You are on page 1of 7

Họ tên: Nguyễn Vũ Tường Vy

MSSV:48.01.606.082
Lớp: Văn học B

Câu 1: Ba tác giả lớn của thời kì này Nguyễn Khuyến, Tú Xương và Nguyễn
Đình Chiểu đã có những đóng góp quan trọng nào cho văn học nửa cuối thế kỉ
XIX?
- Nguyễn Đình Chiểu:
+ Ông sáng tác hoàn toàn bằng chữ Nôm và có những đóng góp quan trọng giúp văn
học chữ Nôm đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
+ Văn tế chúng ta nói đến các tác phẩm tiêu biểu như: “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”,
“Văn tế Trương Định” của Nguyễn Đình Chiểu.
+ Truyện thơ của Nguyễn Đình Chiểu trong giai đoạn này ta có thể kể đến các tác
phẩm: “Ngư tiều y thuật vấn đáp” và “Dương từ - Hà mậu”. Có thể nói Nguyễn Đình
chiểu là tác giả truyện Nôm có nhiều tác phẩm nhất trong số các tác giả truyện Nôm
của văn học dân tộc.
+ Nguyễn Đình Chiểu là người đầu tiên đã phát hiện và đưa vào thơ ca hình tượng con
người của thời đại với bút pháp tả thực về cuộc sống, tinh thần và sức mạnh của họ.
Ông đã không khuôn mình vào những quan niệm và tư tưởng thẩm mỹ trung đại đó là
viết về cái tao nhã, cái cao quý mà đưa vào sáng tác là hạng dân đen trong “Chạy
giặc” hay dân ấp, dân lân trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Đó là hạng dân lưu tán,
những con người nghèo hèn và phiêu bạt ở khắp nơi hay là những hạng tù đồ, dân làm
loạn từ miền ngoài chạy vào, đặc biệt hơn đó là những con người chân lấm tay bùn đã
hiện ra trong thơ ca với tất cả những gì thô mộc, chân chất và giản dị thậm chí là
xoàng xỉnh nhất. Thế nhưng những con người nhỏ bé và nhếch sợ đó đã có tinh thần
tự nguyện, tấm lòng yêu nước và dũng khí giết giặc không gì có thể so sánh được.
Nguyễn Đình Chiểu đã miêu tả người nông dân với tầm vóc của một người nghĩa sĩ,
một người anh hùng và cái chết của họ đã được ông miêu tả hóa thành bất tử. Nhân
dân mà cụ thể ở đây là những người cui cút, nghèo khó chính là những người anh
hùng thời đại, họ gánh trên vai sứ mệnh lịch sử rất cao cả -> đây cũng là phát hiện lớn
của Nguyễn Đình Chiểu cũng như là quan điểm mới mẻ của ông về người anh hùng,
đóng góp một giá trị rất lớn lao cho lịch sử văn học giai đoạn này. Nguyễn Đình Chiểu
đã làm thay đổi quan niệm về người anh hùng của thời đại. Thơ văn yêu nước giai
đoạn này không chỉ ngợi ca hành động đánh giặc đầy dũng cảm của những con người
xuất phát từ nhân dân ấy và còn đề cao nguồn gốc xuất thân và những tình cảm vì
nghĩa quên mình của họ và đó cũng chính là các quan điểm mới mẻ về người anh
hùng của Nguyễn Đình Chiểu nói riêng và thơ ca yêu nước nói chung.
+ Nguyễn Đình Chiểu - nhà thơ mù của mảnh đất Gia Định từ khi nghe tiếng súng
Tây đã nhìn thấy được tình thế đất nước như một bàn cờ đã đến hồi vãn cuộc. Tác giả
cũng đã dự cảm được số phận đau thương, mất mát của nhân dân cả nước và nhân dân
lục tỉnh Nam kỳ. Ông cũng đã dự cảm về diễn biến tiếp theo của chiến sự, đó là
khoảng trống vắng của lịch sử khi những kẻ phải chịu trách nhiệm trước đất nước và
nhân dân về sự loạn lạc này đều hoàn toàn vắng bóng và về sau khoảng trống đó đã
được Nguyễn Đình Chiểu phát hiện và điền khuyết bằng hình tượng người nông dân.
