You are on page 1of 5

Đề bài: Phân tích và so sánh sức sống tiềm tàng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhân vật Mị trong

đêm tình mùa xuân và đêm mùa đông cắt dây trói cứu A Phủ (“Vợ chồng A Phủ” - Tô
Hoài)

Bài làm
Tây Bắc là mảnh hồn thiêng của núi sông, là miền đất hứa có khả năng sản sinh ra năng
lượng dồi dào cũng như truyền cảm hứng cho biết bao nhà văn, nhà thơ để họ viết nên những
trang thơ, trang văn lấp lánh. “Người mẹ của hồn thơ” ấy đã phả hồn vào bao vần thơ đẹp của
Chế Lan Viên, đã lấp lánh “chất vàng mười” trong hình tượng người lái đò của Nguyễn Tuân
hay phả vào trang viết của Tô Hoài sức sống tiềm tàng mãnh liệt của con người lao động. Đó là
sức sống bền bỉ, tiềm tàng của nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, thể hiện rõ nhất
trong đêm tình mùa xuân và đêm đông cởi trói cứu A Phủ.

Khi nói về Tô Hoài, Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội từng khẳng định:
“Tô Hoài là một nhà văn lớn của Văn học Việt Nam hiện đại, người có 95 năm tuổi đời nhưng
đã dành hơn 70 năm đóng góp cho văn học. Ông là nhà văn chuyên nghiệp, bền bỉ sáng tác và
có khối lượng tác phẩm đồ sộ”. Là một nhà văn hiện thực, những sáng tác của Tô Hoài thiên về
diễn tả những sự việc đời thường bởi theo ông: “Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự
thật. Đã là sự thật thì không tầm thường, cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người
đọc”. Những điều này được ông đưa vào những trang viết gợi cảm, trong sáng, đầy chất thơ mà
cũng không kém phần hóm hỉnh khiến những câu chuyện của ông rất lôi cuốn và lay động người
đọc. Với một kho tàng đồ sộ tác phẩm, Tô Hoài có một vốn hiểu biết vô cùng phong phú, sâu sắc
về phong tục tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta, đặc biệt trong đó phải kể đến
cuộc sống nhân dân miền núi Tây Bắc, nơi ông bén duyên với một trong những tác phẩm bất hủ
của mình “Vợ chồng A Phủ”.

In trong tập “Truyện Tây Bắc”, “Vợ chồng A Phủ”, được viết vào năm 1952, là kết quả
của một chuyến đi kéo dài 8 tháng mà Tô Hoài đi thực tế cùng bộ đội Tây Bắc đầu những năm
50. Trong chuyến đi này, khi Tô Hoài cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào Tây Bắc, ông đã
có rất nhiều ấn tượng không thể phai nhòa. Đó là ấn tượng về cuộc sống khổ cực của người dân
miền núi Tây Bắc trước CMT8. Đó còn là ấn tượng về tinh thần dũng cảm, những phẩm chất đẹp
đẽ. Không những thế, đó là những cảnh đẹp thiên nhiên miền núi cao Tây Bắc - nguyên liệu cho
chất thơ đậm đà, bay bổng, đậm chất hiện thực của Tô Hoài. Phải chăng vì vậy, “Vợ chồng A
Phủ” không chỉ là truyện ngắn hay nhất trong những sáng tác của Tô Hoài, mà nó còn là một tác
phẩm đặc biệt có giá trị của văn học Việt Nam hiện đại khi phản ánh chân thực, sinh động và đầy
sức thuyết phục con đường đến với cách mạng của người dân vùng núi cao Tây Bắc.

Trước khi cưới A Sử, Mị vốn là cô gái có những phẩm chất tốt đẹp. Một cô gái xinh đẹp,
tài hoa, biết thổi đàn môi, thổi sáo du dương, quyến rũ. Một cô gái có cá tính mạnh mẽ, tự chủ,
thà làm việc chứ cũng nhất quyết không gả cho nhà giàu. Một cô gái nết na, hiếu thuận. Ấy vậy,
những tưởng cô gái ấy phải được hưởng những thứ tốt đẹp trên đời, thì Mị phải chịu kiếp sống
làm dâu gạt nợ, bị bóc lột tàn tệ sức lao động, bị hành hạ đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Mị
có phản kháng, nhưng dưới áp lực của cường quyền, sức sống mãnh liệt dường như dần phai
nhòa đi để rồi “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”.

