You are on page 1of 21

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM - ĐẠI HỌC HUẾ

GIÁ TRỊ NHÂN ĐẠO CỦA TRUYỆN KIỀU


Môn: Văn học VN trung đại II

Giảng viên: Trần Thị Thanh Nhị


Nhóm 5:Hoàng Bảo Nhân
Trần Thị Nhân
Lê Thị Yến Nhi
Nguyễn Thị Ý Nhi
Phạm Thị Yến Nhi
Nguyễn Thị Minh Nguyệt

Huế, ngày 17 tháng 4 năm 2023.

1
MỤC LỤC
I. Khái quát................................................................................4
1. Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du.........................................4
1.1. Cuộc đời...........................................................................4
1.2. Sự nghiệp văn học............................................................5
2. Tác phẩm “Truyện Kiều” (Đoạn trường tân thanh)..........7
2.1. Nguồn gốc........................................................................7
2.2. Thể loại............................................................................7
2.3. Nội dung và nghệ thuật....................................................7
II. Nội dung chính......................................................................8
1. Giá trị nhân đạo là gì?.........................................................8
2. Giá trị nhân đạo trong Truyện Kiều....................................8
2.1. Phản ánh hiện thực..........................................................8
2.2. Khát vọng về tình yêu, hạnh phúc và sự công bằng......11
2.3. Tác giả bộc lộ niềm thương cảm trước số phận bất hạnh
của người phụ nữ..................................................................19
III. Tổng kết.............................................................................21

2
LỜI NÓI ĐẦU
Nguyễn Du là một đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hoá của thế giới.
Cuộc đời ông trải qua nhiều nốt thăng trầm trong một thời đại đầy biến
động, bất ổn:
“Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Nhưng nhờ chính những bi kịch đó của cuộc đời mà ông đã ngộ ra cho
bản thân biết bao là chân lí sống. Chính điều đó đã tạo ra cho dân tộc một
thiên tài, Nguyễn Du để lại một sự nghiệp văn chương với giá trị hiện
thực sâu sắc và giá trị nhân đạo lớn lao. Sáng tác của Nguyễn Du đạt đến
trình độ nghệ thuật cổ điển, đặc biệt là “Truyện Kiều”.
G.S. Đào Duy Anh có viết: Nếu Nguyễn Trãi với “Quốc âm thi tập” là
người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với
“Truyện Kiều” lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại
của nước ta. Quả đúng như vậy, ngay từ khi ra đời, tác phẩm đã có sức
cuốn hút mãnh liệt không chỉ với giới tri thức mà cả với độc giả bình dân.
Có người khen lại có người chê, có người khóc lại có người cười, có
người thương cảm lại có người phẫn uất,... một tác phẩm lại gói gọn cả
một bầu trời cảm xúc. Phải chăng vì điều đó mà biết bao học giả, giáo sư,
nhà nghiên cứu,.. đều lựa chọn “Truyện Kiều” làm đề tài, nguồn cảm
hứng lớn cho các nghiên cứu của mình?
“Truyện Kiều” là đỉnh cao trào lưu nhân đạo trong văn học Việt Nam giai
đoạn thế kỷ XVIII - XIX. Nhóm chúng tôi cũng chính vì lí do này mà
quyết định lựa chọn “Giá trị nhân đạo trong Truyện Kiều” làm đề tài
nghiên cứu của nhóm. Thông qua đề tài này, chúng tôi sẽ làm rõ tư tưởng
nhân đạo của Nguyễn Du cho quý bạn đọc hiểu rõ và sâu sắc hơn về tác
phẩm quý giá này. Trong quá trình làm bài, tìm kiếm tư liệu có thể sẽ gặp
một số sai sót nhất định, mong quý bạn đọc thông cảm và góp ý.
Chân thành cảm ơn!

3
I. Khái quát
1. Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du
1.1. Cuộc đời:
Nguyễn Du (1766 - 1820)
Tên tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu là Hồng Sơn hiệp lộ và
Nam Hải điếu đồ. Quê gốc ở Tiên Điền và được phong tước Hầu nên còn
được gọi là Nguyễn Tiên Điền hoặc Nguyễn Hầu.
Thân phụ là Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775), tự Hy Tư, hiệu Nghị Hiên;
người làng Tiên Điền, Nghi Xuân phủ Nghệ An (nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh);
từng giữ chức Tham Tụng trong triều Lê. Thân mẫu là Trần Thị Tần
(1740 - 1778), con gái người giữ chức câu kê, người làng Hoa Thiều,
Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc, nay thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; bà là
vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm, kém chồng 32 tuổi, sinh được năm người
con (4 trai và một gái). Anh cả (cùng cha khác mẹ) là Nguyễn Khản
(1734 - 1786), giữ chức Bồi tụng và được chúa Trịnh trọng dụng. Ông là
tay phong lưu đệ nhất chốn Kinh kỳ, khi cha mẹ qua đời Nguyễn Du
được Nguyễn Khản nuôi nấng (từ năm 1775 - 1784).
Cuộc đời 55 năm của Nguyễn Du gắn với một thời đại lịch sử đầy những
biến động dữ dội: Trịnh - Nguyễn phân tranh, các cuộc khởi nghĩa nông
dân triền miên, cuộc chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh,... Những cơn
binh lửa đã khiến non sông chìm trong cảnh tang thương. Chỉ trong
khoảng 30 năm, giang sơn nhiều lần đổi chủ - nhà Lê đổ, nhà Tây Sơn lên
rồi nhà Nguyễn thay thế. Mỗi cuộc bể dâu kéo theo sự phân hóa, sự thay
đổi lớn trong đời sống xã hội, sự thăng trầm của các danh gia vọng tộc
như họ Nguyễn Tiên Điền. Bối cảnh lịch sử đó đã tác động rất lớn đến
cuộc đời Nguyễn Du.
Cuộc đời của Nguyễn Du có thể chia thành bốn chặng:
a. Từ 1765 - 1780: thời thơ ấu sống trong vàng son, nhung lụa. Cháu ruột
của Nguyễn Du là Nguyễn Hành miêu tả lại “Nhớ lại cảnh phú quý khi
trước, nhà tôi một ông hai chú dự vào trong chính phủ, ơn nước dồi dào,
các nơi trong thành Bích Câu lâu đài san sát, những người ngựa xe lõng
võng chầu chực ở trước cửa. Trong nhà, hạng người nô bộc cũng được ăn
thịt, mặc áo gấm. Tôi sinh sau đẻ muộn vẫn còn kịp trông thấy cảnh
tượng ấy”. Lúc thân phụ Nguyễn Du cáo lão hồi hương, cảnh giàu sang,
phú quý ấy vẫn còn:
“Nhớ xưa, cha ta cáo lão về hưu,
Xe bồ ngựa tứ đưa về bến sông này, oai vệ làm sao!
Đoàn thuyền tiên xô nước lướt tới như rồng thần đấu nhau,
Tàn tán phất phới trên không như chim hạc bay báo điềm lành.
Từ khi bóng áo xiêm không thấy đâu nữa thì trông ngọn khói,
Làn cỏ ở hai bên bờ sông mà khôn xiết ngậm ngùi.
Cuộc đời trăm năm biết bao nhiêu chuyện thương tâm,
Gần đây Trường An đã khác lắm rồi.”

