You are on page 1of 6

- Dẫn dắt về:

+ Vai trò của chi tiết


+ Tính sáng tạo trong văn chương, phong cách nghệ thuật của nhà văn
+ Chức năng của văn học - Giới thiệu tác giả Tô Hoài, truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” và
nhân vật Mị - Nêu vấn đề cần nghị luận: Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô
Hoài đã hai lần miêu tả suy nghĩ của Mị về cái chết. Trong đêm tình mùa xuân, khi khát
vọng sống thức dậy, Mị nghĩ: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết
ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa”. Và trong đêm mùa đông, khi Mị có ý định cởi trói cho A
Phủ: “Mị liền phải trói thay vào đấy, phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này,
làm sao Mị cũng không thấy sợ”. Hai lần miêu tả trên làm nổi bật giá trị nhân đạo trong ngòi
bút của nhà văn Tô Hoài.
II. THÂN BÀI
1. Khái quát chung về tác phẩm: - “Vợ chồng A Phủ” được in trong tập “Truyện Tây Bắc”-
tác phẩm đã được tặng giải Nhất - Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955. Đây là
kết quả chuyến đi thực tế của nhà văn cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc năm 1952. Tác
phẩm kể về kiếp sống trâu ngựa của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài dưới ách cai trị của cha con
thống lí Pá Tra. Sức sống mãnh liệt tiềm tàng đã tạo thành sức mạnh để hai con người khốn
khổ ấy chạy khỏi chốn địa ngục trần gian, đến với khu du kích Phiềng Sa, thay đổi cuộc đời
nhờ cách mạng.
- Mị là nhân vật trung tâm của thiên truyện - một hình tượng điển hình cho những người phụ
nữ Tây Bắc đương thời. Xinh đẹp, trẻ trung, có tài thổi sáo, lại hiếu thảo, chịu thương chịu
khó, tràn đầy khát vọng hạnh phúc, tình yêu, Mị giống như một đóa hoa ngạt ngào hương sắc
của chốn núi rừng. Song oái ăm thay, cuộc đời của cô phải trải qua chuỗi tháng ngày biết bao
đau khổ, tủi nhục. Do món nợ từ cha mẹ, Mị đã bị ép về làm dâu cho nhà thống lí Pá Tra và
bắt đầu những ngày bị đày đọa trong cái địa ngục trần gian của cha con thống lí. Từ một cô
gái có sức phản kháng mạnh mẽ, chỉ mấy năm sau, Mị đã hoàn toàn thay đổi, trở nên buông
xuôi, cam chịu thân phận trâu ngựa, sống lầm lũi trong nhà thống lí như “con rùa nuôi trong
xó cửa”, không ý thức được nỗi khổ đau, thậm chí còn không tưởng đến cái chết! Tô Hoài đã
khiến người đọc dâng lên bao cảm xúc, vừa phẫn nộ trước sự tàn bạo của giai cấp thống trị,
vừa xót xa cho số kiếp của một con người lẽ ra phải được sống một cuộc đời hạnh phúc.
Song nhà văn cũng khơi lên niềm tin ở chúng ta khi tái hiện vô cùng xúc động sự trỗi dậy
mãnh liệt của lòng ham sống trong tâm hồn tưởng như đã biến thành sỏi đá khô cằn của
người phụ nữ khốn khổ này.
2. Nêu khái niệm chi tiết và vai trò của chi tiết trong tác phẩm văn học (5-7 dòng) Có thể nói,
cái tài của nhà văn Tô Hoài trong quá trình khắc họa nhân vật thể hiện ở việc chọn lọc và
sáng tạo những chi tiết đắt giá, “các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và
tư tưởng”. Thông qua những chi tiết miêu tả cử chỉ, hành động, nội tâm nhân vật, …mà tính
cách, phẩm chất, số phận của nhân vật Mị được bộc lộ đầy đủ, cốt truyện được triển khai và
phát triển đầy đặn. Những chi tiết miêu tả ý nghĩ của Mị về cái chết thực sự là những điểm
sáng thẩm mĩ của tác phẩm, tạo nên sức hấp dẫn cho thiên truyện, đặc biệt bộc lộ sâu sắc tư
tưởng và phong cách nghệ thuật của nhà văn Tô Hoài. Viết về nhân vật của mình, Tô Hoài
tâm sự: ““Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế, mọi thế lực của tội ác cũng
không giết được sức sống con người. Lay lắt đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm
tàng, mãnh liệt”
3. Phân tích nhân vật Mị qua hai lần miêu tả (luận điểm trọng tâm)
a. Lần miêu tả thứ nhất:
Trong đêm tình mùa xuân, khi khát vọng sống thức dậy, Mị nghĩ: “Nếu có nắm lá ngón
trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa”.
