You are on page 1of 25

05 TIỂU PHẨM PHÁP LUẬT

Tiểu phẩm:

TRẺ EM CŨNG CÓ QUYỀN1

Hôm nay, chị Lan rời công ty sớm hơn mọi khi để đón các con
về nhà sớm vì có bà ngoại ở quê lên chơi. Chị Lan chưa kịp dựng
chân chống xe máy thì Trung – cậu con trai lớn năm nay học lớp 8
đang ngồi sau xe đã nhảy xuống, làm đầu xe máy lắc lư. Bị bất ngờ
nên chị Lan bực mình, quát con ầm ĩ lên:

- Trung, con làm sao thế! Phải từ từ chứ, suýt nữa thì mẹ ngã!
Con chả hiểu gì cả. Lúc nào cũng hấp tấp!

Trung nhìn mẹ, có vẻ ngạc nhiên khi thấy mẹ cáu, có lẽ theo cậu
thì sự việc chưa đến mức nghiêm trọng để mẹ phải gắt gỏng với mình.
Vậy mà mẹ không chỉ nói to, có vẻ như nó có lỗi nặng lắm, mà mẹ cứ
có việc không ưng là lại lôi đủ chuyện ra, từ cổ chí kim để như muốn
kể tội nó. May là bố từ tốn, biết tính mẹ nóng nảy, không bao giờ đổ
thêm dầu vào lửa mà rất nhẹ nhàng, hài hước để làm giảm tính hay
nghiêm trọng, đề cao của mẹ. Trung cứ đứng đó chau mày, nó nhìn
mẹ:

- Con có làm gì đâu! Mà con nhảy như vậy có gì là nguy hiểm


đâu, nhẹ thôi mà. Nhưng mẹ dạo này làm sao ý, hay nói to, cứ như
là cãi nhau!

Chị Lan đang bực, thấy con nói vậy, càng thấy tức hơn:

1
Văn bản sử dụng: Luật Hôn nhân và gia đình 2014

1
- Giỏi nhỉ, giờ cũng lý sự với cả mẹ cơ đấy! Ai nuôi con lớn thế
này Trung!

Bà ngoài - mẹ chị Lan đang dọn dẹp trong phòng bếp. Nghe có
tiếng xe máy và giọng của chị Lan, bà vội mở cửa ngó ra ngoài:

- Có chuyện gì mà hai mẹ con nói với nhau to thế! Nào, Trung


vào đây bà xem, chà, dạo này phổng ghê, trông lớn hẳn lên!

Trung đi vào nhà, để ba lô lên tủ đồ, cậu chào bà nhưng mặt bí


xị:

- Cháu chào bà, cháu cũng chả biết mẹ cháu tức gì mà cháu vừa
nhảy từ xe xuống, có sao đâu mà mẹ cứ nói, mà còn nói nhiều nữa
chứ!

Bà ngoại cười nói vỗ về:

- Ừ, có lẽ mẹ đi làm ở công ty công việc cuối năm nhiều quá, nên


đâm ra hay cáu bẳn cháu ạ! Mà bà thấy mẹ cáu tý cũng được, có sao
đâu. Ngày xưa mẹ cháu vốn ít nói lắm, hay giờ nói bù, kệ mẹ, lên nhà
thay đồ ra rồi ăn cơm, còn học bài nữa. Bà biết Trung của bà thích
bánh tẻ lắm, nên hôm nay ra chơi bà bảo dì út đặt bánh cho con đây!

Trung hớn hở:

- Bánh tẻ ạ bà, cháu thích lắm! Ở đâu bà, bà luộc chưa! Rồi
Trung ra tủ bếp như muốn tìm để thử món đặc sản quê ngoại.

Bà ngoại cười:

- Bà luộc kia rồi, nhưng lên thay đồ rồi rửa tay sạch sẽ đã con ạ!
Lên nhà làm đi, giờ bà dọn cơm, dọn bánh ra ngay đây!

2
Vừa lúc đó, anh Tiến đi từ tầng 2 đi xuống, giọng anh sang sảng:

- Hai mẹ con có chuyện gì mà ầm ĩ lên thế!

Chị Lan đang cởi giầy, nghe chồng hỏi vậy thì cứ như được
cởi lòng:

- Mình còn đang loay hoay dựng xe nó đã nhảy phốc xuống, suýt
ngã, bực mình quá!

Anh Tiến nhìn vợ cười:

- Nhưng không sao chứ gì, thế thì nhẹ nhàng thôi, giờ con lớn
rồi, không phải thích gì, nghĩ gì nói nấy đâu! Em cứ cậy thế làm mẹ,
anh thấy nhiều khi sai phè phè ra vẫn cứ nói át nó!

