You are on page 1of 16

GIAI THOẠI, TRUYỀN THUYẾT LIÊN QUAN ĐẾN NAM BỘ

1. Câu chuyện của người S’tiêng về núi Bà Rá


1.1. Câu chuyện về nguồn gốc ra đời núi Bà Rá
Với nội dung này, có hai nơi kể với hai câu chuyện khác nhau:
Câu chuyện thứ nhất: Người khổng lồ đắp núi, theo lời kể của người S’tiêng ở thôn 7
xã Long Giang và xã Phú Nghĩa
Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, có vị thần trên trời có chức năng cai quản dân
chúng dưới hạ giới. Ông sinh được hai người con gái, người con lớn đặt tên là My
Lơm và con gái nhỏ đặt tên là My Giêng. Khi con gái lớn lên, lúc này tuổi ông đã cao
sức yếu không thể cai quản được dân chúng nên muốn để hai con gái ông tiếp tục công
việc. Ông phân công người chị là My Lơm trông coi vùng đất ở khu vực gần sông
Vàm Cỏ (hiện nay) và cô em My Giêng cai quản vùng đất Đak Lung – tức sông Bé
ngày nay và những vùng xung quanh.
Để tạo thuận lợi cho hai người con gái trong việc cai quản dân chúng, ông dùng
Xá([4]) lớn lấy đất đắp tạo ra hai ngọn đồi, núi cao để hai người con ở. Ngọn đồi – núi
đó được ông đặt tên là Bờ Nâm Woen (Veng), ngày nay người Kinh gọi là núi Bà
Đen; ngọn đồi – núi ở Đak Lung được ông đặt tên là Bờ Nâm Brá, ngày nay gọi là núi
Bà Rá. Vì ở khu vực sông Vàm cỏ là nơi ở và cai quản của cô chị nên ông đổ bảy Xá
đất, còn ở khu vực Đak Lung([5]), nơi ở của cô em, ông chỉ đổ sáu Xá đất để phân biệt
thứ bậc chị em. Đó là lý do vì sao ngày nay Bờ Nâm Woen (Veng) – tức núi Bà Đen
hiện nay cao hơn Bờ Nâm Brá – núi Bà Rá, theo giải thích của người S’tiêng.
Câu chuyện thứ 2: theo lời kể của người S’tiêng ở xã Bình Minh huyện Bù Đăng
Cũng là một câu chuyện về việc đắp núi Bà Rá, nhưng ở sóc Bom Bo (xã Bình Minh)
lại tồn tại một di bản khác.
Câu chuyện kể rằng, ngày xưa có một ông khổng lồ có ba người con gái. Khi các con
lớn lên, ông muốn tìm nơi để các con cư trú. Ông rảo quanh một vòng trong khu vực,
ông quyết định phân cho ba người con ở ba khu vực khác nhau. Cô chị ông cho ở vùng
Gia Lào, cô em kế được cho ở vùng gần khu vực sông Vàm Cỏ Đông và cô em út
được cho ở khu vực gần sông Đak Lung (tức sông Bé ngày nay). Sau khi phân chia
xong các vùng cư trú và được các con đồng ý, ông ra sức đắp cho các con những ngọn
đồi (Bờ Nâm) để họ trú ngụ. Để phân biệt vai vế lớn nhỏ giữa các chị em, ông tạo ra
những ngọn đồi (núi) có độ cao khác nhau. Cô chị ông dùng cái Lung (loại Gùi lớn
nhất của người S’tiêng) đổ một Lung đất tạo ra núi Gia Lào (thuộc huyện Xuân Lộc
tỉnh Đồng Nai) ngày nay; cô em kế, ông dùng Xá (loại gùi nhỏ hơn Lung) đổ một Xá
đất, tạo ra Bờ Nâm Woen (Veng) – tức núi Bà Đen ở Tây Ninh ngày nay; cô em út
ông dùng Khiêu (loại gùi nhỏ nhất của người S’tiêng) đắp đồi tạo thành Bờ Nâm Brá –
tức núi Bà Rá. Do vậy, ngày nay núi Bà Rá thấp nhất trong ba ngọn núi ở Đông Nam
Bộ.
1.2. Câu chuyện về sự di cư của người S’tiêng
Trong chuyện kể dân gian của người S’tiêng, họ có lưu truyền câu chuyện về sự di cư
của người S’tiêng và sự có mặt của người S’tiêng trên vùng đất Bình Phước.
Ngày xưa, các cộng đồng cư dân như S’tiêng, Khmer, Châu Ro sinh sống chủ yếu ở
vùng Bà Đen. Sau đó, do xảy ra nhiều bất đồng, nhóm người S’tiêng do bà Giêng dẫn
đầu đi về phía đông tìm nơi cư trú mới. Trên đường đi, đoàn dừng nghỉ hai lần, một
lần ở Sóc Bưng (xã Thanh Phú, thị xã Bình Long ngày nay), đoàn ngồi nghỉ chân. Do
đoàn người đông, lại ngồi nghỉ quá lâu nên phần đất nơi họ ngồi bị lún xuống, tạo ra
một địa điểm gọi là Bờ Nâm Cầm Beng, tức di chỉ Thành đất đắp hình tròn Thanh
Phú([6]). Sau đó, khi đi đến khu vực sóc Bù Tam (xã Lộc Quanghuyện Lộc Ninh ngày
nay), cách điểm dừng chân đầu tiên khoảng 30km, đoàn tiếp tục ngồi nghỉ chân, tạo
nên một địa điểm có hình dáng tương tự ở ấp Sóc Bưng xã Thanh Phú – tức là di chỉ
thành đất đắp hình tròn Lộc Quang 2 ngày nay. Cuối cùng đoàn người đã đi đến khu
vực Bờ Nâm Brá – Núi Bà Rá. Nhận thấy nơi đây có núi cao, có sông lớn và nhiều
suối chảy qua, có phong cảnh đẹp, phù hợp để người dân canh tác và cư trú lâu dài,
đoàn người S’tiêng đã chọn nơi đây làm nơi cư trú lâu dài.
1.3. Câu chuyện về ông nhà giàu keo kiệt chặn dòng sông Bé bắt rắn cứu con
Người S’tiêng kể rằng, ngày xưa trong một sóc nhỏ ở gần Bờ Nâm Brá có một gia
đình giàu có với nhiều tài sản trong nhà như: lúa, bắp,nhiều Slung, Tố, Ché, nhiều trâu
bò,… Nhưng ông chủ gia đình lại nổi tiếng là người keo kiệt và độc ác. Ông không hề
giúp đỡ ai trong hoạn nạn, những người nô lệ trong nhà cũng bị ông đối xử thậm tệ.
Trong Wăng ai ai cũng căm ghét ông, cả các loài chim, muôn thú.
Ông có một người con gái rất đẹp vừa đến tuổi lấy chồng. Dưới sông Đak Lung (nơi
gần Thác Mơ) có một con Bi Bvích([7]) – là con rắn hổ đã thành tinh, biết lão nhà
giàu ở đây nổi tiếng keo kệt và tàn ác nên muốn ra tay trừng trị, cho lão nhà giàu một
bài học. Để thực hiện ý định của mình, nó biến thành một chàng trai cao to, tuấn tú,
đến gia đình ông nhà giàu giả làm người bị lỡ đường xin được ở tạm vài hôm. Sau đó,
nó xin ở lại nhà ông để làm việc nhằm đền đáp công ơn gia đình ông đã cho “chàng
trai” ở nhờ. Để được ở lại lâu hơn, chàng trai do rắn biến thành nói với lão nhà giàu
rằng ở đây mấy hôm cảm thấy thích và có tình cảm với gia đình, không muốn rời đi
nữa. Nếu ông đồng ý thì “chàng trai” sẵn sàng ở lại đây và làm công cho ông, chỉ cần
ông cho ăn cơm, không cần trả tiền công. Nghe vậy, lão nhà giàu thích lắm, đồng ý
luôn vì nhà có thêm người làm rất khỏe mạnh lại chịu khó.
Được lão nhà giàu đồng ý, “chàng trai” làm nhiều cách để lấy lòng ông chủ nhà giàu
có, mong có ngày chiếm được tình thương của cô gái và được ông lão nhà giàu cưới
làm chồng cho con gái. Sau một thời gian làm “người tốt”, hắn đã chinh phục được lão
nhà giàu keo kiệt. Mặc dù người con gái không hề yêu thương “chàng trai” nhưng ông
vẫn quyết định cưới “chàng trai” cho con gái yêu quý của mình. Đêm tân hôn, khi hai
người ở chung trong một căn phòng được người cha chuẩn bị cho đôi vợ chồng trẻ,
con rắn hiện nguyên hình, há to mồm nuốt “người vợ” mới cưới vào bụng. Lúc này,