Người nông dân đã đứng lên nắm giữ ngọn cờ giải phóng dân tộc thay cho giai cấp
thống trị phong kiến lúc này đã đầu hàng giặc. Vì thế: “Chạy giặc” của Nguyễn Đình
Chiểu được xem là mở đầu cho thơ văn yêu nước chống Pháp và Nam Bộ với tính
chất dự cảm về hiện thực, bài thơ nhỏ nhưng bao hàm một giá trị rất lớn.
+ Chữ “trung” trong các sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu cũng có một sự biến
chuyển: từ tôn thờ tin tưởng một cách tuyệt đối, sống thờ vua, thác thờ vua, muôn kiếp
nguyện trả thù kia -> hoài nghi và có phần trách cứ nỡ để dân đen mắc nạn này -> đi
đến thất vọng và đau xót.
- Nguyễn Khuyến:
+ Một hiện tượng sắc độc đáo đó là Nguyễn Khuyến, ông đã sáng tác cả bằng chữ Hán
lẫn chữ Nôm, ông viết thơ bằng chữ Hán rồi cũng chính những bài thơ đó ông đã tự
dịch sang chữ Nôm và cả 2 sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm đều là những tác
phẩm rất hay.
+ Hát nói được tiếp nối với các tác giả như: Nguyễn Khuyến, Tú Xương,…
+ Nguyễn Khuyến xé rào, phá vỡ những luật lệ gò bó của quan niệm văn chương “văn
dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí” để đưa vào thơ đủ những chuyện thông tục, đời thường
bằng điệu nói thay cho điệu ngâm, bằng khẩu ngữ, lời ăn tiếng nói hằng ngày, như các
tác phẩm: “Hỏi thăm quan tuần bị mất cướp”, “Thầy đồ ve gái”…
+ Tính cao nhã trong thi pháp thơ ca trung đại đã hoàn toàn bị thay thế bởi cái tính
thông tục, đời thường thậm chí là những cái gì thô ráp, trần trụi và xù xì nhất của cuộc
sống thật đã được Nguyễn khuyến đưa vào trong thơ ca.
+ Thơ Nguyễn Khuyến mang một nét rất riêng của mình, lối viết thơ vẫn còn mang
âm hưởng Nho học, từ ngữ có đôi phần nho nhã, bác học xen giữa với ngôn ngữ bình
dân mà người thường cũng có thể đọc được, gần gũi, dễ nhớ, dễ phổ biến. Bằng cách
đó, Nguyễn Khuyến đã thể hiện được tính dân tộc, tính hiện đại cốt cách tinh thần của
nhân dân Việt Nam ta.
+ Sự đổi mới trong hình tượng con người cá nhân qua sáng tác của Nguyễn Khuyến.
