You are on page 1of 19

ĐỀ SỐ 1: Có ý kiến cho rằng:

“Nhân vật Mị trong truyện Vợ chồng A Phủ là một thành công của nhà văn
Tô Hoài khi xây dựng con người thức tỉnh.”
Phân tích đoạn trích Vợ chồng A Phủ để làm sáng tỏ nhận định trên.
DÀN Ý
MỞ BÀI
- Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, là nhà văn có hiểu biết sâu rộng và vốn sống
phong phú về phong tục, tập quán của nhiều dân tộc ở nhiều vùng miền khác nhau.
Tác phẩm của Tô Hoài luôn hấp dẫn người đọc bởi lối kể chuyện hóm hỉnh, sinh
động, với vốn từ vựng giàu có. “Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn thành công nhất
trong tập Truyện Tây Bắc. Tác phẩm là kết quả sau chuyến đi thực tế của nhà văn
cùng với bộ đội giải phóng Tây Bắc. Qua cuộc đời Mị và A Phủ, nhà văn tái hiện
chân thực, xúc động về cuộc sống cơ cực, tủi nhục của đồng bào các dân tộc thiểu
số vùng cao dưới ách thống trị của thực dân phong kiến cùng quá trình thức tỉnh
giác ngộ cách mạng, tự vùng lên giải phóng cuộc đời.
- Chính vì vậy có ý kiến cho rằng: “Nhân vật Mị trong truyện Vợ chồng A Phủ là
một thành công của nhà văn Tô Hoài khi xây dựng con người thức tỉnh.”
THÂN BÀI
1. Giải thích ý kiến
- “Con người thức tỉnh” chỉ một dạng nhân vật văn học vốn có số phận bất hạnh
nhưng biết vươn lên đấu tranh để thay đổi cuộc đời, giành lại tự do hạnh phúc.
- Tại sao nói Mị là nhân vật thức tỉnh? Mị là nhân vật từng nếm trải nhiều cay
đắng, tủi nhục và đau khổ trải qua những năm dài bị áp bức bóc lột, bị chà đạp,
giày xéo mà trở thành con người gần như vô cảm vô hồn, sống trong trạng thái
nhẫn nhục, cam chịu. Sức sống tiềm tàng trong Mị thức tỉnh “hồi sinh”. Mị ý thức
về quyền sống và quyền làm người của mình, ý thức phản kháng áp bức xuất hiện,
biến thành hành động phản kháng quyết liệt giành lấy tự do và hạnh phúc.
- Xây dựng thành công con người thức tỉnh, Tô Hoài đã đem đến cho tác phẩm giá
trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.
2. Phân tích
- Mị có số phận bất hạnh, cuộc đời đầy bi kịch:
+ Mị là một cô con dâu gạt nợ sống ở nhà thống lí Pá Tra để trả món nợ truyền đời
truyền kiếp. Quãng đời của Mị ở Hồng Ngài thật sự là một chuỗi ngày đen tối nhất
của một người đàn bà ở giữa chốn địa ngục trần gian.
+ Tuy là mang tiếng con dâu của người giàu co quyền hành nhất xứ Mèo mà lại
phải làm việc quần quật như “con trâu, con ngựa”, sống vô cảm vô hồn, không có
ý thức về thời gian, tuổi trẻ, tình yêu, cam chịu, nhẫn nhục.
- Mị thức tỉnh trong đêm tình mùa xuân.
+ Từ sự tác động của ngoại cảnh: Cảnh sắc mùa xuân, đặc biệt là tiếng sáo, men
rượu, khiến Mị hồi sinh.
+ Mị nhận ra Mị còn trẻ (phân tích dẫn chứng về: sự ý thức được về bản thân, về
ngoại hình, nhan sắc), Mị muốn đi chơi (sự ý thức được nhu cầu đòi hỏi về mặt
tinh thần).
+ Mị so sánh mình với bao người phụ nữ khác: “Bao nhiêu người có chồng cũng đi
chơi ngày Tết”. Và cô gái ấy trở lại trong đau đớn khi nhận ra cuộc hôn nhân phi lí
của mình. Nhắc lại điều đó, ý muốn tự tử của Mị lại trở lại (phân tích dẫn chứng).
Hay nói cách khác, nghĩ đến nắm lá ngón, đến cái chết lại là dấu hiệu cô Mị đã hồi
sinh, nhận ra mình muốn chết là ý thức được thân phận bị trà đạp, nghĩ về nỗi
thống khổ, là sự phản ứng lại trước số phận nghiệt ngã, là khao khát được sống tự
do.
+ Mị đã có những hành động, không phải vô tri, thói quen, mà là hành động của sự
thức tỉnh. Trước tiên, Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ vào đĩa cho
đèn thêm sáng. Sau đó, Mị quấn lại tóc, lấy cái váy hoa chuẩn bị đi chơi (phân tích
dẫn chứng) Mị đã bước đi theo tiếng gọi của tiếng sáo, của nhu cầu bản thân, Mị
đang vượt qua những ràng buộc, để sống thật với con người mình, khao khát của
mình.
+ Nhưng A Sử về, A Sử ở đó như đại diện cho cường quyền, thần quyền, chặn
đứng khát khao, nhu cầu của Mị, A Sử trói đứng Mị vào cột, thế nhưng A Sử
không thể trói được tâm hồn Mị, Mị bị trói nhưng Mị vẫn vùng bước đi. Suốt đêm
ấy, Mị trong trạng thái lúc tỉnh lúc mê… Đây chính là sự đấu tranh giằng xé trong
tâm trạng Mị, là sự xung đột giữa hiện thực đau khổ và khát vọng sống hạnh
phúc(phân tích dẫn chứng)
- Hành động quyết liệt trong đêm mùa đông cứu A Phủ:
+ Sau đêm tình mùa xuân, Mị trở lại với kiếp sống chai sạn, Mị không cần biết,
không đoái hoài, không quan tâm. Vô cảm với chính mình, Mị cũng chẳng còn
thiết tha đến mọi thứ xung quanh. (phân tích dẫn chứng: lúc đầu khi nhìn thấy A
Phủ bị trói…)
+ Thế nhưng, (phân tích dẫn chứng) dòng nước mắt của A Phủ đã đánh thức và
làm hồi sinh lòng thương mình rồi đến thương người trong Mị. Mị đã cảm nhận nỗi
đau của A Phủ bằng chính nỗi đau của mình (phân tích dẫn chứng). Và từ sự đồng
cảm đó, lòng Mị dấy lên sự căm phẫn: “Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến
chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước
cũng ở cái nhà này”. Mị nhận ra giá trị của con người, giá trị được sống nhưng lại
bị bắt chết. Để đi đến hành động cắt dây trói cứu A Phủ, Mị đã phải trải cả một quá
trình diễn biến tâm lý đầy phức tạp. Nhưng tình thương A Phủ, sự đồng cảm với
kiếp người cùng khổ, thêm cả lòng căm phẫn, và sự thúc bách về mặt thời gian, cô
gái đó đã có một hành động hết sức táo bạo, liều lĩnh: cắt dây trói để cứu A Phủ.
+ Hành động cắt dây trói là cắt đi nỗi sợ quyền đè nén bấy lâu. Khi A Phủ chạy đi,
Mị đứng lặng trong bóng tối, khoảnh khắc ấy, trong Mị trào lên niềm khao khát
sống, lúc này, cùng với nỗi sợ và lòng ham sống mãnh liệt, Mị vụt chạy theo A
Phủ. Bước chân Mị như đạp đổ thần quyền phong kiến bao năm qua đè nặng lên
Mị. (phân tích dẫn chứng)
- Bình luận, đánh giá
- Ý kiến hoàn toàn chính xác và thuyết phục: Mị đã thức tỉnh sau bảy tám năm
sống cam chịu nô lệ, thức tỉnh từ nhận thức đến hành động. Chính điều đó mang
đến cho Mị một cuộc đời mới, Mị được làm một con người thật sự.
