You are on page 1of 10

Văn bản 1:

“Lá cờ thêu sáu chữ vàng”- Bi tráng chân dung người anh hùng nhỏ tuổi
nước Đại Việt
Hoàng Thảo
  “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là tác phẩm gắn
liền với nhiều thế hệ thiếu nhi. Tác phẩm xoay quanh nhân vật chính Trần Quốc
Toản, người anh hùng nhỏ tuổi với khát khao mãnh liệt “Phá cường địch báo
hoàng ân”.
Tác phẩm lấy bối cảnh cuộc chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai
của nhà Trần, cuộc chiến gay go và khốc liệt nhất. Với mục đích hướng đến đối
tượng độc giả trẻ tuổi, đặc biệt bao gồm cả thiếu nhi, Nguyễn Huy Tưởng đã trau
chuốt kĩ lưỡng ngôn từ của mình. Nói về cách chắp bút của Nguyễn Huy Tưởng
trong tác phẩm này, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết: “Ông viết kỹ từng câu, chọn
từng từ, nương nhẹ như với những cánh hoa. Đồng thời từ tốn và trang nghiêm,
ông dẫn dắt các cháu đến với những khái niệm cơ bản về lịch sử, đất nước, dân tộc,
con người”.
Tiểu thuyết này có rất nhiều nhân vật, cả ở bên ta cả ở bên Hán, tất cả đều
được xây dựng để đặt vào mối quan hệ với nhân vật chính là người anh hùng nhỏ
tuổi Trần Quốc Toản. Mới chỉ 15 tuổi nhưng Trần Quốc Toản đã không chịu được
sự hống hách, ép bức cùng cực của vua tôi nhà Hán, đã một mực xin mẹ được ra đi
để chiêu mộ binh lính đánh giặc.
Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng tính cách quyết đoán, gan dạ và khí phách anh
hùng dòng dõi nhà Trần của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản đã được bộc lộ rõ qua
từng suy nghĩ, hành động, cử chỉ. Lá cờ với dòng chữ “Phá cường địch báo hoàng
ân” chính là minh chứng rõ nhất về cốt cách, tài năng hơn người của Trần Quốc
Toản.
M
ột phiên bản bìa do NXB Kim Đồng phát hành. (Ảnh: NXB Kim Đồng)
“Hoài Văn Hầu dẫn sáu trăm gã hào kiệt ầm ầm đi đuổi Toa Đô đang chạy
tháo thân ra bể. Lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng căng phồng lên trong gió hè lồng
lộng thổi. Dưới lá cờ bay cao, gươm giáo tua tủa như hàng rào, nghiêng nghiêng
trong bụi mù, nhòa dần trong bóng chiều đổ xuống. Qua rừng, qua núi, qua đèo,
qua sông, lá cờ sáu chữ dẫn Hoài Văn và sáu trăm gã hào kiệt đi mãi, đi mãi tới
những nơi nào còn có bóng quân Nguyên…” (trích từ tác phẩm)
Nguyễn Huy Tưởng là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử hào hùng, oanh
liệt. Ông được coi là cây bút hàng đầu về đề tài lịch sử với đa dạng các thể loại và
thành công nhất là kịch và tiểu thuyết. Và nổi bật nhất trong hai thể loại đó lần lượt
là vở kịch Vũ Như Tô và tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Không phải ngẫu
nhiên mà ông được đánh giá vào hàng những cây bút xuất sắc trong mảng lịch sử.
Yêu cầu quan trọng nhất khi viết về đề tài này là người viết phải cung cấp thông tin
liên quan đến sự vật, sự việc một cách chính xác, có độ tin cậy cao, không chỉ là
xoay quanh những cảm xúc, suy nghĩ, hành động của nhân vật chính mà là cả
những chi tiết, diễn biến nhỏ như nhân vật phụ, thời gian, địa điểm… Và Nguyễn
Huy Tưởng đã làm được cái việc ấy một cách rất xuất sắc. Ông khéo léo dựa trên
nền tảng vững chắc lịch sử hào hùng của nước nhà, chắp thêm cánh cho nó để biến
thành một tiểu thuyết lịch sử vừa hấp dẫn vừa cung cấp cho người đọc hiểu biết về
những sự kiện đã xảy.