4
(Giang đình hữu cảm)
Ấn tượng về một thời quá khứ vàng son để lại trong tâm hồn nhà thơ
nhiều ngậm ngùi, xót xa, tiếc nuối,...
b. Từ 1780 - 1786: cuộc sống yên ổn của Nguyễn Du trong gia đình
người anh cả bị xáo trộn vì những biến cố lớn. Vì vụ án năm Canh Tý
1780, Nguyễn Khản bị hạ ngục. Năm 1782, chúa Trịnh Sâm qua đời, chỗ
dựa của Nguyễn Khản không còn; năm 1784 kiêu binh nổi loạn, tìm giết
Nguyễn Khản và phá nát dinh cơ của ông ở kinh thành. Nguyễn Khản
phải bỏ chạy, nương nhờ Nguyễn Điều ở Sơn Tây. Từ đây, Nguyễn Du
lâm vào cảnh:
“Bách niên thân thế ủy phong trần
Lữ thực giang tân hựu hải tân”
(Thân thế trăm năm mặc cho gió bụi
Ăn nhờ hết miền sông đến miền biển)
(Tự thán)
c. Từ 1786 - 1802: Nguyễn Huệ ra Bắc diệt chúa Trịnh lần thức nhất và
lên ngôi hoàng đế (1788), dựng vương triều Quang Trung. Năm 1789,
Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, diệt quân Thanh. Vua Lê Chiêu Thống
phải bỏ chạy khỏi kinh thành, triều Lê - Trịnh hoàn toàn sự đổ; chỗ dựa
của họ Nguyễn Tiên Điền đã mất. Nguyễn Du bàng hoàng, đau đớn và
cũng từng cố gắng tìm cách khôi phục nhà Lê nhưng đều thất bại. Nhà
thơ lâm vào tình cảnh bế tắc:
“Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên
Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên”
(Người tráng sĩ đầu bạc buồn trông trời
Hùng tâm lẫn sinh kế đều mờ mịt)
(Tạp thi)
d. Từ 1802 - 1820: năm 1792, Nguyễn Huệ mất, triều Tây Sơn bị diệt
vong (1802) và triều Nguyễn được Gia phong tạo dựng. Nguyễn Du ra
làm quan cho nhà Nguyễn và được trọng dụng. Năm 1813, ông được
thăng Cần chánh điện học sĩ, được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc.
Nhưng Nguyễn Du không mặn mà với con đường công danh và tâm tư
luôn chất chứa nhiều day dứt, mâu thuẫn. Năm 1820, Gia Long qua đời,
Minh Mạng nối ngôi, cử Nguyễn Du làm chánh sứ sang nhà Thanh báo
tang, cầu phong nhưng chưa kịp đi thì ông lâm bệnh nặng. Nguyễn Du ra
đi bình thản, lặng lẽ, không để lại lời trăn trối.
1.2. Sự nghiệp văn học:
Nguyễn Du sáng tác cả chữ Hán và chữ Nôm. Ở lĩnh vực nào cũng đều
đạt được những thành tựu to lớn.
1.2.1. Sáng tác chữ Hán:
Những tác phẩm bằng chữ Hán của Nguyễn Du rất nhiều, nhưng mãi đến
năm 1959 mới được ba nhà nho là: Bùi Kỷ, Phan Võ và Nguyễn Khắc
Hanh sưu tầm, phiên dịch, chú thích và giới thiệu: Thơ chữ Hán Nguyễn

5
Du (NXB Văn hóa, 1959) chỉ gồm có 102 bài. Đến năm 1965 NXB Văn
học đã cho ra Thơ chữ Hán Nguyễn Du tập mới do Lê Thước và Trương
Chính sưu tầm, chú thích, phiên dịch, sắp xếp, gồm 249 bài như sau:
+ “Thanh Hiên thi tập” còn gọi là “Thanh Hiền tiền hậu tập” (Tập thơ của
Thanh Hiên) gồm 78 bài thơ trong giai đoạn 1786 - 1804, gồm 10 năm
gió bụi, ông sống ở Thái Bình quê vợ, 6 năm trở lại nhà dưới chân núi
Hồng và 2 năm làm tri huyện ở huyện Bắc Hà. Tập thơ là các bài viết chủ
yếu trong những năm tháng trước khi làm quan nhà Nguyễn. Ông gửi vào
“Thanh Hiên thi tập” nỗi cô đơn bế tắc của một con người bơ vơ, lạc
hướng giữa cơn dâu bể của thời đại:
“Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên,
Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên.”
(Người tráng sĩ đầu bạc buồn trông trời
Hùng tâm lẫn sinh kế đều mờ mịt.)
(Tạp thi)
Hay:
“Thư kiếm vô thành sinh kế xúc,
Xuân thu đại tự bạch đầu tân.”
(Thư kiếm đều không thành, sinh kế bức bách
Xuân thu lần lữa qua đầu bạc thêm.)
(Tự thán II)
+ “Nam trung tạp ngâm” (Ngâm nga lặt vặt lúc ở miền Nam) gồm 40 bài,
giai đoạn 1805 - 1812, ông được thăng hàm Đông các đại học sĩ, làm
quan ở Kinh Đô 5 năm và làm cai bộ ở Quảng Bình 3 năm. Bao trùm tập
thơ là nỗi chán nản, thất vọng về chốn quan trường. Dẫu hanh thông trên
đường làm quan nhưng Nguyễn Du luôn bày tỏ ước nguyện quy dư, quy
cố hương. Dường như ông thấy mình đã chọn lầm đường - con đường
càng dấn thân càng mất đi thiên tính tốt đẹp:
“Thái phác bất toàn chân diện mục,
Nhất châu hà sự tiểu công danh.”
(Viên ngọc phác đã không còn giữ được khuôn mặt thật của nó
Chút công danh nhỏ mọn ở một châu có đáng kể gì.)
(Ký hữu)
+ “Bắc hành tạp lục” (Ghi chép linh tinh trong chuyến đi sang phương
Bắc) gồm 132 bài thơ, giai đoạn 1813 - 1814, viết trong chuyến đi sứ
sang Trung Quốc. Tập thơ cho thấy sự biến đổi lớn trong tư tưởng nghệ
thuật của Nguyễn Du. Hành trình đi sứ đã mang đến cho ông mọot cơ hội
mở rộng tầm nhìn:
“Du du trần tích thiên niên thượng,
Lịch lịch quần như nhất vọng gian.
(Dấu cũ từ nghìn năm trước xa xôi,
Điều sách chép rành rành nay hiện rõ trước mắt.)
(Thương Ngô tức sự)