- Bằng tài năng và một vốn từ phong phú, Tô Hoài đã phân tích tinh tế, sâu sắc mọi
diễn biến về tâm lí và hành động Mị trong quá trình thức tỉnh với lòng thương xót
và đồng cảm sâu sắc. Mị là nhân vật thức tỉnh có sức mạnh phản kháng và sức
sống tiềm tàng. Nhân vật Mị đã góp phần làm nên giá trị hiện thực và nhân văn sâu
sắc cho truyện Vợ chồng A Phủ.
KẾT BÀI
- Vợ chồng A Phủ xây dựng thành công nhân vật Mị, con người thức tỉnh. Sự thức
tỉnh của Mị là biểu hiện của sức sống tiềm tàng mãnh liệt, tiêu biểu cho sự thức
tỉnh và con đường đến với cách mạng của người lao động miền núi Tây Bắc.
- Vợ chồng A Phủ có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc…
ĐỀ 2: Có ý kiến cho rằng:
“Truyện ngắn“Vợ chồng A Phủ” là một thiên truyện tràn đầy chất thơ”
Phân tích đoạn trích Mị trong đêm tình mùa xuân để làm rõ nhạn định trên
DÀN Ý
MỞ BÀI:
- Giới thiệu khái quát: Tác giả Tô Hoài, nhà văn xuất sắc của nền văn học Nam
hiện đại và truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, đỉnh cao trong sáng tác của nhà văn về
người lao động vùng cao Tây Bắc.
- Nêu vấn đề: “Truyện ngắn“Vợ chồng A Phủ” là một thiên truyện tràn đầy chất
thơ”. Chất thơ thể hiện rõ nhất trong đoạn trích khắc họa nhân vật Mị trong đêm
tình mùa xuân.
THÂN BÀI:
1. Giải thích nhận định
+ Chất thơ chính là những rung cảm của nhà văn trước vẻ đẹp của cảnh thiên
nhiên và con người đồng thời có khả năng truyền được những cảm xúc ấy đến cho
người đọc.
+ Chất thơ trong tác phẩm thể hiện qua: những bức tranh thiên nhiên Tây
Bắc thơ mộng đẹp đẽ trong ngày xuân, qua những giai điệu ngọt ngào mê đắm của
tiếng khèn tiếng sáo và qua những phong tục tập quán, những nét sinh hoạt mang
đậm màu sắc miền núi Tây Bắc. Chất thơ còn thể hiện qua việc nhà văn khắc hoạ
vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt và khát vọng hạnh phúc tự do của con người.
2. Phân tích và chứng minh
Mị, nhân vật chính trong truyện ngắn“Vợ chồng A Phủ” là cô gái người
Mông xinh đẹp, chăm chỉ, tài hoa thổi sáo giỏi. Nhưng vì món nợ từ lúc cha mẹ Mị
cưới nhau lãi mẹ đẻ lãi con, Mị bị bắt về làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra.
Mấy tháng liền, đêm nào Mị cũng khóc, một hôm, Mị trốn về lạy cha và định ăn lá
ngón để giải thoát nhưng rồi vì thương cha, Mị đành quay về nhà thống lí, chấp
nhận kiếp sống nô lệ trong thân phận con dâu gạt nợ. Cũng từ đó Mị trở nên lầm
lũi, câm lặng, chai sạn, mất hết sức phản kháng “Ở lâu trong cái khổ. Mị quen khổ
rồi”
Những tưởng cô Mị trẻ trung tràn đầy khát vọng sống năm xưa đã chết hẳn
trong Mị, nhưng rồi sự tác động của ngoại cảnh đã đánh thức làm hồi sinh sức sống
tiềm tàng trong Mị. Mùa đông năm ấy “gió và rét dữ dội” nhưng mùa xuân đến
những con người dù nghèo khổ cơ cực đến mấy vẫn rủ nhau đi chơi trong niềm vui
sống tự do. Khung cảnh mùa xuân Tây Bắc đẹp đẽ với những hình ảnh thơ mộng
“cỏ gianh vàng ửng”, bên cạnh “các nương ngô nương lúa gặt xong, ngô lúa đã
xếp đầy các nhà kho”. Thiên nhiên chuyển mùa, dấu hiệu sắc xuân đến gần, bản
làng sửa soạn đón tết “trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra
phơi trên mỏm đá xoè như con bướm sặc sỡ”. Phụ nữ trong bản đã hong phơi
những bộ váy áo đẹp nhất để chuẩn bị đi chơi Tết. Vui nhất có lẽ là “Đám trẻ đợi
Tết, chơi quay cười ầm trên sân chơi trước nhà” và thanh niên “Trai gái tụ tập
đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy”. Đặc biệt, dấu hiệu mùa xuân về
phải kể tới âm thanh tiếng sáo gọi bạn tình, tiếng chó sủa xa xa… Tô Hoài đã dành
những đoạn văn thật trữ tình và giàu chất thơ để miêu tả bức tranh thiên nhiên và
cuộc sống của con người Tây Bắc khi mùa xuân đến. Những hình ảnh và âm thanh
ấy tạo nên bức tranh mùa xuân đẹp đẽ thơ mộng tràn trề sức sống đã tác động
mạnh mẽ, làm thức dậy những khát vọng tình yêu và hạnh phúc vẫn còn âm ỉ trong
tâm hồn Mị.
2. Phân tích diễn biến tâm trạng Mị
- Chất thơ biểu hiện ở sự hồi sinh cảm xúc trong tâm hồn Mị, khi “Mị nghe
tiếng sáo vọng lại thiết tha bổi hổi”. Người đàn bà tưởng như vô cảm thờ ơ với tất
cả, nay không chỉ lắng nghe âm thanh của tiếng sáo từ xa vọng lại, mà còn hình
dung ra dáng người “lấp ló” ngoài đầu núi thổi sáo gọi bạn. Người đàn bà câm lặng
như tảng đá “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” còn cảm nhận được sắc thái
“thiết tha bổi hổi” gửi vào tiếng sáo và còn “nhẩm thầm bài hát của người đang
thổi: “Mày có con trai con gái rồi/ Mày đi làm nương/ Ta không có con trai con
gái/Ta đi tìm người yêu.” Câu hát gọi bạn da diết đã gợi ra cái điều giản dị hiển
nhiên, rất đời thường của con người là khát vọng hạnh phúc. Rõ ràng tiếng sáo gọi
bạn mùa xuân đã tác động mạnh mẽ làm hồi sinh tâm hồn người phụ nữ sớm bị
cuộc sống làm chai sạn, sức sống tiềm tàng mãnh liệt đang dần dần hồi sinh trong
Mị. Mị đã thoát khỏi tình trạng dửng dưng vô cảm bấy lâu nay.
