You are on page 1of 6

Một trong những vùng văn hóa lớn và cổ xưa bậc nhất nước ta là vùng

văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên với nhiều giá trị văn hóa truyền thống
lâu đời.
Về địa giới hành chính, Tây Nguyên tiếp giáp với các vùng kinh tế Duyên
Hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia và
là vùng duy nhất ở Việt Nam không giáp biển. Do địa thế đặc biệt, nên
Tây Nguyên là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng trong xây dựng
quốc phòng và phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế hay có
sự nhầm lẫn về khái niệm “vùng kinh tế Tây Nguyên” và vùng “văn hóa
Trường Sơn - Tây Nguyên” cơ bản là khác nhau này. Vùng văn hóa
Trường Sơn - Tây Nguyên dựa trên đặc trưng địa sinh thái, địa bàn cư trú
các tộc người, có thể chia thành hai phân vùng là tiểu vùng Bắc Trường
Sơn và và tiểu vùng Tây Nguyên (ranh giới không theo ranh giới hành
chính) nằm trên sườn phía Tây dãy Trường Sơn kéo dài từ tây Quảng
Bình đến vùng núi Phú Yên. Trong đó, tiểu vùng Trường Sơn gồm Quảng
Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quãng Ngãi. Tiểu vùng Tây Nguyên
gồm 5 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng. Đây là
vùng lãnh thổ mà đa phần địa hình là vùng rừng núi gồm nhiều cao
nguyên, sơn nguyên vô cùng phức tạp, trắc trở.
Ngoài đặc điểm thổ nhưỡng là đất đỏ bazan màu mỡ chiếm diện tích lớn,
thì các điều kiện thuận lợi khác như khí hậu cận xích đạo phân hóa đa
dạng trên toàn bộ lãnh thổ, cùng kinh nghiệm lâu đời trong sản xuất nông
nghiệp của dân địa phương đã làm cho Tây Nguyên trở thành vùng trồng
cà phê lớn nhất cả nước, chuyên canh các loại cây công nghiệp như ca
cao, hồ tiêu, dâu tằm, cây điều, cao su… và trồng cây công nghiệp cũng
là hình thức kinh tế chính ở đây. Tây Nguyên cũng là khu vực có nhiều
diện tích rừng cùng với thảm sinh vật đa dạng, tạo nên tiềm năng du lịch
sinh thái rất lớn, còn một trữ lượng lớn khoáng sản phong phú chưa được
khai thác. Tuy nhiên, song song đó Tây Nguyên cũng tồn tại những mặt
khó khăn về điều kiện tự nhiên như sự phân bố các đất đai và tài nguyên
không đồng đều, mùa khô nắng nóng kéo dài dẫn đến thiếu hụt nước ngọt
nghiêm trọng cho sinh hoạt và sản xuất; nạn phá rừng, đốt rừng làm
nương rẫy, khai thác lâm sản bừa bãi dẫn đến nguy cạn kiệt tài nguyên
rừng và thay đổi môi trường sinh thái, hay các yếu tố xã hội như thiếu lao
động lành nghề có trình độ cao, cơ sở hạ tầng kém phát triển, mức sống
của một số dân tộc thiểu số còn thấp và sự biến động của giá nông sản trở
thành rào cản vô cùng lớn mà cần rất nhiều thời gian trong tương lai để
khắc phục cho sự phát triển kinh tế ở Tây Nguyên.