Trong công trình nghiên cứu “Về con người cá nhân trong văn học cổ”, tác giả Trần
Đình Sử nhận xét về con người cá nhân trong thơ văn Nguyễn Khuyến là con người
"Ý thức về sự bất lực, sự vô nghĩa của cá nhân trong thời cuộc cũng là ý thức về cả
nhân. Ý thức cá nhân của Nguyễn Khuyến góp phần đánh dấu sự chấm dứt vai trò của
mô hình nhân cách truyền thống"
- Tú Xương:
+ Khác với cảm hứng thế sự trong thơ ca giai đoạn trước, thơ ông với một sự hiển thị
cụ thể về danh tính, vị thế, địa chỉ của những đối tượng mà ông trào phúng. Đó là con
người có thật, những sự việc có thật ở mảnh đất Vị Hoàng quê hương của Tú Xương,
mảnh đất đó đã bày ra đủ những trò lố lăng, kệnh cỡm, cho thấy một sự xuống cấp rất
nghiêm trọng của Nho giáo đương thời, như trong tác phẩm: “Đất Vị Hoàng”, “Để vợ
chơi nhăng”, “Phố Hàng Song”, “Bỡn tri phủ Xuân Trường”…
+ Tú Xương có đóng góp to lớn cho việc phát triển dòng thơ trào phúng. Ông có
những tác phẩm thơ ca trào phúng để đời như “Thương vợ”, “Bài ca ngất ngưỡng”,
“Chừa”… .Thơ trào phúng của Tú Xương đã thể hiện được tinh thần trào phúng sắc
sảo, dí dỏm, châm biếm sâu cay. Ông đã dùng ngòi bút của mình để phê phán những
thói hư tật xấu của xã hội đương thời, đồng thời thể hiện tinh thần yêu nước, mỉa mai,
châm biếm thực dân Pháp và tay sai. Ông đã kế thừa và phát huy giá trị tinh hoa của
dòng thơ trào phúng truyền thống, đồng thời sáng tạo ra những nét đặc trưng, riêng
biệt mà chỉ Tú Xương mới có.
+ Tú Xương là một trong những nhà thơ đầu tiên của văn học Việt Nam khai thác đề
tài đời thường, trào phúng, song hành cùng Nguyễn Khuyến trên cung đương thơ ca
trung đại. Ông đã viết nhiều bài thơ về cuộc sống đời thường của nhân dân, thể hiện
được những tâm tư, tình cảm, cảm xúc của con người trước những biến đổi của đất
nước và xã hội, đồng thời qua đó, ông thể hiện tình yêu nước vô bờ bến, vì nhân dân,
yêu nước nhưng chắng thể làm được gì trước thời cục.
+ Tú Xương là một nhà thơ có tài năng sử dụng ngôn ngữ. Ông đã sử dụng ngôn ngữ
đời thường, giản dị, gần gũi với đời sống, nhưng vẫn mang đậm chất văn học, nghệ
thuật. Việc Tú Xương sử dụng những ngôn ngữ đời thường trong thơ ca giúp từng câu
thơ của ông càng thêm sinh động, đặc sắc, tạo nên sự khác biệt với những nhà thơ
đương thời, lại tạo ra sự gần gũi, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người hơn những ngôn ngữ
hàn lâm, có tính ước lệ tượng trưng thường khó hiểu và khó tiếp thu. Đồng thời, việc
sử dụng ngôn ngữ đời thường giúp thơ ca Tú Xương có tính thống nhất về ngôn ngữ,
không phân hóa thành nhiều dòng thơ khác nhau, càng tăng tính biểu cảm, tạo tiếng
cười trào phúng, châm biếm và đả kích mạnh mẽ xã hội đương thời. Ngôn ngữ thơ của
Tú Xương đã góp phần làm phong phú thêm ngôn ngữ văn học Việt Nam.
- Đánh giá chung:
+ Bên cạnh những yếu tố ngoại lai đến từ bên ngoài thì còn có những yếu tố mới trong
văn học giai đoạn này bắt nguồn từ chính bên trong lòng của văn học dân tộc với sự
đóng góp của các tác giả lớn thời kỳ này như là: Nguyễn khuyến, Tú Xương, Nguyễn
Đình Chiểu.
+ Yếu tố nội sinh còn được thể hiện trong sự phá vỡ những nguyên tắc thẩm mỹ và
những đặc trưng thi pháp văn học trung đại đương thời thông qua tác phẩm của ba tác
giả lớn như: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến và Tú Xương. Với sáng tác của các
tác giả này, chúng ta thấy rất rõ sự vận động của văn chương dân tộc đã xích gần hơn
với đời sống, phản ánh hiện thực như cái nó đang có, cái nó vốn là và sát với bản chất
nhất của các hiện tượng.
