuỗi các sự kiện đến từ quyết định đó, tạo ra hàng loạt
những sự việc, cuộc gặp gỡ và sự trợ giúp mà không ai có thể tin sẽ xảy ra với
mình.”
Nếu không tin Murray hoặc tôi, bạn có thể tin Goethe – nhà chính khách,
học giả, nghệ sĩ, một con người từng trải. Goethe đã nói về ý chí của Chúa hỗ trợ
nỗ lực của chúng ta như sau: “Bất cứ cái gì bạn nghĩ bạn có thể làm hoặc tin bạn có
thể làm, hãy bắt đầu nó. Hành động có phép thuật, lòng nhân từ và sức mạnh trong
nó.”
“Những khởi đầu đích thực bắt đầu từ bên trong chúng ta, kể cả khi chúng
lọt vào tầm chú ý của chúng ta bởi các cơ hội đến từ bên ngoài.”
-William Bridges-
Xấu hổ
Một vài người sẽ nghĩ rằng: “Nếu hành động dễ đến thế thì tôi đã chẳng phải
đọc cuốn sách này”. Những người sợ đến mức không dám hành động thường bị tấn
công bởi một kẻ thù lâu đời, đó là sự xấu hổ. Xấu hổ là một thiết bị điều khiển.
Làm cho ai đó xấu hổ là một nỗ lực ngăn không cho người đó cư xử theo cách làm
chúng ta bối rối, ngượng ngùng.
Làm một tác phẩm nghệ thuật có thể rất giống với việc tiết lộ một bí mật
thầm kín. Xét về mặt bản chất, tiết lộ bí mật bao gồm xấu hổ và sợ hãi. Nó đặt ra
câu hỏi “Họ sẽ nghĩ gì về tôi khi họ biết điều này?” Đây là một câu hỏi đáng sợ,
nhất là nếu chúng ta từng bị làm cho xấu hổ vì những hành vi tò mò và khám phá
của chúng ta.
“Sao con dám làm thế?”, người lớn thường nổi đóa khi đứa trẻ tình cờ phát
hiện ra một bí mật của gia đình. “Sao con dám mở hộp nữ trang của mẹ hả?”, “Sao
con dám mở ngăn kéo bàn của bố hả?”, “Sao con dám mở cửa phòng ngủ hả?”,
“Sao con dám đi xuống dưới hầm, lên tầng áp mái, vào một chỗ tối nơi bố mẹ giấu
những thứ bố mẹ không muốn cho con biết hả?” v.v..
Hành động làm nghệ thuật phơi bày một xã hội ra trước chính nó. Nghệ
thuật mang mọi thứ ra ánh sáng. Nó soi sáng chúng ta. Nó rọi tia sáng vào trong
tâm của bóng tối của chính chúng ta và nói “Thấy chưa?”
Chi phí của một vật là số lượng của cái mà tôi gọi là cuộc sống cần có để
đổi lấy vật đó, ngay trước mắt hay về lâu dài.”
-Henry David Thoreau-
Khi không muốn nhìn thấy thứ gì đó, người ta thường phát điên lên với
người đã cho họ xem cái dó. Họ giết người đưa tin. Vì sống trong một gia đình nát
rượu, một đứa bé đã gặp rắc rối trong việc học. Gia đình nó bị coi là có vấn đề.
Đứa bé bị làm cho xấu hổ vì đã mang ô nhục đến cho gia đình. Nhưng có phải đứa
bé mang ô nhục về không? Không. Nó mang những điều nhục nhã ra trước ánh
sáng. Nỗi nhục gia đình có trước và khiến cho đứa bé lo lắng, căng thẳng.
Nghệ thuật mở tủ quần áo, thông khí cho tầng hầm và tầng áp mái. Nó mang
lại sự hồi phục. Nhưng trước khi một vết thương có thể lành, nó phải được nhìn
thấy, và hành động phơi bày vết thương ra trước ánh sáng này, hành động của
người nghệ sĩ thường được phản ứng lại bằng việc gây ra sự nhục nhã. Những bài
phê bình tồi tệ là một nguồn gây nhục nhã hàng đầu đối với nhiều nghệ sĩ. Sự thực
là nhiều bài phê bình cố tình gây ra sự nhục nhã cho một nghệ sĩ. “Xấu hổ chưa!
