You are on page 1of 27

Tiểu phẩm số 01 “CHƠI GAME NHƯNG KHÔNG PHẠM LUẬT”

Nhóm bạn của Trường gồm Hiếu, Duy, Nhâm và Tuấn có hẹn với đám
thanh niên khác trong xã về đấu game tại quán net. Chiều hôm đó, nhóm bạn của
Trường tan làm sớm và gặp nhau để chuẩn bị trước cho trận đấu game vào buổi
tối.
Trường: Tuấn, mày nhắn cho bọn thằng Nghĩa địa điểm chưa?
Tuấn: Hôm trước tao gặp nó, tao có bảo nó rồi.
Trường: Thế nó có nói gì với mày không?
Tuấn: Nó chỉ cười và bảo anh em mình luyện tay cho kỹ vào trước khi
quyết chiến với tụi nó.
Duy: Thằng này láo thật, nó tuổi gì mà dám nói thế với anh em mình!
Nhâm: Nó bằng tuổi, cùng con giáp với anh em mình đấy Duy còi ạ.
Duy: Bực mình thật.
Hiếu: Mày bực làm gì cho hại cái thân, cách tốt nhất là anh em mình đánh
cho chúng nó thua không còn chỗ ngóc đầu lên được.
Trường: Các chú đừng có mà chủ quan thế. Bên nó chơi khá ổn, hơn nữa
lại có thằng Thy là quân át chủ bài, thằng này là game thủ nhất nhì cái làng này
rồi.
Nhâm: Một mình thằng Thy thì làm gì được liên quân vững mạnh của anh
em mình đây chứ?
Duy: Ừ, thằng này chỉ được cái sống ảo.
Trường: Lần trước, chúng nó thắng mình rồi, lần này các chú đừng có để
lịch sử lặp lại lần nữa đấy.
Tuấn: Bọn tao biết thế những cũng phải thừa nhận mặt bằng chung bên nó
không thể bằng bên mình được, ngoại trừ thằng Thy với thằng Nghĩa ra.
Duy: Để thắng được bọn nó lần này, tao nghĩ anh em mình phải tìm đấu
pháp mới.
Nhâm: Thế mày có ý tưởng gì chưa?
Duy: T cũng đang nghĩ đây
Hiếu: Hay thế này đi, tao có ý này không biết chúng mày thấy sao?
Nhâm: Mày lại định thuê thằng nào ở đâu về đánh thay vị trí của mày à,
tao không cần nhé, tự tin tao có đủ rồi.
Hiếu: Không, ý tao là ý khác.
Duy: Thằng này vòng vo mãi, mày nói rõ ra xem nào.
Hiếu: Ừ thì, anh em mình vẫn chơi đội hình như thế, nhưng đội nó có thể
sẽ không có thằng Thy chẳng hạn.
Nhâm: Tao vẫn chưa hiểu ý mày thế nào.
Duy: Thằng này chúa dài dòng
Hiếu: Thật ra, tại bọn mình ngại thằng Thy thôi đúng không? Thế thì theo
tao, bọn mình bắt nhốt thằng Thy vào một chỗ, xong trận đấu sẽ thả nó ra sau.
Duy: Mày nói cứ như đùa, thế làm sao mà bắt được nó?
Hiếu: Cần thiết thì để tao đấm cho nó mấy phát, nó sẽ hết ngáo ngay.
Tuấn: Chúng mày làm tao thấy hồi hợp hơn rồi đấy.
Nhâm: Rồi mày định giam nó vào đâu? Chẳng lẽ lại là cái chòi ao cá cũ
của nhà tao à
Hiếu: Mày nói đúng ý tao rồi đấy.
Nhâm: Chúng mày xem có nhất thiết phải làm như thế không? chứ tao
thấy cứ sao sao ấy.
Duy: Mày quên là trận đấu này quyết định đến danh dự của anh em mình
thế nào à?
Nhâm: Ờ thì tao cứ lo xa, nhỡ có vấn đề gì với nó thì anh em mình ngồi tù
chẳng chơi, 19, 20 tuổi cả rồi.
Hiếu: Thế bây giờ anh em tính sao?
Tuấn: Theo tao, chúng mình cứ chơi hết mình là được rồi. Thắng thua
nhiều khi còn do may rủi nữa.
Hiếu: Nói như ông chán bỏ xừ.
Trường: Nãy giờ tao cũng search mạng rồi. Nếu làm theo kế hoạch của
thằng Hiếu, chuyện mà bại lộ ra, anh em mình vào tù bóc lịch là cái chắc.
Duy: Chuyện đấy là có thật à?
Trường: Tao đùa với chúng mày làm gì. Đây này, Bộ luật hình sự năm
2015, sửa đổi năm 2017, tại Điều 157 có quy định người nào bắt, giữ hoặc giam
người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều
377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù
từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc Gây thương tích,
gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt,
giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị phạt tù từ 02 năm
đến 07 năm. Nếu gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn
tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61%
trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
Trường vừa nói vừa dùng tay lướt điện thoại để đọc.
Hiếu: Nghiêm trọng vậy cơ à?
Trường: Tất nhiên, nếu bọn mình đánh nó thật, có thể bọn mình còn phạm
thêm tội cố ý gây thương tích cho người khác nữa đấy.
Nhâm: Thôi thôi chúng mày ơi, tao còn trẻ chưa vợ chưa con tao không
muốn ăn cơm tù sớm thế đâu.
Duy: Mày cứ làm như ai muốn không bằng.
Trường: Thế nên là theo tao, anh em mình cứ tự tin mà đấu với bọn thằng
Nghĩa thôi. Thắng phải để bọn nó phục mới đẹp danh dự. Tao cũng không thích
dùng tiểu xảo để thắng được người khác cho lắm.
Hiếu: Ừ, thì tao cũng chỉ lo tụi mình thôi chứ dính tới pháp luật, ai dại gì
mà phạm tội. Thế thôi, anh em mình chốt chiến thuật cũ nhé. Chơi game nhưng
không phạm luật nhé!
Nhóm bạn trẻ cùng nhau quyết tâm và hẹn nhau đúng 8 giờ tối có mặt tại
quán net như để hẹn.
*********
Tiểu phẩm số 02 “VÌ HẠNH PHÚC CỦA CON”
A và P quen nhau khi cùng học chung đại học. Sau khi ra trường, A và P
cùng ở lại thành phố và đi làm thuê. A và P đã quyết định cùng nhau xây dựng
hạnh phúc gia đình. Vào một ngày, A đưa P về ra mắt bố mẹ cô ở dưới quê.
Bố A: Hai đứa đi đường xa vất vả vào nhà rửa tay chân rồi chuẩn bị ăn
cơm, mẹ đang nấu dưới bếp đó. Để bố ra đầu ngõ làm ít rượu, mấy khi bố được
uống với bạn trai của con gái bố.
A: Bố, anh P không uống được rượu đâu bố ạ.
Bố A: Không uống rượu à? Thế uống bia nhá!
A nhìn P một lúc
P: Dạ vâng, cháu uống bia cùng bác ạ.
Mẹ A dọn cơm xong thì mọi người cùng ngồi vào bàn ăn. Vừa uống cạn
cốc bia, P định mở lời thì bố của A đã lên tiếng hỏi trước.
Bố A: Thế cháu năm nay bao nhiêu tuổi rồi? Và bố mẹ cháu làm gì, ở
đâu?
Lẫn đầu tiên về nhà bạn gái nên P có chút bối rối trước người lớn.
P: Dạ thưa bác, cháu cũng đang định có lời muốn thưa với hai bác ạ.
A (nhanh nhảu): Thôi để con giới thiệu với bố mẹ trước ạ, đây là anh P -
bạn trai của con bố mẹ ạ. Chúng con quen và yêu nhau đã 5 năm nay rồi ạ.
Bố A (trách móc): Bố có hỏi con đâu, con chỉ được cái...
A (cười): Hì hì.
P (Tiếp lời): Vâng thưa hai bác, cháu tên là P, cháu quê ở Nam Định ạ, bố
mẹ cháu thì buôn bán hộ gia đình nhỏ ở quê thôi ạ
Bố A: Sao? Cháu quê ở Nam Định à? Thế nhà cháu có theo Đạo không?
A: Ơ, sao bố lại hỏi việc đó ạ?