+ Các sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến và Tú Xương thơ ca giai
đoạn này đã có sự thay đổi quan niệm và chức năng văn học: từ “tải đạo, nói chí, nói
tâm” để chuyển sang hình thức là phản ánh hiện thực cuộc sống với tất cả những gì
đang diễn ra, chưa hoàn kết và còn đang dang dở.
+ Ở Tú Xương và Nguyễn Đình Chiểu, hai tác giả này hoàn toàn sử dụng chữ Nôm
trong sáng tác của mình. Đây là một sự phá vỡ đối với hiện tượng song trùng về ngôn
ngữ trong thơ ca trung đại, chữ Hán đã dần mất địa vị ưu thắng của nó để cho chữ
Nôm, chữ quốc ngữ dần chiêm lĩnh trên văn đàn.
+ Không quá để nói rằng ba nhà thơ đã đem vào văn học cái hiện tại trước mắt, viết về
cái đang diễn ra, đang dang dở và chưa hoàn thành. Điều đó hoàn toàn phù hợp với
đặc trưng thi pháp của văn học hiện đại. Nhìn chung ba nhà thơ đã góp phần vô cùng
quan trọng tạo nên diện mạo cho thơ ca giai đoạn này, giai đoạn thơ của buổi giao thời
nhiều rối ren, để thơ ca trở thành thứ gần gũi với những người dân giản dị, trở thành
không nói về những thứ cao nhã, quy phạm nữa mà tố cáo cái hiện thực trần trụi ngay
trước mắt và nói về những điều gần gũi chân thật.

Câu 2: Trong khuynh hướng thơ ca yêu nước chống Pháp, nội dung nào quan
trọng và có sự khác biệt rõ rệt với thơ ca yêu nước các giai đoạn trước?
Nội dung quan trọng và có sự khác biệt rõ rệt với thơ ca yêu nước các giai đoạn trước
đó chính là:
- Đặt ra vấn đề nhân sinh quan của thời đại:
+ Quan niệm về “sống - chết”, “vinh – nhục”. Quan niệm về lẽ sống, sống và chết như
thế nào cho có ý nghĩa và đi đôi với khái niệm này đó là quan điểm về vinh và nhục,
chết vinh còn hơn sống nhục là điều được trở đi trở lại trong các sáng tác của các nhà
thơ, nhà văn. Điều này cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi mà trong xã hội đạo
đức cương thường bị đảo lộn, biết bao kẻ cũng đang sống nhưng lại đê hèn, bán nước
cầu vinh. Chính vì thế mà các tác giả giai đoạn này đã chỉ ra con đường duy nhất phải
theo đó là đánh giặc cứu nước, chết vì dân, vì nước đó là chết vinh còn ngược lại theo
giặc, hàng giặc hại dân đó là sống nhục. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong thơ ca yêu
nước của dân tộc trải dài từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIX, lần đầu tiên các bậc thất giả,
kẻ sĩ trong xã hội phong kiến mới tự đặt ra những câu hỏi lớn về nhân sinh như thế.
Các tác phẩm: “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” – Nguyễn Đình Chiểu; “Tự phận ca” –
Nguyễn Cao.
