You are on page 1of 7

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

KHOA CÁC KHOA HỌC LIÊN NGÀNH

BÀI GIỮA KỲ
MÔN KIẾN TRÚC CỔ VÀ ĐÔ THỊ CỔ VIỆT NAM

Giảng viên: TS.KTS Vũ Hoài Đức


Họ và tên sinh viên: Phạm Phương Anh
Mã sinh viên: 21090010
Lớp: Quản trị tài nguyên di sản

HÀ NỘI, 2022
Đề bài

Nhìn vào hình Nhóm nhà dân gian cổ truyền vùng đồng bằng Bắc Bộ, chỉ ra
điểm độc đáo được thể hiện trong bản phác họa.

Bài làm

Ngôi nhà từ xưa đến nay trong quan niệm của người Việt không chỉ là nơi che
nắng che mưa, mà còn là mái ấm gìn giữ văn hóa truyền thống, nét đẹp của gia
đình, nơi nuôi dưỡng tâm hồn Việt. Đồng bằng Bắc Bộ là nơi có nền văn hoá lâu
đời, cái nôi của nền văn minh lúa nước của người Việt. Tổ chức xã hội của đồng
bằng Bắc Bộ hình thành trên cơ sở làng, dòng tộc và gia đình, là cộng đồng dân cư
làm nông nghiệp, quần tụ gắn bó trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử. Trong
quá trình tồn tại của mình, sự ổn định tương đối của hình thái cấu trúc nhà ở nông
thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ đã tạo ra các không gian truyền thống được kế thừa
từ thế hệ này qua thế hệ khác, mà đặc trưng nhất là không gian chính – nơi bố trí
ban thờ tổ tiên, không gian hiên và không gian sân.

Kiến trúc nhà ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa khá giống nhau, đó là
khuôn viên nhà gồm: qua cổng đến vườn cây, vào đến sân rồi mới đến nhà chính,
nhà phụ, vườn sau ao trước, hàng rào cây bao quanh,… Trong khuôn viên nhà
thường có ngôi nhà chính và 1-2 nhà phụ được đặt tách biệt với nhà chính, nằm
vuông góc với nhà chính tạo thành bố cục hình thước thợ hay chữ U, tất cả đều
quây quần quanh một sân trời rộng thoáng, phía trước sân thường là vườn cây và
đôi khi có cả ao cá. Nhà phụ hay còn được gọi là nhà ngang kéo dài 3 – 5 gian (từ
1 – 2 nhà), nền nhà phụ thường thấp hơn nền nhà chính, chiều cao mái cũng thấp
hơn, mái lợp ngói đối với nhà giàu có và lợp rạ, cói đối với nhà trung lưu lớp dưới.
Nhà phụ là nơi nấu ăn, bếp, phòng ăn, nơi ngủ của phụ nữ, người giúp việc trong
nhà. Ngoài ra, nhà phụ còn là nơi làm các công việc thủ công lúc nông nhàn như
dệt vải, dệt cửi, đan lát, thêu thùa; một không gian trong nhà phụ đặt cối xay thóc,
cối giã gạo... Nhà xây theo lối kiến trúc cổ truyền theo nhiều kiểu: chữ đinh, chữ
nhị, chữ công, giữa hai nhà có nhà cầu và chữ môn, công trình đặt song song theo
cấu trúc một hình học đơn giản, đối xứng với một nhà ở trung tâm. Những nếp nhà
vùng đồng bằng miền xuôi thường là những ngôi nhà đất, nhà một tầng đơn sơ, nền
làm sát mặt đất, vật liệu chủ yếu là tre, nứa lá, rơm rạ. Quá trình xây dựng nhà ở
nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa là sự tích lũy vốn sống ngàn đời của người
nông dân, nhà cửa của họ khi xây dựng phải phù hợp với môi trường thiên nhiên,
nương nhờ vào thiên nhiên tạo nên một hệ sinh thái bền vững. Người Việt rất coi
trọng việc chọn địa điểm làm nhà, dựa trên kinh nghiệm và sự hiểu biết về vùng
đất cư ngụ sinh sống, sao cho thuận lợi để tận dụng giá trị của đất. Ta có thể thấy
các gian nhà chính – bộ phận chủ yếu, là nơi cư trú của cả gia đình thường hướng
về phía Đông Nam để đón gió, vốn là một kinh nghiệm truyền thống của kiến trúc
dân gian vùng Bắc Bộ. Ông cha ta đã đúc kết nhiều kinh nghiệm quý trong quá
trình từ chọn đất, chọn hướng đến xây dựng nhà ở, ví dụ “Lấy vợ hiền hòa, chọn
nhà hướng Nam”. Vốn gần biển, trong khu vực gió mùa nên trong bốn hướng chỉ
có hướng Nam là tránh được nắng chiều hướng Tây (nắng xiên khoai), gió lạnh từ
phương Bắc (gió mùa Đông Bắc), bão từ phía Đông và hứng được gió nồm thổi
đến từ phía Nam vào mùa nóng. Ngoài ra, cha ông ta cũng còn dựa vào thuyết
phong thủy để tìm những thế đất tụ linh, tụ phúc... phù hợp với vận mạng của từng
gia chủ khi đặt móng xây nhà.