Vùng văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên là nơi cư trú lâu đời của hơn 20
dân tộc thiểu số mà hầu hết là cư dân bản địa, chủ yếu thuộc các ngôn
ngữ hai nhóm ngữ hệ Nam á (Môn Khmer) như Bru, Kơ Tu, Tà Oi, Xơ
Đăng… và Nam đảo như Gia Rai, Êđê, Chu ru, Raglai và Chăm… “Về
mặt lịch sử xã hội, những nhóm dân tộc theo hai ngữ hệ lớn này đều có
mặt trên đất nước ta, cách đây 4000-5000 năm lịch sử.”(Lò Giàng Páo,
Văn hóa các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên những nhận thức mới,
http://web.cema.gov.vn/index.php). Từ sau 1975, góp vào khối chủ thể to
lớn này là sự xuất hiện của những dân tộc mới di cư đến thuộc nhóm
ngôn ngữ Tày - Thái, nhóm ngôn ngữ Mông- Dao và nhóm ngôn ngữ
Việt- Mường. Đó là các dân tộc Tày, Thái, Nùng, Dao, Mường. Thiết chế
xã hội đương vận hành ở mỗi dân tộc gồm Tây Nguyên bao gồm thân tộc,
thích tộc, dòng họ, gia đình, buôn, plei, già làng,... có dân tộc theo chế độ
phụ hệ, có dân tộc theo chế độ mẫu hệ và cũng có những dân tộc theo chế
độ song hệ. Do sự đa dạng về chủ thể văn hóa và mỗi dân tộc gắn với một
vùng cư trú khác nhau, đã hình thành cho vùng Trường Sơn - Tây
Nguyên một nền văn hóa lâu đời, phong phú và vô cùng đồ sộ.
Về nhà ở, do điều kiện tự nhiên và địa hình khá đặc trưng, người Tây
Nguyên cần phải làm cho mình một dạng nhà có thể phòng chống được
thiên tai miền núi và tránh thú dữ, đó là nhà sàn. “Nhà sàn là một kiểu
nhà được xây dựng trên những cột phía trên mặt đất hoặc mặt nước”
(Nhà sàn, https://vi.wikipedia.org). Bởi điều kiện vùng cao nói chung và
vùng Tây Nguyên nói riêng còn nhiều thiếu thốn so với những vùng
đồng bằng, nên nhà sàn ở đây chủ yếu được xây dựng bằng các loại vật
liệu gỗ, tre, nứa, tranh… khai thác ở các khu rừng có sẵn lân cận, và
đóng bằng công các công cụ thô sơ như cái cưa, chiếc riều cùng với sự
hỗ trợ của cộng đồng trong cả bản, thôn vì cần rất nhiều nhân công mới
có thể dụng lên một ngôi nhà sàn vùng núi hoàn chỉnh. Cũng do điều
kiện khí hậu khá khắc nghiệt, nhất là trong mùa khô, để có thể khắc phục
được mưa nắng ở đây thì người Tây Nguyên thường thiết kế nhà sàn
theo hướng Bắc – Nam để đón được gió mát vào buổi sáng và không bị
hắt nắng buổi xế chiều. Ở Tây Nguyên, một gia đình thường sống nhiều
thế hệ, bởi thế nhà sàn ở Tây Nguyên thường được thiết kế từ 3 đến 7
gian nhà tùy theo số lượng thế hệ sinh sống, cột nhà và xà nhà chỉ được
đặt chồng lên nhau, hoặc ghép mấu vào nhau rất trùng khít mà không
cần dùng đến bất cứ chất kết dính nào không mang tính tự nhiên. Ở Tây
Nguyên, mỗi dân tộc có một kiểu thiết kế nhà sàn đặc trưng riêng, thể
hiện được nét văn hóa của dân tộc đó, tạo nên sự đa dạng về kiến trúc
nhà ở của vùng đất này.
Tiếp theo, là tín ngưỡng. Người dân ở đây đa số không có ý niệm thờ
cúng tổ tiên mà chủ yếu là cúng thần, trong đó vị thần lớn nhất là thần
Yang - ông trời, ngoài ra còn có thần núi, thần rừng, thần cây đa, thần
bản mệnh… với quan niệm “vạn vật hữu linh”. Người ta tin vào sự tồn
tại của hai thế giới, thế giới hiện thực và thế giới hư vô, nên Tây Nguyên
còn nổi tiếng với hiện tượng văn hóa mang đặc trưng tiêu biểu của các
tộc người nơi đây là tang ma, nhà mồ và nghi lễ “bỏ mả”, được tin rằng
là hiện tượng liên quan mật thiết đến mối quan hệ giữa người sống với
người đã chết. Trong tang ma, thi thể một người sau khi chết được lau
rửa bằng nước thơm, thay quần áo mới, còn quan tài đóng bằng gỗ rừng
được khiêng thằng ra mộ, người nhà đến viếng bón thức ăn cho người
chết và chia đồ dùng, quần áo vào quan tài. Theo quan niệm các tộc
người ở đây, sau khi chết linh hồn vẫn còn quanh quẩn ở đâu đó, giữa
người chết và người sống vẫn còn mối quan hệ ràng buộc, do vậy hàng
ngày người sống tiến hành “nuôi mả”, bao gồm việc ra thăm, quét dọn
mả và mang cơm nước cho người đã khuất 2-3 buổi cho đến lễ bỏ mả.
