You are on page 1of 3

THƯ VIỆN SAU ĐẠI HỌC- NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY

PGS. TS. Hà Nam Khánh Giao- Trưởng Khoa Đào tạo Sau Đại học
Tóm tắt
Trong chiến lược phát triển trường Đại học Tài chính – Marketing đến năm 2025- tầm
nhìn 2030, nhà trường đã xác định rất rõ trường sẽ phát triển theo định hướng nghiên
cứu, vậy, trong khuôn khổ bài tham luận này, tác giả có góc nhìn nhỏ theo hướng làm
thế nào để công tác thư viện phục vụ bạn đọc là học viên sau đại học một cách hữu ích
nhất.
Từ khóa: Thư viện, đào tạo sau đại học, Trường Đại học Tài chính - Marketing

GRADUATE STUDIES LIBRARY- THINGS MUST BE DONE


Abstract
In the University developing strategy to 2025- vision to 2030, University of Finance –
Marketing defines the research-based strategy, so that this research look at the angle of
how the library can serve the students, especially the graduate students effectively.
Keywords: Library, graduate studies, University of Finance - Marketing

Trường Đại học Tài chính – Marketing bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đào tạo Thạc sĩ từ
năm 2011 với hai chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng và Quản trị Kinh doanh, đến
nay, Khóa 1 đã bảo vệ gần xong, và tiếp nối, rất nhanh, sẽ là khóa 2 đợt 1, khóa 2 đợt
2, khóa 3…. Và, theo định hướng chiến lược của nhà trường, nhiệm vụ đào tạo Tiến sĩ
có thể bắt đầu từ giữa năm 2015. Việc hình thành một bộ phận trong thư viện nhằm
phục vụ một cách thiết thực cho việc đào tạo, nghiên cứu và họp tập của học viên trở
thành một nhu cầu bức thiết, và hiển nhiên.
Tất cả các trường đại học định hướng trên thế giới, không phân biệt lớn nhỏ, sắp hạng
cao hay thấp, đều dựa vào nền tảng một thư viện đủ để thực hiện nghiên cứu, có thể
theo chuyên đề hay tổng quát. Tác giả, khi tham gia học tập, nghiên cứu và giảng dạy
tại một số trường theo định hướng nghiên cứu như: Đại học Công nghệ Nanyang
(Nanyang Technological University- NTU, Singapore, trường thứ 61 thế giới tháng 10
năm 2014), Học viện Công nghệ châu Á (Asian Institute of Technology- AIT, Thailand,
một trong những viện nghiên cứu hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á), University of
Antwerp (Bỉ, xếp hạng 164 thế giới năm 2013), Học viện Nghiên cứu Khoa học Xã hội
(Institute of Social Studies- ISS, Hà Lan, học viện hàng đầu của Hà Lan về nghiên cứu
chính sách công và kinh tế phát triển), hay ngay cả Trường Quản lý Toàn cầu
Thunderbird (Thunderbird School of Global Management, Mỹ, trường nghiên cứu số 1
thế giới về Kinh doanh Quốc tế), và Đại học Sydney (Úc, trường thứ 60 thế giới năm
2014, thứ 3 trong top 8 của Úc), rất ấn tượng và thực tâm cảm ơn các thư viện đã cung
cấp một lượng thông tin khổng lồ, đa dạng, và rất cập nhật về những vấn đề cần nghiên
cứu. Có thể nói, những nhà nghiên cứu tại các tổ chức như vậy rất thuận lợi khi thực
hiện các đề tài/ dự án mà mình quan tâm, và với đà phát triển vũ bão của khoa học ứng
dụng công nghệ thông tin như hiện nay, việc đáp ứng nhu cầu nghiên cứu càng trở nên
rõ ràng hơn bao giờ hết.
Về trường Đại học Tài chính – Marketing, có thể nói khó thể so bì với những trường
đại học và học viện nêu trên, và cơ sở vật chất còn không ít hạn chế. Tuy vậy, điều đó
không có nghĩa là không để mắt đến việc đầu tư lâu dài cho một thư viện dần đủ để thực
hiện chương trình đào tạo đại học nâng cao dần về chất lượng. Theo tác giả, một số việc
sau đây cần thực hiện ngay để có thể từng bước tiếp cận với thế giới:
- Một là, xác định thật rõ tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt trong nhân viên- giáo viên
toàn trường về tầm quan trọng của việc xây dựng một thư viện hiện đại, cập nhật
là một trong những điều kiện cần để thực hiện chiến lược phát triển trường.
- Hai là, từ quan điểm trên, cần lập ra một lộ trình đủ thuyết phục để cân đối tài
chính và cơ sở vật chất phục vụ việc phát triển thư viện từng bước trong hiện tại
và tương lai.
- Ba là, xúc tiến ngay việc cập nhật thông tin, và một hệ thống lưu trữ cần thiết tất
cả các hồ sơ có liên quan của các khóa học viên đã và sắp ra trường: từ khóa 1
đến khóa 3. Lưu trữ, phân loại, và tạo hệ thống truy cập nhanh, giúp học viên
tiếp cận thuận tiện với các bộ dữ liệu có sẵn. Một số dữ liệu được truy cập miễn
phí, một số cần phải thu phí để bù đắp dịch vụ. Từ đó, tiến dần từng bước đến
việc hình thành một lượng vừa đủ các luận văn các khóa phục vụ cho việc học
tập, nghiên cứu của các khóa sau từ khóa 4 trở đi, dần thay thế việc giới thiệu