Như trong chính tác phẩm này, cái tài tình của Nguyễn Huy Tưởng nằm ở
chỗ ông hình dung và xác lập ra những mốc thời gian, địa điểm của từng tình tiết
nhỏ (hư cấu) một cách chi tiết, khoa học và logic. Hay việc ông đặt mình vào nội
tâm từng nhân vật để từ đó nêu bật được những suy nghĩ, cảm xúc của họ, kể cả
tuyến nhân vật phụ như: Mẹ của Trần Quốc Toản, Thế Lộc, Toa Đô… rất hợp lý
hợp tình. Để từ đó người đọc thâu tóm, bao quát được bức tranh sự kiện và có cái
nhìn rõ hơn về từng nhân vật lịch sử.
Lá cờ thêu sáu chữ vàng bản song ngữ là sự lựa chọn hoàn hảo cho độc giả
vừa muốn tìm hiểu về lịch sử nước nhà, vừa muốn nâng cao trình độ tiếng Anh của
mình. Tất cả các phần của quyển sách, từ lời giới thiệu đến phần truyện đều được
dịch sang tiếng Anh. Phần dịch tiếng Anh được biên soạn bởi dịch giả, nhà ngoại
giao Hoàng Túy. Là một tiểu thuyết hướng đến độc giả trẻ, đặc biệt bao gồm cả
thiếu nhi nên phần dịch được đánh giá khá dễ hiểu, rõ ràng, mạch lạc. Hoàng Túy
đã điều chỉnh vốn từ rất hợp lý, súc tích, không quá sơ sài mà cũng không mang
tính học thuật cao, kết hợp cùng các ngữ pháp thông dụng và giọng kể lôi cuốn. Vì
là về đề tài lịch sử nên cũng có nhiều từ vựng khá ít gặp, nếu bạn nào đọc phần
tiếng Việt rồi thì đều có thể đoán ra nghĩa, hoặc có thể tra trong từ điển để hiểu hết
ý nghĩa của từ đó trong ngữ cảnh. Đây là một cách rất hiệu quả để làm phong phú
từ vựng mà không cảm thấy chán. Đồng thời các bạn trẻ cũng nắm bắt được cách
sử dụng linh hoạt các thì trong văn kể.
Với Lá cờ thêu sáu chữ vàng, tác giả đã gặt hái được rất nhiều thành công,
trong đó bao gồm những giải thưởng danh giá. Có thể khẳng định, đây quả là tác
phẩm đưa tên tuổi Nguyễn Huy Tưởng vào hàng ngũ những cây bút hàng đầu cho
thiếu nhi. Lá cờ thêu sáu chữ vàng là một áng văn không nên bỏ lỡ với bất cứ ai
yêu thích lịch sử Việt Nam.
(Nguồn: https://hoahoctro.tienphong.vn/la-co-theu-sau-chu-vang-bi-trang-chan-
dung-nguoi-anh-hung-nho-tuoi-nuoc-dai-viet-post1236715.tpo)
Văn bản 2: 
LỜI TỰA TẬP "THƠ THƠ" CỦA XUÂN DIỆU
(Thế Lữ)
Nhà thi sĩ ấy là một chàng trai trẻ hiền hậu và say mê, tóc như mây vương
trên đài trán ngây thơ, mắt như bao luyến mọi người, và miệng cười mở rộng như
một tấm lòng sẵn sàng ân ái. Chàng đi trên đường thơ, hái những bông hoa gặp
dưới bước chân, những hương sắc nảy ra bởi ánh sáng của lòng chàng. "Thơ Thơ"
là cụm đầu mùa chàng tặng cho nhân gian. Và từ đây, chúng ta đã có Xuân Diệu. 
Loài người hãy hiểu con người ấy!
Xuân Diệu là một người của đời, một người ở giữa loài người. Lầu thơ của
ông xây dựng trên đất của một tấm lòng trần gian; ông đã không trốn tránh mà lại
còn quyến luyến cõi đời, và lời nguyện ước của ông có bao nhiêu sức mạnh:
Ta ôm bó, cánh tay ta làm rắn,
Làm dây da, quấn quýt cả mình xuân,
Không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần,
Chân hoá rễ để hút mùa dưới đất.