Mẹ A: Không sao đâu con, con cứ để bố và bạn P nói chuyện để hiểu
nhau hơn.
P: Dạ, vâng đúng bác ạ. Nhà con theo đạo Thiên chúa hai bác ạ.
Bố A: Thôi, thế là bố hiểu rồi.
A: Là sao hả bố?
P: Dạ cháu cũng không hiểu ý bác thế nào ạ?
Bố A: Có nghĩa là, nếu con gái bác lấy cháu thì nó sẽ phải học đạo, theo
đạo, mà nhà bác thì lại không theo đạo, thế nên hai đứa không thể đến với nhau
được rồi.
A: Ơ kìa bố, sao bố lại nói thế chứ?
Bữa cơm nhanh chóng kết thúc, P cũng kết thúc chuyến thăm nhà bạn gái
lần đầu tiên của mình mà không mấy khả quan. A thì quyết định ở lại nhà với bố
mẹ thêm ngày nữa để thuyết phục bố mẹ chuyện lấy P.
A: Bố, mẹ, con không hiểu sao bố lại không thích những người theo đạo
như vậy? Đạo có gì xấu đâu bố? Mà chuyện kết hôn, lấy chồng là chuyện của
con, con muốn mình được tự quyết định bố ạ.
Bố A: Nhưng bố không thích cho mày theo đạo.
A: Đạo không xấu, Con có theo đạo hay không cũng không ảnh hưởng tới
cuộc sống, tính cách con người con, đúng không bố mẹ?
Bố A: Mày đừng có cãi lời bố. Mày không nghe lời bố, tao nhốt mày lại
không cho lên thành phố ở nữa đấy.
A: Bố vô lý lắm! Mẹ, mẹ nói gì đi chứ!
A nhìn mẹ với ánh mắt đầy cầu cứu.
Mẹ A: Hai bố con lúc nào cũng nóng tính với nhau. Cứ bình tĩnh nói
chuyện, đâu rồi ắt có cách giải quyết được.
Bố A: Bà cũng đừng nói gì, tôi là tôi quyết rồi. Tôi cấm.
Mẹ A: Tôi thì tôi lại thấy thằng P nó rất đàng hoàng, tử tế. Suốt mấy năm
đại học, may có nó chăm sóc cho con gái mình, không thì tôi với ông lại vất vả
rồi.
Bố A: Cái đó tôi không tính.
Mẹ A: Bây giờ nó lại có công ăn việc làm tốt, lương cao, khá giả, lại yêu
thương con gái mình hết lòng.
Bố: Bà mà cũng đi so thế à? Ngày xưa tôi nghèo thế sao bà lại lấy tôi?
Mẹ A: Thì đó, tôi yêu con người ông ở tính cách, tấm lòng và tình yêu của
ông dành cho tôi, chứ tôi có màng gì tới hoàn cảnh, địa vị hay tôn giáo của ông
đâu.
Bố A: Ngày xưa khác, bây giờ khác.
Mẹ A: Hoàn cảnh có thể khác nhưng cốt cách con người vẫn là nền tảng
ông nó ạ. Hơn nữa, hai đứa chúng nó yêu thương nhau thực sự, tôi với ông cũng
không cấm cản con làm gì ông ạ. Mình đang là gia đình văn hóa, mình phải sống
theo pháp luật chứ không lẽ lại vi phạm pháp luật à?
Bố A: Con tôi tôi cấm chứ sao lại vi phạm pháp luật ở đây?
Mẹ A: Sao lại không? Hiến pháp quy định rồi, mọi người có quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình
đẳng trước pháp luật. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc
lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật (Điều 24 Hiến pháp năm
2013).
A: Còn nữa đấy bố ạ, theo Điều 164 Bộ luật hình sự năm 2015 thì người
nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép
buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không
theo một tôn giáo nào, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về
một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ
đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Bố A: Đến mức bị xử lý hình sự nữa cơ à?
A: Vâng, có thể chứ ạ, bố mà cứ cấm cản con quá là bố bị xử lý hình sự
đấy ạ.
Mẹ A: Cha bố cô, ai đời con gái dọa kiện bố không cơ chứ?
A: Tất nhiên là con không kiện bố của con rồi, nhưng bố của con chắc
cũng không cấm cản hạnh phúc của con đâu bố nhỉ?
Bố A: Con gái bố sẽ không hiểu được những vất vả, gian nan phía trước
đâu con ạ.
A: Không sao đâu bố ạ, con đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối mặt với
mọi khó khăn phía trước rồi.
Mẹ A: Và con cũng cứ yên tâm là, phía sau con luôn có bố mẹ hỗ trợ,
giúp con khi con cần và khi con mệt.
A: Vâng, con cảm ơn bố mẹ thật nhiều ạ!

Tiểu phẩm số 03 “THƯA CÁN BỘ, EM XIN NHẬN TỘI”


Trương Văn M, sinh năm 1987, trú tại ấp X, xã C, huyện P, tỉnh K. M có
3 tiền án về tội trộm cắp tài sản và vừa chấp hành xong hình phạt tù về tội trộm
cắp tài sản trở về quê sinh sống được hơn 02 tháng. Khoảng 10 giờ ngày 24
tháng 10 năm 2019, chạy đến đoạn ngã 3 Đồng X, thấy tình hình có vẻ không
ổn, M quăng túi vịt vừa trộm vào sâu bên trong vườn trái nhà bà Ph, rồi tiếp tục
chạy ngược lên trên. Chạy được khoảng mươi mét thì đến cống XH, dừng lại
trong mươi giây, M cởi vội quần áo nhảy xuống kênh nước giả vờ tắm. Chưa
đầy một phút sau thì nhóm người gồm vợ chồng ông P, bà L, hai con trai bà L,
hai người của Đội Dân phòng ấp gồm anh Q, anh G chạy tới.
Thấy M, ông P nói lớn:
Ông P: Tưởng thằng nào, hóa ra là mày. Vào bóc lịch mấy lần mà vẫn
chứng nào tật nấy, không chừa được hả con? Lại còn giả vờ tắm nữa. Tao biết
tỏng bài của mày rồi. Mày lên đây ngay.
M tỏ ra bình thản, bước lên bờ: Tôi đây, nào có chuyện gì, ông nói đi.
Ông P: Trống lảng hả. Tao hỏi mày, vịt nhà tao đâu?
M: Vịt nào?
Ông P: Vịt mày vừa bắt trộm nhà tao chứ còn vịt nào nữa.
M: Này ông, ông ăn nói cho cẩn thận nhé. Tôi trộm vịt nhà ông khi nào?
Ông P: Có mình mày ở đây, không phải mày thì là ai. Thằng đầu bò đuôi
cướp.
M: Ông bảo ai đầu bò đuôi cướp. Nể ông là người lớn tuổi, không thì...
Giả bộ tức giận như thể bị oan, vừa nói, M một tay túm cổ áo, một tay dơ
nắm đấm dứ trước mặt ông P.
Ông P: Mày, mày... muốn đánh người hả.
M: Được, ông bảo tôi trộm vịt nhà ông. Vậy bằng chứng đâu? Vịt đâu,
kêu lên tiếng cho mọi người nghe coi? (Vẻ ngó nghiêng giễu cợt M nói.)
Ông P: Vịt đâu hả? Không cho mày một trận thì chắc mày vẫn còn ngoan
cố không nhận đúng không. Hai con, lại đây với bố
Thấy tình hình trở nên căng thẳng, mất bình tĩnh, anh Q, anh G tiến tới
giữa M và ông P can ngăn.
Anh Q: Dừng, dừng lại. Trắng đen thế nào, tôi mời mọi người về trụ sở
Công an xã
Tự tin vì bằng chứng đã được phi tang theo dòng nước, công an sẽ không
có chứng cứ để buộc tội. M vênh mặt nói:
M: Đi thì đi, các anh tưởng tôi sợ chắc.
Tại trụ sở Công an xã. Công an viên Tr đang ghi sổ nhật ký công tác thì
thấy anh Q, anh G dẫn người tới.
Anh G: Chào cán bộ, hôm nay có một mình cán bộ trực thôi ạ.
Anh Tr: Dạ, vâng. Có chuyện gì không ạ?
