You are on page 1of 4

VỢ CHỒNG A PHỦ

< Tiếng sáo>


~ Tô Hoài~
A. Đặt vấn đề:
Tập "Truyện Tây Bắc" là vụ mùa thu hoạch từ chuyến đi thực tế lên Tây Bắc của Tô Hoài năm
1952. Có lẽ “Đất nước và người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá”, nhà văn đã “phải
đem trả cho những người thương ấy … một tấm lòng mình, một cái gì làm hiện lại cả cuộc đời
người Hmông trung thực và chí tình”. Nhà phê bình Vương Trí Nhàn từng khẳng định: “Khi vào
truyện, một cái xà tích của một cô gái, một chút ánh trăng thượng tuần đều phải có ý nghĩa. Cái này
nương tựa cái kia, chi tiết này soi rọi chi tiết khác”. Những chi tiết, hình tượng khi được tác giả đưa
vào trang viết của mình đều có mang theo những dụng ý nhất định, như “Vợ chồng A Phủ” viết về
cuộc đời, số phận của người dân Hồng Ngài. Thế nhưng, Người đọc tìm thấy cho mình những ấn
tượng khó quên về cảnh sắc mùa xuân đặc trưng của núi rừng Tây Bắc và đậm đặc hơn cả là hình
ảnh tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân - một chi tiết vừa giàu tính hiện thực vừa là hình ảnh biểu
trưng cho tình yêu cuộc sống và khát vọng tự do, hạnh phúc cháy bỏng, mãnh liệt của con người.
Thông qua tiếng sáo ấy, Tô Hoài thực sự là một nhà nhân đạo, nhân văn sâu sắc và cao cả.
B. Giải quyết vấn đề:
I. Khái quát chung:
Đã từ rất lâu rồi, tiếng sáo H’mông vẫn réo rắt trên khoảng trời Tây Bắc, tiếng sáo có khả năng diễn
tả ngôn ngữ của người H’Mông, thay họ nói lên tình cảm trong lòng là sự gửi gắm tình yêu đất
nước, làm xua tan đi những mệt mỏi sau một ngày dài lao động vất vả, đắm say và kì diệu biết bao
khi tiếng sáo là lời tỏ tình của các chàng trai đối với con gái trong bản làng.
Đến với tác phẩm Vợ chồng A Phủ, người đọc nhận thấy, trong tất cả những màu sắc và âm
thanh của khung cảnh mùa xuân, nhân tố tác động nhất đến tâm hồn Mị chính là tiếng sáo. Tiếng
sáo với những ca từ mộc mạc, giản dị nhưng chứa đựng trong đó khao khát tình yêu, khao khát hạnh
phúc đã tác động tạo nên những trạng thái tâm lí phức tạp trong Mị, vừa hồi sinh thức tỉnh khát
vọng sống vừa ý thức sâu sắc về thân phận với những đấu tranh, giằng xé mãnh liệt.
II. Phân tích:
1. Tiếng sáo hồi sinh:
Mị vốn là người con gái trẻ đẹp, nhiều tài năng “thổi sáo rất giỏi, thổi kèn lá cũng hay như thổi sáo”
nhưng vì món nợ truyền kiếp của gia đình mà cô trở thành “con dâu gạt nợ” cho nhà Pá Tra. Trong
sự ngự trị của cường quyền bạo lực và thần quyền lạc hậu, Mị từ một cô gái cá tính và phản kháng
dữ dội trước những trói buộc bất công cô dần biến thành “con rùa lùi lũi nơi xó cửa” bị biến thành
một công cụ lao động thậm chí cô còn tủi phận đến mức nghĩ mình “không bằng con trâu con
ngựa”.