người con gái vội vàng kêu cứu:
– Cha ơi! Cứu con, nó nuốt chân con rồi!
Lão nhà giàu nghĩ rằng đó là chuyện hai vợ chồng đùa giỡn trong khi động phòng nên
ông trả lời: Thôi con ạ, chuyện của vợ chồng con, cha không tiện can thiệp đâu!
– Người con gái lại kêu cứu: Cha ơi cứu con, nó nuốt đến bụng con rồi!
Người cha cũng nghĩ như trước, lại nói: đó là chuyện của hai vợ chồng con!
Người cha tiếp tục nghe những lời kêu cứu của con gái khi con rắn tinh nuốt cô gái
đến ngực, đến miệng. Khi tiếng kêu cứu nhỏ dần rồi im hẳn, người cha thầm nghĩ:
cuối cùng con gái mình cũng chịu “chàng trai”, ông yên bụng ra ngồi phía đầu nhà sàn
hóng mát, ngắm rừng xanh. Trong bụng có cảm giác vui vui khó tả vì ông nghĩ đã
cưới cho con gái một người chồng ưng ý.
Sau khi nuốt xong cô gái, con rắn tung mạnh một cái, phá phòng ngủ và bò nhanh về
hang của nó. Người cha lúc này mới phát hiện “chàng trai” tuấn tú kia chỉ là một con
rắn hóa thành và đã nuốt con gái ông vào bụng. Ông liền lần theo dấu vết bò của con
rắn và phát hiện được cái hang nơi con rắn đang ẩn náu. Tuy nhiên, hang này nằm
dưới dòng nước Đak Lung đang chảy xiết nên ông không thể xuống để bắt con rắn
được. Ông đang đứng tần ngần suy nghĩ thì bên suối có con tác kè, vốn đã có lòng
ghét ông lão keo kiệt từ lâu, nhân dịp này nó bèn bày kế hại ông. Nó nói: Ông muốn
chặn dòng nước để vào hang bắt con rắn cứu con gái, hãy lấy của cải đang có trong
nhà ra đổ xuống dòng nước sẽ ngừng chảy, khi đó ông sẽ xuống được hang của rắn.
Đang lúc chưa nghĩ ra cách gì hay, ông vội làm theo lời con tắc kè. Ông chạy về nhà
kêu người nhà, người làm, nô lệ mang lúa, bắp, vàng bạc, cơm, thịt heo, tố, ché,… ra
đổ xuống dòng nước. Lúc này, con tắc kè đi thông báo cho người dân trong các Wăng
gần đó mang các vật dụng đến địa điểm thích hợp để vớt của cải của lão nhà giàu.
– Mọi người ơi, lão nhà giàu độc ác sắp mang của cải đổ xuống dòng suối chặn dòng
nước để bắt rắn cứu con gái, mọi người chuẩn bị đồ để đi vớt!
Đúng như dự đoán của con tắc kè, ông cứ đổ xuống đến đâu, các thúng thóc, bắp, đậu,
vàng bạc, thức ăn đều bị nước cuốn trôi đến đó. Nhưng ông vẫn kêu đầy tớ, nô lệ
mang ra đổ xuống. Người dân lúc này đã đợi sẵn, dùng các loại vật dụng vớt những
của cải của lão nhà giàu bị nước cuốn trôi.
Ông cứ đổ mãi cho đến khi của cải trong nhà dần cạn hết. Lúc này, cảm thấy tội
nghiệp cho lão nhà giàu, một con chim Pèng Péc đang đậu trên cành cây liền nói vọng
xuống: “Ông muốn ngăn dòng nước thì phải lấy đá đổ xuống, của cải nhà ông đổ đến
bao giờ mới ngăn được dòng nước này”!
Ông lão nghe được mới bừng tỉnh. Ừ nhỉ! Tại sao mình không nghĩ ra. Ông liền kêu
mọi người đi lấy đá đổ xuống dòng nước. Chỉ một lúc sau, dòng nước đã bị ngăn lại,
hang rắn lộ ra. Lúc này con rắn vẫn chưa bò hết vào hang, ông liền nắm lấy đuôi con
rắn kéo ra. Lần đầu ông kéo một mình, sức ông không kéo nổi nên bị trượt tay, ngã
phịch xuống đất. Nơi ông ngồi xuống tạo thành một vùng trũng to, ngày nay dấu tích
còn lại là một vũng to ở dưới Thác Mơ. Sau đó, ông kêu người làm, nô lệ và người nhà
xuống kéo giúp nhưng vì con rắn to quá nên vẫn không kéo nổi. Thấy vậy, người dân
đang vớt của cải gần đó đến kéo giúp, con rắn lúc này dần dần bị kéo ra khỏi hang.
Đợi đến khi đầu con rắn ra khỏi miệng hang, ông dùng chà gạt chém nhiều nhát làm
con rắn chết tại chỗ. Mọi người cùng ông mổ bụng rắn cứu cô gái. Tuy nhiên, do bị
nuốt quá lâu, cô con gái của ông đã chết. Ông buồn bã cùng những người trong nhà
đưa con gái về nhà làm đám tang và chôn cất. Lúc này, người trong làng mang những
của cải vớt được trả lại cho lão nhà giàu, giúp lão nhà giàu tổ chức tang lễ và chôn cất
cho cô con gái gái. Lão nhà giàu lúc này mới hiểu được lòng tốt của mọi người, ông
vô cùng hối hận vì đã đối xử không tốt với mọi người trong Wăng([8]) lâu nay. Ông
liền mang của cải giúp đỡ những người nghèo khó, những gia đình neo đơn. Từ đó,
tình cảm của gia đình lão nhà giàu với người dân trong sóc trở nên gắn bó hơn.
1.4. Câu chuyện về mối tình chung thủy([9])
Đây là câu chuyện giải thích về hai hòn đá nằm song song, ở dưới chân núi Bà Rá.
Chuyện kể rằng, ngày xưa, ở Wăng Đak Dung, tức Suối Dung có một Bàu nước tự
nhiên, người S’tiêng gọi là Tranh Bi Vích Bi Cu – Tức Bàu Chàm Quạp. Nơi đó, có
nhiều đồng cỏ xanh mượt, quang cảnh rất đẹp. Người dân trong các Wăng – Sóc lân
cận thường đến đây chăn trâu, tắm rửa, vui chơi. Có một đôi trai gái trong Wăng rất
thương nhau, họ dự định hết mùa gặt lúa này sẽ xin cha mẹ cho họ cưới nhau.
Vào những đêm trăng sáng, họ thường đến ngồi trên tảng đá bên hồ nước để nói
chuyện, chăm sóc động viên nhau. Trong một lần, như thường khi, họ ngồi trên tảng
đá nói chuyện đùa giỡn với nhau rất vui vẻ. Trăng sáng lờ mờ, gió mơn man thổi,
chàng trai nói với người con gái những dự định về tương lai sau khi hai người cưới
nhau, cô gái nói về những ước mơ của mình sau khi lập gia đình. Trong lúc nói
chuyện, cô gái vô tình nhặt được một vật gì đó cong và nhọn, tưởng là chiếc gai tre, cô
gái cầm và khều nhẹ vào tay của chàng trai, không ngờ đó là chiếc răng nanh của con
rắn Bi Vích – Chàm Quạp đã chết. Chẳng may trong chiếc nanh vẫn còn nọc độc của
con rắn. Bị nọc độc của con rắn chạy khắp cơ thể, chàng trai đau đớn vật vã, lăn lộn
xuống đất một hồi rồi chết đi. Cô gái lúc này cảm thấy vô cùng hối hận vì trò đùa của
mình vô tình hại chết người yêu. Cô ngồi bên xác chàng trai, gào khóc thảm thiết ngày
này qua ngày nọ, không ăn không uống. Ai đến khuyên can cô cũng không nghe, cho
đến khi kiệt sức cô ngã xuống bên xác chàng trai và cũng chết đi. Đúng lúc này, trời
đất bất ngờ tối sầm lại, không khí trở nên lạnh buốt, không ai giám ra khỏi nhà. Đến
ngày hôm sau, trời bình thường trở lại, mọi người vội chạy ra nơi chàng trai và cô gái
thì phát hiện hai người đã hóa đá, nằm cạnh bên nhau. Đó là câu chuyện người S’tiêng
kể để giải thích hình tượng hai viên đá khối dài khoảng gần 2m, nằm song song cạnh
nhau ở dưới chân núi Bà Rá, gần khu vực suối Dung.