Anh G: Dạ, báo cáo cán bộ... (Anh G tường trình lại sự việc diễn ra trước
đó cho anh Tr nghe). Chưa dứt câu, M đã chen vào:
M: Dạ thưa cán bộ, em bị oan ạ, em không có trộm vịt nhà ông P ạ.
Anh Tr: Anh cứ bình tĩnh. Chuyện đâu sẽ có đó. Trước tiên, mời anh và
ông P, mỗi người viết bản tường trình sự việc của mình vào đây. Vừa nói, anh
Tr vừa đưa cho mỗi người một tờ giấy trắng và cây viết. Khoảng 10 phút sau.
M: Dạ, báo cáo cán bộ, em đã viết xong
Ông P: Dạ, tôi cũng đã xong. Trình cán bộ ạ
Lướt qua hai tờ tự khai, anh Tr vừa nói vừa dẫn M sang phòng riêng bên
cạnh để thẩm vấn.
Anh Tr: Tôi có một số vấn đề cần làm sáng tỏ thêm. Mời anh M theo tôi
sang phòng bên. Anh G đi cùng viết biên bản giúp tôi nhé.
Anh G: Dạ
Sau gần 30 phút thẩm vấn, M vẫn cứng đầu không nhận tội. anh Tr tay rút
bao thuốc lá, đứng dậy ra khỏi phòng:
Anh Tr: Xin lỗi, tôi sẽ quay lại ngay.
Thấy anh Tr vẻ trầm ngâm, tay cầm thuốc hút, đi đi lại lại trước sân, anh
Q tiến lại hỏi:
Anh Q: Sao anh, nó không chịu nhận tội hả anh?
Anh Tr: Không.
Anh Q: Thằng này thật ngoan cố. Rõ ràng là cái dáng chạy chân thấp chân
cao sao nhầm được. Để tôi vào cho nó hai cái dùi cui điện xem nó còn cứng đầu
được nữa không?
Anh Tr: Không được. Có thể đánh hắn sẽ khai nhận hành vi phạm tội,
nhưng làm như vậy là chúng ta cũng đã vi phạm pháp luật.
Anh Q: Không được đánh, thì tôi dứ bên ngoài cho nó sợ mà khai ra.
Anh Tr: Vậy cũng không được. Thế cũng là vi phạm.
Anh Q: Anh nói thế nào ấy chứ. Có đánh đâu mà vi phạm. Cán bộ nói thế
nào ấy chứ.
Anh Tr: Có, vi phạm khoản 2 Điều 14 Luật tổ chức điều tra hình sự năm
2015. Khoản này quy định, nghiêm cấm bức cung, dùng nhục hình và các hình
thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay
bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ
chức, cá nhân. Còn nữa, khoản 1 Điều 373 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi,
bổ sung năm 2017 quy định, người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án
hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục
bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn
bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù
từ 06 tháng đến 03 năm.
Anh Q: Vậy, phải làm sao bây giờ cán bộ?
Trầm ngâm một lúc, ánh mắt anh Tr lóe sáng, rồi ghé tai anh Q thì thầm:
Anh Kh: Thế này,...
Sau khi thống nhất phương án, anh Tr đi vào phòng:
Anh Tr: Xin lỗi, đã để mọi người chờ, chúng ta tiếp tục được chứ anh M?
M: Tôi luôn sẵn sàng. Cán bộ cứ hỏi.
Vừa lúc đó, chuông điện thoại reo. Anh Tr nhấc máy:
Anh Tr: A lô. tôi nghe. Sao, anh nói người nhà ông P đã tìm thấy túi vịt bị
trộm sao? Tốt quá! Giữ nguyên hiện trường, tôi sẽ trực tiếp xuống lấy dấu vân
tay để đề nghị xác minh.
Nghe đến đây, sắc mặt M thay đổi, biết mình không thể chối tội được nữa
nên cúi đầu lí nhí:
M: Dạ, thưa cán bộ. Em đã trộm vịt nhà ông P. Em xin nhận tội ạ.
Vậy là, chỉ với một nghiệp vụ nhỏ, công an viên Tr đã buộc đối tượng M
phải tâm phục khẩu phục cúi đầu nhận tội. Cũng qua sự việc này, anh Q của Đội
dân phòng ấp đã hiểu thêm được quy định của pháp luật về hình sự, điều tra hình
sự trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tiểu phẩm số 04 “Lao động, học tập, học nghề theo quy định là quyền
và nghĩa vụ của phạm nhân”
Kể từ khi Hoàng Thị P chấp hành hình phạt tù 3 năm tại trạm giam X, cứ
định kỳ ngày 20 hàng tháng là bà B, mẹ P, lại khăn gói, lần thì đi một mình, lần
thì dẫn theo hai cháu là con của P, đi vào thăm P. Tháng này, đã đến 23 rồi mà
chưa thấy mẹ vào nên P thấy lo lắng, bồn chồn, định bụng đến hết ngày nay
không thấy mẹ lên thì P sẽ xin phép cán bộ quản giáo cho gọi điện về hỏi thăm
tình hình gia đình vì tháng này P cũng chưa liên lạc điện thoại lần nào. Đến
khoảng 11 giờ trưa thì thấy nữ quản giáo X, đến gọi báo:
Quản giáo X: Phạm nhân Hoàng Thị P, có người nhà đến thăm.
P: Dạ, có em ạ. Cám ơn cán bộ ạ.
Nói rồi, P nhanh chóng đứng lên đi theo quản giáo X đến nhà thăm gặp
phạm nhân. Vừa thấy bà B, P vội lên tiếng:
P: Mẹ, mẹ có khỏe không? Con đang lo nhà có chuyện nên mẹ nên thăm
con muộn.
Bà B: Không, không có chuyện gì nghiệm trọng cả đâu con. Chả là mấy
hôm nay thời tiết thay đổi, bệnh cũ của bố con lại tái phát, không đi lại được nên
mẹ phải thu xếp... Đây, mẹ mang cho con ít ruốc gà, lạc rang húng lìu...
P: Mẹ, con xin lỗi bố mẹ. Tại con nên giờ bố mẹ vẫn phải vất vả, không
được an nhàn nghỉ ngơi như mọi người. Giá như ngày ấy con nghe lời bố mẹ thì
giờ đây đã... Con, con xin lỗi bố mẹ.
Bà B: Thôi, không sao. Hôm nay bố con cũng đã đỡ nhiều, cũng đòi cùng
mẹ vào thăm con vì mấy tháng nay chưa có gặp con. Nhưng vì phải đưa đón hai
đứa bé nên mẹ bảo để tháng sau.
P: Dạ, thế các cháu ở nhà vẫn ngoan chứ mẹ.
Bà B: Ừ, các cháu ngoan. Hôm trước, mẹ có gặp cô giáo H. Cô nói con
Thái L rất có năng khiếu ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, có triển vọng thi vào lớp
chuyên của Trường X, gia đình nên đầu tư thêm. Nhưng giờ nhà mình làm gì có
tiền cho nó học thêm.
P: Con biết. Con sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm về phụng dưỡng bố mẹ,
nuôi nấng hai cháu cho nên người. Mà hôm trước, con gửi tiền về, mẹ đã nhận
được chưa?
Bà B: Chưa, mà tiền nào hả con? Con trong tù thì lấy đâu ra tiền mà gửi về
cho mẹ? Thôi, con thương mẹ, thương bố, thương hai đứa trẻ mà tu tâm tu chí
cải tạo, không phải lo gì ở nhà, bố mẹ còn gắng được.
P: Không mẹ, đây là tiền chi trả một phần công trực tiếp tham gia lao động
sản xuất tại trại mẹ ạ.
Bà B: Con đừng dối mẹ. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, mẹ chỉ thấy
người nhà mang tiền, mang đồ vào cho phạm nhân chứ làm gì có chuyện phạm
nhân gởi tiền về hả con. Thôi, con trót lấy của ai thì trả người ta đi. Mẹ không
cần đâu.
P: Kìa mẹ, khi được thông báo nhận tiền con cũng ngỡ ngàng, không tin đó
là sự thật. Nhưng đúng là như vậy. Mẹ không tin, để con nhờ cán bộ đến giải
thích.
Vừa nói đến đây, P thoáng nhìn thấy cán bộ M đi qua liền chạy đến gọi:
P: Dạ, thưa cán bộ. Em có chút việc xin nhờ cán bộ giúp ạ.
Quản giáo M: Vâng, chị cứ trình bày.