Tưởng rằng Mị sẽ kéo dài kiếp sống vô cảm, nặng nề nhưng một đêm tình mùa xuân rạo rực đã
đánh thức tâm hồn sâu thẳm của chị. Cùng với không khí rạo rực men say của đất trời Tây Bắc,
tiếng sáo réo rắt, vắt vẻo ngoài đầu tranh, vách núi: “Ngoài đầu núi, đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi
chơi”. Tiếng sáo lấp ló thấp tháng ẩn hiện, ban đầu tiếng sáo ở rất xa, nó lượn lờ quanh các sườn núi
rồi tiếng sáo mỗi lúc mỗi gần, nó bay tới đầu làng, ở ngoài đường và nhập vào trong tâm trí của Mị
“từng bước rọi sâu vào miền thâm u của thế giới nội tâm nhân vật” để hóa thành tiếng lòng thôi thúc
nó như giục Mị vui, giục Mị nhớ. Và rồi, một “thân trâu, thân ngựa”, “một công cụ lao động” quần
quật với những chuỗi ngày bế tắc đã bắt đầu thức tỉnh, hồi sinh qua hai tính từ liên tiếp cuối câu văn
“Mị nghe tiếng sáo vọng lại thiết tha, bồi hồi”.
2. Tiếng sáo đánh thức kí ức thanh xuân tươi đẹp – nhận thức về số phận:
Tất cả hình ảnh này cứ âm thầm dội vào tâm hồn Mị, nó làm cho sức sống dưới đáy sâu tâm hồn của
cô bắt đầu có sự vận động trở lại, nó chẳng khác nào nốt nhạc đầu tiên của bản tình ca thay đổi sắp
diễn ra trong lòng người đàn bà đã và đang chịu quá nhiều khổ đau ( nói như giáo sư Chung Văn
Sơn).
Khi sức sống của Mị vừa có sự vận động trở lại thì nhà văn tiếp thêm bằng tiếng sao đêm tình mùa
xuân. Nếu ban ngày từng đám thanh niên nô nức đi chảy hội thì đêm đến trong không gian kia là
tiếng sáo, tiếng hát, tiếng khèn lá, khèn môi của trai gái gọi bạn tình réo rắt đi hết quả đồi này sang
quả đồi khác. Tiếng sáo , tiếng hát ấy nó đánh thức lại trong Mị những bài hát từ ngày xưa mà kể tử
khi bước chân vào nhà Thống lí Pá Tra Mị đã đào sâu chôn chặt. Mị bổi hổi, bồi hồi nhẩm thầm bài
hát của người ta thổi:
“ Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Tao chưa có con trai con gái
Tao đi tìm người yêu”
Ngày xưa, Mị thổi sáo thật tài, chỉ cần uốn chiếc lá trên môi Mị thổi lá hay như thổi sáo. Biết bao
nhiêu người mê tiếng sáo của Mị, ngày đêm đi theo Mị, đứng nhẵn cả vách buồng Mị. Tiếng sáo ấy
đánh thức hai tiếng “ ngày xưa” trở về với Mị, nghĩa là nó đánh thức thời gian trở về với Mị. Bước
chân vào nhà Thống lí Pá Tra, Mị sống một cuộc phi không gian, phi thời gian. Thế giời của Mị là
một căn buồng tăm tối nhìn qua ô cửa mờ mờ, trăng trắng, không biết ngày hay đêm, không biết
sương hay nắng. một người không ý thức được không gian, thời gian, không ý thức được ngày đêm
sương nắng đồng nghĩa sức sống của họ đang tàn phai mai một. Hôm nay nhờ có tiếng sáo mà thời
gian trở lại. Mị nhận thấy hiện tại đau khổ, quá khứ ngày xưa mới là hạnh phúc. Thế là lòng Mị lại
hướng về ngày trước với quãng đời thiếu nữ tự do, với hạnh phúc trong mối tình đầu. Mị muốn quay
về quá khứ, kéo dài quá khứ, muốn vớt vát quá khứ để bù đắp lại những cay đắng trong hiện tại.
