You are on page 1of 3

NHÂN VẬT MỊ TRONG ĐÊM TÌNH MÙA ĐÔNG

𝐁𝐚̀𝐢 𝐥𝐚̀𝐦
Nguyễn Minh Châu từng nói: “Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công
việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn
đến chân tường”. Người nghệ sĩ xuất hiện trên đời, phải chăng là để đồng cảm, yêu thương và trân trọng
những khát vọng của con người, để làm một “kẻ nâng giấc” như thế. Tôi chợt nhớ tới Tô Hoài, người đã
giữ trọn nâng niu khao khát sống của những con người cùng khổ trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.
Tác phẩm là câu chuyện về những con người vùng cao quyết không cam chịu kiếp sống đọa đày mà vùng
lên phản kháng, đi tìm tự do. Đặc biệt, truyện còn hàm chứa một tinh thần nhân đạo sâu sắc, thể hiện qua
việc miêu tả thành công tâm lí nhân vật Mị trong đêm mùa đông cứu A Phủ.
Người yêu văn chương hẳn đã không còn xa lạ với tên tuổi nhà văn Tô Hoài – cây đại thụ của nền văn
học Việt Nam hiện đại. Với hơn 60 năm cầm bút, ông đã để lại gần 200 đầu sách thuộc nhiều thể loại
khác nhau. Thật khó để tìm được một nhà văn nào có sức sáng tạo dồi dào đến thế. Nhất là khi, cả “gia
tài” đồ sộ ấy đều in đậm dấu ấn của một cây bút hiện thực, luôn thiên về diễn tả những sự thật của đời
thường. Nhưng để thực sự làm nên dấu ấn của Tô Hoài trên văn đàn, phải kể đến vốn hiểu biết phong phú
của ông về phong tục tập quán của nhiều dân tộc, nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước ta. Truyện
ngắn “Vợ chồng A Phủ” đã thể hiện rõ những nét đặc sắc ấy trong phong cách văn chương của Tô Hoài.
Mang tâm niệm “Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật”, nhà văn đã tìm về với miền rừng
núi Tây bắc, hòa mình vào cuộc sống của nhân dân nơi đây trong chuyến đi thực tế dài 8 tháng của mình.
Từ chuyến thực tế này mà đứa con tinh thần của tác giả - tập “Truyện Tây Bắc” đã ra đời, mà “Vợ chồng
A Phủ” là một trong ba truyện ngắn thuộc tập truyện nổi tiếng trên. “Vợ chồng A Phủ” gồm hai phần,
phần đầu viết về cuộc đời của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài, phần sau khắc họa cuộc sống nên vợ nên chồng
và cùng nhau tham gia cách mạng ở Phiềng Sa. Trích đoạn đêm mùa đông cứu A Phủ là một trích đoạn
đặc sắc trong phần đầu của truyện, mà ở đó nhà văn đã khắc họa thành công những diễn biến trong tâm lí
nhân vật Mị.
