You are on page 1of 4

Nhân vật ông Hai

Nhà văn Trung Quốc Cao Hành Kiện từng chia sẻ rằng : “Nhà văn không phải là nhà tiên tri,
cũng không có nhiệm vụ thêu dệt những truyện thần tiên đẹp đẽ hay đưa ra những hứa hẹn về tương
lai cho con người hay nhóm người được chọn”. Trái lại nhà văn phải là “người con của đời sống”, “mở
hồn ra để đón lấy những vang động của đời”, đào sâu vào hiện thực để khắc họa những vấn đề nhân
sinh, những thân phận, suy tư sâu sắc của cuộc đời. Hướng ngòi bút của mình vào người nông dân,
nhà văn Kim Lân đã gửi gắm trọn vẹn những tâm tình của mình vào tác phẩm “Làng” để mang đến cho
người đọc một tác phẩm văn chương chân chính.
Tác giả Kim Lân sinh năm 1920 và mất năm 2007. Tên khai sinh của ông là Nguyễn Văn Tài. Quê
quán ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông là nhà văn trưởng thành trong suốt hai cuộc kháng chiến. Sở
trưởng của người là truyện ngắn. Đề tài mà ông hướng đến là nông dân và nông thôn Việt Nam. Ông
được coi là nhà văn của nông nhân Việt Nam. Ông cũng được đánh giá là nhà văn am hiểu sâu sắc về
đời sống sinh hoạt, cảnh ngộ của người nông dân Việt Nam. Nguyên Hồng từng nhận xét : Kim Lân là
nhà văn một lòng đi về với “đất” với “người” với “thuần hậu nguyên thủy” của cuộc sống nông thôn.
Một trong những sáng tác tiêu biểu viết về người nông dân là Làng. Truyện ngắn “Làng” được sáng tác
trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, lần đầu ra mắt bạn đọc trên “Tạp chí Văn nghệ”
năm 1948. Truyện ngắn đã ca ngợi tình yêu làng, yêu nước sâu sắc mãnh liệt của người nông dân qua
hình tượng nhân vật ông Hai. Truyện ngắn cũng cho thấy sự chuyển uyển mới trong nhận thức của
người nông dân trong tình yêu làng quê, đất nước.
Balzac-nhà văn hiện thực nổi tiếng của nước Pháp quan niệm rằng: “Nhà văn phải là thư kí
trung thành của thời đại”. Câu nói đã cho thấy vai trò của nhà văn trong việc phản ánh hiện thực. Thế
nhưng ta cũng hiểu rằng văn học phản ánh hiện thực song không phải là sao chép hiện thực một cách
hời hợt, nông cạn. Nhà văn không bê nguyên xi các sự việc, con người vào trong trang sách một cách
thụ động, giản đơn. Nhân vật trong tác phẩm của một thiên tài thực sự nhiều khi thật hơn cả con
người ngoài đời bởi sức sống lâu bền, bởi ý nghĩa điển hình của nó. Qua tác phẩm ta như thấy cả một
tầng lớp, một giai cấp, một thời đại. Được mệnh danh là nhà văn của nông dân Việt Nam, nhà văn Kim
Lân đã xây dựng thành công một nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình đó là ông Hai. Ông Hai
là người dân làng Chợ Dầu. Đặc điểm nổi bật của ông là tình yêu làng sâu sắc mãnh liệt. Niềm tự hào
về ngôi làng anh dũng kháng chiến. Ông có sở thích hay khoe làng. Ông khoe về những cái bề thế lớn
nhất ở làng. Trước cách mạng, ông khoe làng ông có những ngôi nhà mái ngói san sát, có những con
đường lát đá màu xanh. Ông còn khoe cái sinh phần của viên tổng đốc làng. Sau cách mạng, ông khoe
làng ông là làng kháng chiến có cái chòi phát thanh cao để nghe tin tức. Ông còn khoe dân công làng
ông đào hào, đắp ụ phục vụ kháng chiến. Như vậy có thể nói tình yêu, niềm tự hào về làng đã trở
thành tình yêu máu thịt gắn bó trong tâm thức của người dân quê. Vì hoàn cảnh ông buộc phải rời
làng đi tản cư. Với ông tản cư cũng là kháng chiến. Ở nơi tản cư ông vẫn luôn da diết nhớ về ngôi làng
của mình. Ông vẫn thường sang phòng thông tin để nghe tin tức kháng chiến. Ông luôn dõi theo tin
tức về làng. Ngôi làng có một vị trí đặc biệt trong trái tim ông. Làng như tiếp thêm sức mạnh, động lực
cho những người dân phải đi tản cư.