6
1.2.2. Sáng tác chữ Nôm:
Sáng tác chữ Nôm của Nguyễn Du gồm các tác phẩm: “Văn tế sống hai
cô gái Trường Lưu” (1796 - 1802), “Thác lời trai phường nón” (1780 -
1783), “Văn tế thập loại chúng sinh” (Văn chiêu hồn - Chiêu hồn ca) và
“Đoạn trường tân thanh” (Truyện Kiều - Kim Vân Kiều tân truyện, Kim
Vân Kiều quốc âm truyện).
2. Tác phẩm “Truyện Kiều” (Đoạn trường tân thanh)
2.1. Nguồn gốc:
Dựa vào đề tài, cốt truyện của tác phẩm “Kim Vân Kiều truyện” của
Thanh Tâm Tài Nhân - một thi sĩ sống vào đời nhà Minh, quê ở Chiết
Giang, Trung Quốc. Hiện tượng vay mượn này không chỉ hợp pháp mà
còn nằm trong quy luật phát triển của nhiều nền văn học cổ - trung đại;
phổ biến ở cả phương Đông và phương Tây.
Dựa trên một tác phẩm trung bình của nền văn học trung hoa, Nguyễn Du
đã sáng tạo cho dân tộc Việt Nam một kiệt tác. Ông viết “Truyện Kiều”
bằng cảm hứng của thời đại mình, bằng nhịp đập của trái tim mình khi
đối diện với cuộc đời:
“Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”
Ông đã thay đổi chủ đề, tính cách nhân vật đến phương thức phản ánh đời
sống, thể loại, ngôn ngữ,.. khiến “Truyện Kiều” thấm đượm bản sắc riêng
của văn hóa và tâm hồn Việt.
2.2. Thể loại:
“Truyện Kiều” được xem là truyện thơ nổi tiếng nhất và xét vào hàng
kinh điển trong văn học Việt Nam, tác phẩm được viết bằng chữ Nôm
theo thể lục bát, gồm 3254 câu.
2.3. Nội dung và nghệ thuật:
a. Nội dung:
Nguyễn Du đã biến câu chuyện “tình khổ” trong “Kim Vân Kiều truyện”
của Thanh Tâm Tài Nhân thành khúc ca đau lòng, xót thương cho người
phụ nữ bạc mệnh. Phản ánh “những điều trông thấy” về hiện thực xã hội
trong giai đoạn cuối Lê đầu Nguyễn.
b. Nghệ thuật:
“Truyện Kiều” có thể nói là đỉnh cao của ngôn từ Việt, sự kết tinh từ
những tinh hoa nhất của văn học Việt Nam. Nguyễn Du lược bỏ các chi
tiết thể hiện sự mưu mẹo, sự báo oán tàn nhẫn và dung tục trong Kim Vân
Kiều. Thay đổi ngôn ngữ kể chuyện và thứ tự kể chuyện của các nhân
vật, cùng với ngôn ngữ tác giả, thêm một số chi tiết, tạo nên những nhân
vật sống động sâu sắc hơn trong việc thể hiện tâm trạng cảm xúc.
II. Nội dung chính
1. Giá trị nhân đạo là gì?

7
[Từ điển văn học] “Nói tới giá trị nhân đạo là nói tới thái độ của người
nghệ sĩ dành cho con người mà hạt nhân căn bản là lòng yêu thương con
người.”
“Cốt lõi của lòng nhân đạo là lòng yêu thương. Bản chất của nó là chữ
tâm đối với con người.” (Hoài Chân)
“Tư tưởng nhân đạo xuyên suốt văn học từ xưa đến nay. Khái niệm nhân
đạo có những tiền thân của nó, trong lời nói thông thường đó là tình
thương, lòng thương người” (Lê Trí Viễn)
Qua đó, ta có thể hiểu rằng:
Giá trị nhân đạo chính là một thuật ngữ mang giá trị cơ bản trong các tác
phẩm văn học hiện nay. Nó được tạo nên từ cảm giác của nhà văn thông
qua sự miêu tả chi tiết nhân vật, sự việc, thể hiện nỗi xót thương của con
người với con người, nỗi đau của những số phận bất hạnh hoặc khó khăn
trong xã hội. Thông qua tác phẩm văn học của mình, các tác giả còn thể
hiện giá trị nhân đạo ở sự tôn trọng, sự sẻ chia đối với những nét đẹp
trong tâm hồn của những mảnh đời. Từ đó khơi dậy những niềm tin vươn
lên trong cuộc sống, vượt qua khó khăn.
2. Giá trị nhân đạo trong Truyện Kiều
2.1. Phản ánh hiện thực:
Truyện Kiều là tấm gương soi rọi tấm lòng của đại thi hào Nguyễn Du, là
nơi đại thi hào gửi gắm nhiều trăn trở, suy tư, cả những nỗi niềm xót xa,
bi phẫn trước thực trạng đau khổ của con người trong xã hội phong kiến.
Thế giới trong truyện Kiều xấu xa đến cùng cực, khi quyền sống và
quyền được làm người của con người bị tước đoạt một cách không
thương tiếc. Là một trong những người sống trong thời đại đó, hơn ai hết,
ông hiểu rất rõ hiện thực tàn khốc ấy. Bởi thế, Truyện Kiều không phải là
tác phẩm được chuyển thể từ văn xuôi sang thơ một cách thuần túy, đó là
máu, là nước mắt, là nỗi lòng, là trải nghiệm cay đắng của Nguyễn Du:
“Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”
Hiện thực xã hội được khắc họa qua những lăng kính khác nhau, trước
hết là ở hình ảnh của giai cấp thống trị quan lại. Chưa ở đâu và chưa ở
một tác phẩm nào, những quan lại xuất hiện với nhân cách bỉ ổi và đểu
giả đến như vậy. Nguyễn Du đã không sợ hãi bất cứ một thế lực nào, sự
lụi tàn trong nhân cách của những kẻ thuộc tầng lớp thống trị bị vạch trần
không thương tiếc:
“Trong tay đã sẵn đồng tiền,
Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì!”
-------------
“Phép công chiếu án luận vào,
Có hai đường ấy muốn sao mặc mình:
Một là cứ phép gia hình,
Một là lại cứ lầu xanh phó về.”