2. Huyền tích Thủ Huồng (Đồng Nai)


Ông Thủ Huồng bỏ ác hành thiện
Một số tài liệu xưa ghi chép, Thủ Huồng (tên thường gọi) là một nhân vật có thật song
mang nhiều nét huyền thoại. Ông tên thật là Võ Thủ Hoằng (có tài liệu ghi là Võ Hữu
Hoằng), bị đọc trại từ “Hoằng” thành “Huồng” hay “Huồn” – không rõ năm sinh năm
mất. Ông sống vào khoảng nửa cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 trên vùng đất Biên
Hòa - Đồng Nai xưa. Có tài liệu ghi ông là người châu Đại Phố tức Cù lao Phố.

Truyền rằng, vào đầu thời Nguyễn, Thủ Huồng làm chức thư lại, có tài liệu ghi là Thủ
Huồng đứng đầu một đồn trạm canh gác kiểm soát đường sông hoặc trại kiểm soát
trên bộ. Chức vụ này có thể là coi việc bảo an cho khu vực hay lo việc thu thuế. Nhờ
có chức vụ lại biết mánh khóe, Thủ Huồng kiếm được nhiều tiền, còn cho vay nặng
lãi, chiếm đoạt khá nhiều ruộng đất, trở nên giàu có.
Của nải đầy nhà nhưng hai vợ chồng Thủ Huồng lại không có con, vợ lại còn mất
sớm. Thủ Huồng sau khi làm ma chay cho vợ linh đình đã từ quan về sống đời giàu
sang. Rỗi nhàn, có nhiều tiền bạc nhưng chỉ có một thân một mình, Thủ Huồng đi chơi
đó đây tứ xứ cho biết, vừa là cho vơi nỗi nhớ vợ.

Nghe người ta mách bảo, có ngôi chợ tên là Mãnh Ma (mỗi tài liệu ghi chép một nơi,
ngày nay ở đâu không rõ), ở đó trong một đêm của năm, khi âm dương giao hòa,
người sống và người chết có thể gặp nhau. Tại chợ này hai vợ chồng Thủ Huồng kẻ
âm người dương bất ngờ gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Nhân dịp này, vợ Thủ Huồng
đưa chồng xuống âm phủ dạo chơi cho biết.

Tại đây, Thủ Huồng tận mắt nhìn thấy những cảnh tra tấn, đày đọa ghê rợn dành cho
những kẻ lúc ở dương thế gây việc tàn ác, tội lỗi. Lúc đi qua kho gông, Thủ Huồng
thấy trong vô số gông có một chiếc to và dài. Ông ta tò mò hỏi thì tên gác cổng cho
biết chiếc gông khác lạ đó dành cho tên Võ Thủ Hoằng xứ Trấn Biên, nổi tiếng tham
lam gian ác.

Thủ Huồng sợ hãi tột độ, nghĩ đến ngày mình xuống địa ngục và bị đóng gông vào cổ
mà không khỏi rùng mình ớn lạnh. Thủ Huồng hỏi liệu có cách nào thay đổi được kết
cục đó không thì được trả lời rằng, chỉ có tu tâm tích đức, đem của cải vơ vét đi bố thí
chuộc tội, giúp đỡ người nghèo kẻ khó, chăm làm việc thiện thì mới được giảm nhẹ
tội. Thủ Huồng mừng rỡ vô cùng.

Sau lần trở về từ địa ngục đó, Thủ Huồng về xứ Trấn Biên, từ bỏ thói hư tật xấu bấy
lâu để làm người thiện lương, lại đem của cải trong nhà đi sẻ chia dân nghèo, đâu đói
là cho, đâu khó là giúp. Ruộng đất ông đem cho làng xóm, cúng chùa dâng Phật.
Truyền rằng, khi đã trở về làm một lương dân, Thủ Huồng trở lại chợ Mãnh Ma gặp
vợ để xuống âm phủ và thấy cái gông dành sẵn cho mình đã bé hơn trước.

Làm bè cho dân, dựng chùa sám hối


Thời bấy giờ, việc đi lại giữa hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn (Gia Định) vì chưa có
đường bộ, nhiều nơi còn hoang vu dã thú rình rập nên chủ yếu bằng ghe đò đường
sông.

Để giúp nhân dân đi lại thuận tiện, Thủ Huồng đã bỏ tiền của kết một chiếc bè lớn
bằng tre, trên bè dựng nhà có chỗ ngả lưng, có bếp nấu cơm với đủ nồi niêu, củi gạo
mắm muối. Khách đi đò lỡ đường có thể trú lại chờ con nước mà không lo đói khát,
tốn kém. Ngã ba nơi hợp nhau của dòng Đồng Nai và Sài Gòn có chiếc bè tre cưu
mang dân đi đò ấy sau này được gọi là ngã ba Nhà Bè. Các địa danh khác mang tên
Nhà Bè cũng từ đây mà có.
Công đức ấy của ông Thủ Huồng về sau được nhiều người truyền tụng. Trịnh Hoài
Đức trong “Gia Định thành thông chí” (bản dịch Lý Việt Dũng), có chép: “Thuở ấy,
dân cư còn thưa thớt, ghe đò hẹp nhỏ, hành khách thổi cơm, đun trà rất khổ, vì vậy có
người phú hộ ở tổng Tân Chánh là Võ Thủ Hoằng kết tre lại làm bè, trên che lợp
phòng ốc, sắm đủ bếp núc, gạo, củi và đồ ăn để dưới bè cho hành khách tùy ý dùng mà
không bắt phải trả tiền. Sau đó khách buôn cũng kết bè nổi bán đồ ăn nhiều đến 20, 30
chiếc, nhóm thành chợ trên sông, nên mới gọi xứ ấy là Nhà Bè. Sau này đường thủy,
đường bộ lưu thông, dân cư đông đúc, người qua lại đều dùng ghe nhà nên đò dọc phải
dẹp bỏ. Trải qua cuộc loạn Tây Sơn, Nhà Bè tan rã, đến nay cũng không làm lại”.