Sao anh/chị dám làm ra cái thứ nghệ thuật kinh khủng đó cơ chứ?”
Với một nghệ sĩ đã từng trải qua thời thơ ấu bị sỉ nhục – vì cuộc sống nghèo
túng, hay vì bất cứ kỳ vọng gì – cảm giác hổ thẹn có thể xuất hiện kể cả khi không
có sự giúp sức của một bài phê bình sỉ nhục. Nếu một đứa trẻ từng bị ai đó làm cho
nó cảm thấy mình thật ngu ngốc vì tin rằng mình có tài, thì hành động thực sự kết
thúc một tác phẩm nghệ thuật sẽ là sự sỉ vả đến từ bên trong.
Nhiều nghệ sĩ bắt đầu một tác phẩm, tiến triển rất tốt, thế nhưng khi gần kết
thúc, họ lại thấy tác phẩm đó dường như bị rút cạn giá trị một cách khó hiểu. Nó
không còn đáng để họ bỏ ra công sức nữa. Theo nghiên cứu của các chuyên gia
tâm lý trị liệu, cơn bất cần đột ngột này là một cách đối phó thường được sử dụng
để phủ nhận đau đớn và tránh bị tổn thương.
Những người lớn lên trong gia đình không hạnh phúc thường sử dụng cách
đối phó này rất giỏi. Họ gọi nó là “thờ ơ”, nhưng thực ra nó là “tê liệt cảm xúc”.
“Tha về nhà một khúc xương vô hình” là cách một nghệ sĩ đang hồi phục mô
tả quá trình tìm kiếm vô ích một thành tựu đủ lớn để được gia đình công nhận.
“Cho dù chuyện có quan trong đến đâu, dường như họ cũng không bao giờ để ý
nhiều. Họ luôn thấy chuyện đó có gì không ổn. Nếu như tôi toàn được điểm A và
chỉ bị một điểm B, thế là cái điểm B đó thu hút sự chú ý của họ.”
“Chúng ta sẽ khám phá ra bản chất của tài năng khi chúng ta thôi không cố
gắng làm theo mẫu hình của chúng ta hay của người khác, học cách là
chính mình và cho phép cái kênh tự nhiên của chúng ta mở ra.”
-Shakti Gawain-
Một người nghệ sĩ trẻ tìm cách thu hút sự chú ý của cha mẹ bằng thành tựu
(tích cực hoặc tiêu cực) là một điều hết sức tự nhiên. Đối mặt với sự thờ ơ hoặc
giận dữ, những người trẻ đó nhanh chóng nhận ra rằng chẳng có khúc xương nào
được cha mẹ ủng hộ cả.
Với tư cách là những người làm sáng tạo, chúng ta thường bị sỉ nhục nhầm.
Từ sự sỉ nhục này, chúng ta nhận ra rằng việc chúng ta sáng tạo là không đúng. Sự
sỉ nhục sống mãi, chầu chực để bám vào các nỗ lực mới của chúng ta. Chính hành
động cố gắng làm nghệ thuật đã tạo ra sự sỉ nhục.
Đây là lý do tại sao rất nhiều bộ phim do sinh viên thực hiện không bao giờ
được gửi tới các liên hoan phim, nơi mọi người có thể xem chúng; tại sao vô số
tiểu thuyết xuất sắc lại bị tiêu hủy hoặc cất trong ngăn kéo bàn làm việc. Đây là lý
do tại sao các kịch bản không được sản xuất, tại sao các diễn viên tài năng không
thử vai. Đây là lý do tại sao nghệ sĩ thường cảm thấy xấu hổ khi thừa nhận những
giấc mơ của họ. Sự xấu hổ được tái kích hoạt trong chúng ta với tư cách là người
trưởng thành, vì người nghệ sĩ bên trong chúng ta luôn là một đứa trẻ sáng tạo. Vì
lẽ đó, Việc làm ra một tác phẩm nghệ thuật có thể khiến chúng ta cảm thấy xấu hổ.
Khi làm nghệ thuật, chúng ta không nghĩ đến bị phê bình đầu tiên, song nếu
người phê bình đặt ra câu hỏi kiểu như “Làm sao bạn có thể?” có thể khiến một
người nghệ sĩ cảm thấy mình giống như một đứa trẻ bị sỉ nhục. Một người bạn đưa
ra lời phê bình có tính chất xây dựng với một nhà văn mới vào nghề rất có thể
chấm dứt sự nghiệp của nhà văn đó.