* Hoàn cảnh dẫn đến các chi tiết:
- Những chi tiết trong lần miêu tả thứ nhất thuộc phần đầu của tác phẩm, trong đêm tình mùa
xuân, miêu tả suy nghĩ của Mị về cái chết sau khi khát vọng sống, khát khao hạnh phúc trong
cô trỗi dậy. Bản Hồng Ngài ăn tết giữa lúc gió thổi vào đám cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất
dữ dội song sắc xuân đã bừng lên trên những chiếc váy hoa được đem ra phơi trên những
mỏm đá, xòe như những con bướm sặc sỡ của những cô gái Hmông, không khí mùa xuân rộn
ràng đến từ tiếng cười ầm của bọn trẻ và những chàng trai, cô gái, tụ tập chơi đánh pao, đánh
quay trên sân trước nhà. Bức tranh xuân náo nức ấy đã đánh động tâm hồn tưởng như ngủ
yên của Mị, đặc biệt là men rượu ngày Tết và sự tác động mạnh mẽ của tiếng sáo đã khiến
Mị nhớ lại quá khứ đẹp đẽ của mình. Từ đó lòng Mị phơi phới trở lại. Cô ý thức mình “còn
trẻ, Mị trẻ lắm” và bừng lên khao khát được “đi chơi”.
- Tuy nhiên, liền ngay khát khao ấy là ý nghĩ: “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ
ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa”. Đây là lần thứ ba chi tiết lá ngón trở lại
trong tác phẩm và là lần thứ hai Mị nghĩ đến việc ăn lá ngón như một sự giải thoát. * Phân
tích ý nghĩa các chi tiết
- Trong tác phẩm, Mị đã hai lần nghĩ đến ăn lá ngón - một thứ độc dược chết người của đồng
bào các dân tộc miền núi trước đây. Chi tiết này cũng được Tô Hoài nhắc đến ba lần. Miêu tả
lá ngón, Tô Hoài đã làm nổi bật thế giới nội tâm đầy biến động của nhân vật Mị
+ Khi mới bị bắt về làm con dâu gạt nợ trong nhà thống lí, suốt mấy tháng trời đêm nào Mị
cũng khóc. Cô trốn về nhà, quỳ lạy cha, định ăn lá ngón để tự tử. Đó là sự phản kháng mạnh
mẽ của một người con gái giàu lòng tự trọng, khao khát tự do hạnh phúc, không chấp nhận
cảnh sống tủi nhục đọa đày trong nhà thống lí Pá Tra. Nhưng rồi thương cha, Mị đã ném nắm
lá ngón xuống đất, Mị không đành lòng chết. Ý muốn của bản thân đã không thắng được
những ràng buộc về bổn phận. Vì chữ hiếu, Mị tiếp tục kiếp sống không bằng trâu ngựa.
+ Lần thứ hai lá ngón xuất hiện, đó là khi Mị đã ở nhà thống lí được mấy năm. Lúc này, cha
Mị đã chết, tức là Mị không điều gì ràng buộc thì cô lại không còn nghĩ đến chuyện ăn lá
ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa. Mỗi
ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Cô cam chịu kiếp sống tủi
nhục trong nhà thống lí, tâm hồn cô đã chai sạn đến mức không còn nghĩ đến cái chết.
+ Đến lần thứ ba, trong đêm tình mùa xuân, cùng với sự trở lại của nhận thức về giá trị của
bản thân: “Mị còn trẻ, Mị vẫn còn trẻ” và sự bừng lên của khao khát được sống có ý nghĩa là
suy nghĩ tưởng như đối lập đầy nghịch lí: “Nếu có nắm lá ngón lúc này Mị sẽ ăn cho chết
ngay”. Lá ngón lại lần nữa xuất hiện với tầng ý nghĩa giải thoát, nhưng được lên một nấc của
“sự tự ý thức”, đánh dấu sự trở lại của ý thức sống, đánh dấu sự thức tỉnh của một tâm hồn
tưởng chừng như đã “chết đi trong cõi sống”.