+ “Nghĩa” là hạt nhân trung tâm được nói đến – lẽ phải cao nhất và nên làm lúc này
của mỗi con người đó chính là con đường giết giặc cứu nước. Dù có phải gian khổ,
mất mát, hy sinh thậm chí là không kể đến cả việc thành công hay thất bại mà trước và
sau cái “nghĩa” nên làm, nên theo đó chính là chống giặc vì đất nước, vì nhân dân. Nói
khác đi, đánh giá sự nghiệp của người anh hùng ở hành động vì nghĩa của họ chứ họ
không quan tâm đến sự thắng thua, được mất. Nghĩa đã trở thành một hạt nhân trung
tâm được nói đến trong thơ ca giai doạn này. Các tác phẩm: “Văn tế Trương Định” –
Nguyễn Đình Chiểu; “Tuyệt mệnh thi” – Hồ Huân Nghiệp; “Hịch kêu gọi nghĩa binh
đánh Tây” – Nguyễn Đình Chiểu…
- Những hình tượng trung tâm của thời đại:
Thơ ca yêu nước chống Pháp đã khắc họa một cách thành công ba hình tượng chính:
thứ nhất đó là người nông dân, thứ hai đó là người nghĩa sĩ và thứ ba đó là trí thức yêu
nước. Con người trong giai đoạn này không còn là hình tượng con người tài tử giai
nhân với tình yêu tự do vượt ra khỏi vòng cương tỏa của xã hội phong kiến, không
còn là hình tượng người phụ nữ với khát vọng giải phóng tình cảm, đề cao hạnh phúc
cá nhân trần tục, cũng không còn là hình tượng kẻ sĩ với chí nam nhi tung hoành
ngang dọc vừa thực hiện lý tưởng trí quân trạch dân vừa thể hiện triết lý nhân sinh
khuyến khích chí như giai đoạn trước. Ở thơ ca giai đoạn, này chúng ta sẽ bắt gặp ba
hình tượng chính:
+ Đầu tiên đó là người nông dân nói riêng hay nhân dân nói chung. Trong các bài thơ
như “Chạy giặc”, tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”… đây được xem là một trong
những phát hiện rất mới mẻ và tiến bộ của thơ ca giai đoạn này và đứng đầu phải kể
đến đó là Nguyễn Đình Chiểu – nhà thơ mù nhưng có đôi mắt sáng nhất thời đại.
Trước đây, người nông dân chưa bao giờ được gọi đích danh và trở thành hình tượng
nghệ thuật trung tâm trong các trang văn. Thế nhưng đến với Nguyễn Đình Chiểu và
đặc biệt là “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” thì người nông dân đã bước chân vào văn
chương với tư thế đường hoàng, đĩnh đạc của một người anh hùng với vẻ đẹp tầm vóc
và sự thật lịch sử của mình. Nói khác đi thì họ chính là chủ nhân của lịch sử, nắm
vững ngọn cờ giải phóng dân tộc, họ đứng ở vào vị trí mà lẽ ra vua quan phải nhận lấy
trách nhiệm của mình đó là chống Pháp và bảo vệ non sông.
+ Cùng với người nông dân, thơ văn yêu nước giai đoạn này mà đặc biệt là trong các
sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu còn nổi bật một hình tượng mới đó là người sĩ phu
yêu nước, những lãnh tụ nghĩa quân dám chống lại lệnh vua đứng về phía nhân dân,
đứng về phía chính nghĩa. Cái nghĩa được nói đến ở đây, như trên đã nói là cái lẽ phải,
là đạo lý làm người đối với đất nước đối với nhân dân, những lãnh tụ nghĩa quân ở
đây đều là những người bất chấp lệnh vua, bất chấp cả cái án phản nghịch của triều
đình để đứng về phía nhân dân. Họ sẵn sàng từ bỏ mọi chức tước, bổng lộc mà vua
ban để cùng với nhân dân chống giặc, theo họ đó là cái nghĩa lớn nhất mà mọi nghĩa sĩ
lúc bấy giờ cần phải có.
+ Hình tượng cuối cùng trong thơ văn yêu nước giai đoạn này đó là người trí thức yêu
nước, hình tượng này xuất hiện trong các tác phẩm: “Ngư tiều y thuật vấn đáp”, Điếu
Nguyễn Hữu Quân, Thơ tuyệt mệnh của Hồ Huấn Nghiệp. Đây là những con người
không trực tiếp cầm giáo, cầm mác giết giặc nhưng họ đã dùng thơ văn làm vũ khí
chiến đấu, họ thể hiện chí nam nhi không khuất phục trước kẻ thù, một thái độ bất hợp
tác đến cùng đối với lại giặc.