Hãy để tôi nói rõ! Không phải lời phê bình nào cũng mang tính sỉ nhục. Trên
thự tế, kể cả lời phê bình gay gắt nhất cũng có xu hướng được đáp lại bằng một
tiếng “Ồ đúng vậy!” nếu nó chỉ ra cho người nghệ sĩ một con đường sáng tác mới
và đúng đắn. Phê bình có tính chất hủy diệt là những lời rẻ rúng, bác bỏ, nhạo báng
hoặc lên án. Phê bình kiểu này thường rất tàn độc nhưng không rõ ràng và khó
phản bác. Đó là kiểu phê bình tàn phá.
Khi bị kiểu phê bình đó sỉ nhục, một người nghệ sĩ có thể bị bế tắc hoặc thôi
không đưa tác phẩm của mình ra với thế giới. Một người bạn, giáo viên hoặc Nhà
Phê bình theo chủ nghĩa cầu toàn (ví dụ: một người cha/mẹ cầu toàn bắt bẻ với
từng dấu phẩy bị thiếu) có thể làm cụt niềm đam mê của một người nghệ sĩ trẻ,
người vẫn còn đang học cách “phóng thả ga”. Vì thế, với tư cách là nghệ sĩ, chúng
ta phải học cách tự bảo vệ mình.
Liệu điều này có nghĩa là không cần để tâm đến những lời phê bình? Không.
Nó có nghĩa là hãy học cách tìm kiếm những lời phê bình đúng đắn. Là nghệ sĩ,
chúng ta phải biết khi nào phê bình là phù hợp và phê bình đó là của ai. Ở đây,
không chỉ người phê bình mà thời điểm đưa ra lời phê bình cũng rất quan trọng.
Việc để người khác xem bản thảo đầu tiên của bạn là không phù hợp lắm, trừ phi
đó là người dễ tính và tinh tường nhất. Người thiếu kinh nghiệm hoặc hay chỉ trích
gay gắt có thể giết chết mầm nghệ thuật của bạn.
“Vì bạn không giống với bất kỳ ai khác từng được tạo ra kể từ khi thời gian
bắt đầu, nên bạn không thể đem ra để so sánh.”
-Brenda Ueland-
“Tôi đã tạo ra thế giới của tôi và nó là một thế giới tốt đẹp hơn nhiều so với
thế giới tôi đã thấy ở bên ngoài.”
-Louise Nevelson-
Là nghệ sĩ, chúng ta không thể kiểm soát mọi lời phê bình mà mình sẽ nhận
được. Chúng ta không thể làm cho các nhà phê bình lành mạnh, yêu thương hoặc
xây dựng hơn. Nhưng chúng ta có thể học cách an ủi đứa trẻ nghệ sĩ trong chúng ta
khi nó phải hứng chịu những lời phê bình không công bằng; chúng ta có thể học
cách tìm ra những người bạn mà chúng ta có thể bày tỏ nỗi đau đớn với họ một
cách an toàn. Chúng ta có thể học cách không phủ nhận hoặc nhồi nhét cảm xúc
khi tác phẩm của chúng ta bị chỉ trích gay gắt.
Nghệ sĩ đòi hỏi một cái lồng ấp an toàn. Trong trường hợp lý tưởng, nghệ sĩ
sẽ tìm thấy cái lồng ấp này đầu tiên trong gia đình, rồi ở trường, và cuối cùng trong
một nhóm bạn bè và những người ủng hộ. Là nghệ sĩ, chúng ta phải học cách tạo ra
những môi trường an toàn cho riêng mình. Chúng ta phải học cách bảo vệ đứa trẻ
nghệ sĩ khỏi sự sỉ nhục. Chúng ta làm việc này bằng cách xoa dịu những nỗi tủi hổ
thời thơ ấu, đưa chúng lên trang giấy và chia sẻ chúng với một người mà chúng ta
tin tưởng và không có thói quen sỉ nhục người khác.
Bằng cách kể các bí mật tủi nhục qua nghệ thuật, chúng ta giải phóng bản
thân và những người khác khỏi bóng tối. Sự giải phóng này không phải lúc nào
cũng được hoan nghênh.