Dù có đi bất cứ nơi đâu về đâu, trong trái tim của những người nông dân vẫn luôn mang theo
hình bóng của làng. Ta chợt nhớ đến những vần thơ trong bài “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm:
“ Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”
Như mọi ngày ông Hai đều ra phòng thông tin để nghe tin tức kháng chiến. Buổi sáng hôm nay,
từ phòng thông tin trở về nhà ông đang có tâm trạng vui vẻ, phấn khích vì nghe được tin ta thắng ở
nhiều nơi. Ông đem theo niềm vui đó trên suốt dọc đường trở về nhà, như một liều thuốc tinh thần
tạo nên sự hưng phấn trong ông.
Giữa lúc niềm vui mừng, phấn khởi đang dâng lên đến tột độ thì một tình huống truyện bất
ngờ xảy ra làm đảo lộn cuộc sống của ông lão. Xây dựng tình huống truyện này phải chăng để khẳng
định tình yêu làng quê sâu sắc mãnh liệt? Đồng thời cùng với tình huống truyện này đã đưa nhân vật
vào cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt buộc phải có sự lựa chọn. Điều đó cũng chứng tỏ tài năng kể
chuyện của nhà văn Kim Lân. Trên đường từ phòng thông tin trở về, ông gặp đám người đi tản cư và
tình cờ nghe được tin làng Chợ Dầu yêu quý của ông đã làm Việt gian theo Tây. Khi ấy “Cổ ông lão
nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”. Bởi vì cái tin ấy
đến với ông quá bất ngờ và đột ngột khiến ông sững sờ, ngạc nhiên và đến nằm mơ ông cũng không
tưởng tượng ra nổi. Ông lắp bắp hỏi lại những người tản cư : “Liệu có thật không hở bác. Hay là chỉ
lại…”. Ông hi vọng đó chỉ là tin đồn thất thiệt bởi vì niềm tin, lòng tự hào về ngôi làng Chợ Dầu vẫn còn
quá lớn trong ông. Khi những người tản cư khẳng định bằng những bằng chứng xác thực buộc ông lão
đánh trống lảng rời quán và trở về nhà. Ông cảm thấy vô cùng đau khổ, nhục nhã.
Mang theo tâm trạng ấy, trên đường trở về nhà “Ông cúi gằm mặt mà xuống mà đi” như để
trốn tránh cái nhìn soi mói của mọi người. Nghe thấy tiếng chửi của đám tản cư vọng lại mà ông cảm
thấy nhục nhã, xấu hổ như họ đang chửi ông vì ông chính là con dân của làng Việt gian bán nước. Về
đến nhà ông “nằm vật ra giường” trong sự đau khổ và chán chường đến tột độ. Nhìn con chơi mà
“nước mắt ông lão giàn ra”, ông thương con ông, chúng là những đứa trẻ vô tội rồi đây cũng sẽ bị
người ta hắt hủi rẻ rúng. Ông căm tức những tên Việt gian bán nước ở làng ông để nỗi cực nhục cho
cả làng. “Ông nắm chặt hai tay lại mà rít lên: Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi
làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.” Sau tiếng chửi ông cảm thấy ngờ ngợ lời mình
không được đúng lắm. Ông kiểm điểm lại từng người và thấy họ toàn là những người có tinh thần
kháng chiến. Nhưng rồi sự thật là tên Chánh Bệu là nhân vật có thật ở làng buộc ông phải cay đắng
chấp nhận sự thật. Niềm tin về ngôi làng giờ đây hoàn toàn bị sụp đổ. Tối đến căn nhà dường như lặng
đi hiu hắt. Không ai muốn nói với ai một điều gì. Ông gắt gỏng một cách vô cớ khi bà Hai cố ý nhắc đến
tin làng Chợ Dầu theo giặc. Suốt đêm “ông Hai vẫn trằn trọc không sao ngủ được”, “chân tay nhủn ra,
tưởng chừng như không cất lên được”. Tin làng Chợ Dầu theo Tây đã ảnh hưởng nặng nề đến tâm lí
nhân vật.