8
Chuyện sống chết của con người được lúc bấy giờ bị xem như một trò
đùa. Đau đớn thay, não nề thay cho những con người vốn dĩ phải là đầy
tớ của nhân dân, nay lại thối nát đến tận xương tủy, bị rút cạn đi tính
người. Một “họ Hoạn danh gia” địa ngục trần gian, một Hồ Tôn Hiến ti
tiện và bỉ ổi đều góp phần đẩy Thúy Kiều vào bước đường cùng của cuộc
đời không thể phản kháng. Hình tượng của quan lại được miêu tả đầy tính
khinh miệt và đả kích:
“Hàn huyên chưa kịp giãi dề,
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao.
Người nách thước kẻ tay đao,
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.”
“Cơn thịnh nộ” của bọn quan lại chỉ lắng xuống khi đánh hơi được mùi
tiền:
“Tính bài lót đó luồn đây,
Có ba trăm lạng việc này mới xuôi.”
Còn có tên quan Hồ Tôn Hiến, một kẻ bất tài mà ti bỉ. Hắn biết:
“Biết Từ là đấng anh hùng,
Biết nàng cũng dự trung quân luận bàn.”
Đánh không thắng, hắn “lễ nhiều nói ngọt” để Thúy Kiều khuyên Từ Hải
ra hàng, để rồi lúc kẻ thù thất ý, sa cơ, hắn lại phản bội và giết chết. Sau
khi giết được Từ Hải, hắn còn bắt Kiều đánh đàn hầu rượu trong bữa tiệc
công còn đẫm máu của chồng nàng. Sau bao tháng ngày chìm đắm ngây
dại trước sắc đẹp của nàng hắn lại vì sĩ diện cá nhân gán Kiều cho một
viên thổ quan, để nàng phải uất ức mà nhảy sông tự vẫn.
Hiện thực còn được khắc họa qua hình ảnh của những nhà chứa, nơi mà
số phận của người phụ nữ thời phong kiến được khắc họa rõ nét nhất, đủ
đắng, cay, tủi, nhục. Ở đây họ bị xem như một món hàng, tạp nham
những kẻ lả lơi đến để mua sắc:
“Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt năm
Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.”
Nguyễn Du đã khắc họa rõ nét hình ảnh của những nhà chứa lúc bấy giờ,
với giọng điệu đầy kinh bỉ. Chúng là những thế lực xấu xa chà đạp con
người như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh,... Người đọc
không thể quên một Mã Giám Sinh:
“Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.
[...] Chẳng ngờ gã Mã Giám Sinh,
Vẫn là một đứa phong tình đã quen.
Quá chơi lại gặp hồi đen,
Quen vùng lại kiếm ăn miền nguyệt hoa.”
Mụ Tú Bà:

9
“Chung lưng mở một ngôi hàng,
Quanh năm buôn phấn bán hương đã lề.
Dạo tìm khắp chợ thì quê,
Giả danh hầu hạ dạy nghề ăn chơi.”
Cùng tên Sở Khanh:
“Thôi đà mắc lận thì thôi!
Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh?
Bạc tình nổi tiếng lầu xanh,
Một tay chôn biết mấy cành phù dung.”
Mỗi tên một vẻ nhưng chúng đều có điểm chung:
“Đà đao lập sẵn chước dùng,
Lạ gì một cốt một đồng xưa nay!”
Một bên là bà cốt (Tú Bà) và một bên là ông đồng (Sở Khanh) thông
đồng với nhau để lừa Thúy Kiều, chúng đều chung một món nghề là kiếm
ăn trên thân xác con người. Thúy Kiều đã nếm trải đủ mùi cay đắng: có
đòn roi, có nhục mạ, có lọc lừa, có cưỡng bức… Với những thủ đoạn đê
hèn nhất, Tú Bà cùng với Sở Khanh đã đập tan mọi toan tính phản kháng
dù chỉ còn thoi thóp ở Thúy Kiều. Đau đớn xiết bao khi người con gái có
ý thức cao về nhân phẩm đó lại phải tuyên bố từ bỏ nhân phẩm của mình:
“Thân lươn bao quản lấm đầu,
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.”
Truyện Kiều là tiếng khóc đứt ruột của những mảnh đời bất hạnh, sự bất
hạnh đó, chung quy lại cũng đều vì đồng tiền:
“Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.”
-----------
Mụ rằng: “Ai cũng như ai,
Người ta ai mất tiền hoài đến đây?”
----------
“Mụ càng tô lục chuốt hồng,
Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê.”
Ở truyện Kiều, “đồng tiền lăn tròn trên lưng người, đổi trắng thay đen và
làm bà góa phụ trở thành cô dâu mới”. Đồng tiền xuất hiện trong truyện
Kiều như một hình tượng đặc biệt, chi phối tất cả các sự kiện tình tiết
khác. Đồng tiền với Nguyễn Du đã trở thành đối tượng để lên án tố cáo
với tất cả niềm căm hờn. Nhân danh tình yêu thương con người, đại thi
hào đã kết án đồng tiền. Đi vào thơ Nguyễn Du, đồng tiền phải chịu rủa
đến muôn đời. “Đồng tiền đã muốn làm chủ thế gian. Đồng tiền đã chà
đạp lên đạo lí thần thánh của phong kiến. Trung, hiếu, tiết, hạnh, tài hoa,
nhan sắc như cô Kiều đã bị đồng tiền làm cho ba chìm bảy nổi, đã hóa cô
Kiều thành món hàng xa xỉ của thế gian… Mọi sinh hoạt xã hội đều quay
về đồng tiền” (Lê Duẩn). Sự xuất hiện của đồng tiền khiến tất cả các nhân
vật đều trở thành con rối của nó.

10
2.2. Khát vọng về tình yêu, hạnh phúc và sự công bằng:
Tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du còn thể hiện qua cảm hứng khẳng
định, ngợi ca giá trị của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Thông qua
ngòi bút của Nguyễn Du, ta nhìn thấy Thúy Kiều - một nhân vật trung
tâm của tác phẩm đã trở thành hiện thân cho vẻ đẹp lý tưởng của người
phụ nữ. Thúy Kiều là giai nhân với vẻ đẹp “sắc sảo mặn mà” cùng tài
năng hơn người:
“Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một tài đành họa hai.
Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương lầu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.”
----------
“Kiều vâng lĩnh ý đề bài,
Tay tiên một vảy đủ mười khúc ngâm.
Xem thơ nức nở khen thầm:
Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường!
“Ví đem vào tập đoạn trường,
“Thì treo giải nhất chi nhường cho ai!”
------------
“Thúy Kiều tài sắc ai bì,
Có nghề đàn lại đủ nghề thơ văn.”
Thúy Kiều là hiện thân của một người con gái tài sắc vẹn toàn, trước là
vẻ đẹp có một không ai khó ai mà sánh bằng, sau lại là một thân tài nghệ
hiếm ai theo kịp. Cái tài của Kiều đã đạt tới mức lí tưởng, theo quan niệm
thẩm mĩ phong kiến đủ cả: cầm, kì, thi, họa. Đặc biệt, tài đánh đàn của
nàng đã là sở trường, năng khiếu, vượt lên trên hết mọi người. Chỉ với
một khúc Bạc mệnh mà Thúy Kiều tự sáng tác chính đã ghi lại được tiếng
lòng của một trái tim đa sầu đa cảm. Không chỉ tài sắc mà ở Kiều còn hội
tụ đủ những phẩm chất tốt đẹp: thông minh “vốn sắn tính trời”, hiếu thảo,
thủy chung, nhân hậu, vị tha, trọng ân nghĩa, giàu ý thức về phẩm giá và
tinh thần phản kháng,.. Khi gia đình gặp cơn tai biến, đại họa rơi xuống,
nàng không hề do dự mà hi sinh bản thân, hi sinh cả mối tình đẹp đẽ giữa
mình và Kim Trọng để làm tròn bổn phận thiêng liêng, đạo hiếu của
người làm con:
“Gặp cơn gia biến lạ dường,
Bán mình nó phải tìm đường cứu cha.”
----------