Trên bước đường khám phá thế giới nội tâm của Mị trong trích đoạn này, thì có lẽ
chặng đầu tiên – khi Mị đã mất hoàn toàn ý chí và cảm xúc sau đêm tình mùa xuân, là đoạn đường lạnh
lẽo nhất. Quả thực, ở nơi đó mọi thứ đều lạnh lẽo, từ những đêm mùa đông “dài và buồn”, cho đến cõi
lòng của Mị, cũng đều lạnh lẽo như nhau. Đã mấy đêm, mỗi lần Mị thổi lửa sưởi ấm, ngọn lửa bùng lên,
Mị thấy mắt A Phủ mở trừng trừng, mới biết A Phủ còn sống. Thấy vậy, Mị cũng chẳng quan tâm nữa,
“vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay”. Có thể thấy, cô Mị giờ đây đã khác hoàn toàn với cô Mị của những xúc
cảm mãnh liệt trong đêm tình mùa xuân. Hay nói đúng hơn, Mị lại trở về với cái lùi lũi, vô cảm trước đây
của mình. Cái vô cảm ấy ở Mị lên đến đỉnh điểm khi Tô Hoài nắm bắt được suy nghĩ này của cô: “Nếu A
Phủ có là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi”. Trước cái chết của một con người mà chẳng mảy may
xúc động, chỉ có những người nhẫn tâm lắm mới làm được. Thế nhưng, Mị vốn không phải là người nhẫn
tâm. Nói cho đúng thì Mị là nạn nhân trong một tấn bi kịch, ở đó những áp bức, bất công diễn ra hằng
ngày với biết bao người, ngay chính Mị cũng không thoát khỏi. Cho nên, Mị sớm đã coi đó là chuyện
thường, và lòng Mị đã nguội lạnh mất rồi. Tâm hồn Mị giờ đây chai lì, khô cứng, trái tim vì thế mà cũng
chẳng còn xúc động. Để hằng đêm, “Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi, chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa”. Câu văn
như đẩy cô gái mang thân phận đau thương ấy cách xa khỏi thế giới con người, đặt cô một mình bầu bạn
với một thứ vô tri – ngọn lửa. Nếu ở phần đầu của truyện, nhà văn đã đặt Mị bên tảng đá cạnh tàu ngựa,
cạnh những đồ vật câm lặng để gợi ra nỗi cô độc của cô, thì giờ đây cũng vậy. Có khác chăng là ở chỗ,
tảng đá thì lạnh lẽo, ngọn lửa thì ấm áp. Nhưng cũng chẳng được gì, vì nó cũng có sưởi ấm được lòng Mị
đâu. Mị vẫn vô cảm, lạnh lùng trong kiếp sống cô độc, khổ đau của mình, nó khiến cô vô cảm với người
khác, và vô cảm với chính bản thân. Đó là khi A Sử về, đánh Mị ngã ngay xuống cửa bếp. Thế nhưng
đếm hôm sau, Mị lại ra đó ngồi sưởi lửa. Có thể thấy, tình cảm chai sạn đã đành, đến cả lí trí của Mị cũng
lu mờ đi. Mị chỉ còn hành động theo quán tính, không còn quan tâm đến cuộc đời. Có thể thấy, Mị đã
thực sự trở nên vô cảm – vô cảm với người, và vô cảm với chính mình.
Nếu trước đó Mị chai lì, vô cảm như thế, thì từ sau khi nhìn thấy dòng nước mắt của A Phủ, tâm
lí của Mị lại thay đổi hoàn toàn. Cái sức sống tiềm tàng ở Mị đã một lần trỗi dậy, ắt sẽ không chịu khuất
phục. Nó cứ âm ỉ cháy trong Mị, cho đến đúng cái đêm mùa đông lạnh lẽo ấy nó lại bùng lên, nhờ một tác
nhân đặc biệt – dòng nước mắt của A Phủ: “ một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám
đen lại ”. Nhìn thấy dòng nước mắt ấy, Mị chợt nhớ về tình cảnh của mình ngày trước, khi Mị cũng bị A
Sử trói đứng như thế, Mị cũng khóc, “nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được”.
Trong lòng Mị lúc này dường như đã dấy lên một nỗi thương thân, vì chính Mị cũng từng chịu trói, từng
rơi nước mắt như thế .Và có lẽ nhờ đó mà Mị như đồng cảm với nỗi đau của A Phủ, một người cùng cảnh
ngộ khổ đau mà trước đó Mị chẳng hề để tâm đến sống chết của anh. Có thể thấy, dòng nước mắt của A
Phủ đã gột sạch những bùn nhơ của kiếp “sống mòn” đang che lấp tâm hồn Mị, để những cảm xúc của Mị
lại sống dậy một lần nữa. Vậy tại sao dòng nước mắt của A Phủ lại tác động mạnh mẽ đến Mị như thế ?
