You are on page 1of 130

VUA THÀNH THÁI ARCHIVE

Tìm dấu vua trong lòng dân


TT - Thể hiện cái nhìn công tâm về lịch sử và biểu lộ tấm lòng của người hôm nay đối
với tiền nhân, lần đầu tiên một bộ phim về ba vị vua yêu nước Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân
được thực hiện…

Vua Hàm Nghi - nhà điêu khắc, ảnh chụp tại Pháp năm 1935 - Ảnh tư liệu
Vua Thành Thái trong triều phục - Ảnh tư liệu

Vua Duy Tân trong một cuộc mittinh ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp năm 1936 tại đảo
Réunion - Ảnh tư liệu
Đi tìm dấu tích ba vua là tên gọi bộ phim ký sự lịch sử nhiều tập này (dự kiến 60 tập,
mỗi tập 10 phút). Phim đã đi được nửa chặng đường, do Công ty BHD và Hãng Phim truyền hình
TP.HCM phối hợp thực hiện.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 10-3-2008, một đoàn làm phim tinh gọn gồm nhà văn
Nguyễn Hồ, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Ngô Thảo, đạo diễn Đào Anh Dũng, quay phim
Nguyễn Hữu Tuấn… xuất phát từ Sài Gòn ra Huế. Từ đó là những cuộc điền dã miệt mài không
ngày nghỉ, qua suốt mấy tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hoá đến Hà Nội… Cho
đến ngày 12-4-2008, phần quay tư liệu trong nước về ba vị vua cơ bản hoàn thành. Chiều 20-5, tại
Đài truyền hình TP.HCM, lễ ra mắt đoàn làm phim đã diễn ra xúc động trước ngày đoàn lên
đường sang Pháp để tiếp tục phần quay ở các địa danh gắn với hoạt động của ba vị vua như Paris,
làng Thonac (Pháp), đảo Réunion (lãnh địa hải ngoại Pháp)…
Yêu nước và dấn thân
Nhà văn Nguyễn Hồ - tác giả kịch bản Đi tìm dấu tích ba vua - cho rằng nói Hàm Nghi,
Thành Thái, Duy Tân là ba vị vua yêu nước quả không sai. Nhưng nói cho đúng hơn thì có lẽ phải
dùng từ dấn thân. Bởi theo lịch sử các triều vua VN, đâu chỉ có ba vị vua này mới yêu nước.
Dấn thân dù bị phận lưu đày, đó là phẩm cách nổi trội của các vị vua Hàm Nghi, Thành
Thái, Duy Tân. Khi giở lại lịch sử, chúng ta đều thấy ba vị lên ngôi trong hoàn cảnh hết sức trớ
trêu - nước mất, rơi vào tay thực dân Pháp. Các triều vua mất nước đều diễn ra rất ngắn ngủi: Dục
Đức ba ngày, Hiệp Hoà bốn tháng, Kiến Phước bảy tháng.
Cả ba vua này đều bị bức tử, và những vị vua lập ra thay thế đều còn rất trẻ: Hàm Nghi
13 tuổi, Thành Thái 10 tuổi, Duy Tân 8 tuổi. Nhà văn Nguyễn Hồ nhấn mạnh: "Họ được lập ra để
làm bù nhìn, nhưng khí chất của họ lại là những con người yêu nước quật cường. Họ thà chấp
nhận bị phế truất lưu đày chứ không chịu làm vua nô lệ. Điều ấy khiến tôi suy nghĩ, ray rứt mãi,
nhất là khi đi làm phim Ký sự Tân Đảo, ghé thăm nơi chôn cất vua Hàm Nghi ở làng Thonac,
vùng Aquitaine nước Pháp"…
Vua Hàm Nghi phát Hịch Cần Vương ở Tân Sở (Quảng Trị) chống Pháp trong ba năm,
sau bị Pháp bắt đày sang Alger. Vua Thành Thái với những tư tưởng cấp tiến không thoả hiệp với
Pháp, bị đày đến đảo Réunion. Vua Duy Tân cũng như vua cha Thành Thái muốn làm một vị vua
trưởng thành có quyền tự do hành động, nhất là quyền tự do trao đổi tin tức và ý kiến với Chính
phủ Pháp cũng bị đày đến Réunion… Lòng yêu nước dấn thân của họ lịch sử đã nêu rõ. Nhưng
còn nhiều chi tiết ngoại sử phong phú gợi nhắc những trắc ẩn và bài học về lòng yêu nước nồng
nàn vẫn còn như mới hôm nay.

Cụ Lê Khắc Tùng (trái) - người được giao cất giữ kho báu của vua Hàm Nghi từ năm
2008-2009, sau khi được chuyển giao từ cụ Trần Văn Nhung
Lòng dân
Các thành viên trong đoàn làm phim đều cho rằng chưa bao giờ họ tham gia một hành
trình mà gặp nhiều may mắn như thế. Ví như mỗi khi đến các chùa chiền, lăng tẩm, mỗi khi xin
phép mở kho để quay những hiện vật, họ đều phải thông qua một "thủ tục" là xin xăm. Nếu quẻ
dương thì mở cửa, quẻ âm… thì về. Lần nào gieo quẻ cũng thắc thỏm lo nhưng lần nào cũng gặp
may. "Có lẽ việc làm của chúng tôi hợp lòng dân nên gặp nhiều may mắn" - nhà văn Nguyễn Hồ
nói vui.
Dấu tích các triều vua không chỉ có trong sử mà còn nằm ở lòng dân rất sâu đậm là
điều có thật. Có rất nhiều câu chuyện xúc động vẫn đang diễn ra hằng ngày. Như chuyện những
người dân xã Phú Gia (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) luân phiên giữ gìn nguyên vẹn các báu vật
của vua Hàm Nghi suốt 123 năm qua.
"Năm 1885, vua Hàm Nghi lập căn cứ chống Pháp và hạ chiếu Cần Vương tại sơn
phòng Hương Khê. Nhà vua ban tặng dân làng Phú Gia một số kỷ vật, trong đó có long bào, kiếm
báu, voi vàng và một số đồ ngự dụng. Mỗi năm, bô lão nơi đây lại bầu ra một cụ đạo chủ, thay
phiên nhau cất giữ kho báu ấy trong nhà tranh vách đất đơn sơ. Qua nhiều đận tao loạn, trộm
cướp; qua thời giặc Pháp, giặc Nhật; qua cả cái thời cực đoan "chống phong kiến", chính quyền
địa phương bắt giao nộp kho báu cho Nhà nước quản lý nhưng các bô lão kiên quyết cưỡng lại,
cho dù có cụ bị tống giam" - nhà thơ Nguyễn Duy trong vai trò người dẫn chuyện - viết lời bình
xúc động kể lại, rồi không quên nhắc thêm: "Hôm ghi hình bốn cụ đạo chủ còn sống, chúng tôi
hỏi: Nhờ đâu mà các cụ giữ được như vậy?… Một cụ trả lời: Nhờ lòng dân, các bác ạ!".
Hành trình tìm dấu tích ba vua như thế không chỉ được tái hiện qua trang sử mà còn
tìm thấy trong lòng dân, bằng sự thật, không phải là huyền thoại.
TRẦN NHÃ THỤY
Theo đạo diễn Đào Anh Dũng: "Bộ phim được thực hiện theo phong cách "nối mạng"
giữa quá khứ và hiện tại, đan cài giữa tư liệu lịch sử và nhân chứng sống, kết hợp thông tin chính
luận và cách kể chuyện điền dã tự nhiên… Tất cả sẽ là những câu chuyện trên đường như mới xảy
ra ngày hôm qua. Điều "đại hồng phúc" mà đoàn làm phim có được là thu thập được hàng trăm
chi tiết ngoại sử sinh động, điều này sẽ giúp chúng tôi có những thước phim cô đọng đến mức tối
đa".
Dự kiến phim sẽ phát sóng vào tháng 10-2008.
Tưởng niệm
(Được tin lễ cải táng di hài vua Duy Tân ở Huế mà có thơ rằng)

Cụ Nguyễn Phúc Bảo Hiền (phải) - cháu nội vua Thành Thái - và nhà thơ Nguyễn Duy
- Ảnh: Nguyễn Hồ
Ước chi tới bến sông Hương
Đốt nhang mà lạy nắm xương lưu đày
Thế là đã trở về đây
Một con người tận chân mây cuối trời.
Tấm thân phiêu dạt quê người
Linh hồn vẫn ở lại nơi quê nhà
Ngai vàng vừa cũ vừa xa
Ánh vàng vương miện cũng là hư không.
Mặt trời vẫn mọc đằng đông
Lăng minh quân vẫn dựng trong lòng người
Bao triều vua phế đi rồi
Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ!
(TP.HCM, tháng 4-1987)
NGUYỄN DUY
______________________
Hai tác phẩm của vua Duy Tân
Vua Duy Tân - Ảnh tư liệu
Trân trọng giới thiệu cùng đông đảo bạn đọc cả hai tác phẩm của Duy Tân - Vĩnh San
qua bản dịch của Nguyên Ngọc: Tác phẩm Biến tấu trên cây đàn lia vỡ nát đoạt Giải nhất cuộc thi
văn học do Viện Hàn lâm Réunion(1) tổ chức năm 1924 và tác phẩm Tiếng nói vạn vật.
Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, tháng 3-2008, nhà văn Nguyên Ngọc kể một kỉ niệm
"không thể nào quên" về cựu hoàng Duy Tân: "Ngày còn học ở quê, mình được đọc một bài văn
Pháp ngữ của Duy Tân, in trên tờ báo chuyên lưu hành trong các nhà trường, kiểu như tờ Học báo.
Bài văn hay đến mức mình thuộc lòng, đến nay vẫn còn thuộc, Ce que dit la voix des choses -
Tiếng nói của vạn vật…". Và ông đọc vanh vách một đoạn dài.
Tôi đề nghị ông dịch thành văn bản để dùng trong phim "Đi tìm dấu tích ba vua lưu
đày". Ông hứa sẽ dịch.
Tháng 6, tới đảo Reunion, lãnh địa hải ngoại của Pháp ở nam Ấn Độ Dương, thuộc
châu Phi, chúng tôi được nghe khá nhiều chuyện hay và lạ, thậm chí kỳ lạ, của hai cha con cựu
hoàng Thành Thái - Duy Tân thời họ bị lưu đày tại đây. Vua cha Thành Thái là người bất hợp tác
với Pháp, ít giao du, không sinh hoạt cộng đồng.
Còn Duy Tân thì khác, hội nhập với thế giới hiện đại, học giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp,
kỹ thuật điện tử, lắp ráp radio, chơi đua ngựa, chơi đàn vĩ cầm, làm thơ, viết văn đăng báo và tham
gia nhiều hoạt động xã hội, giao thiệp rộng rãi… Riêng về thành tựu văn chương, Duy Tân đã
từng đoạt giải nhất cuộc thi văn năm 1924 của Viện Hàn lâm Reunion với tác phẩm Variations sur
une lyre brisée (Khúc biến tấu trên cây đàn lia vỡ nát). Còn "bài thơ văn xuôi" Ce que la voix des
choses thì được lưu hành trong nhà trường Pháp ngữ như một bài văn mẫu.
Chúng tôi đã chụp ảnh nguyên bản cả hai tác phẩm nói trên, gửi cho nhà văn Nguyên
Ngọc, và đã nhận được bản dịch Việt ngữ của ông kèm theo lời phân trần: "Không thể nào dịch
hay bằng nguyên tác được!".
NGUYỄN DUY

Biến tấu trên cây đàn lia vỡ nát
Ôi, tiếng róc rách rỉ rả của vòi nước mới khiến tôi day dứt làm sao! Trong đêm khuya
tiếng động ấy tràn vào đầu tôi, gõ vào tai tôi, nạo vào thần kinh tôi như một cành mộc tặc… Tôi
buồn… Ý nghĩ của tôi quay cuồng.
Vầng sáng tròn khiêm nhường nơi ngọn đèn nhỏ của tôi đứng yên một chỗ như cố sức
làm cho lòng tôi yên tĩnh. Hoài công thôi, tôi muốn đắm mình trong bí ẩn của Koenigsmark, văn
xuôi của Pierre Benoit cũng khiến tôi chán chê chẳng khác gì những câu thơ trường phái Parnasse
của Leconte de Lisle mà tôi đã cố uống lấy cho say.
Người đàn bà điên trong nhà không còn ở đấy nữa; bà ta, là người đã trang sức cho các
câu và điểm tô cho các từ vẻ đẹp ta vẫn mong tìm, đã bỏ đi đâu mất rồi. Mới lúc nãy đây thôi, bà
còn chăm chú theo rõi các trang sách của tôi… Vậy mà đột nhiên, bà bỏ ra đi.
Một con chó tru lên ở đâu đó. Một con chó lai ghẻ lở, gầy đét vì phải nhịn bữa suốt đời.
Thường nhìn thấy nó, ngủ trên một đống rác hay ngờ vực rõi theo những cử chỉ của một người
qua đường. Hai sườn chảy sệ của nó đã bao lần phải chịu những cú đá, đầu nó chi chít vết sẹo là
bằng chứng hùng hồn của những lần bị ném đá.
Nó vừa tru lên, con chó ấy. Vì sao? Nó than thở nổi bất công của số phận với ai kia vậy,
nó tin ở điều gì khi thét lên tiếng kêu càng khiến hai sườn nó thêm đau?
Vì sao mà nó tru lên thế?
Ôi, nào ta có biết được!
Bao giờ cũng vậy trong ta có một kẻ khác âu lo và tìm kiếm.
Có thể đấy chính là cuộc hành trình đến chốn hoàn thiện, bởi chúng ta đã bị kết án là có
thể trở nên hoàn thiện.
Tiếng chó tru đã tắt.
Dòng suy nghĩ của tôi đã trở lại. Quẩn quanh trong căn phòng này. Tôi vẫn buồn.
Lạ quá chừng!
Bí ẩn của một con ngươi mắt mở ra quá rộng đang nhìn ta, giấu sau hai hàng mi, một
nụ cười ta không biết muốn nói gì đây hay tiếng kêu của một con vật, tràn đầy hy vọng hay đau
đớn hay cả tiếc nuối nữa, chỉ chừng đó thôi đã đủ để khiến ta buồn, một nỗi buồn không sao tìm ra
được nguyên cớ.
Tuy nhiên, ai biết được đây?
Trong tiềm thức tăm tối nơi đôi lúc cái tôi toàn vẹn của ta ẩn náu, có chăng một nỗi
niềm nào đó mà ký ức nhuốm trí óc ta một màu u tối?
Ta nhớ lại…
Vâng, bây giờ ta đã hiểu vì sao trái tim ta đập nhịp ủ ê thế này trong lồng ngực ta.
Nó nhớ lại nổi đau do những nan lồng đã chặn đứng cánh bay tung của nó ra bầu trời
đầy tràn ánh sáng.
Vâng, vậy đó…
Ta ngồi dưới chân một thân cây đầy rêu, cành lá còn giữ những giọt sương, rung rinh
trong gió sớm. Toàn bộ cánh đồng quê trẻ lại sau một giấc ngủ đêm, trải ra giữa các đồi núi như
một tấm áo choàng ngày hội. Trong giây phút ấy, ta tận hưởng một niềm vui thú được tham dự
vào cuộc bừng thức của cỏ cây và muông thú.
Tựa vào tay mẹ, cô gái ấy đi qua…
Khi ánh tóc đen nhánh của cô khuất sau khúc quanh của con đường thôn dã, ta vẫn còn
dõi theo trong khoảng trống không khuôn mặt thoáng hiện của cô. Lặng người, ta hổn hển đuổi
theo một ảo ảnh. Tiếng hót nhẹ nhàng của một con chim đâu đó ở bên trên khiến ta ngước mắt
nhìn lên.
Một người đàn ông đi qua và phá tan mất niềm hứng khởi…
Ta rời bỏ niềm cô đơn của cây cối để trở về trong niềm cô đơn của con người.
Ngày tháng theo nhau rơi chìm vào hố sâu của quá khứ…
Một buổi sớm, trước khi mặt trời còn chưa rạng, ta hít thở không khí trong mát và mơ
màng chẳng biết đến điều chi, đến một điều gì đó xa xôi, và tuy vậy do sự hiện diện của nó lại làm
dịu bớt bóng tối đượm xanh của buổi chớm bình minh. Trên vầng trời cao kia, những ngôi sao run
rẩy, cảm thấy đã gần đến lúc chúng không còn long lanh được nữa.
Một con gà trống cất tiếng gáy vang lừng, một khúc hoan ca mừng tình yêu, sự sống và
ánh sáng.
Những con gà trống khác, được tiếng kèn sớm ấy đánh thức, đáp lời.
Mọi vật đều yên tĩnh; quấn một vấn khăn mây, các ngọn núi trông như những hiệp sĩ
trang trọng trong một hội nghị bàn tròn kỳ diệu vào đêm thức thụ phong kỵ sĩ, hay như những thủ
lĩnh thổ dân Nam Mỹ đang họp hội đồng tướng lĩnh chiến tranh, họ ngồi trong làn khói toả ra từ
chiếc ống điếu dài. Chung quanh các thủ lĩnh, những ngọn núi nhọn hoắt là những vệ sĩ đứng
canh.
Mọi người còn đang yên giấc. Trong giấc ngủ, nhân loại quay về cái thời kỳ khi những
dục vọng ngốc nghếch còn chưa huỷ hoại sự hài hoà của con người và tạo vật.
An tịnh mênh mông…
Mây từ từ sáng lên và tản ra; không khí trong suốt hơn và bầu trời bớt tối đi.
Đột ngột, ở phía bên trái, một đỉnh núi nhuốm màu hồng vàng rực, rồi lần lượt tất cả
các đỉnh núi nối tiếp cùng sáng lên một màu long lanh.
Dẫu chẳng muốn, tâm trí con người bỗng mở rộng ra trước cảnh bình minh ấy, một bản
giao hưởng sắc màu trong đó tất cả các pha đều gợi lên cùng một cảm giác hùng vĩ và nguôi
ngoai.
Khối núi oai nghiêm nơi tầm nhìn của tôi dừng lại lần lượt trở màu tím, rồi hồng, rồi
đỏ, vàng óng và cuối cùng chói lọi một màu trắng trong veo chẳng gì sánh được.
Vạn vật đều thức dậy; khu rừng, mới lúc nãy, chỉ khẽ rì rào, bây giờ dang rộng các
cành cây cho ánh sáng vuốt ve.
Ta rõi nhìn…
Được tham dự sự bừng nở của ngày, ta cảm thấy vượt qua được mọi nỗi thống khổ của
thế gian.
Đôi mắt ta, vui mừng, ngắm nhìn các sắc màu rực rỡ của những đoá hoa trên nền xanh
tràn trề của cảnh vật. Ngay sát hai bên một lối đi, hai hàng rào hoa đào gai kéo dài một dải trắng.
Ta rõi nhìn…
Một run rẩy nhẹ… như là một mối hiểm nguy bất ngờ hay một mong ước quá đỗi bồn
chồn.
Giữa lối đi, kia là nàng đang thức dậy…
Song, có ai biết, suốt những ngày qua từ khi sự xuất hiện của nàng giữa những hàng
cây khiến ta chú ý, ý nghĩ của ta chẳng mấy vấn vương niềm mong ước được gặp lại nàng…
Đối với một số người, lối mòn của bệnh hoài nghi và thói quen mỉa mai tất cả, khiến
cho tác động của xúc cảm trở nên khó khăn. Trong thế tự vệ đạo đức, hoài nghi là tự khoác cho
mình một chiếc áo giáp, mỉa mai là giữ lấy tay khiên. Nhưng không thể cứ lúc nào cũng trang bị
đầy vũ khí; sẽ đến một lúc nào đó ta cảm thấy mình đã an toàn, ta cởi bỏ áo giáp, mà thật kiên
cường ta từng đến ngạt thở trong ấy mà vẫn cười, và tới lúc đó ta sẽ rất dễ bị tổn thương dù chỉ
bởi một cái chích nhẹ hay một vuốt ve thoảng qua.
Ngoài ra còn có những phút mà vẻ tráng lệ mênh mông của bầu trời buộc ta quên bẵng
đi mặt đất, và lại cũng còn có những giây phút khi tiếng rền rĩ của một chiếc phong cầm lải nhải
một bản tình ca nghe được từ ngày xưa bỗng khiến ta nới lỏng cuộc canh giữ quyết liệt từng bố trí
chặt chẽ quanh tâm hồn mình. Buổi sáng hôm đó ta bị tước hết vũ khí. Những cánh hoa đang bừng
nở rạo rực trước mắt ta kia làm trào lên trên đôi môi ta niềm khát khao được nếm chất mật tuyệt
diệu, ẩn sâu trong những đoá hoa, mới mẻ xiết bao sau một đêm say ngủ.
Nhìn thấy nàng là hoàn tất tác động của buổi bình minh.
Ta tìm giữa màu xanh đón mừng ngày mới ấy điều bí ẩn của sự tương cận khiến con
người mơ tưởng trước những vật thể câm lặng kia và bỗng nhiên cộng vào bí ẩn của vạn vật lại có
thêm bí ẩn của con người.
Tại sao trước khuôn mặt nhìn nghiêng nào đã rõ kia ta bỗng cảm thấy khát khao vô
cùng được đứng bên khung cửa sổ nọ, ở đấy mãi, mãi suốt bao nhiêu thế kỷ và ta mong ước biết
bao mọi sự sẽ vĩnh viễn tuyệt đối bất động, để cho ở nơi ấy cái bóng nhỏ nhoi kia sẽ chẳng bao
giờ biến mất?
Cũng giống như những người lên cơn sốt nghe đau nhức trong mình mà đoán được cơn
kịch phát đang đến gần, ta cảm thấy điều gì sẽ đến với ta từ buổi sáng ở nước Tây Ban Nha rộng
lớn này nơi ta xây những lâu đài.
Dẫu giữa các hàng thông
Có một nòng súng tịt
Thì nơi kia các con thỏ
Vẫn rên rỉ: Thôi hết rồi!
Rostand
Còn kháng cự làm gì nữa, khi ta đã trúng đạn mất rồi?
Tốt hơn cả là để cho cơn đau cứ thế mà tiếp diễn và bởi vì ta biết nó chẳng làm chết
người đâu, thôi thì cứ mặc vậy.
Đầu óc ta cứ vậy mà lý lẽ, sẵn sàng khỏi ngay mọi căn bệnh, nhưng là theo lối của nhà
giải phẫu bẻ đi một cái xương, lấy cớ là để nắn cho nó thẳng lại!
DUY TÂN - VĨNH SAN
______________________
Tiếng nói của vạn vật
Tôi yêu tiếng rì rào của gió khi gió hát hay than khóc trong các cành cây. Tôi yêu
những lời tâm sự du dương của gió với cây rừng, với sóng biển, với sao trời.
Nhưng còn hơn thế nhiều, ru đưa hồn tôi, khiến tôi rạo rực, yêu thích, là tiếng nói lớn
của đại dương, lời than thở lan khắp vũ trụ cất lên trong vắng lặng của đêm khuya tựa một bản
tụng ca bất tận.
Giữa mùa hè, khi tôi lưu lại bên bãi biển, những đêm thao thức, tôi rất thích được nghe
các biến tấu của tiếng nói ấy. Trong những đêm thanh vắng, tưởng như đấy là tiếng thở của một vị
thần Léviathan đang thiêm thiếp, vào những lúc khác, tiếng nói ấy bỗng vang lừng, gào thét, đầy
đe doạ trong cơn gầm rú của bão tố.
Tiếng ru đưa hay tiếng thở than của vũ trụ phải chăng chính là âm vang dội lại của
những dục vọng trần thế, tiếng ca hào hùng và tiếng thét của một thế giới tiềm ẩn? Chúng biểu lộ,
lúc thì niềm vui hay nổi đau, lúc thì nỗi lo sợ hay sự hung bạo, khi là niềm dịu dàng hay cơn giận
dữ.
Đấy là một bản hoà tấu hân hoan hay đau đớn trào dâng thành những rung động, những
đợt sóng truyền lan cho đến cõi vô tận để rồi hoà tan trong bản giao hưởng vĩ đại những người trai
trẻ trên khắp thế gian và khơi nguồn cảm hứng cho bậc thiên tài. Chính vì thế mà chúng gây cho
ta những cảm giác không sao có thể cắt nghĩa và sâu xa, bởi chúng tái hiện và thâu tóm toàn bộ
cuộc sống của con người trong những hoá thân vĩnh cửu của nó.
Toàn bộ tự nhiên mênh mông là một nguồn phát lộ cho tâm hồn những ai biết nhìn
thấy, biết cảm nhận, biết thấu hiểu. Những hơi thở của đất và của nước, những phát xạ của thế giới
các thiên hà, tất cả đều nói về niềm bí ẩn của cuộc sống và số phận vĩnh hằng.
Nhưng chính trong niềm an tịnh của của những lúc cô đơn, những tiếng nói bí ẩn kia
mới thổ lộ hết với những ai biết chăm chú và trầm tư. Chính vì thế mà các nhà thơ, các nhà văn,
các nhà tư tưởng thường thích lui tới các ngôi đền của tự nhiên, những chốn ẩn dật giấu kín, xa
các đô thành, nơi nguồn cảm hứng bùng lên và sự thần giao trở nên sâu kín hơn cả.
Gió nói gì kia khi khua động cành lá? Ngọn núi cao có vầng trán kiêu hãnh kia, chiếc
hồ kia, khu rừng kia, giòng thác kia đang nói với ta những gì? Tất cả đều cất cao lời: "Hãy ngợi ca
Thượng đế, hỡi Linh hồn con người, và hãy gắng sức mà vươn cho đến được nơi Người!". Vươn
cho đến được với Người, đấy là mục đích của sự sống và của mọi cuộc đời, hãy học lấy tình yêu,
đấy là bí mật của hạnh phúc, hãy học biết đau khổ, đấy là bí quyết của sự thanh lọc, của con
đường đến với ánh sáng. Nỗi đau là chị em của niềm vui, cả hai hoà tạo nên sự hài hoà, bổ sung
và làm đẹp cho nhau.
Hãy học lấy nghệ thuật tự nhận thức về mình và làm chủ những năng lực tiềm tàng và
ẩn dấu. Bằng con đường đó, ngươi sẽ khám phá ra điều bí ẩn của Vũ trụ và các động lực của nó.
Vẻ tráng lệ của công trình thần thánh sẽ bộc lộ trong chính ta và trong mọi vật".
DUY TÂN - VĨNH SAN, nhà văn
______________________
Chuyện hai vua lưu đày ở đảo Réunion
TTO - Không chịu ách bảo hộ của thực dân, vua Thành Thái phải giả điên để chuẩn bị
nổi dậy chống Pháp và rồi bị phát hiện. Đến lượt Duy Tân, vị ấu chúa yêu nước cũng bị bắt vì đã
liên kết với Việt Nam Quang Phục hội chuẩn bị nổi dậy chống Pháp. Đầu tháng 11-1916, hai vị
vua yêu nước đã bị buộc phải lên chuyến tàu Guadiana lưu đày biệt xứ tận đảo Réunion, châu
Phi…
"Mệ" Bảo Hiền, cháu nội vua Thành Thái đang dẫn đầu đám rước sang dâng hương
lên mộ vua trong lễ giỗ
Một câu chuyện về chuyến lưu đày này đã được hoàng tử Vĩnh Giu kể lại lúc còn sống:
"Hồi đó chính quyền đảo (Réunion) tổ chức đua ngựa. Tất cả có tám nài, nhưng dòng tộc vua An
Nam có đến ba nài là Vĩnh Chương, Vĩnh Khôi và Vĩnh San (Duy Tân), còn lại là người Pháp.
Sau lệnh xuất phát cả ba nài VN đều dẫn đầu và giành hết giải thưởng. Ngồi cạnh thị trưởng Saint
Dennis tôi nghe rõ mồn một câu vua cha Thành Thái nói với ông ta: "VN đã thắng Pháp rồi!". Đã
vậy anh Duy Tân từ mình ngựa nhảy xuống còn nói thêm với cha Thành Thái, nhưng cốt để cho
ngài thị trưởng nghe: "Không phải riêng gì gia đình ta, mà là cả dân tộc VN đã thắng Pháp!". Thị
trưởng nghe xong giận tím người".
Vua Thành Thái - Giấy rách giữ lề
Theo lời ông Vĩnh Giu, khi sang đến đảo, chính quyền Pháp bố trí gia đình hai cựu
hoàng là Thành Thái và Duy Tân mỗi gia đình một biệt thự cùng các khoản phí sinh hoạt khác,
nhưng với hai điều kiện: không được tự tiện ra sân bay, bến cảng và tất cả vật dụng trong nhà nếu
hư hỏng phải báo cáo với toàn quyền để thay mới. Thượng hoàng Thành Thái không chấp nhận
điều kiện trên nên chỉ ở trong hai năm, sau đó ông đưa gia đình ra ở tại một ngôi nhà gỗ rộng lớn
ở bên ngoài.
Hoàng tử út Vĩnh Cầu thì cho biết nhà vua trong mọi hành động của mình đều bất hợp
tác với Pháp. "Chú tôi (một cách gọi bố của người Huế - NV) không thích người Pháp nên ông
không cho chúng tôi đi học trường Pháp, không cho giao thiệp với trẻ em Pháp, buồn lắm. Chúng
tôi tự học chữ, đến lớp học nghề thợ nề, thợ mộc, thợ máy, chỉ chơi với người Tàu, người Chà Và,
người bản xứ".
Cựu hoàng còn đề ra một số nguyên tắc bắt buộc gia đình phải tuân theo như: dịp lễ, tết
phải mặc quốc phục, phải hành xử và noi theo một số phong tục của người Việt, và nhất là phải
giữ gìn tiếng nói dân tộc.
Các vị hoàng tử cũng cho biết khoản trợ cấp lưu đày cho vua rất ít ỏi, nhưng cựu hoàng
Thành Thái không bao giờ yêu cầu tăng thêm trợ cấp. Gia đình do đó sống rất chật vật, thậm chí
vua từng lâm vào cảnh bị đòi tiền nhà, chủ đến đòi nợ…
Để nuôi sống cả gia đình đến hơn 20 người, nhà vua đứng ra mở tiệm may yên ngựa.
Sản phẩm của vua vừa đẹp, vừa bền, lại rẻ được rất nhiều khách hàng bản xứ và người Tây tìm
mua. Ông Trần Tiễn Dương, cháu của đại thần Trần Tiễn Thành trong lần được gặp cựu hoàng tại
Réunion sau Thế chiến II, kể lại lời vua Thành Thái rằng: "(Người) Tây cứ hỏi tau yên ngựa ngài
làm bằng chi mà tốt như ri? Thì mở ra là biết ngay mà hắn không dám mở, cứ hỏi hoài, dễ ghét!".

Lễ giỗ lần thứ 54 của vua Thành Thái được Nguyễn Phước tộc tổ chức tại An Lăng -
Huế hôm 24-3-2008
Người thủ từ An Lăng (lăng ba vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân tại Huế) hiện là
"mệ" Nguyễn Phước Bảo Hiền - cháu nội vua Thành Thái. Ông kể về giai đoạn vua Thành Thái
vừa hồi hương: "Sau 31 năm bị lưu đày, năm 1947, nhờ sự vận động của vợ chồng bà công chúa
thứ 16 là Lương Nhàn và ông luật sư Vương Quang Nhường, Ngài được về nước và sống tại Vũng
Tàu, tôi nhiều lần từ Huế vào thăm và ở lại cùng Ngài.
Một lần, Quốc trưởng Bảo Đại cùng một vị tướng Pháp và phái đoàn Việt Nam cộng
hoà, tổng cộng khoảng 40 người đến thăm. Bảo Đại lúc ấy tặng quà và rất nhiều tiền cho đức bác,
nhưng Ngài chỉ chấp nhận nhận quà, còn tiền thì từ chối thẳng thừng. Ngài nói đại ý: "Đây không
phải là tiền của cháu mà là tiền của nhà nước, cũng tức là tiền của dân, cháu cầm về mà dùng vào
những việc có lợi cho dân!".
Đến năm 1953 Ngài mới được phép về Huế, tôi theo Ngài trong suốt một tháng trời,
Ngài đi thăm rất nhiều bà con, các vị tiền bối và con cháu của những vị công thần của triều đình
Huế ngày xưa. Vào lại miền Nam không lâu sau, vào ngày 24-3-1954, Ngài qua đời và được quốc
trưởng và con cháu dòng tộc đưa về táng tại đây (An Lăng - gần lăng mộ vua Dục Đức)".
Vua Duy Tân - Loại bỏ tạp chất trong nước
Với vua Duy Tân, từ sau khi người vợ Mai Thị Vàng không chịu được thuỷ thổ nơi đất
khách xin về nước, cựu hoàng lao vào học hành và hoạt động nhằm tìm cách thoát khỏi hòn đảo
lưu đày hòng mong về nước "lo cho dân, canh tân xứ sở, giành lại độc lập".
Tại hòn đảo tù đày này, cuộc sống của Duy Tân cũng vất vả chẳng kém vua cha. Theo
lời kể của người "vợ đầm" Fernande Antier: "Không biết nấu ăn, với số tiền trợ cấp hàng tháng
gửi từ VN sang không cho phép cựu hoàng nhờ người giúp việc. Gia đình tôi nấu cơm tháng cho
học sinh, cựu hoàng đến dùng và từ đó chúng tôi quen nhau".
Mộ vua Duy Tân tại An Lăng. Di hài của cựu hoàng Duy Tân được đưa về cải táng tại
Huế vào ngày 6-4-1987. Ảnh: THÁI LỘC
Cựu hoàng Duy Tân rất chịu khó học hành, ông theo học Pháp ngữ, Anh ngữ, học nghề
và mở cửa hiệu thiết kế vô tuyến điện để mưu sinh. Cựu hoàng cũng viết văn bằng Pháp ngữ, và
được đánh giá ở trình độ rất cao, như nhận xét của tác giả E.P Thébault trong cuốn Số mạng bi
thảm của một hoàng đế An Nam: "Vua Duy Tân am tường hoàn toàn ngôn ngữ Pháp và Ngài để
lại cho chúng ta những bức thư có lối hành văn rất thanh nhã". Nữ nhà báo Pháp Revest viết:
"Ngài tháo ráp một máy vô tuyến điện cũng dễ dàng như đọc một bài diễn văn, với một ngôn ngữ
tuyệt hảo".
Năm 1936, cựu hoàng Duy Tân gửi thư cho chính phủ Pháp đề nghị được sang sống ở
Pháp nhưng không được trả lời. Đến 1942, cựu hoàng tham gia phái kháng chiến Pháp chống phát
xít của tướng De Gaulle bằng tài năng sử dụng vô tuyến, và đã gia nhập quân đội Pháp khi
Réunion thay đổi chính quyền sang tay của tướng De Gaulle.
Tác giả Hoàng Trọng Thược, trong Hồ sơ Duy Tân, cho biết "vị nguyên thủ nước Pháp
(De Gaulle) đã quyết định đặt Ngài vào lại ngôi vị hoàng đế ở Việt Nam" tại cuộc tiếp chính thức
cựu hoàng lần đầu tiên hôm 14-12-1945.
"Tôi đã được biết một cách chắc chắn nước Pháp và Chính phủ Pháp đã thừa nhận
quyền của chúng ta được độc lập và chỉ chờ cơ hội thuận tiện là tuyên bố quyền đó" - cựu
hoàng đã ghi lại trong một quyển ghi chép. Điều này được chứng minh qua trang hồi ký của De
Gaulle: "Để đạt những cứu cánh có thể hữu ích, tôi để ngỏ một dự tính bí mật. Đó là việc cung cấp
cho cựu hoàng đế Duy Tân phương tiện để tái xuất hiện, nếu người kế vị và thân thích của ngài là
Bảo Đại tỏ ra không theo kịp thời cuộc".
Ngày 25-12-1945, trên đường từ Paris về Réunion, máy bay chở cựu hoàng Duy Tân
đâm vào núi và ông tử nạn trên bầu trời Trung Phi, và được an táng tại M'BaiKi - Cộng hoà
Centrafricaine.
Chính quyền Pháp đương thời cho dù đã mở hai cuộc điều tra và kết luận không có dấu
hiệu đây là một cuộc mưu sát, nhưng đến nay vụ tai nạn vẫn còn là nghi vấn lịch sử chưa có lời
giải đáp.
Cũng đã có rất nhiều hoài nghi về tính thuyết phục trong việc cựu hoàng Duy Tân bắt
tay với chính quyền De Gaulle với mong muốn đòi độc lập thống nhất nước nhà. Tuy nhiên nhìn
lại cuộc đời tranh đấu của cựu hoàng Duy Tân, chúng ta không thể không nhớ đến câu chuyện từ
thời ông còn trị vì, trong một lần đi nghỉ mát tại cửa Tùng (Quảng Trị): Ông hỏi: Tay bẩn lấy nước
mà rửa, thế nước bẩn lấy chi mà rửa? Rồi ấu chúa tự trả lời: Nước bẩn thì phải loại bỏ tất cả
những chất bẩn trong nước ra ngoài.
Lý tưởng ấy theo ông suốt trọn cuộc đời.
Năm 1956, cùng với hai vị vua cách mạng Hàm Nghi và Thành Thái, vua Duy Tân
được thiết án thờ tại Thế Tổ miếu - hoàng thành Huế. Ngày 6-4-1987, di hài cựu hoàng Duy Tân
được đưa về cải táng tại An Lăng - TP Huế.
THÁI LỘC
"Riêng về phần tôi, lòng yêu quê hương không cho phép tôi để ngỏ cửa cho bất cứ một
cuộc tranh chấp nội bộ nào. Điều mà tôi mong muốn là tất cả các con dân VN ý thức được rằng họ
là một quốc gia và ý thức ấy sẽ thúc đẩy họ dựng lên một nước xứng danh là quốc gia".
Trích đoạn cuối Di chúc chính trị của Vĩnh San - Duy Tân, đăng trên nhật báo Combat
của Pháp ngày 16-7-1947.
______________________
Nhà thơ Nguyễn Duy: "Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ"
Lao Động số 161, ngày 16/07/2008

Nguyễn Duy gặp bà Vĩnh San Andree Marie Gisele - con gái út của Cựu hoàng Duy
Tân - tại đảo Réunion.
(LĐ) - Câu thơ của Nguyễn Duy mở đầu cho kịch bản phim "Đi tìm dấu tích 3 vua lưu
đày" của Đài Truyền hình TPHCM tới tận các nơi vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân từng ở.
Sau chuyến đi Pháp và đảo Réunion trở về, nhà thơ Nguyễn Duy - người viết lời bình
cho bộ phim dài kỳ này - vẫn chưa hết xúc động: "Đây là câu chuyện lớn về cách hành xử của
người đời".
Cuộc hành trình vừa qua mang lại cho ông suy ngẫm gì mới?
- Ba cựu hoàng là những người đầy khí phách. Đặc biệt là Hàm Nghi, Duy Tân. Hàm
Nghi là ông hoàng hội nhập được với thế giới thượng lưu của Algeria và Pháp, rất được người địa
phương kính trọng. Ông là hoạ sĩ, nhà điêu khắc, mở triển lãm ở Paris năm 1926, được báo chí
Pháp quan tâm. Ông quen biết nhiều văn nghệ sĩ Pháp thời bấy giờ. Hai nhà văn nữ Judith Gautier
(Pháp) và Tachiana Lvovna (Nga) từng làm thơ, viết sách về ông.
Vua Duy Tân trở thành một nhà hoạt động xã hội, có khiếu về âm nhạc, văn chương.
Hai bài văn của ông được nhiều người Pháp biết đến là "Khúc biến tấu trên cây đàn lia vỡ nát"
(giải nhất văn chương cuộc thi của Viện Hàn lâm Réunion 1924) và "Tiếng nói của vạn vật" (được
phổ biến rộng rãi trong sách học tiếng Pháp kinh điển).
Ngoài ra, ông tự học về kỹ thuật radio, lắp ráp máy thu thanh… để sau này được dân
đảo Réunion nhờ lắp đặt hệ thống loa phát thông tin của Thế chiến thứ hai. Tướng De Gaulle từng
tìm gặp ông hội kiến vào năm 1945, trong chính sách đưa Duy Tân về thay Bảo Đại, nhưng không
thành. Chúng tôi chụp được những văn bản trong kho lưu trữ hải ngoại Pháp về cuộc gặp gỡ trên.
Xúc động hơn cả là cuộc viếng mộ Hàm Nghi ở miền nam nước Pháp và gặp gỡ hậu
duệ của hai ông Thành Thái, Duy Tân ở Réunion. Bên đó, hậu duệ của các ông có lập hội "Những
người bạn VN", gây quỹ từ thiện gửi về cho đồng bào.
Chúng tôi gặp được những cụ ông, cụ bà ngoài 90 tuổi gốc VN và họ đã giúp đỡ đoàn
làm phim nhiệt tình, cùng nhiều nhà sử học Pháp - những người chuyên nghiên cứu về Đông
Dương và VN. Đặc biệt, nhờ mối quan hệ của các giáo sư Việt kiều, Viện Lưu trữ hải ngoại Pháp
đã mở cửa kho tư liệu về Đông Dương cho đoàn làm phim mà không lấy tiền (ở VN, tại kho lưu
trữ quốc gia và kho tư liệu phim, mỗi phút quay phim tư liệu chúng tôi đều phải trả tiền). Trong đó
có nhiều tư liệu quý giá.
Tóm lại, chúng tôi còn tiếp tục đi tìm, có những cái đã tìm thấy, sẽ được tìm thấy và có
những cái không bao giờ tìm thấy nữa…
Vì sao lại khơi dòng lịch sử bị nghẽn - có thể tạm gọi như vậy về triều Nguyễn - vào
thời điểm này, thưa ông?
- Lịch sử có cách đi của nó. Cho đến bây giờ, nhiều người biết rằng nhà Nguyễn có
công lớn đối với nước nhà, nhưng không hiểu tại sao và từ lúc nào, lại bị biến dạng, bị hạ thấp
một cách oan sai về thang bậc giá trị lịch sử và văn hoá. Cho đến nay, đã có 10 hội thảo về nhà
Nguyễn, nhưng chỉ là hội thảo khu vực, để nhìn nhận về một góc của vấn đề lịch sử thời ấy.
Sắp tới, vào tháng 10, lần đầu tiên mới có một hội thảo quốc gia mang tính quốc tế - do
Hội Khoa học lịch sử VN phối hợp với tỉnh Thanh Hoá - tổ chức với chủ đề "Chúa Nguyễn và
vương triều Nguyễn", nhằm kỷ niệm 450 năm ngày Chúa Nguyễn Hoàng đi mở đất. Cùng với hội
thảo này, hy vọng bộ phim của chúng tôi có đóng góp một chút gì đó, dù rất nhỏ, xây dựng một
cái nhìn mới về nhà Nguyễn. Bởi lẽ, nếu không công tâm với lịch sử thì sẽ không thực thi được
công bằng xã hội.
Tôi đã từng đặt vấn đề này trong chùm bài "Quê nhà yêu dấu" in số Tết 2006. Trong đó
nhấn mạnh: Thu phục nhân tâm, đoàn kết dân tộc thì hãy chọn những gì tốt đẹp của cha ông mà
tôn vinh, truyền bá. Minh bạch với quá khứ là phẩm chất tối thiểu của đạo lý.
Minh Thi ghi
______________________
De Gaulle và Duy Tân
Bùi Trọng Liễu
Cập nhật : 14/03/2007 13:54
Trong bài viết về ngày 19/12/1946, tác giả Bùi Trọng Liễu đã nói tới dự định của tướng
De Gaulle đưa ông Vĩnh San (cựu hoàng Duy Tân) về Việt Nam. Dưới đây, Diễn Đàn xin giới
thiệu bài viết của tác giả về câu chuyện ấy. Toàn văn bài này đã được công bố trong cuốn "Tự sự
cuả người xa quê hương" (Chuyện gia đình và ngoài đời), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004.
Trước đó, một phần đã được đăng trên Đoàn Kết số 397, 1987, và Tổ Quốc, 4-1988 dưới bút hiệu
H.B.
Nhân việc đưa hài cốt cựu hoàng Duy Tân về nước
Bùi Trọng Liễu
Tháng tư 1987, báo chí ở Việt Nam đăng tin đưa hài cốt cựu hoàng Duy Tân về nước
chôn tại lăng xây ở Huế (2). Những người Việt Nam lớn tuổi hẳn còn nhớ biến cố xảy ra năm 1916.
Nhưng dù ở lớp tuổi nào, không chắc mấy ai đã rõ những sự việc xảy ra năm 1945. Trong bài này,
tôi xin chỉ nhắc lướt qua về sự việc năm 1916 vì đã có nhiều sách báo viết về việc này, mà chủ yếu
là nói đến những sự việc thuộc "đoạn sau", qua những tài liệu mà tôi được đọc.

Đồng bào Huế đón di hài vua Duy Tân (1987).


Vua Duy Tân là vua thứ mười nhà Nguyễn (3). Khi vua Thành Thái, vì tư tưởng bài
Pháp, bị chính quyền bảo hộ Pháp ép phải thoái vị, thì con trai là hoàng tử Vĩnh San, lúc đó mới 7
tuổi, được đưa lên làm vua với niên hiệu Duy Tân (1907). Ý hẳn người Pháp muốn lập vua trẻ để
dễ bề khống chế, vả lại lập vua Duy Tân cũng là một cách xoa dịu dư luận thời đó, không những
bất mãn về việc truất ngôi vua Thành Thái, mà lại còn đang thiết tha đấu tranh để đổi mới, vì coi
đó là một điều kiện tất yếu cho việc giành lại quyền tự chủ sau này.
Thời đó, người ta còn kể lại những mẩu chuyện về trí thông minh và lòng yêu nước của
vua Duy Tân... Năm 1915, chiến tranh thế giới đang diễn ra dữ dội, Việt Nam quang phục hội, với
các nhà lãnh tụ Trần Cao Vân và Thái Phiên, chủ trương khởi nghĩa lật chính quyền bảo hộ Pháp
để giành lại độc lập cho nước nhà. Hai nhà cách mạng này bí mật liên lạc với vua Duy Tân, xin
nhà vua ra mật chỉ kêu gọi để có sự tham gia rộng rãi của mọi tầng lớp vào việc khởi nghĩa. Do sự
sơ suất của một đảng viên và tiếp theo đó là sự tố giác (4), cơ mưu bị bại lộ, nhưng các nhà lãnh đạo
phong trào vẫn không biết. Đêm 2/5 rạng ngày 3/5/1916, vua Duy Tân cải trang ra khỏi hoàng
thành, ra lời kêu gọi khởi nghĩa, nhưng chính quyền bảo hộ Pháp đã đề phòng sẵn, nên cuộc khởi
nghĩa bị thất bại. Những người khởi xướng bị bắt, nhiều người bị án tử hình. Riêng vua Duy Tân
bị người Pháp bắt, đưa về giam, và sau đó đày sang đảo La Réunion. Lúc đó vua Duy Tân mới 17
tuổi.
Nhắc lại thêm là khi vua Duy Tân đã bị đi đày rồi, thì người Pháp đưa Bửu Đảo lên
ngôi, tức là vua Khải Định (1916-1925), và sau đó là Vĩnh Thuỵ nối ngôi, tức là vua Bảo Đại
(1925-1945). Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Ngày 24/8/1945, vua Bảo Đại thoái vị (5),
và sau đó trở thành công dân Vĩnh Thuỵ, cố vấn tối cao của chính phủ nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hoà.
Theo Minh Phú(6), vua Duy Tân bị đi đày, có hoàng mẫu là Nguyễn Thị Định, vợ là
hoàng phi(7) Mai Thị Vàng và một người em gái cùng đi theo; nhưng ở đảo một thời gian, vì không
hợp thuỷ thổ, ốm đau luôn, ba người đều trở về Việt Nam. Năm 1925, cựu hoàng Duy Tân (nay
trở thành ông Vĩnh San) đã gửi cho Hội đồng hoàng tộc thư và giấy ly hôn để bà Vàng, lúc đó mới
27 tuổi, còn kịp lấy chồng khác, nhưng bà Vàng quyết ở vậy thủ tiết.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời được hơn ba tháng thì, nhân một chuyến đi
công tác, ông Lê Văn Hiến, lúc đó là bộ trưởng, có gặp bà Thành Thái và bà Duy Tân (ngày
10/12/1945). Lúc đó ông được Hồ chủ tịch uỷ thác tìm gặp hai bà, chuyển lời ân cần thăm hỏi,
trong đó có câu "từ ngày ông Thành Thái và ông Duy Tân, vì lòng yêu nước, mong nước nhà tự do
độc lập, nên bị thực dân Pháp bắt đày đi xứ lạ, hai bà đều lâm vào cảnh lẻ loi, cô đơn đằng đẵng
hàng mấy chục năm", và báo là chính phủ (Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) từ nay tặng tiền trợ cấp
cho hai bà để sinh sống ; ông có kể lại sự xúc động và lời cảm ơn của hai bà đối với sự ân cần chú
ý của Hồ chủ tịch bằng những lời lẽ rất cảm động trong những trang hồi ký của ông (8).
Những sự việc của "đoạn sau":
Ngày 26/12/1945, một tai nạn máy bay xảy ra ở châu Phi... Báo chí Việt Nam ngày nay
1 còn đăng : "Ông (Duy Tân) bị chết trong một tai nạn máy bay rất mờ ám ngày 26/12/1945". Tại
sao lại "mờ ám"? Và nhân dịp gì?
Nay xin kể lại từ đầu (tôi tóm tắt bỏ qua những sự việc không quan trọng để tránh
rườm rà; và tôi đánh số từng đoạn để dễ "dẫn", khi cần đến dưới đây):

Ông Vĩnh San hành nghề vô tuyến


a) Theo E.P.Thébault(9) kể, sau khi ở lại một mình ở La Réunion, ông Vĩnh San học và
hành nghề vô tuyến. Ông lập lại gia đình tại chỗ. Vẫn theo 8, ông có tư tưởng rộng rãi, nhân ái, tư
tưởng mà ông diễn đạt trong thời kỳ Mặt trận Bình dân(10).
Ngày 5-6-1936, ông có gửi một thư cho chính phủ Pháp, yêu cầu cho ông được sang
sống ở Pháp, nhưng không được trả lời. (Trong bức thư có giải thích thái độ của ông trong sự việc
năm 1916). Năm 1940, chiến tranh thế giới bùng nổ. Tại La Réunion, ông tham gia phái kháng
chiến Pháp La France libre của tướng De Gaulle, chủ yếu là trong việc sử dụng vô tuyến, vì đó mà
(tháng năm 1942) ông bị chính quyền Pháp Vichy (của thống chế Pétain) giam giữ sáu tuần. (Sau
này, năm 1944, ông có được tặng huân chương kháng chiến Pháp, Médaille de la Résistance).
Cuối năm 1942, khi đảo La Réunion thay đổi chính quyền - từ chính quyền Vichy sang chính
quyền De Gaulle - ông xin tòng quân gia nhập hàng ngũ quân đội Pháp với lòng mong muốn được
sang châu Âu chiến đấu.
Vĩnh San phát biểu trong một cuộc mít tinh Mặt trận Bình dân ở đảo La Réunion
(1936).
b) Thoạt đầu, ông được tuyển tạm thời làm quartier-maitre radio trên khu trục hạm
Léopard ở La Réunion. Nhưng sau 22 ngày, thì hợp đồng tuyển bị xoá vì lý do sức khoẻ (theo
E.P.Thébault). Nhưng theo lời chứng của tướng De Boissieu (11)- lúc đó có mặt, nhưng chưa là sĩ
quan cấp tướng và chưa là rể của De Gaulle - trong một chuyến đi trên khu trục hạm Léopard,
tướng Legentilhomme, cao uỷ Pháp ở Ấn Độ dương, nhận thấy có một thuỷ thủ Việt Nam được
đồng bang kính nể, hỏi ra thì mới biết là cựu hoàng Duy Tân. Tướng Legentilhomme mới quyết
định là không thể giữ trên chiến hạm này, với tư cách thuỷ thủ, một ông hoàng "có thể phục vụ
cho chính nghĩa của Đông Dương". (Nguyên văn: "Un prince qui pourrait servir la cause de
l'Indochine"). Rồi tướng Legentilhomme ra lệnh cho ông De Boissieu thảo một bức thư gửi tướng
De Gaulle, đề nghị gửi ông Vĩnh San sang Anh học trường học sinh sĩ quan Ribbesford. (Từ đó
ông De Boissieu tạm thời bẵng tin. Ta hãy nghe ông E.P.Thébault kể nối). Nhưng rồi bị cản trở,
đặc biệt là do phía bộ thuộc địa, ông Vĩnh San không được đưa đi học trường võ bị nói trên ; rốt
cuộc năm 1944, ông Vĩnh San mới được nhận làm binh nhì, rồi hạ sĩ quan bộ binh ở đảo La
Réunion, nhưng có lệnh là không được để ông rời đảo. Ông De Boissieu kể tiếp: tháng 3/1945,
ông De Boissieu được gọi về bộ tham mưu riêng của tướng De Gaulle ở Paris, và được tướng De
Gaulle giao cho nhiệm vụ đưa ông Vĩnh San về Paris, để được thấy (sức mạnh) đội ngũ quân đội
Pháp, và để được kịp tham dự phần chót chiến dịch (diệt Đức quốc xã) như ông Vĩnh San thiết tha
mong muốn. Nhưng vẫn vì sự cản trở của bộ thuộc địa - và sau phải do ông De Gaulle nổi giận,
trực tiếp ra lệnh - ông Vĩnh San mới được đưa về Paris, nhưng khi về đến nơi thì Đức đã đầu
hàng, chiến tranh ở Âu châu đã chấm dứt.
c) Cũng theo lệnh tướng De Gaulle, ông De Boissieu thu xếp để ông Vĩnh San được đi
"tập sự" ở một số đơn vị như đã dự chiến trận10, và sau đó, trong cùng một sắc lệnh ký ngày
29/10/1945(12) , ông Vĩnh San được phong thiếu uý (5/12/1942), trung uý (5/12/1943), đại uý
(tháng chạp 1944) và tiểu đoàn trưởng (nghĩa là tương đương với thiếu tá) (25/9/1945) (13).
d) Thời đó ở Paris, ông Vĩnh San có viết một "chúc thư chính trị" (xem 8 và 10) - mà
ông nói là để phòng xa cho sự bất trắc có thể xảy ra - trong đó ông trình bày ý kiến của ông về vấn
đề Việt Nam : một nước Việt Nam thống nhất ba kỳ, "độc lập", hợp tác mật thiết với nước Pháp,
mà "tạm thời" trao trách nhiệm về ngoại giao và quốc phòng cho Pháp (xem 8 trang 30). Đó cũng
là nội dung "lời kêu gọi" mà ông công bố ngày 14/12/1945 tại Paris (xem 9). Ngày 14/12/1945,
tướng De Gaulle (lúc đó vẫn là chủ tịch chính phủ Pháp) tiếp ông Vĩnh San. Theo ông E.P.
Thébault thuật lại: ngày 16/12/1945, ông được ông Vĩnh San kể lại là chính quyền Pháp chấp nhận
ông Vĩnh San trở lại ngôi vua, và tướng De Gaulle dự định sẽ cùng đi Việt Nam với ông, vào
khoảng tháng ba 1946(14).
e) Ngày 24/12/1945, ông Vĩnh San rời Paris trong một chiếc máy bay để về thăm gia
đình ở La Réunion. Ngày 26/12/1945, trên chặng đường Fort Lamy-Bangui, tai nạn xảy ra khoảng
lúc 18giờ30. Phi đoàn gồm một thiếu tá và hai trung uý, và hành khách gồm hai quân nhân (trong
đó có ông Vĩnh San) và bốn thường dân, đều bị chết hết.
g) Sau khi tai nạn xảy ra, chính quyền Pháp có mở hai cuộc điều tra, và đi đến kết luận
là không có bằng chứng gì là tai nạn do người ám hại ( 9 và 10).
Đó là các sự việc, theo các nguồn đã dẫn. Theo ý tôi, các nguồn này đều nghiêm chỉnh,
không có lý do gì để nghi ngờ là họ nói sai sự thật.
Nhưng còn vấn đề hiểu và giải thích những sự việc này ra sao?
Theo "Le général De Gaulle et l'Indochine, 1940-1946"(15) (trang 175), trong một
khoảng thời gian dài, tướng De Gaulle nghi là tai nạn này có nguyên nhân mờ ám. Một số người
khác (xem 8, trang 33 và 35) cũng đặt nghi vấn, nhưng "mờ ám" đây, chỉ có nghĩa là họ nghi rằng
người Anh không muốn Pháp lập lại chủ quyền ở Đông Dương - thái độ của một số người Anh lúc
đó có lẽ phức tạp và không đồng nhất (16). Nhưng những người đã ra lệnh điều tra, cũng là những
người nghi là có sự "mờ ám", cũng lại là những người kết luận là không có bằng chứng để nghi.
Dù sao, "mờ ám" đây, cũng chẳng có gì để cho người Việt Nam ta hiểu sang cách khác!
Những câu hỏi:
1. Về việc ông Duy Tân gặp ông De Gaulle, đã kể ở đoạn d) trên đây, và cần đối chiếu
với 12, hai người đã nói với nhau những gì? Theo 8 và 10 thì chưa có một sự thoả thuận chính xác
giữa hai người về quy chế chính trị của Việt Nam. Xin trích một đoạn của ông Thébault 8, trang
30 (tôi xin tạm dịch cho thật chính xác) (17) : "Rồi ông Vĩnh San khẳng định rằng ông De Gaulle và
ông ta nhanh chóng đồng ý trên các điểm chính và đặc biệt trên việc thống nhất ba kì. Ông De
Gaulle tuy chưa dứt khoát chấp nhận, nhưng có vẻ thuận. Rồi thế nào ông De Gaulle cũng phải
chấp nhận (việc này) - ông Vĩnh San nói với tôi như vậy". Và một đoạn của 10, trang 172, lời
chứng của ông De Boissieu(18): "Ông De Gaulle tiếp ông Vĩnh San không với kế hoạch định sẵn.
Ông muốn biết và đánh giá ông Vĩnh San, mà ông Vĩnh San thì chỉ muốn một điều : trả lại ông vị
trí đứng đầu nước Nam để ông có thể phục vụ".
Tóm lại, theo tôi hiểu qua các tài liệu mà tôi được đọc:
- Phía ông Vĩnh San, thì muốn thực hiện những điều đã tóm tắt trên đây ở phần d)
(thêm phần: nước Việt Nam thống nhất, có quan hệ liên bang với Miên, Lào... 8, trang 23).
- Phía ông De Gaulle, thì lúc đó, chính thức vẫn là lập lại chủ quyền của Pháp ở Đông
Dương, với quy chế chính trị sau đây : Liên bang Đông Dương trong khối Liên hiệp Pháp gồm
năm xứ tự trị, Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Miên, Lào, với một chính phủ liên bang, đứng đầu là
một viên toàn quyền...
Có người gán cho ông De Gaulle những "tư tưởng rộng rãi" đối với Đông Dương và
Việt Nam lúc đó (thí dụ như lời chứng của ông De Boissieu trong 10, trang 178). Nhưng nhiều
nhân chứng khác cho thấy là không phải như vậy, kể cả sau thời điểm ông De Gaulle tiếp ông Duy
Tân, như : việc đô đốc D'Argenlieu xin phép được sử dụng từ "độc lập" trong việc điều đình (với
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) mà không được phép (xem 10, trang 73; thời điểm: 7/1/1946; lúc đó
ông De Gaulle còn cầm quyền); việc ông De Gaulle dặn ông H. Laurentie: "Chớ cho Nam kỳ cho
ông Hồ Chí Minh" (xem 10, trang 238; thời điểm tháng tám 1946 ; lúc đó ông De Gaulle đã từ
chức)(19).
Ngoài ra, cũng cần chú ý là khi ông De Gaulle viết về ông Bảo Đại lúc đó ("si son
successeur et parent Bao-Dai se montre, en définitive, dépassé par les évènements..." ) nếu ta đứng
về phía Việt Nam mà đọc, thì có lẽ phải hiểu từ "dépassé" theo nghĩa là ông Bảo Đại đứng về phía
nhân dân Việt Nam, Pháp không sử dụng được về mặt chính quyền nữa (mà trong thực tế thì tháng
tám 1945, ông Bảo Đại đã thoái vị và trở thành Cố vấn tối cao của chính phủ Việt Nam Dân chủ
Cộng hoà).
Như tôi đã viết trong bài tiếng Pháp(20), lịch sử cho ta thấy là độc lập, tự do không do
người ta cho mình, mà do mình đấu tranh bằng phương pháp hoà bình hoặc/và vũ trang mà giành
lấy. Ông Duy Tân đã dựa trên cơ sở nào để đánh giá tình hình lúc đó, mà bắt tay với chính phủ
ông De Gaulle? Ông muốn điều đình chăng? Nhưng với lực lượng nào làm hậu thuẫn để đòi được
thống nhất, độc lập, dù là thống nhất, độc lập "sau một thời gian" (à terme) và có bảo đảm quyền
lợi cho nước Pháp, như chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lúc đó và sau đó cũng cố gắng
điều đình với Pháp mà không thành công?
Tôi không có ảo tưởng là có được câu trả lời cho những câu hỏi ấy.
Có chăng là, như tôi đã viết trong bài 17, chúng ta có thể thông cảm với ông Duy Tân ở
chỗ là tình hình ở Việt Nam lúc đó rất phức tạp:
Cuối 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới ra đời được vài tháng; "lý lịch" của
Hồ chủ tịch còn có người chưa rõ; những người đồng chí và cộng tác thân cận của Hồ chủ tịch còn
chưa được mấy người biết đến, như ông Võ Nguyên Giáp lúc đó còn chưa là vị danh tướng như
sau này, vv. Tại chỗ lại đầy dẫy quân nước ngoài: nửa trên vĩ tuyến 16 thì quân Tàu Tưởng kéo
sang, nửa dưới vĩ tuyến 16 thì quân Anh-Ấn kéo vào, để giải giáp quân Nhật còn đóng tại chỗ.
Quân Pháp thì đổ bộ vào miền Nam. Lại thêm một số giáo phái, đảng phái lắt nhắt, được sự bảo
trợ của nước ngoài, đang hoành hành dữ. Vả lại, bị đày xa nước nhà đã gần 30 năm, ông Duy Tân
có thể không rõ rằng xã hội Việt Nam lúc đó đã thay đổi, và ngoài lòng thiết tha đòi "độc lập, tự
do", nhân dân Việt Nam còn mong mỏi tìm thấy "hạnh phúc" thông qua một chính quyền "từ nhân
dân mà ra" nữa.
2/ Vào khoảng những năm 1947-1948, khi các nhà cầm quyền Pháp thời đó thấy không
thể lập lại chủ quyền Pháp ở Đông Dương như cũ được nữa, nhưng đồng thời lại còn tiếc rẻ, họ
bèn tìm một giải pháp khác (21), nghĩa là tìm "người đối thoại" để lập ra một thứ chính phủ "quốc
gia" người Việt do họ kiểm soát, để đối lập với chính phủ kháng chiến "cộng sản" (của nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hoà). Có phải vì vậy mà họ lại bới ra việc ông Duy Tân? Ông Duy Tân đã
chết tháng 12/1945, mà vì một sự trùng hợp gì mà đến ngày 16/7/1947 mới có việc trích đăng
"chúc thư chính trị" của ông trong tờ báo Combat? Có phải "lá cờ vàng ba sọc (màu lam hay màu
đỏ?)" là lá cờ của ông Duy Tân (xem 8, trang 30, dòng 19) nghĩ ra và định sử dụng (22)? Nếu đúng
vậy, thì ai, và với dụng ý gì, đem cái cờ này ra cho ông Bảo Đại làm cờ "quốc gia" lúc Pháp đưa
ông về làm "quốc trưởng" trong vùng họ tạm chiếm, và còn có người tiếp tục dùng cái cờ này về
sau?
Tôi nghĩ rằng, khi có người đem so sánh ông Duy Tân với ông Bảo Đại (23), thì cũng có
chỗ không công bằng. Không có cơ sở gì để ta hoài nghi lòng yêu nước của ông Duy Tân, trong
thời trẻ, cũng như trong phần cuối đời ông. Ta có thể giả thuyết rằng ông quá tin và không sát thực
tế, nhưng hành động của ông khi còn sống chưa đưa đến hậu quả nào, xấu hay tốt.
Cho nên tôi hiểu được thái độ của người trong nước trong việc (gia đình ông, thực hiện
lòng ước mong của ông) đưa hài cốt ông về nước chôn tại lăng ở Huế. Giáo sư Phạm Huy Thông
đã có một kết luận "vừa mức", trong bài báo về ông Duy Tân(24).
Riêng tôi, khi được đọc các tài liệu đã dẫn về quân hàm thiếu tá của ông (không học
trường võ bị; không kịp tham gia chiến tranh chống Đức quốc xã ; tham gia phái kháng chiến
Pháp với tư cách thường dân chứ không với tư cách quân nhân; sắc lệnh phong ông làm thiếu uý,
trung uý, đại uý, tiểu đoàn trưởng-thiếu tá ký cùng một lúc, chỉ đề ngày khác nhau...), tôi nghĩ
rằng giả thuyết "ông được phong quân hàm thiếu tá không phải vì đã tham gia chiến tranh trong
quân đội Đồng Minh chống Đức quốc xã" là có cơ sở. Tiếp theo giả thuyết đó, câu hỏi "Phải
chăng ông được phong quân hàm thiếu tá là vì chính quyền De Gaulle sửa soạn sử dụng ông trong
kế hoạch Đông Dương của họ?" hẳn cũng có cơ sở.
Dù sao, như tôi đã viết trong bài, tôi vẫn tiếp tục nghĩ rằng ông Duy Tân từ trước tới
sau vẫn là một người yêu nước. Có thể rằng việc ông tham gia phái kháng chiến Pháp (với tư cách
thường dân), và việc ông thiết tha xin tòng quân gia nhập hàng ngũ quân đội Pháp của tướng De
Gaulle để sang chiến đấu ở châu Âu, phát nguồn từ ý "nếu mình góp phần giúp người Pháp giải
phóng đất nước họ, thì họ sẽ không quên rằng mình có quyền mong mỏi đất nước Việt Nam của
mình được độc lập tự do" chăng?
Nhưng đây chỉ là những giả thuyết. Tôi không phải là nhà nghiên cứu sử học. Tôi chỉ
chép nhặt lại một số điều mà tôi được đọc qua một số tài liệu (25). Tôi đã không cất công lục lọi tìm
kiếm mọi tài liệu có thể có, tôi cũng không tìm hỏi các nhân chứng (26). Vì mục đích của tôi chỉ là
nêu một số câu hỏi. Xin để ai có bằng chứng thì trả lời.
Tôi chỉ xin được nói thêm : không nên và không cần vì tình cảm mà tô điểm cho sự
việc, nếu không thì rơi vào cảnh: "Yêu thì yêu cả đường đi, ghét thì ghét cả tông chi họ hàng"!
Tháng Tám 1987
Bùi Trọng Liễu
Nguồn hình ảnh : Các hình ảnh minh hoạ bài này do Diễn Đàn tuyển chọn từ bộ hình
của trạm URL : http://vinhsan.free.fr/
______________________
Quá khứ chờ đợi lẽ công bằng
- ... Tôi thoáng ngỡ ngàng trước sự đơn sơ và trống vắng ấy. Âu cũng là do hoàn cảnh
lịch sử. Và có lẽ là cả số phận. Người bình thường có số phận của người bình thường, vị hoàng đế
có số phận của vị hoàng đế. Khi đã trở về với cát bụi là vậy, nhưng lúc đang sống cũng đầy nỗi bi
ai, không chỉ một đời vua mà cả một dòng vua.
Hồn của cố đô
Rời xa thành phố Huế từ tuổi học trò và phiêu bạt mãi đến giờ đã gần trọn đời người,
hầu như chuyến trở về nào của tôi với Huế cũng ngắn ngủi, cũng “vội vã trở về, vội vã ra đi”, như
ca từ một bài hát của Phú Quang.
Tuy vậy mỗi lần trở về, tôi thường dành thời gian thăm lại các địa danh văn hoá và lịch
sử. Những dấu tích quá khứ trải qua biết bao biến thiên thời cuộc đã kết thành cái hồn thiêng của
cố đô Huế, và gắn với kỷ niệm của những người con của Huế những năm tháng ở nơi quê nhà.
Các cựu hoàng, cha và con: Thành Thái, Duy Tân. Ảnh tư liệu
Những ngôi chùa cổ kính, trầm tư hàng trăm năm tuổi như Linh Mụ, Diệu Đế, Bảo
Quốc... Những tháp chuông nhà thờ, tu viện kiểu dáng châu Âu, xây dựng từ đầu thế kỷ trước,
như Phủ Cam, Cứu Thế, Thiên An…Và tôi không thể nào không trở lại thăm kinh thành Huế, các
đền đài, lăng tẩm, thành quách và tháp cổ… được dựng xây và bồi đắp qua chín đời chúa, mười ba
đời vua nhà Nguyễn trong suốt 143 năm trị vì.
Với lứa tuổi như chúng tôi ngày xưa, những nơi này không chỉ là địa điểm du ngoạn
hay cắm trại lí tưởng ngày hè, mà còn là cánh cửa đưa tâm thức non trẻ chúng tôi đến với chiều
rộng, cái bí ẩn của thế giới tự nhiên và sự phức tạp, cái bi hài của lịch sử. Ở những nơi này, chúng
tôi được nghe bao câu chuyện gần như huyền thoại về các ông vua bà chúa, về số phận những con
người, từ các vị hoàng đế oai phong đến đám dân đen bần hàn, trong một giai đoạn đầy nhiễu
nhương và sóng gió của lịch sử Việt Nam cận đại.
Còn bây giờ, sau bao nhiêu năm xa cách, dù đã được nhìn thấy những kỳ quan ở đất
người, nay được trở lại quê hương, tôi vẫn ngỡ ngàng khi đứng trước những tượng đài, mái ngói
uốn cong, bức tường thành vài trăm năm tuổi, được áp bàn tay vào viên đá rêu phong ở chân tòa
tháp cổ…

Một góc lăng vua Khải Định. (Ảnh tư liệu)


Khâm phục hơn, với bất cứ ai, khi được ngắm nhìn toàn cảnh khu lăng mộ vua Gia
Long, dù vẫn còn đó dấu vết hoang tàn, vẫn uy nghi chiếm một quần thể 42 núi đồi giữa thiên
nhiên mênh mông. Lăng Minh Mạng oai phong ở nơi hợp lưu của hai con sông tạo nên dòng
Hương Giang. Lăng Khải Định - một tác phẩm giá trị về nghệ thuật và kiến trúc, biểu tượng cho
sự giao thoa của văn hóa Đông - Tây. Và ấn tượng đặc biệt khi trở lại lăng Tự Đức, một công viên
hoành tráng, một trước tác hài hòa giữa sự sắp đặt khéo léo của thiên nhiên và bàn tay tài năng
con người, được xếp là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn.
Những di sản văn hóa vật thể nói trên cùng với nhã nhạc cung đình Huế và các di sản
phi vật thể khác được giữ gìn khá trọn vẹn, qua bao biến cố lịch sử và thử thách khắc nghiệt của
thiên nhiên, quả xứng đáng được thế giới công nhận là di sản văn hóa thế giới. Và cũng không gì
lạ khi cố đô Huế đã và đang hấp dẫn nhiều du khách nước ngoài.
Sự khâm phục và tôn vinh của thế giới nâng cao niềm tự hào với người dân đất cố đô
và cho mọi người Việt Nam.
An Lăng và thân phận một dòng vua
Tôi đã hai lần tìm đến thăm khu lăng tẩm An Lăng, phía tây nam thành phố, nơi đặt mộ
chí của các vị cựu hoàng Thành Thái và Duy Tân.

