You are on page 1of 6

Tố Hữu là nhà thơ của lí tưởng cộng sản.

Đối với ông, ngày được kết nạp


vào Đảng, được đứng trong hàng ngũ của những người cùng chí hướng, phấn đấu
vì một lí tưởng cao đẹp là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời. Ghi nhận kỉ
niệm đáng nhớ ấy với những cảm xúc, suy tư sâu sắc, Tố Hữu đã viết bài Từ ấy.
Bài thơ trích từ tập thơ đầu tay, cùng tên của Tố Hữu - tập thơ gồm ba phần: “Máu
lửa”, “Xiềng xích”, “Giải phóng”, phản ánh ba chặng đường đấu tranh và trưởng
thành của nhà thơ từ khi giác ngộ lí tưởng cộng sản đến Cách mạng tháng Tám
năm 1945. Từ ấy nằm trong phần “Máu lửa”. Bài thơ thể hiện niềm vui sướng, say
mê mãnh liệt của Tố Hữu trong buổi đầu gặp gỡ lí tưởng cộng sản và những
chuyển biến sâu sắc về nhận thức, tình cảm của cái “tôi” trữ tình nhà thơ sau khi
được ánh sáng của Đảng soi rọi. Nhan đề Từ ấy trước hết gợi ra một thời điểm
trọng đại trong cuộc đời nhà thơ Tố Hữu. Bên cạnh đó, cánh cửa “Từ ấy” còn mở
ra cho ông một đời thơ, nói cách khác là đã “khai sinh” ra một nhà thơ lớn.

Từ ấy nằm trong tập thơ đầu của Tố Hữu, lại ở ngay phần đầu của tập thơ
(phần Máu lửa) nên sự ngợi ca lí tưởng và niềm vui cách mạng cũng có những nét
đặc trưng riêng. Đó là mối duyên đầu của một thanh niên đang “băn khoăn đi kiếm
lẽ yêu đời” thì gặp được lí tưởng của mình. Cuộc gặp gỡ như một “kỳ duyên” ấy
đã được cất lên như một tiếng reo vui, trẻ trung, sôi nổi, say đắm và tràn đầy cảm
hững lãng mạn :

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim

Khổ thơ thứ nhất cũng bắt đầu bằng hai chữ “Từ ấy”. Từ ấy nghĩa là cái giây phút
ấy – cái giây phút người thanh niên học sinh Nguyễn Kim Thành bắt gặp lí tưởng
cộng sản. Đây là giây phút thiêng liêng, có ý nghĩa bước ngoặt, quyết định cả một
cuộc đời, một số phận, cả một sự nghiệp, một hồn thơ. Chính vì lẽ đó mà thời khắc
nhà thơ được kết nạp Đảng dù thực tế chỉ là “một đêm mưa lâm thâm” (Tố Hữu,
Nhớ lại một thời) nhưng niềm hạnh phúc lớn lao vẫn đem đến một không gian
hoàn toàn khác : tràn đầy, chan chứa ánh nắng. Hình ảnh “nắng” không phải bây
giờ mới xuất hiện trong thơ ca. Trước và sau Tố Hữu, người ta đã từng gặp “nắng
mới” trong thơ Lưu Trọng Lưu – “Mỗi lần nắng mới hắt bên song” (Nắng mới), đã
từng thấy “nắng ửng” trong thơ Hàn Mặc Tử - “Trong làn nắng ửng khói mơ tan”
(Mùa xuân chín)… Từ ấy cũng có “nắng” nhưng không phải là cái nắng trong trẻo
tươi mát của những buổi sáng xuân hay cái nắng dịu dàng của những buổi chiều
thu lãng đãng mà là “nắng hạ” – cái nắng mà Hoài Thanh, khi đọc những vần thơ
đầu tiên của Từ ấy, đã liên tưởng đến tâm trạng của một cô gái nào đó trong ca dao
xưa đang choáng ngợp trước một mối tình sét đánh :

Thấy anh như thấy mặt trời

Chói chang khó ngó, trao lời khó trao

Đúng, cái “nắng” của Tố Hữu ở đây phải là cái nắng “chói chang” của mùa hè,
phải là ánh nắng ấy mới diễn tả hết được hàm ý có tính biểu tưởng mà nó mang
chứa : sự rực rỡ, chói lòa của “mặt trời” lí tưởng, ánh sáng “chân lý” của Đảng, và
ngọn lửa của bầu nhiệt huyết đấu tranh cách mạng đang bừng cháy trong tim nhà
thơ. “Bừng nắng hạ”, do đó, là kết quả của sự giác ngộ lí tưởng cộng sản, của việc
được ánh sáng chân lý của Đảng soi đường, chỉ lối. Nội động từ “bừng” – một
động từ mạnh, ở đây vừa gợi lên sức sống đang trỗi dậy mạnh mẽ, vừa diễn tả
niềm vui sướng, say mê đang dâng trào trong lòng chàng trai khi gặp “mặt trời
chân lý” của đời mình.

