You are on page 1of 8

Bài phản ánh

- Nguyễn Yến Nhi -


Phố cổ vốn được nhớ đến như “linh hồn” của Thủ đô, nơi ồn ào và náo nhiệt
với những cửa hàng kinh doanh mọc san sát nhau. Đối với những người nhà
“mặt phố” thì đây là nơi “hái ra tiền” từ việc kinh doanh, buôn bán. Nhưng ít
ai ngờ rằng, ẩn sau những cửa hàng đông đúc, nhộn nhịp của khu phố cổ là
những ngôi nhà cũ kỹ nằm trong ngõ nhỏ sâu hun hút và cuộc sống bi hài của
người dân nơi đây.

Bi hài phía sau những ngôi nhà chật hẹp


Hà Nội với khu phố cổ vừa mang nét sầm uất của một khu trung tâm, lại vừa mang
nét đẹp cổ xưa như một di sản đặc trưng của Thủ đô được bảo tồn. Phố cổ luôn là
địa chỉ tham quan đầu tiên của du khách tứ phương khi đến Hà Nội. Họ đến một
phần vì tò mò và muốn ngắm nhìn vẻ đẹp xưa của Hà Nội nghìn năm văn hiến và
một phần cũng để trải nghiệm những món ăn ngon và những gì thuộc về hồn cốt Hà
Nội còn lại nơi này. Chả thế mà, phố cổ giờ đây trở thành điểm ăn chơi náo nhiệt
bậc nhất ở Hà Nội, với những con phố “không ngủ”, với những cửa hiệu kinh doanh
sầm uất mọc lên san sát nhau. Tại nơi “tấc đất tấc vàng” này, dường như nơi đâu
cũng có thể kiếm ra tiền, không mở cửa hàng thì mở quán ăn, không thì trà đá, trông
xe,…
Đối lập với vẻ ngoài hào nhoáng, phồn hoa ở mặt đường phố cổ là cảnh sinh hoạt
chật vật, gò bó của người dân sống trong những con ngõ sâu hun hút. Những con
ngõ trở thành địa đạo ngay trên mặt đất, với những đường cắt ngang xẻ dọc dẫn lên
những căn nhà chồng, xếp lên nhau. Tình trạng này hầu như xảy ra ở khắp các tuyến
phố cổ. Không khó để tìm thấy những ngõ rộng chưa đầy 1 mét, sâu tít tắp vào bên
trong, phải bật điện 24/24h thì mới thấy lối đi.

Toàn bộ khung cảnh lối vào nhà anh Tuấn - Ảnh: Yến Nhi
Nằm sâu trong ngõ nhỏ 66 Hàng Đào, cả 7 người trong gia đình anh Nguyễn Quang
Tuấn (21 tuổi) hàng ngày cùng sinh sống trong căn hộ 15m2. Bước qua những bậc
cầu thang bê tông với tay vịn đã gỉ sắt, là tới căn phòng nhỏ sinh hoạt chung của gia
đình. Căn phòng nhỏ bé, vừa là “phòng khách”, “phòng ăn” và cả “phòng ngủ”.
“Khu sinh hoạt như kiểu là bàn ăn, chỗ ăn uống thì cũng chỉ có 2 đến 3 người ngồi
được một lúc chứ nếu mà đông người quá thì cũng không thể ngồi được”, anh Tuấn
cho biết. Đằng sau căn phòng nhỏ, là gian bếp chung với khu giặt, phơi đồ và chỉ
cần đi vài bước chân là tới nhà vệ sinh.
Nhà vệ sinh cũ chật hẹp - Ảnh: Yến Nhi
“Gian bếp chắc chắn trông không vệ sinh, ngăn nắp được rồi. Bếp liền với khu giặt,
phơi đồ và nhà vệ sinh nên bất tiện lắm. Như nhà vệ sinh chắc chắn là chỉ có 1 nhà
vệ sinh, mình phải đợi mà nhà đông người là dĩ nhiên người này phải chờ người kia
mất rất nhiều thời gian. Dù sống ở phố cổ nhưng mà cũng khổ lắm chứ”, anh Tuấn
tâm sự.