học viên sang nghiên cứu luận văn tại các trường bạn: trường Đại học Kinh tế
TPHCM, trường Đại học Mở, trường Đại học Tôn Đức Thắng….
- Bốn là, trong khi học tập tại trường, học viên không chỉ học trên lớp mà sẽ được
yêu cầu đọc một số bài báo khoa học đã đăng trên các tạp chí khoa học tại Việt
Nam (những tạp chí thuộc hệ thống tính điểm công trình khoa học để phong chức
danh Giáo sư, Phó Giáo sư). Do vậy, thư viện cần cập nhật ngay danh sách những
tạp chí này, và đặt mua ít nhất 2 bản một số phát hành của mỗi tạp chí. Đồng
thời, nếu như có khả năng, Thư viện có thể mua lại trọn bộ lưu trữ từ trước đến
nay của các tạp chí này (chỉ cần 1 bộ), để phục vụ cho việc tra cứu những nghiên
cứu trong quá khứ. Có thể nêu điển hình một số tạp chí như: tạp chí Phát triển
Kinh tế (trường Đại học Kinh tế TPHCM), tạp chí Ngân hàng (Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam), tạp chí Cộng Sản, tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ
(Đại học Quốc gia TPHCM), Tạp chí Khoa học Đào tạo Ngân hàng (trường Đại
học Ngân hàng TPHCM),… và tất nhiên, tạp chí Nghiên cứu Tài chính –
Marketing (trường Đại học Tài chính – Marketing).
- Năm là, tạo đường link đến website của tất cả các trường Đại học tại Việt Nam
có đào tạo Thạc sĩ trở lên, giúp học viên có thể tra cứu các đề tài nghiên cứu đã
thực hiện trước đây, tránh trùng lắp, đồng thời, cũng hỗ trợ các giảng viên hướng
dẫn và các thành viên Hội đồng bảo vệ luận văn rà soát thực tế tính trùng lắp của
đề tài mà học viên chọn thực hiện.
- Sáu là, thư viện cần cập nhật danh sách những tạp chí khoa học trên thế giới có
liên quan đến hai chuyên ngành đang đào tạo Thạc sĩ tại trường: Tài chính –
Ngân hàng và Quản trị Kinh doanh, đặc biệt là các tạp chí bằng tiếng Anh. Trên
thế giới, mỗi ngành/ chuyên ngành đều có những tạp chí hàng đầu (thường được
gọi là loại A), và những tạp chí kém hơn về uy tín khoa học và chuyên môn,
nhưng đều có độ tin cậy trong việc đăng bài. Học viên cần đọc, và trích dẫn từ
các bài đăng trên các tạp chí này về nhiều mặt: lý thuyết, mô hình, phương pháp,
thang đo, các kết quả phân tích t-test, ANOVA,.. và đặc biệt, học viên hoàn toàn
có thể tiếp cận với khoa học thế giới, nhận biết những điều về chuyên môn mà
thế giới đang thực hiện; bên cạnh đó, học viên cũng có thể tiếp cận với những đề
tài mới, và phát hiện những đề tài có thể làm thông qua phần “đề xuất cho các
nghiên cứu tiếp theo” (suggestions for the further researches), tức là phần nêu ra
những hạn chế của nghiên cứu hiện tại, và đó cũng chính là cơ hội cho những
nhà nghiên cứu tìm ra cơ hội cho mình. Có thể giới thiệu nhanh một số tạp chí
có thể cần có về các chuyên môn khác nhau: Kinh doanh quốc tế (Journal of
International Business Studies- JIBS, International Business Management- IBM,
International Business Research- IBR, International Business & Economics
Research Journal…), Marketing (Journal of Marketing, European Journal of
Marketing, Journal of Consumer Marketing, International Journal of Research in
Marketing, …), Bán lẻ (Journal of Retailing, Journal of Retailing and Consumer
Services, International Journal of Sales, Retailing and Marketing, International
Journal of Retailing and Distribution Management…), Hành vi khách hàng
(Journal of Consumer Behaviour, Journal of Consumer Psychology, Journal of
Consumer Research, …), … Danh mục những tạp chí này có thể cập nhật qua
những chuyên gia có kinh nghiệm về nghiên cứu, những giảng viên đã học tập
sau đại học ở nước ngoài… Trong điều kiện cho phép, thư viện có thể đặt mua
những tạp chí như vậy để tạo thói quen nghiên cứu cho học viên.
- Bảy là, để thực hiện, thư viện cần có những quy định, nội quy rõ ràng về các dịch
vụ thư viện, và có thể phối hợp với Khoa Đào tạo Sau Đại học thông tin rộng rãi
cho toàn thể học viên biết và thực hiện.
Thay lời kết, có thể nói ngắn gọn, thư viện đóng vai trò hết sức quan trọng trong một
trường đại học, đặc biệt là trường đại học định hướng nghiên cứu. Thư viện sau đại học
trở nên cần thiết hơn bao giờ hết đối với trường Đại học Tài chính – Marketing khi số
lượng học viên đã dần đạt đến ngưỡng 2000 học viên, và đã có các khóa ra trường. Việc
thiết lập và vận hành đúng đắn thư việc sau đại học chính là chìa khóa để trường Đại
học Tài chính – Marketing tiến dần theo định hướng nghiên cứu mà chiến lược trường
vạch ra. Vẫn còn đó nhiều hạn chế, nhưng tương lai phụ thuộc ít nhiều vào những điều
mà những người làm thư viện nên nghĩ đến ngày hôm nay!

You might also like