Một cảnh trong khu lăng mộ An Lăng. Ảnh: Thuỷ Tiên


Lần tôi đến thăm đầu tiên là khi nước nhà vừa thống nhất. Bấy giờ, ở An Lăng chưa có
mộ vua Duy Tân, chỉ có mộ của vua cha Thành Thái. Thi hài vua Thành Thái, sau khi mất ở Sài
Gòn đầu năm 1954, đã được đưa về an táng ở đây, trong khu lăng mộ cha mình, vua Dục Đức.
Lần tôi đến thăm thứ hai, mới vài năm trước. Lúc này, bên cạnh mộ phần vua Thành Thái đã có
mộ phần vua con Duy Tân. Vua Duy Tân chết vì tai nạn máy bay năm 1946, nhưng mãi đến năm
1987, di cốt mới được đưa về đây.
Toàn bộ khu lăng mộ An Lăng chỉ khoảng ba ngàn năm trăm mét vuông, kiến trúc thật
đơn giản và khiêm tốn. Thật khác xa về quy mô, tầm cỡ hoành tráng và tính nghệ thuật của các
lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn khác.
Mộ các cựu hoàng Thành Thái và Duy Tân nằm riêng ở một khoanh đất hẹp, trống trải,
chỗ xưa kia là chốn hậu cung của các bà vợ vua, phía sau điện Long Ân thờ phụng vua Dục Đức.
Cấu trúc và chất liệu của hai ngôi mộ khá đơn sơ, một khối bê tông giản dị chẳng khác
nào nấm mồ một người dân bình thường. Không thành quách cao rộng bao quanh, không có hai
hàng tượng đá đứng hầu, không có đồi cao và con suối nhỏ chảy qua… Phía trước hai nấm mộ
xây thêm hai bia mộ, mái che uốn cong rồng bay bốn góc, nhưng bé nhỏ và mảnh mai.
Tôi thoáng ngỡ ngàng trước sự đơn sơ và trống vắng ấy. Âu cũng là do hoàn cảnh lịch
sử. Và cả số phận. Người bình thường có số phận của người bình thường, vị hoàng đế có số phận
của vị hoàng đế. Khi đã trở về cát bụi là vậy, nhưng lúc đang sống cũng đầy nỗi bi ai, không chỉ
một đời vua mà cả một dòng vua.

Bia mộ vua Thành Thái. Ảnh: Thuỷ Tiên

Vua đầu tiên, Dục Đức, vừa được đặt lên ngai vàng ba ngày, đã bị hạ bệ và tống giam,
bỏ đói đến chết trong ngục tối. Thi hài ông được cuốn vào một manh chiếu, giao hai người khiêng
đi chôn. Giữa đường, dây quang đứt, nhà vua xấu số được chôn ngay tại chỗ.
Địa điểm nấm mồ “thiên táng” bên đường ấy, 17 năm sau, đã trở thành An Lăng bây
giờ. Nhờ một cơ hội lịch sử hy hữu và bất ngờ, sáu năm sau khi vua Dục Đức qua đời, con trai
ông bỗng được nhấc lên ngai vàng, lấy hiệu là Thành Thái. Và đến năm Thành Thái thứ 11, khu
lăng mộ An Lăng của vua cha được xây cất như ngày nay.
Nhưng rồi cuộc đời vua con Thành Thái cũng chẳng suôn sẻ gì. Là một con người
thông minh, có lòng yêu nước và gần gũi dân chúng, ông sớm tỏ ra không cam chịu làm hoàng đế
phục vụ ngoại bang, luôn tìm cách chống đối, bất phục tùng. Mười tám năm sau, năm 1907, chính
quyền thực dân Pháp không thể chịu đựng lâu hơn nữa đã kiếm cớ ép ông thoái vị và đưa đi an trí
ở Ô Cấp (Vũng Tàu ngày nay).
Nối gót vua cha, lên ngôi vào năm 1907, vua Duy Tân chống Pháp còn mạnh mẽ hơn.
Năm 1916, nhà vua cùng Thái Phiên và Trần Cao Vân tham gia cuộc khởi nghĩa không thành, bị
Pháp bắt. Thế rồi năm đó, cả hai cha con, hai vị vua chỉ vì tội “yêu nước thương nòi”, đã cùng bị
dẫn xuống tàu lênh đênh biển cả, đày đến tận đảo quốc Réunion Phi châu xa xôi. Hai cha con cùng
sống ở đó ba mươi năm trường trong nỗi u hoài cố quốc.
Dục Đức - Thành Thái - Duy Tân quả là một dòng vua có số phận bi thảm nhất trong
toàn bộ triều đại nhà Nguyễn.
Riêng vua Thành Thái và vua Duy Tân, dù sao, cũng được phần nào an ủi, khi kết thúc
cuộc đời, hai vị được về nằm cạnh nhau trong lòng đất quê hương, trong vòng tay ấm áp của Tổ
quốc, trong trái tim kính trọng và ngưỡng mộ của mọi con dân Việt Nam.
…Sứ mệnh lịch sử dân tộc giao cho hậu thế chúng ta biết nhận ra trong bức tranh thời
đại đầy biến động và phức tạp ấy những điểm tối, sáng đan xen nhau. Đan xen giữa những vị
hoàng đế công trạng khác nhau, thậm chí tương phản nhau đối với dân tộc. Đan xen mặt tốt và
mặt xấu, công lao và tội lỗi trong cả bản thân một nhân vật lịch sử.…Quá khứ chờ đợi thế hệ đang
sống một sự cư xử công bằng.
Vỡ lòng hai chữ “yêu nước”…
Ở Huế, vẫn còn truyền tụng những câu chuyện mang màu sắc huyền thoại, nhiều câu
hò, bài vè về hai vị vua yêu nước Duy Tân, Thành Thái.
Thế hệ chúng tôi cũng đã từng lớn lên trong tiếng ru:
“Đứng trước Văn Lâu
Ai ngồi ai câu
Ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm
Ai nhớ ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy động lòng nước non.
Lời ru day dứt và thương xót một nhà vua trẻ luôn u hoài với đất nước đang trong cảnh
nô lệ.
Và vẫn nhớ những câu đối thoại (hỏi và tự trả lời) đặc sắc của vua Duy Tân: Hỏi: Tay
nhớp (bẩn) lấy nước mà rửa. Nước nhớp lấy chi mà rửa?. Trả lời: Lấy máu (gươm) mà rửa!”. Khí
phách một Duy Tân tuổi trẻ mà chí lớn ấy đã từng lay động tâm can các lớp thanh niên con cháu.
Những lời ru, những câu chuyện kể về các vị vua ái quốc Duy Tân, Thành Thái tự lúc nào đã thấm
sâu vào tâm hồn non trẻ thế hệ chúng tôi hai chữ “yêu nước”.
Về cựu hoàng Thành Thái, nhiều người lứa tuổi chúng tôi ở Huế còn nhớ một sự kiện,
trước khi qua đời một năm, năm 1953, ông được phép từ Sài Gòn ra Huế, về An Lăng thăm mộ
thân phụ, thân mẫu. Nhiều học sinh thời đó, trong đó có học sinh Trường trung học Khải
Định chúng tôi (tức Trường Quốc học bây giờ) khi biết được tin này đã rủ nhau đi đón vị cựu
hoàng yêu nước, tỏ lòng ngưỡng mộ và tôn kính, dù biết rằng xung quanh không ít những con mắt
lính tráng và mật thám Pháp.
Sự xuất hiện của cựu hoàng Thành Thái như hâm nóng thêm tinh thần chống đối chế độ
thực dân và hướng về kháng chiến trong tầng lớp thanh niên học sinh yêu nước đất cố đô. Giữa
lúc đó, bao nhiêu cảnh bất bình hàng ngày diễn ra, lính Pháp chiếm nhà thờ và trường học làm đồn
bốt và nhà tù, đốt phá nhà cửa và làng xóm, bắt bớ và bắn giết nhiều người ruột thịt và đồng bào
mình. Trong trường, thỉnh thoảng bùng lên một số bài giảng của các vị thầy đáng kính: Tôn Thất
Dương Kỵ, Nguyễn Hữu Ba v.v… ẩn chứa lòng yêu nước, thổi thêm ngọn lửa “lên đàng” trong
trái tim của nhiều học sinh thành phố.
Họ càng sôi sục khi nghe tin một số bạn bè bị bắt bớ, tra tấn và náo nức khi biết được
một vài nhóm học sinh nữa lại lặng lẽ rời xa mái trường, theo “tiếng gọi thiêng” đi lên chiến khu.
Rồi Hiệp định Geneve 1954 ký kết, đất nước chia làm hai miền. Nhiều học sinh thuộc
lứa tuổi chúng tôi theo sự hưóng dẫn của tổ chức, từng tốp nhanh chóng rời thành phố, theo nhiều
ngả khác nhau đi ra phía bắc, đến nơi không còn bóng ngoại xâm, để học hành, may mắn được hít
thở không khí hoà bình, độc lập.

Cổng vào khu lăng mộ hai vị vua. Ảnh: Thuỷ Tiên

Ngót mấy mươi năm phiêu bạt, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc còn có cơ hội trở về
thành phố quê hương, nơi đã lớn lên và ra đi. May mắn thăm lại An Lăng, được đứng trước mộ
phần các vị vua yêu nước Thành Thái và Duy Tân, cúi đầu thầm nói lời biết ơn các bậc “tiền
nhân”, những người đã lưu cho hậu thế bài học vỡ lòng đầu đời quí giá, bài học về lòng yêu nước.
Công bằng với quá khứ
Trở lại cố đô, thăm các đền đài lăng tẩm, với nhiều người cũng là một dịp để đối diện
với quá khứ và suy ngẫm về những ứng xử của thế hệ hôm nay. Với tôi, điều day dứt và mong mỏi
nhất là về các vị vua yêu nước Thành Thái và Duy Tân.
Qua nhiều năm tháng và đời người, trong con tim mỗi người dân cố đô, những con
người Việt Nam vẫn khắc sâu niềm sùng kính đối với hai vị.
Bởi vậy, khó tránh được sự chạnh lòng, bâng khuâng khi đứng trước ngôi mộ đơn sơ,
vắng lạnh của các vị ở An Lăng. Càng không bình an trong lòng khi các di tích trong, ngoài thành
phố Huế đã và đang được tiếp tục trùng tu, nhưng những nơi này vẫn còn ít bàn tay chăm lo, tôn
tạo.
Mộ vua Thành Thái. Ảnh: Thuỷ Tiên
Khi viết bài này, tôi vẫn băn khoăn biết đâu bây giờ trong ấy đã đổi thay. Liền gọi điện
bảo đứa cháu đang ở Huế, đến ngay An Lăng chụp mấy tấm hình gửi ra. Nhưng qua những tấm
hình mới nguyên, tình hình chưa có gì đổi khác. Những nấm mộ các cựu hoàng Thành Thái và
Duy Tân vẫn vậy. Cổng vào thăm mộ hai vị vẫn đóng chặt và vắng bóng người. Một mái hiên rách
xệ chưa ai sửa lại v.v…
Có phải một dự án tôn tạo đã có, nhưng vẫn chưa được bắt đầu? Chắc ai cũng mong
sớm được thấy sự “bắt đầu” này. Dĩ nhiên, không ai lại ảo tưởng một ngày nào đó lăng mộ hai vị
vua yêu nước sẽ cũng bề thế hoành tráng như các vị vua tiền bối khác. Đây là chuyện không công
bằng của số phận, của lịch sử, thế hệ chúng ta không thể làm gì khác.
Chỉ mong một điều giản dị hơn, thế hệ đang sống săn sóc, chăm chút để khu lăng mộ
của hai vị vua Thành Thái và Duy Tân đàng hoàng hơn, xứng đáng với vị trí của các vị trong lịch
sử, đáp ứng sự thành kính của lòng người dân Việt Nam. Các cấp quản lý nên tạo thuận lợi để
người dân có thể thăm viếng, tỏ lòng tri ân các bậc tiền bối và ôn lại bài học làm người Việt Nam,
không bao giờ xưa cũ.