Hai vợ chồng đang nói chuyện thì Trung đi xuống. Anh Tiến
muốn xoa dịu liền nói:

- Trung ạ, mẹ con dạo này có vấn đề rồi, bố con mình là cứ phải


chịu trận đấy! Mệt lắm!

Trung thấy bố nói thế xị mặt ra đáp:

- Mẹ nhiều khi con thấy vô lý lắm, cái gì cũng nghĩ là mình


đúng!

Thấy con trai nói vậy, chị Lan trợn mắt nhìn Trung:

- Con dạo này là hay cãi mẹ lắm đấy! Giờ khôn lớn rồi nên thích
cãi phải không!

Trung nhìn bố nói:

- Ơ… ơ… bố thấy con nói đúng không, mẹ là cứ hay nghĩ sai,


con có ý thế đâu!

3
Anh Tiến ngồi vào bàn so đũa, cười:

- Thôi được rồi, cả hai mẹ con đều đúng, chả có ai sai cả, nào ăn
cơm thôi. Hôm nay bà ngoại ra chơi chứng kiến luôn hai mẹ con lý
sự, chắc mai bà muốn về luôn. Ăn cơm đi mẹ, kệ hai mẹ con nó, cứ
đứng đấy mà chí chóe!

Bà ngoại xoa dịu:

- Mẹ nó lên cất đồ, thay quần áo rồi đi ăn cơm. Mà thi thoảng hai
mẹ con tranh luận tý cho vui cũng có sao đâu Trung nhỉ.

Chị Lan chạy lại chỗ Trung, một tay chị túm tay con trai còn tay
kia chị luồn cù nách Trung:

- Ừ, mẹ biết cũng có lúc mẹ nóng tính, nhưng con cũng làm mẹ


bực lên. Lần sau nhớ phải để ý, mẹ đang dựng xe mà tay mẹ yếu, dễ
ngã ra đấy thì hai mẹ con đều bị đau, nhẹ thì xây xước mà nặng thì
gãy chân, tay, rồi sưng đầu thì lại đi bệnh viện. Lúc đó còn khổ hơn,
phải lường trước nguy hiểm mà phòng ngừa chứ!

Rồi chị cười:

- Thôi nào ra ăn cơm, nghe mùi bánh của bà hấp dẫn quá.

Ngồi vào bàn, anh Tiến nhìn Trung:

- Lúc nãy bố cứ trêu mẹ thôi, chứ mẹ nói đúng đấy. Các con làm
gì cũng phải cẩn thận, sơ sễnh là đi bệnh viện, khốn khổ lắm!

Trung nhìn bố:

- Nhưng con có nói mẹ sai đâu, chỉ là sau đó mẹ lại cứ bảo con
cãi.

4
Thấy Trung nói thế, anh Tiến cười gật gật đầu:

- Ừ thì bố cũng thừa nhận mẹ mày cứ đang chuyện nọ sọ chuyện


kia, nhưng mẹ nói cũng không thừa. Các con cũng phải rút kinh
nghiệm!

Trung vừa bóc bánh vừa nhìn mẹ:

- Nhưng mẹ cũng phải rút kinh nghiệm nữa chứ! Đâu phải người
lớn thì nói gì cũng đúng đâu! Trẻ em cũng có lúc đúng chứ! Trẻ em
cũng có quyền mà.

Cô em gái của Trung lên 9 tuổi từ nãy tới giờ cứ vừa ăn vừa mải
nói chuyện với bà ngoại, giờ mới quay sang bố:

- Nhưng tại sao phải rút kinh nghiệm hả bố!

Chị Lan lên tiếng:

- Rút kinh nghiệm vì hư, bố mẹ nói một thì cãi hai, mai kia lớn
lên cho đi học luật, làm luật sư mà cãi.

Trung lườm mẹ:

- Hừm, mẹ lại bắt đầu rồi đấy! Mẹ nói thế thôi, rút kinh nghiệm
để tốt hơn chứ sao nữa!

Bà ngoại ngồi cạnh cười, bà vừa gắp thức ăn vào bát Trung vừa
nói nhẹ nhàng:

- Thôi để cho con nó ăn. Cháu ăn bánh nữa không! Xong còn học
bài nữa chứ!

Trung nói: - Vâng ạ!

5
Rồi cả nhà lại vui vẻ trở lại. Chị Lan cười thầm và nghĩ trẻ con
giờ khôn hơn mình ngày xưa nhiều quá. Chúng được học, được tiếp
cận nhiều với thông tin, sách báo, phương tiện công nghệ thông tin
hiện đại. Cho nên chúng biết trẻ em cũng có quyền chứ không riêng
gì người lớn.