Một người như A Phủ, trời cho khỏe mạnh, lại gan dạ như thế, vốn dĩ đâu phải là người dễ khóc. Nhưng
lúc này, trước cái chết oan ức đang từ từ ập đến mà không sao ngăn được, chàng trai yêu đời, ham sống
kia đã phải bật khóc. Thật khó diễn tả những xúc cảm trong lòng một người đàn ông gan dạ, một khi anh
ta đã rơi lệ. Có phải vì thế mà Mị xúc động, rồi từ đó dần nảy sinh những xúc cảm mãnh liệt bị chôn vùi.
Tôi chợt nhận ra, không phải ngẫu nhiên mà những cây bút nhân đạo thường viết về dòng nước mắt. Nam
Cao cũng từng rất tâm đắc câu nói của Francois Coppee: “Người ta chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo
hoảnh của phường ích kỉ, và nước mắt là một miếng kính biến hình vũ trụ”. Dòng nước mắt giờ đây chính
là hiện thân của tinh thần nhân đạo, của tình yêu thương, niềm đồng cảm – là “miếng kính biến hình vũ
trụ” để Mị không còn bàng quan mà nhận ra nỗi đau của mình và đồng cảm với A Phủ. Có thể nói, dòng
nước mắt là một chi tiết nghệ thuật đắt giá mà Tô Hoài đã dụng công chắt lọc từ quá trình lao động nghệ
thuật công phu, dồn nén trong đó những tư tưởng và tình cảm sâu sắc, dạt dào. Không chỉ thức dậy niềm
đồng cảm, mà lúc này, cái nhìn của Mị đã được khúc xạ qua lăng kính – dòng nước mắt, Mị đã nhìn đời
bằng đôi mắt của tình yêu thương con người, và do đó đã nảy sinh những nhận thức mới. Mị lại nhớ tới
người đàn bà ngày trước, nhớ tới thân phận mình: “Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt
mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này”. Chỉ một câu văn
nhưng đã tố cáo những tội ác dã man, vô nhân tính của bè lũ thống trị - những kẻ chà đạp lên thân phận
và cả sinh mạng con người. Lúc này, Mị như đã nhận rõ kẻ thù của mình, nỗi đau đã làm Mị thức tỉnh, chỉ
đích danh kẻ thù: “Chúng nó thật độc ác”. “Chúng nó” ở đây có còn kẻ nào khác ngoài cha con thống lí
Pá Tra, những kẻ thống trị dùng cường quyền và thần quyền mà chà đạp tàn bạo lên thân phận con người.
Nhận ra bản chất hung ác của kẻ thù, Mị lại nghĩ ngay đến thân phận A Phủ: “Cơ chừng này chỉ đêm mai
là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết”. Có lẽ đây xứng đáng là một trong những câu văn
ám ảnh nhất của truyện ngắn này, cái chết hiện hình rõ nét trong từng câu chữ, cái chết đến một cách từ từ
mà đầy đau đớn, không sao ngăn được. Vậy là sắp có một người nữa phải ra đi oan uổng bởi lòng dạ tàn
độc của kẻ thống trị. Ngay cả Mị, dường như cái chết cũng đang chờ đợi cô: “Ta là thân đàn bà, nó đã bắt
ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi”. Nếu trước đó Mị thà chết chứ
không chịu sống đời tăm tối, thì giờ đây, dường như Mị đã chấp nhận thân phận mình. Bởi lẽ, mặc dù đã
lên tiếng tố cáo cường quyền, nhưng Mị vẫn không sao vượt qua được thần quyền, vượt qua những hủ tục
lạc hậu, mê tín đã ăn sâu vào tiềm thức của Mị và của cả những phận người cùng khổ nơi vùng cao Tây
Bắc tự bao đời. Có thể nói, cái chết dường như là kết cục tất yếu cho số phận bi thảm của Mị và A Phủ.