Mộ vua Duy Tân. Ảnh Thuỷ Tiên


Về cố đô Huế, chiêm ngưỡng và tự hào trước các công trình, lăng mộ của tiền nhân,
nhiều người Việt Nam có dịp bình tâm suy ngẫm mọi lẽ nhân tình thế thái về một giai đoạn lịch sử
đã đi qua. Phải chăng, đã đến lúc mọi người, trước hết các nhà làm sử thời nay có trách nhiệm
nhìn nhận khách quan và toàn diện, đánh giá thật sòng phẳng toàn bộ giai đoạn lịch sử của triều
đại phong kiến cuối cùng ở nước ta.
Sứ mệnh lịch sử dân tộc giao cho hậu thế chúng ta biết nhận ra trong bức tranh thời đại
đầy biến động và phức tạp ấy những điểm tối, sáng đan xen nhau. Đan xen giữa những vị hoàng
đế công trạng khác nhau, thậm chí tương phản nhau đối với dân tộc. Đan xen mặt tốt và mặt xấu,
công lao và tội lỗi trong bản thân một nhân vật lịch sử. Đan xen giữa công lao mở mang bờ cõi và
sự hèn yếu trước hoạ xâm lăng bởi ngoại bang…
Quá khứ đang chờ đợi thế hệ đang sống một sự cư xử công bằng.
Trần Thanh Minh
______________________
I. DỤC ĐỨC VÀ THÀNH THÁI
Dục Đức - ông vua ba ngày
Cũng như các vua khác, vua Tự Đức có nhiều phi tần mỹ nữ. Đầu thế kỷ XX, các nhà
báo Pháp còn chụp được ảnh 108 bà đang sống ở Khiêm lăng. Tuy nhiên, thể chất ông yếu đuối
lúc nhỏ lại bị bệnh đậu mùa nên ông không có con nối nghiệp. Vua Tự Đức cho đó là một điều bất
hạnh và như thế ông có tội với trời. Để cứu vớt một phần tội, ông quyết định xin ba người con trai
của hai người em ông làm con nuôi.
Năm 1868 ông xin Ưng Chân (sinh năm 1852) là con thứ hai của Hồng Y (Thoại Thái
Vương, con thứ tư của vua Thiệu Trị) đưa vào viện Tập hiền để các quan trong nội các dạy học.
Mẹ nuôi của Ưng Chân là bà Trang ý họ Võ (Lệ Thiên Anh hoàng hậu). Năm 1809, Ưng chân lên
tuổi 17, nhà vua cho lập Dục đức đường để Ưng Chân ra đọc sách. Năm 1866, ông xin thêm Ưng
Đường (sinh năm 1864) là con trưởng của Hồng Kiện (Kiên Thái Vương. con thứ 26 của vua
Thiệu Trị) đưa vào Cung và giao cho bà Thiên Phi họ Nguyễn nuôi dạy. Năm 1879, Ưng Đường
lên tuổi 15 được ra nhà Chánh Mông đọc sách. Năm 1871, vua Tự Đức xin tiếp Ưng Đăng (sinh
năm 1869), em thứ hai của Ưng Đường đem vào Cung, bà Học Phi Nguyễn Văn thị chịu trách
nhiệm nuôi dạy. Năm 1882, Ưng Đăng 13 tuổi tiếp tục như hai anh ra nhà Dưỡng Thiện đọc sách.
Ba ông hoàng thiếu tử có ba cái nhà học riêng. Để tránh phạm huý, nhiều nhà sử học dùng tên của
ba cái nhà Dục Đức, Chánh Mông, Dưỡng Thiện để chỉ ba ông hoàng con nuôi vua Tự Đức. Về
sau ông Dục Đức làm vua được ba ngày, ông Dưỡng Thiện làm vua được bốn tháng (vua Kiến
Phước) và ông Chánh Mông (Đồng Khánh) làm vua ba năm.
Sự kiện ông Dục Đức chỉ được làm vua ba ngày là một thảm kịch của triều Nguyễn.
Thảm kịch đã mở đầu cho thời kỳ suy thoái của chế độ quân chủ cuối cùng ớ Việt Nam ấy đã xảy
ra như thế nào?
Vua Tự Đức ngồi trên ngai vàng ngôi 6 năm, thời gian trị vì lâu nhất so với các vua
chúa triều Nguyễn khác. Thực tạng ông ốm yếu, càng về già, ông càng có nhiều bệnh. Sau khi
Henri Riviere chiếm Hà Nội (1882), vua Tự Đức quá lo nghĩ về vận nước không may, nên ông
sinh bệnh và càng ngày bệnh trở nên trầm trọng khác thường.
Vào ngày 14-6 năm Quý Mùi, Tự Đức thứ 3 (15-7-1883), trong cơn trọng bệnh, vua Tự
Đức truyền lập di chiếu tôn con nuôi trưởng là Ưng Chân lên nối ngôi với sự phò tá của các Phụ
chính Đại thần Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết.
Thảm kịch bắt đầu từ mấy câu Di chiếu của vua Tự Đức viết về đạo đức và trách nhiệm
của Ưng Chân:
“Vì tiên liệu, trẫm đã nuôi sẵn ba con. Ưng Chân lớn tuổi nhất, đã được học hành lâu,
từ lâu đã đến tuổi trưởng thành, tuy nhiên mắt hơi có tật, dù xưa nay vẫn giấu kín, sợ sau này
không còn thấy sáng, tính lại hiếu dâm, vì tâm tính rất xấu không chắc đương nổi việc lớn. Nhưng
đất nước cần có vua lớn tuổi. Trong thời thế khó khăn này, không dùng Ưng Chân thì dùng ai?
Cho nên trẫm chọn Thuỵ quốc công Ưng Chân nối nghiệp dòng chính và nối ngôi vua. Ưng Chân
người nên nghĩ sâu xa, hãy biết rằng sự nghiệp tiền thân gây dựng và bảo tồn nghìn vạn khó khăn
nay nối theo không dễ. Người không được cẩu thả chút nào để làm tròn nhiệm vụ, không phụ
mệnh trời giao phó”.
Được chiếu quan Phụ chính Trần Tiễn Thành hết sức lo lắng. Nói về người kế vị mà có
tính hiếu dâm, tâm tính rất xấu thì làm sao tự quân có đủ uy tín để ngồi trên ngai vàng đứng đầu
thiên hạ và đối phó với nhưng việc lớn đang diễn ra với quốc gia dân tộc được? Phụ chính Nguyễn
Văn Tường cũng nhận thấy: “Di chiếu là để lập người nối ngôi trời. Sợ đoạn này không hợp lắm.
Nên xin bỏ”. Phụ chính Tôn Thất Thuyết cũng cùng một ý nghĩ ấy. Trần Tiễn Thành cùng hai ông
Tường, Thuyết liền dâng sớ lên vua Tự Đức xin bỏ mấy đoạn có liên quan đến tính nết xấu của tự
quân và việc tự quân “không đảm đương được việc lớn”. Nhưng vua Tự Đức không đồng ý. Nhà
vua bảo:
- Phải giữ lại những câu đó để nhắc người kế vị phải tự răn mình, tu tỉnh.
Sụ khước từ của vua Tự Đức đã làm cho Phụ chính Đại thần họ Trần rơi vào một hoàn
cảnh khó xử.
Giờ thìn, ngày 10-6 Quý Mùi (Tự Đức 36, 17-7-1883) Tự Đức băng tại viện Càn
Thành. Theo Di chiếu, Hoàng tử Thuỵ Quốc công (Dục Đức) vào điện Hoàng Phúc chịu tang. Hai
hôm sau (18-6 Quý Mùi) Thuỵ Quốc công triệu chúng thần đến điện Quang Minh và bảo:
- Nhà vua đứng đầu thiên hạ cũng phái đứng đầu về đạo đức. Trong Di chiếu của tiên
đế, vì lo cho tương lai nên có lời răn bảo nghiêm khắc, chẳng hạn như đoạn nói về sự bê tha.
Tự quân không dám nói trái ý vua Tự Đức, nhung có nói thêm:
- Tuy nhiên, đúng vào lúc trong nước rối loạn, quan hệ ngoại giao thì căng thẳng, nếu
tin đồn về di chiếu loan ra, chẳng những bọn gây rối lấy đó làm cớ, mà các lân bang cũng vì vậy
mà coi khinh. Làm thế nào cứu gỡ tình hình này? Có thể bỏ đoạn ấy được không?
Chúng thần trả lời “đã xin tiên đế bỏ đoạn ấy nhưng không được đồng ý”. Tự quân tha
thiết yêu cầu mọi người tiếp tục suy nghĩ, sao cho khỏi tổn hại đến sự thể quốc gia.
Chuẩn bị lễ đăng quang cho tự quân, các ông Phụ chính bàn vj phân công người thay
mặt bá quan đọc Di chiếu. Phụ chính Nguyễn Văn Tường cáo bệnh xin nghỉ không dự lễ. Phụ
chính Tôn Thất Thuyết cho rằng Trần Tiễn Thành là bậc trưởng lão không dám vượt qua để đọc
bài văn quan trọng và bất bình thường này. Cuối cùng quan phụ chính Trần Tiễn Thành đảm nhận
trọng trách.
Ngày 19-6 Quý mùi (20-7-1883) lễ đọc Di chiếu được tổ chức tại điện Thái Hoà.
Tân quân ngự trên ngai vàng. Đệ nhất phụ chính đạì thần Trần Tiễn Thành đứng ra đọc
Di chiếu. Bản Di chiếu chưa đọc xong thì quan phụ chính Nguyễn Văn Tường giả cáo bệnh xin
nghỉ, bỗng lại xuất hiện tiến ra phía trước nắm lấy lưng áo Trần Tiễn Thành lôi ra giữa điện và lớn
giọng chất vấn:
- Tại sao ông không đọc đoạn tiên đế nói đến những gì Ngài nghĩ về Thuỵ quốc công?
Nguyễn Văn Tường nhìn bá quan, văn võ nói tiếp:
- Để tôn trọng triều đình, tôi yêu cầu tham tri Nguyễn Trọng Hợp ra đọc lại Di chiếu.
Không dám chống lại lệnh của quan phụ chính có nhiều thế lực, Nguyễn Trọng Hợp
bước ra khỏi hàng, thỉnh Di chiếu đọc lại. Nguyễn Trọng Hợp vừa đọc hết đoạn tiên đế nói về thói
hư tật xấu của tự quân, Tôn Thất Thuyết không còn còn giấu nổi sự dồn nén chờ đợi của mình
thêm nữa, nói cắt ngang lời Nguyễn Trọng Hợp:
- Đây là đoạn mà Thành đã cả gan không đọc lên, phải ngưng buổi lễ để xin ý kiến của
Thái hậu và đình thần xem thử phải làm gì?
Một hồi cồng báo bãi chầu vang lên theo lệnh ông Thuyết.
Tự quân bàng hoàng trước những cảnh tượng vừa xảy ra. Ông vội vàng cùng đoàn tuỳ
tùng trở về Cung.
Hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết dám hạ uy thế đệ nhất phụ chính Trần
Tiễn Thành giữa điện triều là vì trước đó hai ngày (18-6 Quý Mùi) họ đã dâng lên Hoàng Thái
Hậu Từ Dũ tờ hạch tội người kế vị theo Di chiếu và xin cử người khác thay. Bản hạch tội buộc
cho Dục Đức ba tội lớn:
- Muốn sửa Di chiếu.
- Có đại tang mà mặc áo màu.
- Hư hỏng, ăn chơi.
Hoàng Thái Hậu chấp nhận và truyền rằng: Tiên Đế biết các tật xấu của Ưng Chân,
nhưng sở dĩ phải chọn Hoàng tử ấy vì trong tình hình thù trong giặc ngoài đe doạ như hiện nay,
cần phải có vua đã trưởng thành để cầm quân chính cho nên khi chọn Ưng Chân tiên đế không
một chút yên tâm.
Được Hoàng Thái Hậu bật đèn xanh, hai ông Phụ chính Nguyễn Văn Tường và Tôn
Thất Thuyết liền truất ngôi của Dục Đức và quản thúc ông ngay tại Dục Đức đường. Nhà học của
ông bỗng trở thanh nhà tù giam ông. Dục Đức làm vua chỉ vẻn vẹn ba ngày (từ 16-6 đến 19-6 Quý
Mùi).
Giam được Dục Đức rồi, hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết thực hiện ý
kiến của hà Từ Dũ, tôn Lãng quốc công Hướng luật - em vua Tự Đức, lên ngôi, lấy niên hiệu là
Hiệp Hoà.
Để biện minh cho hành động chuyên quyền truất ngôi vua Dục Đức của hai ông
Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, dư luận ủng hộ hai ông đã loan truyền chi tiết các tội của
Dục Đức là:
- Tự xoá bỏ 41 chữ trong bản Di chiếu;
- Đưa vào cung điện một giáo sĩ Thiên chúa giáo để làm việc riêng, (cha Thơ, về sau
làm thông ngôn chính thức cho trỉều đình Huế),
- Xao lãng bổn phận của con nuôi đối với tiên đế (dám mặc áo màu lục khi hành lễ);
- Có quan hệ bất chính với nhiều cung phi tiên triều.
Một người như thế không đáng để ngồi trên ngai vàng.
Một dư luận khác thì cho rằng, hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết thuộc
phe chủ chiến họ phải tìm mọi cách truất phế Dục Đức để cho phe chủ hoà (ám chỉ Trần Tiễn
Thành) không còn có chỗ dựa làm đối trọng với họ. Và họ đã thực hiện ra sao?
Nhà nghiên cứu Delvaux cho biết: Đêm trước ngày làm lễ cả ba ông Phụ chính Trần
Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đã họp bàn riêng với nhau là cùng thoả thuận
bỏ qua đoạn không có lợi cho tự quân. Phán ứng của hai ông Tường và Thuyết trong buổi lễ (vừa
nói trên) là một hành động lật lọng nhằm loại bỏ không những Dục Đức mà cả Trần Tiễn Thành -
đệ nhất phụ chính đại thần.
Hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tôn ông Hường Dật, em vua Tự Đức
lên ngôi theo ý chỉ của bà Từ Dũ.
Biết thế, nên sau khi lên ngôi vua Hiệp Hoà không tin hai ông. Để có chỗ dựa, vua
Hiệp Hoà dự chuẩn cho Trần Tiễn Thành thực thụ Thái bảo Cần chánh điện đại học sĩ. Nhờ Trần
Tiễn Thành giúp vua thương thuyết với người Pháp.
Việc vua Hiệp Hoà tin dùng Trần Tiễn Thành là một thách thức đối với hai ông Nguyễn
Văn Tường và Tôn Thất Thuyết.
Bốn tháng sau, hai ông Tường, Thuyết tiếp tục cuộc phế lập, họ cho thủ hạ giết vua
Hiệp Hoà bằng một lòêu thuốc độc và ám sát Trần Tiễn Thành tại nhà riêng của ông tại Bãi Dâu.
Người được tôn lên lần này là cậu bé 13 tuổi Ưng Đăng (con nuôi út của vua Tự Đức) với niên
hiệu Kiến Phước. Từ Dục Đức đến Kiến Phước chỉ trong vòng 4 tháng mà nhà Nguyễn đã trải qua
ba đời vua. Do sự kiện đó, dân gian có câu:
“Nhất giang lưỡng quốc nam phân thuyết
Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường
Nhiều giai thoại kể rằng Ông Ích Khiêm là tác giả hai câu thơ ấy. Hai câu thơ phản ảnh
một sự thực lịch sử: Một con sông (Hương) mà hai bên có hai nước (Triều đình Nguyễn phía bắc
và Toà Khâm đại diện cho chính phủ bảo hộ ở bờ Nam) khó có thể nói năng thương thuyết được.
Bốn tháng mà có đến ba ông vua (Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phước) đó là triệu chứng không bình
thường. Hai chữ thuyết, tường, trong hai câu thơ này cũng là tên hai vị đại thần Tôn Thất Thuyết
và Nguyễn Văn Tường. Đây là dự đoán có độ chính xác cao. Cuối cùng hai ông Tường, Thuyết
cũng chẳng thương thuyết gì được với Pháp. Lập trường cứng rắn của hai ông kết thúc bằng sự
kiện thất thủ Kinh đô vào tháng 7-1885, vua Hàm Nghi xuất bôn và đất nước lọt vào tay thực dân
Pháp.
Còn vua Dục Đức ra sao?
Sau khi làm vua được ba ngày, vua Dục Đức bị quản thúc ngay tại Dục dưỡng đường,
sau đó chuyển qua giam tại Thái Y Viện và cuối cùng chết đói và khát lại Ngục Thất Thừa Thiên
để lại 8 bà vợ và 11 người con trai và 8 người con gái.
Thi hài nhà vua bó sơ sài trong một chiếc chiếu và được hai người lính và một viên
quyền suất đợi chờ đêm xuống bí mật đưa lên chôn ở gần núi Ngự Bình. Chiếc quan tài bó bằng
chiếu, khi vừa đến một địa điểm trên đồi Phước Quả (thôn Tứ Tây. làng An Cựu) thì tự nhiên đứt
dây, thi hài ông vua ba ngày rơi thịch xuống đất. Trong đêm tối mấy người lính không thể bó lại
và khiêng đi tiếp, họ đành phải hạ huyệt và chôn nhà vua tại chỗ. Sau đó họ nói cho gia đình biết
nhà vua muốn an nghỉ tại đó nên nên họ phải làm như như thế.
Nấm mộ của vua ba ngày Dục Dức vun vội bên đường giống như mộ của một người ăn
mày.
Nhưng không ngờ sau năm năm... trải qua hết thời bốn tháng ba vua (Dục Đức, Hiệp
Hoà, Kiến Phước), vua Hàm Nghi xuất bôn, vua Đồng Khánh mệnh yểu. Bửu Lân - con trai của
ông vua ba ngày, được lên ngôi báu lấy niên hiệu là Thành Thái. Lên ngôi xong, năm sau (1889)
ông vua trẻ nghĩ ngay đến việc xây lăng cho hoàng phụ, và đặt tên là An Lăng. Mười năm sau nữa
(1899) nhà vua cho xây dựng điện Long Ân gần An Lăng để thờ phụng vua cha.
Năm 1907, vua Thành Thái bị tốn vị, con vua Thành Thái là Vĩnh San lên thay lấy niên
hiệu là Duy Tân. Năm 1916, vua Duy Tân cùng với Thái Phiên và Trần Cao Vân dựng cờ khởi
nghĩa chống thực dân Pháp. Chuyện không thành ông bị bắt và bị đày sang đảo Réunion. Hoàng
tử Bửu Đảo - con trai vua Đồng Khánh được người Pháp đưa lên ngôi lấy niên hiệu là Khải Định.
Để đề phòng những hoạt động chống Pháp và đe doạ đến ngôi báu của ông vua mới, người Pháp
đã qui tụ tất cả vợ con vua Thành Thái còn ở Huế an trí ở khu đất ngay sau điện Long Ân. Khu
vực lăng ông vua ba ngày trở thành nơi an trí con cháu ông.
Trong khuôn viên An Lăng ngày nay không chỉ có lăng mộ và điện thờ vua Dục Đức
mà còn có: lăng vua Thành Thái, lăng vua Duy Tân, lăng mộ Hoàng Hậu Từ Minh (vợ vua Dục
Đức), lăng bà Nguyễn Gia Thị Anh (con gái ông Nguyễn Thân, hoàng Quý phi của vua Thành
Thái), hà Nguyễn Thị Định (thân mẫu vua Duy Tân), lăng mộ bà Mai Thị Vàng (Hoàng phi của
vua Duy Tân), Công chúa Lương Linh... và gần 50 lăng mộ của các ông hoàng bà chúa con cháu
các vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân.
Ai đưa vua Thành Thái lên ngôi
Sau khi Kinh đô thất thủ (1885), vua Hàm Nghi xuất bôn, kinh thành Huế giặc Pháp
canh giữ ngai vàng bỏ trống. Cái ngai bỏ trống ấy trở thành một cuộc tranh chấp giữa hai ông đại
thần có thế lực nhất là Nguyễn Hữu Độ và Phan Đình Bình. Ông Độ là nhạc gia của Ứng Kỵ (con
nuôi vua Tự Đức) và ông Bình là ông ngoại của Bửu Lân (con vua Dục Đức). Người thì muốn
chàng rể của mình làm vua, kẻ thì muốn chảu ngoại của mình được ngồi trên ngai vàng. Cuộc
tranh chấp đó cuối cùng Độ đã thành công. Ông Kỵ lên ngôi với niên hiệu là Đồng Khánh. Hậu
quả của sự việc ấy đã đưa đến cái chết bi thảm của Phan Đình Bình dưới triều Đồng Khánh.
Không ngờ ngồi trên ngai vàng làm tay sai cho Pháp được ba năm thì Đồng Khánh ngọạ bệnh
chết. Nam triều và thực dân Pháp lại loay hoay tìm người kế vị. Một cuộc vận động được chọn
làm vua diễn ra ráo riết.
Trong một ngôi nhà nhỏ ở gần đầu phía bắc cầu Đông Ba 27 (gần góc đường Nguyễn
Chí Thanh và Nguyễn Du ngày nay) có một cặp uyên ương đang thì thầm đem chuyện tâm tỉnh
xen vào quốc sự: Chàng là một thanh niên nam bộ, nàng là một Công nữ đài các. Muốn làm xiêu
lòng người yêu, thỉnh thoảng cô Công nữ lại tô điểm cho những lời thỏ thẻ một cái thở dài buồn
bã, hay sau những nụ cười khuynh quốc bằng nét mặt ủ ê buồn chán. Vẻ kiều mỹ của người ngọc
lúc vui hớn hở, lúc buồn tê tái đã kích động đến tận đáy lòng chàng, chàng bị sắc đẹp thôi miên
nên đã ngoan ngoãn theo mệnh lệnh của hồng nhan. Nàng công nụ trình bày hết mọi khúc nôi và
liếc mắt đưa tình:
- Em cậy yên đó nghe!
Chàng gật đầu xúc động:
- Được em cứ tin ở yên đi!
Nàng? Và chàng?
Nàng là bà Công nữ Thiện Niệm, con Thoại Thái Vương, em vua Dục Đức, cô ruột của
Bửu Lân.
Chàng là Diệp Văn Cương, bí thư của lãnh sứ Pháp Rheinart.
Thế rồi một hôm, đi qua Nam triều ra vẻ một phái viên của Bảo hộ, Diệp Văn Cương
hỏi các quan Nam triều về chuyện lựa người kế vị, thay vua Đồng Khánh. Và chẳng để các quan
Nam triều trả lời, Diệp Văn Cương thản nhiên nói:
- Không hiểu ý kiến các cụ lớn thế nào còn quan Lãnh sự hình như ngài đã định chọn
con Đức Dục Đức vì con Đức Đồng Khánh còn nhỏ tuổi quá?
Tuy rằng trong tâm đã ghi tên con Đồng Khánh nhưng được tin quan lãnh sự đã để ý
đến con vua Dục Đức, các quan ai cùng giấu nỗi lòng và làm ra bộ vui vẻ nói:
- Nếu quan Lãnh sú đã quyết định nhu thế thì chúng tôi cũng vui lòng làm theo.
Diệp Văn Cương mừng thầm và sau những chuyện xã giao bình thường, ông cáo từ trở
về Toà lãnh sự.
Về Toà, gặp Rheinart, ông Diệp Văn Cương bắt ngay chuyện, nhưng vẫn giữ thái độ
điềm tĩnh:
- Về việc lập vua mới, tôi được tin rằng các quan An Nam định lựa con vua Dục Đức vì
con vua Đồng Khánh tuổi còn nhỏ quá.
Rheinart tưởng thật, gật đầu nói:
- Càng hay. Con vua Dục Đức. Tội nghiệp vua Dục Đức, tôi biết ngài nhiều, khi còn là
con nuôi vua Tự Đức.
Những lời nói của Rheinart như có một sức mạnh lạ lùng làm rung chuyển cả tâm hồn
Diệp Văn Cương.
Thế là con vua Dục Đức là Bửu Lân được tôn lên làm vua ngay trong những ngày tết.
Bà Từ Minh còn đang bị giam lỏng ở Khám đường cũng được tha và đưa vào ở bên cạnh Từ Dũ
Thái hậu.
(viết theo Việt Thượng)
Được tôn lên làm vua mà khóc
Vua Thành Thái là con vua Dục Đức, cháu ngoại ông Phù Quốc công Phan Đình Bình.
Hồi tháng 6 năm Quý Tỵ, vua Đục Đức bị hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất
Thuyết phế và tống vào ngục thất, vua Thành Thái còn là hoàng tử Bửu Lân cùng mẹ và anh em bị
an trí ở nhà Trấn Võ trong thành. Ở đó được hai năm (1881-1885) khi vua Đồng Khánh được Pháp
đưa lên ngôi, Đồng Khánh cho gia đình Bửu Lân một cái phủ ớ làng Phú Lương để ở riêng.
Nhưng đến tháng 10 năm ấy (1885), ông ngoại Bửu Lân vốn phản đối việc đưa Đồng Khánh lên
ngôi nên bị Đồng Khánh hại, phải tội chết. Đồng Khánh sợ Bửu Lân cùng gia đình chạy thoát nạn
bèn gọi gấp về an trí ở chỗ cũ là nhà Trấn Võ.
Cuối năm 1888, Đồng Khánh băng, con trai là Bửu Đảo mới lên ba tuổi không nối ngôi
được. Do sự khôn khéo của ông Diệp Văn Cương mà Khâm sứ Rheinart đã đồng ý đưa Bửu Lân
lên ngôi.
Ngày mồng Một tháng giêng năm Kỷ Sửu (1889), Bửu Lân đang cùng anh em chơi đốt
pháo giữa sân thì thấy nhà soạn tuồng Đào Tấn dẫn một đoàn người có mang theo cờ xí, lọng
tàng, nghi trượng, lễ bộ nghi trang đến trước cửa. Ông sợ thất sắc đâm đầu chạy vào nhà ôm mẹ
khóc thét. Bà Từ Minh không biết việc gì cũng thần đảm hồn kinh. Bà nhớ đến chuyện chồng bị
hai ông Tường, Thuyết chuyên quyền tống ngục, nhớ đến cha già bị Đồng Khánh thân Pháp hại
đến chết. Và bây giờ không biết việc gì sẽ đến với con bà đây? Bà ôm con chặt vào lòng như
người mẹ đứng trước bão.
Ông Đào Tấn vào sân trải chiếu thi lễ, đọc chiếu chỉ của Long cung xin rước Bửu Lân
vào triều nối nghiệp lớn. Bà Từ Minh lại càng khóc to, vì bà đã quá khủng khiếp những chuyện
phức tạp ớ triều đình lâu nay rồi.
Người trong Thành nghe tiếng khóc tưởng có tin giữ chạy đến vây quanh xem, khì biết
sự thực Bửu Lân được mời vào làm vua, ai nấy đều mừng cho gia đình Dục Đức. Lúc đó bà Từ
Minh và Bửu Lân mới hết khóc. Bửu Lân mới mười ba tuổi, vào trong Nội các thấy sách vở nhiều.
ông đến rút một quyển chọn hai thiên “Củng gia và ông giả trường” trong Luận Ngữ hỏi nghĩa các
quan trong Các. Đình thần đều mừng cho rằng Bửu Lân thông minh và có mạng đế vương.
Tức vị xong, Lưỡng Cung mời các ông Tuy Lý Vương, Hoài Đức Vương, Nguyễn
Trọng Hiệp và Trương Quang Đảng làm phụ chánh thân thần.
(theo Lô Giang tiểu sử và các tư liệu khác)
Vua cũng phải tự kiểm điểm
Vua Thành Thái tức vị, nhân thần và đại thần đồng tâm phò tá. Vua thông minh lại cầu
tiến bộ. Ông bày ra giảng quan để giảng kinh sử. giảng quốc văn và dạy Pháp văn cho nhà vua. Sử
sách ông đọc qua vài lần là thuộc ngay. Nhung ông có tính hiếu dâm sớm, bị dục tâm kích thích
nên sinh ra chơi bời, không chịu nghe lời can gián, nhiều thị vệ không làm theo ý vua bị đuổi khỏi
Hoàng cung. Ông Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại làm quan trong triều thấy thế đâm ra lo lắng cho xã
lắc mới xin với ông phụ chánh Nguyễn Trọng Hợp rằng:
- Theo điển hình Triều ta. thì thái giám sung Nội đình. Đem thị vệ hầu vật có nghĩa đề
phòng việc nhỏ. Nay vừa mới lớn lên, Nội cung chưa chọn, Vua ưa chơi bời, mà khiến bọn đó
đêm ngày hầu hai bên tả hữu, họ không có học, khó mà giúp cho họ việc thờ vua. Chi bằng lựa
con cháu các quan tứ phẩm trở lên, tuổi trên 15 mà dưới 18, tính hạnh thuần cẩn, học hỏi khá
thông, chia nhau mà hầu, ngày đêm đọc sách, giảng tập, dẫu vua có ý nhác chăng nữa cũng lắng
nghe mà tấn ích; đợi khi nào đến tuổi lớn lại theo thánh hiền!
Nguyễn Trọng Hợp đã không chút do dự:
- Việc đó theo Hiến chương của Lịch triều, Anh nói sao mà dễ dàng thế? Tôi chỉ biết
làm hết phận sự của tôi.
Bị từ chối, Tiểu Cao không dám thưa một lời nào nữa.
Toà Khâm theo dõi thấy vây bèn cử qua hai người Pháp là Sony và Abo bày sở cấm mã
tập cho Vua cưỡi ngựa đi chơi cho khuây khoả, nhưng cũng không có kết quả..
Tuổi vua càng lớn, dục tâm càng thịnh. Có hôm vua cùng vài tên thị về cưỡi ngựa ra
hoàng thành tìm thú vui, quan trực chưa biết kịp, nhân dan đã pham tất. Các quan Ngự sử viện Đô
sát dâng sớ can ngăn, xin vua có hành dinh thì cho quan hành dinh biết để dẫn đường. Vua Thành
Thái phê rằng:
- Đi mau tại ngựa, đi lâu lại hành dinh. Trẫm không dự đến!
Vì lẽ đó các ông Phụ chính và thân thân tâu lên Tam Cung thi hành việc Y Doãn - Thái
Giáp ngày xưa: Đưa vua Thành Thái ra “quản thúc” ở điện Bồng Dinh trên đảo Bồng lai hồ Tịnh
Tâm.
Ở trên điện Bồng Dinh, các đại thần nhiều khi lấy nước mắt mà can ngăn Vua, nhưng
thường không có kết quả. Các ông vẫn kiên trì. Chiều chiều đưa vua đi xem thi văn của các Liệt
thánh, ở trong các hồ, giảng cho vua nghe những lời răn dạy của Liệt thánh về việc thận độc (cẩn
thận lúc ở một mình) và các phương pháp trị quốc, an dân. Đình thần dâng sớ răn can, trong đó có
sớ ông Hồ Lệ bằng quớc ngữ hơn một ngàn chũ, lời lẽ lễ hết súc thống thiết.
Ông Nguyễn Trọng Hợp thất vọng, than thở với Tiểu Cao:
- Xã tắc thật không may đến thế này. Tôi nhớ lời anh nói trước kia nhưng không biết
làm sao được. Tôi thà mang tiếng bất tài còn hơn là mang tiếng hại cửu chương. Nhưng mà dẫu có
thi hành lời anh nói đi nữa thì cũng không thể tránh được việc Bồng Dinh này!
Nhưng chuyện ấy đến tai Vua. Vua hắt đầu hối cải lần lần, ngày đêm nhiều lần hối hận
khóc với đại thần. Khi đọc bài sớ bằng quốc ngữ của ông Hồ Lệ và lời quở trách của Tam Cung,
Vua cảm động và chảy nước mắt. Nhân đó, Triều thần xin Vua dùng ngự bút viết kiểm điểm để tỏ
lòng hối cải với Tam Cung. May mắn Vua nghe theo.
Thấy Vua đã chân thành hối cải, Tam cung cho phép Vua trở lại Hoàng Cung. Triều
thần hội họp chúc mừng.
Thần biết Vua sai dám can ngăn, Vua biết hối cải sửa thói hư, tật xấu của mình là
phước của trăm họ. Minh quân, lương tướng gặp nhau thật khó lắm thay.
(Theo Lô Giang tiểu sử)
Vua Thành Thái và một tay đánh trống giỏi
Vua Thành Thái là một người yêu nước, biết làm thơ, giỏi hát bội vả đánh trống giỏi.
Nghe nhà vua đánh trống, nhiều nghệ nhân trong đội Thanh bình phải kính phục. Thế mà một
ngày kia nhà vua lại nghe ở Truồi (Phú Lộc) có một tay trống còn cừ khôi hơn nhiều. Để xem thực
hư thế nào nhà vua cho người về Truồi mời tay trống ấy lên Dinh, nhập Nội đánh trống cho vua
nghe. Người ấy mới đánh được một chầu tỏ ra xuất sắc lỗi lạc. Giọng trống lúc bi, lúc hùng, lúc
khoan thai, lúc giục giã làm cho nhà vua xao xuyến, bâng khuâng và phấn chấn lên thực sự. Vua
phải thú nhận với đình thần là ngài chịu thua.
Người đánh trống biểu diễn xong, mồ hôi nhễ nhại ướt cả hai lần áo, vua Thành Thái
đến bên cạnh người đánh trống vỗ vai nói:
- Ta phục tài đánh trống của nhà ngươi lắm đó, ta thưởng cho ngươi ba lạng bạc.
Nhưng có một điều ta phải nói cho noà người rõ là trong khi biểu diễn, nhà ngươi có cái tật cải lúc
lắc cái đầu, trông xấu lắm. Hôm nay ta thưởng và cho nhà ngươi và sáu tháng sau, ta sẽ triệu nhà
ngươi trở lại đây. Nếu lúc đó, cái đầu của ngươi vẫn còn lúc lắc trong khi nhà ngươi biểu diễn, ta
sẽ mượn nó.
Kể từ khi về nhà tay trống cừ khôi cũng tập ráo riết. Nhung đã gần hết hạn sáu tháng
rồi mà cái tật lúc lắc đầu trong khi dành trống vẫn không sao chữa được. Anh ta đâm ra lo lắng
ngày biếng ăn, đêm mất ngủ rồi ngoạ bệnh mà chết.
Nghe thấy vậy, vua Thành Thái phải dậm chân tiếc rẻ và nói với tả hữu bên mình rằng:
Trước đây ta chỉ nói chơi với hắn cố để cho hắn sửa chữa cái tật xấu mà làm cho nghệ
thuật biểu diễn đẹp hơn thôi. Ta có ngờ đâu hắn tưởng ta nói thế mà đâm ra lo sợ đến nỗi từ trần.
Thật là tội nghiệp hắn chết. Một một tay trống cừ khôi, một phần lỗi về ta?
Nhà vua liền tư cho bộ Lễ ban phát cho gia đình người đánh trống một số tiền bạc đáng
kể để tống táng người chết và mưu sinh cho người thân còn sống. Có lẽ nhà vua đã hối hận vì lời
nói chơi trước đây của mình chăng?
Vua Thành Thái chọn quý phi
Dưới thời các chúa Nguyễn Phúc Lan và Nguyễn Nguyễn Phúc Tần, Kim Long là nói
Đô hội. Sau khi chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687) đua thủ phủ về Phú Xuân. Kim Long được giao
lại cho các ông hoàng bà chúa. Các gia đình quan lại làm nhà thờ, lập vườn và chẳng bao lâu, Kim
Long trở thành một vùng ngoại ô xinh đẹp, cây trái bốn mùa không thiếu thứ gì. Đặc biệt con gái
Kim Long phần đông làm nghề thủ công, thêu thùa, lại xuất thân từ các gia đình có nền nếp, có
văn hoá cho nên vừa đẹp người vừa nết na, duyên dáng rất dễ thương. Sự hấp dẫn, nét diễm kiều
của con gái Kim Long đã nổi tiếng và vang xa đến nổi các bậc quân vương trong cung cấm phải
cháy ước mơ để rồi trốn triều thần “vi hành” đến tận nơi mong được nhìn thấy giai nhân. Dân gian
đã ghi nhận trường hợp đó trong câu ca:
Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm yêu, trẫm nhớ, trẫn liều, trẫm đi
Câu hát không nói rõ “trẫm” đây là ai, nhưng nhiều người quả quyết là chỉ có “Ngài
Thành Thái” mới dám “liều” như thế.
Chuyện kể rằng: “Vào một ngày tết Nguyên Đán, vua Thành Thái cải trang làm một
người dân bách tỉnh đi “liều” lên Kim Long để tìm chọn một quý phi.
Đến nơi, nhìn khắp đó đây, không gặp ai vừa ý, thất vọng, ông liền thuê một chiếc đò
ra về. Đò ghé vào, khi bước lên, ông thấy cô gái. khoảng chừng hai mươi, đang khép nép trong
chiếc áo vá vai, với đôi má ửng hồng rất có duyên. Lòng ông bỗng xao xuyến rộn lên một niềm
cảm xúc lạ lùng. Ông gọi cô gái đứng ở cuối thuyền và hỏi một cách đột ngột:.
- Nì, o tê! O có muốn lấy vua không?
Cô lái đò tình thiệt, nhìn ông khách lạ đối đáp:
- Đừng nói bậy mà họ lấy đầu chừ?
Giọng nói và điệu bộ thật thà của cô gái làm cho cô càng đáng yêu hơn, vua Thành
Thái đổi giọng:.
- Tui nói thiệt đó, o có muốn lấy vua thật tui làm mối cho!
Nghe thế cô lái đò làng Kim Long thẹn thùng, cúi mặt nhìn ló chỗ khác. Một khách qua
đò lớn tuổi, khăn đen áo dài chững chạc như vừa mới dự lễ về, tủm tỉm cười, vui vẻ bảo:
- Nì, o tê? O cứ nói “ưng” để coi thử nờ!
Cô lái đò đánh bạo nói nhanh:
- Ưng?
Vua Thành Thái thích thú đứng dậy đi về phía lái, cầm tay cô kéo ra đầu mũi thuyền.
Mặc cho cô gái thẹn thùng dùng dằng. Ông bảo:
- Rứa thì Quý phi ngồi nghỉ để Trẫm chèo cho?
Nói rồi người khách lạ đòi đi ra sau lái cầm chèo đưa đò đi trước sự ngạc nhiên vui vẻ
của mọi người. Trông cử chỉ đó những người ngồi trên đò bỗng nhận ra người khách lạ đòi kia
chắc là vua Thành Thái. họ vừa vui vừa sợ.
Chiếc đò xuôi theo dòng Hương êm ả. Cô lái đò không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra.
Đến trước Kinh thành, vua đưa đò vào đậu ở bến Nghinh Lương (trước Phu văn Lâu)
và bảo mọi người:
- Thôi thiên hạ đứng dậy trả tiền đò cho Trẫm và tiễn đưa Quý phi vào Cung!
Mọi người đều phải làm theo ý nhà vua. Tất cả đứng lên, rời đò và đưa cô lải đò Kim
Long vô Nội làm Quý phi của vua Thành Thái.
Bà Mỵ Tân triều Thành Thái trở thành Ni sư Diệu Hương
Cho đến nay chưa ai lập được danh sách cung phi mỹ nụ triều Thành Thái. Ngay cả
Nguyễn Phước Tộc, thế phả cũng chỉ ghi một cách chung chung “Ngài có nhiều phu nhân” mà
thôi. Do đó cũng chưa ai biết rõ được cựu hoàng Thành Thái có bao nhiêu hoàng nam, hoàng nữ.
Một số cung phi hoàng triều Thành Thái chúng tôi đà có dịp nhắc đến là bà Đệ nhất giai phi
Nguyễn Thị Vân Anh (con gái ông Nguyễn Thân. không có con), bà Nguyễn Thị Định (người
Bình Định thân mẫu cựu hoàng Duy Tân thường gọi là Bà Sanh), bà Hồ Thị Nhàn (Giai Triêu) và
bà Hồ Thị Mùng (Chí Lạc). Hai bà họ Hồ này được Cựu hoàng rất sủng ái và hai bà đã theo cựu
hoàng đi đày sang đảo Réunion và sinh cho cựu hoàng 14 hoàng nam, hoàng nữ.
Trong bài này chúng tôi giói thiệu bà vương phi Mỵ Tân của Cựu hoàng Thành Thái đã
xuất gia và tu học trở thành người đứng đầu các Ni sư ở Trung kỳ trong gần nửa thế kỷ.
Bà Mỵ Tân theo phổ hệ của Đệ tứ chánh hệ lưu ở An Lăng, tên thật là Nguyễn Khắc
Thị Sắc, nhưng theo dòng họ và Việt nam Phật Giáo Sử Lược của Nguyễn Lang, thì bà có tên huý
là Nguyễn Thị Kiều, sinh năm 1884, con gái của một viên quan võ cấp thấp xuất thân ở làng Giạ
Lê chánh28, huyện Hoàng Thuỷ (cách thành phố Huế chừng 6 km về phía Đông nam). Năm 16
tuổi. bà được tiến cung và được phong tước hiệu Mỵ Tân. Năm 1906 (22 tuổi) 29 bà sinh hạ được
một hoàng nữ (thứ 17) Lương Tịnh (tên móc nội Bịp Bịp) rất xinh đẹp. Đến năm 1907, vua Thành
Thái bị tốn vị và bị đày vào Vũng Tàu, bà cùng với bà Minh phi bị đưa lên “an trí” ở An Lăng và
sau đó bà bồng hoàng nữ Lương Tịnh vào Vũng Tàu với vua thành Thái.
Ngày 15-2 Duy Tân thứ chín (1915) Hoàng nữ Lương Tịnh qua đời và chôn cất tại
Vũng Tàu. Năm sau 1916, vua Duy Tân khỏi nghĩa bất thành, bị đày cùng vua cha Thành Thái
sang đảo Rénnion. Vua Thành Thái đi đày bà phải trở lại sống tiếp cuộc đời bị giam lỏng ở An
Lăng, hằng ngày bà chăm lo hương khói và lăng mộ vua cha Dục Đức. Sau đó bà cảm thấy cuộc
đòi vô thường, bà phát nguyện cắt tóc đi tu. Bà được thọ giới với một cao tăng là Hoà thượng Yết
Ma chùa Tường Vân, pháp danh Trừng Ninh. Rồi được có duyên thọ giới cụ túc tại giới đàn chùa
Phước Lâm, Quảng Nam), được ban pháp hiệu là Diệu Hương rồi trở thành sư cụ trong ni bộ 30.
Theo một tài liệu khác31, bà xuất gia học đạo với thiền sư Thanh Thái lúc ấy trụ trì chùa Tường
Vân. Bà thụ Đại giới năm 1924 tại giới đàn chùa Từ Hiếu. Năm ấy bà được 40 tuổi.
Sau khi thụ đại giới. bà tu học tại chùa Trúc Lâm cùng với các ni sư Chơn Hương và
Giác Hải dưới sự hướng dẫn của ni sư Diên Trường Năm 1928, ni viện Diệu Viên thành lập tại
làng Thanh Thuỷ Thượng (xã Thuỷ Dương, huyện Hồng Thuỷ), tự trưởng là Ni sư Diệu Viên đã
thỉnh bà về lãnh đạo ni chúng ở đây. Một viện cô nhi ra đời bên cạnh chùa Diệu Viên với tên gọi là
Tịnh Lạc. Lãnh đạo ni chúng ở Diệu Viên được 4 năm (1928 - 1932), một tập thể ni chúng vừa
hình thành tại chùa Từ Đàm, bà lại được mời về điều khiển việc tu học cho đại chúng. Năm 1934,
các sư cô thấy việc tu học ở chùa Từ Đàm bất tiện, sư cụ Diệu Hương, sư bà Diệu Không, các bà
Công Tôn Nữ Thi Bàn, Ưng Bàn, Ưng Uý, Tôn Thất Tùng (thầu khoán.)... cùng thập phương thiện
tín đã góp tiền mua lại phủ đệ cũ của ông Thượng thư Nguyễn Đình Hiến, bắt đầu xây dựng chùa
Diệu Đức và bà được bầu toạ chủ. Bà tiếp tục lãnh đạo Tùng Lâm Diệu Đức mãi cho đến năm
1971 mới viên tịch, hưởng thọ 88 tuổi. Tháp của bà xây ngay sau khuôn viên chùa Diệu Đức. Trên
tháp có đôi câu đối của Giáo hội PGVNTN như sau:
Trứng trượt nhi thanh, việt tam kỳ ư đương nhiệm
Phản bội nhi viên, hưởng bát kinh vu kim sinh
Tuy bà đã xuất gia, nhưng sau khi bà viên tịch, di ảnh của bà vẫn được các hậu duệ của
các vua Thành Thái, Duy Tân thờ tại điện Long Ân lăng Dục Đức.
Không rõ nhà văn Thái Vũ căn cứ vào nguồn tài liệu nào đã kể lại rằng sau khi được về
nước và được chỉ định cư trú tại miền Nam, vua Thành Thái đã về “thăm” (1953) lăng tẩm các
tiên đế và đã gặp hai bà Minh Phi32 và bà Mỵ Tân. Hai bà sợ quá khi biết phải gặp lại cựu hoàng
khi mình đã là sư nữ mà không xin phép chồng là lỗi đạo phu thê. Hai bà đã phải bỏ quần áo tu
hành để mặc áo đỏ quần lục, đội mũ đỏ (như trước kia còn sống trong cung), rồi nhờ sư bà Thục
Nữ Diệu Không cùng về tiếp kiến cựu hoàng Thành Thái lúc ấy đã 77 tuổi. Sư bà Diệu Không
thưa:
- Con sợ hai bà buồn nên mới lập chùa Sư nữ để hai bà tu niệm độ thế, nấp bóng của
phật cho khuây khoả mà chưa được phép của Cựu hoàng nên hôm nay con về đây xin sám hối.
Cựu hoàng Thành Thái nhìn hai bà vợ đã xa cách mấy chục năm. không dấu nổi nụ
cười vui mừng rồi nhẹ thành nói:
- Tu là cõi phúc, tốt chứ sao, còn hơn là lăng nhăng với lại làm me Tây. Mà đi tu thì
phải bận áo quần nhà chùa, sao lại bận áo quần như hồi làm phi tần như thế? Thế đã xuống tóc
chưa?
Thấy cựu hoàng vui vẻ, sư bà Diệu Không liền thưa:
- Dạ lâu rồi... dạ lâu rồi!
Lúc đó bà Minh Phi với bà Mỵ Tân mới dám chắp tay như vái nhà vua và cởi mũ đỏ,
phô mái đầu sư nữ rồi được cùng nói chuyện tâm tình với cựu hoàng Thành Thái.
Ông vua yên ngựa
Chiến tranh thế giới lần thú 2 (1939- 1945) kết thúc. Lính người Việt Nam được Pháp
cho giải ngũ về rất đông. Tàu chở lính đến Madagascar thì đỗ lại. Người ta cho người Việt tạm lên
bờ nghỉ chân để đưa tàu đi chở lương thực cứu đói nước Pháp sau chiến tranh. Trong lúc chờ tàu,
Việt kiều kéo nhau qua Réunion thăm vua Thành Thái. Được gặp ông Vua bị đày ở đất khách quê
người, ai cũng cảm động sụt sùi nước mắt. Mọi người đúng “chầu” vua để chờ vua Thành Thái hỏi
chuyện từng người.
Khi đến lượt Trần Tiễn Dương, vua hỏi:
- Mầy tên chi? Con ai?
Trần Tiễn Dương chắp tay bái và thưa:
- Muôn tâu bệ hạ, con là Trần Tiễn Dương - con ông Trần Tiễn Hối, cháu nội phụ chính
đại thần Trần Tiễn Thành.
Vua Thành Thái mừng rỡ ôm chầm lấy Dương mà rằng:
- Ôi chao ôi, ông nội mi chết vì cha tau!33
Nhà vua ôm chặt Trần Tiễn Dương mà khóc.
Vua Thành Thái khoát tay ra lệnh cho mọi người được ngồi, còn nhà vua thì cứ đứng.
Không ai dám ngồi. Vua bảo:
- Cho tụi bây ngồi! Bây đứng với tau không nổi đâu. Tau đứng suốt ngày, phải đường
mới làm yên ngựa được. Bây giờ tau đứng quen rồi.
Vua Thành Thái kể chuyện ngài và gia đình bị đày qua Réunion quá thiếu thốn. Nhưng
Ngài không xin Pháp tăng trợ cấp. Gia đình ngài cải thiện đời sống bằng nghề may yên ngựa để
bán cho Tây. Yên ngựa của vua Thành Thái bền, đẹp và rẻ. Khách Tây rất thích. Nhà vua nói vui:
- Tây cứ hỏi tau “Ngài làm bằng chi mà tốt như ri”. Thì cứ mở ra là biết ngay mà, mà
nó không dám mở. Cứ hỏi hoài. Rõ ghét!
Sau đó, vua giữ Trần Tiễn Dương lại cho vào phòng riêng ăn cơm với vua và nghe vua
nói chuyện. Lúc chia tay, vua Thành Thái tặng cho Trần Tiễn Dương một tấm thiếp do chính vua
tự tạo. Trên thiếp đề bốn chữ “Trung hiếu truyền gia” bên trái thiếp có con dấu thu nhỏ của triều
Nguyễn và bên phải là con dấu mang niên hiệu Thành Thái.
Thơ văn vua Thành Thái
Trong mấy ông vua cuối triều Nguyễn, Vua Thành Thái (1889- 1907) là ông vua “có
lắm chuyện”. Và những chuyện đó thưởng trái ngược nhau. Dưới mắt người Pháp, vua Thành
Thái là một ông “vua điên”, cho nên nhà vua đã bị “tốn vị”. Đối với người dân Huế, vua Thành
Thái là một ông vua có đầu óc duy tân, đổi mới. Đối với những phong trào yêu nước thì vua
Thành Thái là một ông vua “có tinh thẩn chống Pháp”.
Vua Thành Thái là ông vua Nguyễn đầu tiên cắt tóc ngắn, học lái ca-nô. lái xe hơi, học
và khuyến khích con cháu học tiếng Pháp, để cho trăm họ noi theo. Trong một khoa thi Đình, vua
Thành Thái ban một để thi tả cảnh nhà vua tự lái xe hơi ngự dụng, mời các vị tiến sĩ tương lai lên
xe đi từ Đại nội đến Văn Thành và trong hành trình ngắn ngủi ấy phải làm xong một bài thơ ký sự
rồi nộp quyển nay cho nhà vua ngự duyệt để phân hạng đậu thấp cao.
Về văn hoá giáo dục kinh tế xã hội, vua Thành Thái chủ trương và được sự đồng tình
của người Pháp là xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế (1894), thiết lập trường Quốc Học Huế
(1896), bắc cầu Trường Tiền (1897), dời chợ Đông Ba (1899) và lập Phố Đông Ba (1899). Đó là
những cơ sở Âu hoá đầu tiên của Huế và có ảnh hưởng đến trăm họ cho đến ngày nay.
Trải hơn 18 năm ngồi trên ngôi báu (1889-1907), vua Thành Thái đã phải ngậm đắng
nuốt cay với biết bao nghịch cảnh. Tất cả những ấm ức thầm kín, vua Thành Thái phải gởi gắm
vào thơ. Nhưng tiếc thay. sau khi nhà vua bị đày, tất cả những sách vở, bản thảo của nhà vua trong
Đại nội đã bị thất tán nên chưa ai sưu tập được đầy đủ.
Chúng tôi xin giới thiệu một số sáng tác của ông để góp phần hoạ lại bức chân dung
ông vua yêu nước nối giữa hai thế kỷ trước.
Năm 1902, trong dịp dự lễ khánh thành cầu sắt bắc qua sông Nhĩ Hà (sông Hồng), có
tên là cầu Paul Doumer (nay là cầu Long Biên), vua Thành Thái sáng tác bài Hoài cổ bằng Hán
văn như sau:
Kỷ độ tang thương kỷ độ kinh
Nhất phiên hồi thủ nhất phiên tình
Ngưu hồ dĩ biến tam triều cuộc.
Hổ động không dư bách chiến thành.
Nùng lĩnh phù vân kim cổ sắc
Nhĩ hà lưu thuỷ khấp thanh ca
Cầm hồ đoạt sáo nhân hà tại?
Thuỳ vị giang san tẩy bất bình
Nhà thơ Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn đã phụng dịch:
Bể dâu đời đổi trải bao nhiêu
Ngoảnh laị càng đau ruột chín chiều
Bến cũ ba triều trâu mép lấm
Luỹ xưa trăm trận cọp nằm queo
Bức tranh mới cũ mây Nùng chấm
Khúc nhạc vui buồn nước Nhĩ reo
Hàm Tử, Chương Dương còn đó đó
Non sông luống để bụi trần đeo!
Đứng trên đất cũ Thăng Long của các vua Lý, Trần, Lê, vua Thành Thái không nghĩ
đến những công lao, thành tựu của lịch sử nhà Nguyễn mà chỉ nhắc đến những triều đại lần lượt
đảm trách nhiệm vụ lịch sử đối với đất nước đã tùng vinh quang “cầm hồ đoạt sáo”. Nhắc lại một
thời lẫy lừng cũng là một cách tự nhắc nhủ mình cái trách nhiệm “tẩy bất bình” của mọi người
Việt yêu nước hồi đầu thế kỷ 20.
Đi Hà nội về được hai năm thì nhà vua phải chứng kiến trận bão năm Thìn (1904) tàn
phá Kinh đô Huế một cách khủng khiếp. Chiếc cầu sắt bắc qua sông Hương mang tên “Thành
Thái” mới khánh thành chưa đầy năm năm đã bị gãy đổ hai “vài”. Trước cảnh đau lòng đó nhà vua
đã làm một bài thơ vịnh trận bão năm Thìn.
Đây là một bài thơ quốc âm tắc thuận nghịch độc (đọc xuôi và đọc ngược đều có nghĩa
dũng luật thơ).
Đọc xuôi:
Ào ào trận nổi gió tây đông
Vận khí vừa may gặp hội rồng
Cao điện chốn đều bay ngói cũ
Sắt cầu rơi lại uốn lưng cong
Xao sông nước đổ bay đò nặng
Bán chợ người về khóc gánh không
Hao hại buổi trời theo chịu thế.
Nào hay có gốc ấy sanh bông
Đọc ngược:
Bông sanh ấy gốc có hay nào
Thế chịt theo thời buổi hại hao
Không gánh khóc về người chợ bán
Nặng đò bay đổ nước sông xao
Cong lưng uốn lại nơi cầu sắt
Cũ ngói thay đều chốn điện cao
Rồng hội giúp nay vừa khí vận
Dông tay gió nổi trận ào ào
Lối thơ thuận nghịch rất khó làm, có lúc đọc xuôi thì hay nhưng đọc ngược thì trúc trắc
hoặc ngược lại. Thơ tuy khó làm nhưng không phải vì thế mà phần ký thuật trận bão bị gò ép. Sức
tàn phá toàn diện của trận bão được gợi tả. Đáng chú ý là câu kết thoại đọc xuôi tửc câu mở thoại
đọc ngược: Cuộc sống sẽ hồi sinh, vươn lên mạnh mẽ vì có gốc vững mạnh. Một “người điên”
làm sao có khẩu khí và kỹ thuật làm thơ khéo đến thế.
Ngòi Pháp gán cho vua cái “bệnh điên” để làm một cái cớ truất phế một ông vua không
chịu làm tay sai cho Pháp.
Mùa thu năm 1907, nhà vua bị đày vào Vũng Tàu và đến năm 1916 bị đày sang đảo
Réunion cùng một chuyến tàu với Duy Tân. Đến cuối năm 1945, vua Duy Tân mất do một tai nạn
máy bay, người Pháp thấy vua Thành Thái đã già không có gì nguy hiểm cho chính sách thực dân
của Pháp nữa, họ cho vua trở lại Vũng Tàu nhưng chỉ cho phép vua sống ở miền Nam mà thôi.
Nhà vua qua đời lại Sài Gòn ngày 24 tháng 3 năm 1954.
Mặc dù đã bị lưu đày gần nửa thế kỷ (từ năm 1907 cho đến khi gần mất, 1954) vua
Thành Thái vẫn giữ được khẩu khí đế vương trong thơ mình.
Sống trong gọng kìm của thực dân đế quốc, một ông vua biết đổi mới, biết xây dựng
những gì có ích cho dân cho nước, biết mang nặng một trách nhiệm với dân với nước, biết gởi
gắm tâm sự của mình vào thơ vừa trí tuệ vừa tình cảm sâu lắng như thế, làm sao có thể nói vua
Thành Thái là một ông vua điên được! Nếu vua Thành Thái đã có một việc hành xử gì đó không
bình thường thì chỉ có thể hiệu được đó là một cách thế nguỵ trang của nhà vua trước con mắt thù
địch của kẻ thù mà thôi.
______________________
II. DUY TÂN
Vua Duy Tân đăng quang
Vua Thành Thái nhiều lần giả điên để che giấu công việc chuẩn bị chống Pháp của
mình. Nhưng những cử chỉ giá đó không che mắt được bọn thực dân. Bọn thực dân thật thâm
hiểm. Chúng khiêu khích, tạo điều kiện cho vua Thành Thái lập đi lập lại những cử chỉ, hành động
điên cuồng ngày càng nhiều để cho thần dân biết. Rồi đùng một cái, vào giữa năm 1907, Pháp
tuyên bố: “Vua Thành Thái tâm thần không yên phải tốn vị”. Chúng quản thúc nhà vua ngay tại
cung điện của ông - điện Càn Thành.
Lúc này quần chúng đang hăng hái tham gia phong trào đổi mới theo Tây phương.
Pháp định tạo một phong trào giả hiệu bèn mời thượng thư Trương Như Cương quê ở làng có
truyền thống rèn Hiền Lương vào triều giữ chức nhiếp chính nắm mọi quyền hành như một ông
vua. Dân gian phẩn nộ có câu:
Nước nhà gặp phải vận hồi đen
Ấn kiếm trao cho chú thợ rèn?
Bản thân Trương Như Cương cũng giữ một dạ trung quân. Ông cùng với triều đình
nhất định đòi Pháp phải thi hành Hoà ước 1884 mà Pháp đã ký, đòi Pháp phải thực hiện tập quán
Việt Nam: “Phụ truyền tử kế” (Cha truyền con nối).
Việc đòi hỏi đó đúng với yêu cầu của vua Thành Thái đang bị quản thúc. Không còn
cách nào hơn, thực dân Pháp. đứng đầu là toàn quyền Đông Dương và Khâm sứ Sylvain
Levecque, phải chọn một người con trai của vua Thành Thái cho đăng quang.
Vua Thành Thái rất đông con, đáng lẽ phải chọn người con trưởng kế vị, nhưng Pháp
sợ vua trưởng thành khó sai khiến nên phải tìm chọn một người con thứ theo “tiêu chuẩn riêng”
của Pháp.
Hôm Khâm sứ Lévecque cầm danh sách các Hoàng con vua Thành Thái vào Hoàng
cung chọn vua, trong lúc điểm danh thì thiếu mất “mệ Vĩnh San”. Lévecque lấy làm lạ sao ngày
“chọn” vua thì thiếu mất một người, hắn kêu lên:
- Vĩnh San! Vĩnh San đâu?
Triều đình cũng hốt hoảng. Thị vệ chia nhau chạy tứ tung. Cuối cùng tìm thấy Vĩnh
San đang chơi dưới bộ rầm hạ bắt rế rế. Vĩnh San bị lôi ra, mặt mày dính mồ hóng chèm nhem, áo
quần mồ hôi nhếch nhác. Không kịp đưa về nhà tắm rửa, thay quần áo bọn thị lễ đưa ngay Vĩnh
San đến gần quan “Đại Pháp”.
Mới trông Vĩnh San, các quan Pháp vừa ý ngay. Theo họ đây là một người nhỏ tuổi,
nhút nhát, không có đầu óc. Ngày chọn lên làm vua mà lại bỏ đi bắt rế rế thì quả là ngu đất.
Ông Charles một nhân vật quan trọng ở toà Khâm chạy đến xách tai Vĩnh San tiến ra
trước mặt Khâm sứ giới thiệu:
- Thằng này tai to, làm vua An Nam được đây!
Khâm sứ Lévccque đồng ý ngay. Thế là Vĩnh San lên ngôi mới bảy tuổi đầu.
Triều đình thấy vua nhỏ bèn xin tăng thêm một tuổi thành tám. Áo quần may chưa kịp,
Vĩnh San phải quàng bộ long bào có đủ cân đai nặng đến 5 kg của Thành Thái.
Mặc áo vào nhà vua mới tám tuổi “phong” này đi không nổi phải ngồi một chỗ.
Nghĩ tình vua Thành Thái suốt đời ước nguyện đổi mới mà không làm được, nên những
người phò tá còn chút quyền hành đã lấy niên hiệu cho người nối nghiệp là Duy Tân.
Một ngày trên ngai vàng
Hoàng tử Vĩnh San sở dĩ được chọn vì dưới con mắt của bọn thực dân, Ngài là một
người trẻ tuổi chưa biết gì về vận nước trí tuệ kém phát triển và nhút nhát, rất sợ Tây.
Một ông vua An Nam như thế thực dân dễ bề điều khiển.
Không ngờ, ngay sau khi Tôn Vương một ngày (5-9-1907), Vĩnh San đã tỏ ra khác hẳn
hôm qua. Tai to, mắt sáng, mặt mũi khôi ngô, Vĩnh San không hề có một cử chỉ nhút nhát sợ Tây.
Ông nói năng giọng thượng đúng khẩu khí vương quyền. Tiếp toàn quyền Đông Dương và Khâm
Sứ Trung Kỳ, ông nói thẳng bằng tiếng Pháp. Khi chọn niên hiệu Hoàng tử Vĩnh San lấy chữ
“Duy Tân” (Lé ami dé reformes). Người Pháp lúc ấy muốn giữ dân An Nam trầm mình trong cái
biển lạc hậu để dễ bề cai trị. Vĩnh San mới lên ngôi lấy hai chữ “Duy Tân” quả thật đó là một sự
thách thức với thực dân.
Một nhà báo lúc tường thuật buổi lễ Tôn Vương này chưa tiên đoán được cụ thể những
hành vi chống Pháp của vua Duy Tân sau này, nhưng ông đã cảm nhận ra được sự nhầm lẫn của
thực dân Pháp khi chọn Vĩnh San làm vua nước Nam. Ông đã kết thúc bài báo rằng: “Một ngày
trên ngai vàng đã thay đổi hoàn loàn bộ mặt của một cận bé lên tám”.
Để sữa chữa sai lầm của mình, bọn thực dân đã bày ra những việc như sau:
1. Lập một Phụ chính phủ gồm sáu ông đại thần là Tôn Thái Hân, Nguyễn Hữu Bài,
Huỳnh Côn. Minh Lịch, Lê Trinh và Cao Xuân Dục để cai trị nước Nam dưới sự điều khiển của
Khâm Sứ Pháp;
2. Đưa ông Ebérhardt, một tiến sĩ sinh học làm rể ông Charles (một quan chức quan
trọng ở toà Khâm) qua dạy cho vua Duy Tân học khoa học. Thầy đây chỉ là danh nghĩa chứ thực
chất toà Khâm muốn đưa Ebérhardt qua gần Duy Tân để cưỡng chế theo dõi những hành động, tư
tưởng chống Pháp của Duy Tân.
Giúp dân đói nghèo
Theo điện lệ bữa cơm thường của vua ăn (ngự thiện) có mấy chục món. Các món ăn
đều bỏ trong vịm bịt kín. Nếu nhà vua thích ăn món nào (theo nhãn đề dán bên ngoài), thị về sẽ
mở dâng nhà vua dùng món ấy. Ngoài những món nấu ớ bếp Ngự thiện (phía nam khuôn viên nhà
hát Duyệt Thị trong Tử Cấm Thành), các bà trong nội cung còn dâng lên những món đặc biệt do
chính tay các bà nấu.
Đổi lại nhà vua biết các bà thích ăn món gì thì sai thị vệ bưng đi biểu thức ấy. Các nghi
lễ trong bữa ăn nhiều khi cũng rất mệt. Một bữa ngự thiện tốn hàng chục quan tiền (tương đương
với hàng vạn đồng ngày nay) nhưng có khi mệt quá nhà vua chỉ húp một miếng cháo trắng rồi
đứng dậy.
Buổi đầu mới vào Nội, vua Duy Tân cũng được bếp Ngự thiện và thị vệ phục vụ như
thế. Nhìn qua bữa cơm quá sức tốn kém, nhà vua đã phản đôi quyết liệt. Ông hảo:
- Trước kia tôi thường dùng bát cơm úp lại với một vài con cá bống kho mặn. Cứ việc
cho tôi ăn như rứa là đủ rồi.
Nghe thế các Thái hậu (mẹ đích), bà sanh (mẹ đẻ vua Duy Tân) không bằng lòng. Các
bà khuyên Vua nên ăn uống đầy đủ để chóng lớn mà lo việc nước; nhà vua phản đối và cuối cùng
thị vệ chỉ được phục vụ ông ăn cơm với một món ăn mà thôi.
Về mặc, vua Duy Tân từ chối tất cả các thứ vải quý của ta cũng như của Tây. Ngoài bộ
triều phục mượn của vua cha, thường phục của vua Duy Tân chỉ dùng áo the thâm và quần vải
trắng.
Nhà vua mới lên ngôi được một năm thì xảy ra vụ chống thuế của nhân dân Trung kỳ
vào tháng 4 năm 1908. Mặc dù thực dân Pháp và Phụ chính phủ dưới quyền điều khiển của Khâm
sứ Pháp đã giấu mọi nguồn tin thời sự, nhưng nhà vua vẫn biết. Chiều chiều nhà vua leo lên
những lầu cao trong Nội nhìn ra ngoài Thành rồi chỉ những người Việt Nam rách rưới qua lại
trước Thành hỏi thị vệ:
- Có phải dân đó không?
Đám thị vệ không dám trả lời, nhưng những ông nhạc chánh thì đáp:
- Tâu bệ hạ, dân đó. Dân khổ lắm, họ đi xin ăn đó?
Nhà vua nhìn đăm đăm, nước mắt chảy lưng tròng. Hồi tháng tư năm 1908, cuộc chống
thuế của nhân dân Thừa Thiên nổ ra quyết liệt ngay giữa “Đất dưới xe vua”. Hàng vạn người
nghèo khổ rách rưới như ăn mày ngồi kín các mặt đường phố. Bọn Pháp khuyên dụ, đe doạ, đàn
áp bằng dùi cui, vòi rồng cũng không giải tán được. Biết đồng bào Việt Nam rất tôn kính vua Duy
Tân nên chúng đã đưa nhà vua ra gặp dân và yêu cầu Người bảo dân hãy giải tán.
Theo lịnh Pháp nhà vua ra gặp dân bằng ô-tô. Thấy bóng nhà vua ngồi trên xe, dân
chúng ngồi rạt ra hai bên đường dành lối cho xe vua đi qua. Xe nhà vua đi sát vào hai hàng dân
chúng đang cúi đầu hô vang “vạn tuế vạn tuế”. Thấy dân tóc cắt ngắn, áo quần rách rưới, khuôn
mặt đói khát tiều tuỵ, nhà vua thương quá không nói được nên lời. Khi xe nhà vua qua khỏi cầu
Clémenccau (tức cầu Trường Tiền) nhà vua bảo quay bên trái và đi thẳng vào Thành. Tên Khâm
sứ đi theo để nghe lời hiểu dụ của dân, chờ đợi mãi vẫn chưa nghe Vua nói gì mà xe vua đã đến
cửa Thượng Tử rồi, hắn nhìn vua với vẻ sửng sốt. Mặc cho sự thất vọng của tên Khâm sứ, nhà vua
ngoảnh mặt đi. Vào đến Hoàng cung, nhà vua đi thẳng vào điện Càn Thành một mình và không ai
hiểu nhà vua đang suy nghĩ gì..
Hôm sau vào giờ học, vua Duy Tân đã nói với các thầy dạy mình rằng:
- Trong nước sở dĩ có loạn là vì dân mình thiếu thốn cực khổ quá. Từ nay sắp tới, lương
bổng của tôi là 500 đồng một tháng, tôi xin lãnh 200 đồng thôi, còn 300 đồng giao lại cho các thầy
để các thầy đem ra giúp những kẻ nghèo khổ!
Nhưng ba trăm đồng làm sao cứu cho được hai mươi lăm triệu người đang đói khổ.
Bất phục
Khoảng năm 1912, tên thực dân Mahé lên làm Khâm sứ Pháp ở Huế. Mới lên Khâm sứ
ít lâu (22-01-1912) hắn đã mở một chiến dịch tìm vàng ráo riết. Hắn lấy tượng vàng đúc từ đời
Nguyễn Phúc Chu (nửa đầu thế kỷ 18) trên tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ, vào mả lăng vua
Tự Đức, sục sạo tìm bới những hầm bí mật chôn giấu vàng bạc trong Nội từ thời gian loạn lạc sau
khi vua Tự Đức băng hà. Vua Duy Tân phản đối quyết liệt những hành động cướp bóc thô bạo đó,
nhưng tên Mahé vẫn làm ngơ.
Không chặn đứng được bàn tay dơ bẩn của bọn thực dân, vua Duy Tân ngày đêm ăn
ngủ không yên. Ông ra lệnh đóng cửa Cung và không tiếp ai hết. Tên hội lý bộ Lại (cố vấn của
Thủ tướng) De La Suisse lấy thế lực đi cửa hậu vào trình công việc với vua Duy Tân. Nhà vua
nói:
- Ông cứ về nói lại với quan Khâm sứ rằng xưa nay không ai cho tôi biết gì cả mà cũng
không ai nghe tôi nói gì cả thì quan Khâm sứ tự ý muốn làm gì thì làm, hà tất phải nói chuyện với
tôi làm gì cho mất công!
Tên hội lý khuyên răn, năn nỉ hết lời nhà vua cũng không nghe. Hắn bỏ ra ngoài và đe
doạ triều đình Huế nếu không can ngăn được hành động bất phục của vua Duy Tân hậu quả Triều
đình sẽ lãnh hết. Các quan quá sợ. Hằng ngày vào Diện chiêm yết và xin nhà vua cho lịnh mở cửa
Hoàng Thành (cửa Ngọ Môn và cửa Hiển Nhơn) để giao tiếp làm việc nước. Nhà vua không
những không cho mở cửa mà còn đe sẽ tuyệt giao với các nhà đương cục Pháp ở Huế lúc bấy giờ.
Toà Khâm sứ Pháp hoàn toàn bất lực. Cuối cùng họ phải triệu toàn quyền Albert
Sarraut ở Hà Nội vào giải quyết. Gặp toàn quyền vua Duy Tân đã vạch tội của Khâm sứ Pháp ở
Huế, đặc biệt người đã tỏ ra rất phẫn nộ trước việc đào mả tìm vàng của Khâm sứ Mahé. Để xoa
dịu, toàn quyền A. Sarraut bắt Mahé phải tường trình việc đào bới tìm vàng của hắn. Mahé thú
nhận hắn đã lấy được mấy hầm bạc chôn trong Đại Nội, còn đào lăng Tự Đức thì không có gì.
Chuyện lấy tượng Phật bằng vàng trên tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ thì hắn lờ đi. Biết không
thể kéo dài tình hình căng thẳng thêm được nữa, vua Duy Tân hạ lệnh cho mở cửa Hoàng Thành.
Nhưng kể từ đó sự giao thiệp giữa Toà Khâm và Nam Triều trở nên lạnh nhạt rồi từ sự lạnh đó
chuyển dần qua căng thắng và giữ miếng nhau.
Tiết nối công việc của vua cha
Mặc dầu bại trận nhưng những nhà ngoại giao Việt Nam cuối triều Tự Đức vẫn khôn
khéo đấu tranh giữ được nhiều quyền và lợi cho đất nước qua Hiệp ước 1884 (thường được gọi là
Hiệp ước Patenôtre). Đến khi vua Đồng Khánh được Pháp đặt lên ngôi, ông này vì muốn được
Pháp tin dùng bảo vệ cho chắc ngai vàng của cá nhân mình nên đã bán dần những quyền và lợi mà
những người đi trước đã cố giữ lại. Đến triều vua Thành Thái, nhiều lần nhà vua yêu cầu triều
đình phải trình Người xem bản chính của Hiệp ước 1884 và việc thi hành của người Pháp ra sao,
nhưng các ông đại thần thân Pháp sợ người Pháp khiển trách, không ai dám thực hiện lởi yêu cầu
của nhà vua. Nhà vua phẫn nộ và xem các đại thần chẳng ra gì.
Năm vua Duy Tân 13 tuổi, sao những giờ học tập nhà vua hay vào Nội các lục lọi giở
ra xem những hiệp ước mà hai nước Việt Pháp đã ký với nhau. Rồi một hôm giữa cuộc tiệc với
văn võ đình thần, nhà vua tỏ ý muốn cử ông thượng thư Nguyễn Hữu Bài là người giỏi tiếng Pháp
sang Pháp để yêu cầu duyệt lại Hiệp ước ký năm 1884, vì Người nhận thấy việc thi hành của Hiệp
ước ấy không đúng với những điều kiện mà hai bên đã ký kết với nhau. Cả triều đình nghe sợ tái
mặt. Một sự im lặng bao phủ lấy bữa tiệc vui.
Đến năm 15 tuổi, vua Duy Tân đã triệu tập cả sáu ông đại thần trong Phụ chính phủ,
bắt buộc các vị phải ký vào và đích thân đem qua trình với toà Khâm sứ. Tất nhiên các vị đại thần
phải từ chối vì làm như thế chẳng đi đến đâu mà còn bị nhà nước Bảo hộ trả đũa nữa... các vị đại
thần không còn cách nào hơn là xin yết kiến thái hậu. Bà thái hậu đã la rầy nhà vua rất gắt gao.
Người là một người con có hiếu không dám cãi lời mẹ, nhưng người không bỏ những ý nghĩ vì
dân vì nước của mình.
Các đại thần thân Pháp tâu bày chuyện này với toà Khâm. Bọn thực dân Pháp đã tuyên
bố rằng: “Vua Duy Tân còn quá trẻ, cần phải có sự giám sát kỹ”.
Từ đó, không những vua Duy Tân có ác cảm với thực dân Pháp mà còn có ác cảm với
Triều đình. Tất cả sự ác cảm ấy vua hay tâm sự với các thầy học trong đó có hai người được nhà
vua tin cẩn nhất là cụ Mai Khắc Đôn và tiến sĩ khoa học Ebérhardt.
Đãi cát tìm vàng
Cuối năm 1915 vua Duy Tân sắp lên tuổi mười sáu. Nhân một hôm cắt nghĩa hai chữ
“nạp phi” (có nghĩa là vua lấy vợ) cho vua nghe, Thượng thư Huỳnh Côn buột miệng hỏi:
- Ngài đã muốn lấy vợ chưa?
Vua Duy Tân không tỏ ra bẽn lên và cũng không cần phải suy nghĩ đắn đo nhiều, ông
đáp:
- Vận nước mới đáng lo, chứ việc nạp phi không gấp. Nếu trì hoãn chậm được bao
nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.
Việc từ chối ấy đã đến tai bà Mẫu hậu Nguyễn Thị Định (mẹ đích của vua Duy Tân).
Mẫu hậu rất lo buồn, bà gọi Duy Tân đến và năn nỉ hết lời. Vốn là người còn hiếu thảo, Duy Tân
không thể từ chối được nên đã nhận lời.
Tin vua Duy Tân đồng ý nạp phi lan ra khắp Kinh Thành. Thực ra các bà mệnh phụ, vợ
các ông đại thần có con gái cháu gái, những người đã từng chơi trò cút bắt với nhà vua lúc còn ấu
thơ vào chầu Mẫu hậu, nhắc lại tên tuổi các con, các cháu mình để mong có người lọt vào sự chú
ý của Mẫu hậu.
Tương truyền sau đợt cung tiến ấy các Thái giám đã lập được một danh sách chừng 25
người để dâng vua lựa chọn.
Nhận được cái danh sách “con ông cháu cha” ấy, nhà vua chẳng thấy thích thù gì. Ông
cứ hẹn rày hẹn mai, lần khân mãi không chịu “chấm” cho một cô nào. Chờ đợi một thời gian
không đạt được kết quả, Mẫu hậu đâm ra sốt ruột. Bà đích thân cầm tờ danh sách hai mươi lăm
“người đẹp” chìa ra trước mặt vua và yêu cầu vua thích được cô nào thì phải chấm ngay. Vua chịu
nạp phi để sinh người nối nghiệp là “hạnh phúc” của trăm họ, giọng của Mẫu hậu hơi gay gắt,
không giấu được sự quyết liệt bên trong. Duy Tân biết không chần chừ được nữa bèn chúm chím
cười trả lời một cách thản nhiên:
- Con không thể chấm được ai cả, vì con đã có người yêu rồi!
Bà Mẫu hậu mừng rỡ, nước mắt tràn mi, bà hỏi giọng nóng hổi:
Người yêu con ở mô? Lên mấy tuổi?
- Ở cửa Tùng. Hơn con một tuổi. - Duy Tân bẽn lẽn đáp.
Đêm ngày mơ ước sớm có người nối nghiệp tông đường. Mẫu hậu gạn hỏi về người
yêu của nhà vua. Không giấu được Hoàng mẫu, Duy Tân hẹn:
- Ba ngày nữa con sẽ mời ả (mẹ) đi bởi vì con ra nghỉ mát ở Cửa Tùng mươi ngày. Lúc
ấy ả sẽ gặp được cô ấy. Nếu ả đồng ý thì con mới lấy.
Thế là thị vệ lo sắm sửa thuyền rồng để rước Mẫu hậu và Duy Tân đi chơi Cửa Tùng.
Trời còn lạnh đi Cửa Tùng chẳng thú vị gì, nhung vì muốn nhận mặt “cô dâu” nên Mẫu hậu phải
đi.
Ra cửa Tùng ngồi chơi suốt năm ngày liền không thấy bóng ai là người yêu của vua
Duy Tân cả. Hỏi thị vệ, thị vệ nói nhà vua có tiếp xúc với ai đâu. Mẫu hậu hết sức thất vọng
nhưng không tiện nói ra. Đến ngày thứ tám, người phụ trách thị vệ nêu một điều khó hiểu với Mẫu
hậu:
- Không hiểu sao mấy hôm nay mỗi lần ra bãi tắm vua rất say mê việc đào bới cát, có
khi đào rất sâu. Chúng tôi không hiểu tâu thì Ngài đáp “Ta đang đãi cát tìm vàng đây!”.
Câu chuyện càng làm cho Mẫu hậu mất ngủ. Sáng hôm sau ngồi với con, Mẫu hậu tỏ ra
rất buồn. Vua Duy Tân thương mẹ hỏi:
- Hôm nay sao ả cứ buồn rứa?
Mẫu hậu nói ngay:
- Đã đến ngày rời khỏi Cửa Tùng rồi mà chưa gặp được người yêu của con. Sao con
không cố tìm để cho ả gặp mà lại đi đào bới cát cả ngày rứa?
Vua Duy Tân đáp thật tình mà như nói chơi:
- Con đào bới cát chính là tìm người yêu đó.
Mẫu hậu vô cùng ngạc nhiên. Bà không nén được sự buồn bực đến tột độ, nói như quở
trách con:
- Con điên sao mà lại đi tìm người yêu trong cát?
Duy Tân giải thích một cách từ tốn:
- Con không điên đâu. Con nói thật đó. Ả đừng buồn nữa. Nếu ở đây con không tìm
được thì về Huế thế nào ả cũng gặp được.
Lúc này Hoàng mẫu mới hiểu rõ sự thật:
- Rứa thì ả hiểu rồi. Người yêu của con là Mai Thị Vàng, con gái quan phụ đạo Mai
Khắc Đôn chứ gì?
Vua Duy Tân giọng rất vui:
- Thưa ả, đúng thế, vậy ả có bằng lòng không?.
Mẫu hậu đáp:
- Ả bằng lòng. Nhung tại sao con lại chọn như thế?
Vua Duy Tân đáp:
- Vì thân phụ của Mai Thị Vàng là thầy Đôn - người đã dạy con biết chữ, dạy con biết
thương nước, thương dân, biết trọng dụng kẻ trung thần và xa lánh bọn nịnh thần. Con tín cô Vàng
cũng từng được thầy dạy cho như rứa.
Mẫu hậu hỏi:
- Thế thì con có muốn làm lễ thành hôn trước tết không?
- Hãy để thong thả - Vua Duy Tân đáp - càng chậm càng tốt. Dăm ba năm nữa chúng
con cũng chỉ mới đôi mươi thôi?
Nhưng ý kiến của nhà vua không được chấp thuận. Theo tử vi thì nhà vua phải nạp phi
ngay. Ngày 12 tháng Chạp năm Ất Mão (16-1-1916) được chọn làm ngày lễ nạp phi cho vua.
Nước nhớp lấy gì mà rửa?
Để cách ly vua Duy Tân với triều đình Huê, thựcdân Pháp cho xây nhà thừa lương tại
Cửa Tùng để đưa người ra ở.
Cửa Tùng là cửa thông ra bể của sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị, cách đường số 1 chừng
9 km (bắt đầu từ cây số 96). Cửa Tùng là nơi hấp dẫn tuyệt vời bởi ánh nắng và màu xanh của
biển Đông. Đến cửa Tùng để bơi lội săn bắn, để chụp ảnh, sáng tác đều thích hợp. Nó hấp dẫn
người trong nước và cả khách nước ngoài. Thế nhưng cảnh trời cao bể rộng đó không làm cho ông
vua trẻ Duy Tân nguôi ngoai nổi đau khổ vì sao vua cha Thành Thái đã bị đày, đất nước vì sao
không có chủ quyền, đồng bào vì sao lầm than cực khổ mãi(?).
Một hôm quan thượng Nguyễn Hữu Bài ra thăm, thấy nhà vua buồn, ông liền bày
chuyện đi câu. Vua tôi chèo thuyền ra cửa biển câu. Mới thả câu nhấp nhấp mấy cái thì lưỡi câu
mắc không kéo lên được, nhà vua hí hoáy gỡ câu. Nhân tiện ông ra một câu đối để dò xem suy
nghĩ của quan trường về hoàn cảnh quốc gia dân tộc ra sao, ông nói:
“Ngồi trên nước không ngăn được nước, buông câu ra đã lỡ phôi lần”
Ý vua Duy Tân muốn hỏi ông ngồi trên ngai vàng trị vì thiên hạ, nhưng không ngăn
được bàn tay đô hộ của người Pháp, đã lỡ lãnh trách nhiệm với quốc gia dân tộc thì phải tìm mọi
cách mà cứu dân cứu nước. Đó là một ý nghĩ rất táo bạo.
Ông Nguyễn Hữu Bài tuy gia đình theo Thiên chúa giáo, học chữ Tây rất giỏi và suốt
đời cộng tác với Tây, nhưng ông không đến nỗi là một người cam tâm làm tay sai cho Pháp. Ông
từng tham gia hội Duy Tân của của Sào Nam, từng bỏ tiền của khai khẩn nhàn điền để cho dân có
đất làm ăn. Tuy vậy ông cũng chỉ đạt đến trình độ là một người “cải lương” chứ không thể có tư
tưởng “cách mạng” được. Ông đã khuyên vua Duy Tân phải biết chờ không nên có ý nghĩ táo bạo
như thế. Nguyễn Hữu Bài đối lại:
“Sống ở đời mà ngán cho đời, nhắm mắt lạiđến đâu hay đó”.
Nghe lời khuyên, vua Duy Tân rất thất vọng. Từ đó nhà vua rất xem thường cụ
Nguyễn. Cả đám đình thần, vua Duy Tân chẳng còn tin được ai.
Vua Duy Tân lại buồn, sau giờ học ông xuống biển ngồi ngắm biển, vốc cát lên chơi.
Đến bữa ăn các thị vệ mang nước cho vua rửa tay. Vừa thò tay vào nước rửa lõm bõm, vua Duy
Tân hỏi thị vệ:
Tay nhớp lấy nước mà rửa, nước nhớp lấy chi mà rửa?
Ông quan thị vệ sợ quá, mắt nhìn Vua, môi mấp máy mà không nói được nên lời. Nhà
vua thông cảm cho thân phận người quan già tội nghiệp, ông nhắc hộ câu trả lời:
Nước nhớp lấy máu mà rửa
(viết theo Thái Văn Kiểm, Phan Văn Dật, Cadiere và nhiều tài liệu khác)
Vũ khí ở trong lòng dân
Biết vua Duy Tân có tư tưởng chống Pháp rất sớm, Triều đình thân Pháp lo lắng vô
cùng. Các đại thần khuyên nhủ không có tác dụng, các bà mẹ răn dạy, Vua cũng không nghe.
Không những các đại thần không thuyết phục được nhà vua mà có lúc các vị đã hết sức lúng túng
trước những câu hỏi bất ngờ của Người.
Có một lần ông Nguyễn Hữu Bài phát cáu mà chất vấn vua Duy Tân rằng:
- Ngài muốn đánh Tây vậy lấy gì mà đánh?
Ông Bài tưởng như thế có thể bắt bí được nhà vua, nhưng không ngờ nhà vua đã hỏi
ngược trở lại:
- Rứa thì thầy không biết tôi có khí giới rồi à?
Ông Bài lại hỏi với giọng thách thức:
- Khí giới ở đâu nào?
- Để khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam? - Vua Duy Tân đáp một cách dứt khoát.
Ông Bài dồn Vua vào thế bí:
- Nhưng cụ thể là để ở đâu chớ?
Nhà vua chỉ vào những người dân nghèo đang cày ruộng, những dân chài đang chèo
thuyền ra khơi đánh cá ở cửa Tùng đáp một cách bất ngờ rằng:
- Ở trong lòng dân kia kìa?
Ông đại thần thông minh bị một vố thật đau.
Một quan đại thần khác không được nghe cuộc đôi thoại đó nên đã chất vấn nhà vua
trong một cuộc họp:
- Tâu Hoàng thượng, Ngài muốn chống lại người Pháp thì chống bằng phương cách
nào?
Nghe câu hỏi ấy vua Duy Tân rất giận. Người đã trả lời một cách thẳng thắn rằng:
- Danh dự của dân lộc phải được bảo vệ bằng bất cứ phương cách nào. Nước Pháp
đang lâm chiến ở châu Âu, đã đến lúc dân chúng nắm lấy thời cơ này mà nổi dậy chống Pháp
bằng tất cả sức mạnh của mình.
Những lời lẽ chống Pháp giận dữ ấy đã bằng nhiều cách đến tai toà Khâm. Từ đó Khâm
sứ Pháp phải nghĩ đến việc đưa con vua Đồng Khánh (tay sai Pháp) là Bửu Đảo lên thay.
Việc loại trừ vua Duy Tân ra khỏi Hoàng cung chỉ còn vấn đề thời gian.
Tiếng lành đồn xa
Mặc dù Toà Khâm và Triều đình Huế có lịnh không được loan truyền những tin tức về
những yêu sách của vua Duy Tân với thực dân Pháp, nhưng tiếng lành đồn xa, chuyện vua Duy
Tân đau khổ vì vua cha bị đày ở Vũng Tàu và người có tư tưởng chống Pháp trở thành chuyện
thời sự của những người còn một chút tâm huyết với dân với nước.
Một hôm nghe vua Duy Tân ra nghỉ mát Cứa Tùng, ông khoá Bảo 34 ở chợ phiên Cam
Lộ đã tìm cách đến yết kiến nhà vua. Biết ông Khoá là một người cách mạng ở địa phương vua
Duy Tân đã tạo điều kiện cho ông được gặp nhiều lần.
Nhờ ông Khoá mà nhà vua hiểu thêm tình hình đói khổ, nhục nhã của người dân mất
nước.
Các lãnh tụ hội Việt Nam Quang Phục mà tiêu biểu là hai ông Thái Phiên và Trần Cao
Vân đang lúc tìm một ngọn cờ cho cuộc khởi nghĩa chống Pháp, nghe ông Khoá Bảo báo cáo đã
gặp vua Duy Tân và đúng như tin đồn nhà vua đang rất căm thù giặc Pháp, hội Quang Phục liền
đặt kế hoạch tiếp xúc với ông vua có tư tưởng mới mẻ này.
Hội Quang Phục liền bỏ một món tiền lớn thương lượng với người lái xe ô tô của vua
Duy Tân, yêu cầu người này tự xin thôi việc và giới thiệu Phan Hữu Khánh vào thay (Khánh là
hội viên Quang Phục). Việc thương lượng ấy có kết quả. Thế là người của Quang Phục hàng ngày
ở bên cạnh ông vua yêu nước. Khánh là một hội viên ưu tú vừa tốt nghiệp trường Bá Công Huế,
sau hai tháng phục vu được nhà vua rất yêu mến.
Một hôm nhà vua ngự du Cửa Tùng, Phan Hữu Khánh dâng lá thư của hội Quang Phục.
Nội dung lá thư nói về sự cơ cực của nhân dân, thảm hoạ của quốc gia dân tộc và nêu ý định phục
quốc của nhân dân. Lời lẽ trong thư có nhiều đoạn rất lâm ly cảm kích:
Kìa Mỹ quốc dòng giống rợ đen, năm mươi năm còn có thể tự cường; huống dân ta
con cháu nhà vua 25 triệu nỡ đành hèn yếu
Trời sinh vua thông minh chính trực có chí cử binh chống Pháp. Dân sinh người tài
giỏi có quyền đuổi giặc thương dân
Đức vua cha (vua Thành Thái) -vì tội gì bị đày? Lăng tẩm vua Dực Tôn (vua Tự Đức)
vì cớ gì mà bị bới?
Xem xong thư vua Duy Tân bị cảm xúc mạnh, tim, não nóng như lửa đốt, ruột gan đau
như dao cắt. Vua tha thiết yêu cầu người lái xe cho Người được gặp gấp những người đã gửi
phong thư. Phan Hữu Khánh sung sướng quá quỳ xuống bái tạ vua và xin sẽ tổ chức cuộc gặp
mặt. Vua Duy Tân thoắt đứng dậy, cầm vai Khánh nâng lên:
- Đáng lẽ ta phải tạ ơn nhà ngươi, sao nhà ngươi lại bái tạ ta? Thương mến ta thì hãy
giúp ta!
(theo Lê Ước, Tập san Sử Địa số 14)
Cuộc gặp gỡ lịch sử
Từ khi đọc được các thư của hội Quang Phục, vua Duy Tân sốt ruột muốn gặp ngay các
lãnh tụ cách mạng. Nhà vua giao cho hai cận thần Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu cùng với
tài xế họ Phạm cấp tốc tổ chức cuộc hộ kiến giữa Người với hội Quang Phục. Việc tổ chức cần
phải đợi thời cơ, nếu như thẩm lậu tin tức ra ngoài thì cả vua tớ đều bị chém đầu, các vị cầm đầu
tổ chức cách mạng thận trọng từng ly từng tí cho nên chưa thực hiện được ngay. Vua Duy Tân cho
nóng ruột không chịu nổi, ngày 17-02-1916, Người đã nhờ bà Bát Mang Trương thị Dương (người
Tân Điền, Hải Đăng, Quảng Trị) vào tận làng Tư Phú (Điện Bàn, Quảng Nam) tìm cách mời Trần
Cao Vân ra Huế hội kiến.
Nhưng cơ hội gặp mặt chưa có nên buộc nhà vua phải chờ...
Nhân ngày 14-4-1916 có cuộc duyệt binh của lính tùng chinh chuẩn bị sang châu Âu
giúp Pháp đánh Đức tổ chức ở Trường Thi (bờ bắc sông Ngự Hà, gần cửa Chánh Tây), vua Duy
Tân sẽ Ngự xem. Nguyễn Quang Siêu và Phạm Hữu Khánh nắm ngay cơ hội ấy thực hiện điều
chờ đợi lâu nay.
Vào đúng ngày ấy Phạm, Nguyễn tổ chức cho hai ông già chèo thuyền đến thả câu ngồi
chờ ở một gốc cây cổ thụ bên bờ Hậu hồ. Cuộc duyệt binh vừa xong, vua Duy Tân thả bộ theo
sông Ngự Hà rồi bí mật tạt vào hồ, thế là ông vua yêu nước Duy Tân được mãn nguyện hội kiến
cùng các lãnh tụ hội Quang phục.
Mới gặp nhau lần đầu mà vua tôi hết sức kính phục nhau. Ba người cùng thảo luận tình
hình quốc nội và hải ngoại. Tuy vua Duy Tân còn nhỏ tuổi, bị “giam lỏng” trong Nội, nhưng nhờ
có các giáo sư Ebérhardt. Ara, Người đã hiểu qua tình hình thế giới. Nước Pháp đang bị Đức đánh
mạnh. dư luận đã bàn đến việc Pháp không đủ khả năng đảm đương hết tất cả thuộc địa của họ, kể
cả Đông dương. Tình hình trong nước rất thuận lợi. Tinh thần chống Pháp đang dâng cao trong
dân chúng. Có hàng ngàn lính Việt Nam bị Pháp bắt đưa sang châu Âu làm bia đỡ đạn cho Pháp,
họ sẵn sàng khởi nghĩa nếu có tổ chức. Thuận lợi nhất là qua thầy Ebérhardt (người Phổ) và thầy
Lê Đình Dương cho biết viên thiếu tá người Đức đang phụ trách lực lượng lính tùng chinh này
đang đóng ở Mang Cá, ông ta sẵn sàng hậu thuẫn cho cuộc khỏi nghĩa. Nghe vua Duy Tân phát
biểu hai ông Trần Cao Vân và Thái Phiên rất tâm đắc, tin tưởng, một người sống trên ngai vàng
bạc ngọc mà cũng muốn cùng với đồng bào lao khổ của mình làm cách mạng thì cuộc khỏi nghĩa
cách mạng sắp tới nhất định sẽ thắng lợi.
Hai lãnh tụ Quang Phục báo cáo việc tổ chức chuẩn bị khởi nghĩa với nhà vua. Chương
trình hoạt động với hai điếm chính yếu:
1. Chiếm ngay ba tỉnh Thừa Thiên - Nam - Ngãi để làm căn cứ;
2. Tổng phát động khởi nghĩa khắp các tỉnh Trung kỳ từ Quảng lình vào đến Khánh
Thuận.
Vua Duy Tân rất nhất trí với hai ông Thái Trần về kế hoạch khởi nghĩa. Nhà vua tha
thiết tổ chức cho phép Người đúc bốn cái ấn kinh lược: ấn Bình - Trị, ấn Nam Ngãi, ấn Bình Phú
và Khánh Thuận. Người nài nỉ mãi mới được họ Trần ưng thuận.
Trước khi từ giã, hai bên thống nhất ngày khởi nghĩa nên chọn lúc 1 giờ sáng ngày
Bính Thìn (tức 3-5-1916) và dặn đêm ấy Hội cử người đến hộ giá vua lánh vào Quảng Ngãi
Ít lâu cuộc hội kiến thành công tốt đẹp. Vua Duy Tân trở vế Hoàng Cung lặng lẽ không
ai biết gì.
(theo Lê Ước, Tập san Sử Địa số 14)
Kế hoạch thật đẹp
Hội kiến với vua Duy Tân xong, các lãnh tụ Quang Phục trở lại đất Quảng khẩn trương
vạch kể hoạch kịp để cướp thời cơ khởi nghĩa. Sau nhiều ngày hội họp bí mật, một kế hoạch khởi
nghĩa đã được thông qua. Huế giữ vai trò quan trọng nhất. Thái Phiên được bầu làm Chủ tịch.
Trần Cao Vân làm quân sư.
Theo kế hoạch Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu đốc suất tân binh, thị vệ trấn giữ
Hoàng Thành; Phạm Văn Chương, Lại Hà, Nguyễn Đình Trứ... công phá đồn Mang Cá.
Ba ngàn người chuẩn bị tòng chinh dưới quyền điều khiển của một thiếu tá Lê Dương
(người Đức) sẽ làm nội ứng, Lê Cảnh Hàn, Dặng Khánh Khải, Trần Đại Trinh... điều động lính tập
quay súng chiếm ngay Toà Khâm sứ Trung Kỳ.
Ngoài ra sẽ có một đội cảm tử người Nam Ngãi hiệp cùng các đội dân quân ở miền phụ
cận Huế chiếm cho được Toà Khâm sứ để áp đảo đối phương. Thái Phiên tổng chỉ huy tại Huế, Lê
Cảnh Vận sẽ là người nổ phát súng lệnh. Trần Cao Vân phụ trách việc hộ giá vua vào ẩn náu ít lâu
tại Quảng Ngãi, chờ khi khởi nghĩa thành công sẽ rước vua trở về.
Vũ khí của dân quân ở Huế do dân làng rèn Hiền Lương cung cấp và tập trung về cầu
Vực (gần huyện Hương Thuỷ. Cờ khởi nghĩa có năm sao trắng ở giữa (dựa theo ý nghĩa Ngũ tinh
tụ nghĩa trong Kinh dịch). Lực lượng khởi nghĩa chính là binh lính người Việt hưởng ứng theo
Cách mạng.
Khi được lệnh, số binh lính này sẽ nhanh chóng quay súng cướp ngay chính quyền để
làm chủ tình thế. Dân quân ở ngoại ô sẽ kéo vào trợ lực chiếm chính quyền.
Đến giờ hành động, tại Huế ông Nguyễn Cảnh Vận sẽ nổ phát súng thần công để báo
hiệu cho Kinh thành Huế, Quảng Trị, Quảng Bình hay. Nghe súng thần công bộ phận thông tin ở
đỉnh đèo Hải Vân sẽ đốt lửa báo hiệu cho Đà Nẵng, Hội An, Quảng Nam và Quảng Ngãi biết để
hành động.
Sự nghiệp lớn tan vỡ
Vào đêm 3 rạng ngày 4 tháng 5 năm 1916 vua Duy Tân đi chân đất, đầu chít một cái
khăn đen, mặc áo cụt đỏ xẫm, quần vải trắng, bí mật ra khỏi Hoàng Thành. Một chiến thuyền dưới
sự điều khiển của Trần Cao Vân đậu chờ nhà vua ở bcn Thương lạc. Người vừa bước xuống thì
thuyền quay mũi ngược lên sông đào Lợi Nông. Lúc ấy, trong một ngôi nhà trên bờ sông Nông lợi
(chỗ gần ga Huế) các lãnh tụ khởi nghĩa họp nhau lần cuối trước lúc hành động. Tên Nguyễn Đình
Trứ (người được chỉ định tấn công vào Mang Cá) rút khỏi cuộc họp. Nghe vua đến thì y tìm cách
gặp Vua. Nhà vua xem Trứ là người tâm huyết nên thổ lộ mọi tâm can với Trứ, khuyến khích Trứ
hãy ra sức giết sạch tụi Pháp để trả thù cho nước. Trứ ngoan ngoãn nhận lời và giơ tay tuyên thệ
trước đấng minh vương.
Trứ từ giã nhà vua, thay vì đi thẳng xuống Mang Cá hành động, hắn về ngay Toà Công
sứ Thừa Thiên, báo cho tên Công sứ biết tất cả bí mật của tổ chức cách mạng trong đêm ấy. Tên
công Sứ báo ngay với Khâm sứ Trung Kỳ.
Khâm sứ Charles không ngạc nhiên với những tin tức hành động của Hội Quang Phục,
nhưng hắn thấy đầy mâu thuẫn với tin tức vua Duy Tân dám bỏ cung vàng điện ngọc cầm kiếm đi
chân đất ra khỏi Hoàng Cung theo đuổi việc khởi nghĩa chống Pháp. Charles nghe báo cáo xong
vào lúc hai giờ sáng. Y vội vàng đi thẳng vào Đại Nội xem thử thực hư như thế nào.
Vào điện Càn Thành phòng ngủ của vua lạnh ngắt như tờ. Trước phòng ngủ chỉ có vài
thị vệ đi lại mặt mày nhớn nhác như có một biến cố gì hết sức quan trọng sắp nổ ra...
Charles vỡ lẽ, hắn bắt đầu tin những lời Trứ báo. Vua Duy Tân rời Hoàng Cung lúc 10
giờ đêm cùng với 4 thị vệ. Người mang theo hai cây kiếm và một cái kim mão.
Charles về ngay Toà Khâm, một mặt dùng điện thoại mặt khác dùng lính Pháp chạy
truyền lịnh chặn đứng cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân và hội Quang Phục tại Kinh thành Phú
Xuân. Họ giới nghiêm, bắt bất cứ ai giờ đó lảng vãng ngoài đường, thu hết súng ống của lính tùng
chinh đồn trú trong Mang Cá. Ngoài đường lính Pháp kéo nhau thành đoàn thành lũ đi tuần tiễu.
Cuộc khởi nghĩa bị bại lộ. Thuyền chở vua Duy Tân chèo gấp về phía đầm Hà Trung, dự định sẽ
trốn tránh ở đó rồi dùng ghe bầu bí mật rước vua vào Quảng Nam hay vào Quảng Ngãi. Ở Hà
Trung được một hôm, dân chúng biết được chạy đến bái yết. Sợ lộ bí mật với dân vùng Công giáo
Hà Thành, vua Duy Tân và đoàn tuỳ tùng phải ngược lên vùng núi phía tây nam Thừa Thiên.
Không rõ vì người dẫn đường đi lạc hay trong đoàn có người cố ý muốn đưa đưa trở lại
Huế nên đã đưa đoàn người yêu nước chạy lánh nạn vào vùng núi Ngũ Phong (không xa núi Ngự
Bình trước mặt Kinh Thành bao nhiêu).
Đoàn trú vào nhà đội Võ Đình Cơ xóm Ngũ Tây, thôn An Cựu (xã Thuỷ An ngày nay).
Khi đoàn đến thì ông đội Cơ đi vắng. bà đội Cơ tiếp Vua rất nhiệt tình, bà nấu cháo gà dâng Vua
ăn. Nghe nhà đội Cơ xao xao tiếng nói, trùm Tồn (anh ruột đội Cơ) nhà ở gần đó chạy sang xem.
Thấy vua tôi đang sì sụp húp cháo gà, Trùm Tồn biết chuyện không lành, y chạy thẳng một mạch
ác báo với Toà Khâm.
Suốt mấy ngày mất tin tức nhà vua, Toà Khâm được mật báo của Trùm Tồn chúng
mừng như bắt được vàng. Trong lúc Toà Khâm chuẩn bị phương tiện đi bắt vua Duy Tân thì đội
Cơ hay tin vua ngự giá đến nhà mình, y thuê xe ngựa hộc tốc chạy về nhà. Thấy đội Cơ hớt hải
chạy về, vua Duy Tân biết ở đây không yên, vua rục rịch định ra đi vào một ngôi chùa gần đó.
Biết ý vua, đội Cơ đến sụp lạy và van xin:
- Ngài ngự đi, Toà Khâm lên bắt mà không có thì nhà tôi chết hết!
Vua thấy nguy cơ không thể trốn được bèn trở cái quạt nện vào đầu đội Cơ mấy cái mà
mắng:
- Mày ăn cơm ai? Mày mặc áo ai? Mà mày lại đi phản vua mày?
Nói xong vua Duy Tân nhìn lên trời tự than: “Cứu dân mà dân phản thì chỉ có trời
biết!”
Khoảng 11 giờ trưa bọn Pháp gồm có đổng lý của Toà Khâm Le Fol, chánh mật thám
Trung kỳ Sogny dẫn lính theo Trùm Tồn đi bắt vua Duy Tân.

Không! bởi vì nó đã...


Thấy vua Duy Tân được hai người hộ vệ đang đứng nhìn trời ở núi Ngũ Tây, lên Le Fol
tiến đến trước giơ mũ chào và hỏi một cách mỉa mai:
- Eh bien. Sire! Vous avez fini cette randonne? (Thế nào, Hoàng Thượng ngự giá đến
đây là hết rồi chứ?)35
Vua Duy Tân nhún vai và cũng đáp lại hắn bằng tiếng Pháp:
- Vous ne pouvez pas comprendre! (Các người chả hiểu được đâu!)
Ngay lúc ấy, tên Trứ phản trắc cùng đi với bọn thực dân xuất hiện tiến đến trước mặt
nhà vua:
- Tâu bệ hạ tôi là người được bế kiến Ngài ở sông Lệ Nông, chẳng hay bệ hạ có nhớ
mặt không?
Nhận ra tên Trứ, người đã giơ tay ra tuyên thề trước mặt vua đêm khởi nghĩa, Vua
không tỏ ra giận dữ mà chỉ khinh bỉ ra mặt, Người đáp:
- Phải ta nhớ mặt mi: đồ phản quốc!
Nói xong vua Duy Tân nhìn lơ đãng sang chỗ khác. Tên Trứ cụp mặt lủi thủi quay ra.
Lúc bấy giờ con mắt của trùm mật thám Sogny phát hiện thấy dưới lớp áo của Vua có một vật gì
cồm cộm rất khá nghi. Một khẩu súng chăng nếu không sát hại được đối phương ông sẽ tự sát để
bảo toàn danh dự. Tên Chánh sở mật thám nhìn Người hau háu. Biết ý, vua Duy Tân đáp:
- Mấy ông tưởng cái ni là súng hả? Không phải mô. Tui mà có súng tui bắn mấy ông
chết hết rồi. Đây là cục lương khô thôi!
Thực chất đó không phải là lương khô mà là hai cái ấn vàng của nhà vua. Tên Chánh
Mật thám lúc ấy mới yên tâm.
Lê Fol sai người chạy đi tìm mượn một cái kiệu và một cái lọng để rước Vua xuống xe
hai đã chờ sẵn dưới chân đồi.
Nhà vua làm thinh, khoát tay từ chối kiệu và lọng vàng.
Người bước xăng xái xuống đồi không hề tó ra sợ sệt gì cả. Bọn Sogny và Le Fol kéo
đoàn tuỳ tùng lẽo đẽo theo sau. Buổi trưa hôm ấy về tới Toà Khâm, lên Khâm sứ Charles nở nụ
cười đắc thắng bắt tay vua Duy Tân và nói:
- Eh bien! Sir, vous êtes content de votre equipec? (Thế nào, bệ hạ bằng lòng cuộc du
ngoạn chưa?)
Vua Duy Tân trả lời điềm nhiên cũng bằng tiếng Pháp:
- Non! Puisqu'ellc n'a pas reussi! (Không! Bởi vì nó đã không thành công!)
Từ đó vua Duy Tân giữ thái độ lãnh đạm cho đến khi bị đưa vào giam trong đồn Mang
Cá.
(Theo Thái Văn Kiểm và nhiều tài liệu khác)
Bản án lịch sử
Bắt được vua Duy Tân bọn thực dân Pháp rất hí hửng.
Chúng cho ô-tô chở nhà vua chạy quanh thành phố để báo cho dân Việt Nam biết nhà
vua nổi tiếng yêu nước của họ đã bị tóm rồi.
Đến quá trưa, chiếc xe của Toà Khâm chạy thẳng xuống khu nhượng địa Mang Cá. Vua
Duy Tân bị giam ở đó.
Khâm sứ Pháp Le Marchant de Trigon đến thay Khâm sứ Charles buộc Triều đình Huế
phải luận tội vua Duy Tân một cách khắc nghiệt: vua một nước dưới quyền bảo hộ của Pháp đang
chiến đấu với kẻ thù là Đức, mà khởi loạn chống lại Pháp là phản bội, phải tội tử hình. Bọn thực
dân giao cho Triều đình thuyết phục nhà vua, nếu nhà vua biết ăn năn hối cải thì tha còn không thì
phải mang trọng tội.
Triều đình vẫn không có uy tín với nhà vua, nên mọi lời thuyết phục củaội chẳng có giá
trị gì. Bà hoàng mẫu (Nguyễn Thị Vân Anh) và bà sanh (Nguyễn Thị Định) của vua Duy Tân đã bị
đưa vào an trí ở An Lăng, họ gọi hai bà về vào Mang cá thuyết phục nhà vua, nói điều lợi hại để
nhà vua thay đổi ý kiến cho hợp với thời thế. Mặc dù từ ngày bị giam ở Mang Cá ngày nào vua
Duy Tân cũng viết một lá thư lên thỉnh an hai bà, nhưng nhà vua xin hai bà để cho nhà vua được
từ chối mọi lời khuyên nhủ của hai bà về vận nước.
Cuối cùng Toà Khâm phải điện ra Hà Nội mời toàn quyền Đông dương vào giải quyết.
Toàn quyền ông Đông Dương biết vua Duy Tân nói và viết tiếng Pháp hay, có nếp sống văn hoá
cao nên lựa lời dỗ dành ngon ngọt yêu cầu nhà vua tự kiểm điểm một chút để y can thiệp đưa nhà
vua trở lại ngai vàng. Vua Duy Tân trả lời một cách thẳng thắn:
- Các ngươi muốn cưỡng ép ta làm vua nước Nam, thì phải coi ta như là một ông vua
trưởng thành, hà tất phải đặt phụ chánh và phải giao cho ta đủ quyền hành, ta có thể được trực tiếp
với Pháp và ngoại quốc.
Toàn quyền Pháp cũng bất lực. Không thuyết phục được vua Duy Tân, thực dân Pháp
kỳ hạn trong vòng một tuần lễ phải đưa vụ vua Duy Tân ra xử công khai. Người lãnh đạo cuộc
kháng chiến chống Pháp, phản bội lại nước Pháp phải tử hình. Thượng thư bộ Học Hồ Đắc Trung
được uỷ nhiệm thảo bản án.
Ông Trung trước đây có mắc mớ với vua Duy Tân hai việc. Việc thứ nhất: Lúc vua Duy
Tân mới lên ngôi, triều đình định cử ông Hồ Đắc Trung làm giáo đạo cho vua, nhưng vua không
chịu và yêu cầu đưa ông Tuần vũ Quảng Trị là cụ Mai Khắc Đôn vào dạy; việc thứ hai, khi vua
Duy Tân đến tuổi nạp phi, ông Hồ Đắc Trung tiến Cung một người con gái, nhà vua lại từ chối(l)
và yêu cầu cưới cô Mai Thị Vàng - con gái cụ Mai Khắc Đôn. Tuy vậy, ông Trung vẫn rất yêu
kính vua Dny Tân. Khi được giao viết bản án ông đã tìm mọi cách cứu Duy Tân ra khỏi tội hình.
Ông Trung bàn với các quan đại thần không nên kết tội vua, vì hai lẽ rất chính đáng:
Nước Nam còn chế độ quân chủ. Hôm nay anh em mình lên án Vua, rồi ngày mai còn
mặt mũi nào đối xử với Vua mới mà mình tôn lên để khuông phò. Lẽ thứ hai: tuy tuổi công khai
của Vua là 16 tuổi, nhưng vì vua lúc đăng quang chỉ có 7 tuổi, triều đình đã tăng thêm cho Vua
một tuổi để Ngài có thêm tầm thước mà trị vì, ai ngờ hôm nay lại dựa vào tuổi ấy để luận tội Vua.
Dẫu sao, 16 tuổi cũng còn trong tuổi vị thành niên, theo pháp luật vua chưa có năng lực tự quyền,
phải do người khác thay, làm sao mà dựng ra được một bản án hợp lý.
Các cụ đại thần như Tôn Thất Hân, Trần Đình Bá, Trần Đình Phát tỏ ý tán thành ý kiến
của cụ Hồ Đắc Trung. Họ uỷ thác cho cụ Trung làm án cứu Vua.
Các cụ Trần Cao Vân và Thái Phiên đang ở trong ngọc chờ ngày ra pháp trường. Nghe
trong triều có nghị bàn như thế, các cụ rất mừng và cụ Trần và vào giấy vấn thuốc một cái thư nhờ
người bí mật chuyện tận tay cụ Hồ Đắc Trung.
Cái thư ngắn ấy là một đôi câu đối như sau:
Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thần từ biệt.
Trời còn đó! Đất còn đó! Xã tắc sơn hà còn đó! Mong cho thánh thượng sanh toàn.
Đôi câu đối nói rõ lời yêu cầu của hai nhà cách mạng Thái Trần là họ sẽ chịu hết trách
nhiệm và chịu chết, chỉ yêu cầu ông Hồ Đắc Trung tìm mọi cách cứu cho được vua Duy Tân thoát
khỏi tội tử hình mà thôi (Thánh thượng sanh toàn).
Ông Hồ Đắc Trung làm án đổ hết tội cho hai ông Thái Trần. tân bản án: “ Vọng thính
sàm ngôn, khuynh nguy xã tắc” (Nghe lời dua nịnh, làm cho nền tảng quốc gia bị lung lay một
cách nguy hiểm).
Bốn người bị bắt cùng nhà vua là Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn
Quang Siêu. Bản án viết: “Thuỷ nhi thuỷ hồ thuỷ điếu, thiện tả chiếu văn, kế nhi Thương Bạc đình
thuyền yếu nghinh thánh giá. Hà Trung mạch phạn, Ngũ Phong kê thang, thánh thể phong trần,
giai thử bối vi, chi nghiệt dã”. (Nghĩa là: Ban đầu buông câu ở Hậu Hồ, tự tiện viết chiếu văn, kế
đến đậu thuyền bến Thương Bạc đón rước nhà vua xuống thết vua cơm tẻ ở Hà Trung. cháo gà ở
núi Ngũ phong, mình rồng phải dãi dầu gió bụi, tội nghiệt đều bởi bọn kia gây ra)
Thi hành bản án, bốn ông Trần, Thái, Tôn, Nguyễn đều bị chém đầu tại Cống Chém An
Hoà, vua Duy Tân khỏi tội chết nhưng lại bị đày sang đảo Réunion trên Ấn độ dương (Nam Phi
châu).
Khí tiết
Lúc ở trong Nội hằng ngày vua Duy Tân có cái thú đọc sách, tập thể dục, đánh đàn và
nghệ hoà nhạc nên khi bị giam trong Mang Cá nhà vua thấy rất khó chịu, buồn nhớ các trò giải trí
của mình ở nhà.
Nhưng nhà vua không hề van xin bọn thực dân một sự chiếu cố nào cả. Hằng ngày đi
quanh quẩn trong bốn bức tường vôi lạnh trong khu nhượng địa, nhà vua trầm ngâm suy nghĩ, và
càng suy nghĩ ông thấy càng phải đấu tranh để lật đổ cho được bọn thực dân Pháp.
Đến ngày nhà vua sắp bị dẫn lên tàu vào Nam bắt đầu cuộc hành trình đi đầy, một viên
đại diện của Khâm sứ Huế đến thâm và hỏi:
- Nhà vua có một quỹ tiền riêng lưu trữ tại kho Nội vụ, Ngài có muốn lấy một ít để cầm
tay đi đường không?
Vua Duy Tân đáp một cách lịch sự:
- Tiền đó để cấp cho vua cai trị nước Nam chứ không phải của tôi là một người tù. Hơn
nữa, chính phú bảo hộ không chu cấp nổi cho một người tù sao mà còn phải lấy tiền đem theo. Tôi
không cần đến tiền nong.
Viên đại diện Toà Khâm thấy nhà vua thèm đọc sách bèn hỏi:
- Ngài có một tủ sách quý giá đến mấy ngàn cuốn bằng tiếng Pháp. Ngài có muốn lấy
một bộ nào đem theo đọc cho khuây khoả không?
Vua Duy Tân gật đầu nhận lời ngay và dặn thèm:
- Sách, tôi rất thích. Nhờ ông lấy hộ bộ Histoire de la Revolution Francaisc (Lịch sử
Cách mạng Pháp) của Michelet, nhưng phải lấy cho được trọn hộ.
Viên đại diện toà Khám nghe thế sợ quá, y không dám báo cáo lại với Pháp.
Khí tiết của nhà vua làm cho nhiều người Pháp phải kính phục. Bác sĩ Gaide - đại lá
quân y của đạo thân thuộc địa Pháp và Hội trưởng câu lạc hộ Huế đã đứng đầu một nhóm Pháp
kiều kịch liệt phản đối Chính phủ Pháp bắt giam và rục rịch đầy vua sang đảo Réunion. Những
người này đã gởi một điện văn về Pháp yêu cầu không được bắt và đầy vua Duy Tân. Dư luận
Pháp cũng tán thành nội dung bức điện. Nhưng bọn thực dân Pháp ở thuộc địa vẫn một mực trả
thù hành động yêu nước của nhà vua.
Đi đày
Hành quyết những nhà yêu nước xong, thực dân Pháp đưa vua Duy Tân (giờ đây trở lại
tên cũ là hoàng thân Vĩnh San) vào Vũng Tàu rồi cùng với cựu hoàng Thành Thái bị giam ở đó từ
chín năm trước đày sang đảo La Réunion.
Sau này, có một nhà báo Pháp, ông Charles Wateblet đến đảo gặp hoàng thân Vĩnh San
và được nghe hoàng thân kể lại rằng: Xuống tàu Guadiana đi mất 17 ngày đêm không đỗ lại chỗ
nào cả, tôi đến đây vào ngày 20 tháng 11 năm 1916. Khi ấy tôi mới 17 tuổi (tuổi ta) không chịu
nổi thuỷ thổ thành thử đâm ra đau ốm luôn, đã ba lần phải cơn sốt nặng. Tôi lấy làm tự hào thấy
người bản xứ biệt đãi tôi; tôi cũng sung sướng được xem phong cảnh mỹ lệ của nước họ. Song
những điều tôi được mãn nguyện đó không làm cho tôi quên nước Việt Nam tôi được (Trích lại
của Huỳnh Tôn).
Ông Georges Vĩnh San - con trai trưởng của cựu hoàng Duy Tân, trong buổi lễ truy
điệu tại Huế 6-4-1987, cho biết rõ hơn:
- Chính phủ bảo hộ chấp thuận bản án và đề nghị đày ngài qua đảo Réunion cùng với
thân phụ của Ngài là cựu hoàng Thành Thái. Trở thành hoàng thân Vĩnh San, người ta đưa Ngài
xuống tàu Avardiana cùng với gia đình của Ngài. Khởi hành ngày 3-11-1916, trực chỉ Poutre des
Galets, cảng chính của đảo Reunion. Ngài cập bến ngày 20-11 cùng năm. Hội đồng nhiếp chính
ban cấp cho ngài (và gia đình) mỗi năm 33.000 Fr.”.
Đảo Reunion là một thuộc địa của Pháp từ năm 1642, nằm trên viển Ấn Độ dương,
ngay phía đông châu Phi, diện tích chừng 2500 km 2, dân tình cảm thâm trầm nhuần nhị, một bản
tính trung chính, cương trực và cao quý, một tấm lòng bác ái. Thiếu tá Vĩnh San đã qui tụ trong
mình những đức tính tốt của một con người. (Huỳnh Tôn dịch)
Cựu hoàng Duy Tân là một ông hoàng triều Nguyện ham học hỏi, ham hiểu biết về văn
minh văn hoá Tây phương. Ông không những được ngưỡng mộ về tri thức mà còn được kính phục
bởi phong cách của ông. Ông trang bị kiến thức để phục vụ đất nước, phục vụ công cuộc đổi mới
như ông đã lấy hai chữ Duy Tân làm niên hiệu. Nhờ vào vốn hiểu biết, nhờ có một trình độ kỹ
thuật trong tay nên từ một ông vua phong kiến bị đày ông đã trở nên một người chiến sĩ của quân
đội Đồng Minh đánh phát-xít Đức.
(Theo Geores Vĩnh San và Huỳnh Tôn)
Việt Nam thắng Pháp
Kỷ niệm ngày Pháp-Phổ ngừng chiến, ngày 11-11-1942, chính quyền đảo Réunion tổ
chức một cuộc đua ngựa lớn. Vào chung kết hôm đó có tám nài, cuộc độ 2000 mét.
Trong tám nài có có ba nài là anh em ruột trong một nhà: Ngựa số 1 do Vĩnh Chương,
53 kg, chủ ngựa là ông Paul Robert ở Saint Dcnies; ngựa số 3 do Vĩnh San (tức cựu hoàng đế Duy
Tân), 48 kg, chủ ngựa ]à ông Manicon (người Ấn Độ) ở Saint Maric; ngựa số 7 do Vĩnh Khôi
cưỡi, 51 kg, chủ ngựa là cựu hoàng Thành Thái.
Cuộc đua thật hồi hộp căng thẳng. Nhưng lạ thay, ngựa của ba hoàng tử con cựu hoàng
Thành Thái đã về đầu được xem như đồng hạng. Năm con ngựa người Pháp làm nài về sau đến 50
mét. Vì ngựa của ba chuồng nên các chú ngựa đã tranh nhau, cuối cùng ban tổ chức phải gạch một
đường ngang. Con đường này cho thấy ngựa mang số 3 do Vĩnh San làm nài về trước (giải danh
dự), ngựa mang số 1 do Vĩnh Chương làm nài sau chừng 10 cm về thứ nhì (giải nhất đồng hạng)
và ngựa mang số 7 do Vĩnh Khôi làm nài về thứ ba (hạng nhì). Thứ tự này trùng hợp với vị thứ
của ba anh em trong gia đình (ở Réunion), anh lớn, anh giữa và em út.
Những người chuyên nuôi ngựa đua đã nghiên cứu cách đua của cựu hoàng Duy Tân.
Họ xác nhận rằng cựu hoàng Duy Tân đã dùng thủ đoạn vào giờ quyết định ông đã lao lên nắm
trên cổ ngựa buộc con ngựa phải bật lên chồm đến đích.
Mục kích thấy ba người con thắng cuộc về bang, cựu hoàng Thành Thái vỗ tay kêu lên:
- Ta đã thắng Pháp rồi đó!
Cựu hoàng Duy Tân áo quần đang nhễ nhại mồ hôi bổ túc:
- Không riêng gì gia đình ta thắng Pháp mà toàn thể dân tộc ta phải thắng Pháp.
Để thưởng cho những người thắng cuộc, các chủ ngựa số 1 và số 3 đã chiêu đãi gia
đình hai cựu hoàng Thành Thái - Duy Tân một bữa tiệc ngay trong toà Đô Chánh ở Saint Dénis.
(Theo lời kể của Vĩnh Cầu, con trai út của Thành Thái, sinh năm 1924 tại Réunion)
Tìm thấy mình
Vĩnh San là người thiết kế và điều khiển đài vô tuyến của đảo Reunion. Đó là phương
tiện độc nhất của đảo liên lạc thường xuyên với bên ngoài.
Đài vô tuyến đặt trong một “cửa hàng” do chính Vĩnh San làm chủ tại Saint Dénis
Vào đêm 18 tháng 6 năm 1940, sau khi nghe chiến thứ hai bùng nổ một thời gian, với
máy thính thị đeo bên tai, Vĩnh San đã nghe được lời kêu gọi kháng chiến của De Gaulle phát đi
từ London. Vĩnh San nghe với tâm trạng của hoàng đế Duy Tân - ngọn cờ của cuộc khởi nghĩa
chống Pháp năm 1916. Một người mang tội phản loạn bị đày theo dõi tiếng nói hào hùng của một
người cũng mang tội “phản loạn” đang chiêu binh tậu mã kháng chiến. Không giữ được xúc động,
tiếng nói của De Gaulle vừa dứt, cựu hoàng Duy Tân ôm đầu khóc.
Ông đứng dậy, tháo ống nghe đặt lên bàn và nhắc lại một vài đoạn trong lời kêu gọi mà
ông thích nhất với cái tổng kích động của tướng De Gaulle:
“... quân đội ta bại trận đã điều đình với địch ngưng cuộc giao tranh...
Nhưng họ nói lời cuối cùng hay chưa? Chúng ta không còn hy vọng nữa hay sao?
Cuộc bại trận này có phải là chung quyết không? Không!
Đồng bào hãy tin tôi, tôi nói chuyện với đồng bào như một người hiểu biết vấn đề, tôi
xin thưa rằng nước Pháp chưa mất gì cả. Vẫn những phương tiện địch đã dùng để đánh bại ta, sẽ
có ngày ta dùng trởlại để chiến thắng địch.
Dù có xảy ra những biến cố nào, ngọn lửa thiêng kháng chiến cũng không thể tắt được
và sẽ không bao giờ tắt”.
Tiếng De Gaulle kêu gọi dân mình như chính tiếng lòng cựu hoàng Duy Tân đã kêu gọi
trước đó gần hai mươi năm. Ngọn lửa trong tâm hồn Duy Tân ấp ủ trong bao nhiêu năm bỗng
bùng lên. De Gaulle là Duy Tân của Việt Nam. Nhưng Duy Tân vừa dấy lên đã thất bại, còn De
Gaulle dấy lên với đầy sức sống. Duy Tân chống thực dân Pháp ở Đông Dương quyết liệt nhưng
ông rất yêu mến kính trọng nền văn minh văn hoá Pháp, nền văn minh văn hoá ông đã được hấp
thu song song với văn minh văn hoá Việt Nam từ buổi thiếu thời. Không thể để cho nước Pháp bại
trận. De Gaulle trong lòng Duy Tân như vị cứu tinh của nước Pháp. Duy Tân phải đứng về phía
kháng chiến của nước Pháp tự do để chống lại bọn Quốc xã diệt chủng. Và chỉ có cách thế ấy Duy
Tân mới thoát ra khỏi cảnh đày ải tại Reunion để hợp pháp đòi lại độc lập tự do cho đất nước ông.
Đáp lại lời kêu gọi của De Gaulle, cựu hoàng Duy Tân không đợi đến lúc bắt được liên
lạc mới hành động. Ông quan niệm trong tình hình vô vọng nhất chỉ có chiến đấu mới mong cỏ
được hy vọng. Duy Tân thành lập quanh ông một tổ kháng chiến. Hàng ngày đồng hào Reunion
đến cửa hàng của ông nghe thời sự.
Ông phụ trách việc liên lạc với đảo Maurice. Nhờ ông mà London biết được Reunion
đã theo De Gaulle và yêu cầu họ tham gia kháng chiến.
Nhà cầm quyền thuộc chính phủ bù nhìn Vichy thấy nhóm Duy Tân hoạt động dữ quá
bèn bắt ông bỏ tù, tịch thu và phá huỷ máy vô tuyến điện (5-1942). Sau sáu tuần lễ bị giam, Duy
Tân ra khỏi tù lại lắp máy tiếp tục hoạt động với cường độ mạnh hơn.
Ông Vĩnh San đã tìm thấy mình (Hoàng đế Duy tân) trong những hoạt động kháng
chiến giải phóng nước Pháp.
Nhờ thế khi kháng chiến thành công ông đã được trao huy chương kháng chiến
(Médaille de la resistance).
(Theo De Gaulle, Gorge Vĩnh San Thebault)

