You are on page 1of 3

I.

Nguyễn Tuân – một định nghĩa về người nghệ sĩ


1. Con người
- Nguyễn Tuân là một trí thức có lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Ông gắn bó tha thiết
với những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc: từ tiếng mẹ đẻ, những kiệt tác văn
chương của của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Tú Xương, Tản Đà, đến những làn điệu
dân ca, những thú chơi tao nhã, những món ăn truyền thống của dân tộc. Đặc biệt,
Nguyễn Tuân mổi tiếng là một người sành ăn. Với ông, Ăn là một nghệ thuật, một giá trị
thẩm mỹ, một sự khám phá cái ngon mà tạo hóa đã ban cho.

- Nguyễn Tuân là người rất mực tài hoa, uyên bác:


 Không chỉ viết văn, ông còn am hiểu rất nhiều môn nghệ thuật khác: hội họa, điêu khắc,
sân khấu, điện ảnh,… Ông còn là một diễn viên kịch nói và là diễn viên điện ảnh đầu tiên
ở Việt Nam. Ông thường vận dụng con mắt của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau để
tăng cường khả năng quan sát, diễn tả của nghệ thuật văn chương.
 Nguyễn Tuân là người đi nhiều, theo “chủ nghĩa xê dịch”. Chủ nghĩa này phù hợp với
con người tài hoa, phóng túng, tạo nên một vốn hiểu biết sâu rộng. Phương châm sống
của ông là “luôn thay đổi thực đơn cho giác quan”. Chọn câu của Paul Morand làm đề từ
cho Thiếu quê hương: “Ta muốn sau khi ta chết, có người thuộc da ta làm chiếc va ly”,
Nguyễn Tuân dứt khoát khẳng định: “Đứng về phương diện một người lấy sự hoàn toàn
phát triển giác quan của mình làm lẽ chính cuộc sống” thì “không gì thiệt thòi bằng trung
thành với một chỗ ở”.

- Nguyễn Tuân biết quý trọng nghề nghiệp:


 Ông quan niệm văn chương đối lập với tính vụ lợi, coi nghệ thuật là một hình thái lao
động nghiêm túc, thậm chí khổ hạnh. Nguyễn Tuân dường như sinh ra để làm nghệ thuật,
là người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp.
 Theo ông, đánh giá một nhà văn, đúng về mặt chuyên môn nghề nghiệp mà bàn, thì giá
trị của người đó “là những công đức lập ngôn”, là ở chỗ ông ta “đã mở mang thêm vốn
liếng dân tộc về tiếng nói được tới mức nào, và đã góp phần sáng tạo của mình vào ngôn
ngữ Việt Nam như thế nào”.
 Thạch Lam từng nhận xét về Nguyễn Tuân: “Trong cái vội vàng, cái cẩu thả của những
tác phẩm xuất bản gần đây, những sản phẩm đã hạ thấp văn chương xuống mực giá trị
của một sự đua đòi, người ta lấy làm sung sướng khi thấy một nhà văn kính trọng và yêu
mến cái đẹp, coi công việc sáng tạo là công việc quý báu và thiêng liêng”.