Tiểu phẩm 2:

TÍNH MẠNG LÀ TRÊN HẾT2

Tại một quán nhậu, ba người đàn ông đang vui vẻ, rượu vào,
lời ra.

Hải: Nào chúng ta dzô nhé! Một, hai, ba…..dzô!

Nam: Ha… ha… ha…Trăm phần trăm nào anh em, uống đi cho
thoải mái cuộc đời.

Cường: Đúng vậy, phải làm tăm phần tăm. Lấy rượu thêm
đi anh em.

Hải: Chủ quán đâu, cho thêm chai Vodka to nhé!

Cường: Đúng đấy, cho thêm chai Vodka to nhé!

2
Văn bản sử dụng: Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/11/2013 quy định về xử phạt
hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

6
Nam: Hôm nay chúng ta không say không về. Lâu rồi chúng ta
không gặp nhau luôn, phải uống cho hết mình.

Hải: Chưa say chưa v…ề. ….!

Cường: Thêm món nhắm không, uống khan thế này sót ruột
quá.

Hải: Thôi, mình làm hết chai này rồi về thôi. Chiều tao còn phải
làm việc nữa.

Nam: Kệ đi mày. Việc cơ quan đã có thằng khác lo, việc của


mày là phải uống hết chai này với bọn tao.

Cường: Mình làm hết chỗ này rồi về nhé. Chiều tao cũng có
chút việc phải làm.

Nam: Vậy “Bắc Cạn” luôn nhé. Hôm khác gặp nhau phải hết
mình đấy nhé.

Hải: Ok, hôm nay thế đã. Chủ quán đâu, thanh toán tiền nào.

Cường: Ok. Trăm phần trăm nào.

Cả ba người cùng nhau chúc tụng. Lúc này cả ba đều ngà ngà
say, mặt trời bắt đầu mọc vào lúc 1giờ chiều trên gương mặt của họ.

Ba người đàn ông ngà ngà men rượu bước ra khỏi quán nhậu.

Hải: Thằng nào có xe lai tao với, lúc nãy tao đi taxi tới.

Cường: Vậy hả, hai thằng tao đi một xe máy. Hay mày gọi
taxi mà về.

Nam: Thôi không sao đâu. Lên đây tao zin ba.

Hải: Nhưng mà tao không có mũ bảo hiểm.

7
Nam: Không sao đâu, tao là siêu sao lách công an mà. Mày cứ
ngồi lên đây tao đèo.

Cả ba ngồi lên chiếc xe máy, lạng lách, vòng vèo đi nhanh về


kịp giờ làm buổi chiều.

Hải: Mày đi từ từ thôi, mày say rồi đấy.

Nam: Bậy mày! Tao đâu có say. Mà tao say thì mày cũng xỉn
chớ mày hơn gì tao? Mày xem tao chạy nè…(Nam nói xong rú ga bốc
xe lên chạy vòng vòng, lạng lách, đánh võng.... )

Hải: Nam, chạy chậm thôi, đừng lạng lách.

Nam: Không sao đâu mày, tin tưởng vào tay lái lụa của tao đi.

Cường: Chết rồi Công an trước mặt mày ơi!

Nam: Đâu đâu, chúng mày ngồi yên để tao lách nào, không
sao đâu.

Hải: Không được đâu mày, nguy hiểm lắm. Đường một chiều
mày quay xe là chết đó.

Cường: Không kịp rồi mày ơi.

Cảnh sát giao thông huýt còi ra hiệu dừng xe. Nam loạng
choạng dừng xe, cả ba xuống xe

CSGT: Chào anh. Anh đã vi phạm luật giao thông. Yêu cầu anh
xuất trình Giấy phép lái xe!

Nam: (giọng xởi lởi)A! chào các đồng chí. Anh em quen biết cả
mà. Cho qua đi nhé!

8
CSGT: Không được. Các anh đã vi phạm luật an toàn khi tham
gia giao thông.

Nam: (tỏ vẻ khó chịu, lý sự) Tôi có gây ra tai nạn, gây thương
tích cho ai đâu mà bảo phạm luật ?

CSGT: Không cứ phải gây ra tại nạn cho người khác mới là
phạm luật. Anh đã điều khiển xe máy trong khi hơi thở có nồng độ
cồn vượt mức qui định.

Nam: Làm sao anh biết hơi thở của tôi có nồng độ cồn vượt
mức qui định?

CSGT: (đưa máy đo nồng độ cồn cho Nam, Hải, Cường) Các
anh vui lòng thổi vào đây!