Những tưởng ngày tháng đày ải ấy sẽ dần dần giết chết Mị như những người vợ khác
trong căn nhà này, “lùi lũi như một con rùa trong xó cửa”, Tô Hoài đã hồi sinh Mị trong đêm
tình mùa xuân rực rỡ, sắc màu. Với hình ảnh trai gái, trẻ con vui chơi, âm thanh náo nhiệt, rộn rã
của tiếng sáo, tiếng khèn, màu sắc sặc sỡ của những chiếc váy hoa tựa như đàn bướm rợp trời,
đem lại sức xuân căng tràn làm nao nức lòng người. Và đây có thể chính là yếu tố ngoại cảnh
làm khơi gợi những sức sống, những ngọn lửa tưởng như đã tàn lụi trong tâm hồn của Mị.
Nhưng điều chính thức nhen lên ngọn lửa ấy bắt đầu bằng một tiếng sáo “vọng lại, thiết tha bổi
hổi”. Một tiếng sáo từ rất xa, mà lại mang trong nó xúc cảm thiết tha, say đắm. Với một người
đàn bà dường như đã thờ ơ với tất cả, lại có thể nghe, có thể cảm tiếng sáo, mà thậm chí còn có
thể hình dung ra người thổi sáo “lấp ló”, ta dường như thấy một cô Mị càng ngày càng đến gần
hơn với cuộc đời, thoát khỏi cái mai rùa nặng trịch bấy lâu để thả mình “ngồi nhẩm thầm bài hát
của người đang thổi” đưa về những hoài niệm của quá khứ xa xăm. Mị thả mình vào trong men
say, “uống ực từng bát lớn”, cũng không phải để thưởng thức hương thơm hay vị ngọt của rượu,
Mị uống để say, để quên, như để dùng cái men say của rượu làm quên đi những nuối tiếc, những
khát khao đột ngột bùng cháy khi Mị nghe thấy tiếng sáo. Nhưng càng uống, Mị lại càng sa ngã
vào dòng thời gian xa xôi của hồi ức đẹp đẽ, của những “tiếng sáo văng vẳng” – cái văng vẳng
của tiếng sáo từ xa vọng vào hòa cùng cái văng vẳng từ quá khứ, về với cô Mị thổi lá hay như
thổi sáo, khiến bao nhiêu trai làng mê say, đắm chìm. Bao nhiêu năm nay, sống trong nhà thống
lí Pá Tra trong thân phận làm dâu gạt nợ, Mị dường như đã quên đi mất mình là một con người,
càng quên đi mình đã có một thời tuổi trẻ và đến bây giờ, Mị mới chợt nhận ra “Mị trẻ lắm. Mị
vẫn còn trẻ” Vì Mị còn trẻ nên“Mị thấy phơi phới trở lại”, “Mị muốn đi chơi”. Nhưng chính
suy nghĩ về việc đi chơi này làm cho một cái tên khủng khiếp trong đời Mị hiện ra: A Sử. Có lẽ
là Mị sống trong sự đày ải của A Sử, nhưng Mị không nghĩ tới nó. Nhưng trong đêm tình mùa
xuân này, hai chữ A Sử lại hiện về như một ám ảnh khủng khiếp. Nghĩ đến A Sử, Mị đột nhiên
nhận ra sự phi lí trong cuộc hôn nhân của mình và A Sử. Hôn nhân là kết quả của tình yêu, vậy
mà “A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau”. Mị nghĩ đến cái chết. Lâu
lắm rồi, Mị không nghĩ tới cái chết. Cha mất rồi Mị cũng chẳng tưởng tới cái chết. Vậy mà đêm
nay, đột nhiên Mị muốn chết. Không phải là sự chi phối của men rượu hay của đêm xuân nồng
nàn tình ái, việc “muốn chết” chính là biểu hiện mãnh liệt nhất, cao độ nhất của lòng ham sống,
sống như một con người chân chính. Thực tế đau khổ mà cô đã quen, thậm chí đã quên và tưởng
như có thể chấp nhận nó, bây giờ lại hiện ra với sự phi lý không thể chấp nhận. Mà khi cô nhận
ra được cái phi lý mà bao lâu nay cô đã chấp nhận nghĩa là một cái gì đấy đã hồi sinh lại trong
Mị, hồi sinh ý thức về bất hạnh, hồi sinh ý thức về việc phản kháng.

