You are on page 1of 11

MÔ HÌNH NÀO CHO NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Nếu hệ thống ngân hàng được ví là huyết mạch thì Ngân hàng Trung
ương (NHTW) chính là trái tim của nền kinh tế. Một nền kinh tế chỉ có
thể phát triển lành mạnh khi có một NHTW thực hiện tốt chức năng điều
tiết hệ thống tiền tệ. Ngược lại, những trục trặc trong hoạt động của
NHTW cũng có thể gây ra những cú “đột quỵ” đối với cả nền kinh tế. Vì
vậy, ở bất kỳ quốc gia nào, NHTW cũng đều đóng vai trò đặc biệt trong
chiến lược phát triển kinh tế- xã hội.
Ở Việt Nam, trước khi hai Pháp lệnh ngân hàng ra đời (5/1990), hệ thống
Ngân hàng hoạt động theo mô hình một cấp, tức là NHNN vừa thực hiện
chức năng quản lý nhà nước vừa thực hiện chức năng kinh doanh tiền tệ,
tín dụng. Sau khi hai Pháp lệnh ngân hàng ra đời, hệ thống Ngân
hàng chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình hai cấp; theo
đó, lần đầu tiên đối tượng , nhiệm vụ và mục tiêu hoạt động của mỗi cấp
được luật pháp phân biệt rạch ròi:
- NHNN thực thi nhiệm vụ qủan lý nhà nước về hoạt động kinh doanh
tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối và ngân hàng; thực thi nhiệm vụ
của một và là ngân hàng của các ngân hàng. NHNN là cơ quan tổ chức
việc điều hành chính sách tiền tệ, lấy nhiệm vụ giữ ổn định giá trị đồng
tiền làm mục tiêu chủ yếu và chi phối căn bản các chính sách điều hành
cụ thể đối với hệ thống các ngân hàng cấp 2.NHTW- là ngân hàng duy
nhất được phát hành tiền
- Các hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực lưu thông tiền tệ, tín dụng,
thanh toán, ngoại hối và dịch vụ ngân hàng trong toàn nền kinh tế quốc
dân do các định chế tài chính, ngân hàng và phi ngân hàng thực hiện.
Tháng 12/1997, Luật NHTW của nước CHXHCN Việt Nam ra đời và có
hiệu lực thi hành từ 1/1/1998. Theo đó NHNN là cơ quan của Chính
phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân
hàng; là ngân hàng phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và
ngân hàng làm dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ. Kể từ đó đến nay, ngành
Ngân hàng nói chung và NHNN Việt Nam nói riêng đã có những bước
tiến khá dài trên con đường phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế
thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động khó lường, những hạn
chế của ngành Ngân hàng nói chung và NHNN nói riêng là điều khó
tránh khỏi và cần có sự cải cách như Đảng và Nhà nước đã chỉ ra ở trên.
Trước tình hình đó, một vấn đề lớn được đặt ra: Thế nào là một NHTW
hiện đại? Câu hỏi tưởng chừng như rất đơn giản này cho đến nay vẫn
chưa có câu trả lời thỏa đáng. Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả ở các nước
trên thế giới cũng chưa có một định nghĩa chính thống nào về NHTW
hiện đại.
Đến nay, trên thế giới đã biết đến 3 mô hình NHTW: (1) NHTW độc lập
