You are on page 1of 3

Thuyết minh Phố cổ Hà Nội

Trong những điểm đến đẹp ở Hà Nội, Phố cổ - 36 phố phường là một
trong những nơi được du khách yêu thích nhất. Phố cổ hút khách bởi nét đẹp cổ
kính xưa cũ phảng phất trên từng mái ngói, từng ngõ phố… Màu rong rêu của
thời gian đã phủ lấp những con phố lâu đời này nhưng vẫn không làm mờ đi vẻ
đẹp của mảnh đất kinh kì Thăng Long - Kẻ Chợ xưa. "Hà Nội 36 phố phường"
là một cách gọi không chính xác của khu phố cổ, vì 36 phố phường là một cách
gọi ước lệ khu vực đô thị cổ, nằm bên trong và bên ngoài cả khu phố cổ. Khu
dân cư sinh hoạt và buôn bán sầm uất này đã có từ lâu đời được hình thành từ
thế kỉ thứ 15, thời Lý - Trần, nằm ở phía đông của hoàng thành Thăng Long ra
đến sát sông Hồng. Thời Pháp thuộc, sau khi lấp toàn bộ các đầm hồ, khu phố
được chỉnh trang, người Ấn, người Pháp cũng đến đây buôn bán. Khu đô thị này
tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình
thành lên những phố nghề đặc trưng, mang những nét truyền thống riêng biệt
của cư dân thành thị, kinh đô. Ngày nay khu phố cổ Hà Nội là điểm đến hấp dẫn
cho những ai muốn tìm hiểu về Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Cho đến nay,
đây vẫn là khu buôn bán nhộn nhịp nhất của Hà Nội. Tuyến phố đi bộ cũng
được mở tại đây.
Đặc trưng nổi tiếng nhất của khu phố cổ là các phố nghề. Thợ thủ công từ
các làng nghề quanh Thăng Long xưa tụ tập về đây, tập trung theo từng khu vực
chuyên làm nghề của mình. Các thương gia có thể vào giữa phố để buôn bán
trao đổi, khiến các phố nghề càng phát triển, và chính sản phẩm được buôn bán
trở thành tên phố, với chữ "Hàng" đằng trước, mỗi phố chuyên môn buôn bán
một loại mặt hàng. Con phố mà chúng ta đang đi là một phố trong khu phố cổ
Hà Nội. Phố Hàng Đào đã có từ lâu đời, nằm theo hướng bắc – nam, dài khoảng
260m, cái tên này có nguồn gốc từ mặt hàng vải nhuộm đỏ được bán nhiều trên
phố. Thời Pháp thuộc, phố Hàng Đào không còn chuyên bán tơ, lụa, vải tấm.
Các cửa hiệu tạp hoá bắt đầu chen vào giữa đám cửa hàng vải. Tạp hoá bán ở
Hàng Đào phải là những thứ hàng mới có, hàng mốt mới nhập từ Pa-ri, đó là
những cửa hàng bán mũ da, khăn quàng, cà vạt, mùi xoa, phấn sáp, nước hoa,…
hiện nay thì cũng đủ chủng loại hàng hoá trên thị trường chung của khu vực,
chủ yếu vẫn là quần áo may sẵn. Tại khu vực khu phố cổ xưa kia có các cửa ô: ô
Phúc Lâm, ô Thanh Hà (ô Quan Chưởng), ô Trừng Thanh, ô Mỹ Lộc. Hiện chỉ
còn lại ô Quan Chưởng là còn nguyên vẹn. Với người Hà Nội, Ô Quan Chưởng
(hay trước đây còn có tên là Ðông Hà Môn) không chỉ là dấu tích cuối cùng của
thành lũy bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa mà còn là một chứng nhân, ghi
dấu những biến thiên của lịch sử. Phố cổ Hà Nội còn hấp dẫn chúng ta bởi
những giá trị văn hoá chứa đựng trong khoảng 100 công trình kiến trúc lâu đời
gồm đình, đền, chùa, hội quán. Đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm là điển hình
trong các di tích lịch sử và văn hoá, được coi là một trong tứ trấn của kinh thành
Thăng Long.
Đi qua phố cổ, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà rêu phong
theo thời gian, giờ đây vẫn hiên ngang trước bao đổi thay của không gian và
thời gian. Những ngôi nhà ống, mái ngói được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, với
những lối đi nhỏ bên trong căn nhà và gạch xây dựng đã trở nên cũ kỹ là khung
cảnh quen thuộc chẳng lẫn vào đâu giữa lòng Thủ đô. Các chi tiết kiến trúc của
ngôi nhà rất đặc trưng của kiến trúc nhà truyền thống phố cổ Hà nội được chú ý
đến đầu tiên là mặt đứng chính với hình thức đối xứng, cửa đi chính ở giữa (cửa
tâm) và 2 bên là cửa sổ rộng làm nơi bán hàng. Cửa sổ rộng giáp mặt phố là cửa
lùa bằng gỗ ván đặc theo chiều đứng tháo ra được; còn các cửa đi là cửa bức
bàn có ngõng cửa có then cài. Phía trên cửa đi và cửa bán hàng là phần ô cửa
thông thoáng trang trí bằng các con tiện gỗ chạy suốt mặt tiền. Vì vậy khi phần
cửa dưới được đóng toàn bộ thì phần cửa thoáng trên chính là để lấy sáng và
thông gió cho toàn nhà.
Nếu được hỏi có hình ảnh nào gắn liền với phố cổ để người ta cảm nhận
rõ rệt nhất một Hà Nội đơn sơ, bình dị và đẹp đẽ thì chỉ đơn giản là gánh hàng
rong, xe tào phớ với tiếng leng keng khắp các nẻo phố hay vị thơm ngon của tô
bún thang hoặc bát phở bốc khói nghi ngút vào mỗi sáng sớm tinh mơ cũng làm
say đắm bao con tim du khách để phải dừng chân lại ngắm nhìn và thưởng thức.
Phố cổ Hà Nội không chỉ lưu giữ mà thực ra cũng chính là linh hồn của
Thủ đô. Đối lập với vẻ hào nhoáng xa hoa, rực rỡ cùng những công trình kiến
trúc hiện đại là phố cổ giản dị và bình yên đến lạ. Một chút lặng lẽ, một chút
thanh tao đã thôi thúc bao lữ khách dừng chân lưu luyến mỗi độ về với Thủ đô
yêu thương.
Trải qua bao thời gian và những đổi thay, nhưng phố cổ vẫn giữ được nét
trầm mặc, vẻ cổ xưa như đã đóng rễ ấy. Đơn giản vì những trầm mặc mông lung
đã trở thành điều tuyệt diệu của cuộc sống này. Đến độ, có nhộn nhịp và tấp
nập, vẫn cảm thấy yên bình, có xô bồ và nhốn nháo, nhưng lại là điểm tựa vững
chắc. Tựa như ngả lòng vào những ấm áp đã ủ kỹ nghìn năm, cho ta càng yêu
thêm những con phố nghìn năm tuổi.

You might also like