You are on page 1of 4

CHUYÊN ĐỀ ĐỊA LÝ

VIẾT BÁO CÁO VỀ NGÀNH DU LỊCH TRÊN THỊ XÃ SƠN TÂY

Thị xã Sơn Tây cách Thủ đô Hà Nội 40 km, nổi tiếng với rất nhiều địa danh trong
bản đồ du lịch của Thủ đô, trong số đó phải kể đến Làng cổ ở Đường Lâm.

Đây là ngôi làng vẫn lưu giữ những vẻ đẹp của làng Việt truyền thống với cây đa, bến
nước, sân đình, đền chùa, miếu mạo, gò đồi… Đến Đường Lâm, du khách sẽ có cơ hội
thả hồn mình vào không gian yên bình bậc nhất để cảm nhận vẻ đẹp trầm tịch mà cổ
kính của xóm làng xưa cũ. Nét cổ nhất ở Đường Lâm nằm ở cổng làng, đình làng Mông
Phụ và các nếp nhà cổ. Đường Lâm có tổng cộng 956 ngôi nhà cổ, rất nhiều ngôi nhà
đã hàng trăm năm tuổi và đều được xây từ vật liệu truyền thống của xứ Đoài như: đá
ong, tre, gỗ xoan, nứa, đất nung,…

Ngoài ra, du khách còn có thể thăm đền thờ Phùng Hưng, đền thờ và lăng Ngô Quyền,
chùa Mía, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh. ..

Ở đây có sẵn dịch vụ thuê xe đạp cho những ai muốn có trải nghiệm đạp xe quanh làng
cổ. Đặc sản ở Đường Lâm đầu tiên phải kể đến Gà mía đậm đà - xưa kia chỉ làm món
tiến vua hay các thức quà quê dân dã như: chè lam, kẹo dồi, kẹo lạc, tương làng cổ …
Nếu du khách muốn chậm rãi ở lại để cảm nhận không khí làng quê nơi đây thì cũng có
rất nhiều gia đình mở dịch vụ homestay với giá cả chỉ dao động từ 500.000 – 1.000.000
đồng/phòng.

Rời Làng cổ ở Đường Lâm, du khách đến thăm Thành cổ nằm giữa trung tâm thị xã.
Năm 2022, tòa thành đá ong nằm ở trung tâm thị xã Sơn Tây tròn 200 tuổi. Thời gian,
chiến tranh đã khiến phần lớn bức tường thành bị sụp đổ.

Nhưng hiếm tòa thành nào còn giữ được một không gian có tính tổng thể như Thành cổ
Sơn Tây. Toàn bộ hào nước bao quanh thành được kè bằng đá ong vẫn còn gần như
nguyên vẹn, với tổng chiều dài 1.800 m, rộng 20 m. Thành có 4 cổng quay ra các
hướng Bắc, Nam, Tây, Đông có tên là: cửa Hậu, cửa Tiền, cửa Hữu, cửa Tả.
Trước đây bốn cửa đều có cầu gạch bắc qua hào nước, nhưng hiện nay chỉ có hai cửa
chính là cửa Tiền và cửa Hậu, có cầu bắc qua hào nước, dẫn vào cổng thành. Được
hoàn thành vào năm Minh Mạng thứ 3 (năm 1822), thời Nguyễn, Thành cổ Sơn Tây là
một trong 4 trọng trấn ở Bắc Kỳ, phía trong bảo vệ, che chở cho kinh thành Thăng
Long; bên ngoài làm bàn đạp, hậu cứ để triều đình bảo vệ vùng biên cương ở vùng
thượng lưu sông Hồng. Tại đây đã diễn ra các cuộc chiến đấu ác liệt của quân và dân
Sơn Tây chống lại sự tấn công của thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX.  Năm 1946, tại
Vọng cung đã diễn ra cuộc họp của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa để quyết định các vấn đề quan trọng, mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm
chống thực dân Pháp xâm lược. Với những giá trị văn hóa - lịch sử tiêu biểu, năm 1994
Thành cổ Sơn Tây được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.
Đặc biệt, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay thị xã Sơn Tây tổ chức khai mạc "Năm du lịch
Sơn Tây – xứ Đoài" và khai trương tuyến phố đi bộ quanh hào Thành cổ Sơn Tây.

Điểm nhấn của tuyến phố đi bộ là chương trình văn hóa, văn nghệ  được đầu tư bài
bản, quy mô như biểu diễn văn nghệ, đua thuyền, câu cá, múa rối nước, ca nhạc
đường phố, nhảy dân vũ; triển lãm tranh, ảnh, sách, báo, tạp chí; hoạt động vui chơi
của thanh niên, các cháu thiếu nhi… Thị xã Sơn Tây cũng tổ chức các dịch vụ ẩm thực,
gian hàng lưu niệm, triển lãm ảnh, trưng bày cây cảnh, sản phẩm đặc trưng của vùng
đất xứ Đoài…phục vụ nhu cầu mua sắm, thưởng thức của nhân dân và du khách.