11
Để lời thệ hải minh sơn,
Làm con trước phải đền ơn sinh thành.
Quyết tình nàng mới hạ tình:
“Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha.”
--------
“Đau lòng tử biệt sinh ly,
Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên?”
Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,
Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân.”
---------
“Thà rằng liều một thân con,
Hoà dù rã cánh lá còn xanh cây.”
Trong tình yêu, Thúy Kiều lại mạnh mẽ, táo bạo, dứt khoát và dám băng
qua mọi rào cản, khuôn khổ nền nếp của lễ giáo phong kiến để đi theo
tiếng gọi của con tim:
“Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.
Nhặt thưa gương gối đầu cành,
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu.
Sinh vừa tựa án thiu thiu,
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê.
Tiếng sen sẽ động giấc hòe,
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.
Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần,
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.
Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,
“Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.”
Thiên tình sử Kim Trọng - Thúy Kiều được Nguyễn Du biến thành “mối
tình đẹp nhất trong văn học cổ Việt Nam” (Lê Trí Viễn). Ông mở ra cho
ta một thế giới phong phú, bí ẩn của hai trái tim đang hòa nhịp, mang đến
một cái nhìn mới và sâu sắc về tình yêu. Tình yêu lứa đôi được Nguyễn
Du nêu bật lên, tình yêu đó “thoát xác” và vượt ra khỏi “cái lồng vàng
son” về những “khuôn phép bất nhân” của quan niệm và lễ giáo phong
kiến. Tình yêu ấy hiện lên với bao bồi hồi, xao xuyến, khắc khoải...
“Người quốc sắc kẻ thiên tài,
Tình trong như đã mặt ngoài còn e.”
Câu thơ hàm chứa vẻ đẹp và tài năng của chàng Kim cùng nàng Kiều. Để
đi được với giai nhân tuyệt sắc thì Kim Trọng cũng không hề thua kém.
Dưới ngòi bút đắt giá của mình, Nguyễn Du đã tạo nên một Kim Trọng
xứng lứa vừa đôi với Thúy Kiều:
“Nguyên người quanh quất đâu xa,
Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh.
Nền phú quý bậc tài danh,

12
Văn chương nết đất thông minh tính trời.
Thiên tư tài mạo tót vời,
Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa.”
Sau những phút giây e ấp “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, người thì
bâng khuâng, người thì lại thao thức mong chờ:
“Người đâu gặp gỡ làm chi ,
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
[...] Chàng Kim từ lại thư song,
Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây.”
Nguyễn Du đã mô tả thật tài tình nỗi tương tư muôn thuở:
“Sầu đong càng khắc càng đầy,
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê.
Mây Tần khóa kín song the,
Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao.
Tuần trăng khuyết đĩa dầu hao,
Mặt mơ tưởng mặt lòng ngao ngán lòng.
Buồng văn hơi giá như đồng,
Trúc se ngọn thỏ tơ chùng phím loan.
Mành Tương phất phất gió đàn,
Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình.
Ví chăng duyện nợ ba sinh,
Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi.
[...] Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều,
Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang.”
Tình yêu bất chợt, khoảnh khắc ngỡ ngàng trước hạnh phúc bất ngờ:
“Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần,
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.”
Hay những giây phút nồng nàn, say đắm triền miên:
“Sóng tình dường đã xiêu xiêu,
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.”
Mối tình Kim - Kiều đã hoàn toàn tự do, vượt ra khỏi lễ giáo tha hóa ấy,
đó là một tình yêu trong sáng, cao thượng và bền vững, bất chấp mọi
khoảng cách của thời gian, không gian. Sự chia lìa, xa cách do số phận
đẩy đưa cũng không thể nào ngăn cách tình yêu lứa đôi. Từ lúc chia ly
đến ngày đoàn tụ, chàng Kim nàng Kiều đã luôn vì hạnh phúc của người
mình yêu thương thậm chí có thể hi sinh cả tình yêu, hạnh phúc của bản
thân mình... Nguyễn Du đã xây dựng một thiên diễm tình tuyệt mỹ Kim –
Kiều. Trái tim nhân hậu của Nguyễn Du đã thương cảm sâu sắc cho mối
tình đầu tan vỡ ấy và nhờ vào nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật độc đáo,
cực kỳ tinh tế trong bút pháp điêu luyện để hoàn thiện một tình yêu cao
cả như thế. Thuý Kiều và Kim Trọng là hai nhân vật đã chống đối lễ giáo
phong kiến bằng mối tình đẹp đẽ của họ. Mối tình ấy, những đạo đức

13
tuyệt vời ấy cũng chính là những ước mơ giải phóng, là phẩm chất cao
đẹp của nhân dân lao động.
Cách suy nghĩ và ứng xử của Kiều luôn toát lên vẻ đẹp của một tâm hồn
trong sáng, đức hạnh tự nhiên. Nàng thấu hiểu những đắm say, nồng nàn
của người yêu nhưng vẫn chủ động giữ gìn, không phải vì bị ràng buộc
bởi lễ giáo khắt khe mà để tình yêu không rơi vào cảnh “Cho duyên đằm
thắm ra duyên bẽ bàng”. Cũng vì trân trọng tình yêu, người yêu mà trong
cuộc đoàn viên, Thuý Kiều đã kiên quyết chối từ hạnh phúc chàng Kim
mang đến cho nàng. Nàng chấp nhận kiếp sống “Chẳng tu thì cũng như tu
mới là” để giữ trọn mối tình trong trắng, thuỷ chung... Cái bản chất “mai
cốt cách tuyết tinh thần” ấy chưa bao giờ mất, ngay cả khi Thuý Kiều bị
đày đoạ vào chốn nhơ bẩn. Sống ở lầu xanh, con người Thuý Kiều luôn
phân thành hai nửa: thân xác bị ném vào những cuộc ăn chơi xa hoa, truỵ
lạc nhưng tâm hồn luôn hướng về miền thanh khiết, trong sạch của riêng
mình. Bất chấp thực tại phũ phàng, nghiệt ngã, nàng như đoá hoa sen
không thể nhuốm bùn: “Bụi nào được mình ấy vay”... Có thể nói trong
bất kì hoàn cảnh nào, Thúy Kiều cũng không đánh mất đi ý thức làm
người, không chấp nhận tha hóa nhân phẩm.
“Đã cho vào bậc bố kinh,
Đạo tòng phu giữ chữ trinh làm đầu.
Ra tuồng trong Bộc trên dâu,
Thì con người ấy ai cầu làm chi.”
Câu nói của Kiều mang tính triết lí phong kiến nhưng trong lễ giáo phong
kiến không phải điều nào cũng đáng lên án cả. Vẫn có một số quan niệm
đã trở thành quan niệm đạo đức có nội dung nhân dân. Người phụ nữ Việt
Nam là những con người ngay thẳng, trong sạch, biết giữ gìn phẩm giá
của mình. Điều đó đã hình thành nên một nét truyền thống riêng đặc
trưng cho phụ nữ Việt Nam nói riêng và phụ nữ Á Đông nói chung. Ngay
cả chàng Kim Trọng kia, nếu như lúc trước chàng say đắm Kiều vì nhan
sắc và tài năng của nàng thì sau câu nói của nàng, chàng lại càng thêm nể
phục Kiều vì nhân cách phẩm giá tốt đẹp của nàng. Đến cả Tam Hợp đạo
cô, một nhà tu hành, cũng đã phải thừa nhận là tuy Kiều “mắc điều tình
ái” nhưng nàng lại “khỏi điều tà dâm”. Phẩm chất ấy, đạo đức ấy đã khiến
suốt mười lăm năm trời lưu lạc “hết nạn nọ đến nạn kia”, lúc làm lẽ Thúc
Sinh hay khi gặp người anh hùng Từ Hải, Kiều vẫn không bao giờ có thể
quên đi mối tình đầu vô cùng đẹp đẽ của nàng…
Trong cách ứng xử với người đời, Thuý Kiều nhân hậu, bao dung, vị tha
đến lạ lùng. Nhận một chút ơn nghĩa của người thì suốt đời trân trọng, ghi
nhớ. Báo ân Mã Kiều, mụ quản gia, Giác Duyên đã đành, đến anh chàng
họ Thúc nhu nhược, hèn nhát, vô trách nhiệm từng góp phần đẩy nàng
vào chốn địa ngục trần gian, Thuý Kiều vẫn một lòng biết ơn. Nàng ngồi
bên Từ Hải mà giãi bày với Thúc Sinh thật ân cần, tha thiết. Nàng tự