với Chính phủ; (2) NHTW là một cơ quan thuộc Chính phủ; và (3)
NHTW thuộc Bộ Tài chính.
Liên quan đến việc lựa chọn mô hình NHTW, nhiều chuyên gia kinh tế
nhất trí rằng không có mô hình NHTW nào là lý tưởng cho mọi quốc
gia. Sự lựa chọn này không hoàn toàn nằm trong ý muốn chủ quan
mà còn phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế- xã hội và thể
chế chính trị của từng nước.
Điều đó có nghĩa rằng mỗi một quốc gia có thể vận dụng một mô hình
NHTW khác nhau phù hợp với điều kiện thực tiễn của mình. Ở nước ta,
NHNN là cơ quan của Chính phủ và Thống đốc NHNN là thành viên
Chính phủ. Thời gian qua, khi bàn đến vấn đề cải cách NHNN, một số ý
kiến cho rằng chúng ta nên lựa chọn mô hình NHTW độc lập với lý do cơ
bản được đưa ra là NHTW càng độc lập thì mục tiêu duy trì tỷ lệ lạm phát
thấp càng dễ thực hiện. Về mặt lý thuyết, điều này là đúng, tuy nhiên, tác
giả cho rằng trong thời điểm hiện nay và có thể trong nhiều năm tới, mô
hình NHNN là một cơ quan của Chính phủ như hiện nay vẫn phù hợp với
thể chế chính trị, đặc thù kinh tế- xã hội và hệ thống luật pháp của nước
ta. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả hoạt động của NHNN với tư cách
là một NHTW trong nền kinh tế thị trường, việc nâng cao tính độc lập
của NHNN là hết sức cần thiết. Nâng cao tính độc lập không có nghĩa là
phải tách NHNN ra khỏi bộ máy Chính phủ mà cần phải trao thêm quyền
cho Thống đốc- người đứng đầu NHNN- trong việc chủ động lựa chọn
và điều hành các công cụ chính sách tiền tệ. Như vậy, trong bối cảnh
nước ta hiện nay, vấn đề đặt ra không phải là thay đổi mô hình mà là lựa
chọn cấp độ độc lập tự chủ nào cho phù hợp với NHNN?
Theo một nghiên cứu được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố vào tháng
12/2004, về cơ bản, các NHTW trên thế giới được phân thành 4 cấp độ
độc lập tự chủ gồm: (i) Độc lập tự chủ trong thiết lập mục tiêu hoạt động;
(ii) Độc lập tự chủ trong thiết lập chỉ tiêu hoạt động; (iii) Độc lập tự chủ
trong lựa chọn công cụ điều hành; và (iv) Độc lập tự chủ hạn chế.
Để góp phần làm sáng tỏ phần nào vấn đề đặt ra, chúng ta hãy cùng phân
tích từng cấp độ độc lập tự chủ nói trên và đối chiếu với điều kiện thực tế
ở Việt Nam để có thể rút ra kết luận hợp lý; cụ thể là:
- Thứ nhất, độc lập tự chủ trong thiết lập mục tiêu hoạt động: Với mô
hình này, NHTW có trách nhiệm quyết định chính sách tiền tệ (CSTT),
chế độ tỷ giá (nếu không theo chế độ thả nổi tỷ giá) và có quyền quyết
định mục tiêu hoạt động chủ yếu trong số các mục tiêu đã được pháp luật
quy định. Đây là cấp độ độc lập tự chủ cao nhất mà một NHTW có thể
đạt được mà ví dụ điển hình là Hệ thống Dự trữ Liên bang Mỹ
(FED). Tuy nhiên, đây cũng chính là cấp độ độc lập tự chủ khó vận dụng
nhất, vì nó đòi hỏi NHTW phải có uy tín cao và năng lực thực thi rất tốt
thì mới có thể biến mục tiêu hành hiện thực, nhất là trong giai đoạn thực