Dân Biên Hòa xưa có câu ca dao: “Ai ơi có đến Nhà Bè - Nhớ ơn nước ngọt, bè tre
Thủ Huồng”. Câu ca dao nổi tiếng hơn là: “Nhà Bè nước chảy chia hai - Ai về Gia
Định, Đồng Nai thì về”, thì hẳn dân Nam bộ nói chung đều đã nghe qua. Sách “Nam
Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” có đoạn đề cập sự tích này: “Phú hộ là ông Thủ
Hoằng, Thương người khổ não lăng xăng tư bề. Bó tre lên cất nhà bè, Sắp đồ thập vật
ê hề làm ơn”.

Ngoài ra, truyền rằng sau chuyến về từ âm phủ ông Thủ Huồng cũng đến Cù Lao Phố
dựng chùa cúng Phật. Ngôi chùa này hiện nằm tại số 542A2, xã Hiệp Hòa, TP Biên
Hòa, tỉnh Đồng Nai. Ban đầu chùa có tên là Chúc Đảo, sau đổi là Chúc Thọ (vì chữ
“Đảo” tự dạng giống chữ “Thọ” mà lại có ý nghĩa hơn). Vì gắn liền nhân vật dựng
chùa, chùa còn được gọi là chùa Thủ Huồng, ngoài ra cũng được gọi là chùa Sau (vì
nằm phía sau chùa Đại Giác).

Tương truyền, sau khi Thủ Huồng dựng chùa một thời gian, vua Đạo Quang (1782-
1850), hoàng đế thứ 8 của nhà Thanh (Trung Quốc) khi sinh ra, giữa lòng bàn tay có
hàng chữ: “Đại Nam, Biên Hòa, Thủ Hoằng”. Triều đình nhà Thanh cử sứ giả qua tìm
hiểu lai lịch và tiến cúng chùa Chúc Đảo ba tượng phật bằng gỗ trầm hương. Ba bức
tượng Phật ngày nay vẫn còn được lưu giữ tại chùa. Dân gian tin rằng, nhờ vào lòng
phục thiện, công đức nên Thủ Huồng đã đầu thai được làm vua.

Trải qua nhiều đợt trùng tu, hiện nay chùa mang dáng vẻ hiện đại, được xây cất bằng
các vật liệu kiên cố ... Kiến trúc của chùa theo hình chữ tam truyền thống, bề thế, thâm
nghiêm. Trong khuôn viên chùa, còn hai ngôi tháp cổ là mang dấu ấn xưa nhất. Ngay
cạnh chùa là nghĩa địa của làng, ngổn ngang lăng mộ lớn nhỏ, càng làm không khí
chùa Thủ Huồng thêm u tịch vắng lặng mỗi buổi chiều tà. Chùa còn bảo tồn ba pho
tượng Phật cổ bằng gỗ và bộ tượng A-la-hán cao 0,74m bằng đất nung ở thế kỷ 19.

Ngoài ra, trên địa bàn Biên hòa có một số địa danh gắn liền với nhân vật Thủ Huồng,
như cầu Thủ Huồng, rạch Thủ Huồng ở làng Mỹ Khánh, phường Bửu Hòa. Con rạch
Thủ Huồng chạy ngang qua đường Tân Vạn vòng qua Quốc lộ 1A đi Sài Gòn, truyền
rằng xa xưa do Thủ Huồng sai vét nên sau mang tên ông.
Chiếc cầu đá trên đường gần sông Đồng Nai đi Tân Vạn cũng gọi cầu Thủ Huồng, xa
xưa Thủ Huồng đã xây dựng một cây cầu bằng gỗ. Năm 1910, cây cầu gỗ đã xuống
cấp nên có một người phụ nữ bỏ tiền ra xây dựng một cây cầu bằng gạch đá, bê tông
theo nguyên bản và ngay vị trí của cầu ván Thủ Huồng xưa.

Chuyện Thủ Huồng lưu truyền đất Đồng Nai hai trăm năm qua với nhiều dị bản song
tựu chung cốt truyện giống nhau, mang sắc màu cổ tích với quan niệm nhân quả của
Phật giáo. Câu chuyện Thủ Huồng sống mãi như một bài học về lòng nhân ái, hướng
thiện và lẽ nhân nghĩa của cuộc đời mà tiền nhân vẫn thường nhắc nhau từ thuở đầu
khai khẩn phương Nam và mãi cho đến tận ngày nay.

3. Truyền thuyết mộ Đốc binh Kiều (Đồng Tháp)

Theo tư liệu lịch sử tỉnh Đồng Tháp, tháng 10.1866, sau khi căn cứ Tháp Mười thất
bại, Thiên hộ Dương dâng sớ lên triều đình cho rút về miền Trung, nhưng khi
thuyền của ông ra đến cửa biển Thần Mẫu (Cần Giờ) thì bị cướp biển giết chết.
Riêng vị phó tướng tài ba của ông là Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều bị thương rồi hy
sinh.

Ly kỳ chuyện xác định mộ thật

Nơi an nghỉ cuối cùng của vị đốc binh huyền thoại này đã có nhiều tranh luận trong
giới nghiên cứu lịch sử. Địa chí Đồng Tháp ghi chép, trước sự tấn công ồ ạt của giặc,
Đốc binh Kiều điều động nghĩa quân chống trả quyết liệt, đến chiều giặc rút lui. Khi
ông trèo lên đài quan sát theo dõi cuộc thoái binh của giặc thì chẳng may bị thương.
Mấy ngày sau khi hay tin đại đồn thất thủ, ông uất mà chết. Lại có ý kiến cho rằng sau
khi bị thương ông được chở về quê nhà ở xã Long Hưng (nay thuộc H.Châu Thành,
Tiền Giang) điều trị rồi mất ở đó.

Ở Gò Tháp Mười, truyền thuyết và giai thoại nở rộ xung quanh địa danh, nhân vật, sự
kiện lịch sử gắn chặt tên tuổi Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều, Thống Linh, Phòng
Biểu... Người dân có thể kể vanh vách chuyện ông “quan lớn” tập hợp hàng chục chủ
trâu gom hàng trăm con trâu rồi huấn luyện cho chúng: một tiếng mõ trâu nằm, hai
tiếng mõ đứng dậy, ba tiếng mõ xung phong càn quét vào đội hình giặc, giặc bắn
không xuể, bỏ chạy...

Đốc binh Kiều là vị thần được tôn sùng và có ảnh hưởng đối với dân nhất. Dân ở đây
gọi ông là “tổng đốc” hoặc “quan lớn thượng”. Lễ hội cúng giỗ, múa hát cũng có bài
nói về Đốc binh Kiều. Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì việc thờ cúng
Đốc binh Kiều là dạng tín ngưỡng theo quan niệm “sinh vi tướng tử vi thần”.

Theo lời kể của dân địa phương, sau khi ngài đốc binh mất, để tránh tai mắt của giặc
nên người ta đã làm rất nhiều ngôi mộ, không biết mộ nào giả, thật. Năm nọ, vào
tháng 3 âm lịch, là mùa tát đìa, người ta dùng trâu vận chuyển cá từ ngoài đồng về.
Bất chợt có một con trâu mài sừng dưới gốc cây sao, tự dưng bị mắc kẹt sừng dưới
gốc cây không kéo lên được. Người dân xúm lại kéo trâu lên nhưng cũng không được.
Bỗng có một bô lão không biết từ đâu mách rằng đây là vùng đất thiêng nên phải bày
mâm cỗ cúng vái. Sau khi cúng vái xong thì con trâu tự nhiên rút sừng lên được.
Người ta thấy trên sừng trâu có dính một miếng gỗ trai khắc tên Đốc binh Kiều. Từ đó
người dân cho rằng nơi đây là mộ thật của ngài rồi tiến hành đắp mộ tu sửa.