Cả ba ngần ngừ một chút rồi thổi vào máy

CSGT: Anh Nam xem nhé. Máy chỉ 0,4 miligam, trong khi
mức cho phép là không quá 0,25…Điểm b Khoản 5 Điều 6 Nghị định
171/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/11/2013 quy định về xử
phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy
định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người
điều khiển giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn
vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá
0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Anh lại còn lạng lách,
đánh võng…Điểm b Khoản 7 Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP của
Chính phủ ngày 13/11/2013 quy định về xử phạt hành chính trong
lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Phạt tiền từ

9
5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người điều khiển xe lạng
lách, đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị.

Nam: Nhưng mà tôi vẫn chủ động, điểu khiển xe an toàn, tôi có
làm sao đâu?

CSGT: Anh không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy
tham gia giao thông. Điểm i Khoản 3 Điều 6 Nghị định
171/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/11/2013 quy định về xử
phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy
định: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều
khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô
tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”
không cài quai đúng cách khi tham gia giao thông trên đường bộ.

Hải: Các đồng chí thông cảm, lâu rồi anh em tôi không gặp
nhau.

CSGT: Chấp hành luật giao thông là nghĩa vụ và trách nhiệm


của mọi công dân. Các anh là cán bộ, công chức lại càng phải chấp
hành nghiêm túc để làm gương cho quần chúng nhân dân.

Nam: Đồng chí thông cảm. Tôi xin rút kinh nghiệm lần sau sẽ
không vi phạm. Các đồng chí bỏ qua cho lần này…

CSGT: Xin lỗi các anh, chúng tôi không thể làm theo yêu cầu
của anh được. Chúng tôi buộc phải giữ giấy phép lái xe và phương
tiện của các anh trong thời gian qui định của luật và đồng thời thông
báo tình hình vi phạm của các anh về cơ quan của các anh. Yêu cầu
anh ký biên bản!

10
Nam: Linh động chút đi đồng chí ơi! Vì chúng tôi cũng chưa
gây ra thiệt hại gì mà.

CGST: Tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu như các anh
uống rượu mà điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tai nạn
có thể xảy ra và có thể cướp đi sinh mạng của người đi đường hoặc
chính sinh mạng của các anh bất cứ lúc nào.

Hải (nói với Nam): Đồng chí ấy nói đúng đấy. Mình sai quá đi
rồi. Thôi ký tên vào biên bản vi phạm đi.(Nam miễn cưỡng ký tên vào
biên bản).

Nam: Tôi rất thấm thía về lời của đồng chí CSGT. Đúng! Hãy
vì lương tâm và trách nhiệm công dân, vì tính mạng của chính
chúng ta và của những người đi đường. Hãy tuân thủ một cách
nghiêm túc trong việc thực hiện an toàn trong khi tham gia giao
thông nhằm ngăn ngừa đến mức cao nhất việc gây ra tai nạn cho
người khác và kể cả chính mình.

Tiểu phẩm 3:

HÃY VÌ LỢI ÍCH CHUNG3

Sáng sớm hôm nay, lúc mọi người còn chưa dậy, ông Vinh đã
lôi hai chiếc bếp than tổ ong ra, hì hục chẻ củi nhóm lửa để đun nước
bán hàng. Mấy hôm trời mưa, than bị ướt làm khói mù mịt, ông Vinh
vừa quạt bếp, vừa nghe sặc sụa. Nghe có tiếng lạch cạch, bà Tân – vợ
ông Vinh kéo mà chạy ra và quay sang trách cứ cậu co trai là thằng
Tuấn còn đang ngủ ở giường kế bên

3
Văn bản sử dụng: Luật Bảo vệ môi trường 2014

11
Bà Tân: Mày không dậy phụ bố mày một tay dọn hàng rồi còn
đi học. Mà việc tối qua mày đã làm hay chưa? Cái bao bì đựng vỏ
kẹo, bã mía với đống xỉ than, tối qua mẹ bảo mày đổ, mày đã mang đi
đổ chưa?

Tuấn (giọng ngái ngủ): Hôm qua dọn hàng muộn, hết giờ kẻng
đổ rác, con chưa đổ được. Chiều nay đi học về con sẽ đem ra bãi rác
của xã đổ. Mà mẹ không bảo bố, mới sáng sớm quạt than khối thế, ô
nhiễm lắm. Bố mẹ mua cái quạt con về nhóm bếp cho mau cháy.

Bà Tân (mắng ầm ĩ): Sao mày không mang rác ra sau sân vận
động gần nhà mà vứt cho nhanh. Đầy người vẫn làm như thế. Còn
việc nà mình đốt than thế nào chẳng ảnh hưởng đến ai.

Tuấn bước ra khỏi giường, vừa gấp chăn màn, vừa cãi lời mẹ.

Tuấn: Mẹ cứ vì lợi ích riêng của mình. Ai cũng làm như mẹ cái
sân vận động thành bãi rác công cộng à? Cô giáo con bảo phải biết
bảo vệ môi trường, vì lợi ích chung của tất cả mọi người.

