You are on page 1of 3

VỢ CHỒNG A PHỦ

TÔ HOÀI
I. TÌM HIỂU CHUNG
1. Tác giả: Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 ở tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội).
Tô Hoài là một trong những nhà văn lớn của văn học Việt Nam. Ông có vốn hiểu biết phong phú, sâu
sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta.
2. Tác phẩm
a. Xuất xứ – hoàn cảnh sáng tác: Vợ chồng A Phủ (1952) là kết quả của chuyến đi cùng bộ đội vào giải
phóng Tây Bắc, in trong tập Truyện Tây Bắc của Tô Hoài.
Tác phẩm được Giải Nhất giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954- 1955.
Tác phẩm gồm hai phần, đoạn trích trong sách giáo khoa là phần một.
b. Tóm tắt: Đoạn trích kể về cuộc đời của Mị và A Phủ (dân tộc Mèo).
Mị là cô gái trẻ đẹp, hồn nhiên, tài giỏi, hiếu thảo. Vì món nợ của bố mẹ, Mị bị bắt làm con dâu gạt nợ
trong nhà thống lí Pá Tra. Mị định tự tử nhưng nghĩ thương bố mẹ lại thôi. Mị sống kiếp nô lệ hết năm này
qua năm khác trong nhà thống lý, lâu dần cô giống như “con rùa lùi lũi nuôi trong xó cửa”. Vào một đêm
xuân, nghe tiếng sáo gọi bạn; Mị như sống lại những ngày tuổi trẻ xa xưa. Mị uống rượu và sửa soạn muốn đi
chơi nhưng bị chồng là A Sử trói đứng vào cột nhà suốt đêm cho đến sáng hôm sau, khi A Sử bị đánh, cô
mới được cởi trói để đi lấy thuốc cho chồng
A Phủ, một chàng trai mồ côi nghèo, gan dạ, vì đánh A Sử nên bị bắt, bị phạt, phải ở đợ suốt đời cho nhà
thống lý. Một lần đi chăn bò bị mất một con, Pá Tra cho trói A Phủ vào cột. Hằng đêm, Mị thổi lửa hơ tay
nhưng không để ý. Đến khi nhìn thấy dòng nước mắt trên má A Phủ, Mị chợt nhớ lại tình cảnh của mình, tình
cảnh của người đàn bà trong nhà này ngày trước bị trói cho đến chết. Xót thương và căm giận, Mị cắt dây trói
cho A Phủ. Rồi khi A Phủ bỏ chạy, cô vụt chạy theo.
Phần sau lược đi kể về việc hai người chạy đến Phiềng Sa và thành vợ chồng, họ được cán bộ A Châu giác
ngộ cách mạng và A Phủ trở thành tiểu đội trưởng du kích đánh Tây.
c. Cảm hứng sáng tác: Cảm hứng ngợi ca và nhân đạo
Đoạn trích chủ yếu là cảm hứng: hiện thực và nhân đạo.
d. Ý nghĩa văn bản: Tố cáo tội ác của bọn phong kiến, thực dân; thể hiện số phận đau khổ của người dân
lao động miền núi; phản ánh con đường giải phóng và ngợi ca vẻ đẹp, sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của họ.
e. Giá trị đặc sắc của tác phẩm: tác phẩm vừa có giá trị hiện thực vừa có giá trị nhân đạo sâu sắc.
- Giá trị hiện thực: miêu tả chân thực số phận cực khổ của người dân nghèo, phơi bày bản chất tàn bạo của
giai cấp thống trị ở miền núi.
- Giá trị nhân đạo: Thể hiện tình yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc với thân phận đau khổ của người dân lao
động miền núi trước Cách mạng; tố cáo, lên án, phơi bày bản chất xấu xa, tàn bạo của giai cấp thống trị; Trân
trọng và ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt và khả năng làm cách mạng của nhân dân Tây Bắc; đề
cao tình hữu ái giai cấp, sự đồng cảm của những người nghèo khổ cùng cảnh ngộ.
- Giá trị nghệ thuật:
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật có nhiều điểm đặc sắc (A Phủ được miêu tả qua hành động, Mị chủ yếu
khắc họa tâm tư,...)
+ Trần thuật uyển chuyển, linh hoạt: cách giới thiệu nhân vật đầy bất ngờ, tự nhiên mà ấn tượng; kể chuyện
ngắn gọn, dẫn dắt tình tiết khéo léo.
+ Màu sắc dân tộc đậm đà thể hiện qua biệt tài miêu tả thiên nhiên và phong tục, tập quán của người dân
miền núi.
+ Ngôn ngữ sinh động, chọn lọc và sáng tạo, câu văn giàu tính tạo hình và thấm đẫm chất thơ...
II. ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
1. Nhân vật Mị
a. Cuộc sống thống khổ: Mị là cô gái trẻ, đẹp, yêu đời nhưng vì món nợ “truyền kiếp” nên Mị bị bắt
làm “con dâu gạt nợ” nhà thống lí Pá Tra, bị đối xử tàn tệ, mất ý thức về cuộc sống
+ Cách giới thiệu nhân vật Mị độc đáo, hấp dẫn qua nghệ thuật đối lập: Cô gái ngồi cạnh tàu
ngựa, bên tảng đá, lẻ loi, âm thầm trong khung cảnh đông đúc, tấp nập của gia đình thống lí Pá Tra. Cô gái ấy
là con dâu của gia đình quyền thế, giàu có nhưng lúc nào cũng cúi mặt, buồn rười rượi. Cách giới thiệu thu
hút sự chú ý của người đọc và gợi ra thân phận đau khổ, éo le của nhân vật.
+ Bị ép làm dâu gạt nợ, “Có đến mấy tháng trời, đêm nào Mị cũng khóc”. Không thể chịu đựng, Mị
đã cầm nắm lá ngón về nhà định lạy chào vĩnh biệt cha rồi tự tử. Nhưng thương bố, Mị không nỡ chết.
+ Phải lao động cực nhục: “Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện, giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi
nương bẻ bắp…Con ngựa con trâu làm còn có lúc, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc cả đêm ngày”.
+ Bị cầm tù trong ngục thất tinh thần: “Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông
bằng bàn tay”.
+ Ở lâu trong cái khổ, Mị quen dần Mị sống câm lặng, sống mà như chết, chịu đựng nỗi khổ đau
về tinh thần triền miên: “Lúc nào cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”, “Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi
như con rùa nuôi trong xó cửa”; “Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa”
+ Vì muốn đi chơi ngày tết, Mị bị trói đứng một cách dã man; Trong những đêm mùa đông, khi
đang sưởi lửa “A Sử chợt về, thấy Mị ngồi đấy, A Sử đánh Mị ngã ngay xuống cửa bếp”.
 Số phận Mị tiêu biểu cho số phận phụ nữ nghèo miền núi trong chế độ thực dân phong kiến.
b. Sức sống tiềm tàng và khát vọng hạnh phúc: Trong đêm tình mùa xuân
Tâm hồn, tính cách Mị được khắc họa qua diễn biến tâm trạng và hành động.
Trước đó, Mị được miêu tả như một con người vô tri vô giác, sống câm lặng, nhẫn nhục. Tuy nhiên, ở
Mị vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, một khát vọng hạnh phúc lớn lao, hễ gặp cơ hội thuận lợi thì sức
sống đó lại trỗi dậy mạnh mẽ.
- Tác động của ngoại cảnh:
+ Mùa xuân đến với hình ảnh thiên nhiên tươi rói: “ Trong các làng Mèo đỏ, những chiếc váy hoa đã
đem ra phơi trên mỏm đá, xòe như con bướm sặc sỡ”; và âm thanh tiếng nói cười vui vẻ: “Đám trẻ đợi tết, chơi
quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà”.
+ Bữa rượu bên bếp lửa và người ốp đồng … cũng góp phần khơi dậy sức sống ở Mị. “Mị lén lấy
hũ rượu, cứ uống ực từng bát” trong một trạng thái thật khác thường. Rượu làm Mị say, nhưng tâm hồn cô
đã tỉnh lại sau bao ngày tháng câm nín, mụ mị vì sự đày đọa.
+ Đặc biệt, tiếng sáo gọi bạn tình – biểu tượng của khát vọng tự do – đã lay tỉnh tâm hồn Mị: “ Mị
nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha, bồi hồi…”, “Trong đầu Mị rập rờn tiếng sáo”…
- Sự thức tỉnh của Mị:
+ Kỉ niệm sống dậy: “Ngày trước Mị thổi sáo giỏi, thổi lá cũng hay như thổi sáo…”; “trai đến đứng
nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị”
+ Ý thức về tuổi trẻ trỗi dậy: “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ” cùng với nó là ý thức về thân phận và
khát vọng tự do “nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay…”
+Những chuyển biến trong ý thức thúc đẩy hành động: Mị xắn mỡ bỏ vào đĩa đèn cho căn buồng
sáng lên, “Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo”; “Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi”; Mị hành động
theo tiếng gọi của con tim khao khát tự do: “quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong
vách” …
+ Khi bị A Sử trói vào cột, Mị “như không biết mình đang bị trói”, vẫn thả hồn theo tiếng sáo,“ đi
theo những cuộc chơi”.
-> Sức sống tiềm tàng được khơi dậy, làm cơ sở dẫn đến những phản kháng mạnh mẽ ở tình huống sau
 Ngợi ca khát vọng sống, khát vọng tự do của con người.
c. Sức phản kháng mạnh mẽ: Trong những đêm mùa đông trên núi cao, khi Mị chứng kiến cảnh A
Phủ bị trói đứng chờ chết và cởi trói cho A Phủ.
- Lúc đầu, thấy A Phủ bị trói, Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Tâm hồn Mị đã chai sạn trở nên
dửng dưng, “vô cảm”: “nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi”.