P: Dạ, thưa, chả là...
Quản giáo M: Được rồi.
Nói rồi, hai người tiến lại chỗ bà B.
Quản giáo M: Cháu chào bác B.
Bà B: Vâng, xin chào cô.
Quản giáo M: Cháu thấy, P có nói về việc gửi tiền về cho gia đình. Đúng
đấy bác B ạ, đây là số tiền chính đáng từ công sức lao động của P và cháu là
người trực tiếp làm thủ tục chuyển tiền cho bác. Chắc một, hai hôm nữa gia đình
sẽ nhận được thôi ạ.
Bà B: Lại có chuyện ngược vậy sao cô?
Quản giáo M: Ngược là ngược thế nào hả bác. Chúng cháu đang thực hiện
đúng quy định pháp luật của nhà nước đấy chứ. Theo quy định tại Điều 27,
khoản 1 Điều 32 Luật thi hành án hình sự năm 2019, thì phạm nhân có quyền và
nghĩa vụ lao động, học tập, học nghề theo quy định. Trường hợp phạm nhân lao
động thêm giờ hoặc lao động trong ngày nghỉ thì được nghỉ bù hoặc được bồi
dưỡng bằng tiền, hiện vật. Cũng tại điểm đ khoản 1 Điều 24 của Luật thì kết quả
lao động của phạm nhân sau khi trừ các chi phí hợp lý được để sử dụng bổ sung
mức ăn cho phạm nhân; Lập Quỹ hòa nhập cộng đồng để chi hỗ trợ cho phạm
nhân khi chấp hành xong án phạt tù; Bổ sung vào quỹ phúc lợi, khen thưởng của
trại giam; Chi hỗ trợ đầu tư trở lại cho trại giam phục vụ việc tổ chức lao động,
giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân; nâng cao tay nghề cho phạm nhân chuẩn bị
chấp hành xong án phạt tù; và Chi trả một phần công lao động cho phạm nhân
trực tiếp tham gia lao động sản xuất; chi hỗ trợ cho phạm nhân bị tai nạn lao
động. Thời gian qua, P đã rất tích cực, chăm chỉ lao động và số tiền 1.000.000
đồng gửi về cho gia đình là số tiền lao động chân chính của P. Bác có thể yên
tâm khi nhận số tiền này.
Nghe đến đây, bà B trong lòng tràn đầy vui sướng, hạnh phúc khi thấy đứa
con gái duy nhất của ông bà đã biết nghĩ, biết thành tâm hối cải. Niềm vui này
của bà thể hiện rõ trên nét mặt, bà nói:
Bà B: Thật vậy không cô? Tôi không mơ đấy chứ? Cô đánh tôi cái nào?
Quản giáo M: Không mơ đâu bác. Đây, bác thấy thật chưa? (Vừa nói, chị
M vừa hai tay cầm tay bà B và bấm nhẹ.)
Bà B: Dạ, tôi hạnh phúc quá cô ạ. Đây có lẽ là ngày hạnh phúc nhất trong
suốt 12 năm qua của tôi. Con bé đã hoàn lương, đã hối cải, giờ tôi có nhắm mắt
xuôi tay cũng thấy an lòng rồi cô ạ. (Vừa nói, bà B vừa xúc động, rưng rưng
nước mắt, hai tay vẫn nắm tay chị M)
P: Kìa mẹ. Con không cho mẹ nói gở vậy đâu.
Quản giáo M: Bà phải sống đến ngày đón P mãn hạn tù chứ. Nếu cải tạo
tốt, P còn được xem xét, đề nghị Chủ tịch nước đặc xá hoặc tha tù trước thời hạn
ấy chứ.
Bà B: Thật vậy không cô?
Quản giáo M: Vâng, đó là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta,
khuyến khích người chấp hành án phạt tù tích cực học tập, cải tạo để sớm được
tái hòa nhập cộng đồng. Chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chúng cháu
đã phổ biến, tuyên truyền đến tất cả phạm nhân. Giờ chỉ còn phụ thuộc vào
phạm nhân thôi, phải không P.
P: Dạ, em sẽ cố gắng cải tạo, lao động thật tốt, thưa cán bộ.
Vừa dứt câu thì, chuông báo hết giờ thăm. Bà B vội gói gém mấy thứ đưa
cho con rồi lại tất tả cuốc bộ ra bến xe cách đó gần 2 km để về cho kịp chuyến.
Chưa lần nào vào thăm con về bà thấy vui, thấy tràn đầy hi vọng vào một tương
lai tươi sáng hơn cho con gái, cho các cháu, cho gia đình bà như hôm nay, khi
con gái bà được tha tù. Bà cũng hiểu thêm về chính sách khoan hồng, nhân đạo
của Đảng và Nhà nước ta đối với phạm nhân.
***

Tiểu phẩm số 05 “HIỂU LẦM”


Xóm X bình yên ngày nào đã không còn vì vụ việc thằng K – con bà N vừa
bị công an bắt vì tội trộm cắp tài sản. Trớ trêu thay là thằng K ăn trộm đồ của
một nhà ngay trong xóm. Nửa đêm gà gáy, nó lén lút vào nhà người ta, lấy trộm
đồ, nhanh chóng chạy trốn, nhưng không may bị một người hàng xóm bắt gặp,
hô hoán lớn. Thanh niên cả xóm cùng nhau chạy ra, đuổi bắt bằng được tên
trộm. Bắt được tên trộm, chưa cần xem mặt ngang mũi dọc thằng trộm, cả xóm
túm lại người tay, người chân đấm đá thằng K. K lấy tay che đầu, co quắp người
lại để tránh đòn. Sau một lúc, công an nhận được tin báo, cấp tốc đến hiện
trường, giải tên trộm về đồn.
Khi đưa về đồn Công an xã thì tình trạng sức khỏe của K đang bình
thường, tinh thần tỉnh táo, chỉ bị xây xước nhẹ.
Sau đó, L được giao nhiệm vụ làm rõ hành vi phạm tội của K. Sau quá
trình lấy lời khai của K tại trụ sở Công an xã, bà N được báo tin con trai đã được
đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Chưa kịp nghe hết câu, bà N phi xe máy, chạy thẳng một mạch vào bệnh
viện thăm con. Nhìn thấy thằng con dại của mình thâm tím đầy mặt, tay, chân.
Bà vội đến gần, chạm vào khuôn mặt K.
- Con có đau không? Con bị thương những chỗ nào?
K chỉ im lặng, hai dòng nước mặt cứ chảy, không sao ngăn nổi.
Bà N vỗ vai K, rồi qua gặp bác sỹ hỏi han tình hình K. Sau khi biết tình
hình thương tích của K, Bà N thương xót cho đứa con trai dại dột của mình và
cũng nghi ngờ có thể con trai bị công an hành hung để lấy lời khai. Thấy con trai
ngủ, bà nhờ người vào chăm K, rồi chạy về thẳng nhà ông H (một cán bộ công
an đã nghỉ hưu). Từ xa, thấy nhà ông H, bà K gọi lớn: bác H ơi, bác H có nhà
không ạ?
Ông H từ trong nhà: Tôi đây, ai đấy, mời vào nhà ạ.
Bà N hớt hải, vừa phanh xe, dựng chân chống, vừa nhanh nhảu: chào bác
H, tôi N ạ. Xin lỗi làm phiền bác giờ này, tôi có chuyện gấp muốn hỏi ý kiến bác
ạ.
Ông H: Vâng, bà từ từ vào nhà rồi nói chuyện.
Bà N vào nhà, không kịp hỏi han gì, bà kể: Bác H ơi, chuyện thằng K nhà
tôi chắc cả làng xôn xao, đã đến tai bác rồi phải không ạ?
Ông H gật gù.
Bà N tiếp tục: Thằng K dại dột, làm việc sai trái tôi cũng không còn gì để
giải thích với bà con xóm làng. Nhưng cháu nó còn ít tuổi, bị bạn bè lôi kéo dẫn
đến sa ngã, làm việc bậy bạ. Nay nó đã bị công an bắt. Tôi cũng xót xa lắm bác
ạ. Khổ thay, hôm nay, cháu K vừa được đưa đi cấp cứu, tôi đang nghi ngờ nó bị
công an hành hung để lấy lời khai, ép thằng bé nhanh chóng nhận tội ông à,
nhưng cũng chưa có chứng cứ rõ ràng. Theo bác, giờ tôi nên làm gì để bảo vệ
thằng con dại dột của tôi được ạ?
