You are on page 1of 8

Bài dự thi Heritage Guide Huế -

VỀ DỐC BẾN NGỰ THĂM DI TÍCH “ÔNG GIÀ BẾN NGỰ”

“Ông già Bến Ngự” chính là nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (1867-1940). Ở
Huế có một địa điểm mà đến đó, bạn có thể tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của
cụ Phan, và hơn nữa, hiểu hơn về sự gắn bó giữa cụ với mảnh đất Cố đô trong
những năm cuối đời cho đến khi cụ mất, vào một giai đoạn lịch sử đầy biến động
của nước nhà. Tôi đã có dịp một lần về dốc Bến Ngự để thăm di tích quốc gia ấy.

Từ dốc Bến Ngự chạy đổ xuống là bờ nam dòng An Cựu, một chi lưu của sông
Hương. Khuôn viên Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu nằm tại số 119 đường
Phan Bội Châu, phường Trường An, thành phố Huế. Đây chính là khu vườn nhỏ ở
đỉnh dốc Bến Ngự, mà khi xưa, với tình cảm yêu mến, kính trọng cụ Phan, người
dân đã tự nguyện quyên góp mua lấy và dựng lên một căn nhà tranh ba gian làm
nơi ở cho cụ. Cũng tại đây, cụ Phan đã nằm xuống yên giấc ngàn thu, với mộ phần
hiện tọa lạc trang trọng chính nơi cụ đã định sẵn từ năm 1934.

Dạo một vòng tham quan Nhà trưng bày Cuộc đời và sự nghiệp Phan Bội Châu
trong khuôn viên di tích (trước là nhà từ đường), chúng tôi được một cán bộ trẻ của
Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế phụ trách trực khu di tích ngày hôm đó - chị
Ngọc Anh - với chất giọng nhẹ nhàng mang âm sắc Huế đã nhiệt tình thuyết minh
về người chí sĩ yêu nước họ Phan thông qua những tấm ảnh, tư liệu, hiện vật được
trưng bày ở đây.

Đầu thế kỷ XX, cụ Phan Bội Châu là một trong những lãnh tụ tên tuổi của phong
trào yêu nước và cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ. Giữa năm 1925, cụ Phan bị
thực dân Pháp bắt ở Thượng Hải và kết án tù chung thân, tuy nhiên trước áp lực
đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân cả nước, chính quyền thực dân buộc phải “ân xá”
và đưa cụ về quản thúc, giam lỏng ở Huế.
Tại đây, không khuất phục trước kẻ thù, cụ Phan đã tổ chức diễn thuyết, sáng tác
thơ văn, kêu gọi, tập hợp, cổ vũ tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân, nhất
là lực lượng thanh niên, trí thức yêu nước, tiến bộ.

Tại nhà trưng bày, bạn sẽ thấy một phần lịch sử nước nhà trở nên gần gũi, sống
động hơn bao giờ hết so với những gì đã từng được học, được biết qua sách vở. Đó
là những sự kiện như như thành lập Duy tân Hội, Việt Nam Quang phục Hội, Việt
Nam Quốc dân Đảng, phong trào Đông Du ra đời, cụ Phan diễn thuyết ở Huế, lễ
tang của cụ Phan..., cùng các nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng đương thời.

Nếu không có sự giới thiệu của chị Ngọc Anh, chúng tôi chắc đã không nhận ra
sáu tấm bia rất đặc biệt nằm dưới chân mộ cụ Phan. Những tấm bia này do chính
cụ dựng lên, nhằm tỏ lòng tiếc thương hai chú chó tên Ky và Vá rất mực thân thiết
và trung thành với cụ khi chúng mất đi, đồng thời mượn đó để đả kích thâm thúy
một số hạng người đáng khinh lúc bấy giờ.

Đối diện với mộ cụ là Bia kỷ niệm quan hệ giao lưu Việt - Nhật từ phong trào
Đông Du do “những người Nhật hảo tâm trao tặng” (chữ khắc trên bia) vào năm
2010, nhân 70 năm ngày mất cụ Phan và 100 năm ngày mất bác sĩ Asaba Sakitaro -
một người bạn Nhật Bản, ân nhân của cụ. Tấm bia như một sự tri ân đối với cụ
Phan Bội Châu, người đã mở ra mối quan hệ tốt đẹp giữa hai đất nước. Chị Ngọc
Anh cho biết, hàng năm, trong số khách nước ngoài đến đây, nhiều nhất vẫn là du
khách Nhật Bản. Tháng 3-2017, di tích cũng đã vinh dự đón tiếp Nhật hoàng và
Hoàng hậu đến thăm.

Hệ thống di tích trong khu vực vườn nhà cụ Phan còn có mộ phần con trai và con
dâu cụ Phan (vợ chồng ông Phan Nghi Đệ), nhà bia thờ Lê Thị Đàn - người nữ liệt
sĩ cận đại ý chí kiên cường được chính cụ Phan đặt tên hiệu là Ấu Triệu, tức Bà
Triệu trẻ (nhỏ tuổi), hay mộ chí sĩ yêu nước người Bình Định Tăng Bạt Hổ...
Trước khi rời khu di tích, chúng tôi vào tham quan căn nhà tranh ba gian nơi cụ
Phan từng ở. Thực ra căn nhà này mới được phục dựng vào tháng 12-1997, sau bao
biến động thời cuộc. Căn nhà ba gian lợp tranh tượng trưng cho ba kỳ Bắc - Trung
- Nam của đất nước lúc bấy giờ. Hiện vật trong nhà tương đối ít, dáng vẻ đơn sơ,
được sắp xếp dựa theo hồi ký Ông già Bến Ngự, gợi nhắc về cuộc sống thường
nhật giản dị của cụ Phan lúc sinh thời.

Một địa điểm ý nghĩa như Khu lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu ở Huế có vẻ
như, đáng tiếc là, vẫn chưa được nhiều người biết tới. Trong không gian tĩnh lặng
của di tích với mảnh vườn nhỏ nhiều hoa lá cỏ cây, với nếp nhà tranh bình dị êm
đềm, với mấy hàng cau vươn thẳng dáng, thấy rõ đâu đó hình bóng quê hương, và
lại nghe vang lên những lời giục giã trong Bài ca chúc tết thanh niên (1926) của cụ
Phan Bội Châu:

“Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa

Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”.

DIỆU HUY

#HeritageGuide #Hue #Thử_làm_thổ_địa

PHÚC THỊNH

_________________

Thông tin liên lạc: HUỲNH NGUYỄN PHÚC THỊNH

Địa chỉ: Tổ 6, KP. 11, Phú Thủy, Phan Thiết, Bình Thuận
Email: phucthinh.0109@gmail.com - SĐT: 01268 912 825

H1: Mộ phần cụ Phan Bội Châu


H2: Căn nhà tranh cụ Phan từng ở
H3: Bia kỷ niệm quan hệ Việt - Nhật
H4: Tượng chân dung cụ Phan trong Nhà trưng bày
H5: Một góc Nhà trưng bày Cuộc đời và sự nghiệp Phan Bội Châu

You might also like