“Làng Chợ Dầu theo giặc”, cái tin đầy bất ngờ đã gây ra một cú sốc lớn đối với ông lão, ảnh
hưởng nặng nề đến cuộc sống, sinh hoạt của ông. Suốt mấy ngày sau đó ông không dám ra khỏi nhà,
chỉ quanh quẩn trong nhà. “ Một đám đông túm lại, ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa, ông
cũng chột dạ.” ông nghĩ rằng chắc họ lại đang bàn tán về chuyện làng của ông. “ Nghe tiếng Tây, Việt
gian, cam-nhông… là ông lại lủi ra một góc nhà, nín thít.” Cái tin làng Chợ Dầu theo giặc đã trở thành
nỗi ám ảnh thường xuyên chi phối tất cả mọi suy nghĩ, hành động của ông lão. Biết ông từ một người
hay nói hay làm trở nên sống thu mình khép kín và gần như tuyệt giao với mọi người.
Cái làng đối với người nông dân đặc biệt là vùng đồng bằng Bắc Bộ có một ý nghĩa cực kì quan
trọng trong đời sống vật chất tinh thần. Nó gắn bó với họ hàng ngày và suốt cả cuộc đời. Vì thế cho
nên phải từ bao đời nay tình yêu làng đã trở thành tình yêu máu thịt gắn bó trong tâm thức của người
dân quê. Còn gì đau khổ hơn khi niềm tin về ngôi làng bị sụp đổ. Điều mà ông Hai lo sợ nhất cũng đã
đến: Mụ chủ nhà thông báo có lệnh đuổi hết người dân làng Chợ Dầu ra khỏi vùng tản cư. Đây có thể
nói là tình huống cao trào của câu truyện đưa nhân vật vào cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt, bộc lộ rõ
tính cách của nhân vật. Nghe tin ấy từ mụ chủ nhà, “Ông Hai ngồi lặng trên một góc giường. Bao nhiêu
ý nghĩ đen tối, ghê rợn nối tiếp bời bời trong đầu óc ông lão.” Với ông lão đến đây thật là tuyệt đường
sinh sống. Ông chớm có ý nghĩ: “Hay là quay về làng?...” nhưng lập tức bị ông lão phủ nhận. Về làng là
chấp nhận cuộc sống làm Việt gian theo Tây, cam chịu kiếp sống nô lệ, một cuộc sống độc lập tự do
mà kháng chiến và cụ Hồ vừa mang lại cho những người nông dân như bố con ông thì làm sao đánh
đổi được. Giữa lúc bế tắc ấy, ông quyết định “ Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì nhất định
phải thù. Đây là một quyết định vô cùng đúng đắn và sáng suốt bởi ông đã biết đặt tình yêu nước lên
trên tình yêu làng, biết hi sinh cái riêng vì mục đích cao cả hơn của cuộc kháng chiến. Đây là một quyết
định khó khăn, đau khổ của ông lão bởi yêu làng mà phải thù làng. Đây có thể xem là một nhận thức
mới mẻ tiến bộ của người nông dân khi đặt tình yêu tổ quốc lên lợi ích chung. Tình yêu làng thì sâu
sắc mãnh liệt. Tình yêu nước thì thiêng liêng và sâu nặng. Có phải “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu
miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc” (I-li-a Ê-ren-bua).
Để vơi bớt nỗi niềm, ông trò chuyện với con út để nhắc con ghi nhớ hai điều: Nhà ta ở làng Chợ
Dầu bởi đó chính là nơi cha con ông sinh ra và lớn lên đã bao đời gắn bó máu thịt. Nơi đó từng là niềm
tự hào, hãnh diện, là chốn để có đi bất cứ nơi đâu cũng tha thiết tìm về. Quả đúng như Raxun
Gamzatov từng nói: “Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương, chứ không thể tách quê
hương ra khỏi con người”. Ủng hộ Hồ Chí Minh: ông nhắc con phải biết ơn kháng chiến cụ Hồ bởi đó
chính là những người đem lại cuộc sống tự do cho những người nông dân. Đoạn văn thể hiện một
cách sâu sắc tấm lòng thủy chung với cách mạng và cụ Hồ sẽ soi xét, chứng giám cho tấm lòng chân
thành của bố con ông dù chết cũng không bao giờ dám đơn sai. Tình yêu làng đã thống nhất hòa quện
trong tình yêu đất nước.