Lễ bỏ mả là lễ phá bỏ nhà mồ tạm, xây dựng một ngôi nhà mồ to, kiên
cố và đẹp hơn, ngôi nhà mồ này mới thực sự là của người quá cố.
Thường sau khi người chết một đến ba năm, vào thời gian nông nhàn (từ
sau khi thu hoạch đến khi sắp bước vào vụ gieo cấy năm sau) người ta
mới tiến hành làm lễ bỏ mả trong 4 ngày khi đã chuẩn bị đủ trâu, bò. lợn,
gạo. Ngày đầu già làng rót rượu xuống đầu mộ khấn gạo, rỡ bỏ nhà mộ
cũ; ngày thứ 2 người ta tạo tác tượng nhà mồ; ngày tiếp thao là ngày
chính của lễ bỏ mã; ngày cuối cùng là ngày cúng bếp, cúng nhà.. Sau lễ
bỏ mả, người sống không còn ràng buộc gì với người thân đã chết, nhà
mồ cũng bị bỏ hoang, không còn được chăm sóc.
Ngoài ra, nhắc đến Tây Nguyên, ta không thể nào không nhắc đến không
gian văn hóa nghệ thuật độc đáo tồn tại từ lâu đời, bao gồm các yếu tố
tiêu biểu đặc sắc như các lễ hội truyền thống, những bộ trang phục
truyền thống của các dân tộc rực rỡ sắc màu. Đa số các lễ hội lớn ở Tây
Nguyên từ Hội Đua Voi Ở Buôn Đôn trên cao nguyên Đắk Lắk, Hội
Xuân Tây Nguyên, Lễ Ăn Cơm Mới, Lễ Mừng Lúa Mới... đến lễ hội
mang tính độc đáo đặc trưng như Lễ Hội Đâm Trâu đều diễn ra trong
“mùa” lễ hội vào cuối mùa mưa, tầm tháng 10, tháng 11 năm trước đến
đầu mùa khô, tháng 3, tháng 4 năm sau để gửi gắm tâm tình, ước vọng
của con người về một mùa vụ tốt tươi, đong đầy; để cầu cúng, tạ ơn thần
linh hay đơn giản là để san sẻ niềm vui, tâm tư, ước vọng cùng
nhau:“Khi lúa ngô đã đầy kho, heo gà đã đông đàn; theo tâm linh, tín
ngưỡng truyền thống, đó cũng là mùa công việc hanh thông, niềm vui
kéo đến; là dịp để con người bày tỏ tâm tư, ý nguyện.”(Văn hóa truyền
thống vùng Bắc Tây Nguyên và sức hấp dẫn của những lễ hội dân gian,
http://kkt.kontum.gov.vn/).

Nói đến lễ hội Tây Nguyên, lại không thể nào bỏ qua Lễ Hội Cồng
Chiêng mang trên mình văn hóa Cồng Chiêng đặc sắc. Lễ hội Cồng
Chiêng được tổ chức hằng năm luân phiên giữa các tỉnh Kon Tum, Gia
Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Thanh âm của cồng chiêng được
xem là tiếng nói gắn kết giữa con người với thần linh, được sử dụng trong
nhiều lễ nghi, tín ngưỡng quan trọng; trong các dịp đám cưới, làm nhà
mới, làm rẫy… với kỹ thuật diễn tấu đa dạng độc đáo, khi tiếng cồng
chiêng vang lên trong mỗi sự kiện khác nhau thì giai điệu, bước nhảy ở
đó cũng khác nhau. Văn hóa Cồng chiêng là biểu tượng cho sự tổng hoà
các giá trị văn hóa: giá trị biểu thị đặc trưng và bản sắc văn hóa vùng; giá
trị biểu thị đặc trưng văn hóa tộc người hoặc nhóm tộc người; giá trị cố
kết cộng đồng và giá trị lịch sử… và là nguồn cảm hứng bất tận của sử
thi, thơ ca. Ngày 15/11/2005, UNESCO công nhận không gian văn hoá
cồng chiêng Tây Nguyên là “kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của
nhân loại”.