Vừa lúc đó, ông Vinh nhóm bếp xong. Bước vào nhà, nghe
xong câu chuyện của hai mẹ con. Ông liền nói:

Ông Vinh: Đúng đấy bà ại. Chỉ tại mấy viên than này bị ướt
hôm mưa nên nhóm bếp lâu cháy. Tôi phải quạ mỏi cả tay. Chứ khói
quá, tôi còn không chịu nổi. Mai phải mua cái quạt con về nhóm bếp
cho nhanh…. (Ôm ngực ho sù sụ) Đi học về, thằng Tuấn lấy xe đạp
chở bao rác ra chỗ tập kết rác của khu mà vứt. Tối hôm nọ, tôi đi họp
được biết năm nay phường phát động phong trào bảo vệ môi trường
bằng các hoạt động tích cực để giữ cho môi trường trong lành, sạch

12
đẹp. Tôi còn nhớ cán bộ phường họ phổ biến là theo quy định tại Điều
81 Luật bảo vệ môi trường, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực
hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công
cộng; phân loại, chuyển rác thải vào thùng chứa rác công cộng hoặc
đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ
sinh nơi công cộng.4

Tuấn: Mẹ không biết thôi, Luật Bảo vệ môi trường mà bố vừa


nhắc đến đó còn quy định hộ gia đình không được phát tán khí thải
gây ảnh hưởng xấu đến hộ gia đình xung quanh. 5 Nhà mình mà cứ
nhóm bếp than gây khói mù mịt như sáng nay cũng và vi phạm pháp
luật đấy. Mà nếu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ
sinh môi trường nơi công cộng thì bị xử lý bằng các biện pháp như
phạt tiền, buộc lao động vệ sinh môi trường có thời hạn ở nơi công
cộng, tạm giữ phương tiện có liên quan gây ra ô nhiễm môi trường.
Thậm chí nếu người nào có hành vi vi phạm các quy định pháp luật
về môi trường mà gây hậu quả nghiêm trọng thì theo Bộ luật hình sự
có khi còn phải đi tù nữa đây chứ!

Bà Tân (đánh yêu con): À, mày lại dọa mẹ à? Mà sao con


biết như vậy?

Tuấn: Thì bọn con được học ở lớp mà. Bọn con còn tham gia
vào hoạt động Ngày chủ nhật xanh đấy mẹ ạ, tức là ngày đó chúng co
sẽ tham gia dọn vệ sinh ở một điểm công cộng nào đó trong huyện
mình. Bảo vệ môi trường là rất qau trọng. Thế giới người ta còn có

4
Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014
5
Khoản 3 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

13
hẳn một ngày gội là “Ngày môi trường thế giới”, tức là ngày 5 tháng
6 hàng năm đấy mẹ ạ!

Ông Vinh: Thỉnh thoảng trong chương trình pháp luật phát
trên loa của xã, người ta vẫn phổ biến các quy định pháp luật về
bảo vệ môi trường và trách nhiệm của mỗi người tham gia bảo vệ
môi trường, bà không nghe à?

Bà Tân: Thì ông xem, tôi suốt ngày bận rộn có lúc nào mà để ý.

Tuấn (cười, trêu mẹ): Mẹ thì chỉ để ý xem hôm nay bán được
bao nhiều tiền thôi….

Bà Tân: Cha bố anh, thì mẹ cũng lo cho gia đình mình thôi…
mà, bố con nhà ông nói vậy tôi hiểu rồi. Tôi sẽ đổ rác đúng giờ, đúng
nơi, rồi mua cái quạt con cóc để quạt bếp than cho nhanh chứ gì. Xin
chịu hai bố con. Thôi, tôi đi chuẩn bị bữa sáng đây để thằng Tuấn còn
đi học rồi ông còn ra mở quán.

Lát sau, chỉ nghe thấy trong nhà tiếng chuyện trò, cười đùa thật
rôm rả. Vừa lúc đó, giai điệu mượt mà của một bài ca vang lê trên loa
phát thanh của xã. Lời bài ca ca ngợi thiên nhiên, kêu gọi con người
sống thân thiện với môi trường.

Tiểu phẩm:

TRÁCH NHIỆM THUỘC VỀ AI ?6


6
Văn bản sử dụng: Bộ luật dân sự (sửa đổi) 2015;

14
Bà Hương là tổ trưởng tổ dân phố A. Mấy hôm nay không thấy
chị Đào thường hay bán hoa quả ở đầu ngõ, trong lòng bà không khỏi
thắc mắc. Cái con bé ấy lúc nào cũng xởi lởi, mau mồm mau miệng,
bà thấy tội cho hoàn cảnh của nó là phải một thân một mình nuôi con.
Cả gia đình chỉ trông vào gánh hoa quả này...Thế mà hẳn mấy hôm
không thấy dọn hàng. Nghĩ đến đó, bà quyết tâm đến tận nhà chị Đào
để xem có chuyện gì...

