You are on page 1of 4

Dân cư vùng thôn quê Bắc bộ từ xưa sống quần cư trong làng, được bao bọc bởi những

luỹ tre, hào sâu để tăng tính phòng thủ. Đặt tại trung tâm là Đình làng – nơi thờ Thành
hoàng, đồng thời cũng là chốn sinh hoạt cộng đồng, hội họp, tổ chức lễ hội thường niên.
Làng thường có vài ba giếng, có giếng đào sâu là nơi dân làng đến lấy nước sinh hoạt, có
giếng lớn, nông quây lại như một cái ao nhỏ là chỗ tắm rửa, chơi đùa của trẻ con. Những
không gian chung này được dân làng cùng góp công, góp của để xây dựng, nên ai cũng
có trách nhiệm và ý thức gìn giữ. Các ngôi nhà trong làng đều có vườn bao bọc, phía
trước là khoảng sân hàng hiên dùng cho việc phơi phóng và những sinh hoạt ngoài trời;
bước qua ngạch cửa vào gian giữa là nơi thờ tự được bố trí trang trọng, đặt cạnh hai gian
bên là không gian tiếp khách; các gian đầu hồi được ngăn cách kín đáo hơn là chỗ nghỉ
ngơi riêng tư và cất giữ đồ đạc gia đình; căn bếp được đẩy ra phía sau hoặc bên cạnh
thành một khối nhà riêng. Sự phân định giữa các không gian được tạo ra bởi các đường
biên mềm mại, đôi khi mang tính ước lệ: bậc cấp, ngưỡng cửa tạo ý thức về bên trong
bên ngoài; hàng cột, cửa võng định ra ranh giới các gian, tấm rèm vải hoặc mành tre để
ngăn cửa buồng. Ý thức về cái chung- cái riêng đã tồn tại từ lâu trong văn hoá Việt, tuy
nhiên có thể thấy tính cá thể khá mờ nhạt mà thay vào đó là một lối sống đề cao tính tập
thể, ở cả quy mô gia đình lẫn quy mô cộng đồng làng xã.

Buổi biểu diễn hát Chèo tại đình So (Quốc Oai, Hà Nội) do nhóm Đình làng Việt tổ chức. (C)
Phan Huy
Giếng nước một làng làm giấy ở Hà Nội. (C) Pierre Dieulefils
Nhà ở đô thị đặt trong một bối cảnh hoàn toàn khác so với những ngôi nhà làng quê. Với
diện tích nhỏ làm giới hạn các khả năng bố trí, không còn những khoảng lùi, không còn
khu vườn ngăn cách, ngôi nhà thường phải tiếp xúc trực diện với môi trường đô thị, điều
đó đôi khi dẫn đến những xung đột gay gắt giữa cái chung và cái riêng trong đời sống. Đi
kèm với nhu cầu an toàn, riêng tư, lối sống của cư dân đô thị cũng trở nên hướng nội,
tách biệt với cộng đồng. Ngôi nhà vì thế có xu hướng tạo những vách ngăn cứng, định
những ranh giới rạch ròi với môi trường, biến thành những pháo đài độc lập trong thành
phố. Người ta hay nói lên thành phố nhà cửa san sát nhau, nhưng chẳng ai biết ai. Có
phải mối quan hệ tập thể ngoài phạm vi gia đình không thể tồn tại trong một môi trường
như thế này? Phải chăng kiến trúc hướng nội luôn là giải pháp phù hợp nhất cho nhà ở
đô thị?

Khi nghiên cứu những con hẻm ở HCM, Marie Gibert (1) mô tả “ ở đó (hẻm) phát triển một
dạng văn hoá đô thị đặc biệt, với những sinh hoạt đa dạng, phong phú và vô cùng hài
hoà”, “có thể coi những con hẻm như một dạng đường dân sinh, tức là vừa có chức năng
phục vụ việc đi lại, vừa có chức năng không gian công cộng cục bộ” (2). Thật vậy, những
khu phố hẻm giống như quần cư làng ở nông thôn, với không gian hẻm hoạt động trên
tinh thần quản lý chung của một không gian cộng đồng, thúc đẩy mối liên kết xã hội giữa
các cư dân. Nhờ vào môi trường cởi mở, nhà ở trong những con hẻm có nhều cơ hội giao
tiếp với không gian đô thị.

Những con hẻm phố luôn mát mẻ vì nắng ít khi rọi tới, ban ngày mọi người có thể bắt bộ
bàn ghế nhựa ra trước nhà, các cụ bô lão ngồi nhâm nhi tách cà phê rồi tranh thủ làm vài
ván cờ, các cô vừa nhặt rau vừa ra rả tám chuyện, tiện thể trông bọn con nít đang chạy
chơi đầu ngõ. Một vài nhà diện tích thoải mái hơn thì lùi hẳn một đoạn ở tầng trệt để có
khoảng hiên mở phía trước đặt vài chậu cây và chiếc ghế đá để chiều ra hóng gió mà
không sợ vướng xe cộ qua lại. Những nhà muốn tận dụng diện tích hoặc có kinh doanh
thì cửa chính thường dùng cửa xếp, ban ngày mở hẳn ra, trời ráo thì kê ghế ra phía trước
sinh hoạt, nhà như hẻm, hẻm như nhà. Vì sống gần gũi và va chạm hàng ngày, “tình làng
nghĩa xóm” càng trở nên khắng khít hơn, mọi người tự thoả hiệp để đảm bảo vệ sinh, an
ninh chung, quyền lợi của cá nhân hài hoà với tập thể. Dù mặt tiền phô trương là vậy,
không gian gia đình vẫn phải đảm bảo tính riêng tư, giải pháp chỉ đơn giản là tạo ra không
gian đa chức năng ở tầng trệt vừa phục vụ nhu cầu sử dụng, vừa tạo khoảng đệm phía
trước nhà, tiếp theo là ở việc bố trí các công năng sử dụng theo tính riêng tư tăng dần, từ
trước ra sau, từ dưới lên trên.

Đời sống trong một con hẻm. (C) Quang Định


Mối quan hệ giữa ngôi nhà và không gian đô thị có tính ảnh hưởng hai chiều. Ngôi nhà
tận dụng con hẻm như một không gian sinh hoạt mở rộng và chia sẻ cộng đồng. Ngược
lại, càng nhiều ngôi nhà không quay lưng lại với không gian đô thị, môi trường sống sẽ
càng trở nên thân thiện, cởi mở, đáng sống hơn. Đời sống của những con hẻm cung cấp
góc nhìn giá trị về cách văn hoá làng xã thích nghi và sản sinh trong môi trường đô thị,
làm cơ sở cho việc kiến tạo những mô hình “hướng ngoại” hơn cho nhà ở.

Chú thích:

(1) Marie GIBERT, Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, Asia Research Institute (ARI), Asian
Urbanisms cluster,
National University of Singapore (NUS).
(2) Mạng lưới đường hẻm thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình hiện đại hóa (2016).
Marie Gibert.

You might also like