Cần phải biết rằng khi các tác phẩm của chúng ta tiết lộ một bí mật nào đó
về tâm hồn con người, những người đọc nó có thể tìm cách hạ nhục chúng ta vì đã
dám tiết lộ bí mật đó.
“Thật kinh khủng!”, họ có thể công kích, trong khi thực ra tác phẩm đó
chẳng có vấn đề gì. Điều này có thể rất khó hiểu. Khi người ta nói với chúng ta
rằng: “Anh/chị thật đáng xấu hổ” và chúng ta cảm nhận được câu nói đó, chúng ta
phải học cách coi sự sỉ nhục này là một sự tái sáng tạo những nổi tủi hổ thời thơ
ấu.
“Tôi biết các tác phẩm tốt… Tôi nghĩ đó là tác phẩm tốt… Tôi mà có thể
đùa cợt với chính mình được sao?... Có lẽ người phê bình đó nói đúng… Tại sao
mình lại dám nghĩ…?” Và thế là sự suy sụp bắt đầu diễn ra.
Vào những lúc như thế này, chúng ta phải rất cương quyết với bản thân và
không được vồ lấy cảm giác ngờ vực đầu tiên. Chúng ta không thể cho phép suy
nghĩ tiêu cực đầu tiên nắm quyền kiểm soát. Việc bạn vồ lấy cảm giác ngờ vực đầu
tiên chẳng khác gì một người nghiện rượu vồ lấy cốc rượu đầu tiên. Một khi đã
xâm nhập vào hệ thống của chúng ta, cảm giác ngờ vực đó sẽ sinh ra hàng loạt cảm
giác ngờ vực khác. Những suy nghĩ ngờ vực có thể ngăn chặn được nhưng cần
phải cảnh giác. “Có lẽ người phê bình đó nói đúng…” Và “bùm”, chúng ta phải bắt
tay vào hành động: “Mình là một nghệ sĩ giỏi, một nghệ sĩ dũng cảm, mình đang
làm rất tốt. Thật tuyệt khi mình làm ra tác phẩm này…”
“Cái gì không diệt được tôi sẽ làm cho tôi mạnh mẽ hơn.”
-Albert Camus-
Khi ý nguyện của Chúa, bộ phim hài lãng mạn do tôi đạo diễn ra mắt ở
Washingon D.C, đó là chuyến trở về nhà đối với tôi. Tác phẩm báo chí đầu tiên tôi
viết là cho tờ Bưu điện Washington. Tôi hy vọng sẽ được đón tiếp như một cô gái
xa quê nay đã thành danh. Nhưng trong các bài phê bình in ra trước buổi chiếu, tôi
không nhận được sự đón tiếp như thế.
Tờ Bưu điện Washington cử một phóng viên trẻ đến xem, và rồi cô ấy viết
rằng bộ phim nói về những người làm phim (trong khi đây là bộ phim nói về
những người làm sân khấu). Cô ấy còn bình luận rằng “hầu hết” đoạn hội thoại của
tôi là “lấy trộm từ Casablanca”. Tôi băn khoăn không biết cô ấy đã xem bộ phim
nào, chắc chắn không phải phim của tôi. Phim của tôi có hơn 40 câu chuyện hài
sân khấu và một câu nói đùa về Casablanca. Đó là sự thật nhưng chẳng có tác
dụng gì đối với tôi, bởi lúc đó tôi rất xấu hổ, cảm thấy bị sỉ nhục và (gần như) sẵn
sàng chết.
Vì liều thuốc giải độc cho sự sỉ nhục là lòng yêu thương và sự ca ngợi bản
thân, nên đây là điều tôi đã làm. Tôi đi dạo quanh công viên Rock Creek. Tôi cầu
nguyện. Tôi lập cho mình một danh sách những lời khen tặng trước đây và những
bài phê bình tốt. Tôi không tự nhủ “Chuyện đó không quan trọng”. Nhưng tôi bảo
với người nghệ sĩ bên trong rằng: “Bạn sẽ hồi phục thôi.”
Và tôi có mặt trong buổi công chiếu. Bộ phim thành công hơn nhiều so với
những bài phê bình trước đó.