Mị bắt đầu chuẩn bị đi chơi, Mị xắn miếng mỡ bỏ đèn cho sáng, thay đổi không gian
sống, rồi Mị quấn tóc, lấy váy hoa, thay đổi bản thân mình. Chập chờn trong Mị, Mị muốn thay
đổi, Mị muốn chống đối, tuy tự phát nhưng vẫn vô cùng quyết liệt để chống lại cái sự đày ải,
ràng buộc khủng khiếp của cường quyền – cha con thống lí. Nó quyết liệt tới mức ngay cả khi A
Phủ trói Mị lại, tắt đèn đi, đóng cánh cửa thông ra thế giới của tiếng khèn lá, tiếng sáo, tiếng đàn
môi, những ảo giác mãnh liệt về tình yêu và hạnh phúc vẫn đưa Mị đến những cuộc chơi tưng
bừng ngoài kia: “Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa
Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”. A Sử chỉ trói được thân xác Mị, chứ không còn
trói buộc được tâm hồn Mị. Chỉ tới khi Mị vùng bước đi, Mị mới thức tỉnh, nhưng lần này là
thức tỉnh về bất hạnh của mình. Bởi lần này, dưới ngòi bút miêu tả tâm lý rất chân và khéo léo
của Tô Hoài, Mị nghe thấy “tiếng chân ngựa”. Trước đấy, bởi sự thức tỉnh về tình yêu và hạnh
phúc quá mãnh liệt, Mị hướng ra ngoài nghe âm thanh của tình yêu – tiếng sáo, cho nên Mị chỉ
nghe tiếng sáo mà lãng quên tất cả thế giới hiện tại được hiện hữu trong tiếng chân ngựa bên kia
vách. Nhưng giờ, khi sự thức tỉnh về bất hạnh ở địa ngục trần gian nhà thống lí Pá Tra quá khủng
khiếp, quá sâu sắc cho nên âm thanh tiếng sáo, âm thanh tình yêu đột ngột biến mất, để lại cho
Mị âm thanh mà gợi đến kiếp sống nô lệ - tiếng chân ngựa. Quả thật là, Mị đã thức tỉnh, Mị đã
hồi sinh những sức sống, những khao khát thanh xuân, những khao khát về tình yêu và hạnh
phúc. Cho dù vòng dây trói của A Sử có thể trói được thân xác của Mị, và thậm chí sau này đã
hất trả Mị trở về với cuộc sống dường như lại vô cảm, lại nhẫn nhục, lại lùi lũi trong địa ngục
trần gian nhà thống lí; nhưng, sau lần thức tỉnh ở đêm hội mùa xuân đêm nay, sức sống mãnh liệt
trong tâm hồn Mị giống như một hòn than lửa, tuy một lần nữa bị phủ một lớp tro tàn bên trên,
nhưng có lẽ sẽ không bao trở về với lối sống trước đây được nữa, một cái gì đấy chưa chết hẳn
trong lòng Mị, vẫn thao thức chỉ chờ đợi một làn gió thổi đến để cháy bùng lên thành một ngọn
lửa lần thứ hai.