Cùng với rượu, tiếng sáo đã bừng lên trong Mị sức sống mạnh mẽ, bên bếp lửa, Mị “lén lấy hũ
rượu, cứ uống ực từng bát”. Người phụ nữ dẻo cao uống rượu không có gì xa lạ, ta quan tâm đến
cách thức uống “ ực từng bát”, Mị uống như nuốt tủi hờn cay đắng vào trong lồng ngực, Mị uống
như chôn vùi hiện tại để quá khứ hạnh phúc được mở ra. Giờ đây Mị sống trọn vẹn trong quá khứ,
Mị thấy mình trẻ ra, có nhu cầu ăn mặc đẹp, cũng muốn đi chơi hội. Mị muốn tiếng sáo của mình
theo gió thăng hoa, ngân vang hòa quyện với đất trời trong tiết xuân rộn rã. Quả là, sức sống bấy lâu
nay bị đè nén bỗng trào lên mạnh mẽ, không thể trói buộc, không thể dập tắt được nữa. Mị thèm hòa
với dòng người đi chơi tết, thưởng xuân đến cháy lòng.
Mị đi giữa thế giới hư và thực, thế giới của cõi mộng đẹp đẽ bao nhiêu thì hiện thực lại cay đắng
nghiệt ngã bấy nhiêu. Quá khứ thì tươi sáng, đẹp đẽ nhưng đối lập với một hiện thực thì vô nghĩa và
phũ phàng. Không hẳn chỉ là kiếp sống nô dịch mà trong cuộc hôn nhân này “Mị và A Phủ không
có lòng mà vẫn phải ở với nhau”. Tù ngục chồng chất tù ngục. Khi lòng ham sống trở lại thì cũng là
lúc Mị muốn chết, chết để giải thoát, chết để không phải kéo lê thân xác đời mình trong chốn địa
ngục này, dòng độc thoại nội tâm hay sự tuôn trào của tủi nhục, đớn đau: Nếu có nắm lá ngón trong
tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa”.
3. Tiếng sáo cứu rỗi bi kịch tuyệt vọng – khơi dậy niềm ham sống mãnh liệt:
Tiếng sáo theo sát từng bước diễn biến tâm trạng nhân vật, nó chính là ngọn gió thổi bùng lên đốm
lửa trong lòng Mị. Và giờ đây, nó như vỗ về, nâng đỡ tâm hồn Mị bước qua hố sâu của tuyệt vọng,
tiếng sáo gọi bạn yêu cứ lửng lơ bay ngoài đường:
Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu quả pao rơi rồi
Tiếng sáo giờ đây đã trở thành ngọn gió thổi cho hòn than khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc
trong tâm hồn Mị bùng lên thành ngọn lửa. Mị không bế tắc, uất ức nữa, ngọn lửa lòng đã bùng
cháy mãnh liệt. Nó trở thành một đòi hỏi, một nhu cầu ở trong lòng Mị, nó muốn bật ra thành một
hành động cụ thể ở bên ngoài. Việc đầu tiền khi Mị bước vào căn buồng là xắn miếng mỡ bỏ vào
đĩa đèn cho sáng. Đây là chi tiết có chiều sâu: Mị thắp sáng căn phòng. Trước đây không thiết sống
nên căn buồng của Mị tăm tối, hôi hám, ẩm thấp, bẩn thỉu. Nhưng hôm nay sức sống tiềm tàng trỗi
dậy, Mị muốn đời mình phải sáng sủa hơn. Hành động thắp sáng căn phòng của Mị cũng đồng nghĩa
Mị đang thắp sáng ngọn lửa sống trong lòng mình. Viết về khát vọng của người nông dân, các bậc
tao nhân thường mượn ngọn đèn, một xã hội bước đường cùng Ngô Tất Tố gọi là “ Tắt đèn” và làm
sao quên được hình ảnh đèn dầu của hai mẹ con chị Tí trong tác phẩm “ Hai đứa trẻ” của Thạch
Lam, đó là khát vọng của những con người ở phố huyện. Và ngày cưới vợ trong “ Vợ nhặt” của
Kim Lân, Tràng có mua hai hào dầu, đêm ấy túp lều nhà bà cụ Tứ được thắp sáng bằng ngọn đèn.
Thì đến đây ngọn đèn trong căn buồng của Mị là biểu hiện của sức sống, của khát vọng . Rồi Mị đi
tìm chiếc váy hoa đẹp nhất của mình vắt tít ở trong vách. Khi một người đàn bà đồng loã với bóng
tối, sống lầm lũi như con rùa ở xó cửa, xó bếp bỗng một hôm thấy mình trẻ ra, có nhu cầu ăn mặc
đẹp, nhu cầu đi chơi, đó là biểu hiện của sự tái xuân. Đó là lúc sức sống tiềm tàng trỗi dậy rất mạnh
trong lòng Mị.