Ai cũng biết mặt trời không chỉ đem đến sự sống cho muôn loài mà còn xóa
tan tăm tối và lạnh lẽo. Ánh sáng của mặt trời soi đường, chỉ lối cho con người đến
những bến bờ thành công, hạnh phúc... “Mặt trời chân lý” ở đây là cách nói ẩn dụ
của nhà thơ hàm chỉ mặt trời cách mạng, chỉ lí tưởng cộng sản. Lí tưởng ấy khai
mở tâm hồn cho cái “tôi” trữ tình trong bài thơ, xoá tan màn đêm tăm tối, bế tắc,
chấm dứt những ngày tháng “không đổi nhưng mà trôi cứ trôi” của người thanh
niên trí thức tiểu tư sản. Hạnh phúc ấy nào bằng, vật chất nào có thể đổi được! Phút
giây bắt gặp lí tưởng, vì thế, mà trở thành bừng nắng hạ, chói (chứ không phải chỉ
là chiếu, soi) qua tim.

Nhưng tâm hồn thi sĩ đâu chỉ có sự giác ngộ. Ánh sáng của lí tưởng còn như
mở ra một miền đất hứa, khai mở một thế giới tưng bừng sức sống và tràn ngập
tiếng ca :

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim.

Niềm vui sướng được đứng trong hàng ngũ của Đảng đã được nhà thơ hình tượng
hóa thành một khu vườn mà ở đó sắc lá, sắc hoa tươi xanh, hương thơm toả lan
ngào ngạt và rộn ràng tiếng chim hót. Cũng như lúc trước - nắng phải là “nắng hạ”,
và ánh nắng ấy phải “bừng” lên; mặt trời không soi, không chiếu mà phải “chói
qua tim” - ở đây hương hoa không thoảng ngát mà phải đậm, thậm chí “rất đậm”;
và tiếng chim cũng phải “rộn” chứ không chỉ ríu rít, véo von. Đúng là một thế giới
nội cảm đang đạt tới tận cùng của cảm giác vui say, ngây ngất. Trong thế giới ấy,
mọi thứ đều phải chói lọi, nồng nàn. Nhịp thơ, vì thế, mà cũng phải dồn dập. Câu
thơ, vì thế, mà dường như phải nối dòng. Câu thơ thứ ba hẳn đã bị cuốn theo dòng
cảm xúc sôi nổi, mãnh liệt, không “dừng”, “đỗ” lại được mà phải tràn xuống câu
thứ tư để diễn tả cho thỏa nỗi niềm vui sướng đang dâng đầy trong con tim người
thanh niên cách mạng trẻ tuổi.

Trong cách diễn tả của Tố Hữu, người ta thấy thời khắc ấy thật thiêng liêng,
ý nghĩa của nó thật khó đo đếm. Điều ấy hẳn có căn nguyên sâu xa của nó. Đặt khổ
thơ đầu của bài thơ vào trước thời điểm “từ ấy” ta mới thấy niềm vui đó của nhà
thơ lớn lao đến mức nào, cánh cửa “từ ấy” có ý nghĩa biết nhường nào. Trước “Từ
ấy”, người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Kim Thành băn khoăn, trăn trở kiếm tìm lẽ
sống

Bao nhiêu “băn khoăn”, “vẩn vơ”, bế tắc phút chốc được khai quang bởi “Mặt trời
chân lí”, tâm hồn nhà thơ hoá thành niềm vui sướng dạt dào bay bổng trên đôi
cánh của trí tưởng tượng, để rồi bao nhiêu năm sau, trong những dòng hồi tưởng
khác thi sĩ vẫn thấy bồi hồi, cảm ơn cuộc đời, cảm ơn Đảng đã cho mình phút giây
“từ ấy”. Đúng là “Từ ấy” đã không chỉ giản đơn là một kỉ niệm ! Ý nghĩa của nó
đối với Tố Hứu có thể mượn cách nói của nhà thơ Pháp – L.Aragông để khẳng
định :

Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng

Trước như trẻ thơ tôi nào biết được

Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước

Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông.

(Bài thơ tặng Đảng của mình)

Đối với Tố Hữu, lý tưởng của Đảng không chỉ đem lại sức sống và niềm vui
sống mà còn là nguồn sáng làm rạng rỡ lên một lẽ sống và một cách sống ở đời.
Khổ thơ thứ hai là nhận thức mới về lẽ sống của cái “tôi” trữ tình nhà thơ :

Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

Khổ thơ này vẫn mở đầu bằng một chữ “tôi”. Song đó không phải là một cái tôi
“mất bề rộng… đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh” (Hoài Thanh, Một
thời đại trong thi ca) như lời người phát ngôn cho thi ca lãng mạn mà là cái tôi gắn
kết với “mọi người”, “trang trải với trăm nơi”, hòa mình trong cái “khối đời”
chung của dân tộc và nhân loại cần lao. Cùng thời với Tố Hữu nhưng khi chưa đến
được với cách mạng nên Chế Lan Viên chỉ biết :

Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh

Một vì sao trơ trọi cuối trời xa.