thi chính sách tiền tệ (CSTT) thắt chặt. Bên cạnh đó, cấp độ độc lập tự
chủ này cũng đòi hỏi NHTW có khả năng dự báo chuẩn xác trên cơ sở
các thống kê kinh tế- tài chính, vì chỉ có như vậy thì NHTW mới có thể
thực hiện được mục tiêu đề ra.
Ngoài các lý do về trình độ phát kinh tế, tính đặc thù về thể chế chính trị
và hệ thống pháp luật, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói chung và
hệ thống tài chính nói riêng đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ,
việc dự báo dựa trên các biến số kinh tế- tài chính là rất khó khăn. Bên
cạnh đó, năng lực thống kê và dự báo của chúng ta hiện vẫn còn rất hạn
chế. Vì vậy, mức độ tự chủ này là không phù hợp với NHNN ít nhất là
trong thời gian trung hạn.
- Thứ hai, độc lập tự chủ trong thiết lập chỉ tiêu hoạt động: Ở cấp độ này
này, NHTW cũng được trao trách nhiệm quyết định CSTT và chế độ tỷ
giá nhưng khác với cấp độ độc lập tự chủ trong thiết lập mục tiêu hoạt
động ở chỗ một mục tiêu hoạt động chủ yếu của NHTW được quy định
cụ thể trong Luật, ví dụ như mục tiêu hoạt động hàng đầu của NHTW
Châu Âu (ECB) là “duy trì sự ổn định giá cả”. Với cấp độ độc lập tự chủ
này, việc thay đổi mục tiêu duy nhất đòi hỏi phải sửa đổi Luật NHTW.
Hơn nữa, tương tự như lý do vừa nêu ở trên, cấp độ độc lập tự chủ này
cũng tỏ ra không phù hợp với NHNN trong giai đoạn trước mắt. Tuy
nhiên, trong tương lai, cấp độ độc lập này có thể được cân nhắc, xem xét
khi điều kiện cho phép (các biến số kinh tế- tài chính đã trở nên ổn định
hơn; năng lực thống kê, dự báo được cải thiện;…);
- Thứ ba, độc lập tự chủ trong lựa chọn công cụ điều hành: Với mô hình
này, Chính phủ hoặc Quốc hội quyết định chỉ tiêu CSTT sau khi thảo
luận, thỏa thuận với NHTW. Khi quyết định được thông qua, NHTW có
trách nhiệm hoàn thành chỉ tiêu trên cơ sở được trao đủ thẩm quyền cần
thiết để có thể toàn quyền lựa chọn những công cụ điều hành CSTT phù
hợp nhất. Tiêu biểu cho cấp độ độc lập tự chủ này là Ngân hàng Dự trữ
New Zealand (The Reserve Bank of New Zealand) và Ngân hàng Canada
(The Bank of Canada). Nói cách khác, NHTW được trao đủ thẩm quyền
để lựa chọn các công cụ điều hành một cách linh hoạt và phù hợp nhất
nhằm đạt được các chỉ tiêu đã được thỏa thuận giữa Chính phủ/Quốc hội
với NHTW.
- Thứ tư, độc lập tự chủ hạn chế: Là cấp độ độc lập tự chủ thấp nhất, theo
đó Chính phủ là nơi quyết định chính sách (cả về mục tiêu lẫn chỉ tiêu
hoạt động) cũng như can thiệp vào quá trình triển khai thực thi CSTT.
Đây là một trong những nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả hoạt động của
NHTW, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền.
Đây chính là trường hợp của NHNN Việt Nam hiện nay và trên thực tế
thì mức độ độc lập tự chủ này đã bắt đầu bộc lộ những mặt hạn chế, bất
cập.
Một số công trình nghiên cứu khác nhau cũng đã đi đến kết luận rằng