14
xưng là “người cũ”, gọi Thúc Sinh là “cố nhân” và không ngần ngại nhắc
lại tình nghĩa vợ chồng sâu nặng:
“Nàng rằng: “Nghĩa trọng nghìn non,
Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không?
Sâm thương chẳng vẹn chữ tòng,
Tại ai há dám phụ lòng cố nhân?”
Lễ vật đền ơn vẫn hậu nhưng cách nói là của một người thủy chung, trọng
nghĩa khinh tài:
“Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân,
Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là.”
Ngay với người bị coi là kẻ thù, cách đối xử của Thuý Kiều cũng vẫn bao
dung, độ lượng, thể tất tình đời. Cuộc báo oán ở phiên toà Lâm Tri được
khởi đầu với kẻ tội nhân số một là Hoạn Thư, mà “chánh án” Thuý Kiều
thì đã dự tính sẵn hình phạt thích đáng:
“Kiến bò miệng chén chưa lâu,
Mưu sâu thì trả nghĩa sâu cho vừa!
[...] Thoạt trông nàng đã chào sơ:
Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây!
Đàn bà dễ có mấy tay,
Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan!
Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều!”
Không phải bỗng dưng Thuý Kiều xếp Hoạn Thư vào vị trí “chính danh
thủ phạm” trong danh sách những kẻ đã chà đạp, vùi dập mình. Nàng đã
từng dành cho người đàn bà đó lòng cảm thông, sự tin tưởng và đã phải
nhận lại biết bao nhiêu cay đắng, ê chề và đau đớn. Với nhan sắc “Hải
đường mơn mởn cành tơ” với tài năng cầm kỳ thi hoạ, Thuý Kiều sẽ
chẳng khó khăn gì nếu muốn “độc chiếm” anh chàng Thúc Sinh háo sắc,
nông cạn, nhưng Thuý Kiều chưa bao giờ có ý định tranh đoạt cùng Hoạn
Thư. Ngay từ khi chàng Thúc ngỏ lời gắn bỏ, nàng đã nghĩ đến nỗi thiệt
thòi của người vợ cả:
“Bấy lâu khăng khít dải đồng,
Thêm người người cũng chia lòng riêng tây
Vẻ chi chút phận bèo mây,
Làm cho bể ái khi đầy khi vơi.”
Và ngay giữa những ngày cuộc sống vợ chồng đầm ấm nhất, Thuý Kiều
vẫn một mực khuyên Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư, không chỉ để “hợp
pháp hoá” cuộc hôn nhân của mình, mà còn vì đồng cảm với nỗi niềm
của một người vợ:
“Bầy chầy chưa tỏ tiêu hao,
Hoặc là trong có làm sao chăng là?
Xin chàng liệu kiếp lại nhà,
Trước người đẹp ý sau ta biết tình.

15
Đêm ngày giữ mực giấu quanh,
Rày lần mai lữa như hình chưa thông.”
Vậy mà Hoạn Thư đã đáp lại tấm lòng vị tha của Kiều bằng hàng loạt
mưu mô hiểm ác, hành động tàn nhẫn. Hành hạ thân xác, bắt về nhà mẹ
đánh đập, biến Kiều thành con hầu:
“Trúc côn ra sức đập vào,
Thịt nào chẳng nát gan nào chẳng kinh.
[...] Hoa nô truyền dạy đổi tên,
Phòng đào dạy ép vào phiên thị tì.
Ra vào theo lũ thanh y,
Dãi dầu tóc rối da chì quản bao.”
Đày đoạ về tinh thần, dàn cảnh đánh đàn, hầu rượu:
“Làm cho nhìn chẳng được nhau,
Làm cho đầy đoạ cất đầu chẳng lên.
Làm cho trông thấy nhãn tiền,
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay
[...] Dọn thuyền lựa mặt gia nhân,
Hãy đem dây xích buộc chân nàng về.
Làm cho cho mệt cho mê,
Làm cho đau đớn ê chề cho coi.”
Sỉ nhục nhân phẩm của Kiều:
“Vợ chồng chén tạc chén thù,
Bắt nàng đứng trực trì hồ hai nơi.
Bắt khoan bắt nhặt đến lời,
Bắt quỳ tận mặt bắt mời tận tay.”
Với bấy nhiêu tội lỗi, những tưởng ngày báo oán, Hoạn Thư khó được
toàn tính mệnh thế mà cuối cùng, -.
Thuý Kiều là người sắc sảo, là người “thông minh vốn sẵn tính trời” đã
từng trải đủ mọi cảnh đời, cũng đã mấy lần đem thân đến chốn quan
trường, thấm thía hơn ai hết sức mạnh của kẻ có quyền. Giờ nàng ngồi
ghế quan toà, bên cạnh là người chồng anh hùng, xung quanh là hàng
ngàn quân lính, sao lại phải chấp nhận đuối lý trước một kẻ thù đơn độc.
Đành rằng Hoạn Thư “khôn ngoan đến mực nói năng phải lời” nhưng nếu
người nghe không phải là một Thuý Kiều nhân hậu, bao dung, trọng lẽ
phải, thì bấy nhiêu lý lẽ cũng hoá thành vô nghĩa mà thôi. Ở đỉnh cao
quyền lực, nắm quyền sinh sát trong tay, lòng sôi sục mối hận riêng mà
có thể vượt lên tất cả để tha thứ cho những tội lỗi bắt nguồn từ nỗi đau
của “phận đàn bà”, để người đời tin rằng một chút nhân tính gieo xuống
cũng có thể kết thành trái ngọt. Phiên toà Lâm Tri đã vượt khỏi khuôn
khổ ân oán cá nhân để trở thành giấc mơ công lý muôn thuở của con
người.
Giấc mơ công lý của Kiều chính là nhờ sự góp mặt to lớn của người
chồng anh hùng - Từ Hải. Từ Hải là ân nhân của Thuý Kiều, là một hình