- Chất thơ biểu hiện trong cảm xúc suy nghĩ của Mị “Ngày Tết, Mị cũng
uống rượu”, Mị lén lấy hũ rượu ra uống “ừng ực từng bát”. Tô Hoài đã miêu tả rất
kĩ cách Mị uống rượu “uống ừng ực từng bát”. Cách uống rượu của Mị đã thể hiện
chân thực những biến đổi âm thầm mà dữ dội trong tâm hồn người đàn bà tưởng
như đã nguội tắt sự sống. Mị uống như để say, để quên, để dìm chặt những phẫn
uất nghẹn ngào, dìm chặt những nuối tiếc khát khao đang đột ngột bùng lên trong
lòng. Rượu đã làm cơ thể đầu óc Mị say nhưng lại làm thức tỉnh tâm hồn cô sau
bao tháng ngày bị giam cầm đày đoạ. Hơi men đã dìu tâm hồn Mị bay theo tiếng
sáo.
- Cảm xúc về mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu như được thăng hoa cùng tiếng
sáo gọi bạn. Mị lại nghe “văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng”. Từ láy “văng
vẳng” không chỉ gợi tả tiếng sáo ở xa mà có lẽ còn là âm thanh của hoài niệm,
tiếng sáo của người bạn tình năm xưa. Tiếng sáo như đưa Mị trở lại cô gái xinh đẹp
trẻ trung tài hoa thuở nào “cuốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo.
Có biết bao nhiêu người mê ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Mị đang sống trong
hoài niệm, sống trong kí ức đẹp đẽ của thời tuổi trẻ. Người đàn bà tưởng như
không còn chút liên hệ với cả hiện tại, quá khứ, không còn nghĩ đến tương lai, nay
“lịm mặt ngồi đấy… lòng đang sống về ngày trước” với biết bao khát vọng về tình
yêu hạnh phúc. Ảo giác của quá khứ mạnh mẽ đến mức gần như xoá mờ tất cả
những bất hạnh ở hiện tại khiến “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên
vui sướng” và Mị bất ngờ nhận ra mình “trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ”. Ý thức về bản
thân trỗi dậy mạnh mẽ, Mị nhận ra mình vẫn còn trẻ, lòng Mị cũng như trẻ lại và
tràn đầy khát khao. “Mị muốn đi chơi”, muốn được đến những đám vui, những
cuộc vui để hoà mình vào không khí rạo rực của mùa xuân, của tình yêu, hạnh
phúc.
- Chất thơ còn là sự ý thức về thân phận, là những khát vọng về cuộc sống tự
do hạnh phúc. Nhưng khi ý thức về bản thân trỗi dậy lại mâu thuẫn với thực tại phũ
phàng. Mị muốn được đi chơi trong đêm mùa xuân như những người đàn bà khác ở
Hồng Ngài đã khiến Mị nhớ ra đã bao nhiêu năm, A Sử không cho Mị đi chơi, mà
Mị cũng chẳng thiết đi. Nhớ lại điều đó, Mị nhận thức sâu sắc tình trạng phi lí
trong cuộc hôn nhân của mình khi “A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn
phải ở với nhau.”. Thực tế đau khổ tưởng như cô đã quen, “Ở lâu trong cái khổ Mị
quen khổ rồi”, Mị không còn nghĩ đến việc ăn lá ngón để giải thoát nữa. Nhưng
nay, sức sống tiềm tàng đã hồi sinh khiến Mị thấy phẫn uất, thấm thía nỗi tủi cực
của kiếp sống nô lệ, kiếp sống trâu ngựa trong gia đình thống lí. Mị đột ngột ước
muốn “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay”, chết để giải
thoát khỏi kiếp sống con dâu gạt nợ, chết để không phải nhớ lại những ngày tủi
cực, chết để không còn nhớ tiếc thời tuổi trẻ tự do,… bởi “Nhớ lại chỉ thấy nước
mắt ứa ra”. Muốn chết là biểu hiện mãnh liệt nhất, dữ dội nhất của sự thức tỉnh
khát khao cuộc sống hạnh phúc tự do, nhưng lòng khát khao ấy xung đột gay gắt
với thực tại đau khổ. Khi không thể tiếp tục chấp nhận kiếp sống tủi cực và đau
đớn thì cũng có nghĩa là Mị đã thoát khỏi tình trạng lầm lũi vô cảm suốt bao năm
nay.
- Như vậy trong tâm trạng Mị đang có sự chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt.
Mị “lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng… quấn lại tóc, với
tay lấy cái váy hoa” để chuẩn bị đi chơi. Đây là những chi tiết cụ thể nhưng lại ẩn
chứa ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc: Tiếp thêm dầu cho căn phòng sáng hơn, chỉnh trang lại
đầu tóc trang phục cho đẹp đẽ hơn. Hành động của Mị thể hiện niềm mong ước
được sống một cuộc sống tươi sáng, tự do và hạnh phúc, vừa là sự phản kháng âm
thầm nhưng quyết liệt chống lại sự áp chế của A Sử suốt bao nhiêu năm nay, chống
lại sự tàn bạo của cường quyền, chống lại số phận. Mị đang hành động như một
con người được tự do làm những điều mình muốn.
- Nhưng chính lúc khát vọng sống trỗi dậy mãnh liệt, tâm hồn Mị đang phơi
phới trở lại cũng là lúc Mị bị vùi dập phũ phàng, độc ác. A Sử ở đâu về, rồi lại
đang sửa soạn đi tiếp, biết ý định của Mị, nó lấy thúng dây đay trói Mị vào cột nhà
rồi tắt đèn, đóng cửa bỏ đi chơi. Mị bị trói chặt trong căn ngục thất đầy bóng tối.
Nhưng ảo giác của hơi men, của khát vọng tình yêu, tuổi trẻ, hạnh phúc vẫn rạo
rực, vẫn nương theo tiếng sáo rập rờn, “đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những
đám chơi” khiến Mị quên đi đau đớn. A Sử trói được thân xác Mị nhưng đã không
còn giữ được tâm hồn người phụ nữ vừa nhận ra mình vẫn còn trẻ và khát khao
được sống trong tình yêu, hạnh phúc. Và chỉ đến khi, Mị “vùng bước đi”, sợi dây
trói thắt vào “tay chân đau không cựa được” Mị mới tỉnh lại, trở về với thực tại
phũ phàng “Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa”. Tiếng
chân ngựa đạp vào vách, tiếng ngựa nhai cỏ, gãi chân là những âm thanh của kiếp
nô lệ đã đưa Mị trở lại thực tế đau đớn tủi cực của kiếp sống con dâu gạt nợ. Thậm
chí, con trâu con ngựa đêm xuống còn được đứng gãi chân nhai cỏ, còn đàn bà con
gái trong gia đình nhà thống lí Pá Tra thì vùi đầu vào công việc cả ngày lẫn đêm.
Cuộc sống của kiếp làm dâu gạt nợ như Mị còn “không bằng con ngựa”. Mị trở về
thực tại trong nỗi tủi cực phẫn uất.