Cho dù vậy, ở Mị vẫn ngời lên một lòng thương người cao quý: “Người kia việc gì mà phải chết thế. A
Phủ...” Đó là tình yêu thương được khơi lên từ một nhận thức đúng đắn về những bất công, về sự tàn ác
của bè lũ thống trị. Mặc dù ý chívẫn còn bị thần quyền trói buộc, song những tình cảm cao đẹp, mãnh liệt
đang bùng cháy trong Mị chính là báo hiệu cho những bước chuyển biến to lớn trong tâm lí của cô gái
miền cao đầy sức sống ấy.
Và từ đây, nghệ thuật miêu tả tâm lí bậc thầy của Tô Hoài đã được thể hiện rõ khi ông nắm
bắt rất tinh tế những chuyển biến trong tâm lí của Mị khi cắt dây trói cho A Phủ. Nhưng trước khi đi đến
hành động có tính bước ngoặt ấy, Mị đã nhớ lại đời mình, tưởng tượng ra cảnh nếu mình cởi trói cho A
Phủ, “ Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy”. Một viễn cảnh khủng khiếp đang chờ
trước mắt, nhưng thật kì lạ làm sao “Mị cũng không thấy sợ”. Vì sao Mị lại bất chấp cả cái chết như thế,
do cảm xúc bồng bột nhất thời, hay kết quả của một quá trình chuyển biến về nhận thức và tình cảm ?
Hóa ra, tất cả đều đã có cơ sở từ trước. Tất cả bắt đầu từ nỗi thương thân, chuyển hóa thành niềm đồng
cảm rồi đẩy lên cao trào thành lòng căm phẫn tội ác của kẻ thống trị đã tiếp thêm sức mạnh cho Mị trong
lúc này. Lúc này, lòng thương người ở Mị đã mạnh hơn cả nỗi thương thân, đúng như quy luật tất yếu của
những tình cảm chân chính: lòng thương người một khi đã được sinh ra, nó sẽ lớn mãi lên và lớn hơn cả
nỗi thương mình, nó sẽ sinh ra cái hạnh phúc được hi sinh. Tô Hoài đã chứng minh bút lực bậc thầy của
mình khi nắm bắt được nét biến chuyển tâm lí sâu sắc và cao cả ấy. Tôi chợt nhớ tới câu nói của Nguyễn
Minh Châu: “Nhà văn phải là người gắng đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn của con
người”. Văn chương nghệ thuật từ bao đời đều như một chiếc kính lúp mà nhà văn dùng nó để soi rọi tâm
hồn con người, tìm ra những vẻ đẹp sâu kín như “hạt ngọc ẩn giấu” kia. Và Tô Hoài, với ngòi bút miêu tả
tâm lí bậc thầy và tinh thần nhân đạo sâu sắc, đã tìm thấy ở Mị một lòng thương người sâu kín mà cao cả,
mãnh liệt, tựa như những viên ngọc lung linh ẩn giấu trong đất trời Tây Bắc. Vậy là từ đây, nhà văn đã có
đủ cơ sở để đưa Mị đến với hành động có tính bước ngoặt, mà kể từ đây cuộc đời Mị sẽ đổi thay mãi mãi:
cắt dây, cởi trói cho A Phủ. Rõ ràng, đây là một hành động vô cùng táo bạo, mà trong văn chương từ xưa
đến nay hiếm có người phụ nữ nào dám làm như vậy. Táo bạo, nhưng không phải là hoàn toàn do bộc
phát, mà là kết quả của một quá trình nhận thức, của lòng thương người đang dâng lên đỉnh điểm. Cắt
xong dây trói cho A Phủ cũng là lúc lòng thương người đã đạt được mục đích của nó: giải thoát cho con
người khỏi số phận khổ đau. Vậy nên, nỗi thương mình quay lại trong Mị, khiến cô hốt hoảng, chỉ kịp thì
thào: “Đi ngay”. Mị hốt hoảng, hẳn rằng vì đã nhìn thấy cái chết không thể tránh khỏi của cô. A Phủ chạy