(Những sợi tơ lòng)

Xuân Diệu, thậm chí còn cực đoan hơn :

Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất

Không có chi bè bạn nổi cùng ta

(Hy Mã Lạp Sơn)

Tiến bộ như người “li khách” ra đi vì “chí nhớn” nhưng “con đường nhỏ” mờ mịt,
chưa biết khi nào trở lại nên vẫn đượm buồn và phảng phất sự lẻ loi, đơn độc :

Li khách! Li khách con đường nhỏ

Chí nhớn chưa về bàn tay không

(Tống biệt hành)

Đó là tâm trạng của những thanh niên chưa tìm thấy lối thoát, chưa được ánh sáng
“chân lý” của Đảng soi đường. Cũng là cái “tôi” cá nhân nhưng cái “tôi” Từ ấy
khác hẳn. Vì được giác ngộ nên cái “tôi” Tố Hữu đã xác định rõ lẽ sống và cách
sống của mình. Lẽ sống ấy là hòa mình vào cái ta chung của cả dân tộc và nhân
loại tiến bộ (mọi người), là dấn thân vào trường hoạt động tranh đấu (trăm nơi), là
gần gũi với những người cần lao để tạo nên khối đại đoàn kết, giải phóng giai cấp,
giải phóng dân tộc.

Lẽ sống nói trên đã được Tố Hữu thể hiện một cách mạnh mẽ, hùng hồn qua
lối điệp từ, điệp cấu trúc, qua lối vắt dòng thơ... Nếu ở khổ một, tác giả khai thác
hiệu quả biện pháp tu từ ẩn dụ để diễn tả niềm vui sướng lớn lao của mình khi gặp
“mặt trời chân lý” thì ở khổ hai ông đã thành công khi tận dụng khả năng biểu
nghĩa của thủ pháp điệp : điệp từ (tôi, để), điệp cấu trúc (để…) trong việc thể hiện
nhận thức mới về lẽ sống và quyết tâm vượt thoát khỏi cái “tôi” tiểu tư sản nhỏ bé,
ích kỉ để trở thành một người của muôn người, sống vì mọi người, xứng đáng là
một người cộng sản. Ba câu đầu của khổ thơ có cấu trúc giống nhau, với đầu bên
này là những gì thuộc về cá nhân mình – “lòng tôi”, “tình” tôi, “hồn” tôi, còn đầu
bên kia là nhân quần rộng lớn – “mọi người”, “trăm nơi”, “bao hồn khổ”. Nhưng
đó không phải là hai phía đối lập mà trái lại chỉ thấy có sự quấn quýt bằng những
sợi tơ vô hình mà bền chắc (buộc), chỉ thấy sự gắn bó và hòa hợp (trang trải, gần
gũi). Cái “tôi” cá nhân cũng không bị cuộc đời đè nặng hay đối lập với cuộc đời
mà ngược lại còn góp phần làm nên sức nặng mạnh mẽ, lớn lao của cả khối đời kia
: “Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”.

Như vậy, Từ ấy không chỉ là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của người
thanh niên trẻ tuổi được giác ngộ cách mạng mà còn là một tuyên ngôn về lẽ sống,
cách sống của một nhà thơ - chiến sĩ. Chính Tố Hữu đã có lần nói : “Từ ấy là một
tâm hồn trong trẻo của tuổi mười tám, đôi mươi, đi theo lí tưởng cao đẹp, dám
sống, dám đấu tranh [...] Lòng tôi vui sướng vô cùng khi cảm thấy ánh sáng của
chủ nghĩa Mác-Lênin soi rọi vào tâm hồn tươi trẻ của mình”. Bài thơ tuy có cái sắc
thái riêng của một tâm hồn thanh niên lần đầu bắt gặp lí tưởng – cái chất trẻ trung,
sôi nổi, thể hiện ở những hình ảnh lí tưởng hóa, ở giọng thơ, nhịp thơ hăm hở, dồn
dập, song cũng cho thấy nhược điểm của một tâm hồn thanh niên mới giác ngộ,
chưa lăn lộn nhiều với nhân dân trong đấu tranh nên hình ảnh cái “tôi” chủ quan
còn khá đậm nét trong khi hình ảnh quần chúng còn chung chung, trừu tượng. Nói
như tác giả của Ánh sáng và phù sa : “Phải qua một cuộc kháng chiến, những năm
xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong lí tưởng của chúng ta cũng như của thi sĩ (Tố
Hữu), quần chúng mới có cái nội dung cụ thể”.

You might also like