- Suốt đêm mùa xuân ấy, Mị lúc tỉnh - lúc say, thực tại - quá khứ đan xen
trong nỗi nhớ “nồng nàn tha thiết”, trong “hơi rượu toả, tiếng sáo rập rờn, tiếng
chó sủa xa xa”. Mị sống giữa ảo giác về quá khứ đẹp đẽ và thực tại đang bị giam
cầm. Mị sống trong giằng xé đau đớn giữa những khát khao cháy bỏng vừa hồi
sinh và thực tại phũ phàng đang hiện hữu. Mị càng ý thức sâu sắc hơn về cảnh ngộ
hiện tại, về thân phận nô lệ, trong lòng trào lên nỗi tủi cực phẫn uất. Sau bao nhiêu
năm tháng buông xuôi phó mặc, nay, sức sống tiềm tàng trong Mị đã hồi sinh. Mị
nhận ra thân phận trâu ngựa của mình, để rồi chua xót thổn thức nghĩ “mình không
bằng con ngựa”. Khi con người ta đã nhận ra sự khổ ải, cảm nhận về sự khổ ải sẽ
càng thấm thía, sâu sắc hơn. Khi trong Mị đã thức dậy những khát khao, những
khát khao ấy sẽ khôn nguôi cháy bỏng. Từ nay, Mị sẽ không còn cam chịu, buông
xuôi để tiếp tục sống kiếp trâu ngựa nữa. Sức sống tiềm tàng trong Mị đã hồi sinh,
khát vọng hạnh phúc, khát vọng tình yêu đã trỗi dậy, mặc dù bị vùi dập phũ phàng
nhưng chắc chắn gặp điều kiện sẽ bùng lên thành hành động quyết liệt. Đây chính
là nền tảng, là cơ sở cho hành động cắt dây trói cứu A Phủ và giải thoát cho cuộc
đời mình của Mị trong đêm mùa đông.
3. Đánh giá:
- Nhận định “Truyện ngắn“Vợ chồng A Phủ” là một thiên truyện tràn đầy chất
thơ” thật chính xác thuyết phục, đặc biệt qua đoạn trích khắc họa nhân vật Mị
trong đêm tình mùa muân. Chất thơ trong tác phẩm đã góp phần làm cho mùa xuân
Tây Bắc đẹp đẽ lãng mạn hơn, vẻ đẹp tâm hồn người lao động Tây Bắc được tô
đậm hơn. Ccó thể thấy chất thơ còn góp phần nâng cao cái đẹp của cuộc sống và
con người, nâng cao năng lực thẩm mĩ của người đọc, truyền cho họ niềm yêu
mến, những xúc cảm đẹp đẽ thánh thiện.
-Đánh giá đặc sắc nghệ thuật:
Đoạn văn tái hiện sinh động chân thực những đổi thay trong tâm trạng Mị
qua nghệ thuật khắc họa tâm lí tinh tế sắc sảo trong hoàn cảnh cụ thể cho thấy quá
trình chuyển biến tâm lí tính cách và nhận thức của nhân vật. Lời văn trần thuật,
kết hợp với miêu tả, biểu cảm mượt mà sâu lắng giàu tính tạo hình, hoà nhập trong
dòng suy nghĩ nội tâm của nhân vật tạo được sự đồng cảm thấm thía. Cách giới
thiệu nhân vật ngắn gọn, tạo được sự hấp dẫn, hé mở cảnh ngộ và tâm tư nhân vật.
Cốt truyện liền mạch trong sự đan xen những hồi ức, pha trộn giữa hiện tại và quá
khứ, thậm chí có lúc giữa dòng trần thuật là những hồi ức mơ hồ, những tâm tư
chồng chéo, nhờ thế mà mạch truyện liên tục thay đổi bất ngờ. Ngôn ngữ chọn lọc
sinh động, lời văn mượt mà sâu lắng giàu tính tạo hình trong cách nói hồn nhiên
giàu hình ảnh của người miền núi. Giọng trần thuật ăn nhập với tư tưởng của
truyện, nhịp kể chậm, giọng văn trầm lắng đầy cảm thông. Giọng văn trần thuật
nhiều chỗ hoà vào dòng suy nghĩ của nhân vật, vừa bộc lộ trực tiếp nội tâm vừa tạo
được sự đồng cảm.
KẾT BÀI:
- Đoạn trích diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân đã góp phần
quan trọng làm nên chất thơ cho thiên truyện “Vợ chồng A Phủ”.
- Mở rộng vị trí, vai trò của tác phẩm, nhà văn trong nền văn học dân tộc

Đề 3: Phân tích tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân, từ đó nhận xét về chất thơ
trong truyện ngắn Vợ Chồng A Phủ của Tô Hoài (tương tự đề 2)
DÀN Ý
MỞ BÀI:
- Giới thiệu khái quát: Tác giả Tô Hoài, nhà văn xuất sắc của nền văn học Nam
hiện đại và truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, đỉnh cao trong sáng tác của nhà văn về
người lao động vùng cao Tây Bắc.
- Nêu vấn đề: đoạn trích miêu tả tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân thật lãng
mạn và giầu chất thơ
THÂN BÀI:
1. Cảm nhận chung:
* Hoàn cảnh sáng tác
“Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn hay nhất trong tập truyện Tây Bắc được
viết sau chuyến Tô Hoài đi thực tế cùng bộ đội trong chiến dịch giải phóng Tây
Bắc. Chuyến đi kéo dài tám tháng vào những khu du kích của các dân tộc thiểu số
trên vùng núi cao Tây Bắc đã để lại những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp cho nhà
văn về thiên nhiên, cuộc sống và con người nơi đây.
* Vị trí đoạn trích:
Mị, nhân vật chính trong truyện ngắn“Vợ chồng A Phủ” là cô gái người
Mông xinh đẹp, chăm chỉ, tài hoa thổi sáo giỏi. Nhưng vì món nợ từ lúc cha mẹ Mị
cưới nhau lãi mẹ đẻ lãi con, Mị bị bắt về làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra.
Mấy tháng liền, đêm nào Mị cũng khóc, một hôm, Mị trốn về lạy cha và định ăn lá
ngón để giải thoát nhưng rồi vì thương cha, Mị đành quay về nhà thống lí, chấp
nhận kiếp sống nô lệ trong thân phận con dâu gạt nợ. Cũng từ đó Mị trở nên lầm
lũi, câm lặng, chai sạn, mất hết sức phản kháng “Ở lâu trong cái khổ. Mị quen khổ
rồi”
* Sự tác động của ngoại cảnh:
Những tưởng cô Mị trẻ trung tràn đầy khát vọng sống năm xưa đã chết hẳn
trong Mị, nhưng rồi sự tác động của ngoại cảnh đã đánh thức làm hồi sinh sức sống
tiềm tàng trong Mị. Mùa đông năm ấy “gió và rét dữ dội” nhưng mùa xuân đến
những con người dù nghèo khổ cơ cực đến mấy vẫn rủ nhau đi chơi trong niềm vui
sống tự do. Khung cảnh mùa xuân Tây Bắc đẹp đẽ với những hình ảnh thơ mộng
“cỏ gianh vàng ửng”, bên cạnh “các nương ngô nương lúa gặt xong, ngô lúa đã
xếp đầy các nhà kho”. Thiên nhiên chuyển mùa, dấu hiệu sắc xuân đến gần, bản
làng sửa soạn đón tết “trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra
phơi trên mỏm đá xoè như con bướm sặc sỡ”. Phụ nữ trong bản đã hong phơi
những bộ váy áo đẹp nhất để chuẩn bị đi chơi Tết. Vui nhất có lẽ là “Đám trẻ đợi
Tết, chơi quay cười ầm trên sân chơi trước nhà” và thanh niên “Trai gái tụ tập
đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi khèn và nhảy”. Đặc biệt, dấu hiệu mùa xuân về
phải kể tới âm thanh tiếng sáo gọi bạn tình, tiếng chó sủa xa xa… Tô Hoài đã dành
những đoạn văn thật trữ tình và giàu chất thơ để miêu tả bức tranh thiên nhiên và
cuộc sống của con người Tây Bắc khi mùa xuân đến. Những hình ảnh và âm thanh
ấy tạo nên bức tranh mùa xuân đẹp đẽ thơ mộng tràn trề sức sống đã tác động
mạnh mẽ, làm thức dậy những khát vọng tình yêu và hạnh phúc vẫn còn âm ỉ trong
tâm hồn Mị.