Khát vọng đất liền


Reunion năm 1936...
Hai mươi năm cô quạnh, đêm đêm gởi theo ngọn sóng vỗ về phía đông tất cả tấm lòng
nhớ nước của mình. Không hy vọng gì được về nước, ông có một khát vọng đất liền, ông muốn
sang châu Âu để thi thố tài năng. Nhân nghe Mặt trận bình lân lên nắm chính quyền ở Pháp và có
chuyện thả tù chính trị, ông không ngại ngùng viết cho chính phủ Bình dân một lá thư nói rõ
nguyện vọng muốn sang sinh sống ở Pháp. Trong thư ông giải thích thái độ của ông đối với sự
kiện 1916 - sự kiện đã đưa đến việc ông bị đày.
Đúng như lời ông đã tâm sự với một người bạn Pháp là ông Thebault:
“Cho đến bây giờ tôi đã hiểu sự kiện 1916 là một việc điên rồ. (Tôi chịu trách nhiệm về
tất cả sự điên rồ ấy). Nó không thể nào thành công, nó chỉ dẫn đến một sự đẫm máu như nó đã
diễn ra. Nhưng, lúc ấy tôi không nhận lời cầm đầu cuộc khởi nghĩa ấy, tôi sẽ là một người hèn
nhát dưới mắt của dân tộc tôi, một kẻ phản nghịch đối với xứ sở và với tổ tiên tôi, một kẻ bất lực
trước việc bảo vệ tổ quốc, lèo lái dân tộc không xứng đáng với ngai vàng mà tôi nhận lãnh”.
Có phải vì sự thật thà ấy mà chính phủ Pháp lúc ấy không trả lời thư ông hay vì mặc dù
là chính phủ Bình dân nhưng chỉ “bình dân” với những người bỏ phiếu còn không “bình dân” với
những người tù chính trị ở thuộc địa.
Cho mãi đến cuối năm 1942, sau khi ông đã có thành tích kháng chiến, ông xin tòng
quân với Pháp ngay khi đảo Réunion thay đổi từ chính quyền Vichy sang chính quyền của tướng
De Gaulle. Việc tham gia quân đội Pháp của ông với mục đích thoát khỏi Réunion để sang Châu
Âu. Lúc đầu ông được tạm tuyển làm premier radio maitre (phụ trách vô tuyến điện) trên khu trục
hạm chống ngư lôi Le Leopard vừa cập bến Saint Denis. Hằng ngày, ông đem những bức điện tín
đến cho viên thiếu tá De Boissieu và ông thuyết minh về những bức điện đó rất đúng. Anh binh
nhì người Việt Nam nhỏ thơ này đã lọt mắt xanh, không những của viên thiếu tá De Boissicu mà
còn của cả vị tướng Legentiihomme, Cao uỷ Pháp tại Ấn Độ. Họ không ngờ anh binh nhì thông
minh ấy lại được đồng bang trên tàu rất kính nể. Tìm hiểu mới biết con người ấy là cựu hoàng đế
Duy Tân. Tướng Legentiihomme thấy không nên giữ trên tàu, với tư cách là premier radio maitre,
một ông hoàng “có thể phục vụ cho chính nghĩa ở Đông dương”. Tướng Legenlilhomme ra lệnh
cho De Bossieu phải thảo một bức thư gởi cho tướng De Gaulle đề nghị gởi ông Vĩnh San sang
Anh để học trường học sinh sĩ quan Ribbeeford. Nhưng Bộ thuộc địa đã cản trở không cho Vĩnh
San đi Anh và cũng không cho Vĩnh San phục vụ trên tàu. Như thế, sau hai mươi hai ngày làm
việc trên chiến hạm Vĩnh San phải lặng lẽ trở lại đảo Réunion.
Rốt cuộc đến cuối năm 1944, Vĩnh San lại đầu quân làm binh nhì rồi hạ sĩ quan bộ binh
ở đảo. Mặc dù ông mặc áo lính, nhưng vẫn có lịnh không cho ông rời khỏi đảo.
Vĩnh San không ngạc nhiên chút nào. Ông cố gắng chịu đựng cuộc sống nửa là lính
nửa là tù giam lỏng trên đảo.
Đến tháng 3-1945, De Boissieu được gọi về bộ tham mưa riêng của tướng De Gaulle ở
Paris, De Gaulle giao cho De Boissieu lo liệu việc đưa ông Vĩnh San qua Paris để Vĩnh San được
nhìn tận mắt sức mạnh của quân đội giải phóng Pháp và để kịp tham dự phần chót của cuộc chiến
trận (diệt Đức quốc xã) theo sự mong muốn của ông Vĩnh San36.
Nhưng không ngờ đến giờ phút ấy Bộ Thuộc địa vẫn tìm cách can ngăn việc Vĩnh San
qua Paris. Nghe chuyện ấy ông De Gaulle nổi khùng, trực tiếp ra lệnh khẩn trương bằng điện báo
cho Đại tướng tổng chỉ huy Madagasscar tổ chức gấp cho hoàng thân Vĩnh San sang Paris trong
thời gian ngắn nhất.
Đặt chân lên Paris vào tháng 6-1945, Vĩnh San cảm thấy như người chết đi sống lại.
Trong vòng mười năm, bốn lần khẩn khoản sang châu Âu nhưng đều bị từ chối. Nếu không có sự
can thiệp của De Gaulle thì chưa biết đến bao giờ Vĩnh San mới thoát được hòn đảo khắc nghiệt
giam cầm ông gần 30 năm đó. Lòng dạ sẵn mối cảm phục, bây giờ lại thêm cái ơn giải thoát này,
đối với Vĩnh San lúc ấy, có còn ai vĩ đại hơn De Gaulle nữa đâu! Lòng khâm phục và sự biết ơn
đó chắc đã làm cho cái nhìn của Vĩnh San về De Gaulle thiếu khách quan chăng? Làm cho Vĩnh
San không thấy được những mưu đồ của De Gaulle về mình chăng?
Vĩnh San gặp lại De Boissieu và Thébault trên chất Pháp thật thú vị. Họ ôm hôn nhau
thắm thiết. Vĩnh San rất bằng lòng những việc người Pháp lo liệu cho ông, ông khen là nghiêm
túc. Ông cảm thấy ngày về Việt Nam của ông không còn xa nữa.
Vĩnh San lòng tràn đầy tin tưởng. Thấy ông tin tưởng quá những người thân của ông
cảm thấy lo ngại. Họ muốn nói với ông một sự thực nhưng chưa tiện nói..
Vĩnh San ơi, ông De Gaulle khi cầm quân kháng chiên giải phóng nước Pháp khác với
ông De Gaulle nắm chính quyền để quốc Pháp rộng khắp thế giới. Vĩnh San đang trong vòng tay
của ông De Gaulle thứ hai này.
(Theo De Boissieu và Thébault và nhiều tài liệu khác)
Con chim khách báo tin
Nhận được tin De Gaulle trực tiếp can thiệp để ông qua Pháp, Vĩnh San vô cùng sung
sướng. Ông báo ngay việc đó với phụ hoàng Thành Thái vẫn đang còn bị giam lỏng ở Réunion.
Hình như phụ hoàng không cùng một sự phấn khởi như ông.
Khi ghé qua Brazzaville sẵn mối xúc động tràn ngập trong lòng, Vĩnh San viết ngay
một bài kêu gọi rồi mượn một làn sóng điện gởi về cho dân lộc Việt Nam đang đau khổ duỗi gọng
kìm của phát-xít Nhật Bản. Ông muốn người Việt Nam được nghe lời ông phát đi từ Brazzaville
giống như ông đã được nghe lời kêu gọi phát đi từ Luân Đôn của De Gaulle năm nào. Đối với Việt
Nam, nhiệt tình của Vĩnh San không thua nhiệt tình của De Gaulle với Pháp, nhưng với tài năng
về văn chương Pháp ngôn ngữ Pháp thì Vĩnh San và De Gaulle chưa chắc ai đã hơn ai.
Lời kêu gọi phát ra đêm 10-6-1945 như sau: Các người hãy nhận rằng trước khi mặt
trời lặn, một con chim đến. Ai cũng biết là con chim báo khách, đến kêu trước song cửa sổ của
nhà các người ở, rồi các người tự hỏi không biết khách nào sẽ đến vậy? Thì đây chính là ta đó,
người lão thành này đã từng suy nghĩ giúp các người. Từ lâu, từ lâu lắm nay là lần đầu tiên ta mới
lại nói chuyện cùng các người, nếu cái giọng ta không được trong lắm chính vì nó đã đượm tình
thân ái sắt son của chúng ta đối với nhau.
Hãy tạm quên những nỗi đau khổ, hãy tạm quên cả những sự vui vẻ mà nghe Hồn Tổ
Quốc kêu gọi con em rồi bảo rằng: “Hỡi con dân nước Việt, các người đã làm chi cho ta chưa,
trong khi các dân tộc trên thế giới xới đất, khai quặng, thiết lập nhà máy, dẫn nước vào sa mạc,
xây dựng thành trì, cố tiến vào công việc để bồi đắp cái di sản của họ, dẫu có nguy đến tính mạng
cũng chẳng quản ngại. Còn các người đã làm chi cho ta? Những thế hệ sau đời vua Tự Đức đâu đã
làm gì để cho phong phú, kỳ vĩ và oai hùng cái di sản để lại cho các người? Từ Bắc chí Nam mà
nghe nhiều tiếng kêu la, ta cảm thấy nhiều sự vận chuyển làm rung động đến cả cội rễ những cổ
thụ. Liệu các người có làm cho ta thành một bãi hoang vu mà những kẻ vô lương tâm tranh giành
để trị lẫn nhau? Liệu các ngươi xưa nay chỉ dùng lời nói để tự vệ các ngươi có dâng ta cho những
kẻ trả công các người bằng những lời hoa mỹ? Bởi vì tất cả những thứ mà họ cho các người toàn
là những lời nói khéo mà thôi; giá trị của các người, sự phú cường của các người; nền độc lập của
các người, chỉ có ta đem lại cho các người thôi. Các người hãy nghiêng mình mà nghe cho rõ
những lời ta dặn: các người hãy làm sao cho ta cung cấp được khả năng của ta, các người hãy khai
thác hết nguyên liệu của ta, xây nhà máy, dựng thành phố trên lưng ta. Sau hết hãy hoà hợp trong
một tâm hồn chung.
Hãy nhớ trang hoàng đế Gia Long, các bậc tổ tiên của các người đã chẳng quản tấm
thân vì đại nghĩa để chung đúc cho các người một danh dự và một lịch sử vẻ vang. Đừng có bán
cái lịch sử quý báu đó đi trong một lúc mãnh liệt” (Bản dịch của Huỳnh Tôn).
Xa nhà ngót ba mươi năm, bị giam lỏng trên đảo trơ vơ ngoài Ấn Độ dương, nhưng
tấm lòng của cựu hoàng đế Duy Tân vẫn không nguôi một nỗi nhớ thiết tha. Rất tiếc lúc đó ở Việt
Nam tất cả các máy vô tuyến đều bị Nhật tịch thu, không mấy ai được nghe lời kêu gọi thống thiết
này. Lịch sử trân trọng một tấm lòng yêu nước. Không ai đòi hỏi sự đầy đủ chuẩn xác của một
người tù.
(Theo H.B. Đoàn Kết. Paris 7-1987 và theo Huỳnh Tôn)
Con bài
Có lẽ tướng De Gaulle để ý đến cựu hoàng Duy Tân ngay khi ông nghe báo cáo đồng
bào đảo Réunion đã nhờ phương tiện vô tuyến điện của cựu hoàng Duy Tân mà nghe được Lời
kêu gọi của ông đọc tại Luân Đôn, và họ đã đứng về phía ông. Nhưng phải đợi đến lúc ông nhận
được bức thư của tướng Legentithomme từ tàu Léopard gọi đến với lời đề nghị không thể giữ trên
chiến hạm này một ông hoàng “có thể phục vụ cho chính nghĩa Đông Dương”, ông mới có quyết
định dùng cựu hoàng Duy Tân như một con bài trong “Kế hoạch mật” của ông.
Ngày 25-3-1945, ông bộ trưởng chiến tranh Pháp Diethelm, gọi Le Boissieu đến trình
diện. Ông bộ trưởng nói:
- Tướng De Gaulle quyết định đưa hoàng thân Vĩnh San về Pháp nên cần phải có một
sĩ quan đã từng biết ông ta ra đón tiếp. Tướng Legentilhomme nói với tôi: ông (tức Dc Boissieu) ở
trong trường hợp đó. Vì vậy ông sẽ được bổ dụng vào phòng quân sự của tướng De Gaulle.
De Boissieu không thích làm việc đó nên ông đã yết kiến De Gaulle trình bày hoàn
cảnh của ông ta. De Boissieu là một sĩ quan đang có tín nhiệm, phải rời bỏ sư đoàn 2 thiết giáp là
một việc đối với ông là “rất đau khổ”.
Tướng De Gaulle thuyết phục De Boissieu, ông giải thích vì sao ông chú trọng đến
hoàng thân Vĩnh San, vì “trong thời gian đầu phải tái lập nền quân chủ ở Đông Dương” (car il
taudrait, dans ùn premier temps, rétablir la monarchie en Indochine). De Gaulle nói:
- Anh là người đã biết rõ hoàng thân Vĩnh San ở trên tàu Léopard và ở Réunion, hãy
chuyện trò với ông ta, cố làm sao biết được ông ta nhìn tương lai đất nước ông ta ra sao, vai trò
ông ta sẽ đóng khi được về nước ông như thế nào? Dẫn cho ông ta đến thăm những đơn vị hùng
hậu của chúng ta, đặc biệt các đơn vị của các bạn anh ở Sư đoàn 2 thiết giáp. Đưa ông ta đi tham
quan các trường võ bị, thành phố Paris, để ông ta hiểu thế nào là nước Pháp, sau đó tôi sẽ đưa ông
ta đến một đơn vị ở tiền tuyến để ông ta tham gia vào những trận đánh cuối cùng cho nước Pháp”.
Không cũng được lịnh của De Gaulle, từ đó De Boissieu chính thức là người đại diện
của tướng De Gaulle bên cạnh hoàng thân Vĩnh San.
Bộ Thuộc địa không hiểu hoặc không muốn làm theo kế hoạch mật của De Gaulle (Có
lẽ họ đã có một kế hoạch khác nên họ vẫn tiếp tục làm trở ngại việc cựu hoàng Duy Tân đến
Paris). Tướng De Gaulle nổi cơn thịnh nộ, ông trục tiếp ra lệnh khẩn trương bằng điện báo cho đại
tướng tổng chỉ huy đảo Madagasscar gởi gấp hoàng thân Vĩnh San đến Paris trong thời gian ngắn
nhất. Lệnh gởi đến ngày 5-5 nhưng phải đến tháng sáu hoàng thân mới đặt chân lên Paris. Lúc ấy
thì Đức quốc xã đã bị đánh bại, chiến tranh ở Châu Âu đã chấm dứt. Hoàng thân Vĩnh San mất cơ
hội tham chiến. Tuy thế, theo lịnh De Gaulle, De Boissieu vẫn tiếp tục tạo điều kiện cho cựu
hoàng Duy Tân “xuất hiện”. Hoàng thân được đi tập sự ở một số đơn vị như đã dự chiến trận. Tạo
uy thế cho “con bài” (Theo kế hoạch mật của De Gaulle), De Gaulle đã ký trong cùng một ngày
sắc lệnh 29-10-194537 ông Vĩnh San được phong thiếu uý vào ngày 15-12-1942; trung uý (5-12-
1944); đại uý (12-1944) và tiểu đoàn trưởng, tương đương thiếu tá vào ngày 25-9-1945).
Và cuối cùng, vào ngày 14-12-1945 De Gaulle chính thức gặp hoàng thân Vĩnh San và
hứa vào khoảng tháng 3 năm 1946, De Gaulle sẽ cùng cựu hoàng về Nam kỳ. Kế hoạch tạo một
“con bài” chính trị của De Gaulle được thực hiện tỷ mỉ, tuần tự. De Gaulle nắm phần chắc trong
tay. Chỉ có một khâu De Gaulle sai lầm là sắp cựu hoàng Duy Tân (Vĩnh San) với Bảo Đại (Vĩnh
Thuỵ) ngang hàng với nhau.
Một bên từ trong máu huyết có một khát vọng được độc lập tự do, một bên được đào
tạo từ tấm bé để cộng tác với Pháp. Bởi thế, kế hoạch mật của De Gaulle muốn đưa Duy Tân về
làm bù nhìn thay cho Bảo Đại đã gãy đổ ngay khi ông nhận được Di chúc chính trị của cựu hoàng
Duy Tân. Cái Di chúc chính trị đó đã lật ngửa lá bài bí mật của De Gaulle. Cựu hoàng Duy Tân
phải gánh chịu hậu quả của việc lật ngửa “con bài” ấy.
Di chúc chính trị
Từ ngày đặt chân lên Paris Vĩnh San rất vui vẻ, hăng hái hoạt động chính trị để làm
một cái gì trước khi về lại đất nước. Nhưng đến hồi trung tuần tháng 12-1945, thời điểm có những
sự kiện chính trị quan trọng nhất đối với ông. Ông lại có lỉnh cảm sẽ gặp những chuyện không
lường trước được.
Để đề phòng những chuyện bất trắc, ông quyết định viết một bản Di chúc chính trị,
trong đó ông trình bày quan điểm chính trị của ông về Việt Nam.
Bản Di chúc chính trị (Testament politiquc) này Vĩnh San nói rõ ba vấn đề: Thống nhất
ba Kỳ, độc lập, hợp tác mật thiết với nước Pháp. (Nội dung này cũng được ông đưa vào phát đi
ngày 14-12-1945 tại Paris, và không hiểu vì một ý đồ gì mà mãi đến ngày 16-7-1947 báo Combat
mới trích đăng).
Viết xong bản di chúc chính trị, Vĩnh San rất thoả mãn, ông mang tặng hai người Pháp
thân thích nhất của ông bà Thebault và De Boissieu, mỗi người một bản. Xem xong hai người bạn
ông tái mặt. Họ lo sợ cho ông. Bởi vì lúc ấy những tư tưởng như thế là rất cách mạng. Muốn đạt
được những nguyện vọng như thế phải đổ núi xương sông máu chứ đâu phải chỉ với ba tấc lưỡi
mà có thể đạt được. Những ý tưởng của Vĩnh San thật quá cách xa với kế hoạch mật của De
Gaullc sẽ thi hành ở Đông Dương.
De Boissieu có trách nhiệm báo cáo tất cả những hoạt động chính trị của Vĩnh San với
De Gaulle cho nên khi đọc xong bản Di chúc chính trị của Vĩnh San ông ta rất lo lắng.
Cầm bản Di chúc trong tay, De Boissieu đi rón rén từng bước tiến về phía bàn làm việc
của De Gaulle và ông tự hỏi: Không biết chuyện gì sẽ xảy ra đây? Bầu không khí trong phòng làm
việc của De Gaulle bỗng dưng im lặng khác thường. De Boissieu nín thở để chờ thái độ của De
Gaulle.
Đọc xong bản Di chúc chính trị của Vĩnh San, De Gaulle buông một câu gọn lỏn:
- Được phải chăng ông hoàng này cũng có giá đấy!
Thấy thái độ của De Gaulle không có gì căng thẳng lắm.
De Boissieu (thiếu tướng, con rể của De Gaulle tranh thủ trình bày những điều tốt lành
về Vĩnh San với người lãnh đạo có quyền nhất nước Pháp.
De Gaulle lặng thinh một lúc rồi đáp:
- Tôi sẽ tiếp ông ta.
(Theo De Boissieu và nhiều tài liệu khác)
Ba mươi năm lưu đày vẫn không thay đổi
Để tránh việc Bộ Thuộc địa có thể làm trở ngại cho “kế hoạch mật” của mình, ông De
Gaulle giao cho Uỷ ban Đông dương thuộc phòng Đổng lý của ông quản lý cựu hoàng Duy Tân
tại Paris. Người đứng đầu uỷ ban này là viên toàn quyền Langlade. Langlade biết Thébault là
người hiểu rõ cựu hoàng Duy Tân, y cho triệu Thébault đến và đặt cho Thébault nhiều câu hỏi có
liên quan đến cựu hoàng. Nhân cơ hội ấy, Thébault đã trình bày hết sự thật, những điều hay, tốt về
cựu hoàng. Ông đã nói một cách thẳng thắn và có trách nhiệm rằng:
Phải lưu ý điều này. Nếu Ngài muốn ông ta (tức cựu hoàng Duy Tân) lên ngôi An nam,
chắc chắn ngài sẽ có một đối thủ tin cậy được. ông ta không phải là một ông vua bình thường.
Ông ta sẽ tự quản, sẽ tự quyết định mọi việc. Ông ta có tài năng của một vị lãnh tụ và muốn mình
là người lãnh đạo. Nếu ngài cần một ông vua chỉ để trang trí, có bộ dạng bên ngoài, thì tốt hơn hết
là Ngài nên chọn người khác.
Sau buổi gặp Langlade, Thebault gặp lại cựu hoàng Duy Tân. Thebault kể hết đầu đuôi
câu chuyện và cho biết ý của tướng De Gaulle là sẽ đưa Duy Tân về nước và sẽ có một lễ đăng
quang long trọng. Cựu hoàng cho đó là một điều người ta đã xúc phạm ông. Ông trả lời Thébault
một cách dứt khoát:
- Không có việc phong chức, không có việc đăng quang, cũng chẳng có đăng vị gì cả.
Tôi chẳng bao giờ thoái vị, tôi luôn luôn là một ông vua hợp pháp (trong lòng dân tôi). Tôi về
nước tôi, chỉ có thế. Tôi ngồi lại cái ghế của tôi, giống như thể tôi đi xa mới trở về.
Sau ba mươi năm bị lưu đày mà tính cương quyết của cựu hoàng Duy Tân vẫn không
thay đổi.
(Theo Bửu Kỉnh Mondes et Cultures XIIV- 4-7 décembe 1984, trang 82)
Gặp gỡ đầu tiên hay cuối cùng
Cho đến cái ngày “lịch sử” 14-12-1945 Vĩnh San rất tin tưởng vào vị “cứu tinh” của
mình là De Gaulle. De Gaulle cho Vĩnh San niềm tin một người “phản loạn” có thể trở thành quân
vương (tức De Gaulle) Vĩnh San đã là vương rồi bị kết tội “phản loạn” thì việc Vĩnh San trở lại
ngôi vương cũng có thể thực hiện được. Người có thể giúp cho Vĩnh San hoàn thành cái việc phi
thường đó chính là De Gaulle. Vĩnh San nghĩ như thế.
Chiều ngày nói trên, De Boissieu đưa Vĩnh San vào yết kiến De Gaulle, Vĩnh San dưới
mắt De Gaule như thế nào đã được chính De Gaulle ghi lại trong Hồi ký chiến tranh38 của mình
như sau:
“Để theo đuổi những mục tiêu có lợi về sau, tôi đã nuôi dưỡng một kế hoạch mật. Cần
phải cung ứng cho cựu hoàng Duy Tân những phương tiện để ông ta có dịp tái xuất hiện nếu như
người kế vị cùng họ hàng của ông là Bảo Đại đã bị loại bỏ (dépassé) trước những biến cố vừa qua.
Nhà cầm quyền Pháp đã truất ngôi Duy Tân năm 1916, ông trở thành hoàng thân Vĩnh San và bị
đày sang đảo Réunion, dù sao đi nữa thì trong cuộc chiến tranh này ông cũng đã thành tâm phục
vụ trong quân đội Pháp. Ông có cấp bậc thiếu tá. Một người có nhân cách vững vàng (C’est une
personnalité forte).
Ngót ba mươi năm đi đày thế nhung không hề xoá được hình ảnh ông vua đó trong tâm
hồn người Việt Nam. Ngày 14-12, tôi tiếp ông ta, một cuộc gặp gỡ giữa người và người, cùng
nhau xem xét thử chúng tôi sẽ cùng nhau làm việc gì đây”
Ông Vĩnh San có lẽ đã loá mắt trước ánh sáng của De Gaulle, ông rất tin tưởng. Con
trai trưởng của ông là Georges Vĩnh San, trong bài tưởng niệm cựu hoàng đế Duy Tân nhân lễ cải
táng hài cốt của ông tại Huế (6-4-1987) đã khẳng định:
“Ông ta (De Gaulle) đã đồng ý với kế hoạch chính trị của Ngài (tức cựu hoàng Duy
Tân) (Dĩ nhiên còn rất nhiều điểm chưa giải quyết), mà Ngài đã xem như thứ yếu (ngoại giao,
quốc phòng.. v.v). Ngài rất tin tương ở tương lai sau cuộc hội kiến ấy Ngài đã từng tuyên bố:
tướng De Gaule đã đồng ý, ông ta hứa sẽ về Việt Nam với ta vào khoảng tháng 3- 1946 để ký các
văn kiện (chính trị). Ngài đã loan tin vui cho các bạn của Ngài”
(dịch theo bản tiếng Pháp).
Những người không bị De Gaulle mê hoặc cho rằng cuộc gặp gỡ 14-12-1945 giữa De
Gaulle và cựu hoàng Duy Tân chỉ đạt được mấy điểm: De Gaulle và cựu hoàng đồng ý sẽ cùng
nhau bàn một số việc sẽ thực hiện ở Việt Nam (cụ thể những điểm gì thì chưa nói); tháng 3 năm
1946 De Gaulle sẽ cùng cựu hoàng sang Đông Dương. Về phía De Gaulle, ông ta đã được nhìn
tận mắt “lá bài” trong “kế hoạch mật” của ông, và ông có một lời thẩm định (juger) về cựu hoàng
Duy Tân là một con người có nhân cách mạnh mẽ”. Ông sẽ đưa con người có nhân cách ấy trở lại
ngôi vua. Về phía Duy Tân, những điểm cơ bản trong Di chúc chính trị của Người không hề được
De Gaulle đếm xỉa đến.
Thế nhưng cựu hoàng Duy Tân vẫn rất tin tưởng De Gaulle. Xưa nay, những gì không
có cơ sở thực tế không bao giờ có thể trở thành hiện thực được.
(Theo De Gaulle và Georges Vĩnh San)
Kế hoạch mật
Bị Đức quốc xã tiến đánh dữ dội, De Gaulle vượt biển Manche sang Anh với hai bàn
tay không. Giữa đại dương thảm bại, De Gaulle chỉ còn một tia hy vọng cho rằng ưu thế của nhân
loại là tinh thần dân chủ; tinh thần đó sẽ đưa nhân loại đến chiến thắng bọn độc tài phát xít. Nước
Pháp đã bị chiếm đóng, De Gaulle có một kể hoạch tỉ mỉ sử dụng nhân tài vật lực của các nước
thuộc địa làm sức mạnh cho mình.
Tinh thần dân chủ De Gaulle dành cho nhân dân ông và nhân dân các nước đồng minh
của ông, còn đối với dân thuộc địa thì phải thận trọng. Với thuộc địa Việt Nam, De Gaulle đã có
một "kế hoạch mật" để áp dụng khi tiếng súng phe Trục vừa ngưng. Kế hoạch đó ông đã thú nhận
khi đề cập đến cựu hoàng Duy Tân.
"Để theo dõi những mục tiêu có lại về sau, tôi đã nuôi dưỡng một kế hoạch mật".
Điều đó có nghĩa cựu hoàng Duy Tân được De Gaulle chú ý tới như một "con bài" chứ
không phải là một con người "có tài năng và nhân cách mạnh mẽ" để thay mặt cho người Việt
Nam nhận lãnh nền "độc lập, dân chủ, thống nhất" trong tay thực dân Pháp. "Con bài" đó là gì?
De Gaulle đã giải thích với De Boissieu ngay khi tiếng súng đánh phát-xít Đức chưa dứt (tháng
5~1945):
"Sở dĩ tôi chú ý đến hoàng thân Vĩnh San vì trong thời gian đầu (khi trở lại Đông
Dương) phải tái lập nền quân chủ ở đó".
Trong thực tế De Gaulle đã lãnh đạo cuộc tái chiếm Việt Nam ra sao.
Hãy nghe De Gaulle căn dặn tướng Leclerc trước khi ông này dẫn quân qua lấy lại
thuộc địa Đông Dương, De Gaulle nói:
"Đối với Lào và Cambodge, sự hiện diện của vương triều còn vững, tình hình có thế
cách ly được với những xáo trộn hiện nay. Đối với Việt Nam, công việc thật phức tạp.
Tôi quyết định nước Pháp phải đi dần từng bước, anh phải chiếm lĩnh, trước hết ở Nam
kỳ, và Cambodge, còn việc ra Trung thì để sau hết. Trong lúc đó, đối với Bắc kỳ, anh chỉ được
đưa quân ra khi có lịnh tôi. Tôi chỉ có thể ra lịnh khi tình thế đã sáng tỏ, (điều ấy có nghĩa là) dân
chúng Bắc kỳ đã chán ngấy vì sự có mặt của quân đội Tàu, và khi đạt được quan hệ giữa Sainteny
và Hồ Chí Minh".
Ngày 5-10-1945 Leclerc đêm quân đến Sài giòn. Quân Pháp được quân Anh (đang giải
giới quân đội Nhật) ủng hộ, giúp đỡ đón quân viễn chinh Pháp vào. Leclerc tuyên bố sẽ "bình định
Nam bộ". Ngày 31-10-1945, D'argenlieu ở Sài gòn nhận được điện do chính tay De Gaulle viết
căn dặn cặn kẽ "không hứa hẹn và không để Việt Minh buộc mình hứa hẹn gì cả". Và chỉ trong
vòng hai tháng, quân Pháp đã chiếm hết vùng Nam bộ, xua quân ra tận Nha Trang và sẵn sàng
hành quân thôn tính nốt vùng Cao nguyên.
Đầu năm 1946, trong việc điều đình với chính phủ VNDCCH, Đô đốc D' Argenlieu xin
De Gaull được dùng chữ "Việt Nam độc lập", nhưng De Gaulle vẫn thận trọng không cho. Thậm
chí khi đã mất chức (20-1-1946) De Gaulle vẫn còn căn dặn ông Laugentie: "Chớ để Nam kỳ cho
ông Hồ chí Minh".
De Gaulle rất "cứng rắn" trong lập trường lập lại thuộc địa ở Việt Nam. Có lẽ vì thế mà
khi tiếp Vĩnh San vào ngày 14-12 năm ấy De Gaulle không một lời hứa hẹn, không một quyết
định cụ thể nào. Điều xảo quyệt nhất của De Gaulle là không đính chính những gì Vĩnh San hy
vọng về mình. De Gaulle tin vào sức mạnh dân chủ nhờ đó De Gaulle đã chiến thắng. Vĩnh San hy
vọng De Gaulle sẽ dành tinh thần "cởi mở dân chủ" cho nước Việt Nam đau khổ của ông, thì Vĩnh
San đã... lầm.
(Theo Bousier và De Gaulle)
Sẽ không trở lại nữa
Ngày 17-12-1945, Cựu hoàng Duy Tân đi ăn cơm tối với Thébault tại Saint Germain
des Prés. Nơi đó một tu viện nổi tiếng do Sinderbert Đệ nhất xây dựng từ nửa thế kỷ thứ sáu.
Từ ngày đến Paris, Cựu hoàng rất lạc quan, hoạt động tích cực. Nhưng không hiểu sao,
đêm hôm ấy, giữa khung cảnh có ngôi nhà thờ xưa nhất ở Paris này ông tỏ ra buồn rầu. Đầu óc rối
bời, ông nói ra câu gì nghe cũng đầy sự lo ngại, chán nản, bi quan. Thébault thấy thế hơi lo lắng,
anh ta tìm lời lễ thuyết phục, cố kéo tâm trí của cựu hoàng ra khỏi những bóng ma để quay lại với
những lời hay ý đẹp mà ông thường giữ trên môi. Nghe Thébault nói đúng ông cũng nghe theo,
nhưng ông vui được một lúc rồi đâu lại vào đó, lòng dạ vò xé với một nỗi lo buồn.
Lúc đầu Thébaull tưởng, sở dĩ có sự đổi thay ấy là vì cựu hoàng sắp trở về nước để
gánh vác những nhiệm vụ quá nặng nề mà chưa hiểu mình có kham nổi không. Nhưng không
phải. Cựu hoàng là một người có bản lãnh và lúc nào ông cũng nghĩ mình đủ sức đảm đương việc
nước.
Ăn cơm xong, hai người sánh vai nhau đi dạo, trời đêm Paris giá lạnh, hai người đi sát
vào nhau. Rồi đột nhiên, Cựu hoàng dừng lại quay mật nhìn Thébault, đặt bàn tay trắng nuột lên
cánh tay bạn và nói một cách thảng thốt:
- Này, Thebault thân mến ơi. Có một điều gì đó đang nói với mình là mình sẽ không trở
lại nữa!
Trời đêm vắng vẻ, Cựu hoàng kể cho Thebault nghe điều bí mật không thuận lợi cho
tương lai của đất nước ông.
Thébault nghe biết việc đó hết sức quan trọng nên không dám hỏi kỹ hơn.
(Sau này những người am hiểu cựu hoàng Duy Tân đọc đoạn hồi ký của Thebault đề
cập đến sự kiện ấy, đều cho rằng: Có lẽ cho đến lúc ấy, 17-12-1945, Cựu hoàng Duy Tân mới hay
sau lưng mình đã có một kế hoạch mật của De Gaulle và con bài cựu hoàng Duy Tân trở lại ngai
vàng sắp sửa lật ra kết thúc kế hoạch mật ấy. Phải chăng Cựu hoàng đang bị tràn ngập bới sự ân
hận vì đã quá tin vào De Gaulle)
Thế rồi, Cựu hoàng sống tiếp trong sự dằn vặt, lo sợ đau đớn đó ở Paris thêm một tuần
nữa. Đến ngày 24-12-1945, ông đáp máy bay trở về đảo Reunion thăm cựu hoàng Thành Thái và
gia đình ông.
(Theo Thebault )
Kết thúc một ám ảnh
Tháng 12 năm 1945 là một tháng sôi nổi trong niên biểu của cựu hoàng Duy Tân. Ông
tiếp xúc với các giới Việt Kiều nói rõ quan điểm đòi thống nhất ba kỳ, độc lập, tụ do cho Tổ quốc.
(Ông được tướng De Gaulle tiếp và De Gaulle hẹn sẽ cùng về Việt Nam vào tháng ba năm sau
(1946).
Nghĩ đến ngày về được đặt chân lên mảnh đất quê hương, ông sung sướng hết sức.
Nhưng ông lại không lường hết được những phản ửng của các xu hướng chính trị chung quanh
việc về nước của ông, ông bị ám ảnh bởi một sụ đe doạ kinh khủng, ông viết Di chúc chính trị để
đề phòng việc bất trắc có thế xảy ra. Ông tỏ ra có bản lãnh nhưng rồi cái bản lãnh ấy cũng không
đứng vững được trước toàn cảnh ma dẫn lối quỷ đưa đường ở nước Pháp lúc ấy. Ông đâm ra
hoang mang giao động mạnh. Cuối cùng, thấy đầu óc căng thẳng quá chịu không nổi ông phải tạm
biệt Paris, nơi trước đó sáu tháng ông đã ước mơ được đặt chân lên. Ông không ngờ lần tạm biệt
ấy lại trở thành vĩnh biệt.
Ông đáp máy bay về thăm gia đình và bạn bè ở đảo Reunion vào ngày 24 tháng 12 năm
1945. Chiếc máy bay Lockeed Lodester C60 rời Paris bay xuống miền nam, chặng đầu dừng chân
ở Alger, thủ đô Algerie, chặng thứ hai ở Port- Lamy, một sân bay lớn của nước Cộng hoà Tchad
ngày nay.
Hai lần dừng chân thật an toàn. Sau mỗi lần hạ cánh kỹ thuật máy móc, định lượng
xăng dầu cha máy bay được kiểm tra kỹ. Những người kiểm tra là các chuyên gia phần lớn là
người Pháp làm việc rất chu đáo, cẩn thận. Nhưng không hiểu vì sao, đến chặng thứ ba từ Port-
Lamy đi Banghi (thủ đô nước Cộng hoà Trung Phi ngày nay) chiếc máy bay chở cưu hoàng Duy
Tân về thăm gia đình lại đâm vào một ngon đồi ở vùng Lobaye, gần làng Bossako cách M' Baiki
35km. Chiếc Lockeed Lodester C60 vỡ nát và bốc cháy. Ba người trong phi hành đoàn gồm một
thiếu tá, hai trung uý, và hành khách gồm có hai quân nhân (trong đó có cựu hoàng Duy Tân) và
bốn thường dân đi trên máy bay đều tử nạn.
Chính quyền địa phương hay tin có một chiếc máy bay ngộ nạn liền phái người đến
cứu, nhưng khi đến nơi họ chỉ còn nhặt được mấy thi thể đã cháy đen. Các nhân viên khâm liệm
rất chú ý đến một người Đông Phương và khi chôn họ đánh dấu để cho thân nhân liên lạc. Người
ấy là cựu hoàng Duy Tân. Việc chôn cất thực hiện ngay rạng ngày 26-12-1945 tại nghĩa địa M'
Baiki tại cộng hoà Trung Phi.
Bốn mười lăm tuổi đời, lúc còn ngồi trên ngai vàng cũng như khi bị giam lỏng ở
Reunion, hay trong những năm hoạt động trong quân đội Đồng Minh chống phát-xít Đức, lúc nào
cựu hoàng Duy Tân cũng nổi tiếng thông minh tài trí thức tha với cuộc sống, với quê hương đất
nước nhưng kết thúc đời ông lại bằng một sự im lặng như một giấc ngủ dài!
Hai lá thư lịch sử do chính tây vua Duy Tân viết gởi cho thầy giáo và báo L' humanité
Ông Ebérhardt đậu tiến sĩ khoa học, con rể của khâm sứ Charles. Khâm sứ Charles cử
chàng rể của mình sang dạy tiếng Pháp cho vua Duy Tân, ngoài mục đích dạy dỗ, hướng tinh thần
ông vua trẻ này thân Pháp, còn có nhiệm vụ giám sát mọi hành vi của Duy Tân. Nhưng Charles
không ngờ Ebérhardt là người Prusse (tức người Đức sau này), bên ngoài thân Pháp nhưng trong
thâm tâm ông không thích người Pháp. Mặc dù Ebérhard rất nghiêm khắc, không dám thổ lộ
những điều ông dấu trong tim với học trò, song người học trò thông minh đã đọc được những gì
thầy giáo không tiện nói với mình. Vua Duy Tân rất trọng thầy Ebérhardt và thầy Ebérhardt cũng
rất quý mến người học trò đặc biệt ấy.
Ngày 3-5-1916 vua Duy Tân cầm đầu một cuộc khởi nghĩa chống Pháp nhưng không
thành, hai hôm sau Người bị Pháp bắt giam vào đồn Mang Cá. Ở trong tù, vua Duy Tân nhớ thầy
Ebérhardt và đã viết cho thầy một lá thư bộc lộ tất cả tình cảm nóng bỏng của Người lúc ấy. Thư
viết bằng tiếng Pháp, xin chuyển nguyên văn sang Việt ngữ như sau:
Huế, 8 giờ tối ngày 7 tháng 5 năm 1916
Thưa thầy phụ đạo thân mến.
Tôi biết thầy đau xé ruột vì việc làm của tôi. Nhưng nếu thầy thấy tôi đã làm cho thầy
phải đâulòng thì xin thầy cứ tự do nguyền rủa tôi, nguyền rủa tôi.
(... ) nguyền của kẻ thù này của nước Pháp, một kẻ thù nhất thời hiện đang bị giam giữ
và chỉ biết gửi tới thầy tên tuổi của mình để thầy khiển trách chừng nào cho cân xứng với những
những điều tôi đã làm thì thôi. Nhưng thầy chớ nên nguyền rủa tôi - chàng trai trẻ tuổi đã mạo
hiểm đưa tình trạng mình ra đổi lấy nước non này và không ước muốn gì hơn là chết cho đất nước.
Tôi biết đây không phải là một lời an ủi đem đến cho thầy, song tôi có thể làm bất cứ gì
để giảm bớt sự khổ tâm của thầy, thì xin thầy cứ nói với tôi, tôi xin lấy cái sinh mạng của tôi mà
thề rằng tôi sẽ làm ngay.
Tôi phải rời chốn công điện, tôi phải làm tất cả những điều tôi đã làm, đó chỉ là một
việc bất đắc dĩ mà thôi, bởi vì ý nghĩ về đất nước đã chiến lĩnh tâm hồn tôi, tôi không có sức lực
nào cưỡng lại được.
Tất cả những gì tôi có thể nói với thầy chẳng đem lại lợi gì cho thầy, vì vậy tôi cũng
không ráo riết tự bào chữa cho mình, vì không thể nào làm được. Khốn khố thay! Nhưng dù sao
xin thầy hãy lấy sự sống của tôi làm bảo đảm và tin chắc rằng một thanh niên 17 tuổi nhạy cảm và
dễ xúc động sẽ luôn luôn có mặt và cảm thấy con tim của mình đổ sụp khi nghĩ tới vị phụ đạo và
bà con ruột thịt của mình, còn mình thì không xin được tha tội vì làm như thế là lạm dụng quá
nhiều ân huệ của Đức Chúa Giê-su, mà chỉ xin được sống, trong lòng tổ ấm gia đình mà thôi.
Xin vĩnh biệt người thầy thân mến của tôi, tôi không dám xin thần trả lời, nhưng xin
thầy tin chắc rằng, tự đáy lòng, tôi rất mong như thầy
(Hồ sơ lưu trữ hải ngoại. Aix en Provence. Seerie 7F50)
Cuộc khởi nghĩa 5-1916 không thành, vua Duy Tân bi đày sang đảo Réunion. Mặc dù
bị cắt đứt với bên ngoài, vua Duy Tân vẫn nuôi dựng ý chí giành lại độc lập cho nước nhà.
Tháng 5 năm 1920, sau khi rời Việt Nam được 4 năm, vua Duy Tân đã rất khó khăn để
nhờ báo Nhân Đạo của Đảng Xã Hội Pháp chuyển đến cho Hội nghị hoà bình đang họp ở Versaille
một lá thư đòi lại quyền độc lập, trung lập cho Việt Nam phải được ngang hàng với các nước ở
Châu Âu, Bản dịch từ tiếng Pháp nguyên văn như sau:
Kính gởi ông giám đốc báo Nhân Đạo; Paris.
Thưa ông Giám đốc,
Sau tấn bi kịch mà thế giới đã phải trải qua trong 4 năm, là nước Pháp đã phải đấu
tranh cho nền tự do của thế giới, thì vấn đề Alsace-Loraine đã được giải quyết một cách dứt khoát
rồi.
Hội nghị hoà bình đã cho phép các nước đưa ra những đòi hỏi của mình.
Đại diện cho đất nước tôi và lấy danh nghĩa là một đứa con của nước An Nam, mặc dù
bị tước hết mọi quyền công dân, tôi tin chắc rằng sẽ được tất cả những ai có sự nghĩ lắng nghe và
hiểu thấu. Mặc dù bị tù đày, tôi tha thiết yêu cầu ông đăng vào tờ báo của ông những đòi hỏi sau
đây, dựa trên những nguyên tắc quyền tự quyết của các dân tộc, miễn là không phương hại đến các
nước khác:
Nước An Nam đòi được tự do.
Nước An Nam đòi những điều khoản các hiệp ước thông giữa nước chúng tôi và nước
Pháp phải được huỷ bỏ vì trong đó có sự can thiệp bằng vũ khí, chứ không phái bằng sự che chở.
Nước An Nam đòi huỷ bỏ sự kiểm soát vào nội trị của Chính phủ chúng tôi..
Nước An Nam đòi quyền làm một nước độc lập và trung lập ngang hàng với các nước
ở châu Âu.
Những đòi hỏi và đấu tranh trên, đối với tôi, không có gì quá đáng vào lúc mà mọi
người nghe ông Jules Orosjean đọc rnột bài về xứ Alsace-Loraine: "Sự đấu tranh đòi lại những
quyền lợi của chúng ta luôn luôn là cánh cửa mở cho tất cả và cho từng người trong thể thức và
chừng mực của tiếng nói lương tâm chúng ta.
Những người anh em Alsace-Loraine của các ông trong lúc này đang bị cách ly với đại
gia đình nước Pháp, lâu nay bị vắng bóng những tổ ấm của họ, vẫn được họ giữ mãi một mối tình
thương gia đình cho đến ngày xum họp mới thôi.
Dù sao tôi vẫn tin tưởng vào sự công bằng của nhân loại để nghĩ rằng những yêu cầu
của tôi sẽ không bị lãng quên. Với hy vọng trông thấy những dòng chữ này được đăng trên báo
của ông, xin ông nhận lấy ở tôi lời chào kính trọng nhất.
Hoàng tử Vĩnh San, cựu hoàng đế nước An Nam, vua xứ Bắc Kỳ hiệu bị đày ở đảo
Reunion vi hoạt động chính trị..
Prince Vinh San
SLOTFOM IX, c, 10 March 1920
Bức thư của cựu hoàng Duy Tân gửi cho báo Nhân Đạo cùng một thời gian với đồng
chí Nguyễn ái Quốc gửi cho Hội nghị hoà bình bản yêu sách cũng đòi lại quyền độc lập cho nước
Việt nam. Bản yêu sách của đồng chí Nguyễn Ái Quốc được in thành truyền đơn để dán khắp nơi
và phân phát cho nhiều người đọc.
Không rõ vì lý do gì ông giám đốc báo Nhân Đạo lúc đó không đăng lá thư của Duy
Tân mà lại đưa nó vào kho lưu trữ của báo. Dù sao lần đầu tiên lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX
cũng đã song song đưa ra hai con người: một cựu hoàng nổi dậy bị tù đày, một người làm cách
mạng trên đường đến với chủ nghĩa Mác-xít, đều có chung một hành động là đấu tranh cho nền
độc lập cho Việt Nam.
Hai lá thư của vua Duy Tân là hai tư liệu gốc minh hoạ cho tinh thần yêu nước của Duy
Tân.
(KTNN, số 42. 1-9-199O)
Ông vua yêu nước Việt Nam giỏi văn Tây
Các hoàng đế nước Việt xưa phần lớn giỏi chữ Hán, biết thơ văn, trải Lý, Trần Lê,
Nguyễn đời nào cũng có các tác phẩm ngự chế quý giá. Nhưng tất cả các tác phẩm ấy đều nầm
trong quỹ đạo Nho giáo, dùng chữ Hán để diễn đạt cảm xúc về tư tưởng của mình. Riêng vua Duy
Tân (1907-1916) gần cuối triều Nguyễn đã vượt ra khỏi khuôn khổ Đông phương vươn tới chân
trời mới phương Tây. Ông học chữ Pháp, làm thơ, viết văn Pháp... Thơ văn của ông không nhiều,
lại bị người Pháp ngăn cấm phổ biến cho nên ít người được đọc. Những ai được đọc đều có nhận
xét thơ văn Tây của vua Duy Tân điêu luyện, diễn đạt được phần nào khí tiết của ông. Chính
người Pháp cũng có nhận xét như thế.
Trong bài "Số phận bi thảm của một hoàng đé nước Nam: Vĩnh San Duy Tân", ông E.
P. Thebault có nhận xét: "Người am tường hoàn toàn ngôn ngữ Pháp và người đã để lại cho chúng
ta những bức thơ có lối hành văn rất trang nhã"
Trong một bài báo mang tựa đề "Duy Tân", nữ ký giả Revest viết trên một nhật báo ở
Réunion ngay sau khi vua Duy Tân bị tử nạn máy bay rằng: "Các người hãy nhận rằng trước khi
mặt trời lặn, một con chim đến. Ai cũng biết là con chim báo khách, đến kêu trước song cửa sổ
của nhà các người ở, rồi các người tự hỏi không biết khách nào sẽ đến vậy? Thì đây chính là ta đó,
người lão thành này đã từng suy nghĩ giúp các người. Từ lâu, từ lâu lắm nay là lần đầu tiên ta mới
lại nói chuyện cùng các người, nếu cái giọng ta không được trong lắm chính vì nó đã đượm tình
thân ái sắt son của chúng ta đối với nhau.
Vua Duy Tân giỏi giang Pháp, sử dụng ngôn ngữ Pháp làm một phương tiện học hỏi
văn minh văn hoá phương Tây để phụng sự đất nước. Ông vua cuối cùng của triều đại quân chủ
cuối cùng ở Việt Nam là Bảo Đại cũng rất giỏi tiếng Pháp nhưng chỉ để làm bù nhìn cho chủ nghĩa
thực dân của Pháp mà thôi. Đó là sự khác biệt giữa hai ông vua Nguyễn học chữ Tây Duy Tân và
Bảo Đại.
Phỏng vấn bà Vương phi của đức vua Duy Tân
Trời mưa, trong màn mưa, làng An Ninh (hậu thôn Kim Long) với những túp lều tranh,
trông càng có vẻ tiều tuỵ. Không ai ngờ được rằng trong những túp lều tranh ấy lại có một Bà vợ
vua ở đó.
Đi một đoạn đường hơi rộng, chúng tôi rẽ vào một ngõ hẻm đầy bùn, hai bên có lùm
tre già bổ bóng. Ngót mười phút mới tới nhà Vương Phi. Qua khỏi cửa ngõ hẹp, bức bình phong
hoa cẩn đơn sơ, chúng tôi bấm chân dò từng bước trên sân thảm rêu xanh mà tạt về phía tay phải.
Thoáng thấy một người hình vóc cân phân, bao tóc, đeo kiềng, mặc áo the tím từ nhà ngang đi lên,
vụt qua khung cửa nhà trên, bạn tôi bấm tôi nói nhỏ:
- Vương Phi đó rồi!
Lanh chân chúng tôi bước vào nhà dưới. Một cái nhà tranh nền đất, cụ Bà (thân mẫu
của Vương phi) niềm nở dắt tay chúng tôi kéo lên nhà trên, lấy chiếu trải nơi phản gõ kê ở gian
phòng giáp nhà ngang. Tươi cười, cụ Bà bảo chúng tôi:.
- Các chị có lòng nghĩ tới, đến nói chuyện với Bà, thế là tốt lắm. Mới các chị ngồi, chớ
có rụt rè làm chi!
Nói thế. chúng tôi nghe thế, chứ vẫn còn giữ lễ chúa tôi chưa dám ngồi.
Sau một nụ cười. Vương Phi bước ra, nhẹ nhàng đặt mình ngồi trên chiếu vừa trải, xếp
bè he (sic) ra lịnh:
- Các chị cứ tự tiện ngồi nói chuyện cho vui, chớ có ké né?
Tưởng chẳng còn nên tử chối nữa, chúng tôi cùng ngồi một chiếu với Vương Phi.
Vương Phi mở thắp trầu mời chúng tôi ăn, rót nước cho chúng tôi uống.
Cúi mặt, Vương Phi đưa đôi tay mềm mại trắng hồng ra vân vê cuốn thuốc. Chốc chốc,
người ngước đôi mắt lá đào đen nhánh, mơ mộng lên nhìn chúng tôi, hoặc để trả lời, hoặc để mở
đầu câu chuyện. Vương Phi không đảnh phấn, không thoa son, nhưng cái khuôn mặt đầy đặn, tròn
bé, mịn màng, hồng hồng càng nhìn càng dễ mến.
Trong khi nói chuyện, Vương Phi nói bằng giọng rất nhỏ nhẹ, đủng đỉnh. êm ru, thỉnh
thoảng lại điểm một nụ cười minh xắn, ẩn nẹt buồn sâu thẳm...
Ngồi lâu, mỏi, Vương Phi nhè nhẹ trở chân, tay nâng vạt áo tím hồng đã cũ che chiếc
quần lĩnh cải màu ua úa. Tôi thoáng thấy một miếng vá bằng bàn tay ở đùi bên phải. Nhìn quanh
ba gian nhà thấp hẹp, chẳng nhận ra được một thứ gì là dấu vết của ngôi báu ngày xưa, tôi ái ngại!
Tôi muốn biết cách sống của Vương Phi khi còn ở trong cung, nhưng mở đầu câu
chuyện rất khó, gợi dần, tôi đánh bạo hỏi:
- Dạ, dịp Hội chợ Huế độ nọ Bà có đi không?
- Mấy bữa đó trời mưa luôn, tôi không đi, nhưng nghe người ta nói lại thì Hội chợ Huế
cũng chẳng to bằng Hội chợ Sài Gòn, Hà Nội!
- Thế thì ra Bà có xem Hội chợ Sài Gòn, Hà Nội!
- Phải, tôi có đi, hồi mười mấy năm về trước, khi ở Pháp về!
- Lúc đó Bà cũng có sang Pháp nữa sao?
- À có chớ. Khi ở đảo Réunion từ biệt Ngài mà về, tôi có xin phép Ngài tạt qua Paris
xem chơi mấy ngày. Lúc đó vừa gặp sau cơn đình chiến.
- Xin phép Bà, khi ở ngoại quốc Bà có cảm tưởng như thế nào?
- Nói thiệt, khi mình chưa đi khỏi nước, mình tự cho đất nước mình là đẹp, là to.
Nhưng lúc đã thấy được phong cách đất nước họ rồi, nhìn lại xứ mình thì cái đẹp cái to chẳng vào
đâu!
- Thưa Bà, Ngài sang đến đảo Réunion bao lâu thì Bà sang?
- Không. Tôi đi với Ngài một lần. Lúc Ngài "bị đi" thì tôi đi ngay với Ngài.
- Ở đó khí hậu và nhân dân ra làm sao? Có dễ chịu không, thưa Bà?
- Dễ chịu, đất nước không có độc gì cả. Nhân dân thì toàn làm một nghề chài thôi. Họ
vui vẻ lắm, mua bán cũng tử tế. Ở đó thổ sản thật nhiều cá, ăn cá quanh năm.
- Ở đó được bao lâu thì Bà về?
- Được hai năm.
- Bà đã đi để cùng chịu hoạn nạn với Ngài, chúng tôi tưởng Bà ở luôn bên ấy, không
hay sự Bà về!
- Hồi đầu tôi ra đi, tôi há chẳng nghĩ như vậy? Nhưng tôi không biết làm sao, ở đảo
Réunion phong thổ tuy tốt mà hình như sức khỏe tôi không hợp, nên tôi hay đau. Vì thế mà tôi xin
Ngài tôi về!
- Từ đó đến giờ (1936) Bà có sang thăm ngài lại lần nào không?
- Tôi muốn đi lắm. Nhưng đường sá xa xôi, một lần đi là một lần khó. Trong thời buổi
kinh tế này, xin nhà nước một món tiền để đi không phải là sự dễ. Mà bỏ tiền nhà ra thì tôi không
có tiền. Gặp phải cảnh nghịch âu là phải chịu.
- Ngài có năng gởi thư về thăm Bà không?
- Có, một năm cũng có đến mười cái thư của Ngài. Ngài gởi thư về bên Ngài Sanh. Vài
ba tháng tôi qua hầu thăm một lần, nhận một thể đôi ba cái thơ. Năm ngoái đây, Ngài có cho tôi
hay Ngài đã có vợ đầm. Vừa rồi tôi nhận được thơ Ngài cho hay ngài ấy đã đẻ!
- Dạ, lấy vợ đầm, Ngài có xin phép Bà không?
Mỉm cười, Vương Phi đáp:
- Xin phép chi, Ngài ưng sao, Ngài làm vậy. Ngài chỉ nói cho tôi biết mà thôi.
Đến đây trong óc tôi bỗng vllt qua tư tưởng bất bình. Có lẽ bởi tôi thấy một sự bất đồng
đẳng giữa một người nam và một ngài nữ. Hai ngài ấy đều ở trong cảnh nghịch mà sao một người
được lấy vợ khác tự do còn ngài kia lại không được lấy chồng?
Bấy giờ hẳn cái vẻ bất bình có lộ ra trên nét mặt tôi, cho nên Vượng Phi vội vàng nói
tiếp, y chừng để đỡ:
- Ngài cũng nói: cho phép tôi tự ý. Nhưng các chị nghĩ người không biết suy nghĩ,
chẳng nói làm chi. Chứ con nhà nề nếp như tôi dầu thế nào cũng phải giữ danh giá. Vẫn biết tuổi
trẻ chưa dám chắc ở mình. nhưng bây giờ có nói đến việc gì cũng khó. Thôi thì tôi tưởng chỉ có hy
sinh cái đòi tôi với Ngài cho trọn.
Câu của Bà vừa nói làm cho tôi thêm áo não. Tôi không thể không nghĩ đến sự sinh
hoạt lẻ loi hiu quạnh của Bà, tôi phải hỏi:
- Thế thì đã lâu nay Bà sống với gì?
- Thầy tôi trước làm quan thanh liêm nên nhà chẳng có chi. Còn lượng tiền của tôi
chẳng bao lăm. Trước kia mỗi tháng chỉ có 15 đồng, sau kêu nài lắm thêm được mười đổng, nếu
Nhà nước biết nghĩ, phát cho tôi một tháng 50 đồng tưởng cũng không quá đáng.
Lúc này là lúc câu chuyện đã vào được hơi sâu rồi, tôi day qua hỏi:
- Nghe nói đúc Duy Tân ngày xưa trẻ mà nghiêm nghị lắm, không biết lúc ở thường
Ngài cư xở với các Bà như thế nào?
- Người ngoài tưởng hễ đã là vua thì phải có tính cách khác thưởng dân. Trông vậy là
lầm. Vua cũng như người thường, ngoài giờ làm việc, Ngài vẫn chơi đùa, vẫn nói chơi chuyện
vãn. Tóm lại, vua vẫn sống cái đòi bình dị của mọi người.
- Dạ, cách xưng hô giữa Bà và Ngài thế nào?
- Ngài thưởng kêu tôi bằng Bà, có khi bằng khanh, có khi bằng em. Tôi phải tâu gởi
Ngài và xưng "em".
- Thưa, ăn có ngồi chung một mâm không?
- Ở trong Nội mỗi Bà có viện riêng. Ai ăn riêng phần nấy, có người nấu cho mà ăn, chớ
không có lệ ăn chung. Vì mỗi Bà đều có lương tháng cả. Tuy thế, hồi tôi mới vào cung đường còn
bỡ ngỡ, lại chưa tìm được người nấu ăn nên Ngài có cho phép ăn chung với Ngài.
Ngừng một giây rồi Bà nói tiếp:
- Mỗi thời mỗi khác. Hồi trước chúng tôi phải theo lễ nghi nhiều, lại phải làm dâu.
Buổi đó chúng tôi chẳng có khi nào ra ngoài được. Trên còn có lưỡng cung, hàng ngày phải chầu
hầu, nên lúc rỗi chỉ được dạo quanh vườn hoa trong Nội mà thôi.
- Thưa, mỗi khi đi dạo như thế, Ngài có đi với Bà không?
- Cũng có.
- Nghe nói đức Vua hay làm thơ lắm, có không thưa Bà?
- Có, Ngài có làm nhiều bài, lâu ngày quá tôi quên đi.
- Bà còn nhớ ít nhiều chớ?
- Không, tôi quên cả.
- Có nhiều bài thơ truyền tụng nói là của vua Duy Tân mà có người nói là không phải.
Đó cũng là một sự hoài nghi mà tôi muốn hỏi Bà để rõ thêm trên báo Sông Hương cho bạn đọc
biết.
Nhưng coi ý Bà không muốn đáp nữa nên tôi phải lảng sang chuyện khác.
- Cảnh trong Nội đáng mến lắm Bà nhỉ?
- Phải, mến vì cảnh có mà mến vì cái khác cũng có. Nhưng chuyện cũ nhắc tới làm
chi...
Nghe đến đây, tôi biết Bà không muốn nói chuyện nữa, hai chị em đành cáo từ ra về.
Lúc ra về Bà có nói:
- Nhiều người làm báo lôi thôi lắm, họ cứ đến đây đòi phỏng vấn tôi. Người ta đã ở yên
mặc người ta, họ còn bới đến làm chi.
Chúng tôi cười mà không đáp, cúi đầu chào Bà và Bà cụ rồi bước ra.
Bài này đăng trên báo, tôi có lời xin lỗi Bà, nhở Bà đánh chữ đại xá cho, vì tôi cũng là
một người trong những người ấy.
(Bà Phạm Thị Nha thực hiện, đăng trên báo Sông Hương, số 5-6-1936)
Bà vợ đầm Cựu hoàng Duy Tân về thăm quê chồng
Tháng 4- 1997, Nhà nước Việt Nam và gia đình cựu hoàng Duy Tân đã tổ chức trọng
thể đưa hài cốt Cựu hoàng từ Cộng hoà Trung Phi về an táng ở Huế.
Đầu năm 1988, bà Fernande Antier, vợ đầm của cựu hoàng Duy Tân đã về thăm quê
chồng. Cùng đi với bà có vợ chồng người con trai út ông Joseph Roger (sinh năm 1938).
Đây là một cuộc viếng thăm có tính chất gia đình nhưng bà Duy Tân đã được thành
phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế và tỉnh Bình Trị Thiên đón tiếp thân mật. Bà xem việc nhà nước
đối đãi với gia đình Cựu hoàng như thế là một niềm an ủi tốt nhất kể từ sau ngày Cựu hoàng tử
nạn cuối 1945 trong một trường hợp cho đến nay vẫn chưa có sự giải thích thoả đáng.
Nhân chuyến về thăm của bà Fernande Antier tại Huế, tôi tranh thủ thúc hiện một cuộc
phỏng vấn nhỏ nhằm cung cấp thêm cho độc giả một số tư liệu về quãng đời lưu đày của một
hoàng đế yêu nước.
Nguyễn Đắc Xuân: Thưa bà, nhân dân Việt nam rất yêu kính cựu hoàng Duy Tân, họ
cũng biết rõ về những năm ngài làm vua cũng như lúc ngài đứng ra lãnh đạo cuộc khởi nghĩa bất
thành năm 1916. Nhưng ít người biết được tin tức liên quan tới Cựu hoàng trong suốt thời gian 30
năm lưu đầy ở đảo Réunion. Hiện nay có lẽ không ai có thể biết được những thông tin ấy hơn bà.
Vậy xin bà vui lòng cho phép chúng tôi i làm phiền bà qua ít câu hỏi sẽ nêu sau đây.
Bà Fernande Antier: Tôi rất sẵn sàng. Nhưng xin nói trước, tôi không biết gì nhiều.
Bởi lẽ Cựu hoàng Duy Tân sống rất kín đáo, ngoài việc trao đổi sinh hoạt bình thường trong gia
đình, Cựu hoàng rất ít khi thổ lộ tâm tư tình cảm, nhất là chuyện đất nước với vợ con. Hơn nữa
chuyện cũng đã quá bốn mười năm rồi mà tôi thì tuổi cao, nay đã 75, sợ trí nhớ không còn đủ
minh mẫn để làm vừa lòng nhà báo.
Nguyễn Đắc Xuân: Xin bà cho biết vài nét về gia đình bà.
Bà Fernande Antier: Tôi là ngtỉời Pháp, gia đình tôi sang sinh sống ở đảo đã lâu. Tôi
có hai chị em gái, không có anh em trai. Ba mẹ tôi sống bằng việc buôn bán nhỏ ở vùng Salazie
thuộc Réunion.
Nguyễn Đắc Xuân: Thưa bả, Cựu hoàng Duy Tân đã gặp bà trong trường hợp nào?
Bà Fernande Antier: Vào khoảng năm 1927, Cựu hoàng sống độc thân trong một ngôi
nhà nhỏ để rảnh rang học hành. Cựu hoàng không biết nấu ăn, với số tiền trợ cấp hàng tháng gởi
từ Việt Nam sang không cho phép Cựu hoàng nhờ người giúp việc. Gia đình tôi nấu cơm tháng
cho học sinh, Cựu hoàng đến dùng và ừử đó chúng tôi quen nhau!
Nguyễn Đắc Xuân: Thưa bà. Lúc đó bà có biết Duy Tân là một ông vua bị lưu đầy
không?
Bà Fernande Antier: Có biết lờ mờ. Nhưng chúng tôi yêu nhau vì quý trọng nhau chứ
không phải vì chuyện ấy!
Nguyễn Đắc Xuân: Cựu hoàng có kể chuyện Việt nam với người Réunion không?
Bà Fernande Antier: Người Réunion không biết gì về Việt Nam. Vì thế Duy Tân
chẳng bao giờ nói chuyện Việt Nam với họ. Duy Tân sống thầm lặng. Thời gian của Cựu hoàng
chỉ dành cho hai việc: học để mở mang trí tuệ, chơi thể thao để luyện tập thân thể cho được tráng
kiện.
Nguyễn Đắc Xuân: Thưa bà, ngoài việc học và luyện tập thân thể, Ngài còn có sở
thích nào khác nữa không?
Bà Fernande Antier: Cựu hoàng còn có khiếu âm nhạc, Ngài chòi violon (vĩ cầm) giỏi
và có chân trong ban nhạc đại hoà tấu tại Saint Denis, viết văn hay, nuôi và đua ngựa. Cựu hoàng
đã giật giải nhất trong cuộc đua ngựa lớn ở đảo. Nhưng trội hơn cả là sở thích về vô tuyến điện! Bị
tù đày ở đảo Réunion, cựu hoàng thích vô tuyến điện vì không chỉ vì ngành kỹ thuật này hay, có
thể giúp gia đình sinh sống mà còn vì đây là phương tiện duy nhất cho phép Cựu hoàng liên lạc
được với thế giới bên ngoài.
Nguyễn Đắc Xuân: Thưa bà, bà với Cựu hoàng sinh hạ được mấy người con?
Bà Fernande Antier: Có bốn người:
1. Ria Suzi Georgette Vĩnh San, sinh năm 1929.
2. Guy Georges Vinh San, sinh năm 1933
3. Yves Claude Vĩnh San, sinh năm 1934 và
4. Joseph Roger Vĩnh San, sinh năm 1938
Nguyễn Đắc Xuân: Họ xảy ra Cựu hoàng Duy Tân là Nguyễn Phước, Vĩnh là chữ lót
để chỉ thế hệ thứ bậc trong giòng họ nhà vua, San là tên huý của Cựu hoàng. Tại sao các con bà lại
lấy hai chữ "Vĩnh San" làm họ? Cựu hoàng không giải thích và không đặt tên Việt nam cho các
con hay sao?
Bà Fernande Antier: Hoàng phụ Thành Thái có giải thích và các con tôi đều có tên
Việt Nam, nhưng sau ngày Cựu hoàng Duy Tân mất, Hoàng phụ Thành Thái về nước, chúng tôi
không nhớ được tên Việt nam cho nên xảy ra tình trạng như thế.
Nguyễn Đắc Xuân: Thưa bà, bà có biết vì sao cựu hoàng Duy Tân không ở chung với
Hoàng phụ. Giữa hai người có sự bất đồng nào chăng?
Bà Fernande Antier và Roger Vĩnh San cùng đáp: Tuy là cha con nhưng hai người đã
từng là hai ông vua, được hấp thụ hai nền giáo dục khác nhan, hai người có hai cái nhìn khác nhau
về tương lai: Cựu hoàng Thành Thái thì bất hợp tác với Pháp để giữ khí tiết đến cùng, cựu hoàng
Duy Tân lại muốn gần Pháp để tìm con đường giành lại thống nhất, độc lập cho đất nước. Như thế
làm sao hai cha con có thể ở gần nhau được. Nhưng Cựu hoàng Duy Tân rất kính nể Hoàng phụ
Thành Thái. Hàng thần - Roger nói - mẹ tôi thường nấu món xúp ngon nhất để dâng lên ông nội.
Nguyễn Đắc Xuân: Thưa bà, Cựu hoàng thường giao du với giới nào? Xin bà cho biết
một vài người bạn thân của cựu hoàng ở Reunion?
Bà Fernande Antier: Ở Réunion có 23 gia đình nắm hết toàn bộ các thế lực về kinh tế
và chính trị. Cựu hoàng không giao du với họ. Ngài quen thân với một số trí thức người Pháp ở tại
đảo như ông Raoul Nativen (Chưởng lý, trong luật sư đoàn), bác sĩ Vinson, ông Hugues Palant...
Nguyễn Đắc Xuân: Thưa bà, bà cho biết đg gì đã ảnh hưởng đến Cựu hoàng Duy Tân
nhất trong thời kỳ lưu đày?
Bà Fernande Antier: Điều chi phối tâm trí Ngài nhiều nhất là làm thế nào thoát khỏi
Réunion một cách chính đáng để tìm cơ hội cứu nước Việt nam. Có lẽ chính phủ Pháp biết điều
này cho nên đã tìm mọi cách đày Ngài ở đảo cho đến chết, làm cho Ngài nhiều lúc muốn phát
điên!
Nguyễn Đắc Xuân: Khi Cựu hoàng tử nạn máy bay, Chính phủ Pháp có thông báo cho
gia đình bà biết không?
Bà Fernande Antier: Được tin Cựu hoàng sẽ về nhà, gia đình chúng tôi ngồi trông,
nhưng sau đó không thấy Ngài về. Chúng tôi đánh điện hỏi khắp sân bay nằm trên đường bay từ
Paris về Réunion.
Chiều hôm sau, chúng tôi đau đớn nhận được tin Cựu hoàng đã tử nạn máy bay. Cơ
quan trả lời là một đơn vị quân đội, còn chính phủ Pháp thì im lìm!
Nguyễn Đắc Xuân: Vào cuối đời, Cựu hoàng được Chính phủ De Galllle rất trọng
quý, thế mà khi Ngài bị nạn, Chính phủ ấy làm thinh. Bà có hiểu vì sao không?
Bà Fernande Antier: Chúng tôi không biết được lý do.
Nguyễn Đắc Xuân: Sau ngày cựu hoàng tử nạn, Chính phủ Pháp có sự giúp đỡ nào
cho gia đình bà không?
Bà Fernande Antier: Chúng tôi bị bỏ rơi. Mỗi tháng chúng tôi chỉ nhận được một số
tiền trợ cấp trị giá bằng 200 Phờ-răng bây giờ (nhận cho đến năm Roger 18 tuổi). Số tiền này
không đáng kể, mẹ con chúng tôi phải tự lo liệu nuôi nhau. Số tiền trên thì Việt Nam gửi qua.
Nguyễn Đắc Xuân: Thưa bà, nuôi nhau bằng cách nào?
Bà Fernande Antier: Các con tôi đều phải nghỉ học. Suzi và Claude đi làm. Georges
đăng lính. Roger thì tuy còn quá nhỏ nhưng cũng phải làm việc nặng nhọc mới đủ sống.
Nguyễn Đắc Xuân: Cái chết của Cựu hoàng Duy Tân rất khó hiểu. Bà có nghĩ đến
việc có một âm mưu ám hại nào không?
Bà Fernande Antier: Chúng ta có quyền suy nghĩ. Nhưng khi chưa tìm được những tài
liệu chính xác thì không được qui tội cho ai cả!
Nguyễn Đắc Xuân: Thưa bà, bà có còn giữ được những kỷ vật của Cựu hoàng để đưa
vào nhà lưu niệm sẽ xây trong khu vực lăng của Ngài không?
Bà Fernande Antier: Sau khi nghe tin Cựu hoàng tử nạn, gia đình chúng tôi hết sức
bối rối. Mọi ngưởi đền phải nghĩ đến việc giải quyết cuộc sống như thế nào nên không ai để ý đến
việc cất giữ những kỷ vật ấy làm gì. Đến lúc thấy cần thiết thì đã muộn! Tuy nhiên, chúng tôi sẽ
cố gắng sưu tập, nhưng ít hy vọng thoả mãn được yêu cầu của nhà lưu niệm.
Nguyễn Đắc Xuân: Thưa bà, gia đình bà rời đảo Réunion từ lúc nào? Vầ đến Pháp
năm nào?
Bà Fernande Antier: Năm 1955 gia đình chúng tôi phiêu bạt theo Suzi sang tìm việc ở
Madagascar và ở đó 10 năm. Đến lúc Georges ra lính xin làm việc ở Pháp, thể là lần lượt gia đình
chuyển sang Pháp luôn.
Nguyễn Đắc Xuân: Lần đầu tiên về "quê chồng" xin bà cho biết một vài cảm tưởng?
Bà Fernande Antier: Tôi đã nghe nói đến Việt Nam rất nhiều nhưng tôi vẫn ngạc
nhiên trước cảnh đẹp của Việt Nam. nhất là Huế, đẹp lắm! Tôi cảm động trước sự nhiệt tình của
chính quyền và đồng bào Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Nha Trang, Đà Nẵng và Huế đã
dành cho gia đình cựu hoàng Duy Tân, mặc dù lần này chúng tôi về thăm với tư cách cá nhân đi
du lịch.
Nguyễn Đắc Xuân: Ngoài mục đích về thăm quê chồng, bà còn có mục đích gì khác
trong chuyến đi này không?
Bà Fernande Antier: Theo yêu cầu của bà con và gia đình, lần về thăm này chúng tôi
chú ý đến ba việc: một là đặt vấn đề đưa mộ bà Hoàng quý phi Mai Thị Vàng từ Hậu Thôn Kim
Long về cải táng gần lăng Cựu hoàng Duy Tân, hai là xem vấn đề qui hoạch khu vực lăng Thành
Thái - Duy Tân để xây dựng và dần dần đưa vào phục vụ khách du lịch, ba là tính toán việc xây lại
thành bảo vệ khu vực lăng Thành Thái - Duy Tân.
Nguyễn Đắc Xuân: Thưa bà. bà có điều gì muốn đề nghị với Nhà nước Việt nam nữa
không?
Bà Fernande Antier: Không có lời đề nghị nào nữa, những cũng nhân đây, tôi xin
nhắc lại một đề nghị cũ đã đề đạt lên thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi tháng tư năm 1987, đó là: Ở
Hà Nội, ở Huế và thành phổ Hồ Chí Minh trước kia đến có đường Duy Tân, sau ngày giải phóng
1975, một số nơi bỏ, chúng tôi mong sớm có những con đường mang tên Duy Tân. đặc biệt là ở
Huế.
Nguyễn Đắc Xuân: Xin cám ơn bà đã giúp chúng tôi thực hiện được cuộc tiếp xúc
này. Chúc bà còn có nhiều sức khoẻ để Việt nam còn có dịp đón bà về thăm nhiều lần nữa.
Hỏi chuyện một hoàng tử đang làm thợ
Năm 1916 vua Thành Thái bị đày sang đảo Rennion, có ba bà phi được theo ông. Đó là
các bà Nguyện Thị Định (sinh mẫu vua Duy Tân), bà Hồ Thị Nhàn và bà Hồ Thị Mùng. Hai bà họ
Hồ là chị em ruột được nhà vua sủng ái nhất, ông đặt tên cho bà chị là Giai Triệu, bà em là Chí
Lạc. Bà Định (thường gọi là bà Sanh) ở đảo được hai năm thì nhà vua cho về Việt nam, hai bà họ
Hồ ở lại với ông, và có với ông thêm 14 người con. Năm 1947 chính phủ Pháp đưa gia đình vua
Thành Thái về giam lỏng ở Vũng Tàu. Năm 1953 ông được về thăm Huế lần cuối. Trở lại miền
Nam được ít lâu thì ông mất. Đồng bào tiếc cho ông không được nhìn cảnh thực dân Pháp rút khỏi
Việt nam theo tinh thần Hiệp định Genève năm 1954.
Các hoàng tử, hoàng nữ sinh trưởng ở Réunion về nước và hiện còn mạnh khỏe ở Việt
Nam gồm có các bà chúa Lương Mỹ, Lương Thầm, Lương Cầm, và các hoàng tử Vĩnh Giu, Vĩnh
Cầu. Hoàng tử Vĩnh Cầu là con trai út của cựu hoàng Thành Thái. Có một thời, hoàng tử út phải
làm thợ ở Q.10 Thành phố Hồ Chí Minh để kiếm sống. Hôm gặp hoàng tử Vĩnh Cầu trong dịp ông
đưa hài cốt bà Giai Triệu về táng tại An Lăng (Huế), chúng tôi tranh thủ hỏi ông một số chuyện
cũ.
Nguyễn Đắc Xuân: Mệ39 về Việt nam năm nào?
Hoàng tử Vĩnh Cầu:(trả lời bằng giọng Huế lơ lớ, thỉnh thoảng nói tiếng Pháp và tự
dịch lại): Năm 1947, người Pháp cho gia đình chúng tôi một phòng trên tàu thuỷ để về Vũng Tàu.
Phòng ấy chỉ chở được 7 người và "chú tôi" (tức cựu hoàng Thành Thái). Tôi và số nguồi còn lại
đổi qua năm 1948 mới có tàu về nước.
Nguyễn Đắc Xuân: Xin mệ cho biết tuổi trẻ của các mệ ở trên đảo như thế nào?
HTVC: Chú tôi bất chấp hợp tác với Pháp cho nên ông không cho chúng tôi đi học
tiếng Pháp, không cho giao thiệp với trẻ em Pháp... buồn lắm!.
Nguyễn Đắc Xuân: Thế các mệ học gì? Và chơi với ai?
HTVC: Tự học chú, đến lớp học nghề thợ nề, thợ mộc, thợ máy. Còn chơi bời giao
thiệp thì chỉ vui chơi với người Tàu, người Chà Và, người bản xứ...
Nguyễn Đắc Xuân: Từ ngày về nước đến giờ mệ làm gì?
HTVC: Chúng tôi làm những người lao động, làm thợ kiếm sống. Riêng tôi thì làm thợ
máy Sở dụng cụ Bộ Công chánh (chính quyền Sài Gòn cũ). Hiện nay vẫn làm thợ sửa xe đạp ở
Quận 10...
Nguyễn Đắc Xuân: Một hoàng tử "cành vàng lá ngọc" dòng dõi nhà vua mà phải đi
làm thợ kiếm sống, có bao giờ mệ thấy khó chịu không?
HTVC: Cành vàng lá ngọc là tài sản của dân, chú tôi làm vua thi được hưởng lương,
chúng tôi là con được nhờ. Đến khi chú tôi bị đày rồi chết... Chúng tôi đâu có được hưởng lương
bổng của dân nữa. Vậy thì muốn sống... phải lao động. Tôi chỉ thấy khó chịu khi làm ít mà được
hưởng nhiều, hoặc không làm mà được hưởng!
Nguyễn Đắc Xuân: Xin mệ kể cho một vài ví dụ mệ đã gặp và đã làm mệ khó chịu!
HTVC: Sau khi Tướng De Lattre de Tassigny qua nhậm chức ở Thái Bình Dượng, ông
Bảo Đại có đến thăm chú tôi ở Vũng Tàu. Nhân dịp đó Bảo Đại có biếu chú tôi một số tiền lớn.
Chú tôi hỏi tiền của Tây phải không". Bảo Đại thưa: "Dạ tiền của cháu". Chú tôi nói: "Cháu làm
việc cho Tây, lương chỉ đủ cho cháu dùng, chớ có dư đâu mà cho bác. Cháu không lấy tiền của
Tây thì cũng lấy tiền của dân chứ cháu làm gì có tiền. Thôi đem tiền ấy về trả lại cho dân!". Bảo
Đại rất bẽ mặt nhưng cũng phải bấm bụng ôm gói tiền phi nghĩa về. Nhân đó chú tôi dạy chúng
tôi: "Con người phải biết nhục khi sử dụng đồng tiền không phải mồ hôi nước mắt của mình".
Nguyễn Đắc Xuân: Về sau Bảo Đại đối đãi với Cựu hoàng Thành Thái và các mệ ra
sao?
HTVC: Bảo Đại cho Mai Hữu Xuân bắt anh tôi là Vĩnh Diêu hai tháng vì tội anh tôi đã
không thu xếp cho chú tôi tiếp Bảo Đại tử tế. Năm 1954 chú tôi mất đem về mai táng ở Huế, bà
Từ Cung thân mẫu của Bảo Đại không cho quan tài của chí tôi được quàng vải màu vàng với lý do
"Màu vàng dành riêng cho nhà vua mà chú tôi lại là vua đã bị phế". Nhưng chúng tôi đấu tranh:
"Cựu hoàng Thành Thái vì chống Pháp mà bị Pháp truất phế chứ đối với nhân dân Việt Nam và
hoàng tộc Cựu hoàng vẫn là một ông vua. Quan tài cựu hoàng phải được quàng vải vàng theo điều
lệ". Cuối cùng họ phải chịu.
Nguyễn Đắc Xuân: Sau này vua Bao Đại có khi nào gặp lại các mệ nữa không?
HTVC: Một người trước sau theo Pháp gặp con cái của một vị vua bất hợp tác với
Pháp làm gì? Nếu như Bảo Đại có muốn gặp vì mục đích chính trị đi nữa thì vì chữ hiếu với cha,
chúng tôi cũng không được phép gặp.
Nguyễn Đắc Xuân: Mệ có được tin máy năm qua chính quyền sửa sang tôn tạo được
nhiều di tích trong Nội và các lăng không? Ý kiến của mệ như thế nào?
HTVC: Tôi có biết. Nhưng mấy lần về đấy... với điều kiện kinh tế của một người thợ,
làm sao tôi có thể đi xem lại tất cả những di tích của ông cha mình để lại. Tôi chỉ mong chính
quyền sửa chữa, tôn tạo sao cho đúng nếu không thì trở ngược lại là phá di tích. Việc tu sửa tôn
tạo lại ngoài mục đích khai thác kinh tế du lịch phải nghĩ đến mục đích bảo vệ văn hoá. Tôi đến
một đôi nơi thấy người ta quá chí trọng về kinh tế mà rất xem nhẹ mặt văn hoá! Hơi buồn!
Nguyễn Đắc Xuân: Xin mệ cho biết, hiện tại mệ mong mỏi điều gì nhất.
HTVC: Các con tôi hiện nay đã tự lập được, có một người là liệt sĩ, tôi mong chính
quyền cho phép tôi được về lo hương khói cho các vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân ở An
Lăng.
Tôi sẽ đem sự hiểu biết của triều Nguyễn, về các ông vua yêu nước phục vụ các nhà
nghiên cứu, các khách tham quan... và cuối cùng được chết bên cạnh lăng mộ mồ mả ông cha của
mình.
Những ý nghĩ về Nguyễn Phước tộc và Cựu hoàng Duy Tân của Georges Vĩnh San
Được Nhà nước Việt Nam đồng ý, năm 1987, ông Georges Vĩnh San. Con trai trưởng
của Cựu hoàng Duy Tân đã dưa hài cốt của Cựu hoàng từ Cộng hoà Trung Phi về an táng tại An
Lăng (Huế).
Cuối tháng tư vùa qua. GVS lại về với Nguyễn Phước Tộc tố chức lễ dâng hương cho
Cựu hoàng và thực hiện xây dựng một vòng thành chung quanh lăng mộ Thành Thái - Duy Tân.
Nhân dịp này PV báo Lao Động có cuộc gặp gỡ hỏi ông thêm về một số thông tin về Nguyễn
Phước tộc và Cựu hoàng Duy Tân.
Nguyễn Đắc Xuân: Xin ông cho biết cảm tưởng của ông về quê hương của Cựu
hoìang Duy Tân ngày hôm nay.
Georges Vĩnh San: Dù chưa có điều kiện thời gian để tìm hiểu một cách thấu đáo
nhưng tôi có thể khẳng định rằng: Việt Nam đã vượt qua khỏi con đường hầm và bước vào hiện
đại hoá (le pays soạt du tunel pour entrer danh la modermté).
Nguyễn Đắc Xuân: Xin ông vui lòng cho biết mục đích của ông về thăm quê hương
lần này?
Georges Vĩnh San: Tôi rất quan tâm đến lịch sử. Tôi là con trai trưởng của Cựu hoàng
Duy Tân, trách nhiệm của tôi là phải có những hoạt động tôn vinh thân sinh của chúng tôi, một
người có cuộc đời đáng tôn vinh. Đồng thời tôi cũng rất quan tâm đến sự tôn vinh anh linh của
những nhà yêu nước đã dũng cảm ngã xuống cho một nước Việt Nam tự do, độc lập, trường tồn
hôm nay.
Nguyễn Đắc Xuân: Ông có ý kiến gì về các tôi chức Nguyễn Phước tộc của ông ở
trong và ngoài nước hiện nay.
Georges Vĩnh San: Do đặc điểm của nước Việt Nam sau hai cuộc chiến tranh, bà con
Nguyễn Phước tộc chúng tôi cũng như nhiều họ hàng khác sống tại quê nhà và nhiều nước trên thế
giới. Do đó tổ chức Nguyễn Phước tộc rất đa dạng và có nhiều cách hướng về Việt Nam khác
nhau. Những người có cảm tình với gia đình Cựu hoàng Bảo Đại thì thường không gần gũi với gia
đình con cháu các Cựu hoàng Thành Thái Duy Tân. Những người sang Pháp sớm thường ít gần
gũi với những người mới sang Mỹ sau này. Không ai muốn như thế nhưng thực tế nó nllu thế. Còn
tôi, tôi không thể xa rời nước Việt Nam có phần mộ của họ hàng, ông cố, ông nội và thân phụ tôi.
Ở Pháp tôi được bầu vào Ban chấp hành Hội người Việt tại Pháp. Về Việt Nam tôi chỉ liên lạc với
Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc được bầu ra ngay tại Cố đô Huế để chăm lo hiếu sự và lăng mộ
nhà Nguyễn. Hội đồng này do Giáo sư Tôn Thất Hanh đứng đầu.
Nguyễn Đắc Xuân: Xin ông cho biết những tài liệu mới liên quan đến cựu hoàng Duy
Tân ở nước ngoài?
Georges Vĩnh San: Ở nước ngoài có nhiều học giả đã có những công trình, bài viết rất
trân trọng tinh thần yêu nước của Cựu hoàng Duy Tân. Trong Tập san của Hiệp hội Những người
đã ở Đông Dương (Asscociation des Anciennes d' indochine) có nhiều bài nghiên cứu rất đáng
quan tâm như bài tường thuật về thảm kịch của Hoàng tử Vinh San của Alain de Boissieu, những
bài tham luận liên quan mật thiết trong tương lai giữa Việt Nam và Pháp trong cuộc Hội thảo De
Gaulle và đông Dương do Viện Charles De Gallllle tổ chức cách đây vài năm. Ông Patrick
Moreau ở Nimes đang sưu tập tư liệu để viết một cuốn sách về Việt Nam mà một phần đề cập đến
Cựu hoàng Duy Tân. Một số tài liệu khác còn giữ ở lưu trữ quốc gia Pháp, Bộ Ngoại giao Pháp và
đảo Rénnion.
Nguyễn Đắc Xuân: Ông là người con trưởng của vua Duy Tân, nếu có thể, ông cho
biết mối quan hệ của vua Duy Tân với người Pháp.
Georges Vĩnh San: Cựu hoàng Duy Tân theo chủ nghĩa nhân bản, ông luôn đứng về
phía những người bị áp bức. Năm 1936 ông đã tham gia Mặt trận Bình Dân. Sau đó, trong chiến
tranh chống phát-xít ở đảo Réunion, Cựu hoàng ở trong nhóm Gôn-lit chống phát-xít. Sau ngày
thắng phát-xít Đức, Cựu hoàng được trao tặng Huân chương Kháng chiến. Mặc dù bị lưu đày, Cựu
hoàng luôn có những hoạt động gắn liền nhân dân hai nước Việt và Pháp. Chính quyền và dân
chúng đảo Réunion đã đặt tên Vĩnh San cho đại lộ lớn nhất ở Saint Denis, thủ phủ đảo Réunion.
Nguyễn Đắc Xuân: Xin cảm ơn ông
Đi tìm nơi an nghỉ cuối cùng cho vua Duy Tân
Chuyện ấy đến với tôi thật bất ngờ.
Khoảng năm 1985, tôi được hướng dẫn cho đoàn Osmininc quay phim "Bác Hồ với
nhân dân Xô Viết". Đoàn Osminine là đoàn chuyên môn quay phim các lãnh tụ của Liên xô (cũ).
Vì thế khi sang Việt Nam họ được Tổng bí thư Trường Chinh viết giấy giới thiệu vào Huế làm
việc. Ở Huế, đích thân ông Vũ Thắng - bí thư Tỉnh uỷ bình Trị Thiện (cũ), tiếp và tạo điều kiện
cho họ quay phim.
Một buổi sáng, tôi cùng ông Vũ Thắng (đứng chờ đoàn Osmininc quay cảnh di tích
trường Quốc Học - nơi Bác Hồ đã theo học thời niên thiếu. Nhân thể ông Vũ Thắng bảo tôi:
- Bộ Ngoại giao có thông báo cho tôi, gia đình vua Duy Tân ở Pháp xin Chính phủ
mình đưa hài cốt vua Duy Tân về Huế chôn. Chính phủ đã đồng ý. Tôi nhờ anh hai việc: Một là,
anh tìm một địa điểm xứng đáng với ông vua yêu nước này để an táng ông. Hai là, liên lạc hỏi ý
kiến Hoàng tộc xem thử họ có đồng tình không. Chuẩn bị xong anh cho biết càng sớm càng tốt để
tôi báo cáo với Bộ Ngoại giao.
Một cái vinh dự đột xuất nhưng không kém phần nặng nề. Tôi định từ chối nhưng
không hiểu sao tôi lại nhận lời.
Việc tìm một nơi an táng Vua Duy Tân không đến nỗi khó. Bởi vì hoàng phụ Thành
Thái của ông từ 1954 đã về an nghỉ trung khu vực lăng Dục đức (ông vua ba ngày thân sinh vua
Thành Thái, nội tổ của vua Duy tân). Bây giờ đưa vua Duy Tân vè nằm cạnh vua cha và ông nội
của ông càng tốt. Đây là một cơ hội may mắn để cho Trường Đại học tại chức của Tỉnh dọn đi nơi
khác để trả lại điện Long Ân - nơi thờ vua Dục Đức Thành Thái xưa nay, làm nhà thờ ba vua Dục
Đức, Thành Thái, Duy Tân ngày nay.
Ý kiến của tôi được mệ Sen (tức công chúa Lương Linh, con gái vua Thành Thái) và
ông Bảo Hiền (cháu nội vua Thành Thái và là người bảo vệ khu lăng Dục Đức mấy chục năm qua)
ủng hộ. Như thế nhiệm vụ thứ nhất mà ông Vũ Thắng đã trao, tôi đã hoàn thành.
Còn nhiệm vụ thứ hai, mới nghe qua tưởng đơn giản, nhưng thực tế lịch sử chỉ biết
chuyện ấy không dễ dàng gì.
Tuy cùng mang họ nhà vua Nguyễn Phước, nhưng những người trong hoàng tộc cũng
lắm ý kiến khác nhau, thậm chí có ý kiến trái ngược nhau, mà nguồn gốc của chúng là sự tranh
chấp ngôi vua trong quá khứ. Ví dụ như con cháu dòng Thoại Thái Vương (Dục Dực, Thành Thái,
Duy Tân) và con cháu Kiện Thái Vương (Đồng Khánh, Khải Định và Bảo Đại). Có một thời hai
dòng này xem nhau như cừu thù. Các con cháu Kiên Thái Vương (trừ vua Hàm Nghi) đều thân
Pháp, các con cháu của Thoại Thái Vương thì chống Pháp. Thế thì làm sao có được một ý kiến
thống nhất? Hơn thế nữa, đất nước trải qua hai cuộc chiến tranh, trong Hoàng gia có kẻ theo
kháng chiến, có kẻ không. Khi kháng chiến thành công, có người ở lại cộng tác với chính quyền
mới, có người ra đi.
Vậy làm sao có được một ý kiến thống nhát để báo cáo lên cấp trên
Ngoài những ý kiến khác biệt trong hoàng tộc, ý kiến của các quan chức trong chính
phủ Pháp và Việt Nam ra sao? Tôi lo ngại việc đó vì trong tủ sách tôi có nhiều tư liệu chính thống
cho biết nhà nước Pháp đồng ý mà các quan chức Pháp lắc đầu thì chuyện đưa hài cốt vua Duy
Tân về nước cũng không thành. Cũng có lần chính quyền Việt nam (Sài gòn cũ) muốn xin đưa hài
cốt vua Duy Tân về nước để lấy uy tín chính trị, thì gia đình vua Duy Tân và Hoàng tộc chặn lại.
Chuyện thật phức tạp. Chính vì lẽ đó mà tôi đắn đo trước khi nhận lời ông Vũ Thắng.
Những lần các quan chức Pháp từ chối việc đua hài cốt vua Duy Tân về nước ra sao?
Lần thứ nhất vào mùa thu năm 1946. Chính phủ Pháp định đưa hài cốt vua Duy Tân về
nước, ông Chánh văn phòng của Chính phủ từ chối với lý do:
"Việc đưa hài cốt của Duy Tân mà quan tư Desanges đề nghị nhằm đề cao nền quân
chủ mà bước đầu sắp xếp lại ở An Nam, theo tôi chẳng có tầm quan trọng gì về mặt chính trị" 40.
Lần thứ hai, năm 1947 đề nghị này bị tướng Henri Le Bris viện lý do việc làm này
không đúng lúc:
"Bởi lẽ chỉ có một vị vua mới đủ thẩm quyền tiến hành nghi lễ này, mà lúc này thì bảo
Đại chưa về"
Với lại:
"Việc đem hài cốt về lúc này sẽ làm cho Duy Tân trở thành một nhà yêu nước như
Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, cho nên chấp nhận đề nghị này sẽ làm cho tinh thần dân tộc
yêu nước Việt nam bùng lên mạnh mẽ, và như thế vô cùng cay đắng đối với chúng ta" 41.
Vua Duy Tân đã chết rồi mà bọn thực dân đang muốn lập lại thuộc địa ở Việt nam còn
sợ đến như thế, còn không muốn đưa hài cốt của Người về cố quốc. Thế thì năm 1945, Đồng minh
vừa chiến thắng Phát xít và Nhật làm sao họ có thể để cho Duy Tân về nước. Vua Duy Tân phải
chết là một điều không có gì khó hiểu. Nhưng chỉ vì đến nay chưa có tài liệu nên chưa khẳng định
được ai đã giết vua Duy Tân mà thôi. Nhưng dù sao hai sự kiện từ chối nếu trên cũng bổ sung
thêm chút đỉnh tư liệu cho những nhà sử học rnuốn đi tìm thủ phạm gây ra tai nạn máy bay giết
vua Duy Tân trên vùng trời Trung Phi tháng 12-1945.
Năm 1972 (theo lời công chúa Lương Linh) khi Mỹ bắt đầu Việt nam hoá chiến tranh,
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu để nghị đưa hài cốt vua Duy Tân về nước. Hoàng tộc và gia đình
vua Duy Tân không bằng lòng vì lẽ họ sợ Nguyễn Văn Thiệu lợi dụng tình cảm của nhân dân đối
với một ông vua yêu nước tăng uy tín cho chính quyền tay sai của Mỹ của ông ta.
Biếtb rõ sự tình như thế cho nên tôi rất dè dặt thưa lại ý kiến của ông Vũ Thắng với
công chúa Lương Linh và một số bà con trong hoàng tộc. Khi nghe tôi trình bày, công chúa Lương
Linh (nhà ở đường Mai Thúc Loan, thành nội Huế) nói ngay:
- Cha tôi và anh tôi chống Pháp mà không thành công, phải vướng vào vòng tù tội, phải
bỏ xác nơi quê người. Bây giờ chính quyền cách mạng đã làm được cái việc mà cha tôi và anh tôi