- Lần xuất hiện này của lá ngón là quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất: + Mị nghĩ đến lá ngón với
trạng thái phẫn nộ và sự cương quyết tột cùng. Bởi lẽ khao khát sống bừng dậy cũng là lúc
Mị nhận ra bi kịch của đời mình: “Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có
chồng cũng đi chơi ngày Tết” vậy mà “A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở
với nhau!”. Đi chơi, một nhu cầu giản đơn và một quyền chính đáng với tất cả mọi người,
vậy mà với Mị đó là điều khó có thể thực hiện được! Mị uất ức vì nhận ra sự bất công phi lí,
Mị cương quyết vì giờ đây, cô không còn gì để hối tiếc. Tuổi thanh xuân bị trói buộc, giam
hãm, cha già – nguồn yêu thương vô tận cũng không còn. + Lá ngón đối với cô không phải là
liều thuốc độc, mà trở thành thứ phương tiện, hình thức, con đường để đi đến một bến bờ
khác không còn đớn đau, Mị tìm đến lá ngón là tìm đến cái chết như một sự tự cứu và phản
kháng. Mị tìm đến cái chết vì muốn quên đi thực tại đau khổ với thân phận không bằng con
trâu con ngựa. Mị tìm đến cái chết vì muốn quên đi quá khứ tươi đẹp nơi mình được là chính
mình.
* Đánh giá về lần miêu tả thứ nhất:
- Ý nghĩ ăn lá ngón tự tử cho thấy nỗi xót đau của người phụ nữ bị chà đạp khi ý thức được
tình cảnh “sống không ra người” của mình. Chi tiết này cho thấy sự phản kháng, tâm hồn
giàu khát khao và sức sống mạnh mẽ tiềm tàng trong con người Mị. Khát vọng ấy như ngọn
lửa âm ỉ dưới đống tro tàn, chỉ chờ cơ hội là bùng lên mãnh liệt.
- Ý nghĩ ăn lá ngón là biểu hiện cho đời sống nội tâm phong phú, phức tạp và vẻ đẹp tâm
hồn, khát vọng sống, khát vọng tự do của người phụ nữ, người dân nghèo Tây Bắc trong sự
đày đọa đến cùng cực của bọn chúa đất phong kiến ở xã hội cũ. - Đối với sự phát triển của
cốt truyện: Đây là những chi tiết đánh dấu bước ngoặt trong tâm lí của nhân vật. Mị đã trở lại
với ý thức mạnh mẽ về giá trị, ý nghĩa của sự sống, nhận ra được sự vô nghĩa của cuộc sống
ở hiện tại. Từ những chi tiết này mà dẫn đến sự xâu chuỗi của một loạt chi tiết khác. Tâm
hồn Mị lại cuốn theo tiếng sáo, Mi sửa soạn đi chơi…
- Chi tiết Mị nghĩ đến việc ăn lá ngón làm nổi bật tư tưởng của nhà văn Tô Hoài. Đó là niềm
tin vào người lao động, vào ý thức sống mạnh mẽ của họ không bao giờ bị mất đi. “Lá ngón”
xuất hiện lần đầu tiên như một lối thoát đen. Đây là lối thoát ngắn và hữu hiệu nhất để thoát
khỏi cuộc sống nô lệ trong nhà thống lí Pá Tra. Tiếc rằng đây là lối thoát để chấm dứt hiện
tại nghiệt ngã chứ không phải lối thoát để bước sang trang mới của cuộc đời Mị. Bởi vậy, chi
tiết “lá ngón” gián tiếp cho thấy sự độc ác của giai cấp thống trị cũng như nỗi thống khổ của
người dân lao động miền núi.
b. Lần miêu tả thứ hai: trong đêm mùa đông, khi Mị có ý định cởi trói cho A Phủ: “Mị liền
phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao
Mị cũng không thấy sợ”.
*Hoàn cảnh dẫn đến các chi tiết:
- Những chi tiết trên nằm trong phần cuối của đoạn trích “VCAP” . Nhìn giọt nước mắt tuyệt
vọng của A Phủ, Mị đã nhớ lại tình cảnh của mình, thương mình và dần có với A Phủ tình
thương của người đồng cảnh ngộ. Nhớ đến những chuyện ngày trước, trở về với hiện tại, Mị
đau khổ cay đắng cho thân phận của mình: “Ta là thân đàn bà chúng nó đã bắt ta về trình ma
nhà nó rồi thì chỉ còn biết chờ ngày rũ xương ở đây thôi”. Nghĩ về mình, thương cho mình,
Mị dần có với A Phủ tình thương một người đồng cảnh ngộ: “cơ chừng này chỉ đêm nay thôi
là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Người kia việc gì mà phải chết như
thế. A Phủ…. Mị phảng phất nghĩ như vậy”. - Trong đầu Mị bỗng nhiên nghĩ đến cảnh A
Phủ bỏ trốn: “Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong
tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ”.