2. Phân tích diễn biến tâm trạng Mị
- Biểu hiện đầu tiên của sự hồi sinh sức sống trong con người Mị là khi “Mị
nghe tiếng sáo vọng lại thiết tha bổi hổi”. Người đàn bà tưởng như vô cảm thờ ơ
với tất cả, nay không chỉ lắng nghe âm thanh của tiếng sáo từ xa vọng lại, mà còn
hình dung ra dáng người “lấp ló” ngoài đầu núi thổi sáo gọi bạn. Người đàn bà
câm lặng như tảng đá “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” còn cảm nhận được
sắc thái “thiết tha bổi hổi” gửi vào tiếng sáo và còn “nhẩm thầm bài hát của người
đang thổi: “Mày có con trai con gái rồi/ Mày đi làm nương/ Ta không có con trai
con gái/Ta đi tìm người yêu.” Câu hát gọi bạn da diết đã gợi ra cái điều giản dị
hiển nhiên, rất đời thường của con người là khát vọng hạnh phúc. Rõ ràng tiếng
sáo gọi bạn mùa xuân đã tác động mạnh mẽ làm hồi sinh tâm hồn người phụ nữ
sớm bị cuộc sống làm chai sạn, sức sống tiềm tàng mãnh liệt đang dần dần hồi sinh
trong Mị. Mị đã thoát khỏi tình trạng dửng dưng vô cảm bấy lâu nay.
- “Ngày Tết, Mị cũng uống rượu”, Mị lén lấy hũ rượu ra uống “ừng ực từng
bát”. Tô Hoài đã miêu tả rất kĩ cách Mị uống rượu “uống ừng ực từng bát”. Cách
uống rượu của Mị đã thể hiện chân thực những biến đổi âm thầm mà dữ dội trong
tâm hồn người đàn bà tưởng như đã nguội tắt sự sống. Mị uống như để say, để
quên, để dìm chặt những phẫn uất nghẹn ngào, dìm chặt những nuối tiếc khát khao
đang đột ngột bùng lên trong lòng. Rượu đã làm cơ thể đầu óc Mị say nhưng lại
làm thức tỉnh tâm hồn cô sau bao tháng ngày bị giam cầm đày đoạ. Hơi men đã dìu
tâm hồn Mị bay theo tiếng sáo.
- Mị lại nghe “văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng”. Từ láy “văng vẳng”
không chỉ gợi tả tiếng sáo ở xa mà có lẽ còn là âm thanh của hoài niệm, tiếng sáo
của người bạn tình năm xưa. Tiếng sáo như đưa Mị trở lại cô gái xinh đẹp trẻ trung
tài hoa thuở nào “cuốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết
bao nhiêu người mê ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Mị đang sống trong hoài
niệm, sống trong kí ức đẹp đẽ của thời tuổi trẻ. Người đàn bà tưởng như không còn
chút liên hệ với cả hiện tại, quá khứ, không còn nghĩ đến tương lai, nay “lịm mặt
ngồi đấy… lòng đang sống về ngày trước” với biết bao khát vọng về tình yêu hạnh
phúc. Ảo giác của quá khứ mạnh mẽ đến mức gần như xoá mờ tất cả những bất
hạnh ở hiện tại khiến “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng”
và Mị bất ngờ nhận ra mình “trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ”. Ý thức về bản thân trỗi dậy
mạnh mẽ, Mị nhận ra mình vẫn còn trẻ, lòng Mị cũng như trẻ lại và tràn đầy khát
khao. “Mị muốn đi chơi”, muốn được đến những đám vui, những cuộc vui để hoà
mình vào không khí rạo rực của mùa xuân, của tình yêu, hạnh phúc.
- Nhưng khi ý thức về bản thân trỗi dậy lại mâu thuẫn với thực tại phũ
phàng. Mị muốn được đi chơi trong đêm mùa xuân như những người đàn bà khác ở
Hồng Ngài đã khiến Mị nhớ ra đã bao nhiêu năm, A Sử không cho Mị đi chơi, mà
Mị cũng chẳng thiết đi. Nhớ lại điều đó, Mị nhận thức sâu sắc tình trạng phi lí
trong cuộc hôn nhân của mình khi “A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn
phải ở với nhau.”. Thực tế đau khổ tưởng như cô đã quen, “Ở lâu trong cái khổ Mị
quen khổ rồi”, Mị không còn nghĩ đến việc ăn lá ngón để giải thoát nữa. Nhưng
nay, sức sống tiềm tàng đã hồi sinh khiến Mị thấy phẫn uất, thấm thía nỗi tủi cực
của kiếp sống nô lệ, kiếp sống trâu ngựa trong gia đình thống lí. Mị đột ngột ước
muốn “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay”, chết để giải
thoát khỏi kiếp sống con dâu gạt nợ, chết để không phải nhớ lại những ngày tủi
cực, chết để không còn nhớ tiếc thời tuổi trẻ tự do,… bởi “Nhớ lại chỉ thấy nước
mắt ứa ra”. Muốn chết là biểu hiện mãnh liệt nhất, dữ dội nhất của sự thức tỉnh
khát khao cuộc sống hạnh phúc tự do, nhưng lòng khát khao ấy xung đột gay gắt
với thực tại đau khổ. Khi không thể tiếp tục chấp nhận kiếp sống tủi cực và đau
đớn thì cũng có nghĩa là Mị đã thoát khỏi tình trạng lầm lũi vô cảm suốt bao năm
nay.
- Như vậy trong tâm trạng Mị đang có sự chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt.
Mị “lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng… quấn lại tóc, với
tay lấy cái váy hoa” để chuẩn bị đi chơi. Đây là những chi tiết cụ thể nhưng lại ẩn
chứa ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc: Tiếp thêm dầu cho căn phòng sáng hơn, chỉnh trang lại
đầu tóc trang phục cho đẹp đẽ hơn. Hành động của Mị thể hiện niềm mong ước
được sống một cuộc sống tươi sáng, tự do và hạnh phúc, vừa là sự phản kháng âm
thầm nhưng quyết liệt chống lại sự áp chế của A Sử suốt bao nhiêu năm nay, chống
lại sự tàn bạo của cường quyền, chống lại số phận. Mị đang hành động như một
con người được tự do làm những điều mình muốn.
- Nhưng chính lúc khát vọng sống trỗi dậy mãnh liệt, tâm hồn Mị đang phơi
phới trở lại cũng là lúc Mị bị vùi dập phũ phàng, độc ác. A Sử ở đâu về, rồi lại
đang sửa soạn đi tiếp, biết ý định của Mị, nó lấy thúng dây đay trói Mị vào cột nhà
rồi tắt đèn, đóng cửa bỏ đi chơi. Mị bị trói chặt trong căn ngục thất đầy bóng tối.
Nhưng ảo giác của hơi men, của khát vọng tình yêu, tuổi trẻ, hạnh phúc vẫn rạo
rực, vẫn nương theo tiếng sáo rập rờn, “đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những
đám chơi” khiến Mị quên đi đau đớn. A Sử trói được thân xác Mị nhưng đã không
còn giữ được tâm hồn người phụ nữ vừa nhận ra mình vẫn còn trẻ và khát khao
được sống trong tình yêu, hạnh phúc. Và chỉ đến khi, Mị “vùng bước đi”, sợi dây
trói thắt vào “tay chân đau không cựa được” Mị mới tỉnh lại, trở về với thực tại
phũ phàng “Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa”. Tiếng
chân ngựa đạp vào vách, tiếng ngựa nhai cỏ, gãi chân là những âm thanh của kiếp
nô lệ đã đưa Mị trở lại thực tế đau đớn tủi cực của kiếp sống con dâu gạt nợ. Thậm
chí, con trâu con ngựa đêm xuống còn được đứng gãi chân nhai cỏ, còn đàn bà con
gái trong gia đình nhà thống lí Pá Tra thì vùi đầu vào công việc cả ngày lẫn đêm.