Ông H: Vâng. Bác bình tĩnh ạ.
Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền bất
khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân
phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử
nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Do đó,
hành vi đánh đập K để lấy lời khai của cán bộ điều tra là vi phạm pháp luật.
Vì vậy, nếu như K bị công an dùng bạo lực để ép nhận tội thì bác có thể
làm đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đối với đồng chí công an đã hành
hung con bác trong quá trình lấy lời khai.
Khoản 1, 2 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 đã quy định:
“1. Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ
quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất
kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi
ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao
gồm:
a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công
vụ;
b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh
vực.
2. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ
là tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ
của các đối tượng sau đây:
a) Cán bộ, công chức, viên chức; người khác được giao thực hiện nhiệm
vụ, công vụ;
b) Người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện
hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức;
người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện
hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công
vụ;
c) Cơ quan, tổ chức”.
Đồng thời, khoản 1 Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018 cũng quy định quyền của
người tố cáo như sau:
“1. Người tố cáo có các quyền sau đây:
a) Thực hiện quyền tố cáo theo quy định của Luật này;
b) Được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác;
c) Được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo
đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố
cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết
luận nội dung tố cáo;
d) Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ
chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định
mà tố cáo chưa được giải quyết;
đ) Rút tố cáo;
e) Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp
bảo vệ người tố cáo;
g) Được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”.
Bà N: Vâng, thế nếu muốn tố cáo thì bằng cách nào à bác?
Ông H:
Theo quy định tại Điều 22 và Điều 23 Luật Tố cáo năm 2018 thì:
Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ
quan, tổ chức có thẩm quyền.
Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi
rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ
với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các
thông tin khác có liên quan. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một
nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ
với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo. Người
tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.
Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm
quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại
nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác
nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung như đơn tố cáo. Trường hợp nhiều
người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố
cáo cử đại diện viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu
cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
Khoản 1 Điều 13 Luật Tố cáo 2018 quy định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp xã có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc
thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp.”
Do đó, trong trường hợp này, nếu muốn tố cáo K có thể tố cáo trực tiếp tại
UBND cấp xã hoặc làm đơn tố cáo.
Bà N: Vâng, tôi đã hiểu. Cảm ơn bác rất nhiều ạ. Tôi sẽ nói con trai tôi tố
cáo trực tiếp vói Chủ tịch UBND xã nếu sự thật là cháu bị đánh đập, ép nhận tội.
Trường hợp không giải quyết tôi sẽ viết đơn.
Ông H: Vâng. Bà cũng bình tĩnh, hỏi han kỹ xem có phải thằng K bị hành
hung không nhé. Có thể K nhập viện vì khi bị dân làng bắt quả tang, K đã bị dân
vây lại đánh đập. Bà không nên nổi nóng hay vội vàng, tránh làm lớn chuyện khi
chưa rõ căn cứ bà à.
Bà N: Vâng bác. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy khi bị dân làng đánh đập
mà phải nhập viện thì đã đi ngay lúc đó, đàng này đến lúc lấy lời khai xong mới
bị đưa đi cấp cứu. Khả năng bị công an đánh đập là có thể. Tôi thấy nhiều người
kể chuyện phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam bị công an đánh đập nhiều
rồi.
Hiện giờ, lòng tôi cũng rối bời lắm, nhưng sẽ cố gắng bình tĩnh, tỉnh táo để
xử lý chuyện này. Có gì không biết, tôi xin phép làm phiền bác nữa bác nhé.
Ông H: Vâng, nếu tôi biết tôi sẽ giúp bà.
Bà N: Cảm ơn bác, tôi về đây ạ.
Bà N dắt xe ra, bước chân rất nặng nề. Bao nhiêu chuyện xảy ra, bà rất
buồn.
Mấy ngày sau, nghe tin bà N đã hiểu nhầm, chỉ do bị dân làng đánh đập,
cộng thêm lo lắng, không ăn uống được nên K bị ngất đưa vào viện cấp cứu, chứ
không phải bị công an đánh đập lấy lời khai. Sau khi rõ chuyện, bà N đã gọi
điện thông báo với ông H, may nhờ có ông khuyên nhủ bình tĩnh, điều tra rõ
ràng nên bà đã không làm lớn chuyện. Ông H cũng khuyên bà N nên chỉ bảo
thằng K, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, khai đúng sự thật, nếu bị kết án thì
cải tạo, chấp hành tốt các quy định để nhận được sự khoan hồng của Nhà nước.
Bà N cảm ơn ông H, rồi thở dài, trầm lặng suy nghĩ.

***
Tiểu phẩm số 06 “BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI LAO ĐỘNG”
Nhân vật:
Chị Hiền - công nhân may
Chị Hương - đồng nghiệp ở cùng phòng
Anh Hùng - người yêu Chị Hiền
Tại phòng trọ Chị Hiền và chị Hương vừa đi làm về.
Chị Hiền đang ngồi đọc tin tức trong điện thoại, thì bất ngờ gọi:
Chị Hiền: Hương ơi! Ra đây mà xem này. Đây có phải chỗ làm của anh
trai em không?
Chị Hương: Sao? có chuyện gì vậy chị?
Chị Hiền (đưa điện thoại cho Hương): Đây em đọc đi.
Chị Hương: (Cầm điện thoại đọc) “Bị lừa vì cả tin: Nguyễn Văn N (28
tuổi, Mường Lát, Thanh Hóa) vào làm việc cho một doanh nghiệp chế biến gỗ ở
vùng sâu vùng xa thuộc tỉnh miền núi với lời hứa hẹn về một công việc ổn định,
có mức lương tốt, nhưng kết quả không phải vậy....”.
Chị Hiền: Có phải anh trai em làm ở đây không?
Chị Hương (Trả điện thoại cho chị Hương): Không chị ạ. Lần trước em kể
với chị là anh ấy cũng đang có ý định đi làm ở một nơi như vậy nhưng may là có
bạn rủ vào làm công nhân ở một công ty gần nhà rồi chị ạ. Ơ nhưng mà những
người kia bị lừa như thế nào hả chị?
Chị Hiền (cầm điện thoại, rồi đọc to): Anh N kể lại “Ông chủ của tôi đã
trả cho người môi giới 600.000 đồng/tháng và thỏa thuận số tiền này sẽ được trừ
vào tiền lương hàng tháng của tôi. Hằng ngày họ bắt tôi phải dậy làm việc từ 5
giờ sáng đến 6 giờ chiều, tiền ăn của tôi cũng bị khấu trừ vào lương nên hầu như
không còn được mấy đồng. Không những vậy, cứ về đêm là tôi cùng với những
đồng nghiệp bị giam cầm trong một ngôi nhà khóa kín, có cả camera theo dõi.
Bên ngoài nhà máy là hệ thống rào sắt và hồ nước lớn bao quanh. Nhiều công
nhân không chịu được cảnh bóc lột đã bỏ trốn, họ bơi qua hồ và có hai người đã
bị chết đuối. Một số người bị bắt lại thì bị tra tấn và đánh đập rất dã man”. Gần
nửa năm sau khi bị cưỡng bức lao động, N may mắn trốn thoát, anh báo công an
đến giải cứu các đồng nghiệp.
Chị Hương: Haizzz...! Thời nay rồi mà vẫn còn những người bị tra tấn
như thời trung cổ đấy chị nhỉ? Chị xem tờ báo đấy có nói về việc xử phạt người
chủ lao động đấy không ạ?
Chị Hiền: Đây họ chỉ nói chung chung là người chủ đó bị khởi tố về tội
cưỡng bức lao động theo quy định tại Điều 297 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ
sung năm 2017 thôi em à.
Chị Hương: Vâng! Thôi! Em vào nấu cơm đây. Chị đi tắm đi, tối còn đi
chơi với anh Hùng nữa chứ nhỉ? (nháy mắt, cười lém lỉnh)
Hương vào trong bếp, Hà cũng lấy quần áo đi tắm. Một lát sau:
Anh Hùng: Hiền ơi! Em có nhà không?
Chị Hương: Em chào anh. Anh vào ngồi chơi, chị Hiền vừa ra ngoài mua
đồ, anh đợi chị ấy một lát ạ.