* Phân tích ý nghĩa các chi tiết:
- Khi có ý định cứu A Phủ, Mị đã nghĩ đến hậu quả của hành động này: “Lúc ấy hai bố con
Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái
cọc ấy”. Những chi tiết trên cho thấy ý thức rất rõ của Mị về thân phận cuả mình. Thực vậy,
đối với bọn cường hào ác bá miền núi, người lao động nghèo chỉ như con sâu cái kiến, bọn
chúng sẵn sàng tước đoạt sinh mạng của họ bất cứ lúc nào. Mị về nhà thống lí với danh nghĩa
là con dâu nhưng thực chất là người ở không công, bị đọa đày, bị chà đạp tàn tệ. Chỉ với
khao khát được đi chơi, được thoát ra khỏi nhà tù của nhà thống lí trong giây lát của Mị mà
A Sử nhẫn tâm trói đứng Mị vào cột nhà, bỏ mặc Mị. Nếu không có người chị dâu cởi trói thì
chắc gì Mị còn sống. Huống chi lúc này cô lại cắt dây trói cho A Phủ. Tội tày đình ấy đối với
cha con thống lí không thể nào dung tha. Mị đã nghĩ đến hậu quả thảm khốc của hành động
cứu A Phủ.
- Nhưng “Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ”. Tại sao A Phủ-
một người đàn ông xa lạ lại khiến cho Mị sẵn sàng đánh đổi cuộc sống của mình?
+ Bởi lẽ. giọt nước mắt tuyệt vọng của A Phủ đã đánh động cảm xúc trong Mị, khiến Mị nhớ
lại mình, thương mình, từ đó mà thương A Phủ- một người đồng cảnh ngộ. Mị thương cảm,
lo lắng: “Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau chết đói, chết rét”. Hậu quả
khủng khiếp của việc cứu A Phủ là Mị sẽ phải đánh đổi cả tính mạng nhưng cái suy nghĩ “Ta
là thân đàn bà, đã bị cúng trình ma nhà nó rồi thì chị đợi ngày rũ xương ở đây thôi” ràng
buộc Mị, khiến Mị nghĩ rằng đời mình đã bỏ đi, còn “người kia việc gì phải chết thế?”
+ Nhưng điều quan trọng nhất là Mị đã quên mình vì người khác. Nhà văn Tô Hoài đã miêu
tả vô cùng chân thực quy luật tâm lí của con người. “Thương người như thể thương thân”.
Tình thương người không thể sinh ra nếu con người không biết yêu thương, trân trọng bản
thân và tình thương người một khi đã xuất hiện rồi một khi đã xuất hiện rồi, thì cứ lớn mãi
lên, lớn hơn cả sự thương mình. Lúc này Mị đã thương A Phủ hơn cả sự thương mình.
* Đánh giá về các chi tiết trong lần miêu tả thứ hai:
- Những chi tiết trong lần miêu tả thứ hai đã cho thấy một cô Mị đầy sức phản kháng. Mặc
dù vẫn bị ghì chặt trong ách trói buộc tàn bạo của cha con thống lí song Mị không còn trơ lì,
chai sạn, vô cảm. Cô xúc động trước nỗi đau của người cùng cảnh ngộ. Là “thân đàn bà”
song Mị không yếu đuối mà trở nên mạnh mẽ vô cùng trong ý nghĩ cứu A Phủ
- Đối với cốt truyện, đây là những chi tiết không thể thiếu. Bởi có chi tiết này mới có hành
động đầy táo bạo và quyết liệt của Mị- hành động cắt dây trói cho A Phủ rồi sau này, cùng A
Phủ trốn khỏi Hồng Ngài. Sáng tạo những chi tiết đắt giá ấy, Tô Hoài đã làm sáng rõ hơn chủ
đề tác phẩm: Lên án sự tàn bạo của giai cấp thống trị, ca ngợi tình yêu thương đùm bọc lẫn
nhau giữa những người cùng cảnh ngộ.