Và trong đêm đông mùa đông ấy, ngọn lửa ấy đã bùng lên lần nữa, nhưng lần này sáng
chói hơn bao giờ hết. Khi nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ rơi, một người đàn ông từng “một
thân một mình bôn ba rong ruổi ngoài gò ngoài rừng” giờ đây lại cô độc, yếu đuối trước cái chết
đang từ từ cận kề. Nhìn thấy A Phủ như vậy, Mị lại nhớ đến mình, đến những lần mình cũng
khóc đầy đau khổ, bất lực và cay đắng, Mị bỗng nhận ra hóa ra nỗi đau của A Phủ cũng chính là
của Mị. Mị nghĩ đến hàng loạt cái chết: cái chết đã xảy ra của người đàn bà, cái chết đã có thể
xảy ra của Mị và cái chết đang chực chờ tới của A Phủ. Trong suy nghĩ của Mị, một người đàn
bà mà tưởng như không còn bận tâm đến sự sống chết, lần đầu tiên, rất nhiều cái chết dồn dập
hiện ra trong đầu Mị. Lần đầu sau bao nhiêu năm, Mị có những xúc cảm. Trước hết là thương
thân, từ đó thức dậy lòng thương người và dẫn tới cảm xúc mà lần đầu tiên thức tỉnh trong Mị -
nỗi căm hờn: “Chúng nó thật độc ác”. Mị sau khi kết nối lại tất cả những cái chết lại với nhau, để
nhìn được cái cội nguồn nguyên nhân của nó thì Mị đã thấu hiểu một điều: Ai là kẻ thù lớn nhất
cho cuộc đời mình? Tuy với mình, Mị dường như đã buông xuôi, chỉ chờ ngày rũ xương, nhưng
khi nhìn sang A Phủ, trái tim nhân hậu, vị tha của Mị dường như ấm nóng trở lại. Mị bất bình
thay cho sự phi lý trong cái chết của A Phủ: “Người kia việc gì mà phải chết thế”. Có thể nói,
nhà văn Tô Hoài đã rất thấu hiểu diễn biến tâm lý của con người, cho nên không dễ dàng để cho
Mị đột ngột thấy xót thương mà ra cắt dây trói. Đây là một cách miêu tả quá dễ dãi. Tô Hoài đã
miêu tả rất tinh tế và chân thực dòng tâm trạng của Mị với những cái suy nghĩ, nhận thức, cảm
xúc từ từ, từng chút một. Bởi đây là sự hồi sinh của một trái tim đã lạnh lẽo vô cùng qua bao năm
tháng đau khổ.

Khi đám than mà Mị thổi đã vạc hẳn lửa, Mị không làm gì mà chỉ ở đó suy nghĩ, để bỗng
nhận ra, Mị cũng không sợ nếu bị cha con thống lí đổ lên đầu tội danh thả trói A Phủ. Mị đã
quyết định, Mị sẽ cắt dây trói cho A Phủ. Đây là một hành động vô cùng đột ngột, bất ngờ với
chính bản thân Mị. Đây là hành động bị thúc đẩy do cảm giác bất bình cho A Phủ, phẫn uất trong
nỗi căm hờn với cha con nhà thống lí và sự thức tỉnh mơ hồ của một trái tim nhân hậu, vị tha.
Thực chất, hành động cắt dây trói của Mị là kết quả của một sự xui khiến kì lạ của tiềm thức,
tiềm thức của một người đàn bà nhân hậu và vị tha vì “đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A
Phủ thì Mị cũng hốt hoảng”. Mị hốt hoảng và nhận ra tiềm thức đã xui khiến cô làm một việc
thật ghê gớm. Sau khi cứu A Phủ, Mị đã làm một hành động: tự giải thoát chính mình. Lại một
điều kì lạ nữa, nhưng cái kì lạ này chính là cái tài tình, tinh tế của ngòi bút Tô Hoài trong nghệ
thuật miêu tả tâm lý con người. Đến đây, nhà văn hầu như không miêu tả cái độc thoại nội tâm
của Mị - thủ pháp nghệ thuật giúp khắc họa tính cách con người một cách sâu đậm nhất trong
truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” này. Vì không có độc thoại nội tâm buộc người đọc phải đặt
mình vào điểm nhìn của Mị, để ta nhận ra sự thức tỉnh của Mị qua suy nghĩ và nhận thức của Mị.
Sau khi cắt dây, cởi trói cho A Phủ, và khi A Phủ vội chạy đi, “Mị đứng lặng trong bóng tối”.
Liệu ta từng hỏi, trong lúc đấy, liệu Mị nghĩ gì? Nhìn thấy A Phủ kiệt sức, bất lực chờ chết bây
giờ đang mạnh mẽ lao đi tìm sự sống, cái sự sống mà do chính bản thân Mị góp phần vào. Khi
trái tim nhân hậu đã hồi sinh, Mị sao có thể vô cảm với người khác. Mà khi không vô cảm với
người khác, sao Mị có thể vô cảm với chính bản thân mình. Lúc này, khát vọng sống trong Mị
hồi sinh một cách đột ngột nhất. Có lẽ ý định tự giải thoát đến với Mị như một tia chớp, khiến
cho Mị chưa kịp suy nghĩ. Nó là sự thức tỉnh bất ngờ nhưng tất yếu của người con gái năm xưa,
luôn mạnh mẽ, luôn tự chủ, luôn khát khao được sống. Xuôi theo đó, Mị cũng vụt chạy, băng đi,
đuổi, nói, thở; một loạt những hành động chứng minh giờ đây những hành động của Mị còn
nhanh hơn cả suy nghĩ, nhanh hơn cả lý trí. Đây là hành động bất ngờ trong đêm nay, nhưng
không hề bất ngờ với diễn biến tâm lý, tính cách của người con gái năm xưa đầy tự chủ và mạnh
mẽ. Tất cả những vẻ đẹp của Mị có thể bị khuất lấp đi trong những năm tháng dằng dặc ở nhà
thống lí Pá Tra. Và đêm nay những vẻ đẹp ấy, từ trái tim nhân hậu cho đến khát vọng sống bất
ngờ đã thức dậy, bất ngờ đã hồi sinh một cách mạnh mẽ nhất. Bất ngờ nhưng không phi lý. Bất
ngờ nhưng tất yếu.