Một dị bản khác kể rằng, vào một mùa tát đìa trước năm 1940, một tay chuyên đấu
thầu đìa cá thu được số lượng cá rất lớn. Cho rằng trời đất đã phù hộ mình trong việc
làm ăn, nên trước khi rời Tháp Mười, ông ta tổ chức cúng tế tạ ơn rất trọng thể, có mời
bà bóng đến múa. Lúc mọi người mải mê xem bóng múa, bỗng một cậu bé chừng 14
tuổi lột phăng áo ra bịt đầu chạy lên sạp tát cho bà này mấy cái nảy lửa rồi quát: “Ta
không ưa cái trò đồng bóng này, dẹp hết ngay, nếu không ta vặn họng hết bây giờ”.

Tay thầu đìa không biết chuyện gì xảy ra, nhưng thấy cậu bé mặt mày đỏ gay, thái độ
dữ dội, liền sụp xuống lạy. Cậu bé ấy phán rằng, ta là quan Đốc binh Kiều, mộ ta ở
phía sau chỗ này. Hát bội còn làm cho ta thấy thích thú, chớ cái trò múa may quay
cuồng này làm ta rối mắt quá. Nói xong, cậu bé ngã xuống đất bất tỉnh nhân sự, mồ
hôi vã ra như tắm. Theo sự chỉ dẫn từ cậu bé ấy, người dân Gò Tháp vun đất chất đá
thành một nấm mồ và dựng một mái che bằng tre lá để tưởng niệm. Địa điểm ấy là vị
trí của ngôi mộ và đền thờ Đốc binh Kiều hiện nay.

Anh Võ Tấn Nghĩa (Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp) cho biết ngôi mộ theo huyền
thoại đó đã được dân trong vùng đắp khoảng năm 1946 - 1947. Sau năm 1954, ngôi
mộ được xây dựng lại bằng gạch, cũng là vị trí ngôi mộ từ đó đến giờ.

Một đền thờ hai vị tướng

Sau năm 1955, đền thờ Đốc binh Kiều được sửa sang, nhưng do chiến tranh nên đến
sau năm 1975 vẫn còn khá đơn sơ, lợp ngói. Năm 1993, sức hút của lễ hội khiến du
khách tới đền thờ Đốc binh Kiều rất đông. Thế là một ngôi đền quy mô hơn được xây
dựng thờ cả hai vị Đốc binh Kiều và Thiên hộ Dương.

Trước đây lễ hội Đốc binh Kiều và Thiên hộ Dương được tổ chức vào ngày 14 - 15.11
âm lịch. Thời gian sau này, có lẽ xuất phát từ quan niệm “cúng bà phải kiến ông” nên
vào ngày lễ hội Bà Chúa Xứ rằm tháng 3 âm lịch, người dân và khách thập phương
cũng tổ chức lễ cúng hai ngài.

Hiện nay đền thờ Thiên hộ Dương đang được xây dựng rất quy mô nhằm tách ra 2 cơ
sở tín ngưỡng. Tỉnh Đồng Tháp cũng đang có kế hoạch tổ chức hội thảo, bàn việc tách
ra 2 lễ hội thiên hộ và đốc binh, sau khi xây dựng xong đền thờ Thiên hộ Dương.
4. Truyền thuyết về Long Hải thần nữ nổi tiếng linh thiêng ở Dinh Cô (Bà

Rịa- Vũng Tàu)

Ra đời từ truyền thuyết


Truyền thuyết kể rằng, Dinh Cô được xây dựng lần đầu tiên vào khoảng cuối thế kỷ
XVIII, xuất phát từ câu chuyện của một trinh nữ cũng là nhân vật được thờ trong dinh.
Cô gái tên là Lê Thị Hồng, tục là Thị Cách, thân phụ là ông Lê Văn Khương, thân mẫu
là bà Thạch Thị Hà, nguyên quán tại Tam Quan (tỉnh Bình Định).

Năm 17 tuổi, cô theo cha vào Gia Định buôn bán trên chiếc thuyền gỗ. Khi đi qua
vùng biển Long Hải thì chẳng may gặp bão lớn, cô bị rớt xuống biển tử nạn, xác trôi
dạt vào hòn Hang. Dân làng phát hiện đã tổ chức chôn cất cô trên đồi Cô Sơn. Sau đó
cô nhiều lần hiển linh, mộng báo điềm lành, diệt trừ dịch bệnh, giúp ngư dân nhiều lần
tai qua nạn khỏi.

Cho rằng người con gái ấy linh thiêng, dân trong vùng chung công góp sức lập đền thờ
nhỏ ngoài bãi biển để hương khói, tôn xưng cô là: “Long Hải Thần nữ Bảo an Chánh
trực Nương nương Chi thần”. Ngoài nội dung trên, trong dân gian cũng còn có những
lưu truyền khác kể về nhân vật này.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” từng đề cập đến câu chuyện này: “Ngoài mỏm núi
(Thùy Vân) có ngọn Thần Nữ, tục gọi mỏm Dinh Cô, có một đống vừa cát vừa đá,
trước kia có người con gái chừng 17-18 tuổi bị bão dạt đến đây, được người địa
phương chôn cất, sau đó mộng thấy người con gái ấy, tự xưng là Thị Cách đến đây
giúp đỡ, người ta cho là thần, lập đền thờ nay vẫn còn”.

Xa xưa Long Hải là vùng đất mới với dân cư thưa thớt, làng chài nghèo khó nên Dinh
Cô chỉ là ngôi miếu mái tranh vách đất nằm kề bãi biển. Sau do thủy triều xâm thực
nên dân làng đã dời lên chân núi Thùy Vân. Năm Canh Ngọ (1930) điện Cô một lần
nữa được dời lên triền núi Thùy Vân ở vị trí hiện nay. Bấy giờ các vị Tiền hiền và
nhân dân trong vùng tổ chức quyên góp, xây cất lại Dinh Cô rộng lớn, vững chắc hơn.

Quần thể di tích Dinh Cô gồm đền thờ Cô tọa lạc dưới mõm núi Thùy Vân và khu Mộ
Cô nằm trên đồi Cô Sơn, ba mặt giáp biển, cách ngôi điện thờ chừng 1km về phía
Đông. Điện thờ Cô gồm ba khối nhà đúc mái ngói nằm liền kề nhau theo chiều ngang
của triền đồi. Bên phải Chánh điện là ngôi thờ Tiền hiền Hậu hiền, tiếp đến là phòng
trưng bày xiêm y, áo mão của Cô, nơi tiếp khách, văn phòng làm việc của Ban Quản
lý…

Lối lên Dinh Cô qua cổng tam quan nằm dưới chân mũi Thùy Vân, trang trí đắp nổi
hình rồng và hổ theo quan niệm long hổ hội, phía trên có lưỡng long chầu nguyệt và
song phụng chầu. Qua 37 bậc tam cấp là dẫn lên chính điện, có đắp nổi hình lưỡng
long chầu nguyệt, mái uốn cong tương tự đình chùa, nhiều câu đối, câu liễn.

Trong chính điện bài trí 7 bàn thờ. Ngay trung tâm là bàn thờ Cô (Lê Thị Hồng). Nổi
bật với bức tượng Cô cao hơn 0,5 m, mặc áo choàng đỏ, viền kim tuyến, đội mão gắn
ngọc. Phía sau cạnh bàn thờ Cô là bàn thờ Diêu Trì Phật Mẫu, Chúa Cậu (Nhị vị Công
tử, tức là Cậu Tài, Cậu Quý), Ngũ Hành Nương Nương, Tứ Pháp Nương Nương (Pháp
Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), Ông Địa, Thần Tài.

Ngoài chính điện, ngư dân còn lập bàn thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, Chúa Ngọc Nương
Nương, Chúa Tiên Nương Nương, Chư vị, Bà Mẹ Sanh, Tiền hiền, Hậu hiền... và các
miếu thờ Hỏa Tinh Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế Quân, Quan Thế Âm Bồ Tát... Tuổi
đời trăm năm với nhiều giá trị độc đáo, năm 1995 Dinh Cô đã được công nhận di tích
lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Độc đáo lễ hội Dinh Cô


Trong năm, Dinh Cô có nhiều lễ cúng vào dịp Tết Nguyên đán, lễ Tam nguyên (Rằm
tháng Giêng, Rằm tháng Bảy, Rằm tháng Mười), lễ Đoan Ngọ (Trùng Ngũ). Trong đó,
quy mô và có ảnh hưởng sâu sắc và rộng rãi nhất là lễ hội Dinh Cô (còn gọi là Lệ Cô
hay ngày Vía, ngày giỗ Cô) diễn ra các ngày 10, 11 và 12 tháng 2 âm lịch.