Là một người sinh ra để sống, Xuân Diệu rất sợ chết, sợ lặng im và bóng tối,
hai hình ảnh của hư vô. Mục đích của đời người có phải là hạnh phúc đâu! Mục
đích chính là sự sống. Mà còn gì làm sự sống đầy đủ hơn Xuân và Tình? Cho nên
Xuân Diệu say đắm với tình yêu và hăng hái với mùa xuân, thả mình bơi trong ánh
nắng, rung động với bướm chim, chất đầy trong bầu tim mây trời thanh sắc. Ông
hăm hở đi tìm những nơi sự sống dồi dào tụ lại. Khi ông khao khát vô biên, tuyệt
đích, chẳng phải ông muốn lên đến đỉnh cao nhất của sự sống đó sao? Ham yêu,
biết yêu, Xuân Diệu muốn tận hưởng tình yêu, vì ông thấy tình yêu mới gồm được
bao nhiêu ý nghĩa.
Nhưng Xuân không dài dặc, Tình có bền đâu! Xuân với Tình cũng vô định
như sự thực không bền, và lại còn mong manh hơn cuộc đời chảy trôi. Bởi thế,
Xuân Diệu vội vàng, bao giờ cũng lo âu thắc mắc. Luôn luôn tận tâm, siêng năng
mà sống, ông mau mau đem hết cả tâm hồn mà tặng cho đời, và ông cũng đòi hết
cả tâm hồn của người yêu dấu, của trời đất, của mọi sự vật trên trần gian. Ta thấy
cả nỗi cuống quýt sảng sốt của thi nhân giơ tay với lấy giây phút qua, bám lấy bầu
xuân hồng, và rền rĩ thở than với người yêu dấu. Người tình nhân ấy có những câu
não ruột thấm thía, khiến nụ cười ta rung ở miệng cùng nước mắt ứa dưới hàng
mi…
Sở dĩ Xuân Diệu tham lam tình yêu, chất chứa vào lòng không chán, không
đủ, không nguôi, là bởi thi sĩ rất sợ cô độc. Ông muốn biến ra nhiều thân, hoá
thành muôn ức, triệu, vì ông thấy người ta đều chỉ trơ trọi một mình. Ông tìm gần
gụi vì ông quá riêng tây, ông thấy nỗi mênh mông của tâm hồn nên ông muốn
thành một cây kim để hút vào mình thiên hạ.
Thơ Xuân Diệu do đấy mà buồn tịch mịch ngay trong những điều ấm nóng
reo vui. Lạnh lùng ám khắp mọi nơi, “xa vắng gồm tự muôn đời”, ở đâu cũng là
nỗi nhớ nhung, thương tiếc. Lòng thi sĩ thấy rõ điều trái ngược: nồng nàn bởi vì thê
lương, khăng khít nhưng vẫn hững hờ, bao nhiêu éo le của cảnh đời mà Xuân Diệu
yêu tới đau khổ. Thơ Xuân Diệu là hơi thở thầm kín, giấu giếm, trong đó ẩn sự
huyền bí ghê rợn của một đêm trăng, sự não nùng bao la của một buổi chiều, và tất
cả tâm hồn khó hiểu của người, của cảnh.
Rồi càng khó hiểu, người thi sĩ càng cố tìm. Ông dò xét cái “thế giới bên
trong”, lượm lặt từng sợi tơ mềm yếu, từng mảnh nhớ thương, từng vụn sầu tủi.
Ông nghiệm thấy rằng:
Phải can đảm mới bền gan yếu đuối,
Phải khôn ngoan mới dư trí dại khờ,
nên chịu mất một ít kiêu căng để thêm được rất nhiều sự sống. Và ông đã du ngoạn
trong xứ yêu mến, nói cho ta hay những đường lối ẩn khúc quanh co.
Ông còn nghe thấu sự mơ hồ, như đã thạo dò la những điều tinh tế. Con
người phức tạp cũng đơn sơ, con người thiết thực cũng mơ mộng: ông có một trái
tim, nhưng ông còn có một linh hồn. Ông tỏ ra đã từng vào trong thế giới của mọi
sự u huyền: hương trầm, âm nhạc, thời khắc, khói sương… tất cả đều nói cho ông
những lời chia ly và những dây liên lạc.
Với những câu thơ ít lời nhiều ý, xúc tích như đọng lại bao nhiêu tinh hoa,
Xuân Diệu lại là một tay thợ biết làm ta ngạc nhiên vì nghệ thuật dẻo dang và cần
mẫn.