Cuộc sống của kiếp làm dâu gạt nợ như Mị còn “không bằng con ngựa”. Mị trở về
thực tại trong nỗi tủi cực phẫn uất.
- Suốt đêm mùa xuân ấy, Mị lúc tỉnh - lúc say, thực tại - quá khứ đan xen
trong nỗi nhớ “nồng nàn tha thiết”, trong “hơi rượu toả, tiếng sáo rập rờn, tiếng
chó sủa xa xa”. Mị sống giữa ảo giác về quá khứ đẹp đẽ và thực tại đang bị giam
cầm. Mị sống trong giằng xé đau đớn giữa những khát khao cháy bỏng vừa hồi
sinh và thực tại phũ phàng đang hiện hữu. Mị càng ý thức sâu sắc hơn về cảnh ngộ
hiện tại, về thân phận nô lệ, trong lòng trào lên nỗi tủi cực phẫn uất. Sau bao nhiêu
năm tháng buông xuôi phó mặc, nay, sức sống tiềm tàng trong Mị đã hồi sinh. Mị
nhận ra thân phận trâu ngựa của mình, để rồi chua xót thổn thức nghĩ “mình không
bằng con ngựa”. Khi con người ta đã nhận ra sự khổ ải, cảm nhận về sự khổ ải sẽ
càng thấm thía, sâu sắc hơn. Khi trong Mị đã thức dậy những khát khao, những
khát khao ấy sẽ khôn nguôi cháy bỏng. Từ nay, Mị sẽ không còn cam chịu, buông
xuôi để tiếp tục sống kiếp trâu ngựa nữa. Sức sống tiềm tàng trong Mị đã hồi sinh,
khát vọng hạnh phúc, khát vọng tình yêu đã trỗi dậy, mặc dù bị vùi dập phũ phàng
nhưng chắc chắn gặp điều kiện sẽ bùng lên thành hành động quyết liệt. Đây chính
là nền tảng, là cơ sở cho hành động cắt dây trói cứu A Phủ và giải thoát cho cuộc
đời mình của Mị trong đêm mùa đông.
3. Nhận xét về chất thơ trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”
- Nhận xét chất thơ: “Vợ chồng A Phủ” là thiên truyện tràn đầy chất thơ.
+ Chất thơ chính là những rung cảm của nhà văn trước vẻ đẹp của cảnh thiên
nhiên và con người đồng thời có khả năng truyền được những cảm xúc ấy đến cho
người đọc.
+ Chất thơ trong tác phẩm thể hiện qua: những bức tranh thiên nhiên Tây
Bắc thơ mộng đẹp đẽ trong ngày xuân, qua những giai điệu ngọt ngào mê đắm của
tiếng khèn tiếng sáo và qua những phong tục tập quán, những nét sinh hoạt mang
đậm màu sắc miền núi Tây Bắc. Chất thơ còn thể hiện qua việc nhà văn khắc hoạ
vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt và khát vọng hạnh phúc tự do của con người.
+ Chất thơ trong tác phẩm đã góp phần nâng cao cái đẹp của cuộc sống và
con người, nâng cao năng lực thẩm mĩ của người đọc, truyền cho họ niềm yêu
mến, những xúc cảm đẹp đẽ thánh thiện.
-Đánh giá đặc sắc nghệ thuật:
Đoạn văn tái hiện sinh động chân thực những đổi thay trong tâm trạng Mị
qua nghệ thuật khắc họa tâm lí tinh tế sắc sảo trong hoàn cảnh cụ thể cho thấy quá
trình chuyển biến tâm lí tính cách và nhận thức của nhân vật. Lời văn trần thuật,
kết hợp với miêu tả, biểu cảm mượt mà sâu lắng giàu tính tạo hình, hoà nhập trong
dòng suy nghĩ nội tâm của nhân vật tạo được sự đồng cảm thấm thía. Cách giới
thiệu nhân vật ngắn gọn, tạo được sự hấp dẫn, hé mở cảnh ngộ và tâm tư nhân vật.
Cốt truyện liền mạch trong sự đan xen những hồi ức, pha trộn giữa hiện tại và quá
khứ, thậm chí có lúc giữa dòng trần thuật là những hồi ức mơ hồ, những tâm tư
chồng chéo, nhờ thế mà mạch truyện liên tục thay đổi bất ngờ. Ngôn ngữ chọn lọc
sinh động, lời văn mượt mà sâu lắng giàu tính tạo hình trong cách nói hồn nhiên
giàu hình ảnh của người miền núi. Giọng trần thuật ăn nhập với tư tưởng của
truyện, nhịp kể chậm, giọng văn trầm lắng đầy cảm thông. Giọng văn trần thuật
nhiều chỗ hoà vào dòng suy nghĩ của nhân vật, vừa bộc lộ trực tiếp nội tâm vừa tạo
được sự đồng cảm.
KẾT BÀI:
- KL vấn đề: Qua đoạn văn giàu chất tự sự và trữ tình, Tô Hoài đã thành công
trong việc khắc họa quá trình hồi sinh sức sống tiềm tàng mãnh liệt của Mị trong
đêm tình mùa xuân. Đây chính là sự phát hiện, cảm thông và trân trọng của nhà
văn với người phụ nữ vùng cao Tây Bắc.
- Mở rộng vấn đề: Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu
sắc mới mẻ, mang ý thức giai cấp rõ nét: Lên án những thế lực phong kiến thực
dân áp bức tàn bạo cuộc sống con người, cảm thông cho số phận đau khổ của
người dân miền núi trước cách mạng tháng tám, khẳng định ngợi ca và thể hiện
niềm tin vào những phẩm chất tốt đẹp, những khát vọng chân chính và con đường
đến với cách mạng của người dân miền núi.
ĐỀ SỐ 4: Phân tích diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân, từ đó nhận
xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật của Tô Hoài
DÀN Ý
MỞ BÀI:
- Giới thiệu khái quát tác giả Tô Hoài và truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (giống
đề 12)
- Nêu vấn đề: Diễn biến tâm trạng Mị trong đêm cắt dây trói cứu A Phủ bộc lộ tài
năng khắc họa tâm lí nhân vật của Tô Hoài
THÂN BÀI:
1. Cảm nhận chung:
* Hoàn cảnh sáng tác
“Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn hay nhất trong tập truyện Tây Bắc được
viết sau chuyến Tô Hoài đi thực tế cùng bộ đội trong chiến dịch giải phóng Tây
Bắc. Chuyến đi kéo dài tám tháng vào những khu du kích của các dân tộc thiểu số
trên vùng núi cao Tây Bắc đã để lại những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp cho nhà
văn về thiên nhiên, cuộc sống và con người nơi đây.
* Vị trí đoạn trích:
Mị, nhân vật chính trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” là cô gái người
Mông xinh đẹp, chăm chỉ, tài hoa thổi sáo giỏi. Nhưng vì món nợ từ lúc cha mẹ Mị
cưới nhau lãi mẹ đẻ lãi con, Mị bị bắt về làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra.