Nguyễn Đình Chiểu đã làm thay đổi quan niệm về người anh hùng của thời đại. Thơ
văn yêu nước giai đoạn này không chỉ ngợi ca hành động đánh giặc đầy dũng cảm của
những con người xuất phát từ nhân dân ấy và còn đề cao nguồn gốc xuất thân và
những tình cảm vì nghĩa quên mình của họ và đó cũng chính là các quan điểm mới mẻ
về người anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu nói riêng và thơ ca yêu nước nói chung.

Câu 3: Những hiểu biết của anh/ chị về thơ tự trào giai đoạn này?
Thơ văn trào phúng chia làm hai thể loại đó là thế trào và tự trào. Trong đó Tự trào là
thể loại thơ trào phúng mà tác giả viết để tự cười chính mình, biến mình thành đối
tượng của tiếng cười. Thơ tự trào xuất hiện từ lâu trong văn học Việt Nam, nhưng đến
nửa cuối thế kỉ XIX, thơ tự trào mới thực sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong thơ
của hai nhà thơ Nguyễn Khuyến và Tú Xương. Tác giả đã không ngại ngần phơi trãi
một cách trực tiếp những thói hư tật xấu của chính mình để châm biếm làm nên mảng
thơ tự trào rất đặc sắc của giai đoạn này. Cái tôi trữ tình được thể hiện một cách rõ nét
với các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất “là em, là tôi, là tớ, là mình”, nhà thơ đã tự
tách mình ra thành một chủ thể khác để tự nhìn ngắm mình và đối thoại với chính
mình. Tuy nhiên, khác với các nhà thơ ở đầu thế kỷ không nhầm đến ngợi ca, khoe tài
hay thị tài cho thiên hạ, đứng cao hơn trên thế tục biết mà họ đứng ở bên trong, đứng
cùng với hiện thực đương thời để hoài nghi, chế giễu chính bản thân mình. Những bài
thơ tự trào như thế đã góp phần phê phán xã hội đương thời khiến cho bao kẻ trí sĩ
phải sống trong tình trạng vô nghĩa và thừa thãi, cho thấy bi kịch của kẻ sĩ trong giai
đoạn mới khi mọi lý tưởng xã hội đều bị sụp đổ. Sự phá sản tận cùng của lớp nhà Nho
hiện thời khi cũng không thể trở thành nhà Nho hành đạo giúp sức cho triều đình khi
nhà Nguyễn đang thỏa hiệp với giặc cùng với một đám quan lại làm tay sai cho thực
dân, họ cũng không tìm thấy niềm an yên của nhà Nho ẩn dật như trước nữa và cũng
không thể an tâm thư thái là một con người tài tử tìm sự an vui trong đàn đình hát sứ
như trong thơ ca giai đoạn nửa đầu thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX. Thơ tự trào nửa
cuối thế kỉ XIX đã góp phần quan trọng trong việc phản ánh hiện thực xã hội đương
thời, thể hiện tâm tư, tình cảm của nhà thơ và góp phần làm phong phú thêm cho thể
loại thơ trào phúng.
Công trình “Trần Tế Xương - về tác giả và tác phẩm” tập hợp nhiều bài viết liên quan
đến nội dung thơ tự trào của Tú Xương. Trong đó, bài viết “Bức tranh xã hội trong thơ
Tú Xương” của Nguyễn Lộc đem đến một cái nhìn toàn cảnh về hiện thực xã hội Việt
Nam những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với sự xuống cấp của các giá trị đạo
đức và sự suy tàn của một nền Hán học. Trong bức tranh xã hội đó bắt đầu có sự giao
thoa giữa cái cũ và cái mới “Trong thơ Tú Xương có hình bóng những con người và
sinh hoạt của xã hội cũ đã “thực dân hóa”, và có hình bóng những nhân vật mới, sinh
hoạt mới, do xã hội thực dân đem lại” [16; tr. 242]. Dựa trên bài viết này, ta thấy thơ
tự trào Tú Xương cũng phản ánh sâu sắc những đặc điểm về bức tranh xã hội Việt
Nam lúc bấy giờ.

You might also like