những nước mà NHTW có mức độ độc lập tự chủ cao thường có tỷ lệ
phạm phát thấp (Eijffinger & De Haan, 1996). Nói chung, các nghiên cứu
về NHTW thường nghiêng về ý kiến cho rằng nên giao việc xây dựng,
quyết định và thực thi CSTT cho một NHTW chuyên sâu, độc lập và kiên
định với mục tiêu hàng đầu là duy trì sự ổn định giá cả. Điều đó sẽ góp
phần nâng cao hiệu quả của các tác động về mặt chính sách cũng như uy
tín của các nhà hoạch định chính sách. Tất nhiên, tính độc lập của NHTW
cần được xây dựng trên cơ sở các quy định pháp lý liên quan. Việc thiếu
tôn trọng pháp luật ở một số nước là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình
trạng NHTW độc lập về mặt hình thức không có khả năng kiểm soát lạm
phát và thực thi các chức năng một cách có hiệu quả.
Như vậy, theo quan điểm của tác giả, cấp độ “Độc lập tự chủ trong lựa
chọn công cụ điều hành” tỏ ra phù hợp nhất với NHNN Việt Nam trong
giai đoạn hiện nay cũng như trong nhiều năm tới, đặc biệt là trong bối
cảnh việc điều hành CSTT ở nước ta đã từng bước được đổi mới theo
nguyên tắc thị trường, dần loại bỏ các công cụ trực tiếp và sử dụng các
cụng cụ gián tiếp. Hơn nữa, mức độ độc lập tự chủ này cho phép dung
hòa giữa mục tiêu của CSTT với các mục tiêu của chính sách kinh tế
trong một giai đoạn nhất định.
Với những lập luận nói trên, tác giả cho rằng trong thời gian trước mắt,
chúng ta không nên đặt vấn đề lựa mô hình NHTW độc lập với Chính
phủ. Thay vào đó, để đảm bảo thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ và
mục tiêu đề ra, NHNN Việt Nam cần được trao quyền độc lập, tự
chủ hơn trong việc đưa ra các quyết định chính sách; đồng thời được
quyền kiểm soát tất cả các công cụ có ảnh hưởng tới các mục tiêu của
CSTT, nhất là về vấn đề chống lạm phát, hạn chế việc tài trợ trực tiếp cho
thâm hụt ngân sách của Chính phủ. Bên cạnh đó, cũng cần trao cho
NHNN quyền chủ động quyết định về tài chính, tức là tự chủ về ngân
sách. Có như vậy thì NHNN mới có đủ nguồn lực để thu hút đội ngũ cán
bộ, công chức có đủ năng lực, trình độ để đảm bảo thực thi chức năng,
nhiệm vụ một cách có hiệu quả nhất.
Doãn Hữu Tuệ
(Viện Chiến lược Ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
Trong khuôn khổ của bài viết này, tác giả không có tham vọng đi tìm lời
giải đáp cho câu hỏi trên mà chỉ xin đề cập đến một khía cạnh liên quan,
đó là: Mô hình nào cho NHNN Việt Nam?
AI NUÔI NHÀ NƯỚC
Chúng ta thường thấy các khẩu hiệu tuyên truyền việc đóng thuế, nhưng
hầu như chỉ nói về nghĩa vụ (có khi thêm vinh dự) của người dân; hiếm
khi thấy khẩu hiệu giúp cho dân hiểu rõ đóng thuế là nuôi Nhà nước -
Ảnh: Việt Tuấn.
Đánh thuế trực tiếp để người tiêu dùng cảm nhận được đồng tiền
thuế của mình là để nuôi Nhà nước và đáp ứng yêu cầu: “Xây dựng
một xã hội dân chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải
thực sự là công bộc của nhân dân” (*).