Trong các lễ hội lớn, người Tây Nguyên sẽ mặc các bộ trang phục truyền
thống gắn với trang sức như vòng cổ hay vòng tay. Mỗi dân tộc ở Tây
Nguyên sẽ có trang phục truyền thống riêng biệt, “Trang phục của người
Xơ Đăng chủ đạo là màu đen chàm, trang trí bằng các hoa văn màu
trắng, đỏ. Trang phục của đồng bào Ba Na là màu chàm xanh, trang trí
nhiều văn hoa đẹp. Trang phục của người Giẻ Triêng là màu đen, xanh
trang trí bằng các chỉ màu vàng, trắng, đỏ. Trang phục của đồng bào
Gia Rai chủ đạo là màu trắng hoặc màu chàm…” (Thế Dương, Trang
phục truyền thống các dân tộc Tây Nguyên, https://dangcongsan.vn/).
Nhưng nét chung nhất trong trang phục truyền thống các dân tộc Tây
Nguyên là đàn ông đóng khố, mặc áo chui đầu hoặc áo choàng quấn, phụ
nữ mặc áo, váy tấm… với hai gam màu chủ đạo là đỏ, đen (các dân tộc
Bắc Tây Nguyên) và xanh đậm, trắng (các dân tộc Nam Tây Nguyên) kết
hợp thêu, dệt các loại họa tiết như ô chéo, móc câu, chữ thập, hồi văn,
hình vuông thủng, hình thoi,đường thẳng,... Trang phục truyền thống Tây
Nguyên là một trong những yếu tố tạo dấu ấn văn hóa vùng miền sâu sắc.

Từ lâu, Tây Nguyên không chỉ được biết đến với các tín ngưỡng đặc biệt,
các lễ hội truyền thống đặc sắc mà một trong những yếu tố góp phần vào
kho tàng văn hóa nghệ thuật nơi đây phải kể đến sử thi - bản hùng ca
hoành tráng về những giai thoại lịch sử xa xưa. Sử thi Tây Nguyên ra đời
vào khoảng thế kỉ XVI, khi xã hội Tây Nguyên đương thời có những biến
động to lớn do các cuộc chiến tranh giữa các buôn làng. Sử thi gồm hai
thể loại: sử thi thần thoại và sử thi anh hùng. Nội dung của sử thi thần
thoại là về sự hình thành các dân tộc và các vùng cư trú của họ, sự xuất
hiện nền văn minh buổi đầu, còn sử thi anh hùng chủ yếu xoay quanh
những chiến công của những anh hùng có công bảo vệ buôn làng, chống
lại những thế lực đen tối gắn liền với tên tuổi những anh hùng thần thoại,
anh hùng buôn làng như Đăm San, Đăm Di, Dyông Dư…; ca ngợi cuộc
sống, tình yêu, con người. Sử thi Tây Nguyên là một kho tàng văn học
dân gian khổng lồ, thậm chí có thể so sánh với thần thoại Hy Lạp với
dung lượng lớn hơn nhiều,“Nhưng điều quan trọng hơn là dù vắn dài, sử
thi Tây Nguyên là một bức tranh toàn cảnh của cả một thời đại, phản ánh
một cách trung thực, sinh động đời sống sinh hoạt cộng đồng, cuộc đấu
tranh vì những ý tưởng nhân văn cao cả…” (Kim Ngân, Sử thi Tây
Nguyên – Kho tàng văn hóa tinh thần vô giá, http://quehuongonline.vn/).

You might also like