Tại cổng nhà chị Đào,

Bà Hương: Cô Đào ơi, có nhà không?

Thằng Hùng - con chị Đào chạy ra và mở cổng cho bà vào,

Hùng: Cháu chào bác, mẹ cháu đang ở trong nhà ạ. Cháu mời bác
vào nhà.

Tại phòng khách nhà chị Đào, trong thấy bà Hương, chị Đào
đang nằm trên chiếc giường, bèn gượng ngồi dậy:

Chị Đào: Chào bác, hôm nay bác đến nhà chơi hay có chuyện gì
không ạ?

Hùng lấy nước đưa cho bà Hương,

Bà Hương: Cảm ơn cháu (thong thả cầm chén nước chè Hùng
rót - nói tiếp): Mấy hôm tôi không thấy cô dọn hàng nên sang hỏi
thăm xem nhà có chuyện gì không, hay cô bị ốm? Mới có mấy hôm
không gặp mà trông cô xanh xao quá!

Chị Đào búi lại mái tóc và mếu máo,

Chị Đào: Khổ thân em quá! Thằng Hùng nhà em đi tham quan với
lớp, không biết trêu đùa với bạn thế nào mà đẩy một bạn cùng lớp ngã

15
xuống suối (Thở dài). Không may bạn kia bị gẫy tay, giờ đang phải
bó bột nằm điều trị ở nhà (Quay đầu nhìn Hùng)

Hùng: Con không cố ý đâu mà.

Bà Hương ái ngại,

Bà Hương: Rồi sao cô?

Chị Đào: Hôm trước em đến thăm, gia đình nhà cháu kia cũng đã
đánh tiếng với em là chuẩn bị tiền để bồi thường chi phí thuốc men,
chi phí điều trị..dễ cũng hơn cả chục triệu đồng. Bác xem (xoay đầu
sang bà Hương), em buôn bán nhì nhằng, nhà lại chỉ có một mẹ một
con, em biết lấy tiền đâu ra mà đền???

Bà Hương chăm chú lắng nghe rồi hỏi,

Bà Hương: Thế nhà trường người ta đã có ý kiến gì chưa?

Chị Đào: Em cũng vừa nhận được giấy mời của nhà trường đây. Họ
hẹn ngày mai đến trường để trao đổi bác ạ.

Bà Hương: Có thể ngày mai nhà trường sẽ trao đổi cụ thể. Có cô


không phải bồi thường đâu.

Chị Đào ngớ người ra thắc mắc,

Chị Đào: Bác nói vậy là sao? Em không hiểu. Thằng Hùng mới
học lớp 7, đang độ tuổi chưa thành niên, gây thiệt hại thì cha, mẹ
phải bồi thường chứ ạ?

Hùng đang hối lỗi lắng nghe,

Bà Hương thong thả giải thích:

16
Bà Hương: Thế là cô cũng biết quy định của pháp luật nhưng lại
chưa biết hết. Đúng là Điều 585 Bộ luật dân sự (sửa đổi) 2015 có
quy định: "Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha,
mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại..". Tuy nhiên, theo
Điều 599 Bộ luật dân sự (sửa đổi) 2015 thì "Người chưa đủ mười
lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt
hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra". Theo lời cô kể
thì cháu Hùng gây ra tai nạn cho bạn trong lúc đi tham quan cùng
nhà trường, nghĩa là trong thời gian nhà trường đang quản lý thì có
thể trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về nhà trường chứ không phải
cô.

Nghe bà Hương nói vậy, chị Đào mừng rỡ,

Chị Đào: Thế ạ, may quá, có bác giải thích. Trước đâyy bác là cán
bộ tư pháp thế mà em không nhớ ra để sang hỏi bác, em cứ lo mất ăn
mất ngủ suốt mấy ngày nay..

Bà Hương: Nhưng cô đừng mừng vội, vì tôi nói có thể trách nhiệm
bồi thường thuộc về nhà trường. Bởi vi, nếu trường học chứng minh
được mình không có lỗi trong quản lý, ví dụ, cháu Hùng đã không
chấp hành quy định chung, trốn thầy cô ra suối chơi, rồi đùa nghịch
làm bạn bị ngã gẫy tay thì trong trường hợp này cô phải bồi thường.

Chị Đào: Ô, thế hả bác. Thế bây giờ em nên làm gì?