đi rồi, “Mị đứng lặng trong bóng tối”. Điều gì đang diễn ra trong tâm trí của Mị ? Nỗi sợ hãi về cái chết
tất yếu của chính mình, hay một thoáng bừng tỉnh để nhận ra niềm khát khao được sống ? Một sự im lặng
đáng giá hơn bất cứ lời nói nào, một khoảng lặng của ngôn từ để những tầng ý nghĩa bừng sáng, “thử thời
vô thanh thắng hữu thanh” ( Bạch Cư Dị ). Đúng, cái im lặng của Mị đã thắng, thắng cường quyền và
thắng cả thần quyền, thắng cả nỗi sợ hãi cái chết và mặc cảm thân phận của Mị. Để rồi Mị đi đến hành
động cuối cùng, đầy bất ngờ mà vô cùng hợp lí: Mị chạy theo A Phủ. Tại sao trước đó Mị vẫn còn bị trói
buộc: “chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi”, vậy mà giờ đây lại vùng lên, chủ động đi tìm sự sống
quyết liệt đến thế ? Dường như, khi cắt sợi dây trói buộc thân thể A Phủ, Mị cũng đã cắt luôn sợi dây trói
buộc tinh thần của chính mình. A Phủ cũng bị cúng trình ma như Mị, A Phủ chạy được, cớ gì Mị không
chạy được. Và như thế, Mị đã vùng lên chống lại cả cường quyền và thần quyền, tự giải thoát cho bản
thân, bởi trong thâm tâm Mị ý thức rất rõ: “Ở đây thì chết mất”. Mị vẫn khát khao được sống – một cuộc
sống đúng nghĩa, sống tự do, hạnh phúc, sống cho ra người. Và cứ thế hai người đỡ nhau lao chạy xuống
dốc núi, chạy về hướng tương lai không còn tăm tối đang chờ đợi họ.
Như vậy, qua trích đoạn đêm mùa đông cởi trói cho A Phủ, Tô Hoài đã miêu tả thành
công những chuyển biến tinh tế, sâu xa trong tâm lí nhân vật Mị. Có thể nói, tác phẩm đã đạt đến hàng
đỉnh cao trong nghệ thuật miêu tả tâm lí, đưa Mị trở thành một điển hình cho số phận người phụ nữ vùng
cao Tây Bắc trước Cách mạng. Qua đoạn trích, ta cũng thấy được những đặc sắc về nghệ thuật của ngòi
bút Tô Hoài. Ông là một cây bút vừa am hiểu phong tục tập quán miền núi, vừa tinh tế trong việc nắm bắt
và miêu tả tâm lí nhân vật. Ông cũng đã xây dựng thành công tình huống truyện đặc sắc, cùng những chi
tiết giàu giá trị, để từ đó nhân vật bộc lộ tất cả vẻ đẹp của mình. Có thể nói mỗi lần đến với “Vợ chồng A
Phủ” là một lần ta hiểu thêm về con người miền núi với khát vọng sống và khát vọng tự do mãnh liệt, mỗi
lần đến với “Vợ chồng A Phủ” là một lần nhớ về một nhà văn luôn yêu thương nặng lòng với Tây Bắc.
Câu chuyện về những con người miền núi như truyền cho độc giả một tình yêu tha thiết với cuộc sống,
một hi vọng bất diệt vào tương lai cho dù thực tại có tối tăm. Tất cả những điều đó đã làm nên thành công
của một tác phẩm xuất sắc.
“Nghệ thuật nằm ngoài quy luật băng hoại, chỉ mình nó không thừa nhận
cái chết” ( Schedrin ). Để làm được điều đó, nghệ thuật phải hướng đến con người với một tinh thần nhân
đạo sâu sắc. Và như thế, tôi tin rằng “Vợ chồng A Phủ” là một tuyệt tác trường tồn. Áng văn ấy, cùng tên
tuổi Tô Hoài – một nhà văn, nhà nhân đạo chủ nghĩa sẽ còn sống mãi, ghi một dấu ấn không phai trong
nền văn học nước nhà.

You might also like