Nhưng ở trên nhà nghệ thuật, ở trên nhà thi sĩ, ta thấy lòng ta mến yêu một
linh hồn mở rộng, một tấm lòng chào đón, một con người ân ái đa tình. Người ấy
chắc không cần phải quá đợi chờ, van xin, vì lẽ nào cõi đời, còn mãi mãi lạnh lùng
vô tri, khi đã nghe tiếng đàn si mê của Xuân Diệu?
(Tuyển tập Thế Lữ, Nxb Văn học, HN 1984)
 
 
Văn bản 3: 
 
Chiến binh cầu vồng - bài ca cho khát vọng và niềm tin
Tác phẩm được viết bởi Andrea Hirata, kể về câu chuyện của những cậu học trò
nghèo khó đấu tranh với số phận nghiệt ngã để thực hiện ước mơ được cắp sách
đến trường của mình. Cuốn sách là lưỡi dao cắt sâu vào hiện thực tăm tối của
Indonesia, gào thét cho những khát vọng chính đáng bị vùi dập không thương tiếc,
và là cái tát mạnh mẽ vào chính quyền mục nát những năm 80 tại đất nước này.
Chiến binh cầu vồng - Lưỡi dao lách sâu vào hiện thực mục nát
“Chúng tôi đã khuỵu xuống vì một kẻ thù vô hình, mạnh nhất, độc ác nhất,
vô nhân tính nhất và khó chống lại nhất. Như một khối u ác tính nó gặm dần
những học sinh, những thầy cô giáo, và ngay cả chính hệ thống giáo dục. Kẻ thù
đó là chủ nghĩa thực dụng.”
Trên hòn đảo Belitong nhỏ bé, tồn tại hai thế giới song hành, một của giới chức
siêu giàu được xây dựng trên những đồng tiền bóc lột được từ chính người dân bản
địa; một là thế giới của sự bần cùng hóa, được tạo ra bởi một chế độ bóc lột sức lao
động của nhân dân. Trong hai thế giới song hành đấy, cuốn sách chọn kể về những
hồi ức của những con người trong thế giới thứ hai. Mười đứa trẻ nghèo khó ngày
ngày giành giật lấy quyền được đi học. Ngôi trường Muhammadiyah, nơi nuôi
dưỡng mười ước mơ nhỏ bé oằn mình trong gió bão để tiếp tục che chở cho những
học trò của mình. Đau đớn thay, gió được tạo bởi chính đồng loại của họ, những
quan chức cấp cao chỉ chực nuốt chửng lấy ngôi trường.
  Cuốn sách là lời khóc than thảm thiết cho một nền giáo dục đã bị lu mờ
trước đồng tiền và thành tích; là hồi kí về những hành trình quá gian nan và vất vả
để có thể tiệp cận với con chữ. Những đứa trẻ phải chiến đấu với cá sấu, với đầm
lầy, tiền ăn tiền học hằng ngày; phải lựa chọn giữa từ bỏ quyền được học để trở
thành culi, công nhân cho những người giàu có và việc phải cược cả tính mạng để
được đi học. Từng lời văn đào sâu vào cuộc sống khó nhọc, leo lắt khiến người đọc
cũng phải ngậm ngùi. Hình tượng ngôi trường làng được xây dựng là minh chứng
rõ ràng nhất cho sự phân hóa giàu nghèo tại hòn đảo Belitong nhỏ bé. Đồng tiền
xoay vần trên lưng người, đổi trắng thay đen, ngang nhiên cướp lấy khát vọng
chính đáng của con người.
Những con người gieo mầm trong gió bão
Tựa như những cánh chim vẫn vươn mình bay hiên ngang trong gió bão, ở
hòn đảo nhỏ bé này, cũng có những con người lặng lẽ tìm đường thay đổi số phận
của mình, góp nhặt từng hi vọng mà dệt thành ước mơ. Đó là Lintang – một chiến
binh đặt biệt trong nhóm vẫn hằng ngày đạp xe tổng cộng 40 cây số tới trường,
băng qua 4 khu rừng đầm lầy cá sấu. Một thần đồng được nuôi dưỡng trong căn lều
hàng chục năm chỉ có ánh nến soi sáng.Đó là Mahar, tài năng, thiên tài nghệ thuật
bằng sư láu lỉnh và thông minh của mình đã đặt những viên gạch đầu tiên cho công
trình thay đổi số phận vĩ đại mà các bạn mình đã đặt ra.