16
tượng sử thi, một anh hùng xuất chúng có tài năng đích thực và sức mạnh
phi thường:
“Râu hùm hàm én mày ngài,
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài.”
Người anh hùng văn võ song toàn ấy có lý tưởng sống khác hẳn với bọn
“cá chậu chim lồng” chỉ quen thói “vào luồn ra cúi” để tranh nhau hai
chữ công hầu. Ở Từ Hải, đó chính là một chí khí ngang tàng “đội trời đạp
đất ở đời”, “dọc ngang trời rộng vẫy vùng bể khơi”. Chàng thiết tha với
một lý tưởng sống:
“Bó thân về với triều đình,
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau,
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?
Sao bằng riêng một biên thùy,
Sức này đã dễ làm gì được nhau?
Chọc trời khuấy nước mặc dầu,
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai!”
Trong xã hội phong kiến ý vua là ý trời, mọi thần dân chỉ có thể cúi rạp
mình xuống mà thôi, thế nhưng ở đây, thái độ Từ Hải về nhiều mặt đều
mang ý nghĩa phản kháng mạnh mẽ chế độ phong kiến. Nó biểu hiện sự
quật khởi của một thời đại khi hàng loạt các cuộc khởi nghĩa của nông
dân bùng lên dữ dội thì cũng là lúc ý chí chống đối lại tôn ti trật tự khắc
nghiệt kia nảy nở trong đầu óc những người bị áp bức. Không những thế,
Từ Hải còn có nhiều đức tính khác đối lập với bản chất thường thấy ở bọn
người “lộc trọng quyền cao” của xã hội phong kiến. Chàng không coi
Kiều thuộc vào loại “xướng ca vô loài”, nghĩa là chàng không nhìn Kiều
bằng con mắt khinh bỉ vốn có của bọn phong kiến mà ngược lại chàng
thấu hiểu tâm tư đau đớn của Kiều. Cũng như Kim Trọng sau này, Từ Hải
biết rõ giá trị phẩm chất cao đẹp của Kiều. Ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên
Từ Hải đã bắt gặp những điều ấy, chính vì thế mà Từ Hải luôn luôn xem
Kiều là người tri kỷ của mình, đối xử với Kiều bằng một mối tình trước
sau như một, khi “vinh hoa” cũng như lúc “phong trần”. Ngoài ra, Từ Hải
còn là một con người rất tự tin, thẳng thắn. Rõ ràng những phẩm chất tốt
đẹp ấy không thuộc về giai cấp phong kiến.
Từ Hải cũng là ân nhân lớn nhất của Kiều. Con người duy nhất có khả
năng đưa Kiều từ thân phận một cô gái thanh lâu bị cuộc đời rẻ rúng lên
địa vị một quý phu nhân ngồi ở ghế quan tòa để “báo ân báo oán”.
Những người thương yêu Kiều thì còn có nhiều người khác nhưng chỉ có
Từ Hải mới có đủ sức mạnh và tài năng để rửa sạch oan khuất, giải thoát
Kiều ra khỏi cuộc sống bùn nhơ của nàng. Thật vậy, đã có lần Từ Hải nói

17
lên cái lý tưởng, khát vọng của mình là chiến đấu, bênh vực cho những kẻ
bị áp bức và chống lại những điều oan trái bất công:
“Anh hùng tiếng đã gọi rằng,
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha.”
Lí tưởng tự do và công lí ấy đã phản ánh phần nào nguyện vọng và tinh
thần đấu tranh của con người bị áp bức trong thời đại được mệnh danh là
thời đại của những cuộc khởi nghĩa nông dân này. Hình tượng Từ Hải là
một thành công kiệt xuất của Nguyễn Du trong nghệ thuật xây dựng nhân
vật, là một biểu hiện sâu sắc về tinh thần nhân đạo. Vẻ đẹp nhân vật toát
ra từ hình tượng mà tựa như ánh sao băng lướt qua màn đêm giông bão
tăm tối của cuộc đời nàng Kiều vậy. Tuy có ngắn ngủi thật nhưng vẫn
ngời sáng hy vọng và niềm tin.
Số phận con người – đó là điều day dứt khôn nguôi trong trái tim Nguyễn
Du. Trái tim nhân ái bao la của nhà thơ đã dành cho kiếp người tài sắc
bạc mệnh sự cảm thông và xót xa sâu sắc. Sau khi bán mình cho Mã
Giám Sinh, Kiều đã trải qua mười lăm năm trời lưu lạc, nếm đủ mùi cay
đắng, nhục nhã ê chề:
“Ma đưa lối quỷ đem đường,
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.
Hết nạn nọ đến nạn kia,
Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần.”
Gặp được Từ Hải, hạnh phúc chợt đến rồi lại chợt đi khi Từ Hải mắc lừa
Hồ Tôn Hiến bị giết chết giữa loạn quân. Kiều phải hầu rượu trong bữa
tiệc quan, bị ép gã cho viên thổ quan…Vì quá uất ức, Kiều phải nhảy
xuống sông Tiền Đường tự vẫn. Nguyễn Du đã phải xót thương kêu lên:
“Thương thay cũng một thân người,
Khéo thay mang lấy sắc tài làm chi!
Những là oan khổ lưu ly
Chờ cho hết kiếp còn gì là thân.
Mười lăm năm bấy nhiêu lần,
Làm gương cho khách hồng quần thử soi!”
Tập thơ của Nguyễn Du như một tiếng nấc đến não lòng. Từng câu, từng
chữ tựa như những giọt lệ chứa chan tình nhân đạo của tác giả khóc
thương cho số phận đoạn trường của chính nhân vật mà mình tạo nên.
2.3. Tác giả bộc lộ niềm thương cảm trước số phận bất hạnh của người
phụ nữ:
Một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, đức hạnh đủ cả ấy thế mà lại phải
gánh chịu một số phận “đoạn trường”. Nguyễn Du, cũng như nhiều tác
giả cùng thời, từ hiện thực của cuộc đời dâu bể, đã cất lên tiếng nói cảm
thương cho thân phận nhỏ nhoi, bất hạnh của con người.
“Từ con lưu lạc quê người,
Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm!”

18
Mười lăm năm lưu lạc, Thuý Kiều nếm trải hết tất cả những nỗi đau khổ,
nhục nhã, ê chề nhất trong cuộc đời của một người phụ nữ; đã bị đày đoạ
cả về thể xác lẫn tinh thần:
“Phong trần chịu đủ ê chề,
[...] Xót thay chiếc lá bơ vơ,
Kiếp trần biết giũ bao giờ cho xong?
Hoa trôi nước chảy xuôi dòng,
Xót thân chìm nổi đau lòng hợp tan!”
--------
“Thịt da ai cũng là người
Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau.”
Bằng tất cả lòng trân trọng quyền sống, quyền làm người, Nguyễn Du
phơi bày những bi kịch tinh thần nặng nề, đau đớn của người phụ nữ có
đầy đủ quyền được hưởng hạnh phúc mà trọn đời bất hạnh:
“Người sao hiếu nghĩa đủ đường,
Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi?”
-----------
“Nàng rằng: Chút phận hoa rơi,
Nửa đời nếm trải mọi mùi đắng cay.”
Những giá trị tinh thần đẹp đẽ nhất ở Thuý Kiều đều bị chà đạp: tâm hồn
trong trắng, lòng vị tha, niềm tin vào lẽ phải, tinh thần phản kháng. Tất cả
đều bị hủy hoại, đến tận lúc được đoàn tụ nhưng nàng cũng chẳng dám
ôm mơ mộng với tình yêu của Kim Trọng:
“Thiếp từ ngộ biến đến giờ,
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa.
Bầy chầy gió táp mưa sa,
Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn.
Còn chi là cái hồng nhan,
Đã xong thân thế còn toan nỗi nào?
Nghĩ mình chẳng hổ mình sao,
Dám đem trần cấu dự vào bố kinh!”
Qua ngòi bút của mình, Nguyễn du đã khắc họa nên một nàng Kiều với
hiện thân cho số phận đau khổ của con người trong một xã hội hỗn độn,
bất công:
“Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”
----------
“Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.”
----------
Rằng: “Hồng nhan tự thuở xưa,
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu.”
----------