5. Giai thoại về công tử bạc liêu và ngôi nhà bậc nhất nam kỳ

Công tử Bạc Liêu là ai?

Công tử Bạc Liêu tên thật là Trần Trinh Huy sinh năm ( 1900 – 1974), ông còn tên gọi
khác là Ba Huy hay Hắc công tử ( vì ông có nước da ngăm đen) sánh cùng Bạch công
tử Lê Công Chước là một cặp hắc bạch công tử ăn chơi khét tiếng miền Nam thập niên
30, 40 lúc bấy giờ.
Xuất thân giàu có của Công tử Bạc Liêu phải kể đến thừ người cha từng là cậu bé chăn
trâu cho gia đình phú hộ sau thành hội đồng Trạch nhiều người biết đến của ông. Cha
của công tử Bạc Liêu tên thật là Trần Trinh Trạch, lúc nhỏ ông Trạch là một cậu bé
chăn trâu cho một gia đình phú hộ.
Lúc bấy giờ, thực dân Pháp muốn tăng sức ảnh hưởng đến các địa chủ miền Nam nên
đã ra yêu cầu những địa chủ này đưa con em mình đến trường học Pháp. Do tư tưởng
phong kiến của các địa chủ, họ không muốn con em mình phải theo học thứ văn hóa
phương Tây đó thế nên thường chọn những người gia đinh trong nhà để thay thế con
em mình đi học, và cậu bé Trạch là một trong số đó.
Cùng với sự thông minh, chăm chỉ của mình, ông Trạch học hành giỏi giang trở thành
thư ký ủy ban tỉnh Bạc Liêu. Tại vị trí này ông quen biết được nhiều người giàu có và
giúp đỡ nhiều phú hộ về đóng thuế tô đất và được ông bá hộ Phan Văn Bì – bá hộ giàu
nhất vùng chú ý đến và gả con gái cho. Từ đó, ông Trạch ngừng việc làm thư ký và trở
về quản lý đất đai, gia sản.
Từ những gia sản, ông Trạch là ngày càng mở rộng và phát triển theo hướng mới, ông
còn xin được độc quyền cả việc cầm đồ – một thuật ngữ còn rất mới lúc bấy giờ. Dần
dà những người em vợ do ăn chơi cũng mất gia sản vào tay ông. Theo thống kê, ngoài
những gia sản khác, ông bá hộ Trạch lúc bấy giờ sở hữu 74 sở điền lớn, 110.000 ha
ruộng lúa và 100.000 ha ruộng muối.
Ông Hội đồng Trạch đã từng trải qua nhiều biến cố, ông biết rằng nếu ông có gia sản
từ tay ba vợ thì cũng sẽ có ngày mất vào tay con cái. Nên ông muốn con cái mình có
thể quản lý tốt gia sản và ông đã đặt kỳ vọng đó vào cậu con trai thứ ba của mình là
cậu Trần Trinh Huy bằng việc đưa cậu Ba Huy du học Pháp.
Tuy nhiên, khi du học Pháp, cậu Ba Huy bên cạnh việc học quản lý gia sản còn học
thêm rất nhiều thứ khác. Cậu học đủ các bằng thời thượng lúc bấy giờ: bằng nhảy
đầm, bằng lái xe hơi, bằng lái xe máy, bằng lái máy bay,… Cậu ba Huy sang Pháp chỉ
thường đi nông trường học hỏi kỹ thuật, cách quản lý của họ. Ngoài ra, thời gian còn
lại cậu chỉ lo vào việc vui chơi. Cậu còn cưới một người vợ Tây bên Pháp và có một
người con.
Công tử Bạc Liêu và sự trở về đầy kỳ vọng

Năm 26 tuổi, Công tử Bạc Liêu kết thúc chuyến du học và bắt đầu một truyền kỳ tại
đất Nam Kỳ. Tương truyền, khi nghe tin con trai về nước, ông Trạch và vợ đã lên Sài
Gòn đón con. Khi đi ông Trạch mang một chiếc túi nhà quê, mặc áo bà ba, mang dép
lào vào tiệm bán xe hơi sang trọng nhất Sài Gòn. Tại đây, trong sự ngỡ ngàng của mọi
người về một “ ông già nhà quê” , ông hội đồng Trạch đã chọn mua cho con trai mình
chiếc xe đời mới nhất và đắt nhất là chiếc Peugeot.
Cậu ba Huy khi gặp cha mình đã lập tức trổ tài lái xe của mình. Ông lái xe với vận tốc
gần 100km/h từ Sài Gòn về Bạc Liêu. Ông hội đồng Trạch lúc đó mở tiệc lớn chiêu
đãi tất cả mọi người. Lúc ấy, hàng nghìn vị khách là quan lớn, bá hộ giàu có lúc tỉnh
Nam kỳ đều đến dự tiệc chúc mừng.
Công tử Bạc Liêu và sự tài trí của mình

Tuy nổi tiếng về sự ăn chơi, nhưng bên cạnh đó cậu Ba Huy là một người vô cùng
thông minh và tài giỏi. Thứ nhất, quản lý gia sản theo kiểu người Tây. Sau khi biết cha
giao gia sản cho mình quản lý, ông đã lập ra giao kèo mọi gia sản đều do ông toàn
quyền quản lý đồng thời phải có sổ sách thu chi rõ ràng. Ngay cả khi muốn lấy tiền,
ông Trạch cũng phải xin phép cậu ba Huy.
Thứ hai, thuê người Pháp về quản lý. Đây là một trong những điều làm người khác
phải trầm trồ bởi lúc bây giờ người ta chỉ toàn thấy người Pháp thuê người Việt chỉ có
cậu Ba Huy làm điều ngược lại. Vì để quản lý toàn bộ gia sản phải cần rất nhiều thời
gian điều này làm ảnh hưởng đến việc ăn chơi của mình nên cậu Ba Huy đã thuê một
người Pháp tên là Henry để quản lý gia sản cho mình với hoa hồng hấp dẫn là 10% lợi
nhuận hàng năm
Thứ ba, công tử Bạc Liêu là người mở ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam. Cậu ba Huy là
người đầu tiên đề xuất cha mình mở ngân hàng đầu tiên tại và được rất nhiều bá hộ
góp vốn và gửi tiền vào đó.
Thứ tư, mở ra nhiều thứ mới mẻ tại đất Nam Kỳ. Du học ở Pháp về, câu Ba Huy mở ra
rất nhiều thứ mới mẻ như cuộc thi hoa hậu miệt vườn ở miền Nam, tư vấn các quan
trưởng mở ra các hội chợ.
Công tử Bạc Liêu và sự giàu có của mình