Trong một dịp đi họp ở Mỹ cách đây trên 10 năm, tôi đến một cửa hàng
mua đôi giày da. Sau khi chọn và đi thử một đôi có giá 96 USD, tôi trả
tiền bằng tờ bạc 100 USD. Người bán hàng nói còn thiếu, tôi chỉ vào biển
ghi giá thì được giải thích là giá này còn phải cộng thêm 10% thuế mà
người tiêu dùng đóng cho Nhà nước. Sang Canada, tôi cũng thấy cách
tính thuế tương tự đối với hàng hóa và dịch vụ.

Tôi nêu vấn đề với các chuyên gia kinh tế sở tại: Ở Việt Nam, thuế hàng
hóa được thu ngay khi hàng xuất xưởng và được gọi là thuế gián thu (thu
gián tiếp) vì thu từ doanh nghiệp sản xuất hàng nhưng thực chất tiền thuế
ấy đánh vào người tiêu dùng. Thay vì thu rải rác khi có người mua hàng,
nay thu gọn một nơi, một lúc khi hàng xuất xưởng chẳng tiện hơn sao?

Người đối thoại với tôi giải thích về cách thu thuế của họ như sau: Trước
hết đây là thuế mà người tiêu dùng đóng nên khi nào hàng được tiêu thụ
thì mới tính thuế; nếu thu trước từ người sản xuất mà ở khâu bán lẻ, hàng
không bán được thì sao? Lẽ thứ hai, chúng tôi muốn người dân biết rõ và
luôn luôn nhớ là mình đóng thuế nuôi Nhà nước; thuế thu nhập cá nhân
cũng nhắc nhở điều đó, nhưng mỗi tháng hoặc mỗi quý chỉ một lần nộp,
còn thuế hàng hóa, dịch vụ thì hầu như ngày nào dân cũng đóng. Chính vì
thế nên giá hàng khi niêm yết là giá chưa có thuế hàng hóa để người mua
tự tính thêm.

Đối với thuế mà người tiêu dùng phải nộp, cách thu trực tiếp hay thu gián
tiếp hợp lý và có lợi hơn, tôi không phải chuyên gia về thuế nên không
dám so sánh, song thấy rất ấn tượng về cái lẽ thứ hai mà họ giải thích.
Nguồn thu của ngân sách nhà nước là do dân đóng góp dưới nhiều hình
thức; viện trợ không hoàn lại của nước ngoài chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ;
thu từ tài nguyên cũng là nguồn thu do tài sản thuộc sở hữu toàn dân
mang lại; bội chi ngân sách được bù đắp bằng các khoản vay trong và
ngoài nước, rút cuộc cũng do dân trả nợ trong các năm sau. Ở nước ta,
kinh phí hoạt động của Đảng và các tổ chức chính trị-xã hội cũng dựa vào
ngân sách nhà nước toàn bộ hoặc phần lớn, nên có thể nói dân ta nuôi cả
hệ thống chính trị.

Cách thu thuế như ở Mỹ và Canada nhằm thường xuyên nhắc nhở người
dân hiểu và nhớ rằng mình nuôi Nhà nước là một biện pháp thiết thực tôn
trọng người dân, cổ vũ dân chủ. Người dân ý thức rõ là bộ máy nhà nước
do dân nuôi nên bộ máy này phải phục vụ dân; người nuôi bộ máy có
quyền đòi hỏi các cơ quan công quyền phải thực hiện đúng quy chế công
khai, minh bạch và được dân giám sát.

Thử làm một cuộc thăm dò ở nước ta xem bao nhiêu phần trăm công dân
biết rằng Nhà nước do mình nuôi bằng thuế? Có thể nói chắc là tỷ lệ
không cao. Chúng ta thường thấy các khẩu hiệu treo trên đường phố hoặc
viết chữ to ở bảng đầu làng, đầu ngõ tuyên truyền việc đóng thuế, nhưng
hầu như chỉ nói về nghĩa vụ (có khi thêm vinh dự) của người dân khi nộp
thuế; hiếm khi thấy khẩu hiệu giúp cho dân hiểu rõ đóng thuế là nuôi Nhà
nước. Gần đây, một số cửa hàng lớn, khách sạn, nhà hàng, công ty dịch
vụ... ghi rõ trong phiếu thu tiền phần giá hàng hóa, dịch vụ và phần thuế
mà người tiêu dùng phải nộp. Tuy nhiên đối với đông đảo nhân dân, nhất
là ở nông thôn, không mấy người biết rằng khi mua hàng (từ hàng tiêu
dùng đến máy móc, vật liệu... sản xuất trong nước và nhập khẩu), người
mua đã đóng thuế cho Nhà nước trong giá mua hàng.

Không chỉ người dân thường mà không ít người trong bộ máy công
quyền cũng không ý thức được rằng mình được dân nuôi. Ở nước ta mỗi
khi người dân có được thành tựu, hoặc được được hưởng một lợi ích nào
đó thì thường nói là ơn Đảng, ơn Chính phủ.

Chúng ta biết rằng một chủ trương, chính sách đúng của Đảng và Nhà
nước được tổ chức thực hiện tốt thì đem lại lợi ích cho dân. Muốn hoạch
định đúng chủ trương, chính sách, phải dựa vào trí tuệ, kinh nghiệm và ý
kiến đóng góp của dân. Trong mọi lĩnh vực hoạt động, nhất là về kinh tế,
xã hội, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, dù quan trọng đến
đâu cũng chỉ vạch hướng, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt
động của dân, không thể trực tiếp tạo ra kết quả cụ thể trong sản xuất, đời
sống vật chất và tinh thần nếu không có sự đồng thuận và tích cực thực
hiện của dân.