Về phần thiết kế nhà cũng có những nét đặc đáo. Nhà có bố cục gian lẻ, rất ít
nhà có số gian chẵn. Mái của ngôi nhà được thiết kế có độ dốc lớn để thoát nước
mưa và tránh dột, tận dụng không gian từ độ dốc lớn làm thành gác, kệ lửng thêm
chỗ để kho chứa thóc lúa, ngô khoai... Chất liệu lợp mái tùy thuộc vào điều kiện
kinh tế của từng gia đình mà có thể là ngói hoặc tranh. Mái đưa ra xa chân tường
vừa tạo nên bóng râm vừa tránh mưa hắt vào các chân cột gỗ và tường đất nện. Từ
đó tạo nên hiên nhà giúp che nắng (tránh ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào trong
nhà), đồng thời nới rộng không gian sử dụng tiện ích cho ngôi nhà. Không gian
hiên nằm phía trước các gian chính của ngôi nhà, đóng vai trò là không gian
chuyển tiếp giữa bên trong và bên ngoài nhà. Nhà có hiện khá rộng phía trước, có
khi cả hai đầu hồi hoặc xung quanh nhà. Sân cũng là một không gian không thể
thiếu trong khuôn viên nhà ở dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đây là không gian
mở ngoài trời, thường có vị trí trung tâm trong tổng thể bố cục, bởi hầu hết các
khối nhà, dù là nhà chính hay nhà ngang đều hướng ra không gian này. Sân là một
dạng không gian đa năng rất đặc trưng cho nhà dân gian truyền thống vùng đồng
bằng Bắc Bộ. Ngôi nhà thường chiếm tỉ lệ khá nhỏ so với diện tích khuôn viên,
phần lớn được làm sân vườn trồng rau, hoa màu và cây ăn quả, làm hàng rào… tạo
nguồn rau tươi, bóng mát có tác động điều hòa môi trường, che nắng, gió và chắn
tầm nhìn vào nhà. Kinh nghiệm dân gian cho thấy cái lý của người xưa khi ứng xử
với khí hậu thời tiết: trồng cây lá rậm, lá to như cây chuối ở mặt nhà phía bắc để
ngăn gió lạnh vào mùa đông, cản bức xạ mặt trời vào mùa hè (lúc này mặt trời ở
hướng Bắc); trồng cây có thân cao như cây cau ở phía nam của nhà để không ngăn
cản gió mát mùa hè cũng như không che ánh nắng chiếu vào nhà về mùa đông
(mùa đông, mặt trời ở hướng Nam). Vì vậy các cụ đã đúc kết khi chọn lựa trồng
cây cạnh nhà “trước cau sau chuối”. Việc trồng cây quanh nhà, tạo thành vườn,
làm hoa viên, ngoài chức năng tạo bóng mát, cải tạo khí hậu, trang trí… người ta
còn tính đến việc khai thác giá trị kinh tế. Khuôn viên vườn thường có quy mô nhỏ
gồm nhiều loại cây, rau. Người nông dân tận dụng thời gian nông nhằm tăng gia
sản xuất, trồng hoa màu cung cấp thêm nguồn thực phẩm và nhu cầu khác cho gia
đình khi mà việc trồng lúa theo mùa vụ không đủ bảo đảm nhu cầu cho cuộc sống.
Cây trồng trong vườn gồm nhiều loại có giá trị cho cuộc sống thường ngày của
người Việt: loại cây tạo nguồn thực phẩm rau màu, cây ăn quả, cây gia vị, cây
phục vụ nghi lễ, cây làm thuốc… Như vậy, cách ứng xử với các yếu tố thiên nhiên
cho thấy khả năng thích ứng và chủ động của người dân vùng châu thổ sông Hồng
trong ứng phó và tận dụng thiên nhiên khi xây dựng không gian cư trú, thể hiện sự
hòa hợp hoàn toàn với thiên nhiên. Đây cũng là kinh nghiệm đúc rút qua nhiều
năm, nhiều thế hệ của cư dân nơi đây, tạo nên nét kiến trúc độc đáo trong việc xây
dựng không gian đời sống văn hóa mà biểu trưng là khuôn viên ngôi nhà gắn với
cảnh sắc và con người, tạo nên biểu tượng về văn hóa làng quê Việt.

Kiến trúc nhà dân gian vùng đồng bằng Bắc bộ phản ánh một phần kho tàng
văn hóa và nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Từ giá trị làng xã, giá trị tổ chức khuôn
viên khu đất, đến giá trị tổ chức không gian đều tạo ra nét đặc sắc và sự khác biệt
của nhà dân gian đồng bằng Bắc Bộ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Kiến trúc cổ Việt Nam - Vũ Tam Lang

http://khcn.vimaru.edu.vn/sites/khcn.vimaru.edu.vn/files/
45_bao_ton_kien_truc.pdf

https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/khong-gian-truyen-thong-trong-
kien-truc-nha-o-nong-thon-duong-dai-vung-dong-bang-bac-bo.html

You might also like