Ba tháng sau, phim của tôi được chọn tham dự liên hoan phim châu Âu có
uy tín. Họ đề nghị tôi bay sang đó. Tôi chần chừ. Sự sỉ nhục của tờ Bưu điện
Washington đã phát huy tác dụng chậm rãi và độc hại của nó. Tôi sợ không dám đi.
Nhưng tôi đủ lí trí để thấy rằng không nên không đi. Cuối cùng, khi tôi có
mặt ở liên hoan phim, phim của tôi đã được bán với giá rất cao và được xuất hiện
trên tờ Đa dạng.
Tôi chia sẻ tít bài báo đó vì tôi hiểu được sự mỉa mai của nó. Tít báo đó là
“Ý nguyện của Chúa thành công ở Munich”.
“Ý nguyện của Chúa” là chúng ta phải sáng tạo.
“Từ ngữ mà khai sáng tâm hồn thì có giá trị hơn ngọc ngà châu báu.”
-Hazrat Inayat Khan-
Ứng xử với phê bình
Điều quan trọng là phải có khả năng phân biệt phê bình có ích với các loại
phê bình khác. Thường thì chúng ta phải tự mình làm công việc phân loại mà
không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Là nghệ sĩ, chúng ta có khả năng làm việc này
nhiều hơn những gì mà người khác có thể nghi ngờ. Phê bình gay gắt, nếu đúng,
thường sẽ mang lại cho chúng ta cảm giác nhẹ nhõm: “À! Vậy đó chính là điều
không ổn.” Phê bình có ích để lại cho chúng ta thêm một miếng ghép cuối cùng
cho tác phẩm.
Phê bình không có ích thì thường đem lại cho chúng ta cảm giác bị ăn gậy.
Như thường lệ, phê bình không có ích thường được thể hiện với giọng dè bỉu, sỉ
nhục, có nội dung mơ hồ, lên án cá nhân, không chính xác hoặc hồ đồ. Chúng ta sẽ
không học được gì từ những lời phê bình vô trách nhiệm cả.
Bạn đang làm việc với một đứa trẻ bên trong. Việc bị người khác công kích
đứa trẻ nghệ sĩ bên trong sẽ gây ra sự nổi loạn. tạo ra sự bế tắc. Tất cả những gì
bạn có thể làm lúc này là cố gắng hồi phục.
Có một số quy tắc hữu hiệu có thể giúp bạn xử lý bất cứ dạng phê bình nào.
 Đón nhận phê bình một cách trọn vẹn và vượt qua nó.
 Ghi lại những gì mà các khái niệm hoặc cụm từ làm bạn phiền lòng.
 Ghi lại những gì mà các khái niệm hoặc cụm từ có vẻ hữu ích.
 Làm cái gì đó có thể nuôi dưỡng bạn, ví dụ như đọc một bài phê bình tốt
hoặc nhớ lại một lời khen.
 Hãy nhớ rằng kể cả bạn vừa làm ra một tác phẩm thực sự tồi tệ thì nó có thể
là một tiền đề cần thiết cho tác phẩm tiếp theo. Nghệ thuật không trưởng
thành một cách liên tục, nó sẽ phải trải qua những giai đoạn theo kiểu “vịt
con xấu xí”.
 Nhìn lại lời phê bình đó. Nó có giúp bạn nhớ lại lời phê bình nào trước đây
không, nhất là sự sỉ nhục thời thơ ấu? Hãy thừa nhận với bản thân rằng lời
phê bình hiện tại đang khơi lại nỗi đau từ một vết thương cũ.
 Hãy viết một bức thư cho người phê bình (không phải để gửi đi, chắc chắn
rồi!). Hãy bảo vệ tác phẩm của bạn và thừa nhận điểm hữu ích trong lời phê
bình (nếu có).
 Hãy bày keo khác. Ngay lập tức cam kết làm cái gì đó sáng tạo hơn.
 Hãy thực hiện cam kết đó. Sáng tạo là phương thuốc chữa trị phê bình hiệu
nghiệm nhất.
“Những người nghệ sĩ tìm kiếm sự hoàn hảo trong mọi thứ là những người
không thể đạt được điều đó trong bất cứ thứ gì.”