Như vậy, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách phải do nỗ lực hoạt
động của dân. Ngay cả khi Nhà nước đầu tư trực tiếp hoặc thông qua các
tổ chức, doanh nghiệp của Nhà nước để cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho
người dân, thì nhà nước cũng sử dụng các nguồn lực của dân để làm việc
đó, và trong nhiều trường hợp, chất lượng, hiệu quả lại không bằng người
dân tự tổ chức làm.
Về vai trò quyết định của dân đối với sự phát triển của đất nước, mọi
người đều công nhận và thường xuyên nhắc tới. Tuy nhiên, trong nhận
thức và hành động thực tế có không ít trường hợp điều đó bị lãng quên
mà chỉ thấy sự lãnh đạo và quản lý của Đảng, của Nhà nước.

Một ví dụ: báo cáo trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ đầu tháng 5
vừa qua về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2009 có
câu mở đầu như sau: “Nhờ sự chỉ đạo tập trung quyết liệt của Chính phủ
và sự nố lực của các ngành, các cấp, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển
kinh tế, xã hội trong 4 tháng có thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhưng đã có
sự chuyển biến theo hướng tích cực”. Như vậy, những cố gắng của dân
không được tính đến. Cách suy nghĩ này cũng khá phổ biến trong nhiều
cơ quan và cả trên báo chí.

Chúng ta biết rằng khi nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy giảm và lạm
phát do những yếu kém bên trong và chịu tác động bất lợi của khủng
hoảng tài chính - kinh tế trên thế giới, thì dân và doanh nghiệp, nhất là
khu vực tư nhân, là người gặp nhiều khó khăn nhất, phải vật lộn rất gay
go mới có thể tồn tại và phát triển. Những chính sách và biện pháp tình
thế của Chính phủ nếu đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tế thì chỉ có thể
làm giảm bớt khó khăn và tạo thêm điều kiện cho việc làm ăn của dân và
doanh nghiệp; người dân và doanh nghiệp phải vận động tự thân là
chính. Đây chính là tiềm năng to lớn nhất cho sự phát triển.

Mọi người đều đánh giá nền nông nghiệp và nông dân nước ta trong năm
2008 và đầu năm 2009 đã duy trì tốt đà tăng trưởng, góp phần quan trọng
ổn định tình hình kinh tế, tạo thuận lợi cho các ngành và lĩnh vực hoạt
động khác. Trong thành tựu của nông nghiệp, có phần nhờ tác động của
các chính sách và đầu tư từ nhiều năm nay của Nhà nước; song nói riêng
về các biện pháp kích cầu để vượt qua khó khăn, ngăn chặn suy giảm
kinh tế thì đến tháng 4 năm nay Chính phủ mới có chính sách ưu đãi đối
với nông dân và việc thực hiện còn phải có thời gian. Vì vậy đối với một
số chuyển biến tích cực của nền kinh tế trong bối cảnh có nhiều khó khăn,
thách thức, nếu chỉ thấy “sự chỉ đạo tập trung kiên quyết của Chính phủ
và sự nỗ lực của các ngành, các cấp” thì đó là cách nhìn rất phiến diện vì
không đánh giá đúng những cố gắng rất to lớn của dân và doanh nghiệp.

Nhận thức sâu sắc vai trò và tiềm năng to lớn của dân là nền tảng về tư
duy để hoạch định chính sách đổi mới và phát triển đất nước, xây dựng
Nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân, vì dân.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X đã nêu rõ: “Xây dựng một xã hội dân
chủ, trong đó cán bộ, đảng viên và công chức phải thực sự là công bộc
của nhân dân”. Để thực hiện yêu cầu đó, câu hỏi: “Ai nuôi Nhà nước và
cả hệ thống chính trị ở Việt Nam?” cần được mọi người trong bộ máy
công quyền cũng như mọi người dân trả lời rõ và ghi nhớ trong lòng.

You might also like