không làm được và nay lại có nhã ý cho phép các cháu tôi được đưa anh tôi trở về quê hương,
chúng tôi vô cùng cám kích và sẽ làm bất cứ điều gì có thể làm được cùng với Chính phủ làm tròn
trách nhiệm. Còn trong hoàng tộc ai có ý kiến gì khác chúng tôi sẽ trình hãy cho họ rõ.
Ôi thật bất ngờ
Thế là tôi hoàn thành nhiệm vụ. Tôi báo cáo với ông Vũ Thắng và mọi việc chuẩn bị
đưa hài cốt vua Duy Tân đã hoàn tất hai năm sau đó..
Nghệ sĩ sân khấu Kim Cương là cháu nội vua Thành Thái
Trong bàl báo "gặp thầy Vương Hồng sển lần cuối" tôi tường thuật lại một số chi tiết
lịch sử mà thầy Vương đã cung cấp cho tôi, trong đó nói rõ khi vô Nam vua Thành Thái đã "cặp
bồ" với một bà bầu gánh (bà nội của nghệ kịch sĩ Kim Cương sau này) và bà hầu gánh đã có với
vua Thành thái một người con trai.
Sau khi bài báo ra đời nhiều độc giả đã gửi thư và điện thoại hỏi tôi: "Như thế nghệ sĩ
Kim Cương có phải là cháu nội vua Thành Thái không".
Phải hay không xin mời độc giả đọc tiếp bài này.
Tôi cùng một lứa tuổi với chị Kim Cương và từ lúc nhỏ, tôi cùng như nhiều bạn bè thế
hệ tôi đã mê tài diễn kịch của chị. Không ngờ, trong những năm tôi đi kháng chiến (1966- 1975),
anh Trần Trọng Thức - một người bạn học và tranh đấu cùng tôi ở Huế đã làm người bạn đời của
Kim Cương. Nhờ thế, sau năm 1975 tôi có nhiều dịp được gặp cô dâu Huế nổi tiếng này.
Vào khoảng 1984, trong buổi họp thành lập Ban liên lạc đồng hương Huế tại Tp HCM,
tôi gặp anh Trần và chị Kim Cương. Khi giới thiệu bà con đồng hương Huế, ban tổ chức gọi chị
Kim Cương là cô dâu xứ Huế. Chị Kim Cương nghe thế tủm tỉm cười. Đến khi được mời phát
biểu ý kiến, chị nói:
- Ban tổ chức vừa rồi nói tôi là cô dâu xứ Huế, đúng là như thế. Nhung tôi không
những là cô dâu xứ Huế mà tôi còn sinh đẻ ở Huế và cũng chính là một người Huế.
Hôm ấy, bà con đồng hương Huế nghe chị nói thế cứ tưởng chị nói cho vui chứ làm sao
một cô gái Nam bộ chay như chị mà lại có thể là người Huế được.
Sau này có dịp làm việc với nhau, tôi hỏi anh Trần:
- Bà Kim (chúng tôi thường gọi thân mật như thế) nói bà là người Huế là sao anh?
Anh Trần bạn tôi cười bảo tôi:
- Có lẽ có sao đó bà mới nói chứ lông phải tự nhiên bà nói thế đâu! Có dịp anh hỏi bã
xem sao! Biết đâu bà là con vua cháu chúa cũng nên?
Anh Trần nói úp úp mở mở thế khiến cho cái óc hay nghiên cứu tọc mạch của tôi bị
kích thích lạ kỳ. Nhiều lần tôi định đến thăm chị và hỏi thẳng chuyện ấy, nhưng lại không hiểu sao
cứ thấy ngại ngại không dám đến. Cách đây vài năm, đoàn Kim Cương ra Huế diễn các vở Lá sầu
riêng, Dưới hai mầu áo... Buổi diễn nào tôi cũng được làm khách mời. Một buổi chiều chị Kim
ghé thăm gia đình tôi bên bờ sông Thọ Lộc (Đập Đá). Nhân câu chuyện đang vui tôi hỏi dò chị:
- Nghe nói gia đình chị ngày xưa có quan hệ vối vua chúa ở Huế phải không?
Chị Kim cho biết:
- Có Hồi vua Thành Thái bị quản thúc ở miền Nam, nhà vua hay gọi gánh hát của bà
nội tôi đến biểu diễn cho vua xem. Nhà vua rất thích. Bà nội được ban khen nhiều lần. Tuy bị
quản thúc nhưng nhà vua vẫn giữ cái uy của một ông vua. Những khi gặp việc khó khăn bà nội
hay đến nhờ nhà vua giải quyết. Có lần bà nội xây nhà hát, cái lầu nhà hát dựng lên là y như có ma
quỷ ganh ghét giật xuống ngay. Cái lầu nhà hát xây đi xây lại nhiều lần mà vẫn không thành được.
Bà nội đến kêu khóc với vua Thành Thái. Nhà vua đến tận nói xem xét rồi bảo làm lễ cúng đất.
Trong lúc hương nghi ngút, nhà vua cầm một thanh gươm dài huơ huơ trong không khí miệng bảo
với người khuất mặt rằng: "Ta là Hoàng đế nước Nam, đất này ta đã cấp để xây dựng nhà hái. Nếu
các ngươi còn quấy phá, ta sẽ lấy đầu hết". Và rồi thật kỳ lạ, sau đó bà nội tôi đã xây được nhà
hát. Bởi thế gánh hát của bà nội tôi đã chịu nhiều ơn đức của vua".
Nghe thế tôi tự hỏi: "Ngày xưa, các cô đào hát được vua thương như thế thường có con
với vua. Nhiều cô đào lại lấy chuyện đó làm vinh dự. Mộl ngày dựa mạn thuyền rồng, còn hơn
muôn kiếp nằm trong trong thuyền chài" (Ca dao). Không rõ bà nội chị Kim lúc đó ngoài chuyện
hát, bà đã trả ân vua Thành Thái bằng cách gì?"
Ý nghĩ đã biến thành lời và ra đến môi. Rồi không biết sao tôi đã mím môi lại và nói
qua chuyện khác:
- Thế về Huế biểu diễn nhiều lần có khi nào chị lên lăng thắp hương cho vua Thành
Thái chưa?
- Chưa. Nhiều lẩn tôi định đi mà chưa đi được.
- Thực bây giờ chị muốn đi không?
- Nếu anh cho tôi đi thì quý quá!
Tôi lấy chiếc Honda cà-tàng của tôi chở chị Kim lên An Lăng viếng khu mộ ba vua
Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân. Rất tiếc hôm đó người giữ Lăng là ông Bảo Hiền cháu nội vua
Thành Thái, đi vắng. Tôi đưa chị Kim đi thắp hương cho từng lăng. Đứng trước lăng mộ vua
Thành Thái, chị Kim khấn vái rất lâu. Tôi không biết chị khấn gì, nhưng g thoáng thấy một cái
chớp mắt của chị, tôi phát hiện ra mí mắt trên bên phải có một vết mờ làm cho nó nhỏ hơn con
mắt bên trái. Phát hiện ấy khiến cho tôi liên tưởng đến một sự kiện lịch sử hồi cuối đời vua Tự
Đức (1883). Con "mắt có dị tật" của Dục Đức (thân sinh vua Thành Thái) là một trong những điều
đã làm cho vua Tự Đức không yên tâm khi viết Di chiếu truyền ngôi lại cho con (nuôi) trưởng
Dục Đúc. Và sau này các quyền thần đã lợi dụng vào sự không yên tâm đó mà truất phế và tống
ngục Dục Đức, bắt đầu thời kỳ suy thoái của nhà Nguyễn. Không ngờ con mắt có hơi tật của vua
Dục Đức đã di truyền cho phần lớn con cháu của ông sau này. Đó là một đặc điểm dễ nhận thấy ở
con cháu ba vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân khác với con cháu các vua, các phủ phòng khác
của Nguyễn Phước tộc.
Mắt phải chị Kim Cương có hơi giống mắt phải của con cháu ba vua Dục Đức, Thành
Thái, Duy Tân. Thật là một sự trùng hợp kỳ lạ. Sự trùng hợp đó chỉ có thể được giải thích: chính
chị Kim Cương đã mang cùng dòng máu di truyền từ vua Dục Đức.
Chị Kim Cương là một người Huế như chị đã nói trong buổi họp đồng hương năm
1984. Bà nội chị được vua Thành Thái "cặp bồ" đúng như tư liệu sống của thầy Vương Hồng Sển
cung cấp. Vấn đề chị có phải là cháu nội của vua Thành Thái hay không chỉ có bà nội và thân sinh
của chị biết. Không rõ các bậc khả kính ấy trước khi vĩnh biệt cuộc đời có tâm sự với chị Kim
Cương về điều bí mật ấy hay chúng tôi chưa có dịp hỏi kỹ chị Kim Cương.
Tôi tường thuật lại những gì tôi biết như trên để trả lòi câu hỏi của độc giả. Còn câu trả
lời chính xác xin nhường lại cho chị Kim Cương. Nếu viết hồi ký, xin chị Kim Cương lưu ý đến
sự quan tâm này của độc giả và những người mến mộ cuộc đời hoạt động nghệ thuật sân khấu của
chị.
Đà nẵng 9-1-1997
Hồi âm bài báo "Nghệ sĩ sân khấu Kim Cương là cháu nội vua Thành Thái"
Số tất niên báo Lao Động năm 1996, tôi có bài "Nữ nghệ sĩ Kim Cương là cháu nội vua
Thành Thái?". Suốt một năm qua nhiều độc giả trong và ngoài nước (trong đó có nhiều người
trong gia đình Kim Cương và gia đình Nguyễn Phước tộc) gởi thư, điện thoại hỏi tôi như thế có
chắc không(?). Tôi đã phải nhắc lại câu kết của bài báo đã đăng là "Xin nhường câu trả lời cho
nghệ sĩ Kim Cương".
Không ngờ cũng có người đã hỏi chị Kim Cương và chị đã đáp: "Tôi sẽ trả lời cho nhà
báo Nguyễn Đắc Xuân và quý vị sẽ...". vì thế cuối năm nay (1998) tôi có bài hồi âm này.
1. Người tình của ông vua yêu nước Thành Thái tại Sài gòn
Vua Thành Thái rất thích hát bội và ông cũng là một người đánh trống chầu nổi tiếng.
Như lịch sử cho biết, năm 1907 ông bị thực dân Pháp buộc phải thoái vị vì chúng nghi ông có tư
tưởng chống Pháp. Ông phải nhường ngôi cho con trai là Vĩnh San (tức vua Duy Tân). Sau đó nhà
vua bị Pháp đày vào Cấp Saint- Jacque (Vũng Tàu) thuộc địa của Pháp. Cụ Vương Hồng Sến cho
biết ở đây thỉnh thoảng nhà vua được đi Sài Gòn chơi.
Trí thức, nghệ sĩ Nam bộ (trong đó có bà Sương Nguyệt Anh con cụ Đồ Chiếu) vốn
nặng tình vối nhà Nguyễn cho nên họ đã đón tiếp người tù giam lỏng Thành Thái rất cung kính.
Nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam thân mẫu nghệ sĩ Kim Cương, trong Hồi ký Trôi theo dòng đời cho
biết vào khoảng sau năm 1910, vua Thành Thái lên Sài Gòn, cụ bà Lưu Thị Ngoạn, bầu gánh hát
bội Phúc Xương gặp vua và cụ bà thường rước vua về nhà chơi, coi hát, đãi đằng, món ngon vật lạ
đều đem đến cho ngài ngự.
Như có lần tôi đã tường thuật, cụ Vương Hồng Sến cho biết vua Thành Thái đã cạp bồ
với bà bầu gánh Lưu Thị Ngoạn, bà Ngoạn, sinh được một người con trai. Người ấy chúng tôi vừa
được biết là ông Nguyễn Ngọc Cương (sinh năm 1913). Năm ông Cương lên 3 tuổi (1916) vua
Thành Thái cùng con trai - vua Duy Tân bị Pháp đày sang đảo Réunion. Sau đó cụ bà Lưu Thị
Ngoạn qua đời (trước khi Kim Cương ra đời). Ông Cương lớn lên cũng theo nghiệp sân khấu. Vào
năm 1936 ông lập gia đình với bà Lê Thị Nam (tức Bảy Nam) bầu gánh hát Đại Phúc Cương. Vào
ngày sinh nhật đầu tiên của Hoàng tử Bảo Long (4.1.1937), bà Bảy Nam sinh Kim Cương tại nhà
Bảo sanh bên ngoài cửa Thượng Tứ thuộc phường Phú Hoà, thành phố Huế.
Năm 1946, trong lúc theo vợ con đi hát, ông Ngọc Cương mất tại một vùng ngoại ô
Phan Thiết. Năm 1947, vua Thành Thái được thực dân Pháp cho về lại Cấp Saint-jacque. Lúc này
người tình nghệ sĩ Lưu Thị Ngoạn của ông đã mất từ lâu và người con rơi Ngọc Cương cũng vừa
từ trần hơn một năm trước đó.
Bà Bảy Nam kể: "Năm 1947, gánh hát của tôi đang hát ở Vũng Tàu. Một buổi trưa
đang ngủ, tôi nghe có tiếng trống đổ dồn, tôi hốt hoảng trỗi dậy kêu hỏi: "Mới chừng này sao lăn
trống hát mà sao lại đánh loạn xạ như chữa cháy kỳ cục vậy?". Mấy đứa nhỏ trong đoàn hát chạy
ra coi rồi chạy vô: "Trời ơi! Cô ơi! Vua! Vua!". Tôi hỏi: "Vua nào vậy?". Tụi nhỏ bảo: "Vua đánh
trống!". Tôi chạy đi hỏi ông còm-mi Đễ là khán giả thường trực và cũng là bạn của tôi. Ông còm-
mi cho biết: ""Đúng rồi. Vua Thành Thái đó". Ông còm-mi còn cho biết vua Thành Thái là nhà
vua yêu nước, bị Pháp bắt đi đày. Mấy chục năm bị đày, bây giở ông yếu lắm nên mới được ân xá
về cố quốc và đang ở tạm trong nhà ông còm-mi. Tôi nghĩ có lẽ Ngài muốn gặp chúng tôi nên
chiều lại, tôi bèn dắt ba đứa con là Kim Cương, Kim Quang và Ngọc Thố đến xin ra mắt để chào
lại vua. Tôi thưa với Ngài rằng: Các con tôi đây là cháu nội của bà Lưu Thị Ngoạn..." Nghe tôi
thưa ngài rất vui vẻ, vỗ đầu tụi nhỏ và nói rất nhiều, nhưng tôi nghe tiếng được tiếng mất vì Ngài
nói giọng Huế rất khó nghe. Sau này ông còm-mi Đễ có trao cho tôi một bức thư bút tích của vua
Thành Thái. Vì hồ sơ lâu trữ của toà hành chánh lâu ngày đem ra thiêu huỷ, trong đó có cả thư của
vua Thành Thái hồi ông còn chờ giải đi đày. Nhà vua xin cho một người chụp hình tôi chụp ông
để làm kỷ niệm. Chữ ông viết sai văn phạm rất nhiều: chữ ngả nghiêng ngã ngửa nhung mà tôi coi
được. Tôi giữ bức thư đó, sau về Sài Gòn tôi có đem cho ông luật sư Vương Quang Nhường là rể
của vua Thành Thái. Lúc đó vợ ông Nhường là bà công chúa Lương Nhàn (công chúa thứ 16) vừa
qua đời. Ông Nhường nói nói tôi: "Trời, nếu thư này đến sớm một chít, còn nhà tôi chắc nhà tôi
mừng lắm, vì đây là bút tích của vua Thành Thái - cha vợ tôi!"
2. Nghệ sĩ Kim Cương, kết tụ ba dòng máu đam mê sân khấu
Cách đây không lâu, gặp tôi, nghệ sỹ Kim Cương đột nhiên hỏi:
- Anh biết lâu nay tôi không có bên nội?
Tôi không có dịp hỏi chuyện chị nên phải dùng con đường "bí mật" điều tra, vì thế tôi
không tiện khai báo "nguồn" nào đã cho tôi thông tin đó. Tôi đáp bằng một câu hỏi:
- Xin chị miễn lời, có phải trên bàn thờ tổ tiên trong nhà chị chỉ ảnh bà nội. Cụ thân
sinh chị không có ảnh ông nội!
- Đúng như thế!
- Có phải vì ông nội không còn di ảnh, hay vì quốc sự mà không dám treo, hay vì gia
đình mất liên lạc với bên nội?
- Trước kia tôi không quan tâm, nhưng giò thì tôi nghĩ có lẽ vì lý do thứ hai và thứ ba.
- Năm ngoái trong một bài báo tôi có nói mí mắt bên phải của chị có một "vết mổ"
giống con cháu của vua Dục Đức, Thành Thái chị thấy có đúng không?
- Vì bài báo của anh mà bà con ở nước ngoài và ở Huế vô tìm thăm tôi. Anh chị em
ngồi lại với nhau thấy mắt phải ai cũng có hơi tật một chút như thế! Lạ quá!
- Thế sao chị chưa khai tên họ Công Tôn nữ Kim Cương cho rồi!
- Thôi anh, tôi không muốn người ta cho mình là thấy sang bắt quàng làm họ. Nếu mấy
anh không cố tình "tìm trẻ lạc" thì không có chuyện này.
Chuyện nghệ sĩ Kim Cương nói là chuyện ngày 20 tháng 11 vừa rồi (1997), chị đã về
thăm quê nội gặp gỡ bà con và bái tạ trước bàn thờ vua Thành Thái. Ông Bảo Hiền, cháu nội vua
Thành Thái, người đang coi sóc khu lăng mộ ba vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân đón tiếp chị
và tặng chị một tấm ảnh vua hình Thái. Mới đây gặp chị ở thành phố Hồ Chí Minh, chị vui mừng
báo cho tôi biết trên bàn thờ tổ tiên của chị đã có đủ ảnh ông nội, bà nội và cụ thân sinh. Trong
ảnh, cụ thân sinh của chị rất giống bố, nghe thế tôi buột giọng nói:
- Tài năng kịch nghệ của chị là kết tụ của ba dòng máu say mê sân khấu (ông nội, bà
nội và mẹ). Biết được chị mang dòng mảu của Thành Thái Duy Tân như thế tôi mới giải thích
được cái tính cách bương bướng của chị ở miền Nam trước đây. Chúc mừng chị, chúc mừng
Nguyễn Phước tộc mùa xuân này có thêm một cô Công Tôn nữ.
Huế, 1997
Ai là thủ phạm ám hại Cựu hoàng Duy Tân?
Nhân 40 năm ngày mật của cựu hoàng Duy Tân, ngày 25 tháng 12 năm 1995, Hội Sử
học Thừa Thiên-Huế, Nhà xuất bản Thuận Hoá và tạp chí Huế xưa và nay có tổ chức một hội thảo
khoa học. Trong một tham luận đọc tại Hội thảo tôi có nói sẽ công bố tập tư liệu liền quan đến cái
chết mờ ám của Cựu hoàng Duy Tân. Sau đó phóng viên tạp chí Huế xưa và nay thực hiện một
cuộc trao đổi vối tôi về chủ đề ấy. Cuộc trao đổi nêu lên nhiều vấn đề đáng quan tâm. Nhân tái bản
tập sách Chuyện ba vua Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân, tôi xin phép tạp chí Huế xưa và nay in
lại nguyên văn bài trao đổi ấy để bạn đọc tham khảo:
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Trong việc nghiên cứu cựu hoàng Duy Tân, cái
khó nhất là việc sưu tập tư liệu để làm rõ giai đoạn Cựu hoàng bị đày ở đảo Réunion và thời gian
ông hoạt động chính trị ngắn ngủi ở Pháp. Đỉnh cao của cái khó ấy là bằng cách nào làm sáng tỏ
được cái chết của cựu hoàng. Thấy vấn đề quan trọng như vậy nên tôi phải lập một tư liệu riêng
phấn đấu tìm kiếm giải quyết cho được vấn đề. Tôi không rõ trước tôi đã có ai làm như thế chưa
nên đối với tôi không có chuyện thừa kế của ai cả.
***
Dấu hiệu thì có nhiều. Sự mờ ám chung quanh cái chết ấy không những người Việt yêu
nước đặt ra mà chính cả những người từng quen biết Cựu hoàng đã khẳng định sự mờ ám ấy.
Năm 1963, trong vở kịch Duy Tân do giáo su Etien Boule và ông Dương Văn Sa, nhân
viên phòng nhì Pháp soạn và cho trình diễn ở trường trung học Colbert tại Paris, qua đối thọi của
hai nhân vật, bác sỹ Winson và ông Arard (do hai tác giả đứng tên) tỏ sự nghi ngờ về sự bất bình
thường của chuyến bay đưa Cựu hoàng về Réunion năm ấy. Ở phần cuối cuốn sách có đăng kịch
bản trên, giáo sư Etienne Boulé viết thêm: "Cũng như cái chết đầy bí ẩn của tướng Leclerc, một
câu hỏi đặt ra: Ai đã gết hoàng tử Vĩnh San? Tôi tin là tôi biết hay nói đúng hơn, tôi có thể ước
đoán. Đó là bí mật đè nặng lên đời tôi. Bí mật ấy chỉ có thể tiết lộ sau khi tôi chết".
Tiếc rằng nắm 1964 giáo sư Boulé đã qua đời nhung không hiểu vì áp lực nào điều bí
mật ấy vẫn chưa được tiết lộ.
***
Ba ngày sau khi gặp De Gaulle, tối ngày 17-12-1945 Cựu hoàng có than thở với
Thébault rằng:
"Tôi về Việt Nam chắc phải lãnh một trái bom, hoặc một mũi dao nhưng ai cũng có số,
nhưng có lẽ số tôi chết về nghiệp đó.
Rồi buồn buồn Cựu hoàng đặt tay vào tay bạn, nhìn thẳng vào mắt Thébault nghiêm
nghị nói:
- Tôi có cảm tưởng không về nước được!
Ngừng một chút cựu hoàng tiết lộ một bí mật:
- Tôi sẽ gặp nhiều trở ngại trong nhiệm vụ tôi nhận đây. Nước Anh không chịu tôi tở lại
Việt Nam.
Tôi nói thật! Họ đã nói thẳng với tôi: nếu tôi từ chối dự định này thì họ sẽ cho tôi 30
triệu quan Pháp.
Chính cựu hoàng cũng tâm sự với bạn của Cựu hoàng và cũng là người thân quen với
Thébault là De Boissieu như thế. Theo thông tin của hồi ký của Thébault thì đã có một âm mưu
giết Cựu hoàng và kẻ chủ mưu là người Anh.
***
Giới sử học không tin như thế và tôi cũng không tin thông tin ấy vì những lý do sau:
1. Người ta giải thích thực dân Anh sợ Pháp trả độc lập cho Việt Nam qua Cựu hoàng
Duy Tân rồi thì các thuộc địa của Anh sẽ bắt chước nổi dậy đòi độc lập gây bất lợi cho Anh. Theo
kiểu suy nghĩ đó thì các thuộc địa Pháp sẽ bắt chước Việt Nam trước cả thực dân Anh và thực dân
Pháp có nhiều điều kiện để ám hại cựu hoàng hơn Anh.
2. Cựu hoàng là nhân vật chính mà tướng De Gaulle dự định sẽ đưa về Việt Nam. Nếu
nguồi Anh giết Cựu hoàng thì De Gaulle đã mất con bài của mình thì tại sao ông ta không phản
ứng gì và cho chuyện ấy chìm xuồng luôn?
3. Nếu nhỡ ông Théballt và ông De Boissieu - bạn của Cựu hoàng và cũng là người của
bọn thủ phạm đồng hương gây ra cái chết kia đã dùng hồi ký của mình thông tin về âm mưu của
người Anh để đánh lạc hướng dư luận có thể hồ nghi người Pháp thì sao? Có thể như thế chứ?
4. Để tránh đụng chạm vào con bài chính trị của tướng De Gaulle, thực dân Pháp có thể
cho người nhân danh thực dân Anh để điều đình với cựu hoàng thì sao? Tại sao không?
5. Nếu người Anh đã ám hại Cựu hoàng thì giáo sư Boulé là người Pháp sợ gì người
Anh mà không dám nói ra sự thật ấy?
Cho nên cần phải truy tìm thật? Thủ phạm đã ám hại Cựu hoàng, chưa chỉ được đích
danh chúng nó thì ít ra cũng chỉ được những lực lượng nào có thế làm việc ấy.
***
Nếu giết Cựu hoàng đế ngăn ngừa ảnh hưởng đến các thuộc địa của thực dân Pháp lúc
ấy, thì có thế nghi ngờ thúc dân Pháp. Việc ám hại ấy không phải là một hành động đơn lẻ mà thực
chất nó chỉ là một sự kiện trong cái chuỗi hành động quyết liệt mà thực dân Pháp đã dành cho ông
vua yêu nước này.
***
Xin nêu những hành động đó mà nhiều độc giả đã biết:
1. Năm 1916, sau cuộc Duy Tân khởi nghĩa thất bại, Triều đình Huế xử án đổ tội cho
các ông Thái Phiên, Trần Cao Vân để cho vua Duy Tân còn tuổi vị thành niên được nhẹ tội.
Nhưng thực dân Pháp vẫn quyết định bắt vua Duy Tân đày sang Réunion.
2. Năm 1936, Mặt trận Bình dân ở Pháp lên nắm chính quyền, vua Duy Tân gửi một
đơn thỉnh nguyện nói rõ về vai trò thứ yếu của mình trong cuộc khởi nghĩa 1916 để có sự thông
cảm và cho Cựu hoàng được sang Pháp sinh sống. Nhưng với áp lực của thực dân, chính phủ Bình
Dân cũng không một lời phúc đáp.
3. Sau năm 1942. khi cựu hoàng được tướng Legentilhomme đề nghị De Gallle cho
cựu hoàng sang Ribbeeford (Anh quốc) học quân sự. thức dân Pháp hay tin đó đã làm áp lực
không những không cho Cựu hoàng sang Anh học mà ngược lại còn đuổi ông ra khỏi tàu Le
Léopard và buộc ông về lại Réunion.
4. Tháng 3 - 1945. De Gaulle giao cho De Boissieu tổ chức cho Cựu hoàng sang Paris
lại bị các thế lực thực dân tìm cách ngăn trở. Cuối cùng tướng De Gaullle nổi cơn thịnh nộ ra lệnh
đưa Cựu hoàng về Paris bằng đường quân sự. Vì thế mà mãi đến tháng 6-1945. Cựu hoàng mới có
mặt ở Pháp.
5. Khi Cựu hoàng còn sống, thực dân Pháp sợ ảnh hưởng của Cựu hoàng gây bất lợi
cho chúng nên ngăn không cho Cựu hoàng về nước là chuyện đã dành. Nhưng thật không thể hiểu
được sau khi Cựu hoàng mất đã gần một năm mà khi chính phú Pháp muốn đưa hài cốt cựu hoàng
về nước thì Chánh văn phòng chính phủ vẫn từ chối léo là vì: "Việc đưa hài cốt của Duy Tân mà
quan tư Desanges đề nghị nhằm đề cao nền quân chủ mà bước đầu sắp xếp lại ở An Nam, theo tôi
chẳng có tầm quan trọng gì về mặt chính trị"42.
Năm sau (1947) lại có ý kiến đưa hài cốt Cựu hoàng về Việt nam. Không cần phải y tứ
gì nữa, tướng Henri Le Brist (nguyên là giáo sư trung Quốc Học Huế) nói huỵch toẹt ra rằng:
“Việc đem hài cốt về lúc này sẽ làm cho Duy Tân trở thành một nhà yêu nước như Phan Bội Châu
và Phan Châu Trinh, cho nên chấp nhận đề nghị này sẽ làm cho tinh thần dân tộc yêu nước Việt
nam bùng lên mạnh mẽ, và như thế vô cùng cay đắng đối với chúng ta" 43.
Qua chuối hành động kéo dài hơn 30 năm (1916 - 1947) chứng tỏ cựu hoàng có bị thực
dân Pháp ám hại cũng là chuyện hết sức logique. Nhưng lúc ấy (cuối năm 1945) không cho có chỉ
có thực dân Pháp cảm thấy sự có mặt của cựu hoàng ở Việt nam sẽ gây bất lợi cho họ mà ngay cả
lực lượng Pháp tự do dưới trướng tướng De Gaule cũng cảm thấy như thế.
***
De Gaulle quyết tâm đưa Cụu hoàng về Pháp để làm con bài trong âm mưu chnh trị
(lập lại thuộc địa Pháp ở Đông Dương). Đến khi Cựu hoàng về Paris vói một ý chí giành lại độc
lập tự do cho Việt Nam và thống nhất ba kỳ (Trung, Nam, Bắc) thì De Gaulle có ý nghĩ ngược lại
về ông vua bị lưu dày suốt 30 năm mà vẫn giữ cái personnalite forte 44 này.
***
Âm mưu chính trị ấy có thế tìm thấy trong tuyên bố ra ngày 25 3-1945 của De Gaulle.
Tuyên bố khẳng định rằng Pháp sẽ lập lại chủ quyền ở Đông Dương. Đông Dương sẽ gồm có năm
bang: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam kỳ, Cambodge và Laos. Đứng đầu chính phủ liên bang là một viên
toàn quyền người Pháp.
***
Xin nghe De Gaulle căn dặn tướng Leclerc trước khi ông này dẫn quân sang tái chiếm
Đông Dương sẽ rõ.
De Galllle nói "Đối với Lào và Cambodge, sự hiện diện của vương triều còn vững, tình
hình có thế cách ly được với những xáo trộn hiện nay. Đối với Việt Nam, công việc thật phức tạp.
Tôi quyết định nước Pháp phải đi dần từng bước, anh phải chiếm lĩnh, trước hết ở Nam
kỳ, và Cambodge, còn việc ra Trung thì để sau hết. Trong lúc đó, đối với Bắc kỳ, anh chỉ được
đưa quân ra khi có lịnh tôi".
Có lẽ De Gaulle muốn chờ chuẩn bị cho xong kế hoạch đưa cựu hoàng Duy Tân về
Huế.
Kế hoạch này cũng được De Gaulle nói rõ trong hồi ký "Để theo đuổi những mục tiêu
có lợi về sau, tôi đã nuôi dưỡng một kế hoạch mật. Cần phải cung ứng cho cựu hoàng Duy Tân
những phương tiện để ông ta có dịp tái xuất hiện nếu như người kế vị cùng họ hàng của ông là
Bảo Đại đã bị loại bỏ (dépassé) trước những biến cố vừa qua".
Vậy thì De Gaulle sử dụng Cựu hoàng Duy Tân vào việc gì? Ông ta đã giải thích với
De Boissieu rằng: "Sở dĩ tôi chú ý đến hoàng thân Vinh San vì trong thời gian đầu (khi trở lại Việt
nam) phải tái lập nền quân chủ ở đó".
De Gaulle chuẩn bị đua Cựu hoàng về đăng quan trở lại được thay thế vai trò của Bảo
Đại trước Cách mạng Tháng 8-1945.
***
Chuyện này dài dòng và hòi phức tạp. Tôi chỉ in dẫn chúng lòi của một người trong
cuộc kể lại. Người ấy là tướng Trần Văn Đôn của quân đội Sài Gòn trước năm 1975.
Cuối năm 1945 ông Đôn vồn là dân Tây cùng vối em rể là Lê Văn Kim (cũng vô dân
Tây) bị rút khỏi cơ quan bộ tư lệnh quân đội Pháp để "nhập vào toán biệt kích (commando)
khoảng 100 người vừa sĩ quan vừa hạ sĩ quan và binh lính gốc Việt nam để huấn luyện nhảy dù
xuống Huế dọn đường cho vua Duy Tân trở lại làm hoàng đế Việt nam" 45. Ông Đôn cho biết việc
để huấn luyện nhảy dù đã hoàn tất, chỉ chờ lệnh nữa là bay ra Huế.
***
Tôi chưa tìm được tài liệu nào chứng tỏ Cựu hoàng biết cụ thể về kế hoạch đó. Nhưng
khi có những chi tiết của kế hoạch đó lộ ra thì Cựu hoàng có phản ứng một cách quyết liệt.
Xin lấy một ví dụ: Langlade - trưởng ban Đông Dương của tướng De Gaulle đã trao
đổi vối Thébault - bạn của Cụu hoàng, ý nhờ Thébault nói cho Cựu hoàng biết Pháp sẽ đưa ông về
nước và sẽ làm lễ đăng quang long trọng. Thébault đã kể chuyện nói Cựu hoàng và lập tức Cựu
hoàng có phản úng ngay: "Không có việc phong chức, không có việc đăng quang, cũng chẳng có
đăng vị gì cả. Tôi chẳng bao giờ thoái vị, tôi luôn luôn là một ông vua hợp pháp (trong lòng dân
tôi). Tôi về nước tôi, chỉ có thế. Tôi ngồi lại cái ghế của tôi, giống như thể tôi đi xa mới trở về".
Thébault là một người am hiểu tính tình Duy Tân nên sau cuộc gặp mặt ấy Thébault đã nói thẳng
cho Langlade biết rằng:
"Nếu Ngài muốn ông ta (tức cựu hoàng Duy Tân) lên ngôi An nam, chắc chắn ngài sẽ
có một đối thủ tin cậy được. ông ta không phải là một ông vua bình thường. Ông ta sẽ tự quản, sẽ
tự quyết định mọi việc. Ông ta có tài năng của một vị lãnh tụ và muốn mình là người lãnh đạo.
Nếu ngài cần một ông vua chỉ để trang trí, có bộ dạng bên ngoài, thì tốt hơn hết là Ngài nên chọn
người khác"46.
***
Có thế đó là một trong những yếu tố đã đưa đến quyết định định bỏ con bài Duy Tân
của De Gaulle. Đối vói một lãnh tụ chính trị thái độ tính tình của người cộng sự cũng cần lưu ý
nhưng thường không đưa đến quyết định dùng hay không dùng.
Cái quan trọng nhất là quan điểm chính trị có tính cương lĩnh của người cộng sự đó có
đồng nhất với lãnh tụ hay không.
***
Khác nhiều lắm chứ. Quan điểm chính trị của De Gaulle về Đông Dương là quan điểm
của ông trùm đế quốc Pháp: phải dùng mọi thủ đoạn chính trị kể cả quân sự để lập lại chủ quyền
thuộc địa ở Đông Dương. Nêu quan điểm chính trị của Cựu hoàng đã được nói rõ trong Di chúc
chính trị ấy là một nước Việt nam thống nhất, tự do, độc lập hoàn toàn và quan hệ với Pháp trong
khối liên hiệp Pháp.
***
Dĩ nhiên là phải có phản ứng. Trước tiên quan điểm đó đã làm cho người giúp tướng
De Gaulle làm việc thường xuyên với Cựu hoàng là De Boissieu hết sức bất ngờ và anh cảm thấy
lo sợ cho Cựu hoàng. Vì sao có sự bất ngờ đó? Muốn hiểu chuyện này cần phải mất thì giờ một
chút để xem lại trường hợp nào Cựu hoàng đã viết Di chúc chính trị.
Sang được Paris, Cựu hoàng rất lạc quan. Nhưng sau khi ở Paris được một thời gian thì
ông cảm thấy có nhiều âm mưu chính trị đang vây bủa chung quanh ông. Linh tính báo cho ông
biết ông có thể bị giết chết. Đề phòng trường hợp ông bị giết một cách đột ngột, ông viết một Di
chúc chính trị để nói rõ quan điểm đấu tranh cho thống nhất và độc lập nước nhà của ông với hy
vọng người sau sẽ tiếp nối sự nghiệp ấy đấu tranh tiếp cho đến lúc thành đạt.
Viết xong, Cựu hoàng gởi cho Thébault và De Boissieu mỗi người một bản. Đọc hết
bản di chúc, De Boissieu hết sức hốt hoảng. Hai tay run run, ông cầm bản di chúc của Cựu hoàng
đem đến bàn đưa cho tướng De Gaulle. De Gaulle chau mà thất vọng. Cuối cùng ông tướng đã
chiến thắng phát xít Đức cố nén nỗi giận để buông một câu: "Bong est ce que ce prillce a un
certaine valellr (Được, phải chăng ông hoàng này có giá đây)
Trong một cuộc gặp mặt dự định trước giữa De Gaulle và cựu hoàng Duy Tân diễn ra
ngày 14-12-1945 sau đó tại điện Elysée, De Gaulle không hề đếm xỉa gì đến bản Di chúc chính trị
của Cựu hoàng. Cuộc gặp đầu tiên ấy cũng là cuộc gặp cuối cùng. Ngoài bản Di chúc, quan điểm
chính trị của Cựu hoàng còn thực hiện nhiều điểm khác đã làm cho giới cầm quyền Pháp lúc đó lo
lắng. Hai kẻ thù của Pháp ở Việt Nam lúc ấy (cuối tháng 12-1945) là cụ Hồ Chí Minh và Cựu
hoàng Bảo Đại, nhưng đối với Cựu hoàng Duy Tân thì ông: "vẫn yêu dấu hoàng đế Bảo Đại mà
tôi cũng chẳng ghét gì ông Hồ Chí Minh, tôi chỉ muốn các nước Đồng Minh vì tôi mà để ý đến
nước tôi thôi47. Khi về nước tôi sẽ liên lạc với ông Hồ" 48. Quan điểm chính trị cũng như thái độ
chính trị của Cựu hoàng đối lập với chính phủ Pháp trong tay De Gaulle đến như thế làm sao De
Gaulle dám đưa cựu hoàng về nước?
***
Nếu không có vụ máy bay trên bầu tròi Trung Phi chiều 5-12- 1945, thì Cựu hoàng
cũng phải chết vì cái mộng giành lại Đông Dương của tướng De Gaulle. Đưa một người có
personnalite forte với một quan điểm yêu nước tột độ đến như thế về Việt Nam thử hỏi những gì
sẽ xảy đến vói thực dan Pháp? Chắc chắn Pháp sẽ có thêm một kẻ thù sáng giá. Nhưng nếu Cựu
hoàng không chết mà De Gaulle không thực hiện lời hứa sẽ đưa cựu hoàng về nước thì làm sao
tránh được những lời tố cáo mang tính lịch sử của Cựu hoàng Duy Tân? Ám hại Cựu hoàng lúc đó
là giải Pháp tối ưu! Cựu hoàng chết rồi, những người chủ trì kế hoạch mật (đứng đầu là tướng De
Gaulle) vẫn còn giận nên họ không một lòi phân ưu, không một sự giúp đỡ tối thiểu nào dành cho
hai bà vợ và năm người con của Cựu hoàng ở Réunion. De Gaulle có cho người đi điều tra vụ tai
nạn máy bay, nhưng làm chiếu lệ, không có tính thuyết phục. Chúng ta không vạch được mặt, chỉ
được tên người ám hại Cựu hoàng nhung chúng ta có thế khẳng định vì giữ vững lập trường đấu
tranh thống nhất ba kỳ và độc lập hoàn toàn cho đất nước, Cựu hoàng đã bị bàn tay của thực dân
đế quốc Pháp ám hại.
***
Cựu hoàng là một người có ý chí yêu nước tuyệt vời, có bản lĩnh chính trị và mỗi khi
gặp thời là ông bám theo để thực hiện ý chỉ của mình. Nhưng Cựu hoàng có một nhược điểm là
nóng vội, sẵn sàng bộc lộ chính kiến của mình trong những hoàn cảnh bất lợi. Cựu hoàng bị đày ở
Réunion quá lâu (30 năm), nên khi bước vào hoạt động chính trị trở lại thì ông thiếu thông tin.
Nếu thiếu thông tin thì không thể thiết kế được một chương trình chính trị đúng đắn. Từ tháng 3-
1945, De Gaulle đã tuyên bố quan điểm chính trị của Pháp về Đông Dương. Đó là một liên bang
có năm xứ, người đứng đầu như tôi đã nói ở trên là một viên toàn quyền Pháp. Việc cấm kỵ nhất
đối với Pháp lúc ấy là thống nhất Việt Nam và trả lại độc lập cho Việt nam. Cựu hoàng muốn dựa
vào De Gaulle để về nước mà công bố một cương lĩnh bình trị thống nhất ba kỳ và độc lập tuyệt
đối cho Việt Nam là một việc không tưởng nếu không nói là nguy hiểm. Tôi xin dẫn chứng một số
biểu hiện của sự cấm kỵ vừa nêu.
1 Chuẩn bị cho điều đình với chính phủ Việt nam dân chủ cộng hoà. Đô đốc
D'Argenlieu xin phép được sử dụng từ Việt Nam độc lập, nhưng De Gaulle cương quyết không
cho.
2. Cuối tháng 9-1945, Cédille được De Gaulle phái qua liên lạc với những người Pháp
và các viên chức Pháp ở Việt nam để hoạch định những việc người Pháp sẽ làm trong tình thế
mới. Jean Cédille hỏi:
- Tôi sẽ nói gì với dân chúng Việt nam trong lần tiếp xúc đầu tiên?
Jean Orsini góp ý:
- Tôi sinh trưởng ở Việt nam, tôi hiểu người Việl Nam. Ông hãy nói De Gaulle đã hiểu
rõ tình thế mới sau thế chiến thứ 2, và ông được chỉ thị của DE Gaulle đến Việl Nam để tổ chức
cho một tương lai cho nước Việt Nam. Tương lai đó là Việt nam độc lập.
Jean Cédille trả lời:
Tôi được lệnh của De Gaulle sang đây để tổ chức tái lập trật tự, an ninh. Tôi được chỉ
thị có thể chấp nhận cung cấp tất cả những gì cần thiết cho dân ở đây. Tôi có thể nói gì, cũng như
hứa điều gì cũng được. Nhưng tuyệt đối không được hứa cho họ độc lập. Không được nói hai
tiếng này. De Gaulle cấm tôi hai tiếng đó49.
3. Đến cuối năm 1947 đầu năm 1948, chính phủ Pháp thấy không thể khuất phục được
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bằng ngoại giao cũng như bằng quân sự nên họ tuyên bố ngừng
đàm phán với Việt nam Dân chủ Cộng hoà và bắt đầu giao cho Bolaert tìm giải pháp Bảo Đại để
lập lại hoà bình ở Việt nam.
Lập tức ngay trong lòng chính phủ Pháp đã có phản ứng quyết liệt. Trong một buổi
míttinh lớn lãnh tụ phe De Gaulle là ông Gaston Palewaki đã cực lực đả kích chính phủ Pháp
(Roberl Shuman) rằng: "(Chính phủ) đang chuẩn bị loại bỏ một phần đất đai của lãnh thổ Pháp (ý
nói Nam Kỳ). Một chính phủ thiểu số không đủ tư cách làm việc này50.
Ngoại trưởng Georges Bidault chống lại lập trường của ông Bolaert, ông coi như là
những nhượng bộ quá trớn và nguy hiểm. Ông chống lại một cách quyết liệt từ độc lập (cho Việt
nam). ông e ngại rằng việc trả độc lập cho Việt Nam sẽ đưa đến hậu quả tai hại ở Bắc Phi 51.
4. Mùa hè năm 1948, Pháp đã thấy không thể đè bẹp được kháng chiến Việt nam bằng
vũ lực và cũng không thể thắng được việt Nam trên đường ngoại giao. họ bèn dùng giải pháp Bảo
Đại. Trong Tuyên bố chung ký trước mặt Bảo Đại vào ngày 5-6-1948 ở vịnh Hạ Long giữa Cao uỷ
Pháp Bolaert và Nguyễn Văn Xuân, nước Pháp công nhận Việt Nam độc lập và Việt Nam được
quyền thống nhất lãnh thổ của mình. Pháp chấp nhận điều kiện này để cho Bảo Đại có một chút
danh nghĩa trong việc đương đầu với kháng chiến. Bảo Đại được cái danh nghĩa đó là nhờ kháng
chiến đã buộc Pháp phải thay đổi quan điểm chính trị ở Việt nam chứ không phải tự thân Bảo Đại
làm nên. Điểm qua nhứ thế để thấy muốn nước Pháp trả lại thống nhất và độc lập cho Việt nam
phải trải qua một quá trình tranh đấu chứ không phải dựa vào lòng tốt của ai đó ban cho.
Cựu hoàng Duy Tân là một người nhiệt tình yên nước, nhưng ông đấu tranh yêu nước
một cách lãng mạn. Ông hoàn toàn không phải là một nhà chính trị. Hậu quả của sự lãng mạn đó
là cái chết của ông.
Huế, 5-1-1996
Trung Dũng thực hiện
Tám mươi năm khởi nghĩa Duy Tân những âm vang còn lại
Trong những ngày đầu tháng 5 này cách đây 80 năm, cuộc khởi nghĩa chống Pháp của
Hội Quang phục dưới ngọn cờ của vua Duy Tân đã bị dìm trong biển máu. Dù cuộc khởi nghĩa
không thành công nhưng ảnh hưởng của nó vẫn còn âm vang trong lòng người Việt Nam cho đến
ngày nay. Trong 80 năm ấy đã có nhiều sách báo tài liệu trong và ngoài nước viết về sự kiện lịch
sử này. Bản thân tôi biết cái gì, có được những tài liệu gì cùng đã đưa vào cuốn Chuyện ba vua
Dục đức, Thành Thái, Duy Tân 52. Để tiết kiệm thì giờ, trong Hội thảo này chúng tôi không nhắc
lại cuộc Duy Tân khởi nghĩa tháng 5-1916 nữa, xin được trình bày thêm một số ý kiến cá nhân.
1. Một cuộc tập dượt
Cuộc Duy Tân khởi nghĩa 5-1916, sở dĩ còn âm vang vì nó không giống bất cứ một
cuộc khởi nghĩa nào khác đã có trước đó, nhưng nó đã có nhiều biểu hiện giống với cuộc Khởi
nghĩa Cách mạng tháng 8-1945 của chúng ta. Bởi thế có người cho rằng cuộc Duy Tân khởi nghĩa
là cuộc tập dượt thử nghiệm cho sự thành công của Cách mạng 8-1945. Sự đánh giá ấy căn cứ trên
những yếu tố sau:
1.1. Những yếu tố mói:
a) Cuộc cách mạng của các tầng lớp nhân dân do một chính đảng lãnh đạo.
Đó là đảng Việt Nam Quang Phục Hội do cụ Phan Bội Châu sáng lập từ năm 1907 với
lá cờ có 5 ngôi sao trắng ở giữa (dựa theo ý nghĩa Ngũ tinh tụ chính trong Kinh Dịch)
Các tầng lớp nhân dân tham gia cuộc khởi nghĩa gồm có:
- Tầng lớp trí thức cũ (Nho sĩ) Trần Cao Vân, Mai Dị, Khoá Bảo, Tú Ngung (tức Lê
Ngung), Cử Suỵ (Nguyễn Thuỵ), Tú tài Trương Bá Huy. Đồ Tự,
- Tầng lớp trí thức mới Thái Phiên, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương
- Công nhân kỹ thuật Phan Hữu Khánh;
- Thơ lại (bát phẩm bộ Hộ Đoàn Bổng), lý trưởng (Lê Cơ), xã trưởng Xã Mãi, (người
đúc 4 ấn Kinh lược), binh linh (đội Nguyễn Quang Siêu, như Quản Thiệu ở Quảng trị, bồi bếp,
nông dân (Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Điện Bàn... );
- Hoa kiều: Thẩm Tường Vân, Út Pem (Tam Kỳ).
- Hoàng tộc và công tộc: Tôn Thất Đề, Nguyễn Cửu Trị...
và đặc biệt là sự có mặt của vua Duy Tân
b) Một bước tiến đến dân chủ.
Cuộc họp ở nhà ông Đoàn Bổng tại Huế tháng 9-1915, Hội quang phục đã tranh luận
sau khi cách mạng thành công thì nên thiết lập chế độ dân chủ lập hiến hay dân chủ cộng hoà chứ
không duy trì quân chủ như thời Cần Vương như trước nữa. (Vì cuộc khởi nghĩa không thành
công nên sự lựa chọn Lập hiến hay Cộng hoà chưa được khẳng định, tuy nhiên có thể khẳng định
chắc chắn rằng không có quân chủ nữa);
Vua Duy Tân tên thật à Vĩnh San, sinh ngày 19.9.1900, con trai thứ 5 của vua Thành
Thái và bà Tài nhân Nguyện Thị Định. Ngày 5.9.1907, được triều đình theo lệnh Pháp tôn thêm
một tuổi và đưa lên ngôi. Vì còn nhỏ tuổi, triều đình lập một Phụ chính phủ giúp vua làm việc
nước. Ông được học chữ nho với giáo đạo Mai Khắc Đôn, (sau này trở thành nhạc phụ của ông)
và học chữ Pháp và văn hoá Pháp với tiến sĩ Ebérhardt. Hai vị giáo đạo Việt Pháp đềucó xu hướng
tiến bộ nên Duy Tân sớm hấp thu tinh thần yêu nước, thường dân nghèo, thù người Pháp đã đày
vya cha Thành thái và đào mả Tự Đức để tìm vàng. Nhà vua ý thức được theo Hiệp ước Patenôtre
1884, nước Pháp bảo hộ Việt Nam chứ không phải cai trị Việt nam. Nhiều lần nhà vua chỉ dụ cho
các đại thần thương nghị với Pháp để bãi bỏ chế độ cai trị mà thực hiện việc bảo hộ Việt Nam.
Các đại thần thân pháp không thực hiện, nhà vua hết sức bất bình. Không thương thuyết được, nhà
vua có ý định dùng sức mạnh của nhân dân chống Pháp. Các nhà cách mạng trong Quang Phục
hội biết thế đã tìm cách tiếp xúc với vua và mời Người đứng đầu cuộc khởi nghĩa chống Pháp.
Vua Duy Tân đã rất vui mừng nhận lời và thúc giục nên khởi nghĩa sớm để có thể lợi dụng những
binh lính sắp bị Pháp bắt đi tùng chinh làm bia đỡ đạn cho Pháp chống Đức.
c) Biết lợi dụng mâu thuẫn giữa các đế quốc, nhưng tin vào chính mình
Trong những năm vận động khởi nghĩa Hội Quang Phục đã lợi dụng sự mâu thuẫn giữa
Pháp và Đức đưa người qua Thái Lan vận động các nhà yêu nước tiếp xúc với đại điện nước Đức
nhò giúp tiền và vũ khí cho cách mạng Việt nam. Linh mục Bàu (hay Bàn) gốc Quảng Ngãi là một
đầu mối liên lạc giữa Trung Kỳ và Thái Lan tương đối tốt. Vi linh mục này cũng là người giúp lực
lượng trong nước tiếp xúc với các đơn vị lính Lê dương đóng ở đồn Mang Cá Huế để họ phối hợp
đánh Pháp khi cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Huế. Dù có sự hỗ trợ của người ngoài, nhưng các nhà lãnh
đạo Hội Quang Phục vẫn lấy lực lượng của người Việt Nam mình làm chính;
d. Biết phối hợp các lực lượng đánh vào các trung tâm chính
Cuộc Duy Tân khởi nghĩa là một cuộc cảch mạng có tổ chức, phối hợp phong trào của
nhân dân với binh lính trong hàng ngũ đối phương tập trung đánh vào nơi hiểm yếu của quân thù
như đồn Mang Cá. Toà Khâm ỏ Huế, các tỉnh thành nơi đặt đầu não các chính quyền các địa
phương.
Những ưu điểm trên đã được đảng cộng sản Việt nam phát huy tốt trong cuộc khởi
nghĩa giành chính quyền thảng 8-1945.
1.2. Bài học xương máu:
Cuộc Duy Tân khởi nghĩa đã thất bại vì những nhược điểm sau đây:
a) Khởi nghĩa khi cơ hội chưa chín muồi
Đến cuối năm 1915, quân Đức tràn qua sông Aisne đánh bại quân Pháp và tràn vào
Paris. Một số đơn vị quân đội Pháp và Le dương (Légionnaire) đóng ở Đông Dương tuy bị rút
sang bổ sung lực lượng cho quân đội Pháp ở châu Âu, nhưng lực lượng đàn áp của thực dân Pháp
ở Trung kỳ vẫn còn mạnh tinh thần chiến đấu của lực lượng do thực dân Pháp chỉ huy ó Đông
Dương chưa có biểu hiện hoang mang. Về phía Nam triều, tuy Vua Duy Tân có mâu thuẫn với
chính quyền Bảo hộ, nhưng nhiều nhân vật chủ chốt trong triều vẫn trung thành với thực dân
Pháp, lực lượng cách mạng còn mỏng, thiếu vũ khí, chưa được rèn luyện làm sao có thểc thắng
trong hoàn cảnh như thế?
b) Quần chúng giác ngộ chưa đông, chưa căm thù địch sâu sắc chưa có phong trào quần
chúng rộng lớn, do đó một với đảng viên trọng yếu như Trần Quang Trời phản bội quá dễ dàng.
c) Vai trò lãnh đạo của Quang Phục chưa vững vàng, tổ chức long lẻo, kỷ luật không
nghiêm; bị chi phối bởi tình cảm (vua Duy Tân yêu cầu khởi nghĩa sớm hơn dự định), tình cảm
vụn vặt của Võ An và Trần Thiểm ở Quảng Ngãi, làm cho cơ mưu cách mạng bị bại lộ trước khi
phát khởi.
d) Liên lạc giữa các địa phương chưa chặt chẽ. Mà khi đã mất liên lạc thì cuộc khởi
nghĩa sẽ bị cô lập và không tránh được thất bại.
e) Một lực lượng yếu đánh một đối phương mạnh cần phải có thời gian, và phải tránh
mạnh đánh yếu, dành bất ngờ (nghệ thuật du kích). Cuộc khởi nghĩa có bàn đến chuyện lấy Quảng
ngãi và vùng Tây Nguyên làm căn cứ kháng chiến lâu dài nhưng khi thất bại lại bỏ cuộc quá sớm.
Cái giá cuộc Duy Tân khởi nghĩa phải trả cho những bài học này là hàng chục nhà yêu nước phải
lên đoạn đầu đài hay tuẫn tiết trong ngục, hàng trăm dân chúng bị tù đày tra khảo, đảng Việt Nam
Quang Phục tan rã không gượng lại được nữa.
Những người lãnh đạo Cách mạng Tháng 8-1945 đã tránh được những nhược điểm này
nên đã đưa cách mạng đến thành công.
2. Bia đá và bia miệng:
Cuộc Duy Tân khởi nghla không thành công. Tuy nhiên, đối với nhiều người đó là một
có hội để thành nhân. Sau cuộc lời nghĩa này, tên tuổi ông vua trẻ Duy Tân, các chí sĩ Trần Cao
Vân, Thái Phiên, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương Lê Ngung, Tôn Thất Đức, Nguyễn Quang Siêu,
Khoá Bảo, Phan Hữu Khánh v.v.. đã đi vào lịch sử và sống mãi với nhân dân ta tổ quốc ta. Đồng
thời, cuộc Duy Tân khởi nghĩa cũng là cơ hội để cho những tên phản dân hại nước phơi bày tội ác
của chúng. Sử sách đã viết nhiều về hai loại người này. Sau đây chúng tôi xin thuật lại một vài
việc tiêu biểu.
2.1. Bia đá.
a) Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, các cơ sở Quang Phục đề nghị đưa Trần Cao Vân và
Thái Phiên thoát đi để tính kế lâu dài, nhưng hai ông không nỡ để cho ông vua trẻ Duy Tân ở lại
chịu tội một mình nên không đi và chịu để cho Pháp bắt. Ở trong tù hai ông nghe cụ Hồ Đắc
Trung đang được Triều đình và thực dân Pháp giao nhiệm vụ làm án cuộc khởi nghla, cụ Trần Cao
Vân đã dùng giấy hút thuốc viết cho cụ Hồ Đắc Trung một cái thư bằng đôi câu đối mà lâu nay
chúng ta vẫn nghe truyền tụng:
Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thần từ biệt.
Trời còn đó! Đất còn đó! Xã tắc sơn hà còn đó! Mong cho thánh thượng sanh toàn.
Vua Duy Tân vốn có hai việc làm cho cụ Hồ Đắc Trung không hài lòng. Việc thứ nhất
là khi triều đình cử cụ Hồ Đắc Trung vào làm giáo đạo cho vua Duy Tân, vua Duy Tân từ chối,
không học với Hồ Đắc Trung mà yêu cầu học với ông Mai Khắc Đôn; Thứ hai: Khi vua Duy Tân
đến tuổi nạp phi, ông Hồ Đắc Trung tiến con gái vào, vua Duy Tân cũng từ chối nốt 53 rồi lại yêu
cầu được lấy cô Mai Thị Vàng con gái thầy Mai Khắc Đôn. Nay vua Duy Tân bị nạn, nếu cụ Hồ
Đắc Trung làm án nặng cho vua Duy Tân thì e không tránh được tiếng thị phi ông trả thù ông vua
trẻ. Vì thế sau khi nhận được thư hai ông Trần Cao Vân và Thái Phiên xin chịu chết để cứu vua,
ông Hồ Đắc Trung đã bàn với các đại thần rằng:
Nước Nam còn chế độ quân chủ. Hôm nay anh em mình lên án Vua, rồi ngày mai còn
mặt mũi nào đối xử với Vua mới mà mình tôn lên để khuông phò. Lẽ thứ hai: tuy tuổi công khai
của Vua là 16 tuổi, nhưng vì vua lúc đăng quang chỉ có 7 tuổi, triều đình đã tăng thêm cho Vua
một tuổi để Ngài có thêm tầm thước mà trị vì, ai ngờ hôm nay lại dựa vào tuổi ấy để luận tội Vua.
Dẫu sao, 16 tuổi cũng còn trong tuổi vị thành niên, theo pháp luật vua chưa có năng lực tự quyền,
phải do người khác thay, làm sao mà dựng ra được một bản án hợp lý. Triều thần nghe có lý và đã
đồng ý để cụ Hồ Đắc Trung làm án như sau:
(Bản dịch): Ban đầu buông câu ở Hậu Hồ, tự tiện viết chiếu văn, kế đến đậu thuyền bến
Thương Bạc đón rước nhà vua xuống thết vua cơm tẻ ở Hà Trung. cháo gà ở núi Ngũ phong, mình
rồng phải dãi dầu gió bụi, tội nghiệt đều bởi bọn kia gây ra.
Thi hành bản án ấy bốn ông Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang
Siêu đều bị chém đầu ở cống chém An Hoà ngày 17.5.1916, vua Duy Tân thoát tội chết nhưng bị
đày đi Réunion.
b) Khoá Bảo, một người kiên trung
Ông Khoá Bảo người chợ Phiên Cam Lộ ngày khởi nghĩa có mặt ở Huế để hợp lực
cùng các đồng chí chỉ huy lấy Kinh đô nhưng việc đã vở lở vội vã nửa đêm cắp gươm băng mình
về Quảng Trị. Toà Khâm đánh điện ra Quảng Trị. Sáng sớm sứ sai lính đến nhà bắt thì đã có ông ở
đó rồi. Mật thám Pháp dùng cực hình tra khảo ông. Chúng nung đỏ một chiếc mâm thau, lột trần
truồng ông rồi bắt ngồi lên để buộc ông khai. Nhưng ông một mực từ chối. Nhờ sự hy sinh của
ông nên có sở ở Quảng Trị khỏi vỡ.
2.2. Bia miệng:
a) Vỡ lở bắt đầu từ Quảng Ngãi
Cuộc Duy Tân khởi nghĩa thất bại vì nhiều nguyên nhân. Nhung nguyên nhân trực tiếp
là vì một chút tình cảm vụn vặt của một cơ sở ở Quảng Ngãi. Tên cai Võ An là một trong những
thành viên của cơ sở cách mạng trong hàng ngũ lính khố xanh, dinh tuần vũ. Hạ tuần tháng 3 năm
Bính Thìn (4-1916) An bị thuyên chuyển đi nơi khác. Trước khi đi, vì tình riêng An thổ lộ chuyện
đảng bí mật với em là Võ Huệ ở ngạch lính giản ở dinh án sát. An dặn Huệ sắp đến ngày có biến
động thì xin phép về nhà nghỉ. Vâng lời anh, đến gần ngày có biến động, Huệ xin quan án sát
Phạm Liệt về thăm nhà. Quan án đã nghe phong thanh có biến động nhưng chưa có manh mối,
nhân việc Huệ xin về nhà bất ngờ, ông gọi Huệ vào vặn hỏi. Huệ chối quanh không được cuối
cùng phải khai thật. Quan án giữ Huệ lại và chờ công sứ De Taste và Tuần vũ Trần Tiễn Hối đi
kinh lý ở Bình Sơn về để báo. Khi hai người này về biết có sự, tiếp tục tra hỏi Võ Huệ và phanh
phui được chuyện bí mật. Họ cho người đi bắt Võ An, và bắt luôn Trần Thiểm - một đảng viên
trọng yếu đang làm việc tại toà Công sứ Quảng Ngãi. Tỉnh Quảng Ngãi điện khẩn cho Khâm sứ
Huế biết sự tình. Cuộc khởi nghĩa bị bại lộ. Và từ đó, tên hai ông Trần Tiễn Hối (Tuần vũ) và
Phạm Liệt (án sát) được kể vào danh sách những người đã nhúng tay vào cuộc thảm sát các nhà
lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916.
b) Thượng thư Huỳnh Côn dẫn Tân vào cung bắt vua.
Ông Huỳnh Côn, Thượng thư bộ Lễ thời vua Duy Tân. Ông là người thân Pháp, phản
đối những hành vi yêu nước của vua Duy Tân. Ông đã nói xấu vua Thành Thái và vua Duy Tân
với Jean Jacnal54. Chuyện ông Huỳnh Côn kể với Jean Jacnal có đoạn:
"Càng ngày vua Duy Tân càng hành động theo những bản năng xấu xa. trong đêm 3
rạng 4 tháng 5-1916, ngài trốn khỏi hoàng cung đem theo những bảo vật, trong đó có một thanh
kiếm của vua Gia Long và những chiếc ấn bằng vàng. Được tin đó tôi liền báo cho ông Le Fol và
Sogny hay và vào lúc 2 giờ sáng, cả ba chúng tôi đều đi vào tận các phòng vua ở. Các phòng ấy
đều trống. Tôi bèn nói với ông Le Fol:
- Xin ông cứ báo cho Khâm sứ hay. Còn tôi, tôi sẽ đi tập hợp tất cả các thượng thư" 55.
Kết luận:
Cuộc Duy Tân khởi nghĩa không thành công nhưng nó đã phản ảnh được cải truyền
thống đấu tranh yêu nước tuyệt vời của người Việt Nam. Mặc dù trong cuộc sống địa vị, quyền
lợi, sự hiểu biết, tuổi tác của mỗi người Việt Nam có khác nhau, nhưng trong đáy tâm hồn họ (dù
là vua chúa, hay các tầng lớp thứ dân) đều ẩn chứa một tình cảm yêu nước sâu sắc. Khi tình cảm
yêu nước ấy được khêu gợi đúng lúc nó sẽ bùng lên. Năm 1916 vua Duy Tân được Thái Phiên và
Trần Cao Vân phát động Ngài đã từ bỏ ngai vàng để theo cách mạng. Chính nhở truyền thống đó
mà người ta có thể hiểu được vì sao tháng 8.1945 vua Bảo Đại thoái vị và trao chính quyền cho
Cách mạng Tháng 8 dễ dàng đến thế56.
Đồng thời cuộc Duy Tân khởi nghĩa cũng báo hiệu truyền thống đấu tranh yêu nước
của Việt Nam đã bắt đầu được đổi mới. Nó là cuộc tập dượt cho sự thành công của Cách mạng
Tháng 8 gần ba mươi năm sau đó. Ngày nay nói đến sự thành công của Cách mạng Tháng 8-1945
không thế không nói đến những người đã hy sinh trong cuộc Duy Tân khởi nghĩa 5-1916.
Nghiên cứu cuộc Duy Tân khởi nghĩa ta thấy người Quảng Nam khởi xướng (Trần Cao
Vân, Thái Phiên, Phan Thành Tà) người Quảng Nam vận động vua Duy Tân (Thái Phiên vả Trần
Cao Vân), người Quảng am tổ chức, và người Nam (Thái Phiên, Trần Cao Vân) lãnh đạo dưới
ngọn cờ của vua Duy Tân. Cuối cùng người Quảng Nam đã phải trả cái giả bi thảm nhất khi cuộc
cách mạng bị kẻ thù dìm trong biển máu. (Tất cả cơ sở đã tham gia cuộc Duy Tân khởi nghĩa ở
Quảng Nam đều bị sa lưới mật thám Pháp). Cho nên ta có thể nói cuộc Duy Tân khởi nghĩa là
cuộc khởi nghĩa của Quảng Nam. Phải chăng vì thế mà lâu nay giới nghiên cứu luôn lấy ngày 17-
5-1916, ngày các chí sĩ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa người Quảng Nam (Trần Cao Vân, Thái Phiên)
lên đoạn đầu đài làm ngày kỷ niệm cuộc Duy Tân khởi nghĩa chăng?
Cuộc Duy Tân khởi nghĩa chưa đem lại độc lập tự do cho đất nước ta nhưng ai cũng
thấy đó là cuộc cách mạng của chính người Việt Nam, phản ảnh trình độ của người Việt Nam lúc
đó (năm 1916). Tuy cuộc Duy Tân khởi nghĩa không thành công những nó đã làm cho người Việt
Nam thêm sáng giá, chuẩn bị tinh thần cho sự thành công của Cách mạng tháng 8.1945. Bởi thế,
đôn vị quân đội cách mạng dầu tiền của Thuận Hoá (Cố đô Huế) mang tên Trần Cao Vân. Ngày
nay trên các đô thị lớn Việt Nam có các con đườòng mang tên Duy Tân, Trần Cao Vân, Thái
Phiên, Phan Thành Tài v.v.. Sự kiện lịch sử này đã diễn ra 80 năm, có biết bao sở sách đã viết,
nhưng các nhà nghiên cứu vẫn cảm thấy chưa hiểu hết ý nghĩa lịch sử của nó cho nên vẫn tìm tòi
và luôn luôn gặp bất ngờ. Dư âm của nó vẫn còn âm vang trong lòng người Việt Nam, đặc biệt là
người Quảng Nam.
Huế - Đà nẵng 17-5-1996
______________________
Vì sao những nhà yêu nước Quảng Nam tham gia khởi nghĩa Duy Tân 1916 bị thực
dân Pháp bắt sạch
Nguyễn Q. Thắng tác giả sách Quảng Nam, đất nước và nhân vật viết về Phan Thành
Tài - lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Duy Tân 1916 tại Quảng Nam cho biết: "Ở Quảng Nam không
những cơ mưu bị bại lộ, mà còn thêm lời tố giác của tên phản Đảng Tuần Vũ Nguyễn Dĩnh. Vì
đày đủ hồ sơ của Dĩnh cung cấp nên (ở Quảng Nam) Pháp bắt không thiếu một người" 57.
Sách Hồ sơ vua Duy Tân của Hoàng Trọng Thược, in lần thứ hai do nhà Mõ Làng tại
San Francico xuất bản năm 1993, khi đề cập đến vụ đàn áp cuộc Duy Tân khởi nghĩa năm 1916
cũng viết: "Ở Quảng Nam một phần vì tố giác của Tuần Vũ Dĩ nên nhà chức trách khám phá ra rất
nhiều tài liệu: nào giấy tờ tổ chức Chính phủ, nào các thứ quân nhu đến các thứ quân phục bằng
vải "rèn"
______________________
Cựu hoàng Duy Tân (Vĩnh San)
Mai Thanh Hải
Báo An ninh thế giới, 26.11.2003
Khi nước Pháp chìm ngập trong Chiến tranh thế giới lần thứ 1 (1914-1918) với Đức,
nhiều sĩ phu yêu nước trong tổ chức Việt nam Quang Phục Hội đã tập hợp một số lính tập và lính
khố xanh, cùng nhau giao hẹn nổ súng đánh Tây.
Cuộc nổi dậy bị hoãn đi hoãn lại mấy lần, vì những người can dự không nhất trí được
với nhau ở nhiều điểm, trong đó phải bàn đi bàn lại nhiều lần xem có nên thu hút Vua Duy Tân
vào cuộc hay không. Mãi đến tháng 4-1916, Việt nam Quang Phục Hội mới có dịp đánh tráo
người lái xe cho vua, rồi giữa đường thử trao nhiệm vụ cho ông là vận động hoàng tộc và lính thị
vệ; Duy Tân chối từ ngay việc đó vì ông biết đã từ lâu, mọi hành động, cử chỉ của mình đều đã bị
thực dân Pháp theo dõi chặt chẽ. Khi Việt nam Quang Phục Hội đưa ra chương trình và hịch của
cuộc khởi nghĩa với đề nghị Nhà vua nhận lời đứng đầu Hội, thì Duy Tân dứt khoát chối từ vì ông
sợ đụng chạm đến quan lại triều đình. Rút cục, ông hứa không chống đối và tố giác Việt nam
Quang Phục Hội đổi lại, ông đề nghị trước khi khởi sự, Hội báo cho ông kịp lánh khỏi kinh đô để
tránh tiếng".
Đêm 3-5-1916, Vua Duy Tân, chân đi đất, đầu chít khăn đen, mình mặc áo cộc và quần
vải trắng, bí mật ra khỏi hoàng thành, xuống thuyền xuôi về làng Công giáo Hà Trung ở huyện
Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, rồi ông bị Pháp bắt và giam ở đồn Mang Cá. Nắm được kế hoạch
hành động của Việt nam Quang Phục Hội, thực dân Pháp quây bắt hết những người can dự và
cuộc nổi dậy đã không diễn ra. Ngày 17-5-1919, Thái Phiên, Trần Cao Vân và các ông cầm đầu
Việt nam Quang Phục Hội, bị điệu ra pháp trường chịu chết chém, thi hài vùi chung một hố. Sau
đó ít lâu, Cựu hoàng bị đẩy xuống tàu biển, chở sang An Độ, đày trên đảo Réunion do Pháp chiếm
từ năm 1642.
Ông Vĩnh Giu kể lại rằng khi ở đảo Réunion, vua Duy Tân vẫn rất ghét Pháp và không
bỏ lỡ cơ hội nào để chống Pháp. Liệu ông có nắm đủ tư liệu xác đáng bằng những người sống kề
cận trong những năm này với ông Vĩnh San không? Sống độc thân trong một ngôi nhà cổ ngoài
đảo Réunion, Vĩnh San cặm cụi chơi nhạc, đua ngựa và học chữa máy vô tuyến điện. Ông ly dị vợ
cũ, rồi lấy vợ đầm tên là Ferchande Antier, là con gái nhà nấu cơm tháng cho ông; ông bà có một
con gái đặt tên là Ria Suzi Geolgett sinh năm 1929 và ba con trai được ông đặt tên là Guy
Georges, Yves Claude và Joseph Roger, sinh các năm 1933, 1934 và 1938, tất cả bốn người đều
không mang họ Nguyễn Phúc của bố và tất nhiên không biết một câu chữ tiếng Việt nào. Về sau,
ông lại lấy thêm một cô vợ đầm nữa tên là Marie Erhesthe Matllot và năm 1945 đẻ được một con
gái cũng không mang họ bố, tên đầy đủ là Marie Giséle Andrée. Và đây là tâm tư và cung cách
sinh sống của ông Vĩnh San ở đảo Réunion, theo lời kể của bà F. Antier, vợ thứ hai của ông: "Cựu
hoàng sống độc thân trong một ngôi nhà nhỏ để rảnh rang việc học hành. Ông không biết nấu ăn;
với số tiền trợ cấp hằng tháng gửi từ Việt Nam sang không cho phép thuê người giúp việc. Ông
chơi đàn vĩ cầm giỏi và có chân trong ban nhạc đại hoà tấu tại Saint Denis; ông viết văn hay, nuôi
và đua ngựa, đã từng giật giải nhất trong cuộc đua lớn ở đảo; nhưng trội hơn cả là sửa chữa máy
vô tuyến điện, không chỉ giúp gia đình sinh sống mà còn là phương tiện liên lạc với thế giới bên
ngoài".
Về chuyện hai cha con ông Vĩnh San bất đồng về quan điểm, bà F. Antier nói: "Tuy là
cha con, nhưng hai người đã từng là hai ông vua, hấp thụ hai nền giáo dục khác nhau, hai người có
hai cái nhìn khác nhau về tương lai: Cựu hoàng Thành Thái thì bất hợp tác với Pháp để giữ khí tiết
đến cùng; Cựu hoàng Duy Tân lại muốn gần Pháp để tìm con đường trở về với đất nước. Như thế,
làm sao hai cha con có thể gần nhau được!". Bỏ ngoài tai lời răn đe của bố, Vĩnh San kết thân với
nhiều người Pháp như luật sư Raoul Nativen, bác sĩ Michel Vihson, tham tá Hughes Palant... và
việc giao dịch này làm cho ông Bửu Lân (là bố và là Cựu hoàng Thành Thái, cũng bị đi đày ở
Réunion) rất khó chịu, nhiều lần cho gọi con trai đến mắng mỏ nhiếc móc về tội thân Pháp. Và
đến năm 1942, ông Bửu Lân chính thức tuyên bố từ bỏ không nhận Vĩnh San là con nữa.
Bài báo viết theo lời kể của ông Vĩnh Giu, cho biết: "Duy Tân xin gia nhập quân kháng
chiến sang Châu Âu đánh phát xít. Duy Tân tìm gặp tướng De Gaulle để trình bày quan điểm
nước Pháp nên trao trả độc lập cho Việt Nam".
Sự thật là đến cuối năm 1943, thấy có nhiều người Việt Nam trước đây bị thực dân
Pháp đẩy đi lính và bị mắc kẹt lại ở Châu Phi, De Gaulle dụ dỗ để lập một đơn vị vũ trang tay sai
lấy tên là Binh đoàn Viễn Đông thứ nhất (Premiere Brigade d' Extrême Orient). Với lòng nôn
nóng chớp thời cơ, ông Vĩnh San tình nguyện đi theo các sĩ quan Pháp đến nhiều trại giam nhốt
người Việt, để hô hào lính tráng người Việt hãy tham gia binh đoàn này. Bài nói chuyện của Vĩnh
San được Pháp cho dịch ra tiếng Việt, cho đánh máy nhiều bản để gửi đến các trại tập trung lính
Việt cũ, nhưng hiệu quả chẳng được là bao. Đầu năm 1944, ông được thực dân Pháp thu xếp cho
đi tuỳ tùng tướng J. Lelong, Tư lệnh quân đoàn đến gặp cựu binh sĩ Việt Nam ở trại Tamatave
nước Madagascar (lúc này vẫn còn là thuộc địa của Pháp). Mặc quần áo lính Tây, được Tây cho
đeo lon Thiếu uý, Cựu hoàng Duy Tân được quan Tây giao nhiệm vụ tuyên truyền Đồng minh sắp
thắng phe trục phát xít, người An Nam có bổn phận vác súng ra trận cùng quân Đồng minh) có thể
sau này sẽ được thăng thưởng. Ông không còn nói tiếng Việt được trôi chảy nên sau mấy lời đầu
ngắc ngứ, ông chuyển sang nói hùng hồn bằng tiếng Pháp; bởi vậy, sau mấy phút đầu còn tò mò
xem mặt ông vua cũ anh em binh sĩ cũ đã ồn ào nói chuyện với nhau về ông vua ta nói tiếng Tây.
không còn mấy người để tâm vào việc ông ta đang hô hào cái gì. Có những lúc ông dừng lời để
lấy hơi, anh em binh sĩ đã ngắt lời, đứng lên chất vấn: "Ông đi làm thuê thế này, được trả công
mấy frang một buổi? Sau này về nước, liệu ông còn nói chuyện được với mẹ ông bằng tiếng Việt
không? Tổ quốc của Thống chế Pétain và Tổ quốc của Thiếu tướng De Gaulle, ông chọn cái nào là
của ông?" Ông Vĩnh San đứng lặng người rồi khe khẽ lắc đầu coi như không hiểu để khỏi phải trả
lời các câu chất vấn hóc hiểm đó. Tết Giáp Thân năm 1944, Vĩnh San lại được Pháp đưa đi hô hào
binh sĩ An Nam đang bị cưỡng ép tham gia tiểu đoàn lính tình nguyện Đông Dương, (Bataillon de
Volontaires Indochinolis, viết tắt là BVI) ở ngoại ở thủ phủ Tananarive của xứ Madagacar. Cũng
trong dịp Tết Giáp Thân 1944 đó, viên tướng Lelong còn cho hai viên thiếu uý theo hộ vệ cho
Vĩnh San đi diễn thuyết cũng bằng tiếng Tây cho tù chính trì phạm Việt Nam bị thực dân đày ải ở
hòn đảo hoang vắng Nosy Lava chung quanh dày đặc cá sấu ăn thịt người ở ngoài khơi phía đông
Châu Phi. Ông không có gì khác để nói ngoài cái bài của Tây đã soạn sẵn cho nói về sức mạnh
của các binh đoàn vũ trang hải ngoại của tướng De Gaulle và về lý tưởng tự do bác ái của các
nước Anh và Mỹ. Dĩ nhiên, ông bị các chính trị phạm chất vấn cho một mẻ tơi bời, không có cách
nào để chứng minh rằng mình vẫn là con người trước kia.
Có phải vì lập nhiều chiến công nên ông Vĩnh San được. phong làm thiếu tá không?
Trước khi Paris thoát khỏi ách chiếm đóng của phát xít Đức, De Gaulle đã tuyên bố:
"Trong khuôn khổ đế quốc Pháp, không hề có vấn đề các dân tộc giải phóng... Các dân tộc hải
ngoại không hề biết tới nền độc lập nào khác, ngoài nền độc lập của nước Pháp". Sau khi thoát
khỏi ách chiếm đóng của phát xít Đức, giữa tháng 3-1945, Paris nghe tin quân đội Nhật bảo trợ
cho Bảo Đại tuyên bố "độc lập" ra khỏi sự thống trị của Pháp; ngay sau đó, De Gaulle trao cho De
Boissieu (con rể của De Gaulle) chuyển Vĩnh San về Pháp làm con bài chính trị trong ván cờ
chiếm lại Việt Nam. Bố vợ dặn riêng con rể: "Anh cần phải lái hướng cho anh ta thấy vai trò của
anh ta khi được chúng ta đưa về như thế nào". De Gaulle còn căn dặn kế hoạch cụ thể cho De
Boissieu thi hành: "Cấp cho Vĩnh San một cái lon thiếu tá, đưa anh ta đi xem các binh đoàn hùng
mạnh của ta, cho anh ta tới thăm các trường võ bị, cho anh ta chiêm ngưỡng Paris, để anh ta hiểu
nước Pháp là thế nào". De Boissieu đã làm đúng và đầy đủ những lời dạy bảo của ông bố vợ.
Cùng trong một ngày 29-10-1945, tướng De Gaulle ký luôn một lúc bốn lệnh bổ nhiệm Vĩnh San:
lệnh thăng thiếu uý kể từ ngày 5-12-1942; lệnh thăng trung uý kể từ ngày 5- 12-1943; lệnh thăng
đại uý kể từ tháng 12-1944; và lệnh trao chức tiểu đoàn trưởng, tương đương cấp thiếu tá, kể từ
ngày 25-9-1945.
Đối với ông Vĩnh San, đây là tin mừng lớn, cho nên ngay sau đó, ông đã gửi thư rất
phấn chấn vui mừng báo tin cho Thébault, trong đó Vĩnh San không quên nhờ Thébault chuyển lời
cảm tạ lên Thống đốc Capagorry của đảo Réunion. Đối với công luận, nhất là đối với dư luận Việt
kiều ở Pháp, thật sự chỉ là trò vui của thực dân ban cho một cựu hoàng một ngày 4 lần thăng lên
tận cấp... thiếu tá giấy! Đọc sách "Các vua cuối triều Nguyễn", trong bài "Lá bài bí mật của tướng
De Gaulle: Hoàng tử Vĩnh San 1900-1945", ông tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu (tức là nhà văn Nguyên Vũ
được học bổng của Trường đại học Wisconsin bên Mỹ qua Pháp lấy tài liệu viết luận án Tiến sĩ sử
học) viết: "Do việc ngày 11-3-1945, Huế tuyên bố Việt nam độc lập, Chính phủ Pháp mới nghĩ
đến lá bài Vua Duy Tân thay thế cho lá bài Bảo Đại nên ngài mới được chính phủ phủ Pháp gắn
cho lon thiếu tá".
Khi cử Thierry D'Argenlieu làm Cao uỷ Đông Dương kiêm tổng tư lệnh Hải, Lục,
không quân Pháp ở Viễn Đông, De Gaulle đã có lệnh rõ ràng phải sửa soạn dư luận và bối cảnh để
đưa Vĩnh San về Việt Nam. Theo kế hoạch mật của De Gaulle, tướng Leclerc, Tổng chỉ huy Lục
quân Pháp ở Viễn Đông cũng đã nhiều lần và bằng nhiều cách quảng báo tin tức về việc Vĩnh San
sắp trở lại ngai vàng, lấp chỗ trống Bảo Đại đã bỏ đi. D'Argenlieu cũng đã gửi thư về Paris, khẳng
định rằng: "Ông hoàng Vĩnh San có những hậu thuẫn quan trọng ở các tỉnh... nhiều nơi đã phổ
biến câu sấm Trạng Trình: "Nguyễn đi, rồi Nguyễn lại về và người ta chờ đợi một thời mới sắp bắt
đầu".
Lại chính là tướng De Gaulle thừa nhận trong cuốn sách của mình - Hồi ký chiến tranh
- những toan tính của ông với lá bài mới: "Để theo đuổi những mục tiêu có lợi về sau, tôi đã nuôi
dưỡng một kế hoạch mật. Cần phải cung cấp cho Cựu hoàng Duy Tân những phương tiện để ông
ta có dịp xuất hiện trở lại, nếu như người tiền nhiệm cùng họ hàng với ông ta là Bảo Đại đã bị bỏ
qua trong những biến cố vừa qua". (Xem De Gaulle trong Mémoires de guerre. Le Salut. Nhà xuất
bản Plon - Paris 1950, trang 269-270).
Thế nhưng, cơn lốc cuộc đời đã xoay chuyển không như giấc mơ của ai đó. Cả hai việc
xảy ra làm xáo trộn chiều gió. Trong một giây phút không tính toán kỹ, ông Vĩnh San đột ngột
tung ra một bản "di chúc chính trị" mà ông coi như là bàn đạp cho đoạn trường chính trị của mình,
ông đòi thế giới phải thừa nhận ba kỳ Bắc - Trung - Nam thật sự thống nhất, và nước Việt Nam
phải giành được quyền quyết định về nội trị và kinh tế tài chính. Ông thuê người đánh máy nhiều
bản và ông gửi bản di chúc bất thường này tới các chính phủ Pháp, Anh, Mỹ. Chánh văn phòng
của tướng De Gaulle là Langlade cấp tốc cho gọi Thébauld (Chánh văn phòng của Thống đốc đảo
Réunion) chiều 2-11-1945 phải cung cấp đầy đủ nhận xét và đánh giá về Vĩnh San. Theo lời của
chính Thébauld kể lại, Langlade đã hết sức để tâm khi nghe Thébauld kết luận các sự lượng giá
cuối cùng về Vĩnh San: "Các ông hãy coi chừng: nếu các ông đặt lại Hoàng thân Vĩnh San lên
ngôi hoàng đế, ông ta sẽ không bao giờ chịu làm bù nhìn, mà muốn tự mình cai trị, tự mình quyết
định mọi việc. Ông ta có khả năng một thủ lãnh và muốn được trở thành một thủ lãnh. Còn nếu
các ông muốn có một ông vua để làm vua thôi, thì nên chọn một người khác". Dĩ nhiên, Langlade
đã cấp tốc chuyển lên cấp cao nhất của chính quyền Pháp những sự đánh giá đó, để có thể hiểu
được mặt trái của cái bản di chúc chính trị kì lạ kia. Và chắc chắn phải qua nhiều cuộc bàn cãi, các
giới thực dân ở cái nước đế quốc kỳ cựu đã đi đến một quyết định mới, và sau đó, một kế hoạch
chi tiết được bộ tham mưu quân sự vạch ra và trao từng phần cho các bộ phận thực hiện.
Mở đầu là buổi tiếp kiến chính thức của tướng De Gaulle lúc này đã là người cầm đầu
chính phủ lâm thời ở Paris, trong đó cốt tử là lời răn đe Thiếu tá Vĩnh San không được nôn nóng.
De Gaulle giải thích rằng Nhật đã "giúp Việt Minh thống trị Đông Dương", và vì thế nước Pháp
phải cử quân đội đi sang "giải phóng" cho dân chúng các nước Đông Dương (?!), yêu cầu ông
thiếu tá sẵn sàng tham gia đoàn quân tiên phong đi dẹp giặc Nhật và giặc Việt Minh. Ông Vĩnh
San xin hứa nghiêm túc phục tùng mệnh lệnh của tướng De Gaulle, chỉ yêu cầu trước khi ra trận,
cho ông về Châu Phi tạm biệt hai bà vợ đầm và các con ở đảo Réunion.
Đọc Hồ sơ vua Duy Tân của Hoàng Trọng Thước (Nhà xuất bản Thanh Lương
Califomia, Mỹ, 1984), có đoạn viết: "Ngày 24-12-1945, ông Vĩnh San đột ngột được báo tin:
"Nay tư trang của ông đã được chở ra sân bay, xin mời thiếu tá đi ngay để kịp giờ cất cánh". Ngay
những người bạn thân nhất của ông đang có mặt ở Paris như ông Thébault, cũng không đi tiễn
chân vì có ngờ đâu rằng giây phút ông rời thủ đô ánh sáng này lại cập rập như vậy. Ở đây có lẽ
cần ghi lại cảm xúc của Thébault về nỗi niềm tâm sự của ông Vĩnh San trước ngày rời khỏi Paris:
"Như vậy là tôi sẽ trở về Đông Dương, có lẽ để nhận một quả bom hay một nhát dao găm. Mỗi
người có một số mệnh riêng, không ai trốn thoát được. Số mệnh của các vua chúa là dao găm hoặc
bom đạn. Tôi nghĩ đến viễn cảnh đó mà không khiếp sợ. Ngày mà tôi bị ngã xuống vì số mệnh, ấy
là tôi đã làm xong cái bổn phận mà dòng dõi tôi buộc tôi phải làm". Một chi tiết hết sức đáng chú
ý là đang đi, ông Vĩnh San dừng chân lại, đặt tay lên vai Thébault, buồn rầu thốt ra: "Anh thấy
không, anh bạn già Thébault của tôi ơi! Có một điều gì đó mách bảo tôi rằng tôi sẽ không còn trị
vì trở lại nữa đâu". Và tiếp đó ông Vĩnh San tiết lộ một bí mật rợn người là... nước Anh phản đối
việc tôi trở về Việt Nam và sẵn sàng trả cho tôi 30 triệu nếu tôi từ bỏ ý định đó".
Về vụ máy bay chở ông Vĩnh San nổ tung trên bầu trời Trung Phi, bà Antier ngậm
ngùi: "Được tin ông sắp về nhà, gia đinh chúng tôi ngồi trông, nhưng mãi rồi không thấy. Chúng
tôi đánh điện hỏi khắp các sân bay nằm trên chặng đường bay từ Paris về Réunion, mãi sau mới
nhận được tin đau đớn là ông đã tử nạn, mà nơi trả lời lại là một đơn vị nhỏ trong quân đội Pháp
đóng đồn trú ở giữa Châu Phi, còn Chính phủ Pháp trước sau vẫn im lặng. Tại sao họ làm thinh
như vậy, chúng tôi không hiểu được lý do. Và từ đó, chúng tôi bị bỏ rơi, mẹ con chúng tôi phải tự
lo liệu nuôi nhau, các con phải bỏ học hết. Suzi và Claude đi làm, Georges phải đăng lính, Roger
còn quá nhỏ nhưng cũng phải đi làm việc nhọc nhằn mới đủ kiếm sống. Cái chết của ông có phải
là kết cục của một âm mưu ám hại nào đó không, điều đó chúng ta có quyền suy nghĩ đến".
Trong giới trí thức Việt kiều, rỉ rả một vài lời đồn thổi chung quanh việc ông Vĩnh San
mất tích, nhưng không có tin tức nào tỏ ra đích xác, và nhiều người còn không muốn nghe những
tin tức chung quanh việc này vì ngại mật thám Pháp để ý theo dõi. Ông Vũ Ngự Chiêu vạch rõ
rằng: Chỉ đến đầu tháng 6-1945, Thống đốc đảo Réunion mới nhận được lênh của Chính phủ Pháp
cho phép ông Vĩnh San lần đầu tiên được sang Châu Âu, sau 28 năm 7 tháng 2 ngày đi đày. Vì
thông tin báo chí lúc đó rất hạn hẹp, bưng bít, nên dân chúng Pháp và Châu Phi hầu như không ai
hay biết gì về vụ nổ máy bay này. Ngay việc viên phi công nhảy dù ra, bị thương nặng và đưa về
nhà thương Brazzaville, cũng chẳng có ai theo dõi hỏi han gì. Lúc đó, nước Pháp ngày đêm ồn ã
chuyện tố giác và truy bắt bọn "contabô" (gọi tắt bọn cottaborateurs ám chỉ những kẻ tham gia
chính quyền nguỵ của Pétain làm tay sai cho Hitler), mấy ai để tâm đến chuyện máy bay nổ giữa
sa mạc Châu Phi. Cho đến ngày 16-7-1947, tức là hơn 18 tháng sau vụ nổ máy bay, lần đầu tiên,
một tờ báo Pháp, tờ Chiến đấu (Combat), mới đăng bản di chúc chính trị của ông Vĩnh San, kèm
theo lời chú thích là thiếu tá này đã chết cách đây hơn một năm.
Từ sau hôm đó, trong dư luận Việt kiều các giới khác nhau bắt đầu truyền đi bôdn
luồng đồn thổi về nguồn gốc cái chết của ông:
Một là, do Cộng sản - Việt Minh cài bom gây nổ máy bay để thủ tiêu Vĩnh San. Hai là,
do máy bay hỏng, hoặc do thời tiết bất thường không đối phó được. Ba là, do tình báo Anh hoặc
đế quốc Mỹ thuê người sang giết.
Bốn là, do chính thực dân Pháp tạo dựng ra vụ tai nạn giả.
Người tung tin xăng xái nhất là linh mục Cao Văn Luận. Sau này, trong cuốn sách Bên
giòng lich sử của mình, ông ta còn viết ra những điều đoan chắc y hệt như một nhân viên mật
thám - Phòng Nhì chính cống: Trong quân đội Pháp ở mọi ngành, đều có những đảng viên Cộng
sản và cũng có một số lính thợ, lính gác Việt Nam...", cho nên ông Luận khẳng định là... "Cộng
sản đã thủ tiêu Vua Duy Tân vì nhận thấy uy tín của ông sẽ gây trở ngại cho họ hơn là những nhân
vật Bảo Đại, Hàm Nghi" (Bên giòng lịch sử trang 45). Trước sự nói năng viết lách lung tung như
trên, dĩ nhiên, chẳng mấy ai tin cậy lý sự của ông mặc áo chùng thâm chống Cộng này.
Còn chuyện thời tiết và máy bay hỏng hóc là chuyện muôn thuở có thể xảy ra, nhưng
nếu như vậy thì tại sao người ta thủ tiêu các giấy tờ biên bản hành trình và cất cánh của chiếc máy
bay, vì sao Chính phủ Pháp phải bịt kín chuyện máy bay bị nổ tung, kể cả việc chần chừ mãi
không báo tin và sau cùng thì đùn đẩy cho một đơn vị quân đội nào đó báo tin cho gia đình bà F.
Antier, một người công dân Pháp?
Lời đồn thổi rằng tình báo Mỹ hoặc Anh nhúng tay vào vụ phá nổ máy bay là điều có
thể xay ra vào một thời điểm khác đối với một nhân vật nguy hiểm cho an ninh của hai đế quốc
này nhưng vào năm 1945 ấy, cả Anh và Mỹ đều đang dốc lòng phù hộ và yểm trợ cho đế quốc
Pháp quay lại chiếm Đông Dương, nếu Pháp đưa Vĩnh San lên ngôi vua để chống lại cách mạng
Việt Nam, điều đó ít nhất cũng chẳng có hại gì cho Mỹ và Anh, việc gì tình báo các nước này phải
xuống tay lúc họ còn bận vô số việc ở Châu Âu và Nhật Bản?
Như vậy, trong vụ Cựu hoàng Duy Tân tử nạn máy bay như có mây đen phủ kín những
bàn tay vấy máu. Cụ thể, chính các thế lực cực hữu trong chủ nghĩa thực dân Pháp ngày ấy đã
đánh hơi thấy qua bản di chúc chính trị của ông Vĩnh San, rằng đây là một con người có thể gây
phiền toái cho họ lập lại chế độ thuộc địa ở Việt Nam và ở Đông Dương, vì thế họ dùng cái lon
thiếu tá để nhử mồi, và bẫy đã giăng lên khéo léo ở một nơi hẻo lánh giữa chặng bay ngoắt ngoéo
được tính toán kỹ.
Tấm lòng yêu nước của Vua Duy Tân là điều lịch sử không phủ nhận. Tuy vậy, từ sau
khi bị đẩy đi xa nước nhà nhiều năm dài, do bị bưng bít quá ngặt nghèo, nhất là vào những năm
cuối đời, ông Vĩnh San không có điều kiện để có thể lượng giá được đầy đủ tình thế khách quan,
cho nên lắm lúc đã nói năng và hành động có lợi cho đế quốc thực dân, có hại cho danh tiếng cũ
của mình, nhiều năm không tìm ra được phương thế xử trí đúng đắn. Thấu hiểu những bối cảnh
lịch sứ cụ thể, chúng ta không nặng lời chê trách ông mà vẫn dành cho ông vị trí xứng đáng trong
trái tim thời đại, kèm theo một sự nuối tiếc sâu sắc về số phận cay đắng đã làm lụi tàn quá nửa
cuộc đời tức tưởi của ông..
Mai Thanh Hải
______________________
Chuyện tình trên đảo Réunion của vị Hoàng tử triều Nguyễn
Vĩnh Giu có 2 con trên đảo Réunion. Người yêu của ông là cô gái gốc Pakistan, nhân
viên kế toán của một Cty xuất nhập khẩu có trụ sở đối diện với nhà của ông.