Khi nói về sự ăn chơi cũng như sự giàu có của Công tử Bạc Liêu, người bây giờ có
câu nói rằng: “ Vua Bảo Đại có thứ gì thì công tử Bạc Liêu có cái đó, nhưng Công tử
Bạc Liêu có thứ gì chưa chắc gì Vua Bảo Đại đã có”.
Ông có hai chiếc xe là Ford Vedette dùng để thăm ruộng và chiếc Peugeot dùng để đi
chơi. Lúc bấy giờ cả miền Nam chỉ có hai chiếc là của Công tử Bạc Liêu và vua Bảo
Đại. Ông cũng là người đầu tiên sở hữu chiếc máy bay tư nhân đầu tiên Việt Nam.
Vua Bảo Đại cũng có một chiếc nhưng đó là tài sản quốc hữu.
Trên nhà ông ở Bạc Liêu có hẳn một căn gác đón nắng. Người ta thường bảo ông cho
gia nhân đem tiền lên đó phơi vào dịp nắng tốt. Tránh cho tiền bị nấm mốc, hư hỏng.
Thỉnh thoảng, ông lại tổ chức những bữa tiệc lớn với rượu và sâm banh hảo hạng cùng
những người quyền quý. Đôi khi trong lúc đánh bạc, ông thua đến 30.000 đồng đông
dương. Lúc bấy giờ 1kg lúa chỉ có giá chưa đến 0,1 đồng đông dương.
Ông thường di chuyển nghỉ mát ở Vũng Tàu, Hà Tiên, Cần Thơ và Đà Lạt. Mỗi nơi
ông đều có những căn biệt thự riêng ở vị trí trung tâm để tiện di chuyển. Nhưng ông
cũng rất ít khi ở những biệt thự đó mà thường thuê những khách sạn đắt tiền sang
trọng ở ngoài.
Khi di chuyển, ông thường mang theo cả đoàn tùy tùng để và trang bị cá nhân. Từ mắt
kính, quần áo, gậy đến những bộ comple đắt tiền. Ngoài ra, còn đem theo cả những
chú chó cưng của mình trong chuyến du lịch.
Đổi nhà phố lấy người đẹp

Bà Bùi Thị Ba là người vợ ba của Công tử Bạc Liêu cũng là người vợ chính thức cuối
cùng của ông khi về già. Lúc đó khi ông đang tập thể dục trên sân thượng nhà mình ở
Sài Gòn, ông vô tình thấy một cô gái gánh nước xinh đẹp. Nắng sáng chiếu rọi vào
từng giọt mồ hôi trên mặt cô gái rơi xuống. Người con gái mặc áo bà bà, vừa thanh tao
vừa lam lũ đã hớp hồn Công tử Bạc Liêu ngay lập tức.
Sau khi cho người điều tra, ông biết được đó là một người con gái của người thợ sửa
xe đạp gần đó. Ông ngay lập tức tìm đến nhà của người đó, xin phép gã con gái cho
mình. Ông mong đem người con gái đó về làm vợ dù đổi bất cứ giá nào. Dù đó là căn
nhà mặt phố ông đang ở đi nữa.
Giai thoại đốt tiền như giấy

“Bạc Liêu là xứ cơ cầu


Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu
Nghe danh Công Tử Bạc Liêu
Ðốt tiền như giấy tỏ ra mình giàu!”
Bốn câu trên là những câu dân gian truyền miệng. Hai câu đầu nói về sự hiện diện của
người Hoa trên đất Bạc Liêu (vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20) rất đông như cá chốt
dưới sông. Riêng 2 câu sau nói về một giai thoại mà ai cũng biết, cũng nhắc đến,
chuyện đốt tiền nấu trứng.
Trong đó, có giai thoại để đời “đốt tiền nấu trứng” để chinh phục người đẹp của Công
tử Bạc Liêu. Giai thoại này bắt nguồn từ câu chuyện sau được cho là có thật, theo đó,
thời bấy giờ trên Sài Gòn có cô Ba Trà xinh đẹp nổi tiếng khắp Sài Thành.
Một bữa, Công tử Bạc Liêu tới mời cô Ba Trà đi xem phim. Cùng lúc, Bạch công tử
(George Phước – Công tử Mỹ Tho) cũng mời cô Ba đi xem thế là cả ba cùng đi chung.
Trong rạp phim, cô Ba Trà sơ ý làm rớt tờ giấy Con công (năm đồng) nên cúi xuống
tìm. Do trong rạp phim tối, Công tử Bạc Liêu đã móc máy quẹt ra, định quẹt để giúp
người đẹp tìm. Đột nhiên, Bạch Công tử ngồi bên cạnh cầm tờ giấy Con đầm (hai chục
đồng) đưa vô bật lửa rồi đốt cho cô Ba tìm tờ giấy Con công. Lúc thấy Bạch Công tử
đốt tờ giấy hai chục cho mình tìm tờ giấy năm đồng, cô Ba đã thốt lên “Bạch Công tử
chơi ngông quá”. Bạch công tử mới cười và bảo “tưởng cô Ba làm mất tờ lớn (Bộ lư-
100 đồng) chớ”.
Do bị thua một vố quá đau trong vụ đốt tiền làm đuốc ở Bạc Liêu, nên Bạch công tử
tìm cách trả đũa lại Công tử Bạc Liêu và ông đã ra lời thách đấu, cũng liên quan đến
chuyện đốt giấy bạc (tiền). Đó là thi nhau đốt giấy bạc để nấu nồi chè đậu xanh, ai nấu
nồi chè sôi trước người ấy thắng. Hắc công tử đã nhận lời thách đấu và cuối cùng
George Phước đã chiến thắng, đòi lại được món nợ trong rạp hát ngày nào.
Nhà cổ Công tử Bạc Liêu

Ngôi nhà Công tử Bạc Liêu này được xây dựng từ năm 1919. Tất cả kiến trúc đều do
kỹ sư Pháp thiết kế và được thầy phong thủy tốt nhất Việt Nam lúc bấy giờ điều chỉnh
thêm. Toàn bộ vật dụng từ thép, gạch đến những vật phẩm nội thất đều được chuyển
từ Pháp sang.
Vì vậy, các vật dụng trong nhà của Công tử Bạc Liêu hiện nay đều có chữ P chìm trên
đó. Chữ P đó viết tắt cho từ Paris để chứng minh nó xuất xứ từ Paris hoa lệ.Tất cả giá
trị vật dụng trong nhà được định giá khoảng hơn 400 tỷ đồng.
Nhà Công tử Bạc Liêu hiện nay

Đến với vùng đất Nam Bộ, phải ghé thăm nhà công tử Bạc Liêu hiện nay tọa lạc tại số
13 Điện Biên Phủ, phường 3, TP Bạc Liêu, nằm cạnh bờ sông Bạc Liêu. Ngôi nhà
theo đầy đủ tiêu chuẩn vị trí tốt nhất thời bấy giờ. Vừa gần chợ, gần sông và gần lộ
lớn. Người dân vẫn thường gọi đây là nhà lớn. Kiến trúc ngôi nhà Công tử Bạc Liêu
hiện nay gồm hai tầng.

6. Cô Ba Trà

Vào những năm 20 – 30 của thế kỷ trước, cô Ba Trà là một trong những phụ nữ nổi

tiếng nhất Nam Kỳ lục tỉnh, được mệnh danh là “Tuyệt thế giai nhân Sài Gòn”, “Bà
hoàng của vũ trường”, “Bà hoàng sòng bạc Sài Gòn”. Nhan sắc và cuộc đời của cô đã

được báo chí thời đó đề cập rất nhiều, nhiều chuyện đã trở thành giai thoại, trong đó

không biết có bao nhiêu phần là sự thật.