-Eugene Delacroix-
Công việc thám tử, một bài tập
Trên thực tế, những người bị bế tắc là những người rất mạnh mẽ và giàu
sáng tạo, tuy nhiên họ lại bị người khác làm cho cảm thấy tội lỗi vì chính thế mạnh
và tài năng của mình. Họ thường bị gia đình và bạn bè sử dụng như những cục pin,
vô tư hút hết năng lượng sáng tạo của họ và coi rẻ họ. Khi cố gắng thoát ra khỏi hệ
thống gặp trục trặc của mình, những người nghệ sĩ này thường được khuyên là
“hãy sống lí trí”, trong khi những lời khuyên như vậy không phù hợp với họ. Do bị
người khác làm cho cảm thấy tội lỗi vì tài năng của mình, thế nên họ thường không
cho người khác biết về điểm mạnh của họ.
Một chút kỹ năng thám tử sẽ phù hợp để lấy lại một người mà chúng ta đã từ
bỏ - chính chúng ta. Khi hoàn thành các câu sau, bạn có thể thấy những cảm xúc
mạnh mẽ khi lục lọi trí nhớ và những mảnh ghép bản thân bị đặt nhầm chỗ. Với
mỗi cụm từ sau, hay cho phép mình tự do liên tưởng một vài câu.
 Đồ chơi yêu thích hồi nhỏ của tôi là…
 Trò chơi yêu thích hồi nhỏ của tôi là…
 Bộ phim hay nhất tôi xem lúc bé là…
 Tôi không làm việc đó nhiều nhưng tôi thích…
 Nếu tôi có thể vui vẻ hơn một chút, tôi sẽ…
 Nếu không quá muộn, tôi sẽ…
 Nhạc cụ yêu thích của tôi là…
 Số tiền tôi tiêu cho việc giải trí mỗi tháng là…
 Nếu tôi không quá hà tiện với người nghệ sĩ trong tôi, tôi sẽ mua cho anh
ta/chị ta…
 Dành thời gian cho bản thân là…
 Tôi e rằng nếu tôi bắt đầu mơ mộng…
 Tôi bí mật thích đọc…
 Nếu tôi có một thời thơ ấu hoàn hảo thì lớn lên tôi sẽ trở thành…
 Nếu nghe không có vẻ điên rồ, tôi sẽ viết hoặc làm…
 Bố mẹ tôi cho rằng nghệ sĩ là…
 Chúa của tôi cho rằng nghệ sĩ là…
 Điều làm tôi cảm thấy kỳ quặc về sự hồi phục này là…
 Học cách tin tưởng bản thân có lẽ là…
 Âm nhạc làm tôi phấn chấn nhất là…
 Cách ăn mặc ưa thích của tôi là…
Phát triển
Quá trình hồi phục sáng tạo là quá trình làm lành vết thương. Bạn có thể làm
những điều tuyệt vời vào thứ Ba, nhưng sang thứ Tư bạn có thể trở nên trì trệ. Điều
này là bình thường. Phát triển diễn ra theo từng đợt. Đôi khi bạn sẽ chững lại.
Đừng lo. Hãy coi đó như giai đoạn nghỉ ngơi.
Thường thì một tuần thông suốt sẽ được nối tiếp bằng một tuần trì trệ. Các
trang buổi sáng sẽ có vẻ vô tích sự. Thực ra không phải vậy. Viết các trang buổi
sáng ngay cả khi bạn mệt mỏi và cảm thấy nhàm chán chính là một cách để nghỉ
ngơi trên trang giấy. Điều này rất quan trọng. Các vận động viên chạy marathon
gợi ý với bạn là cứ chạy một dặm nhanh thì hãy chạy 10 dặm chậm. Điều này cũng
đúng với sáng tạo.
Theo nghĩa này, “Nhẹ tay thôi nào” thực ra là một cách làm việc. Nó có
nghĩa là “Hoàn thành nó thôi nào.” Nếu tuân thủ việc viết ba trang mỗi sáng và làm
một điều tử tế cho bản thân mỗi ngày thì bạn sẽ bắt đầu nhận ra một chút nhẹ nhõm
trong lòng.
“Có một sức sống, một lực sống, một năng lượng, một đốc thúc thông qua
bạn biến thành hành động, và vì bạn là duy nhất trong mọi thời gian, nên sự
biểu đạt này là độc nhất vô nhị. Và nếu bạn chặn nó, nó sẽ không bao giờ
tồn tại thông qua bất cứ môi trường nào khác và sẽ bị mất đi.”