 Thời gian hoạt động tuyến phố đi bộ từ 19 giờ thứ bảy đến 12 giờ chủ nhật hằng tuần.
Vùng đất Sơn Tây vốn có nhiều địa danh du lịch nổi tiếng như: Làng cổ Đường Lâm,
đền Và, chùa Mía… Nhưng lâu nay, khách đến Sơn Tây chủ yếu đi về trong ngày. Với
việc Thành cổ Sơn Tây có thêm sản phẩm du lịch, du lịch Sơn Tây được kỳ vọng sẽ giữ
chân khách du lịch, khi kết nối liên thông với các địa danh du lịch khác trên địa bàn.

Đến tham quan du lịch thị xã Sơn Tây, bên cạnh việc tìm hiểu các di tích lịch sử, văn
hóa, du khách còn có thể dành thời gian bên gia đình tại các khu du lịch, nghỉ dưỡng
trên địa bàn. Khu du lịch Đồng Mô được coi là điểm du lịch lý tưởng của du khách với
không gian đẹp với gần 1.200ha diện tích mặt hồ và 21 hòn đảo lớn nhỏ hình thành
tour du lịch khép kín với nhiều loại sản phẩm du lịch đặc sắc. Khu du lịch được chia làm
3 khu với những đặc sản du lịch khác nhau, tạo thành “tour” du lịch khép kín mà ở đó
hội tụ đủ 3 yếu tố khiến những người yêu thiên nhiên ưa thích: Nghỉ ngơi thư giãn, giải
trí và thưởng thức ẩm thực. Sở hữu những bãi cỏ xanh ngút ngàn, không khí trong lành
cùng nhiều dịch vụ hấp dẫn như cắm trại, đua thuyền, đốt lửa trại… Đồng Mô hiện là
một trong những địa điểm được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn để du lịch cùng bạn bè trong
dịp hè này.

Rời Đồng Mô, du khách có thể tới tham quan Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam là
một phần thuộc khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Khu bảo tồn là nơi tái hiện đời
sống sinh hoạt các tộc người trên khắp nước Việt Nam, được xây dựng trên một ngọn
đồi nhỏ với nhiều thung lũng và hồ nước bao quanh. Chính vì thế địa hình nơi đây rất
đa dạng, phong phú với nhiều cảnh quan đẹp phù hợp để du khách tới tham quan và
du ngoạn, tìm hiểu về đời sống, văn hóa, phong tục của 54 dân tộc Việt Nam. Diện tích
toàn khu cũng rất rộng rãi, thoáng đãng lên tới 1.500 ha thích hợp tổ chức những hoạt
động giải trí tập thể. Tại khu các làng dân tộc, những lễ hội văn hóa truyền thống như:
chợ phiên Tây Bắc, lễ hội cầu mưa của dân tộc Cor (Quảng Nam), lễ hội trỉa lúa của
dân tộc B’râu (Kon Tum), lễ hội đua bò Bảy Núi (An Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần
Thơ)… được tái hiện, là dịp để du khách tận hưởng không khí hội hè sôi động, mang
đậm bản sắc văn hóa từng vùng, miền đất nước.

Hiện nay thị xã Sơn Tây được đánh giá là một trong nhưng điểm đến du lịch hấp dẫn
của Thủ đô, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch dịch vụ với 244 di tích
văn hóa lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc
cùng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư. Thị xã cũng đã hình thành
3  khu du lịch theo hướng sinh thái – nghỉ dưỡng – văn hóa là khu du lịch Đồng Mô với
sân gôn và hồ Đồng Mô;  khu du lịch trung tâm thị xã gồm Thành Cổ - Đền Và – Đường
Lâm và khu du lịch Xuân Khanh. Bên cạnh đó, với lợi thế có hệ thống đường giao thông
thuận lợi, đồng bộ với hai tuyến đường chạy qua là Quốc lộ 21A  và Quốc lộ 32 kết nối
với các vùng lân cận vì vậy, lượng khách du lịch đến với thị xã ngày càng đông, nhất là
khi tình hình dịch Covid – 19 ở nước ta đã giảm, ngành du lịch được mở cửa hoạt động
trở lại.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài việc đẩy mạnh công tác chỉ đạo,
điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền, công tác quản lý nhà nước về du lịch, thị
xã Sơn Tây thường xuyên đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, xúc
tiến du lịch; đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; phối hợp
liên kết, hợp tác phát triển du lịch… góp phần đưa thị xã Sơn Tây trở thành điểm đến
du lịch “ An toàn – thân thiện – chất lượng – hấp dẫn” du khách./.

You might also like