You are on page 1of 1

【 VÔ NGÃ TRONG ĐẠO PHẬT 】

"Vô Ngã" là mục tiêu cứu cánh của đạo Phật dẫn đến con đường Trung Đạo hầu giúp
cho chúng sinh vượt khỏi những trạng thái Tâm Thức hữu hạn, đi đến vô hạn Niết Bàn.
Mặc dù là Đức Phật đã dọn sẳn con đường giải thoát lý tưởng ấy nhưng không phải ai
cũng đủ thắng Phước, phá vỡ lớp vô minh nghiệp hoặc, để đi đến đích cuối cùng là
"Vô Ngã" vị tha. Hầu hết phàm phu chúng ta đều chấp ngã rất sâu nặng, bị kẹt vào
Ngã sở và Ngã ái.

Vô Ngã là gì ?... Vô là không, Ngã là cái Tôi, "Bản ngã hay Tự Ngã". Như vậy Vô
Ngã là không có cái "Tôi" thực thể cố định ở trong mỗi con người. Thân thể con
người là do duyên hợp của hai thành phần là: sắc thân (vật chất) và tâm linh (tinh
thần). Sắc thân do Tứ Đại (đất nước gió lửa) hợp thành. Còn Tâm thì do các yếu tố
"Thọ, Tưởng, Hành, Thức" chấp thủ. Đức Phật dạy: Cái gì do nhiều Duyên hợp thành
thì không có thực thể của cái Ngã, chỉ là duyên sinh huyễn hợp.

Hai thành phần vật chất và tâm linh luôn quyện vào nhau mới sinh ra ảo giác cái
Tôi có thật, đồng thời tính cố chấp vào đó rất mãnh liệt cho nên mỗi người đều có
cảm giác cái Tôi khác với mọi người, mọi vật bên ngoài. Cũng vì cái Tôi này mà sinh
ra ích kỷ chỉ muốn lợi mình, nên mới phát sinh Tâm bất thiện như: tham lam, sân
hận, đố kỵ, kiêu ngạo, ác kiến v.v... Vì thế con người chúng ta ai cũng mang sẳn
cái Bản Ngã trong mình một bản năng hưởng thụ, bướng bỉnh, cố chấp, thành kiến, chủ
quan, hẹp hòi v.v... là do chú trọng cái Tôi.

Đức Phật đã dạy chúng ta diệt Bản Ngã để đi đến Vô Ngã hoàn toàn. Khi không
hiểu được lẽ Vô Thường của cuộc đời, vạn vật, cây cỏ, con người nên ta xem trọng
cái Ngã (tôi) của mình. Trái đất, vạn vật, thực vật, động vật không tồn tại vĩnh
cữu, tất cả đều theo sự tuần hoàn sinh diệt của vũ trụ.

Tất cả mọi chúng sinh, vạn hữu trên thế gian không ai có thể tự tồn tại độc lập
một mình được mà đều có tương quan chặt chẽ với nhau. Sỡ dĩ chúng ta không nhận ra
điều này bởi vì chấp ngã đã tạo ra cái Tôi riêng biệt khác với nhau; vì nghiệp thức
vô minh tạo thành bức tường vô hình ngăn cách giữa người với người.

Tất cả những hạnh phúc, vui tươi hay đau khổ của con người, nó là kết quả sinh
thành bởi những hành động của con người gây ra mà Tâm là chủ và ý vẫn hành tạo tác.
Thật vậy tất cả chúng ta không ai muốn mình đau khổ. Nói đến "Vô Ngã" là nói đến
mấu chốt vô cùng quan trọng trong tiến trình tu tập cho những ai đi trên con đường
tu học cầu đạo gíac ngộ giải thoát.

Để đạt được "Vô Ngã" thì đầu tiên là phải buông bỏ được hết ngã chấp và pháp
chấp. Đức Phật đã tìm ra được con đường giải thoát giác ngộ sau 6 năm khổ hạnh và
49 ngày nhập Đại Định dưới cội cây bồ đề. Ngài đã thoát khỏi Nghiệp thức luân hồi
sanh tử. Từ-Bi nguyện hoá độ chúng sanh, hòa nhập với vạn vật, sống một đời thánh
thiện cao cả an lạc hạnh phúc. Đức Phật đã tìm ra con đường đi đến giác ngộ giải
thoát, về sau thành một giáo đoàn Phật giáo.

Đức Phật là Vị Giáo Chủ, một bậc Thánh tuyệt đối. Phật lấy việc giáo hóa chúng
sinh từ nơi mê lầm trở về con đường giác ngộ, từ đau khổ đến an vui hạnh phúc, giải
thoát khỏi trầm luân sanh tử, là mục tiêu tối thượng trong đời hành Đạo của Ngài.
giáo lý "Vô Ngã" là thánh tính Niết Bàn, dẫn đến con đường trung đạo. Đức Phật dạy
cái Ngã (tôi) là đầu mối của mọi sự việc tranh chấp, xung đột mâu thuẩn do Chấp Ngã
mà ra. “Vô Ngã” là không chấp có cái Tôi, là cánh cửa dẫn đến an lạc tự tại, vô
ngại giải thoát... hoà cùng vũ trụ vạn hữu pháp giới chúng sanh đồng đáo bị ngạn.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

You might also like