Vài nét về đời tư cô Ba Trà
Tên thật của cô là Trần Ngọc Trà, sinh năm 1906 tại Cần Đước, thuộc tỉnh Long An,
trong một gia đình khá giả. Sau khi cha cô mất, mẹ cô đưa cô lên Sài Gòn. Mẹ cô lấy
chồng người gốc Hoa, làm nghề đại lý bán thuốc phiện. Hồi đó, chính quyền thực dân
Pháp nghiêm cấm buôn thuốc phiện lậu, nhưng cho phép kinh doanh có môn bài và
đóng thuế. Trước cửa tiệm treo tấm bảng có hai chữ R.O (Régie d’Opium, có nghĩa là
đại lý bán thuốc phiện). Ai nghiện thì đến tiệm, hút á phiện thoải mái.
Được vài năm, hai mẹ con dọn về ở một hẻm nhỏ gần chợ Bến Thành (vừa mới cất
xong năm 1914). Năm cô 14 tuổi, người mẹ gả bán Trần Ngọc Trà cho một bác sĩ
người Pháp. Sau gần một năm chung sống, viên bác sĩ mãn hạn phải trở về Pháp.
Năm 15 tuổi, cô Ba Trà được gả cho một công tử tên Toàn, người gốc Triều Châu, có
cửa hàng buôn bán ở Phan Rang và ở Chợ Lớn. Toàn là một tay ăn chơi, bồ bịch lăng
nhăng, sau đó ruồng bỏ cô. Trần Ngọc Trà rời bỏ gia đình Toàn để về sống với mẹ.
Năm 18 tuổi, cô được giới thiệu và trở thành người tình của bác sĩ Trần Ngọc Âu đã
lớn tuổi. Mối quan hệ này nhanh chóng kết thúc và Ba Trà bắt đầu lao vào cuộc sống
ăn chơi.
Cô Ba Trà cặp kè với những người thuộc giới thượng lưu như công chức cao cấp, các
đại điền chủ, đại công tử, tiêu biểu như: Bạch công tử, tên thật là Lê Công Phước (còn
gọi là Phước George); Hắc công tử, tức Trần Trinh Huy (cậu Ba Huy), công tử nổi
tiếng ở Bạc Liêu; Sáu Ngọ, vua cờ bạc ở Sài Gòn, Chợ Lớn; Công tử Bích, tên thật là
Lâm Kỳ Xuyên, phó giám đốc Ngân hàng Pháp – Á, chi nhánh tại Cần Thơ; Ông Tòa
áo đỏ tên Trần Văn Tỷ (quan tòa đại hình, cấp xét xử cao nhất thời đó ở Sài Gòn).
Nổi tiếng với các giai thoại
Học giả Vương Hồng Sển, trong cuốn “Sài Gòn tả pí lù” đã nói về nhan sắc của cô Ba
Trà như sau: “Những ai được quen biết hay được cô hạ cố giao thiệp đều xem đó là
niềm vinh dự để chứng minh đẳng cấp. Cô Ba Trà, đệ nhất huê khôi ở Nam Kỳ, một
người đẹp sắc nước hương trời từng làm say mê biết bao công tử miền Nam. Họ bao
quanh cô, tranh nhau vung tiền qua cửa sổ. Bao nhiêu tiền bạc, của cải cha mẹ để lại,
các công tử ấy ăn xài, bao gái không tiếc”.
Sắc đẹp của cô Ba Trà đã gây ra cuộc đối đầu giữa Bạch công tử và Hắc công tử.
Chuyện kể rằng, không cần cô Ba mở lời, hễ Bạch công tử nghe cô Ba được Hắc công
tử tặng món gì quý giá, ông sẽ hỏi giá và tìm mua kỳ được món quà đắt hơn để tặng
người đẹp. Vì thế, cô sở hữu không biết bao nhiêu đồ quý giá từ trang sức, áo quần
hàng hiệu cho đến nhà cửa, xe cộ.
Có lần, Bạch công tử lái chiếc xe sang trọng đón cô Ba Trà xuống Cần Thơ đổi gió.
Ông lấy chiếc nhẫn kim cương trị giá hơn 3.000 đồng (thời đó, giá một lượng vàng là
60 đồng) tặng người đẹp. Biết chuyện, công tử Bạc Liêu tỏ ra không thua kém, liền
đến gặp và tặng người đẹp chiếc nhẫn khác trị giá gấp đôi. Thế nhưng, món quà của
Hắc công tử hay Bạch công tử cũng không khiến cô Ba Trà xiêu lòng mà thuộc về ai.
Theo lời cô Ba Trà tâm sự với học giả Vương Hồng Sển, thì người chu cấp cho cô
nhiều nhất là công tử Bích, tức là đại gia Lâm Kỳ Xuyên, Phó giám đốc Ngân hàng
Pháp – Á chi nhánh tại Cần Thơ. Công tử Bích đã tặng cho cô tất cả 70.000 tiền Đông
Dương bấy giờ.
Cô Ba Trà còn cặp bồ với một người có địa vị xã hội cao là ông Tòa áo đỏ tên Trần
Văn Tỷ. Ông Tỷ trước làm thư ký tòa bố (dinh tỉnh trưởng) Bạc Liêu, được qua Pháp
học trường chính trị và trở về nước làm quan Tòa áo đỏ ở Sài Gòn. Lúc cô Ba Trà ngặt
nghèo về tiền bạc, ông tòa Tỷ sẵn sàng bao cấp, cung phụng cho cô đầy đủ và đưa cô
Ba Trà về sống chung ở nhà riêng trên đường Testard (đường Võ Văn Tần ngày nay).
Vì cô ăn xài quá lớn, nên sau hai năm, ông tòa Tỷ chia tay với cô.
Những thú tiêu khiển chết người
Cô Ba Trà có một thú tiêu khiển rất tốn kém, đó là mê hạt xoàn (kim cương). Mỗi lần
vua cờ bạc Sáu Ngọ, hoặc Hắc công tử hay Bạch công tử dắt cô đi lên lầu của nhà
hàng Charner (góc Nguyễn Huệ và Lê Lợi ngày nay) hoặc là tới cửa hiệu Alphana
Kim Thịnh, cô gật đầu với dây kim cương nào trong tủ kính thì các tay chơi kia đồng ý
cái rụp, để rồi xỉa rèn rẹt những tờ giấy bạc một trăm (tiền Đông Pháp) ra trả mà
không có chút nào hối tiếc. Được chiều chuộng như vậy nên Ba Trà tha hồ mua sắm.
Với những món trang sức đắt tiền như vậy, nếu cô Ba biết dành dụm cất giữ để làm
của riêng thì giàu sang biết mấy
Nhưng cùng lúc đó, cô Ba lại mắc một cơn nghiện khác nguy hiểm hơn nhiều, đó là
nghiện á phiện. Vào thời bấy giờ, những tay ăn chơi nổi tiếng đều coi việc làm bạn với
nàng tiên nâu là mốt thời thượng. Cô Ba Trà đã nhiễm cái mốt thời thượng đó và đã
trở thành nô lệ của nàng tiên nâu.
Hầu như ngày nào, cô cũng đi theo những tay ăn chơi trọc phú đó, cầm ống hút hít ro
ro, mắt lờ đờ thả hồn theo những cuộn khói trắng. Khi đi với các tình nhân thì họ bao
cho nàng hút. Lúc vắng họ thì cô tự sắm ống hút, mua những hộp thuốc phiện đắt như
vàng đem về nhà, rồi tự thả hồn theo mây khói. Dần dần, những chiếc nhẫn kim
cương, những chiếc vòng ngọc thạch, những món trang sức đắt tiền cũng đã bay theo
khói thuốc. Cô Ba Trà còn nghiện đánh bài nên bao nhiêu tài sản còn lại đều bị đốt
sạch trong những canh bạc.
Thời gian trôi qua, nhan sắc cô Ba Trà qua tuổi xuân thì cũng dần nhạt phai. Những
công tử, đại gia trước kia theo đuổi cô cũng lẩn tránh dần dần. Không có tài liệu nào
nói về năm mất của cô. Nhưng có thông tin nói rằng cô qua đời trong nghèo khổ và cô
đơn một mình ở gầm cầu thang của một chung cư tại Sài Gòn, với tài sản là một chiếc
ghế da do cha cô để lại từ xưa.
Cho đến bây giờ, chuyện cô Ba Trà luôn là một giai thoại “vang bóng một thời” của
đất Sài Gòn xưa. Sắc đẹp tuyệt trần, cùng với cuộc đời trụy lạc, lầm lỡ và nỗi gian khổ
ở tuổi xế chiều là minh chứng rõ ràng nhất cho câu “hồng nhan bạc mệnh”.

You might also like