Nếu như trước cách mạng tháng 8 Ngô Tất Tố đã đem đến một chị Dậu với sức sống tiềm tàng
mạnh mẽ, Nam Cao xây dựng hình tượng lão Hạc-một người nông dân đầy lòng tự trọng và tình yêu
thương con vô bờ bến thì Kim Lân đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh người nông dân với tất
cả sự hồn hậu, mộc mạc, chân chất mà vô cùng đáng quý. Điều đó đã tạo nên vẻ đẹp riêng, sức hấp
dẫn riêng cho nhân vật. Nếu như cái tin làng Chợ Dầu theo giặc đã tạo nên yếu tố thắt nút của câu
truyện thì tin làng Chợ Dầu cải chính là mở nút cho câu truyện để dẫn đến kết thúc thật vui thật có
hậu. Buổi trưa hôm ấy, ông đi theo một người lạ mặt đến sẩm tối mới trở về. “Cái mặt buồn thỉu mọi
ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên. Mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ, hấp háy..”. Ông
gọi các con để chia quà. Ông sang nhà bác Thứ và những người hàng xóm để khoe hai cái tin. Làng
ông không phải là Việt gian theo Tây, tất cả chỉ là tin đồn thất thiệt. Ông khoe nhà ông bị Tây đốt nhẵn
với một tâm trạng hào hứng, vui vẻ, phấn khởi. Bởi vì đó là bằng chứng xác thực làng ông không lập
thề theo giặc. Những mất mát về mặt vật chất không đáng gì khi nó được đổi bằng niềm vui tinh thần
quá lớn với ông. Đằng sau những căn nhà bị Tây đốt ấy là bắt đầu cho sự hồi sinh về một ngôi làng. Tối
đến ông lại sang nhà bác Thứ lại hào hứng kể về chuyện làng của mình chi tiết rành rạch như thể chính
ông là người dự trận đánh ở làng.
“Làng’’ của Kim Lân có thể xem là một quốc ca về tình yêu quê hương, đất nước mà những
người lao động nghèo chính là những thanh âm trong trẻo réo dắt nhất để lại bao dư âm lắng đọng
trong lòng độc giả.
Nhà văn Phương Lựu đã từng nói rằng: “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nó đòi
hỏi người viết phải có sự sáng tạo, phong cách mới lạ thu hút người đọc”. Bằng tài năng nghệ thuật và
sự độc đáo của mình, Kim Lân đã đem đến một tác phẩm làm rung động hàng triệu trái tim bạn đọc.
Sự thành công được thể hiện ở ngôi kể thứ 3, tự sự kết hợp miêu tả, biểu cảm và bình luận. Tạo tình
huống truyện đặc sắc với yếu tố thắt nút, mở nút đưa nhân vật vào cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt,
bộc lộ rõ tính cách nhân vật. Ngôn ngữ kể mộc mạc, giản dị và gần gũi. Sử dụng câu nói mang tính
khẩu ngữ để câu truyện thêm chân thực, gần gũi. Cách kể chuyện hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Nghệ
thuật miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật một cách đặc sắc thể hiện sự giằng xé về nội tâm, chứng
tỏ tài năng bậc thầy trong cách viết truyện của Kim Lân. Sử dụng các hình thức đối thoại, độc thoại,
độc thoại nội tâm góp phần thể hiện tính cách của nhân vật.
Truyện ngắn “Làng” đã ca ngợi tình yêu làng, yêu nước sâu sắc mãnh liệt của người nông dân
được kiểm chứng qua tình huống làng Chợ Dầu theo giặc. Truyện ngắn đã cho thấy một bước chuyển
biến mới trong nhận thức của người nông dân về tình yêu đất nước. Bồi dưỡng thêm cho mỗi chúng
ta về tình yêu quê hương, đất nước có ý thức giữ gìn phát huy những giá trị tốt đẹp của quê hương và
dân tộc.
Văn học từ bao đời nay vốn không phải là cái gì đó đơn giản dễ dãi như bao người vẫn nghĩ. Lao
động sáng tạo là 1 quá trình mệt nhoài không ngơi nghỉ của nghệ sĩ muôn đời. Vì thế khi đọc một tác
phẩm văn chương sao cho đúng nghĩa là công việc không thể đơn giản chút nào, làm sao để khi ta gấp
trang sách cuối cùng nhưng những nhân vật vẫn không thôi kể chuyện về họ. Liệu câu chuyện đó thực
sự kết thúc hay không? Ta chợt nhớ đến những lời tâm sự của nhà văn Aitmatov : “Tác phẩm chân
chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các
nhân vật đã kết thúc” và cũng còn bởi “trang sách cuối cùng dù có khép lại thì những ấn tượng về tác
phẩm vẫn in sâu vào tâm trí người đọc”. Phải chăng với truyện ngắn “Làng”, nhà văn Kim Lân đã làm
trọn vẹn những thiên chức cao quý đó.

You might also like