Đó những chiến binh dũng cảm, chiến đấu bằng tất cả lòng yêu thương và
khát khao hi vọng để bảo vệ lấy quyền được đi học của mình. Mỗi con người một
tính cách, một tài năng, họ đã nương tựa vào nhau mà sống. Tất cả những con
người ấy đã vẽ nên một bức tranh thật khác cho hòn đảo vốn đã quen với sự nghèo
túng và ngu dốt. Những đứa con của những công nhân, culi đã làm được những
điều phi thường mà ngàn đời sau vẫn xứng được ca ngợi.
Đó còn là thầy Harfan và cô Mus, những giáo viên hay nói đúng hơn, những
sứ giả mà thượng đế đã phái đến để có thể nâng niu che chở cho những ước mơ
nhỏ bé. Họ đã dạy bằng cả trái tim, không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà là đem cả
một nền giáo dục đến cho miền quê nghèo khổ. Những con người đã chiến đấu
bằng cả tính mạng của mình cho một nền giáo dục công bằng, cho sự thực thi công
lý, cho niềm tin và khát khao chính đáng.
Tác phẩm đã rất thành công khi khắc họa những nhân vật biểu tượng ấy, đi
sâu vào hồn người, lặng lẽ đi tìm những hạt ngọc ẩn sâu nhất nhưng lại đẹp đẽ nhất
mà những người khác đã bỏ quên nó.
Hành trình của khát vọng và niềm tin
Mọi công dân đều có quyền học hành
(Hiến pháp Nước Cộng hoà Indonesia, Điều 33)
Là bức tranh phản ánh sự thật, song điều tác phẩm hướng đến vẫn luôn là cái
đẹp, cái chân thiện mỹ trong hồn người. Tác giả lặng lẽ vén bức màn bóng đêm để
vẽ lại cuộc hành trình gian lao và vất vả của thầy trò nơi đây.
Nó không đơn thuần chỉ là hành trình đi tìm con chữ, nó là hành trình của
khát khao thoát khỏi sự ngu dốt đã kìm hãm chân của những con người nơi đây
quá lâu. Trong trí óc của mỗi đứa trẻ, chúng mong muốn phá tan định kiến xã hội,
đập nát cái thế giới phân biệt giàu nghèo, xé toang cái áp lực cơm áo gạo tiền. Mỗi
buổi đi học đều là một cuộc chiến, là sự đánh đổi to lớn. Song hành trình đi học
của từng người chưa bao giờ dừng lại, chúng học làm người, học biết ước mơ và đã
dám mơ về những điều to lớn.
Những nhân vật trong câu chuyện đều trân quý từng khoảnh khắc họ được
đến trường, bởi đó là cơ hội duy nhất chúng được tiếp thu kiến thức mới. Trong sự
thiếu thốn đủ đường, những đứa trẻ tìm thấy ước mơ của mình. Trong sự đe dọa
đến từ quan chức cấp cao, chúng tìm thấy giá trị của bản thân mình. Bất cứ đứa trẻ
nào cũng có quyền được học, quyền được sống và quyền được hạnh phúc, sự tồn
tại của mười đứa trẻ trong câu chuyện là một lời khẳng định không ai và không thứ
gì được phép tước đoạt đi những quyền lợi chính đáng đó.
Và bởi vậy cuốn sách đã kể thật sống động về cuộc hành trình của niềm tin
và khát vọng, dẫu cho cuối cùng đã khép lại thật đau đớn, cũng đã kịp gieo vào
lòng đất những hạt mầm của hi vọng. Nó giống như sự báo hiệu về một cuộc cách
mạng trong tương lai, đập tan sự kìm hãm và mơ về một thế giới tốt đẹp
Cái kết không vẹn toàn
Cho đến cuối cùng, những ước mơ đều bị dập tắt theo cách này hay cách
khác, như một lời khẳng định sự học chẳng bao giờ dễ dàng. Chiến binh cầu
vồng là một tác phẩm không nhẹ nhàng, nó sẵn sàng đả kích mãnh mẽ cái xấu xa,
và dọn đường cho cái đẹp một cách mãnh liệt nhất; song lại đi vào lòng người một
cách thật sâu lắng và đẹp đẽ. Với bất cứ ai muốn tìm lại giá trị của cuộc sống,
muốn học cách yêu thương và sẻ chia, đây là cuốn sách tuyệt vời cho bạn.