Anh Hùng (Vào nhà): Chào em. Dạo này gặp chị Hiền của em khó quá!
Chị Hương: (cười) Vâng! Công ty em dạo này nhiều việc, chủ bắt tăng ca
liên tục anh ạ. Làm về mệt rồi nên chị ấy không muốn đi đâu nữa.
Anh Hùng: Ừ, mà theo anh được biết thì công ty em rất nhiều lần tăng ca
như vậy đúng không? Anh đã khuyên Hiền là thấy mệt, sức khỏe không tốt thì
đừng có nhận làm thêm giờ nữa nhưng Hiền không nghe.
Chị Hương: Em cũng oải lắm anh ạ. Nhiều khi mệt không muốn làm mà
cũng có được đâu. Lần trước có chị cũng phản đối không làm thêm giờ, thế là bị
đuổi việc luôn đấy anh ạ.
Anh Hùng: Có việc đấy thật sao? Công ty em làm vậy là sai rồi đấy. Em
có biết một trong những nguyên tắc của việc làm thêm giờ là phải có sự đồng ý
của người lao động không?
Chị Hương: Nhưng họ cứ lấy lý do đơn hàng nhiều và cũng dọa là nếu
phản đối sẽ bị đuổi việc anh ạ.
Anh Hùng: Không phải bất cứ khi nào người sử dụng lao động tổ chức
làm thêm giờ thì người lao động cũng phải tuân theo, vì trong nhiều trường hợp,
làm thêm giờ sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động. Do đó, (cầm điện
thoại lên đọc to). Theo quy định tại Khoản 2 Điều 106 Bộ luật Lao động năm
2012 thì: Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ
khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
Một là, được sự đồng ý của người lao động;
Hai là, bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số
giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc
theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12
giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200
giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì
được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
Ba là, sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử
dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã
không được nghỉ.
Do vậy, nếu không được sự đồng ý mà ép buộc người lao động làm thêm
giờ, rất có thể doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng (theo khoản 3
Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã họi và đưa người
lao động Việt Nam đi làm việc ở nước người theo hợp đồng).
Chị Hương: Nhưng không làm là bị sa thải đấy anh ạ.
Anh Hùng: Em cần phải biết rằng, không phải chủ sử dụng lao động thích
sa thải ai cũng được đâu. Điều 126 Bộ luật lao động năm 2012 quy định cụ thể
các trường hợp người lao động bị sa thải đấy.
Chị Hương: Ôi! Sao anh nắm rõ luật vậy ạ?
Anh Hùng: May mắn cho anh là vừa rồi anh được công ty cử đi tham dự
lớp tập huấn kiến thức pháp luật về lao động nên anh mới nắm được em ạ. Các
em cũng nên đọc các quy định pháp luật nói chung đặc biệt là các quy định liên
quan đến công việc để có thể bảo vệ tốt hơn quyền lợi của bản thân, tránh bị chủ
sử dụng lao động lợi dụng sự không hiểu biết để ép buộc hay cưỡng bức lao
động.
Chị Hương: Vâng! Em cảm ơn anh ạ!
Đúng lúc đấy chị Hiền vừa từ ngoài vào.
Chị Hiền: Anh đến lâu chưa? Hai anh em có nói xấu gì em không đấy hả?
Anh Hùng: Anh vừa mới đến. Hai anh em đang nói về việc công ty em ép
người lao động làm thêm giờ nhiều quá.
Chị Hiền: Vâng! Anh có thấy em gầy đi không ạ? Suốt ngày tăng ca,
người lúc nào cũng mệt mỏi, thiếu ngủ. À mà anh có biết gì về tội cưỡng bức lao
động không, em vừa đọc báo thấy nhắc đến tội đấy. Không biết ép người lao
động làm thêm giờ thì có gọi là cưỡng bức lao động không nhỉ?
Anh Hùng: Trước tiên các em phải hiểu cưỡng bức lao động là gì. Theo
quy định tại Khoản 10 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2012 thì Cưỡng bức lao
động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc
người khác lao động trái ý muốn của họ.Theo quy định của Bộ luật hình sự năm
2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì Tội cưỡng bức lao động có mức phạt cao
nhất là phạt tù đến 12 năm đấy. Anh không nhớ chi tiết điều luật, các em có thể
lên mạng tìm đọc Điều 297 của Bộ luật này. Còn việc ép người lao động làm
thêm giờ không đúng quy định cũng có thể được coi là cưỡng bức lao động em
à.
Chị Hiền: Vậy giờ anh khuyên bọn em phải làm gì?
Anh Hùng: Để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của bản thân thì trước tiên
em hãy có ý kiến đối với chủ tịch công đoàn của công ty em để họ can thiệp.
Nếu không được thì em có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
trước thời hạn mà các quyền lợi của em vẫn được đảm bảo.
Chị Hiền: Vâng để hôm sau đi làm em sẽ tìm gặp chủ tịch công đoàn công
ty đề đạt nguyện vọng xem sao ạ.
Anh Hùng: À nhưng trước hết là các em nên tự vào internet đọc và tìm
hiểu các quy định của pháp luật về lao động đi đã nhé! Quyền lợi của mình mà
không nắm được thì sao mà bảo vệ được đúng không nào?
Chị Hiền và chị Hương cùng đồng thanh: Vâng! Bọn em biết rồi ạ!
Cả ba người cùng cười vui vẻ.
***

Tiểu phẩm số 07 “TRỢ GIÚP PHÁP LÝ LUÔN ĐI CÙNG DÂN”

Những tia nắng yếu ớt đầu đông kèm theo những đợt gió heo may nhẹ
khiến cho không khí vùng biên giới vốn buồn tẻ lại càng thêm lạnh lẽo.
Tại nhà Trưởng bản Tráng A Khang hôm nay hình như có việc gì mà thấy
nhiều người qua lại. Vọng từ trong nhà ra là tiếng của ông Giàng Cần Phử:
- Trưởng bản, ông phải có trách nhiệm chính trong việc này. Ông thay
mặt Đảng và nhà nước quản lý, trông coi cái bản này mà hết lần này đến lần
khác ông để những đứa con của bản vượt biên làm thuê, làm mướn bên Trung
Quốc hết rồi.
Nói một hơi dài, dường như mệt, người đàn ông im lặng. Chỉ nghe tiếng
gió đại ngàn thổi và tiếng thở dài của những người ngồi trong nhà trưởng bản
mà thôi.
Nhấp ngụm trà nóng Trưởng bản Tráng A Khang mới từ tốn nói:
- Việc này tôi cũng đang đau đầu đây, cũng đã báo cáo xã, huyện cả rồi.
Chế độ, chính sách người dân tộc thiểu số ở vùng cao như chúng ta cũng đã
được nhà nước đặc biệt quan tâm rồi. Vấn đề nằm ở nhận thức của con cháu
chúng ta thôi…
Ông Phử nghe vậy liền nói:
- Thế chả mấy mà bản Hảng Đề Chua ta thành bản người già hả ông,
thanh niên trai tráng đi hết đã đành, đến đám con gái có trách nhiệm chăm sóc
ông bà, bố mẹ cũng rủ nhau trốn đi hết cả…
Với cái điếu cày làm một hơi dài, mặt ông Phử trùng xuống, nói:
- Bản ta giờ đìu hiu, cô quạnh quá. Nhớ ngày nào tíu tít bên nương, trai
thanh nữ tú dập dìu, trẻ con nô đùa vang núi. Giờ có muốn nghe lại cũng chẳng
được nữa rồi.
Như muốn chấm dứt những lời than thở, ông Khang liền thông báo:
- Hôm nay tôi mời các cụ chủ chốt của bản đến đây để thông báo rằng:
Tuần tới sẽ có một đoàn công tác của tỉnh về làm việc với bản ta để tuyên truyền
pháp luật và trợ giúp pháp lý cho bà con khỏi hoang mang, dao động về tình
trạng hiện nay của bản.
Bà Hờ Mẩy Dơ nãy giờ ngồi tước sợi lanh không tham gia vào câu
chuyện, thấy vậy liền nói:
- Có thật vậy không trưởng bản? Nếu được nhà nước quan tâm như thế thì
tốt quá. Tôi cũng nghĩ giống trưởng bản, vấn đề nằm ở nhận thức của con em
mình thôi, nếu nó hiểu thì nó sẽ không làm đâu.