Mấy tháng liền, đêm nào Mị cũng khóc, một hôm, Mị trốn về lạy cha và định ăn lá
ngón để giải thoát nhưng rồi vì thương cha, Mị đành quay về nhà thống lí, chấp
nhận kiếp sống nô lệ trong thân phận con dâu gạt nợ. Cũng từ đó Mị trở nên lầm
lũi, câm lặng, chai sạn, mất hết sức phản kháng “Ở lâu trong cái khổ. Mị quen khổ
rồi”. Những tưởng Mị sẽ mãi lầm lũi chai sạn trong kiếp sống con dâu gạt nợ trong
gia đình thống lí Pá tra, nhưng rồi vào một mùa xuân Tây Bắc đẹp đẽ, sức sống
tiềm tàng mãnh liệt đã trở lại trong Mị. Mị cảm nhận rõ sức sống thanh xuân, Mị
thấy mình còn trẻ, Mị muốn đi chơi. Dù bị A Sử giam hãm cầm tù nhưng tâm hồn
Mị vẫn đến với những cuộc chơi những đám chơi, Mị đã sống lại với những kí ức
đẹp đẽ của tuổi trẻ.
2. Phân tích: Mị trong đêm cắt dây trói cứu A Phủ (trọng tâm)
Sau đêm tình mùa xuân, thái độ và dáng vẻ bên ngoài của Mị dường như lại
trở về với con người cũ, lầm lũi vô cảm nhưng chắc chắn sức sống tiềm tàng vẫn
âm ỉ đâu đó trong lòng Mị. Điều này có lẽ chính Mị cũng không nhận ra, có lẽ cô
vẫn nghĩ lòng mình đã chết hẳn mà không thể ngờ rằng sức sống mãnh liệt ấy sẽ
trở về với cô trong một đêm đông lạnh lẽo ở Hồng Ngài.
* Thờ ơ, không quan tâm: Lúc đầu, trước cảnh A Phủ bị trói, Mị hoàn toàn vô
cảm. A Phủ bị trói mấy ngày đêm rồi nhưng đêm nào cũng vậy, Mị dậy đốt lửa
sưởi và thờ ơ không quan tâm đến cảnh một con người đang bị trói, bị đói rét sắp
chết ngay bên cạnh mình. Mỗi đêm khi ngọn lửa bùng lên “Mị nhìn sang thấy mắt
A Phủ trừng trừng, mới biết A Phủ còn sống. Mấy đêm nay như thế. Nhưng Mị vẫn
thản nhiên thổi lửa hơ tay.” Và thậm chí “Nếu A Phủ có là cái xác đứng đấy cũng
thế thôi”. Phải chăng Mị đã quá quen với những cảnh ngang trái trong nhà Pá Tra
hay tâm hồn cô đã khép kín câm lặng tình thương trong Mị đã cạn kiệt? Có lẽ là cả
hai, bởi vì Mị không chỉ thờ ơ với nỗi khổ của A Phủ mà thậm chí cô chai lì với cả
sự sống chết của bản thân. Bởi khi bị A Sử “đạp ngã xuống cửa bếp” thì “đêm
sau, Mị vẫn ra ngồi sưởi như đêm trước” vẫn lùi lũi trong câm lặng.
* Xót thương người cùng cảnh ngộ: Nhưng rồi đến một đêm khi “Mị lé mắt
trông sang thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò
xuống hai hõm má đã xám đen lại”, thì một cái gì đó chưa chết hẳn trong lòng Mị
đã đột ngột thức dậy. Trước tình cảnh một người con trai khoẻ mạnh cường tráng
bây giờ hốc hác thê thảm với “hai hõm má đã xám đen lại” sắp chết vì đói rét, một
người con trai ngang tàng mạnh mẽ bây giờ phải lặng lẽ khóc, dòng nước mắt
không thể kiềm chế vì quá cay đắng, cũng không thể che giấu nổi vì không lau đi
được. Dòng nước mắt đàn ông “lấp lánh” trong ánh lửa khiến nỗi thống khổ, sự
đau đớn bất lực tột cùng của con người trở nên hiện hữu sống động. Giọt nước mắt
đau đớn tuyệt vọng của A Phủ đã tác động mạnh mẽ đến Mị khiến cô nhớ lại cái
đêm mùa xuân năm trước mình cũng bị trói đứng vào cột nhà như thế kia cũng
“nước mắt chảy xuống miệng xuống cổ mà không lau đi được”. Nỗi đau đớn tủi
cực trong quá khứ hiện về khiến Mị chợt đồng cảm với nỗi đau đớn tủi cực của A
Phủ lúc này.
- Tình cảnh của A Phủ khiến Mị nhớ lại mình cũng suýt chết đứng trong bóng đêm.
Mị nhớ đến cái chết oan ức của người đàn bà ngày trước trong nhà thống lí Pá Tra,
rồi lại nghĩ đến cái chết sắp đến với A Phủ. Trong câm lặng, Mị chợt nhận ra cả
mình, người đàn bà năm xưa và cả A Phủ nữa đều là nạn nhân của sự tàn bạo. Nỗi
thương mình, thương người khiến Mị thấy căm hờn phẫn uất “chúng nó thật độc
ác”.
- Với bản thân mình, Mị có vẻ như đã cam chịu bởi sự thống trị của thần quyền
“Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về cúng trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi
ngày rũ xương ở đây thôi” nhưng trong lòng Mị lại phảng phất nghĩ đến cái chết
phi lí của A Phủ “Người kia việc gì phải chết thế.”. Có lẽ, từ khi trở thành người
đàn bà vô cảm thờ ơ trong nhà thống lí, đây là lần đầu tiên Mị nghĩ đến người
khác, bất bình thay cho người khác. Đoạn văn sau đó dày đặc những từ “chết” “Cơ
chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết.”.
Lại một lần nữa Mị nghĩ đến cái chết, chứng tỏ khát vọng sống một lần nữa đã trở
lại mãnh liệt với Mị, trở lại trong sự kinh hoàng về cái chết, trong nỗi phẫn uất
trước cái chết của những con người hiền lành lương thiện, cùng cảnh ngộ.
- Mị ngồi đó suy nghĩ mặc cho đám than sưởi ấm đã vạc hẳn lửa, “Mị không thổi,
cũng không đứng lên. Mị nhớ lại cuộc đời mình.” Với nhiều cơ cực của kiếp sống
nô lệ trong nhà thống lí. Rồi nghĩ tới việc nếu A Phủ trốn thoát, “Lúc ấy bố con Pá
Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó. Mị liền phải trói thay vào đấy. Mị phải chết
trên cái cọc ấy.”. Rõ ràng ý nghĩ cởi trói cho A Phủ đã xuất hiện. Mị đang nghĩ
cách cứu A Phủ, nghĩ cách chống lại cường quyền. Thậm chí nếu A Phủ trốn thoát
Mị sẽ phải chết thay “nghĩ thế, trong tình cảnh này làm sao Mị cũng không thấy
sợ.”. Rõ ràng Mị đã chiến thắng nỗi sợ cường quyền, Mị đang đấu tranh âm thầm
chống lại cường quyền.
- Thế rồi sự bất bình, lòng thương người đã thôi thúc “Mị lấy con dao nhỏ cắt lúa,
cắt nút dây mây” cởi trói cho A Phủ. Lúc này dường như, Mị vẫn đang hành động
theo sự mách bảo của trái tim nhân hậu của sự đồng cảm với người cùng cảnh ngộ.