4. Tiếng sáo nhận thức về bi kịch của hiện thực trói buộc và ước mơ tự do:
Giữa lúc lòng ham sống trỗi dậy mãnh liệt nhất, thì cũng là lúc nó bị dập xuống phũ phàng nhất. A
Sử bước vào, thản nhiên,lầm lỳ trói đứng Mị vào cột nhà. “Tóc Mị xõa xuống, A Sử quấn tóc lên
cột… Trói xong vợ, A Sử thắt nốt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo, rồi A Sử tắt đèn, đi ra, khép cửa
lại”.
Suốt cái đêm bị trói đứng vào cột ấy, Mị đã sống trong sự giằng xé mãnh liệt giữa niềm khao khát
hạnh phúc cháy bỏng và thực tại tàn bạo lạnh lùng. Lúc mới bị trói, Mị vẫn sống trong tâm trạng say
mê với tiếng sáo, với những đám chơi Tết ngoài kia “tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi,
những đám chơi”. Chìm trong âm thanh mơ hồ, mộng tưởng, Mị như quên mình là đang bị trói,
quên những đau đớn thể xác, đến nỗi trong giây phút niềm khát khao cuộc sống mãnh liệt. “Mị đã
vùng bước đi!” Nhưng thực tế phũ phàng là những vòng dây trói đang thít chặt, dẫu ước mong
mãnh liệt đến mấy, Mị không vượt qua nó được. Hai biểu tượng của ước mơ và thực tại hiện ra
trong hai âm thanh trái ngược – tiếng sáo gọi bạn tình tha thiết và tiếng chân ngựa đạp vào vách khô
khan!. “Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng
yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”. Thực tại phũ phàng đã lấn át,
bóp nghẹt những ước mơ, khát vọng tươi sáng.
III. Đánh giá:
Qua tài năng sử dụng đắc địa tài ba những biện pháp nghệ thuật đặc sắc, đan lồng thành công hình
ảnh, âm thanh của tiếng sáo, miêu tả chân thực từng khoẳng khắc trong tâm trạng Mị như thế: lúc
mơ hồ, lúc mộng tưởng lúc lại hoài niệm rồi lại đột ngột vô cùng bế tắc, tất cả tạo nên một đoạn văn
thật biểu cảm, giàu hình ảnh và giàu chất thơ.
Tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân đã làm bừng sáng lên sức sáng những kí ức tươi đẹp, là hiện
thân của những ước mơ, hoài niệm đã xua đi biết bao giá lạnh của tâm hồn, để hồi sinh để sống.
Hơn nữa, từ sự hồi sinh ấy cô trải nghiệm những cảm xúc của cuộc đời mình: bi kịch thân phận và
khát vọng tự do. Từ đó, hành động cắt dây trói cho A Phủ và chạy trốn khỏi Hồng Ngài là một diễn
biến, phát triển được dẫn dắt hợp qui luật tâm lí của nhân vật. .
C. Kết thúc vấn đề:
Hình tượng tiếng sáo được xây dựng sống động bởi ngôn từ mang đậm hơi thở cuộc sống, hình ảnh
giàu sức gợi, cách dẫn truyện tự nhiên, khiến chữ chữ đứng trên trang giấy. Hình tượng đậm tô vẻ
đẹp của con người lao động trong cơ cực vẫn mang tâm hồn trong sáng, giàu khát vọng, đồng thời
giúp ta cảm nhận nét phong phú của văn hóa vùng cao và kết tinh tài năng tả cảnh, khắc họa tâm lý
nhân vật tài tình của Tô Hoài. Văn hào Nga ShêKhốp nói: “ Mỗi tác phẩm văn học chân chính phải
là một lời đề nghị về lẽ sống, mỗi tác phẩm văn học chân chính đều có khả năng nhân đạo hoá con
người”. “ Vợ chồng A Phủ” với hình tuợng tiếng sáo của Tô Hoài là một tác phẩm như vậy!

You might also like