Quấn mấy cuộn lanh còn đang tước dở, bà Dơ ngồi ngay ngắn lại, nói
tiếp:
- Là chi hội trưởng chi hội phụ nữ bản Hảng Đề Chua, tôi cũng trăn trở
nhiều lắm khi không tìm được lối thoát cho chị em mình, nếu chỉ bám nương rẫy
thì cũng chật vật lắm mới đủ ăn. Nhìn thấy bên kia biên giới người ta buôn bán
tấp nập, ai lại chả muốn sang?
Nói rồi bà ngồi bất động, hướng mắt nhìn lên đỉnh núi. Bao đời nay tổ tiên
nhà bà vẫn bám rừng, bám núi mà sống. Vậy mà ngày nay, lớp trẻ đã sớm không
chịu được cực khổ rồi, mà cuộc sống bên kia biên giới chắc đã có gì hơn đâu???
Buổi tối hôm ấy. Bên bếp lửa hồng giữa nhà Trưởng bản Tráng A Khang
có một đoàn công tác của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh về làm việc
với bà con bản Hảng Đề Chua. Một người trong đoàn đứng lên nói:
- Thưa bà con bản Hảng Đề Chua, tôi xin được giới thiệu: tôi là Nguyễn
Mạnh Thắng là Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước
tỉnh, xin được chào toàn thể bà con của bản.
Một tràng pháo tay vang lên, chờ cho tiếng ồn ào lắng xuống, anh Thắng
nói tiếp:
- Hôm nay chúng tôi về đây, trước là để tuyên truyền cho bà con nhân dân
một số quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày, liên
quan đến chế độ, chính sách đồng thời cả những quyền lợi và nghĩa vụ của công
dân theo quy định của pháp luật.
Dừng lại một lát để bà con nghe, hiểu, anh Thắng nói tiếp:
- Sau là giải đáp những vướng mắc về pháp luật cho bà con nhằm giải
quyết các tranh chấp, mâu thuẫn hàng ngày (nếu có)
Nghe cán bộ tỉnh nói, cả nhà ông Trưởng bản Tráng A Khang ồn ào hẳn
lên, mỗi người mỗi ý, nhưng nghe chừng thấy khuôn mặt ai cũng vui vẻ, hồ hởi
khác hẳn không khí ban đầu. Mọi người đang mong chờ những điều tốt đẹp đến
với họ trong những ngày đông lạnh giá này.
Trưởng bản Tráng A Khang phải đứng lên để vãn hồi trật tự. Ông nói
tiếng Mông nhắc nhở bà con tôn trọng cán bộ và chỉ được phát biểu khi được
cán bộ mời.
Mọi người ngồi ngay ngắn, trật tự chờ anh Thắng làm việc. Cầm tập giấy
đứng lên, anh Thắng nói:
- Thưa bà con, vì không muốn bị ảnh hưởng đến ngày công lao động của
bà con nên chúng tôi quyết định làm việc vào buổi tối. Đây là thời điểm mà có
thể tập trung được đông đủ người dân tham gia. Chúng tôi hy vọng, mỗi người
dân lại tiếp tục tuyên truyền những kiến thức pháp luật mình lĩnh hội được đến
với nhiều người khác nữa để xã hội nói chung và bản ta nói riêng hạn chế thấp
nhất tình trạng vi phạm pháp luật.
Trong lúc anh Thắng tuyên truyền pháp luật về trợ giúp pháp lý, pháp luật
về phòng, chống mua bán người, pháp luật về lao động thì mọi người đều rất
lắng nghe. Như hiểu được khả năng nghe tiếng phổ thông của đồng bào còn hạn
chế nên anh Thắng nói thật chậm rãi, ngắn gọn, dễ hiểu, truyền tải những thông
tin dễ nhớ và cần thiết đối với người dân và đặc biệt là gười dân vùng cao, biên
giới.
Kết thúc phần tuyên truyền pháp luật, anh Thắng cử một chuyên viên
pháp lý tiếp xúc với bà con trong bản xem ai có nhu cầu tư vấn pháp luật và tư
vấn nội dung gì để anh Thắng có thể giải đáp trực tiếp cho bà con.
Trong lúc chờ bà con có ý kiến thì Trưởng bản Tráng A Khang đứng lên,
có lời trước:
- Thưa các đồng chí trong đoàn công tác. Tôi thay mặt bà con muốn hỏi
một câu: Khi được các anh tư vấn pháp luật thì người dân chúng tôi có phải trả
tiền không? Ngoài ra chúng tôi có phải thực hiện việc gì để được các anh tư vấn
không?
Để trả lời thắc mắc của trưởng bản, anh Thắng giải đáp ngay:
- Thưa bà con: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước của tỉnh là tổ chức
cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp
lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; bà con bản mình 100% là
người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó
khăn nên thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí.
Dừng lại một lát cho bà con nghe rõ, anh Thắng nói tiếp:
- Theo quy định tại Điều 8 Luật Trợ giúp pháp lý thì bà con được trợ giúp
pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác; được tự mình
hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố
tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý; được thông
tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ
chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan; được yêu
cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý; được lựa chọn một tổ chức
thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương
trong danh sách được công bố; được thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý; được
bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; được khiếu nại, tố cáo về trợ
giúp pháp lý theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên
quan.
Uống một ngụm nước, anh Thắng nói tiếp:
- Để thực hiện các quyền nêu trên thì bà con cũng phải có trách nhiệm và
nghĩa vụ theo quy định tại Điều 9 Luật Trợ giúp pháp lý như: Cung cấp giấy tờ
chứng minh là người được trợ giúp pháp lý; hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ
thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu
trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó; tôn trọng tổ
chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ
chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý; không yêu cầu tổ
chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho mình về cùng một vụ
việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thụ lý, giải quyết; chấp
hành pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.
Đỡ lời anh Thắng, trưởng bản Tráng A Khang trả lời thay cho dân bản:
- Nhất định là dân bản tôi sẽ chấp hành đúng quy định đồng chí ạ, đã được
hưởng chính sách của nhà nước, lại được đích thân các đồng chí về đây gặp trực
tiếp bà con dân bản thế này mọi người phấn khởi lắm ạ.
Quay sang phía bà con bản Hảng Đề Chua đang ngồi, trưởng bản nói:
- Bây giờ bà con có vướng mắc gì thì trự tiếp hỏi anh Thắng đây, anh
Thắng sẽ giải đáp vướng mắc cho bà con.
Trưởng bản vừa dứt lời thì không khí trong nhà ồn ào hẳn lên, mỗi người
nói một câu, cuối cùng không biết ai yêu cầu gì. Trưởng bản yêu cầu trật tự rồi
nói:
- Mỗi người một câu thế này không ai nghe được đâu, nếu mọi người có
câu hỏi giống nhau thì cho đại diện một người đứng lên hỏi thôi.
Nghe trưởng bản nói vậy, mọi người đều ngồi yên, giữ trật tự. Bà Hờ Mẩy
Dơ đứng lên pháy biểu:
- Thưa đoàn công tác, tôi là Hờ Mẩy Dơ - Chi hội trưởng chi hội phụ nữ
bản Hảng Đề Chua, tôi muốn hỏi một việc như thế này ạ: Bản tôi hiện nay có rất
nhiều thanh niên nam, nữ tự ý vượt biên sang Trung Quốc tìm kiếm việc làm mà
không thông qua cơ quan, tổ chức nào cả. Các cháu sang làm thuê và vẫn
thường xuyên liên lạc về gia đình, thỉnh thoảng ông, bà chủ cho nghỉ một, hai
hôm lại tranh thủ về thăm nhà…
Dừng lại một lát nghỉ lấy hơi, bà Dơ tiếp tục trình bày:
- Đến bây giờ ở bản còn toàn người già và trẻ em, nếu có việc gì lớn của
bản chúng tôi cũng không biết xoay sở thế nào?
Nghe đến câu nói này của bà Dơ, cả bản như lặng đi, đó là thực tế mà mọi
người luôn lo lắng. Hít một hơi sâu, bà Dơ nói tiếp:
- Xin hỏi bà con các em của bản đi sang Trung Quốc làm việc như vậy có
được không, có vi phạm pháp luật không? Nếu muốn cho các cháu không sang
Trung Quốc nữa thì bản tôi phải làm gì?