-Martha Graham-
Hãy tập tử tế với bản thân theo những cách nho nhỏ, cụ thể. Thử nhìn vào tủ
lạnh, bạn có đang cho mình ăn ngon không? Bạn có tất không? Bộ ga giường dự
trữ? Một vài cây mới trồng trong vườn thì thế nào? Một cái bình giữ nhiệt để lái xe
đường dài tới chỗ làm? Cho phép mình vứt đi mấy cái quần áo cũ sờn. Bạn không
phải giữ lại mọi thứ.
Câu nói “Chúa giúp những ai tự giúp mình” có thể mang theo ý nghĩa mới
và rất khác. Trước đây nó có nghĩa “Chúa chỉ giúp những ai tìm ra được sự giúp
đỡ”, còn bây giờ nó có nghĩa là Đấng Sáng tạo sẽ ban tặng rất nhiều món quà nho
nhỏ cho những ai đã tự thưởng cho mình một phần thưởng nhỏ. Nếu bạn làm một
điều tốt mỗi ngày cho bản thân, Chúa sẽ làm gấp đôi như thế với bạn. Hãy tỉnh táo
đón nhận sự hỗ trợ và khích lệ từ những nơi không ngờ tới. Hãy sẵn sàng nhận quà
từ những kênh kỳ lạ: mấy cái vé miễn phí, một chuyến đi miễn phí, một lời đề nghị
trả tiền cho bữa tối v.v..
Có thể bạn sẽ muốn lập một danh sách những loại trang phục bạn muốn có.
Thường thì những thứ trong danh sách đó sẽ thuộc về sở hữu của bạn với tốc độ
gây bối rối. Hãy cứ thử làm việc này.
Ngoài ra, hãy thử nghiệm với việc ở một mình. Bạn cần phải cam kết dành
ra một khoảng thời gian yên tĩnh cho bản thân. Cố gắng tạo thói quen ở một mình
vài lần trong ngày, chỉ cần dừng lại vài phút để thư giãn và hỏi bản thân đang cảm
thấy thế nào. Lắng nghe câu trả lời của bạn. Trả lời đàng hoàng. Nếu bạn đang làm
việc gì đó rất khó, hãy hứa với chính mình rằng sau khi xong việc, bạn sẽ đi nghỉ
và tự thưởng cho mình cái gì đó.
Vâng, tôi đang yêu cầu bạn chăm sóc bản thân như một đứa trẻ. Nhiều người
tin rằng để làm nghệ sĩ, chúng ta phải cứng rắn, hoài nghi và đầu óc phải lạnh lùng.
Hãy để những thứ đó cho các Nhà Phê bình. Với tư cách là một nhân vật sáng tạo,
bạn sẽ đạt được hiệu suất cao hơn khi được dỗ dành, chứ không phải khi bị bắt nạt.
Nhiệm vụ
 Mô tả căn phòng thời thơ ấu của bạn. Nếu muốn, bạn có thể phác thảo căn
phòng này. Bạn thích điều gì về căn phòng này? Bạn thích điều gì về căn
phòng hiện tại của bạn? Không thích gì sao? À, vậy hãy lấy cái gì đó bạn
thích ở đó, có thể là cái gì đó từ căn phòng thời thơ ấu kia của bạn.
 Mô tả năm đặc điểm bạn thích ở chính mình khi còn nhỏ.
“Bất cứ khi nào tôi phải chọn giữa hai điều ác, tôi luôn muốn chọn điều mà
trước đây tôi chưa từng thử.”
-Mae West-
 Liệt kê năm thành tựu bạn đạt được khi còn nhỏ, ví dụ: toàn điểm A năm lớp
7, đấm ngã đứa đầu gấu trong lớp v.v.. và liệt kê năm món ăn bạn yêu thích
khi còn nhỏ. Mua cho mình một trong số đó trong tuần này.
 Thói quen: Hãy xem xét các thói quen của bạn. Nhiều thói quen có thể can
thiệp vào quá trình tự nuôi dưỡng của bạn và gây ra sự xấu hổ. Một số thói
quen kỳ quặc có thể hủy hoại bản thân. Bạn có thói quen xem chương trình
truyền hình mà bạn không thích không? Bạn có thói quen đi chơi với một
người bạn tẻ nhạt và chỉ giết thời gian không? Một số thói quen xấu rất rõ
ràng, công khai (uống rượu quá nhiều, hút thuốc, ăn thay vì viết). Liệt kê ba
thói quen xấu rõ rành rành. Cứ tiếp tục những thói quen này thì có ích gì?