Ông Vĩnh Giu cùng Bảo Bời (phải) và 2 chắt ngoại, tháng 2-2006. Ảnh: SN
Sau bài “Gặp Hoàng tử cuối cùng của vua Thành Thái” kể về ông Nguyễn Phước Vĩnh
Giu đang sống ở Cần Thơ, Nhiều bạn đọc muốn biết thêm cuộc sống của ông trong thời gian theo
vua Thành Thái sang đảo Réunion của Pháp. Tiền Phong sẽ cố gắng phác họa thêm những nét đời
của vị Hoàng tử triều Nguyễn.
Một buổi sáng giữa tháng 2-2006, tôi trở lại nhà ông. Quãng 10 giờ ông đi tập thể dục,
uống cà phê với bạn già trong xóm mới về. Quần âu, áo sơ mi nịt gọn ghẽ, ông thay dép bằng đôi
giày đen rồi mới trịnh trọng ngồi tiếp khách.
Tôi nhắc lại sự gần gũi, thương dân của vua Thành Thái. Năm 1904 còn trên ngai vàng,
vua Thành Thái đi thăm đồng bào bị mất mùa ở Thanh Hóa, thương dân vô hạn đã làm bài thơ chữ
Hán, tạm dịch:
Văn võ xênh xang áo cẩm bào/Riêng phần trẫm nặng gánh gian lao/Ba ly rượu ngọt
dân hòa máu/Một chén trà thơm nước đúc cao/Giọt lệ trời sa người sướt mướt/Khúc ca vang lẫn
tiếng kêu gào/Thương nòi xót giống trông ai đó/Thời buổi can qua biết nói sao.
Vì thương dân, bài Pháp mà năm 1916 vua Thành Thái bị đày sang đảo Réunion. Tôi
hỏi ông Vĩnh Giu: “Vợ con vua Thành Thái có những ai đi theo?”.
Ông Vĩnh Giu trả lời: “Có 2 người vợ là chị em ruột, bà Gia Triệu, bà Chí Lạc cùng 3
người con của 2 bà. Lên đảo, 2 bà sinh thêm 9 người con nữa. Tôi được sinh ra ở đảo năm 1922.
Ở đây chưa kể đoàn của vua Duy Tân là anh tôi, cũng bị đày sang đảo Réunion”.
Tìm hiểu vấn đề những ai theo vua Thành Thái về nước năm 1947? Ông Vĩnh Giu cho
biết: “Những người con sinh ở Việt Nam thì ở lại đảo còn những người sinh ở đảo đều theo vua
cha Thành Thái về nước”.
Ông Vĩnh Giu cho tôi xem mấy tấm ảnh về những người cháu gọi ông bằng chú hiện
đang sống trên đảo: Con gái của ông Vĩnh Chương (ông Vĩnh Chương ở lại đảo).
Lúc đầu tôi hiểu, những người ở lại đảo do có vợ, chồng, con cái đề huề, thế nhưng gợi
chuyện ông Vĩnh Giu thì lại biết nhiều người về nước theo vua Thành Thái cũng đã có vợ, chồng,
con trên đảo. Tôi hỏi ông Vĩnh Giu, ông cười: “Tôi cũng có 2 con trên đảo”.
Người yêu của ông Vĩnh Giu là cô gái gốc Pakistan, tên Magaritte Morugama, nhân
viên kế toán của một Cty xuất nhập khẩu có trụ sở đối diện với nhà của ông.
Họ yêu nhau say đắm và sinh được 2 con trai vào năm 1944, 1946. Nhưng tình duyên
của họ không được vua Thành Thái chấp nhận (vua Thành Thái ghét Tây) nên khi về Việt Nam,
ông Vĩnh Giu không được đưa theo.
Vua Thành Thái rất nghiêm khắc. Ở đảo xa lạ song con cái sinh ra đều được dạy tiếng
Việt chu đáo và trong nhà chỉ nói tiếng Việt. Khi mới sang đảo, chính quyền Pháp bố trí cho vua
Thành Thái và vua Duy Tân mỗi người một ngôi biệt thự, chu cấp chi phí sinh hoạt đầy đủ.
Tuy nhiên, có 2 điều kiện: Không được tự tiện ra sân bay, bến cảng và vật dụng trong
nhà hư hỏng phải giữ lại báo cáo để đổi thứ mới. Vua Thành Thái không chấp nhận nên ở được 2
năm, ông mướn một trang trại có căn nhà gỗ rộng lớn, đưa gia đình ra ở.