Vì thế nên khi “gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng”. Có lẽ
lúc ấy, lí trí mới chợt nhận ra Mị đã làm một việc ghê gớm, nỗi sợ hãi cường quyền
trở lại. Tuy nhiên, hành động cởi trói cho A Phủ là kết quả tất yếu của nhiều
nguyên nhân: do sự thúc đẩy của cảm giác bất bình phẫn uất, do sự thức tỉnh của
lòng nhân hậu, là sự vùng dậy tự phát đột ngột mà quyết liệt.
* Từ cứu người đến cứu mình: Giải thoát cho A Phủ, Mị cũng đồng thời thoát ra
khỏi trạng thái lặng lẽ vô cảm. Trái tim nhân hậu hồi sinh thì đồng thời khát vọng
sống cũng hồi sinh. Mị không còn thờ ơ với nỗi đau khổ của người khác thì cũng
không thể tiếp tục vô cảm với chính mình. Có lẽ, sau giây phút đứng lặng trong
bóng tối nhìn A Phủ lao vụt đi, hình ảnh một con người trên bờ vực cái chết “quật
sức vùng lên chạy”, để thoát khỏi địa ngục trần gian tìm cho mình con đường sống,
khiến Mị đột ngột hiểu điều cô cần làm ngay lúc bấy giờ là tự giải thoát đời mình
khỏi sự thống trị đày đoạ của cường quyền và thần quyền trong suốt bao năm qua
“Rồi Mị vụt chạy ra” đuổi theo A Phủ
- Nhà văn đã miêu tả hành động của Mị trong những câu văn ngắn, dồn dập, bằng
những động từ mạnh mẽ gấp gáp: “chạy vụt ra… băng đi… đuổi kịp… lăn…
chạy… nói… thở…” Người đàn bà lầm lũi vô hồn vô cảm ấy đang hối hả tự cứu
mình. Người đàn bà câm lặng như tảng đá ấy đã cất lên tiếng nói xin được giải
thoát “A Phủ cho tôi đi”. Người đàn bà hơn một lần muốn chết ấy nay lại khẩn
thiết mong được sống, mong được theo A Phủ bởi nỗi kinh hoàng về cái chết “ở
đây thì chết mất”. Khát vọng sống trong Mị đã thức tỉnh mãnh liệt, đã trở thành
hành động cụ thể, quyết liệt chống lại số phận, chống lại vòng cương toả độc ác
của cha con thống lí, chống lại cường quyền và thần quyền để giành lại cuộc sống
tự do.
- Như vậy, từ chỗ Mị thờ ơ vô cảm với tất cả đến chỗ thương mình, đồng cảm với
người cùng cảnh ngộ đã dẫn đến hành động cứu người, cứu mình. Hành động chạy
theo A Phủ của Mị cũng là một hành động đầy bất ngờ nhưng rất hợp lí. Đây là kết
quả tất yếu của một quá trình dồn nén bức bối cả về thể xác và tinh thần, đồng thời
vừa là biểu hiện vừa là kết quả của một sức sống tiềm tàng mãnh liệt trỗi dậy, kết
thúc cuộc đời tăm tối trong nhà thống lí Pá Tra để bắt đầu một cuộc đời mới.
Người đọc, cảm nhận được hành động này xuất phát từ bên trong con người Mị
chứ không phải từ sự phát triển của tình huống truyện do tác giả sắp đặt. Điều này
chứng tỏ tài năng miêu tả tâm lí nhân vật rất tự nhiên mà vẫn tinh tế, sắc sảo của
Tô Hoài.
 Qua đoạn trích, ta thấy hiện lên một cô gái miền núi trẻ đẹp hồn nhiên yêu đời.
Khi bị đẩy vào thân phận làm dâu gạt nợ, Mị đã phản kháng quyết liệt nhưng rồi
kiếp sống nô lệ triền miên làm cho Mị tê liệt mọi sức phản kháng, cam chịu số
phận. Tuy nhiên trong Mị vẫn ẩn chứa một trái tim nhân hậu, một sức sống mạnh
mẽ cùng khát vọng tự do và khi gặp thời điểm thuận lợi nó biểu hiện thành hành
động quyết liệt táo bạo. Trong cả đoạn trích hầu như Mị rất ít lời đối thoại, điều đó
càng biểu hiện Mị là con người có sức sống nội tâm âm thầm mạnh mẽ.
3. Nhận xét nghệ thuật xây dựng nhân vật, đặc biệt là miêu tả tâm lí nhân vật.
- Nhân vật Mị mang những nét điển hình của người dân lao động miền núi: hiền
lành, chất phác, gan góc, mạnh mẽ. Mị bề ngoài lặng lẽ âm thầm nhẫn nhục nhưng
bên trong tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, khao khát sống tự do hạnh phúc và
tiềm ẩn sức mạnh phản kháng mãnh liệt dữ dội. Diễn biến tâm trạng Mị trong đêm
đông cắt dây trói cứu A Phủ được nhà văn tái hiện rất tự nhiên và tinh tế. Những
biến đổi âm thầm, sự phản kháng mãnh liệt thôi thúc từ suy nghĩ đến hành động
quyết liệt để cứu người, cứu mình khiến người đọc quên đi bàn tay bố trí sắp đặt
của nhà văn.
- Ngoài ra nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn có sự kết hợp giữa truyền thống và những
sáng tạo hiện đại. Cốt truyện liền mạch trong sự đan xen những hồi ức, pha trộn
giữa hiện tại và quá khứ, thậm chí có lúc giữa dòng trần thuật là những hồi ức mơ
hồ, những tâm tư chồng chéo, nhờ thế mà mạch truyện liên tục thay đổi bất ngờ.
Ngôn ngữ chọn lọc sinh động, sử dụng linh hoạt các kiểu câu tạo nên hiệu quả
nghệ thuật cao. Kết hợp kể, tả, biểu cảm, giọng kẻ khi trầm lắng đầy cảm thông,
lúc dồn dập khiến người đọc bị cuốn theo từng hành động của nhân vật.
Cũng qua đoạn trích ta hiểu được tấm lòng nhân đạo của nhà văn: cảm thông sâu
sắc với số phận và khát vọng sống của con người, tin tưởng vào sức sống tiềm
tàng, thông cảm và chia sẻ nguyện vọng thiết tha, thái độ phản kháng của nhân vật.
Đây cũng là con đường đến với cách mạng của người lao động miền núi và chỉ có
cách mạng mới làm thay đổi cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn cho họ.
KẾT BÀI:
- Kết luận vấn đề: Tô Hoài đã thành công trong việc khắc họa quá trình hồi sinh
sức sống tiềm tàng mãnh liệt, quá trình phản kháng quyết liệt của Mị trong đêm cắt
dây trói cứu A Phủ và giải thoát chính mình. Đây chính là sự phát hiện, cảm thông
trân trọng và khích lệ của nhà văn với hành động đấu tranh, với con đường đến với
cách mạng của người phụ nữ nghèo vùng cao Tây Bắc.
- Mở rộng vấn đề: Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu
sắc mới mẻ, mang ý thức giai cấp rõ nét: Lên án những thế lực phong kiến thực
dân áp bức tàn bạo cuộc sống con người, cảm thông cho số phận đau khổ của
người dân miền núi trước cách mạng tháng tám, khẳng định ngợi ca và thể hiện
niềm tin vào những phẩm chất tốt đẹp, những khát vọng chân chính và con đường
đến với cách mạng của người dân miền núi, đề cao tình hữu ái giai cấp và sự đồng
cảm của những con người cùng cảnh ngộ.

You might also like