Cách đó không xa, 50 phố Hàng Quạt - một khu nhà “chung” với lối đi vào nhỏ, cửa
gỗ đã sờn cũ, tróc sơn và chỉ cần đi lùi vào bên trong là tới nhiều căn phòng ở chật
hẹp. Nơi đây bao năm tháng qua, là nơi che nắng, che mưa của biết bao phận đời vất
vả.
Lối vào của khu nhà 50 Hàng Quạt - Ảnh: Yến Nhi
Theo lời bà Trần Lê Tùng (49 tuổi) chia sẻ: “Gia đình chồng tôi thì sống ở đây từ
năm 1954 từ đời ông bà bố mẹ, còn tôi về đây lấy chồng được 25 năm rồi. Tổng diện
tích khu này là 100m2 gồm 7 hộ sinh sống: mỗi hộ trung bình tầm 3 đến 4 người.
Còn diện tích sở hữu của nhà tôi 28m2 gồm 3 hộ gia đình anh em ruột, riêng gia đình
tôi gồm hai vợ chồng và con trai sinh sống”. Trong một con ngõ tưởng chừng bé hẹp
ấy mà lại có chục con người sống chung với nhau. Nói “sống chung với nhau” là
bởi, hầu hết mọi người ở đây đều sinh hoạt chung, từ nhà vệ sinh cho đến bếp ăn tập
thể.
Khu sinh hoạt chung của các gia đình trong ngõ 50 Hàng Quạt - Ảnh: Yến Nhi
“Trong quá trình sinh hoạt thì rất nhiều cái bất tiện, bởi vì nói chung sử dụng cái gì
cũng chung. Không những chung anh em trong gia đình mà lại chung cả hàng xóm
nữa. Như đường nước, đường điện, nhiều nhà không mắc được đường nước vào.
Còn nhà mình may vì ngoài mặt đường thì mắc được, còn nhà phía trong nếu muốn
dùng người ta phải xách nước vào”, bà Tùng cho biết.
Hình ảnh sinh hoạt của người dân sống tại 50 Hàng Quạt - Ảnh: Yến Nhi
Không chỉ chuyện thường ngày trong sinh hoạt của người dân phố cổ mà ngay cả
chuyện giỗ chạp, cưới hỏi cũng vô cùng khó khăn. “Nếu có giỗ, cưới hỏi thì ra vỉa
hè, mượn vỉa hè của Nhà nước, phải ra ngoài đường dựng rạp, bắc rạp. Chứ trong
nhà chỉ kê được một nâm 4 người ngồi là đã chật. Còn phải xin giấy phép của phường
mượn 1 hôm hay 2 hôm để dựng cái rạp lên, người ta đồng ý thì mới làm được. Bây
giờ nó là như thế…”, bà Tùng tâm sự.
Thế mới thấy, đâu phải cứ ở trên phố cổ, nơi “tấc đất tấc vàng” là sướng đâu. Vì sự
chật hẹp và lối sống tập thể mà bao lâu nay đã có bao chuyện bi hài xoay quanh cuộc
sống của người dân nơi đây.
Những niềm vui an ủi riêng
Cứ như vậy, dẫu biết là sống khổ nhưng những người dân nơi đây cũng đành chấp
nhận “sống chung với lũ” hết năm này sang năm khác. Khi được hỏi tại sao không
chuyển đến nơi khác, bán cái nhà này mà chuyển đi cho sướng. Những cư dân ở đây
hầu hết đều có chung câu trả lời như: “Nhà có ngần ấy diện tích, biết bán cho ai?”,
“Bán ai mua?”, hay “Ai chả muốn chuyển, muốn bán nhưng mà vì ở chung quá,
chung cả hàng xóm khó bán lắm”, như bà Tùng nói. Có lẽ, những suy nghĩ luẩn quẩn
ấy, rồi nếp nghĩ kiểu “phố lớn, phố nhỏ” mang tính phân biệt đã làm nhiều người
quen cuộc sống “hữu danh vô thực” ở những con ngõ chật hẹp, tối tăm.
Mặc dù sống trong sự chật chội, bất tiện nhưng những dân phố cổ vẫn giữ được nét
điềm đạm của người Hà Nội sống không quá gấp gáp, xô bồ. Hàng xóm láng giềng
không bon chen và vô tâm với nhau như những khu vực có nhiều dân nhập cư khác.
Hơn nữa, ở đây, tuy có chật chội, và có những yếu tố bất tiện trong sinh hoạt, nhưng
nơi đây dù sao cũng là trung tâm của Thủ đô. Nơi tập trung của những địa danh lịch
sử, những hàng quán mang cốt cách, linh hồn của người Hà Nội gốc. “Ở đây tuy
nhiều cái bất tiện nhưng lại tiện gần phố phường, cần gì ra cửa là mua được ngay,
xung quanh thì rất nhiều hàng quán, chợ búa gần, trường học gần, đi ra trung tâm
gần. Cho nên nhiều lúc cũng nghĩ là chuyển đi được là tốt, không chuyển được thì ở
cũng không sao thì mình ở cũng mấy chục năm rồi thì cũng sao đâu. Lúc nào được
rời đi thì rời, bây giờ thì mình cũng mới có 49 50 ít nhất cũng sống 20 năm nữa.”,
bà Tùng mỉm cười tâm sự. Lời tâm sự của bà có lẽ cũng là lời nói vui vẻ, lạc quan
nhất, là chút niềm an ủi dành cho bao phận đời đang phải chịu cảnh sống chật chội,
nhọc nhằn giữa lòng phố cổ.
Bức ảnh kỷ niệm buổi phỏng vấn cùng nhân vật bà Trần Lê Tùng - Ảnh: Yến Nhi
Khó mà kể hết những nỗi khó khăn, vất vả trong cuộc sống của người dân sinh sống
tại khu phổ cổ. Nhưng có một điểm chung nhất của những người dân nơi đây là họ
đều sống lạc quan, tích cực và luôn có những niềm vui riêng trong cuộc sống. Bởi
lẽ, đã là người Thủ đô, thì ở đâu cũng vẫn phải tìm về với trung tâm, nơi Thủ đô bắt
đầu hình thành. Hơn nữa, cũng chỉ có ở phố cổ mới cảm nhận được hết cái hay, cái
đẹp, sự tinh tế của người Hà Nội. Vậy thì, với người đang sinh sống ở đây, cớ gì lại
không hạnh phúc khi được sống giữa lòng Hà Nội 36 phố phường. Cuộc đời này,
đôi khi sống đơn giản bao nhiêu thì lòng sẽ hạnh phúc, thanh thản bấy nhiêu!

You might also like