Trong đêm nay, Mị đã thực sự hồi sinh. Một người đàn bà thờ ơ, vô cảm, buông xuôi với
chính bản thân mình, bây giờ lại hối hả băng đi tìm sự sống qua những câu văn ngắn với nhịp
ngắt dồn dập. Một người đàn bà câm lặng như tảng đá từ khi bước vào nhà thống lí Pá Tra,
không một lần nào nhà văn miêu tả tiếng nói của Mị, bây giờ lần đầu tiên cất lên tiếng nói kêu
cứu “A Phủ cho tôi đi” để tìm sự sống. Một người đàn bà không dưới một lần nghĩ tới cái chết,
trong suốt kiếp sống làm dâu gạt nợ chỉ chờ để chết, bây giờ tự nhiên kinh hoàng trước cái chết
“Ở đây thì chết mất”. Khoảnh khắc này, trái tim nhân hậu của Mị hồi sinh. Khoảnh khắc này,
khát vọng sống của Mị hồi sinh. Nếu như ở đêm tình mùa xuân, khát vọng tình yêu hạnh phúc
năm xưa cũng được thức tỉnh, hồi sinh mãnh liệt nhưng chỉ dừng lại như những ảo giác và những
hành động đầu tiên thì đã bị dập tắt ngay lập tức bởi vòng dây trói oan nghiệt của A Sử. Thì trái
tim nhân hậu và khát vọng sống đêm nay đã đưa đường tới hai hành động của Mị: cắt dây trói
cứu A Phủ và băng đi tìm sự sống cho chính bản thân mình. Với những hành động quyết liệt ấy,
Mị đã phản kháng, chống lại được số phận một cách mạnh mẽ nhất, triệt để nhất để thoát khỏi
vòng cương tỏa của thần quyền và cường quyền để tìm lại sự sống, tìm lại sự tự do.
Bằng việc phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của Mị trong đêm tình mùa đông
và đặc biệt là đêm đông cứu A Phủ, chúng ta lại thấy được một lần nữa vẻ đẹp của con người
nhân hậu, vị tha, con người có khát vọng hạnh phúc, tình yêu, con người có khát vọng sống
mạnh mẽ nhất, cao đẹp nhất, với sức sống tiềm tàng, mãnh liệt. Và đó chính là giá trị nhân đạo
sâu sắc mà nhà văn Tô Hoài đã mang đến cho tác phẩm của mình thông qua nhân vật Mị.

Gấp lại tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, sức sống tiềm tàng và mãnh
liệt của Mị trong đêm tình mùa xuân và đêm đông cởi trói cho A Phủ vẫn còn đọng lại mỗi độc
giả chúng ta. Phải chăng vì tác phẩm ấy, nhân vật ấy đã chạm đến một điều gì đó trong trái tim
của chúng ta nên neo đậu mãi trong đó. Chính vì điều đó, nó đã chiến thắng sức mạnh nghiệt ngã
của thời gian, đúng như nhà văn Aitmatov đã từng nói: “Tác phẩm chân chính không kết thúc ở
trang cuối”.

You might also like