Ảnh: Vua Thành Thái bế Nguyễn Phước Bảo Bời, con trai của ông Vĩnh Giu, lúc mới
sinh năm 1951 (chụp lại ảnh tư liệu gia đình)
Ông Vĩnh Giu sinh ra trong căn nhà gỗ này, tình yêu với cô kế toán diễn ra trước cổng
căn nhà gỗ. Lúc nhỏ, ông theo anh trai đi học chữ ở trường dòng (con cháu hoàng tộc nhưng từ
đời ông Vĩnh Giu về sau lại theo đạo Thiên Chúa), lớn lên sang cơ quan công chánh học nghề và
đã hành nghề cầu đường trên đảo.
Anh em ông là những trang công tử khỏe mạnh, gan góc, từng lập chuồng nuôi ngựa và
tham gia đua ngựa có bận cả 3 anh em cùng thắng giòn giã. 21 tuổi các ông mới được vua Thành
Thái cho phép tự do ra ngoài và viết thư hẹn hò yêu đương và các ông đã làm nhiều cô gái trên
đảo say mê.
Tình yêu trên đảo Réunion của ông Vĩnh Giu phải vượt qua nhiều khó khăn. Trong nhà
không được vua cha chấp thuận, ngoài xã hội bị nhiều kẻ cản ngăn. Nhất là ở Cty lại có anh kế
toán trưởng đang theo đuổi cô Magaritte Morugama. Anh này người Trung Quốc và có lần đã
mướn một tay dao búa tính trừ khử ông. Ông Vĩnh Giu nhớ lại nói: “Nhờ cái kìm lò rèn mà tôi
thoát chết”.
Kẻ được thuê giết ông Vĩnh Giu, không úp mở gì, nhắn đến ông: Buổi sáng ấy, nếu đi
làm qua ngã tư quen thuộc ấy sẽ không còn đường trở về! Ông Vĩnh Giu rất lo song lại không thể
tránh bởi tránh một buổi chứ đâu tránh được quanh năm.
Lòng tự trọng cũng thôi thúc, ông kiếm một cái kìm của thợ rèn dùng gắp sắt trong lò
có cán dài làm vũ khí tự vệ và giắt vào lưng. Chuẩn bị ra đi thì trời đổ mưa, ông khoác ni lông lên
người, trùm cả cây kìm.
Từ xa, ông đã thấy tay dao búa đứng đợi. Ông trấn tĩnh bước tới rồi đi qua ngã tư…êm
ru. Tay dao búa không động thủ. Về sau, ông mới biết là cái kìm lò rèn đội áo mưa sau lưng khiến
tên kia ngỡ ông có súng nên không dám ra tay.

Ảnh: Con gái út của ông Vĩnh Chương, cô Gisèle (trái) cùng 2 con gái là Evelyne và
Nagali hiện sống trên đảo Réunion (chụp lại ảnh tư liệu gia đình)
Ông về nước, năm 1958 nhận được thư của con trai đầu Augrustin báo tin mẹ và em
trai cậu đã qua đời. Lúc đó, ông còn khá giả, muốn gửi ít tiền sang cho con nhưng chế độ Diệm
không cho, bảo là chưa thiết lập bang giao. Cũng từ đó, ông bặt tin con.
Trong câu chuyện, mỗi lần nhắc đến 2 chữ “lưu đày”, ông Vĩnh Giu lại giải thích: “Lưu
đày nhà vua, để cắt đứt liên hệ giữa vua Thành Thái với dân, còn điều kiện sinh sống vẫn được
bảo đảm đầy đủ.
Đảo Réunion là nơi lưu đày nhiều nhà yêu nước trong khối thuộc địa của Pháp, đảo chỉ
có nửa triệu dân mà còn có vua Ma Rốc và vua một số nước khác.
Năm 1947, gia đình chúng tôi về nước bằng tàu thủy, mười mấy người ở phòng thượng
hạng có bác sỹ chăm sóc, ăn uống dùng ly chén bằng bạc. Chuyến đi đúng một tháng”.
Về nước, từ tháng 6-1948 đến tháng 7-1949, ông Vĩnh Giu được Pháp bố trí làm phó
giám thị một nhà tù giam chính trị phạm ở Vũng Tàu. Ông làm nhiều việc nới lỏng chế độ hà khắc
giúp cho tù nhân đỡ khổ.
Với tù nhân nữ, ông cho tắm ngày 2 lần và mở cửa thông gió phòng giam. Với tù nhân
biết tiếng Pháp, ông đưa lên làm việc ở văn phòng và những người này đã tổ chức liên lạc, tiếp tế
rất tốt cho cả trại tù.
Chỉ một năm, thực dân Pháp phát hiện việc làm của ông, lập tức đưa ông xuống Cần
Thơ. Năm 1950 ông cưới vợ ở Cần Thơ, từ đó ít nhắc đến đảo Réunion, cho đến nay nếu không có
báo chí gợi lại.
Nguyễn Phước Bảo Bời cho biết: Không phải ai hỏi chuyện ông cũng kể. Có người hỏi
ông có cần giúp đỡ gì không, ông vẫn im lặng. Ai thương ông già cả, bệnh tật, giúp đỡ thì ông
nhận còn ông không xin xỏ, “đề xuất, kiến nghị”.
Trong câu chuyện với tôi, ông Vĩnh Giu đặc biệt tỏ lòng kính trọng, biết ơn nguyên
Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Khi nghe tin “Hoàng tử ở xóm nghèo”, nguyên Thủ tướng đến thăm
ngay, đến sáng sớm và chờ ông Vĩnh Giu đi tập thể dục về.
Ông Vĩnh Giu kể: “Có người không hiểu tại sao ông Kiệt đến thăm tôi? Họ không biết
lãnh đạo là chăn dân, mà chăn dân thì trước hết phải lo ăn lo ở cho dân.
Ông Kiệt trò chuyện, biết hoàn cảnh của tôi liền bảo phải lo thêm chỗ ở để đưa bớt con
cháu ra khỏi nơi chật chội và tôi mới được mua rẻ một căn nhà”.
Tôi hỏi: “Khi gặp ông, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói câu gì đầu tiên?”. Ông Vĩnh
Giu vui vẻ: “Bắt tay tôi, ông Kiệt nói ngay: Chuyện cũ bỏ qua hết đi!”.
Cần Thơ tháng 2-2006.
Ông Nguyễn Phước Vĩnh Giu tha thiết nói: Họ của ông chính xác là Nguyễn Phước,
nhưng trong nhiều sách báo, kể cả sách lịch sử lại viết Nguyễn Phúc. Tuy Phước và Phúc có một
nghĩa, song viết không đúng như thế đã gây cho ông nhiều khó khăn trong quan hệ, nhất là những
việc liên quan đến giấy tờ đòi hỏi tính pháp lý chặt chẽ. Gia đình ông có số điện thọai:
071.812430.
Sáu Nghệ
______________________
Chuyện con vua Thành Thái ở Cần Thơ

Các anh em của vua Thành Thái và các ông thầy (phụ đạo) .
Thành Thái lên ngôi khi mới 10 tuổi theo dụng ý của thực dân Pháp. Tuy nhiên, vị
hoàng đế còn ấu thơ trước sau vẫn một lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần kháng Pháp quyết liệt.
Những năm tháng bị lưu đày
Trong cuộc chiến không cân sức với Pháp, vua Thành Thái bị phế truất với lý do “tâm
thần”, bị đày trên đảo Réunion ở châu Phi từ năm 1916 đến năm 1947. Trong chuyến đi định
mệnh ấy, cùng chấp nhận thân phận với ông có 2 phi tần, cũng là chị em ruột tuổi đôi mươi, đó là:
hoàng phi Giai Triệu và hoàng phi Chí Lạc.
Hoàng phi Chí Lạc có nhũ danh là Hồ Thị Mừng được vua Thành Thái sủng ái nhất bởi
sự chung thủy, tận tụy và cam chịu của người con gái xứ Huế gia giáo. Bà đã hạ sinh cho ông 9
người con là: Vĩnh Lưu, Lương Mỹ, Vĩnh Quỳnh, Lương Hảo, Vĩnh Khôi, Lương Thâm, Vĩnh
Giu, Vĩnh Cần và Lương Cầm.
Những người con ấy tuy được liệt vào hàng hoàng thân, nhưng chưa lần nào có diễm
phúc được sống trong nhung lụa của hoàng cung. Tuổi ấu thơ của họ đã qua đi với những người
bạn không cùng chủng tộc trên hòn đảo châu Phi xa lạ.
Nhằm hướng những đứa con xa xứ về cội nguồn, bà Chí Lạc đã trực tiếp dạy tiếng
Việt, chữ Việt cho con, dạy cả những nhạc cụ của dân tộc như đàn cò, sáo. Bà Chí Lạc là người
trực tiếp đảm nhận vai trò đầu bếp cho cả gia đình trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi phương tiện.
Dù cuộc sống rất khó khăn, vua Thành Thái vẫn giáo dục con cái một cách nghiêm
khắc. Ông dạy các con rằng: “Chúng ta sống đừng đòi hỏi cho mình rồi khinh chê người. Hãy
sống thật với mình đừng phô trương và tự đắc. Rồi người đời sẽ đánh giá mình một cách công
minh”.
Ông đã tự phân công cho tất cả những người con từ nhỏ đến lớn đảm nhận công việc
trong gia đình. Các chị Lương Mỹ, Lương Hảo phụ mẹ việc bếp núc. Vĩnh Quỳnh lo vườn tược;
Vĩnh Khôi làm cận vệ cho ông, Vĩnh Giu đảm nhận lo phần trầu cau, điểm tâm sáng; Lương
Thâm, Vĩnh Cầu, Lương Cầm phụ dọn dẹp nhà cửa...
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chịu áp lực của nhân dân, đặc biệt sự vận
động không mệt mỏi của vợ chồng luật sư Vương Quang Nhường (con gái và con rể cựu hoàng
Thành Thái), thực dân Pháp phải buông tha cho cựu hoàng Thành Thái.
Đầu tháng 5-1947, toàn bộ gia quyến của cựu hoàng đã trở về Việt Nam và được an trí
tại Villa Anna - Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) với sự giám sát tầm xa của chính quyền bảo hộ.
Hồi ức của hoàng tử Vĩnh Giu
Hoàng tử Vĩnh Giu ngụ trong con hẻm 166 đường Phan Đình Phùng (phường An Lạc,
Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Căn nhà nhỏ với diện tích 2,5 x 10 m là nơi sinh sống của một vị hoàng
tử, con của nhà vua yêu nước Thành Thái. Tiếp chúng tôi trong một căn phòng hẹp và tối, ông cố
nhớ lại những quãng đời đã được chôn vùi trong lớp bụi thời gian...
“Tôi sinh năm 1922 tại số nhà 92, một căn nhà thuê ở Saint Denis, đảo Réunion. Ba tôi
khi đến đảo đã từ chối sự ban ơn của Pháp là được ở trong một villa sang trọng, ông chỉ chấp nhận
ở trong một căn nhà thuê của một người dân sống tại đó.
Đây là năm sinh thật của tôi được ba tôi ghi chép gửi về Tôn Nhơn phủ. Riêng với chế
độ thực dân, ông lại khai rằng tôi sinh ngày 3-12-1924. Tôi lớn lên với chúng bạn toàn người Phi,
nói toàn tiếng Pháp, nhưng khi về nhà thì ba má tôi lại buộc nói tiếng Việt.
Tôi được ba tôi cho học trong một chủng viện Thiên Chúa giáo tên là Saint Denis dành
cho người nghèo và người bản địa. Về nhà, má tôi ngoài việc bếp núc còn đảm nhận vai trò cô
giáo dạy anh chị em tôi học chữ Việt và học nhạc.
Ba má tôi rất đông con, hồi trước khi đi đày má tôi đã có 3 người con. Anh thứ nhất của
tôi không đi theo vì má tôi mới sinh thì ông bà ngoại nhận về nuôi. Sau anh tôi lớn lên đi theo
cách mạng, hiện có một người con trai là Bảo Phối đang sống ở Huế. Ba tôi được đưa đi an trí ở
Vũng Tàu thì má tôi cũng vừa kịp sinh thêm hai người con.
Ở đảo, má tôi sinh được 7 người con nữa, trong đó có tôi. Ở nhà, ba tôi luôn hướng
chúng tôi vào công việc, mỗi người đảm nhận một nhiệm vụ khác nhau tùy thuộc vào lứa tuổi. Tôi
được giao cho nhiệm vụ lo bữa ăn sáng và tìm nguồn trầu cau cho ông.
Chuyện thức ăn sáng tuy vất vả nhưng có thể lo được, còn tìm ra lá trầu là chuyện vô
cùng khó khăn. Ở đảo Réunion, chỉ có vài hộ gia đình trồng trầu làm kiểng, tôi đến đó và liên hệ
với họ để mua. Những lúc họ không bán, tôi phải vào rừng, leo lên núi cao để hái trầu hoang về
cho ba tôi.
Thói quen của ba tôi là đi đâu ông tính thời gian bằng miếng trầu têm, chẳng hạn khi
đến chơi với một người bạn, ông bảo tôi têm cho 4 miếng trầu, dùng hết 4 miếng là ông về. Ở đảo
không có cau, má tôi phải nhờ người ở Huế mua cau khô gửi sang.
Khi tôi vừa tròn 12 tuổi, một hôm cùng ba má đi dạo, ba tôi cầm tay tôi nói: “Một ngày
nào đó khi trở lại Việt Nam, con sẽ đi trên những con đường quê hương, sẽ đọc thấy những con
đường mang tên Thành Thái, Duy Tân, dù hôm nay con vẫn chưa biết Thành Thái và Duy Tân là
ai. Rồi lịch sử và nhân dân sẽ ghi nhận và chứng minh cho con biết”. Đến khi trưởng thành, tôi
mới biết ba tôi là vua Thành Thái và anh tôi là vua Duy Tân, cả hai người đều bị lưu đày trên đảo
Réunion này.
Khi tôi chuẩn bị đi thực tập thì nhận được tin chính quyền bảo hộ cho gia đình tôi trở
về Việt Nam bằng tàu thủy. Tôi sống chung với ba má được 3 năm thì chính quyền bảo hộ đề nghị
ba má cho phép tôi làm việc phụ tá cảnh sát trưởng Vũng Tàu.
Ngày tôi đi làm, ba căn dặn: “Con đừng bao giờ cộng tác với Pháp và chính quyền bù
nhìn. Chế độ ấy không do dân lập ra, nó chỉ do bên ngoại quốc dựng nên, thế nào rồi cũng sụp đổ,
đừng bao giờ can dự”. Tôi vào làm được vài hôm, sau đó bị chuyển về làm cai ngục tại nhà giam
Vũng Tàu, chuyên quản lý các phạm nhân hoạt động chính trị.
Tôi rất ngưỡng mộ những người có tinh thần chống Pháp nên đã đề nghị cho phép hai
phạm nhân được phụ với tôi trong việc quản lý vấn đề ăn uống. Với những phạm nhân chính trị
nữ, tôi đã đấu tranh cho phép họ được tắm một ngày một lần và được ăn uống tốt hơn.
Năm 1949, tôi bị đưa xuống tận miệt Vị Thanh, Hỏa Lựu, Kinh Một Ngàn, tham gia
đội cầu đường của khu Nam Công Chánh, Cần Thơ. Mục tiêu của chế độ tay sai là muốn nhờ tay
cách mạng hoặc các đảng phái khác giết tôi, không thì ở vùng chướng khí, muỗi mòng, dịch bệnh,
tôi cũng khó bảo toàn được tính mạng.
Nhưng mọi chuyện đã không như bọn chúng tính, tôi vẫn làm việc an toàn với sự đùm
bọc của nhân dân, những chiến sĩ cách mạng và trở về Cần Thơ bình yên. Tại Cần Thơ, tôi tiếp tục
làm việc trong ngành công chánh và sống tại khu tập thể chung cư Công Chánh (nay là chung cư
Ngô Hữu Hạnh).
Đến năm 1951, tôi chính thức kết hôn với bạn cùng nghề là Lý Ngọc Hoa. Chúng tôi
sinh được 7 người con là Thanh Cát, Bảo Bồi, Bảo Thọ, Bảo Cao, Bảo Lộc, Bảo Hoàng và Bảo
Tài. Tưởng cuộc sống đã bình yên, nhưng chính quyền bảo hộ luôn tìm cách gây khó khăn để rồi
con tôi không ai được học hành đến nơi đến chốn.
Để có tiền nuôi con, ngoài giờ làm việc, ban đêm tôi đến các quán bar chơi nhạc kiếm
tiền. Năm 1975, cả gia đình tôi về sống nhờ căn nhà chật hẹp của mẹ vợ tôi ở hẻm 166 Phan Đình
Phùng cho đến nay cùng 7 người con và chục đứa cháu”.
Những hoàng thân chạy... xe ôm
Anh là hoàng thân Nguyễn Phúc Bảo Thọ, con thứ 3 của hoàng tử Vĩnh Giu. Trong căn
nhà nhỏ hẹp có đến gần 20 nhân khẩu, chỉ trừ Bảo Bồi là có việc làm ổn định và ra ở riêng, còn lại
đều hành nghề... chạy xe ôm.
Anh Bảo Hoàng tâm sự: “Nhà khó khăn lắm, các anh em không có việc làm ổn định,
đều chọn nghề chạy xe ôm làm phương tiện kiếm sống. Ai cũng chỉ mơ ước có một chiếc xe chạy
cho đàng hoàng vì gần như 5 anh em đều phải đi thuê xe để về chạy, khổ lắm”.
Tôi đặt câu hỏi: “Nghe nói nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt có đến thăm và hứa sẽ tác
động với tỉnh Cần Thơ về trường hợp khó khăn của gia đình, vậy đến bây giờ gia đình đã nhận
được chế độ nào chưa?”.
Anh Bảo Bồi buồn buồn đáp: “Có gì đâu, chúng tôi vẫn đang chờ. Tôi nóng lòng nên
xin ba tôi làm đơn gửi lên Cty nhà đất để giúp đỡ. Anh Châu - Giám đốc Cty - vì đồng cảm với
khó khăn của gia đình nên đã đồng ý bán một căn nhà tái định cư theo diện chính sách với giá là
100 triệu đồng, trả nhiều lần. Vợ chồng tôi đã dành dụm được 20 triệu đồng để tổ chức đám cưới
cho con trai, nhưng đành hoãn lại, lấy tiền đóng tiền nhà, hiện vẫn còn nợ 80 triệu đồng...”.
Chiều Tây Đô tắt nắng, tôi về lại nhà nghỉ, vẫn thấy hoàng thân Bảo Thọ đang kiên
nhẫn ngồi trên chiếc xe gắn máy cũ kỹ luôn miệng mời khách đi xe. Phía bên kia đường Phan
Đình Phùng có một ông già 85 tuổi đang hai tay lần mò đường vào hẻm 166 với những bước đi
nhẫn nại, dò tìm.
Có phải ai cũng nhận ra rằng con người có những bước đi lững thững ấy là chứng nhân
của một thời kỳ lịch sử, hậu duệ của một vị vua yêu nước chống Pháp đã chịu nhiều thiệt thòi, giờ
chỉ còn là một người lao động nghèo giữa lòng thành phố đang vươn mình bắt nhịp với cuộc sống
hiện đại.
Lịch sử luôn công minh trong việc phán xét, nhưng trước mắt thiết nghĩ chúng ta cần
có một tấm lòng đối với những hậu duệ còn lại của nhà vua yêu nước như Thành Thái. Âu đó
cũng là nét đẹp nhân bản của dân tộc ta!
Theo DNSG cuối tuần
______________________
Vua Duy Tân với mối tình dang dở
Tác giả: Võ Thu Tịnh
1. Vua Duy Tân với mối tình dang dở
Vua Duy Tân là một anh hùng cứu quốc của dân tộc ta. Trong lịch sử đông tây kim cổ
chưa thấy có một vị vua nào trẻ tuổi, bỗng hy sinh ngai vàng bệ ngọc để dấn thân vào một cuộc
khởi nghĩa giải phóng đất nước như vua Duy Tân. Mà cũng ít khi thấy một loạt có ba vị vua liên
tiếp nhau, trong vòng ba chục năm (1885 đến 1916), nổi lên chống đuổi xâm lăng để nhận lấy
cảnh lưu đày khổ nhục như các vua Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân nước ta!
Thế mà sự nghiệp của các vị vua này, nói chung, của Duy Tân cũng như mối tình dang
dở của nhà vua nói riêng, lại không được mấy người biết đến. Có lẽ một phần, cũng vì những tài
liệu liên quan đến "cách mạng" trong thời ngoại thuộc đều bị tiêu huỷ, không ai dám tàng trử.
Chỉ gần đây Hoàng Trọng Thược, trong Hồ sơ vua Duy Tân, đã dày công sưu khảo,
đưa ra ánh sáng một giai đoạn đen tối của nước ta mà các sách lịch sử chỉ nói phớt qua hoặc
không hề đá động đến. Chúng tôi hết sức tán thành ý kiến của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh (bút
hiệu Toàn Phong) được dẫn ra trong bài tựa của Hồ sơ vua Duy Tân:
"Lần đầu tiên chúng ta có một hồ sơ đầy đủ về vua Duy Tân. Phải quảng bá sự sưu tầm
của ông Thược đến đại chúng".
Bối cảnh lịch sử
Năm 1885, Bắc kỳ bị Pháp đánh chiếm. Trong triều Huế, các quan chia thành hai phe:
phe chủ hoà có Trần Tiển Thành và Nguyễn Hữu Độ, phe chủ chiến có Tôn Thất Thuyết và
Nguyễn Văn Tường. Nguyễn Văn Tường ra mặt ngoại giao khéo léo với Pháp để Tôn Thất Thuyết
ngầm huy động toàn dân kháng chiến. Với danh nghĩa phụ chính, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn
Văn Tường nắm hết quyền hành, triệt hạ những người chủ hoà.
Trước đó, vua Kiến Phúc mất (ngày 7 tháng 4 năm Giáp Thân - 1884), em là Hàm Nghi
12 tuổi kế ngôi, Khâm sứ Pháp tại Huế là Rheinart trách cứ triều đình ta sao không xin phép nước
Pháp. Đại tá Guerrier đem 600 quân cùng một đội pháo binh, từ Bắc vào Huế để thị uy. Triều đình
phải làm lại lễ tấn phong Hàm Nghi, để Rheinart và Guerrier đến dự, Pháp mới chịu rút quân về
Hà Nội.
Vì phong trào giải phóng nổi lên khắp nơi, thống tướng De Courcy vừa sang đến Hà
Nội, liền kéo 1000 quân vào Huế ngày 18 tháng tư năm Ất Dậu (1885) nói là để hội thương với ta,
có ý nhân dịp này bắt Tôn Thất Thuyết là người đang ngầm yểm trợ kháng chiến. Thuyết biết
được, cáo ốm không đến dự. De Courcy bảo ốm cũng phải nằm cáng mà sang sứ quán Pháp. Qua
ngày 22 tháng tư Ất Dậu (5-7-1885), Pháp mở tiệc khao quân, để sáng hôm sau vây bộ Binh bắt
Thuyết, thì vào 1 giờ đêm hôm ấy, Thuyết ra lệnh tấn công vào đồn Mang Cá và sứ quán Pháp.
Cuộc tấn công thất bại, Pháp phản công, quân ta bị thua, Thuyết đưa Hàm Nghi chạy ra
Tân Sở, dựng cờ kháng Pháp, xuống hịch Cần Vương, văn thân nghĩa sĩ khắp nơi hưởng ứng nhiệt
liệt.
Ở kinh đô (Huế) Pháp đưa Đồng Khánh lên ngôi và mãi đến mấy năm sau, (1888),
Pháp mua chuộc được một cận vệ của Hàm Nghi là Trương Quang Ngọc người Mường, mới bắt
được nhà vua, đày đi Algérie.
Cũng vào năm 1888, Đồng Khánh mất, Pháp đưa Thành Thái 10 tuổi, kế vị. Lớn lên
Thành Thái tỏ ý tự lập, và thường phản đối chính phủ Pháp. Có lần vua định trốn sang Tàu, nhưng
việc bại lộ, bị bắt lại. Từ đó, vì bị Pháp kiểm soát chặt chẽ từng hành động, Thành Thái làm ra vẻ
mất trí để nguỵ trang. Năm 1907, biết được Thành Thái liên lạc với Kỳ Ngoại Hầu Cường Để ở
ngoại quốc, Pháp lấy cớ nhà vua bị điên, buộc các quan trong triều dâng biểu yêu cầu vua từ chức.
Tất cả đều đồng ý, trừ Ngô Đình Khả (thân sinh Ngô Đình Diệm), không chịu ký. Sĩ phu miền
Trung có câu: "Phế vua không Khả"(58).
Pháp đặt hoàng tử Vĩnh San, con của Thành Thái, 8 tuổi, lên ngôi, vương hiệu Duy
Tân. Duy Tân thông minh và có chí khí. Năm 1908, ở Trung Kỳ phong trào Duy Tân dân chúng
nổi lên xin xâu, chống thuế, bị đàn áp dữ dội. Lúc đó vua mới 9 tuổi, mà đã phán với đình thần
rằng: "Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân dân bị thiếu thốn. Từ nay sắp tới, lương bổng của ta
500$ một tháng, ta chỉ lãnh 200$ thôi, giao cho các thầy 300$ đem giúp đỡ những kẻ nghèo
khó"(59).
Có lần vua hỏi Hồ Đắc Trung, thượng thư bộ Học: "Thày nghĩ sao về người Pháp đô hộ
ta?". Trung tâu: "Chúng ta bị trị còn biết nói gì nữa! Xin Hoàng thượng thận trọng, cố gắng học
hành, đường còn dài, còn nhiều vận hội mới"(60).
Vào năm 1913, nghe tin Khâm sứ Mahé đem người đến đào mả vua Tự Đức để lấy
vàng ngọc châu báu, Duy Tân tức tốc thân hành đến ngăn chận, nhưng tới nơi thì đã muộn, mọi
việc đã xong xuôi. Ngày sau, Duy Tân viết thư cho chính phủ Pháp hạch tội và yêu cầu khiển
trách những viên chức đã lộng hành, nhờ Toàn Quyền Pháp chuyển. Viên Toàn Quyền không
chuyển, mà còn đích thân đem thư ấy vào cung đưa cho Hoàng thái hậu, mẹ đích của vua, bà là
con gái Cần chánh đại học sĩ Nguyễn Thân, tuy không có con, song vẫn có thế lực lớn trong triều.
Bà đòi vua vào cung, buộc vua xin lỗi viên Toàn Quyền Pháp. Bất đắc dĩ Duy Tân phải bấm bụng
tuân theo(61).
Đầu năm 1914, Duy Tân họp các vị thượng thư, chỉ thị cho hai người phải qua Pháp
trình Tổng thống Pháp một dự án sửa đổi bản hiệp ước Pháp-Nam Patenôtre đã bị Pháp vi phạm
rất nhiều. Không vị nào dám nhận sứ mạng này. Thượng thư Huỳnh Côn lại đi mách với Hoàng
thái hậu để Bà la rầy nhà vua một cách gắt gao.
Về sau, trong một buổi học chữ Hán với thượng thư Huỳnh Côn, Duy Tân phàn nàn:
"Không có ông thượng thư nào chịu nghe ta cả. Ta làm vua chỉ có hư danh thôi!". Huỳnh Côn tức
tốc đi mời Chủ tịch hội đồng và Thượng thư bộ Hình đến. Duy Tân lặp lại câu đã nói đó. Vừa
Nguyễn Hữu Bài đi ngang qua, nghe được, tâu: "Ngài muốn đánh Pháp, nhưng Ngài lấy gì mà
đánh? Ngài không có tài chánh mà cũng không có quân đội?" Nhà vua làm thinh một chốc, rồi nổi
giận la to lên: "Lúc này chính là lúc phải xúi dân nổi dậy, lúc mà nước Pháp đang lâm chiến" (62).
Về mối tình dở dang của vua Duy Tân
Sư bà Diệu Không, đã kể lại trong hồi ký "Vua Duy Tân và gia đình Hồ Đắc Trung"
(chưa xuất bản), đại khái như sau:
"Năm 1914, vua Duy Tân ra nghỉ mát ở cửa Tùng (Quảng Trị), thân sinh tôi là Hồ Đắc
Trung theo hầu. Nhà vua lúc đó lối 15 tuổi, muốn có bạn chơi cùng lứa, nên truyền thân sinh tôi
dẫn thêm anh chị em chúng tôi (hai anh tôi 15 và 16 tuổi, học sinh trường Albert Sarraut Hà Nội,
chị tôi 13 tuổi, tôi 10 tuổi) cùng đi theo cho vui.
"Mỗi buổi sáng, mặt trời vừa mọc, vua cho đòi đám trẻ đến để cùng đi ra biển bơi lội.
Thân sinh tôi căn dặn chúng tôi phải giữ lễ vua tôi, không được tự do cười nói như đối với người
thường, nhưng nhà vua lại rất dung dị, gọi các anh tôi bằng anh, gọi tôi bằng em. Ngài ít nói
chuyện với chị tôi. Mỗi khi vui đùa cùng hai anh tôi và tôi, ở những trò chơi con nít, vua chỉ nhìn
chị tôi mà không mời chơi. Khi nào Ngài cũng tỏ ra vui vẻ, song vẫn nghiêm trang. Chúng tôi rất
mến Ngài, nhưng vẫn không dám cười đùa nhiều, sợ thân sinh chúng tôi quở.
"Tôi còn nhớ một hôm chơi bắt còng (dã tràng) ở bãi biển. Ai bắt được nhiều sẽ được
thưởng. Ngài bắt được con nào thì thả con nấy. Chúng tôi lấy làm lạ. Ngài bảo: "Bắt chúng lên cạn
chúng sẽ chết, chi bằng thả cho chúng được tự do bơi lội, ta nhìn xem cũng vui rồi ". Thế là chúng
tôi cũng đua nhau mà thả hết. Ngài lấy làm thích chí, khi thấy mấy con còng lội tung tăng, Ngài
nói với hai anh tôi: "Ai bỏ tù chúng ta, chắc chúng ta sẽ khổ sở, vì khi mất tự do là mất tất cả".
Nói vậy rồi, Ngài thở dài kém vui. Nhưng sau đó, Ngài lại hồn nhiên như tuổi trẻ chúng tôi và lại
vui đùa như cũ.
"Mùa hè gần mãn, vua tôi bịn rịn lúc chia tay. Chị tôi ứa lệ nhìn Ngài. Ngài bảo nhỏ
tôi:
- Dỗ chị đi em, rồi sang năm chúng ta sẽ gặp nhau lại.
"Năm sau gần đến hè, chị tôi xin đi theo chúng tôi ra cửa Tùng. Thân sinh tôi bảo:
- Con đã lớn rồi, phải ở nhà với mẹ, không được đi nữa.
"Thế là chị tôi phải ở nhà, khóc sưng cả mắt. Khi ra đến cửa Tùng, gặp lại chúng tôi,
Ngài hỏi:
- Sao thiếu mất một người?
Tôi tâu:
- Mẹ chúng tôi bắt chị tôi ở nhà, chị ấy khóc quá sá.
Ngài nói: Thật là tội nghiệp cho chị ấy!
Mãn hè một tháng, một hôm có người thị vệ đến xin ảnh chị tôi đem vào nội cho hai
ngài Thái hậu xem mặt. Một tuần sau, hai Ngài cho đòi thầy mẹ tôi vào chầu và sau đó, tôi thấy
kiệu vua đệ ra nhà tôi một đôi bông tai và một đôi vòng vàng cho chị tôi, thầy mẹ tôi quỳ lễ bái
lãnh. Đó là "lễ hỏi" của vua dành cho chị tôi. Chị tôi cũng ra lạy tạ ân vua hạ cố.
"Vào khoảng tháng 12 năm 1915, một hôm thầy tôi ở triều về gọi mẹ tôi vào buồng nói
rất khẽ và nghe tiếng ngập ngừng như đè nén hơi thở để khỏi bật ra tiếng khóc. Năm ấy tôi đã 12
tuổi mà cũng đã tinh ý, giả bộ xô cửa bước vào tự nhiên, thấy mẹ tôi mắt đỏ hoe và bảo tôi ra gọi
chị tôi vào.
Trông thấy chị tôi, thân sinh tôi nói:
- Con vào lấy đôi vòng và đôi bông tai ra đây để mẹ con đem vào Nội dâng lại cho vua
vì Ngài Ngự muốn từ hôn, mặc dù chỉ còn hai tháng nữa là đem con vô Nội.
Chị tôi nghe nói điếng cả người, tưởng như trời sập cũng không bằng, lâu lắm mới
chạy đi lấy đồ vàng đưa cho tôi đem vào, chớ không vô phòng thân sinh tôi nữa. Thân sinh tôi nói
là Ngài Ngự có ban rằng: "Thầy hãy an ủi con gái của thầy và gả ngay cho người khác, đừng để cô
ấy buồn tội nghiệp. Thầy nên hiểu vì tôi thương cả gia đình thầy, nên mới phải từ hôn với người
mà ta mến từ hai năm nay".
Thân sinh tôi nói thêm rằng: Ngài Ngự bảo phải đưa ngay vào Nội một thiếu nữ khác
mà tôi phải chọn lấy. Bà xem ai đáng giới thiệu không?
Mẹ tôi đáp: Có cô con gái ông Phụ đạo Mai Khắc Đôn, tuy không đẹp lắm, song có đức
hạnh. Ông vào tâu xem.
Một tuần lễ sau, lễ hỏi nhà vua lại đem đến nhà ông Phụ đạo họ Mai (63). Và ngày 30-01-
1916, lễ "Nạp Phi" được tổ chức trọng thể tại bộ Lễ, đúng với kỳ hạn triều đình đã rao báo (64).
Vì sao có sự thay đổi đột ngột như thế?
Có phải do những chính biến đương thời chăng?
Nguyên là từ năm 1912, kỳ bộ Quang Phục Hội của Phan Bội Châu, do Thái Phiên phụ
trách đã bắt đầu chuẩn bị bạo động đánh Pháp. Đến năm 1914, Pháp chiến tranh với Đức, đó là cơ
hội thuận tiện để dân ta vùng lên tranh đấu cho độc lập nước nhà. Hàng chục ngàn lính Việt mà
Pháp tuyển mộ để gửi sang "mẫu quốc", phần lớn đã được cách mạng ta kết nạp làm "nghĩa binh",
sẵn sàng ứng tiếp lúc lâm sự. Tại đồn Mang Cá (Huế), Trần Quang Trứ (thư ký toà Công sứ Pháp
ở Huế) vận động viên đại tá lính Lê Dương (gốc người Đức) để nội ứng chỉ huy 3.000 lính mộ,
lính khố xanh, lính khố vàng. Trong thành nội Tôn Thất Đề và đội trưởng Nguyễn Quang Siêu đốc
suất các đội thân binh, thị vệ trấn giữ hoàng thành. Trần Đại Trinh điều động lính tập giữ toà
Khâm sứ Pháp quay súng giúp nghĩa quân. Một đội cảm tử Nam Ngãi hiệp cùng dân quân phụ cận
kinh thành công hảm cho được toà Khâm sứ.
Ở các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẳng, Hội An, Quảng Nam, Tam Kỳ, Quảng ngãi, Bình Định,
ngoài các lực lượng chính thức (lính tập, lính mộ) đã kết nạp được, còn có nghĩa quân võ trang với
vũ khí trợ giúp từ bên ngoài đưa vào.
Cờ khởi nghĩa sẽ nền đỏ với 5 ngôi sao trắng, lấy ý nghĩa "Ngũ tinh tụ tĩnh" ở Kinh
Dịch.
Phan Bội Châu đang bị Long Tế Quang bắt giam tại Trung quốc đã bí mật gửi Mai Sơn
Nguyễn Thượng Hiền sang Xiêm liên lạc với lãnh sự Đức. Lãnh sự Đức biếu một vạn đồng bạc
Xiêm và hứa nếu hoạt động có tiếng vang ra để chính phủ Đức được biết, thì sẽ có viện trợ chính
thức nhiều hơn(65).
Thái Phiên và Trần Cao Vân giả làm người đi câu, vào hồ trong thành Nội dâng kế
hoạch lên, vua Duy Tân đồng ý tất cả. Duy vua lo ngại Pháp sớm đưa 3.000 lính mộ ở Mang Cá
(mà cách mạng đã kết nạp dược) xuống tàu sang Pháp, nên hạ chỉ hối thúc hành sự. Ngày khởi
nghĩa định vào một giờ sáng ngày mồng 3 tháng 5 năm 1916, Thái Phiên và Trần Cao Vân điều
động chiếm giữ kinh đô, và rước Duy Tân ra khỏi hoàng thành, thành công sẽ rước vua về trở lại.
Nhưng trước đó một ngày, có tên lính khố xanh ta đã chiêu dụ được, bảo với anh nó là
Võ Huệ làm lính giản ở dinh Án Sát Quảng Ngãi ngày ấy liệu mà xin nghỉ kẻo đây rồi sẽ có loạn.
Án Sát Phạm Liệu sinh nghi tra hỏi, Huệ sợ nên khai ra. Phạm Liệu trình với công sứ De Tastes.
De Tastes mật điện ra Huế. Khâm sứ Charles ra lệnh thâu tất cả súng đạn, tập trung hết thảy binh
lính lại, và điện cho các tỉnh biết để đề phòng.
Trần Quang Trứ, người có công lớn chiêu dụ lính ở đồn Mang Cá, thấy lệnh thu súng,
cắm trại, biết việc đã bị lộ, liền đi đến bến Thương Bạc lúc 11 giờ đêm gặp vua Duy Tân đã cải
trang theo lối thường dân, có Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu hộ vệ, xuống thuyền của Thái
Phiên và Trần Cao Vân đến rước. Trứ liền đi vòng ra ngã sau vào toà Khâm Sứ tố giác.
Cuộc khởi nghĩa bị thất bại, Thái Phiên và Trần Cao Vân định đưa vua đi tắt đường núi
về địa điểm đã định là Bà Nà ở Quảng Nam, nhưng vua bị mệt, tạm nghỉ lại một ngôi chùa bên
núi Ngũ Phong, gần vùng Nam Giao. Sáng sau, khi nhà vua đang sửa soạn lên đường, thì có Le
Fol, Đổng lý văn phòng toà Khâm, Sogny chánh mật thám Huế, Lanneluc, giám binh với 21 lính
khố xanh và Trần Quang Trứ, còn bên ta có Võ Liêm, Tá Lý bộ Lễ và Hồ Hành, đội cơ, với một
toán lính Nam triều, đến bắt. Duy Tân vẫn bình thản, đối đáp như khi còn ở trong triều. Gặp vua,
Le Fol trịnh trọng cất mũ chào:
- Tâu Hoàng Thượng, Ngài ngự giá dạo chơi xong rồi chứ?
Duy Tân nhún vai đáp:
- Các ông chả hiểu được đâu!
Trần Quang Trứ tiến đến hỏi:
- Tâu Hoàng Thượng, tôi là người cùng Trần Cao Vân hội kiến Hoàng Thượng tối qua
ở bên Thương Bạc, chẳng hay Hoàng Thượng có nhớ không?
Vua nhìn Trứ một cách khinh bỉ:
- Phải, ta nhớ mi, đồ phản quốc!
Rồi vua ngoảnh mặt quay sang chỗ khác. Triều thần gặp vua, vừa mừng vừa tủi, năn nỉ
vua trở về Nội, Duy Tân khẳng khái từ chối, thà chịu bị bắt, nhất định không quay lại hoàng cung.
Lính dương lọng rước, Duy Tân không cho và đi bộ đến chiếc xe của Pháp đưa vua về giữ ở đồn
Mang Cá. Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị còng tay dẫn về Huế
tống giam, đến ngày 16- 4-1916, cả bốn vị bị chém tại An Hoà (cách Huế vài cây số).
Tại các tỉnh cũng xảy ra nhiều việc thảm sát như thế: Ở Quảng Ngãi hai cụ Tú Ngung,
cử Suỵ cùng một số đông dồng chí bị tội tử hình, 200 người bị đày đi Côn Lôn. Ở Quảng Nam
cũng rất nhiều người bị liên luỵ, Phan Thành Tài và một số tử hình, hoặc đày đi Lao Bão, Thái
Nguyên, Côn Lôn như y sĩ tân học Lê Đình Dương, Lý trưởng Lê Cơ, Tú tài Trương Bá Huy, Đỗ
Tự.. Pháp khám phá nhiều tài liệu tổ chức chính phủ, quân nhu, quân phục, các ấn tín… Ở Quảng
Trị, Khoá Bão bị tra tấn khốn đốn. Các tỉnh khác hưởng ứng chậm nên không bị đàn áp gì nhiều.
Về bản án Duy Tân
Khi còn trong ngục, Trần Cao Vân lo cho vua Duy Tân bị sát hại, nên viết thư trần tình
cùng thượng thư Hồ Đắc Trung là người đang phụ trách thảo bản án xử vua. Thư viết trên cuộn
giấy quyến hút thuốc, bí mật trao người chuyển đi, nhận lãnh hết công việc bạo động xảy ra đều
do ông và Thái Phiên xúc sử. Cuối thư ông khẩn khoản Hồ Đắc Trung tìm cách cứu vua, có câu:
"Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thần tử biệt!
"Trời còn đó! đất còn đó! Xã tắc sơn hà còn đó! Mong cho thánh thượng sinh toàn! "
Sư Bà Diệu Không kể lại rằng:
"Vì mảnh giấy ấy mà thân sinh tôi bị bắt giam mấy ngày ở toà Khâm để điều tra. Nếu
không nhờ vua Duy Tân khai giải cứu, ắt thân sinh tôi phải chung một số phận, với các ông Trần
Cao Vân."
Sư Bà thuật lại lời khai của vua Duy Tân khi bị Pháp cật vấn như sau:
"Hỏi: Ngài nghĩ sao về mảnh giấy này?
"Đáp: Ông Trần Cao Vân làm việc lớn không thành, sợ tội bị tử hình nên cầu cứu với
ông Hồ Đắc Trung.
"Hỏi: Vì lẽ gì trước kia Ngài từ hôn với tiểu thư nhà họ Hồ?
"Đáp: Vì tôi thương ông ấy đông con, sợ ông ấy bị liên luỵ. Vả lại, các đồng chí của tôi
khuyên tôi nên tránh gia đình ấy để bảo mật.
"Hỏi: Vì lẽ gì ông Trần Cao Vân lại bảo đưa mảnh giấy này cho ông Hồ Đắc Trung?
"Đáp: Vì ông Hồ Đắc Trung hay cứu người như đã cứu 42 nhà cách mạng ở tỉnh Quảng
Nam năm 1908 trong vụ dân "xin xâu" lúc ông ấy làm tổng đốc ở đấy.
"Hỏi: Ngài có bảo đảm là ông Hồ Đắc Trung vô tội trong vụ khởi loạn này không?
"Đáp: Tôi xin hoàn toàn bảo đảm cho ông ấy.
"Thế là mấy ngày sau, thân sinh tôi được Pháp trả lại tự do. Triều đình uỷ cho thân sinh
tôi soạn thảo bản án Duy Tân. Nội dung bản án đại khái như sau:
"Vua Duy Tân còn nhỏ tuổi, tuy rất thông minh song còn cạn nghĩ, bị bọn người mưu
phản kích thích lòng ái quốc nên nghe theo. Nếu đúng tuổi trưởng thành thì tội Ngài rất nặng,
song Ngài còn vị thành niên, tưởng không đáng trách mà nên thương tình.
"Đứng về phía chính phủ Bảo hộ, thì Ngài can tội "phản nghịch", nhưng đứng về phía
chính phủ Nam triều, thì Ngài là một ông vua biết thương dân và được lòng dân. Như vậy, luận về
tội, thì quả thật Ngài có tội đối với chính phủ Bảo hộ, còn đối với nhân dân Việt Nam, thì Ngài
không có tội gì cả.
"Vậy nên xét tình mà truất phế Ngài và để cho Ngài được tự do trở về với danh vị một
hoàng tử như trước. Như thế lòng dân mới khỏi oán thán chính phủ Pháp là khắc nghiệt… "
"Bản án này được Pháp chấp thuận, nên tuy bị đưa đi đày ở đảo Réunion gần Phi Châu,
Ngài vẫn giữ tước vị hoàng tử…
"Về sau, thân sinh tôi gả chị tôi cho vua Khải Định, nên mới được tin dùng như trước.
Tuy được gả cho vua mới, nhưng tình người con gái vẫn còn quyến luyến vua cũ không nguôi…
"(66)
Năm 1925, Khải Định mất, thọ hơn 40 tuổi, Duy Tân từ đảo Réunion, gửi về hai câu
điếu:
"Ông vội bỏ đi đâu, bỏ tiền, bỏ bạc, bỏ vợ, bỏ con, bỏ thầy tu, hát bội, bỏ hết trần
duyên trong một lúc.
"Tôi may còn lại đó, còn trời, còn đất, còn nước, còn non, còn anh hùng, hào kiệt, còn
nhiều vận hội giữa năm châu".
Về lá bài Duy Tân
Vận hội ấy, phải chăng là cuộc hội ngộ ngày 14 tháng 12 năm 1945 với Đại tướng
Charles de Gaulle để chọn "lá bài Duy Tân" giải quyết vấn đề Việt Nam:
Tướng De Gaulle quyết định đặt Hoàng tử trở lại ngôi Hoàng đế Việt Nam, ba kỳ thống
nhất, dưới một chính thể trung ương hoàn toàn tự do cai trị và tổ chức nền kinh tế của minh. Pháp
đảm nhận phòng thủ biên cương cho Việt Nam trong một thời hạn nào đó sẽ được minh định, để
cất gánh nặng cho ta việc tạo lập một quân đội khi Việt Nam chưa đủ phương tiện để duy trì và
tăng cường nó(67). Tướng De Gaulle sẽ đích thân đưa Hoàng tử hồi loan vào đầu tháng 3 năm
1946… chẳng may, trên đường về thăm gia đình ở đảo Réunion, Ngài tử nạn máy bay ngày 26-12-
1945 gần Bangui thuộc Trung Phi"(68).
Tai nạn hay có mưu sát? Một bạn thân của vua Duy Tân là ẸP. Thébault cho biết trước
khi rời Paris để về đảo Réunion thăm vợ con, Hoàng tử Vĩnh San có tiết lộ rằng: "Nước Anh
chống lại việc tôi về Việt Nam và họ đã đề nghị tặng tôi 30 triệu nếu tôi từ bỏ ý định ấy ". Nhưng
các cuộc điều tra cho đến nay chưa ngã ngũ ra sao cả (69).
*
Cuộc đời của vua Duy Tân đã bao lần dang dở. Dang dở vì đã hy sinh mối tình đầu để
tránh mối hoạ tày đình có thể xảy ra cho toàn gia người mình yêu, dang dở vì đã hy sinh ngai vàng
của mình cho tiền đồ chung của đất nước, nạn nhân muôn thuở của tình đời phản trắc, của định
mệnh khắc khe.
Nhưng đây là một trong muôn ngàn hy sinh khác của toàn dân đã đâng hiến trên bàn
thờ Độc Lập cho đất nưóc chúng ta.
VÕ THU TỊNH (Paris)
______________________
“Giải mã” số phận bi thảm của một vị vua chống pháp.
Kỳ 1: Chống Pháp từ tuổi còn thơ
12:14 PM, 01/05/2008
Trong suốt thời gian cả dân tộc Việt Nam bị kìm kẹp dưới ách đô hộ của thực dân
Pháp, bên cạnh những ông vua như Tự Đức nhu nhược, thiếu quyết đoán, Khải Định, Bảo Đại chỉ
còn là những vị vua không có thực quyền, vẫn có những vị vua một lòng chống Pháp, không chịu
khuất phục ngoại bang. Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân là 3 vị vua không chịu nhượng bộ,
chống lại thực dân Pháp và bị đi đày ở Reunion và Algeri.
Chân dung vua Duy Tân khi lên ngôi vua
Tuy nhiên trong số 3 vị vua trên, vua Duy Tân là người chúng tôi muốn đề cập đến
trong bài viết này, bởi vì số phận của ông có nhiều điều nghi vấn cho đến tận bây giờ.
Sau khi vua Thành Thái tỏ thái độ chống Tây và bị truất phế, thực dân Pháp muốn tìm
một người kế vị phải còn nhỏ tuổi để dễ sai khiến và không dám chống đối. Khâm sứ Lévecque
vào Hoàng cung cầm danh sách của các Hoàng tử con Vua Thành Thái để. .. chọn vua, lúc điểm
danh thì thiếu mất Vĩnh San. Thì ra Hoàng tử Vĩnh San đang chui dưới gầm giường bắt dế. Do
không kịp đưa về nhà tắm rửa, nên Vĩnh San được ra mắt trong tình trạng mặt mày lem luốc, quần
áo ướt đẫm mồ hôi. Thoạt trông, Lévecque đồng ý ngay vì thấy đứa bé mặt mày dơ dáy, nhìn nhút
nhát và có vẻ như... đần độn, chắc dễ sai khiến sau này (!?). Thế là đại diện nước Pháp chọn Vĩnh
San làm Vua khi mới 7 tuổi, sau khai tăng lên thành tám tuổi. Cái tên Duy Tân được triều thần đặt
cho vì muốn tưởng nhớ đến vua Thành Thái với giấc mộng đổi mới không thành.
Chân dung vua Duy Tân trước khi mất
Thế nhưng, người Pháp đã lầm! Ngay sau lễ Tôn Vương một ngày (5-9-1907), vua Duy
Tân đã tỏ ra khác hẳn, nhà vua không hề có một cử chỉ nhút nhát sợ Tây, ông đã tiếp viên quan
toàn quyền Đông Dương thẳng bằng tiếng Pháp với một vẻ tự tin. Một nhà báo Pháp đã thuật lại là
"... Một ngày lên ngai vàng đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của cậu bé lên tám". Thái độ chống Pháp
của vua Duy Tân sớm bộc lộ ngay khi còn nhỏ. Có rất nhiều giai thoại kể về điều này. Một lần nhà
vua ra bãi tắm Cửa Tùng nghỉ mát, tay chân dính cát. Thị vệ bưng chậu nước cho vua rửa. Vua
vừa rửa vừa hỏi:
- Khi tay bẩn thì lấy nước mà rửa, khi nước bẩn thì lấy chi mà rửa?
Người thị vệ chưa biết trả lời ra sao thì vua nói:
- Nước bẩn thì phải tìm cách trừ khử những chất ngoại lai lẫn vào trong đó, hiểu
không?
Viên thị vệ sợ quá, không biết nói ra sao. Năm vua 12 tuổi, khi đến dự yến ở Tòa Khâm
sứ, một viên cố đạo Pháp giỏi cả tiếng Việt lẫn tiếng Hán, thấy vua vẻ mặt khôi ngô bèn đưa ra
câu đối "Rút ruột ông Vua, tam phân thiên hạ". Đây là một câu chiết tự, chữ Vương khi bỏ đi nét
Cổn ở giữa thành chữ Tam, vừa mượn tích Tam Quốc, vừa ám chỉ việc chia nước Việt Nam thành
3 kỳ. Không chút bối rối, vua Duy Tân đối lại ngay "Chặt đầu thằng Tây, Tứ hải giao huynh", vua
cũng đối lại bằng một câu chiết tự, chữ Tây bỏ bớt phần đầu phía trên trở thành chữ Tứ. Tuy vế
sau chưa thật hoàn chỉnh nhưng đã thể hiện chí khí chống Pháp dứt khoát của nhà Vua.
Năm 1912, Khâm sứ Mahe đã mở chiến dịch tìm vàng ở Huế, thậm chí đào cả lăng vua
Tự Đức để tìm vàng. Trừ đại thần Nguyễn Hữu Bài, cả triều đình đều nhắm mắt làm ngơ. Vua
Duy Tân nổi giận đóng cửa Hoàng cung tuyên bố không giao tiếp với người Pháp cho đến khi
Mahe bị toàn quyền Alber Saurre khiển trách. Tuy nhiên với Nguyễn Hữu Bài, một đại thần lớn
vua Duy Tân cũng bày tỏ sự thất vọng, một lần đi câu ở Phú Văn Lâu, vua Duy Tân ra vế đối
"Ngồi trên nước mà không ngăn được nước, trót buông câu nên lỡ phải lần". Nguyễn Hữu Bài đối
lại: "Nghĩ việc đời mà ngán cho đời, đành nhắm mắt đến đâu hay đó". Vua Duy Tân cho rằng
Nguyễn Hữu Bài là người cam chịu trước số mạng.
Vua Duy Tân cũng nhiều lần bày tỏ sự phản kháng, năm 13 tuổi vua muốn cử ông
Nguyễn Hữu Bài sang Pháp để yêu cầu duyệt lại hiệp ước Patenôtre ký năm 1884 vì ông cảm thấy
việc thi hành của hiệp ước ấy không đúng với những điều kiện mà hai bên đã ký kết với nhau.
Năm 15 tuổi, Vua Duy Tân đã triệu tập cả sáu ông đại thần trong Phụ Chính, bắt buộc các vị phải
ký vào biên bản để đích thân Vua sẽ cầm qua trình với tòa Khâm sứ nhưng đều không thành vì
Triều đình đều sợ Pháp nên đã báo cho Thái Hậu can vua. Những việc này khiến vua Duy Tân
không còn tin tưởng triều đình trong việc chống Pháp nữa. Có lần các quan lại đang can gián vua
Duy Tân, Nguyễn Hữu Bài đi ngang qua, bèn vào tâu vua: "Bệ hạ muốn chống Pháp nhưng lấy gì
chống họ? Bệ hạ không có quân đội, bệ hạ cũng không có tài chính!". Vua Duy Tân ngẫm nghĩ rồi
nói: "Vậy thì phải kêu gọi dân chúng nổi dậy đánh Pháp". Quan điểm khởi nghĩa chống Pháp dựa
vào dân chúng của vua dường như đã manh nha từ lúc này.

Một lễ rước vua Duy Tân tại Huế


Vua Duy Tân thích con gái của Thượng thư Hồ Đức Trung và muốn lấy làm phi, lễ hỏi
đã được gửi sang thế nhưng chỉ còn 2 tháng nhập cung thì vua đột ngột từ hôn, yêu cầu triều thần
tìm người khác. Sau này Pháp điều tra mới biết vua linh cảm được sự nguy hiểm nên không muốn
gia đình họ bị liên lụy, bởi lúc này vua đã được tổ chức Việt Nam Quang Phục hội do Trần Cao
Vân và Thái Phiên thuyết phục cùng tham gia kế hoạch khởi nghĩa đánh Pháp. Không ngờ ngày 3-
5-1916 khi cuộc khởi nghĩa chuẩn bị diễn ra thì kế hoạch bại lộ, Pháp tước hết khí giới của lính
người Việt, Vua Duy Tân không biết nên đã rời khỏi kinh thành và bị bắt, lúc này nhà vua mới 16
tuổi. Pháp bắt triều đình Huế phải xử, Thượng thư bộ Học Hồ Đắc Trung được ủy nhiệm thảo bản
án. Ông Trần Cao Vân tuy bị giam trong ngục nhưng nhờ được người đưa được một mảnh giấy
cho ông Hồ Đắc Trung xin được nhận hết tội để Vua thoát nạn. Ông Hồ Đắc Trung lấy lý do vua
còn nhỏ, chưa trưởng thành và làm án đổ hết tội cho 4 ông Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất
Đề và Nguyễn Văn Siêu. Bốn ông đều bị chém đầu còn vua Duy Tân thì bị đày đi đảo Réunion
cùng với vua Thành Thái.
Nếu như vua Hàm Nghi và Thành Thái đều không còn những hoạt động nào kể từ khi
bị lưu đày thì vua Duy Tân lại khác. Tháng 3-1920, Hội nghị Hòa bình các quốc gia châu Âu diễn
ra tại Versaille, cựu hoàng Duy Tân gửi một lá thư đến báo "L'Humanité" đòi Việt Nam phải được
trở thành một quốc gia độc lập và trung lập như mọi quốc gia châu Âu khác! Dĩ nhiên những đòi
hỏi này không được thực dân Pháp đếm xỉa đến. Khi vua Khải Đinh chết năm 1925, Duy Tân đã
gửi về một câu đối: "Ông vội bỏ đi đâu, bỏ tiền, bỏ bạc, bỏ vợ, bỏ con, bỏ thầy tu, hát bội, bỏ hết
trần duyên trong một lúc. Tôi may còn lại đó, còn trời, còn đất, còn nước, còn non, còn anh hùng,
hào kiệt, còn nhiều vận hội giữa năm châu".
Vận hội đó của cựu hoàng Duy Tân phải đến 20 năm sau mới xảy ra, vào tháng 12-
1945, Duy Tân đã gặp được tướng De Gaulle và đạt được những thỏa thuận để giải quyết vấn đề
Việt Nam lúc bấy giờ. Theo đó tướng De Gaulle quyết định vào đầu tháng 3-1946 đưa Duy Tân
trở lại ngôi Hoàng đế Việt Nam thay thế cho Bảo Đại, ba kỳ thống nhất, dưới một chính thể trung
ương hoàn toàn tự do cai trị và tổ chức nền kinh tế của mình. Pháp đảm nhận phòng thủ biên
cương cho Việt Nam trong một thời hạn nào đó... Thế nhưng chuyến đi đó không bao giờ thực
hiện được vì ngày 26-12-1945, trên đường về thăm gia đình ở đảo Réunion, chiếc máy bay chở
Cựu hoàng Duy Tân đã bị rơi gần Bangui thuộc Trung Phi, khi đó ông mới 45 tuổi. Cho đến
những năm gần đây, việc giải mật nhiều tài liệu quan trọng của Pháp đã cho thấy nhiều tình tiết
quan trọng quanh cuộc đời của cựu hoàng Duy Tân
Kỳ 2: Cần minh oan cho vua Duy Tân
Trước năm 1975, ở Sài Gòn Hàm Nghi là con đường lớn nhất, sau đó đến các đường
Duy Tân và Thành Thái, điều đó có nghĩa là chính quyền Sài Gòn cũ cũng khẳng định vai trò của
vua Hàm Nghi lớn nhất và đánh giá vua Duy Tân hơn hẳn Thành Thái.

Vua Duy Tân chơi đùa cùng các con


Thế nhưng sau năm 1975, đường Duy Tân đã bị đổi tên, và hoàn toàn không có con
đường Duy Tân nào khác. Nghĩa là, vua Duy Tân không còn được chính quyền mới đánh giá cao
nữa, vì sao vậy?
Từ sau khi bị đày đến Reunion, cựu hoàng Duy Tân tách ra không sống gần vua cha
Thành Thái nữa. Nguyên nhân theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, ông đã được Hoàng tử
Georges Vĩnh San (Bảo Ngọc) có lần hé cho biết: Cựu hoàng Duy Tân rất kính trọng vua cha
Thành Thái nhưng ông vẫn sống tách biệt với cha. Vì nhiều lý do, nhưng có hai lý do chính là:
1. Vua Duy Tân không thích đời sống tình cảm dễ dãi của vua Thành Thái, không thích
nghe cha kêu ca về đời sống lưu đày cực khổ;
2. Vua Thành Thái là người “thủ cựu”, không thích những gì liên quan đến Pháp trong
lúc đó Duy Tân chấp nhận cuộc sống thiếu thốn, nhưng với tính cởi mở, cầu tiến, học để thông
thạo tiếng Pháp như tiếng Việt, làm quen tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, chơi vĩ cầm, nhiếp ảnh,
thỉnh thoảng đi diễn thuyết, viết báo, đua ngựa và đánh kiếm. Ông có chân trong Hội khoa học,
Văn chương và Nghệ thuật, bài Variations sur une lyre briée (Những biến tấu của một cây đàn lia
gãy vỡ) được giải nhất văn chương của Viện Hàn lâm Khoa học và Văn chương La Réunion
(1924), ông không ngừng học hỏi để trở thành một người làm chính trị của thời đại mới.
Quyết định của Bộ Thuộc địa trả vua Duy Tân về lại Réunion
Theo tài liệu và thông tin của các con vua Duy Tân kể lại thì những năm đầu ở đảo cựu
hoàng đau ốm liên miên, không bạn bè thân thuộc. Bởi không hợp với khí hậu nên bà Phi Mai Thị
Vàng đã phải quay về Việt Nam, dù sau này Duy Tân gửi giấy ly hôn để bà Vàng đi lấy chồng
nhưng bà vẫn một mực thủ tiết đến chết. Cũng vì điều này mà Duy Tân sau này chỉ có thể chung
sống với những phụ nữ khác chứ không thể cưới làm vợ. Do phải đi học để lấy bằng tú tài tại
trường trung học Leconte de Lisle mà số tiền cấp dưỡng chết đói hằng năm 35.000 quan Pháp gây
cảnh thiếu trước hụt sau nhưng Duy Tân không bao giờ hạ mình phàn nàn hay xin chính phủ Pháp
tăng. Sau một thời gian, Duy Tân tằn tiện mở được một tiệm sửa máy vô tuyến tại thành phố Saint
Denis. Ông đã thiết lập cho đảo Réunion một đài vô tuyến điện. Nhờ đài này mà ông liên lạc được
với lực lượng kháng chiến chống Đức của Pháp.
Khi Đức xâm chiếm nước Pháp, Duy Tân làm đơn xin được gia nhập quân đội Pháp
chống phát xít Đức nhưng không được Bộ Thuộc địa trả lời. Nhưng rồi ông cũng tham gia quân
đội với hàm hạ sĩ quan vô tuyến. Sau đó ông đăng lính bộ binh và sang châu Âu rồi được phong
quân hàm thiếu tá, nhiều người cho rằng ông đã bị lợi dụng trở thành lá bài của Pháp. Một nhà vua
đã từng chống Pháp nay lại gia nhập quân đội Pháp và việc ông đồng ý quay trở lại làm Hoàng Đế
khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời và tuyên bố độc lập phải chăng là một hành động
đi ngược lại với lợi ích dân tộc?
Để trả lời câu hỏi này, cần xem lại những hoạt động của Duy Tân, ông đã tìm mọi cách
để rời khỏi Reunion sang Pháp, bằng cách xin nhập quốc tịch Pháp, xin nhập cư ở Pháp, kể cả
việc gia nhập quân đội cũng đều bị Pháp từ chối, thậm chí ngay cả khi tướng De Gaulle quyết
định đưa ông về Việt Nam cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt của Bộ Thuộc địa Pháp. Đó là vì
sau khi theo dõi, Bộ Thuộc địa cho rằng vua Duy Tân là một người theo Tam Điểm (Franc-
Macon), thiên tả và có ý đồ chống Pháp khi ông được trở lại hoạt động chính trị ở Việt Nam. Sau
khi vua Duy Tân bị tử nạn, gia đình xin đưa hài cốt vua Duy Tân về Việt Nam Bộ Thuộc địa vẫn
một mực từ chối vì họ sợ người Việt Nam sẽ biến việc cải táng hài cốt vua Duy Tân thành một
phong trào chống Pháp vô cùng tai hại cho thực dân Pháp.
Mới đây, nhiều tài liệu liên quan đến vua Duy Tân được “giải mật” thêm nữa, trong tờ
lý lịch cá nhân thực dân Pháp nhận xét về con người vua Duy Tân là “...Có vẻ khó mua chuộc, rất
độc lập, mưu đồ rời khỏi đảo La Réunion để tái lập ngôi báu ở An Nam...” (...parait difficile à
acheter, extrêmement indépendant... intrigue pour quitter la Réunion et rétablissement trône
d’Annam). Quan điểm của thực dân Pháp đối với vua Duy Tân trước sau như một rằng “Vua Duy
Tân theo đuổi mục đích tái lập ngai vàng để chống Pháp”.