4. Đánh giá chung về hai lần miêu tả:
a. Về Mị qua hai lần miêu tả: - Ai sống trên đời chẳng ít nhất một lần nghĩ đến cái chết, có
những người bị cái chết ám ảnh khiến tâm lí trở nên lo lắng, sợ hãi đến tột cùng. Có những
người tìm đến cái chết vì quá bế tắc trong cuộc sống. Trong tác phẩm, Tô Hoài nhiều lần
miêu tả thái độ, cảm xúc của Mị khi nghĩ đến cái chết và mỗi lần, nhà văn lại mở ra những ý
nghĩa khác nhau về nhân vật.
+ Ở lần miêu tả thứ nhất, Mị nghĩ đến ăn lá ngón khi ý thức sống của cô đã trỗi dậy, cô
không chấp nhận cảnh sống tăm tối ở hiện tại. Còn lần miêu tả thứ hai, Mị nghĩ mình phải
chết thay A Phủ khi cô có ý định cứu anh, tức là tình người trong cô đã trỗi dậy. Cả hai lần,
Mị đều sẵn sàng đối diện với cái chết, cả hai lần ý thức phản kháng trong Mị đều vô cùng
mạnh mẽ. Cha con thống lí Pá Tra là tác nhân đẩy Mị đến suy nghĩ về cái chết bởi Mị không
thỏa hiệp với bọn chúng.
+ Nhà văn Vích to Huy- gô từng nói: “Chết chẳng là gì. Không sống mới là đáng sợ”. Hai
lần miêu tả Mị khiến ta thấm thía hơn triết lí đó. Khi ý thức sống trong Mị hồi sinh, cô không
chấp nhận cuộc sống không có niềm vui, Mị nghĩ đến cái chết vì lòng ham sống, sống một
cuộc sống cho ra người. Mị không sợ chết khi cứu người khác vì Mị không chấp nhận cuộc
sống không có tình người.
+ Cũng sống trong xã hội tàn bạo như Mị, Chí Phèo cất tiếng kêu đòi quyền sống và cuối
cùng phải tự kết liễu cuộc đời để khẳng định mình là một con người. Song với Tô Hoài, thế
giới quan của một nhà văn cách mạng đã khiến ông không khép lại cuộc đời Mị bằng cái
chết. Niềm ham sống và ý thức phản kháng mạnh mẽ đã dẫn Mị đến hành động táo bạo: cứu
A Phủ, cùng A Phủ trốn khỏi Hồng Ngài, đến khu du kích Phiềng Sa để sống một cuộc đời
đích thực.
b. Tư tưởng của nhà văn Tô Hoài qua hai lân miêu tả Mị: Hai lần miêu tả thể hiện giá trị hiện
thực và nhân đạo sâu sắc trong ngòi bút Tô Hoài, biểu hiện ở:
- Xót xa, thương cảm trước số phận bi thảm của người lao động miền núi dưới ách áp bức
của bọn thực dân phong kiến; lên án mạnh mẽ tội ác của giai cấp thống trị không chỉ bóc lột
sức lao động mà còn chà đạp, đè nén sưc phản kháng của người lao động nghèo.
- Tác giả ca ngợi những phẩm chất của người lao động, thể hiện niềm tin vào khát vọng sống
mãnh liệt, khát khao hạnh phúc không bao giờ mất đi ở những người lao động bị chà đạp.
Nhà văn đã trân trọng rất mực những chuyển biến dù là nhỏ bé trong tâm hồn nhân vật để
làm nổi bật sự trỗi dậy của niềm ham sống.
- Đọc những chi tiết miêu tả Mị của Tô Hoài, ta càng thấm thía với câu nói của Nguyễn Minh
Châu: “Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là để làm công việc như kẻ nâng giấc cho
những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường, để
bênh vực cho những con người không còn có ai để bênh vực”
c . Đặc sắc nghệ thuật.
- “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Quả vậy, những chi tiết trong hai lần miêu tả cho thấy
tài năng kể chuyện, miêu tả nội tâm nhân vật chân thực, hợp quy luật và sự tinh tế, sâu sắc
của nhà văn trong việc chọn lọc chi tiết.
III. KẾT BÀI
- Dõi theo những biến chuyển trong tâm lí của nhân vật Mị trong hai lần miêu tả trên, trong
lòng ta cũng dâng lên biết bao nỗi thương cảm, xót xa cho cuộc đời của những con người nhỏ
bé trong xã hội thực dân, phong kiến trước Cách mạng tháng Tám. Từ đó, ta càng trân trọng
biết bao cuộc sống này.
- Thực vậy, đọc truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, người đọc thấm thía hơn câu
nói của nhà văn Thạch Lam: “văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự
thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta
có thể có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng
người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.

You might also like