19
“Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan,
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành.”
Để rồi những ngày sống còn lại của mình, Kiều đều xem là những ngày
sống thừa, vô nghĩa. Kết quả Kiều quyết định tự vẫn, hủy hoại đi tấm
thân vàng ngọc của mình:
“Duyên đâu ai dứt tơ đào,
Nợ đâu ai đã dắt vào tận tay!
Thân sao thân đến thế này!
Còn ngày nào cũng dư ngày ấy thôi?
[...] Một mình cay đắng trăm đường,
Thôi thì nát ngọc tan vàng thì thôi!”
Mặc cho sự xuất hiện của mảnh đời đầy bi kịch Đạm Tiên, Mã Kiều,..
mặc cho những triết lí luân hồi, định mệnh, số phận,... thì thủ phạm gây
nên mọi đau khổ cho con người đều hiện lên một cách rõ nét, chân thực
ngay trong tác phẩm:
“Trăm năm trong cỏi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trong thấy mà đau đớn lòng.”
Đó chính là cái xã hội hỗn loạn, mục nát, hôi thối - nơi đồng tiền và cái
ác ngự trị, ngang nhiên tung hoành. Song hành theo đó là bao phong tục,
tiền lệ cổ hủ của lễ giáo phong kiến đương thời đã gián tiếp chèn ép, đẩy
bao con người vào đường cùng bất tận không lối thoát. Chính thế lực
đồng tiền đã chà đạp lên nhân phẩm, ước mơ và hạnh phúc con người.
Nhấn mạnh sự đối lập gay gắt giữa tài sắc, phẩm hạnh và thân phận Thuý
Kiều cũng là cách Nguyễn Du phủ định hiện thực bất công, phi lý ấy. Từ
đó, nhà thơ cất lên tiếng kêu cứu khẩn thiết trước số phận con người, đặt
ra những vấn đề cấp thiết về quyền sống của con người trong thời đại
mình: “Đặt ra một cách ghê gớm như lửa châm nhà đã cháy, như chuông
treo sợi chỉ mành sắp dứt, như thòng lọng đã riết vào cổ người” (Xuân
Diệu, Thi hào dân tộc Nguyễn Du, NXB Văn học, H.1996, Tr.45). Trân
trọng quyền sống, quyền hạnh phúc của con người, Nguyễn Du đồng
cảm, đồng tình với những khát vọng sống táo bạo, đối lập với tư tưởng và
lễ giáo của phong kiến đương thời.
Tinh thần nhân đạo cao cả là nội dung tư tưởng xuyên suốt tác phẩm,
chúng ta càng thêm tự hào về Nguyễn Du, một tâm hồn nhạy cảm trước
vẻ đẹp của thiên nhiên, một trái tim giàu tình yêu thương, đồng cảm với
tâm tư và số phận của con người, một tài năng lớn về thi ca đã làm rạng
rỡ nền văn học cổ Việt Nam.
III. Tổng kết
Xã hội phong kiến giai đoạn cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỉ XIX ở vào
tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Đây là giai đoạn quyền lợi con
người bị tước đoạt nhiều nhất và dường như đã trở thành quy luật, cứ

20
khi nào quyền lợi của dân tộc bị xâm phạm thì khi đó trong văn học nổi
lên là tiếng nói yêu nước thiết tha; khi nào quyền lợi của cá nhân bị
xâm phạm thì trong văn học lại dành cho tiếng nói nhân đạo bênh vực
quyền sống của con người bất hạnh, đặc biệt là người phụ nữ. Đây là
thời kì văn học phát triển mãnh liệt với sự đóng góp không thể phủ
nhận là nội dung nhân đạo, bênh vực những con người bất hạnh.
Truyện Kiều là bức tranh hiện thực về một xã hội bất công, tàn bạo, luôn
coi trọng đồng tiền. Phản ánh xã hội luôn đầy rẫy sự bất công ngang trái,
chà đạp số phận người phụ nữ một cách tàn nhẫn, không có tình thương.
Đồng thời qua đó Truyện Kiều là tiếng nói đề cao khát vọng công lí và
ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người, luôn khát khao cuộc sống hạnh
phúc, tự do, thể hiện ước mơ cao cả đẹp đẽ về một tình yêu trong sáng,
chung thủy trong xã hội mang tư tưởng khắc nghiệt.
Nếu Hồ Xuân Hương là chủ nghĩa nhân đạo trào phúng, lấy cái cười làm
nỗi đau thì ở Nguyễn Du chủ nghĩa nhân đạo là thống chiết - lấy nỗi đau
để viết. Truyện Kiều đã thể hiện sự đau đớn, trăn trở, suy nghĩ về cuộc
đời của một con người. Ở “Truyện Kiều” Nguyễn Du đã viết nên một kiệt
tác văn chương có giá trị không chỉ trong nền văn học dân tộc mà còn là
một kiệt tác văn học của cả nhân loại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Giáo trình văn học trung đại VN, tập 2, PGS. Lã Nhâm Thìn - PGS. Vũ
Thanh; PGS. Đinh Thị Khang - TS. Trần Thị Hoa Lê; TS. Nguyễn Thị
Nương - TS. Nguyễn Thanh Tùng.
2. Danh nhân văn hóa Nguyễn Du (1765 - 1820), Triệu Việt Hà.
3. http://www.nguyendu.com.vn/m/vi/-cam-hung-tu-thuong-cua-nguyen-
du-qua-mot-so-trich-doan-trong-truyen-kieu.html
4. https://baodaknong.vn/tac-pham-truyen-kieu-de-cao-khat-vong-cong-ly
va-ve-dep-con-nguoi-viet-nam-101754.html
5. https://vndoc.com/khat-vong-tu-do-va-cong-bang-cua-nguyen-du-qua
hinh-tuong-tu-hai-177958
6. https://vts.edu.vn/7-gia-tri-hien-thuc-trong-tac-pham-truyen-kieu-moi-
nhat/https://vietjack.com/ngu-van-10/tac-gia-nguyen-du.jsp
7. https://www.reader.com.vn/gia-tri-nhan-dao-trong-tac-pham-truyen-
kieu-cua-nguyen-du-a416.html

21

You might also like