Mộ vua Duy Tân ở Pháp


Một tài liệu gần nhất, ông Nguyễn Đắc Xuân tìm được với sự giúp đỡ của nhà sử học
Vũ Ngự Chiêu (Hoa Kỳ) giúp sao y được bản chính. Đó là Quyết định của Bộ Thuộc địa Pháp
mang số 7312/102, ký ngày 3-12-1945 trả Hoàng tử Vĩnh San về lại đảo Réunion (laisser le prince
rentrer à la Réunion) với cấp bậc Tiểu đoàn trưởng và phụ cấp lương hằng năm cao hơn. Văn bản
này chứng tỏ Bộ thuộc địa không thực hiện chủ trương của Bộ chiến tranh Pháp đưa vua Duy Tân
về thăm nhà ở đảo Réunion trước khi đưa nhà vua về Việt Nam làm “nhiệm vụ con bài” của
Tướng De Gaulle.
Vì sao Duy Tân chấp nhận làm “con bài” của Pháp khi đất nước đã được độc lập?
Những thông tin sau này của những người Việt tiếp xúc với ông đã giúp chúng ta hiểu sâu hơn. Ví
dụ linh mục Cao Văn Luận thuật lại lời cựu hoàng Duy Tân trong hồi ký Bên dòng lịch sử: Người
Pháp đang cần sự hợp tác của chúng ta để tái chiếm Đông Dương. Họ chỉ chấp nhận cho ta thành
mộtquốc gia tự tro trong Liên Hiệp Pháp. Điều đó không trái với quyền lợi quốc gia.Dần dà chúng
ta đòi thêm quyền hành. Chúng ta biết làm gì hơn trước binhlực hùng hậu của Pháp và hậu thuẫn
của đồng minh Tây phương? Chúngta đã thấy những gương chống Pháp và tôi đây là nạn nhân
của một lốichống Pháp nóng nảy vụng về. Rồi đất nước chúng ta phải chịu một cảnhchiến tranh
tàn khốc mà kết quả chưa biết là thắng hay bại”.
Nhưng đáng tin hơn, chính ông Phạm Khắc Hòe đã được những người thân vua Duy
Tân kể lại rằng vua Duy Tân đã từng nói “Tôi không về Việt Nam chống cụ Hồ". Điều này có
nghĩa là để thoát khỏi sự theo dõi và giam cầm của thực dân Pháp, Vua Duy Tân đã tìm mọi
phương cách để có thể trở về Việt Nam chống Pháp, đấy là sự mưu trí, nhẫn nhịn của một vị vua
thông minh và yêu nước ngay từ bé. Cũng có thể chính vì câu nói đó mà ông đã phải chết?
Với những chứng cứ mới thu thập được, có thể khẳng định Duy Tân là một người yêu
nước, ông cũng có những dự định riêng cho đất nước, cho dân tộc theo cách của ông. Cuộc đời
vua Duy Tân là một cuộc đời bi thảm, ông sẵn sàng hy sinh ngai vàng để chống thực dân Pháp, hy
sinh tình riêng cho nghĩa lớn, chấp nhận một cuộc sống thiếu thốn của kẻ lưu đày học hỏi tinh hoa
của kẻ cai trị mình để nhẫn nhục chờ ngày giành độc lập cho đất nước. Ông xứng đáng được vinh
danh như những nhà yêu nước lớn khác của dân tộc Việt Nam.
Năm 1987, hài cốt của Vua Duy Tân được mang về mai táng ở An Lăng (Huế) cạnh
vua cha Thành Thái. Ở Huế, Đà Nẵng, tên đường Duy Tân đã được đặt lại ở những đường phố
lớn, còn ở thành phố Hồ Chí Minh đến nay vẫn chưa có lại đường phố mang tên Duy Tân, đây là
một điều đáng tiếc. Không phải chỉ trả lại con đường cũ mang tên ông, mà cần phải đặt tên Duy
Tân cho một con đường mới lớn hơn, xứng đáng hơn với tấm lòng yêu nước của ông.
Trà Giang
______________________

Duy Tân - ông vua yêu nước giỏi văn Tây


Nguyễn Đắc Xuân (11/21/2008 2:59:47 PM)
Riêng vua Duy Tân (1900-1945) ở gần cuối triều Nguyễn đã vượt ra khỏi khuôn khổ
Đông phương để vươn tới chân trời mới phương Tây. Ông học chữ Pháp, làm thơ, viết văn Pháp…
Thơ văn của ông không nhiều, lại bị người Pháp ngăn cấm phổ biến cho nên ít người được đọc.
Nhưng những ai được đọc thơ văn của ông đều thấy ông vua yếu nước có tinh thần chống Tây
Duy Tân rất giỏi văn Tây.
Trong bài báo mang tựa đề “Duy Tân”, nữ ký giả Revest viết trên một nhật báo ở
Réunion ngay sau khi vua Duy Tân bị tử nạn máy bay (12.1945) rằng:
- “Ngài tháo ráp một máy vô tuyến cũng dễ dàng như đọc một bài diễn văn với một
ngôn ngữ tuyệt hảo, để trình bày nguyên tắc của môn khoa học mà Người đam mê”.
Trong bài “Số phận bi thảm của một hoàng đế nước: Vĩnh San Duy Tân”, ông
E.P.Thébault có nhận xét:
-”Người am tường hoàn toàn ngôn ngữ Pháp và người đã để lại cho chúng ta những
bức thơ có lối hành văn rất trang nhã”
Vua Duy Tân biết yêu lúc ông mới 15 tuổi. Người yêu đầu đời của ông là bà Mai Thị
Vàng - con gái của cụ Mai Khắc Đôn. Ông đã làm thơ tặng người yêu. Sau nầy có dịp gặp bà Mai
Thị Vàng ở Hậu thôn Kim Long, tôi được nghe bà xác nhận việc đó nhưng rất tiếc vì thơ vua Duy
Tân viết bằng tiếng Pháp nên bà không thuộc. Bà cũng cho biết sau khi vua Duy Tân bị bắt và bị
đày sang đảo Réunion (1916), toàn bộ sách vở chép thơ văn của nhà vua đều bị thực dân Pháp thu
giữ.
Mới đây người ta đã tìm thấy trong kho lưu trữ của Pháp - DOM (Aix), GOUGAL,
Dossier 9588/57, còn một bài thơ mà vua Duy Tân sáng tác để tặng bà Vương phi Mai Thị Vàng
như sau:
À ma chère bien aimée
…Et j’ écartais sur la fenêtre des anges,
Et je te regardais dormir sur les langes
J’ effeuillais des jasmins et des oeillets sans bruit
et je priais, veillant sur tes paupières closes,
et mes yeux se mouillaient de pleurs
songeant au choses
qui nous attendent dans la nuit.
Duy Tan
Bài dịch thơ:
Tặng người yêu dấu
Vén cánh cửa diệu kỳ
Ta ngắm nhìn em ngủ
Nằm trên làn chăn vải
Không một tiếng động hờ
Ta ngắt những đoá nhài
Và những đoá cẩm chướng
Ta canh chừng bên em
Với đôi mi khép kín
Ta lặng lẽ nguyện cầu
Bổng mắt ta nhòe lệ
Và nghĩ tới những điều
Chờ hai ta đêm nay.
(Xuân Huy dịch)
Ông vua nhìn người đẹp ngủ mà cảm xúc đến mắt nhoà lệ thì thật quá đặc biệt.
Đó là thơ tình nhà vua làm tặng người yêu. Đối với cuộc sống chung quanh, vua Duy
Tân cũng có những cảm xúc rất mãnh liệt. Một đêm đi thuyền trên sông Hương, nhà vua viết bài
Nocturne sur la rivière des Parfums (Đi đêm trên sông Hương) (1).
“ La barque obéit, endormie
aux coup réguliers du rameur
Mon âme tressaille, meurtrie,
aux coups de la vie dans mon coeur…”
(Chiếc thuyền êm giấc vẫn vâng theo
Nhịp đập đều đều của mái chèo
Hồn ta giật nẩy, tim khô héo
Bởi lẽ đời ta bị lắm keo…)
Đọc bài thơ này nhà nghiên cứu Pháp Pièrre Brocheux (2) cho rằng đây là tâm trạng
của vua Duy Tân lúc ban đầu, nhưng dần dần tâm trạng đó đuợc nâng lên và có mầu sắc chính trị
rõ rệt. Cũng theo theo Pièrre Brocheux, mật thám Pháp đã thu được nhiều bài thơ yêu nước của
vua Duy Tân và những bài thơ đó đang được giữ ở Hồ sơ lưu trữ quốc gia, bộ phận Hải ngoại,
FOM, 858/2326. Brocheux đã trích dẫn những câu điển hình như sau:
“Les Français se sont implantés ici depuis
plusieurs automnes
L’Odeur de ces barbares sent de plus en plus
mauvais.
(…)
Le père et le fils ont subit de même sort.
(…)
Pitié pour ces héros qui ont bravé
les flèches et les canons qui n’ont pas craint
les balles et l’épée.
Malheur à ces sujets qui-à maintes reprises -

ont trahi leur pays


Afin d’avoir des bonnets d’or et des

plaquettes d’argent”
Tạm dịch:
“Từ nhiều mùa thu qua, người Pháp đã cắm
chân ở nơi đây
Những tên man rợ này càng bốc lên mùi hôi thối.
(…)
Cả cha và con đều cùng chịu một số phận
(…)
Tội nghiệp cho những vị anh hùng nầy đã
xông pha đầu tên mũi súng.
Họ chẳng biết sợ hòn đạn hay lưỡi kiếm.
(…)
Hổ thay cho những thần dân kia nhiều lần
đã phản bội đất nuớc,
Cốt đoạt cho được chiếc mũ vàng và chiếc
bài bằng bạc”.
Trong những ngày bị lưu đày ở đảo Réunion, để chứng tỏ người Việt Nam không thua
chi người Pháp, vua Duy Tân đã cố gắng rèn luyện học tập Pháp ngữ. Ông tỏ ra đã thành công
trong lĩnh vực nầy. Người ta đã mời ông tham gia vào những tổ chức văn học sáng giá nhất ở
Réunion. Vua Duy Tân đã diễn tả tâm trạng u uất của mình qua nhiều tác phẩm được người đương
thời hết lời ca ngợi. Xin trích một đoạn mà nhiều độc giả học tiếng Pháp trước đây đã thuộc lòng:
CE QUE DIT LA VOIX DES CHOSES
J’aime la murmure de la brise, quand elle chante ou pleure dans les branches. J’aime
les confidences harmonieuses du vent aux arbres de la forêt, aux vagues de la mer, aux étoiles du
firmament. Mais plus encore ce qui me berce, me ravit, m’enchante, c’est la grand de voix de
l’Océan, la plainte universelle qui retentit dans le silence de la nuit comme un hymme sans fin.
Lorsqu’au coeur de l’été, je séjourne aux bords des plages, je me plais à écouter dans l’insommie
les variations de cette grand voix. Dans les nuit paisibles, on dirait la respiration d’un l’éviathan
endormi à d’autres heures, la voix s’enfle, gronde, devient menasante dans le fracas de la tempête.
Bửu Ý chuyển qua Việt ngữ:
Ta yêu tiếng nói thì thào của cơn gió thoảng, khi gió reo ca hay than thở trên cành. Ta
yêu lời tâm sự du dương của gió ngỏ với cây rừng, với sóng biển, với sao trời. Nhưng, hơn thế
nữa, cái dỗ dành ta, khiến ta ngây ngất hân hoan, chính là tiếng nói của Đại dương, tiếng rền rĩ của
khắp cõi vọng lên trong cảnh vắng lặng đêm khuya như khúc ca bất tuyệt. Giữa lòng mùa hè,
những lúc nghỉ chân bên bãi biển, trong cơn trằn trọc, ta ưa thích nghe ra những tiếng trầm bổng
của âm thanh hùng vĩ kia. Trong đêm thanh vắng, tưởng chừng như hơi thở của con quái vật
khổng lồ ngủ say; vào giờ giấc khác, âm thanh trổi dậy, gào thét, hoá thành doạ nạt trong bão
gầm).
Ngoài những sáng tác văn học, vua Duy Tân còn có những bài viết về chính trị nhưng
có giá trị văn học. Cho đến nay người ta đã được đọc những bài viết sau đây của Duy Tân:
- Thư gửi thầy phụ đạo Éberhardt (1916),
- Thư gửi cho báo Nhân Đạo (1920),
-Thư gửi cho bộ trưởng thuộc địa (1936),
-Bài đọc trên đài phát thanh Brazzaville (6-1945),
- Di chúc chính trị (12-1945)… Xin trích một đoạn trong bài đọc trên đài phát thanh
Brazzaville:
- “Convenez-vous un peu, qu’avant le coucher du soleil, un oiseau noir, vous savez ce
lui qui annonce une visite, est venu crier sur une branche de bambou jaune qui est devant votre
fenêtre. Vous vous êtes demandés qui devait venir? Eh bien! C’est le premier fois, depuis
longtemps, que je vous parle, et si ma voix n’est pas claire, c’est qu’elle est voilée de toute la
tendresse que vous avons les un pour les autres”.
Thái văn Kiểm chuyển qua Việt ngữ:
“Các ngươi hãy nhận rằng trước khi mặt trời lặn, một con chim đen, ai cũng biết là con
chim khách, đến kêu trước song cửa sổ nhà các ngươi ở, rồi các ngươi tự hỏi không biết khách nào
sẽ đến vậy. Thì đây chính là ta đó, người lão thành này đã từng suy nghĩ giúp các người. Từ lâu, từ
lâu lắm nay là lần đầu tiên ta mới lại nói chuyện cùng các người, nếu cái giọng ta không được
trong lắm, chính vì nó đã đượm tình thân ái sắc son của chúng ta đối với nhau”.
Vua Duy Tân giỏi tiếng Pháp. Không những ông sử dụng vốn liếng tiếng Pháp đó để
trang bị kiến thức chờ ngày đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn dùng để làm thơ viết văn thể hiện
sự rung động của trái tim mình trước cuộc đời. Với những thơ văn còn lại ít ỏi của ông không đủ
để Lịch sử văn học Việt xem ông là một cây bút Francophone. Nhưng với những vần thơ câu văn
trào ra từ một tâm hồn nóng bỏng ấy, cộng với cuộc đời không cam chịu làm nô lệ và hành động
khởi nghĩa chống Pháp năm 1916 của ông, cho phép người chép sử dân tộc khẳng định: Duy Tân
là một ông vua thông minh, khát khao đổi mới và có tình yêu nước nồng nàn.
Thơ văn của vua Duy Tân giúp cho người đọc Việt quý trọng tinh thần yếu nước
của ông hơn.

(1) Theo Nguyễn Vỹ “Tuấn chàng trai nước Việt”.
(2) Pierre Brocheux - De L’Empereur Duy Tan au prince Vinh San: L’histoire peut -
elle se répéter? Approche asie
NGUYỄN ĐẮC XUÂN
(nguồn: TCSH số 143 - 01 - 2001)
______________________
Người tôn vua Duy Tân và cứu Phan Châu Trinh thoát khỏi án chém
Tác giả: Nguyễn Hoàn
25/10/2008
Nguồn: vannghesongcuulong.org
Quảng Trị là một miền quê có truyền thống khoa bảng, dưới thời phong kiến đã từng có
nhiều người đỗ đạt và làm quan, có những người làm đến bậc đại thần. Có những vị đại thần đã tỏ
được vai trò lương đống (rường cột) quốc gia của mình chứ không xu thời, xu phụ hoặc chỉ đơn
thuần “giúp rập triều đình” theo chiếu lệ, nhất là khi đất nước nằm dưới ách thống trị của thực dân
Pháp, triều đình Huế mất dần vai trò và chỉ là bù nhìn. Đáng chú ý trong số đó có Phụ chính đại
thần, Hiệp biện đại học sĩ, Thượng thư Bộ Lễ Lê Trinh. Ông Lê Trinh (còn có tên là Lê Đăng
Lĩnh, Lê Đăng Trinh) sinh năm 1850 tại làng Bích La Đông, Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị,
là hậu duệ đời thứ 8 của họ Lê Cảnh (thuỷ tổ họ này gốc ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, di cư vào Bích
La Đông dưới thời Lê sơ, trước thời Lê Trung Hưng, cách nay trên 450 năm). Ông Lê Trinh là con
trưởng của ông Lê Cảnh Chính, Binh Bộ viên ngoại lang, Trung phụng đại phu, Đô sát viện hữu
phó đô ngự sử, hàm nhị phẩm dưới triều Minh Mạng (1820-1840) và bà Lê Bá Thị Huấn. Thông
minh, học giỏi, năm 20 tuổi, ông thi hương khoa năm Canh Ngọ, Tự Đức năm thứ 23 (1870) đỗ
giải nguyên, năm 25 tuổi, ông thi hội khoa năm Ất Hợi, Tự Đức năm thứ 28 (1875) đỗ phó bảng.
Từ đó, ông đã ra làm quan, trải qua 6 triều vua từ Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh,
Thành Thái đến Duy Tân. Đầu tiên, ông được bổ Hàn lâm viện kiểm thảo, rồi đổi qua Hành tẩu
Nội các, sau đó dần thăng tiến. Ông đã từng giữ chức vụ ở hầu hết các Bộ như: Biện lý Bộ Hộ, Bộ
Lại (1884), tham tri Bộ Hình, Bộ Hộ, Bộ Binh (1891-1892) cho đến chức cao nhất là Thượng thư
Bộ Lễ (1903). Ông còn giữ nhiều trọng trách ở các Viện: Tham biện Viện Cơ mật (1888), Chưởng
ấn Viện Đô sát (1888), Cơ mật đại thần (1903). Ông được cử vào đoàn sứ bộ sang Trung Quốc
(1882), được vua Quang Tự, nhà Thanh mến tài, ban cho ông học vị tiến sĩ, khi ông mất được nhà
Thanh cử sứ giả qua phúng viếng. Trên lĩnh vực giáo dục, ông từng được sung làm giáo đạo các
ông hoàng (1884), làm phó chủ khảo trường thi hương tỉnh Thừa Thiên (1887) rồi chánh chủ khảo
trường thi hương tỉnh Bình Định (1891).
Trong cuộc đời làm quan của ông Lê Trinh, từ đời vua Đồng Khánh trở về trước, chức
tước, ngôi vị của ông trong triều đình chưa cao như dưới thời vua Thành Thái, nên ông không có
mặt trong các “kịch bản” lập vua lúc đó của các Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn
Tường, Trần Tiễn Thành…Nhưng từ thời vua Thành Thái trở đi, khi ông được trọng dụng ở ngôi
cao nhất trong đời làm quan của mình: Phụ chính đại thần, Lễ Bộ Thượng thư sung Cơ mật đại
thần (1903), phải nói rằng ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tham gia giải những “bài
toán lịch sử” ngặt nghèo, lúc vận nước gian nan. Hai đóng góp sáng giá của Thượng thư Lê Trinh
trong thời kỳ này đó là việc tôn vua Duy Tân lên ngôi, sau khi thực dân Pháp phế truất vua Thành
Thái và việc không xử chém Phan Châu Trinh, mặc dầu Pháp gây sức ép, nhờ vậy mà nhà yêu
nước và duy tân nổi tiếng này có điều kiện tiếp tục hoạt động, cống hiến cho phong trào duy tân,
cứu nước.
Việc tôn vua Duy Tân lên ngôi và tình cảm đặc biệt của vua Duy Tân đối với Thượng
thư Lê Trinh
Sau khi vua Thành Thái, một ông vua có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, có đầu
óc cải cách, chống Pháp nên Pháp đã tìm cách phế truất và buộc đi đày, vấn đề đặt ra là chọn
người kế vị ngai vàng. Đây là một vấn đề khá phức tạp và gây tranh cãi, không thống nhất giữa
nhiều phái trong Nam triều và giữa Nam triều với Pháp. Hai tác giả Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng
đã viết về giai đoạn rối ren này: “Từ 1907, sau khi phế truất Thành Thái, thực dân Pháp định đưa
Bửu Đảo (tức Khải Định, con Đồng Khánh) lên ngôi vua để tiếp nối dòng vua bù nhìn Đồng
Khánh. Khi giải quyết vấn đề này, nhiều đình thần tỏ ý không muốn đặt lên ngai vàng một người
“vô hậu” (tuyệt tự). Pháp đành phải chấp nhận Duy Tân” (Các triều đại Việt Nam, NXB Thanh
niên, Hà Nội, 2001, trang 388). Lúc đó, Thượng thư Lê Trinh đã đưa ra giải pháp: chọn một người
con còn nhỏ tuổi của vua Thành Thái, rồi vẫn duy trì Hội đồng phụ chính để giúp vua trông coi
việc nước. Phía Pháp đã đồng ý vì cho rằng một đứa bé làm vua như Duy Tân không có gì đáng
ngại, Pháp sẽ dễ bề thao túng (Pháp không ngờ được rằng vị vua trẻ này chống Pháp còn quyết liệt
hơn cả vua cha Thành Thái nữa). Trong việc chọn Duy Tân, hẳn là Thượng thư Lê Trinh cũng như
một số đình thần khác còn nặng lòng đau đáu, nhớ nghĩ đến vua yêu nước Thành Thái đang bị đi
đày. Có một điểm đáng lưu ý rằng, thực dân Pháp không hề thay đổi ý định chọn Khải Định làm
vua. Sau khi Pháp định đưa Khải Định lên thay thế vua Thành Thái mà chưa được, Pháp đã phải
chấp nhận phương án chọn vua Duy Tân, nhưng khi đã bắt vua Duy Tân phải đi đày, “Pháp đưa
Bửu Đảo lên ngôi, lấy niên hiệu là Khải Định. Đây là một ông vua bù nhìn mạt hạng” (Quỳnh Cư-
Đỗ Đức Hùng, sách đã dẫn, trang 388). Như vậy, việc chọn vua Duy Tân đã làm cho mưu đồ
xuyên suốt là “chọn vua bù nhìn” của Pháp bị gián đoạn. Và Pháp đã rất “cảnh giác”. Chính Toàn
quyền Đông Dương Bonhoure khi báo cáo với Bộ Thuộc địa Pháp đã săm soi cả cái tên niên hiệu
Duy Tân, cho rằng cái tên này dính líu với các nhà cải cách: “Một trong các biểu hiện đặc biệt là
việc chọn tên Duy Tân (cải cách) làm niên hiệu của vua mới”.
Vai trò quan trọng của ông Lê Trinh trong việc khéo léo tôn vua Duy Tân lên ngôi đã
được chính vua Duy Tân khẳng định: “Cậy một lời mà định kế, hợp hai nước mà suy tôn”. Sinh
thời, vua Duy Tân đã giành cho ông nhiều tình cảm yêu mến, tin cậy. Nhà vua và triều đình đã
đánh giá cao công lao của ông trong việc phò tá, dạy dỗ, giúp đỡ nhà vua học hành, giúp triều
đình tháo gỡ khó khăn, đặc biệt ca ngợi ông sánh với các nhân tài nổi tiếng thời xưa ở Trung
Quốc. Trong bài chế của vua Duy Tân thăng hàm Vinh lộc đại phu, Hiệp biện đại học sĩ cho Phụ
chính đại thần, Lễ Bộ Thượng thư Lê Trinh đề ngày 23 tháng Chín năm Duy Tân thứ 3 (1909) đã
viết (dịch nghĩa): “Yêu mến nghĩ đến ông họ Lê chức Phụ chính đại thần Lễ Bộ Thượng thư: xuất
thân khoa bảng; rường cột quốc gia. Nổi tiếng ở đời, trải tới chức quan trọng yếu; gặp thời thoả
chí, từng qua thử thách khó khăn. Lại làm việc nơi Dung đài; bèn bàn mưu trong Hựu phủ. Thanh
liêm ngay thẳng, nhân tài xưa sánh Di Quỳ; cần mẫn rõ ràng, tướng nghiệp trước như Bính Nguỵ.
Vua cha gặp lúc nhọc nhằn, bèn trao tông miếu; con nhỏ đang khi thơ ấu, phải nhận ngôi trời. Cậy
một lời mà định kế; hợp hai nước mà suy tôn. Lấy vực Ngu mà rửa vũng Hàm, mặt nhật năm rồng
nâng đỡ; chặt chân ngao mà làm bốn cực, trời cao tám cột chống che. Ta lúc tuổi thơ, kính đương
ngôi báu. Tháo gỡ khó khăn, đã có công lao phò tá; ân cần dạy dỗ, lại còn giúp đỡ học hành. Đã
mến yêu nhiều, nên ban hàm lớn”. Khi ông Lê Trinh mất (năm 1909), vua Duy Tân đã truy phong
cho ông tước Vệ nghĩa tử, đồng thời sai Nội các soạn một bài dụ, một bài chế nhân dịp truy phong
tước này cho ông và một bài văn ban tế cho lễ tế ông. Bài chế truy phong tước Vệ nghĩa tử đã
khẳng định năng lực nội trị và ngoại giao của ông: “Trong yên quốc thị, ngoại vững bang giao.
Quận triều đều trọng, ghét chán thảy không” và tiếng thơm của ông: “Nghĩa vua tôi trọn vẹn trước
sau, tình khen thưởng cùng chung rạng rỡ. Còn mãi sách son, vẻ vang mồ biếc”. Bài văn ban tế
thể hiện tình cảm đầy ngậm ngùi, xót thương của vua Duy Tân đối với ông:
“Vua tôi là nghĩa, còn với đất trời
Trước sau gặp gỡ, thương mến khôn nguôi
Khanh sinh ở thế, tài giỏi tót vời
Năm triều để tiếng, khuôn mẫu cho đời
Gặp thời bối rối, vận nước bời bời
Khanh cùng phụ chính tháo gỡ xong xuôi
Ngu yên nâng giữ, Hàm trì sáng tươi
Năm rồng thời cổ, mang ánh mặt trời
Ta là con nhỏ, hiểu biết nông khơi
Nhờ khanh chỉ bảo, dạy đạo làm người
Cớ sao ốm nặng, bỗng chốc xa chơi
Các quan còn đó, khanh đã về trời,
Bóng khanh phảng phất, lòng trẫm bồi hồi
Tiệc bày lễ tế, khanh đến xin mời
Ôi!…”.
Ông Lê Trinh đã để lại một tập di cảo gồm thơ và câu đối có tên là “Bích Phong thi
tập” (Bích Phong là tên hiệu của ông). Đánh giá về tập di cảo này, nhà thơ Lương An viết: “Tập
thơ gồm phần lớn là thơ đề từ, xướng hoạ, nhưng cũng có một số bài nói lên nỗi lòng của tác giả
trước tình thế đất nước” (Tuyển tập Lương An, NXB Thuận Hoá, Huế, 2004, trang 380). Qua tập
di cảo này, hiển lộ bóng dáng một con người không tham địa vị, phú quý (ông gọi địa vị mình
đang giữ là “Bị vị đáo xuân quan”, vị hão chức cao dày), chí để ở chốn thanh nhàn, lánh đua tranh
thị thành. Chứng kiến cảnh lụt lội hoành hành ở Huế, ông đã đem đối lập cảnh xót xa đáng thương
của người nghèo với cảnh ăn chơi của hạng cao sang: “Lư lý gian nan tình trạng thiết, Bằng thuỳ
hội đáo ỷ la diên” (Làng xóm khó khăn thê thảm quá, Nhờ ai vẽ đến tiệc ăn chơi).
Xử cho Phan Châu Trinh thoát khỏi án “trảm quyết” (chém ngay)
Năm 1908, phong trào quần chúng nhân dân kháng thuế đã bùng phát ở Quảng Nam rồi
lan nhanh đến nhiều nơi (còn gọi là dân biến Trung Kỳ), khiến cho thực dân Pháp hoảng hốt đối
phó và tăng cường đàn áp, đánh phá các cơ sở Duy Tân, bắt bớ và kết án hàng loạt nhà yêu nước,
trong đó có Phan Châu Trinh, người bị Pháp quy kết là chủ mưu. Phan Châu Trinh đã bị bắt ngày
31-3-1908 tại Hà Nội, theo đúng ý đồ thâm độc của Khâm sứ Trung Kỳ Lévecque, bị giải về Huế
để xử và Phủ Phụ chính đã xử bản án đầu tiên ngày 10-4-1908.
Trong số 8 thành viên của Phủ Phụ chính có Thượng thư Bộ Lễ Lê Trinh. Thượng thư
Lê Trinh và Phan Châu Trinh vốn ở cùng Bộ Lễ. Sau khi thi đỗ phó bảng khoa thi hội năm Tân
Sửu, Thành Thái 13 (năm 1901), Phan Châu Trinh vào làm quan ở Bộ Lễ với chức hành tẩu,
ngạch kiểm thảo. Vậy là ở Bộ Lễ có hai ông Trinh, một ông là thủ trưởng, một ông là thuộc viên.
Nhưng Phan Châu Trinh chỉ làm quan cho có lệ. Ông thường hay đi đây đi đó để tìm người đồng
chí hướng, mưu việc lớn, nên hay bỏ việc quan, đến mức Thượng thư Lê Trinh phải cười bảo:
“Một anh thừa biện của Bộ tôi mà cả năm tôi không thấy mặt”. Ông Lê Trinh xử Phan Châu Trinh
là xử thuộc viên dưới quyền.
Theo những thông tin không đúng lưu truyền lâu nay thường cho rằng chính Nam triều
đã xử tử hình Phan Châu Trinh, nhờ có Liên minh Nhân quyền (Pháp) can thiệp nên án tử hình
mới được đổi thành khổ sai chung thân. Sự thực không phải như vậy. Theo những tài liệu mới do
bà Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh), cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh sưu tầm tại Trung tâm lưu
trữ quốc gia hải ngoại Pháp (Centre des Archives d’Outre mer, viết tắt là CAOM), được tập hợp in
vào sách “Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới”, NXB Đà Nẵng, 2001, cho biết, trong quá
trình xét xử Phan Châu Trinh tại Huế, chính Khâm sứ Trung Kỳ Lévecque đã “cố gò Phủ Phụ
chính vào quyết định “trảm quyết” nhưng nhờ lương tri và dũng khí của các thượng thư, nổi bật
nhất là hai cụ Cao Xuân Dục và Lê Trinh, đã dám lên tiếng cãi lại Lévecque với sự đồng tình của
toàn Phủ Phụ chính. Nhờ vậy mà Phan Châu Trinh đã thoát án chém tức thì, lãnh án chém nhưng
giam lại” (sách đã dẫn, quyển 2, tập 1, trang 8). Bà Lê Thị Kinh đánh giá: “Đây là công lao của
Phủ Phụ chính thời Duy Tân năm thứ hai, còn nặng bất bình với thực dân trong việc phế truất vua
Thành Thái” (sách đã dẫn, quyển 2, tập 1, trang 9). Quả đúng vậy, chính Toàn quyền Đông Dương
Bonhoure qua một bản báo cáo tổng hợp về dân biến Trung Kỳ ngày 22-7-1908 gửi Bộ Thuộc địa
Pháp đã phải thừa nhận có “sự bất bình trong giới thượng lưu An Nam đối với việc phế truất
Thành Thái” (sách đã dẫn, quyển 2, tập 1, trang 62).
Diễn tiến vụ án phải nói là khá hiểm nghèo cho nhà yêu nước Phan Châu Trinh, bởi ý
đồ áp đặt thâm hiểm từ phía Lévecque. Tại bản án đầu tiên của Phủ Phụ chính xử Phan Châu
Trinh ngày 10-4-1908, mặc dù kết luận rằng Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu là “đồng đảng”
và “phạm tội phản nghịch”, nhưng Phủ Phụ chính đã phân định rằng Phan Bội Châu hiện đang ở
nước ngoài, còn Phan Châu Trinh chỉ mới ở trong nước, “vì vậy khi làm án phải phân biệt trường
hợp của hai người có khác nhau, người đã thực hiện và người chưa thực hiện”. Cho rằng Phan
Châu Trinh có “âm mưu phản nghịch nhưng chưa thực hiện”, Phủ Phụ chính đã không xử tử hình
(chém ngay) Phan Châu Trinh (án tử hình theo luật lúc đó chỉ áp dụng trong trường hợp “phạm tội
phản nghịch, nghĩa là phản lại nước mình để đi theo một nước khác” và việc phản nghịch đó đã
thực hiện) mà xử nhẹ hơn ở mức án giảo giam hậu (thắt cổ cho chết, nhưng không thi hành án
ngay mà giam lại), đày đi Lao Bảo và cấm cố chung thân, không được ân xá. Bản án “nhân đạo”
này đã bị Khâm sứ Lévecque bác ngay trong phiên họp ngày 11-4-1908. Lévecque cho rằng Phủ
Phụ chính đã nhầm lẫn trong việc áp dụng pháp luật. Theo Lévecque, Phủ Phụ chính đã vận dụng
điều 224 về “mưu loạn vị hành” (mưu loạn nhưng chưa làm) để xử giảo án treo cho Phan Châu
Trinh là không đúng, vì không thể nói Phan Châu Trinh mưu loạn mà chưa làm, chính Phan Châu
Trinh đã tổ chức “sách động” dân chúng, đã hoạt động gây ảnh hưởng không chỉ ở Quảng Nam
mà cả ở các tỉnh Trung Kỳ, đã đi từ Nam chí Bắc tổ chức những Hội kín, liên lạc thường xuyên
với Phan Bội Châu…Điều thú vị là qua văn bản của Lévecque bác bản án của Phủ Phụ chính,
Lévecque đã trích dẫn cho biết về các luận điểm của hai vị đại thần Phủ Phụ chính là Lê Trinh và
Cao Xuân Dục (Thượng thư Bộ Học, người trước đó, lúc còn làm Hải phòng sứ tỉnh Hải Dương
đã từng vác ghế đánh một tên Công sứ Pháp do có thái độ khinh miệt quan lại Nam triều) xử
“bênh” cho Phan Châu Trinh: “Quan Thượng thư Bộ Lễ (tức Lê Trinh-chú thích của người viết)
yêu cầu chú ý là cho đến nay những người biểu tình chưa hề sử dụng vũ khí…Quan lớn Cao Xuân
Dục tuyên bố “điều 224 không nêu phải trảm quyết ngay” (sách đã dẫn, quyển 2, tập 1, trang 26).
Vì muốn “trảm quyết” (chém ngay) Phan Châu Trinh, Lévecque cho rằng không thể áp dụng điều
224 về “mưu loạn vị hành” (mưu loạn nhưng chưa làm) để xử tội trạng Phan Châu Trinh được mà
phải áp dụng điều 223 về “tội làm loạn” mới đúng. Từ đó, Lévecque nhắc Phủ Phụ chính “phải áp
dụng đúng đắn văn bản pháp luật, không để cho những suy nghĩ khác chi phối”, phải “xem xét lại
bản án này”. Nhưng với “lương tri và dũng khí của Phủ Phụ chính đã dám cưỡng lại lệnh Khâm
sứ, đứng đầu là Cao Xuân Dục và Lê Trinh”, như đánh giá của bà Lê Thị Kinh, rút cuộc, bản án
thứ hai của Phủ Phụ chính làm lại (sau khi đấu tranh với Lévecque) ngày 11-4-1908 và Lévecque
đã phải duyệt vẫn chỉ xử Phan Châu Trinh với án trảm giam hậu (chém nhưng giam lại) và đày
chung thân cấm cố ở Lao Bảo (sau đó, Lévecque và Toàn quyền Pháp đã đổi thành đày đi Côn
Đảo).
Có một điểm đặc biệt đáng chú ý, công lao của Phủ Phụ chính (dĩ nhiên trong đó có
phần quan trọng của Thượng thư Lê Trinh) giúp cho Phan Châu Trinh thoát chết đã được ghi
nhận, khẳng định với nhiều cảm kích qua bản điều trần bằng Pháp văn có tựa đề “Những cuộc
biểu tình năm 1908 của dân Trung Kỳ-Đơn xin ân xá” với chữ ký Phan Châu Trinh ngày 8-4-1912
tại Paris gửi Liên minh Nhân quyền Pháp để chuyển đến Bộ trưởng Thuộc địa Pháp, có đoạn:
“Trong một thời gian ngắn nhiều bản án đã được chính quyền Pháp phê duyệt xử phạt các nhà nho
bị bắt, trong đó có tôi, người thì án tử hình, người thì án lưu đày hoặc khổ sai chung thân. Tôi xin
nói rõ ở đây, để làm rạng danh họ, rằng một số vị quan Triều đình Huế, mặc dù bị sức ép của Toà
Khâm sứ, đã từ chối ký vào bản án tử hình của tôi vì họ chẳng tìm ra điều gì để buộc tội tôi, ngoài
một điều là tôi đã không làm vừa lòng một số quan chức. Nhân đây, tôi xin tỏ lời khen về một chút
liêm sỉ còn sót lại trong các bản án man trá chứa đựng biết bao điều tàn bạo” (sách đã dẫn, quyển
4, tập 1, trang 258-259).
Đem so sánh vụ xử án Phan Châu Trinh với vụ xử án chí sĩ Trần Quý Cáp liền sau đó,
có thể nói rằng “rút kinh nghiệm” qua vụ xử Phan Châu Trinh không theo đúng ý đồ thâm độc của
Lévecque, thực dân Pháp đã tiến hành “xử nóng” ngay Trần Quý Cáp. Sau khi Trần Quý Cáp bị
Công sứ Nha Trang bắt giữ ngày 17-4-1908, Lévecque đã không cho giải ông về Huế để Phủ Phụ
chính xử theo thông lệ nữa mà giữ lại Nha Trang rồi ép các quan tỉnh ở đó làm án trảm quyết ngay
tại chỗ, giết Trần Quý Cáp ngày 17-5-1908 bên cầu Phước Thạnh, sông Con, Khánh Hoà. Hẳn
Lévecque ngại rằng “xử theo thông lệ” như vụ Phan Châu Trinh dễ khiến cho Trần Quý Cáp lại
gặp may thoát khỏi án chém?
Từ trường hợp Phụ chính đại thần, Hiệp biện đại học sĩ, Thượng thư Bộ Lễ Lê Trinh
dẫu làm quan trong thế kẹt: vận nước ngàn cân treo sợi tóc, không ít vị quan chỉ là bù nhìn hoặc
cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp, ông vẫn tìm cách lo nước, thương đời theo cách riêng của
mình, trường hợp đó đã chứng tỏ phẩm chất và tiết tháo nhà nho đáng quý, đáng trân trọng của
ông. Trong bài thơ tự hoạ về chân dung của mình, ông viết: “Đan tâm chiếu xuất nan” (Lòng son
khó tỏ bày), khó là do thế kẹt của thời cuộc, nhưng dẫu sao, ông đã ít nhiều chống chọi được với
thế kẹt đó, không xu thời, buông xuôi, để tỏ được “lòng son” của mình qua việc tôn phò vua yêu
nước, xử bênh cho nhà duy tân cứu nước. “Lòng son” đó đã khiến cho vua Duy Tân và nhà duy
tân nổi tiếng Phan Châu Trinh cảm kích (như trên đã chứng minh). Trường hợp Thượng thư Lê
Trinh đã góp phần nói lên tấm lòng trung trinh của người Quảng Trị trước sóng gió lịch sử, nói lên
cái “văn chất bân bân” (văn chất rờ rỡ) của người Quảng Trị mà vua Tự Đức đã từng ngợi khen.
______________________
1
Viện Hàn lâm Khoa học và Văn học Réunion được thành lập năm 1913. Năm 1925, do Paul Harman
làm chủ tịch, ông đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Toàn lãnh thổ Réunion. Viện Hàn lâm này gồm 25 thành viên
trong số đó có Joseph Bédier và Đô đốc Lacaze là Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp.
2
"Đưa hài cốt vua Duy Tân về nước", trong Nhân Dân 3/4/87. "Lễ tưởng niệm và cải táng hài cốt vua
Duy Tân được tổ chức trọng thể tại Huế", trong Nhân Dân 7/4/87. "Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Văn
Đồng tiếp các con của cựu hoàng Duy Tân", trong Nhân Dân 12/4/87.
3
Nếu không kể ông Dục Đức mà cũng có người coi là đã được làm vua trong ba ngày.
4
Xem "Cụ Trần Cao Vân" của Hành Sơn, nxb Minh Tân, Paris 1952.
5
Về ngày thoái vị này, cuốn "Tổng khởi nghĩa tháng tám 1945", nxb Sự thật, 1985 thì ghi là
30/4/1946, chứ "Encyclopaedia Universalis" lại đề là ngày 25/8/1945.
6
"Vua Duy Tân" của Minh Phú, trong báo Hà Nội mới ngày 5/4/1987.
7
Các vua triều Nguyễn có lệ không phong hoàng hậu, không đặt tể tướng, không lấy trạng nguyên.
Trường hợp vua Bảo Đại với hoàng hậu Nam Phương là ngoại lệ.
8
"Gặp các bà hoàng cuối triều Nguyễn", trong tập san Sông Hương, số 9 (tháng 9/1984), có in lại
trong Đoàn Kết, số 372 (tháng 7/1985).
9
"Le tragique destin d'un empereur d'Annam, Vinh-San/Duy-Tân", của E.P.Thébault, trong France-
Asie-Asia, số 200, 1er semestre 1970, trang 3-40. Ông E.P.Thébault có lúc đã là đổng lý văn phòng của toàn
quyền gaulliste Capagorry ở La Réunion khoảng năm 1942-1943 khi đảo này chuyển từ chính quyền Vichy sang
chính quyền De Gaulle, và quen biết ông Duy Tân nhiều. Tài liệu này nói khá kỹ và có đưa bằng chứng.
10
"Chronique d'Indochine, 1945-1947", của đô đốc Thierry d'Argenlieu, nxb Albin Michel, 1985,
trang 436-437.
11
"Le général De Gaulle et l'Indochine, 1940-1946", (colloque tenu par l'Institut Charles De Gaulle
les 20 et 21 février 1981, actes établis par Gilbert Pilleul), nxb Plon, 1982.
12
"Le tragique destin d'un empereur d'Annam, Vinh-San/Duy-Tân", của E.P.Thébault, trong France-
Asie-Asia, số 200, 1er semestre 1970
13
Theo ông E.P.Thébault kể thì sắc lệnh này không đăng trong công báo Journal Officiel, nhưng ông
ta có xin được một bản sao của Bureau central d'archives administratives militaires.
14
Trong "Mémoires de guerre (1940-1945)", tập 3, nxb Plon, 1959, trang 230 và 231, ông De Gaulle
viết: "Aux fins qui pourraient être utiles, je nourris un dessein secret. Il s'agit de donner à l'ancien empereur Duy-
Tan les moyens de reparaitre, si son successeur et parent Bao-Dai se montre, en définitive, dépassé par les
évènements.[...]. C'est une personnalité forte. [...]. Le 14 décembre, je le recevrai pour voir avec lui, d'homme à
homme, ce que nous pourrons faire ensemble. Mais quelles que soient les personnes avec qui mon gouvernement
sera amené à conclure les accords, je projette d'aller moi-même les sceller en Indochine dans l'appareil le plus
solennel, quand le moment sera venu".
15
"Le général De Gaulle et l'Indochine, 1940-1946", (colloque tenu par l'Institut Charles De Gaulle
les 20 et 21 février 1981, actes établis par Gilbert Pilleul), nxb Plon, 1982.
16
a) Theo 8, trang 33, ông Duy Tân kể cho ông E.P. Thébault là: người Anh đề nghị cho ông 30 triệu
để ông từ bỏ ý định trở về ngôi vua. b) Tướng Gracey, tư lệnh quân đội Anh ở Việt Nam lúc đó, thì hết sức giúp
quân Pháp đổ bộ vào. c) Theo 10, trang 203, thì đô đốc Mounbatten (hầu tước Anh, tư lệnh quân đội Đồng Minh
ở Đông Nam Á) sau này kể lại với Ph.Devillers là ông ta tiếc rằng lúc đó hội nghị Potsdam không trao quyền
giải giáp quân Nhật trên toàn lãnh thổ Việt Nam cho người Anh: ông ta có thể làm trung gian giữa cụ Hồ và
người Pháp để điều đình; ông ta nói là tướng Gracey đã vượt quyền.
17
Nguyên văn: Puis il (Vĩnh San) m'affirma que De Gaulle et lui étaient tombés assez vite d'accord
sur les points essentiels et notamment sur la réunion des trois kỳ. De Gaulle, sans l'accepter formellement,
semblait y être favorable: "Il y viendra nécessairement", me dit Vĩnh San.
18
Nguyên văn: C'est donc sans plan nettement défini qu'il [De Gaulle] reçoit le prince Vĩnh San. Il
veut jauger l'homme, lequel ne veut qu'une chose: qu'on le replace à la tête de l'Annam et qu'il puisse y servir.
19
Ông De Gaulle từ chức (tháng 1/1946) do thời cuộc ở Pháp, và ông chỉ trở lại cầm quyền 13 năm
sau (tháng 5/1958). Ông đã đổi ý (trở thành thuận) về nền độc lập thống nhất của Việt Nam vào lúc nào, để đi tới
tuyên bố ngày 29/8/1963 và bài diễn văn của ông đọc tại Phnôm Pênh ngày 1/9/1966, thời Mỹ đang can thiệp ở
Việt Nam?
[Lời bổ sung 1998: Có lẽ cần kể thêm là con ông ta, đô đốc Philippe de Gaulle, có lẽ muốn gỡ trách
nhiệm cho cha, có viết trong hồi ký của mình "Mémoires accessoires, 1921-1946", nxb Plon, 1997, trang 392, là
đầu tháng 12/1945, đô đốc D'Argenlieu có xin ý kiến tướng De Gaulle về việc chấp nhận từ "độc lập" trong khi
điều đình với Việt Nam, thì tướng De Gaulle cho ý kiến thuận. (Nguyên văn: Au début de décembre, il [Jean
Sainteny] y rencontre Ho Chi Minh et, à la fin du même mois, l'amiral d'Argenlieu demande au général de
Gaulle, qui répond affirmativement, si le terme d’ "indépendance" peut être accepté dans les accords et, puisque
Bao Dai a abdiqué fin août, et si le retour de l'ex-empereur Duy Tan (prince Vinh San) serait envisageable. Mais
ce dernier a trouvé la mort dans un accident d'avion à Madagascar (sic) deux jours auparavant. [...] Le général de
Gaulle aura quitté le pouvoir le 20 janvier (1946). A partir de cette date, la question indochinoise lui échappe).
Đấy chỉ là những lời chứng, không có văn kiện làm bằng, mà lại không phù hợp với những lời chứng khác.
Thêm vào đó, vài chi tiết mà đô đốc Philippe de Gaulle nêu ra, (thí dụ như khi ông ta kể ông Duy Tân bị nạn
máy bay ở Madagascar (sic)), không phù hợp với sự thực]
20
"Duy-Tân", trong Đoàn Kết số 392 và số 393, 1987.
21
"Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc", nxb Hà Nội 1983 của Phạm Khắc Hoè. Ông Phạm
Khắc Hoè trước là ngự tiền văn phòng tổng lý của vua Bảo Đại, lúc trước Cách mạng Tháng tám 1945. Theo ông
Hoè kể lại: tháng tư 1947, ở Sài Gòn ( lúc đó thuộc vùng quân đội viễn chinh Pháp chiếm), ông tìm gặp cựu
hoàng hậu Nam Phương (vợ Bảo Đại). Xin trích lại đây (trang 259-260) một mẩu câu chuyện ông Hoè nói với bà
Nam Phương. (Ông Hoè nói:)
- Chủ trương của thực dân Pháp là dựng nên một chính phủ mà họ gọi là chính phủ quốc gia để chống
lại chính phủ kháng chiến của cụ Hồ mà họ gọi là cộng sản. Đó là chính sách "chia để trị", chính sách "dùng
người Việt đánh người Việt", tạo điều kiện cho thực dân Pháp đô hộ dân tộc ta mãi mãi. Vai trò chủ tịch chính
phủ quốc gia bù nhìn ấy lúc đầu (tức tháng 10/1945), tướng Đờ-Gôn đã quyết định giao cho cựu hoàng Duy Tân.
Duy Tân đã nhận lời và được phép bay đi Rê-uy-ni-ông thăm vợ con trước khi trở về Việt Nam. Nhưng Duy Tân
đã bị tử nạn trên trời châu Phi. Duy Tân chết, thực dân Pháp lại muốn sử dụng Thành Thái, nhưng Thành Thái đã
cương quyết từ chối. Cho nên cuối cùng, họ phải quay về cái mà họ gọi là - xin lỗi ngài - "con bài Bảo Đại" hoặc
"con bài Bảo Long-Nam Phương"... [...]. Để chơi con bài này [...], thực dân Pháp đã đưa tôi từ Hoả Lò, Hà Nội
vào... Đưa Trần Trọng Kim từ Hông Kông về... đưa đại uý Bông từ Pháp sang... và xui Phan Văn Giáo mở cuộc
vận động khôi phục quân quyền... (Họ) đang tiếp tục làm đủ mọi cách, tìm đủ mọi người để hòng một lần nữa -
xin ngài tha lỗi - lôi cuốn cả gia đình ngài vào cạm bẫy của họ... [...].
(Vẫn theo ông Hoè kể, thì bà Nam Phương có trả lời như sau:
- [...] Ngày mai, tôi sẽ biên thư cho nhà tôi, kể tất cả những điều ông vừa cho biết để nhà tôi đề phòng
không bị lôi cuốn vào cạm bẫy của bọn thực dân...[...]
(Chú thích: Lúc này ông Bảo Đại đang ở Hồng Kông. Mấy tháng sau, ông Hoè ra chiến khu Việt Bắc
tham gia kháng chiến).
[Lời bổ sung 1998: Nhưng trong cuốn "Bao Dai ou les derniers jours de l'Empire d'Annam", nxb JC
Lattès, 1997, tác giả Daniel Grandclément lại có cái nhìn khác về vai trò và tính toán của bà Nam Phương: nhà
báo này đưa giả thuyết là bà Nam Phương muốn lập lại chế độ quân chủ, với giải pháp Bảo Long, con trai
trưởng, lên ngôi và bà ta phụ chính].
22
Xin phân biệt giữa: cờ "long tinh" (vàng, một sọc đỏ ở giữa, rộng một phần ba chiều rộng, chạy dài
suốt lá cờ), là cờ của Nam triều, lúc còn Pháp bảo hộ ; cờ "quẻ ly" (vàng, hai sọc đỏ trên và dưới, kẹp hai gạch
đỏ cách đôi ở giữa, như một chữ "vương đỏ không (cột) sống), là cờ thời "độc lập-thuộc Nhật-chính phủ Trần
Trọng Kim", và cờ "ba sọc" (vàng, ba sọc đỏ).(...).
[Lời bổ sung, 2001 : Nhân đọc cuốn sách Người Việt ở Pháp 1940-1954 của Đặng Văn Long 1997,
trang 403, tôi thấy kể là vào đầu năm 1946, ở một số trại công binh Việt Nam ở Pháp có nhận được một bản
"Thuyết minh" của cựu hoàng Duy Tân, làm tại Paris 14/12/1945, (12 ngày trước khi ông Duy Tân bị tử nạn máy
bay, nhưng đầu năm 1946 mới phát ra), trang đầu có hàng chữ "Duy Tân hoàng đế di chiếu", kèm theo một bài
sấm Trạng Trình, lời lẽ kỳ lạ. Bài sấm Trạng Trình đó như sau:
Vội đi tìm lại tổ xưa,
Lưng giời nhiệt khí hoả lô thăng hà,
Thầy Tăng nguyện chú phân ba,
Còn là cơ vị, mất là ngẫu phân.
Quỷ xa tranh với quỷ gần,
Hổ mang cuốn khúc, ngũ tuần đông lai.
"Di chiếu" thật của cựu hoàng Duy Tân, hay là di chiếu giả do nhà cầm quyền thực dân bày ra? Tôi
liên tưởng tới sự việc sau đây : hồi 1949, lúc tôi còn ở quê (lúc này Pháp đã ký với cựu hoàng Bảo Đại), quân
đội viễn chinh Pháp có rải truyền đơn một bài sấm Trạng Trình, tôi nhớ mang máng (không bảo đảm chính xác
câu chữ ) bốn câu như sau, lời lẽ rất thô thiển như sau:
Ô hô thế sự bềnh bồng,
Nam Bắc hà thời thiết lộ thông,
Hồ ẩn sơn trung mao tận bạch,
Nguyễn vô thành nội huyết do hồng (!?).
Chiến tranh tâm lý đôi khi nhắm vào những gì thô thiển? Cũng tội nghiệp cho Trạng Trình, bao nhiêu
lần bị người ta lợi dụng tên để chế biến ra những câu tiên tri giả.
23
Sau khi thoái vị, ông Bảo Đại, nay trở thành ông Vĩnh Thụy, được Hồ chủ tịch mời ra Hà Nội làm
Cố vấn tối cao cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tháng 3/1946, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng
hoà (lúc đó là chính phủ liên hiệp các đảng phái) cử một phái đoàn thân thiện đi Trùng Khánh (lúc đó là thủ đô
của chính quyền Tưởng Giới Thạch, mà quân Tưởng lại đang đóng ở nước ta, từ vĩ tuyến 16 trở lên). Khi phái
đoàn trở về thì ông Vĩnh Thuỵ ở lại (theo 18 đã dẫn thì ông ta bỏ không về; còn theo ông Lê Tùng Sơn, Nhật ký
một chặng đường, nxb Văn học Hà Nội 1978, thì lúc ấy tình hình trong nước rất lộn xộn, nên Hồ chủ tịch cho
điện bảo ông ta tạm ở lại Trung Quốc chờ lệnh mới; còn chính ông ta thì kể trong cuốn Dragon d'Annam là ông
ta nhận được thư cụ Hồ bảo tạm ở lại). Sau ông ta sang Hồng Kông. Cuối 1947, chính quyền Pháp bắt đầu tiếp
xúc với cựu hoàng Bảo Đại ở Hồng Kông, rồi ở vịnh Hạ Long (6/12/1947) rồi Genève (12/1/1948), rồi Paris
(8/3/1949).
[Chú thích bổ sung, 1998: Có người lưu ý rằng mỗi lần quân đội viễn chinh Pháp thua quân kháng
chiến (cụ Hồ) một đợt, thì lại nhả ra cho... ông Bảo Đại một chút. Thế mà ngay khi ký Thoả ước Elysée 8/3/1949
với ông Bảo Đại (có Trần Văn Hữu và Bửu Lộc), chính quyền Pháp lúc đó vẫn chưa chịu dứt khoát nhả "thống
nhất" dù chỉ là trên giấy tờ. Cũng phải đến 23/4/1949, khi ông Bảo Đại cho biết chỉ chịu về Việt Nam (tất nhiên
là theo nghĩa vùng Pháp kiểm soát) nếu Nam Kỳ tái nhập vào Việt Nam, thì Hội đồng Nam Kỳ (do chính quyền
Pháp đặt ra) mới biểu quyết sự tái nhập này của Nam Kỳ vào "Quốc gia Việt Nam".
Cũng có người lưu ý rằng: khi ông (Bảo Đại) du học ở Pháp về làm vua, tuy chẳng còn quyền hành gì
vì chính quyền bảo hộ Pháp nắm giữ hết, ông cũng có được một cử chỉ tân tiến là thay lễ "lạy (vua) năm lạy"
bằng "vái ba vái" (hành tam khấu lễ) ; hồi tháng 3/1945 Nhật đảo chính Pháp, triều đình Huế tuyên bố bãi bỏ
Hiệp định Pháp bảo hộ, ông cũng có được câu "Dân vi quí" (câu của Mạnh tử: Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi
khinh, nghĩa là dân là quí, rồi mới đến nhà nước, còn vua là "nhẹ"); hồi Cách mạng Tháng tám 1945, lúc ông
thoái vị cũng có được câu "ưng làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ"; mấy tháng làm Cố vấn
tối cao bên cụ Hồ, thái độ của ông chẳng có gì đáng trách. Nhưng sau ông ký kết với chính quyền Pháp, dần dần
bắt lính người Việt, thành lập quân đội dưới sự chỉ huy của Pháp, với sự viện trợ của Mỹ, chuyển màu da của
chiến tranh (dù cho vì "chiến tranh lạnh thế giới" và thời cuộc đẩy đưa), thì trách nhiệm của ông lại nặng. Viết
những dòng này, tôi nghĩ rằng: xét người cũng như xét sự việc, nên đánh giá từng giai đoạn, không nên đem giai
đoạn sau gán cho giai đoạn trước, hay ngược lại.
(Có lẽ cũng nói thêm là, đọc lại mấy tờ báo Pháp vào những ngày 19, 20, 21, 22 tháng 12 năm 1946
nghĩa là vào những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, thì thấy họ chẳng phân biệt người Việt Nam quốc gia,
người Việt Nam cộng sản gì hết, chỉ thấy họ nói đến quyền lợi của Pháp ở Đông Dương...)].
24
"Duy Tân, một nhà vua, một con người", trong báo Đại Đoàn Kết, ngày 15/4/1987.
[Chú thích bổ sung, 1998: Ông Phạm Huy Thông có viết: [...] Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết
thúc, chúng tôi ở Pháp đã có dịp tình cờ gặp ông [Vĩnh San] trên đường phố Pa-ri. Tôi đã tiếp xúc ông, trong
quân phục thiếu tá Pháp, ở căn phòng quận sáu Pháp. Đã nói chuyện chừng một tiếng đồng hồ với con người bé
nhỏ, điềm đạm, thông minh ấy, thăm dò ý tứ nhau. Tôi đã chụp chung một tấm ảnh mà, sau đó, để tránh mọi sự
hiểu lầm có thể có với diễn biến của tình thế, tôi đã huỷ đi, huỷ cả phim. Không bao lâu, báo chí đăng tin thiếu tá
Vĩnh San, hoàng đế An Nam cũ, qua đời vì rủi ro. [...] theo tôi biết, ông không bao giờ hối tiếc việc đã làm thời
niên thiếu. Cũng không được quên ý Bác Hồ dạy chúng tôi, thời chúng tôi ở Pháp mới đến với cách mạng Việt
Nam : trong mỗi người Việt Nam từ xưa vẫn thường có một người dân yêu nước. [...]
(Ông Phạm Huy Thông(1916-1988) trước du học ở Pháp, tiến sỹ Luật, agrégé Sử Địa ở Pháp. Thời
gian ở Pháp, ông hoạt động trong phong trào Việt kiều. Năm 1946, ông làm thư ký cho Hồ Chủ tịch khi Chủ tịch
sang Pháp đàm phán. Năm 1952, ông bị chính quyền Pháp trục xuất về Sài Gòn, ở đó ông tham gia đấu tranh
chính trị, là Tổng thư ký phong trào vận động hoà bình (1954), bị bắt nhiều lần, và rốt cục bị trục xuất ra Bắc
(1955); ở đó ông giữ nhiều nhiệm vụ trong các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, Uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới
của Việt Nam, vv. Ông làm hiệu trưởng Đại học sư phạm, rồi phó chủ nhiệm Uỷ Ban Khoa học Xã hội, viện
trưởng viện Khảo cổ. Ông là nhà thơ, nhà khảo cổ, nhà ngôn ngữ học, nhà sử học,...)].
25
Xin chân thành cảm ơn các anh Hải Vân, P.Q. và T.T.Hiệp đã giúp tôi một số tài liệu.
26
Xin kể thêm rằng ngày 28/3/1987, trong lễ truy niệm ở chùa Vincennes (Pháp) trước khi đưa hài cốt
cựu hoàng Duy Tân về nước, một nhóm người muốn trưng cờ vàng ba sọc đỏ. Ông Georges Vĩnh San (con trai
ông Duy Tân) và gia đình đã cương quyết bác bỏ.
27
Sau này là ngoại từ của cựu hoàng Bảo Đại
28
Người cùng một làng với người soạn cuốn sách này. Nguyến Đắc Xuân
29
Theo Việt nam phật giáo sử luận, cho biết bà sinh công chúa lúc 20 tuổi (1904)
30
Theo Danh lam xứ Huế, Hội Nhà văn, trang 322
31
Theo Nguyễn Lang, Việt nam phật giáo sử luận, tập 3), Văn học Hà nội, 1994, tr. 294
32
Chưa rõ lịch sử, phải xem lại
33
Vua Thành Thái nhắc chuyện xảy ra 1883, phụ chính Đại thần Trần Tiễn Thành khi dọc Di chiếu
của vua Dục Đức, đã đọc nhỏ đoạn nói các tính hư tật xấu của vua Dục Đức, hai ông quyền thần Nguyễn Văn
Tường và Tôn Thất Thuyết vin vào cớ đó mà buộc tội Trần Tiễn Thành. Cai chết của Trần Tiễn Thành đã được
báo hiệu từ đó.
34
Tên thật Nguyễn Hữu Đông.
35
Có tài liệu lại thnật vua Duy Tân đã trả lời Sogny rằng: “Ông tưởng tôi giấu súng sáu hả? Ông đừng
sợ. Tôi làm việc đại sự lỡ bị thất bại còn cần chi những việc của tiểu nhân”.
36
Tướng De Gaulle nói với de Boissieu: “Thiếu tá đã biết hoàng thân Vĩnh San ở trên tàu Léopard và
ở Réunion, hãy nói chuyện với ông ta cố làm sao biết được ông ta nhìn tương lai đất nước ông ta ra sao, vai trò
ông ta đóng một khi về nước sẽ như thế nào. Dẫn cho ông ta thấy những đơn vị hùng hậu của chúng ta, đặc biệt
của đơn vị của các bạn Anh ở sư đoàn 2 thiết giáp. Cho ông tham quan các trường võ bị, thành phố Paris để ông
ta nhìn thấy thế nào là nước Pháp, sau đó tôi sẽ đưa ông ta đến một đơn vị tiền tuyến để ông tham gia trận chiến
cuối cùng của nước Pháp”.
37
Sắc lệnh này theo Thebautt thì không có trong Journal officiel, nhưng ông ta có xin được một bản
sao của Bureau central d' Archives administratives militaires.
38
Memoires de guerre, tập III, Plon, Paris, 1959, trang 269-270
39
Từ dùng để gọi con trai, con gái dòng vua thời nhà Nguyễn
40
Bonfils "Note pour le Directeur de Cabinet", 13-9-1946, 3.341CP CAB (AOM fonds consciller
politique 225)
41
Telegramme P. Messmer 4406 CHA du 26-12-1947
42
Bonfils "Note pour le Directeur de Cabinet", 13-9-1946, 3.341CP CAB (AOM fonds consciller
politique 225)
43
Telegramme P. Messmer 4406 CHA du 26-12-1947
44
Nhân cách vững vàng (từ dùng trong hồi ký của De Gaulle)
45
Trần Văn Đôn, Việt nam nhân chứng, Nhà xuất bản Xuân Thu 1989, trang 48
46
Hồi ký của Thebault trích lại của Bửu Kỉnh, Les Relations entre le General De Gaulle et L'
Empereur Duy Tan, Mondes et Cultures, XI, IV, 7 Decemberes 1984
47
Báo Cải tạo số ra ngày 22-1-1949, trích lại của tác giả Huỳnh Tôn, Vua Duy Tân, Nhà in Kim Sơn,
Hà nội 1949.
48
Mệ Cười, em ruột vua Duy Tân đã nói với Phạm Khắc Hoè, Kể chuyện vua quan triều Nguyễn,
Thuận Hoá, Huế, 1986
49
Trần Văn Đôn, Việt Nam nhân chủng. Nhà xuất bản Xuân Thu, California, 1989, trang 44.
50
Trích lại của Bảo Đại, Le Dargon d' annam, Plon 1980, trang 191.
51
Trích lại của Bảo Đại, Le Dargon d' annam, Plon 1980, trang 191.
52
Chuyện ba vua Dục đức, Thành Thái, Duy Tân. 350 trang. Nhà xuất bản Thuận Hoá, Huế, 1995
53
Về sau ông Hồ Đắc Trung gả bà này cho vua Khải Định
54
Đăng trong Revue d indochinoise năm 1924; bản dịch của Hoàng Trọng Thước.
55
Trích lại chuyện ba vua... Sđd. trang 218
56
Tháng 4.1996, đài phát thanh Pháp phỏng vấn cựu hoàng Bảo Đại có câu: "Tại sao năm 1945, Ngài
lại trao chính quyền cho Việt Minh cộng sản" Cựu hoàng Bảo Đại, một người chống Cộng đã hỏi lại người Pháp:
"Theo ông thì tháng 8-1945 tôi nên trao cho lực lượng nào là xứng đáng nhất?". Nhà báo Pháp đã bí và phải
công nhận việc trao ấn kiếm cho Chính phủ Việt nam DCCH đúng nhất. (Theo giáo sư Trần Văn Khê)
57
NQT Sđd, tr. 559
58
Hoàng Trọng Thược, Hồ sơ vua Duy Tân, Mõ Làng, Paris, 1993, trang 52-53. (Sau đó, Ngô Đình
Khả bị buộc tội lập giáo đường không xin phép, phải về hưu tại nguyên quán xã Đại Phong, huyện Lệ Thuỷ,
Quảng Bình, không được lãnh hưu bổng).
59
Báo Cải Tạo ngày 22-1-1949. (Hoàng Trọng Thược, Hồ sơ vua Duy Tân,.s.đ.d., tr. 75).
60
Hoàng Trọng Thược, Hồ sơ vua Duy Tân, Mõ Làng, Paris, 1993, trang 52-53, trang 373-374.
61
Hoàng Trọng Thược, Hồ sơ vua Duy Tân, Mõ Làng, Paris, 1993, trang 52-53, trang 373-374.
62
Huỳnh Côn, hồi ký, do Jean Jacnal ghi lại bằng tiếng Pháp, đăng trong Revue Indochinoise năm
1924 (Hoàng Trọng Thược, Hồ sơ vua Duy Tân, Mõ Làng, Paris, 1993, trang 52-53, tr.95)
63
Hoàng Trọng Thược, Hồ sơ vua Duy Tân, Mõ Làng, Paris, 1993, trang 52-53, trang 102-106.
64
Nạp Phi: Trừ Gia Long và Bảo Đại, các vua của nhà Nguyễn tuy có vợ theo thứ bậc lớn nhỏ nhưng
không bà nào được phong Hoàng Hậu. Vì từ Minh Mạng, sợ bị tiếm ngôi, nên đặt ra lệ "ngũ bất lập" là: Bất lập
Hoàng Hậu, bất lập Đông Cung, bất lập Tể Tướng, bất phong Vương, bất tuyển Trạng Nguyên. Còn các bà vợ
vua đều gọi là phi, phân thành 9 cấp: đệ nhất Giai Phi, đệ nhị Giai Phi… cho đến đệ cửu Giai Phi. (Hoàng Trọng
Thược, Hồ sơ vua Duy Tân, Mõ Làng, Paris, 1993, trang 52-53, tr.76)
65
Hoàng Trọng Thược, Hồ sơ vua Duy Tân, Mõ Làng, Paris, 1993, trang 52-53, trang 136-137.
66
Hoàng Trọng Thược, Hồ sơ vua Duy Tân, Mõ Làng, Paris, 1993, trang 52-53, trang 143-148.
67
Chỉ dẫn của hoàng tử Vĩnh San, cựu hoàng đế Duy Tân, trong Hồ sơ vua Duy Tân, Hồ sơ vua Duy
Tân, Mõ Làng, Paris, 1993, trang 52-53, trang 253.
68
Lời tiết lộ của cựu Trung tướng Alain de Boissiau, con rể của Tướng de Gaulle, trong Hồ sơ vua
Duy Tân, Mõ Làng, Paris, 1993, trang 52-53, trang 346.
69
Hoàng Trọng Thược, Hồ sơ vua Duy Tân, Mõ Làng, Paris, 1993, trang 52-53, trang 263.

You might also like