Một số thói quen xấu thì tinh vi hơn (không có thời gian tập thể dục, rất ít
thời gian để cầu nguyện, lúc nào cũng giúp đỡ người khác, không chịu nuôi dưỡng
bản thân, đi chơi với người luôn dè bỉu những giấc mơ của bạn). Liệt kê ba kẻ thù
tinh vi của bạn. Những hình thức phá hoại này có ích lợi gì? Hãy cụ thể.
 Lập một danh sách những người giúp đỡ bạn (cho bạn cảm giác về năng lực
và cơ hội của chính bạn), chứ không tạo điều kiện (cho bạn thông điệp rằng
bạn sẽ không bao giờ làm được nếu không có sự giúp đỡ của họ). Có một sự
khác nhau lớn giữa việc được giúp đỡ và bị đối xử như thể chúng ta không
tự lo liệu được. Liệt kê ba người bạn giúp đỡ. Tính cách nào của họ có ích
cho bạn?
 Hãy gọi điện cho một người đối xử với bạn như là một người thực sự giỏi
giang, thông minh, có thể làm thành công nhiều việc. Quá trình phục hồi của
bạn đang tìm kiếm sự hỗ trợ. Sự hỗ trợ này sẽ có vai trò vô cùng quan trọng
khi bạn thực hiện các nhiệm vụ mới.
“Sáng tạo là chơi. Là tự do tích trữ sử dụng dạng chất liệu đã chọn.”
-Stephen Nachmanvitch-
“Sáng tạo là… nhìn ra cái gì đó mà vẫn chưa tồn tại. Bạn cần tìm ra cách
hiện thực hóa nó và với cách đó bạn có thể làm bạn chơi với Chúa.”
-Michele Shea-
 La bàn bên trong: Mỗi người trong chúng ta đều có một cái la bàn bên trong.
Đây là một dạng bản năng hướng chúng ta tới sức khỏe. Nó cảnh báo khi
chúng ta đang ở trên một vùng đất nguy hiểm, và nó bảo cho chúng ta biết
khi nào cái gì đó sẽ an toàn và tốt cho chúng ta. Các trang buổi sáng là một
cách để liên lạc với nó. Các hoạt động khác của bộ não nghệ sĩ cũng vậy: vẽ,
lái xe, đi dạo, chùi rửa, chạy… Tuần này, hãy dành ra một tiếng đồng hồ đi
theo cái la bàn bên trong bằng cách thực hiện một hoạt động bộ não nghệ sĩ
và lắng nghe xem có những hiểu biết nào xuất hiện.
 Liệt kê năm người bạn mà bạn bí mật ngưỡng mộ. Những người này có tính
cách gì mà bạn có thể học hỏi?
 Liệt kê năm người đã chết mà bạn ước mình được gặp họ một lát ở cõi vĩnh
hằng. Bạn thấy những tính cách gì của họ mà bạn có thể tìm kiếm ở bạn bè
của mình?
 So sánh hai loại danh sách. Xem bạn thực sự thích gì và thực sự ngưỡng mộ
gì – và xem xem bạn nghĩ mình nên thích và ngưỡng mộ cái gì. Những cái
nên của bạn có thể bảo với bạn phải ngưỡng mộ Edison trong khi trái tim
bạn lại thuộc về Houdini. Về với phe Houdini trong bạn một lát.
Kiểm tra
 Bạn viết các trang buổi sáng bao nhiêu ngày trong tuần này? Bạn thấy trải
nghiệm đó thế nào? Nếu bạn bỏ viết một ngày thì tại sao bạn bỏ?
 Bạn có hẹn hò với người nghệ sĩ trong tuần này không? (Có, có và cuộc hẹn
đó rất tệ). Bạn đã làm gì? Bạn cảm thấy thế nào?
 Tuần này bạn có trải qua sự trùng hợp nào không? Sự trùng hợp đó là như
thế nào?
 Có vấn đề nào khác trong tuần này mà bạn cho là quan trọng đối với sự hồi
phục của bạn không? Mô tả chúng.

You might also like