Bà Hương: Thì ngày mai cô cứ đến trường, gặp đại diện nhà trường
và gia đình bên kia. Rồi xem phải trái thế nào để xem trách nhiệm bồi
thường. Nhưng mà theo tôi, các bên nên thỏa thuận cho hợp tình hợp

17
lý cô ạ, cũng không nên làm to chuyện quá, lại ảnh hưởng đến tình
bạn của các cháu.

Chị Đào: Nghe bác nói thế em cũng thấy rõ hơn về trách nhiệm bồi
thường thiệt hại khi mà những người chưa thành niên như con em gây
ra. Có gì thì em lại sang hỏi bác thêm nhé.

Bà Hương: Ừ, có gì thì cô cứ sang. Nhưng cũng đừng vì thế mà


quá lo lắng. Khỏe rồi thì lại ra chợ đi. Tôi rất thích mua hoa quả
của cô, vừa tươi ngon, giá cả lại hợp lý. Thôi tôi về đây, cũng đến
giờ nấu cơm trưa rồi.

Chị Đào: Vâng em cảm ơn bác. Mai em lại ra bán hàng. Để em tiễn
bác về.

Tiễn bà Hương ra về, quay vào nhà, đến chỗ bàn học nơi con
trai đang ngồi học, chị nhẹ nhàng dặn dò,

Chị Đào: Lần sau con đừng chơi đùa nghịch dại nữa nhé, vừa ảnh
hưởng đến mình, vừa gây hại cho bạn.

Hùng (cúi đầu vẻ hối lỗi): Vâng ạ!

18
Điều 585. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi
thường.
2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha,
mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi
thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó
để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ
luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì
phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì
cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người
có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người
giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ
để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài
sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của
mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc
giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Điều 599. Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất
năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ
hành vi gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, cơ quan khác trực
tiếp quản lý
1. Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản
lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
2. Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận
thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện,
cơ quan khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, cơ quan khác phải bồi thường
thiệt hại xảy ra.
3. Trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu
trường học, bệnh viện, cơ quan khác chứng minh được mình không có lỗi trong
quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất
năng lực hình vi dân sự phải bồi thường.

19
Tiểu phẩm 5:

HÃY TRÁNH XA HIỂM HỌA MA TÚY7

Tại nhà Trung,

Mẹ Trung (bà Vũ) đang gói ghém cẩn thận số tiền trong tờ giấy
báo cũ rồi đưa lại cho bố Trung (ông Thành),

Bà Vũ: Ông này, tôi đã bán gần hết chỗ thóc trong nhà và con lợn nái
trong chuồng, cũng đủ số tiền cho cón nó đóng hoc phí, còn một chút
để nó giữ lấy trong người.

Ông Thành (đưa tiền cho con rồi dặn dò): Con cố gắng học hành
chăm chỉ, không phải lo lắng gì, mọi việc ở nhà đã có bố mẹ.

Trung: Vâng, bố mẹ cứ yên tâm... Con đi đây ạ, bố mẹ ở nhà giữ


gìn sức khỏe...

Nói xong Trung bước đi.....hai ông bà đứng nhìn theo...

Tại cổng trường PHỔ THÔNG TRUNG HỌC MIỀN NÚI X

Trung cầm tờ giấy báo nhập học sung sướng bước vào cổng
trường...

Bà Vũ đang phơi thóc ngoài sân, thì ông Thành vui mừng từ ngoài
cổng chạy vào,

Ông Thành: Bà ơi, thằng Trung nó gửi thư về này....

Bà Vũ cầm thư đọc,

7
Văn bản sử dụng: Bộ luật hình sự (sửa đổi) 2015;

20
Bà Vũ: Ông ơi con nó bảo học kỳ I kết quả học tập bình quân của nó
đạt 7.3. Nó còn nói sẽ cố gắng học thật tốt dể khỏi phụ công của tôi
với ông nữa đây này...

Ông Thành vui mừng,

Ông Thành: Tốt rồi...Vậy mà bấy lâu nay tôi chỉ sợ nó đi học xa nhà,
không ai quản lý rồi sinh đua đòi hư hỏng..

Bà Vũ: Ông chỉ được cái hay lo xa...À ông ơi, tôi tính thế này....con
mình nó học hành vất vả.. bán lứa lợn này tôi gửi thêm cho nó ít tiền
nữa để nó ăn uống cho có sức mà học ông nhé..

Ông Thành: Ừ, tùy bà..

Tại quán nét cạnh cổng trường, Trung khuôn mặt gầy rộc, hai
mắt thâm quầng, đang vui đầu vào chơi game online.

Chủ quán: Thế nào thằng nhóc, hôm nay mày đã có tiền trả tao
chưa?