(https://sachhay24h.com/chien-binh-cau-vong-bai-ca-cho-khat-vong-va-niem-tin-
a587.html)
Văn bản 4: 
Dế mèn phiêu lưu ký - Cuốn sách của tuổi thơ
Đã từng được đưa vào trong sách Ngữ văn lớp 6 của cấp học THCS, do
đó tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài chắc hẳn đã không còn
xa lạ gì đối với nhiều thế hệ học sinh. 
Dù tác phẩm đã được ra mắt rất lâu rồi, thế nhưng sức hút và thông điệp ý
nghĩa từ Dế mèn phiêu lưu ký vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Hãy
cùng mình review và cảm nhận về tác phẩm nổi tiếng này trong bài viết sau đây
Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký
Vào năm 1941, nhà văn Tô Hoài từng đăng một mẩu truyện ngắn mang tên
Con dế mèn trong một ấn phẩm của nhà xuất bản Tân Dân, sau đó được đổi tên
thành Dế Mèn phiêu lưu ký.
Dù đã trải qua hơn 79 năm ra đời, nhưng Dế mèn phiêu lưu ký vẫn là một
trong những tác phẩm văn học thiếu nhi có sức hút và ý nghĩa nhất tại Việt Nam.
Nói về bối cảnh của tác phẩm này, nhà văn Tô Hoài đã từng chia sẻ với
NXB Kim Đồng rằng: “Tôi ở Nghĩa Đô lúc đó Hồ Tây, sông Tô Lịch, những cánh
đồng lúa làng Bái Ân, làng Nghĩa Đô, làng Hồ, làng An Thái… còn là thiên đường
của trẻ con… Toàn bộ không gian của Dế Mèn phiêu lưu kí chính là ở vùng ngoại
ô ấy”. 
Với lời chia sẻ này, thì mọi người cũng đã phần nào hiểu được những vùng
đất mà dế Mèn đã đi qua đều mang những dấu ấn và kỷ niệm của tác giả, nhờ vậy
mà tác phẩm này càng trở nên gần gũi và quen thuộc hơn.
Nội dung và thông điệp của Dế mèn phiêu lưu ký
Tác phẩm này được chia thành từng chương nhỏ, nội dung chủ yếu nói về
hành trình phiêu lưu của chú dế mèn ham chơi đầy ly kỳ. Trong các chuyến phiêu
lưu này, Dế Mèn đã được làm quen và tiếp xúc với nhiều người bạn khác nhau,
chẳng hạn như chú Dế Choắt, Dế Trũi  và rất nhiều nhân vật đặc biệt khác, mỗi
nhân vật này đều mang một tính cách và suy nghĩ khác nhau, càng làm cho tác
phẩm thêm sự đa dạng và lôi cuốn như chính xã hội của con người.
Nói về nhân vật chính là Dế Mèn, nhà văn Tô Hoài đã tạo ra một nhân vật có
ngoại hình và tính cách rất ấn tượng đối với người đọc ở những phần đầu tiên của
cuốn truyện. Theo đó, Dế Mèn là một chàng dế trẻ có “đôi càng mẫm hóng, đôi
cánh dài phủ kín xuống tận chấm đuôi, thân hình rung rinh một màu nâu hóng mỡ
ưa nhìn, sợi râu dài một vẻ rất đỗi hùng dũng”. Có thể thấy với miêu tả trên, Dế
Mèn là một nhân vật toát lên sự oai hùng và tráng lệ của thế giới loài vật trong tác
phẩm này. 
Ngoài ra, Tô Hoài cũng đã rất thành công trong việc thu hút người đọc đi
vào những tình tiết ly kỳ của chuyến hành trình phiêu lưu của Dế Mèn, nhất là
phân đoạn có sự xuất hiện của người bạn tên là Dế Trũi. Những tình huống dở
khóc dở cười và thú vị đã xảy ra được Tô miêu tả rất chân thực và gần gũi, khiến
người đọc như hòa cùng cảm xúc với các nhân vật.