- Nhưng rồi một đêm, qua ánh lửa bếp, nhìn sang thấy “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm
má đã xám đen lại” của A Phủ, Mị chợt xúc động.
+ Dòng nước mắt biểu hiện sự đau đớn tuyệt vọng của chàng trai gan góc, khỏe mạnh đã làm hồi
sinh tâm hồn đầy thương tích của Mị dẫn Mị từ sự cảm thông đến thương xót, căm uất. Mị nhớ lại đời
mình, đồng cảm với thân phận của A Phủ: “Mị cũng phải trói đứng…nước mắt chảy xuống miệng, xuống
cổ, không biết lau đi được” và những người khác: “ngày trước một người đàn bà cũng bị trói đến chết ở cái
nhà này”; Mị nhận ra tội ác của bọn thống trị: “Chúng nó thật độc ác”. Từ thương mình, Mị thương cho
A Phủ, nhận thức việc A Phủ phải chết là điều vô lý: “Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau,
chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày
rũ xương ở đây thôi…Người kia việc gì phải chết thế…”
+Tình thương và sự đồng cảm giai cấp, niềm khát khao tự do mãnh liệt,... đã thôi thúc Mị cắt
dây trói cứu A Phủ và tự giải thoát cho cuộc đời mình.
* Tác giả đã thể hiện quá trình diễn biến tâm lý của Mị một cách chân thực, sinh động góp phần tạo nên
sức hấp dẫn của tác phẩm.
Chấp nhận cuộc sống trâu ngựa và khao khát được sống cuộc sống của con người, khuất phục và
phản kháng là hai mặt mâu thuẫn trong con người Mị. Sau cùng, tinh thần phản kháng, khát vọng
hạnh phúc đã chiến thắng.Qua nhân vật, Tô Hoài muốn thể hiện khả năng tự giải phóng của những
người dân Tây Bắc. Tác phẩm thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc.
2. Nhân vật A Phủ
a. Số phận éo le, là nạn nhân của hủ tục lạc hậu và cường quyền phong kiến miền núi:
- Mồ côi cả cha lẫn mẹ, bị bắt đem xuống đổi lấy thóc của người Thái. Lúc bé đi làm thuê hết nhà
này đến nhà khác, lớn lên, nghèo đến nỗi không lấy nổi vợ “không có bố mẹ, không có ruộng, không có
bạc, A Phủ không thể lấy nổi vợ”.
- Bị bắt vì tội đánh A Sử, bị xử ép và trở thành nô lệ trong nhà thống lý Pá Tra. Đoạn văn tả cảnh
xử kiện rất độc đáo, có giá trị tố cáo sâu sắc.
- Vì để mất một con bò mà A Phủ bị trói đứng chờ chết.
b. Phẩm chất tốt đẹp, tính cách mạnh mẽ:
- Sự xuất hiện của A Phủ cũng rất đặc biệt. A Phủ xuất hiện trong sự đối đầu với A Sử: “Một người
to lớn chạy vụt ra ném con quay rất to vào mặt A Sử… A Phủ đã xộc tới…” . Đó là một chàng trai khỏe
mạnh, gan góc, một khát vọng tự do được bộc lộ quyết liệt.
+ Có sức khỏe phi thường, yêu lao động: A Phủ “chạy nhanh như ngựa”, “biết đúc lưỡi cày, biết
đục cuốc, lại cày giỏi và đi săn bò tót rất bạo”.
+ Dũng cảm; yêu tự do: Cá tính gan góc bộc lộ từ nhỏ: “A Phủ không chịu ở dưới cánh đồng thấp,
trốn lên núi, lưu lạc đến Hồng Ngài”. Cuộc sống làm thuê vất vả nơi núi rừng đã hun đúc nên một tính cách
mạnh mẽ, táo bạo. Không sợ bọn nhà quan, đánh A Sử một trận nhừ đòn, bị cha con Thống lý đánh đập dã
man nhưng A Phủ vẫn cắn răng chịu đựng.
+Khi làm mất bò, A Phủ đòi lấy súng đi bắn hổ. Thản nhiên đi lấy cọc và dây mây, rồi đóng cọc cho
người ta trói mình, A Phủ mạnh mẽ và gan góc, không sợ cả cái chết.
+ Có sức sống tiềm tàng mãnh liệt: Bị trói đứng trên cột mấy ngày mấy đêm, được Mị cởi trói, A Phủ
đang kiệt sức bỗng vùng lên chạy.
III. TỔNG KẾT:
Vợ chồng A Phủ là câu chuyện về những người dân lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu bọn
thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, giam hãm trong cuộc sống tăm tối đã vùng lên phản kháng, đi tìm cuộc
sống tự do.
Tác phẩm khắc họa chân thực những nét riêng biệt về phong tục, tập quán, tính cách và tâm hồn
người dân các dân tộc thiểu số bằng một giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, đượm màu sắc và phong vị dân tộc,
vừa giàu tính tạo hình vừa giàu chất thơ.

You might also like