Trung: Chú cho cháu thư thư ít bữa nữa để cháu lo. Bố mẹ cháu sắp
gửi tiền xuống cho cháu rồi.

Nghe thấy thế ông chủ quán gằn giọng,

Chủ quán: Ít bữa nữa là bao lâu? Liệu mày có kiếm được tiền để trả
tao không, hay lại tính bài chuồn đấy. Nói trước, không trốn thoát
được đâu nhá (Nghĩ một lát). Thôi được tao có việc cho mày đây. Nếu
mày làm việc cho tao, tao sẽ trừ nợ dần cho mày.

Trung như người chết đuối với được cọc,

21
Trung: Việc gì vậy chú? Khó mấy, vất vả mấy cháu cũng làm, miễn
là có tiền để trả nợ...

Chủ quán: Mày cứ yên tâm đi, việc này không khó. Chỉ cần
nhanh nhẹn là làm được thôi. Nhưng phải kín mồm, kín miệng
nghe chưa. Hở ra là chết đấy!

Trung: Nhưng mà việc gì thế ạ?

Chủ quán: Việc của chú mày đơn giản thôi, anh có làm ăn buôn bán
mấy thứ hàng lặt vặt, chú mày chỉ cần giúp anh mang các gói hàng
đến các địa chỉ theo hướng dẫn là ok thôi.

Trung (nghĩ ngợi một chút rồi nói): Vâng ạ!

Tại một con ngõ nhỏ

Trung đang giao hàng cho khách thì bị Đội cảnh sát phòng
chống tội phạm về ma túy bắt giữ. Người khách lạ nhanh chân chạy
trốn. Gói hàng mà Trung vận chuyển chính là heroin. Trung bị bắt.

Tại Tòa án

Chủ tọa tuyên án: Tính đến ngày bị bắt, bị cáo Trung vừa qua tuổi
16 được 3 tháng, đang học lớp 10. Bị cáo Tuấn bị truy tố về tội vận
chuyển trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 250 Bộ luật hình
sự (sửa đổi) 2015. Hậu quả từ hành vi của bị cáo là bài học cảnh tỉnh
các bạn trẻ đừng quá vì nhu cầu của bản thân mà sa ngã vào con
đường phạm tội.

Trung đứng trước vành móng ngựa, nhìn về bố mẹ, những giọt
nước mắt hối hận lăn dài trên má...

22
Trung (nói lời sau cùng trước khi Tòa tuyên án): Chỉ vì quá ham mê
game online mà tôi bỏ học, rồi nợ tiền chơi game. Vì cả tin nghe lời
người ta, tôi đã có hành động sai, vi phạm pháp luật. Tôi rất hối hận
(Quay lại phía bố mẹ). Con xin lỗi bố mẹ. Con hứa sẽ cải tạo tốt để
sớm trở về với bố mẹ, làm lại cuộc đời..

Tham dự phiên tòa, mẹ Trung khóc những giọt nước mắt lăn dài
trên gò má nhăn nheo khắc khổ "Con ơi, sao con dại thế? Bao nhiêu
công dạy dỗ, bao nhiêu tiền của, mồ hôi nước mắt giờ đổ cả xuống
sống, xuống biển. Về quê làm sao còn dám ngẩng mặt nhìn họ hàng
làng xóm nữa hả con? Sao con làm khổ bổ mẹ thế hả con?"

23
Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy
1. Người nào vận chuyển trái phép chất ma túy không nhằm mục đích sản
xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội
này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến
dưới 500 gam;
c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng
từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;
d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10
kg đến dưới 25 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;
g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;
h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100
mililít;
i) Có 02 chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương
với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h
khoản này.
2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
e) Vận chuyển qua biên giới;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam
đến dưới 01 kilôgam;
h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng
từ 05 gam đến dưới 30 gam;
i) Lá, rễ, thân,
2. Phạm cành, các
tội trong hoa,trường
quả cây
hợpcần
sausa hoặc
đây, lá phạt
thì bị cây côca khối
tù từ 07 lượng
năm đến từ 10
kilôgam đến dưới 25 kilôgam;
15 k)
năm:
Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
m) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
n) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250
mililít;
o) Có 02 chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương
với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n
khoản này;
p) Tái phạm nguy hiểm.

24
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm
đến 20 năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao cô ca có khối lượng từ 01 kilôgam
đến dưới 05 kilôgam;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng
từ 30 gam đến dưới 100 gam;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25
kilôgam đến dưới 75 kilôgam
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;
e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750
mililít.
h) Có 02 chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương
với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g
khoản này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù
chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở
lên;
b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng
100 gam trở lên;
c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75
kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;
e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên.
h) Có 02 chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương
với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g
khoản này.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000
đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01
năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

25

You might also like