Trong đó có rất nhiều tình tiết tuy đơn giản nhưng lại rất hài hước, chẳng
hạn như đoạn khi dế Mèn đang rất đói bụng thì Dế Trũi liền nói với dế Mèn là hãy
ăn cái càng của mình để đỡ đói nhưng dế Mèn lại nhất quyết không chịu, thế là cả
hai lại ôm nhau khóc làm mình cũng xúc động theo. Hay đến phân đoạn khi đang
trong thời kỳ hạn hán, thì chú Cóc trong tác phẩm lại hóm hỉnh nói rằng: “Con cóc
là cậu ông trời. Bấy lâu thằng cháu bận quá, bận đến nỗi quên cả cho cậu nó uống
nước”. 
Có thể nói dù với bất cứ chi tiết nào, Tô Hoài đều mong muốn đem lại sự hài
hước và vui nhộn cho tác phẩm của mình, điều này giúp cho nội dung gần gũi với
thiếu nhi hơn cũng như tạo sự thoải mái cho tất cả người đọc của mình.
Xuyên suốt tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký là sự xuất hiện của nhiều nhân
vật khác nhau, chúng đều mang trong mình tính cách và lối sống khác nhau, nhằm
phản ánh xã hội thực tại của con người. Do đó, người đọc sẽ dễ dàng liên tưởng từ
những nhân vật thiện - ác trong cuốn sách đến thực tế trong cuộc sống một cách
chân thực hơn.
Để giúp làm nổi bật tính cách của từng nhân vật, Tô Hoài đã dùng rất nhiều
từ ngữ chi tiết và sống động nhằm giúp độc giả của mình nắm bắt nội dung và tình
tiết nhanh chóng hơn. 
Ngoài ra, vì đây là tác phẩm dành cho thiếu nhi, nên do đó nhà văn Tô Hoài
cũng không quên lồng ghép những tình tiết phù hợp với tâm tư suy nghĩ của tuổi
mới lớn, để tạo ra những thông điệp ý nghĩa và nhân văn một cách ngọt ngào mà
không bị khô khăn hay sáo rỗng.
Thông qua nhân vật Dế Mèn, chúng ta có thể thấy rõ hình ảnh của sự kiên
cường, nghị lực, dám sẵn sàng đòi lại sự công bằng trước những bất công đang xảy
ra trước mắt. Dù cho Dế Mèn từng phải rơi vào nhiều tình huống éo le và khó
khăn, thế nhưng sau cùng vẫn là sự nghị lực phi thường, không bỏ cuộc trong bất
cứ tình huống nào của Dế Mèn. 
Bên cạnh đó, sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua các địa điểm, bối cảnh được miêu
tả trong Dế mèn phiêu lưu ký. Trong suốt hành trình của Dế mèn phiêu lưu ký,
người đọc sẽ dễ dàng bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của Việt Nam với những
làng quê, sông núi được xuất hiện liên tục. Mỗi bối cảnh này đều là những kỷ niệm
thực tế của tác giả nơi mà ông đã từng sinh sống cũng như là phép ẩn dụ để thể
hiện sự trưởng thành của Dế Mèn qua mỗi vùng miền mà chú đã đi qua.
Lời kết
Cuộc phiêu lưu của Dế Mèn không chỉ đơn giản là tác phẩm dành cho thiếu
nhi, mà hơn hết chúng đều chứa đựng một thông điệp ý nghĩa lớn đến tất cả mọi
người, đó là tình đoàn kết, khao khát cho sự hòa bình và nghị lực phi thường trước
mọi khó khăn. Chỉ với một nhân vật chú dế nhỏ bé, nhưng tác giả lại muốn truyền
tải rất nhiều bài học đến con người, do đó rất đáng để chúng ta suy ngẫm.
Sau khi khép lại cuốn sách này, chính bản thân mình cũng cảm thấy thoải
mái và yêu đời hơn rất nhiều. Và mình nhận ra rằng, khi ta còn trẻ thì hãy cứ thử
một lần tự tạo cho mình những cuộc phiêu lưu như chú dế mèn, biết đâu mình cũng
sẽ gặp được những người bạn tốt và dám đối mặt với mọi khó khăn của cuộc đời
để trưởng thành hơn.
(Nguồn: https://sachhay24h.com/de-men-phieu-luu-ky-cuon-sach-cua-tuoi-
tho-a481.html)

You might also like