2. Lối viết “Không giống ai, không cho ai bắt chước mình”
a. Chất ngông trong phong cách Nguyễn Tuân
- Ngông là biểu hiện của sự chống trả mọi thứ nền nếp, phép tắc, định kiến cứng nhắc, hẹp
hòi của xã hội bằng cách làm ngược lại với thái độ ngạo đời.
- Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân chơi ngông một cách cực đoan, có lúc
trở thành kỳ thuyết, nghịch thuyết. Trương Chính từng nhận xét rằng: “Xét cho cùng,
giọng khinh bạc của ông là do ông phủ nhận thực tại xấu xa của xã hội, do lòng hoài nghi
đạo đức giả dối của người đời”. Nó còn bao hàm cái khí khái của người trí thức yêu nước
không cam tâm chấp nhận chế độ thực dân, tự đặt những nghịch thuyết để tách mình ra
và vượt lên trên cái xã hội của những kẻ xu thời, thỏa mãn với thân phận nô lệ.
- Sau 1945, Nguyễn Tuân không còn lý do để mà gây sự, mà ném đá vào đời như
trước nữa. Cái ngông tự mất đi phần cực đoan, chỉ giữ lại cái cốt cách vốn tạo nên nét
độc đáo. Thói quen và sở thích tìm cách nói mới lạ, không giống ai khiến ngòi bút ông
luôn tràn đầy sáng tạo và có sức hấp dẫn mạnh mẽ.
 Cái ngông tồn tại như hạt nhân, chi phối toàn bộ các phương diện khác của phong cách
nghệ thuật Nguyễn Tuân ; từ đề tài, hệ thống nhân vật cho đến thể loại, giọng điệu, ngôn
ngữ.
b. Nhà văn của những tình cảm, cảm giác mạnh, những phong cảnh tuyệt mĩ
- Mọi thứ Nguyễn Tuân bày biện đều có hương vị đặc sản, từ những nguồn "chưa ai khơi"
nên thường tạo được cảm giác rất mạnh, ấn tượng rất sâu để làm sống dậy những ý nghĩa
có tính tư tưởng cao cả, chứ không nhằm thỏa mãn cảm giác hiếu kỳ, hời hợt.
- Một mặt người đọc thấy say sưa trước cảnh, tình và tri thức phong phú các các loại được
bày biện một cách đẹp đẽ. Mặt khác, khi cảm giác nhất thời qua đi, bao giờ người ta cũng
thấy như quý yêu thêm một chút, tự hào thêm một chút về dân tộc mình, về thời đại mình
đang sống.
- Với hệ thống nhân vật, nhà văn luôn trân trọng những "đấng tài hoa" và say mê miêu tả,
chiêm ngưỡng họ. Mỗi nhân vật thường sành hơn người ở một thú chơi hoặc một ngón
nghề nào đó, đầy tính nghệ thuật. Ðó là cụ Kép, cụ Sáu, cụ Nghè Móm, ông Phó Sứ, ông
Cử Hai,... những nghệ sĩ bậc thầy của nghệ thuật uống trà, uống rượu, chơi đèn kéo quân
và đánh bạc bằng thơ (trong "Vang bóng một thời"). Sau Cách mạng tháng 8, sự chuyển
dịch của ý thức nghệ thuật theo hướng đưa văn học về với cuộc sống, phục vụ công cuộc
bảo vệ và xây dựng đất nước đã dẫn tới việc mở rộng thế giới nhân vật của trang viết
Nguyễn Tuân. Đó là hình ảnh người lao động mới trong "Sông Ðà (1960) cũng thật đẹp
đẽ, lung linh giữa vùng hào quang của tài hoa.
c. Sở trường về thể loại tùy bút
- Khái niệm về thể loại tùy bút:
 Tùy bút được hiểu là thể loại thuộc loại hình kí, trong đó tác giả ghi chép lại các sự việc
được quan sát và suy ngẫm về cảnh vật, con người xung quanh một cách trung thực.
 Tùy bút được coi là lối chơi độc tấu của cái tôi trữ tình, là tùy theo hứng mà viết (sự thực,
việc thực chảy qua ngòi bút dạt dào cảm xúc của nhà văn nên thấm đẫm chất thơ).
- Tìm đến với tùy bút cũng là con đường tất yếu của cá tính và phong cách Nguyễn Tuân.
Dường như ông chỉ có thể gắn bó với lối văn nào thật sự tự do và chấp nhận những cảm
xúc đậm màu sắc chủ quan. Trong tay ông, thể tùy bút đã đạt đến đỉnh cao của khả năng
ghi nhận và thể hiện đời sống.
- Giọng điệu của tùy bút Nguyễn Tuân thường là giọng kể. Người dẫn chuyện luôn đóng
vai trò quan trọng, trực tiếp tham gia vào câu chuyện và có quan hệ thân mật, tin cậy với
các nhân vật khác. Người ấy thường có giọng lịch lãm, đôi khi tỏ ra hoài nghi, đùa bỡn
nhưng vẫn đảm bảo độ mãnh liệt của cảm xúc và tầm cao tư tưởng bằng rất nhiều từng
trải.
- Ðặc điểm nổi bật của giọng điệu tùy bút Nguyễn Tuân chính là sự phong phú, đa thanh,
thỏa mãn đến hoàn hảo những sắc thái tình cảm tinh tế nhất. Trong mọi tình huống nhà
văn luôn có cách nói phù hợp, không chung chung, tạo được không khí cần thiết cho ý đồ
nghệ thuật của mình.
d. Bậc thầy ngôn từ
- Nhà văn như mê mẩn trong ma lực của ngôn từ và truyền được trọn vẹn đến người đọc
chất men say nhiều khi kỳ quái ấy. Nguyễn Tuân có một kho từ vựng hết sức phong phú
do cần cù tích lũy cả đời, với lòng yêu say mê tiếng mẹ đẻ. Không chỉ góp nhặt những từ
sẵn có, ông còn luôn có ý thức sáng tạo từ và cách dùng từ mới, lạ. Rất nhiều từ ngữ
tưởng như đơn nghĩa hoặc cũ mòn, nhưng khi vào tay ông, chợt trở nên dồi dào sức biểu
hiện.
"Mãi đến bây giờ về gần đến Phố, tôi mới nhớ ra trong xe còn có thêm một hành khách nữa.
Ấy là một người đàn bà, một thứ đàn bà tồi. Tồi ở chỗ lõa lồ trong câu nói tiếng cười. Tồi ở
cái cách phục sức rẻ tiền mà cứ gắng làm ra lộng lẫy cho kỳ được".
- Vốn từ vựng ấy, có lúc Nguyễn Tuân dùng để chơi ngông với đời, hoặc để trêu ghẹo
thiên hạ và xót xa cho thân mình. Ông tự nhận xét : "Ngôn ngữ của Nguyễn lủng cà lủng
củng, dấm dẳn cứ như đấm vào họng. Ðọc lên nghĩa tối quá lời sấm ông trạng. Nguyễn
cứ lập ngôn một cách bướng bỉnh vì đời nó ngu thế thì không bướng bỉnh sao được". Từ
sau Cách mạng tháng Tám, không còn cực đoan nữa, Nguyễn Tuân dùng ngôn từ như
công cụ đắc lực để cất cao lời ngợi ca tổ quốc, ngợi ca nhân dân mình và giáng những
đòn thật cay độc vào bản chất tàn bạo của kẻ thù.

You might also like