Nghe bà Dơ trình bày đầy đủ ngọn ngành câu chuyện, anh Thắng trưởng
đoàn công tác mới từ tốn đứng lên và trả lời cho bà Dơ cũng là trả lời cho cả
bản:
- Thưa bà con bản Hảng Đề Chua, nhu cầu được lao động của các cháu là
chính đáng, các cháu hoàn toàn có thể tham gia lao động phù hợp với độ tuổi và
năng lực của bản thân. Tuy nhiên phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về
lao động và xuất khẩu lao động. Nếu các cháu muốn lao động ở Trung Quốc là
nước ngoài thì phải thực hiện đầy đủ quy định về xuất khẩu lao động như khám
sức khỏe, nộp hồ sơ, sơ tuyển, đào tạo trước khi thi tuyển, thi tuyển, xin visa…
sau đó mới được xuất khẩu lao động. Như vậy mới không vi phạm pháp luật.
Thấy anh Thắng nói các điều kiện đi xuất khẩu lao động khó khăn như
vậy, sự lo lắng bắt đầu xuất hiện trên gương mặt những người già trong bản.
Trưởng bản liền đứng lên hỏi:
- Con cháu bản ta đi Trung Quốc đều là tự ý rủ nhau đi, không làm các
việc như đồng chí vừa nói, vậy có vi phạm pháp luật không và có bị xử lý gì
không?
Nhìn về phía Trưởng bản, anh Thắng trả lời:
- Thưa bác: Hành vi sang Trung Quốc lao động của các cháu sẽ vi phạm
quy định tại điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia
đình và mức phạt của hành vi này bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000
đồng đối với hành vi qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh,
nhập cảnh theo quy định.
Dừng lại một lát để mọi người ghi nhớ, anh Thắng tiếp tục:
- Nếu xác định mục đích vượt biên của các cháu nếu chỉ đơn thuần là tìm
việc làm thì bị xử phạt vi phạm hành chính như nêu trên, nếu liên quan đến các
hành vi khác như buôn lậu, mua bán người...thì sẽ bị khởi tố hình sự về các hành
vi tương ứng các bác ạ.
Cả nhà Trưởng bản xì xầm to nhỏ, mỗi người mỗi ý nhưng sự lo lắng thì
hầu như hiện rõ trên từng khuôn mặt. Như hiểu được tâm trạng mọi người, anh
Thắng trấn an:
- Đến thời điểm hiện tại, các cháu chưa có hành vi vi phạm pháp luật hình
sự, vì nếu có thì phía Trung Quốc đã thông báo nên các bác nên khuyên bảo con
em mình nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về xuất khẩu lao
động nói riêng và pháp luật nói chung góp phần đảm bảo an ninh vùng biên giới
và an toàn cho bản thân mỗi người chúng ta.
Ngoài trời đêm đang dần buông, cái lạnh như ngấm vào da vào thịt, màn
sương mờ giăng kín lối báo hiệu một màu đông khắc nghiệt ở vùng biên./.
***
Tiểu phẩm số 08 “NGUY HIỂM MẠNG”
Chị Bình: Mẹ của Hoa
Chị Hậu: Bạn thân của chị Bình
Minh: Con trai chị Hậu
Tối thứ 7 thành thơi, Bình sang nhà Hậu chơi, hai cô học cùng nhau từ thuở bé,
có gì cũng tâm sự chia sẻ với nhau. Trong phòng khách nhà Hậu, Hậu với Bình
ngồi sofa nói chuyện, Minh là con trai Hậu đang sửa mấy cái bóng đèn.
Chị Hậu: Thằng Minh nhà tôi năm nay 27 tuổi mà chẳng thấy có bạn gái gì bà ạ.
Giục nó yêu xong cưới đi mà lo làm ăn nó cứ dửng dưng như không.
Chị Bình: Con trai 27 tuổi vẫn trẻ, 30 tuổi hãng lấy vợ cho chững chạc. Bọn trẻ
giờ chúng nó cưới sớm rồi bỏ nhau đầy ra.
Minh: Đấy mẹ thấy chưa. Chậm mà chắc. Mẹ cứ bình tĩnh đi.
Chị Hậu: Nhà 2 thằng con trai. Tôi cứ thích nó cưới vợ về, nhà có đứa con gái
tôi thủ thỉ cũng thích. Như cái Hoa nhà bà, ngoan ngoãn, đỡ mẹ được ối việc.
Chị Bình: Thì nó cũng được cái chăm chỉ, đỡ đần mẹ được việc nhà. Nhưng có
con gái trong nhà như quả bom nổ chậm.. Dạo này tôi đang lo đây.
Chị Hậu: Sao mà lo. Có đứa con gái xinh xắn, ngoan ngoãn, giờ còn lo gì?
Chị Bình: Bà cũng biết tôi muộn con, mãi mới có nó. Mà nó đang tuổi lớn, tôi
cứ thấy nó cầm điện thoại nhắn tin suốt ngày. Hôm trước tình cờ xem được tin
nhắn của nó. Thấy đang quen thằng nào tít xa quen nhau trên facebook xong
nhắn tin yêu đương này nọ.
Chị Hậu: Ui chết. Nguy hiểm lắm. Giờ chúng nó toàn lên mạng lừa con gái mới
lớn. Chúng nó còn trẻ, nhẹ dạ cả tin. Bà phải cảnh báo nó ngay.
Chị Bình: Nói rồi. Bảo giờ trên mạng không biết địa chỉ, con người thằng kia ra
sao. Nó lừa đảo, hẹn hò gặp gỡ rồi bắt cóc bán sang Trung Quốc thì chết. Mà
mày đang đi học, không tập trung học mà cứ chat chit linh tinh là tao thu máy.
Nó cứ bảo con biết rồi với cả mẹ yên tâm. Nhưng tôi vẫn lo lắm.
Minh: Mà nó đang học cô cho nó dùng điện thoại làm gì?
Chị Bình: Thì bây giờ bạn bè nó đứa nào cũng dùng. Mà không có nhiều khi
cũng bất tiện, cần không gọi được cho nó. Mà giờ chúng nó học trên mạng cũng
nhiều. Không thu được.
Chị Hậu: Quen biết trên mạng này nguy hiểm. Bọn trẻ nó tiếp xúc sớm, cái gì
cũng biết.
Chị Bình: Mà nhà nước mình không có chính sách gì bảo vệ bọn trẻ con. Chứ cứ
để tiếp xúc mạng nhiều, chúng nó xem xong tò mò, yêu đương sớm.
Minh: Trong luật trẻ em có quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong
việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cô ạ.
Minh bấm bấm máy điện thoại tra cứu
Chị Bình: Quy định thế nào hả cháu!
Minh: Đây cô ơi. Theo Điều 54 Luật trẻ em 2016 thì Nhà nước có trách nhiệm
tuyên truyền, giáo dục để bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi
hình thức; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục
kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi
trường mạng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ
thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực
hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo
quy định của pháp luật.
Chị Hậu: Con xem có quy định nào cụ thể mà rõ ràng hơn về việc này không
con?
Chị Bình: Vì giờ bọn trẻ con nó tiếp xúc mạng, dễ bị xâm hại lắm. Bọn lừa đảo
trên mạng thì lại tinh vi. Nhà nước mà không can thiệp sâu là không được.
Minh: Đây. Con thấy ở Nghị định 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật trẻ
em có quy định rõ hơn đấy. Tại Điều 37 đây cô, các biện pháp hỗ trợ, can thiệp
trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng:
1. Cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và quản lý nhà nước về
trẻ em; tổ chức, doanh nghiệp hoạt động, cung cấp dịch vụ trên môi trường
mạng có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá, phân loại mức độ an
toàn cho trẻ em được các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em gửi tới; công bố
danh sách các mạng thông tin, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn
đối với trẻ em; bảo đảm việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin
không phù hợp với trẻ em.
2. Cơ quan công an có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can
thiệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Chị Hậu: Nhà nước họ quan tâm, có trách nhiệm mình cũng đỡ lo hơn một phần.
Chị Bình: Ừ đấy. Tuy nhiên đợt này về tôi cũng phải tăng cường trách nhiệm
giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để cái Hoa biết tự bảo vệ mình khi tham
gia môi trường mạng.
Chị Hậu: Vì tương lai con e chúng ta.

You might also like